„Nhân ngày 19 tháng 6, tôi xin ghi nhận sơ khởi một vài nét về sắc lính Địa Phương Quân mà tôi đã trực tiếp dự phần, như một cách bù đắp cho họ trong muôn một. Mong rằng bài viết này sẽ là một gợi ý nhỏ bé để có thêm nhiều người khác cùng viết, giúp điểm xuyết cho bức tranh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được đầy đủ hơn.“
Nguyễn Hữu Nghĩa
Ngày QL/19/6/2024
Trước nay tôi rất ít khi viết về đời lính. Thứ nhất, vì không tránh được cái tôi (đáng ghét). Thứ hai, vì tôi chỉ là lính con so (10 tháng quân trường, 8 tháng chiến trường), là cấp chỉ huy thấp nhất (chuẩn úy) ở binh chủng “mạt” nhất (Địa Phương Quân), công trận chưa có gì để hãnh diện. Tôi vẫn nghĩ rằng, muốn viết về lính, tác giả nên là một quân nhân có binh nghiệp lớn (cao cấp, thâm niên), xuất thân từ những Binh chủng oai hùng (Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân), vào sinh ra tử (Biệt Kích), bay bướm (Không Quân) hay pha chút lãng mạn (Hải Quân). Tác phẩm nên đề cập những mặt trận lớn (Hạ Lào, Bình long, Xuân lộc, Dakto), những địa điểm danh tiếng (Khe Sanh, Charlie).
Trong gần hai mươi năm ở hải ngoại, tôi đọc nhiều sách viết về người lính Việt Nam [Cộng Hòa], biết thêm những chiến tích hào hùng, sự làm việc cần mẫn tận tụy và sự hy sinh anh dũng của nhiều chiến hữu lớp trước, với lòng ngưỡng phục và biết ơn tác giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì nhỏ bé nhưng gần gũi và thân thuộc. Gần đây, đọc bài của Nguyễn Văn Thông trên Làng Văn số 166, tôi nhìn ra sự thiếu vắng ấy. Đó là chưa có, hay hiếm có, sách vở viết về đời sống nhọc nhằn và sự hy sinh âm thầm của người lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân (mà họ chua chát gọi tắt là Nghĩa Địa).
Riêng tôi, trong mấy tháng ngắn ngủi ngoài chiến địa, tôi có đầy ắp kỷ niệm với họ, đã chứng kiến họ sống và chiến đấu, đã nhìn thấy họ dũng cảm hy sinh như những anh hùng. Nhân ngày 19 tháng 6, tôi xin ghi nhận sơ khởi một vài nét về sắc lính Địa Phương Quân mà tôi đã trực tiếp dự phần, như một cách bù đắp cho họ trong muôn một. Mong rằng bài viết này sẽ là một gợi ý nhỏ bé để có thêm nhiều người khác cùng viết, giúp điểm xuyết cho bức tranh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được đầy đủ hơn.
Như trên đã nói, kiến thức quân sự của tôi chỉ là những gì thu thập được ở quân trường, và qua thực tế hạn hẹp của một đơn vị nhỏ ở một tỉnh. Tôi ước mong đón nhận những ý kiến xây dựng, những chỉ bảo cần thiết để bổ túc, sửa chữa đoạn bài viết về sắc lính này…
Lần đầu tiên ra nhận đơn vị, đứng trước hàng quân, tôi hơi ngỡ ngàng. Trước mặt tôi là Trung Đội 1, Đại Đội 1, Tiểu Đoàn Bạch Hổ 401, chủ lực Địa Phương Quân thuộc Tiểu khu Kiến hòa, tập hợp ở một góc sân cờ ở trại gia binh, hậu cứ Tiểu đoàn. Trừ những người nghỉ bệnh, bị thương, đi phép, trễ phép, nằm quân lao, còn lại tất cả 16 người lính tuổi từ mười tám tới ngoài năm mươi và hai hạ sĩ quan. Ai nấy mắt hơi lạc thần vì mệt mỏi, thân thể hầu hết gầy gò, quần áo rách rưới, tóc tai bờm xờm, có người râu dài lưa thưa, có người mặt mày dớn dác như sợ hãi, có người lầm lì dữ tợn.
Tôi đứng trước họ, có cảm tưởng đứng trước những “anh hùng” Lương Sơn Bạc, vừa hơi e dè, vừa hơi ngại ngùng và vừa hơi thất vọng. Họ cũng hơi thất vọng và phân vân. Sự phân vân trước một cấp chỉ huy trực tiếp mới ra trường, không một chút kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy và tác chiến. May mà năm đó tôi đã 22 tuổi tây, “già” hơn vài tuổi so với phần lớn các chuẩn úy mới ra trường. Trừ đầu tóc hớt ngắn và bộ quân phục còn khá mới với dấu alpha ở bâu và dấu hiệu “Cư An Tư Nguy” của Trường Bộ Binh Thủ Đức bên vai. Mặt mày tôi cũng có vẻ phong sương chút chút nhờ nắng gió quân trường.
Một cách vắn tắt, tôi giới thiệu vài điều về tôi: gốc thầy giáo, tình nguyện nhập ngũ, tuổi tác, vợ con. Tôi yêu cầu họ lần lượt xưng tên, và tôi bắt tay từng ngườị. Tay họ phần lớn chai sạn và khô như củi. Có người nắm chặt tay tôi như sắp sửa đấu vật, có người đưa tay cho tôi nắm. Mắt họ nhìn vào khoảng không hay nhìn xuống đất. Có người cười cười, nụ cười lợt lạt, có người mím chặt môi như bị tra tấn.
Tôi nói với họ vài điều sơ sài về tình hình đất nước, Hiệp Định Đình Chiến Paris đã ký, về ngưng bắn tại chỗ, ngưng bắn da beo, về việc Cộng sản Bắc Việt (CSBV) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) vi phạm lệnh ngưng bắn hàng ngày, luôn luôn giành dân lấn đất để mong chiếm ưu thế nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị…
Gió chiều hiu hắt thổi, tôi thấy những chiến hữu của tôi lim dim chống lại cơn buồn ngủ. Tôi biết họ không quan tâm những điều tôi nói. Là quân nhân, họ chờ lệnh, tuân lệnh và thi hành lệnh. Đối tượng của họ là Việt cộng (VC). Đời họ là sự tiếp nối của những cuộc hành quân càn quét, truy kích, đột kích, giải vây, tiếp tế đồn bót, giữ cầu, giữ đường. Họ không cần biết những chuyện cao xa hơn lệnh lạt trực tiếp: tập hợp, tan hàng, cấm trại hay xả trại, nếu xả trại thì được đi bao lâu, một ngày hai ngày, nếu cấm trại thì có thể chui rào trốn ra trong mấy giờ?
Tôi không phải là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, tôi là sĩ quan tác chiến, tôi không nên bắt họ nghe chuyện chính trị, mà nên cho họ tan hàng, nghỉ ngơi hay vui chơi trong khi chờ lệnh hành quân. Tôi hiểu. Tôi vắn tắt hơn, yêu cầu họ thực lòng hợp tác với tôi trong những ngày sắp tới, hãy coi tôi như anh em, giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nhắc họ giữ đúng quân kỷ, thi hành lệnh một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh. Tôi tiết lộ cho họ biết tôi từng là Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Kỷ Luật Đại Đội ở quân trường, tôi từng… hét ra lửa và họ có thể kiểm chứng điều này với mấy ông chuẩn úy học cùng đại đội với tôi ở quân trường và nay cùng về đơn vị với tôi. Vài phút sau khi tan hàng, một ông lính tới bá vai tôi, cười cười:
Tôi thấy ông hiền quá, đúng là thầy giáo, chắc ông không chỉ huy được đâu!
Đó là những giây phút đầu của tôi ở một đơn vị Địa Phương Quân.
Sự thất vọng của tôi qua mau khi tôi sống với họ qua một vài ngày ngoài chiến trường. Sự già dặn của họ về kinh nghiệm chiến đấu, sự gan dạ của họ khi đối diện với địch quân và nhất là sự chịu đựng của họ trước nghịch cảnh khiến tôi cảm thấy nhỏ bé và non dại trước họ hơn bao giờ hết. Mặc cảm này cũng phôi pha nhanh trong tôi, một phần nhờ sự độ lượng và tinh thần đồng đội của họ.
Họ sung sướng chỉ cho tôi cách chạy qua một cái cầu khỉ cong queo, không tay vịn, gập ghềnh có khi dài mười mấy thước và ghê gớm hơn hết là nhớp nháp bùn sình, trơn như thoa mỡ. Họ nhắc cho tôi khi nào phải bắt đầu nấu nước sôi ngâm bọc gạo sấy để nó kịp nở trước khi ăn.
Thấy tôi lóng cóng nhóm lửa theo kiểu hướng đạo sinh, họ mỉm cười sẻ cho tôi một ít nước sôi. Thấy tôi ăn cơm với muối vừng, họ mời tôi những thức tươi nóng mà họ tìm được đâu đó trong lúc di chuyển. Họ chỉ cho tôi những dấu vết tình nghi của mìn bẫy, trái nổ Việt cộng (VC) cài khắp nơi trong vườn tược, chỗ lên mương xuống mương, bếp núc, cầu đường. Tôi đã học kỹ điều này trong quân trường, nhưng thực tế ngoài chiến trường còn phong phú và phức tạp gấp trăm lần.
Họ bày cho tôi cách căng võng sao cho khỏi sương mưa, tránh bớt đường đạn bắn sẻ, tránh tầm lựu đạn. Họ dạy cho tôi khi ngủ súng ống, dây mang đạn để đâu; khi ngủ lúc nào thì phải bỏ võng nhảy xuống hố cá nhân sũng nước, khi nào thì cứ tỉnh bơ dù nghe tiếng “đề pa” của súng cối Việt cộng. Họ bày cho tôi cách giữ súng cho khỏi hóc, khỏi ướt khi qua sông, qua suối. Họ truyền kinh nghiệm tháo súng chùi súng cấp thời ngoài chiến trường, để khi cần, có thể ráp lại được trong vòng 15 giây.
Họ hướng dẫn cho tôi cả cách… đi đại tiện sao cho an toàn, tránh gây hôi thối chỗ đóng quân mà không phải đi xa ra ngoài vọng gác, vừa nguy hiểm vừa làm lộ vị trí đóng quân. Họ biết đủ thứ, hơn tôi đủ thứ và sung sướng dạy bảo tôi về mọi thứ! Tôi chỉ hơn họ có mỗi cái bằng trung đội trưởng, cái bản đồ kèm phóng đồ hành quân và cái máy truyền tin để nhận lệnh từ thượng cấp.
Họ thường ngập ngừng hỏi tôi với sự nể nang:
– Còn bao xa nữa Chuẩn úy?
– Liệu tối nay mình ngủ đâu Chuẩn úy?
– Chừng bao lâu thì mình bắt tay được cánh quân bạn?
– Liệu đụng lớn không?
Tất nhiên đó là những câu hỏi thuộc bí mật quân sự, tôi chỉ có thể trả lời lơ mơ rằng: “gần tới rồi, còn xa, chưa biết, có thể lắm!, v.v.” Các chiến hữu của tôi chỉ chấp nhận tôi hoàn toàn sau hai tháng hành quân, khi thấy tôi định điểm đứng chính xác, điều chỉnh tác xạ cho pháo binh một cách hữu hiệu, không sợ sệt khi nghe Việt cộng hô xung phong cả ba mặt, và còn cười đùa được khi dàn hàng ngang trên tuyến xung phong. Họ chấp nhận vị trí đóng quân do tôi định, đào hầm hố đúng chỗ tôi bảo và khi trung đội đi tiền đồn, cách xa đơn vị lớn có khi hàng cây số, họ tỏ ra yên tâm.
Tôi đã thực sự vào đời lính, hãnh diện trở thành một Địa Phương Quân khi các chiến hữu của tôi không còn gọi tôi là “chim uyên” (ngụy thoại của chuẩn úy), mà đổi thành “thẩm quyền”, một danh từ riêng có tính cách nể nang hơn…
Địa Phương Quân, Lực Lượng Chủ Lực Tỉnh.
Tôi không ở một đơn vị tham mưu nên không biết gì về cách tổ chức Địa Phương Quân trên toàn quốc. Theo cách sắp xếp tiểu khu Kiến Hòa, nơi tôi phục vụ, mà suy đoán, thì mỗi tiểu khu có một số tiểu đoàn Địa Phương Quân (một số lưu động, một số đóng đồn). Ngoài ra có một Đại đội Trinh sát, tất cả do phòng 3 (Hành quân) của Tiểu Khu điều động. Đơn vị của tôi là Tiểu Đoàn Bạch Hổ 401, lực lượng chủ lực trong số 11 Tiểu đoàn Địa Phương Quân thuộc tỉnh Kiến hòa, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Kim, Tiểu Khu Trưởng, gốc Sư Đoàn 7.
Tất cả những gì tôi viết trong bài này, căn cứ vào cơ cấu tổ chức của đơn vị nơi tùng sự từ ngày ra trường đến ngày Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Vì Địa Phương Quân trực thuộc các tiểu khu (tỉnh), nên tùy tình hình, phương tiện và nhân sự địa phương, cách tổ chức có thể được các tiểu khu linh động thay đổi nên khác nhau ít nhiều. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên tôi làm việc với là Trung tá Sáng (sau khi tôi về đơn vị được vài tuần thì ông tử trận, được vinh thăng đại tá). Các tiểu đoàn trưởng kế tiếp cao nhất ở cấp thiếu tá, còn là đại úỵ. Chỉ trong tám tháng, đơn vị tôi thay tiểu đoàn trưởng tới bốn lần, một chết, một bị thương.
Mỗi tiểu đoàn có năm đại đội gồm bốn đại đội tác chiến và một đại đội chỉ huy. Mỗi đại đội có bốn trung đội, gồm một trung đội đại liên và ba trung đội vũ khí nhẹ. Quân số mỗi đại đội, trên cấp số là 108 người, nhưng trên thực tế có mặt ngoài chiến trường chỉ vào khoảng 50 ngườị. Số còn lại lớp nghỉ bệnh, lớp đi phép, lớp bị thương, lớp tử trận chưa kịp bổ sung (tôi không thấy có dấu hiệu lính ma, lính kiểng ở đơn vị tôi). Quân số hành quân của tiểu đoàn tôi trung bình khoảng 300, lúc thấp nhất dưới 200; nhưng so với một tiểu đoàn Việt cộng thì đông gấp đôi.
Tôi không biết các tiểu đoàn Việt cộng ở vùng I, vùng II đông cỡ nào, khi họ tới Vĩnh Bình, Kiến Hòa, thực lực của họ chỉ còn bấy nhiêu, vì rất khó bổ sung quân số hao hụt. Cho nên khi muốn bao vây tấn công tiểu đoàn tôi, như trận phục kích xe ở Trúc Giang, Trung tá Sáng tử trận, Việt cộng phải tập trung ít nhất hai trung đoàn.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, ngoài tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó còn có các sĩ quan Ban 1 (Quân Số), Ban 2 (An Ninh), Ban 3 (Hành Quân), Ban 4 (Tiếp Liệu), Ban 5 (Chiến Tranh Chính Trị), Pháo Binh và Quân Y. Trừ Ban 1, Ban 4 và Ban 5, các Ban khác đều đi theo đơn vị khi hành quân. Đó là cách tổ chức của đơn vị tôi, các tiểu đoàn khác có thể không được hùng hậu như vậy.
Tôi không thấy đơn vị tôi có ban Truyền Tin riêng, nhưng máy PRC–25 được trang bị đầy đủ, do chính các binh sĩ trong tiểu đoàn đảm trách. Tiểu đoàn trưởng có hai hiệu thính viên đi theo, một máy liên lạc với Tiểu Khu, Chi Khu và đơn vị bạn. Một máy liên lạc 5 đại đội và tiểu đoàn phó (đi theo đại đội trực nhật). Mỗi đại đội trưởng cũng có hai hiệu thính viên, một liên lạc với tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó cùng các đại đội bạn, và một liên lạc với các trung độị. Mỗi trung đội trưởng chỉ có một hiệu thính viên để liên lạc với đại đội. Đại đội phó không có máy riêng, mà dùng máy của trung đội trực nhật.
Trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn có sĩ quan Trợ Y, thuộc cấp số đơn vị, có đơn vị gia cư trong hậu cứ. Mỗi đại đội có một hạ sĩ quan làm y tá đại đội. Sĩ quan Pháo Binh không thuộc cấp số đơn vị, chỉ khi nào tiểu đoàn đi hành quân, sĩ quan Pháo Binh mới có mặt. Hành quân xong, ông ta trở về căn cứ Pháo Binh. Sĩ quan Pháo Binh có hiệu thính viên riêng để liên lạc trực tiếp với Pháo Binh yểm trợ. Trong trường hợp cần Không yểm, tiểu đoàn phải liên lạc qua tiểu khu, và tiểu khu liên lạc với căn cứ Không Quân Cần Thơ.
Mỗi tiểu khu có một số tiểu đoàn lưu động, một số có hậu cứ, số còn lại sau những ngày hành quân, kéo ra đóng dài theo các trục lộ, vừa dưỡng quân vừa giữ an ninh khu vực. Các tiểu đoàn cố định khác chịu trách nhiệm hẳn một vùng, coi đồn, giữ cầu đường hay đóng chốt trên các trục chuyển quân của Việt cộng. Tôi sẽ đề cập nhiệm vụ đóng chốt ở phần sau, phần này trình bày về các đơn vị lưu động.
Gọi là “lưu động” vì các tiểu đoàn này không chịu trách nhiệm một quận hạt nào, mà cần đâu đánh đó, bao tất cả các quận trong tỉnh, kể cả Trúc Giang, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Hàm Long, Thạnh Phú, Hương Mỹ… Mỗi cuộc hành quân của đơn vị ngắn là ba ngày, lâu nhất có khi hàng sáu tuần. Giữa hai cuộc hành quân, đơn vị được về hậu cứ nghỉ ngơi vài ngày. Ở hậu cứ có trại gia binh, quân nhân có vợ con mỗi người được một đơn vị gia cư tường gạch, nền đất, lợp tôn. Quân nhân độc thân sống chung với nhau trong một khu. Trong hậu cứ có quán bi da, quán nhậu, tiệm tạp hóa.
Đơn vị nào có trại gia binh, binh lính được dưỡng quân ở hậu cứ, “vù” về thăm nhà nửa buổi, một ngày; hay chơi với vợ con trong trại, tụ họp nhậu nhẹt, tán dóc, chơi bi da giải trí, tu bổ, sửa chữa vũ khí trong khi chờ lệnh hành quân. Thương cho những tiểu đoàn lưu động không hậu cứ. Sau mỗi cuộc hành quân, họ đóng vất vưởng dọc theo các trục lộ giao thông, vừa dưỡng quân vừa giữ đường sá.
Mỗi lần lính kéo ra là một đạo binh thân nhân từ đâu phục sẵn, kéo tới đông nghịt, phần lớn là các bà vợ trẻ đèo theo con mọn. Họ đi bằng xe đò, xe lam, xe lôi và nhất là xe “ôm”. Họ mang theo gạo sấy, cá khô và muối ớt, muối sả cho chồng. Đôi khi họ nhận lại và mang về một ít gạo trắng, thuốc men và cả thức ăn tươi, nếu đơn vị của chồng họ vừa hành quân qua vùng hậu cần của Việt cộng.
Vào những ngày đầu tháng, đạo binh vợ lính càng xuất hiện đông đảo cùng lúc với xe tiếp tế và phát lương. Không biết các bà nhận “tin tình báo” từ đâu mà nhiều khi tiểu đoàn vừa kéo ra đường, đã thấy các bà chực sẵn hàng nửa ngày! Các bà phải tới để bảo vệ đồng lương lính còm cõi, mang về nuôi con. Nếu không, chỉ trong vài buổi, các ông có thể nướng sạch. Chỉ cần với một bộ bài cũ rách sờn nát, họp sòng vội vã và lén lút ở một góc sân kín đáo nào đó, tránh sự giám thị của sĩ quan, thế là tiêu tán hết. Dù bám sát như vậy, không một buổi phát lương nào vắng nước mắt của các bà. Hoặc họ tới trễ một chút, hết sạch. Hoặc họ đến sớm, đến trước cả xe phát lương, kết quả vẫn không có gì, khi các anh chồng mặt nghệt ra, gãi đầu gãi tai phân bua: phải trả những đầu nợ ấp lẫm do tiền rượu, nợ cờ bạc…
Thăm nuôi chồng tại các vị trí đóng quân cũng là cách bảo vệ mái ấm gia đình. Nhiều ông lính rất tài về chuyện kiếm bồ lẻ. Đóng yên chỗ chừng nửa ngày là họ đã bắt bồ xong. Và sau vài ba ngày nhổ trại lên đường, đã có người giọt vắn giọt dài quyến luyến tiễn đưa. Các bà vợ trẻ vì thế càng phải tới chỗ dừng quân để vừa giữ chồng, vừa nhóm chút hương lửa trong đời sống vợ chồng.
Cấp chỉ huy bao giờ cũng để cho các ông lính có vợ con tới thăm sự thoải mái tối đa: một góc nhà, góc vườn kín đáo; được gác đầu hay gác cuối, có khi miễn gác; không bị rầy rà khi phạm những lỗi nhỏ, v.v. Nhìn các cậu có vợ tới thăm nuôi trông rất buồn cười. Mặt họ ửng đỏ, miệng cười chúm chím, đi đứng ăn nói lóng cóng như chú rể mới. Cấp chỉ huy mỗi khi chạm mặt họ, mỉm cười chia sẻ những nụ cười hiếm hoi trong đời lính và họ rất sung sướng.
Trong đạo binh vợ lính ở đơn vị tôi, có hai bà rất lạ kỳ. Một bà còn trẻ, hễ chui vào mùng với chồng chừng vài phút là rú lên cười ngằn ngặt không nín nổi. Trong không khí thanh vắng ở đồng quê, tiếng cười của bà ta vọng đi rất xa, khiến cả đại đội phải khúc khích cười theo không tài nào nhịn được.
Khi bà vợ trẻ biểu diễn tiếng cười lần thứ hai lúc nửa đêm, người lính gác phải lên tiếng tằng hắng nhiều lần, anh chồng mới thò tay bịt miệng vợ, tiếng cười trở thành tiếng âm ư, bứt rứt. Gần sáng, lại nghe cười! Sáng hôm sau anh chồng thế nào cũng bị trêu chọc cho tới khi anh ta đổ cộc mới thôi, và bà vợ mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng, ngồi chết một góc sân không dám nhìn ai. May mà cả đơn vị chỉ có một bà như vậy và cũng không hại gì, chỉ lưu lại kỷ niệm vui vui mỗi khi nhớ tới.
Một bà vợ lính khác lớn tuổi hơn, khi ngủ say thì ngáy khủng khiếp. Tiếng ngáy của bà vừa to, vừa dài hơi, vừa giống hệt như tiếng chó tru. Ở vùng đóng quân, tiếng ngáy của bà khiến chó trong xóm sợ hãi tru theo và dân làng một phen bở vía. Ở trại gia binh, tiếng bà ngáy vọng ra xa hàng chục dãy nhà và hàng xóm phải lâu lắm mới làm quen nổi và chịu đựng. Đêm đầu tiên ngủ trong trại gia binh, nghe bà ta ngáy, tôi tưởng là tiếng chó dại tru, suốt đêm trằn trọc không cách nào ngủ được, khó chịu quá phải bò dậy xách súng đi lùng. Một người lính tuần phòng nội doanh trông thấy dáng điệu của tôi, anh ta hiểu ngay, gọi tôi lại chỉ trỏ giải thích. Tôi ôm súng trở lại chỗ ngủ, và lạ lùng thay, vài phút sau tôi đã ngủ ngon lành! Cho tới bây giờ, chúng tôi, những người từng sống trong hậu cứ Tiểu Đoàn Bạch Hổ 401, kể cả Nguyên Hương, chưa ai quên tiếng ngáy độc nhất vô nhị của người đàn bà đó.
Dưỡng quân ở hậu cứ bao giờ cũng yên ổn hơn, dù doanh trại lúc nào cũng ồn ào như họp chợ từ khi đơn vị hành quân về tới cho đến khi chiếc quân xa cuối cùng rời trại, mang họ vào một chuyến đi khác. Sống trong trại chỉ khổ nhất khi đơn vị có người chết trận, và thân nhân người chết sống trong trại. May mà những tiếng than khóc, vật vã ấy không kéo dài lâu. Thân nhân người quá cố được xe đón ra Chung sự vụ ở tiểu khu, nơi quàn xác và hoàn tất việc chôn cất các chiến sĩ trận vong.
Tuy nhiên, những phút giây ngắn ngủi ấy đã để lại trong tôi những cảm xúc khó quên, như cái chết của anh Lâm, Trung sĩ I.
Lâm gốc Biệt Kích Thám Báo, sau về Tổng Tham Mưu, cuối cùng không hiểu sao lại về Địa Phương Quân, làm trung đội phó cho tôi. Anh Lâm nhỏ người, nhỏ tiếng, ít cười, lúc nào cũng buồn buồn. Lâm có vợ, vợ chồng anh có một con nhỏ và đang chờ đứa thứ hai, đang bầu bảy tám tháng gì đó. Anh đánh giặc rất giỏi, nhiều kinh nghiệm hành quân và bố trí phòng thủ.
Mỗi chiều dừng quân, tôi bàn bạc với anh về cách sắp xếp hầm hố nếu ý anh khác tôi, anh giải thích cặn kẽ, thấy hợp lý, bao giờ tôi cũng nghe anh. Hố của anh bao giờ cũng ở vào chỗ nguy hiểm nhất và gần một vọng gác. Ban đêm anh tự đảm nhiệm phần đốc canh, bảo vì mắc tật khó ngủ. Lâm chỉ lay tôi dậy khi cảm thấy có chuyện gì bất tường, còn thì cứ để tôi ngủ thẳng giấc, anh làm việc với các tiểu đội trưởng, thay phiên nhau kiểm soát lính gác. Khi trung đội tới phiên trực, dẫn đầu một cánh quân tiến về phía địch, anh Lâm bao giờ cũng đi trước. Anh dẫn lính đi rất đúng hướng và nhanh vừa phải, phía sau không bị đứt quãng hay dồn ứ lại.
Mỗi khi chạm địch, tôi vừa lên tới nơi, anh đã bố trí xong đội hình tác chiến. Anh Lâm dũng cảm nhất ở những trận chống đột kích ban đêm. Cách bố trí của Lâm và lệnh “hầm chắc hố sâu” của tôi khiến trung đội đủ sức chịu đựng những cuộc quần thảo với Việt cộng hầu như suốt đêm. Lâm giữ chặt liên lạc với các hố. Giữa hai đợt xung phong của địch, anh bò nhanh một vòng để kiểm soát tình hình, san sẻ đạn dược và ủy lạo thương binh trong khi tôi bận báo cáo lên thượng cấp và trực tiếp liên lạc với sĩ quan pháo binh qua máy truyền tin. Anh Lâm là một chiến sĩ xuất sắc. Nếu được thưởng huy chương, tôi sẽ rất sung sướng đề cử anh thay đơn vị mà nhận…
Một lần, trước khi đơn vị hành quân, Lâm nói cho tôi biết là anh bị ho ra máu và muốn ở lại để vào Quân Y viện khám bệnh. Theo nội lệ của đơn vị, phép tắc do đại đội trưởng quyết định, tôi không dám tự chuyên. Cấp trên của tôi lúc đó là một ông trung úy rất thô lỗ và không thân với tôi. Lâm cho biết đã hỏi ông ta nhưng không được, anh quyết định trốn lại trại nhưng phải báo cho tôi biết để lo liệu cho anh em.
Tôi tin là anh đang đau ốm, và tôi cũng có thể khỏa lấp, che chở cho anh để đại đội trưởng không biết anh ở lại trại. Nhưng nhìn vào phóng đồ hành quân, biết đơn vị sẽ đi vào một vùng đất cực kỳ nguy hiểm, tôi phân vân ra mặt, do dự không biết xử trí ra sao. Anh Lâm kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng tôi cho anh biết tình hình, khuyên anh “cố gắng” và hứa sẽ cho anh theo xe tiếp tế để trở lại trại sau khi đơn vị hoàn thành công tác và kéo ra tới đường cái.
Anh Lâm chào tay, quay lưng đi và vài phút sau khi ra tới địa điểm tập hợp, tôi đã thấy anh đang có mặt với đầy đủ trang bị và đang kiểm soát đạn dược của từng binh sĩ. Chuyến hành quân đó, tôi đi cùng chiếc GMC cuối cùng.
Trông coi cho binh sĩ lên xe đầy đủ, tôi bấm Lâm:
Anh về nghỉ đi, chờ xe tiếp tế rồi theo vô, mọi chuyện để tôi lo!
Lâm cười nhanh:
Chuẩn úy đừng lo, tôi thấy đỡ rồi. Tôi sẽ theo xe tiếp tế mà về!
Hai ngày sau Lâm tử trận. Giữa cuộc hành quân, lúc đơn vị dừng quân ngồi nghỉ, anh trúng một tràng đạn bắn sẻ, hai viên chui vào cổ và buồng phổi. Lâm nằm ngửa, mắt mở hé chỉ thấy lòng trắng, miệng ngáp từng chập như cá lóc bị đập đầu. Tôi thương cảm vuốt mắt anh, mắt tôi ráo hoảnh nhưng lòng như ứa máu. Nửa phút sau, anh qua đời. Hai người lính khiêng xác Lâm, bảo nhau chưa có xác nào nhẹ đến thế! Hôm sau, anh đã “theo xe tiếp tế mà về,” đúng như lời đã bảo.
Đợt hành quân đó không thành công, địch kịp thời chuyển quân sang vùng khác, tiểu đoàn được lệnh về trại để bổ sung khí giới rồi lên đường hành quân ở một hướng khác. Xác anh Lâm về chung sự vụ và chúng tôi về hậu cứ. Tôi bắt gặp chị Lâm bụng cao vượt mặt, tay cầm nắm rau thơm, cười hớn hở:
Em mới xin được nắm rau tần dày lá! Canh chua mà thiếu rau tần, anh Lâm không thích!
Lòng tôi thắt lại, chết điếng. Ông thượng sĩ thường vụ đại đội chưa kịp báo tin cho chị. Trông thấy vẻ mặt bất thường của tôi, chị Lâm tái mặt, lấp bấp:
Anh Lâm… bị thương?
Tôi nhẹ giọng:
Anh Lâm chết rồi! Chị dắt cháu lên Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Tôi lo xe cho chị ra chung sự vụ.
Chị Lâm ngồi phệt xuống đất, không khóc, không nấc được tiếng nàọ. Tôi không nhìn thấy chị nữa. Trời đất như phủ một màn sương. Một người vợ lính nào đó nâng chị dậy, dìu đi. Tôi lững thững vào nhà, nhìn Nguyên Hương chua xót. Một ngày nào đó, biết đâu ông Thượng sĩ Thường vụ lại chẳng phải nói với Hương một câu tương tự: “Anh Nghĩa…”
*****
Lính nghèo, điều đó không cần phải nói nhiều, ai cũng biết; nhưng lính Địa Phương Quân chẳng những chỉ nghèo mà còn xơ xác. Quân phục cấp phát cho họ mỗi năm một bộ, và thường chỉ ba tháng sau đã tơi tả. Nhiều người lính, và ngay cả tôi, có khi phải mặc tạm quần ni lông đen tịch thu được của du kích Việt cộng. Loại vải này mặc hơi ngứa, nhưng được cái là rất mau khô, chỉ cần năm phút là ráo, dù vừa lội dưới sình lên. Vùng 4 phần lớn là sình lầy. Bước ra vài bước đã nhảy ngay xuống mương. Một ngày băng qua hàng mấy trăm cái mương ngang, lên mương xuống mương, sình và đất sét dẻo và dính như keo, quần áo nào chịu nổi!
Gạo sấy tiếp tế không đầy đủ, lính phải trích từ đồng lương còm cõi ra mua, nên họ ăn rất dè xẻn. Khi cuộc hành quân diễn ra trong vùng đất do Việt cộng hoàn toàn kiểm soát, binh sĩ được phép thu dụng tất cả những gì dùng được: quân trang, quân dụng, gạo, muối, thuốc men và ngay cả gà vịt. Cái gì không mang theo được phải phá hủy. Tôi thường xuyên chứng kiến hàng mẫu đu đủ, dưa hấu, bắp đang lớn rộ, bị cắt dây, đốn hạ ngổn ngang, nhiều căn nhà bị đốt rụi, các giếng nước bị lấp, những vại nước bị chọc thủng hay đập vỡ, hàng chục kho gạo bị khám phá, lính chia nhau mang không hết phải đổ xuống mương hủy đi. Chiến tranh bao giờ cũng thế, lấy sự tiêu hao sinh lực địch làm lẽ tồn tại của mình. Mỗi lần hành quân vào căn cứ hậu cần của Việt cộng, người lính có dịp “bồi dưỡng” sinh lực. Họ được ăn no hơn, bổ hơn nhờ có thêm thịt tươi. Lính gọi những cuộc hành quân đó là “đi chợ”. Tuy nhiên, họ cũng không mấy thích phải “đi chợ” kiểu này. Trừ phi nhảy trực thăng hay đổ bộ bằng giang thuyền. Còn thì là muốn tới “chợ” có khi phải băng qua hàng vài chục cây số rừng thưa, mương rạch đầy mìn bẫy, chưa kể những trận chống càn trầy vi sứt vảy, nếu lỡ bị thương, có thể mất mạng như chơi vì không có phương tiện tải thương. Trước khi tôi về coi trung đội, một chuẩn úy khoá đàn anh đã bỏ mạng chỉ vì đạp nhằm trái nổ của Việt cộng, đứt mất ngón chân cái. Băng bó, chích thuốc cầm máu xong, lính thay phiên nhau cõng anh băng rừng, vượt mương trong ba ngày mới ra tới đường cái, và vị sĩ quan trẻ tuổi ấy đã ngừng thở trước đó vài giờ vì mất máu quá nhiều. Địa phương quân tuy hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng các đơn vị Địa Phương Quân lưu động đánh giặc rất cứng. Những chuyện kể sau đây chỉ có tính cách tóm lược, để chứng minh khả năng và tinh thần chiến đấu của sắc lính này. Tôi mong sẽ sắp xếp được nhiều thì giờ hơn sau này để viết thành một cuốn sách về những người lính dũng cảm của đất nước…
Trung đội của tôi trong một lần đi tiền đồn, bị cả tiểu đoàn chính qui Việt cộng quần thảo suốt một đêm qua hàng chục đợt xung phong mà không chiếm nổi một hố cá nhân. Dưới ánh sáng hỏa châu của pháo binh yểm trợ, những người lính Địa Phương Quân đứng xổng lưng dưới hố nhắm từng bóng địch, bắn từng phát một để tiết kiệm đạn. Không một người lính nào bỏ chạy, dù tiếng gào thét “Hàng sống, chống chết!” của Bắc quân rền rỉ vang dội, sầm sập tiến về phía họ sau những tràng súng cối 82ly và đại liên 12.8ly cày xới tơi tả từng tấc đất. Họ chỉ rúc sâu vào hố sau khi nghe tiếng đại bác 105ly yểm trợ “đề pa” từ xa, nhả những tràng đạn nổ chụp quanh phòng tuyến của họ. Đại bác, ngưng nổ, họ lại đứng lên chong mắt quan sát và sẵn sàng nổ súng. Gần sáng, địch rút êm. Binh lính thì thào kiểm điểm quân số. Hầu hết đều bị thương, vài người chết và không một ai tháo chạy. Sáng hôm sau, đơn vị lớn lên tới để tải thương, thu dọn chiến trường, chúng tôi nhìn xác địch ngổn ngang mà rùng mình. Nhiều xác nằm cách hố cá nhân của anh em chừng vài tấc.
Lần khác, trung đội tôi đi đầu, lọt ổ phục kích, hàng quân bị cắt đôi, đứt đoạn. Mười mấy tay súng không hầm hố, lắp lưỡi lê lên đầu súng, nằm chờ đợi một đợt xung phong rầm rộ, tuyệt vọng chịu đựng một trận xáp lá cà mạng đổi mạng. Hàng quân căng thẳng. Thời gian như ngừng lại. Mồ hôi lấm tấm trên mặt mọi người. Tuy nhiên, trên mắt họ, tuyệt nhiên không thấy một tia sợ hãi nào. Có người mỉm cười, môi mím chặt, hàm bạnh ra. Đợt xung phong thứ nhất của Việt cộng xuất hiện, bị đốn rụi trong vài phút. Để chống xung phong, người lính chỉnh súng để bắn phát một. Thấy địch quân mới bắn, không bắn loạn vào khoảng không. Đợt thứ hai cùng chung số phận. Đợt thứ ba bất ngờ bị trung đội Địa Phương Quân đi sau dàn hàng ngang tiến tới đốn gọn. Đợt thứ tư, thứ năm và các cánh hỏa lực của địch bị pháo binh vùi dập câm họng, không tiến lên nổi. Ba mươi phút sau, lúc thu dọn chiến trường, tôi tiến tới bắt tay Chuẩn úy Vũ, nói lời cảm ơn. Vũ là dân Mỏ Cày, ra trường trước tôi hai khóa, có vẻ không bằng lòng: “Bộ ông tưởng tui co lại khi thấy mấy ông bị làm thịt sao?” Quả vậy, người lính Địa Phương Quân không bao giờ “co lại” sẵn sàng bỏ chạy như tiếng đồn xấu vẫn lan ra. Họ tiến hay thoái theo lệnh, có chiến thuật và có kỷ luật.
Trong đời lính, tôi đã thấy những người lính gan góc bò lên từng tấc dưới hỏa lực của những khẩu AK bắn chéo cánh sẻ, nhắm kỹ để ném lựu đạn vào một miệng hố cá nhân chỉ to bằng cái rổ. Cái hầm hố cỏn con này nằm bên kia một con rạch nhỏ và sâu, đã ngăn bước tiến của một tiểu đoàn trong nhiều giờ, và đường đạn bắn thấp của họ đã gây thương vong cho mấy chục binh sĩ Địa Phương Quân. Cuối cùng cái hầm kiên cố cũng bật nắp, im tiếng sau khi chịu hàng chục trái lựu đạn ném gần và trái cuối cùng đã lọt vào miệng hố! Tôi ôm vai người lính già, hứa thưởng ông ta ba ngày phép khi đơn vị về hậu cứ. Ông lính cười cười:
– Phép tắc khỉ gì, ông kiếm lựu đạn trả lại tui, hết mẹ nó rồi!
Kể về bắn giỏi, trong đơn vị có những tay súng xuất sắc. Trong một đợt hành quân ở Ba Tri, sát biển, đại đội tôi bị một tiểu đội Việt cộng cầm chân. Đường tiến quân hoàn toàn trống trải, không một gốc cây nào to hơn bắp chân, một cái cây nào cao hơn đâu người. Tám tay súng của Việt cộng núp sau 8 đống muối to bằng bồ lúa, chia ra nhắm vào cánh quân của tôi. Lúc đó tôi chịu trách nhiệm theo hai trung đội đi đầu, Thiếu úy Thọ, Đại đội trưởng, kẹt lại phía sau. Tôi cho hai trung đội, lúc đó do hai chuẩn úy mới ra trường trông coi, chia làm hai ngả, một bắn yểm trợ cho một trung đội khác tiến lên theo thế chân vạc. Đám Việt cộng ma mãnh ỷ vào vị trí kiên cố, không thèm đếm xỉa tới hoả lực yểm trợ, chỉ tập trung bắn phát một vào cánh quân đang tiến lên. Chúng bắn rát đến nỗi thử đi thử lại trong nửa giờ, hai cánh quân chỉ tiến được chừng 50 thước mà đã thiệt mất gần chục người bị thương. Định gọi pháo binh giải quyết, nhưng pháo binh đang ưu tiên yểm trợ cho một cánh quân khác đang đụng lớn và phải chịu đựng một đợt xung phong. Anh Thọ lò dò lên tới. Quan sát và nắm vững được tình hình, anh cho gọi hai tay thiện xạ tới. Tất cả binh sĩ được phép tìm chỗ núp kỹ, vừa canh chừng ba mặt, vừa nghỉ ngơi dưỡng sức. Một toán nhỏ ba người được lệnh bò vòng sang bên hông thật xa, tiến tới. Hai tay thiện xạ tìm chỗ đặt súng. Anh Thọ cởi bỏ dây đạn, súng và cả… nón sắt ra, nháy mắt nhìn tôi cười. Anh người Hố nai, nhỏ người, tròn trịa và nổi tiếng gan góc, lính thương anh và sợ anh như sợ cọp. Giữa chốt giặc và chúng tôi là hàng trăm đống muối trắng, mỗi đống to bằng một cái bồ lúa cỡ nhỏ. Thoắt một cái, anh xổng lưng chạy lên ngời ngời, từ đống muối này sang đống muối nọ như trò chơi chim đổi lồng. Tất nhiên là bên kia nổ súng. Đạn cày từng vệt sau lưng anh. Anh Thọ lại chạy. Trong đơn vị chắc chắn không ai nhanh bằng anh, và anh cũng không muốn sai khiến ai đứng ra làm mồi kiểu này! Tôi thầm kêu khổ và chỉ có cách lâm râm cầu nguyện cho anh đừng sẩy chân vấp ngã. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng súng phát một từ hai tay thiện xạ và tiếng reo hò của một người nào đó. Đạn AK cày rất rát, và một phần vì nhát, tôi không ngóc đầu lên nổi để quan sát toàn cảnh.
Chừng 15 phút sau, tiếng súng bọc hông nổ giòn giã và anh Thọ như một con nai lớn gieo mình đánh “ịch” ngay bên cạnh tôi. Da mặt trắng hồng của anh đỏ lưỡng, mồ hôi ra như tắm. Anh cười đắc thắng:
– Xong rồi!
Mà xong thật. Trong tám tay súng cản đường, sáu tay bị thần xạ bắn vỡ óc, hai tay còn lại bị đột kích bên hông diệt luôn. Đơn vị tôi chia ra hai cánh tiến tới thật nhanh, gần như chạy, và vài giờ sau chiếm được mục tiêu khá dễ dàng, thu được một số chiến lợi phẩm, tài liệu quan trọng. Cho tới bây giờ, hình ảnh anh Thọ đầu trần, chạy loanh quanh giữa các đống muối trắng vẫn hiện rõ trước mắt tôi. Tôi vừa phục anh gan góc, nhanh nhẹn, vừa nể các tay súng Địa Phương Quân. Binh chủng nào cũng có những nhân tài. (Thiếu úy Thân Văn Thọ hiện định cư tại San Jose qua chương trình “HO”. Gần đây khi báo chí Thúy Nga mở chiến dịch liên tục tấn công tôi để tạo hoả mù khoả lấp vụ băng hình “B–40”, anh Thọ theo dõi tin tức, biết anh chàng đại đội phó nhát gan của anh hiện đang làm báo Làng Văn, đã gọi về toà soạn. Nghe giọng anh tôi nhận ra ngay dù đã hơn 20 năm không gặp nhau. Hình ảnh thoăn thoắt của anh ở trận Bình Đại năm nọ hiện lên ngay trong trí tôi như một đoạn phim sống động. Hai anh em nhắc chuyện cũ cười ha hả sảng khoái trên điện thoại…)
Một lần khác, tiểu đoàn chúng tôi được trực thăng vận, nhảy diều hâu tập kích sau lưng một đại đơn vị Việt cộng ở cù lao Thới thuận ở bờ biển Kiến Hòa. Tôi đã ngồi trực thăng nhiều lần khi còn ở dân sự, nhưng nhảy từ trực thăng xuống để tập kích sau lưng địch, thì là lần đầu. Bài học này không có ở quân trường. Các ông lính trong đơn vị tôi cũng vậy, về quân sự họ còn học ít hơn tôi! Từ trên máy bay, tôi thấy từng đám bụi mù của pháo binh đang cày xới vị trí đóng quân của Việt cộng. Vài phút sau, đàn trực thăng sà xuống bờ biển và đại đội của tôi nhảy xuống yên lành, đàn chim sắt bốc lên trước khi địch quân kịp phản ứng. Cả đơn vị dàn hàng ngang chiếm bờ biển, là một rẫy dưa hấu đang mùa chín tới, và được lệnh nằm đó bảo vệ bãi đáp cho đại đội thứ hai đổ bộ. Các đơn vị còn lại tiến vào bằng đường bộ qua ngã khác. Cuộc tiến quân thần tốc hoàn tất trong vòng ba mươi phút, và đại đơn vị của địch bị đánh thốc vào lưng, không trở tay kịp. Hai đại đội Địa Phương Quân len lỏi vào các khe hở, chọc thẳng vào bộ chỉ huy Trung đoàn Việt cộng, dễ dàng như bẻ càng một con cua lột. Một số tháo chạy vào rừng, vướng các bãi sình, bị pháo binh hủy diệt bằng đạn nổ chụp. Một số chạy vào ổ phục kích của các đại đội còn lại. Hai tiểu đoàn Việt cộng bảo vệ chung quanh bị ba đại đội khác đánh úp, tan nát. Một trung đoàn chính qui của Cộng sản Bắc Việt bị một tiểu đoàn Địa Phương Quân phá tan!
Tôi nghe tiếng Đại tá Tiểu Khu Trưởng bay lược trận trên trực thăng chuyển vào tần số đại đội, nói lời khen ngợi. Tối hôm đó, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị “đón tiếp” một trung đoàn chính qui khác của Việt cộng đang trên đường tới tiếp viện. Tôi không thấy một dấu hiệu sợ hãi nào trong mắt các người lính Địa Phương Quân quanh tôi, dù họ đang nằm gọn trong lòng mật khu và trước một quân số đông hơn họ gấp bốn lần! Trong tám tháng cuối cùng trước khi Việt cộng chiếm được Sài Gòn, toàn tỉnh Kiến Hòa hoàn toàn do Địa Phương Quân giữ gìn. Tất cả các Sư Đoàn Bộ Binh đều được điều động đi các tỉnh khác; còn các binh chủng chủ lực như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến… chẳng bao giờ phải về vùng này! Đơn vị tôi đôi khi còn được tăng phái sang Mỹ tho, hành quân trực thăng vận, nhảy diều hâu, đổ bộ bằng giang đĩnh. Trong các cuộc hành quân lớn, chúng tôi được trọng pháo lưu động và cả Không quân yểm trợ.
Nhiều lúc tôi phải nghĩ rằng, với lực lượng Địa Phương Quân vững mạnh như vậy, miền Nam dư ra hàng trăm ngàn quân để ngăn đường tiến quân của Cộng sản Bắc Việt. Nhưng sự vững mạnh ấy không phải chỉ do công lao của các đơn vị lưu động. Công lớn hàng đầu là của các đơn vị đóng đồn, không riêng gì Kiến Hòa, mà của tất cả những đơn vị Địa Phương Quân chiến đấu âm thầm trên khắp lãnh thổ miền Nam từ Cà Mau ra tận Bến Hải… Các Đơn Vị Cố Định! Phần lớn các đồn lớn là của Địa Phương Quân, do tiểu khu (tỉnh) và chi khu (quận) điều khiển. Các đồn nhỏ do phân chi khu (xã), giao cho Nghĩa quân phụ trách. Chính hai thành phần này mới là những người bám rễ giữ đất, ăn chịu nằm lì, hy sinh gian khổ nhất trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ. Tiếng là đóng đồn, nhưng phần lớn coi như đi tù. Đồn bót của họ chính là một cái rọ, nằm sâu trên các trục chuyển quân của Việt cộng, nên bị đối phương coi như những cái bọc nhọt phải cắt bỏ bất cứ giá nào. Việt cộng tổ chức bao vây, quấy rối, bắn sẻ, ném lựu đạn suốt ngày đêm để khủng bố tinh thần, tiêu hao sức khoẻ, đợi khi lính mòn mỏi, tràn vào tấn công giết sạch, cả đàn bà trẻ con, đôi khi cũng bị hạ sát. Trong khi các đơn vị đóng ở các đồn lớn trong vùng an ninh, giữ cầu, bảo vệ các cơ sở hành chánh, được ra vào thoải mái, chỉ thỉnh thoảng hành quân dã trại, ban đêm tổ chức phục kích quanh đồn; thì quân nhân ở các đồn nhỏ phải ép mình nằm một chỗ, đợi ngày đổi đồn có khi tới sáu tháng hay một năm. Mỗi tháng Chi khu mở cuộc hành quân tiếp tế gạo muối, súng đạn một lần, khi ấy người lính đóng đồn mới dám bước ra ngoài, đi tới đi lui thoải mái trong vài giờ. Họ tuy ở xứ nhiệt đới nhưng quanh năm không phơi nắng lấy trọn một ngày. Họ sống khổ sở, chui rúc như chuột, ló đầu lên là bị bắn ngay, lúc nào cũng căng thẳng cực độ, luôn luôn sẵn sàng phản ứng khi bị tấn công bằng lựu đạn, hoặc nhào vô hốc để tránh miểng, hoặc nhào tới chụp nó ném ra xa. Nếu lỡ bị thương, nhiều khi phải chịu đựng trong năm ba ngày, có khi nửa tháng mới có cuộc hành quân càn quét, mở đường đưa về Quân y viện chữa trị.
Làm sao được, ngay cả lính Mỹ ở Bastogne, Khe Sanh trước kia đôi khi cũng phải chịu trận trường kỳ như vậy dưới những trận mưa pháo của địch, nói chi đến phương tiện eo hẹp của Quân Lực VNCH thời 1974 và đầu năm 1975, khi chương trình Việt nam hoá chiến tranh đã thắt chặt mọi nguồn tiếp liệu! Ngay cả pháo binh yểm trợ, cũng thiếu thốn ngặt nghèo. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân viện giảm gần hết. Khi cần pháo yểm, mỗi đồn chỉ xin được hai trái một ngày, cho dù bị vây khổn đến mức nào. Trái đầu chưa kịp điều chỉnh, thường không hiệu quả. Trái thứ nhì rót tới, thế là xong. Muốn xin nữa, phải chờ qua ngày hôm sau! Hơn một chục lần, tôi bước chân vào một đồn lẻ của Địa Phương Quân. Gọi là đồn cho đúng theo danh từ quân sự, thực tế, đó là những cái hang tăm tối, ẩm thấp lạnh người. Trên thì trần thấp lè tè, người cao có thể đi đụng đầu, dưới sình đất nhớp nháp, mùi ẩm mục, khai nồng rất nặng nề. Lính nằm bằng võng, nấu ăn bằng bếp dầu hoặc củi, và hầu hết đều nhịn tắm, có khi hàng tuần, hàng tháng, nếu trời không mưa. Lần nào cũng vậy, bắt được tay nhau, lính trong đồn mừng ứa nước mắt, nhất là những thương binh đang chờ tải thương.
Hơn một chục lần, tôi nghe lính đóng đồn ao ước được ra ngoài “lội như mấy anh, thà đụng trận hàng ngày vẫn… sướng hơn!” Tôi tin là họ nói thật. Ngầm so sánh, tự đặt tôi vào vị trí của họ, tôi xấu hổ vì chợt bắt gặp sự sợ hãi của mình. Tôi muốn bù đắp cho lính đóng đồn một cái gì đó, nhưng tôi không bao giờ làm được. Tôi không hút thuốc, không uống rượu, không có gì để chia sẻ cho họ. Ngược lại mấy ông lính của tôi đôi khi còn xin… đạn của họ, nếu trước đó đụng trận và bị hao hụt. Phần lớn lính đồn đều vui vẻ tặng vài băng đạn mới toanh cho những “ân nhân” tới cứu viện, trong số đạn được do lính chi khu theo chân chúng tôi tải vào đồn. Ngồi nghỉ chân, tán dóc với họ được chừng nửa giờ là đến lúc “chia tay.” Lính đồn bịn rịn nhìn lính lội ra đi, y như những cặp tình nhân quyến luyến nhau. Chỉ mươi mười lăm phút nữa thôi, đoàn quân tiếp viện đi khuất, trả lại cảnh tịch mịch của ruộng vườn lại cho du kích, và những người lính Địa Phương Quân lại bị giam hãm trong hang.
Đất Kiến Hòa thấp, đào xuống vài tấc nước đã rịn ra nên phần lớn đồn bót đều đắp khơi trên mặt đất, ba góc là ba vọng gác, mỗi vọng gác có hai lỗ châu mai. Bên ngoài đồn là hàng rào kẽm gai, mìn claymore, mìn sáng, lựu đạn cài. Trên hàng rào là những lon sữa bò, lon chao treo lủng lẳng, sẵn sàng khua lên khi bị động. Cỏ dại mọc chằng chịt, đan lên trên tất cả và che lấp hầu như tất cả. Lính chẳng những gác bằng mắt mà còn gác bằng tai. Thấy động, nghe động là bắn liền, nhưng không bắn nhiều, vì lượng đạn tiếp tế có hạn. Cuộc hành quân giải vây nào cũng mất vài ba ngày chúng tôi mới tới được cửa đồn, sau những trận đụng độ lớn nhỏ, phần lớn chỉ là những tổ du kích bám sát, rình rập bắn sẻ hay ném lựu đạn. Du kích Kiến Hòa nghĩ ra trò bắn lựu đạn khá lợi hại. Cách sử dụng y như như bắn ná giây thun, có điều dây thun dài hơn, cần ná to hơn và thay vì hòn sỏi thì là một quả lựu đạn vừa rút chốt. Tầm ná lựu đạn xa khoảng 150 thước đến 300 thước, tương đương tầm tác xạ hữu hiệu của M–79. Ná lựu đạn lợi hại hơn súng phóng lựu vì không có tiếng “đề pa.” Đang đi, nghe tiếng loẹt xoẹt vạch lá bay tới, “phịch” một tiếng rồi nổ “ầm” ngay, may ra người lính chỉ kịp nằm xuống tránh bớt miểng.
Tuy nhiên, ná lựu đạn không chính xác nên chỉ nguy hiểm cho những mục tiêu cố định và tương đối khá rộng: đó là đồn bót. Bò lại gần đồn ném lựu đạn, dễ bị ném lại và ăn đạn M–16 như chơi, nhưng đứng từ xa bắn ná lựu đạn tới an toàn hơn nhiều. Chỉ cần hai chú du kích và vài quả lựu đạn cũng đủ làm cho một trung đội trong đồn rối loạn sinh hoạt, căng thẳng thần kinh. Lính trong đồn có dư lựu đạn cũng không biết đường nào mà ném trả.
Thành phần chỉ huy giữ đồn phần lớn là hạ sĩ quan. Trung sĩ hay trung sĩ nhất cầm trung đội là thường. Có lẽ cấp trên thấy không cần phải ném một chú chuẩn úy mới ra trường, lơ ngơ vào đồn làm gì cho phí công huấn luyện. Một hạ sĩ quan có kinh nghiệm, quen chịu đựng cực khổ ra nằm đồn lợi hơn nhiều. Cho nên các đơn vị chủ lực có nhiều sĩ quan hơn các đơn vị giữ đồn. Một đại đội lưu động có khi có tới sáu sĩ quan, nhưng một đại đội giữ đồn thường khi chỉ có 2 hay 3 sĩ quan. Hoàn cảnh chiến đấu thụ động ấy không có chỗ dụng võ cho họ.
Tất cả công tác chỉ huy chỉ có chia gác, đốc canh và liên lạc với chi khu bằng vô tuyến điện. Tuy nhiên, xét về thành phần nhân sự cấp căn bản, tức hàng binh sĩ, cần phải tuyên dương người lính đóng đồn trên những trang binh sử, dành cho họ những huy chương cao quý như những sắc lính ưu tú trong quân đội. Họ chính là những người trực tiếp bám trụ, chống giữ từng tấc đất trước sự xâm [lăng] cuồng bạo của địch quân. Địa Phương Quân và Nghĩa quân là những người lính trực tiếp bảo vệ an ninh cho địa phương.
Tuy gian khổ tột cùng, người lính Địa Phương Quân, Nghĩa quân vẫn kiên trì chịu đựng. Càng gian khổ, công trạng của họ đối với đất nước càng rực rỡ và to lớn. Không phải cấp trên (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư Lệnh Vùng, Bộ Chỉ Huy Tiểu khu) lòng lim dạ đá, mang con bỏ chợ hay ngu ngốc bị Việt cộng nằm vùng chỉ huy nên nhắm mắt làm ngơ, cứ duy trì các đồn bót khổ đau này.
Miền quê Kiến hoà, tức Bến Tre, nơi Hà nội ca tụng là “Quê hương Đồng khởi” du kích đông như đỉa. Trên bản đồ của Ban Quân Sự bốn bên, các chấm đỏ nổi lên như đám da lên sởi. Đồn bót là phên giậu, là hàng rào phòng thủ bảo vệ chi khu và tiểu khu; đồng thời còn là những cứ điểm tình báo chiến thuật, quan sát sự chuyển quân của địch. Nhổ hết các đồn đi chính là quỳ gối đầu hàng, hai tay cung kính dâng hiến lãnh thổ cho Cộng sản. Chính vì thế mà giá nào cũng phải hy sinh. Người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đã mang sinh mạng và tuổi xuân ra gìn giữ nơi chôn nhau cắt rốn của chính họ.
Du kích xã thù ghét và sợ hãi Nghĩa quân, vì cả hai đều là dân địa phương, hiểu rõ tông chi họ hàng, đường đi nước bước tại điạ phương. Đơn vị du kích chủ lực tỉnh luôn luôn bị Đại Đội Thám Báo của Địa Phương Quân bám cứng, không xoay trở gì được. Bên cạnh đó là hệ thống dân báo. Dân chúng phần lớn là thân nhân của Địa Phương Quân, Nghĩa quân. Họ hợp tác mật thiết với chính phủ vì sự an nguy của chính con em họ, nên Việt cộng (nhất là quân chính qui) đi tới đâu, tình báo địa phương của ta bám sát tới đó.
Chính vì thế mà Địa Phương Quân đã bám sát, đánh tỉa, tiêu hao lực lượng Việt cộng hàng ngày, khiến có những đơn vị lớn của Việt cộng ở cấp trung đoàn, trên thực tế đôi khi chỉ còn sót lại vài chục tay súng; và nhiều đơn vị đã bị xóa tên vĩnh viễn…
Trong một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, công lao đóng góp của Địa Phương Quân (trước gọi là Bảo Chính Đoàn, rồi Bảo An Đoàn), không phải nhỏ. Nhờ Địa Phương Quân giữ vững hậu phương, các binh chủng tinh nhuệ khác mới yên tâm xông xáo trên những chiến trường lớn và lập nên những công trận rỡ ràng. Hậu phương có yên ổn, nguồn nhân lực quốc gia được bảo vệ mới có thể tiếp tục bổ sung cho chiến trường hàng năm.
Nhân ngày Quân Lực, tôi muốn mượn trang giấy này để nói lên lòng tri ân với họ, những người lính Địa Phương Quân, Nghĩa quân, những chiến sĩ anh hùng đã âm thầm chịu đựng, dũng cảm hy sinh để giữ đất. Tuy cuộc chiến quân sự đã chấm dứt một cách ngang trái, nhưng cuộc chiến chính trị vẫn tiếp diễn. Những người lính không còn một tấc sắt, nhưng họ còn nguyên những tấc lòng. Cùng với ngọn lửa Thái Bình, Xuân Lộc, và nay Nam Định, những người lính Địa Phương Quân ở khắp mọi nơi trên ba miền đất nước và khắp mặt địa cầu, sẵn sàng đứng lên góp sức, bằng cách này cách khác, chung sức với chiến hữu ở mọi quân binh chủng, cùng đồng bào ở mọi giới, hoàn thành sứ mạng của người lính và người dân trước hiện tình đất nước…
Nguyễn Hữu Nghĩa
Ngày QL/19/6/2024 – LIX/59