Seite auswählen

(Đoạn 1)

 

Nguyễn Đình Cống

Tiếng Dân

6-12-2018

MỞ ĐẦU BẢN TÓM TẮT

Tóm tắt này dựa vào bản dịch của TS Nguyễn Quang A, công bố trên mạng và bản dịch của Nguyễn Thị Kim Chi được NXB Trẻ phát hành sách giấy (2017).

Thất bại và Thành công là 2 mặt của 1 vấn đề.  Biết được nguyên nhân cơ bản của thất bại thì đồng thời cũng làm rõ cái đó của thành công.  Tìm đúng nguyên nhân cơ bản sự thành bại của các quốc gia là không hề dễ.  Các định kiến về học thuyết, về chủ nghĩa và phẩm chất tầm thường của người nghiên cứu làm che khuất, hạn chế tầm nhìn và suy nghĩ của họ, làm cho họ khi phân tích sự thất bại chỉ tim được vài nguyên nhân trực tiếp, vụn vặt rồi đổ lỗi cho thế lực thù địch và khách quan mà không thể tìm đến nguyên nhân cơ bản.

Xã hội Việt Nam đã trải qua một số thành công và thất bại.  Mỗi lần đại hội Đảng đều có đánh giá và chỉ ra nguyên nhân của mọi tai họa là sự thoái hóa, biến chất, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số đông cán bộ các cấp các ngành.  Đánh giá như vậy là không thấy nguyên nhân cơ bản, hay có thấy mà cố tình che khuất, cố tình không dám nói ra.

Sách “TẠI SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI” (Why Nations Fail) được xuất bản năm 2012 tại Mỹ, đã tạo nên tiếng vang lớn trên toàn thế giới.  Tiêu đề phụ của cuốn sách là: “Nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó”.  Đó là kết quả nghiên cứu trên 15 năm của hai nhà khoa học lớn về kinh tế: Daron Acemoglu và Jemes A.  Robinson.  Sách được nhiều học giả, nhiều bạn đọc đánh giá rất cao.  Nó cung cấp nhiều thông tin, nhiều phân tích và so sánh, làm phong phú nhận thức, làm cho suy nghĩ thêm sâu sắc và có những chuyển biến tích cực.  Tuy biết sách quý, số đông rất muốn đọc, nhưng không dễ gì tìm được sách, tìm được rồi cũng không có nhiều thời gian hoặc thiếu kiên nhẫn để đọc hết (vì dài quá).  Tôi xin tóm tắt hỗ trợ các vị.  Riêng với các nhà nghiên cứu, các học giả, cần và đã đọc toàn bộ, không chỉ một mà nhiều lần, tôi sẽ vô cũng biết ơn khi được các vị phản biện bản tóm tắt này.

Sách “Tại sao các quốc gia thất bại” gồm Lời nói đầu và 15 chương.  Tôi tiếp cận được 2 bản tiếng Việt.  Đó là bản dịch của Nguyễn Quang A và của Nguyễn Thị Kim Chi.  Sau 2 nguồn trên đã có khá nhiều bài viết và thuyết trình về vấn đề cuốn sách bàn đến.  Cũng đã có một vài bản tóm tắt và giới thiệu nội dung.  Như vậy tôi không phải là người đầu tiên tóm tắt và giới thiệu, chỉ là tôi làm theo cách của mình.  Tóm tắt bằng cách trình bày ngắn gọn nội dung từng chương, chép lại một số câu được lựa chọn, ngoài ra có thể thêm vài lời dẫn giải.

 Mục lục các chương

1- Gần thế mà vẫn rất khác nhau

2- Các lý thuyết không hoạt động

3- Tạo ra thịnh vượng và nghèo khó

4- Những khác biệt nhỏ và bước ngoặt

5- Tôi đã thấy tương lai và nó hoạt động

6- Trôi dạt ra xa

7- Điểm ngoặt

8- Không trên lãnh thổ của chúng tôi

9- Sự phát triển đảo ngược

10- Sự truyền bá thịnh vượng

11- Vòng thiện

12- Vòng đảo ngược

13- Vì sao các quốc gia thất bại ngày nay

14- Phá vỡ khuôn đúc

15- Hiểu sự thịnh vượng và nghèo khó

Bản tóm tắt 15 chương được chia đăng thành 8 đoạn.  Cuối cùng tôi có bài PHẢN BIỆN, nêu ra một vài bất đồng ý kiến với nghiên cứu và kết luận của Daron Acemoglu và Jemes A.  Robinson.

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách tìm câu trả lời cho câu một hỏi đơn giản nhưng đã làm cho nhiều học giả đau đầu trong nhiều thế kỷ qua: vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo?

Ðã có nhiều lý thuyết (giả thuyết) tìm cách giải đáp cho câu hỏi này hay giải thích hiện tượng bất bình đẳng thế giới nhức nhối đó.  Có các giả thuyết về địa lý, văn hóa, sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng các lý thuyết này đều không trả lời được một cách thỏa đáng cho câu hỏi đơn giản nêu trên.

Acemoglu và Robinson đưa ra giả thuyết về các thể chế (Institution) là cái quyết định chứ không phải địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết.  Theo các ông, có 2 loại thể chế (TC) quan trọng là TC chính trị và TC kinh tế.  Mỗi TC có 2 trạng thái cơ bản là: Inclusion (dung hợp, bao gồm hoặc bao dung) và Extractive (chiếm đoạt, khai thác hoặc bòn rút).

TC chính trị dung hợp thể hiện bởi nhà nước pháp trị, chính thể dân chủ với đa nguyên và tam quyền phân lập.  TC chính trị chiếm đoạt là kiểu toàn trị độc tài, quan liêu, thống trị của cá nhân hoặc của một đảng duy nhất.

TC kinh tế dung hợp, mọi thành phần trong xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, có cơ hội phát huy khả năng và cống hiến, quyền lực được chia sẻ rộng rãi.  TC kinh tế chiếm đoạt tập trung quyền lực vào một số ít người hoặc nhóm lợi ích.  Các nhóm này nắm phần lớn tài sản QG và khai thác tài nguyên của đất nước (Bản dịch của NQA dùng TC Bao gồm và TC Khai thác)

Các trạng thái kết hợp thành 4 dạng.  Dạng 1 gồm các QG có chính trị dung hợp, kinh tế chiếm đoạt.  Dạng 2 có chính trị chiếm đoạt, kinh tế chiếm đoạt.  Dạng 3 có chính tri chiếm đoạt, kinh tế dung hợp.  Dạng 4- chính trị dung hợp, kinh tế dung hợp.

Dạng 4 gồm các QG thành công, phát triển theo vòng xoáy ốc đi lên.  Dạng 2- các QG luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu.  Dạng 1 và 3 thường biến động, có khả năng vươn lên 4 hoặc rớt về 2.

Phần tiếp theo của lý thuyết là động học của sự thay đổi thể chế.  Các tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của: các xung đột (conflict) luôn xảy ra trong xã hội.  Các xung đột dẫn đến sự trôi dạt thể chế, tại các bước ngoặt do những khác biệt nhỏ và sự tùy thuộc ngẫu nhiên chúng rẽ nhánh theo những con đường rất khác nhau và tạo ra sự phân kỳ thể chế.

Muốn cho quốc gia không thất bại và giàu có thì phải tìm mọi cách để xây dựng các thể chế chính trị dung hợp.  Không có công thức sẵn có cho việc này.  Tuy vậy có nhiều việc có thể tạo thuận lợi, có thể thúc đẩy cho việc hình thành các thể chế chính trị như vậy.  Trao quyền (empowerment) cho nhân dân, hay cho các mảng rộng của xã hội là hết sức quan trọng để cho một quá trình như vậy có thể hình thành hay mang lại kết quả.  Xây dựng nền pháp trị thực sự, với những ràng buộc lên các chính trị gia, buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và khó lạm dụng quyền lực.  Người dân biết quyền của mình và đòi một cách tích cực các quyền hiến định đó và tham gia vào các tổ chức chính trị.  Cần một nền báo chí tự do và quyền tự do ngôn luận.  Và như thế cần có một xã hội dân sự lành mạnh và sự tham dự tích cực của các công dân.  Ðấy là cách làm giàu bền vững nhất không chỉ cho chính mình mà cho cả con cháu nhiều đời sau.

LỜI NÓI ÐẦU

Cuốn sách này là về những khác biệt khổng lồ về thu nhập và mức sống mà tách biệt các nước giàu trên thế giới, như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Ðức, khỏi các nước nghèo, như các nước ở châu Phi hạ- Sahara, Trung Mỹ và Nam Á.  Gốc rễ của sự bất mãn tại một số nước là ở sự nghèo khó của chúng.

Vì sao Ai Cập nghèo hơn Hoa Kỳ nhiều đến vậy? Những ràng buộc nào kéo những người Ai Cập khỏi việc trở nên phát đạt hơn? Sự nghèo của Ai Cập có là bất biến, hay có thể được xóa bỏ? Ðối với những người Ai Cập, những cái, mà đã néo giữ họ lại, bao gồm một nhà nước không hiệu quả và thối nát và một xã hội nơi họ không thể sử dụng tài năng, khát vọng và sự khéo léo của mình và sự giáo dục mà họ có thể có được.  Nhưng họ cũng nhận ra gốc rễ của các vấn đề này là có nguồn gốc chính trị.  Tất cả những cản trở kinh tế mà họ đối mặt bắt nguồn từ cách mà quyền lực chính trị được sử dụng và bị độc chiếm bởi một elite hẹp.  Ðấy, họ hiểu, là cái đầu tiên phải thay đổi.

Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng các nước nghèo là vì chính xác cùng lý do mà Ai Cập nghèo.  Trong cuốn sách này chúng ta sẽ nghiên cứu các hình mẫu tái tạo ra sao theo thời gian và vì sao đôi khi chúng thay đổi như chúng đã thay đổi ở Anh năm 1688 và ở Pháp với cách mạng 1789.  Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu liệu tình hình ở Ai Cập đã thay đổi hiện nay và liệu cuộc cách mạng đã lật đổ Mubarak sẽ có dẫn đến một tập mới của các thể chế có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho những người Ai Cập bình thường hay không.  Chúng ta sẽ thấy rằng một phong trào đấu tranh rộng rãi trong xã hội đã là một phần then chốt của cái đã xảy ra trong những biến đổi chính trị khác này.  Nếu chúng ta hiểu khi nào và vì sao những sự chuyển đổi như thế xảy ra, chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn để đánh giá khi nào các phong trào như vậy thất bại (như chúng đã thường thất bại trong quá khứ) và khi nào có thể hy vọng rằng chúng sẽ thành công và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

CHƯƠNG 1- GẦN THẾ VÀ VẪN RẤT KHÁC NHAU

NỀN KINH TẾ CỦA RIO GRANDE

Thành phố Nogales bị cắt đôi bởi một hàng rào.  Phía Bắc là Arizona, (thuộc Mỹ).  Thu nhập của hộ gia đình trung bình khoảng 30. 000 USD một năm. Phía nam là Sonora (thuộc Mexico), chỉ cách vài mét, là khá khác, thu nhập của hộ gia đình trung bình ở đó bằng khoảng một phần ba ở Arizona.

Làm sao mà hai nửa của cùng một thành phố lại khác nhau đến vậy? Không có sự khác biệt nào về địa lý, khí hậu.  Nguồn gốc của người dân ở cả hai bên biên giới là khá giống nhau.  Khác nhau chỉ vì thể chế.

SỰ THÀNH LẬP BUENOS AIRES

 Năm 1516, người Tây Ban Nha, đã vào phía Ðông của Nam Mỹ.  Vùng này nguyên chỉ trồng sắn và ngô.  Người Tây Ban Nha đã chinh phục người bản địa, xây dựng nên Buenos Aires, “Paris của Nam Mỹ”.

TỪ CAJAMARCA

Việc chinh phục những người da đỏ Aztec bằng quân sự đã hoàn tất vào năm 1521.  Chiến lược thực dân hóa của Tây Ban Nha đã rất hiệu quả.  Chiến lược và các thể chế chinh phục được hoàn thiện ở Mexico đã được chấp nhận một cách háo hức ở những nơi khác trong Ðế chế Tây Ban Nha

Khắp thế giới thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ, các thể chế và các cấu trúc xã hội tương tự đã nổi lên.  Sau giai đoạn ban đầu của sự cướp bóc, và sự thèm khát vàng bạc, những người Tây Ban Nha đã tạo ra một mạng lưới các thể chế được trù tính để khai thác người dân bản địa.

ÐẾN JAMESTOWN

Người Anh đến Tân thế giới chậm hơn.  Họ đã chọn Bắc Mỹ không phải vì nó hấp dẫn, mà bởi vì đó là tất cả cái sẵn có còn lại.  Các phần “đáng mong muốn” của châu Mỹ, nơi dồi dào những người bản địa để khai thác và nơi có các mỏ vàng và bạc, đã bị chiếm mất rồi.  Người Anh đã nhận các phần còn thừa, họ lập nên các thuộc địa.

Vào các năm 1720, tất cả mười ba thuộc địa của cái sẽ trở thành Hoa Kỳ đã có các cấu trúc chính phủ giống nhau.  Trong mọi trường hợp đã có một thống đốc, và một hội đồng dựa vào quyền bầu cử của những người đàn ông chủ tài sản.  Chúng chưa phải là các nền dân chủ, nhưng các quyền chính trị đã là rất rộng so với các xã hội đương thời ở nơi khác.  Chính các hội đồng này và các nhà lãnh đạo của chúng là cái đã hợp lại để hình thành Quốc hội Lục địa Ðầu tiên (First Continental Congress) vào năm 1774, khúc dạo đầu cho sự độc lập của Hoa Kỳ.  Các hội đồng đã tin họ có quyền để quyết định cả tư cách thành viên riêng của họ lẫn quyền đánh thuế.  Ðiều này, như chúng ta biết, gây ra các vấn đề đối với chính phủ thuộc địa Anh.

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HIẾN PHÁP

 Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico, đã thông qua và thực thi một hiến pháp tán thành các nguyên tắc dân chủ, tạo ra các hạn chế về việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối quyền lực đó một cách rộng rãi trong xã hội.  Văn kiện mà các đại biểu đã ngồi xuống để viết ở Philadelphia năm 1787 đã là kết quả của một quá trình dài được khởi đầu bằng sự hình thành của Ðại Hội đồng ở Jamestown năm 1619.

Sự tương phản giữa quá trình lập hiến xảy ra vào thời độc lập của Hoa Kỳ và quá trình xảy ra sau đó một chút ở Mexico lộ rõ hẳn ra.  Sự sụp đổ của nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lược của Napoleon đã tạo ra một khủng hoảng hiến pháp trên khắp Mỹ Latin thuộc địa.  Hệ quả là, elite Mexico đã xem xét Hiến pháp Cádiz, đã mở đường cho sự tham gia của nhân dân, Năm 1815, khi đế chế Âu châu của Napoleon sụp đổ, Vua Ferdinand VII quay lại nắm quyền và Hiến pháp Cádiz đã bị bãi bỏ.

CÓ MỘT Ý TƯỞNG, KHỞI ĐỘNG MỘT HÃNG VÀ NHẬN ĐƯỢC MỘT KHOẢN VAY

Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu ở nước Anh, lớn mạnh ở Mỹ nhờ các ý tưởng sáng chế.  Ðiều nổi bật ở Hoa Kỳ là, những người được cấp bằng sáng chế đến từ mọi loại xuất thân, Nhiều người đã kiếm được bộn tiền hay trở nên giàu có dựa vào các bằng sáng chế của mình.  Có thể bán sáng chế hoặc lập công ty để thực hiện nó. Ngân hàng sẽ tiếp sức bằng nguồn vốn cho vay.  Mục đích của ngân hàng là lợi nhuận.  Ở Mexico và ở Hoa Kỳ các ngân hàng theo các thể chế khác nhau. Ở hoa Kỳ cạnh tranh công khai và khốc liệt làm cho kinh tế phát triển nhanh chóng.  Ở Mexico, không có cạnh tranh giữa các ngân hàng, họ cấp tín dụng cho người có đặc quyền và người đã giàu rồi, những người sẽ sử dụng sự tiếp cận của họ để tăng sự kìm kẹp đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế.  Hình thức, mà ngành ngân hàng Mexico đã lấy trong các thế kỷ mười chín và hai mươi, đã là kết quả trực tiếp của các thể chế chính trị sau độc lập của nước này.

Không giống ở Mexico, ở Hoa Kỳ các công dân đã có thể kìm hãm và giải thoát khỏi các chính trị gia, những người lạm dụng chức vụ của mình để làm giàu cho mình hay tạo ra các độc quyền cho các cánh hẩu của mình.  Kết quả là, các độc quyền ngân hàng đã sụp đổ.  Sự phân bố rộng các quyền chính trị ở Hoa Kỳ, đặc biệt khi so sánh với Mexico, đã đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến tài chính và các khoản vay.  Ðiều này, đến lượt nó, lại đảm bảo rằng những người có các ý tưởng và các sáng chế có thể được hưởng lợi từ chúng.

SỰ THAY ĐỔI PHỤ THUỘC VÀO CON ĐƯỜNG

Thế giới đã thay đổi trong các năm 1870 và 1880.  Mỹ Latin đã không là ngoại lệ

Sự dai dẳng kéo dài vào thế kỷ hai mươi của một hình mẫu thể chế đặc thù không thân thiện với tăng trưởng ở Mexico và Mỹ Latin được minh họa rõ bởi sự thực rằng, hệt như trong thế kỷ mười chín, hình mẫu đã gây ra trì trệ kinh tế và bất ổn chính trị, các cuộc nội chiến và đảo chính, khi các phe nhóm tranh giành nhau vì các lợi ích quyền lực.  Cuộc Cách mạng Mexic được tiếp theo bởi các cuộc cách mạng khác ở Bolivia năm 1952, ở Cuba năm 1959, và Nicaragua năm 1979.  Trong lúc đó, các cuộc nội chiến kéo dài đã nổ ra ở Columbia, El Salvador, Guatemala, và Peru.  Sự chiếm đoạt hay sự đe dọa chiếm đoạt tài sản vẫn tiếp tục mau lẹ, với các cuộc cải cách nông nghiệp hàng loạt (hay các cuộc cải cách được thử) ở Bolivia, Brazil, Chile, Columbia, Guatemala, Peru, và Venezuela.  Các cuộc cách mạng, những sự chiếm đoạt và bất ổn chính trị đã đến cùng với các chính phủ quân sự và các chế độ độc tài thuộc nhiều loại.  Tuy cũng đã có một sự trôi dạt từ từ hướng về các quyền chính trị rộng lớn hơn, nhưng chỉ đến các năm 1990 thì hầu hết các nước Mỹ Latin mới trở thành các nền dân chủ, và thậm chí khi đó chúng vẫn sa lầy trong bất ổn.

KIẾM MỘT HAY HAI TỶ

Những hệ lụy kéo dài của tổ chức xã hội thuộc địa, và của các di sản của các xã hội đó, định hình những sự khác biệt hiện đại giữa Mỹ và Mexico.  Sự tương phản giữa Bill Gates (Mỹ) và Carlos Salim (Mexico) đã trở thành hai người giàu nhất thế giới thế nào –Sự thăng tiến của Bill Gates ai cũng biết, nhưng địa vị của Gates với tư cách người giàu nhất thế giới và nhà sáng lập của một trong những công ty đối mới sáng tạo nhất về mặt công nghệ đã không ngăn cản Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình các vụ kiện dân sự chống lại Công ty Microsoft ngày 8- 5- 1998, cho rằng Microsoft đã lạm dụng sức mạnh độc quyền.

Ở Mexico, Carlos Salim đã không kiếm tiền bằng đổi mới sáng tạo.  Lúc đầu ông ta đã trội hơn về các giao dịch chứng khoán, và về mua và tân trang các hãng không có lời.  Phi vụ lớn nhất

của ông ta đã là việc thôn tính Telmex, công ty viễn thông độc quyền của Mexico được tư nhân nhóa năm 1990.  Cho dù Carlos Salim đã không đặt giá cao nhất, ông đã thắng thầu.  Thay cho việc trả tiền ngay cho các cố phiếu, Salim đã dàn xếp được việc thanh toán chậm, sử dụng cổ tức của bản thân Telmex để trả cho cổ phiếu.  Cái từng là độc quyền nhà nước nay đã trở thành độc quyền của Salim, và nó đã sinh lợi khổng lồ.

Các thể chế kinh tế, mà đã biến Carlos Salim thành người là ông ta, là rất khác với các thể chế ở Hoa Kỳ.  Nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp ở Mexico, các rào cản gia nhập đóng một vai trò quyết định tại mọi giai đoạn của sự nghiệp của bạn.  Các rào cản này bao gồm các giấy phép đắt tiền mà bạn phải kiếm được, tệ quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính trị gia và những người đang ở trong ngành đứng cản đường bạn, và sự khó khăn để kiếm được tài trợ từ một khu vực tài chính mà thường móc ngoặc với những người đang trong ngành mà bạn thử cạnh tranh với.  Các rào cản này hoặc có thể là không thể vượt qua được, ngăn không cho bạn vào các lĩnh vực sinh lợi, hay là chiến hữu lớn nhất của bạn, giữ không cho các đối thủ cạnh tranh của bạn đến gần.  Sự khác biệt giữa hai kịch bản, tất nhiên, là, bạn biết ai và có thể ảnh hưởng đến ai – và phải, bạn có thể đút lót ai.  Carlos Slim, một người có tài, có tham vọng, từ một nền tảng tương đối khiêm tốn của những người nhập cư Liban, đã là một bậc thầy về nhận được các hợp đồng độc quyền; ông đã tìm được cách để độc chiếm thị trường viễn thông béo bở ở Mexico, và sau đó mở rộng tầm với của ông ra phần còn lại của Mỹ Latin.

Slim đã kiếm được tiền trong nền kinh tế Mexic phần nhiều nhờ các mối quan hệ chính trị của ông.  Khi đánh bạo sang Hoa Kỳ kinh doanh, ông đã không thành công.  Khi Slim phải chịu các thể chế của Hoa Kỳ, các chiến thuật thông dụng của ông để kiếm tiền đã không có kết quả.

 

HƯỚNG TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG THẾ GIỚI

Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng.  Những sự khác biệt giữa các quốc gia là gống như những khác biệt giữa hai phần của Nogales (Arizona- Bắc và Sonora- Nam, cách nhau một hàng rào), và chỉ trên quy mô lớn hơn.  Tính bất bình đẳng này không chỉ có các hậu quả đối với cuộc sống của từng con người trong các nước nghèo; nó cũng gây ra nỗi bất bình và oán giận với những hậu quả chính trị khổng lồ ở Hoa Kỳ và những nơi khác.  Hiểu vì sao những khác biệt này tồn tại và cái gì gây ra chúng là tiêu điểm của chúng ta trong cuốn sách này.

Lý do mà Arizona, giàu hơn nhiều so với Sonora, là đơn giản; chính bởi vì các thể chế rất khác nhau ở hai bên biên giới, mà các thể chế đó tạo ra những khuyến khích rất khác nhau cho cư dân của Arizona, đối lại Sonora.  Hoa Kỳ ngày nay cũng giàu hơn Mexico hay Peru rất nhiều bởi vì cách các thể chế kinh tế và chính trị của nó định hình các khuyến khích của các doanh nghiệp, các cá nhân, và các chính trị gia.  Các thể chế kinh tế định hình các khuyến khích kinh tế.  Chính quá trình chính trị là cái xác định các thể chế kinh tế nào mà nhân dân sống dưới, và chính các thể chế chính trị là cái xác định quá trình này hoạt động ra sao.  Các thể chế chính trị bao gồm quyền lực và năng lực của nhà nước để điều tiết và cai trị xã hội.

Vì các thể chế ảnh hưởng đến ứng xử và các khuyến khích trong cuộc sống thực, chúng tạo ra sự thành công hay sự thất bại của các quốc gia.  Tài năng cá nhân là quan trọng ở mọi mức của xã hội, nhưng ngay cả cái đó cũng cần một khung thể chế để biến nó thành một lực tích cực.

Cuốn sách này sẽ chứng tỏ rằng các thể chế kinh tế là cốt yếu cho việc xác định liệu một nước là nghèo hay giàu, chính trị và các thể chế chính trị là cái quyết định một nước có các thể chế kinh tế nào.  Lý thuyết của chúng ta về sự bất bình đẳng thế giới cho thấy các thể chế chính trị và kinh tế tương tác với nhau thế nào trong việc gây ra sự nghèo khổ và sự thịnh vượng, Tuy các thể chế là chìa khóa cho các khác biệt giữa hai phần của Nogales và giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều đó không có nghĩa rằng sẽ có sự đồng thuận ở Mexico để thay đổi các thể chế.  Không có sự tất yếu nào đối với một xã hội để phát triển các thể chế tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế hay cho phúc lợi của các công dân của nó, bởi vì các thể chế khác có thể thậm chí còn tốt hơn cho những người kiểm soát chính trị và các thể chế chính trị.  Những kẻ có quyền thế lớn và những người còn lại của xã hội thường không đồng ý về tập nào của các thể chế nên giữ nguyên và tập nào phải thay đổi Bởi vì không có sự đồng thuận như vậy, việc xã hội kết thúc với các quy tắc nào được quyết định bởi chính trị: ai có quyền lực và quyền lực này có thể được sử dụng thế nào.  Carlos Slim có quyền lực để có được cái ông ta muốn.  Quyền lực của Bill Gates bị hạn chế hơn rất nhiều.  Ðó là vì sao lý thuyết của chúng ta không chỉ là về kinh tế học mà cũng về chính trị học.  Nó là về các tác động của các thể chế lên thành công hay thất bại của các quốc gia – như thế là kinh tế học về nghèo khó và thịnh vượng; nó cũng là về các thể chế được xác định và thay đổi thế nào theo thời gian, và chúng thất bại ra sao để thay đổi ngay cả khi chúng tạo ra sự nghèo khó và khốn khổ cho hàng triệu người – như thế là chính trị học về nghèo khó và thịnh vượng.

(Đoạn 2)

7-12-2018

 

Chương 2: CÁC LÝ THUYẾT KHÔNG HOẠT ÐỘNG

ĐỊA HÌNH – ĐỊA VẬT

Tiêu điểm của cuốn sách là giải thích sự bất bình đẳng thế giới và cả một vài hình mẫu rộng có thể nhìn thấy dễ dàng ẩn núp bên trong nó. Nơi đầu tiên trải qua sự tăng trưởng kinh tế bền vững là nước Anh. Vào đầu thế kỷ 21, các nước giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người trên 20.000 đô la/năm. Các nước nghèo nhất, dưới 2000.

Tác giả dẫn ra các nước giàu và nghèo trong khoảng gần 2 thế kỷ vừa qua. Ở châu Mỹ, nước giàu là Hoa Kỳ, Canada, theo sau là Chile, Argentina, Brazil, Mexico, nước nghèo như Bolivia, Guatemala, và Paraguay. Châu Phi có nhiều nước nghèo ở vùng Hạ Sahara. Châu Á có các nước giàu như Nhật, Đài loan, Hàn quốc, Singapore, các nước nghèo như Afghanistan, Haiti và các phần của Ðông Nam Á (thí dụ, Campuchia và Lào). Bắc Triều Tiên.

Cái gì giải thích những sự khác biệt lớn này về nghèo khó và thịnh vượng và các hình mẫu tăng trưởng? Vì sao các quốc gia Tây Âu và các nhánh thuộc địa của chúng đầy người định cư Âu châu bắt đầu tăng trưởng trong thế kỷ mười chín, hầu như không nhìn lại? Cái gì giải thích sự xếp hạng dai dẳng về bất bình đẳng ở bên trong châu Mỹ? Vì sao các quốc gia Phi châu hạ-Sahara và Trung Ðông đã không đạt kiểu tăng trưởng thấy ở Tây Âu, trong khi phần lớn Ðông Á đã trải nghiệm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh dễ gây tai nạn?

Người ta có thể nghĩ là, sự thực rằng sự bất bình đẳng thế giới là hết sức lớn và hợp logic và có các hình mẫu được vẽ sắc nét như vậy, thì có nghĩa rằng nó có một sự giải thích được chấp nhận rộng rãi. Không phải vậy. Hầu hết các giả thuyết mà các nhà khoa học xã hội đã đề xuất cho nguồn gốc của sự nghèo khó và thịnh vượng đơn giản không hoạt động và không giải thích được tình hình một cách thuyết phục.

GIẢ THUYẾT ĐỊA LÝ

Một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi về các nguyên nhân của sự bất bình đẳng thế giới là giả thuyết địa lý, cho rằng sự cách biệt [divide] lớn giữa các nước giàu và nghèo được tạo ra bởi những khác biệt địa lý. Sự bất bình đẳng thế giới, tuy vậy, không thể được giải thích bằng khí hậu hay bệnh tật, hay bất cứ phiên bản nào của giả thuyết địa lý. Hãy chỉ nghĩ về Nogales. Cái tách hai phần ra không phải là khí hậu, địa lý, hay môi trường bệnh tật, mà là biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích nổi những khác biệt giữa bắc và nam Nogales, hay Bắc và Nam Hàn, hay Ðông và Tây Ðức trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, liệu nó vẫn có thể là một lý thuyết hữu ích cho việc giải thích những khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ? Giữa châu Âu và châu Phi.

Một phiên bản khác có ảnh hưởng của giả thuyết địa lý đã được thúc đẩy bởi nhà sinh thái học và sinh học tiến hóa Jared Diamond. Ông cho rằng những nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa các lục địa vào lúc đầu của thời kỳ hiện đại, năm trăm năm trước, đã dựa vào các nguồn lực lịch sử khác nhau về các loài thực vật và động vật, mà sau đó đã ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Lập luận của Diamond cũng đã bị thực tế bác bỏ.

Giả thuyết địa lý không chỉ không hữu ích cho việc giải thích nguồn gốc của sự thịnh vượng suốt lịch sử, và đa phần là sai trong sự nhấn mạnh của nó, mà cũng không có khả năng giải thích thế đất (tình hình đặc trưng) mà chúng ta đã bắt đầu chương này

Cuối cùng, các yếu tố địa lý là không hữu ích cho việc giải thích không chỉ những khác biệt mà chúng ta thấy khắp các phần khác nhau của thế giới, mà cũng chẳng giúp ích cho việc giải thích vì sao các quốc gia như Nhật Bản hay Trung Quốc lại trì trệ trong các thời kỳ dài và rồi bắt đầu một quá trình tăng trưởng nhanh. Chúng ta cần một lý thuyết khác, tốt hơn.

GIẢ THUYẾT VĂN HÓA

Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi thứ hai, giả thuyết văn hóa, liên kết thịnh vượng với văn hóa. Giả thuyết văn hóa không chỉ dựa vào tôn giáo, mà nhấn mạnh cả các loại khác của niềm tin, giá trị, và đạo đức.

Nhiều người vẫn cho rằng những người châu Phi nghèo bởi vì họ thiếu một đạo lý làm việc tốt, vẫn tin vào phù thủy và ma thuật, rằng Mỹ Latin sẽ chẳng bao giờ giàu bởi vì người dân của nó hoang toàng và túng quẫn, Tất nhiên, nhiều người một thời đã tin rằng văn hóa Trung Quốc hay các giá trị khổng giáo là không thân thiện với tăng trưởng kinh tế, mặc dù ngày nay người ta om sòm nói về tầm quan trọng của văn hóa làm việc Trung Hoa như động cơ tăng trưởng ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Singapore.

Giả thuyết văn hóa có hữu ích cho việc hiểu sự bất bình đẳng thế giới? Có và không. Có, theo nghĩa rằng các chuẩn mực xã hội có liên quan đến văn hóa, là có ý nghĩa và khó thay đổi, Nhưng thường là không, bởi vì các khía cạnh đó của văn hóa không quan trọng cho việc hiểu về làm thế nào chúng ta lại tới đây và vì sao sự bất bình đẳng thế giới lại dai dẳng. Các khía cạnh khác, thí dụ như mức độ mà người dân tin cậy lẫn nhau hoặc có khả năng hợp tác, là quan trọng nhưng chủ yếu chúng là kết quả của các thể chế, chứ không phải là nguyên nhân độc lập.

Trung Quốc, bất chấp nhiều thiếu sót trong hệ thống kinh tế và chính trị của nó, đã là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của ba thập kỷ vừa qua. Sự nghèo khó của Trung Quốc cho đến cái chết của Mao Trạch Ðông đã chẳng liên quan gì đến văn hóa Trung Hoa.

Giả thuyết văn hóa cũng vô ích cho sự giải thích các khía cạnh khác của địa hình địa thế [tình hình] xung quanh chúng ta ngày nay. Tất nhiên, có những khác biệt về lòng tin, thái độ văn hóa, và các giá trị giữa Hoa Kỳ và Mỹ Latin, nhưng hệt như những khác biệt giữa Arizona, và Sonora, hoặc giữa Bắc và Nam Hàn, những khác biệt này là hệ quả của các thể chế và lịch sử thể chế khác nhau của hai nơi. Cuối cùng, các thái độ văn hóa, mà nói chung là chậm để thay đổi, bản thân chúng không chắc giải thích được sự tăng trưởng kỳ diệu ở Ðông Á và Trung Quốc. Mặc dù các thể chế tồn tại dai dẳng, trong những hoàn cảnh nhất định chúng cũng thay đổi nhanh chóng, như chúng ta sẽ thấy.

GIẢ THUYẾT DỐT NÁT

Lý thuyết được ưa chuộng cuối cùng về giàu nghèo là giả thuyết dốt nát. Nó khẳng định rằng sự bất bình đẳng thế giới tồn tại bởi vì chúng ta hay những kẻ cai trị chúng ta không biết làm thế nào để biến các nước nghèo thành giàu.

Mặc dù giả thuyết dốt nát vẫn ngự trị cao nhất giữa hầu hết các nhà kinh tế học và trong giới làm chính sách phương Tây, nhưng nó không giải thích được các nguồn gốc của thịnh vượng quanh thế giới và cũng chẳng giải thích được tình hình (thế đất) quanh chúng ta – thí dụ, vì sao một số quốc gia, chẳng hạn Mexico và Peru, chứ không phải Hoa Kỳ hay Anh, đã chấp nhận các thể chế và các chính sách bần cùng hóa đa số công dân của họ, hay vì sao hầu như toàn bộ châu Phi hạ-Sahara và hầu hết Trung Mỹ lại nghèo hơn Tây Âu hay Ðông Á rất nhiều.

Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng việc đạt sự thịnh vượng phụ thuộc vào việc giải [quyết] một số vấn đề chính trị cơ bản. Chính xác bởi vì kinh tế học đã giả thiết rằng các vấn đề chính trị đã được giải mà nó đã không có khả năng tìm ra một lời giải thích thuyết phục cho sự bất bình đẳng thế giới. Việc giải thích sự bất bình đẳng thế giới vẫn cần đến kinh tế học để hiểu các loại khác nhau của các chính sách và những dàn xếp xã hội ảnh hưởng thế nào đến các khuyến khích và hành vi kinh tế. Nhưng nó cũng cần chính trị học.

Chương 3: TẠO RA THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO KHÓ

KINH TẾ HỌC VĨ TUYẾN 38

Vĩ tuyến 38 phân cách Triều Tiên (Bắc) và Nam Hàn từ 1945. Các chính phủ ở Bắc và Nam đã chọn những cách khác nhau để tổ chức nền kinh tế của họ. Nam Hàn đã không là một nền dân chủ. Cả Lý Thừa Vãn và Păc Chung Hy, đã đảm bảo các vị trí của họ trong lịch sử như các tổng thống chuyên quyền. Nhưng cả hai đã cai trị một nền kinh tế thị trường nơi quyền tài sản tư nhân được công nhận, và sau 1961 Pắc đã thực sự dùng sức mạnh và ảnh hưởng của nhà nước để ủng hộ sự tăng trưởng nhanh, hướng tín dụng và các khoản trợ cấp cho các hãng thành công.

Tình hình ở phía bắc đã khác. Kim Nhật Thành, một nhà lãnh đạo của những người du kích cộng sản, đã xác lập mình như nhà độc tài vào năm 1947 và, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã đưa vào một dạng cứng nhắc của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như một phần của cái gọi là hệ thống Tự lực, chẳng bao lâu đã chứng tỏ là một thảm họa. Trong khi đó, ở miền Nam, các thể chế kinh tế khích lệ đầu tư và thương mại. Nam Hàn mau chóng trở thành một trong những “Nền kinh tế Thần kỳ” của Ðông Á, một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Không phải văn hóa, chẳng phải địa lý, cũng chẳng phải sự dốt nát có thể giải thích các con đường rẽ theo các hướng hoàn toàn khác nhau của Triều Tiên và Nam Hàn. Chúng ta phải ngó tới các thể chế để có một câu trả lời.

CÁC THỂ CHÊ KINH TẾ: DUNG HỢP VÀ CHIẾM ĐOẠT

 Các nước khác nhau về thành công kinh tế của họ bởi vì các thể chế khác nhau của họ, các quy tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế hoạt động như thế nào, và các khuyến khích làm động cơ thúc đẩy người dân.

Sự tương phản của Nam và Bắc Triều Tiên, của Hoa Kỳ và Mỹ Latin, minh họa một nguyên lý chung. Các thể chế kinh tế dung hợp (inclusive) như ở Hoa kỳ và Nam Hàn khuyến khích hoạt động kinh tế, sự tăng năng suất, và sự thịnh vượng kinh tế. Các quyền tài sản tư nhân an toàn là chính yếu, bởi vì chỉ những người với các quyền như vậy mới sẽ sẵn sàng đầu tư và tăng năng suất.

Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên hay của Mỹ Latin thuộc địa không có các tính chất này. Quyền tài sản tư nhân không tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Ở Mỹ Latin thuộc địa, đã có tài sản tư nhân cho người Tây Ban Nha, nhưng tài sản của người bản địa đã rất không an toàn. Chúng ta gọi các thể chế như vậy là các thể chế kinh tế chiếm đoạt (extractive) bởi vì các thể chế ấy được thiết kể để vắt, chiết, khai thác thu nhập và của cải từ tập hợp của xã hội để cho một tập con khác chiếm đoạt.

CÁC ĐỘNG CƠ CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG

Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra các thị trường không chỉ trao cho người dân quyền tự do để theo đuổi nghề nghiệp phù hợp nhất với tài năng của họ trong cuộc sống mà cũng tạo ra một sân chơi bằng phẳng tạo cho họ cơ hội để làm. Những người có các ý tưởng hay sẽ có khả năng khởi tạo các doanh nghiệp, những người lao động có xu hướng đi làm các công việc nơi năng suất của họ lớn hơn, và các hãng kém hiệu quả có thể được thay bằng các hãng hiệu quả hơn. Thể chế này cũng mở đường cho hai động cơ khác của sự thịnh vượng: công nghệ và giáo dục.

Khả năng của các thể chế kinh tế để khai thác tiềm năng của các thị trườngdung hợp, khuyến khích đổi mới công nghệ, đầu tư vào con người, và động viên tài năng và kỹ năng của số đông cá nhân là cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế. Giải thích vì sao rất nhiều thể chế kinh tế không thỏa mãn các mục tiêu đơn giản này là chủ đề trung tâm của cuốn sách này.

CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ DUNG HỢP VÀ CHIẾM ĐOẠT

Chính trị là một quá trình, theo đó một xã hội chọn ra các quy tắc mà sẽ chi phối nó. Trong khi các thể chế dung hợp có thể là tốt cho sự thịnh vượng của một quốc gia, thì một số người hay nhóm, sẽ khấm khá hơn rất nhiều bằng cách dựng lên các thể chếchiếm đoạt (thí dụ lãnh đạo của các chính quyền độc tài, toàn trị). Khi có sự xung đột về các thể chế, cái gì xảy ra sẽ phụ thuộc vào những người nào hay các nhóm nào chiến thắng trong trò chơi chính trị – ai có thể kiếm được nhiều sự ủng hộ, nhận được các nguồn lực thêm, và tạo được các liên minh hữu hiệu hơn. Tóm lại, ai thắng phụ thuộc vào phân bố quyền lực chính trị trong xã hội.

Các thể chế chính trị xác định ai có quyền lực trong xã hội và quyền lực đó có thể được sử dụng cho các mục đích nào. Nếu sự phân bố quyền lực là hẹp và không bị ràng buộc, thì các thể chế chính trị là chuyên chế (absolutist), như được minh họa bởi các các nền quân chủ chuyên chế trị vì trên khắp thế giới trong phần lớn lịch sử. Dưới các thể chế chính trị chuyên chế như ở Bắc Triều Tiên và Mỹ Latin thuộc địa, những người có thể nắm quyền lực này sẽ có khả năng đặt ra các thể chế kinh tế để làm giàu cho chính họ và làm tăng quyền lực của họ gây phí tổn cho xã hội.

Ngược lại, các thể chế chính trị mà phân phối quyền lực rộng rãi trong xã hội và bắt nó phải chịu các ràng buộc, là các thể chế đa nguyên. Thay cho việc được trao cho một cá nhân duy nhất hay một nhóm hẹp, quyền lực chính trị thuộc về một liên minh rộng hay một đa số của các nhóm.

Max Weber đã có định nghĩa nổi tiếng về nhà nước, đồng nhất nó với “độc quyền về bạo lực hợp pháp” trong xã hội. Không có sự độc quyền như vậy và một mức độ tập trung hóa mà nó cần phải có, nhà nước không thể đóng vai trò của nó với tư cách người thực thi pháp luật và trật tự, chưa kể đến cung cấp các dịch vụ công và cổ vũ và điều tiết hoạt động kinh tế. Khi nhà nước không đạt hầu như bất cứ sự tập trung hóa chính trị nào, thì xã hội sớm muộn sẽ sa đọa vào hỗn loạn,

Có sự đồng vận [synergy] mạnh giữa các thể chế kinh tế và chính trị. Các thể chế chính trị chiếm đoạt tập trung quyền lực vào tay một elite hẹp và đặt ít ràng buộc lên việc sử dụng quyền lực này. Các thể chế chính trị dung hợp trao quyền lực một cách rộng rãi, sẽ có xu hướng nhổ bật rễ các thể chế kinh tế tước đoạt nguồn lực của nhiều người, dựng các rào cản gia nhập, và ngăn hoạt động của các thị trường sao cho chỉ một số ít được hưởng lợi.

Các thể chế kinh tế dung hợp sẽ không được ủng hộ và cũng đã chẳng được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt. Hoặc chúng sẽ biến thành các thể chế kinh tế chiếm đoạt làm lợi cho các nhóm lợi ích hẹp nắm quyền, hoặc động học kinh tế mà chúng tạo ra sẽ gây bất ổn cho các thể chế chính trị chiếm đoạt, mở đường cho sự nổi lên của các thể chế chính trị dung hợp. Các thể chế kinh tế dung hợp cũng có xu hướng làm giảm các lợi ích mà elite có thể hưởng bằng thống trị các thể chế chính trị chiếm đoạt, vì các thể chế đó đối mặt với cạnh tranh trên thương trường và bị ràng buộc bởi các hợp đồng và các quyền tài sản của phần còn lại của xã hội.

VÌ SAO KHÔNG LUÔN LUÔN CHỌN SỰ THỊNH VƯỢNG

Các thể chế chính trị và kinh tế, có thể là dung hợp, nó khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế. Hoặc có thể là chiếm đoạt, nó trở thành những vật cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia thất bại khi chúng có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt, chúng cản trở và thậm chí chặn sự tăng trưởng kinh tế.

 Có vẻ hiển nhiên rằng mọi người đều có lợi ích trong việc tạo ra loại thể chế kinh tế mang lại thịnh vượng. Chẳng phải mọi công dân, mọi chính trị gia, và thậm chí một nhà độc tài cướp bóc đều muốn làm cho nước mình càng giàu càng tốt? Không đâu! Tăng trưởng kinh tế, do các thể chế có thể mang lại, tạo ra cả những người thắng và những kẻ thua, có thể đồng thời tái phân phối thu nhập và quyền lực theo một cách mà kẻ độc tài cướp bóc và những kẻ khác có quyền lực chính trị có thể trở nên tệ hơn, chứ không phải khá hơn. Ðiều này đã là rõ trong Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh,

Như thế sự tăng trưởng tiến lên chỉ đạt được nếu không bị chặn bởi những kẻ thua kinh tế hoặc thua chính trị. Thua kinh tế đối với người lường trước rằng các đặc quyền kinh tế của họ sẽ bị mất, thua chính trị đối với những người sợ rằng quyền lực chính trị của họ bị xói mòn.

Trong một chính thể chuyên chế, một số elite có thể sử dụng quyền lực để dựng lên các thể chế kinh tế họ ưa thích. Cách duy nhất để làm thay đổi các thể chế chính trị chuyên chế này là phải buộc elite tạo ra các thể chế đa nguyên hơn.

SỰ THỐNG KHỔ ĐẰNG ĐẲNG CỦA CONGO

Congo là một quốc gia nghèo khổ ở Châu Phi trong suốt chiều dài lịch sử.

Trước đây Vương quốc Congo được cai trị bởi nhà vua. Các vùng xa thủ đô được cai trị bởi một elite, đóng các trò thống đốc của các phần khác nhau của vương quốc. Sự giàu có của tầng lớp elite này dựa trên các đồn điền nô lệ và việc khai thác thuế. Các loại thuế rất tùy tiện; một loại thuế thậm chí đã được thu mỗi khi mũ của vua rơi xuống. Ðể trở nên thịnh vượng hơn, người dân Congo lẽ ra đã phải tiết kiệm và đầu tư. Nhưng đã không bõ công, vì mọi sản lượng thêm mà họ sản xuất ra với công nghệ tốt hơn đều sẽ bị vua và elite của ông ta tước đoạt.

Sau nhiều năm là thuộc địa, Congo độc lập vào năm 1960, Các thể chế kinh tế chiếm đoạt của Congo lại được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt cao độ. Tổng thống Mobutu đã sử dụng nhà nước để làm giàu cho mình và cho các cánh hẩu của ông.

Lịch sử của Vương quốc, và gần đây hơn của Congo, minh họa một cách sinh động cho việc các thể chế chính trị xác định các thể chế kinh tế ra sao và, thông qua các thể chế này, xác định các khuyến khích kinh tế và quy mô cho tăng trưởng kinh tế như thế nào. Nó cũng minh họa mối quan hệ cộng sinh giữa chủ nghĩa chuyên chế chính trị và các thể chế kinh tế trao quyền và làm giàu cho số ít gây thiệt hại cho số đông.

TĂNG TRƯỞNG DƯỚI CÁC THỂ CHẾ CHIẾM ĐOẠT

Congo ngày nay là một thí dụ cực đoan, với sự vô luật pháp và các quyền tài sản rất không an toàn. Tuy vậy, trong hầu hết trường hợp sự cực đoan như vậy không phục vụ cho lợi ích của elite, vì nó sẽ phá hủy tất cả các khuyến khích kinh tế và tạo ra ít nguồn lực để khai thác. Luận đề trung tâm của cuốn sách này là, tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng gắn với các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp, trong khi các thể chế chiếm đoạt dẫn đến sự trì trệ và nghèo khó. Nhưng điều này không ngụ ý rằng các thể chế chiếm đoạt chẳng bao giờ có thể tạo ra tăng trưởng, cũng chẳng ngụ ý rằng tất cả các thể chế chiếm đoạt được tạo ra bằng nhau.

Có hai cách khác biệt nhưng bổ sung cho nhau mà theo đó tăng trưởng có thể nổi lên dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt. Thứ nhất, cho dù các thể chế kinh tế là chiếm đoạt, tăng trưởng là có thể khi elite trực tiếp phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động có năng suất cao mà bản thân họ kiểm soát..

Một thí dụ là tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa ở Liên Xô từ Kế hoạch Năm Năm lần thứ nhất trong năm 1928 cho đến tận các năm 1970. Các thể chế chính trị và kinh tế đã mang tính chiếm đoạt có thể đạt sự tăng trưởng kinh tế nhanh bởi vì nó đã có thể sử dụng quyền lực của nhà nước để chuyển các nguồn lực từ nông nghiệp, nơi chúng đã được sử dụng rất kém hiệu quả, sang công nghiệp.

Loại thứ hai của tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt xuất hiện khi các thể chế cho phép sự phát triển của các thể chế kinh tế dung hợp một chút, cho dù không hoàn toàn. Nhiều xã hội với các thể chế chính trị chiếm đoạt sẽ lảng tránh các thể chế kinh tế dung hợp bởi vì sợ sự phá hủy có tính sáng tạo (phá hủy cái cũ, lỗi thời, sáng tạo ra cái mới). Nhưng mức độ, mà elite tìm được cách để chiếm độc quyền quyền lực, thay đổi qua các xã hội. Trong một vài xã hội, vị thế của elite đã có thể đủ an toàn nên họ có thể cho phép một số bước hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp khi họ khá chắc chắn rằng việc này sẽ không đe dọa quyền lực chính trị của họ. Một cách lựa chọn khả dĩ khác, tình thế lịch sử đã có thể đến nỗi ban cho một chế độ chính trị chiếm đoạt các thể chế kinh tế khá dung hợp mà họ quyết định không chặn lại. Những cách này cung cấp cách thứ hai mà theo đó tăng trưởng kinh tế có thể xảy ra dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt.

Công nghiệp hóa nhanh chóng của Nam Hàn dưới thời Tướng Park là một thí dụ. Park lên nắm quyền qua một cuộc đảo chính năm 1961, nhưng ông đã làm vậy trong một xã hội được ủng hộ mạnh mẽ bởi Hoa Kỳ và với một nền kinh tế nơi các thể chế kinh tế về thực chất đã là dung hợp. Mặc dù chế độ của Park là độc đoán, nó đã cảm thấy đủ an toàn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và thực tế đã làm vậy một cách rất tích cực Khác với Liên Xô và hầu hết các trường hợp khác của tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt, Nam Hàn đã chuyển đổi từ các thể chế chính trị chiếm đoạt sang thể chế chính trị dung hợp trong các năm 1980. Sự chuyển đổi thành công này đã là do một sự hợp lưu của các yếu tố.

Cuối cùng, khi sự tăng trưởng đến dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt nhưng ở nơi các thể chế kinh tế có các khía cạnh dung hợp, như chúng đã là ở Nam Hàn, luôn luôn có mối hiểm nguy rằng các thể chế kinh tế trở nên chiếm đoạt hơn và sự tăng trưởng ngừng lại. Những người kiểm soát quyền lực chính trị cuối cùng sẽ thấy có lợi hơn để sử dụng quyền lực của họ để hạn chế cạnh tranh, để làm tăng phần của họ trong chiếc bánh, hay thậm chí để ăn cắp và cướp bóc từ những người khác hơn là ủng hộ sự tiến bộ kinh tế. Sự phân bố và khả năng để sử dụng quyền lực cuối cùng sẽ làm xói mòn chính nền tảng của sự thịnh vượng kinh tế, trừ phi các thể chế chính trị được biến đổi từ chiếm đoạt thành dung hợp.

(Đoạn 3)

 

8-12-2018

Chương 4.- NHỮNG KHÁC BIỆT NHỎ VÀ CÁC BƯỚC NGOẶT

THẾ GIỚI DO DỊCH HẠCH GÂY RA

Vào khoảng năm 1346, bệnh dịch hạch giết chết khoảng nửa số dân ở những nơi nó tràn qua, từ vùng Địa Trung hải, đến Bắc Phi, Pháp và Anh. Thế nhưng thảm họa dịch hạch cũng đã có một tác động biến đổi về mặt xã hội, kinh tế, và chính trị lên Âu châu trung cổ.

Vào thế kỷ thứ14, châu Âu đã có một trật tự phong kiến Các nông dân, bởi vì địa vị “nô lệ” của họ, đã được gọi là các nông nô, bị gắn liền với đất, không có khả năng di chuyển đi nơi khác. Ðó đã là một hệ thống mang tính chiếm đoạt hết sức cao, với của cải chảy từ nhiều nông dân lên phía trên cho ít chúa đất.

Sự khan hiếm lao động nghiêm trọng do dịch hạch gây ra đã làm rung chuyển nền tảng của trật tự phong kiến. Nó đã khuyến khích các nông dân đòi thay đổi. Nông dân đã đòi giảm nhiều loại tiền phạt và việc làm không được trả công. Họ đã nhận được cái họ muốn,

Các nông dân đã bắt đầu giải phóng mình khỏi lao dịch bắt buộc và nhiều nghĩa vụ với các chúa đất của họ. Chính phủ đã thử chấm dứt việc này và, vào năm 1351, đã thông qua Ðạo luật [về Những người] Lao động (Statute of Laborers). Nỗ lực của nhà nước Anh để ngăn những sự thay đổi đã không có hiệu lực. Dịch vụ lao động phong kiến teo dần đi, một thị trường lao động dung hợp đã bắt đầu nổi lên ở nước Anh, và tiền công tăng lên.

Các tác động trở nên đặc biệt rõ sau năm 1500, khi Tây Âu bắt đầu cần đến những hàng hóa nông nghiệp được sản xuất ở Ðông Âu như lúa mỳ, lúa mạch và gia súc. Khi nhu cầu của Tây Âu tăng, các chúa đất Ðông Âu đã siết chặt thêm sự kiểm soát của họ đối với lực lượng lao động để mở rộng cung. Nó đã được gọi là Chế độ Nông nô Thứ hai, khác biệt và hà khắc hơn dạng gốc của nó ở đầu Thời Trung Cổ. Các nông nô phải chịu các quy định này đã chiếm 90 phần trăm dân số nông thôn thời đó.

Tai họa dịch hạch là một thí dụ sinh động về bước ngoặt [critical juncture], một sự kiện lớn hay sự hợp lưu của những yếu tố phá vỡ sự cân bằng kinh tế hay chính trị hiện tồn trong xã hội. Một bước ngoặt là một con dao hai lưỡi mà có thể gây ra một sự rẽ đột ngột trong quỹ đạo của một quốc gia. Một mặt nó có thể mở đường cho sự phá vỡ chu trình của những thể chế chiếm đoạt và cho phép những thể chế dung hợp hơn nổi lên, như ở nước Anh. Hoặc nó có thể tăng cường sự nổi lên của những thể chếchiếm đoạt, như trường hợp của Chế độ Nông nô Thứ hai ở Ðông Âu.

Việc hiểu lịch sử và các bước ngoặt định hình thế nào con đường của các thể chế kinh tế và chính trị cho phép chúng ta có một lý thuyết đầy đủ hơn về nguồn gốc của những sự khác biệt về sự nghèo khó và thịnh vượng. Ngoài ra, nó cho phép chúng ta giải thích tình hình hiện nay và vì sao một số quốc gia chuyển đổi sang các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp trong khi các quốc gia khác lại không.

TẠO RA CÁC THỂ CHẾ DUNG HỢP

Nước Anh đã là độc nhất giữa các quốc gia khi nó có sự đột phá sang tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ mười bảy. Những thay đổi kinh tế lớn đã theo sau một cuộc cách mạng chính trị mà đã mang lại một tập khác biệt của các thể chế kinh tế và chính trị, mang tính dung hợp hơn rất nhiều so với các thể chế của xã hội trước. Cách mạng Vinh quang (1688) đã hạn chế quyền lực của nhà vua và hành pháp, và đã chuyển quyền lực cho Quốc hội để quyết định về các thể chế kinh tế. Ðồng thời nó đã mở hệ thống chính trị cho phần bao quát tiêu biểu của xã hội, những người đã có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách nhà nước hoạt động. Cách mạng Vinh quang đã là nền tảng cho việc tạo ra một xã hội đa nguyên, và nó đã được xây dựng trên và làm tăng tốc một quá trình tập trung hóa chính trị. Nó đã tạo ra tập hợp đầu tiên của các thể chế chính trị dung hợp của thế giới. Những tiến bộ công nghệ, khát vọng của các doanh nghiệp để mở rộng và đầu tư, và việc sử dụng hữu hiệu các kỹ năng và tài năng tất cả đã trở nên có thể bởi các thể chế kinh tế dung hợp mà nước Anh đã phát triển.

Nước Anh đã phát triển các thể chế chính trị dung hợp này bởi vì hai yếu tố. Thứ nhất đã là các thể chế chính trị, kể cả một nhà nước được tập trung hóa, mà đã cho phép nó tiến hành bước triệt để tiếp theo với sự ập tới của Cách mạng Vinh quang. Quan trọng hơn là yếu tố thứ hai. Các sự kiện dẫn tới Cách mạng Vinh quang đã rèn đúc một liên minh rộng và hùng mạnh có khả năng đặt các ràng buộc lâu bền lên quyền lực của chế độ quân chủ và hành pháp, mà đã buộc phải mở cho các đòi hỏi của liên minh này. Việc này đặt nền móng cho các thể chế chính trị đa nguyên, mà rồi đã cho phép phát triển các thể chế kinh tế mà sẽ làm nòng cốt cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất.

NHỮNG KHÁC BIỆT NHỎ MÀ QUAN TRỌNG

Bất bình đẳng thế giới đã tăng đột ngột đầy kịch tính với Cách mạng Công nghiệp Anh. Các thể chế chính trị Anh đã trên con đường của chúng đến chủ nghĩa đa nguyên lớn hơn rất nhiều vào năm 1688, so với các thể chế ở Pháp và Tây Ban Nha. Các con đường phân kỳ của các xã hội Anh, Pháp, và Tây Ban Nha trong thế kỷ mười bảy minh họa tầm quan trọng của sự tác động qua lại của những sự khác biệt nhỏ về thể chế và các bước ngoặt [critical junctures.

Trong thời gian bước ngoặt, một sự kiện lớn hay sự hợp lưu của các yếu tố phá vỡ sự cân bằng hiện tồn của quyền lực chính trị hay kinh tế trong một quốc gia. Những cái này có thể ảnh hưởng đến chỉ một quốc gia duy nhất, thí dụ như cái chết của Mao Trạch Ðông năm 1976. Tuy vậy, thường các bước ngoặt ảnh hưởng đến toàn bộ một tập các xã hội, theo cách mà, thí dụ, sự thuộc địa hóa và sau đó là sự phi thuộc địa hóa đã ảnh hưởng đến phần lớn địa cầu.

Khi một bước ngoặt xảy ra, những thay đổi nhỏ mà quan trọng là những khác biệt thể chế ban đầu mà chúng khởi động những sự đáp lại rất khác nhau. Ðấy là lý do vì sao những khác biệt thể chế tương đối nhỏ ở Anh, Pháp, và Tây Ban Nha đã dẫn đến những con đường phát triển khác nhau một cách cơ bản.

Nhưng đâu là nơi đầu tiên mà những khác biệt nhỏ về thể chế này xuất hiện và khởi động quá trình phân kỳ? Vì sao Ðông Âu đã có các thể chế chính trị và kinh tế khác với Tây Âu trong thế kỷ mười bốn? Vì sao sự cân bằng quyền lực giữa Quốc vương và Quốc hội ở Anh lại khác Pháp và Tây Ban Nha? Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, ngay cả các xã hội ít phức tạp hơn xã hội hiện đại của chúng ta rất nhiều cũng tạo ra các thể chế chính trị và kinh tế mà có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của các thành viên của nó.

Các hình mẫu phân kỳ phong phú về phát triển kinh tế xung quanh thế giới phụ thuộc vào sự tác động qua lại của các bước ngoặt và sự trôi dạt thể chế. Cái Chết Ðen và sự mở rộng thương mại thế giới sau 1600 đã là hai bước ngoặt lớn cho các cường quốc Âu châu và đã tương tác với các thể chế ban đầu khác nhau để tạo ra một sự phân kỳ lớn.

CON ĐƯỜNG TÙY THUỘC CỦA LỊCH SỬ

Những kết quả của các sự kiện trong các bước ngoặt được định hình bởi sức nặng của lịch sử. Năm 1588 chẳng ai đã có thể thấy trước các hệ quả của chiến thắng may mắn của Anh đánh bại hạm đội hùng hậu của Tây Ban Nha. Chắc không ai hiểu được rằng việc này sẽ gây ra một bước ngoặt dẫn đến một cách mạng chính trị lớn một thế kỷ sau.

Các bước ngoặt cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn theo hướng các thể chế chiếm đoạt hơn là theo hướng xa khỏi chúng. Cộng hòa Venice, như chúng ta sẽ thấy ở chương 6, đã tiến hành những bước dài quan trọng theo hướng các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp trong thời trung cổ. Nhưng trong khi các thể chế như vậy dần dần trở nên mạnh hơn ở nước Anh sau Cách mạng Vinh quang năm 1688, thì ở Venice cuối cùng chúng đã biến mình thành các thể chế chiếm đoạt dưới sự kiểm soát của một elite hẹp mà đã độc quyền hóa cả các cơ hội kinh tế lẫn quyền lực chính trị.

HIỂU ĐỊA HÌNH ĐỊA THẾ

Sự nổi lên của một nền kinh tế thị trường dựa trên các thể chế dung hợp và sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở nước Anh thế kỷ mười tám đã truyền đi các gợn sóng lăn tăn quanh thế giới. Một số phần của thế giới đã phát triển các thể chế rất gần các thể chế ở nước Anh. Tây Âu, trải qua nhiều quá trình lịch sử như nhau, đã có các thể chế giống của Anh vào thời Cách mạng Công nghiệp. Phần còn lại của thế giới đã đi theo các quỹ đạo thể chế khác nhau.

Châu Phi là phần của thế giới với các thể chế ít có khả năng nhất để tận dụng các cơ hội do Cách mạng Công nghiệp tạo ra. Ở phần lớn châu Phi các khoản lợi nhuận đáng kể là từ bán nô lệ

Tiến trình phát triển thể chế mà Nhật Bản đã vạch ra trong thế kỷ thứ mười chín lần nữa lại minh họa sự tương tác giữa các bước ngoặt và những khác biệt nhỏ do trôi dạt thể chế gây ra.

Chúng ta đã thấy, rằng các lý thuyết đựa vào địa lý, văn hóa, và sự dốt nát đều không hữu ích cho việc giải thích địa hình địa thế [tình hình] xung quanh chúng ta,

rằng quá trình phân kỳ kinh tế đã bắt đầu với Cách mạng Công nghiệp ở nước Anh trong các thế kỷ thứ mười tám và mười chín, rồi sau đó lan ra Tây Âu; sự phân kỳ dai dẳng giữa các phần khác nhau của châu Mỹ; sự nghèo khó của châu Phi và Trung Ðông; sự phân kỳ giữa Ðông và Tây Âu; và những sự chuyển đổi từ đình trệ sang tăng trưởng và đôi khi sự chấm dứt đột ngột của những cú thúc tăng trưởng.

Chúng ta sẽ thấy bằng cách nào và vì sao các bước quyết định theo hướng các thể chế chính trị dung hợp đã được đưa ra trong Cách mạng Vinh quang ở nước Anh. Chúng ta sẽ xem cụ thể hơn các vấn đề sau đây:

– Các thể chế bao gồm nổi lên thế nào từ sự tác động qua lại của bước ngoặt được tạo ra bởi thương mại Ðại Tây Dương và bản chất của các thể chế Anh tồn tại trước đó.

– Bằng cách nào các thể chế này tồn tại dai dẳng và trở nên được củng cố để đặt nền móng cho Cách mạng Công nghiệp, một phần nhờ vòng thiện, và một phần nhờ những diễn biến may mắn của sự tùy thuộc ngẫu nhiên.

– Có bao nhiêu chế độ ngự trị trên các thể chế chuyên chế và khai thác đã chống lại một cách kiên định sự truyền bá các công nghệ mới được Cách mạng Công nghiệp mở ra.

– Bản thân những người Âu châu đã dập tắt khả năng tăng trưởng kinh tế như thế nào ở nhiều phần của thế giới mà họ đã chinh phục.

– Bằng cách nào vòng luẩn quẩn và quy luật sắt của chính thể đầu sỏ đã tạo ra một xu hướng mạnh mẽ cho các thể chế khai thác tồn tại dai dẳng, và như thế các vùng đất nơi Cách mạng Công nghiệp ban đầu đã không lan tới vẫn tương đối nghèo.

– Vì sao Cách mạng Công nghiệp và các công nghệ mới khác đã không lan ra hay không chắc sẽ lan đến các nơi xung quanh thế giới ngày nay những nơi mà một mức độ tối thiểu của sự tập trung của nhà nước đã không đạt được.

Việc thảo luận của chúng ta sẽ cũng chứng tỏ rằng các vùng nhất định mà đã tìm được cách để biến đổi các thể chế theo hướng bao gồm hơn, như Pháp, Nhật Bản, hay đã cản việc thiết lập các thể chế khai thác, như Hoa Kỳ hoặc Autralia, đã dễ tiếp thu hơn sự lan tỏa của Cách mạng Công nghiệp và đã đi trước các nước còn lại. Như ở nước Anh, đấy đã không luôn luôn là một quá trình suôn sẻ, và dọc đường, nhiều thách thức đối với các thể chế bao gồm đã được khắc phục, đôi khi bởi vì động học của vòng thiện, đôi khi nhờ con đường tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử.

Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ thảo luận về sự thất bại của các quốc gia ngày nay bị ảnh hưởng nặng nề ra sao bởi lịch sử thể chế của họ, và bao nhiêu lời khuyên chính sách được thông báo bởi các giả thuyết không đúng và có thể làm cho lạc lối, và bằng cách nào các quốc gia vẫn có khả năng túm lấy các bước ngoặt và phá vỡ các khuôn đúc, các vòng kim cô để cải cách các thể chế của họ và bắt đầu bước lên con đường đến sự thịnh vượng lớn hơn.

 Chương 5.- “TÔI ÐÃ THẤY TƯƠNG LAI, VÀ NÓ HOẠT ÐỘNG”

TÔI ĐÃ THẤY TƯƠNG LAI

Những khác biệt thể chế đóng một vai trò cốt yếu trong giải thích sự tăng trưởng suốt các thời đại. Nhưng nếu hầu hết các xã hội trong lịch sử đều dựa vào các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt, thì điều này có ngụ ý rằng tăng trưởng chẳng bao giờ xảy ra? Hiển nhiên không. Các thể chế chiếm đoạt phải tạo ra của cải sao cho nó có thể được chiếm được.

Nhưng sự tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt khác về bản chất với sự tăng trưởng do các thể chế dung hợp sinh ra. Quan trọng nhất, nó sẽ không là sự tăng trưởng bền vững mà đòi hỏi sự thay đổi công nghệ, mà đúng hơn là sự tăng trưởng dựa trên các công nghệ hiện tồn. Quỹ đạo kinh tế của Liên Xô cung cấp một minh họa sinh động.

Năm 1922 CP Hoa Kỳ đã cử một phái đoàn do nhà ngoại giao trẻ, William Bullitt, dẫn đầu và một trí thức và nhà báo kỳ cựu Lincoln Steffens đi Moscow để gặp Lenin và cố hiểu ý định của những người Bolshevik. Steffens đã ở Nga vào thời cách mạng. Phái đoàn trở về với những nét phác họa của một đề nghị từ Lenin về chấp nhận gì cho hòa bình với Liên Xô mới được tạo ra. Steffens đã hết sức ngạc nhiên trước cái ông thấy, như tiềm năng to lớn của chế độ Soviet.

Stffens cho rằng “Nước Nga Soviet,” là một chính phủ cách mạng với một kế hoạch tiến hóa. Ông nói rằng “Tôi đã thấy tương lai, và nó hoạt động.”

Ngay cho đến đầu các năm 1980, nhiều người phương Tây vẫn thấy tương lai ở Liên Xô, và họ tiếp tục tin rằng nó hoạt động. Theo một nghĩa nó đã, hay chí ít nó đã hoạt động một thời gian. Lenin chết năm 1924, và vào năm 1927 Joseph Stalin đã củng cố sự kìm kẹp của mình trên cả nước. Ông đã thanh trừng các địch thủ của mình và phát động một đợt vận động để nhanh chóng công nghiệp hóa đất nước.

Cả ngành công nghiệp mới được tạo ra lẫn các nông trang tập thể đã không hiệu quả về mặt kinh tế theo nghĩa rằng chúng tận dụng tốt nhất các nguồn lực mà Liên Xô có. Thế nhưng Liên Xô đã tăng trưởng nhanh. Lý do cho việc này là không khó hiểu. Đó là sự chuyển đổi lao động nông nghiệp thô sơ sang lao động công nghiệp.

Mãi đến cuối 1977, một sách giáo khoa hàng đầu của một nhà kinh tế học Anh đã cho rằng các nền kinh tế kiểu Soviet là ưu việt hơn các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa về mặt tăng trưởng , tạo việc làm đầy đủ và ổn định giá cả và thậm chí về mặt tạo ra những người con người với động cơ thúc đẩy vị tha. Chủ nghĩa tư bản già nua tồi tàn đã làm tốt hơn chỉ ở việc cung cấp quyền tự do chính trị.

Mặc dù các chính sách của Stalin và các lãnh đạo Soviet kế tiếp đã có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh, họ đã không thể làm thế theo cách bền vững. Vào các năm 1970, tăng trưởng kinh tế hầu như đã bị ngừng. Bài học quan trọng nhất là, các thể chế khai thác không thể tạo ra sự thay đổi công nghệ bền vững vì hai lý do: sự thiếu các khuyến khích và sự chống đối của elite.

LIÊN XÔ đã có khả năng tạo ra sự tăng trưởng nhanh ngay cả dưới các thể chế chiếm đoạt bởi vì những người Bolshevik đã xây dựng một nhà nước tập trung hùng mạnh và sử dụng nó để phân bổ các nguồn lực sang công nghiệp. Nhưng như trong mọi trường hợp của tăng trưởng dưới các thể chếchiếm đoạt, kinh nghiệm này đã không dành vai nổi bật cho sự thay đổi công nghệ và đã không bền vững. Sự tăng trưởng đầu tiên chậm lại, rồi sau đó hoàn toàn xẹp xuống. Mặc dù chóng tàn, kiểu tăng trưởng này vẫn minh họa các thể chế khai thác có thể kích thích hoạt động kinh tế ra sao.

Trong phần còn lại của chương này, chúng ta đầu tiên sẽ thảo luận bản chất của những đổi mới thể chế mà thiết lập mức độ nào đó của sự tập trung hóa nhà nước và cho phép sự tăng trưởng dưới các thể chếchiếm đoạt. Sau đó chúng ta sẽ chứng tỏ các ý tưởng này sẽ giúp chúng ta thế nào để hiểu Cách mạng Ðồ đá Mới, sự chuyển đổi hết sức quan trọng sang nông nghiệp, mà làm nòng cốt cho nhiều khía cạnh của nền văn minh hiện tại của chúng ta. Chúng ta sẽ kết thúc bằng việc minh họa, với các thí dụ của các thành-quốc Maya, sự tăng trưởng dưới các thể chế khai thác bị hạn chế ra sao không chỉ bởi vì sự thiếu tiến bộ công nghệ, mà cũng bởi vì nó cũng khuyến khích sự ẩu đả từ các nhóm tranh đua muốn nắm sự kiểm soát nhà nước và sự khai thác mà nó tạo ra.

TRÊN BỜ SÔNG KASAI

Kasai là một trong những nhánh lớn của sông Congo. Nó là ranh giới giữa Lele nghèo và Bushong giàu. Hai bộ tộc có chung nguồn gốc và các ngôn ngữ họ hàng. Ngoài ra, nhiều thứ mà họ xây hay tạo ra là giống nhau về kiểu cách, bao gồm nhà, quần áo, và đồ thủ công.

Có những khác nhau về kỹ thuật canh tác, về số mùa vụ trong năm, về các giống cây trồng về kỹ thuật và công cụ đánh bắt, Cũng đã có những khác biệt nổi bật về luật và trật tự.

Cái gì nằm đằng sau những khác biệt này. Hiển nhiên không phải là địa lý đã khiến những người Lele sử dụng công nghệ săn bắn và nông nghiệp thấp. Ðã chắc chắn không phải là sự vô minh, sự không biết, bởi vì họ đã biết các công cụ người Bushong sử dụng. Một sự giải thích khả dĩ khác có thể là văn hóa; liệu đã có thể chăng rằng những người Lele có một văn hóa không khuyến khích họ đầu tư vào lưới săn và nhà chắc chắn hơn và được xây cất tốt hơn? Nhưng điều này có vẻ cũng chẳng đúng. Những người Lele đã rất quan tâm đến mua súng,

Lý do cho những khác biệt giữa hai bộ tộc này nằm ở các thể chế khác nhau. Khoảng năm 1620 một cuộc cách mạng chính trị do Shyaam khởi xướng, với những người Bushong ở trung tâm. Những sự khác biệt đã nổi lên như những hệ quả của cách mà Shyaam đã tổ chức lại xã hội. Ông đã xây dựng một nhà nước và thể chế chính trị. Ðã chẳng ai bỏ phiếu bầu ông, và chính sách đã được quy định từ trên đỉnh, không phải bởi sự tham gia của nhân dân. Cuộc cách mạng này dẫn đến sự tập trung hóa nhà nước, luật và trật tự, đến lượt nó đã dẫn đến một cuộc cách mạng kinh tế. Mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế đã đơn giản.

Vì sao những người Bushong, chứ không phải những người Lele, đã có một cuộc cách mạng chính trị. Chẳng phải những người Lele đã có thể có Shyaam riêng của họ? Những người Lele đã có thể có một cuộc cách mạng như vậy, nhưng họ đã không làm. Có lẽ đấy là các lý do mà chúng ta không hiểu bởi vì sự hiểu biết hạn chế của chúng ta ngày nay về xã hội của họ. Có khả năng nhất là bởi vì bản chất tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử. Cùng sự tùy thuộc ngẫu nhiên có lẽ đã có hiệu lực khi một số xã hội ở Trung Ðông mười hai ngàn năm trước đã bắt đầu một tập thậm chí cấp tiến hơn của những đổi mới thể chế dẫn đến các xã hội định cư và sau đó đến thuần hóa các thực vật và động vật, như chúng ta thảo luận tiếp đây.

MÙA HÈ DÀI

Khoảng 15.000 năm trước công nguyên (TCN), Thời kỳ Băng hà chấm dứt vì khí hậu trái đất nóng lên. Nhà khảo cổ học Brian Fagan gọi nó là mùa hè dài. Sự ấm lên của khí hậu đã là một bước ngoặt khổng lồ mà đã tạo thành nền cho Cách mạng đồ Ðá mới, nơi các xã hội người đã chuyển sang lối sống định cư, canh tác, và chăn thả. Việc này và phần còn lại của lịch sử con người đã tiến hành trong Mùa hè Dài này.

Bằng chứng sớm nhất về canh tác, chăn thả và thuần hóa thực vật và động vật đến từ Trung Ðông, Vì sao các làng canh tác đầu tiên đã xảy ra ở đây chứ không phải nơi khác? Sự nổi lên của các elite chính trị rất có thể đã tạo ra sự chuyển đổi đầu tiên sang cuộc sống định cư và sau đó sang canh tác. Sau khi các xã hội đã trở thành xã hội định cư và bắt đầu canh tác, họ bắt đầu phát triển hệ thống thứ bậc chính trị, tôn giáo, và các thể chế phức tạp hơn một cách đáng kể.

Chắc chắn việc chuyển sang canh tác đã dẫn đến năng suất nông nghiệp lớn hơn và đã cho phép sự bành trướng đáng kể của dân số. Khi khí hậu ấm lên, một số xã hội, như những người Natufian, đã phát triển các yếu tố của các thể chế được tập trung hóa và hệ thống thứ bậc, mặc dù các yếu tố này đã ở quy mô rất nhỏ so với quy mô của các nhà nước-quốc gia hiện đại.

Sự tăng trưởng ban đầu của những người Natufian đã không trở thành bền vững vì cùng lý do mà sự tăng trưởng Soviet đã xẹp xuống. Mặc dù hết sức đáng kể, thậm chí mang tính cách mạng trong thời của nó, đấy đã là sự tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt. Ðối với xã hội Natufian cũng đã chắc là, loại tăng trưởng này đã gây ra các xung đột sâu sắc về ai sẽ kiểm soát các thể chế và sự chiếm đoạt mà chúng cho phép. Ðối với mỗi elite được hưởng lợi từ sự chiếm đoạt, có một vài người sẽ thích thay thế anh ta. Ðôi khi sự đấu đá nội bộ sẽ thay một elite bằng một elite khác. Ðôi khi nó phá hủy toàn bộ xã hội khai thác, và tháo xích cho một quá trình sụp đổ nhà nước và xã hội, như nền văn minh hùng vĩ của các thành-quốc Maya được xây dựng hơn một ngàn năm trước đã trải qua.

SỰ CHIẾM ĐOẠT KHÔNG ỔN ĐỊNH

Sự canh tác đã nổi lên một cách độc lập ở nhiều nơi quanh thế giới. Ở nơi bây giờ là Mexico, các xã hội đã hình thành mà thiết lập các nhà nước và các khu định cư, và đã chuyển sang nông nghiệp. Như với những người Natufian ở Trung Ðông, họ cũng đã đạt mức độ nào đó của sự tăng trưởng kinh tế.

Các thành phố Maya đầu tiên bắt đầu phát triển vào khoảng năm 500 TCN, đã chưa bao giờ thống nhất thành một đế chế, Những người Maya đã phát triển một hệ thống chữ viết và có ít nhất mười lăm ngàn câu khắc còn lại mô tả nhiều khía cạnh của đời sống elite, văn hóa, và tôn giáo. Những chữ khắc ghi niên đại này cho chúng ta bức tranh rõ ràng về sự mở rộng của các thành phố Maya và sự co lại của chúng sau đó từ cuối thế kỷ thứ tám.

Cách, mà theo đó Maya Thời Ðại Cổ Ðiển đã dựa vào việc tạo ra các thể chế chính trị chiếm đoạt, là rất giống tình hình của người Bushong, Các thể chế chính trị mới đã dẫn đến một sự tăng đáng kể về thịnh vượng kinh tế, mà phần lớn của nó sau đó được khai thác bởi elite mới

Ðã không có sự phá hủy sáng tạo. Nhưng đã có các hình thức phá hủy khác, vì sự giàu có mà các thể chế chiếm đoạt đã tạo ra cho elite Maya đã dẫn đến chiến tranh liên miên, Thành phố bị bỏ rơi ngay sau đó. Khắp khu vực Maya câu chuyện đều giống nhau; các thể chế chính trị mà đã tạo ra bối cảnh cho sự mở rộng buôn bán, nông nghiệp, và dân số đã biến mất. Các triều đình hoàng gia đã không hoạt động, các công trình và các đền đài đã không được tạo ra, và các cung điện bị bỏ trống. Như các thể chế chính trị và xã hội đã làm sáng tỏ, sự đảo ngược quá trình tập trung hóa nhà nước, nền kinh tế đã co lại và dân số giảm xuống.

Mặc dù các thể chế chiếm đoạt, mà những người Maya tạo ra, đã làm ra của cải đủ để cho thành phố thịnh vượng và elite trở nên giàu có và tạo ra nghệ thuật và các công trình kỷ niệm tuyệt vời, hệ thống đã không ổn định. Các thể chế chiếm đoạt mà trên đó elite hẹp này cai trị đã tạo ra sự bất bình đẳng sâu rộng, và như thế tạo ra tiềm năng cho sự đấu đá nội bộ giữa những người có thể hưởng lợi từ của cải được khai thác từ nhân dân. Sự xung đột này cuối cùng đã dẫn đến sự phá hủy nền văn minh Maya.

HỎNG CÁI GÌ?

Các thể chế khai thác là rất phổ biến trong lịch sử bởi vì chúng có một logic mạnh mẽ: chúng có thể tạo ra sự thịnh vượng hạn chế nào đó trong khi đồng thời phân phối nó vào tay của một giới elite nhỏ. Ðể cho sự tăng trưởng này xảy ra, phải có sự tập trung hóa chính trị.. Tại Liên Xô, các thể chế chiếm đoạt đã có Ðảng Cộng Sản phân bổ lại các nguồn lực từ nông nghiệp sang công nghiệp và sắp đặt loại nào đó của các khuyến khích cho các nhà quản lý và công nhân.

Tuy vậy, sự tăng trưởng được tạo ra bởi các thể chế chiếm đoạt về bản chất là rất khác với sự tăng trưởng được tạo ra dưới các thể chế dung hợp Quan trọng nhất, nó không bền vững. Kinh nghiệm Soviet cho một minh họa sống động về giới hạn này. Sự tăng trưởng Soviet, dẫu nhanh đến đâu, đã nhất thiết là tương đối ngắn ngủi, và nó đã hụt hơi vào các năm 1970.

Mặc dù bị hạn chế một cách cố hữu, tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt tuy vậy có thể tỏ ra ngoạn mục khi nó trong chuyển động. Nhiều người đã bị kinh sợ bởi sự tăng trưởng Soviet trong các năm 1920, 30, 40, 50, 60, và thậm chí mãi đến các năm 1970, theo cùng cách mà chúng ta bị mê hoặc bởi nhịp độ chóng mặt của sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc hiện nay. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết trong chương 15, Trung Quốc dưới sự cai trị của Ðảng Cộng Sản là một thí dụ khác về xã hội trải qua sự tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt và một cách tương tự không chắc sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững trừ phi nó trải qua một sự biến đổi chính trị cơ bản theo hướng các thể chế chính trị dung hợp.

(Đoạn 4)

9-12-2018

Chương 6: TRÔI DẠT XA RA 

VENICE ÐÃ TRỞ THÀNH BẢO TÀNG NHƯ THẾ NÀO

Trong Thời Trung Cổ, Venice có lẽ đã là nơi giàu nhất thế giới, với các thể chế kinh tế dung hợp, do tính dung hợp chính trị mới nảy sinh làm nòng cốt. Vào năm 1330 có số dân 110.000 người; Venice thời đó đã lớn như Paris, và có lẽ bằng ba lần London.

Sự mở rộng kinh tế của Venice đã tạo ra áp lực nhiều hơn cho thay đổi chính trị. Ðổi mới quan trọng đầu tiên đã là việc tạo ra một Ðại Hội Ðồng (Great Council), trở thành nguồn quý tộc.

Những cải cách chính trị này đã dẫn đến một loạt nữa của những đổi mới thể chế: về luật, việc tạo ra các thẩm phán độc lập, các tòa án, tòa thượng thẩm, hợp đồng tư nhân mới và luật phá sản. Ðã có một sự đổi mới tài chính nhanh chóng, Venice năng động đang tiến tới các thể chế hoàn toàn dung hợp đã có vẻ là không thể ngăn được.

Nhưng đã có một sự căng thẳng trong tất cả chuyện này. Một làn sóng mới của những thanh niên táo bạo, những người mới trở nên giàu, có xu hướng làm giảm lợi nhuận và thành công kinh tế của các elite có uy quyền đã được thiết lập. Không chỉ làm giảm lợi nhuận của họ mà cũng thách thức quyền lực chính trị của họ.

Ngay từ khi thành lập Ðại Hội Ðồng, tư cách thành viên được xác định mỗi năm. Các cuộc tranh luận và những sửa đổi hiến pháp của năm 1286 đã báo trước sự đóng cửa của Venice. Những người giàu ngoài giới quý tộc mới xuất hiện đã không để quyền lực của họ bị xói mòn mà không có sự chiến đấu. Những căng thẳng chính trị đã tăng lên đều đặn ở Venice giữa 1297 và 1315. Ðại Hội Ðồng đã phản ứng lại một phần bằng cách làm cho nó lớn hơn. Trong một nỗ lực để bầu các đối thủ lớn tiếng nhất vào, nó đã phát triển từ 450 lên 1.500. Sự mở rộng này đã được bổ sung bằng đàn áp. Một lực lượng cảnh sát đã được đưa vào lần đầu tiên trong năm 1310, và đã có sự gia tăng đều đặn về áp bức nội địa, không nghi ngờ gì như một cách để củng cố trật tự chính trị mới. Sự thịnh vượng bị suy sụp dần,

Ngày nay hoạt động kinh tế duy nhất mà Venice có, bên cạnh một chút nghề cá, là du lịch. Từ một cường quốc Venice đã biến thành một viện bảo tàng.

Trong chương này chúng ta tập trung vào sự phát triển lịch sử của các thể chế ở các phần khác nhau của thế giới và giải thích vì sao chúng đã tiến hóa theo những cách khác nhau.

CÁC ÐỨC HẠNH LA MÃ …

Người bảo vệ dân thường La Mã, Tiberius đã bị đánh chết vào năm 133 TCN.Những người giết ông là các quý tộc giống như bản thân Tiberius, Cái khiến cho Tiberius đọ sức với các thượng nghị sĩ hùng mạnh này là sự sẵn sàng của ông đứng lên chống lại họ trong một vấn đề cốt yếu của thời đó: sự phân bổ đất và các quyền của những công dân La Mã bình thường.Vào thời của Tiberius La Mã là một nền cộng hòa đã có từ lâu. Các thể chế chính trị của nó và các đức hạnh của những người lính-công dân La Mã vẫn được nhiều sử gia coi như nền tảng thành công của nền cộng hòa. Đã có sự tăng trưởng kinh tế nào đó.

Nhưng sự tăng trưởng La Mã đã không bền vững, xảy ra dưới các thể chế một phần dung hợp và một phần chiếm đoạt. Mặc dù các công dân La Mã đã có các quyền chính trị và kinh tế, tình trạng nô lệ đã phổ biến và giới elite, tầng lớp nghị sĩ, thống trị cả nền kinh tế lẫn hoạt động chính trị Nhưng của cải hậu hĩ phần lớn đã bị một số ít gia đình giàu có trong hàng ngũ nghị sĩ chiếm lấy, và sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo đã tăng lên. Khi tầng lớp nghị sĩ ngày càng giàu lên, số đông các công dân không có đất, đã tập trung về Rome, thường sau khi được giải ngũ khỏi quân đội. Không còn miếng đất cắm dùi nào để quay về, họ tìm việc làm ở Rome. Vào cuối thế kỷ thứ hai TCN, tình trạng đã đạt đến điểm sôi nguy hiểm, cả bởi vì khoảng cách giàu nghèo đã rộng ra đến mức chưa từng có, lẫn bởi vì đã có hàng đàn công dân bất mãn ở Rome sẵn sàng nổi loạn đáp lại những sự bất công này và quay sang chống lại giới quý tộc La Mã. Nhưng quyền lực chính trị lại tùy thuộc vào các địa chủ giàu có của tầng lớp nghị sĩ, những người đã được hưởng lợi của những thay đổi đã diễn ra hơn hai thế kỷ qua. Để giữ được quyền lợi tầng lớp giàu có đã tìm cách chuyến từ chế độ cộng hòa sang chế độ đế chế.

Chính sự chuyển đổi này đã gieo các hạt giống suy sụp của La Mã, đã có các hệ quả chính trị đầu tiên nhưng sau đó sẽ có những hệ quả kinh tế đáng kể. Như một kết quả của những thay đổi này, vào thế kỷ thứ năm SCN, Ðế chế Tây La Mã, đã suy sụp về mặt kinh tế và quân sự, và đã trên bờ vực sụp đổ.

CÁC TẬT XẤU LA MÃ

Vào cuối Ðế chế La Mã, những người được gọi là dã man, mà ban đầu bị thống trị và bị sáp nhập vào các đội quân La Mã hay bị sử dụng như các nô lệ, bây giờ đã chi phối nhiều phần của đế chế. Tất cả điều này đã không cản các elite La Mã thử thỏa hiệp vô nguyên tắc với những người chỉ huy dã man, thường không để bảo vệ các lãnh thổ La Mã, mà để giành ưu thế trong các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ.

Theo cùng với sự bất ổn chính trị gia tăng là những thay đổi trong xã hội đã chuyển các thể chế kinh tế theo hướng chiếm đoạt nhiều hơn. Chế độ nô lệ vẫn còn liên tục khắp La Mã

Kinh nghiệm về tăng trưởng kinh tế trong Cộng hòa La Mã đã thật ấn tượng, cũng như các thí dụ khác về tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt, như Liên Xô. Nhưng sự tăng trưởng đó đã bị hạn chế và không bền vững, ngay cả khi đã tính đến rằng nó đã xảy ra dưới các thể chế một phần dung hợp. Sự tăng trưởng đã dựa vào năng suất nông nghiệp tương đối cao, các khoản cống nạp đáng kể từ các tỉnh, và thương mại đường dài, nhưng nó đã không được trụ đỡ bởi tiến bộ công nghệ hay sự phá bỏ có tính sáng tạo.

Một lý do quan trọng khác cho sự thiếu đổi mới công nghệ đã là sự phổ biến của tình trạng nô lệ. Nhiều công dân của Rome đã không cần phải lao động: họ đã sống nhờ vào những thứ phát không của chính phủ. Thế thì đổi mới sáng tạo đến từ đâu? Chúng ta đã bàn luận rằng đổi mới sáng tạo đến từ những người mới với các ý tưởng mới, phát triển các giải pháp mới cho các vấn đề cũ. Tại La Mã, những người làm việc sản xuất đã là các nô lệ và, muộn hơn, các nửa-nô lệ, với ít khuyến khích để đổi mới, vì các ông chủ của họ, chứ không phải họ, được hưởng lợi ích từ bất cứ sự đổi mới nào. Như chúng ta sẽ thấy nhiều lần trong cuốn sách này, các nền kinh tế dựa vào sự trấn áp lao động và các hệ thống như các chế độ nô lệ và nông nô là không đổi mới một cách khét tiếng. Ðiều này đúng từ thế giới cổ xưa đến thời hiện đại. Ở Hoa Kỳ, chẳng hạn, các bang miền bắc đã tham gia vào Cách mạng Công nghiệp, chứ không phải các bang miền Nam. Tất nhiên chế độ nô lệ và nông nô đã tạo ra của cải to lớn cho những người là các chủ nô và kiểm soát các nông nô, nhưng nó đã không tạo ra đổi mới công nghệ hay sự thịnh vượng cho xã hội.

CHẲNG CÒN AI VIẾT TỪ VINDOLANDA

Vào năm 43 SCN hoàng đế La Mã Claudius đã chinh phục nước Anh, nhưng Scotland thì không. Thống sứ La Mã Agricola đã xây một loạt pháo đài để bảo vệ biên giới phía bắc của nước Anh. Một pháo đài lớn nhất trong những số này ở Vindolanda, Nước Anh thuộc La Mã đã có thời thịnh vượng. Từ Vidolanda người ta viết thư gửi bạn bè các nơi mô tả sự thịnh vượng.

Vào thế kỷ thứ tư, tất cả trong suy tàn, và sau năm 411 SCN Ðế chế La Mã đã từ bỏ nước Anh. Binh lính bị rút đi, những người ở lại đã không được trả lương, và khi nhà nước La Mã sụp đổ, các nhân viên quản lý đã bị dân cư địa phương tống khứ. Vào năm 450 SCN tất cả các dấu hiệu hào nhoáng của sự thịnh vượng kinh tế đã mất hết. Không ai còn viết từ Vindolanda nữa.

Sau năm 411 SCN, nước Anh đã trải qua một sự sụp đổ kinh tế và trở thành một nơi ao tù nước đọng nghèo nàn, bước vào Thời Kỳ Ðen Tối. Nước Anh đã trượt lại vào nghèo khó và hỗn loạn chính trị. Ðã không có một nhà nước tập trung hữu hiệu nào ở nước Anh trong hàng trăm năm.

Bất chấp một lịch sử không may như vậy, nước Anh là nơi mà xã hội dung hợp thực sự đầu tiên đã nổi lên và là nơi Cách mạng Công nghiệp đã khởi hành.

NHỮNG CON ÐƯỜNG PHÂN KỲ (RẼ THEO CÁC HƯỚNG KHÁC NHAU)

Nước Anh La Mã đã sụp đổ với một tiếng nổ lớn. Ðiều này đã ít đúng hơn ở Italy, hay ở xứ Gaul La Mã (nay là nước Pháp hiện đại) hoặc thậm chí ở Bắc Phi. Sức mạnh của các nhà nước này đã yếu hơn nhiều, và chúng đã bị đày đọa bởi một loạt dài các cuộc đột nhập từ các ngoại vi. Từ phương bắc là những người Viking và Dane. Từ hướng đông là những kị binh Hun. Cuối cùng, sự nổi lên của Islam như một tôn giáo và lực lượng chính trị, đã dẫn đến việc tạo ra các nhà nước Islamic mới ở phần lớn Ðế chế Byzantine, Bắc Phi, và Tây Ban Nha.

Các thể chế phong kiến, dựa trên lao động bị cưỡng bức (các nông nô), đã rõ ràng là chiếm đoạt, và chúng đã tạo ra cơ sở cho một giai đoạn dài của sự tăng trưởng ở châu Âu trong Thời Trung Cổ. Lục địa Phi châu muộn hơn đã tương tác trong một năng lực rất khác với châu Âu và châu Á. Ðông Phi đã trở thành nhà cung cấp nô lệ chủ yếu cho thế giới Arab, Tây và Trung Phi. Thương mại Ðại Tây Dương đã dẫn đến những con đường phân kỳ một cách rõ rệt giữa Tây Âu và châu Phi. Trong khi ở nước Anh các khoản lợi nhuận của buôn bán nô lệ đã giúp làm giàu cho những người chống chủ nghĩa chuyên chế, thì ở châu Phi chúng lại đã giúp tạo ra và tăng cường chủ nghĩa chuyên chế.

Xa châu Âu hơn, các quá trình trôi dạt thể chế hiển nhiên còn tự do hơn để đi theo con đường riêng của chúng. Ở châu Mỹ, chính là nơi mà các hình thức ban đầu của sự tăng trưởng chiếm đoạt đã xảy ra, như chúng ta đã thấy trong các thành-quốc Maya. Nhưng cũng theo cùng cách, mà những đột phá lớn theo hướng các thể chế dung hợp và tăng trưởng công nghiệp ở châu Âu đã không đến từ các nơi thế giới La Mã đã có ảnh hưởng mạnh nhất, các thể chế dung hợp ở châu Mỹ đã không phát triển ở những vùng đất của các nền văn minh sớm này. Thực vậy, như chúng ta đã thấy ở chương 1, các nền văn minh định cư dày đặc này đã tương tác theo một cách tai ác với chủ nghĩa thuộc địa Âu châu để tạo ra một “sự đảo ngược vận may,” làm cho các nơi trước kia tương đối giàu trở thành tương đối nghèo ở châu Mỹ. Ngày nay chính Hoa Kỳ và Canada, những nơi khi đó đã tụt hậu xa đằng sau các nền văn minh phức tạp ở Mexico, Peru, và Bolivia, là giàu hơn phần còn lại của châu Mỹ rất nhiều.

NHỮNG HỆ QUẢ CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG SỚM

Thời kỳ dài, giữa Cách mạng đồ Ðá Mới vào năm 9.500 TCN và Cách mạng Công nghiệp Anh vào cuối thế kỷ thứ mười tám, đã bừa bộn với các đợt cố gắng tăng trưởng kinh tế.

Dẫu kinh nghiệm La Mã có đáng chú ý đến thế nào, không phải sự thừa kế của La Mã là cái đã dẫn trực tiếp đến sự nổi lên của các thể chế dung hợp ở nước Anh và đến Cách mạng Công nghiệp Anh. La Mã và Venice minh họa các bước ban đầu tiến đến tính dung hợp đã bị đảo ngược ra sao.

Tất nhiên, La Mã đã có những ảnh hưởng lâu dài lên châu Âu. Cũng chính sự sụp đổ của La Mã đã là cái tạo ra phong cảnh chính trị phi tập trung mà đã phát triển thành trật tự phong kiến.

Vào thế kỷ thứ mười sáu, về mặt thể chế châu Âu đã rất khác với châu Phi hạ-Sahara và châu Mỹ. Tuy đã không giàu hơn nhiều so với hầu hết các nền văn minh Á (Ấn Ðộ hay Trung Quốc), châu Âu đã khác biệt với các chính thể này trên nhiều phương diện chủ chốt. Như sẽ thấy trong hai chương tiếp theo, những sự khác biệt thể chế nhỏ sẽ là những cái thực sự quan trọng bên trong châu Âu; và những cái này tạo thuận lợi cho nước Anh, bởi vì chính ở đó là nơi trật tự phong kiến đã nhường bước một cách toàn diện nhất cho những người nông dân có đầu óc thương mại và các trung tâm đô thị độc lập nơi các nhà buôn và các nhà công nghiệp đã có thể phát đạt. Các nhóm này đã đòi hỏi rồi các quyền tài sản an toàn hơn, các thể chế kinh tế khác nhau, và tiếng nói chính trị từ các quốc vương của họ. Toàn bộ quá trình này sẽ tới tột đỉnh trong thế kỷ thứ mười bảy.

Chương 7. ÐIỂM NGOẶT

RẮC RỐI VỚI DỆT KIM

Năm 1583 William Lee đã trở thành linh mục địa phương ở Calverton, nước Anh. Thời gian này Elizabeth I (1558-1603) đã ban hành một quyết định rằng thần dân của bà phải luôn luôn đội một mũ được đan. Lee đã xem kỹ việc đan và nghĩ : Đồ được đan bằng hai kim và một hàng sợi. Tại sao lại không dùng nhiều kim để đưa sợi”.Ý nghĩ rất quan trọng này đã là khởi đầu của việc cơ giới hóa sản xuất hàng dệt. Lee nhớ lại, “tôi đã bắt đầu sao lãng các nghĩa vụ với Nhà thờ và gia đình. Ý tưởng về chiếc máy của tôi và việc tạo ra nó đã chiếm hết tâm trí và trái tim tôi.”

Cuối cùng, vào năm 1589, “khung dệt kim” của ông đã xong. Nữ hoàng Elizabeth đến xem chiếc máy. Bà đã nói :“Cậu Lee, nhà ngươi nhắm cao. Nhà ngươi hãy cân nhắc sáng chế này có thể làm gì đối với các thần dân đáng thương của ta. Nó sẽ chắc chắn làm cho họ phá sản bằng cách cướp đi công ăn việc làm của họ, như thế biến họ thành những kẻ ăn mày.”

Bị đánh bại, Lee chuyển sang Pháp để thử vận may; thất bại tiếp. Năm 1606 ông quay về nước Anh, yêu cầu James I, vua kế vị Elizabeth, cấp bằng sáng chế, James I cũng đã từ chối, Cả hai đã sợ rằng việc cơ giới hóa sản xuất dệt kim sẽ ném người dân khỏi việc làm, gây ra thất nghiệp và bất ổn chính trị, và đe dọa quyền lực hoàng gia. Máy dệt kim đã là một đổi mới hứa hẹn sự tăng năng suất khổng lồ, nhưng nó cũng hứa hẹn một sự phá hủy có tính sáng tạo.

Ðổi mới công nghệ làm cho các xã hội loài người thịnh vượng, nhưng nó cũng kéo theo việc thay thế cái cũ bằng cái mới, và sự phá hủy các đặc quyền kinh tế và quyền lực chính trị của những người nhất định Như thế xã hội cần những người mới để đưa ra những đổi mới cấp tiến nhất, và những người mới này và sự phá hủy có tính sáng tạo họ gây ra thường phải vượt qua nhiều nguồn kháng cự, kể cả sự kháng cự từ các nhà cai trị và các elite hùng mạnh.

XUNG ÐỘT CHÍNH TRỊ LUÔN LUÔN HIỆN DIỆN

Xung đột về các thể chế và sự phân bổ các nguồn lực đã tràn khắp trong lịch sử.

Lịch sử Anh cũng đầy rẫy xung đột giữa nền quân chủ và các thần dân của nó, giữa các phe nhóm khác nhau đấu tranh giành quyền lực, và giữa các elite và các công dân. Kết quả, tuy vậy, đã không luôn luôn để củng cố quyền lực của những người nắm nó. Trong năm 1215, các nam tước, tầng lớp elite dưới vua, đã chống lại Vua John và đã bắt nhà vua ký Magna Carta (“Hiến chương Vĩ đại”).

Xung đột về các thể chế chính trị vẫn tiếp tục, và quyền lực của nền quân chủ đã bị hạn chế thêm bởi Quốc hội được bầu đầu tiên trong năm 1265.

Dẫu có Quốc hội được bầu, xung đột chính trị vẫn tiếp tục về quyền lực của nền quân chủ và ai là vua., Khi các nam tước và các elite khác nhận ra rằng quyền lực chính trị sẽ ngày càng tập trung hơn và rằng quá trình này khó để chặn lại, họ đưa ra những đòi hỏi để có tiếng nói về quyền lực được tập trung này sẽ được sử dụng ra sao. Dưới thời Tudor họ đưa ra những đòi hỏi để có một Quốc hội như đối trọng với Quốc vương và để kiểm soát một phần cách nhà nước hoạt động. Như thế đã không chỉ khởi xướng sự tập trung hóa chính trị, một trụ cột của các thể chế dung hợp, mà nó cũng đóng góp gián tiếp cho chủ nghĩa đa nguyên.

Những sự phát triển này đã xảy ra trong một bối cảnh của những thay đổi lớn về bản chất của xã hội. Cuộc Khởi nghĩa Nông dân năm 1381 đã là mấu chốt, mà sau đó elite Anh bị rung chuyển bởi một chuỗi dài các cuộc nổi dậy của nhân dân. Quyền lực chính trị đã được phân bổ lại không chỉ đơn giản từ nhà vua sang các thượng nghị sĩ, mà cũng từ giới elite sang nhân dân. Những thay đổi này đặt nền tảng cho các thể chế chính trị đa nguyên.

Từ năm 1603 vua Stuart đệ nhất, James I, đã không chỉ kế thừa các thể chế mà cả xung đột về chúng. Ông đã muốn trở thành một nhà cai trị chuyên chế. Trong nền kinh tế, các thể chế chiếm đoạt đã tự biểu thị không chỉ trong việc phản đối sáng chế của Lee, mà trong dạng của các độc quyền.

Các độc quyền này, rất nhiều, đã cho các cá nhân hay các nhóm quyền độc nhất để kiểm soát việc sản xuất nhiều mặt hàng. Chúng cản trở loại phân bổ tài năng, mà hết sức cốt yếu cho sự thịnh vượng kinh tế.

Cả James I và con ông, Charles I đã khao khát tăng cường nền quân chủ, giảm ảnh hưởng của Quốc hội. Xung đột giữa James I và Quốc hội đã lên đến tột đỉnh trong các năm 1620. Quốc hội đã không họp đều đặn và phải được nhà vua triệu tập. Charles lên ngôi năm 1625, đã từ chối triệu tập Quốc hội họp sau 1629, để xây dựng một chế độ chuyên chế vững chắc hơn.

Hành vi ngày càng chuyên chế và các chính sách khai thác của Charles đã tạo ra sự oán giận và sự chống cự trên khắp đất nước. Những người Scot đã nhận ra rằng Charles đã không có sự ủng hộ của dân tộc và đã xâm chiếm nước Anh, chiếm đóng thành phố Newcastle. Charles đã mở ra các cuộc thương thuyết, và những người Scot đã đòi hỏi rằng Quốc hội phải tham gia. Việc này xui khiến Charles triệu tập Quốc hội, nó tiếp tục họp cho đến 1648, từ chối giải tán ngay cả khi Charles đã yêu cầu nó làm thế.

Dưới sự lãnh đạo của Cromwell, các Nghị sĩ hùng biện đã đánh bại những người theo chủ nghĩa bảo hoàng. Charles đã bị xét xử năm 1649. Sự thủ tiêu nền quân chủ, tuy vậy, đã không tạo ra các thể chế dung hợp. Thay vào đó là chế độ độc tài của Cromwell. Sau cái chết của Cromwell, nền quân chủ được James II (em trai của Charles) phục hồi trong năm 1660.Trong năm 1688, nỗ lực của James II để thiết lập lại chính thể chuyên chế đã tạo ra một cuộc nội chiến nữa. Lần này Quốc hội đã thống nhất hơn và có tổ chức hơn. Họ đã mời Statholder (phó Vương, Thống đốc) Hà Lan, William và vợ ông, Mary, con gái của James II, để thay thế James II. William mang quân đội và yêu sách ngai vàng, để cai trị không như một quốc vương chuyên chế mà dưới một nền quân chủ lập hiến do Quốc hội tạo dựng. Hai tháng sau sự cập bến của William vào các đảo Anh tại Brixham ở Devon, quân đội của James II đã tan rã và ông đã chạy trốn sang Pháp.

CÁCH MẠNG VINH QUANG

Sau chiến thắng, Quốc hội và William đã thương lượng một hiến pháp mới. Những thay đổi đã được báo trước bởi “Tuyên ngôn” của William được đưa ra không lâu trước cuộc xâm lấn của ông. Chúng được lưu giữ thêm trong Tuyên ngôn về các Quyền do Quốc hội soạn ra trong tháng Hai năm 1689.

Tuyên ngôn, được gọi là Ðạo luật về các Quyền đã thiết lập các nguyên tắc lập hiến chính yếu.

Tuyên ngôn khẳng định rằng quốc vương không thể đình chỉ luật hay không được miễn trừ nghĩa vụ tuân thủ luật. Những thay đổi về các thể chế chính trị thể hiện chiến thắng của Quốc hội đối với nhà vua, và như thế chấm dứt chính thể chuyên chế ở nước Anh.Từ đó trở đi, Quốc hội đã nắm chắc sự kiểm soát chính sách nhà nước. Khi người dân kiến nghị, Quốc hội đã lắng nghe. Ðiều này hơn bất cứ thứ gì khác đã phản ánh sự thất bại của chính thể chuyên chế, và sự thăng tiến của chủ nghĩa đa nguyên ở nước Anh sau 1688. Cuộc chiến đấu của Quốc hội tiếp diễn cho đến 1698, khi độc quyền bị bãi bỏ

Cùng với vị trí mới này, các nghị sĩ bắt đầu thực hiện một loạt những thay đổi then chốt về các thể chế kinh tế và chính sách của chính phủ mà cuối cũng đã mở đường cho Cách mạng Công nghiệp. Một ưu tiên khác của Quốc hội đã là cải cách ngành tài chính.

Cách mạng Vinh quang đã biến đổi các thể chế chính trị Anh, biến chúng thành đa nguyên hơn, và cũng bắt đầu đặt nền móng cho các thể chế kinh tế dung hợp. Nhưng sự mở rộng quy mô của nhà nước chỉ là một phần của quá trình tập trung hóa chính trị. Quan trọng hơn, điều này đã là chất lượng của cách mà nhà nước đã vận hành và cách ứng xử của những người kiểm soát nó và những người làm việc trong [bộ máy của] nó. Thí dụ, nhiều người được chỉ định đã được chọn trên cơ sở chính trị, chứ không phải bởi vì công trạng và tài năng, và nhà nước đã vẫn chỉ có năng lực rất hạn chế để thu thuế.

Sau 1688 Quốc hội đã bắt đầu cải thiện khả năng để tăng thu nhập thông qua đánh thuế, một sự phát triển được minh họa tốt bởi bộ máy quản lý thuế hàng hóa. Các thanh tra đã đóng ở khắp đất nước, được giám sát bởi những người thu, những người tiến hành các đợt thanh tra để đo lường và kiểm tra số lượng các mặt hàng phải chịu thuế hàng hóa.

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP

Cách mạng Công nghiệp đã được biểu thị trong mọi khía cạnh của nền kinh tế Anh.

Ðầu tư vào kênh và đường sá, vào cái được gọi là đường lớn, đã tăng lên ồ ạt sau năm 1688. Các quyền tài sản đã an toàn hơn nhiều. Sau 1688 hệ thống chính trị đã trở nên đa nguyên hơn đáng kể và đã tạo ra sân chơi tương đối bằng phẳng bên trong nước Anh.

Ðặt cơ sở cho cách mạng giao thông và, cho việc sắp xếp lại đất đai xảy ra trong thế kỷ thứ mười tám đã là các đạo luật của Quốc hội làm thay đổi bản chất của quyền sở hữu tài sản. Sự tổ chức lại các thể chế kinh tế cũng được thể hiện trong sự nổi lên của một chương trình nghị sự để bảo vệ sự sản xuất hàng dệt trong nước chống lại hàng nhập khẩu nước ngoài.

Một lĩnh vực cốt yếu đã là năng lượng, nổi tiếng nhất đã là động cơ hơi nước của James Watt trong các năm 1760. Việc này bao gồm công trình trước của nhà sáng chế Anh Thomas Newcomen và cả của Dionysius Papin, một nhà vật lý học Pháp.

Câu chuyện về sáng chế của Papin là một thí dụ nữa về mối đe dọa của sự phá hủy có tính sáng tạo dưới các thể chế chiếm đoạt. Các chủ thuyền đã tấn công Papin và đã đập tan chiếc thuyền và động cơ hơi nước của ông thành từng mảnh. Papin đã chết trong cảnh nghèo túng và được chôn trong một nấm mồ không được đánh dấu.

Trong luyện kim, những đóng góp then chốt đã được đưa ra trong các năm 1780 bởi Henry Cort,

Trong năm 1769, Arkwright, đã lấy được bằng sáng chế về “khung nước,” Trong năm 1771 họ đã xây dựng một trong những nhà máy đầu tiên của thế giới ở Cromford. Vào đầu thế kỷ, đã cần 50.000 giờ để xe sợi bằng tay một trăm pound bông. Khung nước của Arkwright đã có thể làm việc đó trong 300 giờ,

Cùng với cơ giới hóa kéo sợi đến cơ giới hóa dệt. Một bước quan trọng đầu tiên đã là sáng chế ra chiếc thoi bay bởi Jonh Kay trong năm 1733.

Công nghiệp dệt Anh không chỉ đã là động lực đằng sau Cách mạng Công nghiệp mà cũng đã cách mạng hóa nền kinh tế thế giới.

Hệt như các kỹ sư kênh vĩ đại, các kỹ sư đường bộ và đường sắt vĩ đại cũng không. John McAdam, người đã sáng chế ra tarmac [phương pháp trải mặt đường bằng đá dăm trộn chất kết dính như nhựa đường sau này] vào khoảng 1816, là con trai của một quý tộc nhỏ. Xe lửa hơi nước đầu tiên được xây dựng bởi Richard Trevithick trong năm 1804. Bố Trevithick đã dính líu đến việc khai mỏ ở Cornwall, và Richard trở nên bị mê hoặc bởi máy hơi nước được dùng để bơm [nước] khỏi mỏ. Ðáng kể hơn đã là những đổi mới của George Stephenson, con trai của cha mẹ mù chữ, và nhà sáng chế của xe lửa “Tên lửa” nổi tiếng, người đã bắt đầu làm việc như một thợ máy ở một mỏ than.

Với công nhân được tập trung vào các nhà máy mới và các trung tâm công nghiệp, đã trở nên dễ để tổ chức và gây náo loạn. Vào ngày 16-8-1819, một cuộc meeting để phản đối hệ thống chính trị và các chính sách của chính phủ đã được lên kế hoạch tổ chức ở Quảng trường St. Peter, Manchester. Các nhà chức trách đã rất lo lắng về cuộc meeting, và một lực lượng sáu trăm kỵ binh đã được tập họp. Khi các bài phát biểu bắt đầu, một thẩm phán địa phương đã quyết định ban hành một lệnh bắt những người phát biểu. Khi cảnh sát thử thi hành lệnh bắt, họ đã vấp phải sự chống đối của đám đông, và cuộc đánh nhau nổ ra. Tại điểm này các kỵ binh tấn công đám đông, Trong vài phút hỗn loạn, mười một người đã chết và có lẽ sáu trăm người đã bị thương. Tờ Manchester Observerđã gọi nó là Vụ Tàn sát Peterloo.

Nhưng căn cứ vào những thay đổi về các thể chế kinh tế và chính trị, sự đàn áp dài hạn đã không là một giải pháp ở nước Anh. Vụ Tàn sát Peterloo vẫn là một sự cố cô lập. Và một cách tự nhiên, những thay đổi về phân bổ quyền lực chính trị theo thời gian sẽ dẫn đến một sự phân bổ lại thêm nữa về thu nhập.

Chính là bản chất dung hợp của các thể chế Anh là những cái đã cho phép quá trình này xảy ra. Những người chịu thiệt hại và sợ sự phá hủy có tính sáng tạo đã không còn có khả năng để chặn nó lại.

VÌ SAO Ở NƯỚC ANH?

Cách mạng Công nghiệp đã bắt đầu và đã tiến những bước dài ở nước Anh bởi vì các thể chế kinh tế dung hợp độc nhất của nó. Các thể chế này lần lượt lại được xây dựng trên nền móng được đặt bởi các thể chế chính trị dung hợp do Cách mạng Vinh quang gây ra.

Có lẽ cốt yếu nhất, sự nổi lên của, và sự trao quyền cho, các nhóm lợi ích khác nhau – trải từ tầng lớp gentry, các nông dân thương mại mà đã nổi lên trong thời kỳ Tudor, đến các loại khác nhau của các nhà chế tạo cho các nhà buôn xuyên Ðại Tây Dương – đã có nghĩa rằng liên minh chống chính thể chuyên chế Sutart đã không chỉ mạnh mà cũng rộng. Liên minh này được tăng cường thậm chí hơn nữa bởi sự hình thành Ðảng Whig trong các năm 1670, đã cung cấp một tổ chức để đẩy mạnh các quyền lợi của nó. Sự trao quyền cho nó đã làm trụ cột cho chủ nghĩa đa nguyên tiếp sau Cách mạng Vinh quang. Nếu giả như tất cả những người chiến đấu chống lại nhà Stuart đã có cùng quyền lợi và cùng bối cảnh, thì việc lật đổ nền quân chủ Stuart chắc đã có nhiều khả năng [chỉ] là một sự tái diễn của Nhà Lancaster đối lại Nhà York, đưa một nhóm lợi ích hẹp chọi lại một nhóm lợi ích hẹp khác, và cuối cùng thay thế hay tái tạo cùng hay hình thức khác của các thể chế chiếm đoạt. Một liên minh rộng có nghĩa rằng đã có những đòi hỏi lớn hơn cho việc tạo ra các thể chế chính trị đa nguyên. Không có một loại nào đó của chủ nghĩa đa nguyên, sẽ có một nguy cơ rằng một trong các nhóm lợi ích khác nhau này sẽ chiếm đoạt quyền lực gây tổn hại cho phần còn lại.

Thế nhưng chẳng cái nào trong các nhân tố này đã khiến cho một chế độ đa nguyên thật sự chắc chắn xảy ra, và sự nổi lên của nó đã một phần là hậu quả của con đường tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử. Một liên minh mà không quá khác đã có khả năng nổi lên như bên chiến thắng trong Nội Chiến Anh chống lại nhà Stuart, còn liên minh tương tự đã chỉ dẫn đến chế độ độc tài của Oliver Cromwell. Sức mạnh của liên minh này cũng đã không là cái đảm bảo rằng chính thể chuyên chế bị đánh bại. James II đã có thể đánh bại William xứ Orange. Con đường của sự thay đổi lớn về thể chế, như thường lệ, cũng không ít tùy thuộc ngẫu nhiên hơn kết quả của các xung đột chính trị khác. Ðiều này đã là thế cho dù con đường cụ thể của sự trôi dạt thể chế mà tạo ra liên minh rộng rãi chống lại chính thể chuyên chế và bước ngoặt của các cơ hội thương mại Ðại Tây Dương đã sắp đặt trước các con bài chống lại nhà Stuart. Trong trường hợp này, vì thế, sự tùy thuộc ngẫu nhiên và một liên minh rộng đã là các nhân tố quyết định làm nòng cốt cho sự nổi lên của chủ nghĩa đa nguyên và các thể chế bao gồm.

(Đoạn 5)

10-12-2018

T

Chương 8: KHÔNG TRÊN LÃNH THỔ CỦA CHÚNG TÔI

KHÔNG CHO PHÉP IN

Trong năm 1445 tại thành phố Ðức Mainz, Johannes Gutenberg đã tiết lộ một đổi mới với các hệ quả sâu sắc cho lịch sử kinh tế tiếp sau: một máy in dựa trên con chữ động (movable type). Cho đến lúc đó, các cuốn sách hoặc được sao chép bằng tay bởi những người chép bản thảo, hay được in mộc bản.

Ở Tây Âu năm 1460 đã có máy ở Strasbourg, Pháp. Vào cuối các năm 1460 công nghệ đã lan ra khắp Italy. Vào năm 1476 đã lắp đặt một máy in ở London, Trong cùng thời kỳ, nghành in đã lan khắp các Nước Luxemburg, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, và thậm chí sang Ðông Âu, ở Budapest năm 1473 và ở Cracow một năm sau.

Không phải tất cả mọi người đều thấy việc in như một đổi mới đáng mong muốn. Ngay từ 1485, Sultan Ottoman Bayezid II đã ban một chỉ dụ rằng những người Muslim bị tuyệt đối cấm in bằng tiếng Arab. Chỉ đến 1727 thì máy in đầu tiên mới được phép trên đất Ottoman. Nhưng cho đến 1797 họ cũng chỉ in đười vài chục cuốn sách. Ở Ai Cập máy in được người Pháp mang đến vào 1798

Căn cứ vào các thể chế Ottoman hết sức chuyên chế và chiếm đoạt, sự thù nghịch của sultan đối với máy in là dễ hiểu. Giải pháp của họ đã là cấm in.

Ðế chế Ottoman vẫn là chuyên chế cho đến khi nó sụp đổ vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Lý do của việc những thay đổi kinh tế đã xảy ra tại Anh đã không xảy ra trong Ðế chế Ottoman, là mối quan hệ tự nhiên giữa các thể chế chính trị chuyên chế chiếm đoạt và các thể chế kinh tế chiếm đoạt.

Chính thể chuyên chế và sự thiếu tập trung chính trị hay sự tập trung chính trị yếu là hai rào cản đối với sự mở rộng công nghiệp. Sự kháng cự đối với sự tập trung hóa chính trị được thúc đẩy bởi các lý do giống như sự kháng cự đối với các thể chế chính trịdung hợp: sợ mất quyền lực chính trị

Nhưng trong nhiều trường hợp khác, đúng là điều ngược lại xảy ra, và quá trình tập trung hóa chính trị cũng mở ra một thời đại của chính thể chuyên chế lớn hơn. Ðiều này được minh họa bởi các nguồn gốc của chính thể chuyên chế Nga, đã được Peter Ðại Ðế tạo dựng giữa 1682 và năm ông mất 1725. Mặc dù dự án tập trung hóa chính trị của Peter Ðại Ðế đã thành công và đã thắng phe đối lập, các loại lực lượng đã phản đối sự tập trung hóa nhà nước, như Streltsy, những người thấy quyền lực của họ bị thách thức, đã chiến thắng ở nhiều phần của thế giới, và sự thiếu tập trung hóa nhà nước do nó gây ra đã có nghĩa là sự tồn tại dai dẳng của một loại khác của các thể chế chiếm đoạt.

Trong chương này, chúng ta sẽ thấy trong bước ngoặt do Cách mạng Công nghiệp tạo ra, nhiều quốc gia đã lỡ chuyến tàu thế nào và đã không tận dụng được sự mở rộng công nghiệp ra sao. Hoặc họ đã có các thể chế chính trị chuyên chế và các thể chế kinh tế chiếm đoạt, như ở Ðế chế Ottoman, hay họ đã thiếu sự tập trung hóa chính trị, như ở Somalia.

Chính thể chuyên chế đã sụp đổ ở nước Anh trong thế kỷ thứ mười bảy nhưng đã trở nên mạnh hơn ở Tây Ban Nha. Nỗ lực để xây dựng và củng cố chính thể chuyên chế ở Tây Ban Nha được sự giúp đỡ khổng lồ bởi việc phát hiện ra các kim loại quý ở châu Mỹ.

Các hệ quả của các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt ở Tây Ban Nha đã có thể tiên đoán được. Trong thế kỷ thứ mười bảy, trong khi nước Anh đang di chuyển theo hướng tăng trưởng thương mại và sau đó công nghiệp hóa nhanh chóng, thì Tây Ban Nha sa theo hướng suy thoái kinh tế lan rộng. Thu nhập Tây Ban Nha đã giảm sút, trong khi nước Anh dần trở nên giàu có.

Sự tồn tại dai dẳng của chính thể chuyên chế ở Tây Ban Nha, trong khi nó bị trốc tận rễ ở nước Anh, là một thí dụ nữa về những khác biệt nhỏ là có ý nghĩa trong các bước ngoặt.

Các thể chế kinh tế tương đối dung hợp đã nảy sinh ở nước Anh đã tạo ra tính năng động kinh tế chưa từng thấy, lên đỉnh điểm trong Cách mạng Công nghiệp, trong khi công nghiệp hóa đã không có cơ hội nào ở Tây Ban Nha. Vào lúc công nghệ công nghiệp đã lan ra nhiều phần của thế giới, nền kinh tế Tây Ban Nha đã suy sụp nhiều đến mức thậm chí đã không có nhu cầu đối với Quốc vương hay các elite chủ sở hữu đất ở Tây Ban Nha để ngăn chặn công nghiệp hóa.

SỢ CÔNG NGHIỆP

Không có những thay đổi về các thể chế chính trị và quyền lực chính trị tương tự như những thay đổi đã nổi lên ở Anh sau 1688, thì đã có ít cơ hội cho các nước chuyên chế để hưởng lợi từ những đổi mới và những công nghệ mới của Cách mạng Công nghiệp. Ở Tây Ban Nha, chẳng hạn, sự thiếu các quyền tài sản an toàn và sự sa sút kinh tế phổ biến đã có nghĩa rằng người dân đơn giản đã không có khuyến khích để tiến hành các khoản đầu tư và những sự hy sinh cần thiết. Ở Nga và Áo-Hungary, đã không đơn giản là sự sao lãng và sự quản lý tồi của các elite và sự trượt kinh tế quỷ quyệt vào dưới các thể chế chiếm đoạt là những cái đã cản trở công nghiệp hóa; thay vào đó, các nhà cai trị đã tích cực ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào để đưa các công nghệ này và các khoản đầu tư cơ bản vào cơ sở hạ tầng như đường sắt mà đã có thể hoạt động như các máng dẫn của chúng.

Vào thời gian của Cách mạng Công nghiệp, trong thế kỷ thứ mười tám và đầu thế kỷ thứ mười chín, bản đồ chính trị của châu Âu đã rất khác với bản đồ chính trị hiện nay.

Các nhà buôn ở các lãnh thổ Habsburg đã ít quan trọng hơn nhiều so với ở Anh, và chế độ nông nô đã chiếm ưu thế tại các vùng đất ở Ðông Âu.

Francis đã giải tán Hội đồng Nhà nước, tạo ra một nhà nước cảnh sát và đã kiểm duyệt một cách tàn nhẫn bất cứ thứ gì mà có thể được coi như cấp tiến ôn hòa.

Sự kiềm chế các thị trường và sự tạo ra các thể chế kinh tế chiếm đoạt tất nhiên là đặc trưng hoàn toàn của chính thể chuyên chế, nhưng Francis đã đi xa hơn. Trong các vùng đất Habsburg, Francis đã không khuyến khích các công dân của ông chấp nhận làm theo công nghệ tốt hơn; ngược lại, ông thực sự chống lại nó,

Sự chống đối đổi mới đã được thể hiện theo hai cách. Thứ nhất, Francis I đã chống sự phát triển công nghiệp. Thứ hai, ông đã chống lại việc xây dựng đường sắt, một trong những công nghệ mới then chốt mà đã đến cùng Cách mạng Công nghiệp.

Sự phản đối công nghiệp và máy hơi nước đã xuất phát từ nỗi lo của Francis về sự phá hủy có tính sáng tạo đi cùng với sự phát triển của một nền kinh tế hiện đại.

Áo-Hungary đã không đơn độc trong nỗi sợ công nghiệp. Xa hơn ở phía đông, Nga đã có một tập hợp chuyên chế ngang thế của các thể chế chính trị, được rèn bởi Peter Ðại Ðế. Sau Peter, vua Nicholas đã sợ những thay đổi xã hội mà việc tạo ra một nền kinh tế hiện đại sẽ mang lại. Ông sợ rằng sự phá hủy có tính sáng tạo được tháo ra bởi một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ làm xói mòn hiện trạng chính trị ở Nga.

Trong năm 1848 châu Âu bị rung chuyển bởi một loạt các cuộc cách mạng nổ ra. Ðáp lại, Zakrevskii, thống đốc quân sự của Moscow, đã viết cho Nicholas: “Ðể duy trì sự bình yên và thịnh vượng, mà hiện thời chỉ Nga được hưởng, chính phủ không được cho phép sự tụ tập của những người vô gia cư và những kẻ phóng đãng, những người sẽ dễ dàng tham gia mọi phong trào, phá hoại sự bình yên xã hội và sự yên bình riêng.”

Sự chống đối đường sắt đi cùng với sự chống đối công nghiệp, chỉ đến 1851 mới có một tuyến được xây dựng nối Moscow và Saint Peterburg. Chính sách chống đường sắt đã chỉ đảo ngược sau khi Nga bị các lực lượng Anh, Pháp, và Ottoman đánh bại một cách dứt khoát trong Chiến tranh Crime, 1853-1856, khi sự lạc hậu của mạng lưới giao thông của nó đã được hiểu là cái gây khó khăn trở ngại cho an ninh của Nga. Cũng đã có ít sự phát triển đường sắt ở Áo-Hungary, bên ngoài Áo và phần phía Tây của đế chế, mặc dù các cuộc Cách mạng 1848 đã mang lại những thay đổi cho các lãnh thổ này, đặc biệt là sự xóa bỏ chế độ nông nô.

KHÔNG TÀU BÈ NÀO ÐƯỢC PHÉP

Chính thể chuyên chế đã ngự trị không chỉ ở phần lớn châu Âu mà cả ở châu Á nữa. Các triều đại Minh và Thanh ở Trung Quốc và chính thể chuyên chế của Ðế chế Ottoman minh họa điều này. Dưới triều Tống, giữa 960 và 1279, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về nhiều đổi mới công nghệ. Những người Trung Quốc đã sáng chế ra đồng hồ, la bàn, thuốc súng, giấy và tiền giấy, đồ sứ, và lò nung thổi để chế tạo gang trước khi châu Âu đã sáng chế ra. Họ đã phát triển một cách độc lập guồng xe sợi và sức nước ít nhiều cùng thời gian mà những công nghệ này nổi lên ở đầu bên kia của đại lục Á-Âu. Kết quả là, trong năm 1500 mức sống ở Trung Quốc ít nhất cũng cao như ở châu Âu. Trong nhiều thế kỷ Trung Quốc cũng đã có một nhà nước tập trung với một bộ máy công vụ được tuyển theo công trạng.

Thế nhưng Trung Quốc đã là chuyên chế. Ðã không có sự đại diện chính trị cho các nhóm khác với nền quân chủ, đã chẳng có gì giống với Quốc hội. Như hầu hết các nhà cai trị đứng đầu các thể chếchiếm đoạt, các hoàng đế chuyên chế của Trung Quốc đã chống sự thay đổi, tìm kiếm sự ổn định, và về bản chất sợ sự phá hủy có tính sáng tạo.

Trong năm 1402, Hoàng đế Vĩnh Lạc lên ngôi và đã khởi xướng một giai đoạn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc bằng cách khởi động ngoại thương do nhà nước tài trợ trên quy mô lớn. Vĩnh Lạc đã tài trợ Ðô đốc Trịnh Hòa để tiến hành sáu đợt công cán khổng lồ đến Ðông Nam và Nam Á, Arabia, và châu Phi.

Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi thành lập triều đại nhà Thanh, và đế chế đã nghèo dần từng ngày.

Trong năm 1661 hoàng đế Khang Hy đã ra lệnh rằng tất cả người dân sống ở bờ biển từ Việt Nam đến Chiết Giang phải chuyển vào bên trong đất liền mười bảy dặm. Bờ biển được tuần tra bởi binh lính. Sự cấm này đã được áp đặt định kỳ trong thế kỷ thứ mười tám, trên thực tế làm còi cọc sự nổi lên của thương mại quốc tế của Trung Quốc.

Chắc chắn đã có các thị trường ở Trung Quốc thời Minh và Thanh, và chính phủ đã đánh thuế nền kinh tế nội địa khá nhẹ. Tuy vậy, nó đã làm ít để hỗ trợ sự đổi mới sáng tạo, và nó đã đánh đổi sự phát triển buôn bán hay sự thịnh vượng công nghiệp lấy sự ổn định chính trị. Hệ quả của tất cả sự kiểm soát chuyên chế này đối với nền kinh tế đã là có thể tiên đoán được: nền kinh tế Trung Quốc đã trì trệ suốt thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ thứ hai mươi, trong khi các nền kinh tế khác đang công nghiệp hóa. Vào lúc Mao dựng lên chế độ cộng sản của ông năm 1949, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới.

 

CHÍNH THỂ CHUYÊN CHẾ CỦA PRESTER JOHN

Chính thể chuyên chế với tư cách một tập hợp của các thể chế chính trị và các hệ quả kinh tế nảy sinh từ nó đã không hạn chế ở châu Âu và châu Á. Nó đã hiện diện ở châu Phi, chẳng hạn, với Vương quốc Congo, như chúng ta đã thấy ở chương 2. Một thí dụ thậm chí còn kéo dài hơn về chính thể chuyên chế Phi châu là Ethiopia, hay Abyssinia, mà gốc rễ của nó chúng ta đã bắt gặp ở chương 6, Hệ quả của chính thể chuyên chế là sự hết sức không an toàn của các quyền tài sản bị dẫn dắt bởi chiến lược chính trị của hoàng đế.

Ethiopia đã không chịu cùng bước ngoặt đã giúp làm xói mòn chế độ chuyên chế ở nước Anh. Nó đã bị cô lập khỏi nhiều quá trình đã định hình thế giới hiện đại.

Khi sự thuộc địa hóa châu Phi của những người Âu châu bắt đầu trong thế kỷ thứ mười chín, Ethiopia đã là một vương quốc độc lập dưới thời Ras (Công tước) Kassa, người đã được phong làm Hoàng đế Tewodros II trong năm 1855.. Các cuộc thương thuyết của ông với các cường quốc Âu châu đã khó khăn, và trong lúc điên tiết ông đã tống giam lãnh sự Anh. Trong năm 1868 những người Anh đã cử một lực lượng viễn chinh, đã cướp phá thủ đô của ông. Tewodros đã tự vẫn.

Hoàng đế cuối cùng của Ethiopia, Haile Selassie lên ngôi năm 1930. Haile Selassie đã cai trị cho đến khi ông bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính năm 1974 bởi Derg, “Ủy ban”, một nhóm Marxist là các sĩ quan quân đội, những người sau đó đã tiếp tục bần cùng hóa và tàn phá đất nước.

Ngày nay Ethiopia là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Một sự so sánh giữa Anh và Ethiopia bao quát sự bất bình đẳng thế giới. Lý do Ethiopia ở nơi nó ở ngày nay là, không giống ở nước Anh, ở Ethiopia chính thể chuyên chế đã tồn tại dai dẳng cho đến gần đây. Với chính thể chuyên chế, các thể chế kinh tế chiếm đoạt và sự nghèo khó đến với quần chúng nhân dân Ethiopia, mặc dù tất nhiên các hoàng đế và giới quý tộc đã hưởng lợi khổng lồ. Nhưng hệ lụy lâu dài nhất của chính thể chuyên chế đã là, xã hội Ethiopia đã không tận dụng được những cơ hội công nghiệp hóa trong thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, và đấy là nguyên nhân chính của sự nghèo xác nghèo xơ của các công dân của nó hôm nay.

NHỮNG ÐỨA CON CỦA SOMAALE

Somalia, nằm ở Sừng châu Phi, minh họa các tác động tàn phá ghê gớm của việc thiếu sự tập trung hóa chính trị. Somalia đã bị cai trị về mặt lịch sử bởi những người được tổ chức thành sáu họ thị tộc. Bốn họ thị tộc lớn nhất là, Dir, Darod, Isaq, và Hawiye.

Những người Somali đồng nhất mình trước tiên với họ thị tộc của mình, nhưng các họ thị tộc này là rất lớn và chứa nhiều nhóm con. Các thị tộc Somali về mặt lịch sử đã bị khóa chặt vào xung đột hầu như liên miên vì các nguồn lực khan hiếm. Mặc dù các thị tộc có các lãnh đạo gọi là các sultan, và cả những người già, những người này không có quyền lực thực sự. Quyền lực chính trị được phân tán rất rộng, với mỗi người lớn Somali đều có khả năng có tiếng nói của mình về các quyết định mà có thể tác động đến thị tộc hay nhóm. Với sự đến của cai trị thuộc địa, các quyết định này bắt đầu được viết thành văn. Thí dụ, dòng dõi Hassan Ugaas đã tạo thành một nhóm của khoảng một ngàn năm trăm đàn ông và là một tiểu thị tộc của họ thị tộc Dir ở Somaliland thuộc Anh.

Quyền lực chính trị được phân tán rộng trong xã hội Somali, hầu như một cách đa nguyên. Nhưng không có quyền lực của một nhà nước tập trung để thực thi trật tự, nói chi đến các quyền tài sản, thì việc này dẫn không đến các thể chếdung hợp. Chẳng ai tôn trọng quyền hạn của người khác, và chẳng ai, kể cả nhà nước thuộc địa Anh khi cuối cùng nó đã đến, đã có khả năng áp đặt trật tự. Sự thiếu tập trung hóa chính trị đã làm cho là không thể đối với người Somali để hưởng lợi từ Cách mạng Công nghiệp. Trong một bầu không khí như vậy là không thể tưởng tượng nổi để đầu tư vào hay chấp nhận các công nghệ mới bắt nguồn từ Anh, hay quả thực để tạo ra loại tổ chức cần thiết để làm vậy.

Những người Somali cũng đã có chữ viết, nhưng không giống những người Ethiopia, họ đã không sử dụng nó. Ðầu tiên tình hình này có vẻ rất khó hiểu. Tường thuật truyền thống về nguồn gốc của chữ viết ở Mesopotamia là, nó đã được phát triển bởi nhà nước để ghi thông tin, kiểm soát người dân, và thu thuế. Chẳng phải nhà nước đã không quan tâm đến việc này?

Một phần của câu chuyện là, các công dân đã chống lại việc sử dụng chữ viết bởi vì họ đã sợ rằng nó được dùng để kiểm soát các nguồn lực, như đất đai có giá trị, bằng cách cho phép nhà nước đòi quyền sở hữu. Họ cũng đã sợ rằng nó sẽ dẫn đến sự đánh thuế có hệ thống hơn. Các elite khác nhau cũng chống đối sự tập trung hóa chính trị, chẳng hạn, thích giao tiếp bằng lời hơn bằng văn bản với các công dân, bởi vì việc này đã cho phép họ tự do định đoạt một cách tối đa.

Trường hợp Somali cho thấy các hệ quả của sự thiếu tập trung hóa chính trị đối với tăng trưởng kinh tế.

Như một hệ quả của sự thiếu tập trung hóa chính trị và sự thiếu an toàn cơ bản của các quyền tài sản bị kéo theo, xã hội Somali đã chẳng bao giờ tạo ra các khuyến khích để đầu tư vào các công nghệ nâng cao năng suất. Khi quá trình công nghiệp hóa đã đang tiến triển ở các phần khác của thế giới trong thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ thứ hai mươi, thì những người Somali mang mối thù hận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ, và sự lạc hậu kinh tế của họ đã trở nên ăn sâu thêm.

SỰ LẠC HẬU KÉO DÀI

Cách mạng Công nghiệp đã tạo ra một bước ngoặt biến đổi cho toàn bộ thế giới trong thế kỷ thứ mười chín và xa hơn. Nhưng nhiều xã hội quanh thế giới đã không làm được thế – hay đã chọn một cách tường minh để không làm thế. Các quốc gia dưới ách của các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt đã không tạo ra các khuyến khích như vậy. Tây Ban Nha và Ethiopia cung cấp các thí dụ. Kết quả đã giống nhau trong các chế độ chuyên chế khác – ở Áo-Hungary, Nga, Ðế chế Ottoman, và Trung Quốc, mặc dù trong các trường hợp này các nhà cai trị đã không chỉ sao lãng cổ vũ tiến bộ kinh tế mà còn đưa ra các bước cụ thể để cản trở sự mở rộng công nghiệp và việc đưa các công nghệ mới vào.

Thế nhưng ngay cả hiện nay, nhiều quốc gia, như Afghanistan, Haiti, Nepal, và Somalia, có các nhà nước không có khả năng duy trì trật tự thô sơ nhất, và các khuyến khích kinh tế hầu như bị hủy hoại. Trong khi nhiều thứ khác nhau của các thể chế chiếm đoạt trải từ chính thể chuyên chế đến các nhà nước với ít tập trung hóa đã không tận dụng được lợi thế của sự mở rộng công nghiệp, bước ngoặt của Cách mạng Công nghiệp đã có những tác động rất khác trong các phần khác của thế giới.

Chương 9: SỰ PHÁT TRIỂN ÐẢO NGƯỢC

GIA VỊ VÀ TỘI DIỆT CHỦNG

Quần đảo Molucca ở Indonesia. từ thế kỷ 15 đã là trung tâm thương mại thế giới với các gia vị có giá trị như đinh hương, mace (gia vị làm từ vỏ khô của hạt nhục đậu khấu), và nutmeg (nhục đậu khấu).. Các đảo này đã xuất khẩu các gia vị hiếm này để đổi lấy thực phẩm và các hàng hóa từ Java, Malaysia, Ấn Ðộ, Trung Quốc, và Arabia.

Tiếp xúc đầu tiên các cư dân đã có với người Âu châu là trong thế kỷ mười sáu, Những người Bồ Ðào Nha đã chiếm Melaka năm 1511.Họ đã thử để có được độc quyền về buôn bán gia vị có giá trị. Họ đã thất bại.

Các đối thủ mà họ đối mặt là đáng kể. Các thành-quốc như Aceh, Banten, Melaka, Makassar, Pengu, và Brunei đã mở rộng nhanh chóng, sản xuất và xuất khẩu gia vị cùng với các sản phẩm khác như gỗ cứng.

Sự hiện diện của những người Âu châu đã phình lên và đã có tác động lớn hơn nhiều với sự đến của người Hà Lan. Họ đã mau chóng nhận ra rằng sự độc quyền cung ứng các gia vị có giá trị của Molucca sẽ có lợi nhuận hơn rất nhiều so với việc cạnh tranh với các nhà buôn địa phương hay Âu châu khác.

Những người Hà Lan cũng đã nắm quyền kiểm soát các Ðảo Banda, dự định lần này để độc quyền mace và nutmeg. Ðã không có nhà chức trách trung ương để có thể ép buộc ký một thỏa ước độc quyền và đã không có hệ thống cống nạp nào để họ chiếm toàn bộ cung nutmeg và mace. Các kế hoạch ban đầu về dựng lên một sự độc quyền về mace và nutmeg đã bị tan vỡ, thống đốc Hà Lan của Batavialà Coen đã nghĩ ra một kế hoạch khác. Trong năm 1621 ông ta đã đi đến Banda với một đội tàu và tiến hành tàn sát hầu như toàn bộ dân cư của các đảo, có lẽ khoảng mười lăm ngàn người. và chỉ để lại vài người còn sống, đủ để duy trì know-how cần thiết cho sản xuất mace và nutmeg. Coen đã tiếp tục tạo ra cấu trúc chính trị và kinh tế cần thiết cho kế hoạch của ông ta: một xã hội đồn điền.

Để tránh sự đe dọa của Công ty Ðông Ấn Hà Lan, nhiều nhà nước đã từ bỏ sản xuất các cây trồng cho xuất khẩu và ngừng hoạt động thương mại. Sự tự cấp tự túc là an toàn hơn sự đối mặt với người Hà Lan. Trong năm 1620 nhà nước Banten, trên đảo Java, đã đẵn những cây hồ tiêu của nó với hy vọng rằng việc này sẽ khiến những người Hà Lan để cho nó yên.

Như được minh họa bởi kinh nghiệm của Molucca dưới thời Hà Lan, sự mở rộng chiếm đóng đã gieo các hạt chậm phát triển ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới bằng cách áp đặt các thể chế chiếm đoạt, hay tăng cường thêm các thể chế hiện tồn. Những việc này hoặc một cách trực tiếp hay một cách gián tiếp đã tiêu diệt hoạt động thương mại và công nghiệp manh nha trên khắp thế giới hay chúng đã duy trì mãi các thể chế ngăn chặn công nghiệp hóa. Như một kết quả, khi công nghiệp hóa lan ra một số phần của thế giới, các nơi đã là bộ phận của các đế chế thuộc địa Âu châu đã chẳng có cơ hội nào để hưởng lợi từ những công nghệ mới này.

THỂ CHẾ QUÁ THÔNG THƯỜNG

Ở Ðông Nam Á, sự mở rộng của sức mạnh hải quân và thương mại Âu châu trong thời kỳ đầu hiện đại đã tước mất một thời kỳ hứa hẹn về mở rộng kinh tế và thay đổi thể chế. Trong cùng thời kỳ khi Công ty Ðông Ấn Hà Lan mở rộng, một loại buôn bán rất khác đang tăng cường ở châu Phi: buôn bán nô lệ.

Trong thời kỳ La Mã các nô lệ đến từ những người Slavic quanh Biển Ðen, từ Trung Ðông, và cũng từ Bắc Âu. Nhưng vào năm 1400 những người Âu châu đã chấm dứt bắt nhau làm nô lệ. Châu Phi, đã không trải qua sự chuyển đổi từ chế độ nô lệ sang chế độ nông nô như châu Âu

Sự xuất hiện đột ngột của những người Âu châu khắp vùng ven biển Tây và Trung Phi hăm hở mua nô lệ không còn cách nào khác đã có một tác động biến đổi lên các xã hội Phi châu. Hầu hết nô lệ, được chở sang châu Mỹ, đã là những người bị bắt trong chiến tranh và rồi được chở ra ven biển.

Bắt đầu trong cuối thế kỷ thứ mười tám, một phong trào mạnh mẽ đòi bãi bỏ sự buôn bán nô lệ bắt đầu lấy được đà ở Anh, dẫn đầu bởi nhân vật có sức thuyết phục quần chúng lớn William Wilberforce. Sau những thất bại lặp đi lặp lại, những người đòi xóa bỏ đã thuyết phục được Quốc hội thông qua một dự luật làm cho buôn bán nô lệ trở nên bất hợp pháp. Hoa Kỳ đã đi theo với biện pháp tương tự trong năm tiếp theo.

Khi xứ sở nô lệ tiến đến “thương mại hợp pháp”, một cụm từ được đặt ra cho việc xuất khẩu các mặt hàng mới không gắn với buôn bán nô lệ từ châu Phi. Các mặt hàng này bao gồm dầu cọ, nhân, lạc, ngà voi, cao su, và gum Arabic (nhựa cây acacia). Khi thu nhập Âu châu và Bắc Mỹ tăng lên với sự mở rộng của Cách mạng Công nghiệp, cầu về nhiều mặt hàng nhiệt đới này đã tăng đột ngột.

Cho nên việc bãi bỏ buôn bán nô lệ, thay cho việc khiến cho tình trạng nô lệ ở châu Phi teo đi, thì đơn giản lại đã dẫn đến sự tái triển khai các nô lệ, những người bây giờ được dùng ở bên trong châu Phi hơn là ở châu Mỹ.

Tình trạng nô lệ vẫn còn kéo dài ở Sierra Leone trong 130 năm. Liberia, ngay nam Sierra Leone, cũng thế đã được thành lập cho các nô lệ Mỹ được giải phóng trong các năm 1840. Thế nhưng ở đó, cũng thế, tình trạng nô lệ đã kéo dài vào thế kỷ thứ hai mươi, mãi đến tận các năm 1960, đã được ước lượng rằng một phần tư của lực lượng lao động đã bị cưỡng bức, sống và làm việc dưới các điều kiện gần với tình trạng nô lệ. Căn cứ vào các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt dựa trên buôn bán nô lệ, công nghiệp hóa đã không lan ra châu Phi hạ-Sahara, mà đã trì trệ hay thậm chí đã trải qua sự chậm phát triển kinh tế khi các phần khác của thế giới đang biến đổi nền kinh tế của họ.

TẠO RA MỘT NỀN KINH TẾ KÉP

Hệ thuyết “nền kinh tế kép” (“dual economy” paradigm), ban đầu được Sir Athur Lewis đề xuất năm 1955, vẫn định hình cách mà hầu hết các nhà khoa học xã hội nghĩ về các vấn đề kinh tế của các nước kém-phát triển. Theo Lewis, nhiều nền kinh tế kém-phát triển hay chậm-phát triển có một cấu trúc kép và được chia thành một khu vực hiện đại và một khu vực truyền thống.

Lewis đã chắc chắn đúng trong nhận diện các nền kinh tế kép. Nam Phi đã là một trong các thí dụ rõ nhất, tách thành một khu vực truyền thống lạc hậu và nghèo nàn và một khu vực hiện đại sôi động và thịnh vượng.

Nam Phi đã tránh được hầu hết những tác động có hại của sự buôn bán nô lệ và những cuộc chiến tranh do nó gây ra. Sự tương tác lớn đầu tiên của Nam Phi với những người Âu châu đã xảy ra khi Công ty Ðông Ấn Hà Lan thành lập một cơ sở tại Vịnh Table, năm 1652. Vào thời này bờ tây của Nam Phi đã được định cư thưa thớt. Xa sang phía đông, đã có các xã hội Phi châu cư trú đông đúc chuyên môn hóa về nông nghiệp. Như một hệ quả, các xã hội này đã không cảm thấy tác động chính của nhiều trào lưu có hại đã giáng xuống Tây và Trung Phi.

Giai đoạn tiếp theo của sự phát triển của Nam Phi đến với sự khám phá ra những khu mỏ kim cương và những mỏ vàng năm 1886. Sự giàu có khoáng sản khổng lồ này trong nội địa đã ngay lập tức thuyết phục những người Anh để mở rộng sự kiểm soát của họ ra toàn Nam Phi. Nổi bật nhất, chúng đã tạo ra cầu đối với thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác và đã tạo ra các cơ hội kinh tế mới cho những người Phi châu bản địa trong cả nông nghiệp và thương mại.

Châu Phi chắc chắn đã không gần một cuộc Cách mạng Công nghiệp, nhưng sự thay đổi thực đã đang xảy ra. Tài sản tư nhân về đất đã làm yếu các thủ lĩnh và đã cho phép những người mới mua đất và làm giàu, cái gì đó đã không thể tưởng tượng nổi chỉ vài thập kỷ trước đó.

Một mẩu bằng chứng lạ thường trụ đỡ cho sự năng động kinh tế và sự thịnh vượng của các nông dân Phi châu trong thời kỳ này được tiết lộ trong một bức thư gửi năm 1869 bởi một nhà truyền giáo Methodist, W. J. Davis. Viết cho nước Anh, ông ghi nhận với niềm vui rằng ông đã thu được bốn mươi sáu bảng tiền mặt “cho Quỹ Cứu tế Bông Lancashire.” Trong thời kỳ này các nông dân Phi châu phát đạt đã quyên tiền cứu tế cho các công nhân dệt nghèo ở Anh!

Sự năng động kinh tế mới này, không ngạc nhiên, đã không làm vừa lòng các thủ lĩnh truyền thống, những người, theo hình mẫu mà bây giờ là quen thuộc với chúng ta, đã thấy việc này làm xói mòn sự giàu có và quyền lực của họ.

Các thủ lĩnh cũng đã chống lại những sự cải thiện được tiến hành trên đất, như đào các mương thủy lợi hay xây dựng hàng rào. Họ đã nhận ra rằng những sự cải thiện này chỉ là một bước dạo đầu cho các quyền tài sản cá nhân đối với đất, sự bắt đầu của sự kết thúc đối với họ.

Ngay cả một chút các thể chế dung hợp và sự xói mòn quyền lực của các thủ lĩnh và những hạn chế của họ đã là đủ để khởi động một đợt bột phát kinh tế Phi châu đầy sinh khí. Chao ôi, nó đã thật ngắn ngủi. Giữa 1890 và 1913 nó đi đến một sự kết thúc đột ngột và đảo ngược. Trong thời kỳ này hai lực đã hoạt động để phá hủy sự thịnh vượng thôn quê và sự năng động mà những người Phi châu đã tạo ra trong năm mươi năm trước. Thứ nhất đã là sự phản đối của các nông dân Âu châu những người đã cạnh tranh với những người Phi châu. Những nông dân Phi châu thành công đã kéo giá cây trồng xuống mà những người Âu châu cũng sản xuất. Lực thứ hai thậm chí còn nham hiểm hơn. Những người Âu châu đã muốn một lực lượng lao động rẻ mạt để sử dụng vào nền kinh tế khai mỏ đang nảy nở, và họ đã có thể đảm bảo cung lao động rẻ này chỉ bằng cách bần cùng hóa những người Phi châu.

Cả hai mục tiêu đã đồng thời được thực hiện bởi Bộ Luật Ðất Bản địa năm 1913. Bộ luật, tiên liệu trước quan niệm của Lewis về nền kinh tế kép, đã chia Nam Phi thành hai phần, một phần hiện đại thịnh vượng và một phần truyền thống nghèo. Bộ luật Ðất đai đã có nhiều tiền đề từ trước bởi vì dần dần những người Âu châu đã hạn chế những người Phi châu trong các miếng đất nhỏ hơn và nhỏ hơn. Nhưng chính Bộ luật 1913 đã là cái thể chế hóa một cách dứt khoát tình trạng và đã dựng vũ đài cho sự hình thành của chế độ Apartheid Nam Phi, với thiểu số da trắng có cả các quyền chính trị và kinh tế và đa số da đen bị loại trừ khỏi cả hai.

Pháp luật 1913 cũng đã bao gồm các điều khoản dự trù để chặn những người lĩnh canh và những người chiếm đất da đen khỏi việc canh tác trên đất do người da trắng sở hữu trong bất cứ tư cách nào khác với tư cách tá điền làm thuê.

Trừ chuyện nền kinh tế kép đã không phải là tự nhiên hay không thể tránh khỏi. Nó đã được tạo ra bởi chủ nghĩa thuộc địa Âu châu. Những sự thay đổi chính trị bắt đầu xảy ra cũng đã đi theo chiều ngược lại. Quyền lực của các thủ lĩnh và những kẻ cai trị truyền thống, mà trước đây trong suy tàn, thì được củng cố, bởi vì phần của dự án để tạo ra một lực lượng lao động rẻ mạt đã là xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất. Cho nên sự kiểm soát của các thủ lĩnh đối với đất đã được tái khẳng định. Các biện pháp này đã đạt đỉnh điểm của chúng trong năm 1951, khi chính phủ thông qua Ðạo luật Nhà chức trách Bantu.

Sự tước quyền sở hữu của các nông dân Phi châu đã dẫn đến sự bần cùng hóa hàng loạt của họ. Nó đã tạo ra không chỉ các nền tảng thể chế của một nền kinh tế lạc hậu, mà đã tạo ra những người nghèo để cung ứng cho nó, Nam Phi đã trở thành nước bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Nền kinh tế kép của Nam Phi đã có đi đến một kết thúc trong năm 1994. Nhưng không phải bởi vì các lý do mà Sir Arthur Lewis đã bàn lý luận về. Ðã không phải là sự diễn tiến tự nhiên của sự phát triển kinh tế đã chấm dứt vạch màu và các Xứ sở. Những người Nam Phi da đen đã phản đối và đã đứng lên chống lại chế độ mà đã không công nhận các quyền cơ bản của họ và đã không chia sẻ các lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế với họ. Sau cuộc khởi nghĩa Soweto năm 1976, những cuộc phản kháng đã trở nên có tổ chức hơn và mạnh hơn, cuối cùng đã lật đổ nhà nước Apartheid. Chính sự trao quyền của những người da đen, những người đã tìm được cách để tổ chức và đứng lên, là cái cuối cùng đã chấm dứt nền kinh tế kép của Nam Phi theo cùng cách mà lực lượng chính trị của những người da trắng Nam Phi đã tạo ra nó trước hết.

SỰ PHÁT TRIỂN BỊ ÐẢO NGƯỢC

Sự bất bình đẳng thế giới ngày nay tồn tại bởi vì trong các thế kỷ thứ mười chín và hai mươi một số quốc gia đã có khả năng tận dụng lợi thế của Cách mạng Công nghiệp và các công nghệ và các phương pháp tổ chức mà nó mang lại, trong khi các quốc gia khác đã không có khả năng làm vậy.

Câu chuyện của một trong những nền văn minh cổ xưa nhất ở châu Á, Ấn Ðộ, là tương tự, mặc dù sự đảo ngược phát triển đã không do người Hà Lan mà do người Anh gây ra. Ấn Ðộ đã là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt lớn nhất thế giới trong thế kỷ thứ mười tám. Công ty Ðông Ấn của Anh đã sử dụng thế kỷ thứ mười bảy để thử thiết lập một độc quyền về các hàng xuất khẩu có giá trị từ Ấn Ðộ. Công ty Ðông Ấn đã cướp bóc của cải địa phương và đã tiếp quản, và có lẽ thậm chí đã tăng cường, các thể chế đánh thuế khai thác của các nhà cai trị Mughal của Ấn Ðộ. Sự mở rộng này đã trùng với sự co lại ồ ạt của ngành dệt Ấn Ðộ, vì, rốt cuộc, đã không còn thị trường cho các mặt hàng này ở Anh. Sự co lại đã đi cùng với thoái-đô thị hóa và sự nghèo khó gia tăng. Nó đã khởi xướng một giai đoạn dài của sự phát triển bị đảo ngược ở Ấn Ðộ. Chẳng bao lâu sau, thay cho sản xuất hàng dệt, những người Ấn Ðộ đã mua chúng từ Anh và trồng thuốc phiện cho Công ty Ðông Ấn để bán ở Trung Quốc.

(Đoạn 6)

11-12-2018

Chương 10: SỰ TRUYỀN BÁ THỊNH VƯỢNG

VINH DỰ GIỮA NHỮNG KẺ CẮP

Nước Anh thế kỷ 18 đã có một giải pháp đơn giản để xử lý các phạm nhân: Họ đã đày nhiều [phạm nhân] đến các thuộc địa trong đế chế.

Một đội tàu nhồi đầy các tù nhân đã đến Vịnh Botany năm 1788. Họ đã dựng trại ở Vũng Sydney, thuộc địa mới New South Wales.

Thuộc địa tù New South Wales gồm các tù nhân và những lính. Ðã có ít “người định cư tự do” ở Australia cho đến các năm 1820, và việc đày tù nhân, dù đã ngừng ở New South Wales trong năm 1840, đã tiếp tục cho đến 1868 ở Tây Australia. Các tù nhân đã phải thực hiện “công việc ép buộc,”

Tất nhiên đã có những người Aboriginal, có lẽ đông đến một triệu vào thời thành lập New South Wales. Nhưng họ đã ở rải rác khắp một lục địa mênh mông, và mật độ của họ ở New South Wales đã không đủ cho việc tạo ra một nền kinh tế dựa trên sự bóc lột họ. Ðã không có lựa chọn Mỹ Latin nào ở Australia.

Những người lính canh giữ cũng được hưởng lợi từ quyền tự do kinh tế của các tù nhân. Sản xuất đã tăng lên, và những người canh giữ đã dựng lên các độc quyền để bán hàng hóa cho các tù nhân. Món hàng béo bở nhất trong số này đã là rượu rum.

Gốc rễ của cuộc Phiến loạn Rum đã là kinh tế. Chiến lược trao cho các tù nhân các khuyến khích đã làm ra rất nhiều tiền cho những người như Macarthur, người đã đến Australia như một người lính trong nhóm tàu thứ hai cập bến năm 1790. Năm 1796 ông giải ngũ rời quân đội để tập trung vào kinh doanh. Vào thời đó ông đã có con cừu đầu tiên của mình, và đã nhận ra rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền trong chăn nuôi cừu và xuất khẩu len. Macarthur chẳng bao lâu đã là người giàu nhất Australia, ông và các ông trùm cừu bạn ông đã được biết đến như những Kẻ Chiếm Ðất (Squatter), vì đất mà trên đó họ cho cừu ăn đã không phải là đất của họ. Nó là đất do chính phủ Anh sở hữu. Nhưng lúc đầu đấy đã là một chi tiết nhỏ. Những Kẻ Chiếm Ðất đã là giới elite của Australia, hay, thỏa đáng hơn, Chế độ Chiếm đất (Squattocracy).

Các tù nhân đã là lực lượng lao động duy nhất, và cách duy nhất đến khuyến khích họ đã là trả lương cho họ đối với công việc họ làm. Không bao lâu sau các tù nhân đã được phép trở thành các doanh nhân khởi nghiệp và thuê các tù nhân khác. Ðáng chú ý hơn, thậm chí họ đã được trao đất sau khi mãn hạn tù, và tất cả các quyền của họ đã được phục hồi. Một vài trong số họ đã trở nên giàu có, ngay cả Henry Cable mù chữ nữa. Vào năm 1798 ông đã sở hữu một khách sạn được gọi là Ramping Horse, và ông cũng đã có một cửa hàng. Ông đã mua một chiếc tàu và lao vào buôn da chó biển..

Xung đột tiếp theo ở New South Wales đã là giữa elite và phần còn lại của xã hội, gồm có các tù nhân, các cựu tù nhân, và gia đình họ. Elite, dẫn đầu bởi những người canh giữ trước kia và các binh lính như Macarthur. Chính phủ Anh đã cử John Bigge đến thuộc địa vào năm 1819 để đứng đầu một ủy ban điều tra về những sự phát triển ở đó. Bigge đã bị sốc bởi các quyền mà các tù nhân được hưởng và đã ngạc nhiên bởi bản chất dung hợp căn bản của các thể chế kinh tế của thuộc địa tù này.

Trong lúc Bigge đã thử vặn lại đồng hồ, các cựu tù nhân và con trai và con gái họ đã đòi hỏi nhiều quyền hơn. Quan trọng nhất, họ đã nhận ra, lại hệt như ở Hoa Kỳ, rằng để củng cố các quyền kinh tế và chính trị của họ một cách đầy đủ họ cần đến các thể chế chính trị mà sẽ bao hàm họ trong quá trình ra quyết định. Họ đã đòi hỏi các cuộc bầu cử mà trong đó họ có thể tham gia như những người ngang hàng và các thể chế đại diện và các hội đồng mà trong đó họ có thể giữ các chức vụ.

Các cựu tù nhân và các con của họ đã được lãnh đạo bởi nhà văn sôi nổi, nhà thám hiểm, và nhà báo William Wentworth. Vào lúc này, Wentworth đã là một người ủng hộ mạnh mẽ các thể chế chính trị dung hợp hơn, một quốc hội được bầu, sự xét xử bởi bội thẩm đoàn đối với các cựu tù nhân và gia đình của họ, và một sự chấm dứt lưu đày sang New South Wales. Ông đã bắt đầu một tờ báo, tờ Australian, mà từ đó trở đi hướng dẫn cuộc tấn công lên các thể chế chính trị hiện tồn. Macarthur đã không thích Wentworth và chắc chắn đã không thích cái ông đòi.

Sự phản đối mãnh liệt của Macarthur và những Kẻ Chiếm Ðất, tuy vậy, đã không thể chặn trào lưu ở Australia. Việc đòi các thể chế đại diện đã mạnh mẽ và đã không thể bị dập tắt. Vào các năm 1850, Australia đã đưa ra quyền đi bầu cho người da trắng trưởng thành. Các đòi hỏi của các công dân, các cựu tù nhân và gia đình của họ, bây giờ đã vượt xa mức mà William Wentworth đầu tiên đã hình dung. Hoàn cảnh ban đầu ở Sydney, New South Wales, đã rất giống hoàn cảnh ở Jamestown, Virginia, 181 năm trước.

Australia, giống Hoa Kỳ, đã trải qua một con đường khác đến các thể chế dung hợp so với con đường Anh đã đi. Ở nước Anh đã có một lịch sử dài về sự cai trị chuyên chế mà đã bám sâu và đã cần đến một cuộc cách mạng để xóa bỏ nó. Ở Hoa Kỳ và Australia, đã không có thứ như vậy. Mặc dù Lord Baltimore ở Maryland và John Macarthur ở New South Wales đã có thể mong mỏi một vai trò như vậy, họ đã không thể thiết lập một sự kìm kẹp đủ mạnh lên xã hội để cho các kế hoạch của họ ra quả. Các thể chế dung hợp được thiết lập ở Hoa Kỳ và Australia đã có nghĩa rằng Cách mạng Công nghiệp lan nhanh chóng đến các miền đất này và chúng bắt đầu trở nên giàu. Con đường mà các nước này đi đã được các thuộc địa như Canada và New Zealand noi theo.

Ðã vẫn có những con đường khác đến các thể chế dung hợp. Các phần lớn của Tây Âu đã đi một con đường thứ ba đến các thể chế dung hợp dưới sự thúc đẩy của Cách mạng Pháp, mà đã lật đổ chính thể chuyên chế ở Pháp và rồi đã gây ra một chuỗi các xung đột giữa các quốc gia mà đã truyền bá cải cách thể chế ngang qua phần lớn Tây Âu. Hệ quả kinh tế của những cải cách này đã là sự nổi lên của các thể chế kinh tế dung hợp ở hầu hết Tây Âu, Cách mạng Công nghiệp, và tăng trưởng kinh tế.

PHÁ VỠ CÁC RÀO CẢN: CÁCH MẠNG PHÁP

Cách mạng Pháp đã là một việc cấp tiến. Ngày 4 tháng Tám năm 1789, Quốc hội Lập hiến đã thay đổi hoàn toàn các luật bằng một hiến pháp mới. Ðiều thứ nhất nói rõ:

Quốc hội bằng cách này xóa bỏ hoàn toàn hệ thống phong kiến. Nó ra sắc lệnh rằng, giữa các quyền và thuế hiện tồn, cả phong kiến và địa tô, tất cả những thứ hình thành trong hay tượng trưng cho thân phận nông nô thực hay cá nhân sẽ bị xóa bỏ mà không có sự bồi thường nào.

Như thế, trong một cú đột kích, Cách mạng Pháp đã xóa bỏ hệ thống phong kiến và mọi giao ước và thuế mà nó đã đòi hỏi, và nó đã bãi bỏ toàn bộ những sự miễn thuế của giới quý tộc và tăng lữ. Nhưng có lẽ cái đã là cấp tiến nhất, thậm chí không thể tưởng tượng nổi vào thời ấy, đã là điều thứ mười một nói rõ:

Tất cả mọi công dân, không phân biệt dòng dõi, đều có quyền đối với bất cứ chức vụ hay chức tước cao nào, bất luận tu sĩ, dân sự, hay quân sự; và không nghề nào sẽ ngụ ý bất cứ sự xúc phạm nào.

Những cải cách này đã là bước đầu tiên theo hướng chấm dứt thế lực của các quốc vương Pháp chuyên chế. Nhờ nó, mà nước Pháp đã không bị sập bẫy với các thể chế chiếm đoạt ngăn cản tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng,

Trước cách mạng, Louis XIV đã cai trị mà không triệu tập Hội Ðồng. Dưới triều ông, Pháp đã đạt sự tăng trưởng kinh tế nào đó – thí dụ, tham gia vào thương mại Ðại Tây Dương và thuộc địa. Bộ trưởng tài chính có tài của Louis, Jean-Baptiste Colbert, cũng đã trông coi việc phát triển công nghiệp do chính phủ tài trợ và do chính phủ kiểm soát, một loại của sự tăng trưởng khai thác.

Mặc dù đã có một chút tăng trưởng kinh tế, vào thời Louis XVI lên nắm quyền trong năm 1774, tuy nhiên đã có những thay đổi lớn trong xã hội. Các vấn đề tài khóa trước đây đã biến thành một khủng hoảng, và Chiến tranh Bảy Năm với Anh giữa 1756 và 1763, trong đó Pháp đã mất Canada, đã đặc biệt tốn kém.

Trong thời gian đó, tâm trạng trong nước, và đặc biệt ở Paris, đã trở nên cấp tiến hơn. Quốc hội Lập Hiến đã thông qua phiên bản cuối cùng của hiến pháp ngày 29 tháng Chín, 1791, biến Pháp thành một nền quân chủ lập hiến.

Nhưng sự năng động của cách mạng sau đó đã bị thay đổi một cách không thể đảo ngược bởi cuộc chiến tranh nổ ra năm 1792 giữa Pháp và “liên minh đầu tiên,” do Áo dẫn đầu. Kết quả của quá trình này đã là giai đoạn được biết đến như Khủng bố, dưới sự chỉ huy của phe Jacobin do Robespierre và Saint-Just lãnh đạo, được tháo tung ra sau việc hành quyết Louis XVI và Marie Antoinette.

Nhưng Khủng bố đã chẳng mấy chốc vượt khỏi vòng kiểm soát và cuối cùng đã đi đến kết thúc vào tháng Bảy năm 1794 với việc tử hình các lãnh tụ của chính nó, kể cả Robespierre và Saint-Just. Tiếp theo đã là một thời kỳ ổn định tương đối, đầu tiên dưới thời của Hội đồng Ðốc chính (Directory) hơi kém hiệu quả, giữa 1795 và 1799, và sau đó với quyền lực được tập trung hơn dưới dạng một Chế độ tổng tài (Consulate) ba người, gồm có Ducos, Sieyès, và Napoleon Bonaparte. Ngay dưới thời Hội đồng Ðốc chính, vị tướng trẻ Napoleon Bonaparte đã trở nên nổi tiếng rồi vì các thành công quân sự của ông, và ảnh hưởng của ông đã chỉ tăng lên sau 1799. Chế độ tổng tài chẳng bao lâu sau đã biến thành sự cai trị cá nhân của Napoleon.

Các năm giữa 1799 và sự kết thúc của triều đại Napoleon, 1815, đã chứng kiến một chuỗi chiến thắng quân sự vĩ đại cho nước Pháp, kể cả chiến thắng tại Austerlitz, Jena-Auerstadt, và Wagram, bắt châu Âu lục địa quỳ gối. Các lực được tháo ra bởi cách mạng 1789 đã chấm dứt chính thể chuyên chế Pháp và một cách không thể tránh khỏi, cho dù chậm chạp, đã dẫn đến sự nổi lên của các thể chếdung hợp Pháp, và các phần của châu Âu nơi các cuộc cải cách cách mạng đã được xuất khẩu sang, sẽ tham gia vào quá trình công nghiệp hóa đang tiến triển trong thế kỷ thứ mười chín.

XUẤT KHẨU CÁCH MẠNG

Trước Cách mạng Pháp, đã có những hạn chế nghiêm ngặt đối với những người Do thái khắp châu Âu.

Khi Cách mạng Pháp nổ ra, Rothschild, đã sống tại Frankfurt (Đức). Vào đầu các năm 1780, Rothschild đã xác lập mình như một thương nhân hàng đầu về tiền đúc, kim loại, và đồ cổ ở Frankfurt. Nhưng giống tất cả những người Do Thái trong thành phố, ông đã không thể mở một doanh nghiệp bên ngoài khu dành riêng ghetto, hay thậm chí sống ở ngoài ghetto.

Năm 1791 Quốc hội Pháp đã giải phóng dân Do Thái Pháp. Ở Frankfurt tác động của chúng đột ngột hơn và có lẽ hơi không chủ tâm. Năm 1796 những người Pháp đã oanh tạc Frankfurt, Khoảng hai ngàn người Do Thái đã bị bỏ vô gia cư và đã phải chuyển ra ngoài ghetto. Nhà Rothschild đã ở trong số những người này.

Vào cuối thập kỷ, Rothschild đã là một trong những người Do Thái giàu nhất Frankfurt và đã là một nhà kinh doanh có uy tín lâu rồi. Sự giải phóng toàn bộ đã còn phải đợi đến 1811.

Ðây đã không là một sự kiện cô lập. Ðầu tiên các Ðội quân Cách mạng Pháp và rồi Napoleon đã xâm chiếm các phần lớn của châu Âu lục địa, và trong hầu như tất cả các vùng mà họ xâm chiếm, các thể chế hiện tồn đã là các tàn dư của thời trung cổ. Các lãnh tụ của Cách mạng Pháp và, sau đó, Napoleon đã xuất khẩu cách mạng sang các vùng đất này, tiêu diệt chính thể chuyên chế, và áp đặt sự bình đẳng trước luật. Cách mạng Pháp như thế đã chuẩn bị không chỉ nước Pháp mà phần lớn của phần còn lại của châu Âu cho các thể chế dung hợp và sự tăng trưởng kinh tế mà những thể chế này khích lệ. Các đội quân Cách mạng Pháp mau chóng đã bắt đầu thực hiện một quá trình cải cách triệt để trong các vùng mà họ đã chinh phục, xóa bỏ các vết tích còn lại của chế độ nông nô và các quan hệ đất đai phong kiến.

Cái đã được bắt đầu bởi các Ðội quân Cách mạng Pháp đã được tiếp tục, dưới hình thức này hay hình thức khác, bởi Napoleon. Quan trọng nhất, ông đã hệ thống hóa luật La Mã và các tư tưởng về bình đẳng trước luật vào một hệ thống pháp luật mà được biết đến như Bộ Luật [Code] Napoleon. Napoleon đã coi bộ luật này như di sản lớn nhất của ông và đã muốn áp đặt nó ở mọi lãnh thổ ông kiểm soát.

Tất nhiên, những cải cách được áp đặt bởi Cách mạng Pháp và Napoleon đã không phải là không thể bị đảo ngược. Ở một số nơi, như ở Hanover, Ðức, các elite cũ đã được phục hồi không lâu sau sự sụp đổ của Napoleon và phần lớn cái những người Pháp đạt được đã bị mất vĩnh viễn. Xét cho cùng, các đội quân Pháp đã gây ra nhiều đau khổ ở châu Âu, nhưng chúng cũng đã làm thay đổi triệt để tình hình (địa hình địa thế). Trong phần lớn châu Âu đã biến mất các quan hệ phong kiến. Những thay đổi này đã tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp mà sau đó cho phép công nghiệp hóa bén rễ. Vào giữa thế kỷ thứ mười chín, công nghiệp hóa đã tiến triển nhanh trong hầu hết các nơi mà người Pháp kiểm soát, trong khi những nơi như Áo-Hungary và Nga, mà người Pháp đã không chinh phục, hay Ba Lan và Tây Ban Nha, nơi ảnh hưởng Pháp đã là tạm thời và hạn chế, nhìn chung vẫn trì trệ.

TÌM KIẾM TÍNH HIỆN ÐẠI

Vào mùa thu 1867, Toshimichi, một cận thần hàng đầu của lãnh địa phong kiến Satsuma, Nhật bản, đã đi từ kinh đô đến thành phố Yamaguchi. Ông đã gặp các lãnh đạo của lãnh địa Chōshū, có một kiến nghị: họ phải kết hợp lực lượng, hành quân về kinh đô, và lật đổ shogun, nhà cai trị Nhật Bản. Vào lúc này Toshimichi đã thuyết phục được các lãnh đạo của các lãnh địa Tosa và Aki rồi. Một khi các lãnh đạo của Chōshū hùng mạnh đồng ý, một Liên minh Satcho bí mật hình thành.

Trong năm 1868 Nhật Bản đã là một nước chậm phát triển về mặt kinh tế, từ năm 1600 bị kiểm soát bởi gia đình Tokugawa, mà kẻ cai trị của nó đã lấy tước hiệu shogun (người chỉ huy) trong năm 1603. Hoàng đế Nhật Bản đã bị cho ra ngoài lề và chỉ đảm đương vai trò nghi thức thuần túy.

Toshimichi bây giờ đã ngày càng được thuyết phục rằng Nhật Bản cần lật đổ chế độ shogun phong kiến, và cuối cùng ông đã thuyết phục được Shimazu Hisamitsu. Ðể tập hợp sự ủng hộ cho sự nghiệp của họ, họ đã gói ghém nó trong sự phẫn uất cao độ vì việc đẩy hoàng đế ra ngoài lề. Thỏa ước Ōkubo Toshimichi đã ký với lãnh địa Tosa là cấp tiến, và mặc dù điều 1 tuyên bố rằng “quyền lực chính trị của đất nước phải được trả lại cho Triều Ðình Hoàng đế, và mọi sắc lệnh được ban hành bởi Triều Ðình,” nó đã bao gồm sự khôi phục hoàng đế rất nhiều. Các điều 2, 3, 4, và 5 tuyên bố:

2. Hai cơ quan lập pháp, Thượng viện và Hạ viện, phải được thiết lập, và mọi biện pháp của chính phủ phải được quyết định trên cơ sở ý kiến chung.

3. Những người có năng lực giữa các lãnh chúa, các quý tộc và nhân dân nói chung phải được dùng như các ủy viên hội đồng, và các chức vụ truyền thống của quá khứ mà đã mất mục đích của chúng phải bị bãi bỏ.

4. Công việc đối ngoại phải được thực hiện theo các quy chế thích hợp được soạn ra trên cơ sở ý kiến chung.

5. Luật pháp và các quy định của các thời trước phải được xếp sang một bên và một bộ luật mới và phù hợp phải được chọn.

Shogun Yoshinobu đã đồng ý từ chức, và vào ngày 3 tháng Giêng, 1868, Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) đã được tuyên bố. Mặc dù các lực lượng Satsuma và Chōshū bây giờ đã chiếm kinh đô và thủ đô đế chế Kyōto, họ đã sợ nhà Tokugawas sẽ thử lấy lại quyền lực và tái lập chế độ shogun. Toshimichi đã muốn nhà Tokugawas bị nghiền nát vĩnh viễn. Ông đã thuyết phục hoàng đế bãi bỏ lãnh địa Tokugawa và sung công đất của họ. Ngày 27 tháng Giêng cựu shogun Yoshinobu đã tấn công các lực lượng Satsuma và Chōshū, và nội chiến đã nổ ra; nó đã diễn ra ác liệt cho đến mùa hè, khi cuối cùng nhà Tokugawa bị đánh bại.

Tiếp sau Minh Trị Duy Tân đã có một quá trình cải cách biến đổi ở Nhật Bản.

Giữa thế kỷ 19, cả Trung Quốc và Nhật Bản đã là các quốc gia nghèo, tiều tụy dưới các chế độ chuyên chế. Chế độ chuyên chế ở Trung Quốc đã tỏ vẻ nghi ngờ sự thay đổi trong hàng thế kỷ. Mặc dù đã có nhiều sự giống nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đã có những khác biệt chính trị đáng chú ý. Trung Quốc đã là một đế chế quan liêu tập trung được cai trị bởi một hoàng đế chuyên chế. Cấu trúc của các thể chế chính trị Nhật Bản đã là khác. Chế độ shogun đã dẹp hoàng đế sang bên lề, nhưng như chúng ta đã thấy, quyền lực của nhà Tokugawa đã không phải là tuyệt đối, và các lãnh địa như lãnh địa Satsumas đã duy trì sự độc lập, thậm chí cả khả năng để tiến hành buôn bán với nước ngoài nhân danh chính họ.

Như một hệ quả của những khác biệt ban đầu này, mỗi nước đã đáp lại một cách khác nhau đối với những thách thức của thế kỷ thứ mười chín, và Nhật Bản và Trung Quốc đã phân kỳ một cách đầy kịch tính khi đối mặt với bước ngoặt do Cách mạng Công nghiệp tạo ra. Trong khi các thể chế Nhật Bản đã được biến đổi và nền kinh tế đã bước lên con đường tăng trưởng nhanh, thì ở Trung Quốc các lực thúc đẩy sự thay đổi thể chế đã không đủ mạnh, và các thể chế khai thác đã tồn tại dai dẳng phần lớn không giảm sút cho đến khi chúng đổi sang hướng tồi tệ với cách mạng cộng sản của Mao trong năm 1949.

GỐC RỄ CỦA SỰ BẤT BÌNH ÐẲNG THẾ GIỚI

Chương này và ba chương trước đã kể câu chuyện về các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp đã nổi lên như thế nào ở nước Anh để làm cho Cách mạng Công nghiệp là có thể, và vì sao một số nước nào đó đã được lợi từ Cách mạng Công nghiệp và đã bước lên con đường tăng trưởng, trong khi các nước khác đã không hay, thực ra, đã kiên quyết từ chối việc cho phép thậm chí sự bắt đầu công nghiệp hóa. Liệu một nước đã có bắt đầu công nghiệp hóa hay không phần lớn đã là một chức năng của các thể chế của nó. Hoa Kỳ, mà đã trải qua một sự biến đổi giống như Cách mạng Vinh quang Anh, đã phát triển kiểu riêng của mình về các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp vào cuối thế kỷ thứ mười tám. Nó như thế trở thành quốc gia đầu tiên để lợi dụng các công nghệ mới đến từ các Ðảo Anh, và chẳng bao lâu sau vượt qua Anh và trở thành người mở đường của công nghiệp hóa và thay đổi công nghệ. Australia đã đi theo một con đường tương tự.

Australia đã có thể khởi đầu quá trình riêng của mình về tăng trưởng kinh tế. Australia và Hoa Kỳ đã có thể công nghiệp hóa và phát triển nhanh bởi vì các thể chế tương đối dung hợp của họ đã không ngăn chặn các công nghệ mới, sự đổi mới, hay sự phá hủy có tính sáng tạo.

Không phải vậy ở hầu hết các thuộc địa Âu châu khác. Sự năng động của họ là hoàn toàn ngược với sự năng động ở Australia và Hoa Kỳ. Tại một số trong các nơi này họ đã tiệt trừ một cách tường minh bất cứ ngành công nghiệp đang đâm chồi nào hay các thể chế kinh tế dung hợp nào đã tồn tại. Hầu hết các nơi này không ở trong trạng thái để được lợi từ sự công nghiệp hóa trong thế kỷ thứ mười chín hay thậm chí trong thế kỷ thứ hai mươi.

Ở nơi khác trên thế giới, chính thể chuyên chế đã có sức bật như ở Ðông Âu. Ðiều này đã đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi sự chuyển tiếp Minh-Thanh đã dẫn đến một nhà nước cam kết xây dựng một xã hội nông nghiệp ổn định và thù địch với thương mại quốc tế. Nhật Bản đã phản ứng theo cùng cách như Tây Âu. Cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi các lãnh chúa phản đạo của các lãnh địa Satsuma, Chōshū, Tosa, và Aki. Các lãnh chúa này đã lật đổ shogun, tạo ra Minh Trị Duy Tân, và đã chuyển Nhật Bản lên con đường cải cách thể chế và tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta cũng đã thấy rằng chính thể chuyên chế đã có sức bật ở Ethiopia cô lập. Ở nơi khác trên lục địa, chính cùng lực của thương mại quốc tế mà đã giúp biến đổi các thể chế Anh trong thế kỷ thứ mười bảy, lại đã siết chặt các phần lớn của miền tây và trung châu Phi vào các thể chế hết sức chiếm đoạt thông qua buôn bán nô lệ. Việc này đã phá hủy các xã hội ở một số nơi và đã dẫn đến việc tạo ra các nhà nước nô dịch ở một số nơi khác. Ðộng học thể chế mà chúng ta mô tả cuối cùng đã xác định những nước nào tận dụng được lợi thế của các cơ hội hiện diện trong thế kỷ thứ mười chín trở đi và những nước nào đã không làm như vậy. Gốc rễ của sự bất bình đẳng thế giới mà chúng ta quan sát thấy ngày nay có thể thấy trong sự phân kỳ này. Với vài ngoại lệ, các nước giàu ngày nay là các nước đã bước chân vào quá trình công nghiệp hóa và thay đổi công nghiệp bắt đầu trong thế kỷ thứ mười chín, và các nước nghèo là các nước đã không làm vậy.

Chương 11: VÒNG THIỆN

BỘ LUẬT ÐEN

Lâu đài Windsor, phía tây London, là một trong những dinh thự hoàng gia lớn của nước Anh. Ðầu thế kỷ thứ mười tám, lâu đài đã được bao quanh bởi một rừng lớn, đầy nai.

Những “Kẻ Mặt Ðen [Black]” bí ẩn là các nhóm các đàn ông địa phương, đã bôi đen mặt mình để che giấu diện mạo của họ vào ban đêm. Chúng đã giết và làm tàn tật nai và các thú vật khác, đốt các đống rơm và các kho thóc, phá hoại hàng rào và các hồ cá. Theo bề ngoài đã là tình trạng vô luật pháp hoàn toàn, nhưng không phải. Các Black đã không chỉ săn trộm nai để ăn; chúng cũng đã cố tình phá hoại. Vì mục đích gì?

Một khối xây dựng (building block) cốt yếu của Cách mạng Vinh quang năm 1688 đã là bản chất đa nguyên của các lợi ích được đại diện trong Quốc hội Ðảng chính trị Whig, được thành lập trong các năm 1670 để đại diện cho các lợi ích buôn bán và kinh tế mới, đã là tổ chức chính ở đằng sau Cách mạng Vinh quang, và các đảng viên Whig đã chi phối Quốc hội từ 1714 đến 1760. Một khi đã nắm quyền lực, họ đã thử sử dụng vị trí mới kiếm được của mình để làm hại các quyền của những người khác, để cũng có miếng bánh của mình. Bản chất đa nguyên của xã hội đã nổi lên từ Cách mạng Vinh quang cũng đã có nghĩa rằng dân cư nói chung, ngay cả những người không có sự đại diện chính thức trong Quốc hội, đã được trao quyền, và “sự bôi đen mặt-blacking” đã chính xác là một phản ứng bởi người dân thường đối với cảm nhận rằng các đảng viên Whig đã lợi dụng địa vị của họ.

William Cadogan, một tướng có nhiều công trạng, mua một bất động sản lớn khoảng một ngàn mẫu, xây một tòa nhà lớn và một vườn nai 240-mẫu. Tài sản này đã được củng cố bằng việc vi phạm các quyền của những người ở xung quanh. Người dân bị đuổi, Cadogan đã đối mặt với sự phẫn nộ của dân. Vườn nai đã bị tấn công bất ngờ bởi những Kẻ Mặt Ðen (Black). Bất động sản của nhiều địa chủ có tiếng và các chính trị gia cũng đã bị các Black tấn công.

Chính phủ không để cho việc này yên. Tháng Năm 1723, Quốc hội đã thông qua Ðạo luật Ðen (Black Act), tạo ra năm mươi tội mới bị trừng phạt bằng treo cổ. Sự hận thù của các Black địa phương mau chóng được châm ngòi.

1724, John Huntridge, đã bị buộc tội giúp đỡ những kẻ đánh cắp nai và xúi bẩy các Black quen biết, cả hai tội có thể bị trừng phạt bằng treo cổ. Việc khởi tố Huntridge đã đến từ trên đỉnh, Sự kết tội đã là một kết luận bỏ túi được định trước, nhưng đã không thế. Sau một phiên xử kéo dài bồi thẩm đoàn đã xác minh và tuyên bố Huntridge vô tội, một phần vì lý do thủ tục, vì đã có những sự không theo quy tắc với cách chứng cứ được thu thập.

Các sự kiện bao quanh Bộ Luật Ðen cho thấy rằng Cách mạng Vinh quang đã tạo ra pháp trị,

Và chúng ta sẽ thấy rằng một khi chủ nghĩa đa nguyên và pháp trị đã được xác lập, sẽ có đòi hỏi cho chủ nghĩa đa nguyên lớn hơn và sự tham gia lớn hơn vào quá trình chính trị.

Vòng thiện nảy sinh không chỉ từ logic vốn có của chủ nghĩa đa nguyên và pháp trị, mà cũng bởi vì các thể chế chính trị dung họp có xu hướng ủng hộ các thể chế kinh tế dung hợp. Trong khi vòng thiện tạo ra một xu hướng cho các thể chế dung hợp tồn tại bền bỉ, nó chẳng là không thể tránh khỏi cũng không phải không thể bị đảo ngược. Cả ở vương quốc Anh và ở Hoa Kỳ, các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp đã phải chịu nhiều thách thức. Và tất nhiên đã không phải được quyết định trước rằng các thách thức này phải bị thất bại. Nó là nhờ không chỉ vòng thiện mà cũng nhờ sự nhận ra con đường tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử mà các thể chế dung hợp Anh và Hoa Kỳ đã sống sót và trở nên mạnh hơn theo thời gian.

SỰ TIẾN TRIỂN CHẬM CHẠP CỦA DÂN CHỦ

Sự phản ứng với Bộ Luật Ðen đã cho người dân Anh bình thường thấy rằng họ đã có nhiều quyền hơn họ đã nhận ra trước kia.

Ba thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ mười chín đã chứng kiến sự náo động xã hội gia tăng ở Anh, hầu hết đáp lại những bất bình đẳng kinh tế gia tăng và những đòi hỏi từ quần chúng bị tước quyền bầu cử đòi sự đại diện chính trị lớn hơn. Trong lúc đó, ở Paris, Cách mạng tháng Bảy 1830 đã nổ ra. Sự đồng thuận giữa các elite đã bắt đầu được hình thành rằng sự bất mãn đang lên đến điểm sôi, và cách duy nhất để tháo ngòi nổ náo loạn xã hội, và đẩy lui một cuộc cách mạng, đã là bằng cách thỏa mãn các đòi hỏi của quần chúng và tiến hành cải cách quốc hội.

Nhân dân đã không chỉ muốn bỏ phiếu vì bản thân sự bỏ phiếu mà đã muốn có một chỗ ngồi quanh chiếc bàn để có thể bảo vệ các lợi ích của họ. Ðiều này đã được hiểu kỹ bởi phong trào Chartist, đòi quyền bầu cử phổ quát sau 1838,

Stephens đã hiểu kỹ rằng quyền bầu cử phổ quát đã là cách lâu bền nhất để trao quyền cho nhân dân Anh thêm nữa. Cuối cùng, Earl Grey đã thành công cả trong bảo đảm việc thông qua Bộ Luật Cải cách Thứ Nhất và tháo ngòi nổ của các trào lưu cách mạng. Những cải cách 1832 đã khiêm tốn, chỉ tăng gấp đôi quyền bỏ phiếu từ 8 phần trăm lên khoảng 16 phần trăm của số dân đàn ông (từ khoảng 2 đến 4 phần trăm của toàn bộ dân số).

Vì sao các elite Anh đã chịu nhượng bộ các đòi hỏi? Vì sao Earl Grey đã cảm thấy rằng cải cách một phần đã là cách duy nhất để duy trì hệ thống? Vì sao họ đã phải chịu đựng cái xấu ít hơn trong hai cái xấu, cải cách và cách mạng, hơn là duy trì quyền lực của họ mà không có bất cứ cải cách nào

Khi các cuộc đấu tranh của các năm 1790–1832 đã báo hiệu rằng sự cân bằng này đã thay đổi, các nhà cai trị của nước Anh đã đối mặt với các lựa chọn khả dĩ gây hoảng sợ. Họ đã có thể hoặc bỏ qua pháp trị, phá hủy các kết cấu hợp hiến tinh vi của họ, hủy bỏ rhetoric (từ chương) của chính họ và cai trị bằng vũ lực; hoặc họ chịu phục tùng các quy tắc của chính họ và từ bỏ quyền lãnh đạo của họ … họ đã đi các bước tập tễnh theo hướng thứ nhất. Nhưng cuối cùng, thay cho việc làm tan self-image (hình tượng về, sự tự nhận thức về bản thân mình) của chính họ và từ chối 150 năm của tính hợp hiến, họ đã đầu hàng luật pháp.

Cũng đã có sự phản hồi dương năng động giữa các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp làm cho một tiến trình hành động như vậy là hấp dẫn. Các thể chế kinh tế dung hợp đã dẫn đến sự phát triển của các thị trường dung hợp, đem lại một sự phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, sự khuyến khích lớn hơn để có được giáo dục và các kỹ năng, và thúc đẩy những đổi mới về công nghệ. Tất cả các lực này đã hoạt động ở Anh vào năm 1831.

Vòng thiện như thế đã mang lại cho Anh Bộ Luật Cải cách Thứ Nhất năm 1832. Nhưng đấy đã chỉ là bước đầu. Vẫn còn một con đường dài để đi đến dân chủ thực sự, bởi vì trong năm 1832 elite đã chỉ đưa ra cái họ nghĩ là họ phải và không hơn. Vấn đề cải cách quốc hội đã được tiếp tục bởi phong trào Chartist, mà Hiến chương của Nhân dân năm 1838 đã bao gồm các điều

Một lá phiếu cho mỗi người đàn ông có tuổi từ hai mươi mốt, có đầu óc lành mạnh và không đang chịu hình phạt vì phạm tội.

Bằng “phiếu bầu,” họ đã hiểu là bỏ phiếu kín bí mật và chấm dứt bỏ phiếu ngỏ, mà đã tạo thuận lợi cho việc mua chuộc phiếu bầu và sự ép buộc những người bỏ phiếu.

Thực ra, thí dụ Anh, một minh họa về vòng thiện của các thể chế dung hợp, cung cấp một thí dụ về một “vòng thiện từ từ.” Những sự thay đổi chính trị một cách không thể nhầm lẫn đã hướng tới các thể chế chính trị dung hợp hơn và đã là kết quả của những đòi hỏi từ nhân dân được trao quyền. Nhưng chúng đã cũng từ từ từng bước một. Mỗi thập niên một bước nữa, đôi khi nhỏ hơn, đôi khi lớn hơn, đã được tiến hành hướng tới dân chủ. Ðã có xung đột về mỗi bước, và kết quả của mỗi bước đã tùy thuộc ngẫu nhiên. Nhưng vòng thiện đã tạo ra các lực mà đã làm giảm tiền đánh cược dính líu đến việc bám lấy quyền lực. Nó cũng đã thúc đẩy pháp trị, làm cho khó hơn để sử dụng vũ lực chống lại những người đòi hỏi cái mà bản thân các elite đã đòi hỏi từ các vua Stuart.

Sự thay đổi từ từ cũng đã chặn việc liều mạng lao vào các vùng lãnh thổ chưa được khám phá. Một sự lật đổ dữ dội hệ thống có nghĩa là cái gì đó hoàn toàn mới phải được xây dựng để thế chỗ cho cái bị thủ tiêu. Ðấy đã là trường hợp của Cách mạng Pháp, khi thử nghiệm đầu tiên với dân chủ đã dẫn đến Khủng bố và sau đó quay lại nền quân chủ hai lần trước khi cuối cùng dẫn đến nền Cộng hòa Pháp Thứ Ba vào năm 1870. Nó đã là trường hợp của Cách mạng Nga, nơi các mong mỏi của nhiều người cho một hệ thống công bằng hơn hệ thống của Ðế chế Nga, đã dẫn đến một chế độ độc tài độc đảng mà đã hung bạo, khát máu, và đồi bại hơn chế độ nó đã thay thế rất nhiều. Cải cách từ từ đã là khó trong các xã hội này chính xác bởi vì chúng thiếu chủ nghĩa đa nguyên và đã hết sức chiếm đoạt. Chính chủ nghĩa đa nguyên nổi lên từ Cách mạng Vinh quang, và pháp trị mà nó đưa vào, đã là cái làm cho sự thay đổi từ từ là khả thi, và đáng mong muốn, ở Anh.

Nhà bình luận Anh bảo thủ Edmund Burke, người kiên định chống Cách mạng Pháp, đã viết trong năm 1790, “Với sự thận trọng vô hạn rằng bất cứ ai nên liều mạng phá đổ một tòa lâu đài, mà đã đáp ứng cho các mục đích chung của xã hội theo bất cứ mức độ có thể chịu được nào từ bao đời nay, hay dựng lại nó lên mà không có các mô hình và các hình mẫu về tính hữu dụng đã được chứng minh trước mắt mình.” Burke đã sai về bức tranh lớn. Cách mạng Pháp đã thay thế tòa lâu đài thối nát và đã mở đường cho các thể chế bao gồm không chỉ ở Pháp, mà khắp phần lớn Tây Âu. Nhưng sự thận trọng của Burke đã không phải hoàn toàn không chính xác. Quá trình từ từ của cải cách chính trị Anh, mà đã bắt đầu trong năm 1688 và đã lấy được nhịp ba thập niên sau cái chết của Burke, đã có hiệu quả hơn bởi vì bản chất từ từ của nó đã làm cho nó hùng mạnh hơn, khó hơn để kháng cự, và cuối cùng lâu bền hơn.

LÀM VỠ TAN CÁC TRUST

Vào giữa thế kỷ thứ mười chín, tất cả các đàn ông da trắng đã có thể bầu cử ở Hoa Kỳ, mặc dù các phụ nữ và những người da đen đã không. Sự kết thúc của Nội Chiến Hoa Kỳ đã khởi xướng một đợt tăng tốc tăng trưởng kinh tế ở miền Bắc. Một vài người đã kiếm được số tiền lớn kếch xù. Họ và các công ty của họ đã trở nên ngày càng vô lương tâm. Họ đã được gọi là các Robber Baron (Trùm Kẻ Cướp). Một trong những kẻ khét tiếng nhất của những người này đã là Cornelius Vanderbilt, người đã nhận xét một cách nổi tiếng, “Tôi quan tâm gì đến Luật pháp? Tôi không có quyền lực ư?”

Một người khác đã là John D. Rockefeller, người đã khởi xướng Công ty Standard Oil năm 1870. Các tranh biếm họa đương thời vẽ Standard Oil như một con bạch tuộc quấn các vòi không chỉ quanh công nghiệp dầu mà cả Capitol Hill, tòa nhà Quốc hội, nữa.

Hầu như cũng khét tiếng thế đã là John Pierpont Morgan, người sáng lập tổ hợp độc quyền (conglomerate) ngân hàng. Cùng với Andrew Carnegie, Morgan đã thành lập Công ty Thép Hoa Kỳ (U.S. Steel Company) năm 1901. Trong các năm 1890, các trust lớn đã bắt đầu nổi lên gần như ở mọi khu vực của nền kinh tế, và nhiều trong số chúng kiểm soát hơn 70 phần trăm thị trường trong khu vực của chúng. Các trust này gồm tên của nhiều gia đình, như Du Pont, Eastman Kodak, và International Harvester. Về mặt lịch sử, Hoa Kỳ, chí ít miền bắc và trung tây Hoa Kỳ, đã có các thị trường tương đối cạnh tranh và đã quân bình hơn các phần khác của đất nước, đặc biệt là Miền Nam. Nhưng trong thời kỳ này, sự cạnh tranh nhường đường cho độc quyền, và sự bất bình đẳng của cải tăng lên nhanh chóng.

Hệ thống chính trị đa nguyên của Hoa Kỳ đã trao quyền cho một mảng rộng của xã hội, đã có thể đứng lên chống lại những sự xâm phạm như vậy. Các nạn nhân của các tập đoàn Trùm Ăn Cướp, đã bắt đầu tổ chức để chống lại chúng. Họ đã lập ra phong trào Dân túy và rồi sau đó phong trào Tiến bộ.

Các phong trào chính trị chầm chậm đã bắt đầu có một tác động lên thái độ chính trị và rồi lên lập pháp, đặc biệt liên quan đến vai trò của nhà nước trong điều tiết độc quyền. Một lực lượng chính trị chủ chốt đứng đằng sau quy chế chống trust và bước đi để áp đặt quy chế liên bang về công nghiệp đã lại là phiếu bầu của nông dân. Các nỗ lực ban đầu bởi các bang riêng lẻ trong các năm 1870 để điều tiết đường sắt đã đến từ các tổ chức nông dân.

Sau dân túy đến những người Tiến bộ, ban đầu đã quện lại xung quanh nhân vật Teddy Roosevelt, người đã là phó tổng thống của William McKinley và đã đảm đương chức tổng thống từ năm 1901. Roosevelt đã là một thống đốc không nhượng bộ của New York và đã làm việc siêng năng để loại bỏ tham nhũng chính trị và “guồng máy chính trị.” Ông đã cho rằng sự thịnh vượng của Hoa Kỳ dựa trên nền kinh tế thị trường và tài khéo léo của các nhà kinh doanh, nhưng đồng thời có những cái xấu thực và trầm trọng, và một sự tin chắc rộng rãi trong đầu của nhân dân Mỹ rằng các công ty lớn được biết đến như các trust theo một số đặc tính và xu hướng của chúng là có hại cho phúc lợi chung.

Roosevelt đã kiến nghị Quốc hội thiết lập một cơ quan liên bang với quyền lực để điều tra các vụ của các công ty lớn và rằng, nếu cần thiết, một sự tu chính Hiến pháp có thể được sử dụng để tạo ra một cơ quan như vậy. Thời cực thịnh của những cải cách Tiến bộ đến với việc bầu Woodrow Wilson năm 1912. Wilson đã lưu ý trong cuốn sách năm 1913 của ông, cuốn The New Freedom (Quyền tự do mới), “Nếu độc quyền tồn tại dai dẳng, độc quyền sẽ luôn luôn ở cương vị chỉ huy chính phủ. Tôi không kỳ vọng để thấy độc quyền tự kiềm chế. Nếu có những người ở đất nước này đủ lớn để sở hữu chính phủ Hoa Kỳ, họ sẽ sở hữu nó”. Wilson đã làm việc để thông qua Ðạo luật Clayton Chống Trust năm 1914.

Kinh nghiệm Hoa Kỳ trong nửa đầu của thế kỷ 20 cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí tự do trong trao quyền cho các mảng rộng của xã hội và như thế trong vòng thiện. Báo chí muckra kẻ đã đóng một vai trò chủ yếu trong xui khiến các chính trị gia hành động chống lại các trust. Các Trùm Kẻ Cướp đã căm thù các muckraker, nhưng các thể chế chính trị của Hoa Kỳ đã làm cho là không thể đối với họ để tiệt trừ và bịt miệng những người hay bới móc. Các thể chế chính trị dung hợp cho phép một nền báo chí tự do phát đạt, và một nền báo chí tự do, đến lượt, lại làm cho có nhiều khả năng hơn rằng các đe dọa chống lại các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp sẽ được biết đến một cách rộng rãi và bị kháng cự. Ngược lại, quyền tự do [báo chí] như vậy là không thể dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt, dưới chính thể chuyên chế, hay dưới chế độ độc tài, mà giúp các chế độ chiếm đoạt để ngăn ngừa trước hết sự hình thành của phe đối lập nghiêm túc. Thông tin mà báo chí tự do cung cấp đã rõ ràng là quyết định trong nửa đầu của thế kỷ thứ hai mươi ở Hoa Kỳ. Không có thông tin này, công chúng Hoa Kỳ đã không biết mức độ thật của quyền lực và sự lạm dụng của các Trùm Kẻ Cướp và đã không thể được huy động để chống lại các trust của họ.

CHỌN NGƯỜI VÀO TÒA ÁN

Franklin D. Roosevelt, em con chú của Teddy Roosevelt, đã được bầu làm tổng thống năm 1932 giữa cuộc Ðại Suy thoái. Vào thời điểm lễ nhậm chức của ông đầu năm 1933, một phần tư lực lượng lao động đã thất nhiệp, Các chính sách mà Roosevelt kiến nghị để chống lại tình trạng này đã được biết đến chung như New Deal (Chính sách Kinh tế Mới). Roosevelt đã có một chiến thắng vững chắc, với 57 phần trăm phiếu bầu phổ thông, Ðảng Dân chủ đã có đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, đủ để thông qua luật pháp New Deal. Tuy vậy, một số luật đã nêu ra các vấn đề hiến pháp và đã kết thúc ở Tòa án Tối cao, nơi sự ủy thác cử tri của Roosevelt đã rất ít có tác dụng.

Trước khi quyết định của Tòa được ghi nhận, Roosevelt đã bước một bước tiếp theo của chương trình nghị sự của ông và đã ký Ðạo luật Trợ cấp Xã hội (Social Security Act), Ông cũng đã ký Ðạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia (National Labor Relations Act), đã củng cố thêm các quyền của những người lao động để tổ chức các nghiệp đoàn, Các biện pháp này đã đối mặt với các thách thức ở Tòa án Tối cao. Khi những thứ này đang đi qua ngành tư pháp, Roosevelt đã được bầu lại trong năm 1936 với một sự ủy thác mạnh mẽ, nhận được 61 phần trăm phiếu bầu phổ thông.

Với sự yêu mến của nhân dân lên cao kỷ lục, Roosevelt đã không có ý định để cho Tòa án Tối cao làm trật bánh xe nhiều hơn trong chương trình nghị sự chính sách của ông.

Roosevelt cho rằng ông đã có sự ủy thác cử tri để thay đổi tình trạng này và rằng “sau khi cân nhắc về cải cách gì để kiến nghị, phương pháp duy nhất mà hợp hiến một cách rõ ràng là tiếp máu mới vào tất cả các tòa án.” Ông cũng đã lập luận rằng các thẩm phán Tòa án Tối cao đã phải làm việc quá sức. Rồi ông kiến nghị rằng tất cả các thẩm phán phải đối mặt với sự nghỉ hưu bắt buộc ở tuổi bảy mươi và rằng ông phải được phép chỉ định đến sáu thẩm phán mới. Kế hoạch này, mà Roosevelt đã đệ trình như Dự luật Tổ chức lại ngành Tư pháp, sẽ là đủ để loại bỏ các thẩm phán mà đã được bổ nhiệm trước đây bởi các chính quyền bảo thủ hơn và những người đã phản đối New Deal tích cực nhất.

Cho dù quyền lực của Roosevelt vẫn bị ràng buộc, đã có những thỏa hiệp, và các Ðạo luật Trợ cấp Xã hội và Quan hệ Lao động Quốc gia cả hai đã được Tòa tuyên là hợp hiến.

Với chủ nghĩa đa nguyên, không nhóm nào muốn hay dám lật đổ quyền lực của nhóm khác, vì sợ rằng quyền lực riêng của chính nó sau đó sẽ bị thách thức. Ðồng thời, sự phân bổ rộng quyền lực làm cho một sự lật đổ như vậy là khó. Một Tòa án Tối cao có thể có quyền lực nếu nó nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các mảng rộng của xã hội sẵn sàng đẩy lui các mưu toan để làm mất hiệu lực của tính độc lập của Tòa án. Ðiều đó đã đúng ở Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp ở đó đã vui lòng để làm xói mòn Tòa án cho dù họ đã thấy trước rằng việc này đã có thể gây nguy hiểm cho vị trí của chính họ. Một lý do là, với các thể chế chiếm đoạt có nhiều để kiếm được từ việc lật đổ Tòa án Tối cao, và các lợi ích tiềm năng đó là đáng giá các rủi ro.

PHẢN HỒI DƯƠNG VÀ CÁC VÒNG THIỆN

Các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp không tự nổi lên. Chúng thường là kết quả của xung đột đáng kể giữa các elite cưỡng lại sự tăng trưởng kinh tế và thay đổi chính trị và những người muốn hạn chế quyền lực kinh tế và chính trị của các elite hiện tồn. Các thể chế dung hợp nổi lên trong các bước ngoặt, như trong Cách mạng Vinh quang ở Anh hay sự thành lập thuộc địa Jamestown ở Bắc Mỹ, khi một chuỗi nhân tố làm yếu sự nắm giữ quyền lực của các elite, làm cho các đối thủ của họ mạnh hơn, và tạo ra những khuyến khích cho việc hình thành của một xã hội đa nguyên.

Vòng thiện hoạt động thông qua nhiều cơ chế. Ðầu tiên, logic của các thể chế chính trị đa nguyên làm cho việc chiếm đoạt quyền lực bởi một kẻ độc tài, một phe phái bên trong chính phủ, hay thậm chí một Tổng thống có thiện chí là khó hơn nhiều. Chủ nghĩa đa nguyên cũng là nơi lưu giữ linh thiêng quan niệm về pháp trị, Nhưng pháp trị, đến lượt, lại ngụ ý rằng các luật không thể đơn giản được sử dụng bởi một nhóm để xâm phạm các quyền của người khác. Thứ hai, các thể chế chính trị dung hợp ủng hộ và được ủng hộ bởi các thể chế kinh tế dung hợp. Ðiều này tạo ra một cơ chế khác của vòng thiện.

Cuối cùng, các thể chế chính trị dung hợp cho phép một nền báo chí tự do đơm hoa kết trái, và một nền báo chí tự do thường cung cấp thông tin về và động viên sự phản đối các mối đe dọa chống lại các thể chế dung hợp, khi sự thống trị kinh tế ngày càng gia tăng của các Trùm Kẻ Cướp đã đe dọa bản chất của các thể chế kinh tế ở Hoa Kỳ.

Mặc dù kết quả của các xung đột luôn luôn-hiện diện tiếp tục là tùy thuộc ngẫu nhiên, thông qua các cơ chế này vòng thiện tạo ra một xu hướng hùng mạnh cho các thể chế dung hợp để tồn tại lâu dài, để cưỡng lại các thách thức, và để mở rộng như chúng đã làm ở cả Anh và Hoa Kỳ. Ðáng tiếc, như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, các thể chế chiếm doạt tạo ra các lực mạnh ngang thế theo hướng sự tồn tại dai dẳng của chúng – quá trình của vòng luẩn quẩn.

(Đoạn 7)

12-12-2018

Chương 12: VÒNG LUẨN QUẨN

KHÔNG THỂ ÐI XE LỬA ÐẾN BO NỮA

Toàn bộ quốc gia tây Phi Sierra Leone đã trở thành thuộc địa Anh trong năm 1896. Thành phố thủ đô, Freetown, ban đầu như một quê hương cho các nô lệ được hồi hương. Nhưng khi Freetown trở thành một thuộc địa Anh, nội địa Sierra Leone vẫn gồm nhiều vương quốc nhỏ Phi châu. Người Anh đã gọi các nhà cai trị là “thủ lĩnh tối cao”.

Khi những người Anh đã thử thu thuế lều, trong tháng Giêng 1898, các thủ lĩnh đã đứng lên trong một cuộc nội chiến được biết đến như Nổi loạn Thuế Lều (Hut Tax Rebellion). Nổi loạn Thuế Lều đã mau chóng thất bại, nhưng nó đã cảnh cáo những người Anh về các thách thức của việc kiểm soát nội địa Sierra Leone

. Những người Anh đã bắt đầu xây dựng một đường sắt từ Freetown vào nội địa. Công việc đã bắt đầu trong tháng Ba 1896, và tuyến đường sắt đã đến Songo Town tháng Mười Hai 1898, giữa cuộc Nổi loạn Thuế Lều. Con đường đã bị thay đổi sau khi bắt đầu vụ bạo loạn, cho nên thay vì đi theo hướng đông bắc, nó đã đi xuống phía nam, qua Rotifunk và đến Bo, vào đất Mende (Mendeland).

Khi Sierra Leone trở nên độc lập năm 1961, những người Anh đã trao quyền lực cho Ðảng Nhân dân Sierra Leone (Sierra Leone People’s Party (SLPP). Mặc dù đường sắt xuống phía nam ban đầu đã được thiết kế bởi những người Anh để cai trị Sierra Leone, vào năm 1967 vai trò của nó đã là kinh tế, chuyên chở hầu hết hàng xuất khẩu của đất nước: cà phê, cocoa, và kim cương.

Nhưng rồi SLPP đã thua đảng đối lập do Stevens lãnh đạo. Stevens cho rằng việc xuất khẩu đã làm lợi cho SLPP nên đã cho ngừng tuyến đường sắt đến Mendeland. Rồi ông đã bán tống bán tháo đường ray và nguyên liệu lưu chuyển để làm cho sự thay đổi càng không thể đảo ngược được càng tốt. Không còn tàu hỏa đi đến Bo nữa. Tất nhiên, hành động quyết liệt của Stevens đã gây thiệt hại một cách tai họa cho một số khu vực sôi động của nền kinh tế Sierra Leone. Stevens chọn củng cố quyền lực của mình, và ông đã chẳng bao giờ nhìn lại. Ngày nay không thể đi tàu hỏa đến Bo nữa. Stevens như thế đã củng cố quyền lực của mình một cách thành công, cho dù với cái giá làm bần cùng phần lớn nội địa.

Trong thời kỳ thuộc địa, người Anh đã sử dụng một hệ thống cai trị gián tiếp để quản lý Sierra Leone, Nhiều người đã kỳ vọng các tập quán tồi nhất của sự cai trị thuộc địa ở châu Phi hạ-Sahara ngừng lại sau độc lập, và việc sử dụng các hội đồng marketing để đánh thuế quá đáng các nông dân sẽ chấm dứt. Nhưng chẳng việc nào đã xảy ra. Trên thực tế, sự tước đoạt các nông dân bằng cách sử dụng các hội đồng marketing đã trở nên tồi hơn nhiều.

Ðiều đáng chú ý là mức độ của tính liên tục giữa Sierra Leone thuộc địa và Sierra Leone độc lập. Người Anh đã tạo ra các hội đồng marketing và đã sử dụng chúng để đánh thuế các nông dân. Các chính phủ hậu thuộc địa cũng làm thế, tước đoạt với các tỷ lệ thậm chí còn cao hơn. Người Anh đã tạo ra hệ thống cai trị gián tiếp thông qua các thủ lĩnh tối cao. Các chính phủ tiếp sau sự độc lập đã không loại bỏ thể chế thuộc địa này; đúng hơn, họ đã sử dụng nó để cai trị cả vùng nông thôn nữa. Người Anh đã lập ra một độc quyền kim cương và đã thử không cho phép các nhà khai mỏ Phi châu. Các chính phủ sau độc lập đã làm y thế. Ðúng là, người Anh đã nghĩ rằng xây dựng đường sắt đã là cách tốt để cai trị Mendeland, còn Siaka Stevens thì đã nghĩ ngược lại. Người Anh đã có thể tin cậy quân đội của họ và đã biết nó có thể được điều động đến Mendeland nếu một cuộc nổi loạn nảy sinh. Stevens, ngược lại, đã không thể làm như vậy.

Sự thiếu phát triển, của Sierra Leone đã có thể được hiểu kỹ nhất như kết quả của vòng luẩn quẩn. Trước hết, các nhà chức trách thuộc địa Anh đã xây dựng các thể chế chiếm đoạt, và các chính trị gia Phi châu sau độc lập đã rất vui vẻ nắm lấy gậy chỉ huy cho bản thân họ. Hình mẫu đã tương tự một cách bí hiểm đáng sợ trên toàn bộ châu Phi hạ-Sahara. Ðã có những hy vọng tương tự cho Ghana, Kenya, Zambia, và nhiều nước Phi châu sau độc lập. Thế nhưng, trong tất cả các trường hợp, các thể chế chiếm đoạt đã được tái tạo lại theo một hình mẫu được tiên đoán bởi vòng luẩn quẩn

Còn một cơ chế khác nữa cho vòng luẩn quẩn là, các thể chế chiếm đoạt, bằng cách tạo ra quyền lực không bị kiềm chế và sự bất bình đẳng thu nhập lớn, làm tăng sự đặt cược chính trị của trò chơi chính trị. Bởi vì bất cứ ai kiểm soát nhà nước đều trở thành người hưởng quyền lực quá đáng và của cải mà nó đẻ ra, các thể chế chiếm đoạt tạo ra các khuyến khích cho việc đấu đá nội bộ nhằm kiểm soát quyền lực và các lợi ích của nó, một động lực mà chúng ta thấy đã hoạt động ở các thành-quốc Maya và ở Rome Cổ xưa. Dưới ánh sáng này, không ngạc nhiên rằng các thể chế chiếm đoạt , mà nhiều nước Phi châu đã thừa kế từ các cường quốc thuộc địa, đã gieo hạt của các cuộc tranh giành quyền lực và các cuộc nội chiến. Các cuộc đấu tranh này là các xung đột rất khác với Nội chiến Anh và Cách mạng Vinh quang. Chúng đã không được chiến đấu để làm thay đổi các thể chế chính trị, để đưa ra các ràng buộc lên việc sử dụng quyền lực, hay để tạo ra chủ nghĩa đa nguyên, mà để chiếm quyền và làm giàu cho một nhóm với sự tổn hại của những người còn lại. Ở Angola, Burundi, Chad, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Nigeria, Cộng hòa Congo Brazzaville, Rwanda, Somalia, Sudan, và Uganda, và tất nhiên ở Sierra Leone, như chúng ta sẽ thấy chi tiết hơn trong chương tiếp theo, những xung đột này đã biến thành các cuộc nội chiến đẫm máu và tạo ra sự đổ nát kinh tế và sự đau khổ con người không đâu sánh kịp – cũng như gây ra sự thất bại nhà nước.

TỪ ENCOMIENDA ÐẾN SỰ CHIẾM ÐOẠT ÐẤT

Ngày 14-1-1993, Ramiro De León Carpio đã tuyên thệ với tư cách tổng thống Guatemala. Ông đã bổ nhiệm Richard Aitkenhead Castillo làm bộ trưởng tài chính, và Ricardo Castillo Sinibaldi làm bộ trưởng phát triển của mình. Cả ba người này đã có cái gì đó chung: tất cả họ đều là những hậu duệ trực tiếp của các nhà chinh phục Tây Ban Nha, những người đã đến Guatemala vào đầu thế kỷ thứ mười sáu. Những dòng họ này đã kiểm soát quyền lực kinh tế và chính trị ở Guatemala từ năm 1531. Các dòng họ này đã là phần của giới elite, chỉ chiếm hơn 1 phần trăm dân cư trong các năm 1990.

Ở Guatemala, như ở phần lớn Trung Mỹ, chúng ta thấy một dạng đơn giản hơn, trần trụi hơn của vòng luẩn quẩn: những người có quyền lực kinh tế và chính trị đã sắp đặt các thể chế để bảo đảm tính liên tục của quyền lực của họ, và họ đã thành công trong việc làm như vậy. Loại này của vòng luẩn quẩn dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chiếm đoạt và sự tồn tại dai dẳng của các elite nắm quyền lực, cùng với sự tồn tại dai dẳng của của sự chậm phát triển.

Elite Guatemala đã xem xét Hiến pháp Cadiz với sự thù nghịch, đã khuyến khích họ để tuyên bố độc lập đúng như các elite Mexico đã làm. Tiếp sau một sự hợp nhất ngắn với Mexico và Liên hiệp Trung Mỹ, elite thuộc địa đã cai trị Guatemala dưới chế độ độc tài của Rafael Carrera từ 1839 đến 1871. Trong thời kỳ này các hậu duệ của các nhà chinh phục và elite bản xứ đã duy trì các thể chế kinh tế chiếm đoạt của thời kỳ thuộc địa phần lớn không thay đổi. Ngay cả tổ chức Consulado đã không thay đổi sau độc lập. Mặc dù đấy đã là một thể chế hoàng gia, nó đã vui vẻ tiếp tục dưới một chính phủ cộng hòa.

Sự độc lập sau đó đã đơn giản là một cuộc đảo chính bởi elite địa phương đã tồn tại từ trước, đúng như ở Mexico; họ đã tiếp tục như thường lệ với các thể chế kinh tế chiếm đoạt mà từ đó họ đã hưởng lợi rất nhiều.

Như một kết quả của sự chi phối này của elite, Guatemala đã bị mắc trong một sự sai lạc thời gian (cuộn thời gian) vào giữa thế kỷ thứ mười chín, khi phần còn lại của thế giới thay đổi nhanh chóng.

Sản xuất cà phê đã cần đến đất và lao động. Những người Liberal đã làm đến cùng việc tư nhân hóa đất đai, trên thực tế là một sự chiếm đoạt mà trong đó họ có khả năng. Mặc dù cố gắng của họ đã bị tranh cãi gay gắt, căn cứ vào các thể chế chính trị hết sức chiếm đoạt và sự tập trung của quyền lực chính trị ở Guatemala, cuối cùng elite đã thắng. Giữa 1871 và 1883 gần một triệu mẫu (acre) đất, hầu hết là đất chung của người bản xứ và đất biên cương, đã chuyển vào tay elite, và chỉ sau đó cà phê mới phát triển nhanh chóng.

Việc cưỡng bức người lao động đã chẳng bao giờ bị bãi bỏ sau độc lập, bây giờ nó được tăng về quy mô và thời gian.

Ðúng như trước 1871, elite Guatemala đã cai trị qua những người lính mạnh mẽ. Họ đã tiếp tục làm vậy sau khi đợt hưng thịnh bột phát về cà phê cất cánh. Jorge Ubico, tổng thống giữa 1931 và 1944, đã cai trị dài nhất. Ubico đã thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 1931 không gặp sự đối lập. Sự phản đối chế độ của ông chỉ tăng lên trong năm 1944, dẫn đầu bởi các sinh viên. Ngày 24 tháng Sáu, 311 người, nhiều trong số đó từ giới elite, đã ký Memorial de los 311, một bức thư ngỏ lên án chế độ. Ubico đã từ chức ngày 1 tháng Bảy. Mặc dù tiếp sau ông đã là một chế độ dân chủ trong năm 1945, chế độ này đã bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính năm 1954, dẫn đến một cuộc nội chiến. Guatemala đã lại dân chủ hóa chỉ sau 1986.

Ở Guatemala, như ở phần lớn Trung Mỹ, theo một hình mẫu điển hình của vòng luẩn quẩn, các thể chế chính trị chiếm đoạt ủng hộ các thể chế kinh tế chiếm đoạt, mà đến lượt lại cung cấp cơ sở cho các thể chế chính trị chiếm đoạt và sự tiếp tục của quyền lực của cùng elite.

Lý do của chuyện quỹ đạo kinh tế và chính trị của miền Nam Hoa Kỳ đã chẳng thay đổi, cho dù chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ và những người đàn ông da đen đã được trao quyền bầu cử, là bởi vì sức mạnh chính trị và sự độc lập kinh tế của những người da đen đã mỏng manh.

Các chính trị gia miền nam ở Washington cũng đã làm việc để bảo đảm rằng các thể chế chiếm đoạt của miền Nam vẫn còn. Thí dụ, họ đã bảo đảm rằng không dự án hay công trình công cộng liên bang nào, mà đã có thể gây nguy hiểm đến sự kiểm soát của elite miền nam đối với lực lượng lao động da đen, được chấp thuận. Vì thế, miền Nam đã bước vào thế kỷ thứ hai mươi như một xã hội chủ yếu là nông thôn với mức giáo dục thấp và công nghệ lạc hậu, vẫn áp dụng lao động chân tay và sức kéo của những con la hầu như không được trợ giúp bởi các công cụ cơ giới. Mặc dù tỷ lệ dân số đô thị đã tăng lên, nó đã ít hơn ở miền Bắc rất nhiều. Thí dụ, trong năm 1900, 13,5 phần trăm dân số miền Nam sống ở đô thị, so với 60 phần trăm ở Ðông Bắc.

Xét về mọi mặt, các thể chế chiếm đoạt ở miền nam Hoa Kỳ, dựa trên quyền lực của elite sở hữu đất, nền nông nghiệp đồn điền, và lao động lương thấp, giáo dục thấp, đã tồn tại dai dẳng lâu vào thế kỷ thứ hai mươi. Các thể chế này đã bắt đầu sụp đổ chỉ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và rồi thật sự sau phong trào các quyền dân sự đã phá hủy cơ sở chính trị của hệ thống. Và chỉ sau khi các thể chế này chết đi trong các năm 1950 và 1960 thì miền Nam mới bắt đầu quá trình hội tụ nhanh của nó với miền Bắc.

QUY LUẬT SẮT CỦA CHÍNH THỂ ÐẦU SỎ

Triều đại Solomonic ở Ethiopia đã kéo dài cho đến khi nó bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự trong năm 1974. Cuộc đảo chính đã được lãnh đạo bởi Derg, một nhóm Marxist sĩ quan quân đội. Chế độ mà Derg hất khỏi quyền lực đã trông giống như được làm đông lạnh trong thế kỷ trước nào đó với vị hoàng đế Haile Selassie và đám quần thần.

Ban đầu Derg đã được hình thành từ 108 đại diện của các đơn vị quân sự khác nhau từ khắp đất nước.Vào tháng Mười Hai, Derg đã tuyên bố rằng Ethiopia là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong năm 1975 Derg đã bắt đầu quốc hữu hóa tài sản, gồm tất cả đất đô thị và nông thôn và hầu hết các loại tài sản tư nhân. Ứng xử ngày càng độc đoán của chế độ đã châm ngòi cho sự phản đối khắp đất nước.

Trong năm 1978 chế độ đã tổ chức một cuộc kỷ niệm quốc gia đánh dấu kỷ niệm lần thứ tư sự lật đổ Haile Selassie. Vào thời gian này Mengistu đã là nhà lãnh đạo không bị thách thức của Derg. Ông đã chọn Cung điện Lớn của Selassie làm nơi ở. Tại buổi lễ kỷ niệm, ông đã ngồi trên một chiếc ghế bành mạ vàng để theo dõi cuộc duyệt binh, hệt như các hoàng đế thời xưa. Những hoạt động chính thức bây giờ lại được tiến hành ở Cung điện Lớn, với Mengistu ngồi trên ngai vàng cũ của Haile Selassie. Ðã là một sự đảo ngược hoàn toàn của các lý tưởng của Cách mạng.

Hình mẫu của vòng luẩn quẩn được mô tả bởi sự chuyển tiếp giữa Haile Selassie và Mengistu,

Tất cả đã là một trò hề, nhưng cũng đã bi thảm hơn thảm kịch ban đầu, và không chỉ vì những hy vọng đã bị tan vỡ. Stevens và Kabila, giống nhiều nhà cai trị khác ở châu Phi, đã bắt đầu giết các đối thủ của họ và rồi các công dân vô tội. Mengistu và các chính sách của Derg đã gây ra nạn đói tái diễn định kỳ cho các vùng đất màu mỡ của Ethiopia. Lịch sử đã lặp lại chính mình, nhưng trong một dạng rất bị bóp méo. Ðã có một nạn đói ở tỉnh Wollo trong năm 1973 mà đối với nó Haile Selassie đã thờ ơ một cách rõ ràng mà cuối cùng sự thờ ơ ấy đã đóng góp rất nhiều vào việc củng cố sự chống đối chế độ của ông ta. Selassie chí ít đã chỉ thờ ơ. Mengistu thay vào đó đã coi nạn đói như một công cụ chính trị để làm xói mòn sức mạnh của các đối thủ của ông. Lịch sử đã không chỉ có tính khôi hài và bi kịch, mà cũng tàn nhẫn với các công dân của Ethiopia và phần lớn của châu Phi hạ-Sahara.

Cộng đồng quốc tế đã nghĩ rằng sự độc lập Phi châu hậu thuộc địa sẽ dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế thông qua quá trình lập kế hoạch nhà nước và nuôi dưỡng khu vực tư nhân. Nhưng đã không có khu vực tư nhân ở đó – trừ ở vùng nông thôn, mà đã không có sự đại diện nào trong các chính phủ mới và như thế sẽ là con mồi đầu tiên của chúng. Có lẽ quan trọng nhất, trong hầu hết các trường hợp này, đã có lợi ích khổng lồ từ sự nắm quyền. Những lợi ích này đã thu hút những người vô lương tâm nhất, như Stevens, những người đã muốn độc quyền hóa quyền lực này, và đã làm lộ ra cái tồi nhất của họ một khi họ đã nắm quyền lực. Ðã chẳng có gì để phá vỡ vòng luẩn quẩn.

PHẢN HỒI ÂM VÀ CÁC VÒNG LUẨN QUẨN

Các quốc gia giàu phần lớn bởi vì họ đã tìm được cách để phát triển các thể chế dung hợp tại điểm nào đó trong ba trăm năm qua. Các thể chế này đã tồn tại bền bỉ thông qua một quá trình của các vòng thiện.

Như các vòng thiện làm cho các thể chế dung hợp bền bỉ, các vòng luẩn quẩn tạo ra các lực hùng mạnh hướng tới sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chiếm đoạt. Lịch sử không phải là định mệnh, và các vòng luẩn quẩn không phải là không thể bị phá vỡ, như chúng ta sẽ thấy thêm ở chương 14. Nhưng chúng có khả năng phục hồi nhanh. Chúng tạo ra một quá trình mạnh mẽ của phản hồi âm, với các thể chế chính trị chiếm đoạt rèn đúc các thể chế kinh tế chiếm đoạt, đến lượt lại tạo ra cơ sở cho sự dai dẳng của các thể chế chính trị chiếm đoạt. Chúng ta đã thấy điều này rõ nhất trong trường hợp của Guatemala, nơi elite đã nắm giữ quyền lực, đầu tiên dưới sự cai trị thuộc địa, rồi ở Guatemala độc lập, trong hơn bốn thế kỷ; các thể chế chiếm đoạt làm giàu cho elite, và của cải của họ tạo thành cơ sở cho sự tiếp tục của sự thống trị của họ. Cùng quá trình của vòng luẩn quẩn cũng hiển nhiên trong sự bền bỉ của nền kinh tế đồn điền ở miền Nam Hoa Kỳ, trừ rằng nó cũng giới thiệu khả năng phục hồi nhanh rất lớn của các vòng luẩn quẩn khi đối mặt với các thách thức.

Tất nhiên, quy luật sắt của chính thể đầu sỏ không phải là một quy luật thật, theo nghĩa các quy luật của vật lý học. Nó không vẽ ra một con đường không thể tránh khỏi, như Cách mạng Vinh quang ở nước Anh hay Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản minh họa.

Còn có một khía cạnh khác nữa, thậm chí khía cạnh còn tàn phá hơn của vòng luẩn quẩn, được lường trước bởi thảo luận của chúng ta về các thành-quốc Maya ở chương 5. Khi các thể chế chiếm đoạt tạo ra những sự bất bình đẳng khổng lồ trong xã hội và sự giàu có hết sức và quyền lực không bị kiềm chế cho những người nắm quyền kiểm soát, thì sẽ có nhiều người muốn chiến đấu để giành sự kiểm soát nhà nước và các thể chế. Các thể chế chiếm đoạt khi đó không chỉ mở đường cho chế độ tiếp theo, mà sẽ thậm chí chiếm đoạt hơn, nhưng chúng cũng gây ra sự đấu đá nội bộ liên miên và các cuộc nội chiến. Các cuộc nội chiến này rồi gây ra nhiều sự đau khổ con người và cũng phá hủy ngay cả một chút sự tập trung hóa nhà nước mà các xã hội này đã đạt được. Việc này cũng thường khởi động một quá trình sa sút thành tình trạng không có luật pháp, sự thất bại nhà nước, và hỗn loạn chính trị, nghiền nát mọi hy vọng về sự thịnh vượng kinh tế, như chương tiếp theo sẽ minh họa.

Chương 13: VÌ SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI NGÀY NAY

LÀM THẾ NÀO ÐỂ TRÚNG XỔ SỐ Ở ZIMBABWE

Tháng Giêng 2000 tại Harare, Zimbabwe. Fallot Chawawa viên chủ Nghi lễ đã chịu trách nhiệm rút vé trúng thưởng cho xổ số quốc gia. Xổ số đã được mở cho tất cả các khách hàng đã gửi năm ngàn Zimbabwe dollar hoặc hơn trong tài khoản của họ trong tháng Mười Hai 1999. Khi Chawawa rút vé ra, ông đã lặng người đi vì sửng sốt. Như tuyên bố công khai của Zimbank diễn đạt, “Vị chủ Nghi lễ Fallot Chawawa đã hầu như không thể tin vào mắt mình khi chiếc vé rút trúng thưởng Z$100.000 được chuyển cho ông để công bố, và ông đã thấy tên Quý Ngài RG Mugabe viết trên đó.”

Tổng thống Robert Mugabe, người đã cai trị Zimbabwe bằng trăm phương nghìn kế, và thường với bàn tay sắt, từ năm 1980, đã trúng xổ số.

Sau độc lập, Mugabe đã nhanh chóng thiết lập sự kiểm soát cá nhân của mình. Ông hoặc đã loại bỏ các đối thủ của mình một cách hung dữ hay đã kết nạp họ vào. Vào lúc độc lập, Mugabe đã tiếp quản một tập các thể chế kinh tế chiếm đoạt được tạo ra bởi chế độ da trắng.

Mô hình điều tiết và sự can thiệp vào thị trường dần dần đã trở nên không thể chịu được nữa, và một quá trình thay đổi thể chế, với sự ủng hộ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã bắt đầu trong năm 1991 sau một cuộc khủng hoảng tài khóa nghiêm trọng. Sự xấu đi của thành tích kinh tế cuối cùng đã dẫn đến sự nổi lên của một phe đối lập chính trị nghiêm túc đối với sự cai trị độc-đảng của ZANU-PF: Phong trào Thay đổi Dân chủ (Movement for Democratic Change – MDC). Tuy vậy trong cuộc bầu cử 1995 Mugabe đã thắng 93 phần trăm phiếu bầu, khi hai đối thủ của ông đã rút lại sự ứng cử của họ trước bầu cử, tố cáo sự cưỡng bức và gian lận của chính phủ.

Sau 2000, bất chấp tất cả sự tham nhũng này, sự kìm kẹp của ZANU-PF đã yếu đi. Nó đã chỉ được 49 phần trăm số phiếu bầu phổ thông, và chỉ 63 ghế. Tất cả đã đều bị tranh giành bởi MDC, những người đã được mọi ghế ở thủ đô, Harare. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, Mugabe đã chỉ vét được 56 phần trăm phiếu bầu. Cả hai lần bầu cử đã xảy ra theo cách tốt nhất của ZANU-PF bởi vì bạo lực và sự đe dọa, cùng với gian lận bầu cử.

Phản ứng của Mugabe đối với sự tan vỡ kiểm soát chính trị của ông đã là tăng cường cả đàn áp lẫn sử dụng các chính sách của chính phủ để mua sự ủng hộ.

Cái đã xảy ra ở Zimbabwe sau 1980 đã là chuyện tầm thường ở châu Phi hạ-Sahara từ khi độc lập. Zimbabwe đã kế thừa một tập các thể chế chính trị và kinh tế hết sức chiếm đoạt trong năm 1980. Trong thập niên rưỡi đầu tiên, các thể chế này đã được duy trì tương đối nguyên vẹn.

Các quốc gia thất bại ngày nay bởi vì các thể chế kinh tế chiếm đoạt của họ đã không tạo ra các khuyến khích cần cho người dân để tiết kiệm, đầu tư, và đổi mới. Các thể chế chính trị chiếm đoạt ủng hộ các thể chế kinh tế này bằng cách thắt chặt quyền lực của những người hưởng lợi từ sự chiếm đoạt. Trong một số trường hợp cực đoan, như ở Zimbabwe và Sierra Leone, mà chúng ta thảo luận tiếp sau, các thể chế chiếm đoạt mở đường cho sự thất bại nhà nước hoàn toàn, phá hủy không chỉ luật và trật tự mà thậm chí cả các khuyến khích kinh tế cơ bản nhất. Kết quả là sự đình trệ kinh tế và – như lịch sử gần đây của Angola, Cameroon, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Haiti, Liberia, Nepal, Sierra Leone, Sudan, và Zimbabwe minh họa – các cuộc nội chiến, những sự dời chỗ hàng loạt, và các bệnh dịch, làm cho nhiều trong các nước này ngày nay nghèo hơn họ đã là trong các năm 1960.

MỘT CUỘC THẬP TỰ CHINH CỦA TRẺ CON?

Ngày 23 tháng Ba, 1991, một nhóm người được vũ trang dưới sự lãnh đạo của Foday Sankoh đã từ Liberia vào Sierra Leone và đã tấn công Kailahun. Nhóm của Sankok tự gọi là RUF, Revolutionary United Front (Mặt trận Thống nhất Cách mạng), đã tuyên bố rằng họ ở đó để lật đổ chính phủ APC tham nhũng và bạo ngược.

Năm 1985, khi Stevens bị bệnh, đưa Joseph Momoh thay ông ta, nền kinh tế đang sụp đổ. Vào cuối sự cai trị của Momoh ông đã ngừng trả lương các công chức, các giáo viên và thậm chí các Thủ lĩnh Tối cao. Chính phủ trung ương đã sụp đổ, và sau đó tất nhiên đã có các cuộc xâm nhập biên giới, Sự sụp đổ của nhà nước dưới thời Momoh, một lần nữa lại là một hệ quả của vòng luẩn quẩn được tháo ra bởi các thể chế chiếm đoạt cực đoan dưới thời Stevens, có nghĩa rằng đã chẳng có gì chặn RUF vượt qua biên giới trong năm 1991.

Mặc dù Sankoh và các lãnh đạo khác của RUF đã có thể bắt đầu với những lời trách móc chính trị, và những bất bình của nhân dân chịu đau khổ dưới các thể chế chiếm đoạt của APC đã có thể khuyến khích họ để gia nhập phong trào lúc ban đầu, tình hình đã thay đổi nhanh chóng và đã tuột khỏi sự kiểm soát. “Sứ mạng” của RUF đã đẩy nước này vào sự thống khổ.

Trong năm đầu tiên của sự xâm lấn, bất cứ gốc rễ trí tuệ nào, mà RUF đã có thể có, đã hoàn toàn tiêu tan. Sankoh đã hành quyết những người phê phán trào lưu gia tăng của các hành động tàn bạo. Không lâu sau, ít người đã tự nguyện tham gia RUF. Thay vào đó họ đã chuyển sang tuyển mộ bằng vũ lực, đặc biệt tuyển mộ trẻ em. Quả thực, tất cả các bên đã làm việc này, kể cả quân đội. Nếu nội chiến Sierra Leone đã là một cuộc thập tự chinh để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, cuối cùng nó đã là một cuộc thập tự chinh của trẻ em. Cuộc xung đột đã mãnh liệt thêm với các cuộc tàn sát và những sự lạm dụng quyền con người hàng loạt, Khi RUF tiếp quản các vùng, họ cũng đã tiến hành bóc lột kinh tế. Ðã hầu như hiển nhiên trong các vùng khai mỏ kim cương, nơi họ đã ép kéo bọn người dân vào khai mỏ kim cương, nhưng cũng đã phổ biến cả ở nơi khác nữa.

Vào năm 1991 nhà nước ở Sierra Leone đã hoàn toàn thất bại.

Các thể chế chiếm đoạt đã tước đoạt và bần cùng hóa nhân dân và ngăn chặn sự phát triển kinh tế, là khá phổ biến ở châu Phi, châu Á, và Nam Mỹ. Hình mẫu của các thể chế chiếm đoạt suy sụp thành nội chiến và sự thất bại nhà nước đã xảy ra tại những nơi khác ở châu Phi; thí dụ, ở Angola, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Cộng hòa Congo, Somalia, Sudan, và Uganda. Sự chiếm đoạt mở đường cho xung đột, không phải không giống xung đột mà các thể chế hết sức chiếm đoạt của các thành-quốc Maya đã gây ra gần một ngàn năm trước. Cuộc xung đột đã đẩy nhanh sự thất bại nhà nước. Cho nên một lý do khác nữa vì sao các quốc gia thất bại ngày nay là, các nhà nước của họ thất bại. Việc này, đến lượt, là một hệ quả của hàng thập niên của sự cai trị dưới các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt.

AI LÀ NHÀ NƯỚC?

Các trường hợp của Zimbabwe, Somalia, và Sierra Leone, cho dù là điển hình của các nước nghèo ở châu Phi, và có lẽ thậm chí một số trường hợp ở châu Á, có vẻ khá cực đoan. Có chắc chắn các nước Mỹ Latin không có các nhà nước thất bại? Có chắc chắn các tổng thống của họ không đủ trơ tráo để trúng xổ số?

Trong năm mươi năm vừa qua, Colombia đã được hầu hết các nhà khoa học chính trị và các chính phủ coi như một nền dân chủ. Sau một chính phủ quân sự ngắn ngủi đã chấm dứt trong năm 1958, các cuộc bầu cử đã được tổ chức thường xuyên. Năm 1974 một hiệp ước luân phiên quyền lực chính trị và chức tổng thống giữa hai đảng chính trị truyền thống, Bảo thủ và Tự do. Tuy nhiên trong khi Colombia có một lịch sử dài của các cuộc bầu cử dân chủ, nó không có các thể chế dung hợp. Thay vào đó, lịch sử của nó đã bị làm hại bởi những sự vi phạm quyền tự do dân sự, những sự hành quyết không đưa ra tòa xét xử, bạo lực chống lại thường dân, và nội chiến. Nội chiến ở Colombia gây ra nhiều thương vong hơn nhiều. Sự cai trị quân sự của các năm 1950 bản thân nó một phần đã là sự phản ứng lại đối với một cuộc nội chiến được biết đến trong tiếng Tây Ban Nha đơn giản như La Violencia, hay “Bạo lực.” Từ thời đó quả thực là một dãy các nhóm nổi dậy, hầu hết là các nhà cách mạng cộng sản, đã gây tai họa cho vùng nông thôn, bắt cóc và giết người.

Vào năm 1997 các lực lượng nửa quân sự, dưới sự lãnh đạo của anh em nhà Castaño, đã tìm được cách để thành lập một tổ chức quốc gia cho các lực lượng nửa quân sự, được gọi là Autodefensas Unidas de Colombia (AUC–Các Lực lượng Tự bảo vệ Thống nhất Colombia). AUC đã mở rộng ra các phần lớn của nước này, AUC đã điều hành các vùng lớn của Colombia, và để ấn định ai được bầu trong các cuộc bầu cử năm 2002 cho Hạ viện và Thượng viện.

Colombia không phải là một trường hợp của một nhà nước thất bại sắp sụp đổ. Nhưng nó là một nhà nước mà không có sự tập trung hóa đủ và với quyền lực còn xa mới đầy đủ trên toàn lãnh thổ. Ðã có thể là khó để hiểu làm sao mà một tình hình giống thế này lại có thể tự duy trì trong hàng thập kỷ, thậm chí thế kỷ. Nhưng thực ra, tình hình có một logic riêng của nó, như một loại vòng luẩn quẩn. Bạo lực và sự thiếu các thể chế nhà nước được tập trung hóa thuộc loại này đã tham dự vào một mối quan hệ cộng sinh với các chính trị gia vận hành các phần chức năng của xã hội. Mối quan hệ cộng sinh nổi lên bởi vì các nhà chính trị quốc gia khai thác tính vô luật pháp của các phần ngoại vi của đất nước, trong khi các nhóm nửa quân sự được chính phủ quốc gia để cho tự tung tự tác.

Trong năm 2002 Álvaro Uribe đã thắng cuộc bầu tổng thống. Uribe đã có cái gì đó chung với anh em nhà Castaño: bố ông đã bị FARC giết. Uribe đã điều khiển một chiến dịch bác bỏ các nỗ lực của chính quyền trước để thử hòa giải với FARC. Trong năm 2006, khi ông được bầu lại, phần phiếu bầu của ông đã cao hơn 11 phần trăm

Ở Colombia nhiều khía cạnh của các thể chế kinh tế và chính trị đã trở nên dung hợp hơn theo thời gian. Nhưng các yếu tố chiếm đoạt chủ yếu nhất định vẫn còn. Tình trạng vô luật pháp và các quyền tài sản không an toàn là các căn bệnh địa phương trong các dải lớn của nước này, và đấy là một hệ quả của sự thiếu kiểm soát bởi nhà nước quốc gia ở nhiều phần của đất nước, và dạng đặc biệt của sự thiếu tập trung hóa nhà nước. Nhưng tình trạng này không phải là một kết quả không thể tránh khỏi. Bản thân nó là một hệ quả của động học phản chiếu vòng luẩn quẩn: các thể chế chính trị ở Colombia không tạo ra các khuyến khích cho các nhà chính trị để cung cấp các dịch vụ công và luật pháp và trật tự trong phần lớn của đất nước và không đặt ra đủ các ràng buộc lên họ để ngăn chặn họ tham gia vào các thỏa thuận ngầm hay tường minh với các lực lượng nửa quân sự và những kẻ ác ôn.

EL CORRALITO

Argentina đã ở trong sự o ép của một cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2001, dưới thời chính phủ Carlos Menem. Năm 1991 Menem đã neo đồng peso Argentina vào đồng USD. Theo luật, một peso bằng một dollar. Nó đã làm cho hàng xuất khẩu đắt và hàng nhập khẩu rẻ. Đã xẩy ra sự rối loạn tài chính.

Ngày 1 tháng Mười Hai, 2001, chính phủ đã đóng băng tất các các tài khoản ngân hàng. Chỉ một khoản tiền mặt nhỏ được cho phép rút hàng tuần. Ðầu tiên là 250 pesos, vẫn có giá trị 250 $; rồi 300 pesos. Những người Argentina đã gọi tình trạng này là El Corralito, “Bãi Quây Nhỏ”: những người gửi tiền bị bao vây vào một bãi quây giống như những con bò. Trong tháng Giêng việc phá giá cuối cùng đã được ban hành, và thay cho một peso ăn một dollar, chẳng bao lâu đã là bốn peso cho một dollar. Nhưng chính phủ sau đó đã chuyển đổi bằng vũ lực tất cả các tài khoản dollar ở ngân hàng sang peso, nhưng với tỷ giá hối đoái cũ một-ăn-một. Ai đã có khoản tiết kiệm 1.000 $ đột ngột thấy mình chỉ còn 250 $. Chính phủ đã tước đoạt ba phần tư các khoản tiết kiệm của nhân dân.

Vào khoảng thời gian của Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, Argentina đã là một trong những nước giàu nhất thế giới. Sau đó nó đã bắt đầu một sự sa sút đều đặn tương đối so với các nước giàu khác ở Tây Âu và Bắc Mỹ, rồi trong các năm 1970 và 1980 đã chuyển sang một sự suy sụp tuyệt đối. Trên bề mặt của nó, thành tích kinh tế của Argentina là khó hiểu và gây bối rối, nhưng các lý do cho sự sa sút của nó trở nên rõ ràng hơn nếu được nhìn qua lăng kính của các thể chế dung hợp và chiếm đoạt.

Ðúng là trước 1914, Argentina đã trải qua khoảng năm mươi năm tăng trưởng kinh tế, nhưng đấy đã là một trường hợp kinh điển của sự tăng trưởng dưới các thể chế chiếm đoạt. Argentina sau đó đã bị cai trị bởi một elite hẹp đầu tư rất nhiều vào nền kinh tế xuất khẩu nông nghiệp. Nó đã không kéo theo sự phá hủy có tính sáng tạo và sự đổi mới nào. Và nó đã không bền vững. Trước 1983, Argentina đã giao động lùi và tiến giữa chế độ độc tài và nền dân chủ và giữa các thể chế chiếm đoạt khác nhau. Ðã có sự đàn áp hàng loạt dưới sự cai trị quân sự, đỉnh điểm trong các năm 1970 với ít nhất chín ngàn người bị hành quyết và có lẽ còn nhiều người hơn đã bị hành quyết một cách bất hợp pháp. Hàng trăm ngàn người đã bị tù đày và bị tra tấn.

Các cuộc bầu cử đã không mang lại hoặc các thể chế chính trị dung hợp hay các thể chế kinh tế dung hợp là điển hình ở Mỹ Latin. Ở Colombia, các lực lượng nửa quân sự có thể cố định một phần ba các cuộc bầu cử quốc gia. Ở Venezuela ngày nay, chính phủ được bầu một cách dân chủ của Hugo Chávez tấn công các đối thủ của nó, đuổi họ khỏi các việc làm khu vực công, đóng cửa các tờ báo mà các bài xã luận nó không thích, và tước đoạt tài sản. Trong bất cứ việc gì ông ta làm, Chávez hùng mạnh hơn nhiều và ít bị kiềm chế hơn nhiều

Thay vào đó, nhiều người Argentinia và Venezuela nhận ra rằng tất cả các chính trị gia khác và các đảng của họ cho đến nay đã không để cho họ có tiếng nói, đã không cung cấp cho họ các dịch vụ công cơ bản nhất, như đường sá và giáo dục, và đã không bảo vệ họ khỏi sự bóc lột bởi các elite địa phương. Rất nhiều người Venezuela ngày nay ủng hộ các chính sách của Chávez cho dù những chính sách này đi cùng với tham nhũng và lãng phí theo cùng cách mà nhiều người Argentinia đã ủng hộ các chính sách của Perón trong các năm 1940 và 1970. Thứ hai, lại chính các thể chế chiếm đoạt cơ bản là những cái làm cho chính trị hấp dẫn đến như vậy đối với, và thiên vị đến như vậy cho, những kẻ mạnh mẽ như Perón và Chávez, hơn là một hệ thống đảng hiệu quả tạo ra các lựa chọn khả dĩ khác đáng mong mỏi về mặt xã hội. Perón, Chávez, và hàng tá những kẻ mạnh mẽ ở Mỹ Latin chỉ là một mặt, một khía cạnh khác nữa của quy luật sắt của chính thể đầu sỏ, và như cái tên gợi ý, gốc rễ của quy luật sắt này nằm trong các chế độ do elite kiểm soát nằm ở dưới.

CHÍNH THỂ CHUYÊN CHẾ MỚI

Tháng Mười Một 2009, chính phủ Bắc Triều Tiên đã thực hiện cái mà các nhà kinh tế học gọi là một cải cách tiền tệ. Những đợt lạm phát nghiêm trọng thường là lý do cho những cải cách như vậy. Ở Pháp trong tháng Giêng 1960, một cuộc cải cách tiền tệ đã đưa vào đồng franc mới bằng 100 đồng franc hiện tồn. Các đồng franc cũ vẫn tiếp tục được lưu thông và người dân thậm chí vẫn ghi giá bằng đồng tiền cũ vì sự thay đổi sang đồng franc mới đã là từ từ. Cuối cùng, các đồng franc cũ đã ngừng là đồng tiền pháp định trong tháng Giêng 2002, khi Pháp đưa vào đồng euro. Cải cách của Bắc Triều Tiên nhìn giống thế về bề ngoài của nó. Giống những người Pháp trong năm 1960, chính phủ Bắc Triều Tiên đã quyết định bỏ bớt hai số không khỏi đồng tiền. Một tờ một trăm won, đồng tiền Bắc Triều Tiên cũ, đã có giá trị một won mới. Các cá nhân đã được phép đổi tiền của của họ lấy tiền được in mới tinh, mặc dù việc này đã phải tiến hành trong một tuần lễ, hơn là bốn mươi hai năm, như trong trường hợp của Pháp. Rồi đến cú chộp: chính phủ tuyên bố rằng không ai có thể đổi nhiều hơn 100.000 won, mặc dù muộn hơn nó đã nới giới hạn này lên 500.000. Một trăm ngàn won đã là khoảng 40 $ theo giá ngoại hối chợ đen. Bằng một cú đánh, chính phủ đã quét sạch của cải riêng tư của một phần rất lớn các công dân Bắc Triều Tiên; chúng ta không biết chính xác bao nhiêu, nhưng có lẽ lớn hơn mức mà chính phủ Argentina đã tước đoạt trong năm 2002.

Chính phủ ở Bắc Triều Tiên là một chế độ độc tài cộng sản đã chống lại quyền sở hữu tư nhân và các thị trường.

Chủ nghĩa cộng sản Nga đã dã man, đàn áp, và đẫm máu, nhưng không độc nhất. Các hậu quả kinh tế và sự đau khổ con người đã là khá điển hình của cái đã xảy ra ở nơi khác – chẳng hạn, ở Cambodia trong các năm 1970 dưới thời Khmer Ðỏ, ở Trung Quốc, và ở Bắc Triều Tiên. Trong tất cả các trường hợp chủ nghĩa cộng sản đã mang lại các chế độ độc tài tàn ác và những sự lạm dụng các quyền con người phổ biến. Vượt xa hơn sự đau khổ con người và sự chém giết, tất cả các chế độ cộng sản đã dựng lên các loại khác nhau của các thể chế chiếm đoạt. Các thể chế kinh tế, có hay không có các thị trường, đã được thiết kế để khai thác các nguồn lực từ nhân dân, và bằng cách hoàn toàn căm ghét các quyền tài sản, chúng thường đã tạo ra sự nghèo khó thay cho sự thịnh vượng. Trong trường hợp Soviet, như chúng ta đã thấy ở chương 5, hệ thống Cộng sản đầu tiên đã tạo ra sự tăng trưởng nhanh, nhưng sau đó đã loạng choạng và dẫn đến trì trệ. Các hậu quả đã tàn phá hơn rất nhiều ở Trung Quốc dưới thời Mao, ở Cambodia dưới thời Khmer Ðỏ, và ở Bắc Triều Tiên, nơi các thể chế kinh tế Cộng sản đã dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và nạn đói.

Các thể chế kinh tế Cộng sản đến lượt đã được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt, tập trung mọi quyền lực vào tay của các Ðảng Cộng Sản và không đưa ra bất cứ sự ràng buộc nào lên việc sử dụng quyền lực này. Mặc dù về hình thức đấy đã là các thể chế chiếm đoạt khác nhau, chúng đã có các kết quả giống nhau lên kế sinh nhai của nhân dân như các thể chế tại Zimbabwe và Sierra Leone.

VUA BÔNG

Bông chiếm khoảng 45 phần trăm xuất khẩu của Uzbekistan, làm cho nó trở thành cây trồng quan trọng nhất kể từ khi nước này xác lập sự độc lập vào lúc tan rã của Liên Xô trong năm 1991. Dưới thời chủ nghĩa cộng sản Soviet tất cả đất trồng bông ở Uzbekistan đã dưới sự kiểm soát của 2.048 nông trang do nhà nước sở hữu. Các nông trang này bị phá vỡ và đất được chia lại sau 1991.

Bông đã quá có giá trị cho chính phủ mới của Uzbekistan, trước hết, và cho đến nay duy nhất, cho tổng thống, Ismail Karimov. Vụ thu hoạch kéo dài hai tháng. Trẻ em phải nghỉ học để tham gia thu hoạch bông. Những người hưởng lợi chính từ tất cả lao động cưỡng bức này là các elite chính trị, đứng đầu bởi Tổng thống Karimov, ông vua de facto (thực sự) của tất cả bông ở Uzbekistan.

Làm sao mà tất cả đã đến nông nỗi này? Uzbekistan, giống các Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Soviet khác, đã được cho là nhận được sự độc lập của mình sau sự sụp đổ của Liên Xô và phát triển một nền kinh tế thị trường và nền dân chủ. Như trong nhiều nước Cộng hòa Soviet, tuy vậy điều này đã không diễn ra. Tổng thống Karimov, người đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình trong Ðảng Cộng Sản Liên Xô cũ, leo lên đến chức bí thư thứ nhất Uzbekistan vào thời điểm may mắn của năm 1989, đúng khi Bức tường Berlin sụp đổ, đã xoay xở để tái tạo chính mình với tư cách một nhà dân tộc chủ nghĩa. Với sự ủng hộ quyết định của các lực lượng an ninh, trong tháng Mười Hai năm 1991 ông đã thắng cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên chưa từng có của Uzbekistan. Sau khi nắm quyền lực, ông đã đàn áp thẳng tay phe đối lập chính trị độc lập. Các đối thủ bây giờ ở trong nhà tù hay sống lưu đày. Không có nền báo chí tự do ở Uzbekistan, và không có tổ chức phi chính phủ nào được cho phép. Ðỉnh điểm của sự tăng cường đàn áp đến vào năm 2005, khi có lẽ 750, có thể nhiều hơn, những người biểu tình bị cảnh sát và quân đội sát hại ở Andijon.

Dưới thời Karimov, Uzbekistan là một nước với các thể chế chính trị và kinh tế rất chiếm đoạt Và nó nghèo. Không phải tất cả các chỉ số phát triển là xấu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ trẻ em đến trường là 100 phần trăm … phải, có lẽ trừ trong thời vụ hái bông. Tỷ lệ biết đọc biết viết cũng rất cao, mặc dù ngoài việc kiểm soát tất cả báo chí, chế độ cũng cấm sách và kiểm duyệt Internet. Trong khi hầu hết nhân dân được trả chỉ vài cent cho một ngày hái bông, gia đình Karimov và các cán bộ cộng sản trước kia, những người đã tái tạo bản thân mình sau 1989 như các elite kinh tế và chính trị mới của Uzbekistan, đã trở nên giàu có một cách cực kỳ thoải mái.

Uzbekistan theo nhiều cách giống một di tích từ quá khứ, một thời đại đã bị bỏ quên. Một nước tiều tụy dưới chính thể chuyên chế của một gia đình duy nhất và những cánh hẩu xung quanh họ, với một nền kinh tế dựa trên lao động cưỡng bức – thực ra, lao động cưỡng bức của các trẻ em. Trừ điểm đó nó đã không phải là [di tích]. Phần của nó của miếng khảm (mosaic) của các xã hội thất bại dưới các thể chế chiếm đoạt, và đáng tiếc nó có nhiều nét chung với các nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Soviet trước kia, trải từ Armenia và Azerbaijan đến Kyrgyzstan, Tajikistan, và Turkmenistan, và nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong thế kỷ thứ hai mươi mốt, các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt có thể khoác một dạng tàn bạo vô liêm sỉ.

GIỮ SÂN CHƠI NGHIÊNG

Các năm 1990 đã là một thời kỳ cải cách ở Ai Cập. Từ cuộc đảo chính quân sự xóa bỏ nền quân chủ trong năm 1954, Ai Cập đã được vận hành như một xã hội nửa-xã hội chủ nghĩa trong đó chính phủ đã đóng một vai trò trung tâm trong nền kinh tế. Thế nhưng đấy đã không là các thị trường dung hợp, mà là các thị trường được kiểm soát bởi nhà nước và một nhúm nhỏ các nhà kinh doanh liên minh với Ðảng Dân chủ Dân tộc (National Democratic Party – NDP),

. Các doanh nhân có mối quan hệ với chế độ đã có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thực hiện chương trình tư nhân hóa của Ai Cập, sao cho nó ưu ái cho elite kinh doanh giàu có – hay “những con cá voi,” như họ được biết đến ở địa phương. Vào lúc tư nhân hóa bắt đầu, nền kinh tế đã bị chi phối bởi ba mươi hai trong số cá voi này.

Ai Cập ngày nay là một quốc gia nghèo – không nghèo như hầu hết các nước ở phía nam, ở châu Phi hạ-Sahara, nhưng vẫn là một quốc gia nghèo nơi khoảng 40 phần trăm dân số là rất nghèo và sống với ít hơn hai dollar một ngày. Các thể chế kinh tế chiếm đoạt đã lại được ủng hộ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt.

Kết quả không thể tránh khỏi, mà đã đến trong triều đại của Mubarak, đã là các thể chế kinh tế trở nên chiếm đoạt hơn, phản ánh sự phân bố quyền lực chính trị trong xã hội. Theo nghĩa nào đó Mùa Xuân Arab đã là một phản ứng với việc này. Ðiều này đã đúng không chỉ ở Ai Cập mà cũng ở Tunisia. Ba thập niên của sự tăng trưởng Tunisia dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt đã bắt đầu quay ngược khi Tổng thống Ben Ali và gia đình ông đã bắt đầu cướp bóc nền kinh tế nhiều hơn và mạnh hơn.

VÌ SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI

Các quốc gia thất bại về kinh tế bởi vì các thể chế chiếm đoạt. Các thể chế này giữ các nước nghèo ở trạng thái nghèo và ngăn cản chúng bước lên con đường đến tăng trưởng kinh tế. Ðiều này đúng ngày nay ở châu Phi, ở các nơi như Zimbabwe và Sierra Leone; ở Nam Mỹ, trong các nước như Colombia và Argentina; ở châu Á, trong các nước như Bắc Triều Tiên và Uzbekistan; và ở Trung Ðông, trong các quốc gia như Ai Cập. Có những sự khác biệt đáng kể giữa các nước này. Một số là các nước nhiệt đới, một số trong các vùng ôn đới. Một số đã là các thuộc địa của Anh; số khác đã là thuộc địa của Nhật Bản, Tây Ban Nha, và Nga. Chúng có các lịch sử, ngôn ngữ, và văn hóa rất khác nhau. Cái tất cả chúng cùng chia sẻ là các thể chế chiếm đoạt. Trong tất cả các trường hợp này cơ sở của các thể chế này là một giới elite những người thiết kế các thể chế kinh tế để làm giàu cho bản thân họ và làm cho quyền lực của họ là vĩnh viễn gây tổn hại cho tuyệt đại đa số người dân trong xã hội. Lịch sử và cấu trúc xã hội khác nhau của các nước dẫn đến những sự khác biệt về bản chất của các elite và về chi tiết của các thể chế chiếm đoạt. Nhưng lý do vì sao các thể chế tồn tại dai dẳng luôn luôn liên quan đến vòng luẩn quẩn, và những hệ lụy của các thể chế này về mặt bần cùng hóa các công dân của chúng là giống nhau – cho dù cường độ của chúng khác nhau.

Ðúng như lịch sử và các cấu trúc khác nhau có nghĩa rằng bản sắc của các elite và những chi tiết của các thể chế chính trị chiếm đoạt là khác nhau, các chi tiết của các thể chế kinh tế chiếm đoạt mà các elite dựng lên cũng thế.

Mức độ chiếm đoạt trong các nước khác nhau rõ ràng thay đổi và có những hệ quả quan trọng cho sự thịnh vượng. Tại Argentina, chẳng hạn, hiến pháp và các cuộc bầu cử dân chủ không hoạt động tốt để thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên, nhưng chúng có hoạt động tốt hơn nhiều so với ở Colombia. Chí ít nhà nước có thể xác nhận mình có độc quyền về bạo lực ở Argentina. Một phần như một hệ quả, thu nhập trên đầu người ở Argentina gấp đôi thu nhập đầu người của Colombia. Các thể chế chính trị của cả hai nước làm công việc tốt hơn nhiều để kiềm chế các elite so với các thể chế chính trị ở Zimbabwe và Sierra Leone, và như một kết quả, Zimbabwe và Sierra Leone nghèo hơn Argentina và Colombia rất nhiều.

Giải pháp cho sự thất bại kinh tế và chính trị của các quốc gia ngày nay là biến đổi các thể chế chiếm đoạt của họ hướng về các thể chế dung hợp. Vòng luẩn quẩn có nghĩa rằng việc này không dễ. Nhưng không phải là không thể, và quy luật sắt của chính thể đầu sỏ không phải là không thể tránh khỏi. Hoặc một số yếu tố bao gồm tồn tại từ trước trong các thể chế, hay sự hiện diện của các liên minh rộng dẫn đến cuộc đấu tranh chống chế độ hiện tồn, hay đơn thuần bản chất tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử, có thể phá vỡ các vòng luẩn quẩn. Hệt như nội chiến tại Sierra Leone, Cách mạng Vinh quang năm 1688 đã là một cuộc đấu tranh vì quyền lực. Nhưng nó đã là một cuộc đấu tranh có bản chất rất khác với nội chiến ở Sierra Leone. Có thể hiểu được rằng một số người trong Quốc hội chiến đấu để loại bỏ James II theo sau Cách mạng Vinh quang đã tưởng tượng mình đóng vai trò của nhà chuyên chế mới, như Oliver Cromwell đã đóng sau Nội Chiến Anh. Nhưng sự thực rằng quốc hội đã hùng mạnh rồi và đã cấu thành từ một liên minh rộng của các lợi ích kinh tế khác nhau và các quan điểm khác nhau đã làm cho quy luật sắt của chính thể đầu sỏ ít có khả năng áp dụng trong năm 1688. Và nó đã được giúp đỡ bởi sự thực rằng sự may mắn đã ở bên của Quốc hội chống lại James II. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy các thí dụ khác nữa về các nước đã tìm được cách để phá vỡ vòng kim cô và biến đổi các thể chế của họ cho cái tốt đẹp hơn, thậm chí sau một lịch sử dài của các thể chế chiếm đoạt.

(Còn tiếp)

(Đoạn cuối)

13-12-2018

Chương 14: PHÁ VỠ KHUÔN ĐÚC

BA THỦ LĨNH PHI CHÂU

Ngày 6 tháng 9, 1895, ba thủ lĩnh Phi châu, của Ngwato, Ngwaketse và Kwena, đã đến Anh với một nhiệm vụ: cứu các nhà nước của họ và năm nhà nước Tswana khác khỏi Cecil Rhodes. Tám nhà nước Tswana tạo thành xứ Bechuanaland, sẽ trở thành Botswana sau độc lập năm 1966.

Các bộ lạc này đã buôn bán với những người Âu châu trong hầu hết thế kỷ thứ mười chín. Năm 1885 Anh đã tuyên bố Bechuanaland là một xứ bảo hộ. Nhưng đối với những người Tswana tình hình đã thay đổi trong năm 1889 khi công ty Nam Phi Anh của Cecil Rhodes đã bắt đầu bành trướng lên phía bắc từ Nam Phi, cướp đoạt các dải đất lớn mà cuối cùng trở thành Bắc và Nam Rhodesia, bây giờ là Zambia và Zimbabwe. Vào năm 1895 Rhodes đã để mắt đến các vùng lãnh thổ tây nam của Rhodesia, Bechuanaland. Các thủ lĩnh đã biết rằng chỉ có tai họa và sự bóc lột nằm ở phía trước đối với các vùng lãnh thổ nếu chúng rơi vào sự kiểm soát của Rhodes. Họ đã quyết định chọn cái ít tệ hơn trong hai cái xấu: một sự kiểm soát lớn hơn của người Anh, hơn là sự sáp nhập bởi Rhodes.

Ngày 11 tháng Chín, 1895 Chamberlain đã tuyên bố rằng ông sẽ xem xét việc áp đặt sự kiểm soát Anh để bảo vệ các bộ lạc khỏi Rhodes. Mỗi trong ba thủ lĩnh, sẽ có một nước mà bên trong đó họ sẽ sống như cho đến nay dưới sự che chở của Nữ Hoàng. Các thủ lĩnh sẽ cai trị nhân dân của chính họ như hiện nay.

Các thủ lĩnh thực ra đã có cái gì đó có giá trị mà họ bảo vệ khỏi Rhodes và sau đó sẽ bảo vệ khỏi sự cai trị gián tiếp của Anh. Vào thế kỷ thứ mười chín, các nhà nước Tswana đã phát triển một tập lõi của các thể chế chính trị. của sự tập trung hóa và các thủ tục ra quyết định tập thể mà thậm chí có thể coi như một dạng mới sinh, thô sơ của chủ nghĩa đa nguyên.

Tất cả các vấn đề về chính sách bộ lạc được giải quyết cuối cùng trước một đại hội đồng của những người đàn ông trưởng thành trong kgotla (địa điểm hội đồng) của thủ lĩnh. Các cuộc họp như vậy được tổ chức rất thường xuyên. Giữa các đề tài được thảo luận có các tranh chấp bộ lạc, những sự cãi nhau giữa thủ lĩnh và họ hàng của ông, việc đánh các loại thuế mới, tiến hành các công trình công cộng mới, ban hành các sắc lệnh mới bởi thủ lĩnh không phải là lạ đối với hội đồng bộ lạc để bác bỏ các ý muốn của thủ lĩnh. Vì bất cứ ai có thể nói, các cuộc họp này cho phép ông biết chắc các ý kiến của nhân dân nói chung, và tạo cho nhân dân một cơ hội để nói rõ những mối bất bình của họ. Nếu có cơ hội, ông và các cố vấn của ông có thể làm nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, vì người dân ít khi sợ để nói công khai và thẳng thắn.

Vượt xa hơn kgotla, chức thủ lĩnh Tswana đã không mang tính cha truyền con nối nghiêm ngặt mà mở ra cho bất cứ người đàn ông nào chứng minh tài năng đáng kể và năng lực. Các thủ lĩnh Tswana đã tiếp tục các nỗ lực để duy trì sự độc lập của họ với Anh và bảo tồn các thể chế bản xứ của họ sau chuyến đi đến London.

Xét cho cùng, các thủ lĩnh, và nhân dân Tswana, đã may mắn. Có lẽ bất chấp mọi khó khăn bất lợi, họ đã thành công ngăn chặn sự thôn tính của Rhodes.

Một bước ngoặt khác vào lúc kết thúc thời kỳ thuộc địa có tính quyết định hơn đối với thành công của Botswana, cho phép nó phát triển các thể chế dung hợp. Vào lúc Bechuanaland trở thành độc lập năm 1966 dưới cái tên Botswana, thành công may mắn của các thủ lĩnh Sebele, Bathoen và Khama đã là lâu trong quá khứ. Trong các năm ở giữa, những người Anh đã đầu tư ít ở Bechuanaland. Vào lúc độc lập, Botswana đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới; Thế nhưng trong hai mươi lăm năm tiếp theo, Botswana đã trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Ngày nay Botswana có thu nhập đầu người cao nhất ở châu Phi hạ-Sahara, và ở cùng mức như các nước Ðông Âu thành công như Estonia và Hungary, và các quốc gia Mỹ Latin thành công nhất, như Costa Rica.

Botswana đã phá vỡ vòng luẩn quẩn như thế nào? Bằng cách phát triển nhanh các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp sau độc lập. Kể từ đó, nó đã là dân chủ, tổ chức các cuộc bầu cử đều đặn và cạnh tranh, và đã chẳng bao giờ trải qua nội chiến hay sự can thiệp quân sự. Chính phủ đã dựng lên các thể chế kinh tế thực thi các quyền tài sản, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, và khuyến khích sự phát triển của một nền kinh tế thị trường. Nhưng tất nhiên, câu hỏi thách thức hơn là, Botswana đã làm thế nào để tìm được cách thiết lập một nền dân chủ ổn định và các thể chế đa nguyên, và chọn được các thể chế kinh tế dung hợp, trong khi hầu hết các nước Phi châu khác đã làm ngược lại? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu một bước ngoặt, lần này là sự chấm dứt của sự cai trị thực dân, đã tương tác thế nào với các thể chế hiện tồn của Botswana.

Botswana đã có mức độ nào đó của sự tập trung hóa nhà nước và các thể chế bộ lạc đa nguyên một cách tương đối, đã sống sót qua được chủ nghĩa thực dân. Vào lúc độc lập những người Tswana đã nổi lên với một lịch sử của các thể chế coi là linh thiêng chức thủ lĩnh hạn chế và mức độ nào đó của trách nhiệm giải trình của các thủ lĩnh đối với nhân dân. Ðộc lập cũng đã là chuyện tương đối trật tự. Cuộc vận động cho độc lập đã được lãnh đạo bởi Ðảng Dân chủ Botswana (BDP), được thành lập năm 1960 bởi Quett Masire và Seretse Khama. Khama đã là cháu của Vua Khama III; tên của ông, Seretse, có nghĩa “đất sét mà kết dính với nhau.” Nó đã là một cái tên đặc biệt thích hợp. Mặc dù sự tăng trưởng ban đầu ở Botswana đã dựa trên xuất khẩu thịt, tình hình đã thay đổi đột ngột khi kim cương được khai thác.

Ở Sierra Leone và nhiều quốc gia Phi châu hạ-Sahara khác, kim cương đã kích động, đã cấp nhiên liệu cho xung đột giữa các nhóm khác nhau và đã giúp duy trì các cuộc nội chiến, có được nhãn Kim cương Ðẫm Máu vì sự tàn sát do các cuộc chiến tranh để giành quyền kiểm soát kim cương. Ở Botswana, các nguồn thu kim cương đã được quản lý cho lợi ích của quốc gia.

. Ngày nay Botswana trông giống một nước thuần nhất, không có sự chắp vá sắc tộc và ngôn ngữ như ở nhiều quốc gia Phi châu khác. Botswana đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất sắc sau độc lập bởi vì Seretse Khama, Quett Masire, và Ðảng Dân chủ Botswana đã lãnh đạo Botswana đi lên con đường của các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp.

Botswana đã phá vỡ khuôn đúc bởi vì nó đã có khả năng nắm lấy bước ngoặt, sự độc lập hậu thuộc địa, và dựng lên các thể chế dung hợp. Ðảng Dân chủ Botswana và các elite truyền thống, kể cả bản thân Khama, đã không thử tạo ra một chế độ độc tài hay dựng lên các thể chế chiếm đoạt có thể làm giàu cho chính họ với cái giá của toàn xã hội phải trả. Ðấy một lần nữa đã là kết quả của sự tương tác giữa một bước ngoặt và các thể chế hiện tồn.

KẾT THÚC SỰ BÓC LỘT Ở MIỀN NAM

Ngày 1 tháng Mười Hai, 1955. Thành phố Montgomery, Alabama, miền Nam Hoa kỳ. Lái xe bus đã gặp rắc rối, ông đã gọi cảnh sát. Một phụ nữ da đen, Rosa Parks, ngồi vào ghế dành cho người da trắng, Parks đã bị phạt mười dollar. Rosa Parks là thư ký chi hội Montgomery của Hội Quốc gia cho sự Tiến bộ của những người Da Màu. Việc bắt cô đã kích động một phong trào quần chúng, được đạo diễn bởi Martin Luther King, nhằm tẩy chay xe Bus Montgomery.

Cuộc Tẩy chay xe Bus đã là một thời điểm mấu chốt trong phong trào các quyền dân sự ở miền Nam Hoa Kỳ. Phong trào này đã là phần của một chuỗi các sự kiện và những thay đổi mà cuối cùng đã phá vỡ khuôn đúc ở miền Nam và đã dẫn đến những thay đổi cơ bản của các thể chế.

Bắt đầu trong các năm 1950, các thể chế miền nam đã bắt đầu đưa khu vực này lên một quỹ đạo tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Ðồng thời, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và chính phủ liên bang cuối cùng đã bắt đầu can thiệp một cách có hệ thống để cải cách các thể chế chiếm đoạt ở miền Nam. Như thế một nhân tố chính tạo ra một bước ngoặt cho sự thay đổi ở miền Nam đã là sự trao quyền cho những người Mỹ da đen ở đó và sự kết thúc của sự cai trị không bị thách thức của các elite miền Nam.

Sự thúc đẩy quan trọng nhất cho sự thay đổi đã đến từ phong trào các quyền dân sự. Nó đã trao quyền cho những người da đen ở miền Nam đã đi đầu, như ở Montgomery, bằng cách thách thức các thể chế chiếm đoạt xung quanh họ, bằng cách đòi các quyền của họ, và bằng cách phản đối và huy động [quần chúng] nhằm đạt được chúng. Nhưng họ đã không đơn độc trong việc này, bởi vì miền Nam Hoa Kỳ đã không là một nước tách biệt và các elite miền Nam đã không có sự kiểm soát tự do, chẳng hạn như các elite Guatemala đã có. Miền Nam đã phải tuân thủ Hiến pháp Hoa Kỳ và luật pháp liên bang. Sự nghiệp cho cải cách cơ bản ở miền Nam cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ từ hành pháp, lập pháp và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ một phần bởi vì phong trào các quyền dân sự đã có khả năng khiến cho tiếng nói của nó được lắng nghe ở bên ngoài miền Nam. Luật pháp liên bang đã là mấu chốt trong quá trình cải cách thể chế ở miền Nam.

Như ở Botswana, chìa khóa ở miền Nam Hoa Kỳ đã là sự phát triển của các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp. Ðiều này đạt được bằng đặt cạnh nhau sự bất mãn ngày càng tăng giữa những người da đen chịu đau khổ dưới các thể chế chiếm đoạt miền nam và sự tan rã của sự cai trị độc đảng của Ðảng Dân chủ ở miền Nam. Lại một lần nữa, các thể chế hiện tồn đã định hình con đường thay đổi. Trong trường hợp này, đã là mấu chốt rằng các thể chế miền nam ở bên trong các thể chế dung hợp của liên bang của Hoa Kỳ, và điều này cuối cùng đã cho phép những

người da đen miền nam huy động chính phủ và các thể chế liên bang cho sự nghiệp của họ. Toàn bộ quá trình cũng được làm cho dễ hơn bởi sự thực rằng, với sự di cư ồ ạt của những người da đen ra khỏi miền Nam và sự cơ giới hóa sản xuất bông, các điều kiện kinh tế đã thay đổi cho nên các elite miền nam đã ít sẵn sàng để chiến đấu nhiều hơn.

TÁI SINH Ở TRUNG QUỐC

Ðảng Cộng Sản đã lật đổ các nhà Dân tộc Chủ nghĩa trong năm 1949. Các thể chế chính trị và kinh tế được tạo ra sau 1949 đã hết sức chiếm đoạt. Về mặt chính trị, họ đề cao chế độ chuyên chế của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc. Cho đến khi chết năm 1976, Mao đã hoàn toàn thống trị Ðảng Cộng Sản và chính phủ. Ði cùng đã là các thể chế kinh tế hết sức chiếm đoạt. Kinh tế thị trường đã cơ bản bị xóa bỏ.

Như với tất cả các thể chế chiếm đoạt, chế độ Mao đã cố gắng khai thác nguồn lực từ đất nước khổng lồ mà bây giờ ông kiểm soát., Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã có độc quyền về bán sản phẩm. Những cố gắng công nghiệp hóa đã biến thành Ðại nhảy Vọt khét tiếng sau 1958

Một hệ quả của Ðại nhảy Vọt đã là thành viên kỳ cựu của Ðảng Cộng Sản, Ðặng Tiểu Bình, một tướng rất thành công trong cách mạng, người đã lãnh đạo phong trào “chống hữu” gây ra sự hành quyết của nhiều “kẻ thù của cách mạng, ” đã có một sự thay đổi tấm lòng. Tại một hội nghị ở Quảng Châu miền Nam Trung Quốc năm 1961, Ðặng lập luận, “Không quan trọng liệu mèo là đen hay trắng, nếu nó bắt được chuột, nó là con mèo tốt.” Không quan trọng liệu các chính sách có vẻ cộng sản hay không; Trung Quốc đã cần các chính sách khuyến khích sản xuất sao cho nó có thể cho nhân dân của nó ăn. Thế nhưng không lâu sau Ðặng bị Mao trừng phạt trong Ðại Cách mạng Văn hóa Vô sản

Ðặng đã thấy mình được dán nhãn kẻ số hai đi con đường tư bản chủ nghĩa, và bị tù trong năm 1967. Ông đã được phục hồi năm 1974, và Mao đã được Thủ tướng Chu Ân Lai thuyết phục để bổ nhiệm Ðặng làm phó thủ tướng thứ nhất.

Đã có một bước ngoặt: Mao chết. Với việc này đã có một chân không quyền lực thật sự. Bè Lũ Bốn Tên đã có ý định tiếp tục với các chính sách của Cách mạng Văn hóa. Hoa Quốc Phong đã muốn từ bỏ Cách mạng Văn hóa, nhưng ông đã không thể tách mình quá xa nó, Ðặng Tiểu Bình đã không muốn hủy bỏ chế độ cộng sản và thay thế nó bằng các thị trường dung hợp hơn Ông và những người ủng hộ ông đã nghĩ rằng sự tăng trưởng kinh tế đáng kể có thể đạt được mà không gây nguy hiểm cho sự kiểm soát chính trị của họ. Ðể đạt điều này, họ đã muốn từ chối không chỉ Cách mạng Văn hóa mà cả nhiều trong số di sản thể chế Maoist. Họ đã nhận ra rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ là có thể chỉ với các bước đáng kể theo hướng các thể chế kinh tế dung họp.

Nhóm của Ðặng đã cũng mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và đã muốn theo đuổi một chính sách năng nổ hơn nhiều về hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đã có những giới hạn, và việc xây dựng các thể chế kinh tế dung hợp thật sự và sự làm giảm đi sự kìm kẹp mà Ðảng Cộng Sản đã có lên nền kinh tế đã không thậm chí là các lựa chọn.

Hội nghị toàn thể Thứ Ba của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa Mười Một đã tạo ra bước đột phá, đã quyết định rằng, từ nay trở đi, tiêu điểm của đảng sẽ không là đấu tranh giai cấp mà là hiện đại hóa kinh tế. Tại Ðại Hội lần thứ Mười Hai của Ðảng năm 1982, và sau đó trong Hội nghị Ðảng Toàn Quốc tháng Chín 1985, ông đã đạt được sự cải tổ lại hoàn toàn ban lãnh đạo đảng và các cán bộ cấp cao. Những người trẻ hơn nhiều, có đầu óc cải cách đã tham gia. Nếu so sánh 1980 với 1985, thì vào năm sau, hai mươi mốt trong số hai mươi sáu ủy viên Bộ Chính trị, tám trong số mười một thành viên Ban Bí Thư Ðảng Cộng Sản, và mười trong số mười tám phó thủ tướng đã được thay.

Bây giờ vì Ðặng và các nhà cải cách đã hoàn thành cuộc cách mạng chính trị của họ và đã kiểm soát nhà nước, họ đã tung ra một loạt những thay đổi thêm về các thể chế kinh tế. Chính nền kinh tế nông thôn đã cất cánh đầu tiên. Việc đưa ra các khuyến khích đã dẫn đến một sự tăng lên đột ngột về năng suất nông nghiệp.

Sự tái sinh của Trung Quốc đến với một sự dịch chuyển quan trọng khỏi một trong những tập chiếm đoạt nhất của các thể chế kinh tế và hướng tới các thể chế dung hợp hơn. Các khuyến khích thị trường trong nông nghiệp và công nghiệp, rồi sau đó tiếp theo bởi đầu tư nước ngoài và công nghệ, đặt Trung Quốc lên một con đường tăng trưởng kinh tế nhanh.

Botswana, Trung quốc và miền Nam Hoa Kỳ, hệt như Cách mạng Vinh quang ở nước Anh, Cách mạng Pháp, và Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản, là những minh họa sống động rằng lịch sử không phải là định mệnh. Bất chấp vòng luẩn quẩn, các thể chế chiếm đoạt có thể được thay thế bởi các thể chế dung hợp. Nhưng nó chẳng tự động, cũng không dễ. Một sự hợp lưu của các nhân tố, đặc biệt một bước ngoặt gắn liền với một liên minh rộng của những người thúc đẩy cho cải cách hay các thể chế hiện tồn thuận lợi khác, thường là cần thiết cho một quốc gia để đi những bước dài hướng tới các thể chế dung hợp hơn. Ngoài ra sự may mắn nào đó là chìa khóa, bởi vì lịch sử luôn luôn diễn ra theo cách tùy thuộc ngẫu nhiên.

Chương 15: HIỂU SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO KHÓ

CÁC NGUỒN GỐC LỊCH SỬ

Có những khác biệt khổng lồ về mức sống quanh thế giới. Sự tương phản của Nam và Bắc Triều Tiên, của hai Nogalese, và Hoa Kỳ với Mexico nhắc nhở chúng ta rằng đấy là các hiện tượng tương đối gần đây. Năm trăm năm trước, Mexico, đã chắc chắn giàu hơn các chính thể ở phía bắc, Khoảng cách giữa hai Nogalese thậm chí còn mới đây hơn. Nam và Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế, cũng như về mặt xã hội và văn hóa, đã không thể phân biệt được trước khi nước này bị chia cắt tại vĩ tuyến thứ 38. Tương tự, hầu hết những sự khác biệt kinh tế khổng lồ mà chúng ta quan sát thấy xung quanh chúng ta hôm nay đã nổi lên trong hai trăm năm vừa qua.

Tất cả những thứ này có cần phải như thế? Có phải đã được xác định trước về mặt lịch sử – hay về mặt địa lý hay văn hóa hay sắc tộc – rằng Tây Âu, Hoa Kỳ, và Nhật Bản trở nên giàu hơn nhiều đến thế so với châu Phi hạ-Sahara, Mỹ Latin, Ðã có phải là không thể tránh được rằng Cách mạng Công nghiệp đã tiến triển trong thế kỷ thứ mười tám ở Anh, và sau đó lan sang Tây Âu và các nhánh của châu Âu ở Bắc Mỹ và Australasia? Liệu một thế giới phản thực (counterfactual) nơi Cách mạng Vinh quang và Cách mạng Công nghiệp xảy ra ở Peru, mà sau đó thuộc địa hóa Tây Âu và bắt những người da trắng làm nô lệ, là có thể, hay chỉ là một dạng của khoa học viễn tưởng lịch sử?

Ðể trả lời – thực ra, ngay cả để suy luận về – các câu hỏi này, chúng ta cần một lý thuyết về vì sao một số quốc gia thịnh vượng trong khi các quốc gia khác thất bại và nghèo.

Lý thuyết này cần phác họa cả các nhân tố mà tạo ra và làm chậm sự thịnh vượng và các nguồn gốc lịch sử của chúng. Cuốn sách này đã đề xuất một lý thuyết như vậy. Bất cứ hiện tượng xã hội phức tạp nào, như nguồn gốc của các quỹ đạo kinh tế và chính trị khác nhau của hàng trăm chính thể quanh thế giới, chắc có vô số nguyên nhân, khiến cho hầu hết các nhà khoa học xã hội tránh các lý thuyết một nguyên nhân, đơn giản, và có thể áp dụng một cách rộng rãi, và thay vào đó tìm kiếm những sự giải thích khác nhau cho những kết quả có vẻ tương tự nổi lên trong các thời đại và các vùng khác nhau. Thay vào đó chúng tôi đã đề nghị một lý thuyết đơn giản và đã sử dụng nó để giải thích những đường nét chính của sự phát triển kinh tế và chính trị khắp thế giới từ Cách mạng đồ Ðá Mới. Sự lựa chọn của chúng tôi đã được thúc đẩy không phải bởi một lòng tin ấu trĩ rằng một lý thuyết như vậy có thể giải thích mọi thứ, mà bởi lòng tin rằng một lý thuyết như vậy sẽ cho phép chúng ta tập trung vào những sự tương tự, đôi khi phải trả giá bằng trừu tượng hóa khỏi [tức là phải bỏ qua] nhiều chi tiết lý thú. Một lý thuyết thành công, khi đó, không tái tạo một cách trung thành các chi tiết, nhưng cung cấp một sự giải thích có ích và có cơ sở về mặt kinh nghiệm cho một loạt các quá trình trong khi cũng làm rõ các lực chính đang hoạt động.

Bản thân những khác biệt thể chế hiện tồn giữa các xã hội là kết quả của những sự thay đổi thể chế trong quá khứ. Vì sao con đường thay đổi thể chế là khác nhau từ xã hội này sang xã hội khác? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở sự trôi dạt thể chế.

Lịch sử là chìa khóa, vì chính là quá trình lịch sử, qua sự trôi dạt thể chế, tạo ra những khác biệt mà có thể trở nên quan trọng trong các bước ngoặt.

Ðể bắt đầu, ngược với các giả thuyết địa lý và văn hóa, Peru không bị buộc phải nghèo bởi vì địa lý hay văn hóa của nó. Trong lý thuyết của chúng ta, ngày nay Peru nghèo hơn Tây Âu hay Hoa Kỳ rất nhiều là bởi vì các thể chế của nó, và để hiểu các lý do của tình trạng này, chúng ta cần hiểu quá trình lịch sử của sự phát triển thể chế ở Peru.

Thứ nhất, những sự khác biệt thể chế bên trong châu Mỹ trong thế kỷ thứ mười lăm đã định hình các vùng này bị thuộc địa hóa thế nào. Bắc Mỹ đã đi theo một quỹ đạo thể chế khác với Peru bởi vì nó được định cư thưa thớt trước thuộc địa hóa và đã thu hút những người định cư Âu châu, những người sau đó đã thành công đứng lên chống lại elite những người mà các thực thể như Công ty Virginia và Quốc vương Anh đã thử tạo ra. Ngược lại, các nhà chinh phục Tây Ban Nha đã tìm thấy một nhà nước tập trung, chiếm đoạt ở Peru mà họ đã có thể tiếp quản và một dân cư đông mà họ đã có thể đưa vào làm việc tại các mỏ và các đồn điền.

Thứ hai, Ðế chế Inca đã có thể chống lại chủ nghĩa thực dân Âu châu, như Nhật Bản đã làm khi các tàu của Commodore Perry đến Vịnh Edo. Mặc dù sự khai thác lớn hơn của Ðế chế Inca ngược lại với Tokugawa, Nhật Bản, chắc đã làm cho một cuộc cách mạng chính trị na ná như Minh trị Canh tân là ít có khả năng ở Peru, đã không có sự tất yếu lịch sử nào rằng những người Inca hoàn toàn chịu thua ưu thế Âu châu. Nếu giả như họ đã có thể kháng cự và thậm chí hiện đại hóa về mặt thể chế trong việc đáp lại các mối đe dọa, thì toàn bộ con đường lịch sử của Thế giới Mới, và toàn bộ lịch sử của thế giới, đã có thể khác đi.

Thứ ba và triệt để nhất, thậm chí đã không được quyết định trước về mặt lịch sử hay địa lý hay văn hóa rằng những người Âu châu là những người thuộc địa hóa thế giới. Ðã có thể là những người Trung Quốc hay thậm chí những người Inca. Tất nhiên, một kết quả như vậy là không thể khi chúng ta nhìn vào thế giới từ vị trí thuận lợi của thế kỷ thứ mười lăm, mà vào thời gian đó Tây Âu đã vượt trước châu Mỹ, và Trung Quốc đã quay sang hướng nội rồi.

Cho dù việc đưa ra các tiên đoán chính xác về các xã hội nào sẽ phát đạt tương đối so với các xã hội khác là khó, chúng ta đã thấy suốt cuốn sách này rằng lý thuyết của chúng ta giải thích khá tốt những sự khác biệt rộng về sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia khắp thế giới. Chúng ta sẽ thấy trong phần còn lại của chương này rằng nó cũng cung cấp một số chỉ dẫn về những kiểu nào của các xã hội có nhiều khả năng hơn để đạt sự tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới.

Lý thuyết của chúng ta cũng gợi ý rằng sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt như ở Trung Quốc, sẽ không mang lại sự tăng trưởng bền vững, và chắc sẽ hết hơi. Ngoài các trường hợp này, có nhiều sự không chắc chắn. Cuba, chẳng hạn, có thể chuyển tiếp theo hướng đến các thể chế dung hợp và trải qua một sự biến đổi kinh tế lớn, hay nó có thể chần chừ dưới các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Cũng đúng thế về Bắc Triều Tiên và Burma (Myanmar) ở châu Á. Như thế, trong khi lý thuyết của chúng ta cung cấp các công cụ cho tư duy về các thể chế thay đổi thế nào và các hệ quả của những thay đổi như vậy, bản chất của sự thay đổi này – vai trò của những sự khác biệt nhỏ và của sự tùy thuộc ngẫu nhiên – khiến cho các tiên đoán chính xác hơn là khó.

Tất nhiên, tất cả lý thuyết của chúng ta là về các quốc gia có thể tiến hành các bước thế nào hướng tới sự thịnh vượng – bằng cách biến đổi các thể chế của họ từ chiếm đoạt sang dung họp Nhưng nó cũng nêu rất rõ ngay từ đầu rằng không có các công thức dễ dàng nào cho việc đạt được một sự chuyển tiếp như vậy. Tuy nhiên, lý thuyết của chúng ta vẫn hữu ích cho phân tích chính sách, vì nó cho phép chúng ta nhận ra lời khuyên chính sách tồi, dựa hoặc trên các giả thuyết không đúng hay trên sự hiểu biết không thỏa đáng về các thể chế có thể thay đổi ra sao. Trong việc này, như trong hầu hết sự việc, tránh các sai lầm tồi tệ nhất là quan trọng như – và thực tiễn hơn – việc thử phát triển các giải pháp đơn giản. Có lẽ điểm này có thể thấy được rõ nhất khi chúng ta xem xét các khuyến nghị chính sách hiện thời cổ vũ cho “sự tăng trưởng độc đoán” dựa trên kinh nghiệm tăng trưởng thành công của Trung Quốc trong vài thập niên qua. Tiếp theo chúng ta giải thích vì sao các khuyến nghị chính sách này làm cho lầm đường lạc lối và vì sao tăng trưởng Trung Quốc, như nó đã diễn ra cho đến nay, chỉ là một dạng khác nữa của sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt, không chắc để chuyển sang sự phát triển kinh tế bền vững.

SỰ QUYẾN RŨ KHÔNG CƯỠNG LẠI ÐƯỢC CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG ÐỘC ÐOÁN

Ðới Quốc Phương từ sớm đã nhận ra sự đến của đợt hưng thịnh bột phát đô thị ở Trung Quốc. Suy luận rằng công ty Sắt và Thép Giang Tô của anh có thể chiếm một thị trường lớn với tư cách một nhà sản xuất chi phí thấp. Tuy vậy, vào tháng Ba 2004, dự án bị ngừng lại theo lệnh của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, và Ðới đã bị bắt vì các lý do chẳng bao giờ được nói rõ ràng. Tội thật của anh đã là khởi động một dự án cạnh tranh với các công ty do nhà nước bảo trợ và làm vậy mà không có sự chuẩn y của các quan chức cao hơn trong Ðảng Cộng Sản. Ðấy chắc chắn là bài học mà những người khác rút ra từ vụ này.

Phản ứng của Ðảng Cộng Sản đối với các doanh nhân như Ðới không phải là một sự ngạc nhiên. Trong khi rất nhiều công ty tư nhân bây giờ hoạt động có lời ở Trung Quốc, nhiều yếu tố của nền kinh tế vẫn dưới sự chỉ huy và bảo hộ của đảng.

Những câu chuyện này không phủ nhận rằng Trung Quốc đã đi những bước dài vĩ đại hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp, những bước dài mà làm nòng cốt cho tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của nó trong hơn ba mươi năm qua. Hầu hết các doanh nhân có sự an toàn nào đó, nhất là bởi vì họ nuôi dưỡng sự ủng hộ của các cán bộ địa phương và các elite của Ðảng Cộng Sản ở Bắc Kinh. Trung Quốc trước tiên đã có thể tăng trưởng bởi vì dưới thời Ðặng Tiểu Bình đã có những cải cách triệt để khỏi các thể chế kinh tế chiếm đoạt nhất và hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp.

Kinh nghiệm Trung Quốc là một thí dụ về sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt. Quan hệ giữa doanh nghiệp và đảng là hết sức béo bở cho cả hai. Các doanh nghiệp được đảng ủng hộ nhận được các hợp đồng với các điều kiện thuận lợi, có thể đuổi dân thường để tước đoạt đất của họ, và vi phạm luật pháp và các quy định mà không bị trừng phạt. Những người chặn đường kế hoạch kinh doanh này sẽ bị chà đạp và thậm chí có thể bị tù hay bị sát hại.

Bởi vì sự kiểm soát của đảng lên các thể chế kinh tế, mức độ của sự phá hủy có tính sáng tạo bị cắt bớt nghiêm trọng, và nó vẫn như thế cho đến khi có sự cải cách triệt để về các thể chế chính trị. Hệt như ở Liên Xô, kinh nghiệm Trung Quốc về tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt được tạo thuận lợi rất nhiều bởi vì còn rất nhiều sự đuổi kịp để làm. Thu nhập đầu người ở Trung Quốc vẫn là một phần nhỏ của thu nhập đầu người ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Tất nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc được đa dạng hóa hơn đáng kể so với tăng trưởng Soviet; nó không chỉ dựa vào vũ khí hay công nghiệp nặng, và các doanh nhân Trung Quốc cho thấy rất nhiều tài khéo léo. Dẫu sao, sự tăng trưởng này sẽ hết hơi trừ phi các thể chế chính trị chiếm đoạt mở đường cho các thể chế dung hợp. Chừng nào các thể chế chính trị còn là chiếm đoạt, sự tăng trưởng sẽ bị hạn chế một cách cố hữu, như đã được thấy trong tất cả các trường hợp tương tự.

Như lý thuyết của chúng ta nêu bật, đặc biệt trong các xã hội mà đã trải qua mức độ nào đó của sự tập trung nhà nước, kiểu tăng trưởng này dưới các thể chế chiếm đoạt là có thể và có thể thậm chí là kịch bản có khả năng nhất cho nhiều quốc gia, trải từ Cambodia và Việt Nam đến Burundi, Ethiopia, và Rwanda. Nhưng nó cũng ngụ ý rằng tất cả các thí dụ về tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt, sẽ không bền vững.

Thái độ của nhiều người về tương lai của xã hội và nền dân chủ Iraq sau hậu quả của sự xâm chiếm do Hoa Kỳ lãnh đạo đã lạc quan một cách tương tự bởi vì lý thuyết hiện đại hóa. Bất chấp thành tích kinh tế tai hại của nó dưới chế độ Saddam Hussein, trong năm 2002 Iraq đã không nghèo như nhiều quốc gia châu Phi hạ-Sahara, và nó đã có dân cư được giáo dục tốt một cách tương đối, vì thế đã tin rằng là chín muồi cho sự phát triển dân chủ và các quyền tự do dân sự, và thậm chí cho cái mà chúng ta mô tả như chủ nghĩa đa nguyên. Những hy vọng đó nhanh chóng bị tan vỡ khi sự hỗn loạn và nội chiến đổ xuống xã hội Iraq.

Lý thuyết hiện đại hóa là sai và và vô ích cho tư duy về làm thế nào để đương đầu với các vấn đề lớn của các thể chế chiếm đoạt trong các quốc gia thất bại. Mẩu bằng chứng mạnh nhất ủng hộ lý thuyết hiện đại hóa là, các quốc gia giàu là các quốc gia có các chế độ dân chủ, tôn trọng các quyền dân sự và các quyền con người, và có được các thị trường hoạt động và các thể chế kinh tế dung hợp nói chung. Tuy thế lại diễn giải sự liên kết này như sự ủng hộ lý thuyết hiện đại hóa bỏ qua ảnh hưởng lớn của các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp lên sự tăng trưởng kinh tế.

Hồ sơ lịch sử thậm chí còn ít rộng lượng hơn với lý thuyết hiện đại hóa. Nhiều quốc gia tương đối thịnh vượng đã chịu thua và đã ủng hộ các chế độ độc tài đàn áp và các thể chế chiếm đoạt. Cả Ðức và Nhật Bản đã là giữa các quốc gia giàu nhất và được công nghiệp hóa nhất trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ hai mươi, và đã có các công dân được giáo dục tốt một cách tương đối. Ðiều này đã không cản sự nổi lên của Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Dân tộc (Quốc xã) ở Ðức và một chế độ quân phiệt có ý định bành trướng lãnh thổ qua chiến tranh ở Nhật Bản – làm cho cả các thể chế chính trị lẫn kinh tế quay đột ngột theo hướng các thể chế chiếm đoạt. Argentina cũng đã là một trong những nước giàu nhất thế giới trong thế kỷ thứ mười chín, nó cũng đã có dân cư được giáo dục nhất ở Mỹ Latin. Nhưng dân chủ và chủ nghĩa đa nguyên đã không thành công hơn. Thậm chí các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ cũng vẫn hành động như các nhà độc tài tham lam. Các chính phủ Argentina thế kỷ thứ hai mươi mốt vẫn có thể tước đoạt của cải của các công dân của mình mà không bị trừng phạt.

Tất cả những thứ này làm nổi bật vài ý tưởng quan trọng. Thứ nhất, sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị độc đoán, chiếm đoạt ở Trung Quốc, mặc dù chắc vẫn tiếp tục trong một thời gian, sẽ không chuyển thành sự tăng trưởng bền vững, được ủng hộ bởi các thể chế kinh tế thực sự dung hợp và sự phá hủy có tính sáng tạo. Thứ hai, ngược với các khẳng định của lý thuyết hiện đại hóa, chúng ta không nên tính đến sự tăng trưởng độc đoán sẽ dẫn đến dân chủ hay các thể chế chính trị dung hợp. Trung Quốc, Nga, và nhiều chế độ độc đoán khác hiện nay đang trải qua sự tăng trưởng nào đó chắc sẽ đạt các giới hạn của sự tăng trưởng chiếm đoạt trước khi chúng biến đổi các thể chế chính trị của chúng theo một hướng dung hợp hơn – và thực ra, có lẽ trước khi có bất cứ mong muốn nào giữa các elite đối với những thay đổi như vậy hay bất cứ sự phản đối mạnh nào buộc họ phải làm vậy. Thứ ba, sự tăng trưởng độc đoán không đáng mong mỏi cũng chẳng có thể đứng vững trong dài hạn, và như thế không nên nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như một mẫu cho các quốc gia ở Mỹ Latin, châu Á, và châu Phi hạ-Sahara, cho dù nó là con đường mà nhiều quốc gia sẽ chọn chính xác bởi vì nó đôi khi phù hợp với các lợi ích của các elite kinh tế và chính trị chi phối chúng.

KHÔNG THỂ SẮP ÐẶT SỰ THỊNH VƯỢNG

Không giống lý thuyết mà chúng ta đã phát triển trong cuốn sách này, giả thuyết ngu dốt đến dễ dàng với một gợi ý về làm thế nào để “giải” vấn đề nghèo khó: nếu sự thiếu hiểu biết đã đưa chúng ta đến đây, thì sự khai sáng và các nhà cai trị và các nhà hoạch định chính sách có hiểu biết có thể đưa chúng ta ra khỏi đây, và chúng ta phải có khả năng để “sắp đặt-engineer” sự thịnh vượng quanh thế giới bằng cung cấp lời khuyên đúng và bằng cách thuyết phục các chính trị gia về hoạt động kinh tế tốt là gì.

Các nỗ lực sắp đặt này đến với hai hương vị. Thứ nhất, thường được chủ trương bởi các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận ra rằng sự phát triển nghèo là do các chính sách và các thể chế kinh tế tồi gây ra, và sau đó đề xuất một danh sách những cải thiện mà các tổ chức quốc tế này thử xui các nước nghèo chấp nhận.

Cách tiếp cận thứ hai đến sắp đặt sự thịnh vượng đang là cách được ưa chuộng nhiều ngày nay. Nó nhận ra rằng không có cách sửa chữa dễ dàng để chuyển một quốc gia từ nghèo sang thịnh vượng trong một sớm một chiều hay thậm chí trong tiến trình của vài thập kỷ. Thay vào đó, nó khẳng định, có nhiều “khuyết tật thị trường vi mô” mà có thể được uốn nắn với lời khuyên đúng, và sự thịnh vượng sẽ nảy sinh nếu các nhà hoạch định chính sách tận dụng lợi thế của các cơ hội này

Cái mà tình tiết này minh họa là một phiên bản vi mô của sự khó khăn để thực hiện những sự thay đổi có ý nghĩa khi trước hết các thể chế là nguyên nhân của các vấn đề. Trong trường hợp này, đã không phải là các chính trị gia tham nhũng hay các doanh nghiệp hùng mạnh làm xói mòn cải cách thể chế, mà đúng hơn, cơ quan quản lý địa phương và các nhân viên đã có khả năng phá hoại sơ đồ khuyến khích của các nhà kinh tế học phát triển. Việc này gợi ý rằng nhiều khuyết tật thị trường vi mô mà có vẻ dễ sửa có thể là hão huyền: cấu trúc thể chế tạo ra các khuyết tật thị trường sẽ cũng ngăn cản việc thực hiện những can thiệp để cải thiện các khuyến khích ở mức vi mô. Cố gắng để sắp đặt sự thịnh vượng mà không đối mặt với nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề – các thể chế chiếm đoạt.

SỰ THẤT BẠI CỦA VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI

Tiếp sau các cuộc tấn công của Al Qaeda ngày 11 tháng Chín, 2001, các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo đã nhanh chóng lật đổ chế độ áp bức Taliban ở Afghanistan, Hiệp định Bonn tháng Mười Hai 2001 đã tạo ra một kế hoạch cho việc thiết lập một chế độ dân chủ. Bước đầu tiên đã là đại hội đồng toàn quốc, đã bầu Karzai lãnh đạo chính phủ lâm thời. Cộng đồng quốc tế đã nghĩ rằng tất cả cái Afghanistan cần bây giờ là một sự bơm mạnh viện trợ nước ngoài vào.

Cái xảy ra sau đó đã không phải là một sự ngạc nhiên, đặc biệt căn cứ vào sự thất bại của viện trợ nước ngoài cho các nước nghèo và các nhà nước thất bại trong năm thập kỷ qua. Hàng tỷ dollar bây giờ đổ vào Afghanistan. Nhưng ít trong số đó đã được dùng để xây dựng hạ tầng cơ sở, Khoản tiền đầu tiên đã được sử dụng để đưa vào vận hành một tuyến hàng không hoạt động con thoi quanh các quan chức Liên Hiệp Quốc và quốc tế khác. Việc tiếp theo họ đã cần đến là các lái xe và các phiên dịch, đi kèm họ đó đây, trả cho họ nhiều lần lương Afghan hiện hành. Các luồng viện trợ, thay cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Afghanistan, lại đã bắt đầu làm xói mòn nhà nước Afghan mà họ được cho là để dựa vào và để củng cố.

Những người dân làng trong một huyện xa trong thung lũng trung tâm của Afghanistan đã nghe một công bố trên radio về một chương trình mới nhiều triệu dollar để phục hồi lại nhà cửa

cho vùng của họ. Sau một thời gian dài, một ít xà gỗ, được Ismail Khan, viên cựu tư lệnh nổi tiếng và thành viên của chính phủ Afghan, được chở đến. Dân làng đưa chúng vào việc sử dụng khả dĩ duy nhất: làm củi. Thế thì cái gì đã xảy ra với hàng triệu dollar được hứa cho các dân làng?. Số tiền ít ỏi đến được Afghanistan đã được dùng để mua gỗ từ miền tây Iran, và phần lớn của nó được trả cho Ismail Khan để bù cho giá vận tải đã được thổi phồng lên. Ðã phải có một chút phép mầu rằng các xà gỗ đã đến được làng.

Cái đã xảy ra ở thung lũng trung tâm của Afghanistan không phải là một sự cố cô lập. Nhiều nghiên cứu ước lượng rằng chỉ khoảng 10 hoặc nhiều nhất 20 phần trăm của viện trợ từng đến được mục tiêu của nó.

Kinh nghiệm Afghan với viện trợ đã thực ra có lẽ được cho là một thành công so với những nơi khác. Suốt năm thập kỷ qua, hàng trăm tỷ dollar đã được trả cho các chính phủ xung quanh thế giới như viện trợ “phát triển”. Phần lớn của số đó đã bị lãng phí về chi phí chung và tham nhũng,

Bất chấp thành tích không tâng bốc này của viện trợ “phát triển, ”, viện trợ nước ngoài là một trong những chính sách phổ biến nhất mà các chính phủ phương Tây, các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc các hạng khác nhau khuyến nghị như một cách để chiến đấu với nghèo khó quanh thế giới. Và tất nhiên, chu trình thất bại của viện trợ nước ngoài tự lặp lại mình hết lần này đến lần khác.

Một giải pháp – mà gần đây trở nên phổ biến hơn, một phần dựa vào sự nhận ra rằng các thể chế có liên quan gì đó đến sự thịnh vượng và ngay cả đến việc phân phát viện trợ – là để biến viện trợ thành “có điều kiện.” Theo quan điểm này, viện trợ nước ngoài được tiếp tục phải phụ thuộc vào các chính phủ nhận viện trợ thỏa mãn các điều kiện nào đấy – chẳng hạn, tự do hóa các thị trường hay tiến theo hướng dân chủ. Chính quyền George W. Bush đã tiến hành bước lớn nhất theo hướng loại này của viện trợ có điều kiện bằng bắt đầu các Tài Khoản Thách Thức Thiên Niên Kỷ, mà làm cho việc rót tiền viện trợ tương lai phụ thuộc vào những cải thiện chất lượng trong nhiều chiều kích của sự phát triển kinh tế và chính trị. Nhưng tính hiệu quả của viện trợ có điều kiện tỏ ra không tốt hơn loại không có điều kiện

Nhưng tất cả điều này không ngụ ý rằng nên dừng viện trợ nước ngoài, trừ loại nhân đạo. Chấm dứt viện trợ nước ngoài là không thực tế và sẽ chắc dẫn đến thêm sự đau khổ con người. Nó không thực tiễn bởi vì các công dân của nhiều quốc gia phương Tây cảm thấy tội lỗi và lo lắng về những thảm họa kinh tế và con người quanh thế giới, và viện trợ nước ngoài làm cho họ tin rằng cái gì đó được làm để chiến đấu với các vấn đề. Cho dù cái gì đó này rất không hiệu quả, mong muốn của họ để làm việc đó sẽ tiếp tục, và như thế viện trợ nước ngoài sẽ tiếp tục. Các tổ chức quốc tế hết sức phức tạp và các NGO sẽ cũng không ngừng đòi hỏi và huy động các nguồn lực để bảo đảm sự tiếp tục của hiện trạng. Hơn nữa, sẽ là nhẫn tâm đi cắt viện trợ cho các quốc gia cần đến nhất. Ðúng, phần lớn nó bị lãng phí. Nhưng nếu từ mỗi dollar cho viện trợ, mười cent được đưa cho người nghèo nhất trên thế giới, đó là mười cent nhiều hơn số họ đã có trước đó để xóa sự nghèo khốn nạn nhất, và nó vẫn có thể tốt hơn không có gì.

Có hai bài học quan trọng ở đây. Thứ nhất, viện trợ nước ngoài không phải là một phương tiện rất hiệu quả để giải quyết sự thất bại của các quốc gia quanh thế giới. Còn xa mới thế. Các nước cần các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp để phá vỡ vòng nghèo khó. Thứ hai, vì sự phát triển các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp là chìa khóa, việc sử dụng các luồng viện trợ nước ngoài hiện tồn chí ít một phần để tạo thuận lợi cho sự phát triển như vậy sẽ là hữu ích. Như chúng ta đã thấy, tính có điều kiện không phải là câu trả lời ở đây, vì nó đòi hỏi các nhà cai trị hiện hành đưa ra những sự nhượng bộ. Thay vào đó, có lẽ cấu trúc viện trợ nước ngoài sao cho việc sử dụng và quản lý của nó đưa các nhóm và các nhà lãnh đạo bị loại trừ khỏi quyền lực vào quá trình ra quyết định và trao quyền cho một mảng rộng của dân cư có thể là một triển vọng tốt hơn.

SỰ TRAO QUYỀN

Ngày 12 tháng Năm, 1978, tại nhà máy xe tải Scânia của Brazil. các công nhân đã bồn chồn. Các cuộc đình công đã bị cấm ở Brazil từ 1964, Khi ca làm việc 7 giờ sáng bắt đầu, các công nhân bỏ công cụ của họ xuống. Chủ tịch của Tổ chức Công nhân là một nhà hoạt động ba mươi ba tuổi có tên là Luiz Inácio Lula (“Lula”). Vào buổi trưa Lula đã có mặt tại nhà máy. Khi công ty yêu cầu ông thuyết phục các nhân viên quay lại làm việc, ông đã từ chối.

Cuộc bãi công Scânia đã là cuộc đầu tiên trong một làn sóng bãi công quét ngang Brazil. Trên bề mặt của nó là về lương, nhưng như Lula muộn hơn đã lưu ý, không thể tách các nhân tố kinh tế và chính trị. Cuộc đấu tranh đã là về lương, nhưng trong đấu tranh vì lương, giai cấp lao động đã có một chiến thắng.

Sự phục hồi của phong trào lao động Brazil đã chỉ là một phần của phản ứng xã hội rộng hơn nhiều đối với một thập kỷ rưỡi của sự cai trị quân sự. Nền dân chủ sẽ được tạo ra ở Brazil bởi nhiều nhóm xã hội mà tập hợp lại chống lại chế độ quân sự.

Nhà máy Scânia đã báo trước sự hình thành của liên minh này. Vào cuối 1978, Lula đã thả nổi ý tưởng tạo ra một đảng chính trị mới, Ðảng của những người Lao động (Ðảng Lao động). Ðấy, tuy nhiên, là đảng không chỉ của các nghiệp đoàn viên. Lula đã khăng khăng rằng nó phải là một đảng của tất cả những người làm công ăn lương và người nghèo nói chung. Vào ngày 18 tháng Tám, 1979, một cuộc họp đã được tổ chức tại São Paulo để thảo luận về sự hình thành của Ðảng Lao động, đã tập hợp lại các cựu chính trị gia đối lập, các lãnh đạo nghiệp đoàn, các sinh viên, các trí thức, và những người đại diện cho một trăm phong trào xã hội khác nhau đã bắt đầu để tổ chức trong các năm 1970 khắp Brazil. Ðảng Lao động, được khởi đầu tại quán ăn São Judas Tadeo ở São Bernardo trong tháng Mười 1979, sẽ đại diện cho tất cả các nhóm khác nhau này.

Suốt các năm 1980, khi nền dân chủ từ từ được tái tạo ở Brazil, Ðảng Lao động đã bắt đầu tiếp quản nhiều và nhiều hơn các chính quyền địa phương.

Mặc dù Lula đã bị Fernando Henrique Cardoso đánh bại trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1994 và 1998, ông đã được bầu làm tổng thống Brazil năm 2002. Ðảng Lao Ðộng đã nắm quyền kể từ đó.

Sự hình thành một liên minh rộng ở Brazil như một kết quả của sự tập hợp cùng nhau của các phong trào xã hội khác nhau.

Sự trỗi dậy của BRAZIL từ các năm 1970 đã không được sắp đặt (thiết kế) bởi các nhà kinh tế học của các định chế quốc tế. Nó đã không đạt được bằng việc bơm viện trợ nước ngoài vào. Ðúng hơn, nó đã là hệ quả của các nhóm người dân khác nhau dũng cảm xây dựng các thể chế dung hợp. Cuối cùng những việc này đã dẫn đến các thể chế kinh tế dung hợp hơn. Nhưng sự biến đổi của Brazil, giống sự biến đổi của nước Anh trong thế kỷ thứ mười bảy, đã bắt đầu bằng việc tạo ra các thể chế chính trị dung hợp. Nhưng làm cách nào xã hội có thể xây dựng các thể chế chính trị như vậy?

Lịch sử, như chúng ta đã thấy, bị bày bừa bộn với các thí dụ của các phong trào cải cách mà đã chịu thua quy luật sắt của chính thể đầu sỏ và đã thay thế một tập của các thể chế chiếm đoạt bằng các tập thậm chí còn độc hại hơn. Chúng ta đã thấy rằng nước Anh trong năm 1688, Pháp trong năm 1789, và Nhật Bản trong Minh Trị Duy Tân năm 1868 đã bắt đầu một quá trình tạo dựng các thể chế chính trị dung hợp với một cuộc cách mạng chính trị. Nhưng nói chung các cuộc cách mạng chính trị như vậy gây ra nhiều sự tàn phá và gian khổ, và thành công của chúng còn xa mới chắc chắn. Cách mạng Bolshevik đã thông báo mục đích của nó như để thay thế hệ thống kinh tế bóc lột của nước Nga Sa hoàng bằng một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn, sẽ mang lại quyền tự do và sự thịnh vượng cho hàng triệu người Nga. Chao ôi, kết quả đã ngược lại, và các thể chế đàn áp và chiếm đoạt hơn đã thay thế các thể chế của chính phủ mà những người Bolshevik đã lật đổ. Những kinh nghiệm ở Trung Quốc, Cuba, và Việt Nam đã tương tự.

Cái chung giữa các cuộc cách mạng chính trị, đã mở đường thành công cho các thể chế dung hợp hơn và những thay đổi thể chế từ từ ở Bắc Mỹ, ở Anh trong thế kỷ thứ mười chín, và ở Botswana sau độc lập –cũng đã dẫn đến sự củng cố đáng kể của các thể chế chính trị dung hợp– là, chúng đã thành công trong trao quyền cho một bộ phận tiêu biểu khá rộng của xã hội. Chủ nghĩa đa nguyên, hòn đá tảng của các thể chế chính trị dung hợp, đòi hỏi quyền lực chính trị phải được nắm giữ một cách rộng rãi trong xã hội,

Như chúng ta đã thấy, Cách mạng Vinh quang đã được tạo thuận lợi bởi sự huy động trước và sự trao quyền của một liên minh rộng, và quan trọng hơn, đến lượt nó lại đã dẫn đến sự trao quyền thêm cho một mảng còn rộng hơn nữa của xã hội so với sự trao quyền trước đó

Cách mạng Pháp, cũng vậy, là một thí dụ về sự trao quyền cho một mảng rộng của xã hội, mà đã đứng lên chống ancien régime (chế độ cũ) ở Pháp và đã tìm được cách để mở đường cho một hệ thống chính trị đa nguyên hơn.

Có nhiều sự tương tự giữa các quá trình lịch sử này về sự trao quyền và cái đã xảy ra ở Brazil bắt đầu trong các năm 1970. Gốc rễ của Ðảng Lao Ðộng là phong trào nghiệp đoàn, ngay từ những ngày đầu của nó, các lãnh tụ như Lula, cùng với nhiều trí thức và các chính trị gia đối lập đã tìm cách biến nó thành một liên minh rộng.

Sự tương phản giữa sự phát triển các thể chế đa nguyên ở Brazil với kinh nghiệm Venezuela là đích đáng trong bối cảnh này. Venezuela cũng đã chuyển sang nền dân chủ sau 1958, nhưng việc này đã xảy ra mà không có sự trao quyền ở mức cơ sở và đã không tạo ra một sự phân bố đa nguyên của quyền lực chính trị. Thay vào đó, nền chính trị thối nát, các mạng lưới đỡ đầu, và xung đột đã kéo dài ở Venezuela, và một phần như một kết quả, khi các cử tri đi bỏ phiếu, họ thậm chí sẵn sàng ủng hộ những kẻ bạo ngược như Hugo Chávez, rất có thể bởi vì họ đã nghĩ chỉ mình ông ta có thể đứng lên đương đầu với các elite đã được thiết lập của Venezuela. Vì thế, Venezuela vẫn tiều tụy dưới các thể chế chiếm đoạt, trong khi Brazil đã phá vỡ vòng kim cô.

Có thể làm gì để kích-khởi động, hay có lẽ chỉ tạo thuận lợi cho, quá trình trao quyền và như thế cho sự phát triển của các thể chế chính trị dung hợp? Câu trả lời chân thật tất nhiên là, không có công thức nào cho sự xây dựng các thể chế như vậy. Tất nhiên có một số nhân tố hiển nhiên mà có thể làm cho quá trình trao quyền có nhiều khả năng hơn để cất cánh khỏi mặt đất. Những cái này bao gồm sự hiện diện của mức độ nào đó của trật tự được tập trung sao cho các phong trào xã hội thách thức các chế độ hiện hành không ngay lập tức sa vào tình trạng vô trật tự; các thể chế chính trị có trước nào đó mà đưa vào chút ít chủ nghĩa đa nguyên, như các thể chế chính trị truyền thống ở Botswana, sao cho các liên minh rộng có thể hình thành và tiếp tục tồn tại; và sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự mà có thể điều phối các đòi hỏi của dân cư sao cho các phong trào đối lập không dễ bị nghiền nát bởi các elite hiện thời cũng chẳng biến một cách không thể tránh khỏi thành một phương tiện cho một nhóm khác để nắm quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt hiện tồn. Nhưng nhiều trong số các nhân tố này được xác định trước về mặt lịch sử và chỉ thay đổi một cách chậm chạp. Trường hợp Brazil minh họa các tổ chức xã hội dân sự và các thể chế đảng liên kết có thể được xây dựng ra sao từ cơ sở lên, nhưng quá trình này là chậm, và nó có thể thành công ra sao dưới các hoàn cảnh khác nhau chưa được hiểu kỹ.

Vai trò của truyền thông đại chúng (media) cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng tất nhiên một media tự do và các công nghệ truyền thông mới có thể giúp đỡ chỉ ở bên lề, bằng cách cung cấp thông tin và sự điều phối các đòi hỏi và những hành động của những người tranh đua vì các thể chế dung hợp hơn. Sự giúp đỡ của chúng sẽ chuyển thành sự thay đổi có ý nghĩa chỉ khi một mảng rộng của xã hội huy động và tổ chức nhằm để ảnh hưởng đến sự thay đổi chính trị, và làm vậy không vì các lý do bè phái hay để nắm quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt, mà để biến đổi các thể chế chiếm đoạt thành các thể chế dung hợp hơn. Liệu một quá trình như vậy sẽ có được khởi hành và mở cửa cho sự trao quyền hơn nữa, và cuối cùng đến cải cách chính trị lâu bền hay không, sẽ phụ thuộc, như chúng ta đã thấy trong nhiều thí dụ khác nhau, vào lịch sử của các thể chế kinh tế và chính trị, vào nhiều sự khác biệt nhỏ mà quan trọng và vào chính con đường rất tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử.

Vài suy nghĩ khi đọc sách “Tại sao các quốc gia thất bại”

Nguyễn Đình Cống

21-12-2018

Sách kết luận rằng: Các Quốc gia thất bại do THỂ CHẾ.

Thể chế do con người tạo ra, mà trong phần lớn trường hợp (nếu không phải là tất cả) chỉ do một người đề xuất đầu tiên, rồi những người khác phụ họa theo. Không những thể chế mà mọi phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, đường lối, chính sách, luật pháp v.v… đều như thế cả.

Nhưng cũng sẽ có người chống lại đề xuất đó, vì nó mang lại lợi ích cho số này, đồng thời sẽ làm hại hoặc gây ảnh hưởng xấu đến số khác. Bên nào sẽ thắng? Vấn đề là tương quan giữa hai lực lượng, bên có sức mạnh tổng hợp lớn hơn sẽ thắng. Bên nào ở đây có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Quốc gia. Sức mạnh tổng hợp là sự kết hợp từ nhiều nguồn: Quyền lực, Uy tín, Tập hợp, Vũ khí, Vật chất, Trí tuệ, Thủ đoạn, Chính nghĩa, Lòng tin, Thời cơ v.v…

Đọc sách TSCQGTB, tôi liên hệ đến tình hình Việt Nam. Trong sách chỉ nhắc đến Việt Nam trong vài chỗ, một cách sơ lược, như là dẫn chứng cho một dạng nào đó của thể chế chiếm đoạt. Nhưng khi liên hệ kỹ mới thấy ở Việt Nam có gần như đầy đủ mọi hiện tượng chiếm đoạt, áp bức, bóc lột, độc ác, đểu giả v. v…đã từng xẩy ra tại các vùng miền trên thế giới dưới các thể chế độc quyền khác nhau. Mà có lẽ vài loại hình lạ lùng chỉ mới xẩy ra ở VN, ví như vụ cấm Kim Ngọc khoán chui, vụ án Trịnh Vĩnh Bình, vụ Formosa v. v…. So với các thể chế chính trị chiếm đoạt trên thế giới thì ở VN có sự nổi bật về mức độ dối trá. Cách đây trên 40 năm tôi đồng tình khi nghe nói đến phát biểu của nhà toán học Phan Đình Diệu đại ý như sau: “Xã hội VN có sự dối trá của lãnh đạo nhà nước từ cấp cao nhất đến mọi cấp”. Ông Diệu là Đại biểu Quốc hội khóa 5 và 6, đang được đề cao, và sau đó ông bị loại ngay. Bây giờ thì sự dối trá đã phơi bày khắp nơi, nhưng cách đây trên 40 năm mà nói được như ông Diệu thì phải có trí tuệ lớn và dũng khí cao. Dối trá là một đặc điểm của thể chế chính trị chiếm đoạt theo đường lối Mác Lê. Lãnh đạo dối trá để lừa dân, để củng cố sự thống trị. Dân phải dối trá để lách qua các khe hẹp, để tồn tại.

Trong lịch sử thế giới, từ khi có chính quyền thì thể chế chính trị chủ yếu là dung hợp. Rồi dần dần thể chế chiếm đoạt phát sinh và mở rộng. Từ thế kỷ 17, với Cách mạng Vinh quang ở nước Anh, thể chế dung hợp được nâng lên tầm cao mới và lan ra các nước khác. Đầu thế kỷ 20, cùng với cách mạng vô sản, thể chế chiếm đoạt của phong trào cộng sản lại phủ bóng đen lên một số nước. Rồi nó sụp đổ ở Đông Âu. Một số nước, khi còn bị thực dân đô hộ, chịu cai trị bởi thể chế chiếm đoạt, sau khi dành độc lập, tưởng rằng sẽ có được thể chế dung hợp, nhưng không ngờ lại rơi vào thể chế chiếm đoạt cao hơn, tàn ác hơn. Dân Việt Nam hình như chưa bao giờ được sống dưới thể chế chính trị dung hợp, đại đa số người dân và một phần của tầng lớp elite (tinh hoa) chưa biết rõ về tự do, dân chủ, nhân quyền.

Thể chế chính trị và thể chế kinh tế tuy có phần độc lập, nhưng cơ bản vẫn liên quan với nhau. Trong đa số trường hợp thể chế chính trị chi phối thể chế kinh tế. Khi chính trị là dung hợp thì nó sẽ khuyến khích, sẽ tạo ra kinh tế dung hợp, nhà nước sẽ làm và thi hành luật pháp bảo vệ kinh tế dung hợp, hạn chế hoặc loại bỏ kinh tế chiếm đoạt. Dưới thể chế chính trị dung hợp việc tồn tại một bộ phận kinh tế chiếm đoạt chỉ là trường hợp cá biệt. Chính trị dung hợp, kinh tế dung hợp mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài.

Thể chế chính trị độc tài thích hợp với kinh tế chiếm đoạt. Nó làm và thi hành luật pháp nhằm bảo vệ kinh tế chiếm đoạt. Lúc này nó tạo ra vòng luẩn quẩn, trong khi đem lại giàu có cho bọn độc tài, cho các nhóm lợi ích thì nó dẫn dân tộc vào ngõ cụt, dìm đất nước trong tăm tối. Sự cấu kết, sự móc ngoặc giữa bọn có quyền về chính trị và bọn nắm được kinh tế mang lại cho chúng lợi lộc vô biên và đẩy nhân dân vào thảm cảnh bần hàn, nô lệ. Nhưng trong một số trường hợp, bọn cầm quyền trong thể chế chiếm đoạt hiểu được rằng, nếu để kéo dài sự bần cùng của dân thì chế độ có nguy cơ bị sụp đổ, do đó buộc chúng phải tìm cách nới lỏng mức độ chiếm đoạt, lo phát triển kinh tế, lo củng cố quốc phòng, vừa để tăng sức mạnh của chế độ, vừa để lừa dối người dân. Việc làm này có tác dụng nhất thời, không thể kéo dài mãi.

Thể chế chính trị có vai trò chủ đạo và quyết định đến sự thành bại của quốc gia. Vậy động lực nào, nguyên nhân nào tạo ra nó? Khi một quốc gia đang mắc kẹt dưới thể chế chiếm đoạt thì làm sao thoát ra được để kiến tạo thể chế dung hợp. Đó mới là câu hỏi thiết thực và cấp bách.

Sự thay đổi thể chế chính trị thường xẩy ra tại một bước ngoặt của lịch sử, đầu tiên do một người (hoặc một nhóm nhỏ người) đề xướng ý tưởng, được nhiều người ủng hộ. Ý tưởng chỉ giành được thắng lợi, được thi hành chỉ khi nó hội được sức mạnh tổng hợp, đủ để thắng được lực lượng chống đối. Trong lịch sử cũng như trong thực tế hiện tại có thể dẫn ra rất nhiều hiện tượng về bước ngoặt, về con người với các ý tưởng ở trung tâm các bước ngoặt đó. Nhưng quan trọng là từ đâu sinh ra bước ngoặt, ở đâu sinh ra con người có ý tưởng, làm sao để có được sức mạnh tổng hợp.

Ở thế kỷ 20, bước ngoặt lớn của Việt Nam vào năm 1945. Sau 80 năm bị nô lệ mọi người hân hoan như được sống lại vì Độc lập, nhiều người sẵn sàng hy sinh vì Độc lập. Chính vì lợi dụng được tâm lý này, cộng sản đã dương cao ngọn cờ độc lập để lôi kéo được đông đảo người dân theo mình, rồi dẫn họ chui vào thể chế chiếm đoạt. Người nào đã ở trung tâm bước ngoặt và đưa ra ý tưởng. Trở về trước, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc vớ được Luận cương của Lê nin, cho rằng đã tìm thấy con đường cứu nước. Năm 1930, thành lập ĐCS với lãnh tụ NAQ được tô vẽ thành nhà cách mạng thiên tài, là lãnh tụ kiệt xuất đã hấp dẫn nhiều người. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Hồ Chí Minh được tôn lên như vị thánh, thành cha già dân tộc, đã lôi kéo nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đi vào con đường cách mạng vô sản, càng ngày càng chui sâu vào thể chế chiếm đoạt. Thể chế đó được củng cố đến mức lãnh đạo nhà nước xem những biểu hiện, những yêu cầu của thể chế dung hợp là thù địch, phải triệt hạ bằng mọi cách, dù có phải dùng thủ đoạn dã man, đểu cáng.

Về phong trào cộng sản, từ 1848 (năm công bố Tuyên ngôn CS) trên thế giới đã có nhiều người chống lại, nó đã bị thất bại ở nhiều nước, nhưng rồi đã thắng lợi ở Nga. Tại đây vào năm 1917 lực lượng tổng hợp của CS đã mạnh hơn bên chống đối. Tại VN, trước và sau 1930, đã có một số người thấy được độc hại mà CS có thế gây ra, đã chống lại. Số người chống lại càng ngày càng tăng, nhưng rồi năm 1975 CS đã thắng trên toàn quốc, nhờ vào sức mạnh tổng hợp lớn hơn.

Từ 1975 đến 1986, thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế đã đẩy đất nước vào tình trạng kiệt quệ, khả năng chịu đựng của dân đã đến giới hạn, nếu không thoát ra được thì sự sụp đổ là khó tránh. Tình thế đã tạo ra một bước ngoặt nhỏ “Đổi mới về kinh tê” với con người ở trung tâm là Trường Chinh, sau là Võ Văn Kiệt. Nói là Đổi mới, thực chất là Sửa sai. Sự sửa sai này chỉ làm cho nền kinh tế giảm bớt mức độ chiếm đoạt chứ chưa thế tạo nên thế chế kinh tế dung hợp, chưa đạt được những sự phá hủy có tính sáng tạo. (là sự phá hủy những thứ đã quá lỗi thời, kìm hãm sự phát triển và sáng tạo ra cái mới, tiến bộ). Đã có nhiều kiến nghị, nhiều đề xuất rằng, để phát triển cần đổi mới thể chế chính trị, làm cho nó trở nên dung hợp. Nhưng rồi ý tưởng đề xuất ấy đang tạm chịu số phận hẩm hiu vì thế lực chống lại nó có lực lượng tổng hợp mạnh hơn. Thế lực đó đang nắm mọi quyền hành, được hưởng lợi, đang lừa bịp nhân dân bằng luận điểm « Nhờ có họ mà đất nước mới có ngày nay, chống lại họ là phản bội cách mạng, là ăn cháo đá bát…. ».

Dân Việt đang mất niềm tin vào lãnh đạo, đang mong chờ bước ngoặt, mong chờ sự xuất hiện con người có thể tạo ra thể chế dung hợp.

Bước ngoặt thường xẩy ra sau một sự kiện nào đó. Sự kiện có thể được chuẩn bị, được điều khiển bới một tổ chức, nhưng cũng nhiều khi là tự phát. Dù được điều khiển hay tự phát thì đó cũng là kết quả do tích lũy mâu thuẩn hoặc ý tưởng trong một thời gian trước đó. Thời gian tích lũy có thể từ vài tháng, vài năm đến hàng chục năm hoặc lâu hơn, tùy theo vấn đề và tương quan lực lượng giữa 2 bên tranh chấp. Vào những năm 1970-1985 khi hợp tác xã nông nghiệp và chính sách cấm chợ ngăn đường dồn người dân đến kiệt quệ, đã có nhiều lời oán trách, phê phán nhưng chủ yếu chỉ thì thào trong từng phạm vi hẹp. Một số người cho rằng những tiếng thì thào lẻ tẻ như vậy chẳng có tác dụng gì. Nhưng rồi nhiều làn gió nhẹ đã tích lũy thành bão để có được nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp và sự đổi mới, mở cửa.

Còn con người ở vị trí trung tâm của bước ngoặt, con người sẽ có tác dụng lớn trong thay đổi thể chế cũng không phải được sinh ra trong một sớm một chiều. Người đó là kết tinh sự tích lũy những tinh thần, ý chí, nguyện vọng của lực lượng những tinh hoa chống lại bọn thống trị hoặc của lực lượng đối lập với chính quyền hiện tại.

Trong bài “Trao đổi về sách Tại sao các quốc gia thất bại” tôi có đề cập đến khía cạnh Tâm linh và quyển sách Bản thiết kế vĩ đại của Stephen Hawking rồi đặt câu nghi ngờ: “Phải chăng các Thể chế, sự thăng trầm các quốc gia cũng đã có trong Bản Thiết kế đó”. Ở đây xin tạm gác vấn đề này lại và chỉ xem xét dưới góc độ xã hội hiện thực. Xem rằng bước ngoặt và cả con người của bước ngoặt là kết quả của một quá trình tích lũy. Ở đây có phảng phất quy luật Lượng- Chât của phép biện chứng.

Về tình hình của VN hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng phải tìm mọi cách để thoát cộng và thoát Trung, đó là điều kiện cần để đổi mới thể chế, để tạo lập thể chế chính trị dung hợp. Gần đây các bài viết của Hà Sĩ Phu và Lê Xuân Khoa bàn rất hay vấn đề này. Nhưng làm sao thoát được cộng và Trung khi lãnh đạo ĐCSVN vẫn kiên trì Mác Lê và 4 tốt cùng 16 chữ vàng, làm sao có thể làm theo ý GS Khoa là: “Trí thức và nhân dân trong nước phải tìm cách cho ra đời một tổ chức chính trị đối lập, với thành phần lãnh đạo có khả năng và uy tín trong xã hội” khi mà lực lượng “còn đảng còn mình” được dàn ra dày đặc khắp nơi và mọi lúc, sẵn sàng triệt hạ mọi tổ chức khi vừa nhen nhóm. Theo Hà Sĩ Phu thì Việt cộng là giặc nội xâm còn Trung cộng là giặc ngoại xâm. “Hai việc chống Nội xâm và chống Ngoại xâm ấy phải làm song song và tăng cường hiệu lực cho nhau. Đồng thời phải giải ảo các thần tượng CS…”.

Vấn đề cơ bản và quan trọng là Bước ngoặt và Con người của nó. Đó là kết quả của sự tích lũy lâu dài. Xin hãy bỏ hẳn Bước ngoặt bằng vũ trang, bằng nội chiến, nó mang lại lợi ít hại nhiều, lợi nhất thời cho thiểu số, hại lâu dài cho toàn dân tộc. Chỉ nên và cần có bước ngoặt trong hòa bình, trong đấu tranh tại Nghị trường, trong phong trào ôn hòa của đông đảo quần chúng nhân dân. Tích lũy cho công việc này cơ bản bằng những hoạt động nâng cao dân trí và dân khí. Lực lượng chủ chốt để làm việc này là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Đối tượng là toàn dân mà chủ yếu là thanh niên, trong đó thanh niên sinh viên và thanh niên trong các lực lượng vũ trang là rất quan trọng.

Khi chưa hình thành được tổ chức chính trị thì rất cần một số người tiên phong, có nhận thức và dám dấn thân, dám hy sinh. Ở đâu sinh ra những người như vậy. Đành tạm công nhận là “Khí thiêng sông núi sinh ra, là Địa linh sinh Nhân kiệt, là Vận nước đã đến…”. Trong số họ sẽ không tránh khỏi những người buộc lòng phải “Làm Đá lót đường”. Đó là những Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyến Ngọc Như Quỳnh và hàng ngàn hàng vạn những người hữu danh, vô danh khác. Nếu Khí thiêng sông núi chưa sinh ra được những người dám hy sinh làm đá lót đường thì hầu như không thể tạo tích lũy để có bước ngoặt và Con người của nó. Nhưng lại hỏi, từ đâu tạo ra Khí thiêng sông núi. Phải chăng là từ tích lũy hàng ngàn năm Truyền thống Dân tộc.

Bước ngoặt nào có thể được tạo ra hoặc chờ đợi. Xin dự báo một số tình huống (TH) sau

TH 1- Dân chủ hóa từ từ.

Bắt đầu từ những đấu tranh của các tổ chức xã hội dân sự, của nhân dân nhằm bầu ra một Quốc hội đúng bản chất, có năng lực. Quốc hội sẽ dần dần làm đối trọng với Trung ương ĐCS, sẽ ban hành các luật dân chủ, làm cơ sở cho phong trào quần chúng. Bước ngoặt là việc công bố Hiến pháp với chính thể đa nguyên, với sự xuất hiện và hoạt động công khai, hợp hiến của đảng chính trị đối lập.

TH 2- Đảng CS tự diễn biến

Từ trong nội bộ lãnh đạo ĐCS xuất hiện một số đảng viên cao cấp thức thời. Họ hiểu ra sự thật và có dũng cảm, thấy cần phải thay đổi từ đảng lãnh đạo cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền, từ đó đổi mới tổ chức và đường lối, loại bỏ chủ nghĩa Mác Lê. Làm được như thế họ vừa cứu đảng vừa cứu nước. Nếu không làm được việc đó thì họ đấu tranh để tách ra, lập một đảng mới, đi theo con đường dân chủ để tập hợp lực lượng tranh đấu.

TH 3-Thời cơ từ Trung cộng

Chế độ cộng sản Trung quốc lâm vào rối loạn, tan rã. Cơ hội cho những người yêu nước VN vùng dậy thoát Trung và đồng thời thoát cộng. Với hoạt động chống Trung và chống cộng tích cực của Trump nhằm hỗ trợ cho các phong trào trong nội bộ TQ thì xác suất xấy ra điều trên không phải là quá bé.

TH 4- Theo kiểu Đông Âu.

Khi ĐCS lâm vào tình trạng suy sụp, bế tắc, gây ra một sự cố nào đó, là châm ngòi cho phong trào nhân dân nổi lên. Lúc đó lực lượng còn đảng còn mình bị phân hóa, đa số quân đội đứng về phía nhân dân, một đảng chính trị sẽ nhanh chóng được thành lập. Sự đổ máu do CS gây ra có thể không tránh khỏi, nhưng chỉ lẻ tẻ ở vài nơi, sự rối loạn tạm thời có thể xẩy ra, nhưng rồi mọi việc sẽ nhanh chóng ổn định.

Dù TH nào thì cũng phải có sự tích lũy dần bằng việc nâng cao dân trí trong các lĩnh vực sau: Về Nhân quyền và Dân quyền, về Dân chủ, Tự do, về các Thể chế chính trị, về độc hại của chủ nghĩa Mác Lê, về bành trướng Tàu cộng và bọn Việt gian ôm chân chúng nó, về thói hư tật xấu trong truyền thống v. v… Hoạt động để nâng cao dân trí hoàn toàn không dễ dàng, không thuận lợi vì rằng ĐCS đang chụp Vòng Kim Cô lên nền giáo dục, lên các tổ chức đoàn thể quần chúng, lên mọi cấp chính quyền. Trong thời gian khá dài ĐCS đã kip nhồi sọ, tẩy não cho một số khá đông, biến họ thành những kẻ ngu trung và cuồng tín. Khá đông trong số này là ông bà, cha mẹ trong các gia tộc, họ gieo rắc ngu trung và cuồng tín cho một số con cháu. Ngoài xã hội thì công an chìm nổi rình rập khắp nơi để bắt bớ, khủng bố những người hoạt động nâng cao dân trí với vu cáo là tuyên truyền chống phá nhà nước và ĐCS, là thế lực thù địch.

Trong phong trào vì dân chủ, nhiều người đồng lòng loại bỏ Mác Lê và độc tài toàn trị của ĐCS, nhưng còn 1 vấn đề gay cấn khó đi tới thống nhất, đó là vai trò Hồ Chí Minh, là giải ảo thần tượng. Theo Hà Sĩ Phu thì: “Phải giải ảo các thần tượng CS còn được dùng như những tấm khiên bảo vệ ngai vàng cho các vua tập thể và che đậy cho âm mưu Hán hóa thôn tính Việt Nam. Vô hiệu hóa thần tượng không phải mục đích, cũng không phải xúc phạm điều thiêng liêng gì mà chỉ là vô hiệu hóa một công cụ mà những kẻ Nội xâm và Ngoại xâm cùng sử dụng để ngăn chặn làn sóng Thoát Trung và Thoát Cộng đó thôi”.

Dân ta, do truyền thống lâu đời, có thói quen thờ cúng các bậc Thần, Thánh, Thành hoàng, xem là biểu tượng cao cả, là vô cùng thiêng liêng. Từ 1930 và đặc biệt từ 1945 ĐCS đã lợi dụng thói quen đó để dựng lên, để tuyên truyền về lãnh tụ kiệt xuất, về cha già dân tộc, về công ơn trời biển, về đạo đức tuyệt trần, về sự hy sinh cao cả của Hồ Chí Minh. Người ta tuyên truyền, giáo dục từ đứa trẻ mới học nói cho đến khi già, sắp chết, phải nhớ kỹ công ơn của lãnh tụ. Nhiều người bị giết oan trong cải cách ruộng đất, trước lúc chết vẫn cố hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Trong tình trạng như vậy mà giải ảo được về lãnh tụ là quá khó.

Thời đại hiện nay chúng ta cần giải ảo Mác, Lê, Mao. Hãy để cho lịch sử sau này phán xét vai trò của Hồ Chí Minh. Trước mắt nên tạm gác lại. Không ca ngợi và cũng không kết tội, dẹp bỏ chuyện học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, không khôi phục đảng của ông, không phê phán ông, không đụng đến đời tư của ông, cho rằng mọi thứ dính đến ông đã thuộc quá khứ. Không cần giải ảo thần tượng trong lúc này vì việc đó tuy có mang lại một vài nhận thức, nhưng có thể vì thế mà chia rẽ lực lượng.

Nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí là việc làm chí nhân và đại nghĩa. Trong thể chế dung hợp việc này được làm công khai, được khuyến khích. Ngay như dưới thể chế chiếm đoạt thời thuộc địa Pháp các bậc tiền bối của chúng ta vẫn mở được Đông Kinh Nghĩa Thục. Thế nhưng bây giờ, làm ngu dân là chủ trương và độc quyền của độc tài toàn trị, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí bị quy kết, bị vu cáo là chống lại chế độ. Vì thế để làm được việc này, ngoài lòng yêu nước, ngoài trí tuệ còn cần lòng dũng cảm, thắng được sự sợ hãi. Ngoài việc làm ngu dân, CS còn quá thâm độc trong việc gieo rắc sợ hãi trong đảng viên và nhân dân. Rất nhiều đảng viên không sợ khó khăn nguy hiểm, không sợ ma quỷ rắn cọp mà sợ đến run bắn lên, đến toát mồ hôi khi bị nhận xét là có tư tưởng chống đảng. Chưa cần hành động, chỉ mới có tư tưởng khác với đường lối của đảng là đã bị đẩy vào hàng ngũ kẻ thù giai cấp.

Nghe nói rằng, trên bàn TT Nguyễn Xuân Phúc có quyển sách Tại sao các quốc gia thất bại. Có thể ông Phúc chưa đọc hết quyển đó, nhưng đã được trợ lý tóm tắt, giới thiệu và ông đã vận dụng, đề ra việc: Xây dựng chính phủ kiến tạo, phong trào khởi nghiệp và đi đến địa phương nào cũng kêu gọi làm đầu tàu trong lĩnh vực nọ kia. Xem cách nói của ông Phúc mới thấy còn xa ông mới hiểu đúng nội dung cuốn sách. Không biết các vị lãnh đạo cao cấp của ĐCS đã có ai đọc và ngẫm nghĩ về cốn sách.

Vào Google, gõ mục “Tại sao các quốc gia thất bại”, trong vòng chưa đến 1 giây thấy có trên 36 triệu kết quả. Tôi đã bỏ vài giờ để tìm xem các nhà lãnh đạo, các ủy viên Hội đồng lý luận trung ương của ĐCS VN có bài nào hay, nhưng chưa tìm thấy. Có nhiều khả năng là các vị chưa thấy quyển sách hoặc thấy nhưng chỉ xem qua.

Đã từng có nhiều bài đánh giá, ca ngợi quyển sách, tôi chỉ xin góp một tiếng nói thêm, mong có thể gợi ra được vài suy nghĩ trong việc đưa đất nước thoát khỏi thể chế chiếm đoạt.

„Tại sao các quốc gia thất bại“ dưới đánh giá của Bill Gates

 04 Tháng Tám, 2013
Chúng Ta

 Một tập sách vừa mới ra mắt độc giả Việt Nam trong mùa hè này, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành có tên „Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và đói nghèo“.

Theo Bill Gates, khi viết bài phê bình về cuốn sách nào đó, ông thường khen hơn là chê. Riêng với „Tại sao các quốc giá thất bại“ lại là trường hợp ngoại lệ. Dưới đây là bài viết của Bill Gates về cuốn sách này:

Tại sao một số nước giàu còn nhiều nước khác lại nghèo, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém? Đây là chủ đề khiến tôi khá quan tâm nên tôi đã tìm đọc ngay cuốn sách viết rất sát về chủ đề này.

 Bìa sách „Tại sao các quốc gia thất bại“ của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson. Ấn bản tại Việt Nam do Nguyễn Thị Kim Chi dịch. Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

„Tại sao các quốc gia thất bại“ dễ đọc, đưa ra nhiều câu chuyện lịch sử thú vị lấy bối cảnh ở các quốc gia khác nhau. Cuốn sách đưa ra một tranh luận khá đơn giản: Những nước CÓ các thể chế kinh tế và chính trị là những nước thành công và tồn tại dai dẳng hơn cả.

Mặc dù vậy, chốt lại thì cuốn sách cũng đem đến nỗi thất vọng lớn. Tôi phát hiện ra rằng lập luận của hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson mơ hồ và đơn giản thái quá. Vượt ra ngoài câu chuyện „CÓ bao gồm hay KHÔNG bao gồm“ các thể chế kinh tế và chính trị, họ bỏ lỡ rất nhiều các yếu tố khác – yếu tố lịch sử và tính logic. Họ không định nghĩa những thuật ngữ quan trọng và cũng không thấy họ giải thích rằng bằng cách nào mà một quốc gia có thể chuyển lên trạng thái „có bao gồm“ nhiều thể chế.

Lấy ví dụ về điều này, cuốn sách nói về sự tăng trưởng kinh tế trong suốt thời kì La Mã. Vấn đề ở đây là trước năm 800 Sau Công Nguyên, nền kinh tế ở mọi nơi chủ yếu dựa vào việc làm nông nghiệp. Vì vậy thực tế rằng các chính quyền La Mã ít nhiều có liên quan tới thể chế thì không hề ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế.

Các tác giả cũng chứng minh luận điểm về một thế giới đơn giản thái quá tới mức kỳ quặc khi họ quy cho thời kì suy tàn của Venice là hệ quả của việc các thể chế biến mất dần. Thực tế là, Venice suy tàn chính bởi các cuộc đấu đá cạnh tranh kéo dài trong lịch sử. Thậm chí nếu Venice xoay sở để giữ các thể chế của họ tồn tại thì điều đó cũng không đóng vai trò gì những thương vụ buôn bán gia vị thất bại. Khi một cuốn sách cố gắng sử dụng học thuyết nào đó để lý giải điều gì, độc giả sẽ nhìn ra ngay những ví dụ thiếu logic như thế này.

Tựa tiếng Anh: The Origin of Power, Prosperity, and Poverty: Why Nations Fails. Nhà xuất bản Randon House. Dày 546 trang. Xuất bản ngày 20/3/2012.

Một ví dụ khác khá bất ngờ ở đây là quan điểm của tác giả về kì suy tàn của nền văn minh Maya. Họ nêu ra rằng nội chiến, biểu hiện của việc thiếu vắng các thể chế, giải thích cho sự lụi tàn của nền văn minh này. Chính luận điểm này lại bỏ qua lý do căn bản ở đây: thời tiết và sự hiện diện của nguồn nước mới là nguyên nhân làm giảm năng suất ngành nông nghiệp.

Các tác giả cũng tin rằng các thể chế chính trị phải hiện hữu đầu tiên trước khi đạt được các loại tăng trưởng. Tuy vậy, hầu hết các dẫn chứng về sự phát triển kinh tế trong 50 năm qua: bao gồm sự tăng trưởng thần kỳ của châu Á tại Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, xảy ra khi những đất nước này có khuynh hướng tách rời các thể chế chính trị.

Khi đối mặt với quá nhiều dẫn chứng không liên quan lắm tới luận điểm, hai tác giả này lại gợi ý rằng tăng trưởng không bền vững khi không tồn tại các thể chế. Tuy vậy, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, bản thân của sự tăng trưởng cũng là không bền vững. Tôi thậm chí không nghĩ rằng họ có thể đưa ra lập luận liên quan tới Đại khủng hoảng, tình trạng bất ổn ở Nhật hay khủng hoảng tài chính toàn cầu trong vài năm qua là do thiếu vắng các loại thể chế.

Các tác giả của cuốn sách còn giễu cợt „học thuyết hiện đại hóa“, loại học thuyết nêu ra luận điểm rằng đôi khi một nhà lãnh đạo tài ba có thể đưa ra những quyết định đúng đắn để giúp một đất nước tăng trưởng, và sau đó sẽ có cơ hội tốt mở ra cho chính đất nước đó, giúp họ tăng tính hiện diện của các thể chế chính trị. Hàn Quốc và Đài Loan là hai minh chứng cho điều này.

Cuốn sách cũng có một số „hạt sạn“ khi đề cập tới trường hợp của nước Trung Hoa hiện đại bởi thời kì chuyển giao từ Mao Trạch Đặng Tiểu Bình không hề liên quan tới việc thay đổi thể chế chính trị tại đây.

Tuy vậy, Trung Quốc, ở nhiều góc độ, đang là hiện tượng thần kỳ về tăng trưởng kinh tế bền vững. Tôi cho rằng ai cũng sẽ đồng ý với quan điểm Trung Quốc cần thay đổi nền chính trị để đảm bảo cho sự hiện hữu của các loại thể chế. Nhưng đất nước này đang có hàng triệu người Trung Hoa đang nâng tầm lối sống của họ trong nhiều năm qua. Những người này có thể bất đồng với ý kiến rằng chuyện tăng trưởng của họ không liên quan gì tới mấy thứ thể chế. Tôi thì lạc quan hơn các tác giả rất nhiều, rằng sẽ vẫn có các thay đổi không ổn định đang từ từ diễn ra, chúng có thể tiếp tục đưa Trung Quốc đi đúng hướng.

Việc chuyển giao kinh tế thần kỳ tại Trung Quốc trong hơn 3 thập kỷ qua xảy ra là do đội ngũ lãnh đạo nước này hỗ trợ tích cực nền kinh tế tư bản, bao gồm tư sản, thị trường, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Điều này hướng tới học thuyết hiển nhiên về tăng trưởng, liên quan nhiều tới việc dung hòa với nền kinh tế tư bản – và hoàn toàn độc lập với hệ thống chính trị. Khi một quốc gia tập trung vào việc xây dựng các loại cơ sở hạ tầng nhiều hơn và nâng cao giáo dục, họ sẽ sử dụng phương pháp định giá thị trường để quyết định phân bổ các nguồn tài nguyên và từ đó, nền kinh tế chuyển qua chiều hướng tăng trưởng. Phép thử này rành mạch hơn cách mà các tác giả của cuốn sách đưa ra, và theo cá nhân tôi thì nó hợp với những gì đang và đã diễn ra trên thực tế hơn hẳn.

Hai tác giả kết thúc câu chuyện của họ trong cuốn sách bằng việc „đả phá“ về các nguồn hỗ trợ nước ngoài. Họ cho rằng „hầu hết, khoảng ít hơn 10% số nguồn hỗ trợ này nhắm tới đúng các đối tượng mục tiêu“. Họ lấy Afghanistan làm minh họa. Đất nước này là một vùng chiến sự và tiền bị rót đi nhanh chóng tới những mục đích liên quan tới chiến tranh. Tuy vẫn có chút gì đó hoài nghi về hiệu quả ít ỏi của nguồn hỗ trợ nước ngoài tại đất nước này, nhưng đây khó thể là ví dụ thỏa đáng.

Cuốn sách có đề cập tới tôi trong những đoạn so sánh về cách tôi kiếm tiền và cách Carlos Slim phát tài ở Mexico. Mặc dù rất đánh giá cao những ý kiến tuyệt vời đó, nhưng tôi thấy cuốn sách có gì đó khá „không công bằng“ với Slim. Dĩ nhiên là „cuộc chiến“ luật pháp ở Mexico cần diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, nhưng tôi cam đoan rằng Mexico sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu công chuyện kinh doanh của Carlos Slim diễn ra tốt đẹp.