Seite auswählen

Sau những ngày tháng tôi mãn hạn tù, tôi về nhà đã được gần gũi và tiếp xúc với những người mẹ, người vợ của những anh chị em tù chính trị trong đó có vợ tôi. Thấy được những nỗi vất vả cơ cực, sự lo lắng và tuyệt vọng của người vợ, người mẹ của những người chồng, người con bị đi tù chính trị. Tôi nghe vợ tôi kể, những người vợ, người mẹ của những anh em tù chính trị khác điều có đặc điểm chung khi chồng, con họ bị bắt. Tinh thần suy sụp và nỗi sợ hãi lo lắng bao trùm lên họ như cả bầu trời sập xuống, lúc bấy giờ họ chẳng còn biết gì ngoài nỗi lo sợ, hoảng loạn. Tâm trí rối bời không biết phải làm gì, những ngày tháng tới sẽ như thế nào. Mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc chẳng thiết ăn uống. Một cú sốc quá lớn đối với những người vợ, người mẹ.

 

   Khi một người trụ cột gia đình về kinh tế và bao nhiêu việc khác, nay bị bắt họ không tuyệt vọng sao được . Mẹ, vợ của tù chính trị phải đối diện, đối mặt với biết bao khó khăn về kinh tế, cơm áo gạo tiền, nuôi dạy con trẻ ăn học, nuôi chồng, con ở trong tù. Những việc chính về kinh tế trước đây họ chưa làm bỗng nhiên đổ lên vai yếu ớt của họ. (Anh Chị ra tù cũng không kiếm được việc làm để phụ giúp Vợ hay Chồng, vì nhà cầm quyền ngăn chặn tất cả các công ty hay hảng xưởng không được mướn các tù nhân chính trị, công an trị bao tử)

 

  Đang suy sụp tinh thần mà còn bị phía nhà cầm quyền mời lên mời xuống để điều tra.   Nỗi lo sợ khi bị mời lên để làm việc với những tên an ninh được học bài bản về chuyên môn nghiệp vụ. Những người phụ nữ chưa từng va chạm gì với điều tra, họ hoàn toàn không biết gì, làm sao mà không lo sợ được cơ chứ. Nỗi sợ này nối tiếp nỗi sợ khác. Một thời gian rất dài những người mẹ, người vợ này không ăn, không ngủ được và khóc suốt ngày đêm.

 

 Thế là có những người vợ của những cựu tù chính trị, họ hiểu được tâm lý mà chính họ đã trải qua trước đó, những người phụ nữ ấy đã kết nối với những gia đình có chồng, con vừa bị bắt để động viên tinh thần và chia sẻ kinh nghiệm thăm nuôi cho nhau từng chút.     Kể từ đó các chị em coi nhau như người thân ruột thịt. Những chị em vợ của tù chính trị gặp nhau trong nghịch cảnh cuộc đời, từ đó các chị em vợ của tù chính trị chia sẻ cho nhau những buồn vui trong cuộc sống.

 Dẫu rằng có đôi lúc hiểu lầm nhau vì một cái gì đó hoặc nói chuyện chưa hiểu nhau các chị em vẫn có giận hờn nhau và rồi cũng cảm thông bỏ qua cho nhau. Đó là một Đức tính thương yêu, chỉ có tình yêu thương mới cảm thông cho nhau bởi vì ai cũng khổ, khổ về vật chất lẫn tinh thần.

 

  Khi tôi về tôi thấy những người mẹ, người vợ của tù chính trị họ phải đi làm tất cả các việc để kiếm sống từng ngày, để lo cho con ăn học và nuôi chồng, con trong tù. Mặc dù cuộc sống vất vả bao bộn bề lo toan, trong thời buổi kinh tế khó khăn kiếm được việc làm đâu phải dễ dàng. Kinh tế khó khăn như thế này, hai vợ chồng làm để nuôi con ăn học còn khó huống hồ chi một mình người phụ nữ. Dù khó khăn vất vả các chị em vẫn cố gắng để con không phải thất học, để con có chỗ dựa tinh thần, các chị vẫn tỏ ra mạnh mẽ để an tâm cho con.

 

  Khi tôi về và được tiếp xúc với các chị em vợ của tù chính trị trong đó có người vợ của cựu tù chính trị, đó là chị Dương Thị Tân, chị rất nhiều bệnh tật mà bệnh làm cho chị đau đớn, đi lại khó khăn nhất là bệnh xương khớp. Các khớp xương tay chân của chị bị vôi hóa và biến dạng làm cho chị đi lại rất khó khăn, càng đau nhức những khi trái gió trở trời ấy, vậy mà lúc nào chị cũng sẵn lòng giúp đỡ cho người khác.!

 

Chị Nguyễn Thị Huệ một người mẹ của em Huỳnh Đức Thanh Bình, em cũng giam chung trại với tôi. Em Bình là một thanh niên tốt, tôi cũng may mắn khi được giam chung trại giam Xuân Lộc với em, nhờ đó mà tôi biết chị Nguyễn Thị Huệ. Tôi gặp chị và nghe chị kể về chị và khi em Bình bị bắt, lúc em bị bắt chị đang tu ở trong chùa, chị đã vào chùa cạo đầu tu được hai năm thì nghe tin em Bình bị bắt. Chị phải hoàn tục để lo cho em Bình, chị kể, chị khóc rất nhiều, chị suy sụp hoàn toàn. Trông chị già đi và tiều tụy rất nhiều, Chị chỉ nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi để lo cho em Bình, chị không có công việc làm chỉ biết tiết kiệm không dám mua sắm gì cho mình, chị sợ không đủ tiền để thăm nuôi em Bình. Chị nói rằng; không biết chị cầm cự được bao lâu vì em Bình còn nhiều năm nữa. Cách đây không lâu tôi thấy fb chị không hoạt động mấy ngày, tôi nhắn tin cho chị để xem chị có chuyện gì không, mấy ngày sau chị mới trả lời. Cương ơi, chị xin lỗi em, chị không trả lời em do mấy ngày nay điện thoại chị bị hư, chị đem sửa mà không sửa được do nó cũ lắm rồi mà chị tiếc ghê.

  Tôi mới nói điện thoại chị cũ rồi không sử dụng được nữa thì chị bỏ đi, mua cái mới. Chị nói; chưa muốn mua cái mới, muốn tích kiệm tiền vì chị sợ không đủ tiền để thăm nuôi Bình. Lúc bấy giờ tôi thấy nghẹn lòng không biết nói gì, lúc đó chị lại tiếp tục nói, thôi thì đường nào cũng phải mua chứ cái đó chị mua lâu lắm rồi, các chức năng cũng yếu. Tôi động viên chị, thôi thì cũng cố gắng nha chị !

 

 Còn hai cô, Cô Mười Họ Lê, cô An Dương Nguyễn Phú cũng vất vả chẳng khác gì mấy, tôi biết cuộc sống hai cô cũng rất khó khăn, nhưng cũng chỉ động viên giúp nhau về mặt tinh thần, chứ chẳng giúp được nhau về vật chất. 

 

Cô Châu “ Fb An Dương Nguyễn Phú“ vợ kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, anh Ánh cũng ở cùng trại giam Xuân Lộc với tôi, nên nhiều lần vợ tôi cùng cô Châu hẹn nhau cùng đến trại giam thăm chồng. Từ ngày chồng bị bắt cô Châu cũng phải vật lộn với cuộc sống bên ngoài, làm đủ các việc khác nhau, để kiếm tiền thăm nuôi chồng, lo cho con đi học. 

 

 Cô Mười Họ Lê thì tôi biết khi anh Lưu Văn Vịnh chưa bị đi tù, cũng đường đường vợ của một chủ doanh nghiệp nay phải chạy ăn từng bữa. Cô làm cho một xưởng may nhỏ, chỉ làm theo giờ, thời gian còn lại ai kêu gì thì cô làm nấy để có tiền lo cho chồng đang ở trong tù, con ăn học. Cô Mười cũng lắm bệnh, cô bị tim và xương khớp thế mà khi có người vợ tù chính trị nào mới chuyển trại hỏi nhờ cô điều giúp đỡ. Khi tôi mới chuyển lên trại giam Xuân Lộc, vợ tôi lần đầu lên thăm, nhờ có cô Mười dẫn đi chứ lần đầu mò mẫm thăm nuôi cũng khó. Lúc ra gặp vợ, tôi hỏi em đi với ai thì vợ tôi nói, lần đầu đi thăm trại chỉ cho một người gặp thôi, em được cô Mười dẫn đi chứ sao em biết được. Vợ tôi hỏi anh có biết cô Mười không? tôi trả lời không, vợ nói cô Thập vợ của anh Vịnh đó, cô Thập thì anh biết lúc ở ngoài anh có kết bạn với cô, em ra nói anh gửi lời thăm và cảm ơn cô nhé.

Rồi cái ngày mà tôi tạm tự do, tôi thấy các mẹ và vợ của anh em tù chính trị thân thương nhau và đùm bọc lẫn nhau làm tôi không khỏi xúc động, kính trọng và quý mến họ. Bởi các mẹ, vợ của tù chính trị chị rất nhiều gian khổ và lo sợ.

– [ ] Có những anh em bị tù mười mấy năm, những người vợ chờ chồng từ lúc còn thanh Xuân cho đến ngày chồng về đầu đã bạc tóc. Sự mất mát về hạnh phúc vợ chồng và gia đình. Bao lo toan gánh nặng về kinh tế đổ lên vai người vợ, người mẹ, họ còn gánh vác gia đình nội ngoại hai bên, thế mà họ đôi khi còn bị mang tiếng xấu và sự kỳ thị của những người thiếu hiểu biết nữa !

 

Có những người vợ từ Bắc xa xôi vào Nam thăm nuôi chồng, có những người vợ từ Nam lặn lội ra Bắc thăm nuôi chồng.

 

Thật xót xa cho những người vợ, người mẹ của những người tù chính trị, cùng trong hoàn cảnh tù đày, tôi luôn tôn trọng, thương mến họ !!!

Tôi, Hồ Đình Cương gửi lời cảm ơn đến tất cả những người mẹ, người vợ của tù chính trị, trong đó có vợ tôi – Đỗ Thị Bé 

 

Nguyện cho tất cả những người tôi yêu mến, được mạnh khỏe hạnh phúc và bình an !!!…

 

Hồ Đình Cương