Seite auswählen

„ Hãy xây dựng từ dưới lên, từng bàn cờ, từng lãnh vực khi mỗi cá nhân xác định vai trò của mình, biết ai bên trái, ai bên phải, trên là ai, dưới là ai. Nếu sợi dây liên kết giữa 2 người không chặt thì lập tổ chức làm gì? Chúng ta muốn xây dựng chế độ dân chủ mà chính bản thân người đi đấu tranh chưa làm chủ chính mình, chưa hiểu người bên cạnh mình sẽ là ai, như thế nào? 

Trần Công Lân

 

 Đã gần 50 năm sau 30/4/1975người Việt tự do vẫn hướng về VN và tìm cách thay đổi chế độ. Tuy rằng con số người quan tâm thay đổi tùy theo mức độ nhưng nói chung ai cũng muốn một tương lai tươi sáng hơn cho quê hương. Những người có quyết tâm dấn thân thì lại thường là không có thời giờ suy nghĩ nhiều. Sau biến cố 30/4, người Việt vẫn chưa có cơ hội kiểm điểm lại những thất bại của Đệ I và II Cộng Hòa. Tiếp đến các biến động chính trị của cộng đồng Việt Nam (CĐVN) 1980s cho thấy chúng ta chưa học bài học cũ lại rơi vào lỗi lầm khác (không khác gì phong trào Cần Vương, Văn Thân). Cho đến bao giờ chúng ta chưa thống nhất về những bài học quá khứ thì hướng về tương lai chỉ là tái diễn bi kịch.

 

Không những chúng ta phải học lỗi lầm của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mà cả kinh nghiệm của cộng sản Việt Nam (CSVN). Thời gian 50 năm, các thế hệ cũ đã phai đi, CĐVN đã xuất hiện với những nhân vật mới và cung cách sinh hoạt cũng đổi khác. Ý thức sinh hoạt chính trị nghiêng về bầu cử chính trị địa phương. Đó là hướng đi hợp lý. Chúng ta cần có một hậu phương vững mạnh. CĐVN có thể xem như bộ phận hành chính của một “quốc gia”. Nhưng về mặt chính trị VN thì các đảng phái chưa đáp ứng được nhu cầu: tổ chức “đảng” thì còn đó nhưng nhân sự, đường lối có gì thay đổi từ xưa tới nay trong khi thế giới thay đổi, kẻ thù thay đổi, đồng minh thay đổi.

 

Hàng năm vẫn các thấy các đảng kỷ niệm XYZ, tưởng niệm ABC… nhưng không thấy sự thay đổi về đường lối, chính sách cho dù có nhân sự mới (hay không có nhân sự mới). Khẩu hiệu “tự thắng để chỉ huy” hay “rèn quân, chỉnh cán” đã không có, hay “làm gì” khi không có cả “quân” lẫn “cán”?

 

Vậy “hàng ngũ” của chúng ta có những gì?

 

Nhân sự

 

Người Mỹ gốc Việt sau 50 làm ăn thành công, có tiền (TRIỆU PHÚ) để làm gì ngoài việc từ thiện. Người Việt trong nước xuất ngoại “du lịch” hay làm ăn, du học tăng gia và tham dự vào CĐVN như thế nào? Có người ở lại, có kẻ đi-về hàng hai nhưng thái độ chính trị ra sao?

 

Những nhân vật đấu tranh, bất đồng chính kiến trong nước vẫn xuất hiện, bị bắt và trục xuất khỏi nước sẽ làm gì khi định cư tại hải ngoại?

 

Hàng ngũ cựu quân nhân, cán chính VNCH phai tàn và được thay thế bởi Hậu duệ VNCH sẽ đi về đâu?

 

Về mặt tôn giáo thì các tôn giáo trong nước vẫn bị đàn áp hay bị quốc doanh. Tôn giáo của CĐVN có bao nhiêu thành phần nằm vùng hay về “du lịch” VN, không ai biết. Bao nhiêu cựu cán bộ CSVN (hay con cháu) đã định cư tại nước ngoài?  Trong cuộc chiến chống cộng sản, chúng ta có nhiều mặt trận để đối phó. Mỗi mặt trận như một bàn cờ. Nếu bạn chưa đủ tướng, sĩ, tượng… thì làm sao dàn quân đối địch. Điều khiển nhiều bàn cờ không phải chỉ là đa năng (multitask) mà còn đòi hỏi sách lược, chính sách…. Ai sẽ đóng vai trò ABC… qua các tầng 1,2,3…. Đó là chưa kể chất lượng,  thời thế và không gian. Rồi còn tình người? Ai đoán được tình người (lòng dân): vì sao dân Nam Hàn quyết tâm chống cộng mà dân miền Nam nửa nạc, nửa mỡ cho dù cộng sản Bắc Hàn tàn bạo, điên cuồng hơn CSVN nhiều (cho đến nay).

 

Vậy chúng ta có gì hiện nay? CĐVN là “quốc gia VN lưu vong”? Trải qua gần 50 năm chúng ta đã làm được gì? Lớp người VNCH đã phai tàn, lá cờ VNCH vẫn còn nhưng tinh thần chống CSVN ở mức độ nào khi 90-95 % về du lịch VN? Hậu duệ VNCH sẽ bắt tay như thế nào đối với lớp người lớn lên dưới chế độ cộng sản dám đứng lên đấu tranh vì lương tâm, cho nhân quyền. Người có lòng (tinh thần) chống cộng thì không thiếu, chỉ thiếu suy nghĩ, nghiên cứu, thảo luận, đào tạo lãnh đạo, cán bộ…. Tất cả không phải là trên trời rơi xuống. Tất cả là tu dưỡng, tự học, rèn luyện. Không có vốn lấy gì đi buôn.

 

 

Tài chính

 

Chúng ta có rất nhiều người thành công trong thương mại nhưng kinh tế không phải là chính trị. Về chính trị, chúng ta đã học gì về bài học dân chủ tại nước Mỹ. Tiền có (cứ cho rằng các nhà triệu phú Mỹ gốc Việt sẽ đóng góp cho việc chung) nhưng lãnh đạo (chính trị) không có. Trong hệ thống chính trị (hay quân sự) thì hệ thống phải có liên lạc (link) từ lính đến hạ sĩ quan, sĩ quan rồi mới có tướng. Có tướng mà không có lính, sĩ quan thì chẳng làm được gì. Đào tạo cán bộ không phải ra đầu đường mướn dân lao động về cầm cờ diễn hành. Rồi ai trả tiền? Quá khứ sinh hoạt 1980s là những ai có lòng làm việc xã hội, cộng đồng, chính trị…là đều bỏ tiền túi, thì giờ riêng để làm. Nhưng rồi có lòng chưa đủ vì Tâm chưa có Trí.

 

Sau gần 50 năm vẫn chưa thấy những nhà đấu tranh cho VN đặt câu hỏi, tìm và thảo luận về Trí (lãnh đạo, lý thuyết). Phải chăng vì mất thì giờ quá nhiều vào việc kiếm nguồn tài trợ? Bây giờ 2024, người Mỹ gốc Việt giàu rồi, đi chơi du lịch cũng đã nhiều, làm từ thiện cho thiên hạ (hay cho dân VN) cũng có. Nhưng có thay đổi cục diện, tương lai dân tộc VN được không? Chỉ có con đường đấu tranh chính trị mới dẫn dân tộc ra khỏi đêm tối, lao động rẻ mạt cho thiên hạ.

 

Sau thời 1980s lớp đàn anh tan rã, lớp đàn em tìm cách sửa chữa. Anh A-1 quyết tâm làm giàu để có phương tiện hoạt động. Anh A-2 đi tìm lý thuyết đối đầu chủ nghĩa cộng sản. Sau 30 năm, A-1 thành công trở thành triệu-triệu phú. A-2 tìm ra lý thuyết X nhưng cả hai không còn tin nhau như trước vì theo thời gian cách biệt đã tạo ra nhiều câu hỏi về tình và lý. Con đường đấu tranh cũng đòi hỏi mỗi cá nhân phải chọn cho mình một vai trò (nhiệm vụ) trong hệ thống. Không xác định được vai trò của mỗi cá nhân thì chỉ chạy quanh, múa rối và không biết cuối con đường sẽ đi về đâu hay bản thân sẽ thích hợp ra sao trong một tổ chức. Oái ăm thay khi ít tiền thì dám xả láng nhưng khi nhiều thì lại đắn đo. Niềm tin không thể xây dựng trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi thời gian, thử thách.

 

 

Hành động

 

Hãy tìm bạn đồng hành, hai thành bốn… lập thành từng đơn vị (bản vị) và hoạt động (cơ năng). Kết quả đánh giá khả năng. Đừng đợi thiên tài xuất hiện nếu không đủ khả năng đánh giá từng người, đơn vị, công tác…. Muốn người khác tin mình hãy thật lòng với chính bản thân. Quá khứ nói lên tương lai. Bạn đã làm gì trong quá khứ để có ngày nay. Bạn làm gì cho hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai? Có người thành lập các cơ sở phục vụ CĐVN để biến thành công cụ cách mạng. Có người lập tổ chức cách mạng để “cai trị” CĐVN như một chính phủ lâm thời (hay lưu vong). Chuyện tréo cẳng ngỗng xảy ra bởi vì chúng ta chưa hề thành thật ngồi xuống thảo luận cùng nhau. Chuyện hợp tác, liên kết chỉ là hình thức lừa gạt quần chúng.

 

Tổ chức A tìm nhân tài, mời anh B tham dự nhưng những gì anh B đề nghị lại bị dìm vì sợ B thành công sẽ đảo chánh, cướp quyền của tổ chức A. Tổ chức Z mới anh Y gia nhập với chức vụ X, với quyền lực X, anh Y quậy lung tung. Tổ chức Z không dám khai trừ vì sợ chia hai mà tiếp tục giữ Y thì mang tiếng với cán bộ, quần chúng? Có tổ chức mới sau 1980s, với nhân sự mới, trẻ, có học thức tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư… nhưng trong hành động thì chất xám biến mất. Ra quân chỉ là chiêu “xúi trẻ ăn c… gà” , “mượn đầu heo nấu cháo”, “đem con bỏ chợ”… tuy vậy mỗi năm họp đại hội đều tuyên bố nhân sự mới, đường lối mới?

 

Có những tổ chức theo dõi rất sát tình hình trong nước (VN) nhưng tình hình của nơi sinh sống (Mỹ, cũng là đồng minh) thì lại rất mơ hồ. Chúng ta có rất nhiều trang mạng chống CSVN nhưng mạnh ai nấy viết. Viết cho thỏa lòng nhưng có đạt mục đích gì chăng? Có chiến lược gì? Có kết quả gì? Phân tích, tiên đoán rồi sẽ làm gì? Ngay CĐVN cũng thay đổi với nhân sự mới và cung cách làm việc cũng thay đổi. Tuy vậy tuồng “đánh trống bỏ dùi” vẫn còn xảy ra. Khi việc nhỏ chưa xong đã đi họp việc lớn?

 

Gần đây đã có những biến chuyển tích cực khi lớp người cũ phai đi và lớp người mới xuất hiện. Những tác phẩm có tính xây dựng như: Nhân luận-Nhân Việt,  Việt Đạo… the History of South VN (nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tường Vũ, đại học Oregon). Đó là những viên gạch vững chắc để củng cố thế trận.

 

 

Kết luận

 

Trò chơi “ngồi trên chỉ xuống” (chó nhảy bàn độc) bằng cách lập chính phủ lâm thời, lập hiến pháp đệ Tam Cộng Hòa hay Liên Minh Thế Giới… không đi về đâu cả vì chỉ toàn là lừa bịp. Hãy xây dựng từ dưới lên, từng bàn cờ, từng lãnh vực khi mỗi cá nhân xác định vai trò của mình, biết ai bên trái, ai bên phải, trên là ai, dưới là ai. Nếu sợi dây liên kết giữa 2 người không chặt thì lập tổ chức làm gì? Chúng ta muốn xây dựng chế độ dân chủ mà chính bản thân người đi đấu tranh chưa làm chủ chính mình, chưa hiểu người bên cạnh mình sẽ là ai, như thế nào? Cũng như đi bầu Quốc Hội, Tổng Thống mà không biết ứng cử viên ra sao, không theo dõi, điều tra, nghiên cứu những gì tuyên bố, hứa hẹn, thành tích quá khứ… thì làm sao gọi là dân chủ. Có ai biết chúng ta có bao nhiêu bàn cờ phải chuẩn bị và chuẩn bị những gì nơi người và vật?

 

 Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Hồn Việt UK