Seite auswählen

Ngô Đình Cẩn: Caper Emissarius – Một con dê tế thần 

 

Nguyễn Văn Lục

Đàn Chim Việt

16/05/2024

 

Vụ Xử Bắn ông Ngô Đình Cẩn.

Không có những cái chết thừa- kiểu chết là hết-, nhất là cái chết của một người làm chính trị bị xử bắn. Cái chết ấy gục xuống bên cạnh vũng máu vẫn có những thông điệp gửi cho những người còn sống-cho cả kẻ thù cũng như những người cùng chí hướng.

Những vết đạn và những nhát dao găm ghim trên thân xác ông Diệm-Nhu hẳn là đã khởi đi từ nhiều hướng: có phát do bà Nhu, có phát do Tổng giám mục Ngô Đình Thục, phát do từ những chiếc áo chùng đen và nhất là từ một chiếc áo nâu sồng, có phát từ những ngôi sao trên cổ áo nhà binh và phát ân huệ phải dành đặc biệt cho nước Mỹ mà đại diện là Cabot Lodge!!

Bài viết này một cách nào đó đi tìm những vết đạn do 10 Quân Cảnh bắn trên người ông Ngô Đình Cẩn đến từ những hướng nào?

Ông Ngô Đình Cẩn được mô tả là một con người nhà quê, ít học đến ngu dốt. Sự miệt thị ấy đôi khi trở thành những câu chuyện dân gian, diễu cợt. Người đời có thể căm hận và thù ghét sự thông minh của Ngô Đình Nhu và ngược lại sung sướng, chế diễu cái quê mùa của Ngô Đình Cẩn.

Đó là hai mặt của một trạng thái tâm lý l Sa Đích của thói đời .

Nhưng ở đây cái nhìn nửa con mắt đối với ông NĐC có thể đến từ những người anh em trong gia đình như trường hợp của ông Ngô Đình Nhu. Anh em có nhiều mối bất hòa. Vì thế, những ý kiến của ông Cẩn, những đề nghị này nọ, những việc làm của ông do “một bản năng chính trị” nhạy bén thường bị đánh giá thấp hoặc cho là có hại cho chế độ!!

Sự miệt thị ấy, ông Ngô Đình Cẩn đã chịu một sự thiệt thòi từ nhiều năm trong thời Đệ I Cộng hòa mà chỉ sau này- trớ chêu thay những kẻ thù của ông- những người cộng sản- mới trả lại công bằng cho ông được.

Cái chết của ông một phần nữa do những “ân oán giang hồ”, tích lũy trong 9 năm, những lời thị phi đồn thổi trong dư luận dân chúng mà hầu hết là thị phi. Chẳng hạn, người ta bàn tán đến sự ” lộng hành” của mụ Luyến – một người làm tin cẩn và lâu năm của gia đình Ngô Đình đến nỗi ra tòa mà tên tài xế của Đặng Sỹ dám khai là: Mụ Luyến dặn Đặng Sỹ: Nhớ nhé, cứ thế mà làm ..

Hệ số bản thân của ông Cậu Cẩn với những cách hành xử ”đặc biệt Ngô Đình Cẩn” nặng tính chất phong kiến cùng với sự phán đoán người, xử dụng nhân sự dựa trên lòng trung thành tuyệt đối tạo ra một lớp người phần lớn chỉ biết vâng dạ. Những tiêu chuẩn gốc miền, dòng họ, quan hệ quen biết và tôn giáo thường là yếu tố quyết định cho việc chỉ định nhân sự vào những vị trí then chốt..Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy những sĩ quan cao cấp, những vị chỉ huy hành chánh một điều Thưa Cậu, xưng con khi vào chào ông Cẩn. Có vị tướng tá không được ông Cẩn tiếp, ngày nào cũng lái xe đến chầu một cách lì lợm cho đến khi được tiếp.

Dùng những người chỉ biết bợ đỡ như thế là một con dao hai lưỡi, thật nguy hiểm.

Theo Arthur J.Dommen, Người Mỹ coi ông Ngô Đình Cẩn như một cố vấn tối cao với một bàn tay sắt, thống trị trên toàn thể miền Trung.

Khi người Mỹ muốn mở thêm tòa Lãnh sự Mỹ tại Huế vào ngày 29-7-1957. Phái đoàn của Mỹ mong được gặp ông Cố vấn trong dịp này. Rất tiếc sau đó đại sứ Durbrow và lãnh sự Robert E. Barbour được cho biết ông Cố vấn không tiếp hai vị được vì bịnh đau khớp xương phảI nằm dưỡng bệnh ở căn nhà cạnh bờ biển. Ông cố vấn tìm hết lý do này, lý do kia để từ chối. Mãi cho đến dịp Tết, ông Cẩn mới chịu tiếp Lãnh sự với điều kiện buổi gặp gỡ phải được tuyệt đối giữ bí mật. Ông Cẩn cũng từ chối nói truyện bằng tiếng Pháp và chỉ đôi lần nói vài câu mà thôi.

Nhận xét của viên lãnh sự là ông Cẩn thuộc loại đàn ông đẹp trai, đặc Huế, tuyệt đối bảo thủ và bài ngoại cũng như e ngại không tin bất cứ điều gì từ những người ngoại quốc.

Tôi có hỏi ông Nguyễn văn Minh, đặc trách Văn Phòng Cố Vấn Chỉ đạo xác nhận đúng, sai về việc này. Ông Minh cho biết, nếu có một buổi tiếp xúc như vậy thì ông phải là người đầu tiên được biết. Thật sự đã không có những buổi gặp gỡ chính thức với đại sứ Mỹ bao giờ.

(Trích The Indochinese Experience of the French and the Americans .. Arthur J.Dommen, trang 301-302).

Có nhiều yếu tố không thuận lợi về Hành Chánh và Lãnh đạo giữa Địa phương và Trung ương, giữa ông Cố vấn và các lãnh đạo địa phương. Có sự dẫm chân và lấn lướt quyền hạn đưa đến những quyết định độc đoán, những sự bổ nhiệm vượt qua mọi thủ tục hành chánh tạo ra sự đố kỵ, ghen ghét. Vì thế, không thiếu những người có tên tuổi đã cộng tác với chế độ từ buổi hoàng hôn lặng lẽ cất nón ra đi bằng nhiều cách.

Họ là những người như Trần Văn Lý, Trần Chánh Thành, Lý Trung Dung, Trần Trung Dung, Võ Như Nguyện, Trần văn Đỗ, Nguyễn Đôn Duyến, Nguyễn Chữ, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Vinh, Trương Văn Huê, Trần Điền, Trần Kim Tuyến và rất nhiều người khác không kể hết.

Nhất là trong quân đội dễ nảy sinh những đố kỵ và bất bình .

Nhưng một số người quen biết lâu với ông Cẩn lại có nhận xét khác . Con người ông Cẩn theo đại tá Nguyễn Thế Như, một người bạn cùng lớp thì ông Cẩn thông minh, nhưng ham chơi, ham đá banh và những thú vui như nuôi thú vật, chim chóc và đi câu.

Sau khi ông Ngô Đình Khả qua đời năm 1925 thì anh em mỗi người tứ tán mỗi nơi. Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đi làm quan. Ngô Đình Thục đi tu rồi du học Rô ma. Ngô Đình Nhu học tiểu chủng viện An Ninh ( Cửa Tùng), sau đi du học Pháp. Ngô Đình Luyện, em út sau cùng cũng theo các anh đi du học.

Chỉ còn lại Ngô Đình Cẩn quanh quẩn bên mẹ già và mấy chị gái.

Có vẻ ông thích cuộc sống bình dị, gần gũi những người nhà quê, thích những sinh hoạt đồng áng như ngồi đan rổ rá , cào rơm, cào lúa với họ.

Ông lại được tiếng là con người hiếu đễ với mẹ. Sống độc thân, cái tình cảm trai gái thông thường ấy được thăng hoa và dành hết cho mẹ.

Một con người như thế nên dễ bị hiểu lầm và đánh giá sai lạc hầu từ mọi phía- phía gia đình, đồng chí cũng như phía kẻ nội thù.

Như trong một lá thư gửi cho đại úy Nguyễn Văn Minh, văn phòng cố vấn chỉ đạo miền Trung, đại tá Như viết như sau:

“Thời Đệ nhất Cộng Hòa, người đời ít ai biết Cậu Cẩn, có chăng thì có tại miền Trung, mà có biết viêc trái của Cậu nhiễu hơn việc tốt; mà đã chắc gì những việc trái đó do Cậu tự làm, mà là bọn tay sai, thậm chí một số sĩ quan và Tỉnh Trưởng vào ra nịnh bợ làm sai rồi đổ cho Cậu”.

Trích tóm lược Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt, Nguyễn Văn Minh, từ trang 24-32.

Sau bản án tử hình, ông Ngô Đình Cẩn nhận được giấy bác đơn xin ân xá của Quốc Trưởng Dương Văn Minh mặc dầu có nhiều lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo chính trị và Cabot Lodge xin tha bản án tử Hình cho Ngô Đình Cẩn. Đơn xin ân xá của hai người vẫn bị Dương Văn Minh bác bỏ.

Tuy nhiên, nếu so ra với những phản ứng khá cứng rắn của TGM Nguyễn Văn Bình và Bản Kiến Nghị của 327 linh mục gửi lên chính phủ để phản đối vụ án Đặng Sỹ thì vụ án Ngô Đình Cẩn-Phan Quang Đông kể như không có gì !!

Sắc Lệnh bác đơn xin ân xá của Đông và Cẩn

Sài Gòn(VTX.- Sáng 5–5-64, Trung Tướng Dương Văn Minh, Quốc Trưởng VNCH đã ký một ngày hai sắc lệnh số 0006-QT/SL và 0007-QT/SL bác đơn xin ân xá của Phan Quang Đông (đề ngày 28-3-64) và của Ngô Đình Cẩn (đề ngày 23-4-64) nguyên văn như sau:

Sắc Lệnh số 0006-QT?SL

Điều Thứ Nhất .- Nay bác đơn xin ân xá của Phan Quang Đông sinh năm 1928, tỉnh Hà Tĩnh, do tòa án Cách mạng ngày 28-3-64 Huế xử, phạt tử hình về tội mưu sát, bắt giam trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế Quốc Gia.

Điều Thứ Hai- Thủ tướng Chánh phủ thi hành sắc lệnh này .

Sắc Lệnh số 0007-QT/SL

Điều Thứ Nhất.- Nay bác đơn xin ân xá của Ngô Đình Cẩn sinh năm 1911, tại Huế, do Tòa án Cách Mạng ngày 22-4-64, tại Sài Gòn xử phạt tử hình về tội cố sát, mưu sát, bắt giam trái phép, sách thủ tiền tài và lũng đoạn kinh tế Quốc gia.

Điều Thứ Hai .- Thủ tướng chánh phủ thi hành sắc lệnh này.

(Trích báo Chính Luận ngày 8-5-1964).

Sau đây là những dòng ghi lại về những giây phút cuối cùng của ông Ngô Đình Cẩn:

“Khoảng 18 giờ 27 phút, im lặng đến tức tưởi, đòi hỏi sự phựt đứt ngay trong khoảng 1,2 tích tắc.

10 Quân Cảnh nhắm vào cái đích là tử tội. 10 Q.C đều biến thành 10 cái tượng, không nhúc nhích. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe được sự im lặng lạ lùng ma quái. Sân banh sắp chuyển theo một cái chớp mắt của thời gian để chính thức thành một pháp trường. Vẻ nhợt nhạt của kiếp sống lởn vởn trong không khí. .

Khẩu lệnh “bắn” được phát ra, những tiếng nổ giòn mang ý nghĩa của những tiếng giải thoát che lấp một phần nào sự trống phẳng.

Tử tội ngoẹo đầu sang phía tay mặt, gục xuống, bàn tay trái có máu, cả thân hình sụm độ nhưng bị giữ lại nửa vời, thân trên tách khỏi cái cột nhô về phía trước. Máu túa ra nhiều ở ống quần chân mặt, đỏ tươi. Hai chân tử tội gập khúc nơi đầu gối, xoạng ra, cong vòng.

Sự im lặng biến thành ghê rợn, nghe rõ tiếng quần áo của tử tội phất theo gió thổi. Người chỉ huy 10 quân cảnh chạy tới bên tử tội- bây giờ là một tử thi- dùng súng ngắn bắn phát thi ân vào đầu ..

Người ta tháo dây trói cho tử tội, thoạt đầu lúng túng sau nhờ bàn tay chuyên môn của ông Phối mới xong. Thây tử tội được đặt trên cáng, đưa trở vào khung cửa có song sắt, đóng lại.

Người đã chết, không còn là “người ” nữa nên hết là kẻ thù của chúng ta.

Chúng ta, đều muốn gạt họ qua một bên, gửi vào quên lãng, nhưng cần phải có một thời gian và một thực tế đẹp đẽ để niềm vui xóa nhòa những nghẹn ngào bi thảm hôm qua” ..

Trích Chính Luận ngày 12-5-64, trích Nguoi-vietonline, ngày 11 tháng 5, 2009.

Luật sư Võ Văn Quan, người biện hộ cho ông Cẩn ghi lại giờ phút chót của ông Cẩn như sau:

“Quá cảm động, tôi chỉ biết nói câu an ủi tầm thường, bâng quơ:” Thôi, ông cố vấn đừng quá đau buồn. Trên cõi đời này, sớm hay muộn, rốt lại ai cũng phải ra đi.

Ông nhìn tôi điềm tĩnh nói “Luật sư đừng có buồn cho tôi. Tôi đi theo mấy ông anh của tôi. Tôi trở về với Chúa. Tôi không sợ chết đâu. Nhưng tôi lo cho luật sư. Lúc cãi cho tôi, luật sư đụng chạm tới họ. Không biết luật sư ở lại có bị họ làm khó dễ hay không?

Cạnh bên cửa, cái cọc định mạng đã đóng sừng sững xuống đất. Toán lính của đội hành quyết xếp hàng đối diện với cái cọc, súng ống sẵn sàng ..(…)

Một người cai ngục trẻ tuổi, mặt mày hiền lành, bước tới nói với ông Cẩn, giọng thành khẩn :” Thưa ông, tên thánh của con là Phê rô. Ông lên tới nước Chúa, ông cầu cho con.” Ông Cẩn lặng thinh, nhè nhẹ gật đầu.

Tôi bước tới bên cọc, siết bàn tay bị trói của ông lần cuối cùng, nghẹn ngào, không nói được gì.. (..)

Một người lính trong đội hành quyết đem cái khăn vải đen bước tới, đoạn bịt mắt ông Cẩn. Tới lúc đó, ông mới không giữ im lặng nữa. Ông lắc đầu, nói lớn: ” Tôi không chịu bịt mắt, tôi không sợ chết .” Nhưng người ta vẫn buộc cái khăn vào, cột vụng về thành thử không chỉ có hai con mắt mà gần trọn cái mặt bịt lại. (..)

Bị bịt mặt, ông Cẩn vẫn còn lên tiếng phản đối, vùng vẫy cái đầu.

Một tiếng hô.

Một loạt súng nổ.

Đạn bắn mạnh vào làm cho thân hình người tử tội bật ngược lên, giẫy nảy rồi rũ xuống như một người máy bị đứt giây thiều. Máu loang đổ cái áo bà ba màu lụa vàng ngà- bộ bà ba mà tôi thường thấy ông Cẩn mặc những khi tôi vào khám đường tiếp xúc với ông:

Viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết bước tới cọc, dí súng vào màng tang ông Cẩn lạnh lùng bắn phát đạn ân huệ. Đầu ông Cẩn giẫy lên rồi gục xuống.

Hoàng hôn chụp xuống, ảm đạm, tang tóc ..

Trích Luật sư, Nghề hay Nghiệp, Ngày Nay, số 11, tháng 6-93.

Trong câu chuyện Người tử tù, Cao Thế Dung viết:

“Song buổi chiều ra pháp trường một số người hiện diện đều ngạc nhiên, da mặt ông tự nhiên đỏ hồng, từ trên lầu xuống nhà, ông vịn tường mà đi không cần người xốc nách . Ông vẫn nói với chị ông và các cháu( trongđó có bà Trần Trung Dung)” Không việc gì mà phải khóc lóc hay chửi rủa ai. Cứ cầu nguyện cho người ta. Cậu làm chính trị , cậu đã nghĩ đến ngày phải như thế này”.

Đại tá Chính và mấy người khác lên tiếng chào, ông cúi đầu thi lễ: ” Xin chào các ngài. Mọi người đều công nhận ông có vẻ thản nhiên và khỏe mạnh hơn ngày thường.

Khi ra pháp trường, ông Cẩn lẻ loi một mình. Mặt ông thản nhiên, ông bị trói vào cột.(như báo chí tường thuật) Trung úy Bảo, sĩ quan báo chí Phủ thủ tướng là người duy nhất đại diện báo chí nhà nước có mặt tại “sân bắn” lúc ấy. Trung úy Bảo thuật lại: Hai bàn chân của ông chỉ có năm ngón chấm đất, gót chân lơ lửng. Ông Bảo viết tiếp: biết đâu lúc ấy ông Bảo không nhận ra tôi”.

“Nhìn ông Cẩn lúc ấy, tôi rớm nước mắt song vẫn cố tình làm ra vẻ thản nhiên”.

Trước đó, ông ta từ chối không chịu bịt mặt. Nhưng Trung tá ủy viên chính phủ nói: “Đây là luật lệ bắt buộc như vậy“. Ông Cẩn đành chịu, ông cũng không quên lên tiếng xin mọi người tha thứ cho ông và những người đồng đạo có mặt lúc ấy đọc cho ông một kinh Lạy Cha trong đó có câu: Xin cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ và tha tội chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”.

Chỉ một loạt đạn thứ nhất, Ông Cẩn đi ngay .. Đầu ông gục xuống, lắc lư.

Không ai giữ được tiếng thở dài nghẹn ngào ..

Người chị của ông khóc rưng rức, nước mắt dàn dụa trên gò má. Thế là xong một đời”.

Trích : Làm thế nào để giết một tổng thống, Cao Thế Dung và Lương Khải Minh, trang 20

Cái chết của ông Cẩn thực sự kết thúc chế độ Đệ nhất Cộng Hòa. Nếu cái chết của hai ông Diệm-Nhu do những lý do chính trị thì cái chết của ông Cẩn là kết quả một sự hận oán như một trả thù hay nói theo tờ Lập Trường, tiếng nói chính thức của Phật giáo miền Trung là : nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Và một lẽ nữa là để chạy tội như bà Trần Trung Dung nói với luật sư Quan là:

“Người ta có nói với tôi phải đem ông Cậu ra xử và Tòa sẽ xử tử hình để thiên hạ đừng nói là dư đảng Cần Lao còn nắm quyền và bao che cho ông Cậu”.

Trich Luật sư: Nghề hay Nghiệp, Ngày Nay, số 107, tháng 1-93

Ông Ngô Đình Cẩn không đáng nhận một cái chết như thế với một “lễ bắn” trang nghiêm mà thiếu vắng kẻ đã ra lệnh. Nếu có thể làm tính cộng trừ ở đây được thì những vết đạn của 10 Q.C đến từ hướng nào?

Theo dư luận của thời đó thì vận mạng chính trị của tướng Khánh nương tựa phần lớn vào cái chết của Ngô Đình Cẩn và mỗi viên đạn ghim trên thân xác Ngô Đình Cẩn đều là một hứa hẹn tương lai chính trị của Nguyễn Khánh.

Ngô Đình Cẩn đã trở thành con vật tế thần trong tình thế chính trị bấp bênh của một chính quyền non yếu. Đây là một “lễ vật hiến dâng” theo tinh thần tôn giảo và là một nước cờ chính trị cao tay nhằm tranh thủ nhân tâm hay củng cố thế đứng của chính quyền đó.

Nhưng có thể Nguyễn Khánh đã nhầm. Thật lầm.

Trên tờ Lập Trường, trong mục Nhật ký lập Trường, Thứ ba 30-6-1964 ghi như sau :

“Nhật báo Ngày Nay tục bản. Vẫn tiếp tục sứ mạng cách mạng của mình: quét sạch dư đảng Cần Lao, vì bọn nguời đó vô cùng độc ác. Nhớ lại lời khai của ông Phạm Lợi trước Tòa án Cách Mạng. Thì sẽ biết Đảng Cần Lao độc ác biết bao nhiêu. Cần Lao, tội ác của Cần Lao! Đó: chế độ cũ và người cũ. Sao lại dám cả gan nói không có cũ, mới ? Có cũ, và cũ đang ngụy trang trá hình, để mong tái lập lại cơ sở tội ác của chúng. Cho nên phải diệt cũ cho sạch, tận gốc mới thôi !!

Hoàng Văn Giàu, trưởng đoàn sinh viên Phật tử Huế trong bài viết trên Lập Trường với nhan đề “: Những cơ hội trôi qua .. đã đưa ra những khuyến cáo trịch thượng đối với Nguyễn Khánh:

” Cơ hội cuối cùng của chính phủ Nguyễn Khánh là ở những điểm đó. Phải mạnh dạn dứt khoát, phải mạnh dạn quyết định để có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người mà nói “Xin đồng bào hãy giúp chúng tôi” và chắc chắn đó không phải là tiếng kêu cứu hoặc lời nói tan biến vào sa mạc mênh mông.

Và Hoàng Văn Giàu cao giọng :

“Hôm nay, chúng tôi muốn đặt câu hỏi ra trước chính quyền: Nhân Dân đã trao quyền cho các tướng lãnh để thi hành trọng trách quét sạch quá khứ: trọng trách đó, chính quyền đã làm xong chưa ?”

Trích Lập Trường, Những cơ hội trôi qua.. Hoàng Văn thứ bảy 6-6-1964.

Của lễ hiến dâng của Nguyễn Khánh biến thành một cuộc hối lộ mà bên nhận cảm thấy chưa đủ.

Trong dịp xử tử hình Phan Quang Đông, Nguyễn Khánh bay ra Huế hy vọng nhận được những lời tán thưởng. Không.

“Phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh, nổi lên là những cuộc đấu trangh của sinh viên học sinh và nhân dân lao động đòi trừng trị những tên ác ôn đầu sỏ có nợ máu với dân như tên Đỗ Cao Trí, đòi hạ bệ tên Nguyễn Quang Trung, tỉnh trưởng Quảng Tr. Cuộc đấu tranh đòi xử tội tên Ngô Đình Cẩn và Phan Quang Đông có tới 5 vạn người tham gia. Khi Nguyễn Khánh ra Huế bị quân chúng la ó, ném guốc, dép phải bỏ về Sài Gòn ”

(Trích Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng. Thuận Hóa, 1985, t 80-8)

Đó là khung cảnh đấu tranh của Huế như lời luật sư Võ Văn Quan nhận xét: không gian chính trị còn ngập hận oán. Tôi nhớ đến đám công chúng sôi sục hận thù ở bên ngoài Tòa án Huế buổi sáng mưa dầm lúc trước .. Tôi nhớ lời anh Nguyễn Ang Ca thuật lại chuyện anh gặp một số sinh viên từ Huế định kéo tới đập phá văn phòng của tôi.

Trích: Luật Sư, Nghề hay Nghiệp, Võ Văn Quan đăng trên Ngày Nay, số 100, tháng 5

Cũng theo luật sư Quan, sau thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, một dê tế thần (bouc émissaire) nữa bị đưa ra để cứu vãn tình thế bằng cách trấn an, mua chuộc cảm tình của giới Phật giáo, mua thời gian cho chính quyền- đó không phải là hành xử công lý, nhưng là thủ đoạn chánh trị lợi dụng công lý”.

Đó là cái màn chính trị chong chóng, xoay chiều đổi hướng , theo luồng gió của thời cơ, không có một đường lối nhất định và dứt khoát ..

Trích: Luật sư .Ibid, tháng 1-93

Sau cái chết của ông Ngô Đình Cẩn thì tình hình rối ren hơn trước với các cuọc biểu tình bạo động ở nhiều nơi .

Lá bài “thí người” của Nguyễn Khánh tỏ ra vô hiệu nghiệm.

*Vụ án xử ông Ngô Đình Cẩn, cố vấn Chỉ Đạo miền Trung.

Vụ xử án ông Ngô Đình Cẩn chỉ là một cách “hợp thức hóa” một bản án tử hình đã dành sẵn cho ông. Người ta còn nhớ vụ xử tử hình vua Louis XVI trong cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Luật sư biện hộ đã dùng vụ án Louis XVI áp dụng vào trường hợp ông Cẩn. Trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789, tên độc tài Robespierre đã tuyên bố phải có án tử hình vua. Vì thế người ta đã thấy trước là Louis XVI không cách nào tránh được án tử hình.

Luật sư Sìège biết rõ như thế đã nói thẳng với họ, – những kẻ xử án Louis XVI như sau:

“Tôi đến đây tìm những vị thẩm phán quan, nhưng tôi chỉ gặp những tên đao phủ “. ( Je viens ici chercher des juges, mais Je ne trouve que des bourreaux).

Phải chăng thành phần những vị thẩm phán quan sau đây đều là những tên đao phủ của thời đại chúng ta?

Chú thích: Phiên tòa xử Ngô Đình Cẩn, hồ sơ đăng đường 2-D D, trát, tống giam ngày 13-.64 gồm:

– Lê Văn Thụ, chánh thẩm.

-Đại tá Nguyễn Văn Chuân, đại tá Đặng Văn Quang, đại tá Trương Văn Chương và Trung tá Dương Nghĩa, Phụ thẩm quân nhân. Đại tá Đặng Văn Quang vốn là con “đỡ đầu” của thân mẫu Đức cha Thuận. Còn Trung Tá Dương Hiếu Nghĩa là người có liên hệ trong vụ giết hại hai anh em ông Diệm_Nhu trên thiết vận xa M.113.

-Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Hữu Sử, Bùi Văn Nhu, Phụ thẩm Nhân Dân.

-Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, chưởng lý

– Nguyễn Văn Tâm, lục sự

– Luật sư Võ Văn Quan, biện hộ cho bị cáo.

Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Văn Mầu theo lệnh của Nguyễn Khánh đã ra sắc luật số 4/64 ngày 18/2/64 thiết lập tòa án Cách mạng trong đó có dự liệu luật hồi tố. Sau đó tướng Khánh ra lệnh bắt giữ tất cả những người bị các tỉnh hội Phật giáo tố cáo là Đư đảng Cần Lao là 267 người trong đó có những người như Phan Quang Đông, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thiện Dzai, Nguyễn Tư Thái, Phan Khanh .

Ngày 25/6/64, tòa tuyên án Phan Quang Đông, tử hình. Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thiện Dzai và Nguyễn Tư Thái khổ sai chung thân, Phan Khanh 10 năm khổ sai.

Phần ông Cẩn bị quy kết vào hai tội:

– Tội thứ nhất: kinh tài bất hợp pháp, làm lũng đoạn nền kinh tế Quốc Gia như đầu cơ các nhu yếu phẩm, buôn bán với Việt Cộng.

-Tội thứ nhì: ông Cẩn chủ mưu ra lệnh cho nhân viên công an tại miền Trung bắt giam phi pháp, cưỡng đoạt tài sản của một số thương gia và hạ sát mấy người này để thủ tiêu chứng cớ. Các thương gia đó bị gán tội làm gián điệp cho Pháp tại miền Trung. Họ bị giam cầm và tra tấn nặng nề, có người bị bức tử: tài sản của họ bị cưỡng đoạt dưới hình thức này hay hình thức khác.

Khi ra tòa, luật sư biện hộ lấy làm ngạc nhiên là trong hồ sơ đưa ông Cẩn ra tòa đã không có bất cứ tài liệu nào liên quan để sổ sách kế toán, trương mục ngân hàng. Nếu có bằng cớ giấy tờ rõ rệt cụ thể như vậy thì không thể nào tranh cãi được.

Tòa án bỏ qua tội danh thứ nhất và tập trung vào tội danh thứ hai. Về tội danh thứ hai, ông Cẩn quả quyết với luật sư là ông không dính tay vào mấy vụ đó. Và luật sư không thể cật vấn ông Cẩn là thực sự có phạm tội này hay không?

Vấn đề này là nhiệm vụ của điều tra viên hay Ủy viên chính phủ và của thẩm phán xử án. Một trong những điều luật của Hình sự tố tụng là Tòa chỉ có thể căn cứ vào Hồ Sơ để xử.

Thậm chí ngay cả những điều gì thẩm phán ghi nhận riêng tự mình biết được, nhưng không có ghi nhận trong hồ sơ, thẩm phán ấy cũng không thể căn cứ vào sự hiểu biết riêng tư đó mà xử tội.

Cuối cùng chỉ có những lời khai suông của những người được coi là nhân chứng .

Nhưng họ là ai mới được? Động cơ nào thúc đẩy để buộc tội cho ông Cẩn? Và luật sư chĩa mũi dùi ngay vào những nguời đang ngồi đây xử án – điều mà ông Cẩn cũng muốn nói lên- Họ chỉ là công cụ của chính quyền để tuyên án một bản án tử hình đã định từ trước.

Họ chỉ là những tên đao phủ không hơn không kém.

Căn cứ vào hồ sơ không rõ rệt như vậy, luật sư xin tòa tha bổng cho bị can.

Và trong niềm hy vọng đó luật sư thành khẩn gửi số mạng ông Cẩn vào tay các vị thẩm phán “công minh, nhân ái” trong chế độ này.

Phần ông Cẩn trước sau chỉ khai: tôi chỉ là cố vấn chỉ đạo nên không có quyền ra lệnh cho bất cứ ai. Trong vụ án gián điệp miền Trung, đó là thẩm quyền của ông Bộ trưởng bộ Nội vụ, của Trưởng Ty công an ..

Trong hồ sơ, không có bất cứ giấy tờ gì chứng tỏ ông Cẩn ra lệnh, không có bất cứ chỉ thị nào do bị can ký tên ra lệnh cho các công an vv..

Tuyệt nhiên không có..

Không có văn thư, không có bằng cớ, ủy viên chính phủ đành bắt buộc đưa ra nhân chứng để buộc tội ông Cẩn cho bằng được.

Nhưng những lời khai tráo trở muốn đổ trách nhiệm cho ông Cẩn để mong thoát khỏi số phận của một Phan Quang Đông- lời khai đó có tính lực gì hay không?

Đó là câu hỏi của luật sư Phan Quang Đông trong phần bào chữa cho bị can.

Theo lời luật sư Quan nhận xét:

“Sự bội nghĩa của họ tồi tệ đến nỗi khiến họ có mặc cảm tội lỗi đối với bị can. Trong phòng xử này, mỗi lần chạm phải cái nhìn hờn trách của ông Cẩn, họ đã hổ thẹn ngó qua chỗ khác. Điều đáng buồn cho xứ sở này là còn có nhiều người tai to mặt lớn trong giới quân sự cũng như dân sự cũng có hành động bỏ suy, phù thịnh như họ”

Trích: Luật sư, Nghề hay Nghiệp, Ibid, Ngày Nay, số 110, tháng 5-93.

Triết lý một chút thì cũng là thói đời, đua nhau phù thịnh mà hiếm người dám phù suy ..Thời Cổ La Mã có Brutus vốn là một tướng tài, nhưng tư cách lại quá hèn hạ. Để tiến thân thì Brutus đã chịu khó theo hầu hạ, cầu cạnh bợ đỡ Jules Cézar, hạ mình làm con nuôi nên được Cezar tận tình nâng đỡ. Đến lúc J. Cézar bị bọn nghịch thần trong Thượng Nghị Viện mưu sát và dùng dao đâm ông túi bụi Ông đã một mình chống đỡ. Nhưng khi nhìn thấy Brutus cũng có mặt trong đám sát nhân đó. Cézar đã than: Cho đến con mà cũng phản cha sao? Nói rồi lấy vạt áo bào che mặt, buông xuôi cho kẻ nghịch chém giết.

Ai là những Brutus trong vụ án xử tử hình Ngô Đình Cẩn?

Phiên xử tại Tòa án tại Sài Gòn, rõ ràng bản án tử hình đã biết trước được !!

Cuộc chơi rõ ràng là không đồng sức !! Và khi viết những dòng này người viết nghĩ rằng thật là quá ngây thơ nếu tin tưởng rằng sẽ có một cuộc xét sử minh bạch theo đúng pháp luật..

Cũng như thế, ai cũng biết rằng hồi tháng 8-1963, một nhà sư đã được Cabot Lodge cho lánh nạn trong tòa đại sứ Mỹ trong 9 tuần lễ.. Nhưng cũng như thế, câu chuyện ông Cẩn ngày hôm nay đã bị đối xử khác hẳn ..

Sau buổi chiều xử bắn ông Ngô Đình Cẩn, luật sư Võ Văn Quan đã mất ngủ và phải uống mấy viên thuốc ngủ!!

Những viên đạn bắn vào ông Cẩn lần này không phát xuất từ những viên đạn bắn vào ông Diệm-ông Nhu nữa.

Như nó đến từ tham vọng của một viên tướng hèn- mắt ông ấy tự nhiên lồi hơn- tý nữa và từ nỗi hận oán từ một nhà sư mà đã nhiều lần ông Cẩn bao bọc và bao che.

Ông Cẩn có cái tội lớn của ông là nuôi ong tay áo. Ông ít đọc sử nên đã không thuộc bài của Cézar và Brutus.

Xem tiếp phần 2: Ngô Đình Cẩn. Ông là ai?

Ngô Đình Cẩn – Ông là ai? [2]

 

 

TGM Ngô Đình Thục (1897-1984) (LIFE)

Trong bản Tự thuật của TGM Ngô Đình Thục cho thấy những người em của ông như Ngô Đình Luyện, rất giỏi, được gửi sang Pháp từ năm 12 tuổi. Học lớp sáu xong nhảy lớp bốn. Hết lớp bốn nhảy lớp 2. Bao giờ cũng đứng đầu lớp. Đỗ tú tài xong được nhận vào trường lớn, École Centrale Paris (ECP).

Người trước dư luận!

Và bản thân TGM Ngô Đình Thục cũng du học Roma rồi Paris. Và là một trong bốn giám mục tiên khởi, thứ ba ở Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bản Tự thuật đó, TGM Thục không đả động gì đến việc học của Ngô Đình Nhu cũng như của chính ông.

(“Autobiographie de Mgr Pierre Martin Ngo Đinh Thục”, Archevêque de Hue, tài liệu trích trong Le Doctrinaire).

Trong “Curriculum Vitae De Mgr. Pierre Martin Ngô-Dinh-Thuc” viết năm 1978 khi ông 80 tuổi có đoạn

“Mes études à Rome, du point de vue humain, étaient une suite de succès. Je raflais tous les prix: docteur en philosophie, en théologie, en droit canonique – avec mention très bien ou bien – puis la licence d’enseignement à la Sorbonne. Je rentrais à Hué, en 1927. Nommé professeur d’abord chez les Frères vietnamiens fondés par Mgr. Allys, puis au Grand-séminaire, puis proviseur du collège de la Providence ri theo lnh ca Toà tahsnh Vatican v làm Đi bin Tông đ ti Vĩnh Long.
J’étais le troisième vietnamien appelé à l’épiscopat. Le premier fut Mgr. J.B. Nguy
n-bá Tòng, cochinchinois, nommé à Phát-diêm au Tonkin. Le second, Mgr. Cân – mon frère spirituel puisque fils spirituel de Mgr. Allys — occupait à Vinh-long un vicariat apostolique détaché du grand Vicariat de Saigon dont l’évêque était le saint Mgr. Dumortier. On était en l’année 1938.”

(Ngun: “Curriculum Vitae De Mgr. Pierre Martin Ngô-Dinh-Thuc”, 13 tháng Hai, 1978. Trích trong “EINSICHT, Jahrang 28 Sonder Mommer, trang 14-17, April 1998)

“Việc học của tôi tại Rome từ quan điểm của con người xem ra là một loạt các thành công. Tôi đoạt được mọi giải: tiến sĩ triết học, thần học, giáo luật — với hạng danh dự hoặc rất giỏi — và chứng chỉ giảng dạy tại đại học Sorbonne. Tôi về Huế vào năm 1927. Trước tiên được bổ nhiệm là giáo sư trong hàng ngũ tu sĩ Việt Nam do Đức Ông Allys thành lập. Allys, sau đó tại Đại Chủng Viện, rồi là hiệu trưởng của trường Providence, từ đó tôi đã theo lênh Tòa Thánh để nhận chức đại diện tông tòa của Vĩnh Long.

Tôi là người Việt thứ ba được phong Giám mục. Đầu tiên là Mgr. J.B. Nguyễn Bá Tòng, người miền Nam, phong nhậm ở Phát Diệm tại Bắc Kỳ. Thứ hai, Đức Ông. Cân – anh tinh thần của tôi là con trai tinh thần của Đức Ông Allys – thuộc giáo phận tông tòa Vĩnh Long tách ra khỏi Giáo phận Sài Gòn lớn mà giám mục là thánh Giám Mục. Dumortier. Đó là năm 1938.”

Người ta có thể biết đến Ngô Đình Thục nhiều hơn trong một tài liệu của Charles Keith nhan đề: “Annam Uplifted: The First Vietnamese Catholic Bishop and the Birth of a national Church, 1919-1945” đã đề cao 4 vị giám mục tiên khởi. Những vụ phong chức này từ 1933-1945, họ là những vị giám mục đầy quyền lực và làm vinh danh cho dân công giáo bản địa theo đúng tinh thần của Vatican muốn bản địa hóa giáo hội địa phương và biến giáo hôi Việt Nam dần dần đi đến chỗ tự quản.

(Charles Keith, “The first Vietnamese Catholic. Bishop and the Birth of a National Church, 1919-1945”. Bản dịch của Phạm Minh Ngọc, đăng trên diến đàn Talawas.org)

Đó là một vinh dự chung cho Giáo Hội Việt Nam, riêng cho TGM Ngô Đình Thục. Sau khi thụ phong, ông cùng với Ngô Đình Diệm- Ngô Đình Nhu đi nhiều nơi và người ta được biết chút gì về ông Diệm là kể từ thời kỳ này. Ngay khi sang Mỹ sau này, nhân vật Ngô Đình Thục nổi trội hơn cả người em đi cùng là Ngô Đình Diệm.

Sau này, người cháu gọi ông bằng Bác, TGM Nguyễn văn Thuận, còn có được vinh dự lớn lao hơn là Hồng Y ở Vatican, chức vụ cạo trọng bậc nhất trong giáo triều và nhận được sự ưu ái đặc biệt của GH Phao Lô đệ nhị. Không thể dễ dàng gì trong một dòng họ lại có được những người con suất sắc như vậy.

Ngô Đinh Nhu, thông minh sắc sảo, có đầu óc, có kiến thức nhiều, hiểu biết lịch sử, quá tự tin, nhưng lại nặng phần lý thuyết, nặng về kế hoạch. Tính tình lạnh nhạt, bướng bỉnh và không gây được cảm tình cũng như sự tín cẩn của các đồng chí.

Cả hai anh em đều nặng tình gia đình . Và nếu đủ cương quyết, ông Ngô Đình Nhu có thể tránh được tai họa cho cả hai anh em. Cái khuyêt điểm lớn nhất làm tan nát sự nghiệp của ông là nể vợ. Bà Nhu là cái cớ cho dân chúng oán ghét gia đinh họ Ngô. Ông Đoàn Thêm đã nhận xét một cách chí lí là người Việt Nam chưa đủ trưởng thành để có thể chấp nhận một người như bà Nhu. Nhất là những lời tuyên bố ngạo mạn của bà trong vụ Phật giáo như đổ thêm dầu vào lửa.

Ông Ngô Đinh Thục thời trẻ tương đối được. Nhưng dần dần ông trở thành cái đinh cho người đời nguyền rủa và xa lánh chế độ. Đối với nội bộ giáo quyền, Giám mục Thục đã gây ra những mâu thuẫn đến lời qua tiếng lại đối với các giám mục, linh mục, tu sĩ di cư ngay từ năm 1957.

Trong một lá thư, dài ba trang đánh máy, đề ngày 29 tháng tư, 1957, viết tại Vĩnh Long, GM Thục đã lên tiếng mạnh mẽ, tố cáo đích danh nhiều linh mục vi phạm tiền bạc di cư và phê phán các trường di cư mở trường bừa bãi mà không có bằng cấp gì cả. Trong khi người di cư cho rằng họ đã hết lòng với cụ. Ngược lại Gm Thục cho thấy người di cư nhiều khi đã phản bội cụ.

Xin trích nguyên văn:

“Có giám mc đã xin B đòi bt giam ông c vn. Lính mt Giám mc khác đánh Quc gia  Rng Sát.. Tôi sn sàng tr li mi thc mc ca các Đng y.

(Tài liệu photocopy riêng của Nguyễn văn Trung)

Theo tôi, những phê phán của gm Thục có thể đúng nhiều phần. Nếu có điều gì là hình thức phê phán đã tạo ra nhữn chia rẽ trong nội bộ công giáo. Có nhưng sự kiện khác như lính của một GM đánh lại Quốc Gia sự thực thế nào không rõ.

Về lẽ đời, ông cũng chạy theo quyền lực, cao ngạo và thiếu hiểu biết với Phật Giáo. Chung quanh ông phần lớn là những kẻ xu nịnh làm ông mất cảnh giác. Tóm lại , ông không đú sáng suốt để tách biệt Đạo với Đời, để đạo dẫm chân lên đời.

Ông thật sự là kẻ đào mồ chôn chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Edward Miller cũng viết: “Diem at first seemed to follow Thuc into the priesthood.”

(Edward Miller, Misalliance. Ngo Đinh Diem The United States and the Fate of South Viet Nam, 2013, trang 24)

Chỉ rất tiếc là những lá thư này không được TGM Nguyễn Văn Thuận công khai hóa cho mọi người biết và không biết hiện nay trao cho ai giữ?

Thắc mắc còn lại là vì lý do gì Dương Văn Minh quyết định dứt khóat, từ chối ân xá cho Ngô Đình Cẩn? Lý do đơn giản nhất là họ bị thất sủng, bị nghi ngờ và không được trọng dụng.

Theo Edward Miller, khởi đầu của âm mưu đảo chánh chỉ gồm ba sĩ quan là: Minh, Đôn và Kim. Sau cuộc bạo lọan năm 1960 bất thành, cả ba đều cảm thấy bị xỉ nhục vì bị điều tra xem có đính dáng trong vụ đảo chánh bất thành năm 1960 hay không.

“The resentment that Don, Minh and Kim felt for the Ngo brothers had been smoldering since 1960, when they had endured the humiliation of being investigated on suspicion of involvement in the paratroopers’ failed coup.”

(Edward Miller. ibid., trang 282)

Lý do cá nhân thứ hai theo ls Lâm Lễ Trinh phỏng vấn đại tá Nguyễn văn Y, đại tá Y, cho biết Dương Văn Minh khi đánh nhau với Bình Xuyên, có bắt được phuy đựng vàng. Ông đã dấu nhẹm. Nhưng cả hai đại tá Nguyễn Văn Y và Bộ Trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung đều có tập hồ sơ này. Đại tá Y trình ông Diệm tập hồ sơ, Ông Diệm sai đại tá Y đốt tập tài liệu trước mặt ông để xóa trắng tội cho DVM. Tuy vậy, Dương Văn Minh vẫn hận ông Diệm và tìm dịp trả thù.

Cuối cùng Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình như mọi người đều biết.

Việc tìm hiểu về con người và các hoạt động của ông Ngô Đình Cẩn không thể không tìm hiểu những tài liệu về phía người Mỹ. Nhưng thật không dễ để tìm một tài liệu của người Mỹ viết liên quan đến ông Cẩn. Xin nêu vài tác giả quen thuộc viết xa gần đến ông Cẩn như Stanley Karnow, 1997 với Viet Nam. A History, Ellen J.Hammer, 1987 với A death in November, Seth Jacob, 2006 với America’s Miracle Man in Viet Nam, Mc Allister, James, 2008 Only Religions Count in Viet Nam: Thich Trí Quang and the Viet Nam war. Langguth A .J., 2000 Our Viet Nam và Miller, Edward, 2013, Missalliance, Ngo Đinh Diem, The United States, and the Fate of South Viet Nam.

Mặc dù với số tài liệu ít ỏi đó, chúng tôi cũng cố gắng thu nhặt những nét chính yếu liên quan đến ông Cẩn.

Người viết xin chọn một vài ý tưởng của Ellen J. Hammer trong A death in november liên quan đến cuộc đảo chánh tháng 11. Theo E. Hammer:

“Cn là người em út còn  li Huế, ông sng n dt không ai biết đến và không gi mt chc v chính thc nào ca chính quyn. Chc v ca ông ch là c vn v các đng phái chính tr. Nhưng người ta li biết đến ông rt nhiu trong vic ch đo các hot đng v chính tr và quân s ca chế đ  các tnh min Trung và ông có tiếng là tàn bo.

(Ellen J. Hammer, A Death in November, 1987, trang 78)

Ông Cẩn là người thực tiễn, không viển vông, với một trí thông minh biết kỳ vọng nào là chính đáng, một người Quốc gia cực đoan với một bản năng chính trị thực tiễn, với sự am hiểu biết xử dụng quyền lực trong tay.

Bằng chứng là ông đã dẹp tan các nhóm Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng khuynh đảo ở miền Trung. Họ không thể hoạt động gì ở miền Trung khi Cẩn còn ở đó. Ông có mạng lưới chính trị và tình báo riêng. Nhưng những phúc trình của người của ông Cẩn không phải lúc nào cũng ăn khớp với những thông tin nhận được ở Sài Gòn của ông Nhu. Nói cho đúng người của ông Cẩn không tài giỏi như ông nghĩ, vì thế, họ đã bị CIA xâm nhập.

Quyền bính chính trị địa phương, bề ngoài được trao vào tay Hồ Đắc Khương-một sản phẩm đặc sản Huế. Một dòng dõi cha truyền con nối từ đời ông đến đời cha trong triều đình Huế. Dòng họ Hồ Đắc Khương lại có người đã nương nhờ cửa Phật như một tín chỉ ở một địa phương có đông tín đồ Phật giáo.

Phải chăng phải có bấy nhiêu yếu tố mới ngồi vững ở Huế được? Ông Cẩn có đủ các yếu tố ấy, nhưng lại thiếu một yếu tố căn bản nhất là ông không phải Phật giáo. Nhưng luôn luôn đứng phía sau trợ giúp Phật giáo.

Nhận định về vụ biến động Phật giáo miền Trung sẽ giúp hiểu rõ thêm về quan điểm, lập trường của ông Ngô Đình Cẩn như thế nào.

Khi Viện trưởng Cao Văn Luận tiếp xúc với ông Cẩn để cho biết về việc các giáo sư và sinh viên Huế phản đối vụ mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của Ngô Đình Thục. Ông Cẩn tỏ ra bất lực trước một người anh Giám Mục mỗi ngày đẩy xa Ngô Đình Cẩn ra khỏi vòng quyền lực ở Huế. Cẩn bị cô lập vì ông anh thiếu hiểu biết, cao ngạo đến lố bịch. Có văn thư yêu cầu các lm giáo xứ yêu cầu họ đi ủng hộ Tổng thống.

Ông Thục càng muốn cũng cố quyền lực cho người em, ông càng làm hại em mình.

Nói về Cao Văn Luận thì không có ông, Viện đại học Huế không có cơ hội phát triển mau chóng như thế. Viện Đại Học này, nó do ông Diệm xây dựng nên. Nó như một ước mơ thầm kín, một hoài bão của riêng ông cũng như một niềm hãnh diện của cả dân Huế. Vậy mà sau này, chính nơi đây đã xuất phát như một ngòi nổ tạo thành cơn bão chính trị lật đổ người đã khai sinh ra nó.

Ellen Hammer đã nhận xét về Cẩn dựa theo lm Cao Văn Luận, mặc dầu Cẩn không có học lực cao và cũng chắc chắn không phải là loại người tôn trọng dân chủ. Nhưng ông lại tỏ ra hiểu biết và gần dân chúng hơn bất cứ người anh em nào của gia đình Ngô Đình Diệm.

Cẩn than phiền về thái độ không hiểu biết của TGM Ngô Đình Thục không phân biệt được phần đạo, phần đời. Cẩn nói với lm viện trưởng, “But my hands are tied. My brother, the archbishop doesn’t listen to me anymore. You had better go to Saigon and tell President Diem.” (Ellen J. Hammer, ibid., trang 105)

Cái trớ trêu ở đây là Ngô Đình Thục sau 23 năm làm giám mục ở Vĩnh Long, và Vatican đã đủ thông minh để không bao giờ có ý định đề cử Ngô Đình Thục về cai quản Sài gòn, lý do là Vatican thừa hiểu biết muốn tách biệt thế quyền và thần quyền. Không lẽ có một Tổng Thống công giáo đứng đầu lại có thêm một TGM đứng đầu là bào đệ của Tổng Thống thì coi sao được?

Việc chọn TGM Nguyễn Văn Bình là người ôn hòa đã cân bằng được mối tương quan thế quyền và thần quyền. Không bao giờ TGM Bình tỏ ra thân cận với chính quyền Ngô Đình Diệm một cách lộ liễu. Ông tránh né ra vào Dinh Độc Lập và ông tránh né cả những buổi tiếp tân nếu có thể. Và luôn luôn giữ một khoảng cách vừa đủ.

Việc đưa Ngô Đình Thục ra Huế, xa trung tâm quyền lực Sài Gòn và có lẽ người vui mừng nhất hẳn là Ngô Đình Nhu? Ông Diệm có thể chịu đựng người anh với quyền huynh thế phụ, nhưng ông Nhu ít đủ kiên nhẫn, ít lắm ông Nhu khỏi bị quấy rầy bởi sự ra vô dinh Độc Lập của người anh làm giám mục cứ can thiệp vào các việc của chính quyền một cách khôn ngoan khờ khạo, tiến cử người này, tiến cử người kia, ngay cả loại bỏ người nào mà ông không ưa.

Ông là người tu trì, không thông việc đời, không hiểu thế thái nhân tinh của một người không hề biết việc đời. Nhưng lại chỉ sẵn sàng nghe theo những lời xàm tấu của kẻ xu nịnh.

Tôi từng đã nhiều cơ hội có nhận xét về khuôn mặt chán chường, không vui lộ ra trên nét mặt ông Nhu mỗi khi ông phải tham dự những buổi lễ do ông Ngô Đình Thục chủ tế tại Đại Học Đà Lạt những năm 1960. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ông đã biến mất tiêu, không hề ăn một cái bánh ngọt, uống một ly rượu chúc mừng xum xoe như các hàng bộ trưởng, dân biểu nghị sĩ. Ông Thục đi tới đâu thi có một đàn ruồi bay theo, cờ xí đón tiếp từ phi trường, gấp gáp trải đá vội vã con đường dẫn tới Viện Đại Học.

Khi ra nhậm chức ở Huế, tướng Trần Văn Đôn là người huy động quân đội đón tiếp một Giám Mục công giáo. Thật đúng là tên nịnh thần và phản thần mà bà Ngô Đinh Thị Hiệp ghét nhất trong hàng tướng lãnh.

(Thật ra không phải đây là lần đầu tiên, giám mục Thục ra Huế. Khi còn là linh mục, ông đã là giáo sư Đại chủng Viện Huế trước khi được bổ nhiệm làm giám mục Vĩnh Long. Sau này, khi hai ông Diệm-Nhu đã bị ám hại, GM Thục một lần nữa còn vận động Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ VI xin chính quyền mới cho ông quay trở về Huế như cũ. Nhưng việc bất thành)

Nhưng cả Vatican và ông Nhu đã không ngờ được sự hiện diện của Ngô Đình Thục tại Huế lại là một tai họa cho cả công giáo đến chính quyền đến thế! Huế với một gia tài lịch sử quan quyền, một truyền thống khép kín với bất cứ sự xâm nhập quyền bính nào từ bên ngoài vào đến bệnh hoạn. Làm sao họ có thể chấp nhận được bóng dáng một tổng giám mục quyền bính, cao ngạo bao trùm lên bầu trời xứ Huế? Tôi đã ở Huế, tôi thấu hiểu tâm tình người dân xứ này, nghèo đến không có gì để nghèo hơn. Ruộng đất, kỹ nghệ hầu như không có. Họ sống bằng sự tặng dữ của những người con xứ Huế ra đi làm ăn gửi về và đồng lương công chức, quân nhân tại chỗ.

Nhưng Huế lúc nào cũng ẩn nhẫn, nhưng sôi sục như bếp chấu âm ỉ qua cái bề ngoài thầm lặng.

Sau này hầu hết các biến động chính trị đều xuất phát từ nơi đây.

Cho nên, chỉ có một người duy nhất là Ngô Đình Cẩn có thể ở Huế và nắm được tình hình mà người ta gọi là Cậu Cẩn. Một tên gọi có thể là thân mến, nhưng nhiều phần coi thường. Và ít khi Cậu Cẩn bước ra khỏi Huế, nhưng cái gì Cậu cũng biết, như nắm trong lòng bàn tay và ông đã đã cai quản Huế qua đám tay chân bộ hạ ông ở Huế với bàn tay sắt bọc nhung.

Nhờ cái bàn tay bọc nhung ấy, Cẩn cũng sẵn sàng giúp đỡ trùng tu chùa chiền, các khuôn hội, đi lại thân tình và cả bao che cho Trí Quang.

Nhưng có lẽ điều sai lầm duy nhất trong đời làm chính trị của Ngô Đình Cẩn có thể là đã đánh giá sai lầm Trí Quang.

Hammer kết luận, “ But Cẩn had underestimated Tri Quang”.

Ngày 8 tháng 5 Trí Quang ra khỏi bóng tối ẩn nhẫn trong nhiều năm dưới mái chùa Từ Đàm và trở thành nhân vật chính trị và thế lực chính trị hàng đầu ở Việt Nam.

Khi Thục ra Huế, Cẩn vẫn tin rằng ông vẫn có thể là người của tình thế, là một đầu cầu giữa chính quyền và Phật giáo.

Nhận xét về các hoạt động của Ngô Đình Cẩn tại Huế

Những hoạt động của ông Ngô Đình Cẩn là hoạt động tinh báo, phản tình báo không nằm trong khuôn khổ của tổ chức hành chánh. Nó là những hoạt động bí mật. Mười Hương gọi mật vụ Ngô Đình Cẩn là một “siêu tổ chức” không có “bộ máy ngụy” nào có thể so sánh bằng.

(Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Trần Quốc Hương — Người chỉ huy tình báo”, nxb Tổng Hợp TP HCM, trang 122)

Chính vì tính cách bí mật của nó, hoạt động bên ngoài guồng máy chính quyền đã tạo ra nhiều tai tiếng xấu, nhiều dư luận đồn thổi. Bởi lẽ việc bắt người thường là bắt cóc, không có trát tòa, không xử án và việc bắt giam vô thời hạn.

Ngay trong ngành phản gián, mật vụ Ngô Đình Cẩn cũng bị các cơ quan bạn như An Ninh Quân Đội, Lực lượng Đặc Biệt, Sở Nghiên cứu chính trị nghi ngờ. Mặc dầu mỗi ngành có lãnh vực hoạt động khác nhau. Sở tình báo của Trần Kim Tuyến chú trọng đến vấn đề nội an như dò xét các thành phần đối lập. Cơ quan an ninh của Đỗ Mậu lo an ninh quân đội. Lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung gồm một trung đoàn có nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ Tổng Thống.

Trong bài phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh với Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt miền Trung, nhan đề “Trưởng đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng”, ông Dương Văn Hiếu tiết lộ như sau:

 

 

Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012). Nguồn: http://nguyentin.tripod.com

“Đi tá Nguyn văn Y, Tng Giám Đc Công An cũng như Trn Kim Tuyến (SNCCTXH), Lê Quang Tung (Lc Lượng Đc Bit) và Đ Mu (An Ninh Quân Đi) đu không ưa tôi.

(Lâm Lễ Trinh, “Thức Tỉnh, Quốc Gia và Cộng Sản”, trong bài Trưởng Đoàn Dương Văn Hiếu lên tiếng, trang 425)

(Dương Văn Hiếu, sinh quán ở Hà Nam, Bắc Việt trong một gia đình trung lưu, học trường Louis Pasteur, có bằng Diplome d`Études primaires supérieures Trung học Đệ Nhất cấp). Lập gia đình năm 1948, bố vợ là bác sĩ Nguyễn Văn Tam, cộng tác với gm Lê Hữu Từ, Phát Diệm. Sau Hiệp Định Genève vào Nam, ông được cụ Võ Như Nguyện, Giám đốc công an Trung Phần tuyển vào ngành công an, giữ chức Trưởng Ban Khai thác Nha CA-CS Trung nguyên, Trung Phần. Rồi trở thành Trưởng Ty Công an tỉnh Thừa Thiên và đô thị Huế. Năm 1957 được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đình Cẩn và ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương giới thiệu nhiệt tình với Tổng Thống Diệm. Năm 1958, ông được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung (TĐCTĐBMT) làm việc tại Sài Gòn.

Mặc dầu ông Dương Văn Hiếu không nói rõ sự không ưa kia. Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm hiểu được như sau:

Có nhiều bộ phận tình báo, mặc dầu được phân chia vùng hoạt động hoặc phạm vi công tác. Nhưng vẫn có sự tròng chéo và dẫm chân lên nhau. Chẳng hạn, ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn công tác vốn hoạt động ở miền Trung. Nhưng sau được điều động vào miền Nam hoạt động, trụ sở nằm trong trại Lê Văn Duyệt. Ông vào Nam làm việc theo chỉ thị của ông Cẩn. Nhưng khi cần báo cáo điều gì, ông chỉ chính thức bá cáo cho ông Ngô Đình Nhu, hoặc khi có chuyện hệ trọng, ông gặp thẳng Tổng Thông Diệm. Thỉnh thoảng ông mới gửi vài bản sao báo cáo cho ông Cẩn mà thôi.

Mặc dầu hoạt động của Dương Văn Hiếu bí mật và độc lập. Nhưng về mặt hành chánh, ông lại ăn lương theo ngạch Cảnh sát Quốc Gia nên mọi chi phí hoạt động như lương bổng, thực phẩm, tiền vãng phán đều do Phòng Hành Chánh của Tổng Nha Công an cung cấp theo hệ thống, qua Phòng Hành Chánh của Phụ tá Nguyễn Thành đài thọ. Vì chính thức, về mật hành chánh, ông vẫn thuộc Ty Công An Thừa Thiên. Vì có những công tác đặc biệt mà Tổng Nha không cung cấp phương tiện được như tiền thì qua ông Võ văn Hải với tiền lấy từ Quỹ đen của Tổng Thống để đài thọ. Số tiền này không quan trọng chỉ như một thứ tiền thưởng hoặc khích lệ. Xét như thế về mặt Hành Chánh, ông Nguyễn Văn Y làm sao không nghi ngại được? Ông Dương Văn Hiếu cũng tiết lộ cho thấy, Đoàn công tác của ông không nhận một đồng nào của ông Cẩn cả.

Vì cách thức hoạt động như vậy, vì không có một chức vụ gì công khai như giám đốc chẳng hạn- nên để có chỗ ăn ở, Dương Văn Hiếu phải tự bỏ tiền ra mua một căn nhà ở cư Xá Công Lý làm nhà riêng. Và vì đã không làm việc trực tiếp với ông Cẩn nên sau này cũng bị chính ông Cẩn nghi ngờ là quá thân cận với Sài Gòn và gây khó dễ không ít cho ông cũng như Phạm Thu Đường, chánh văn phòng cố vấn Nhu, ngay cả Nguyễn Văn Minh, bí thư của ông Cẩn cũng bị nghi ngờ. (Lâm Lễ Trinh, ibid., trang 437)

Về phía Tòa án cách Mạng, sau này đưa Dương Văn Hiếu ra tòa và coi ông là người chủ mưu và trách nhiệm nhiều vụ bắt bớ, ám sát người là do lệnh Ngô Đình Cẩn, theo tôi, là rất hàm hồ. Chẳng hạn các vụ ám sát người đối lập như Nguyễn Bảo Toàn, Tạ Chí Diệp và Vũ Tam Anh. Về điểm này, Dương Văn Hiếu trả lời ls Lâm Lễ Trinh là “chúng tôi không liên hệ. Chúng tôi không có trách nhiệm truy nã các phần tử đối lập.” Cũng theo Dương Văn Hiếu, sau này được biết công việc này do Thẩm Sát viên Khưu Văn Hai và đồng bọn trong Ban Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Tổng Nha Công An của đại tá Nguyễn Văn Y đã giết Nguyễn Bảo Toàn và Tạ Chí Diệp.

Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên đến không tin nổi là Dương Văn Hiếu tiết lộ cho biết toàn thể nhân viên của ông chỉ có 8 nhân viên và hai thơ ký đánh máy. Với 8 nhân viên này mà có thể thao túng bắt trọn mạng lưới gián điệp của cộng sản?

Và nếu có biết ít nhiều thì đều có thành kiến xấu về ông. Trong đó người ta nói nhiều đến Đoàn công tác mật vụ của Ngô Đình Cẩn.

Nhưng tôi có thể khẳng định ngay chính người dân Huế cũng thật sự không biết các công tác và công việc cụ thể của Đoàn này như thế nào? Những mặt hoạt động tích cực có hiệu quả thì dân chúng không được biết.

Chẳng hạn, Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung đã phá vỡ trong vòng hai năm toàn bộ hệ thống điệp báo Khu 5 và từ đó lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Thuận, Quy Nhơn.

Thành tích này là lớn lắm mà một quân đoàn chưa chắc đã bình định nổi.

Ngay Trần Văn Đôn, một thời là tướng Quân đoàn I ở miền Trung cũng hầu như không biết gì về hoạt động chống Cộng hữu hiệu của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung. Ông đánh giá rất thấp khả năng của ông Cẩn về ngăn chặn tình báo cộng sản gài người trong guồng máy Quốc gia. Điều đó chứng tỏ ở vị trí Tư lệnh Quân đoàn I lúc đó, ông không hay biết gì về Mật vụ ông Cẩn đối phó với cộng sản.

Điều đó cho chúng ta một bài học sau đây: Những sĩ quan thời Tây để lại thường thiếu tinh thần Quốc gia, thiếu lý tưởng chống cộng sản.

Họ chỉ là loại sĩ quan văn phòng, làm cảnh và bất tài, kém cỏi sau khi lật đổ chế độ Đệ Nhất cộng hòa. Họ không có viễn kiến chính trị, không có kế hoạch, không có chương trình và tỏ ra hoàn toàn bất lực, thụ động ngay từ những ngày đầu sau 1963.

Một ông tướng mà còn ngu muội như thế nói chi đến dân thường.

 

Ngô Đình Cẩn – Ông là ai? [3] 

 

SAIGON 1969 – Photo by larsdh – Trại Lê Văn Duyệt

Người dân Huế được sống an bình, đi lại tự do khắp nơi, tối ngủ không sợ cộng sản đến bắt cóc mang đi.

Chỉ riêng các thôn xã ở phía Nam có hàng 4000 các nhân viên các cấp ở xã ấp đã bị Việt cộng bắt cóc, thủ tiêu. Các cô thày giáo ngày về xã dạy học, tối đến phải quay về quận lỵ ngủ cho an toàn.

Thế nhưng, sự hưởng thụ một thôn quê thanh bình, thành phố Huế mộng mơ hầu như thể là chuyện đương nhiên phải là như thếm như từ trên trời rơi xuống.

Tôi xin nói thẳng, không có ông Ngô Đình Cẩn và đám Mật vụ của ông, Huế và các vùng phụ cận sẽ không có được những ngay thanh bình, yên ổn. Không ai có cơ hội nghĩ tới công lao của ông Cẩn cả.

Bốn năm sau khi loại trừ ông Cẩn (1964), 1968 Huế trở thành nạn nhân của chính mình với một cuộc thảm sát đẫm máu người dân Huế vô tội. 9 hầm hay 10 hầm giam giữ vài chục người cán bộ cộng sản ngoan cố bì thế nào được với con số cả 5000 người dân Huế vô tội bị trói tay, chôn sống, bổ cuốc vào đầu chôn ở các hố chôn tập thể lên đến vài trăm người mỗi nơi?

Ai trách nhiệm thảm cảnh này, nếu không phải là chính người Huế “giết” hay tiếp tay giết người Huế?

Tôi đã viết bài Huế Mậu Thân, miền đất nhiều bất hạnh. Những oan hồn uổng tử của Huế sau nửa thế kỷ đã thành tro bụi, chả biết xác chết có còn nguyên vẹn để nghe kinh tụng niệm cho họ để mong họ chóng được siêu thoát chăng?

Mười Hương, người đứng đầu tình báo cộng sản đã phải viết:

“Thế nhưng, hi y (ám ch thi Pháp nhng năm 1940) cũng không đen ti bng sau này nhng năm 1957-1959.

Mười Hương nói về sự thâm hiểm của Ngô Đình Cẩn như sau:

“Khi tôi bị bắt, ban đầu nó bảo, chúng tôi mời ông về, không dám dùng đến chữ bắt. Nó khai thác đề tài Quốc Gia rất dữ để chống Cộng. Nó vẫn nói những người kháng chiến là những người có công với đất nước.”

(Hoàng Hải Vân- Tấn Tú, “Tướng Tình báo chiến lược. Người Thầy”, Báo Thanh Niên, số 200. Thứ ba, 26-11-2002)

Nhưng dư luận đồn thổi thì lại nhiều, thêu dệt cũng không thiếu. Từ một chuyện nhỏ có thể xé ra một chuyện lớn.

Trường hợp cụ thể như Vương Hồng Sển có dịp thăm Huế trong một phái đoàn của Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Ông ta có dịp ăn một bữa cơm tối tại nhà ông Cẩn. Nhân đó ông có dịp trông thấy một con hổ và một số chim chóc trong vườn. Khi về, ông viết phóng lên là Cẩn có cả một sở thú. Thật sự, đó chỉ là một con hổ con lạc mẹ do binhh sĩ đi hành quân bắt được đem về làm quà cho ông Cẩn. Ông nuôi nó như nuôi một con mèo, cho ăn cơm mỗi ngày.

Tư cách của Vương Hồng Sển chỉ đọc mà không vui. Ông ta còn toa rập với Nguyễn Đắc Xuân bịa chuyện ông Ngô Đình Diệm ăn cắp Nghiên mực của vua Tự Đức.

(Nguyễn Văn Lục, “Lịch sử còn đó”. Nguyễn Đắc Xuân, Vương Hồng Sển và chiếc nghiên mực của vua Tự Đức, trang 215)

Tôi lưu ý đặc biệt đến cách tuyển chọn và dùng người của ông Cẩn.

Ông ít học, nhưng bản năng chính trị giúp ông chọn người khá kỹ càng. Những người được ông chọn mà chức vụ cũng không lấy gì làm lớn gì cũng qua giới thiệu kỹ càng, tin cẩn mà tiêu chuẩn thứ nhất là có lý tưởng Quốc Gia chống Cộng, thứ hai là sự trung thành hầu như tuyệt đối và thứ ba hầu hết là theo đạo công giáo.

Những tiêu chuẩn này không nhất thiết là quy luật chung hay có giá trị khách quan cho bây giờ. Nhưng ở thời điểm khai sinh ra nền Cộng Hoà, ở phạm vi hỗ trợ chính phủ, người ta cần những người đồng chí hơn là người có bằng cấp hay học vị chuyên môn.

Và qua thử thách 9 năm làm việc tận tụy cho chế độ, những người này đều cho thấy họ thật xứng đáng. Tôi xin nêu một vài người tiêu biểu nhất như Phan Quang Đông, Nguyễn văn Minh, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Văn Châu, Phạm Thư Đường, Lê Quang Tung, v.v..

Phan Quang Đông đã chết hiên ngang như thế nào với lá thư nhắn gửi vợ con vài giờ trước khi bị xử bắn. Sau này đến lượt Ngô Đình Cẩn cũng một thái độ như vậy. Không có gì khó hiểu cả, bởi vì họ có một lý tưởng và phải chăng vì họ sống có xác tín?

Thứ hai về nguyên tắc làm việc của ông Ngô Đình Cẩn dựa trên một thứ bản năng chính trị. Cái bản năng ấy được phát triển một cách cùng cực trước tiên là để tự vệ sống còn và sau là bằng mọi phương tiện tiêu diệt kẻ thù trong cái tương quan sống-còn giữa đôi bên.

Nó có thể không chấp nê đến lý thuyết, đến ngay cả pháp luật. Nó hành xử không theo một thủ tục hành chánh, hay thủ tục pháp lý trong việc bắt người, giam người, tra khảo. Đây là mặt yếu của các Đoàn Công tác mật vụ đứng về mặt chính quyền. Một chính quyền dù coi việc chống Cộng là hàng đầu không thể cho phép các tổ chức mật vụ bắt người, giam giữ không xét xử, ngay cả tra tấn, v.v..

Chính vì thế đi đến chỗ lạm dụng như trong vụ án xử gián điệp miền Trung mà nhiều phần có kẻ bị bắt oan, bị xử hoặc tù tội một cách oan uổng.

Nhưng về mặt hiệu quả của các cơ quan này thì thật không thể chối cãi được. Nó chẳng thua bất cứ cơ quan nào của ngoại quốc như F.B.I., S.D.E. của Pháp, K.G.B của Nga hay ngành đặc biệt N.D.B ( Ngành đặc biệt- The Spécial branch), trong đó có chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix program 1968-1975). Chiến dịch Phượng Hoàng là tình báo và ám sát bí mật! Đã bao nhiêu người dân vô tội bị chết oan? Tại sao người Mỹ không lên tiếng? Tại sao kết tội mình ông Cẩn và đám mật vụ?

Theo số liệu, trong 8 năm, số viên chức Việt Nam Cộng hoà bị Việt cộng ám hại lên tới con số 33.052 người. Số liệu trong Chiến dịch Phượng Hoàng đưa tới kết quả có 22.013 hồi chánh, 24.843 bị bắt. 26.369 bị giết. Tổng cộng tất cả là 73.225. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Chiến dịch Phượng Hoàng”)

Nào ai thực sụ biết được trong số 26.369 Việt Cộng bị giết, có bao nhiêu thường dân bị chết oan?

Chứng từ tự thuật của một người bị bắt cóc, bị giam ở trại Lê Văn Duyệt từ 1961 đến sau cuộc cách mạng 1963

Bài Tự thuật sau đây, không đề tên tác giả, được trích từ tờ Tiếng Nói Dân Tộc nhan đề, “Dưới chế độ Mật vụ Ngô Triều”. Bị bắt cóc, bị giam một thời gian, được đưa về thăm gia đình. Mà không được nói hiện mình ở đâu? Làm gì?

“Chiều hôm đó, cũng như bao nhiêu chiều khác, mãn giờ làm biệc tôi thoát lên xe đạp ra khỏi sở. Bỗng một người cỡi xe gắn máy chạy đến bên tôi và nói, “Xin lỗi ông cho tôi hỏi thăm một chuyện.” Tưởng có chuyện gì cần mình, tôi dừng xe lại. Anh đi xe gắn máy trình thẻ Công an cho tôi xem và mời tôi về bót có chuyện cần.

Thế là tôi bắt buộc phải đạp xe đi theo người ấy, và một người nữa chạy Lambretta sau lưng tôi.

Đây, trại Lê Văn Duyệt

Trại “Lê Văn Duyệt” là căn cứ của mật vụ thuộc Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung đóng tại Biệt Khu Thủ Đô mà mãi đến sau ngày Cách mạng người ta mới biết. Vì bọn Mật vụ tổ chức vô cùng bí mật, ngoài thì cũng cửa sắt kín mít, lính gác không khác nào một trại lính. Cũng chào cờ, cũng đá banh vui chơi, cũng ca hát, ai ai đi qua cũng tưởng là một trại lính ở, chớ đâu dè đó là nơi bọn Mật vụ của Ngô triều để giam hãm những kẻ nào dám cả gan chống lại bọn chúng..

Ngủ có divan hoặc giường sắt hay ghế bố, mỗi người một cái, có mùng, có tấm đắp đàng hoàng: có giờ có giấc. Ăn uống cũng khá hơn chế độ thầu. Có câu lạc bộ, có phòng đọc sách, có sân banh giải trí, có bàn ping pong.

Về tinh thần, có Ban Văn nghệ của trại: tập tành nhạc, kịch, tuồng cải lương, lâu lâu vài tuần trình diễn cho anh em giải trí. Thường xuyên mỗi buổi chiều có một máy hát, máy quay cải lương cũ mèm, nhưng nghe cũng đỡ buồn. Tối thứ bảy nghe truyền thanh tuồng cải lương Sài gòn hay xem chớp bóng. (…)

“Ăn Cơm tiều”, một danh từ được khai sinh trong trại Lê Văn Duyệt.

Không biết bên chánh quyền dự chi về ăn uống một người bao nhiêu mà ở trại Lê Văn Duyệt thì chúng tôi được 5$50 tiền chợ, mỗi trại viên, mỗi ngày.

Có một Ban cấp dưỡng (cũng anh em trại viên) lo lắng miếng ăn miếng uống cho anh em. Đáng lý chúng tôi mỗi người ăn 5$50, nhưng chúng tôi khai “cơm tiều”, nghĩa là một mâm bốn phần ăn, chúng tôi ăn năm người. Phần dư ra 5$50 thay nhau lãnh. Ăn sáng 1$. Nếu nhịn thì mỗi tháng cũng được thêm 30$.

Ở tù mà cũng lãnh lương. Ở tù mà cũng đi nghỉ phép.

Ở tù sau đó được về thăm nhà. Có nhiều anh em ở tù lâu, cuối tuần được nghỉ phép, chiều thứ bảy về, sáng thư hai vô. Hoặc có anh về hằng đêm 5 giờ 30 sau giờ làm việc ra cổng, sáng 7 giờ 30 trở về ở…tù. (…)

Ở tù vợ đẻ, thật là họa vô đơn chí.

Những người của một thời đã qua.”

Theo tôi, nhà tù như trại Lê Văn Duyệt của ông Ngô Đình Cẩn là có một không hai trên thế giới này. Đó là “nhà tù không song sắt”. Sau này cũng có những trại cải huấn, nhưng không thể nào so sánh với trại tù Lê Văn Duyệt được.

Tuy nhiên, theo Dư Văn Chất,

“đối với tù nhân ngoan cố nhất định không chuyển hướng — như trường hợp Đặng An — thì bị giam trong sà lim. Hoặc sau này Đặng An bị chuyển ra nhốt ở Mang Cá nhỏ, một trại giam biệt lập trung chuyển. Từ trại này có thể được đưa lên Chín Hầm và bị bỏ đói. Hoặc tệ hơn nữa thả trôi sông hoặc thả biển. Người giám thị trại giam Mang cá lúc bấy giờ là Phạm Mại.”

(Đây là phần viết thêm của Dư Văn Chất, dạng photcopy. Sau ba năm ông đã viết: Nhà văn bất đắc dĩ. Trong đó còn viết: Người cộng sản sợ người cộng sản)

Lý do thành lập Đoàn công tác Đặc biệt miền Trung

Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người vẫn đánh giá sai lầm về công tác của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung của ông Cẩn. Họ cho rằng Đoàn công tác có nhiệm vụ đàn áp đân chúng, đàn áp tất cả những ai là trí thức như bác sĩ, luật sư, giáo sư, viết báo, thương gia như trường hợp 42 người ra làm nhân chứng vào ngày thứ tư 26-6-1964.

Bài báo của ký giả Nam Đình ghi như sau:

“Theo bản cáo trạng thì 42 người trên đã bị tra tấn, khảo của bởi mật vụ của Dương Văn Hiếu. Đám mật vụ này gồm Thái Đen, Thiện Dzai và Phan Khanh.

Nhưng mỗi lần ông Nguyễn Văn Đức, công tố viên, sau khi nhân chứng khai rồi, quay ra hỏi Dương Văn Hiếu: Bị can có nhìn nhận không? Và câu trả lời của các bị can là:

— Hoàn toàn không có.”

Theo nhà báo Nam Đình, báo Thần Chung thì “tội ác của đám Mật vụ Dương Văn Hiếu không bút mực nào tả cho hết được.”

Thế nhưng, theo như một nạn nhân bị bắt đưa vào trại Lê văn Duyệt vừa được trích dẫn ở trên thì các người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt có một cuộc sống ở tù thật thoải mái? Chữ không bút nào tả hết của nhà báo Nam Đình phải được áp dụng trong trường hợp nào?

Theo như mục đích lúc thành lập Đoàn Công Tác Đặc biệt miền Trung, Ông Cẩn muốn có chính sách chiêu hồi các cán binh cộng sản.. Đây là một lối thoát cho cán binh cộng sản, tạo điều kiện cho họ về hợp tác với chính phủ Quốc gia.

Vì thế, ông Cẩn vào đầu năm 1957, ông đã đề nghị lên TT. Diệm xin cho ông thực hiện chính sách ông gọi là: “Chiêu mời và xử dụng những người kháng chiến cũ.”

Sau khi được ông Diệm đồng ý, ông Cẩn đã giao cho ông Dương Văn Hiếu thành lập Đoàn Công tác để thực hiện chính sách trên.

Nhờ được áp dụng một cách triệt để, thông minh và khôn khéo, chính sách chẳng những bắt trọn gói toàn bộ cán bộ Việt Minh tại miền Trung.

Chính sách ấy còn khuyến dụ được một số người bỏ Đảng về làm việc cho phía Quốc Gia. Đó là trường hợp ông Lê Chân, tên thật là Nguyễn Đình Chơn, vốn là một Thành ủy viên tỉnh Thừa Thiên. Sau khi chuyển hướng, ông Chơn đã được bổ nhiệm làm Thiếu tá Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt Gia Định. Cho đến ngay 30-4-1975, ông bị đi học tập cải tạo như mọi người, sau đó, ông đã được sang Hoa Kỳ theo diện H.O.

Các đồng chí cũ của ông đã yêu cầu ông viết lại trong Tập Hồi Ký của các cựu tù nhân Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung. Ông đã từ chối vì tuổi già muốn được yên thân.

Trong kỳ ba của bài viết này, chúng tôi sẽ có dịp trình bày Tập Hồi ký của các cán binh cộng sản cho thấy họ đã nghĩ gì về Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung.

Bài nói chuyện của ông Ngô Đình Cẩn vào dịp tết năm 1958

Có thể đây là một tài liệu hiếm và đặc biệt, bởi vì người nói chuyện là ông Ngô Đình Cẩn. Ông Cẩn là người ít xuất hiện ra bên ngoài, cũng ít tiếp xúc với ai. Ngay những dịp quan trọng như ngày Quốc Khánh hoặc các dịp lễ lạc khác thường cũng không có mặt ông Cẩn. Tôi tự hỏi, không biết có lần nào ông đã vào Sài Gòn để gặp TT Diệm hay chưa? Chắc là chưa. Ngay cả những buổi lễ tại địa phương như Huế cũng không có mặt ông.

Việc tiếp xúc với người ngoại quốc lại càng hiếm hoi vì ông tránh né không tiếp. Lý do tại sao thì không rõ? Ngôn ngữ bất đồng chăng? Mặc cảm ít học?

Trong một bài báo do Trà Mi dịch, đăng trên DCVOnline.net, ngày 26 tháng 3,2015 có ghi lại việc tiếp lãnh sự quán Mỹ — ông John Helble (1961-1964). Lãnh sự Mỹ phải kiên nhẫn chờ đợi 3 tháng để được ông Cẩn tiếp kiến. Và đây là một trường hợp khá đặc biệt và hi hữu.

DCVOnline.net cũng cho trích đăng lại một điện tín đánh đi từ Huế như sau:

“In telegram 714, November 4, 4.58 p.m the Department agreed that Can should not be harmed and that We should make every effort to get him and his mother, if necessary, out of country soonest, using our own facilities if this would expedite their departure.” ( ibid, Central Files, POL 26 S VIET)

Điện tín từ Lãnh sự Mỹ ở Huế gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, 4/11/1963

(Trà Mi, “Trưòng hợp kỳ lạ của ông Ngô Đình Cẩn”, DCVOnline.net, March 26, 2015)

Dầu vậy cũng không cứu được mạng Ngô Đình Cẩn.

Trong bài trả lời phỏng vấn của ông cựu lãnh sự John Helble với Thomas F. Conlon ngày 5-4-1996 có một ghi đoạn quan trọng lời phát biểu của ông cựu Lãnh sự như sau:

“Nó cho thấy Mỹ đã liên can vào vấn đề này bằng cách bắt ông Cẩn, giao ông lại cho chính quyền mới của Việt Nam, và sau đó “đứng yên” trong khi ông bị kết án và xử tử. Điều này với người Mỹ là hành động, chính sách sai lầm của Mỹ – hoặc một sự kết hợp của cả hai, hành động và không hành động.”

(Trà Mi, ibid., March 26, 2015)

Nói cho cùng cả người Mỹ lẫn bọn tướng lãnh cần một con vật tế thần trong lúc này.

Một người tránh giao thiệp như vậy. Vậy mà vào dịp Tết 1958, đích thân ông Cẩn đã đến thăm số cán bộ bị bắt đã chuyển hướng hoặc chưa chuyển hướng tại lao xá Ty Công an Thừa Thiên.

Đề tài ông nói với họ là “Chính sách chiêu mời và sử dụng những người kháng chiến cũ.”

Đại ý ông nói với họ như sau:

“Bữa ni tôi đến thăm anh em vì được ông Hiếu, Trưởng Ty báo cáo: tất cả anh em ở đây đều là những người có thiện chí, có tinh thần Quốc Gia cao. Tôi đến với mục đích “chiêu mời” anh em về với Quốc Gia, về hợp tác với chúng tôi, chúng ta cùng nhau xây dựng một chế độ thực sự tự do, thực sự dân chủ. Cùng nhau cải tổ cái xã hội lạc hậu chồng chất quá nhiều bất công lưu cữ từ bao đời nay, cho nhân ân, đã được độc lập rồi, phải được sông xứng đáng với vị thế của mình, của một con người hoàn toàn độc lập, tự do và hạnh phúc. (…) Còn anh em, vì qúa hăng say với lý tưởng Độc lập, Tự do nên đã không nhận ra chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa phi dân tộc. ( … ) Tôi mong anh em suy nghĩ cho thật kỹ, thật thấu đáo để mà dứt bỏ cái đuôi cộng sản đã bị người ta lừa bịp ráp vô cho anh em. Rồi mình cùng nhau chiến đấu, chiến đấu cật lực, xây dựng một đất nước thực sự Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ. Một xã hội thực sự công bằng, hạnh phúc, ấm no cho chính mình, vợ con, xóm làng, dân tộc mình thụ hưởng.”

(Bản photocopy, tài liệu của Nguyễn Văn trung trong tập “Vẽ đường cho hươu chạy”)

Thành tích của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung

“Theo Mười Hương, ông nhận được hai điện báo: Khu Năm tổn thất nặng, địch bắt bớ mạnh, có chỗ trắng 100%, nhiều nơi trắng 80-90%. Xứ ủy bảo phải cắt liên lạc với Trung Ương để bảo đảm an toàn. (…) Có những nơi đồng chí ta bị bắt gần hết. Quân của Cẩn phá căn cứ Ba Lòng tàn khốc lắm, thậm chí sau khi đã phá nát nó còn cho người đi kiểm tra, gặp một bé trai sống sót nó cũng giết nốt. Lại còn ở Quảng Nam, đạp Vĩnh Trinh…”

( Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo”, trang 116)

Trong một thư gửi ông Mười Cúc (Nguyễn văn Linh), tháng 7 năm 1962, Lê Duẩn cũng thú nhận một tình trạng khá bi quan khi Lê Duẩn viết:

“Đã có lúc ở Nam Bộ cũng như ở khu 5, tình hình khó khăn đến mức tưởng như Cách Mạng không thể duy trì phát triển được. Nhất thiết không nên vì những khó khăn tạm thời do việc dồn dân lập Ấp chiến lược gây ra mà đâm hoang mang.”

(Lê Duẩn, Thư vào Nam, nxb Sự Thật. trang 51-59)

Mười Hương bị bắt năm 1958 sau bốn năm vào Nam hoạt động.

— Ngoài ra còn có Vũ Ngọc Nhạ, một viên chức làm việc tại Bộ Công Chánh. Bị bắt và chuyển hướng và sau đó hàng tháng phải bá cáo công tác. Sau này do lm Trần Ngọc Nhuận, cha sở Phú Nhuận, giới thiệu, bạn thân của bà Thiệu được ông Thiệu trọng dụng.
— Lê Hữu Thúy, thiếu úy được Việt cộng gài vào và được ông Đỗ Mậu đặt làm Trưởng Phòng an ninh Nha An ninh quân đội.

— Đại tá cộng sản Lê Câu sau này cũng chuyển hướng và giúp bắt được Phạm Bá Lương, Công cán ủy viên của Bộ Ngoại giao Vũ Văn Mẫu. (Lương đã chuyển toàn bộ tái liệu Kế hoạch kinh tế của Stanley-Vũ Quốc Thúc).

Tôi chỉ xin nêu vài trường hợp, danh sách còn lại khoảng 200 người.

Dư Văn Chất viết:

“Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn-Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuông phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài gòn-Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ miền trung đánh bắt gọn các lưới tình báo Chiến lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.”

(Dư Văn Chất, ibid., trang 2)

Điều chính yếu ở đây là cả Việt Nam Cộng hoà lẫn cộng sản đều nói đến chinh sách cải tạo.

Nhưng chế độ Ngô Đình Diệm, thay ví dùng quá khứ để kết tội thì lại đề cao quá khứ của các người cựu kháng chiến và thường khi đã chuyển hướng và được cất nhắc vào những chức vụ tương đương như trường hợp Phạm Ngọc Thảo, các ông như cụ Huỳnh Văn Lang, Lê Ngộ Châu, ls Trần Văn Tuyên, Phạm Duy, Lê Tùng Minh, Hoàng Thi Thơ và nhà văn Xuân Vũ và hàng ngàn ngàn cựu công chức cũng như trí thức miền Nam, v.v..

Trong khi đó cũng cải tạo các ‘ngụy quân, ngụy quyền’, nhưng lại dùng quá khứ của họ như bản án để kết tội và đầy đọa. Cho nên, 10 người hết 10 người khi được ra khỏi trại Cải Tạo đều oán hận cộng sản không bao giờ nguây ngoa.

Điều đó cho thấy, cải tạo chuyển hưởng thời Đệ Nhất Cộng Hoà là có giá trị nhân bản để cùng nhau xây dựng đất nước. Cải tạo của các trại cải tạo cộng sản là một hình thức trả thù không hơn không kém.

Chẳng những thế, người cộng sản đỗi xử với những người cộng sản đã bị tù dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà thuộc thành phần “có vấn đề”, không dùng, cho ngồi chơi xơi nước và canh chừng. Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức Trung ương là người từng tuyên bố: “90% tù chính trị thời Mỹ-Ngụy đều có vấn đề.”

Điều này cũng đúng y trường họp một số tù nhân cộng sản dưới thời Pháp cai trị. Điển hình là trường hợp Trần Văn Giàu bị nghi ngờ là hợp tác với Pháp và cả đời minh oan cũng không xong.

Đó cũng là trường hợp những Phạm Ngọc Ẩn, Mười Hương, thiếu tá Đặng An, Vũ Ngọc Nhạ, v.v..

Trong cuốn Bội phản hay chân chính, có trích dẫn trường hợp thiếu tá Đặng An như sau. Xin trích nguyên văn:

“Đùng một cái, đảng ủy viên thiếu tá Đặng An nhận được quyết định về vườn, nghỉ hưu kèm theo bản án khai trừ Đảng với bản luận tội thời gian Đặng An ở tù Mật vụ. Thật kinh khủng phiên toà nội bộ tàn tệ hơn bất cứ toà án nào: Nó tồi tệ hơn cả phiên xử một ten cướp cạn hay một gái điếm vì tại đây, vì bị can còn được cãi theo luật, còn có luật sự biện hộ.

Đăng An chết trong oan ức, miệng thều thào hỏi: “Sao đã chuyển hồ sơ khiếu nại với Đảng chưa?.. Ông sẽ cho chúng mày chết hết, không chết cũng thân tàn ma dại, không chết bây giờ thì về với Đảng, mày cũng chết, chết khổ chết sở, chết day chết dứt. Xem ai thắng ai? Lời nguyền của mật vụ còn nguyên đó! Tôi muốn nói nhỏ với oan hồn: “Chết là được giải thoát đó Đặng An.”

Vũ Ngọc Nhạ vai chính cuốn “Ông cố vấn” do Hữu Mai biên tập theo tài liệu, Vũ Ngọc Nhạ đã tự tử ba lần mà chưa chết, vì được cứu kịp, cũng bị nghi ngờ…

“Thì ra hn ma thng Cn đã nhp vào anh em mình. Hn ma Ngô Đình Cn nhp ngay vào nhng đng chí cùng tù vi Nh, cùng  trong Ban Tng Kết Cc 2, và hn ma thng Cn quay “ông c vn” không biết đường nào mà tr li. Ông c vn chng minh bng thuc an thn đ mong được “ngm” cho sm yên thân.

(Dư Văn Chất, tức Văn Tiến Mạnh tự Nguyễn Trọng Văn: Bội phản hay chân chính, bản Photocopy, trang 223. Tập photocopy này được phổ biến năm 1992, gồm 233 trang đề ngày 19-8 và 2-9-92 . Người chấp bút là Dư Văn Chất)

Qua những trường hợp vừa nêu trên, chúng ta có thể đi đến kết luận là: Chính người cộng sản sợ người cộng sản. Họ thanh trừng nhau trong nội bộ như trước đây và như hiện nay.

Và cuộc chiến đấu cuối cùng chính là cuộc chiến đấu giữa những người cộng sản với người cộng sản mà thôi! Chúng ta cùng chờ xem màn cuối.

Amen.