Seite auswählen

Vũ khí Phương Tây tấn công mục tiêu ở Nga: Quyết định này có ý nghĩa gì tại chiến trường?

Frauke Niemeyer

VNC chuyển ngữ

31.05.2024

Ntv 

Ukraine đạt được thành công bất ngờ vào năm 2022 với bệ phóng tên lửa HIMARS. Tuy nhiên ta không nên mong đợi “hiệu ứng HIMARS” lập lại với quyết định ngày hôm nay. (Ảnh: IMAGO/ZUMA Wire)

 

Sau một thời gian dài chờ đợi, quyết định đã được đưa ra: Các nước Phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ bắn sang Nga. Nhưng liệu điều này có thực sự giúp ích cho Ukraine trong trận chiến? Bởi vì quyết định này không áp dụng cho mọi vũ khí và mọi khu vực. Câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất.

Việc Ukraine được phép sử dụng mang lại những thay đổi gì cho Kharkiv?

Đại tá Markus Reisner nói với ntv.de: “Bằng cách sử dụng hệ thống vũ khí tầm xa, người ta có thể tấn công các cơ sở chỉ huy, trung tâm hậu cần, đường tiếp tế, nhóm pháo binh và vị trí tên lửa của Nga ở phía bắc Kharkiv”. Những cuộc tấn công như vậy, được thực hiện bằng tên lửa đất đối đất, tên lửa không đối đất hoặc pháo binh có thể hạn chế hiệu quả chiến đấu của quân đội Nga, những người đang hoạt động ở đó với áp lực rất lớn. Chuyên gia quân sự cho biết: “Từ những vũ khí được chuyển giao từ Đức, bệ phóng tên lửa MARS II mà Ukraine đã sử dụng trong cuộc tấn công thành công ở Kharkiv vào mùa thu năm 2022 sẽ phù hợp ở đây”. Pháo tự hành 2000 được Đức giao khá sớm cũng là một lựa chọn khác.

Việc sử dụng các hệ thống phòng không của phương Tây gần biên giới sẽ rất có hiệu quả. Trong trường hợp vũ khí được Đức chuyển giao, có thể nói tới IRIS-T SLM và Patriot. Reisner cho biết: “Những thứ này có thể được sử dụng để bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga, vốn hiện đang gây ra thiệt hại to lớn bằng những quả bom lượn hạng nặng của chúng”. Nhờ có động cơ đẩy riêng, bom lượn có thể bay xa tới 70 km và tiếp cận mục tiêu một cách chính xác. Chúng rất khó bị xác định vị trí trên radar. Cuộc tấn công tàn khốc cuối tuần trước vào một trung tâm mua sắm ở Kharkiv được thực hiện bằng bom lượn.

Các hệ thống phòng thủ Phương Tây trong tương lai sẽ được cho phép bắn hạ ngay trên đất Nga  những vũ khí này, mà được bắn từ đất Nga. Nhưng có một nhược điểm: Ukraine đã nhiều lần sử dụng Patriot trên không phận của mình trong những tháng gần đây nhưng bị người Nga phát hiện và mất ít nhất 2 bệ phóng Patriot. Điều này tạo ra một vấn đề lớn cho việc sử dụng những loại vũ khí này, loại vũ khí có thể được sử dụng tốt hiện nay và đặc biệt là để chống lại bom lượn. Chuyên gia an ninh Gustav Gressel từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cho biết: “Các máy bay không người lái dọ thám của Nga hiện dày đặc xung quanh Kharkiv đến mức việc sử dụng hệ thống Patriot ở đó là quá nguy hiểm”. “Nếu quân đội Nga nhận ra rằng một chiếc Patriot đang đặt ở đó, tên lửa Iskander của Nga sẽ phóng vào mọi trại triển khai hoặc vị trí khai hỏa.” Vì vậy, quyết định ngày hôm nay không giúp ích gì cho việc chống lại bom lượn trong thời điểm hiện tại.

Việc cho phép sử dụng có ảnh hưởng gì đến tình hình xung quanh Kharkiv?

Theo Reisner, tác động của sự thay đổi chính sách này chỉ có thể được đo lường bằng kết quả rõ ràng. Ví dụ, vài tháng trước, các hệ thống vũ khí của Phương Tây đã tấn công rất thành công các mục tiêu của Nga nhưng vẫn không thể ngăn chặn bước tiến của Nga. Đại tá cho biết: “Ngoài ra, các cuộc tấn công bằng hệ thống vũ khí tầm xa của Phương Tây ngày càng kém hiệu quả khi các biện pháp gây nhiễu của Nga ngày càng gia tăng dày đặc”. “Người Nga hiện có lợi thế, họ chủ động quyết định tấn công vào đâu và người Ukraine buộc phải phản ứng. Quân đội Ukraine nhất định phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nếu không sẽ dần dần bị hao mòn”.

Nhưng kho vũ khí hiện tại hầu như không đủ cho việc này, ngay cả khi được phép sử dụng nó trên đất Nga. Đặc biệt là vẫn chưa rõ liệu nó có áp dụng cho tất cả các loại vũ khí hay không. Rõ ràng Hoa Kỳ vẫn chưa quyết định họ muốn đưa hệ thống vũ khí nào vào việc cho phép hoạt động trên lãnh thổ Nga. Nếu ATACMS bị loại khỏi danh sách này, thì người Ukraine lại bị từ chối một cơ hội quan trọng khác để tự vệ trước bom lượn của Nga.

Gressel giải thích: “Nếu quân Nga tiếp tục ném bom lượn, Ukraine sẽ gặp vấn đề lớn“. Theo quan điểm của ông, phương tiện hiệu quả nhất là tấn công các căn cứ không quân nơi các máy bay chiến đấu cất cánh bằng bom lượn. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được với ATACMS, vì những tên lửa này không chỉ bay xa mà còn có thể bắn đạn chùm. Nó phát tán chất nổ rộng rãi và do đó có thể phát huy sức mạnh hủy diệt ngay cả khi bị thiết bị gây nhiễu của Nga đánh lạc hướng. Nếu Ukraine không được phép sử dụng những tên lửa này thì Gressel cho là quyết định ngày hôm nay không có tác dụng mấy. Nhà khoa học nói: “Sau đó, nhờ sự cho phép này, người Ukraine có thể giành chiến thắng trong các cuộc đấu pháo ở biên giới”. “Nhưng tôi thậm chí còn nghi ngờ không biết mặt trận phía bắc sau đó vẫn còn tồn tại?”

Quân Nga có thể ứng phó thế nào để tự bảo vệ mình trước vũ khí Phương Tây?

Người Nga đã học được rất nhiều điều trong hai năm qua. Markus Reisner nhận thấy hiệu quả học hỏi lớn, đặc biệt là từ mùa hè năm 2022. Vào thời điểm đó, người Ukraine đã gây ra thiệt hại lớn đáng kinh ngạc cho hệ thống hậu cần của Nga bằng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Hiệu ứng HIMARS như vậy không thể lập lại được lần thứ hai. Reisner nói: “Người Nga đã áp dụng các biện pháp phòng thủ. “Họ đã nới lỏng cơ cấu chỉ huy và hậu cần, đồng thời tạo ra các tuyến tiếp tế bổ sung. Ngoài ra, họ còn được “ngồi ghế hàng đầu” trong các cuộc thảo luận lưỡng lự vì lo ngại ở Phương Tây”, do các mối đe dọa từ Nga. Vì vậy, họ có quá nhiều thời gian để chuẩn bị đối phó với quyết định của những người ủng hộ Ukraine.

Ngay cả khi không phải tất cả các cơ sở đều có thể được đảm bảo an toàn, Reisner cho rằng “sẽ không có cuộc tấn công dứt điểm nào hiệu quả”. Trong mọi trường hợp, các hệ thống vũ khí hiện đại chỉ thành công cho đến khi người bị tấn công phát triển các biện pháp phòng thủ hữu hiệu, chẳng hạn như bằng cách phân tích vũ khí tấn công thu được. “Nếu muốn đạt được kết quả vang dội, họ nên tấn công ồ ạt mà không báo trước và không dật dờ”.

Liệu quyết định hướng đi ngày hôm nay có thể cải thiện đáng kể tình hình ở Ukraine?

Theo quan điểm của Gustav Gressel, thì thiếu sự nhất trí hoàn toàn của các đối tác Phương Tây để tạo ra hiệu ứng như vậy. Hiện tại vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng về loại vũ khí nào được cho phép. Trên hết, như tình hình hiện tại, nó chỉ giới hạn ở khu vực Kharkiv và không áp dụng cho các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Gressel cho biết: “Liệu Pháp và Anh có cho phép tên lửa hành trình của họ bắn xa hơn vào đất Nga và đánh trúng các mục tiêu có giá trị cao hơn hay không vẫn còn chưa rõ ràng”. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, cam kết này và việc kích hoạt tất cả các hệ thống vũ khí được cung cấp là cần thiết.

Chỉ khi người Ukraine có thể sử dụng vũ khí của phương Tây với đầu đạn lớn chống lại các mục tiêu quân sự tham gia chiến tranh thì điều đó mới tạo ra sự khác biệt. “Việc này bao gồm các sở chỉ huy, hệ thống tác chiến điện tử và các căn cứ không quân. Việc này cũng bao gồm các kho hậu cần, mạng lưới đường sắt ở phía kia. Đó sẽ là tác động thực sự cần thiết.”

Reisner ước tính số lượng tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP hiện có là ít dựa trên cuộc trò chuyện điện thoại bị chặn của các sĩ quan Không quân Đức. Bom chính xác của Mỹ bị cản trở rất nhiều bởi những thiết bị gây nhiễu của Nga. “Vẫn còn nhiều phiên bản khác nhau của ATACMS. Những tên lửa này đã được sử dụng nhưng vẫn chưa có bất kỳ ‘hiệu ứng ATACMS’ nào rõ ràng.” Reisner cho biết, từ góc độ quân sự, các cuộc tấn công quy mô lớn bằng các hệ thống vũ khí khác nhau sẽ phải được thực hiện liên tiếp nhanh chóng. Việc này sẽ dẫn đến sự bão hòa cần thiết của các biện pháp phòng thủ của Nga. “Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều vũ khí chất lượng cao. Nếu không có sẵn, chúng sẽ phải được chuyển giao. Điều này cũng áp dụng cho TAURUS.”

 

Vũ khí Mỹ khó giúp Ukraine xoay chuyển tình thế

2.6.2024

VNExpress

 

Việc Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí Washington viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga là “bước tiến lớn”, nhưng chưa đủ mạnh để thay đổi cục diện chiến sự.

Sau lời kêu gọi khẩn thiết từ Tổng thống Volodymyr Zelensky, Mỹ bắt đầu thay đổi quan điểm, nới lỏng lệnh cấm Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ để tập kích mục tiêu lãnh thổ Nga.

Theo quyết định được Tổng thống Joe Biden đưa ra ngày 30/5, Ukraine giờ đây dùng vũ khí Mỹ để phản công, nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga đang đe dọa tỉnh đông bắc Kharkov. Tổng thống Zelensky ca ngợi đây là “bước tiến quan trọng”, sẽ giúp lực lượng Ukraine phòng thủ tốt hơn tại Kharkov.

“Binh sĩ Ukraine nhiều lần kể rằng lực lượng Nga tấn công, bị đẩy lùi rồi rút qua biên giới, về lãnh thổ Nga để tập hợp, dưỡng sức, lên kế hoạch rồi tiếp tục tấn công”, Adam Kinzinger, cựu thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và Ben Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, viết trên CNN. “Ukraine không thể thắng nếu tình trạng này tiếp diễn”.

Cục diện ở Kharkov sau khi Nga tiến công. Đồ họa: RYV

Cục diện ở Kharkov sau khi Nga tiến công. Đồ họa: RYV

Theo chính sách mới của Mỹ, Ukraine sẽ được phép khai hỏa các vũ khí như pháo phản lực HIMARS sử dụng rocket phóng loạt dẫn đường (GMLRS), tầm bắn khoảng 70 km, để tấn công đội hình quân Nga tập trung gần biên giới Kharkov. Kiev cũng có thể dùng các tổ hợp phòng không do Mỹ cung cấp, như hệ thống Patriot, bắn hạ máy bay Nga đang chuẩn bị phóng tên lửa, thả bom lượn vào tỉnh đông bắc Ukraine.

“Điều này có thể giúp ổn định tiền tuyến, tạo điều kiện để Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kharkov trước khi họ củng cố vững chắc chỗ đứng chân”, Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine ở Kiev, nói.

Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Biden sẽ giúp Ukraine không phải rút nhiều lực lượng ở vùng Donbass để tới phòng thủ tại Kharkov.

“Lực lượng Nga giờ đây sẽ gặp tình thế bất lợi hơn và phải suy nghĩ kỹ về chiến thuật mà họ từng sử dụng để tấn công Kharkov”, ông nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự không kỳ vọng việc Ukraine được “nới vòng kim cô” sẽ tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt trên chiến trường, phần nào bởi Washington vẫn giữ nguyên chính sách cấm Kiev sử dụng ATACMS, loại tên lửa đạn đạo tầm bắn 300 km có thể được phóng bằng pháo HIMARS, để tập kích mục tiêu sâu hơn trong lãnh thổ Nga.

Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trụ sở Washington, cho rằng điều này khiến Ukraine không thể chạm tới phần lớn không gian ẩn náu, tập kết của lính Nga.

Chính sách của Mỹ vẫn giữ cho hậu phương Nga an toàn. Những thay đổi ở khu vực Kharkov chưa đủ để tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến. Ukraine đặc biệt cần năng lực tập kích sâu vào lãnh thổ Nga để loại bỏ các mối đe dọa, bởi nhiều vị trí hỗ trợ Nga tấn công Ukraine nằm ngoài tầm bắn của rocket GMLRS”, bà Stephanenko nhận định.

Franz-Stefan Gady, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) trụ sở Anh, cho rằng với rocket GMLRS, Ukraine chỉ có thể tập kích một số sở chỉ huy, đội hình Nga ở gần biên giới, khiến họ khó phát động chiến dịch vào Kharkov hơn, nhưng không thể chặn đứng đà tấn công của đối phương. Nga cũng có thể tăng cường các biện pháp tác chiến điện tử để đối phó rocket Mỹ.

“Chúng ta cần phải thực tế trong kỳ vọng từ sự thay đổi chính sách này, do lực lượng Nga đã quen đối phó các hệ thống rocket dẫn đường của Mỹ”, ông nói.

Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đánh giá Ukraine hiện “có thể đẩy lùi các đợt tấn công của Nga một cách hiệu quả hơn”, nhưng cũng cho rằng đây không phải yếu tố thay đổi cuộc chơi.

“Nó giống như biện pháp bổ sung, chất kích thích giúp Ukraine tăng cường phòng vệ”, Boulegue nói.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyền ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

Trước khi ông Biden “bật đèn xanh” cho Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang, thậm chí là chiến tranh hạt nhân, nếu phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí được viện trợ để tập kích lãnh thổ nước này.

Tổng thống Putin ngày 28/5 đề cập “những hậu quả nghiêm trọng”, đặc biệt là “với những quốc gia nhỏ, có mật độ dân số đông” ở châu Âu, dường như đề cập đến tác động của đòn trả đũa hạt nhân. Trước đó, ông chủ Điện Kremlin lại phát tín hiệu Nga sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine.

“Những thông tin này nhằm ngăn phương Tây cho phép Ukraine tấn công phủ đầu các đợt tấn công của Nga vào Kharkov”, theo Stepanenko.

Chuyên gia này cho hay Nga từng đưa ra cảnh báo tương tự khi Anh chuyển giao tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, nhưng cả Kiev và London đều phớt lờ thông điệp này. Ukraine sau đó nhiều lần dùng tên lửa Storm Shadow tập kích vào bán đảo Crimea hay các vùng Nga kiểm soát ở Donbass.

“Điện Kremlin coi đòn tập kích vào Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là ‘tấn công vào Nga’, nhưng thực tế cho thấy Moskva có rất ít lựa chọn để leo thang hơn nữa mà không gây ra nguy cơ lớn”, Stepanenko nói.

Tuy nhiên, Zheng Runyu, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Nga, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, lưu ý việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa và đàm phán hòa bình là bất khả thi.

Theo Zheng, cục diện chiến trường đang có lợi cho Nga và phương Tây không muốn đàm phán hòa bình diễn ra với cán cân như vậy. Zheng cũng cho rằng động thái “bật đèn xanh” của Mỹ khó giúp Ukraine thay đổi tình hình, bởi Kiev không có đủ binh sĩ để giành ưu thế trên chiến trường.

“Việc sử dụng vũ khí phương Tây tập kích Nga mang ý nghĩa nhiều hơn về mặt tuyên truyền”, Zheng nói với TASS.