Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm dịch
Nguồn ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images
Trong khi các vụ bê bối, chiến tranh văn hóa và mối đe dọa đối với nền dân chủ đang chế ngự trong các tiêu đề báo chí, thì các chủ đề lớn nhất trong năm siêu bầu cử này cuối cùng lại liên quan đến các chính sách kinh tế. Suy cho cùng, sự trỗi dậy của chủ thuyết độc tài nhuốn màu dân túy phản dân chủ tự bản thân nó là di sản của một ý thức hệ kinh tế sai lầm.
Trên khắp thế giới, phong trào dân tộc mệnh danh dân túy đang trỗi dậy, thường dẫn đến việc nắm quyền của các nhà lãnh đạo độc tài. Tuy nhiên, tính cách chính thống theo tân tự do – thông qua các biện pháp như thu hẹp quy mô chính phủ, giảm thuế, bãi bỏ quy định – đã tồn tại khoảng 40 năm trước ở phương Tây, nó được cho là nhằm củng cố và không phải làm suy yếu nền dân chủ. Có chuyện gì là sai?
Một phần câu trả lời là về mặt kinh tế: chủ thuyết tân tự do đơn giản là đã không mang lại những gì hứa hẹn. Tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác áp dụng mô hình này, tình trạng tăng trưởng mức thu nhập thực tế bình quân tính theo đầu người (đã điều chỉnh theo lạm phát) từ năm 1980 đến đại dịch COVID-19 là thấp hơn 40% so với 30 năm trước đó. Tệ hơn nữa, thu nhập của thành phần tận cùng xã hội và trung lưu phần lớn bị trì trệ trong khi ở thành phần thượng lưu lại tăng lên, và sự suy yếu có chủ ý của các biện pháp bảo trợ xã hội đã tạo ra tình trạng bất an về kinh tế và tài chính lớn hơn.
Giới trẻ có lo âu chính đáng khi biến đổi khí hậu sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của họ, họ có thể thấy các quốc gia trong ảnh hưởng của chủ thuyết tân tự do đã liên tục thất bại trong việc ban hành các quy định mạnh mẽ để chống lại việc ô nhiễm (hoặc như ở Mỹ, để giải quyết cuộc khủng hoảng trong việc lạm dụng ma tuý và dịch bệnh tiểu đường nơi trẻ em). Đáng buồn thay, những thất bại này không có gì đáng ngạc nhiên.
Chủ thuyết tân tự do được khẳng định dựa trên niềm tin rằng thị trường không bị kiểm soát là phương tiện hiệu quả nhất để đạt được kết quả tối ưu. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đầu khi chủ thuyết tân tự do lên ngôi, các nhà kinh tế học đã khẳng định rằng các thị trường không được kiểm soát là không hiệu quả cũng như không ổn định, chứ chưa nói đến việc tạo ra sự phân phối thu nhập được xã hội chấp nhận.
Giới ủng hộ cho chủ thuyết tân tự do dường như chưa bao giờ nhận ra rằng việc mở rộng quyền tự do của các doanh nghiệp làm hạn chế quyền tự do của phần còn lại của xã hội. Tự do gây ô nhiễm có nghĩa là sức khỏe ngày càng tồi tệ (hoặc thậm chí gây tử vong đối với những người mắc bệnh hen suyễn), thời tiết khắc nghiệt hơn và đất đai không thể ở được. Tất nhiên luôn có sự đánh đổi; nhưng bất kỳ xã hội hợp lý nào cũng sẽ kết luận rằng quyền sống quan trọng hơn là có quyền giả tạo trong việc gây ô nhiễm.
Đánh thuế cũng không kém phần gây ác cảm đối với chủ thuyết tân tự do, mà nó đóng khung việc này như là sự xúc phạm đến quyền tự do cá nhân: người ta có quyền giữ bất cứ thứ gì mình kiếm được, bất kể người ta kiếm được bằng cách nào. Nhưng ngay cả khi họ tính toán thu nhập của mình một cách trung thực, giới ủng hộ quan điểm này cũng không nhận ra rằng những gì họ kiếm được là nhờ sự đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, giáo dục và y tế công cộng. Hiếm khi họ suy nghĩ lại để xét xem họ sẽ có gì nếu được sinh ra ở một trong nhiều quốc gia không có luật pháp (hoặc cuộc sống của họ sẽ như thế nào nếu chính phủ Hoa Kỳ không đầu tư cho vắc xin trong đại dịch COVID-19).
Trớ trêu thay, những người mắc nợ chính phủ nhiều nhất lại thường là những người đầu tiên quên đi những gì mà chính phủ đã làm cho họ. Elon Musk và Tesla sẽ ở đâu nếu không có nguồn trợ giúp gần nửa tỷ đô la mà họ nhận được từ Bộ Năng lượng của Tổng thống Barack Obama vào năm 2010? Oliver Wendell Holmes, Thẩm phán Tối cao pháp viện có câu nói nổi danh: “Thuế là thứ chúng ta phải trả cho một xã hội văn minh” Điều đó không thay đổi: thuế là thứ cần thiết để thiết lập nền pháp quyền hoặc cung cấp bất kỳ tiện ích công cộng nào khác mà xã hội thế kỷ 21 cần có để hoạt động.
Ở đây, chúng ta vượt xa sự đánh đổi đơn thuần, bởi vì tất cả mọi người – kể cả người giàu – đều trở nên khá hơn khi được cung cấp đầy đủ những mặt hàng tiện ích đó. Theo nghĩa này, sự ép buộc có thể mang tính giải phóng. Có sự đồng thuận chung về nguyên tắc nếu chúng ta muốn có những mặt hàng thiết yếu thì chúng ta phải trả tiền và điều đó đòi hỏi phải có thuế.
Tất nhiên, giới ủng hộ cho chính phủ nhỏ hơn sẽ cho rằng nên cắt giảm nhiều khoản công chi, bao gồm cả lương hưu do chính phủ quản lý và dịch vụ y tế công cộng được cung cấp. Nhưng, một lần nữa, nếu hầu hết mọi người buộc phải chịu đựng sự bất an khi không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy hoặc thu nhập phù hợp khi về già, thì xã hội sẽ trở nên kém tự do hơn: ở mức tối thiểu, họ thiếu tự do từ nỗi sợ hãi về tương lai của mình có thể bị tổn thương như thế nào. Ngay cả việc phúc lợi của các nhà tỷ phú sẽ bị ảnh hưởng phần nào nếu mỗi người bị yêu cầu đóng thuế nhiều hơn một chút để tài trợ cho khoản tín dụng thuế dành cho trẻ em, hãy xét đến điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trong cuộc sống của một đứa trẻ không đủ ăn, hoặc cha mẹ không thể trả tiền khám bệnh cho bác sĩ. Hãy nghĩ đến việc đó sẽ có ý nghĩa gì đối với tương lai của cả đất nước nếu ngày càng ít giới trẻ lớn lên bị suy dinh dưỡng hoặc ốm đau.
Tất cả những chủ đề này sẽ chiếm vị trí chủ yếu trong cuộc bầu cử năm nay. Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đưa ra một sự lựa chọn rõ ràng không chỉ giữa sự hỗn loạn và chính phủ có trật tự mà còn giữa các triết lý và chính sách kinh tế. Người đương nhiệm, Joe Biden, cam kết sử dụng quyền lực của chính phủ để nâng cao phúc lợi cho mọi người dân, đặc biệt là 99 % những người thuộc thành phần tận cùng tong xã hội, trong khi Donald Trump quan tâm nhiều hơn đến việc tối đa hóa phúc lợi của người giàu nhất chiếm 1%. Trump, người hầu tòa từ một khu nghỉ dưỡng chơi gôn sang trọng (khi ông không có mặt tại tòa), đã trở thành nhà vô địch của các nhà tư bản thân hữu và các nhà lãnh đạo độc tài trên khắp thế giới.
Trump và Biden có những tầm nhìn rất khác nhau về kiểu xã hội mà chúng ta nên nỗ lực tạo ra. Trong một kịch bản, sự thiếu trung thực, kẻ trục lợi phá hoại xã hội chiếm ưu thế, lòng tin của công chúng sẽ tiếp tục sụp đổ, chủ thuyết duy vật và lòng gian tham sẽ thắng; trong kịch bản kia, các quan chức được bầu và công chức sẽ làm việc với thiện chí hướng tới một xã hội dựa trên tri thức, lành mạnh, sáng tạo hơn được xây dựng trên sự tin cậy và trung thực.
Tất nhiên, chính trị không bao giờ liêm khiết như việc mô tả này gợi ý. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng hai ứng cử viên có quan điểm cơ bản khác nhau về quyền tự do và việc xây dựng một xã hội tốt đẹp. Hệ thống kinh tế của chúng ta phản ánh và định hình chúng ta là ai và có thể trở thành ai. Nếu chúng ta công khai tán thành một kẻ ích kỷ, coi thường phụ nữ – hoặc coi những đặc điểm này là những nhược điểm nhỏ – thì giới trẻ của chúng ta sẽ tiếp thu thông điệp đó, và cuối cùng chúng ta sẽ có thêm nhiều kẻ vô lại và cơ hội nắm giữ chức vụ. Chúng ta sẽ trở thành một xã hội không có niềm tin và do đó không có nền kinh tế vận hành tốt.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ ba năm sau khi Trump rời khỏi Nhà Trắng, công chúng đã vui vẻ quên đi sự hỗn loạn, thiếu khả năng và những cuộc tấn công vào tinh thần thượng tôn pháp luật trong chính quyền của ông. Nhưng người ta chỉ cần nhìn vào lập trường cụ thể của các ứng cử viên về các vấn đề để nhận ra rằng nếu chúng ta muốn sống trong một xã hội coi trọng mọi người dân và cố gắng tạo ra những cách để họ có một cuộc sống trọn vẹn và thỏa mãn thì sự lựa chọn đã rõ ràng.
***
Tác giả Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế học, Giáo sư Đại học Columbia, Cựu Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (1997-2000), tác giả của cuốn sách The Road to Freedom: Economics and the Good Society (do NXB W. W. Norton & Company, Allen Lane ấn hành năm 2024).
*Tựa đề bản dịch là của người dịch
Tựa gốc: Global Elections in the Shadow of Neoliberalism