Seite auswählen

Thông báo của Nhóm DAG EU được các cơ quan của EU chia sẻ trên trang X.

Thông báo của Nhóm DAG EU được các cơ quan của EU chia sẻ trên trang X.

Nhóm Tư vấn Nội địa của Liên hiệp châu Âu (DAG EU) vừa bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và việc tiếp tục đàn áp xã hội dân sự ở đất nước Đông Nam Á, đồng thời nhóm này kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nên thực hiện các biện pháp cần thiết để Việt Nam thực hiện đúng các cam kết.

Nhóm DAG EU được thành lập trên sở của Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), cụ thể là theo Chương 10 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của hiệp định.

Nhóm DAG có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.

“DAG EU vô cùng quan ngại khi biết rằng có một chỉ thị mật về an ninh quốc gia do các lãnh đạo cấp cao của nước này ban hành, mang tên Chỉ thị 24”, thông cáo của DAG EU viết sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels, Bỉ.

“Chỉ thị này thiết lập chính sách ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các thông tin chỉ trích đảng cầm quyền, phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập của công nhân”, tuyên bố của DAG EU hôm 6/6 nhận định.

Với lý do trên, nhóm này cho rằng Chỉ thị 24 đi ngược lại cam kết về Thương mại và Phát triển bền vững như đã nêu trong hiệp định EVFTA, bao gồm cả việc thực hiện các công ước của ILO, và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 về tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức.

Hồi tháng 5, như VOA đã đưa tin, tổ chức The 88 Project (Dự án 88) – một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở bang Ilinois, Mỹ, chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam – công bố rằng chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị đã bị rò rỉ. Đây là chỉ thị ra hướng dẫn cho các cơ quan có thẩm quyền về “đảm bảo an ninh quốc gia” trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nội dung chỉ thị gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức có hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Phản hồi câu hỏi VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị 24, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng đó là những thông tin “có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi phản đối những thông tin sai lệch, bịa đặt có mục đích xấu nhằm vào Việt Nam. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho VOA biết qua email.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị bộ bình luận về tuyên bố của nhóm DAG EU.

Ngoài việc lên án chỉ thị trên của Việt Nam, DAG EU còn nhắc lại mối “quan ngại sâu sắc” của họ trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và các vụ bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.

Nhóm này nêu tên các nhà hoạt động xã hội dân sự bị bắt, gần nhất là trường hợp bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến. Hai ông được xem là những người đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi đã liên tục thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) nêu lên những quan ngại này ở mức cao nhất và đẩy mạnh hoạt động giám sát đối với Việt Nam. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi này và kêu gọi EC thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo EVFTA được thực thi đúng đắn”, nhóm DAG EU đưa ra khuyến nghị.

Chỉ thị mật 24 của Việt Nam khiến nhóm tư vấn EU quan ngại

 

Từ trái qua: ông Nguyễn Văn Bình, ông Vũ Minh Tiến, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên
Nhiều nhà hoạt động, quan chức đã bị bắt giữ “theo tinh thần Chỉ thị 24”. Từ trái qua: ông Nguyễn Văn Bình, ông Vũ Minh Tiến, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên
BBC

Nhóm Tư vấn Nội địa Liên minh châu Âu (DAG EU) công bố báo cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về Chỉ thị mật 24 liên quan đến an ninh quốc gia của Việt Nam.

Nhóm DAG EU được thành lập theo cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA).

Báo cáo của DAG EU được đưa ra sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels (Bỉ).

Chỉ thị 24-CT/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, đóng dấu “Mật”, được Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) tiết lộ hồi tháng Ba.

Chỉ thị này yêu cầu các thành viên ĐCSVN ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các tài liệu chỉ trích đảng cầm quyền hoặc phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập.

Nhóm DAG EU cho rằng chỉ thị này đi ngược lại các cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA.

Trong đó, có việc thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc sẽ phê chuẩn Công ước ILO số 87 (Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền lợi của người tổ chức hiệp hội).

Mặc dù cam kết sẽ ký Công ước 87, nhưng trong Chỉ thị 24, chính phủ Việt Nam đề cập việc chỉ “thí điểm” thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó tiếp tục xây dựng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – tổ chức công đoàn cấp quốc gia duy nhất tồn tại ở nước này – “vững mạnh”.

Việt Nam đã hai lần hoãn ký Công ước 97.

DAG EU khuyến khích Ủy ban châu Âu tìm kiếm thêm thông tin về vấn đề này và chia sẻ thông tin đó với DAG.

DAG EU cũng nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của mình trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.

Nhóm DAG EU lên án việc ba nhà bảo vệ quyền môi trường vẫn đang thụ án tại Việt Nam với các cáo buộc mà nhóm này gọi là “bịa đặt”.

Ba nhà hoạt động nói trên là bà Hoàng Thị Minh Hồng, ông Đặng Đình Bách và ông Bạch Hùng Dương.

EU DAG hiện đang lo ngại về hai vụ bắt giữ mới nhất.

Hồi tháng Năm, Việt Nam đã bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Bình là Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và là đối tác đàm phán chính của EU về cải cách lao động (bao gồm cả việc phê chuẩn Công ước ILO số 87).

Chính quyền Việt Nam chỉ công khai việc bắt giữ ông sau khi tổ chức Dự án 88 ra báo cáo về vụ việc.

Ông Vũ Minh Tiến là Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) – tổ chức sau này là thành viên của DAG Việt Nam.

Giống như ông Bình, trước khi bị bắt, ông Tiến đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong vai trò của mình tại VGCL, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.

Việt Nam hiện vẫn chưa chính thức thông báo về việc bắt ông Tiến. Tuy nhiên, thông tin của ông đã biến mất nhiều ngày nay khỏi trang web của VGCL và một số nguồn tin của Dự án 88 đã xác nhận việc ông bị bắt giữ.

EU DAG lên án những hành vi vi phạm EVFTA nghiêm trọng và có hệ thống này.

Trong trường hợp này, nhóm nhắc lại mối quan ngại của mình về khả năng hoạt động hiệu quả của DAG Việt Nam.

Điều gì đã xảy ra với nhóm DAG Việt Nam?

Chỉ thị mật 24 bị rò rỉ: Đảm bảo an ninh quốc gia hay bảo vệ Đảng?

Các nhóm tư vấn trong nước (DAG) có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT ngày 17/8/2021 về việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam.

Chức năng và nhiệm vụ của DAG Việt Nam là tập hợp, đưa khuyến nghị, tư vấn về việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định.

Nhóm DAG Việt Nam bao gồm không quá 15 thành viên, chia làm 3 phân nhóm là kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, một số thành viên tích cực của DAG Việt Nam, có tiếng nói phản biện, độc lập, đã bị bắt và bỏ tù trong thời gian qua.

Trong hai năm 2021, 2022, công an Việt Nam đã bắt giữ các nhà hoạt động, khép họ vào tội trốn thuế, gồm Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh – đều là những nhà lãnh đạo tích cực muốn đóng góp cho DAG Việt Nam.

Tiếp sau đó là các vụ bắt giữ đối với các nhà hoạt động và các quan chức đã đề cập ở đầu bài viết này.

Những vụ bắt giữ này xảy ra ngay sau khi Việt Nam ký xong EVFTA vào năm 2020.

Ông Robertson, cựu Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từng nói với BBC hồi 2023 rằng “EU tuyên bố Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) năm 2020 sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, nhưng điều ngược lại đã xảy ra”.

Sau khi bỏ tù một số thành viên như đã nói ở trên, chính phủ Việt Nam chấp thuận bảy thành viên khác tham gia DAG Việt Nam – là những người thân chính phủ.

Trong đó, có ít nhất bốn thành viên là đảng viên cấp cao thuộc các tổ chức có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, theo báo cáo của HRW gửi EU năm 2023.

Bồ Tát EUDAG

 

12/06/2024

Thục-Quyên

Việt Báo

 

dags EU

 Những người theo Phật giáo Đại thừa đều ít nhiều đã từng nghe đến Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng….

Đúng là Bồ tát EUDAG rất xa lạ và tôi mới nhận diện được ngài sáng nay, sau khi quán nguyện Bốn vị Bồ Tát lớn để nuôi dưỡng những hạt giống vững chãi, thảnh thơi và hiểu biết

trong tôi (1)

 “Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, con xin học theo hạnh bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ“.

 “Lạy đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, con xin học theo hạnh bồ tát biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người”

  “Lạy đức Bồ Tát Phổ Hiền, con xin học theo hạnh nguyện của bồ tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống“.
“Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, con xin học theo hạnh bồ tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể đem đến nơi ấy niềm tin, hy vọng và giải thoát. Con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, những ai còn bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người“.

 Bồ Tát là người giác ngộ về nỗi khổ của chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó, và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó.

Bồ Tát là những nhân vật khá phổ biến trong văn học và nghệ thuật Phật giáo, thường là các cá nhân bình thường mà được mô tả là những vị Bồ tát vĩ đại, đã hóa thân thành nhiều hình thức khác nhau để cứu giúp những người gặp hoạn nạn, khó khăn.

 Bồ Tát EUDAG

Sáng nay tôi tìm để đọc kỹ lại Tuyên bố của Nhóm Tư vấn Nội địa Liên minh Âu Châu ngày 6.06.2024 (2), liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

Nhưng mặc dù nó liên quan chặt chẽ và sẽ có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống của mọi người dân Việt Nam, vì nó phản chiếu những giá trị đạo đức phổ quát Liên Minh Âu châu đã đưa vào nền tảng của Hiệp định mà lại đang không được Việt Nam tuân thủ, Tuyên bố không được giới truyền thông quốc tế lưu tâm mà ngay cả giới truyền thông Việt Nam từ tả tới hữu, đến cộng đồng mạng…chẳng được ai biết tới.

 Theo cam kết (3) trong Chương 13 về  Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do (EV-FTA) giữa Liên minh Âu châu (EU) và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,  cả hai bên, EU và Việt Nam, phải thành lập “Các nhóm Tư vấn Nội địa” (DAGs) gồm những tổ chức phi chính phủ NGO, đại diện người lao động, hiệp hội thương mại, v.v., để có thể quan sát, nêu lên và thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội và môi trường với Ủy ban Liên minh Âu châu và VN, cũng như đưa ra các quan điểm và khuyến nghị.

 Ròng rã qua 8 bản tuyên bố và khuyến nghị từ ngày 12.11.2021 cho tới ngày 6.06.2024, Nhóm Tư vấn Nội địa Liên minh Âu Châu (EU DAG) đã đưa ra chi tiết về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Chúng bao gồm các hạn chế về quyền tự do hội họp, cũng như quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, nhà báo, và một số nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng ở Việt Nam, thu hẹp không gian hoạt động cần thiết của xã hội dân sự, dựa trên việc sử dụng tùy tiện cách diễn đạt quá mông lung của Bộ luật Hình sự và Luật Thuế. (Điều này cũng đã bị Quốc hội EU cũng như Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện lên án.)

 

EU DAG đòi hỏi quyền cho các công đoàn, truyền thông, tổ chức xã hội dân sự và cơ quan tư pháp được tự do giám sát, vạch trần và thực thi việc tôn trọng tất cả các quyền, bao gồm cả quyền lao động, vì nhân quyền là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) giữa EU và Việt Nam, và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA

 Từ tháng 11.2021 tới nay, EU DAG đã làm đúng công việc của một vị bồ tát, dừng lại và nhìn sâu, lắng tai nghe, đem con mắt và trái tim để nhận định những gì đang xảy ra tại Việt Nam, nơi có những người đang ngồi dưới đáy vực thẳm nhưng không có cách nào để có thể truyền thông được với bên ngoài, nơi có những người đang bị kẹt vào những tình huống khó khăn và tuyệt vọng.

 Bồ tát EUDAG đang cần mẫn tìm cách có mặt tại nơi mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể đem đến nơi ấy niềm tin, hy vọng và giải thoát.

 Bồ tát EU DAG đang không quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, và đang cố gắng thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, những ai còn bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người.

 Cám ơn Bồ tát EU DAG vẫn đang lưu tâm đến những người đã, đang và sắp rơi vào hố đen quên lãng ngay tại quê hương mình:  Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Đặng Đình Bách, Hoàng thị Minh Hồng, Ngô thị Tố Nhiên, Nguyễn văn Bình, Vũ Minh Tiến….

  Thục-Quyên

 

(1)  https://langmai.org/thien-duong/nghe-phap-thoai/pt-phien-ta/pt-su-ong-lm/pt-theo-chu-de/nuoi-lon-bon-vi-bo-tat-2/

(2)  https://www.eesc.europa.eu/sites/default/files/2024-06/euvn_dag_statement_final.pdf

(3)  https://vietnamthoibao.org/vntb-ev-fta-va-nuoc-co-dang-do-cua-nhung-nhom-xhds-doc-lap-viet-nam/