Seite auswählen

Cuộc đua vào các chức vụ hàng đầu ở Việt Nam: Ứng viên mới, thách thức cũ

 

Fulcrum

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Trúc Lam, chuyển ngữ

Tiếng Dân

21-5-2024

Việt Nam đã thực hiện hai vụ thay ghế ở hàng chóp bu. Nhưng câu hỏi là, ứng viên nào sẽ nắm ghế Tổng bí thư kế tiếp của đất nước.

 

Bốn ứng viên tiềm năng kế nhiệm Tổng Bí thư Trọng. Từ trái sang: Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn, Phạm Minh Chính và Lương Cường. Ảnh tổng hợp: Yue Yuewei / Tân Hoa Xã, Nhac Nguyen / AFP, Marty Melville / AFP, Đảng CSVN / Wikimedia Commons

Ngày 20/5, Quốc hội Việt Nam bầu Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch mới của Quốc hội, thay ông Vương Đình Huệ, là người từ chức hồi đầu tháng này. Dự kiến, hôm nay Quốc hội tiến hành thủ tục bầu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm tân Chủ tịch nước, lấp vào chỗ trống kể từ khi cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về vườn hồi tháng 3.

Từ đầu năm 2023, Việt Nam đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có, qua hàng loạt vụ sa thải và truy tố cấp cao. Do đó, việc bầu ông Lâm và Mẫn được coi là một bước tiến tới ổn định hệ thống, cũng như có được thời gian nghỉ ngơi cần thiết để Đảng tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, diễn ra trong vòng chưa đầy hai năm nữa. Tuy nhiên, việc bầu họ cũng làm tăng thêm sự phức tạp cho vấn đề nhân sự tại Đại hội, đặc biệt là việc lựa chọn nhân vật tiềm năng thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Ông Trọng là người đang nắm ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, dự kiến sẽ rời ghế vào năm 2026 do tuổi cao và sức khỏe yếu. Theo thông lệ và quy định của Đảng, các ứng cử viên tiềm năng cho cái chức này sẽ được lựa chọn từ bốn nhân vật lãnh đạo cao nhất xếp dưới ông trong hệ thống cấp bậc của Đảng. Trong số này có Chủ tịch nước sắp nhậm chức Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ông Cường là người cũng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã được bầu hồi tuần trước để thay thế bà Trương Thị Mai, làm Thường trực Ban Bí thư Đảng, sau khi bà Mai từ chức vì cáo buộc tham nhũng.

Trong số bốn ứng cử viên tiềm năng, ông Tô Lâm nổi bật là ứng cử viên nặng ký. Cái ghế Bộ trưởng Công an trước đây của ông mang lại cho ông lợi thế đáng kể so với các quan chức khác, kể cả các ủy viên Trung ương. Tuy nhiên, thành công của ông cuối cùng có thể phụ thuộc vào người kế nhiệm ông là ai. Theo quy định của đảng CSVN, chức vụ này phải do một ủy viên Bộ Chính trị nắm giữ. Tuần trước, Ban Chấp hành Trung ương bổ sung thêm bốn ủy viên mới vào Bộ Chính trị, nhưng không có cấp phó hay đồng minh nào của ông Lâm được bầu vào. Nếu một trong những người được ông bảo trợ hoặc đồng minh, chẳng hạn như Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, nếu được bổ nhiệm thay thế ông Lâm [nắm Bộ Công an], điều này sẽ củng cố triển vọng chính trị của ông. Tuy nhiên, nếu ai đó từ phe đối địch hoặc người mà ông ta không có quyền chọn, triển vọng của Tô Lâm có thể gặp nguy hiểm.

Các nhà lãnh đạo khác, gồm cả Trọng, cũng có thể ngần ngại ủng hộ ông Lâm tranh chức Tổng bí thư, do ông có gốc công an. Có ý kiến lo ngại rằng ông [Lâm] có thể lợi dụng bộ máy công an để biến Việt Nam thành “nhà nước công an trị”, gây tổn hại đến triển vọng kinh tế đất nước và đe dọa sự tồn vong của Đảng. Ngoài ra, chưa một chính trị gia đảng CSVN nào có gốc công an từng được bầu làm Tổng bí thư Đảng.

Ứng cử viên thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nổi lên là một trong những người chiến thắng trong bối cảnh chính trị hỗn loạn. Trong khi những đối thủ tiềm năng của ông cho các vị trí hàng đầu của Đảng, đặc biệt là ông Vương Đình Huệ, trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng, ông Chính có thể sống sót sau cuộc thanh trừng tàn nhẫn. Kể từ năm 2021, ông Chính tập trung nâng cao vị thế chính trị của mình bằng cách lãnh đạo Việt Nam vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, thu hút sự đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, đã có cáo buộc về mối quan hệ cá nhân của ông Chính với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một nữ doanh nhân, là người đã bị kết án vắng mặt vì nhiều tội hình sự liên quan đến gian lận đấu thầu và hối lộ. Những cáo buộc này có thể tiếp tục cản trở triển vọng chính trị của ông. Ngoài ra, lý lịch của ông Chính là cựu Thứ trưởng Bộ Công an trước khi chuyển sang vai trò dân sự hồi năm 2011, cũng có thể gây bất lợi cho ông.

Là một nhà lãnh đạo khiêm tốn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trần Thanh Mẫn đã từ từ thăng tiến trong Đảng. Nhưng ông không được nhiều người biết đến. Đó là do trước đây ông được bổ nhiệm vào các vị trí tương đối không quan trọng ở Hà Nội như Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Chủ tịch Quốc hội. Ưu điểm quan trọng nhất của ông Mẫn là tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1962). Đến năm 2026, cả ông Lâm lẫn ông Cường (đều sinh năm 1957) và ông Chính (sinh năm 1958) đều ngoài 67 tuổi. Bộ ba này sẽ cần phải xin miễn quy định về giới hạn độ tuổi để đủ điều kiện đảm nhận chức Tổng bí thư. Tuy nhiên, là người miền Nam có thể gây bất lợi cho ông Mẫn vì chưa có nhà lãnh đạo miền Nam nào từng được bầu vào chức vụ hàng đầu của đất nước. Điều này, cùng với quyền lực khá hạn chế và không nổi tiếng trong hệ thống, do đó có thể ông Mẫn bị cản trở cơ hội giành được ghế Tổng bí thư.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ông Lương Cường cũng có thể nổi lên như một ứng cử viên đáng chú ý trong cuộc đua. Do giữ vai trò là Chính ủy Quân đội, ông có thể phù hợp với mong muốn của Tổng bí thư Trọng về việc ưu tiên một người kế nhiệm bảo vệ sự liêm chính chính trị của Đảng và đề cao các nguyên tắc Maxit -xã hội chủ nghĩa. Tiền lệ đang đứng về phía ông Cường. Năm 1997, ông Lê Khả Phiêu là người giữ chức vụ tương tự như ông Cường, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Tuy nhiên, ông Cường thiếu kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh hay cấp trung ương, đây là một trong những tiêu chí then chốt cho vị trí tổng bí thư.

Phân tích trên cho thấy, không ai trong số bốn ứng cử viên tiềm năng có lợi thế rõ ràng và dứt khoát so với những người còn lại, khiến câu hỏi ai sẽ là người kế nhiệm Tổng bí thư Trọng, vẫn còn đang lơ lửng. Rất có thể quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến giờ thứ 11 trước Đại hội 14 của Đảng. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, hoặc nếu các thông lệ và quy định của Đảng không được giải quyết để cho phép có những ứng cử viên mới, thì khả năng ông Trọng tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, cũng có thể xảy ra. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn nó sẽ gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tương lai chính trị của Việt Nam và của chính đảng CSVN.