Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRUONG HUY SAN Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Huy Đức

 

Trên mạng xã hội có những tin đồn về việc nhà báo Huy Đức bị bắt. Trang facebook cá nhân của ông mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 350.000 người theo dõi, hiện đã tạm đóng. Ông cũng đột ngột vắng mặt trong một sự kiện mà ông là diễn giả chính.

Ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, còn được biết đến với bút danh Osin ở trên mạng xã hội. Ông là một cây viết chính luận nổi tiếng, tác giả của bộ sách Bên thắng cuộc.

Thông tin “nhà báo Huy Đức bị bắt” xuất hiện trên mạng xã hội vào chiều 1/6 và được rất nhiều người chia sẻ, bàn tán.

BBC News Tiếng Việt chưa thể xác minh được thông tin ông Trương Huy San bị bắt. Tuy nhiên, một số người gần gũi với ông đã không thể liên lạc với ông trong hơn một ngày qua. Ông cũng đột ngột vắng mặt trong một buổi tọa đàm mà ông là diễn giả chính.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, một người bạn của ông Trương Huy San, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 2/6 rằng ông đã không thể liên lạc được với bạn mình từ sáng thứ Bảy ngày 1/6 và “có khả năng ông San đã bị công an mời làm việc”.

Ở Việt Nam, “mời làm việc” là một thông lệ của công an. Nhiều người bị “mời làm việc” nhưng thực ra là bị tạm giữ, trước khi công an công bố các quyết định tố tụng chính thức.

 

‘Sự việc gần như đã rõ’

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói rằng chương trình Cà phê thứ Bảy tại Hà Nội đã được “chốt lịch” từ trước và nhà báo Huy Đức đóng vai trò là diễn giả.

“Tôi và nhà báo Huy Đức có nhận lời mời của những người chủ trì Cà phê thứ Bảy làm một chương trình tọa đàm. Chương trình diễn ra vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 1/6/2024.

“Nhưng đến sáng hôm thứ Bảy, tôi không liên lạc được với Huy Đức, cả điện thoại và mạng xã hội. Tôi cố gắng liên lạc ngay với vài người thân bên cạnh anh ấy và hiểu điều gì đang diễn ra,” nhà văn Trần Thanh Cảnh thuật lại với BBC.

Nội dung chương trình Cà phê thứ Bảy hôm 1/6 xoay quanh các cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang Tiền Lê, từ Tiền Lê sang nhà Lý, từ nhà Lý sang nhà Trần.

“Chúng tôi trao đổi quanh sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình êm thấm bằng các cuộc hôn nhân, không gây ra chiến tranh đầu rơi máu chảy tàn phá đất nước. Những cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình như vậy đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho sự phát triển của dân tộc và đất nước. Và từ những bài học của lịch sử, chúng ta nên soi chiếu gì cho hiện tại đất nước ngày hôm nay.

“Rất tiếc, nhà báo Huy Đức đã không đến được,” ông Cảnh nói với BBC.

Chụp lại hình ảnh,Chương trình Cà phê thứ Bảy với khách mời là nhà báo Huy Đức diễn ra vào ngày 1/6 nhưng ông Huy Đức đã không có mặt

 

Sau khi chương trình Cà phê thứ Bảy kết thúc, nhà văn Trần Thanh Cảnh lại một lần nữa liên lạc với người bạn của mình nhưng đầu dây bên kia vẫn không nhấc máy.

“Tôi có liên lạc với bạn bè chung của tôi và Huy Đức, kết hợp với các tin đồn đang lan truyền trên mạng xã hội, thì tôi cho rằng có khả năng nhà báo Huy Đức đã được các cơ quan chức năng của nhà nước ‘mời’ đi làm việc! Tuy nhiên đây vẫn chỉ là tin chưa được xác thực.”

“Nhưng với những diễn biến trong quan hệ công việc và cá nhân của tôi và nhà báo Huy Đức, thì tôi nghĩ rằng rất có thể điều đó là thực. Thế nhưng chúng ta cần phải bình tĩnh chờ thông báo của các cơ quan có thẩm quyền. Chắc điều này sẽ đến sớm thôi,” ông Cảnh kết luận.

Ông cũng nói thêm rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức “có thể sẽ bị bắt” và cho biết thêm:

“Lần gặp cuối cùng của tôi với Huy Đức là tại nhà riêng của tôi, khi chúng tôi cùng vài người bạn tổ chức uống rượu và ngắm hoa (tối thứ Tư tuần vừa rồi, ngày 29/5). Lúc chia tay chúng tôi có hẹn lại gặp lại nhau vào chiều thứ Bảy nhưng sáng sớm hôm qua tôi nhắn tin và gọi điện thoại đã không liên lạc được rồi.

“Và sau khi liên lạc với người thân của anh ấy, tôi thấy không cần thiết phải đến nhà riêng nữa, sự việc đã gần như được xác quyết,” ông Cảnh kể lại.

 

Bài viết trên Facebook

Hiện Facebook mang tên Truong Huy San đã đóng.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng, việc này là một diễn biến bình thường khi “chủ nhân của nó đang phải làm việc với các cơ quan chức năng. Rất có thể họ đã tạm khóa, phong tỏa lại để phục vụ công việc.”

“Tôi chỉ biết hy vọng, sau khi các cơ quan chức năng đã làm việc, đã trao đổi với nhà báo Huy Đức, và thấy được bản chất của vấn đề, họ sẽ không phong tỏa nữa, chúng ta sẽ lại thấy Huy Đức sớm xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và cả ngoài đời,” ông Cảnh nói.

Trước khi biến mất, trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

 

Ông mở đầu bài viết: “Sáng qua, một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an điện thoại nói chuyện rất lâu sau khi đọc bài của tôi. Ông cho rằng, nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000 thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết.”

“Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ [BTA với Mỹ, WTO…]. Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về,” ông viết trên trang Truong Huy San.

Trong bài viết này, chủ nhân Facebook còn nhắc đến những điểm mạnh và yếu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.

Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Play video, “Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư?”, Thời lượng 10,31

Chụp lại video,Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức tổng bí thư?

 

Chưa hết, một bài viết khác gần đây có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước có đoạn:

“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.”

“Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…”

“Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn.”

“Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” bài viết nêu.

Những bài viết này trên Facebook Truong Huy San được đánh giá là đã nêu bật một số vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản.

“Trong tình hình chính trị xã hội của Việt Nam như hiện nay, tôi có thể nói rằng bất cứ một trí thức đích thực nào quan tâm đến vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước đều có thể gặp tình trạng như Huy Đức,” nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC.

 

Nhà báo Huy Đức là ai?

Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.

Ông từng tham gia trong quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.

Bút danh Huy Đức được công chúng biết đến trên báo Tuổi Trẻ.

Ông cũng từng làm báo cho tờ Sài Gòn Tiếp thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết “Bức tường Berlin”.

Sau khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.

Năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard.

 

Ông cũng được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc, ra mắt độc giả vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ năm 1975 đến cuối những năm 1990.

Vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm sách Bên thắng cuộc ra mắt, Ben Kerkvliet, một giáo sư hưu trí của Đại học Quốc gia Úc, viết cho BBC và khen ngợi rằng Bên thắng cuộc “tự nó là một thành tựu đáng khâm phục và sẽ vẫn là một đóng góp vô giá cho học thuật trong thời gian dài”.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh thì nói với BBC rằng, bộ sách Bên thắng cuộc đã bất tử cùng với lịch sử hiện đại của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

“Những đóng góp của Huy Đức là vô giá cho văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam,” ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Bên cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội. Ông là người sáng lập chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh Trường Sa.

Gần đây ông có tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.

 

BBC (02.06.2024)

 

 

 

 

EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam: ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’

EU kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

 

Hôm 29/5, Liên hiệp châu Âu (EU) công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023.

“Dù Việt Nam đảm nhận vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2023-2025, vẫn có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền trong năm 2023”, phúc trình viết.

“Không gian cho xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp, thể hiện qua việc sách nhiễu, bắt giữ và kết án tùy tiện các nhà hoạt động và các blogger. Các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường vẫn là mục tiêu hàng đầu: các luật sư nhân quyền bào chữa cho họ có nhiều khả năng bị Bộ luật Hình sự trừng phạt nghiêm khắc với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, phúc trình cho biết thêm, nói rằng thêm một số người trong số họ đã trốn khỏi đất nước.

EU cho rằng Nghị định 53/2022/ND-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng được ban hành năm 2022 “tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận” bằng cách ủy quyền truy cập dữ liệu người dùng “theo các điều khoản được xác định một cách mơ hồ, liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.

Trong lĩnh vực quyền lao động, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước ILO 87 về tự do lập hội và chưa thông qua nghị định về các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, vẫn theo báo cáo của EU.

“Các án tử hình vẫn tiếp tục được thi hành mà không có thống kê chính xác về số vụ hành quyết”, báo cáo nêu rõ.

Liên quan đến quyền của người dân tộc và quyền tự do tôn giáo, EU nhận định rằng “các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền”.

“Nhân quyền thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc thảo luận song phương” với chính phủ Việt Nam, báo cáo cho biết, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam, và các cuộc trao đổi trong khuôn khổ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế quan trọng để hai bên đưa ra các “vấn đề quan tâm”.

Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lao động, vừa là ưu tiên vừa là nghĩa vụ của EU theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đã được đề cập trong nhiều trường hợp, phúc trình cho biết.

Liên minh của tổ chức gồm 27 quốc gia châu Âu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ và trao quyền cho các cá nhân hoạt động nhân quyền, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Ngoài ra, EU cũng quan ngại về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, sự siết chặt không gian và môi trường làm việc đối với các tổ chức xã hội dân sự (CSO).

 

EU tập trung vào việc tăng tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận; tự do tôn giáo và tín ngưỡng; xã hội dân sự và dân chủ có sự tham gia chủ động; quyền bình đẳng và đa dạng; quyền của thanh thiếu niên và trẻ em; quản lý công bằng và pháp quyền công bằng, bao gồm việc bãi bỏ hình phạt tử hình, tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và thực hiện hiệu quả các cơ chế nhân quyền.

Trong thời gian qua, EU tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền, yêu cầu được phép quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền và yêu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế và thăm viếng gia đình các tù nhân, vẫn theo phúc trình thường niên.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo nhân quyền mới nhất này, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng các quyền căn bản của người dân được “tôn trọng và đảm đảm”.

Nhận định về bản phúc trình này, nhà hoạt động Helena Hương Nguyễn ở Đan Mạch, chia sẻ với VOA: “Bản phúc trình của EU về tình hình nhân quyền tại Việt Nam rất súc tích, và hoàn toàn phù hợp với những điều nhiều tổ chức nhân quyền và chúng tôi đã thường xuyên cảnh báo EU và thế giới. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong bản báo cáo của họ quá trung dung và khách sáo vì tính cách ngoại giao của họ”.

“EU và các quốc gia thành viên phải có những hành động cụ để giúp người dân Việt Nam được hưởng những quyền căn bản con người. Cụ thể là phải đẩy mạnh, tham gia và phổ biến rộng rãi các hoạt động hỗ trợ tinh thần và tài chính cho những người bị áp bức…”, bà Helena đưa ra khuyến nghị.

“Đặt biệt là nếu không có sự tiến bộ trong 3 lãnh vực được EU quan tâm đặt biệt là tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng và sự tham gia chủ động của của xã hội dân sự và dân chủ, EU phải can đảm áp dụng luật Magnitsky đối với các viên chức của bộ công an Việt Nam có trách nhiệm trong các trường họp giam cầm tùy tiện, tra tấn, hay chết trong tù và đồn công an”, bà cho biết thêm.

Vào tháng 12/2020, Hội đồng Liên hiệp châu Âu đã thông qua Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu, thường hay được gọi là Đạo luật Magnitsky của EU, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào các quốc gia thành viên.

 

VOA (30.05.2024)

 

 

 

 

Chính quyền gia tăng đàn áp giới hoạt động về quyền của người Khmer Krom

Ông Triệu Siêu với sách nhân quyền, và Văn bản trả lời về việc cấp hộ chiếu Facebook Hieu Khmer Krom

 

Các cơ quan chức năng của nhiều tỉnh ở Nam Bộ gia tăng đàn áp và sách nhiễu những người hoạt động cổ suý cho quyền của người Khmer Krom bản địa trong thời gian gần đây, kể cả việc từ chối cấp hộ chiếu và trục xuất sư khỏi chùa.

 

Không cấp hộ chiếu vì thuộc diện cấm xuất cảnh

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh của Công an tỉnh Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu lần đầu cho ông ông Triệu Siêu (sinh năm 1989), một người Khmer ở huyện Trần Đề.

Công văn số 377/XNC của cơ quan này ký bởi Phó trưởng phòng Thượng tá Đỗ Thanh Hoà vào ngày 24/5 cho rằng, ông Siêu thuộc diện cấm xuất cảnh có thời hạn từ ngày 01/08/2023 đến 01/08/2026.

Văn bản của cơ quan chức năng cũng cho biết sẽ tạm ngừng giải quyết việc cấp hộ chiếu cho ông cho đến khi được đưa ra khỏi diện bị cấm xuất cảnh.

Một người thân của ông này hôm 28/5 nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh như sau:

“Lý do duy nhất khiến ông Triệu Siêu bị cấm xuất cảnh có thể do các hoạt động đấu tranh cho quyền của người Khmer bản địa. Ông tham gia phát Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa cùng với nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác.”

Trên trang Facebook Hieu Khmer Krom được cho là của ông Siêu đăng tải hình ảnh ông đứng cùng với nhà hoạt động Danh Minh Quang, người bị tòa án huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tuyên án ba năm sáu tháng tù hồi tháng 2 vừa qua với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Phóng viên liên lạc với ông Triệu Siêu để hỏi thêm thông tin nhưng ông từ chối, chỉ nói rằng đang chuẩn bị khiếu nại lên Công an tỉnh Sóc Trăng và yêu cầu giải thích lý do đưa ông vào diện bị cấm xuất cảnh.

Phóng viên gọi điện cho Công an tỉnh Sóc Trăng và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh để hỏi về trường hợp ông Siêu, tuy nhiên người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Theo quy định tại Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh có người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh; hoặc là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Hơn nửa năm trước khi bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh, vào cuối tháng 1/2023, ông có bị mời lên Công an xã Trung Bình ở cùng huyện để làm việc về “một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook” khi chia sẻ thông tin về đàn áp đối với người Khmer.

 

Tẩn xuất sư khỏi chùa, cấm 143 chùa Khmer tiếp nhận

Báo Giác Ngộ online hôm 26/3 cho hay, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của Hội Phật giáo Khmer-Mekone tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định không công nhận Tỳ kheo (Tỳ khưu) Kim Som Rinh là thành viên trong Tăng chúng chùa Chac A Krôn (chùa Đại Tường); không công nhận ông là thành viên trong Tăng đoàn Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Trà Vinh và tẩn xuất (trục xuất-PV) khỏi chùa bắt đầu từ ngày 14/3, đồng thời đề nghị tất cả 143 chùa Khmer trong tỉnh không tiếp nhận ông này.

Theo quyết định, Tỳ kheo Kim Som Rinh ba lần không chấp hành theo thư mời của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh; có hành vi đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video không đúng sự thật trên trang mạng xã hội (Facebook) với nội dung gây mất an ninh, trật tự xã hội; lôi kéo một số vị sư, Phật tử tham gia vào hoạt động của bản thân gây mất đoàn kết trong chùa và cộng đồng; là Tỳ kheo khó dạy, ương ngạch không tuân thủ giáo luật và lời giáo huấn của trụ trì và lãnh đạo các cấp hội.

Tỳ kheo Kim Som Rinh, hiện đang sống ở nhà với gia đình, xác nhân việc ông bị ép rời khỏi chùa, lý do theo ông là vì các hoạt động cổ suý nhân quyền và cất lên tiếng nói ủng hộ người yếu thế, trong đó có nạn nhân người Khmer bị tịch thu đất đai ở Kiên Giang. Ông nói với RFA trong ngày 30/5:

“Họ (chính quyền địa phương- PV) không đồng tình cho các sư và các nhà hoạt động ở đây là tuyên truyền về dân bản địa (Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa-PV). Cái ngôn từ Khmer Krom và cờ ba màu đại diện cho Khmer Krom họ không cho sử dụng luôn.

Họ cáo buộc các nhà hoạt động Khmer nhiều lắm, thư mời tùm lum hết do tuyên truyền luật nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế- PV) và luật dân bản địa (Công ước quốc tế về quyền của người bản địa- PV). Họ thường cáo buộc xuyên tạc sự thật và làm mất an ninh trật tự vậy đó.”

Lá cờ ba màu sư Kim Som Rinh nhắc tới được tổ chức Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (viết tắt là KKF) lấy làm Đoàn kỳ có ba sọc ngang xanh, vàng, đỏ; cùng với khẩu hiệu “Dân tộc- Tôn giáo- Nhân dân.”

 

Công an gửi giấy mời làm việc hàng loạt người sắc tộc Khmer Krom

Người Khmer Krom yêu cầu Chính phủ Việt Nam phóng thích các nhà hoạt động vì quyền của người bản địa ở Geneva hôm 7/5/2024. Ảnh: RFA

Chính quyền ở một số địa phương thuộc vùng Tây Nam Bộ cũng gia tăng đàn áp người Khmer Krom trong thời gian gần đây chỉ vì họ cổ suý các giá trị nhân quyền, trong đó có quyền của người bản địa.

Một nhà hoạt động sắc tộc Khmer đăng tải hàng loạt giấy mời làm việc của cơ quan công an tỉnh Trà Vinh gửi cho các nhà hoạt động.

Hôm 27/5, công an huyện Cầu Kè mời bà Thạch Nga (sinh năm 1990) hai ngày sau lên trụ sở làm việc với nội dung “liên quan đến việc sử dụng cờ 03 màu ‘xanh, vàng, đỏ’ của tổ chức KKF và đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.”

Trong ngày 24/5, công an xã Hàm Giang (huyện Trà Cú, Trà Vinh) gửi giấy mời lần thứ tư đối với bà Thạch Thị Huỳnh Thone lên trụ sở cơ quan này làm việc vào sáng ngày hôm sau để “trao đổi về việc mang cờ KKF.”

Ngày 15/5, công an xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cũng mời ông Thạch Phờ Rêng hôm sau lên làm việc về “một số vấn đề có liên quan đến mạng xã hội.”

Dù chỉ là “giấy mời” nhưng trưởng công an xã yêu cầu ông Thạch Phờ Rêng “phải nghiêm chỉnh chấp hành và đi đúng ngày, giờ, địa điểm đã quy định, không viện bất cứ một lý do nào vắng mặt.”

Công an xã này cũng mời làm việc ông Thạch Yên Sa Rây (sinh năm 1987) với cùng nội dung.

Phóng viên gọi điện thoại cho công an các xã nêu trên để xác minh nhưng người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến gặp trực tiếp lãnh đạo để được cung cấp thông tin.

Ông Trần Xa Rộng – Phó Chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) cho RFA biết, gần đây một số người người Khmer Krom hiểu biết được quyền con người, hiểu biết được về quyền của người bản địa nên họ đi phân phát Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Công ước quốc tế về quyền của người bản địa của Liên hiệp quốc trong cộng đồng của mình.

Vì các hoạt động này, họ bị chính quyền địa phương theo dõi và sách nhiễu. Ông Trần Xa Rộng nói trong tin nhắn ngày 29/5:

“Công an địa phương luôn theo dõi và quấy rối mọi cuộc gặp gỡ của thanh niên, và mọi cuộc lễ lộc của mọi chùa chiền, và từ đó những thanh niên nào có phần sáng suốt trong vấn đề đó thì họ luôn bị mời làm việc…”

 

RFA (30.05.2024)

 

 

 

 

Việt kiều Mỹ 2 lần bị bắt oan do làm ăn với Công An An Giang

 

 Ông Lâm Hồng Sơn, 68 tuổi, Việt kiều Mỹ, dự trù vào ngày 28 Tháng Năm sẽ được xin lỗi công khai và “phục hồi danh dự” sau 34 năm bị bắt oan hai lần với cáo buộc “lừa đảo” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế.”

Theo báo VNExpress hôm 27 Tháng Năm, hai vụ bắt oan xảy ra hồi năm 1990 và 1991.

Ông Lâm Hồng Sơn. (Hình: VNExpress)

 

Hồ sơ vụ việc cho hay, hồi Tháng Tư, 1988, Ban Chỉ Huy Cảnh Sát Công An tỉnh An Giang ký hợp đồng với ông Sơn về việc mở cơ sở chế biến thức ăn gia súc tại địa phương.

Cơ quan nêu trên chịu trách nhiệm về đất đai và pháp lý nên giao khoán một trại tù cũ ở thành phố Châu Đốc cho ông Sơn để xây dựng xí nghiệp.

Thời điểm đó, ông Sơn bỏ ra 30 lượng vàng để xây cất nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị, tiến hành hoạt động và nộp một số tiền khoán mỗi tháng cho Công An Tỉnh An Giang.

Ông Sơn được công an cho làm giám đốc xí nghiệp.

Một năm sau, Công An Tỉnh An Giang tiếp tục dùng mặt bằng này liên doanh với đối tác Thái Lan, thành lập công ty Ancresdo kinh doanh dịch vụ. Ông Sơn được bổ nhiệm làm giám đốc do có kinh nghiệm làm ăn.

Đầu năm 1990, khi ông Sơn đang thực hiện hợp đồng mua bán sắt giữa Ancresdo và công ty Kinh Doanh Tổng Hợp huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, thì Công An Tỉnh An Giang bất ngờ phát đi thông báo “ông Sơn không phải là người của Ancresdo.”

Công An Tỉnh Long An bắt, khởi tố ông Sơn với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.”

Trong khi Công An Tỉnh Long An đang thụ lý vụ án, Công An Tỉnh An Giang làm biên bản “xin mượn bị can hai ngày để làm việc” nhưng giam ông Sơn luôn ba tháng.

Sau khi ông Sơn được bàn giao lại cho Công An Tỉnh Long An tiếp tục điều tra, đến ngày 16 Tháng Năm, 1990, cơ quan này ra quyết định trả tự do và đình chỉ điều tra vì hành vi của ông Sơn “không cấu thành tội phạm.”

Cơ Quan Điều Tra Công An Tỉnh Long An kết luận, việc bắt oan ông Sơn “liên quan trách nhiệm của một số cán bộ Công An Tỉnh An Giang.”

Cụ thể, do công ty Ancresdo không có vốn, ông Nguyễn Văn Thông, khi đó là phó giám đốc Công An Tỉnh An Giang, chỉ đạo ông Sơn “tự huy động từ nguồn bên ngoài” đưa vào mua sắt xuất cảng sang Thái Lan, đổi xe hơi, xe gắn máy và hàng kim khí đem về Việt Nam tiêu thụ.

Ông Sơn huy động được 1.1 tỷ đồng ($43,188 theo tỷ giá hiện nay), một phần năm trong số này là của công ty Kinh Doanh Tổng Hợp huyện Thủ Thừa đầu tư dưới hình thức “nhận tiền mặt trước, trả bằng hàng hóa sau.”

Từ nguồn vốn này, Ancresdo mua được 658 tấn sắt xuất cảng sang Thái Lan và nhận về cảng Mỹ Thới, An Giang, hai tàu hàng trị giá $270,000.

Trong lúc ông Sơn đang ở Thái Lan để ký những hợp đồng tiếp theo, ông Thông ở nhà đưa một người thân tín làm phó giám đốc phụ trách kinh doanh Ancresdo.

Toàn bộ số hàng trên tàu từ Thái Lan về, gồm 122 xe gắn máy Kawasaki, 101 xe gắn máy Honda, tám chiếc xe hơi và nhiều món hàng khác bị lãnh đạo Công An Tỉnh An Giang mang bán tháo.

Đến hồi Tháng Mười Hai, 1990, ông Sơn bị Công An Tỉnh An Giang bắt về cáo buộc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.”

Sau đó, Viện Kiểm Sát Tỉnh An Giang sau đó chuyển sang truy tố ông Sơn về tội “trốn thuế” trong vụ nhập cảng 13 chiếc xe hơi.

 

Hơn một năm sau, Viện Kiểm Sát Tỉnh An Giang cho rằng căn cứ buộc tội ông Sơn “không vững chắc” nên ra quyết định trả tự do và đình chỉ điều tra.

Từ đó đến nay, sau gần 33 năm ông Sơn làm đơn gửi nhiều cơ quan tố tụng hai tỉnh An Giang và Long An thì mới được “phục hồi danh dự.” 

 

Người Việt (27.05.2024)

 

 

 

 

 

Hai TNLT cáo buộc việc tiếp tục bị ngược đãi tại Trại giam số 6

Hai nhà hoạt động Đặng Đình Bách (phải) và Bùi Văn Thuận RFA edited

 

Hai tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách vừa cho thân nhân biết việc tiếp tục bị ngược đãi tại Trại giam số 6. Trước tình trạng đó, bản thân ông Thuận tiến hành tuyệt thực để phản đối; còn gia đình ông Bách làm đơn khiếu nại.

 

TNLT Bùi Văn Thuận báo tuyệt thực 5 ngày

TNLT Bùi Văn Thuận bắt đầu tuyệt thực từ ngày 25/5 tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Ông Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông thông báo kế hoạch tuyệt thực kéo dài năm ngày cho gia đình trong cuộc gọi điện về ngày 20/5, vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, nói cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Bà thuật lại lý do tuyệt thực của chồng:

Anh ấy có bảo là anh ấy sẽ tuyệt thực trong vòng 5 ngày để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu cho các tù nhân chính trị ra ngoài sân chung để giao lưu học tập với nhau.

Ba người hiện đang bị giam giữ trong một căn phòng rất là bí bách, cái phòng đấy ở cuối dãy nên là không có sân nào để có thể đi lại tập thể dục.

Trước kia, trong dịp cuối tuần, trại giam thường mở cửa cho các tù nhân chính trị ở Phân trại 1 ra khu vui chơi chung để họ giao lưu gặp gỡ và thể dục thể thao. Tuy nhiên, gần đây, không rõ vì lý do gì mà trại giam không còn cho họ ra sân chơi chung nữa mà buộc họ phải ở trong phòng giam chật hẹp vào mùa hè oi bức ở miền trung thường có gió Lào khô và nóng.

Ông Thuận cho vợ biết ông quyết định tuyệt thực sau khi đã từ chối khẩu phần ăn của nhà tù trong một tuần để phản đối chế độ giam giữ vô nhân đạo nhưng phía trại giam im lặng.

Ông cũng nói với vợ là từ khi chuyển sang Phân trại 1 từ đầu tháng tư vừa qua, bệnh viêm khớp của ông tái phát, uống thuốc vẫn không đỡ, và ông cho rằng có nguyên do là bị giam trong buồng chật hẹp và không có không gian để vận động. 

Để kiểm chứng thông tin, phóng viên tìm cách liên hệ với Trại giam số 6 và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, tuy nhiên không thể kết nối theo số điện thoại của hai cơ quan này đăng công khai trên mạng Internet.

Bà Nhung nói rất lo lắng cho sức khoẻ của chồng trong điều kiện giam giữ hiện nay.

Gia đình rất lo lắng, muốn phía Trại giam số 6 thay đổi chế độ giam giữ và cho tù nhân được ra ngoài giao lưu học tập với nhau và đó là cái quyền lợi chính đáng của các tù nhân chính trị.”

Gia đình sẽ đồng hành cùng với anh Thuận để đòi lại quyền lợi cho anh Thuận và các tù nhân chính trị ở trong trại giam số 6. Nếu mà trại giam họ không thay đổi, gia đình để tiếp tục khiếu nại lên đến các cơ quan có thẩm quyền.”

Như đã đưa tin, bên cạnh việc giam giữ trong điều kiện vô nhân đạo, ông Thuận còn không được giao tiếp với bố mẹ và em trai bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Mường trong khi họ không thành thạo tiếng Kinh trong các buổi thăm gặp ở trại giam.

Việc tù nhân lương tâm tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ hà khắc xảy ra phổ biến ở nhiều trại giam trên cả nước. Ngay ở Trại giam số 6, hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách có nhiều lần tuyệt thực dài ngày trong vài năm gần đây. Lần gần đây nhất, ông Thức tuyệt thực một tuần và chấm dứt vào đầu tháng 02 vừa qua và ông Bách tiếp sức sau đó.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng tuyệt thực nhiều lần và có lần kéo dài 37 ngày ở trại giam này giữa năm 2013, chia sẻ với RFA:

Tù nhân không ai muốn tuyệt thực cả nhưng mà ở trong cái môi trường như thế khi mà bị đàn áp không thể nào đưa được tin tức ra ngoài thì lúc đó tù nhân phải mang chính cái tính mạng mình ra để mà đấu tranh.

Khi mà anh em tù nhân tuyệt thực thì tất cả các trại giam ở Việt Nam tìm mọi cách ngăn chặn thông tin, không để thông tin lọt ra ngoài. Thứ hai nữa là khi mà anh đã ngưng tuyệt thực thì họ đưa truyền thông của họ vào để họ đối phó. Họ thu những hình ảnh của mình lúc mà mình đã hết tuyệt thực rồi và họ nói rằng là mình không tuyệt thực.”

Do vậy, ông cho rằng người thực hiện tuyệt thực hoặc bạn tù phải đưa được thông tin ra ngoài để cộng đồng ở bên ngoài lên tiếng, gây sức ép buộc trại giam phải cải thiện điều kiện giam giữ.

 

Gia đình TNLT Đặng Đình Bách khiếu nại về đối xử vô nhân đạo

Luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), cũng đang thụ án tù năm năm về tội danh “trốn thuế” trong Phân trại 1 của Trại giam số 6.

Vợ ông, bà Trần Phương Thảo, cho RFA biết ngày 24/5 vừa qua, bà đã gửi đơn tới Ban giám thị của Trại giam số 6 để khiếu nại về việc cơ sở giam giữ này không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của chồng.

Theo đó, chồng bà đang bị giam cùng với nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức trong một buồng giam chỉ rộng khoảng 10 mét vuông gồm cả bệ ngủ và khu vệ sinh. Phòng chỉ được trang bị một quạt nhỏ trong khi nhiệt độ trong phòng giam có thể lên tới 43 độ C vào mùa hè. Ông đã đề nghị được trại giam cấp thêm quạt nhưng cho tới nay giám thị vẫn chưa trả lời.

Thêm nữa, vì ông Bách ăn chay nên ông đề nghị trại giam thay thế thực phẩm từ động vật thành thức ăn thực vật, nhưng đề nghị của ông vẫn bị lờ đi.

Bà Thảo nói với RFA qua tin nhắn:

Tôi cho rằng việc Trại giam số 6 giam giữ tù nhân trong phòng giam chật hẹp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt là hình thức tra tấn và ngược đãi họ.

Việc giam giữ họ biệt lập trong các buồng giam như hiện nay đang hạn chế nhu cầu tương tác xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tinh thần, khiến người tù có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý, lâu dần dẫn đến mất khả năng giao tiếp.”

Phòng giam của hai ông Bách và Thức có khoảng sân như mái hiên rộng khoảng 10 mét vuông nhưng không có cây cối xung quanh và trại giam cũng không cho tù nhân trồng gì. Trước kia, trại giam không mở cửa cho hai ông ra sân này, nhưng sau khi hai ông phản đối quyết liệt, gần đây giám thị mới cho mở cho họ ra vài tiếng mỗi ngày để hít thở không khí bên ngoài.

 

RFA (28.05.2024)

 

 

 

 

Việt Nam y án đối với hai ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương

Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa sơ thẩm ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.

 

Một tòa án ở Trà Vinh vừa y án 4 năm tù đối với ông Thạch Cương và 3 năm 6 tháng tù đối với ông Tô Hoàng Chương, hai nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom ở đồng bằng sông Cửu Long mà chính phủ Hoa Kỳ liên tục kêu gọi Việt Nam phóng thích.

Ngày 23/5, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với hai ông về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, báo Trà Vinh tường thuật.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết cả ông Cương và ông Chương đã sử dụng mạng xã hội Facebook để phát trực tiếp các video clip, hình ảnh, cũng như chia sẻ các nội dung bị cho là “gây ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc chính quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương”.

Như VOA đã đưa tin, tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Cầu Ngang ngày 20/3/2024, đã tuyên phạt ông Cương 4 năm tù và ông Chương 3,5 năm tù và sau đó hai ông đã kháng án.

Ngay sau khi hai ông bị công an Trà Vinh bắt giam vào ngày 31/7/2023, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Rashad Hussain lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các ông “ngay lập tức và vô điều kiện”, cũng như cho phép các nhóm xã hội dân sự được hoạt động ôn hòa mà không sợ bị trả thù.

 

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa hai ông Cương và ông Chương vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo và liên tục vận động để hai ông được tự do. USCIRF cho rằng hai ông bị bắt vì các hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo, cụ thể cho là đã phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP). USCIRF cũng cho rằng hai ông ủng hộ quyền của các Phật tử Khmer Krom được thực hành tôn giáo của họ phù hợp với nền tảng dân tộc và văn hóa của họ và không bị nhà nước can thiệp.

“Thạch Cương và Tô Hoàng Chương có 3 lần đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh để nhờ can thiệp, tác động đến Liên Hiệp quốc yêu cầu Việt Nam thực hiện vấn đề nhân quyền và quyền các dân tộc bản địa”, trang Công an Trà Vinh loan tin hôm 20/3.

Trong khi đó Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF), tổ chức bảo vệ quyền của người Khmer Krom có trụ sở tại Mỹ, nói rằng việc hai ông này phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) không phải là một hành vi phạm tội.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận sự hiện diện của người bản địa tại Việt Nam và xem KKF là một “tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.

Sau phiên sơ thẩm, ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) đưa ra nhận định trong một thông cáo: “Chúng tôi lên án chính phủ Việt Nam vì sự trấn áp và đàn áp trắng trợn, dai dẳng nhằm vào các dân tộc thiểu số và tôn giáo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc chính quyền Việt Nam, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền”.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối, bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ, có dụng ý, định kiến xấu nhằm vào Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt hôm 22/3 trả lời câu hỏi của VOA về phát biểu của đại diện CSW.

Người Khmer Krom chủ yếu theo Phật giáo Nam Tông và không được chính quyền Việt Nam xem là người bản địa. Theo các nhóm nhân quyền quốc tế, người Khmer Krom, cũng giống như tình trạng của nhóm dân tộc Thượng ở Tây Nguyên, phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, nhóm họp và đi lại.

 

VOA (25.05.2024)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen