Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN TIẾN Chụp lại hình ảnh,Phóng sự ngắn của VTV về sư Minh Tuệ đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ

Hôm 8/6, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát một video có độ dài 3 phút 40 giây với nhan đề „Thông tin xuyên tạc ẩn tu của ông Thích Minh Tuệ“. Nhiều người bày tỏ hoài nghi về video này.

Mục đích của phóng sự do VTV thực hiện được nêu rõ là để phản bác dư luận sai trái và tuyên truyền chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Ngay sau khi phóng sự của VTV được lên sóng, nhiều trang báo trong nước cũng đăng tải bài các bài viết với nội dung tương tự, nhằm „phản bác các luận điệu xuyên tạc chính sách tôn giáo ở Việt Nam“ đến từ „các đối tượng chống phá“.

 

Sư Minh Tuệ nói gì trong phóng sự VTV?

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH VTV Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh sư Thích Minh Tuệ ngồi dưới gốc cổ thụ quét vôi trắng trong phóng sự của VTV

Trong video, sư Thích Minh Tuệ được VTV giới thiệu theo tên thật là „ông Lê Anh Tú“.

Mô tả về việc tu tập của nhà sư, VTV cho biết hành trình của „ông Lê Anh Tú“ thu hút đông đảo người theo dõi, tuy nhiên việc tụ tập đông người này đang đặt ra những thách thức cho công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông.

„Mọi người về làm công việc của mình, chúng tôi không cần ai đi theo nữa vì đi theo vừa mất trật tự, vừa mất giao thông, chúng tôi cũng không cần như thế này,“ VTV dẫn lời sư Minh Tuệ.

VTV nhận xét „cơn sốt Thích Minh Tuệ“ khiến mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, video về mọi hoạt động của ông. Nhiều người dân cho rằng sự chen lấn, hiếu kỳ và sự lợi dụng cho mục đích kinh doanh của một số cá nhân đã gây phiền hà cho sư Minh Tuệ.

Sau khi cuộc bộ hành dừng lại, mà theo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cho biết là sư Minh Tuệ đã „tự nguyện dừng đi bộ khất thực“, VTV cho biết „một số đối tượng đã lợi dụng“ việc ẩn tu của nhà sư để „xuyên tạc“, tung tin sai lệch về việc ông bị đàn áp, cưỡng bức.

VTV khẳng định sư Thích Minh Tuệ đã lên tiếng „trước thực trạng này“ sau bảy ngày ẩn tu.

Trong phóng sự, sư Minh Tuệ nói rằng cả sức khỏe lẫn tinh thần đều tốt, vẫn đảm bảo để học theo lời dạy của Phật; rằng khi không có người dân tập trung đông, không gây ảnh hưởng tới xã hội thì ông vẫn học tập bình thường.

„Con cũng mong muốn khi mình đi ra đường, mọi người đừng tập trung như thế làm ảnh hưởng buộc mình không học được nữa. Họ đi theo để quay phim với làm những việc kiếm tiền hay gì đó thì không phù hợp,“ sư Minh Tuệ nói trong phóng sự của VTV.

VTV còn cho biết gia đình của sư Thích Minh Tuệ đã làm đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh các trường hợp lợi dụng đăng hình ảnh ông lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến ông và gia đình ông.

Cuối phóng sự, VTV thông tin có nhiều ý kiến ủng hộ việc gia tăng quản lý nội dung số để ngăn chặn việc những YouTuber, TikToker „vì lợi ích kinh tế sẽ tiếp tục bất chấp để kiếm tiền mà không quan tâm đến hậu quả có thể gây ra cho xã hội“.

 

Nghi vấn xung quanh phóng sự của VTV

Sau khi phóng sự được đăng tải trên các trang báo cũng như các trang mạng xã hội, có không ít người nghi ngờ về độ chân thực của video.

Đầu tiên, sư Thích Minh Tuệ „biến mất“ trong khoảng khuya ngày 2, rạng sáng ngày 3/6 mà phóng sự của VTV lên sóng vào tối 8/6 với bối cảnh ghi hình là khi trời còn đang sáng.

Trong phóng sự, VTV cho biết sư Minh Tuệ xuất hiện sau „bảy ngày ẩn tu“, trong khi thực tế thì chưa đến sáu ngày, do đó nhiều người cho rằng có sự mâu thuẫn về thời gian.

VTV cũng không nêu rõ đã gặp nhà sư ở đâu, trong hoàn cảnh nào, làm sao VTV tìm được nhà sư,…

Sự nghi vấn vốn đã được công chúng đặt ra trước đó, vào thời điểm mà nhà sư cũng như đoàn bộ hành bỗng dưng „biến mất“ vào khuya 2/6.

Đến ngày 3/6, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông được đưa đi hỗ trợ làm căn cước công dân. Báo Pháp Luật TP HCM thông tin rằng Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện việc làm căn cước này.

Trong cùng ngày, một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một nhóm nhà sư từng tham gia đoàn cùng sư Minh Tuệ đang ăn uống tại một quán phở ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

BBC đã liên lạc với quán phở nói trên và được xác minh đúng là những nhà sư kia đã đến quán vào khoảng 8 giờ sáng ngày 3/6.

Báo chí trong nước không cho biết những người trong đoàn bộ hành đã đi tới đâu và đi bằng cách nào.

Việc những nhà sư đang ở Thừa Thiên-Huế bỗng nhiên xuất hiện tại Hà Tĩnh (hay có thể là Gia Lai đối với trường hợp sư Minh Tuệ) chỉ trong một thời gian ngắn như vậy dấy lên nhiều nghi vấn.

BBC đã nhận được nhiều thông tin cho biết đoàn đã bị giải tán ngay trong đêm khi đang nghỉ chân gần thành phố Huế, chứ không phải tự nguyện như thông báo của chính quyền.

Xuyên suốt phóng sự của VTV, nữ phóng viên Liên Liên (người phỏng vấn ông Minh Tuệ) và nhà sư không có thời điểm nào xuất hiện chung khung hình. Nhiều người cho rằng cảnh nền, ánh sáng của sư Minh Tuệ và phóng viên không ăn khớp với nhau.

Điều này khiến khán giả thắc mắc, không biết liệu đoạn phóng sự có bị cắt ghép hay không. Cảnh nền trong những khung hình của phóng viên Liên Liên bị làm mờ khá nhiều, càng khuếch đại sự nghi ngờ lên. Trong khi đó, cảnh nền của nhà sư là một gốc cổ thụ có quét vôi. Nhiều ý kiến cho rằng cảnh quay phóng viên và cảnh quay nhà sư được thực hiện khác thời điểm, thậm chí khác địa điểm.

Bên cạnh đó, không ít tài khoản mạng xã hội bình luận rằng gương mặt, cử chỉ của sư Minh Tuệ cho thấy ông đang ưu tư, lo lắng chứ không an yên.

Trong phóng sự, nữ phóng viên nói:

„Mới đây, gia đình ông Lê Anh Tú cũng đã có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông Lê Anh Tú để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội gây ảnh hưởng đến ông Lê Anh Tú và gia đình ông.”

Tuy nhiên, phóng sự không có khung hình nào cho thấy gia đình sư Minh Tuệ xác nhận đơn đề nghị này.

BBC (09.06.2024)

 

 

 

Nhà báo Huy Đức bị bắt: Các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do ’ngay lập tức‘

Chụp lại hình ảnh,Tổ chức HRW cho rằng công an đã bắt ông Huy Đức ngay sau khi hai bài viết chỉ trích hệ thống chính trị Việt Nam và vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng được đăng trên Facebook của ông

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và một số tổ chức quốc tế khác đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho nhà báo Huy Đức – người vừa bị khởi tố và bắt tạm giam, sau nhiều ngày bị tạm giữ.

Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, là tác giả bộ sách nổi tiếng Bên thắng cuộc và còn được biết đến với bút danh Osin.

Ông là cây viết chính luận hàng đầu Việt Nam.

Vào chiều tối 7/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo đã khởi tố ông Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ông Trương Huy San đã bị câu lưu ít nhất là từ rạng sáng ngày 1/6.

Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam.

Đặc biệt, một bài đăng trước khi bị bắt đã cảnh báo các mối nguy hiểm do sự tập trung quyền lực vào tay Bộ Công an.

Một bài đăng khác chỉ trích những thiếu sót của chiến dịch chống tham nhũng do lãnh đạo Đảng Cộng sản lãnh đạo và vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổ chức HRW cho rằng chính quyền đã bắt giữ nhà báo Huy Đức ngay sau khi hai bài viết này xuất hiện.

Trang Facebook Truong Huy San đã đóng vào ngày 2/6, hơn một ngày sau khi ông „đột ngột biến mất“.

Đáng chú ý là trong tối 7/6, các báo của chính phủ Việt Nam đồng loạt đăng tin về vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức nhưng đến 8/6 thì đều cho ẩn bài hoặc đặt ở các vị trí ít người đọc trên trang chủ.

Trang VnExpress ban đầu đặt tít với dòng “nhà báo Huy Đức” nhưng sau đó bỏ chữ “nhà báo”, sửa thành “ông Osin Huy Đức”.

 

‚Trả tự do ngay lập tức‘

“Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông,” HRW lên tiếng trong thông cáo báo chí phát đi hôm 7/6.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố ông Trương Huy San tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“ theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Theo HRW, đây là một điều luật “quá mơ hồ” mà “chính quyền thường xuyên sử dụng để xử lý những người chỉ trích chính quyền”.

„Chính quyền đã đợi bảy ngày mới thông báo cho gia đình ông Huy Đức về việc ông bị bắt và giam giữ, gây lo ngại về sự an toàn của ông. Kể từ khi bị giam giữ, cả luật sư và gia đình đều không được phép gặp ông,“ thông cáo của HRW viết.

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói: “Bằng việc bắt giữ sai trái ông Huy Đức, chính quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và có ảnh hưởng nhất của Việt Nam.

„Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên tố cáo việc bắt giữ Huy Đức là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận và kêu gọi thả ông ngay lập tức.”

Theo nhận định của HRW, trong những tháng gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường đàn áp những người chỉ trích, bắt giữ hầu như mọi nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và các nhà báo, nhà hoạt động môi trường và bất kỳ ai chỉ trích chính phủ hoặc kêu gọi cải cách.

Bà Gossman nói: “Việc bắt giữ một nhà báo vì đưa các tin bài mang tính phê phán cho thấy rằng chính phủ Việt Nam đang ngày càng rời xa dân chủ và pháp quyền.

“Việc trừng phạt Huy Đức vì ông đã tố cáo tệ lạm dụng quyền lực nhà nước và tham nhũng sẽ gây lo ngại cho những người mong đợi những cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam trong tương lai gần.”

Dự án 88, một nhóm đa quốc gia giám sát nhân quyền ở Việt Nam, cho biết vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách”.

Dự án 88 kêu gọi Hoa Kỳ trừng phạt Hà Nội vì đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2024 do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố xếp Việt Nam ở vị trí thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) gọi Việt Nam là “nhà tù tồi tệ thứ năm đối với các nhà báo trên toàn thế giới”, với ít nhất 19 phóng viên bị bỏ tù tính đến tháng 12 năm ngoái.

Hai nhóm tự do báo chí khác cùng với PEN America, một tổ chức tự do ngôn luận, trong tuần này đã đưa ra lời kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức.

Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên Không Biên giới châu Á-Thái Bình Dương, cho biết ngay trước khi có thông báo chính thức về vụ bắt giữ ông Trương Huy San:

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Việt Nam kiểm duyệt.

„Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và cho khôi phục trang Facebook của ông”.

Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Bảo vệ Nhà báo (CPJ), phát biểu hôm 6/6, thời điểm sau khi chính quyền đã câu lưu nhà báo Huy Đức nhiều ngày và trước khi quyết định khởi tố ông được chính thức công bố:

“Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức tiết lộ nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện.

„Việt Nam phải ngừng đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các thành viên báo chí bị giam giữ sai trái.”

BBC (08.06.2024)

 

 

 

 

HRW : « Blogger Huy Đức bị bắt giữa đợt đàn áp nhân quyền đang gia tăng »

Sáng 08/06/2024, bộ Công An Việt Nam thông báo chính thức vụ bắt Osin Huy Đức (tên thật Trương Huy San) và luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, và ra quyết định khởi tố vụ án « Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ». Hai tổ chức Quan Sát Nhân Quyền và Phóng Viên Không Biên Giới đã yêu cầu trả tự do cho nhà báo độc lập.

Hình ảnh nhà báo độc lập Huy Đức ngày 10/04/2021. © AFP

Trong thông cáo tối 07/06, tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Right Watch kêu gọi « chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông » Huy Đức và chỉ trích « chính quyền đã để 7 ngày mới thông báo với gia đình Huy Đức về việc bắt giữ và tạm giam ông, trên thực tế là buộc ông bị mất tích, gây ra nhiều quan ngại về sự an nguy của ông. Kể từ khi bị tạm giữ, cả luật sư và gia đình ông đều chưa được phép gặp ông ».

Ông Trương Huy San, bút danh Osin Huy Đức, bị công an ở Hà Nội câu lưu ngày 01/06/2024. Bà Patricia Gossman, phó giám đốc Ban Á Châu của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, cho rằng « với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam »« Bắt giữ một nhà báo vì ông ta viết bài phê phán chỉ thể hiện rằng chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng rời xa dân chủ và pháp quyền ».

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), được AFP trích dẫn, cũng ra thông cáo kêu gọi trả tự do ngay lập tức nhà báo blogger Huy Đức. Ông Cédric Alviani, giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF nhấn mạnh « những bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là một nguồn thông tin vô giá cho phép người Việt Nam tiếp cận những thông tin (khác với) thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt ».

Blogger Huy Đức có hơn 350.000 người theo dõi trên Facebook. Từ năm 2020, ông viết hàng loạt bài về chính trị và xã hội ở Việt Nam, kể cả các vấn đề môi trường như nạn phá rừng. Những bài đăng trên Facebook mới nhất trước khi ông bị bắt cảnh báo về hàng loạt mối nguy trước tình trạng tập trung quyền lực về bộ Công An Việt Nam vốn nhiều tai tiếng về bàn tay đàn áp, do ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước, lãnh đạo trước đó.

RFI (08.06.2024)

 

 

 

Thêm Human Rights Watch ở Mỹ giục Việt Nam trả tự do cho nhà báo Huy Đức

Ông Trương Huy San tức Huy Đức là nhà báo và tác giả sách nổi tiếng Việt Nam.

Ít giờ sau khi công an Việt Nam chính thức công bố việc họ khởi tố và bắt giam ông Trương Huy San, tức blogger và Facebooker Osin Huy Đức nổi tiếng, Human Rights Watch gửi ra thông cáo từ New York, Mỹ, vào chiều ngày 7/6 đề nghị chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức phóng thích” ông San cũng như hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

Thông cáo của Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) tiếp nối vào những lời kêu gọi trước đó của 3 tổ chức Bảo vệ Ký giả, Ân xá Quốc tế và Văn bút Mỹ rằng nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho ông San.

Như VOA đã đưa tin, Bộ Công an Việt Nam cáo buộc ông San phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự, một điều luật bị các nước phương Tây và các tổ chức cổ súy cho nhân quyền coi là có nội dung quá rộng mà nhà nước Việt Nam thường sử dụng đối với những người lên tiếng phê phán chính quyền.

Human Rights Watch nói trong thông cáo gửi đến VOA và các cơ quan báo chí rằng công an ở Hà Nội đã câu lưu ông San vào ngày 1/6 và nhận xét thêm rằng việc chính quyền để cho 7 ngày trôi qua mới thông báo với gia đình ông về việc bắt giữ, tạm giam đã “gây ra nhiều quan ngại về sự an nguy của ông”.

VOA được biết kể từ khi nhà báo kiêm tác giả sách Trương Huy San tức Huy Đức bị tạm giữ, cả luật sư lẫn gia đình ông đều chưa được phép gặp ông.

“Với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch, nói trong thông cáo của tổ chức này và cho rằng “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc bắt giữ Huy Đức như một đòn đánh trực diện vào quyền tự do biểu đạt, và thúc đẩy để ông được trả tự do ngay lập tức.”

Ông San sinh năm 1962, từng phục vụ trong quân đội rồi trở thành nhà báo với bút danh Huy Đức và xây dựng danh tiếng qua các bài viết đanh thép về chính trị của Việt Nam. Ông đặc biệt nổi danh khi làm việc cho báo Sài Gòn Tiếp Thị, với phóng sự phơi bày một vụ tham nhũng lớn liên quan tới các hợp đồng ưu ái và các vụ mua bán đất đai mờ ám của gia đình một vị thủ tướng chính phủ, Human Rights Watch điểm lại.

Một thành tựu khác được xem là đáng chú ý nhất của ông là hồi năm 2012, trong lúc học ở Đại học Harvard, Mỹ, theo học bổng Nieman, ông viết cuốn sách Bên Thắng Cuộc, được đánh giá là một biên niên sử báo chí về thời kỳ hậu chiến của Việt Nam. Sách này chưa được bán một cách chính thức ở Việt Nam.

Trong mười mấy năm nay, theo quan sát của VOA, sử dụng bút danh Huy Đức và Trương Huy San trên mạng xã hội, ông đã bình luận, phân tích và phản biện về nhiều vấn đề chính trị và xã hội nan giải ở Việt Nam.

Chỉ vài ngày trước khi bị bắt, ông đăng lên Facebook một bài cảnh báo về nhiều mối nguy từ tình trạng tập trung quyền lực về Bộ Công an Việt Nam. Tiếp đến là một bài phê phán những nhược điểm của làn sóng chống tham nhũng do người đứng đầu Đảng Cộng sản chỉ đạo.

Sau khi ông bị bắt, trang Facebook của ông đã bị vô hiệu hóa, không còn truy cập được nữa trên mạng internet.

Giới quan sát quốc tế cho rằng trong mấy tháng trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ một loạt các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, nhà hoạt động môi trường và những người khác lên tiếng phê phán, chỉ trích chính quyền hoặc kêu gọi cải cách.

Báo chí Việt Nam dẫn lại thông tin từ Bộ Công an cho biết hôm 7/6 rằng ngoài ông Trương Huy San, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam trong cùng vụ án là ông Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Công an nói rằng kết quả điều tra ban đầu xác định hai ông San và Triển đã “vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ đối với những tuyên bố, thông cáo của 4 tổ chức nước ngoài về vụ bắt giữ ông San, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

VOA (08.06.2024)

 

 

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Huy Đức

Nhà báo Trương Huy San (Huy Đức) Facebook Truong Huy San

Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) có trụ sở tại New York hôm 7/6 đã ra thông cáo với nội dung trên, ngay sau khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam chính thức khẳng định đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trương Huy San (tức nhà báo Huy Đức).

“Với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo gửi các cơ quan truyền thông.

Bà Patricia cho rằng “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc bắt giữ Huy Đức như một đòn đánh trực diện vào quyền tự do biểu đạt, và thúc đẩy để ông được trả tự do ngay lập tức.”

Nội dung thông cáo cũng thể hiện, Công an ở Hà Nội cáo buộc ông Huy Đức tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự, một điều luật có nội dung quá rộng mà nhà nước Việt Nam thường sử dụng đối với những người lên tiếng phê phán chính quyền. Việc nhà chức trách Việt Nam đã để bảy ngày mới thông báo với gia đình nhà báo này về việc bắt giữ và tạm giam ông, trên thực tế là buộc ông bị mất tích, gây ra nhiều quan ngại về sự an nguy của ông.

Trước đó, hai tổ chức theo dõi nhân quyền là Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng đã ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo Huy Đức, đồng thời hủy bỏ những cáo buộc đối với ông.

Giám đốc Văn phòng Châu Á- Thái bình dương của RSF, Cédric Alviani, phát biểu rằng: “Những bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá cho phép công chúng tiếp cận những tin tức bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt. Chúng tôi kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo này và khôi phục lại trang Facebook của ông ta.”

Ông Huy Đức sinh năm 1962, là một cựu quân nhân. Ông từng cộng tác với nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam và có những bài viết vạch trần tình trạng lạm dụng quyền hành của quan chức; ông bị cho thôi việc năm 2009 do lời lẽ chỉ trích của ông.

Ông Huy Đức được nhận học bổng Hubert H. Humphrey để đi học tại trường Đại học Maryland. Sau khi trở về Việt Nam năm 2006, Huy Đức mở một blog thu hút nhiều độc giả, nơi ông tiếp tục đăng các bài bình luận về các vấn đề chính trị xã hội cấp thiết. Chính quyền Việt Nam đóng blog của ông vào năm 2010. Năm 2012, Huy Đức dành một năm học ở trường Đại học Harvard theo học bổng Nieman, trong thời gian đó ông viết tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, được đa số độc giả coi là cuốn sách phi hư cấu quan trọng nhất về lịch sử và chính trị Việt Nam thời hậu chiến. Cuốn sách chưa từng được công khai bày bán trên giá sách nào ở Việt Nam.

Kể từ năm 2020, Huy Đức tiếp tục viết về hàng loạt nan đề chính trị và xã hội ở Việt Nam trên Facebook của ông.

 “Bắt giữ một nhà báo vì ông ta viết bài phê phán chỉ thể hiện rằng chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng rời xa dân chủ và pháp quyền,” bà Grossman nói. “Trừng phạt Huy Đức vì ông phản đối lạm dụng quyền lực nhà nước và tham nhũng sẽ khiến những người mong đợi được chứng kiến các cải cách chính trị và kinh tế ở Việt Nam trong một tương lai gần phải quan ngại.”

Cũng trong ngày 7/6, truyền thông  Việt Nam dẫn lại thông tin từ Bộ Công an cho biết ngoài ông Trương Huy San, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam trong cùng vụ án là ông Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Công an nói rằng kết quả điều tra ban đầu xác định hai ông San và Triển đã “vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

RFA (08.06.2024)

 

 

Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhân quyền Việt Nam

TS Phạm Đình Bá dịch

Phát biểu của Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng về an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền, Washington DC ngày 14/05/2024

 

Chào và cảm ơn bạn vì lời giới thiệu nồng nhiệt.

Trước tiên tôi xin cảm ơn Ban Cố vấn Ngày Nhân Quyền Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức các sự kiện ngày hôm nay – những người điều hành và diễn giả đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc của họ về vấn đề cực kỳ quan trọng này; và Nghị sĩ Brian Fitzpatrick đã tài trợ cho lễ kỷ niệm năm nay. Cảm ơn tất cả.

Thưa các Thượng nghị sĩ và các thành viên Quốc hội, các bạn bè và đồng nghiệp, thật vinh dự được có mặt cùng tất cả các bạn hôm nay để kỷ niệm 30 năm Ngày Nhân quyền Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta có cơ hội suy ngẫm về hàng thập kỷ làm việc và nỗ lực không mệt mỏi của các nhà đấu tranh dũng cảm, trong đó có nhiều người tham dự ngày hôm nay, để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Tôi muốn chào mừng Tiến sĩ Quan Nguyen và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói riêng, và vô số những người bảo vệ nhân quyền, những người ủng hộ quyền tự do tôn giáo và dân tộc thiểu số, cũng như các thành viên của xã hội dân sự trong nhiều thập kỷ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Tôi khen ngợi bạn vì sự lãnh đạo kiên định và sự cống hiến của bạn cho những vấn đề cực kỳ quan trọng này. Cảm ơn!

Hoa Kỳ cam kết tạo ra một thế giới trong đó nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ nhân quyền được tôn vinh và những người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Dưới thời Chính quyền Biden – Harris, Hoa Kỳ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại thống nhất các giá trị dân chủ với sự lãnh đạo ngoại giao của chúng ta và tập trung vào việc bảo vệ nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Như các bạn đã biết, năm vừa qua rất có ý nghĩa đối với mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Vào tháng 9/2023, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken đã đến thăm Việt Nam và tuyên bố nâng cấp mối quan hệ song phương của chúng ta lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong khi chúng tôi tìm cách tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và quan hệ công dân với Việt Nam để có thể cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay, sự tham gia này vẫn được định hướng bởi các giá trị dân chủ và bảo vệ nhân quyền. Trên thực tế, một trong những trụ cột cốt lõi của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa chúng ta là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Tổng thống Biden đã trực tiếp nhấn mạnh vào tháng 9/2023 trong chuyến thăm của ông về tính phổ quát của nhân quyền và tầm quan trọng của sự hợp tác song phương của chúng ta nhằm thúc đẩy các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, tôn giáo hay tín ngưỡng, trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Blinken và các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chúng tôi tiếp tục nhắc lại thông điệp này và cuộc đối thoại nhân quyền song phương lâu đời của chúng tôi tập trung vào việc tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa dẫn đến cải cách. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ tiếp tục có những quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố gần đây về Việt Nam ghi lại tình trạng chính quyền tiếp tục đàn áp nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận.

Chúng tôi tiếp tục nêu lên mối quan ngại trực tiếp với chính phủ Việt Nam, kêu gọi cải cách và đang lồng ghép nhân quyền vào mối quan hệ song phương của chúng ta.

Cho phép tôi nói chuyện với ba vấn đề nhân quyền ở Việt Nam mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Đầu tiên, chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng Việt Nam tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa và tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Điều này bao gồm việc Việt Nam sử dụng các điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia để hình sự hóa việc thực hiện các quyền tự do cơ bản. Điều này đã dẫn đến một số lượng đáng lo ngại các vụ sách nhiễu, bắt giữ bất công và các bản án tù khắc nghiệt nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo độc lập, những người ủng hộ tự do tôn giáo và dân tộc thiểu số, cũng như những người dân bình thường bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.

Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về phúc lợi của các tù nhân chính trị bị giam giữ oan uổng, như Phạm Đoan Trang, một nhà báo vẫn ở trong tù mặc dù sức khỏe của cô được báo cáo ngày càng xấu đi.

Công việc của Trang và các nhà báo độc lập khác là cần thiết để xây dựng một xã hội thịnh vượng và kiên cường. Họ có những đóng góp vô giá cho trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, đồng thời giúp cộng đồng địa phương có tiếng nói trong việc giải quyết các thách thức như ô nhiễm môi trường, tham nhũng và tiếp cận các nguồn lực công.

Việc Trang bị giam giữ không phải là trường hợp cá biệt. Các tổ chức nhân quyền ước tính có hơn 180 tù nhân chính trị bị giam giữ oan uổng ở Việt Nam.

Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trang và những tù nhân bị giam giữ oan uổng khác.

Chúng tôi cũng lo ngại rằng chính phủ Việt Nam duy trì sự kiểm soát đáng kể đối với các hoạt động tôn giáo và luật pháp Việt Nam có những điều khoản mơ hồ nhằm hạn chế việc thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng vì lợi ích đã nêu là an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.

Các tác nhân tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không được chính phủ công nhận hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký, tiếp tục báo cáo các vụ việc chính quyền quấy rối bao gồm hành hung, bắt giữ, hạn chế đi lại và tịch thu hoặc phá hủy tài sản.

Như nhiều người trong số các bạn có thể đã biết, Bộ trưởng Blinken đã tái chỉ định Việt Nam là một quốc gia trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì Nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vào tháng 12/2023.

Để tránh bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt khác, Việt Nam phải thực hiện các hành động quan trọng và lâu dài để cải thiện tình trạng tự do tôn giáo cho tất cả mọi người.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép với Việt Nam về vấn đề này và kêu gọi tôn trọng pháp quyền và các quyền của cá nhân trong việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa và tôn giáo hay tín ngưỡng.

Thứ hai, chúng tôi vẫn lo ngại rằng không gian dân sự, xã hội dân sự và khả năng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bị hạn chế rất nhiều về luật pháp và thực tiễn.

Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách, lấp đầy những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của người dân, bao gồm cả các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số bị thiệt thòi.

Đó là lý do tại sao điều đặc biệt đáng lo ngại là ít nhất sáu nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng và các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ đã bị kết tội trốn thuế kể từ năm 2021. Những bản án này khiến nhiều lãnh đạo tổ chức phi chính phủ khác lo sợ rằng họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

Các phiên tòa xét xử Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách và các nhà bảo vệ môi trường khác làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về việc tôn trọng các bảo đảm xét xử công bằng và các quyền con người khác.

Việc có các tổ chức phi chính phủ cùng thảo luận và hoạt động mà không sợ bị trả thù hay trừng phạt không chỉ là cam kết mà Việt Nam đưa ra trong khuôn khổ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” mà còn là cam kết của cả hai nước chúng ta với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả việc trả tự do cho các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bị giam giữ oan uổng.

Thứ ba, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những nỗ lực của chính quyền Việt Nam vươn ra bên ngoài biên giới để ép buộc, quấy rối, đe dọa, giám sát và kiểm duyệt những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo độc lập và những người khác trong việc thực thi quyền của họ. Những hành động như vậy làm xói mòn cam kết của Việt Nam đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản.

Vụ việc được cho là đã ép buộc trả lại blogger Việt Nam và người tị nạn chính trị, Đường Văn Thái, người bị chính quyền Việt Nam bắt cóc vào tháng 4/2023, khi đang sống lưu vong ở Thái Lan, là một trong những ví dụ gần đây nhất về đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo.

Tôi biết nhiều người trong số các bạn ở đây cũng đã trải qua những trải nghiệm đau khổ với sự đàn áp xuyên quốc gia và tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của các bạn cũng như của đồng nghiệp và thành viên gia đình các bạn.

Tôi đảm bảo với bạn rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy lùi các chính phủ giám sát, đe dọa và tấn công một cách tùy tiện và bất hợp pháp các cá nhân, cả trong và ngoài nước, những người đang thực hiện các quyền con người phổ quát của họ.

Hoa Kỳ sát cánh và hỗ trợ những người bị nhắm tới bởi các hành động đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những thủ phạm.

Cuối cùng, khi chúng tôi tiếp tục thúc ép Việt Nam giải quyết những mối lo ngại nghiêm trọng về nhân quyền này, chúng tôi cũng tích cực khuyến khích chính phủ tăng cường những tiến bộ mà chúng tôi đã thấy trong những năm gần đây nhằm cải thiện việc bảo vệ phụ nữ, người khuyết tật và cộng đồng người LGBTQI+, cũng như tăng cường quyền của người lao động.

Với tư cách là thành viên của Liên Hợp Quốc, chúng tôi kêu gọi Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia khác, hãy tôn trọng các nghĩa vụ của mình đối với nhân quyền và tích cực nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ các quyền này trong và ngoài nước.

Tôi muốn kết thúc một lần nữa, thu hút sự chú ý đến sự cống hiến lâu dài và lòng dũng cảm của những người bảo vệ nhân quyền và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự của Việt Nam vì họ đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản bất chấp những mối đe dọa và rủi ro đáng kể mà họ phải đối mặt.

Điều mang lại cho tôi hy vọng về một tình trạng nhân quyền được cải thiện là sự kiên cường, kiên trì và sự lãnh đạo liên tục của những người trong phòng này và các thành viên khác của xã hội dân sự, cả trong và ngoài Việt Nam cũng như cộng đồng hải ngoại.

Quyết tâm của các bạn là nguồn cảm hứng và Hoa Kỳ sẽ luôn đứng sau những người nỗ lực hướng tới một Việt Nam công bằng, tự do và bình đẳng hơn.

Cảm ơn!

Uzra Zeya, Thứ trưởng về an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền, Washington DC ngày 14/05/2024

TS Phạm Đình Bá dịch

VNTB (08.06.2024)

 

 

 

Nhà báo Huy Đức bị bắt giam, khởi tố; Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do

Các tổ chức nhân quyền, gồm CPJ, RSF và PEN America, đã lên tiếng kêu gọi Việt nam minh bạch về hành tung của nhà báo Huy Đức cũng như trả tự do cho ông.

Các tổ chức Bảo vệ Ký giả, Ân xá Quốc tế và Văn bút Mỹ đã lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tự do cho nhà báo nổi danh Trương Huy San cũng như xóa bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo có bút danh Huy Đức sau khi ông cho đăng tải những bài viết về tình trạng bất ổn chính trị hiện tại của đất nước.

Những lời kêu gọi này được đưa ra ngay trước khi tờ Tuổi Trẻ cho biết cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam cựu nhà báo Trương Huy San hôm 7/6. Bộ Công an được tờ báo này dẫn lời nói rằng họ ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đối với ông Huy Đức.

Một ngày trước khi có thông báo của Bộ Công an, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói trong một thông báo rằng “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức tiết lộ nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện.”

Trước khi bị bắt, nhà báo Huy Đức đăng tải những bài viết chỉ trích gay gắt và trực diện hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, người được bổ nhiệm vào chức vụ này hôm 22/5 sau khi dẫn dắt Bộ Công an.

Theo Tuổi Trẻ, kết quả điều tra ban đầu của Công an xác định ông Huy Đức đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra an ninh cũng cho biết rằng họ đã bắt giữ và khởi tố Luật sư Trần Đình Triển của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với cùng tội danh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan này được Tuổi Trẻ trích dẫn, nhà báo Huy Đức và LS Triển „đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ“.

Bộ Công an không cho biết họ bắt ông Huy Đức khi nào nhưng nhà văn Trần Thanh Cảnh cho VOA biết hôm 6/6 rằng ông Huy Đức đã không đến tham dự buổi mạn đàm mà ông dự kiến là diễn giả ngày 1/6. Theo ông Cảnh, những người bạn và người dân sống cùng tòa nhà của ông Huy Đức ở Long Biên, Hà Nội, chứng kiến lực lượng của nhà chức trách đến khám nhà và đưa nhà báo này đi cùng ngày hôm đó.

Trang Facebook có hơn 350.000 người theo dõi của ông Huy Đức đã bị gỡ xuống kể từ khi ông bị bắt.

Trong các bài viết được đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Huy Đức, tác giả cuốn sách được xuất bản từ Mỹ “Bên Thắng Cuộc”, cho rằng sự phát triển của Việt Nam không thể dựa trên sự sợ hãi và lưu ý đến vai trò Bộ trưởng Công an lâu năm của ông Tô Lâm.

Theo CPJ, ông Tô Lâm được nhiều người coi là ứng cử viên để thay thế ông Trọng, 80 tuổi, ở vị trí lãnh đạo hàng đầu khi nhiệm kỳ 5 năm thứ 3 chưa có tiền lệ của tổng bí thư Đảng kết thúc vào năm 2026.

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt,” ông Cedric Alviani, giám đốc Văn phòng châu Á của Ân xá Quốc tế (RSF), nói trong thông cáo đưa ra hôm 7/6. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và phục hồi lại trang Facebook của ông.”

RSF nhận định rằng, ông Huy Đức là một nhà báo kỳ cựu sinh năm 1962, từng làm việc cho nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam, nơi ông vạch trần hành vi lạm dụng quyền lực của các quan chức hàng đầu trước khi ông bị cho thôi việc vào năm 2009 vì những bài viết mang tính chỉ trích.

Sau đó, ông Huy Đức tiếp tục đăng các bài viết độc lập về chính trị Việt Nam trên trang blog và mạng xã hội của mình, gồm Facebook, trước khi nhận học bổng Nieman để theo học tại Đại học Harvard vào năm 2012-2013.

Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) cũng đưa ra quan ngại về thông tin ông Huy Đức bị các nhà chức trách bắt giữ hôm 1/6. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/6, tổ chức này nói họ “quan ngại rằng ông Trương Huy San có thể bị nhắm tới vì những bài viết chỉ trích chính phủ Việt Nam.” Tổ chức có trụ sở ở New York chuyên cổ vũ cho tự do ngôn luận kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam minh bạch về việc bắt giữ ông Huy Đức.

“Không thể buộc tội Trương Huy San vì quyền tự do ngôn luận,” PEN America nói.

Còn ông Crispin của CPJ kêu gọi Việt Nam “phải ngừng đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các thành viên báo chí bị giam giữ oan trái.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao về những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền trên.

Theo RSF, từ năm 2016, Tổng bí thư Trọng đã đẩy mạnh đàn áp quyền được thông tin trong nước. Tổ chức có trụ sở ở Paris của Pháp cho rằng các nhà báo chỉ trích chế độ thường xuyên bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và có thể bị kết án lên tới 20 năm tù. Năm 2021, nhà báo nổi danh Phạm Đoan Trang, người đạt giải tự do báo chí của RSF, bị kết án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Việt Nam bị xem là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới, với ít nhất 19 người viết báo đang bị giam sau xong sắt tính đến ngày 1/12/2023, theo cuộc điều tra nhà tù toàn cầu hàng năm của CPJ. Quốc gia Đông Nam Á này bị xếp thứ 174/180 các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2024 của RSF.

(Bản tin được cập nhật với tuyên bố của Bộ Công an về việc bắt giữ nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển)

VOA (07.06.2024)

 

 

 

New York Times và Washington Post đưa tin vụ bắt nhà báo Huy Đức

Một ngày sau khi Bộ Công An Việt Nam chính thức xác nhận vụ bắt nhà báo Huy Đức, hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là New York Times và Washington Post đồng loạt đưa tin vụ này.

Bản tin “Vietnam Arrests Prominent Journalist for Facebook Posts” (Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng vì bài đăng trên Facebook) của báo New York Times hôm 7 Tháng Sáu nhấn mạnh: “Theo các nhóm nhân quyền, cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ nhắm vào ông Trương Huy San, tức Huy Đức, thường được nhà cầm quyền CSVN sử dụng để chống lại những người chỉ trích chính quyền.”

Nhà báo Huy Đức. (Hình: Facebook Canh Tranthanh)

Cùng thời điểm, bản tin của Washington Post cho biết, tội danh mà ông Huy Đức bị áp đặt có thể khiến ông bị kết án từ hai đến bảy năm tù khi hầu tòa.

Bản tin trích dẫn thông cáo của The 88 Project, nhóm giám sát nhân quyền ở Việt Nam, cho biết vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách.”

Dịp này, nhóm nêu trên kêu gọi Washington trừng phạt Hà Nội vì đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Washington Post cho biết thêm, tin ban đầu về vụ bắt nhà báo Huy Đức lan truyền trên mạng xã hội sau khi ông này đột nhiên vắng mặt bất thường tại một sự kiện diễn ra ở Hà Nội vào ngày 1 Tháng Sáu.

Tin đồn càng thêm khả tín khi trang cá nhân của tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” thu hút 350,000 lượt follower biến mất vào ngày 2 Tháng Sáu mà không rõ nguyên do.

Vài ngày trước khi “mất tích,” ông Huy Đức được ghi nhận đăng bài chỉ trích đảng do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo.

Hồi tháng trước, ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An giành ghế chủ tịch nước, điều mà một số nhà phân tích tin rằng là một phần của một loạt các thay đổi liên quan đến việc nhân vật nào cuối cùng có thể kế nhiệm chức tổng bí thư sau khi ông Trọng rời ghế vào năm 2026.

Chỉ số Tự Do Báo Chí Thế Giới 2024 do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RWB) công bố xếp Việt Nam ở vị trí thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) mô tả Việt Nam là “nhà tù tồi tệ thứ năm đối với các nhà báo trên toàn thế giới”, với ít nhất 19 phóng viên bị bỏ tù tính đến Tháng Mười Hai năm ngoái.

Hai nhóm tự do báo chí, cùng với tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) trong tuần này đã kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông Huy Đức.

Theo Washington Post, ông Huy Đức lâu nay đã là một trong những nhà bình luận chính trị, xã hội nổi tiếng nhất ở Việt Nam và là người thường xuyên chỉ trích chính quyền.

Cédric Alviani, giám đốc văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RWB, bình luận: “Các bài viết của nhà báo Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt.”

Huy Đức được ghi nhận là một nhà báo tự do kể từ năm 2009, thời điểm ông bị báo Sài Gòn Tiếp Thị sa thải dưới áp lực của Ban Tuyên Giáo vì quan điểm chính trị của mình.

Cuốn “Bên Thắng Cuộc” mà ông Huy Đức là tác giả, được đánh giá cao về Việt Nam thời sau 1975.

Bản tin của báo Washington Post về vụ Bộ Công An Việt Nam bắt nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc.” (Hình: Chụp qua màn hình)

Trước khi trở thành nhà báo, ông Huy Đức là quân nhân CSVN trong tám năm và từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc và cả ở Cambodia.

Ông đã nhận được Học bổng Hubert H. Humphrey của chính phủ Mỹ tại Đại Học Maryland vào năm 2005-2006 và là nghiên cứu sinh Nieman tại Đại Học Harvard vào năm 2012-2013. 

 

Người Việt (08.06.2024)