Seite auswählen

Người nhập cư trái phép trên đường tới Vương quốc Anh

EPA Số người Việt Nam nhập cư trái phép vào Vương quốc Anh bằng thuyền nhỏ trong ba tháng đầu 2024 đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023

BBC

Bất chấp những rủi ro, nguy cơ bị xâm hại tình dục, bóc lột trên đường nhập cư lậu vào châu Âu, nhiều người Việt Nam vẫn chọn con đường này.

Tổ chức Đánh giá Di cư Cưỡng bức (Forced Migration Review – FMR) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) vào khoảng đầu năm 2024 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng người nhập cư lậu vào châu Âu.

Trong một bài viết được đăng tải trên website của Sky News ngày 19/6, con đường vượt biên từ Việt Nam đến châu Âu có thể tối tăm, chết chóc và cực kỳ tốn kém. Các bên trung gian thường tính phí đắt đỏ, khiến nhiều người nhập cư lậu theo con đường này mắc nợ nặng nề.

Nếu một người Việt Nam quyết định vay tiền và thực hiện hành trình sang châu Âu, họ sẽ phải chịu một gánh nặng rất lớn về tài chính và tâm lý, Sky News cho biết.

Theo FMR, những kẻ vận chuyển người trái phép và các băng nhóm tội phạm sử dụng bẫy nợ để kiểm soát người di cư trong suốt hành trình, thường ép họ vào làm việc trong các xưởng bóc lột sức lao động hoặc đi bán thuốc giả.

Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em dễ bị hãm hiếp và ép bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác tại các quốc gia trung chuyển như Nga, Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp.

Một số người di cư Việt Nam chọn cách vào châu Âu qua cửa ngõ Serbia hoặc Romania bằng hộ chiếu lao động, chủ yếu làm những công việc tay chân với mức lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ.

Hành trình gian khổ và đầy rẫy nguy hiểm này xuất phát từ mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt cho ước mơ này, khi rơi vào tay các băng nhóm buôn người và đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng.

Vương quốc Anh là nơi diễn ra tình trạng bóc lột nặng nề nhất. Họ bị đánh đập và bắt làm nô lệ. Họ bị nhốt và không được phép đi đâu cả. Có rất nhiều vụ lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và các bé gái,” Mimi Vu, một chuyên gia chống nạn buôn người, nói với Sky News.

Bà Mimi Vu đồng thời nhấn mạnh Vương quốc Anh thường là điểm đến cuối tại châu Âu của dòng người Việt di cư.

Theo thống kê, số người Việt Nam sang Anh bất hợp pháp bằng thuyền nhỏ trong khoảng ba tháng đầu năm nay đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Anh cũng cho biết Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu có thuyền nhân vượt eo biển Manche.

Số lượng người di cư Việt Nam liều lĩnh vượt eo biển Manche bằng những chiếc thuyền nhỏ, chở tối đa 20 người, thay vì đi đường bộ đến Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng.

Tuyến đường nhập cư lậu của người Việt vào châu Âu

Những người di cư Việt Nam thường bị các băng nhóm buôn lậu đưa sang Anh để làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail, nhà hàng, thậm chí còn bị phát hiện làm việc trong đường dây mại dâm và các trang trại trồng cần sa.

Lý do khiến các đối tượng buôn người ưa sử dụng xe tải vận chuyển người di cư hơn so với đường biển là do nguy cơ bị Tuần duyên Anh bắt giữ cao hơn.

Nhiều người di cư phải trả 15.000 đến 20.000 bảng Anh (tương đương 485 đến 647 triệu đồng) – một khoản tiền khổng lồ đối với nhiều gia đình tại Việt Nam – cho các nhóm vận chuyển người trái phép để được đưa tới Anh.

Liên quan vấn đề này, vào giữa tháng 4/2024, ông Tô Lâm khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định rằng “không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại châu Âu”.

Tại sao ‘nhập cư lậu’ phổ biến với người Việt?

Theo thống kê của FMR, phần lớn trong số người Việt nhập cư lậu vào châu Âu là nam thanh thiếu niên đến từ một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

FMR cho rằng những người này chấp nhận cuộc hành trình dài và nguy hiểm chủ yếu vì họ tin rằng họ có triển vọng kinh tế tốt hơn ở nước ngoài.

Vào thập niên 1980, Việt Nam có các chương trình xuất khẩu lao động và du học với các nước thuộc khối Liên Xô cũ và Đông Âu, dẫn đến việc hình thành các cộng đồng hải ngoại ở Moscow, Kyiv, Warsaw và Berlin.

Những con đường thương mại và di cư này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới.

Các dịch vụ hỗ trợ di cư vẫn tiếp tục sau Chiến tranh Lạnh, nhưng hiện chủ yếu được vận hành và kiểm soát bởi các nhóm tội phạm có tổ chức do người Việt cầm đầu, theo FMR.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trong những năm qua nhưng khả năng tiếp cận các cơ hội thăng tiến thông qua giáo dục hoặc việc làm vẫn không đồng đều và chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị.

Thống kê từ FMR cho thấy phần lớn người nhập cư lậu đến từ những vùng ít được tiếp cận với cơ hội việc làm tốt và có “truyền thống lâu năm” về việc di cư sang châu Âu.

Nhóm người di cư đến từ Việt Nam, Iran, Iraq và các nước châu Phi tại thành phố cảng Calais của Pháp vào tháng 4/2021

BERNARD BARRON/AFP/GETTY IMAGES Nhóm người di cư đến từ Việt Nam, Iran, Iraq và các nước châu Phi tại thành phố cảng Calais của Pháp vào tháng 4/2021

“Ở vùng nông thôn thì khó kiếm việc lắm. Do đó họ bất chấp rủi ro… biết là đầy hiểm nguy đấy… nhưng cứ đi để đổi đời,” Sky News dẫn lời một người dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) – một trong những địa phương có nạn nhân trong vụ 39 người Việt chết trong container tại Anh.

Hai người di cư Việt Nam tên Mai và Tuan chia sẻ câu chuyện của họ với FMR. Khi thực hiện hành trình nhập cư lậu tới châu Âu, Mai chỉ mới hơn 18 tuổi và Tuan thì vừa bỏ học đại học. Cả hai chọn đường đi này vì phải trả nợ giúp gia đình cũng như chăm lo, chu cấp cho người thân.

Không chỉ tại châu Âu, số người Việt di cư trái phép đến Mỹ thông qua biên giới Mexico cũng tăng đột biến trong năm 2023 và đầu năm 2024.

Theo thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ về lượng người vượt biên giới phía nam của Mỹ trong năm tài khóa 2023, Việt Nam xếp thứ 26 trên 102 quốc gia.

Bài phóng sự của Đài Á châu Tự do (RFA) vào đầu tháng 5/2024 cho biết một số người lựa chọn cách nhập cư trái phép này vì bị chính quyền ở Việt Nam gây khó dễ, áp bức, số khác thì chia sẻ rằng họ muốn đổi đời.

Tiến sĩ – luật sư di trú Vũ Tuấn Huy, công ty First Consulting Group (Mỹ), chia sẻ với BBC vào tháng 3/2024 rằng hầu hết khách hàng của ông là “di dân kinh tế”.

Theo vị luật sư, cho dù phải trả một số tiền khổng lồ để tới Mỹ (khoảng 60.000 – 75.000 USD) và trải qua hành trình hiểm nguy, nhiều người Việt di cư có niềm tin rằng chỉ cần đi làm tại xứ cờ hoa vài năm là đã có thể trả được nợ và tích lũy được nhiều vốn.