Seite auswählen

Nạn “kiêu binh” dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng

 

Thu Hà

2-6-2024

Tiếng Dân

 

Từ vua Lê, chúa Trịnh

Sử Việt chép rằng, thời Lê Trung Hưng, vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền lực thật sự nằm trong tay chúa Trịnh. Tuy nhiên còn có một lực lượng khác từng thao túng cả vua Lê lẫn chúa Trịnh, thậm chí thế lực này còn quyết định chọn người lên ngôi, hoàn toàn thao túng Triều đình, đó chính là lực lượng kiêu binh.

Bởi họ đã đóng góp nhiều công lớn, nên được vua, chúa tin dùng làm quân túc vệ, lại được vua chúa nuông chiều, nên quân “Tam phủ” sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua, phép nước, dẫn đến lũng đoạn triều chính, dân tình lầm than, khổ sở.

Nhiều lần kiêu binh xông vào triều, bắt sống, truy sát và bức tử đại thần, đến vua chúa cũng khiếp sợ. Đỉnh điểm vào năm 1782, kiêu binh vây phủ chúa, giết Quận huy Hoàng Đình Bảo, phế bỏ chúa Trịnh Cán và thân mẫu Tuyên phi Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa.

Trịnh Khải phong quan tước cho kiêu binh. Từ đó, quân ấy ngày một kiêu, đi cướp phá nhà dân, lộng hành, giết người không nương tay. Kiêu binh cũng tùy tiện mở cửa ngục, rước Lê Duy Khiêm (tức vua bán nước Lê Chiêu Thống sau này) về cung.

Sau này, hào kiệt các nơi cùng nổi dậy, mọi người đồng lòng tìm diệt kiêu binh. Kiêu binh hai xứ Thanh – Nghệ đóng ở các trấn đều phải bỏ trốn, lúc đi qua làng mạc, chúng không dám lên tiếng. Kẻ nào buộc miệng phát ra thổ âm Thanh – Nghệ, tức thì bị dân chúng bắt giết ngay.

Bọn chúng phải luôn giả cách làm người câm, ăn xin ở dọc đường, rồi lần mò về kinh. Mãi đến năm 1786, quân Tây Sơn đánh ra Bắc. Phe chúa Trịnh kháng cự không nổi, tan tác và sụp đổ, nạn kiêu binh chấm dứt.

Có thể thấy, kiêu binh chính là sản phẩm được sản sinh ra từ thể chế chính trị phong kiến chuyên chế thối nát Lê – Trịnh và hậu quả là chúng làm cho triều đại suy tàn.

Bàn về nạn kiêu binh, sách “Việt sử tân biên” (quyển 3), của sử gia Phạm Văn Sơn, có đoạn như sau: “Gia chính cũng như quốc chính, một khi có lũ con cưng đó, tất nhiên phải đưa thiên hạ đến chỗ đại loạn. Lịch sử không chỉ trách kiêu binh, mà còn phải quy trách nhiệm cho những người cầm đầu dân tộc đã vụng suy dại nghĩ”.

Đến nguồn cơn Nguyễn Phú Trọng

Hiện nay, dưới triều Nguyễn Phú Trọng, nạn “kiêu binh” từ Bộ Công an cũng tiếm quyền, thao túng quyền lực, bắt cả Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương làm con tin. Khởi nguồn của nạn kiêu binh này là do ông Nguyễn Phú Trọng. Ba vụ việc sau đây, có thể thấy ông Trọng đã dung túng Bộ Công an ra sao:

– Để thoả mãn danh dự cá nhân, ông Trọng sẵn sàng bất chấp các quy tắc ngoại giao, thông lệ quốc tế, bật đèn xanh cho Tô Lâm đưa mật vụ sang Đức, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về nước. Chưa hết, vì tiêu diệt phe nhóm chính trị, củng cố quyền lực, ông Trọng cho bắt Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, quản thúc (giam lỏng) Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh mà không cần có ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương hoặc Quốc hội.

– Ông Trọng biết rất rõ, “án tại hồ sơ” việc bộ trưởng Tô Lâm dính rất sâu trong vụ Mobifone mua AVG bằng các văn bản “Tối mật”, nhưng ông ta vẫn làm ngơ, bỏ qua. Phạm Nhật Vũ, kẻ hưởng lợi 5800 tỉ trong phi vụ này, đã đưa hối lộ cho các quan chức hơn 6 triệu Mỹ kim, lại được Bộ Công an của Tô Lâm đề nghị cho hưởng “chế độ hình sự đặc biệt” để Vũ chỉ phải nhận mức án 3 năm tù.

– Ông Trọng ủng hộ chủ trương của Tô Lâm và Bộ Công an, nửa đêm mang hàng ngàn quân đi tấn công thôn Hoành, Đồng Tâm, “tiêu diệt” đảng viên 58 tuổi đảng Lê Đình Kình, bắt hết con cháu ông Kình mà không cần bất kỳ một cuộc hòa giải, vận động, hay bản án xét xử của bất kỳ phiên tòa nào.

 

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm. Nguồn: Internet

Từ tiền lệ đó, Bộ Công an núp dưới cờ “chống tham nhũng không có vùng cấm”, trở nên lộng quyền và bước qua mọi rào cản pháp lý.

Nếu như từ năm 2016 về trước, Bộ Công an luôn chờ hồ sơ chuyển từ Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ để khởi tố điều tra, thì nay, Bộ Công an không cần kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương hay đề nghị của Thanh tra Chính phủ.

Bộ Công an xem như không có hai cơ quan này, họ ngang nhiên xông vào trụ sở làm việc bắt Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, bí thư các tỉnh thành, bắt chủ tịch Hội Đồng Nhân dân, chủ tịch UBND… mà không cần thông báo cho các tổ chức đảng ủy ở những nơi đó.

Ông Trọng đã xem Bộ Công an là thần bảo hộ của đảng, là công cụ bảo đảm sự tồn tại của đảng, nên o bế, dung túng lực lượng công an, biến họ trở thành kiêu binh hung hãn, côn đồ, coi thường nhân phẩm, mạng sống của dân.

Kiêu binh “thời đại Hồ Chí Minh” tham nhũng, hối lộ, mua sao vạch, bán phẩm hàm, mà không ai dám điều tra, tố cáo, chỉ trích. Công an đánh người, bắn người, bắt bớ, tra tấn khi giam cầm, dẫn đến những cái chết tức tưởi của dân, hoặc thương tích đầy người, thân tàn ma dại… nhưng luôn được bao che, không hề bị truy tố.

Những đại biểu nào chất vấn gay gắt bộ trưởng Bộ Công an, phê phán công an giữa nghị trường, không sớm thì muộn, cũng bị gài bẫy, bắt giam.

Ai dám đưa công an vào vòng tố tụng, khi đứng đầu cơ quan khởi tố điều tra là Bộ Công an (đại tướng CA Tô Lâm), cơ quan truy tố Viện Kiểm sát (thượng tá CA Lê Minh Trí) và cơ quan xét xử Toà án Tối cao (thiếu tướng CA Nguyễn Hoà Bình)?

Thời của kiêu binh

Kiêu binh thời nay đã không còn đứng canh cửa ngoài phủ, bảo vệ cấm cung, cảnh vệ mục tiêu… mà kiêu binh đang ngồi trong triều đình, luận bàn chuyện quốc gia, chính sự.

Sai lầm của ông Trọng đã giúp Bộ Công an cài cắm người của mình vào tất cả cơ quan đầu não. Xin điểm danh sơ sơ, để biết thế lực của Tô Lâm “bày binh bố trận” như thế nào:

1. Lương Tam Quang, sinh 1965, quê Kim Động, Hưng Yên; Ủy viên Trung ương khóa 13, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra BCA. Sắp tới, Quang sẽ nắm ghế bộ trưởng Bộ Công an.

2. Nguyễn Duy Ngọc, sinh năm 1964, quê Kim Động, Hưng Yên. Ngọc là Ủy viên Trung ương khoá 13, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngày 3-6-2024, Ngọc sẽ nhậm chức Chánh Văn phòng Trung ương đảng.

3. Tô Ân Xô, sinh năm 1963, quê Bắc Ninh. Xô là thiếu tướng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương và là Người phát ngôn của Bộ Công an.

Trước đó, Tô Ân Xô là Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ngày 3-6-2024, Xô sẽ được bổ nhiệm chức Trợ lý Chủ tịch nước Tô Lâm.

4. Vũ Hồng Văn, sinh năm 1976, quê Yên Mỹ, Hưng Yên. Văn là Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Trước đó, Vũ Hồng Văn là thiếu tướng, cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ.

5. Phạm Thế Tùng, sinh năm 1972, quê Tiên Lữ, Hưng Yên. Tùng là thiếu tướng, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03).

6. Mai Hoàng, sinh năm 1979, quê Yên Mỹ, Hưng Yên. Hoàng là thiếu tướng, thành uỷ viên, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

7. Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1968, quê Long Hưng, Hưng Yên. Tùng là thiếu tướng, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội.

8. Tô Anh Dũng, sinh năm 1978, quê Văn Giang, Hưng Yên. Dũng là đại tá, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam.

9. Cao Minh Huyền, sinh năm 1974, quê thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Huyền là đại tá, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai.

10. Lê Việt Thắng sinh năm 1972, quê quán Văn Giang, Hưng Yên. Thắng là đại tá, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.

11. Nguyễn Ngọc Quang, sinh năm 1967 quê Hưng Yên. Quang là đại tá, Phó cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04)

12. Nguyễn Văn Mừng, sinh năm 1967, quê Ân Thi, Hưng Yên. Mừng là thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C02).

Chỉ vì “còn đảng còn mình”, nên ông Trọng đã tạo điều kiện cho lực lượng Bộ Công an ngày càng đông đúc, hung hãn. Ông Trọng trao cho đám kiêu binh cái quyền “tiền trảm hậu tấu”, để nay họ quay sang tiếm quyền, khuynh loát, nắm thóp cả Ban Chấp hành Trung ương và hệ thống chính trị từ trung ương đến 63 tỉnh thành, hòng đưa ra yêu sách, sắp xếp nhân sự cấp cao.

Không cần kể dông dài, nhưng mọi người đều thấy Bộ Công an đang kiểm soát gần như tất cả các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp, mở đường cho việc Tô Lâm ngồi vào ghế tổng bí thư.

Lần lượt các nguyên thủ quốc gia, “ngũ trụ” triều đình như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai đều bị đám kiêu binh “cưa ghế”, phế bỏ quyền lực, theo đúng một kiểu quy trình. Đến thời điểm này, có thể nói, “vua” Nguyễn Phú Trọng đã thật sự mất hết quyền lực.

 

Ảnh: “Hội đồng quân nhân” bao quanh Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: Báo SGGP

Chiều ngày 1-6-2025, nhà báo Huy Đức, cây bút chính luận số 1 Việt Nam và là một KOLs hay nhất trên mạng xã hội, người nổi tiếng trên truyền thông cả trong và ngoài nước đã bị khởi tố, bắt giam với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331, Bộ luật hình sự.

 

Nhà báo Huy Đức, là người vừa bị bắt, nhưng báo chí chính thống chưa đưa tin. Nguồn: FB Huy Đức

Sắp tới, sẽ có những cuộc thanh trừng, đàn áp khốc liệt. Các nhà hoạt động nhân quyền, những tiếng nói phản biện, những phản ứng trong dân chúng và ngay cả trong đảng cũng sẽ cùng chung số phận.

Kiêu binh đang lên ngôi. Vết nhơ thời vua Lê, chúa Trịnh đã, đang và sẽ lặp lại một lần nữa trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Buồn thay!

Loạn Kiêu Binh- Thể chế chính trị sinh ra và hậu quả của nó

loan-kieu-binh-s

  Cao Văn Thức

 Nghiên Cứu Lịch Sử

Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Thăng Long xảy ra những vụ biến động lớn do lực lượng lính Tam Phủ gây ra, mà trong dân gian thường gọi là “loạn kiêu binh”. Kiêu binh chính là sản phẩm được sản sinh ra từ thể chế chính trị phong kiến chuyên chế thối nát Lê – Trịnh và hậu quả là nó đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự sụp đổ của thể chế này.

 

Sự hình thành lực lượng kiêu binh

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, lập ra nhà Mạc. Một công thần nhà Lê là Nguyễn Kim, người Thanh Hoá, không chịu thần phục nhà Mạc, bỏ về quê, tìm lập một người cháu vua Lê là Lê Duy Ninh lên ngôi, lấy hiệu là Lê Trang Tông, chiêu mộ binh lính chống nhau với nhà Mạc. Từ đó xảy ra cục diện chiến tranh giữa hai thế lực phong kiến: nhà Mạc ở Thăng Long gọi là Bắc triều và nhà Lê ở Thanh Hoá gọi là Nam triều.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị một viên thuộc tướng đầu độc chết, con rể là Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền tiếp tục cuộc chiến tranh cho đến thắng lợi cuối cùng.

Trong công cuộc đánh nhau với Bắc triều thì Nam triều ở Thanh Hoá đã tuyển mộ quân lính ở ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, nên từ đó có tên gọi là quân Tam Phủ.

Năm 1592, quân Nam triều thắng lợi, chiếm được Thăng Long, nhà Mạc rút lên Cao Bằng, tồn tại thêm vài đời nữa thì hoàn toàn bị tiêu diệt.

Sau ngày chiến thắng, quân Tam Phủ được coi là thân binh hay ưu binh, được vua Lê và chúa Trịnh tin dùng, sử dụng làm quân túc vệ, ưu đãi nhiều quyền lợi. Vì cậy có công, được vua chúa ưu ái nên bọn lính Tam Phủ sinh ra thói kiêu căng, thường làm nhiều hành động càn rỡ, vi phạm pháp luật nhưng không bị trừng trị, vì vậy nhân dân thời bấy giờ gọi chúng là kiêu binh.

Kiêu binh tồn tại cùng với thể chế chính trị phong kiến Lê – Trinh suốt gần hai trăm năm. Trong thời gian khá dài đó, lực lượng kiêu binh trở thành một tai ách, gây bao nhiêu sự nhiễu nhương, khổ sở cho dân chúng và thậm chí đối với cả các quan chức triều đình. Ở đây xin liệt kê một số sự kiện lớn mà lực lượng kiêu binh đã gây ra:

Vụ đầu tiên làm rung động kinh thành là vào năm Giáp Dần (1674), đời chúa Trịnh Tạc, kiêu binh đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 36 và 37) viết:

Lúc bấy giờ, ưu binh Thanh Nghệ cậy có công lao nên sinh ra kiêu ngạo và phóng túng. (Nguyễn) Quốc Trinh (người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đỗ Trạng nguyên khoa Kỉ Hợi, 1659. Chữ Trinh thường bị chép nhầm thành chữ Khôi) cùng với (Phạm) Công Trứ (Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng cũ, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, 1628) bàn cách kìm hãm bớt sự ngông cuồng của chúng, vì thế, ưu binh không bằng lòng. Đúng lúc ấy, các quan là Phạm Kiêm Toàn và Lê Hiệu vì mắc tội, bị giáng chức nên có ý bất mãn. Hai người nhân đà bất bình của ưu binh, nói khích thêm vào, khiến họ bị kích động, reo hò ầm ỹ, đón đường giết chết (Nguyễn) Quốc Trinh, rồi xông đến cướp phá nhà (Phạm) Công Trứ. Công Trứ phải chạy trốn ra ngoài mới thoát được nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cấp tiền cấp bạc cho họ, bấy giờ, họ mới tạm chịu ngưng1.

Năm Tân Dậu (1741), đời chúa Trịnh Doanh, do mâu thuẫn kiêu binh lại kéo đến phá nhà và mưu giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh. Nguyên do là  Nguyễn Quý Cảnh thấy triều đình ưu đãi kiêu binh và bọn kiêu binh được thể làm tới, yêu sách này nọ; ông đã tìm cách bác bỏ bớt những yêu sách của bọn này. Vì vậy, đám kiêu binh thù hận ông, tụ tập kéo nhau tới phá nhà ông.

Nhưng kiêu binh trở thành quốc nạn, gây kinh hoàng cho mọi tầng lớp nhân dân thì phải kể đến thời gian từ tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), khi kiêu binh phế truất Trịnh Cán và tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa, cho đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) khi Nguyễn Huệ đem quân đánh ra Bắc Hà, tiêu diệt cơ đồ họ Trịnh.

Lúc bấy giờ, chúa Trịnh Sâm (1739 -1782) sinh được hai người con trai là Trịnh Khải và Trịnh Cán. Trịnh Khải là thứ phi Dương Ngọc Hoàn, Trịnh Cán con của thứ phi Đặng Thị Huệ. Trịnh Sâm vốn sủng ái Đặng Thị Huệ nên đã phế bỏ ngôi Thế tử của Trịnh Khải và thay thế Trịnh Cán vào vị trí này. Khi Trịnh Sâm qua đời, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo và một số quan lại cùng phe với Đặng Thị Huệ phò Trịnh Cán còn nhỏ tuổi lên ngôi chúa, đã làm cho lính Tam Phủ bất mãn vì từ lâu chúng đã ủng hộ Trịnh Khải vốn là con trưởng. Vì vậy, chúng đã tổ chức cuộc đảo chính mà trong sách Lê Quý dật sử đã ghi: “…khi Tĩnh vương (tức Trịnh Sâm – NV) mất, lệnh cho con là Cán nối ngôi, quân sĩ hai xứ Thanh Nghệ đều ngấm ngầm phẫn uất kêu ca. Lính trong phủ ước hẹn cùng vào núi bí mật toan định ngày giờ phế lập…2. Sau đó lính Tam Phủ đã kéo đến Phủ Chúa, giết chết Quận Huy Hoàng Đình Bảo, phế truất Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên ngôi chúa. Sau sự kiện đó, lính Tam Phủ lại càng kiêu căng, hống hách và nhũng nhiễu vô độ. Chúng ép buộc nhà chúa phải ưu đãi cho chúng nhiều việc như để cho chúng tự do thu thuế chợ, thuế đò, thầu ao đầm quanh khu vực Thăng Long…

Không chỉ phế lập chúa Trịnh mà lính Tam Phủ còn chủ trương phế lập vua Lê. Nguyên trước đây vua Lê Hiển Tông đã chọn một người con trai khôi ngô, tuấn tú là hoàng tử Lê Duy Vỹ làm Thái tử để sau này truyền ngôi. Nhưng do Duy Vỹ có mâu thuẫn với Thế tử nhà chúa là Trịnh Sâm, nên khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa thay cha thì dùng thế lực hãm Thái tử Duy Vỹ vào chỗ chết. Sau đó, chúa lập hoàng tử Duy Cận, chú của Duy Vỹ lên vị trí Thế tử và âm mưu giết hại, bắt giam hết các con  của Duy Vỹ vào trong ngục. Sau khi Trịnh Sâm qua đời, mẹ Trịnh Sâm vốn ưa Duy Cẩn vì tài nịnh hót nên âm mưu giết chết các con của Duy Vỹ.

Tình cờ lính Tam Phủ phát giác ra âm mưu này, muốn lập công với vua, chúng kéo đến ép chúa Trịnh Khải phải phế truất Lê Duy Cẩn, lập hoàng tử Lê Duy Khiêm, con trưởng Lê Duy Vỹ lên ngôi Thế tử. Chúa đành phải miễn cưỡng làm theo ý chúng.

Cậy có công phò chúa, rồi phò vua lên ngôi, lính Tam Phủ thực coi thiên hạ không ra gì, tha hồ tác oai tác quái trong dân gian. Trước tình hình đó, một số người muốn củng cố quyền lực cho nhà chúa và vị trí của mình như Quốc cữu Dương Khuông, Tham tụng Nguyễn Khản… đã âm mưu giết hại, chia rẽ lính Tam Phủ để làm cho chúng suy yếu. Biết được âm mưu này, lính Tam Phủ đến phủ chúa, ép Trịnh Khải phải giao nộp những kẻ chủ mưu cho chúng xử tội. Nguyễn Khản hoảng sợ chạy trốn lên Sơn Tây, lính Tam Phủ kéo đến phá đổ tan tành dinh thự của ông ta. Quốc cữu Dương Khuông vì là cậu ruột của chúa nên Trịnh Khải phải năn nỉ mãi binh lính mới tha cho và phải chấp nhận đưa ra nhân vật thế mạng là Chiêm Võ hầu Nguyễn Chiêm để chúng xử tử.

Nguyễn Khản chạy thoát lên Sơn Tây nương náu ở nhà em ruột là Nguyễn Điều đang giữ chức Trấn thủ xứ này. Nghe lời bày mưu của ông em, Nguyễn Khản gửi mật thư đi các tỉnh kêu gọi các quan chức, tướng lĩnh đem binh lính địa phương về kinh đô tiễu trừ kiêu binh, đồng thời bí mật cho người đón chúa Trịnh trốn ra khỏi Thăng Long trước khi xảy ra giao chiến. Lính Tam Phủ biết được âm mưu này, chúng lập tức khống chế chúa Trịnh làm con tin. Tướng lĩnh ở các địa phương phải rút quân trở về.

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Thuận Hoá kéo ra Thăng Long. Chúa Trịnh huy động lính Tam Phủ ra trận, nhưng nghe uy danh quân Tây Sơn, chúng lo ngại nên nấn ná ở lại kinh đô, lấy lý do chờ lương. Khi quân Tây Sơn kéo vào Thăng Long thì lính Tam Phủ hoàn toàn tan rã, một số kẻ bị lính Tây Sơn hoặc dân chúng căm phẫn đón giết, còn đa số trốn chạy về quê. Đến đó vai trò của kiêu binh cùng với cơ đồ của chúa Trịnh hoàn bị lực lượng Tây Sơn xoá bỏ.

 

Nạn kiêu binh – hệ quả chính trị của chế độ phong kiến Lê – Trịnh

          Lính Tam Phủ hình thành trong quá trình chiến tranh giữa hai thế lực phong kiến Nam – Bắc triều. Đây là lực lượng quan trọng cho chiến chiến thắng của Nam triều. Họ đã có công lao lớn đối với Nam triều, phục hưng được ngôi vua Lê, vì vậy họ được thưởng công là xứng đáng. Nhưng theo thời gian họ dần dần trở thành một thứ kiêu binh, hung thần gây xáo trộn đời sống chính trị, xã hội Đàng Ngoài, gây tai hoạ cho dân lành kéo dài hàng thế kỷ. Vây nguyên nhân nào đã tạo nên sự hư hỏng của một lực lượng được xem là tinh nhuệ, nanh vuốt của vua Lê, chúa Trịnh?

          Tìm hiểu xã hội Đàng Ngoài ở nửa cuối thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XVIII, chúng ta có thể nhận thấy được những yếu tố quan trọng góp phần làm hư hỏng lực lượng lính Tam Phủ.

Vua, chúa không ra gì, ăn chơi xa hoa, áp bức bóc lột dân, phá vỡ kỷ cương phép nước. Sau khi nhà Lê trung hưng, với thế lực trong tay chúa Trịnh thâu tóm hết mọi quyền hành, biến vua Lê thành một thứ bù nhìn. Nhà vua không có thực quyền, ở ngôi vị chỉ mang tính chất tượng trưng, nên quanh năm chỉ quanh quẩn trong cung cấm hưởng lạc với đám cung tần mỹ nữ. Chúa Trịnh trong chốn triều đình thì oai quyền hống hách, chẳng coi nhà vua ra gì, sẵn sàng phế bỏ nếu nhà vua tỏ thái độ ương bướng, không thuần phục nhà chúa, vì vậy kỷ cương phép nước bị phá vỡ; bên ngoài thì bóc lột dân chúng thậm tệ để ăn chơi xa hoa hưởng lạc: “Sưu thuế nặng nề, tai hoạ thường xuyên đe doạ cuộc sống của nhân dân là tô thuế của nhà nước phong kiến3. Nhiều chúa nổi tiếng gian ác, tiêu biểu như Trịnh Giang đã phế truất vua Lê (Duy Phường),  giết hại , bức bách nhiều quan đại thần vì dám tâu bày trái ý hoặc phản đối ý kiến nhà chúa; hoặc chúa Trịnh Sâm đã giết chết thái tử nhà Lê là Lê Duy Vỹ…. Qua những biến cố bức hại vua, giết hại quan chức, nhà chúa đã dựa vào lực lượng quân Tam Phủ và ưu ái đủ thứ quyền lợi, làm cho chúng càng thêm kiêu căng, càn rỡ.

Quan lại tham nhũng, tha hoá. Người xưa thường nói: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Kẻ nắm quyền lực đất nước là chúa Trịnh đã không ra gì về nhân cách thì tất yếu đám quan lại cấp dưới cũng như vậy. Trong triều đình thì quan lại chia bè phái, tranh giành chức vụ, quyền lợi. Quan lại ở các cấp địa phương thì thi nhau đục khoét, bòn rút của cải người dân.

Một chế độ chính trị  thối nát như vậy đã tác động tiêu cực, làm cho đạo đức băng hoại, xã hội suy đồi. Ở trong chế độ chính trị như vậy nền giáo dục cũng bị hư hỏng nặng nề, góp phần tạo ra một tầng lớp trí thức tha hoá. Đám trí thức nho sĩ có được mấy người ưu thời mẫn thế, thương dân như danh sĩ Nguyễn Thiếp (1723-1804)4, đa số đều là phường giá áo túi cơm, a dua xu nịnh chính quyền để kiếm danh kiếm lợi. Chưa kể đám “sinh đồ ba quan”5, là loại người dốt nát chạy chọt bằng cấp, lo lót để làm quan để có dịp vơ vét, nhũng nhiễu dân lành, càng làm cho bộ mặt xã hội thêm nhem nhuốc, rối loạn.

Và hẳn nhiên trong đám quan lại triếu đình nhân cách kém cõi như vậy thì chỉ có mục đích duy nhất là “vơ vét”, có rất ít người quan tâm đến sự lộng hành của kiêu binh để đề ra biện pháp ngăn ngừa và đã phải trả giá đắt cho mạng sống hoặc tài sản của mình, như các trường hợp Nguyễn Quốc Trinh, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quý Cảnh…

Binh lính ươn hèn, nhu nhược. Ở các thế kỷ trước, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh, triều đình thường thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, chia quân đội ra làm nhiều đội, mỗi năm luân phiên một đội quân thường trực bảo vệ kinh đô, còn lại thì ở quê sản xuất nông nghiệp. Như vậy, vừa có quân đội bảo vệ kinh đô, vừa đảm bảo được lực lượng lao động sản xuất ở các địa phương.

Như vậy, đáng lẽ khi chiến tranh kết thúc, chúa Trịnh cho giải ngũ binh lính Tam Phủ về làm ruộng theo chính sách của triều vua trước, nhưng chúa lại xem lính Tam Phủ là “nanh vuốt”, tin tưởng nên giữ lại để bao vệ vua chúa ở kinh đô và ban cho nhiều đặc quyền, đặc lợi. Và các thế hệ lính Tam Phủ tiếp tục được tuyển lựa ở vùng đất Thanh – Nghệ. Binh lính thời bình, lại được vua chúa nuông chiều, ở trong hoàn cảnh “nhàn cư vi bất thiện” nên dần dần chúng cũng tha hoá theo chế độ chính trị phong kiến thối nát đương thời. Chúng kiêu ngạo, hống hách và nhũng nhiễu dân lành, chỉ quen sống hưởng thụ và phá phách theo số đông, nhưng ô hợp, không được luyện tập, tinh thần bạc nhược, không có ý chí chiến đấu, vì vậy tan rã nhanh chóng trước sức mạnh của quân Tây Sơn.

Đám kiêu binh là sản phẩm được sản sinh ra từ chế độ chính trị phong kiến Lê – Trịnh.  Đám kiêu binh tha hoá đã góp phần quan trọng vào quá trình sụp đổ của chế độ phong kiến Lê – Trịnh thối nát. Đó là kết quả của mối tương tác nhân – quả. Hiện tượng kiêu binh là dấu hiệu ngày tàn của chế độ độc tài phong kiến đang đến gần.

 


 

Chú thích:

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo Dục, 1998.
  2. Bùi Dương Lịch, Lê quý dật sử, NXB KHXH, 1987.
  3. Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam (1427-1858), NXB Giáo Dục, 1976, tr. 100.
  4. Nguyễn Thiếp, quê ở Hà Tĩnh, đỗ Hương cống, ra làm quan một thời, ông chán ghét chế độ phong kiến Lê – Trịnh thối nát nên lui về ở ẩn. Sau này, ông được vua Tây Sơn là Quang Trung mời ra giúp việc, giữ chức Viện trưởng Viện sùng chính (cơ quan chuyên trách giáo dục).
  5. Thời phong kiến, thí sinh phải qua một kỳ thi kiểm tra chất lượng tại địa phương, gọi là kỳ khảo hạch. Bài thi đạt chất lượng mới được dự thi khoa thi Hương để giành học vị hương cống ((cử nhân), sinh đồ (tú tài).

Thế kỷ thứ XVIII, do ngân sách nhà nước cạn kiệt, chúa Trịnh cho phép những ai nộp 3 quan tiền thì khỏi phải thi khảo hạch; vì vậy những kẻ cơ hội, dốt nát đã nộp tiền để được đi thi và tiếp tục mua chuộc, hối lộ quan trường ở khoa thi Hương để kiếm bằng cấp. Vì vậy dân gian mỉa mai gọi họ là loại “sinh đồ ba quan”.

Tướng công an Nguyễn Duy Ngọc làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng

 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng

BỘ CÔNG AN Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng

BBC

Bộ Chính trị vừa phân công Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, làm chánh văn phòng Trung ương Đảng thay cho ông Lê Minh Hưng.

Ông Nguyễn Duy Ngọc là một trong sáu thứ trưởng bộ Công an và là ủy viên Trung ương Đảng.

Sáng 3/6, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư – đã trao quyết định của Bộ Chính trị cho Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh văn phòng Trung ương Đảng thay cho ông Lê Minh Hưng sau khi ông này trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay bà Trương Thị Mai, người vừa mất chức do “khuyết điểm”.

Theo Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc là “cán bộ có năng lực, được đào tạo cơ bản, có hệ thống, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn từ cơ sở đến cán bộ lãnh đạo Bộ Công an, được Đảng, Nhà nước giao một số nhiệm vụ rất quan trọng”.

Việc ông Ngọc làm chánh văn phòng Trung ương Đảng là sự chuyển biến nhân sự mới nhất sau những biến động chính trị ở thượng tầng Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, việc Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chánh văn phòng trung ương Đảng là một cơ hội để ông có thể thăng tiến – có thể tăng khả năng được tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 và dọn đường cho ông vào Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư khóa 14.

Trước ông Ngọc, một số nhân vật giữ chức vụ này là ông Lê Minh Hưng (2020-2024), ông Nguyễn Văn Nên (2016-2020) và ông Trần Quốc Vượng (2011-2016). Những người này sau đó đều vào Bộ Chính trị.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc sinh năm 1964, ở Hưng Yên, cùng quê với Chủ tịch nước Tô Lâm. Ông có trình độ chuyên môn là thạc sĩ luật, cao cấp lý luận chính trị.

Trước khi trở thành thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 8/2019, ông Ngọc là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Ông Ngọc được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăng hàm thượng tướng vào tháng 12/2023. Khi là phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Ngọc là người ký ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng.

Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng.

Một số ý kiến cho rằng ông Ngọc làm chánh văn phòng Trung ương Đảng là để tiếp tục thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng trong Đảng.

Ở vị trí mới này, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc sẽ là đầu mối phối hợp chương trình công tác, các cuộc làm việc của những nhân vật chủ chốt trong Đảng, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thường trực Ban Bí thư Lương Cường và một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Văn phòng Trung ương Đảng còn là đầu mối, chủ trì tổ chức, điều hòa, phối hợp công tác giữa bốn Văn phòng: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội.

Khi ông Tô Lâm rời ghế bộ trưởng Công an, ông Ngọc cùng Thượng tướng Trần Quốc Tỏ và Lương Tam Quang là các ứng cử viên cho vị trí kế nhiệm. Tuy nhiên, với việc ông Ngọc được Bộ Chính trị phân công làm nhiệm vụ mới thì cơ hội còn lại cho ông Tỏ và ông Quang.

Hiện ông Tỏ đang được giao điều hành hoạt động của Bộ Công an và theo phân tích của BBC trước đó, đây chỉ là phương án tạm thời.

Xét tiền lệ Bộ Y tế thì có thể thấy rằng, sắp tới Bộ Chính trị có khả năng sẽ chỉ định Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ hoặc Thứ trưởng Lương Tam Quang giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Sau đó, chính phủ sẽ giao quyền Bộ trưởng Công an cho một trong hai ông này và ông Tỏ hoặc ông Quang có khả năng trở thành bộ trưởng Công an chính thức sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

Việc sắp xếp nhân sự bộ trưởng Bộ Công an kế nhiệm ông Tô Lâm diễn ra khá chậm. Một số nhà phân tích chia sẻ với BBC rằng có thể có bất đồng trong Bộ Chính trị trong việc chọn người đảm trách chiếc ghế đầy quyền lực này.