Seite auswählen

Mục lục

Phúc trình về Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 của Hoa Kỳ: Việt Nam vẫn vi phạm, giới hạn quyền này

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 26/6 (giờ miền Đông nước Mỹ) chính thức công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có phần về Việt Nam.Đối với Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại dù Hiến pháp nước này quy định rõ mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo, luật lại cho phép chính phủ kiểm soát đáng kể việc hành đạo cũng như có những điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo theo lý do an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc. Giới chức địa phương được phép ra những quyết định võ đoán về yêu cầu đăng ký và công nhận đối với những nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ phượng mới.Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo của Việt Nam duy trì quy định về tiến trình đăng ký và công nhận qua nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo mà mỗi giai đoạn trong tiến trình này đều phải có quyết định riêng.Phúc trình ghi nhận có hai tổ chức tôn giáo mới được cơ quan chức năng Việt Nam công nhận sau hơn bốn năm không có công nhận mới nào.Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và các tín hữu về những trường hợp giới chức Nhà nước xâm phạm thể lý tín đồ các nhóm tôn giáo thiểu số; đặc biệt người sắc tộc tại Tây nguyên và Tây Bắc, dù không rõ những trường hợp được báo cáo như thế chỉ liên quan duy nhất đến niềm tin tôn giáo. Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/secretary-blinken-released-2023-international-religious-report-06272024092618.html

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam

Hôm 26/6, chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng ba đồng viện khác báo động với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Washington hãy ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội.Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng với các Thượng nghị sĩ Chris Coons, Chris Van Hollen và Jeff Merkley gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, kêu gọi bộ ngoại giao giải quyết đầy đủ các mối lo ngại về nhân quyền ngày càng gia tăng và nên lồng ghép các ưu tiên nhân quyền vào mối quan hệ song phương Mỹ-Việt.“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính quyền trong việc tăng cường quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam, bao gồm cả việc ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam mang tính lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng trong khi hợp tác song phương của chúng ta ngày càng sâu sắc, môi trường nhân quyền lại ngày càng xấu đi ở Việt Nam”, bức thư viết.Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại lưu ý với “sự quan ngại” về những quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam nhằm gia tăng các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và quyền lao động.

https://www.voatiengviet.com/a/bon-thuong-nghi-si-my-keu-goi-uu-tien-nhan-quyen-trong-quan-he-voi-viet-nam/7675333.html

Bắt giữ Nguyễn Văn Yên, cựu phó trưởng Ban Nội Chính Trung Ương

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 25 Tháng Sáu, Bộ Công An Việt Nam đã khởi tố, bắt giữ và khám xét chỗ ở ông Nguyễn Văn Yên, cựu phó trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, người “nổi tiếng” với vụ đeo đồng hồ Patek Philippe World Time Mecca, về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” tại Hà Nội và các tỉnh, thành khác.Mười ngày trước, báo đài trong nước hôm 15 Tháng Sáu, loan tin Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương kết luận ông Nguyễn Văn Yên “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…” Sau đó, ông Yên bị Ban Bí Thư cách tất cả chức vụ trong đảng do “vi phạm quy định của đảng, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, kê khai tài sản, thu nhập, hôn nhân và gia đình.” Chưa hết, theo báo Tuổi Trẻ, ông Yên còn “vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng.”Ông Yên, 58 tuổi, trú tại Hà Nội, có thời gian dài công tác ngành công an.Hồi cuối năm 2006, ông Yên làm thư ký của phó chánh Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng, nhưng chỉ bốn năm sau ông đã được bổ nhiệm làm vụ phó công tác Phía Nam, Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bat-giu-nguyen-van-yen-vi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc/

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Ai thay ông Đinh Tiến Dũng?

Bộ Chính trị phân công bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, điều hành Thành ủy Hà Nội cho đến khi chính thức có bí thư theo quy định.Quyết định này được thông báo vào sáng 25/6 tại Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 17. Việc bà Tuyến được phân công điều hành Thành ủy Hà Nội chứ không làm quyền bí thư (dù Bộ Chính trị có thẩm quyền chỉ định vị trí này) cho thấy Bộ Chính trị sẽ chọn một người hoàn toàn khác thay cho ông Đinh Tiến Dũng – người vừa thôi các chức vụ.Vậy ai sẽ là ứng cử viên sáng giá?Xét về tiêu chuẩn, để trở thành bí thư Thành ủy trực thuộc trung ương, Tỉnh ủy thì Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định cá nhân phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,Bên cạnh những tiêu chuẩn về phẩm chất về đạo đức, trí tuệ và năng lực, để ngồi vào vị trí bí thư Thành ủy Hà Nội thì cần kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh hoặc tương đương.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw000yw8jn6o

Hãy cảnh giác với tân Chủ tịch chuyên quyền của Việt Nam

Bước thăng tiến quyền lực của Tô Lâm là chỉ dấu cho chính sách đàn áp càng ngày càng nặng nề và thù nghịch công nhiên với các quyền dân sự và chính trị cơ bản của chính quyền Việt Nam. Một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ hiếm có ở Việt Nam trong mấy tháng vừa qua đã dẫn tới kết quả là một số lãnh đạo cao cấp bị mất chức vì tham nhũng và tân chủ tịch nước được bầu ra, là cựu đại tướng công an Tô Lâm. Nhưng chính phủ các quốc gia dân chủ đang coi Việt nam là một thị trường hấp dẫn và là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc cần cảnh giác. Không hề là một tín hiệu khả quan, bước thăng tiến quyền lực của ông Lâm là chỉ dấu cho một chính sách đàn áp sẽ ngày càng nặng nề, tuyệt đối không chấp nhận tiếng nói phản biện và thù nghịch công khai với các quyền dân sự và chính trị cơ bản của chính quyền Việt Nam.Trong vai trò người đứng đầu Bộ Công an chuyên quyền kể từ tháng Tư năm 2016, ông Lâm đã sưu tập đủ tai tiếng. Hồi tháng Mười một năm 2021 – khi cả nước Việt Nam đang vật vã với đợt cấm túc trong dịch COVID-19 – thì xuất hiện một đoạn video ghi cảnh đầu bếp nổi tiếng “Thánh Rắc Muối” bón miếng bít tết dát vàng trị giá 2000 đô la cho ông Lâm ở Luân Đôn. Đoạn video được lan tỏa rất nhanh. Tệ hại hơn, ông Lâm tận hưởng bữa tiệc phát thải carbon này trong khi đang dẫn đầu đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow.Không lâu sau đó, nhà hoạt động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm, người đã nhại không khí bữa tiệc trên mạng xã hội, bị kết án năm năm rưỡi tù giam.

https://baotiengdan.com/2024/06/27/hay-canh-giac-voi-tan-chu-tich-chuyen-quyen-cua-viet-nam/

Vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy: Số bị can lên gần 1,000

Công An ở Sài Gòn vừa công bố số bị can bị khởi tố liên quan vụ bốn nữ tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy từ Pháp về Việt Nam hiện đã lên gần 1,000 người, tăng gấp đôi so với hồi Tháng Giêng vừa qua.Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Thăng Long, phó trưởng Phòng Tham Mưu Công An ở Sài Gòn, cho biết như trên tại hội nghị sơ kết “Tháng hành động phòng, chống ma túy” hôm 26 Tháng Sáu.Cụ thể, 961 bị can bị khởi tố trong 318 vụ án, với các tội “sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm, tàng trữ tiền giả, đánh bạc và cướp giật tài sản.”Ngoài ra, công an cũng xử lý hành chính hơn 80 người về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.”Liên quan đến tang vật vụ án, giới hữu trách thu giữ 319 kg ma túy tổng hợp các loại, 12 khẩu súng, 67 viên đạn các loại, ba quả lựu đạn và nhiều tang vật có liên quan. Trong vụ án này, số tiền giao dịch ma túy lên đến gần 28,000 tỷ đồng (gần $1.1 tỷ).Tuy báo đài liên tục cập nhật về vụ án, song điều khiến công luận thắc mắc là đến nay các chi tiết về nhân thân các bị can vẫn “mù mờ” trong phát ngôn của đại diện Công An Thành Phố.Trước đó, báo Thanh Niên cho biết sáng 16 Tháng Ba, 2023, hải quan cửa khẩu phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện “dấu hiệu bất thường” trong hành lý của bốn nữ tiếp viên của Vietnam Airlines gồm Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Phương Vân, Trần Thị Thu Ngân và Võ Tú Quỳnh, đi chuyến bay VN10 từ Pháp về Sài Gòn.Khi kiểm tra, lực lượng hữu trách tìm thấy tổng cộng hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg cocain, ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất) trong vali của các nữ tiếp viên trên

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/vu-4-tiep-vien-hang-khong-xach-ma-tuy-so-bi-can-len-gan-1000/

Vietnam Airlines đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như thế nào?

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có thể vỡ nợ vào tháng 7/2024 nếu thời hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng không được gia hạn, theo Chính phủ Việt Nam.Thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết VNA đã nhận được khoản vay 4.000 tỷ đồng lãi suất thấp từ một số ngân hàng thương mại. Khoản vay này sau đó được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0% vào năm 2021.Khoản vay tái cấp vốn này là theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.Theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7 tới tháng 12/2024 VNA phải trả khoản vay này.VNA vẫn đang gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết VNA vẫn chưa hoàn thành việc tái cấu trúc tài chính, bao gồm tái cơ cấu các khoản đầu tư không cốt lõi và bán cổ phiếu mới, do yêu cầu phê duyệt từ các cơ quan quản lý .Do đó, VNA có khả năng đối mặt với nhiều rủi ro khổng lồ, vướng vào các vụ kiện tụng và bị tổn thất uy tín nếu thời hạn trả nợ không được gia hạn.Từ đó, chính phủ đề xuất các đại biểu Quốc hội cho phép gia hạn thời hạn trả nợ khoản vay tới ngày 31/12/2027, tạo điều kiện cho VNA hoàn thành việc tái cấu trúc.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqqql740zrwo

Việt Nam và Nga “rửa tiền” mua vũ khí qua thỏa thuận dầu khí với VietSovPetro ?

Trong hai ngày, tổng thống Nga Vladimir Putin công du việt dã hai nước châu Á bằng hữu Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Trong số ra ngày 21/06/2024, cả ba nhật báo Les Echos, Le Figaro, Le Monde đều nhấn mạnh đến điểm : Qua chuyến công du, ông Putin muốn chứng tỏ « không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế ». Tại Hà Nội, tổng thống Nga gặp tất cả các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi thương mại với « đối tác chiến lược toàn diện » – đang xây dựng một « nền ngoại giao cây tre » từ nhiều năm nay, có nghĩa là, « đủ mềm dẻo để ký những thỏa thuận với cả Matxcơva, Bắc Kinh hay Washington ». Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, « Putin trắc nghiệm « ngoại giao cây tre » của chính quyền Việt Nam ». Còn Le Figaro cho rằng « Ở Việt Nam, Putin thách thức vòng vây của phương Tây ».Trong diễn đàn đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam, tổng thống Nga ca ngợi những nỗ lực của Hà Nội « để bảo vệ một trật tự thế giới công minh dựa trên những nguyên tắc về công bằng cho tất cả các nước và cho khối phi liên kết trong công việc nội bộ của họ ». Ông Putin cũng cảm ơn Việt Nam đã thể hiện trung lập về chiến tranh Ukraina. Les Echos nhắc lại là Hà Nội chưa bao giờ cắt đứt mối quan hệ với đối tác truyền thống đã giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời gian chống Khmer Đỏ ở Cam Bốt.Tuy nhiên, khối lượng vũ khí Nga giao cho Việt Nam đã giảm hẳn từ khi Matxcơva gây chiến ở Ukraina và bị phương Tây cấm vận.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240621-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-nga-r%E1%BB%ADa-ti%E1%BB%81n-mua-v%C5%A9-kh%C3%AD-qua-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-d%E1%BA%A7u-kh%C3%AD-v%E1%BB%9Bi-vietsovpetro

Pháp quyền ư, còn lâu!

Ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước, có phải là người kiến tạo nhà nước pháp quyền ở Việt Nam? Sau khi ông Tô Lâm giành được ghế chủ tịch nước và cài được đàn em vào ghế lãnh đạo Bộ Công An thay mình, cuộc thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của Việt Nam vẫn chưa dừng lại.Trong diễn biến mới nhất, hôm 21 Tháng Sáu, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 13; trước đó, ông cũng đã thôi chức bí thư Thành Ủy Hà Nội.Ông Dũng được coi là “cái bóng” của ông Vương Đình Huệ, cựu chủ tịch Quốc Hội vừa được hạ cánh an toàn; là người tiếp bước ông Huệ ở chức vụ bộ trưởng Bộ Tài Chính rồi sau đó thay ông Huệ ở chức bí thư Thành Ủy Hà Nội. Việc triệt hạ ông Dũng vì những sai phạm của ông này trong thời gian lãnh đạo ngành tài chính được giới quan sát cho là đòn nhổ cỏ tận gốc của phe nhóm ông Tô Lâm đối với tàn dư của phe ông Huệ.Cũng trong cuộc đấu đá quyết liệt, Bộ Chính Trị đã quyết định cách tất cả chức vụ trong đảng của ông Nguyễn Văn Yên, phó trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, người lãnh đạo cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của đảng. Ông Yên bị kỷ luật vì bản thân ông ta có nhiều vi phạm, nhưng vụ ngã ngựa của Yên còn được coi là đòn dằn mặt mà nhóm ông Tô Lâm muốn gửi tới sếp của ông Yên là ông Phan Đình Trạc, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương. Thông điệp của nhóm ông Tô Lâm có thể là ông Trạc hãy cẩn thận với lưỡi gươm “trách nhiệm người đứng đầu” đang treo lơ lửng trên đầu ông ta sau khi ông Yên bị thất sủng.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/phap-quyen-u-con-lau/

Trung Quốc nói gì về quan hệ Việt-Mỹ sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Putin

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã không chịu cúi đầu trước áp lực của phương Tây và rằng mối quan hệ Mỹ-Việt „vẫn gặp những trở ngại“ sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được Hà Nội trải thảm đỏ đón tiếp đón dù bị Mỹ và phương Tây cô lập.Ông Putin kết thúc chuyến thăm Việt Nam hôm 20/6, trong đó ông và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm cam kết “không tham gia liên minh với bên thứ ba để làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lạnh thổ của nhau.”Việt Nam không bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết do Mỹ dẫn đầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.“Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần trước nhưng đầu tuần trước đã cử một Thứ trưởng Ngoại giao tham dự cuộc họp BRICS tại Nga,” tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong một bài xã luận đưa nga hôm 21/6, với tựa đề “Washington không thể ngăn cản sự tiến bộ không ngừng của hợp tác Nga-Việt.”Điều này, theo tờ báo tiếng Anh chuyên bình luận về các vấn đề quốc tế từ góc độ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, “phản ánh rằng Việt Nam không chịu cúi đầu trước áp lực của phương Tây.”

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-gi-ve-quan-he-viet-my-sau-chuyen-tham-ha-noi-cua-putin/7668097.html

Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới tinh hoa Việt Nam

Mặc dù mang lại nhiều tổn thất cho ĐCSVN nhưng Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn không làm thuyên giảm nạn tham ô, hối lộ.Vào đầu tháng này, nhà cầm quyền Việt Nam đã ép buộc nhà sư theo trường phái tu khổ hạnh Thích Minh Tuệ – người đã trở thành một hiện tượng trên mạng internet – từ bỏ hành trình khất thực dọc chiều dài đất nước đã kéo dài bảy năm của mình.Nhà cầm quyền nhấn mạnh rằng nhà sư khất thực chân trần này – người đã thu hút hàng ngàn người dõi theo – là một mối đe dọa đối với an toàn giao thông. Nhưng cái tội thực sự của ông ấy là lối sống khiêm nhường, giản dị, trái ngược hoàn toàn với những vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển Việt Nam gần đây.Trong số các vụ tai tiếng này có vụ tham ô 24 tỷ USD tại Ngân hàng Thương mại Sài gòn (SCB). Chủ nhân của ngân hàng này đã bị kết án tử hình.Sáu ủy viên Bộ Chính trị – một phần ba trong số ủy viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 diễn ra vào tháng 1/2021 – đã buộc phải từ chức trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 5 năm nay. Trong số này có 2 chủ tịch nước, một phó thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu Ban bí thư, phụ trách điều hành công việc hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).Việc ông Đinh Tiến Dũng vừa được cho thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội cho thấy vị cựu Bộ trưởng Tài chính này có khả năng sẽ trở thành ủy viên thứ 7 phải rời khỏi Bộ Chính trị.

 https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mendicant-monk-thich-minh-tue-offers-an-embarrassing-contrast-to-vietnam-elites-06212024082152.html

Bộ ngoại giao Mỹ: Việt Nam vẫn tiếp tục xâm hại, sách nhiễu tự do tôn giáo

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 công bố báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023, lưu ý rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước.Các quan chức chính quyền ở các vùng khác nhau của đất nước bị xem là vẫn tiếp tục theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ, đe dọa và phân biệt đối xử tùy tiện đối với các cá nhân, một phần là do các các hoạt động của họ có liên quan đến đức tin hoặc tôn giáo của mình, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.“Các nguồn tin cho biết các nhân viên an ninh tỉnh Đắk Lắk xâm phạm thân thể hai người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành trong khi chính quyền thẩm vấn về tôn giáo của họ và mối liên hệ của họ với các tổ chức phi chính phủ mà chính quyền cho là có liên quan đến các vụ tấn công ở tỉnh này”, bản báo cáo tóm tắt viết.Ở Tây Bắc và Tây Nguyên, những vị lãnh đạo đại diện cho cả các nhóm tôn giáo đã đăng ký lẫn chưa đăng ký cho hay chính quyền thường xuyên sử dụng các phương pháp phi bạo lực hoặc ít hung hãn hơn trong cách đối xử với các nhóm tôn giáo so với những năm trước, chẳng hạn như triệu tập đại diện họp định kỳ, hoặc đe dọa hoặc xử phạt hành chính để gây áp lực buộc họ phải tuân thủ các yêu cầu của chính quyền, bao gồm cả việc đăng ký và chấm dứt các cuộc tụ tập bị coi là bất hợp pháp, vẫn theo báo cáo.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-viet-nam-van-tiep-tuc-xam-hai-sach-nhieu-tu-do-ton-giao/7675271.html

Việt Nam có kế hoạch xây dựng 3 tuyến đường sắt nối với Trung Quốc

Theo báo chí trong nước, hôm qua, 27/06/2024, tại Bắc Kinh, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thông báo Hà Nội có kế hoạch xây dựng ba tuyến đường sắt nối Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Thủ tướng Việt Nam đưa ra thông báo như trên trong ngày cuối của chuyến công tác tại Trung Quốc để dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024.Phát biểu tại hội nghị hợp tác phát triển hạ tầng giao thông chiến lược Việt Nam – Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính cho biết ba dự án tuyến đường sắt đang được xem xét là tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.Khi gặp phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, thủ tướng Việt Nam đã đề nghị hai bên hợp tác thực hiện ba dự án nói trên. Trong lĩnh vực đường sắt, ông Phạm Minh Chính muốn Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nhân lực. Theo lãnh đạo của hai nước, 3 tuyến đường sắt đó sẽ giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua ngõ Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua ngõ Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240628-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-3-tuy%E1%BA%BFn-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-s%E1%BA%AFt-n%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông: Việt Nam cần ‚rõ ràng, sòng phẳng‘ như Philippines?

Trung Quốc tiếp tục có những động thái leo thang thông qua các quy định và hành động thực địa mới nhất trên Biển Đông. Để đối phó, Philippines có phương pháp tiếp cận minh bạch. Việt Nam có nên áp dụng phương cách tương tự?Mới nhất là quy định cho phép cảnh sát biển (hải cảnh) Trung Quốc bắt và giam giữ người nước ngoài „xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm“ với thời gian lên tới 60 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/6.Quy định này là một phần trong chiến lược dùng luật pháp Trung Quốc để áp đặt cho cả vùng Biển Đông.Liệu quy định mới nhất có thể tiếp tục tạo rủi ro cho ngư dân Việt Nam hay không? Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng rủi ro là „tương đối thấp“ cho Việt Nam.Vào ngày 25/6, ông nhận định với BBC News Tiếng Việt:“Xét về sự mù mờ của cụm từ ‚lãnh hải hoặc vùng biển thuộc tài phán quốc gia‘ thì cảnh sát biển Trung Quốc được quyền bắt giữ người nước ngoài, bao gồm ngư dân, ở các vùng biển nằm bên trong bản đồ đường 10 đoạn.““Cho đến nay, bên cạnh những gì chúng ta chứng kiến hồi tuần rồi giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến Bãi Cỏ Mây, chúng ta chưa thấy Trung Quốc có bất kỳ hành động nào liên quan đến việc áp những quy định mới này nhằm vào quốc gia Đông Nam Á khác.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy994v5pn0qo

Việt Nam và Campuchia còn là ‚láng giềng đặc biệt‘ sau 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 57 năm tình hình địa chính trị giữa hai quốc gia láng giềng đã có nhiều thay đổi.Ngày 20/6, cựu Thủ tướng Hun Sen đăng trên trang Facebook lá thư cảm ơn của ông Tô Lâm vì đã chúc mừng ông nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam.Lá thư ngày 5/6 có nội dung ông Tô Lâm khẳng định về việc tiếp tục „làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài“ giữa Việt Nam và Campuchia, vì sự phát triển của mỗi nước cũng như vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.“Dù lá thư được ông Tô Lâm gửi từ ngày 5/6, nhưng ông Hun Sen đã chọn đăng vào thời điểm bốn ngày trước dịp kỷ niệm 57 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.Cho đến nay, ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet luôn nhấn mạnh đến việc „coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước“.Về phần mình, lãnh đạo Việt Nam luôn lặp lại xuyên suốt tuyên bố „Campuchia là nước láng giềng có vị trí địa – chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Mối quan hệ với Campuchia là ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam“.Cho đến nay, Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia là „quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt“.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz777rl8lleo

Đảng Dân chủ lâm vào thế kẹt sau màn thể hiện của Tổng thống Biden

Ban tranh cử của ông Joe Biden đã chuẩn bị sẵn sàng để tung ra màn tấn công dồn dập sau cuộc tranh luận với ông Donald Trump.Thế nhưng, họ đã bị dồn vào góc trong buổi tối hôm ấy.Các đại diện hàng đầu trong ban vận động tranh cử của ông Biden đã bị một đám đông phóng viên dồn ép vào góc phòng gặp gỡ báo chí tại địa điểm tranh luận vào tối thứ Năm.Họ đặt ra hàng loạt câu hỏi về khả năng loại ông Joe Biden, 81 tuổi, khỏi vị trí ứng viên đại diện cho Đảng Dân chủ và câu hỏi rằng màn trình diễn đêm nay có gây thêm lo ngại về khả năng đảm đương chức trách tổng thống của ông Biden.Thống đốc California Gavin Newsom được hỏi liệu Đảng Dân chủ có nên thay ứng cử viên hay không.Vị đảng viên Dân chủ 56 tuổi trả lời rằng ông là người “lỗi thời” và quan tâm nhiều hơn đến “thực chất và dữ kiện” được thảo luận, hơn chú ý tới cơn điên đảo về năng lượng và năng lực của ông Biden. Đó (thay ứng viên tranh cử) không phải là chủ đề thảo luận mà đảng Dân chủ muốn có sau cuộc tranh luận. Nhưng màn trình diễn rụt rè của ông Biden trong suốt sự kiện kéo dài 90 phút, mà đôi khi ông vấp váp trong câu trả lời và nói với giọng khàn khàn lạnh lùng, khiến các đảng viên Dân chủ thốt nhiên hoảng sợ khi các phóng viên cứ liên tục hỏi khó rằng làm thế nào để chiến dịch tranh cử của ông Biden có thể lấy lại phong độ.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c51y8n5pwxpo

Ông Biden, ông Trump đổ lỗi cho nhau về vấn đề nhập cư

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã đấu khẩu nhau về vấn đề nhập cư trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của họ vào tối thứ Năm 27/6.Ông Trump chỉ trích ông Biden về số lượng người di cư vượt biên trái phép ở biên giới Mỹ-Mexico, trong đó có cả các tội phạm. Ông Biden tập trung vào việc giảm 40% tỷ lệ vượt biên trái phép của người di cư kể từ khi ông ban hành lệnh hành pháp ngăn chặn người di cư vượt biên vào Mỹ. Trong cuộc tranh luận, Jake Tapper, một trong hai người điều hợp chương trình của CNN, đã hỏi hai ứng cử viên: “Tại sao cử tri nên tin tưởng quý vị trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này?”Tổng thống Biden nói chính quyền của ông đã “tích cực hành động” để thay đổi tình hình ở biên giới.“Chúng tôi đã làm việc tích cực để đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng mà không những thay đổi tất cả những điều đó… mà tôi còn thay đổi nó theo cách mà bây giờ số người vượt biên bất hợp pháp đã giảm tới 40%”, ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/7677275.html

Biển Đông: Va chạm tàu Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây, vì sao tổng thống Philippines ‘chậm trễ’ lên tiếng?

Vụ va chạm giữa cảnh sát biển Trung Quốc và hải quân Philippines xảy ra ngày 17/6 tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) cho thấy những phản ứng khác nhau từ chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Hôm 24/3, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro rằng Philippines sẽ tiếp tục các nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội tại Bãi Cỏ Mây, bất chấp việc cảnh sát biển Trung Quốc gây khó dễ cho công tác này vào tuần trước.“Đây không phải là sự hiểu lầm hay tai nạn,“ ông Teodoro nói trong một cuộc họp báo tại phủ tổng thống.“Chúng tôi không coi nhẹ sự cố này. Đó là một hành động sử dụng vũ lực một cách hung hăng và bất hợp pháp,“ ông nói thêm.Chỉ trước đó hai ngày, hôm 22/6, Thư ký điều hành Lucas Bersamin, người đại diện của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, nói hoàn toàn trái ngược.Ông Lucas Bersamin nói rằng vụ va chạm này nhiều khả năng là „hiểu nhầm hoặc sự cố“.“Chúng tôi chưa coi sự việc là cuộc tấn công vũ trang. Tôi cho rằng đó là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết. Nếu Trung Quốc muốn phối hợp, Philippines sẵn sàng làm việc với họ,“ ông Bersamin nói.Theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu quân nhân, tàu hay phi cơ của Philippines bị tấn công vũ trang ở bất cứ khu vực nào trên Biển Đông.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clkkkderxdzo

Nga dọa trả đũa Mỹ vì vụ Ukraine tấn công tên lửa ATACMS vào Crimea

Điện Kremlin hôm thứ Hai (24/6) trực tiếp đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea bằng tên lửa ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 151 người bị thương, đồng thời Moscow chính thức cảnh báo đại sứ Mỹ rằng sẽ có hành động trả đũa.Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các quan chức Nga cho rằng cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn leo thang nguy hiểm nhất cho đến nay.Nhưng việc đổ lỗi trực tiếp cho Mỹ về vụ tấn công chết người vào Crimea – nơi được Nga sáp nhập vào năm 2014 và hiện coi là lãnh thổ mình mặc dù hầu hết thế giới coi nơi này là một phần của Ukraine – là một bước tiến xa hơn.Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên về vụ tấn công: “Quý vị nên hỏi các đồng nghiệp của tôi ở châu Âu, và trên hết ở Washington, các thư ký báo chí, xem tại sao chính phủ của họ lại giết hại trẻ em Nga. Chỉ cần hỏi họ câu hỏi này   thôi” Theo các quan chức Nga, ít nhất hai trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Sevastopol hôm Chủ Nhật. Người dân được nhìn thấy chạy khỏi một bãi biển gần Sevastopol và một số người bị thương được khiêng đi bằng ghế tắm nắng.Nga nói Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí, trong khi các chuyên gia quân sự Mỹ đã nhắm mục tiêu vũ khí và cung cấp dữ liệu sử dụng cho vụ phóng.

https://www.voatiengviet.com/a/7668175.html

Ukraine ký thỏa thuận an ninh với EU

Ukraine ký thỏa thuận an ninh với EU và hai nước thành viên liên minh là Litva, Estonia, nhằm giúp Kiev tăng cường khả năng tự vệ.Thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) được Tổng thống Volodymyr Zelensky ký ngày 27/6 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels, Bỉ.Theo thỏa thuận, Ukraine cam kết cải cách an ninh, tình báo và quốc phòng theo lộ trình hướng đến gia nhập EU. Kiev cần tăng cường minh bạch và giải trình liên quan các khoản hỗ trợ nhận được, cũng như đóng góp cho an ninh của Brussels.EU cam kết tiếp tục viện trợ quân sự sát thương và phi sát thương, huấn luyện cho Ukraine thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), Quỹ Hỗ trợ Ukraine. EPF sẽ có ngân sách 5 tỷ euro (5,3 tỷ USD) cho năm 2024.“Những cam kết này sẽ giúp Ukraine tự vệ, tránh bất ổn và răn đe các hành động gây hấn trong tương lai“, ông Michel viết trên X.Ukraine cùng ngày còn ký các thỏa thuận an ninh tương tự với Litva và Estonia, hai quốc gia thành viên EU.Ukraine trước đó đã ký thỏa thuận an ninh song phương với hơn 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản. Các thỏa thuận được cho là sẽ giúp Ukraine đảm bảo an ninh, đồng thời mở đường cho Kiev có thể gia nhập EU và NATO trong tương lai.

https://vnexpress.net/ukraine-ky-thoa-thuan-an-ninh-voi-eu-4763535.html

Trung Quốc khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản 2 cựu bộ trưởng quốc phòng

Trung Quốc khai trừ hai cựu bộ trưởng quốc phòng khỏi Đảng Cộng Sản cầm quyền vì cáo buộc tham nhũng có thể dẫn tới án chung thân.Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết Li Shangfu (Lý Thượng Phúc) lạm dụng chức quyền để trục lợi cho bản thân bằng cách nhận hối lộ hòng ban phát ân huệ cho những ai vi phạm kỷ luật quân đội và kỷ luật đảng. Nhà lãnh đạo tiền nhiệm của họ Lý, Wei Fenghe (Ngụy Phượng Hòa), cũng bị buộc tội với những cáo buộc tương tự, thông tấn xã AP đưa tin.Dưới sự cai trị của Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nhà lãnh đạo quân đội cũng từng bị cáo buộc lạm dụng chức quyền, họ Tập còn là người đứng đầu lực lượng võ trang với tư cách là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương và biến chiến dịch đàn áp tham nhũng thành dấu ấn trong chế độ cai trị từ lúc lên nắm quyền hơn một thập niên trước.

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/trung-quoc-khai-tru-khoi-dang-cong-san-2-cuu-bo-truong-quoc-phong/

Ukraine: Lệnh trừng phạt mới của EU ‘bóp nghẹt thêm nền kinh tế chiến tranh của  Putin’

Hôm 24/6, Liên minh châu Âu thông qua vòng trừng phạt thứ 14 chống lại Nga để đáp trả việc nước này xâm chiếm Ukraine.Gói trừng phạt bao gồm lệnh cấm nạp lại khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga tại một quốc gia EU, rồi được gửi đến nước thứ ba sau đó.Các lệnh trừng phạt nhắm vào 116 cá nhân và tổ chức, đồng thời gia tăng các biện pháp nhằm đảm bảo các công ty không lách các lệnh trừng phạt hiện có.Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, nói ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp trừng phạt mới “nhằm bóp nghẹt hơn nữa nền kinh tế chiến tranh của Putin” khi ông phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao EU hôm thứ Hai.“Ngoài ra, tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự, đặc biệt là phòng không và mở rộng sản lượng công nghiệp quốc phòng”, ông Kuleba nói trên X. “Chúng ta có thể và phải đánh bại sự xâm lược của Nga trên đất Ukraine để bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài trên khắp châu Âu”.Trước cuộc họp hội đồng hôm thứ Hai, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, nói với các phóng viên ở Luxembourg rằng: “Ukraine cần thêm trợ giúp và cần ngay bây giờ”.

https://www.voatiengviet.com/a/7668125.html

Israel bị tố hạ sát quan chức y tế cấp cao ở Gaza

Cơ quan y tế ở Gaza nói Israel tập kích khiến một quan chức y tế hàng đầu thiệt mạng, Tel Aviv khẳng định đã hạ một chỉ huy Hamas.Hani al-Jaafarawi, giám đốc Trung tâm Cứu thương và Cấp cứu ở Dải Gaza, đã thiệt mạng sau cuộc không kích của Israel vào một phòng khám ở Gaza City, thành phố ở miền bắc dải đất. Tổng cộng đã có 500 nhân viên y tế tại đây tử vong kể từ đầu xung đột, bên cạnh ít nhất 300 người bị bắt, cơ quan y tế do nhóm vũ trang Hamas điều hành tại vùng lãnh thổ ngày 24/6 cho biết.“Al-Jaafarawi là một trụ cột trong hệ thống y tế của Gaza. Ông ấy đã làm việc chăm chỉ để chăm sóc những người bệnh và bị thương, cũng như nỗ lực cả ngày lẫn đêm để hỗ trợ những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn“, Eyad Zaqout, giám đốc khoa cấp cứu tại bệnh viện Al-Aqsa, cho hay. „Rõ ràng Israel đang muốn một lần nữa phá hủy hoàn toàn hệ thống y tế ở Gaza“.

https://vnexpress.net/israel-bi-to-ha-sat-quan-chuc-y-te-cap-cao-o-gaza-4762106.html

UAV Mỹ chạm trán tiêm kích Su-34 Nga ở Syria

Theo hãng tin RT, trong tuyên bố hôm 26/6, phái đoàn quân sự Nga tại Syria cho hay vụ chạm trán xảy ra vào ngày 25/6 tại tỉnh Homs của Syria. Phát ngôn viên quân đội Nga nhấn mạnh, “phi công Nga đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao, và thực hiện các biện pháp cần thiết kịp thời để tránh va chạm” với UAV Mỹ.Phía Nga nói thêm, đây là một trong 9 hành vi vi phạm các giao thức giảm xung đột xảy ra chỉ trong 24 giờ do “liên minh chống khủng bố” thực hiện. Các giao thức đã được ký kết vào năm 2019 nhằm tránh những va chạm không mong muốn. Theo Nga, với việc không thông báo cho phái đoàn Nga về kế hoạch bay, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã “tạo ra nguy cơ xảy ra sự cố trên không, và làm leo thang căng thẳng trên không phận Syria”. Các vụ việc khác được xác định liên quan đến tiêm kích F-15, F-16 và Rafale do lực lượng liên minh điều khiển gần Al-Tanf, căn cứ của Mỹ ở phía đông nam Syria và nằm gần biên giới với Jordan và Iraq. Dù vấp phải sự phản đối của chính quyền Damascus, quân đội Mỹ vẫn đang vận hành cơ sở Al-Tanf.

https://vietnamnet.vn/uav-my-cham-tran-tiem-kich-su-34-nga-o-syria-2295956.html

Iran bầu cử tổng thống sau cái chết của tổng thống diều hâu giữa lúc Trung Đông bất an

DUBAI, Ả Rập Emirates (NV) – Hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, dân chúng trên toàn quốc Iran đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử bất ngờ để thay thế vị tổng thống quá cố có đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, thực thi quyền chọn lựa giữa một số ứng cử viên có lập trường cứng rắn và một ứng cử viên cải cách duy nhất với lập trường tìm kiếm “liên hệ thân thiện” với Tây Phương, nguồn tin thông tấn xã AP cho hay.Cử tri phải chọn lựa giữa các ứng cử viên có lập trường diều hâu và nhà cải cách ít ai biết tiếng Masoud Pezeshkian, một bác sĩ giải phẫu tim mạch. Theo thông lệ đã có từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo 1979, phụ nữ và những kẻ đòi cải cách đã bị cấm không cho ra ứng cử trong khi cuộc bầu cử không hề được các nhà quan sát quốc tế theo dõi và kiểm chứng.Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc tình hình căng thẳng tràn ngập vùng Trung Đông vì cuộc chiến tranh Israel-Hamas tại Dải Gaza. Hồi Tháng Tư, cũng vì cuộc chiến tranh tại Gaza, Iran đã mở cuộc tấn công công khai đầu tiên bằng hỏa tiễn và drone vào lãnh thổ Israel, đồng thời các nhóm bạo động được Iran võ trang và tiếp tế trong vùng, như quân Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthi tại Yemen, cũng xung trận và gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào Israel.

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/iran-bau-cu-tong-thong-sau-cai-chet-cua-tong-thong-dieu-hau-giua-luc-trung-dong-bat-an/

Bầu Quốc Hội Pháp: Ngày cuối của chiến dịch tranh cử vòng một, cực hữu vẫn bỏ xa các đối thủ

Hôm nay, 28/06/2024 là ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử cho vòng đầu bầu cử Quốc Hội Pháp 30/06, với kết quả dự báo không có gì thay đổi: đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) vẫn bỏ xa liên minh cánh tả và phe của tổng thống Emmanuel Macron.  Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố tối qua, đảng Tập Hợp Dân Tộc vẫn được dự báo sẽ giành chiến thắng áp đảo với 36% ý định bỏ phiếu, trong khi liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới chỉ được 29%, còn phe của tổng thống Macron vẫn đứng hạng ba với 21%.Tuy nhiên, chủ tịch đảng cực hữu Jordan Bardella, 28 tuổi, còn phải thu hút thêm cử tri để có thể giành được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện mới, điều kiện mà ông đặt ra để chấp nhận chiếc ghế thủ tướng.Ngày cuối của chiến dịch tranh cử vòng một diễn ra trong lúc đang có tranh cãi gay gắt về vai trò của tổng thống Pháp, sau khi hôm qua lãnh đạo của đảng Tập Hợp Dân Tộc, bà Marine Le Pen, khẳng định vai trò tổng tư lệnh quân đội của tổng thống chỉ “mang tính hình thức”. Tuyên bố này cho thấy là trong trường hợp đảng cực hữu giành chiến thắng và lập được chính phủ, cuộc “chung sống” với tổng thống Macron sẽ rất căng thẳng. 

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240628-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-ph%C3%A1p-ng%C3%A0y-cu%E1%BB%91i-c%E1%BB%A7a-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-tranh-c%E1%BB%AD-v%C3%B2ng-m%E1%BB%99t-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-v%E1%BA%ABn-b%E1%BB%8F-xa-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%91i-th%E1%BB%A7

Quan hệ Việt – Nhật đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay‘

Đại sứ Ito Naoki đề cao quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, cho rằng hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và đào tạo nguồn lao động.“Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Việc nâng cấp quan hệ lên ‚Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới‘ cuối năm 2023 thể hiện tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao và chính phủ hai nước“, ông Ito Naoki, người bắt đầu hoạt động trên cương vị đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam từ hồi tháng 5, cho biết trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội hôm 28/6.Ông chỉ ra quan hệ song phương đã được nâng cấp trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như gần 10 năm sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á.“Chỉ sau 10 năm, quan hệ đã được nâng cấp và đạt được nhiều thành quả. Đó là điều đáng suy ngẫm và đánh giá cao. Điều đó cho thấy Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua, không chỉ về kinh tế mà còn được rất nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới quan tâm. Vai trò của Việt Nam ở ASEAN, ở châu Á cũng ngày càng được tăng cường và coi trọng“, Đại sứ Ito cho hay.

https://vnexpress.net/quan-he-viet-nhat-dang-trong-giai-doan-tot-dep-nhat-tu-truoc-den-nay-4763807.html