Seite auswählen

Tại sao cử tri Pháp dồn phiếu cho hai đảng cực tả và hữu ?

Trong vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp hôm 30/06/2024, gần 10 triệu cử tri đã dồn phiếu cho đảng cực hữu bài ngoại Tập Hợp Dân Tộc – RN. Gần 28 % cử tri cũng đã bỏ phiếu cho liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới – NFP bao gồm 4 đảng, trong đó có đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI. Trong khi đó, các đảng cánh tả, hữu truyền thống và nhất là cánh trung trong tập hợp Đồng Hành-Ensemble của tổng thống Emmanuel Macron hoàn toàn mờ nhạt.

Jean-Luc Melenchon, thành viên đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) (T) và chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) Jordan Bardella.  Jean-Luc Melenchon, thành viên đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) (T) và chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) Jordan Bardella. © AFP/Montage RFI-vi
QUẢNG CÁO

Toàn cảnh chính trị Pháp chia ra thành « ba khối » : Cực tả, cực hữu và cánh trung. Kết quả bầu cử ở vòng 1 cho thấy, qua việc giải tán Quốc Hội, tổng thống Pháp đã « đùa với lửa » để mất đa số (không quá bán) tại Hạ Viện, và theo các dự phóng sau bầu cử vòng nhì, liên minh cánh trung của ông sẽ chỉ giữ được tối đa 100 ghế, thay vì hơn 250 như trong khóa mãn nhiệm. Đó là cái giá phải trả khi Emmanuel Macron trao trả lại tiếng nói cho cử tri. An ủi duy nhất là nhờ vậy, ông đã huy động được gần 70 % cử tri Pháp đi bầu và đây là một tỷ lệ cao chưa từng thấy từ kỷ lục hơn 82 % vào năm 1978.

Vấn đề đối với chủ nhân điện Elysée là cử tri Pháp đã biến cuộc bầu cử lần này thành một cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi đơn giản là « ủng hộ hay chống đối Macron ». Kết quả tối qua cho thấy, đa số người dân Pháp đã quay lưng lại với tổng thống. Những thành tích về kinh tế hay về xã hội từ 2017 đến nay không còn sức thuyết phục cử tri. Người Pháp đã quên mãi lực của họ được bảo vệ như thế nào trong cuộc khủng hoảng y tế Covid trong những năm 2020-2021 vừa qua. Cử tri cũng không cần biết rằng những biện pháp cải tổ dưới chính quyền Macron, đầu tư nước ngoài vào Pháp tăng mạnh, Paris qua mặt Luân Đôn trở thành tâm điểm tài chính hấp dẫn nhất châu Âu, và tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hiện là 7 % thay vì gần 10 % như dưới thời tổng thống tiền nhiệm của bên đảng Xã Hội, François Hollande.

“Tương lai mù mịt”

Viễn cảnh RN, đảng có tinh thần bài ngoại giành được đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử ở vòng hai vào tuần tới hoàn toàn có thể xảy ra. Ở góc đài bên kia liên minh giữa 4 đảng cánh tả, NFP cũng đang mơ đến việc thành lập nội các và rất có thể một thành viên LFI sẽ trở thành thủ tướng.

Mặc dù cánh tả mạnh mẽ tuyên bố làm tất cả để ngăn cản phe cực hữu nắm giữ quyền lực nhưng thực ra có một số điểm tương đồng giữa hai cánh « cực tả và cực hữu » tại Pháp. Khi nhìn vào thành phần cử tri bỏ phiếu cho LFI (Nước Pháp Bất Khuất, cánh cực tả) và RN (Tập Hợp Dân Tộc, cực hữu) giới quan sát nhận thấy những điểm sau đây : Thứ nhất, hai phe này có sức thuyết phục rất lớn đối với những ai không còn tin tưởng vào « tính hiệu quả của những đảng phái chính trị truyền thống » và đó là những người cảm thấy tương lai mù mịt, không hài lòng với cuộc sống hiện tại cho bản thân và gia đình. Chính vì thế mà cả hai cánh cực tả và cực hữu cùng đưa ra những hứa hẹn « bơm thêm mãi lực, tăng sức mua, tăng lương cho người dân » nếu họ lên cầm quyền. Đó là yếu tố thứ nhì giúp hơn 30 ứng viên của mỗi bên đã dễ dàng đắc cử hoặc tái đắc cử ngay vòng đầu. Thêm một mẫu số chung giữa bên đảng cực hữu RN với đảng LFI là cả hai cùng nhắm tới tầng lớp cử tri sợ bị tiến trình toàn cầu hóa bỏ rơi. Theo nhà chính trị học Nonna Mayer, trường Khoa Học Chính Trị Paris, Sciences Po: phần lớn đó là giới thợ thuyền bị mất việc khi mà các nhà máy công nghiệp ở Pháp đóng cửa dần và bị di dời cơ sở sang những nơi có nhân công rẻ, khi họ trông thấy tận mắt công ty của mình bị nước ngoài mua lại, rồi sa thải nhân viên… Trong số này cũng có những thành phần chán ngán với những quy luật « thiếu thực tế » của các nhà kỹ trị ở mãi tận Bruxelles cho giới chăn nuôi …

Lựa chọn giữa cực tả và cực hữu của cử tri Pháp

Tuy nhiên cũng sẽ là một sai lầm nếu như cho rằng RN và LFI là đảng bảo vệ giới lao động chân tay, hay của những « thành phần ít học ». Bởi khá nhiều người, kể cả những thành phần ưu tú nhất, cũng đang ngả về phía hai cực tả và hữu này. Cũng là một sai lầm nếu cho rằng cực tả và cực hữu chỉ là một. Véronique Réfalo giám đốc viện thăm dò Ipos ghi nhận : 80 % cử tri ủng hộ đảng cực hữu có chủ trương bài ngoại RN, do chống đối người nhập cư nước ngoài, do muốn « một nước Pháp của người Pháp ». Tâm trạng « không còn được sống trong một môi trường an ninh » vì người nhập cư nước ngoài đến « chiếm », « phá » và hủy hoại văn hóa truyền thống của người da trắng … là những viên đá lót đường đưa các ứng viên của đảng này vào Quốc Hội.

Trái lại về phía cánh cực tả, thì cử tri không lộ liễu bài người nước ngoài mà có phần tập trung nhiều hơn vào hoàn cảnh tài chính, vào mãi lực của chính mình. Lo sợ bị nghèo đi hay rơi vào cảnh túng thiếu ám ảnh 62 % những người được hỏi.

Những nỗi lo sợ bị cướp mất công việc làm, lo sợ vì an ninh và an toàn của bản thân bị người ngoại quốc đe dọa, khiến một bộ phận không nhỏ của cử tri Pháp đã dồn phiếu cho các đảng cực tả và cực hữu, xem hai « thái cực này » là những lá chắn cuối cùng. Trong bài toán đó, cử tri Pháp bỏ phiếu cho LFI hay RN hôm qua và từ trước đó nữa, không mảy may nao núng trước những tuyên bố ca ngợi chế độ Vladimir Putin ở Matxcơva của nhà lãnh đạo Jean-Luc Mélenchon bên cực tả, hay trước việc bà Marine Le Pen bên đảng cực hữu RN bày tỏ sự « ngưỡng mộ Putin » và nhất là việc đảng Tập Hợp Dân Tộc của bà Le Pen đang nợ ngân hàng của Nga.

Điều hơi ngạc nhiên ở đây, là tới nay Pháp luôn được coi là một ngọn hải đăng về nhân quyền, về bình đẳng và bác ái một nước tiên phong trong các chế độ dân chủ … không hiểu rằng cộng đồng quốc tế đánh giá như thế nào về sự chọn lựa của cử tri Pháp ngày hôm qua ?

Bầu cử Pháp: Bốn lý do cử tri ủng hộ đảng cực hữu của Jordan Bardella

 

Bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella - lãnh đạo Đảng NR
Bà Marine Le Pen và ông Jordan Bardella – lãnh đạo Đảng NR

 

 

 

Alexandra Fouché

BBC World Service

 

Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (NR) đã vươn lên vị trí dẫn đầu sau vòng bầu cử quốc hội đầu tiên được tổ chức vào Chủ nhật (30/6) với 33% số phiếu bầu. Nước Pháp đứng trước một cuộc thay đổi lớn và chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella có thể làm thủ tướng.

Liên minh cánh tả New Popular Front (NPF) đứng sau với 28% số phiếu, trong khi liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron đứng ở vị trí thứ ba với khoảng 21% số phiếu bầu.

Ông Macron hiện đã kêu gọi các đảng trung dung và cánh tả đoàn kết để ngăn chặn phe cực hữu giành quyền kiểm soát quốc hội.

Đâu là lý do chính khiến cử tri Pháp quay sang đảng do bà Marine Le Pen  ông Jordan Bardella lãnh đạo, giúp đảng này lần đầu tiên giành chiến thắng trong vòng một của cuộc bầu cử quốc hội Pháp?

“Chỉ riêng việc điều đó trở nên khả thi đã là một sự kiện lịch sử,” nhà bình luận kỳ cựu người Pháp Alain Duhamel nói.

1) Nguyên nhân nội tại và tình hình kinh tế

Đứng đầu danh sách các vấn đề mà cử tri đối mặt là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, vốn đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân; giá năng lượng tăng cao; khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nỗi lo tội phạm gia tăng mà người Pháp gọi là “sự bất an”.

Trong khi nền kinh tế Pháp nói chung là tốt, thì ở khu vực nông thôn, cách xa các thành phố lớn, người dân nói với BBC rằng họ cảm thấy bị phớt lờ, rằng nguồn vốn và sự chú ý đổ dồn vào các thành phố trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao ở một số vùng nông thôn, thậm chí có thể lên tới 25%.

Một số người dân không đủ khả năng mua nhà ở địa phương, trong khi ở một số khu vực, trường học phải đóng cửa do ngân sách bị cắt giảm và nhiều người không hài lòng khi các trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương bị đóng cửa để nhường chỗ cho các trung tâm lớn hơn ở đô thị.

Giáo sư Thomas Pickety nói với BBC rằng những người hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa tạo thành phe ủng hộ chính cho ông Macron, và những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau đang nghiêng về phe cực hữu.

Ông Pickety, tác giả cuốn sách bán chạy nhất Tư bản trong thế kỷ 21, xác định rằng có một số lượng lớn người ủng hộ “ở các thành phố nhỏ bị thiệt hại nặng nề về công nghiệp và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công, đường tàu ngừng hoạt động, bệnh viện đóng cửa – thật khó để giáo dục con cái khi bạn sống xa các khu đô thị lớn”.

Aurélie, một phụ nữ ở Amiens
Aurélie nói rằng khi ông Macron lần đầu tiên trở thành tổng thống, bà cảm thấy thật vinh dự vì ông đến từ Amiens – nhưng giờ bà lại thất vọng về ông

Patrick ở thị trấn Pontault-Combault, phía đông Paris, đã bỏ phiếu cho NR trong cuộc Bầu cử châu Âu.

Patrick nói với BBC: “Mọi người ở đây muốn thay đổi và họ có động lực bỏ phiếu. Họ không vui khi cảm thấy không an toàn trên đường phố.”

Aurélie, một phụ nữ làm nghề quét dọn 37 tuổi có một cậu con trai hai tuổi ở thị trấn Amiens, miền bắc nước Pháp, nơi ông Macron lớn lên, cho biết vấn đề chính mà bà đồng tình với chính sách của đảng NR là an ninh.

“Mỗi sáng tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 để đi làm. Tôi từng có thể đạp xe hoặc đi bộ đến bất cứ đâu ở Amiens. Điều này giờ không còn nữa. Bây giờ tôi phải lái xe đi làm,” bà nói với BBC.

“Luôn có những thanh niên lảng vảng quanh đây và tôi rất sợ.”

Một trong những lo ngại của cử tri là vấn đề lương hưu sau khi ông Macron ký thành luật vào năm ngoái, cuộc cải cách của chính phủ ông – vốn nâng tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 64 – khiến nhiều người không hài lòng,

Ông Macron cho rằng cải cách là cần thiết để ngăn chặn hệ thống lương hưu sụp đổ.

Chi phí điện và khí đốt để sưởi ấm tăng mạnh gần đây là vấn đề lớn đối với cử tri, và lãnh đạo NR Jordan Bardella cho biết ông sẽ tập trung vào việc cắt giảm VAT (thuế giá trị gia tăng) đối với năng lượng và danh sách 100 mặt hàng thiết yếu, đồng thời bãi bỏ chính sách cải cách lương hưu của chính phủ chỉ trong vài tháng.

2) Không hài lòng với hệ thống hiện tại

Các cử tri cũng thường nói rằng hệ thống chính trị hiện nay không hiệu quả với họ, rằng NR chưa từng nắm quyền trong chính phủ và rằng một sự thay đổi cũng tốt như một sự nghỉ ngơi.

“Tôi hài lòng, vì chúng tôi cần sự thay đổi,” Jean-Claude Gaillet, 64 tuổi, ở Hénin-Beaumont, thành trì phía bắc của Marine Le Pen, nói với hãng tin Reuters sau cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật.

“Mọi thứ chưa chuyển động và chúng phải chuyển động.”

Một người ủng hộ NR khác, Marguerite, 80 tuổi, cũng ở Hénin-Beaumont, cho biết: “Họ [NR] vươn lên dẫn đầu vì mọi người đã chán ngấy. Cho nên, bây giờ mọi người sẽ nói: ‘Chúng tôi không quan tâm, hãy bỏ phiếu và xem điều gì sẽ xảy ra.’

“Nhưng bây giờ, điều tôi lo ngại là các đảng chính trị khác sẽ cản đường. Chúng ta đã bỏ phiếu, đây là kết quả, chúng ta phải chấp nhận chúng và xem điều gì sẽ xảy ra.”

Nhưng một cư dân ở thị trấn Oignies gần đó, Yamina Addou, cho biết bà rất sốc trước thành công của NR.

Bà cho biết các cử tri đã bị lôi kéo để ủng hộ phe cực hữu và quyết định của họ có thể dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng và nguy hiểm trong xã hội Pháp:

“Tất nhiên, nó làm tôi sốc. Tôi thấy rất buồn vì tôi không nghĩ mọi người nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Họ chỉ quan tâm đến tài chính và những vấn đề ngắn hạn, hiển nhiên khác.

“Nhưng đằng sau những gì mọi người thấy bề ngoài (như sức mua và các vấn đề ngắn hạn), còn có rất nhiều kế hoạch, ý tưởng sẽ dẫn chúng ta vào một kiểu chiến tranh khác. Không giống như Thế chiến thứ nhất và thứ hai, nó sẽ tinh vi hơn rất nhiều và mọi người không nhận ra rằng chúng ta sẽ rơi vào một cuộc nội chiến, đó là điều tôi nghĩ, và những người như chúng ta sẽ là người phải hứng chịu.”

Tổng thống Emmanuel Macron tại Touquet-Paris-Plage, Pháp

GETTY IMAGES Nhiều người cho rằng Tổng thống Macron phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay

Nhiều người đã đổ lỗi cho Tổng thống Macron về cuộc khủng hoảng mà đất nước đang gặp phải hiện nay.

Sophie Pedder, trưởng văn phòng tờ The Economist ở Paris, nói với BBC: “Ông ấy đã tạo ra một phong trào đồng thuận để tập hợp những người thuộc mọi quan điểm chính trị khác nhau lại với nhau. Nó hiệu quả, và nó đã chấm dứt những cuộc cãi vã không ngừng diễn ra trong quốc hội và giữa hai phe.

“Nhưng kết quả là những người ôn hòa ở cả cánh tả và cánh hữu đều gia nhập đảng của Macron và những người còn lại là lựa chọn duy nhất để thay Macron – những kẻ cực đoan.”

3) Nhập cư và bản sắc Pháp

Trong những năm qua, Marine Le Pen, lãnh đạo NR trong quốc hội, đã nỗ lực làm cho đảng của bà trở nên chính thống hơn và được cử tri Pháp chấp nhận hơn.

Marine Le Pen đã thực sự cố gắng tách bản thân khỏi di sản gây tranh cãi của cha mình, Jean-Marie Le Pen, và những người sáng lập Đảng Mặt trận Quốc gia, và đổi tên đảng thành Đảng Tập hợp Quốc gia (NR).

Tuy nhiên, đây vẫn là một đảng theo chủ nghĩa dân túy, hoài nghi châu Âu và kịch liệt chống người nhập cư.

Lãnh đạo hiện tại của đảng này là Jordan Bardella cho biết ông muốn cấm những người mang hai quốc tịch Pháp tham gia các vị trí chiến lược nhạy cảm, gọi họ là “những người song tịch”.

Ông cũng muốn hạn chế phúc lợi xã hội đối với người nhập cư và loại bỏ quyền tự động có quốc tịch Pháp đối với trẻ em có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Nhưng một kế hoạch cấm đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng hiện không phải là ưu tiên hàng đầu.

Đảng NR lợi dụng nỗi lo ngại rằng những người nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo, sẽ không hòa nhập được vào xã hội Pháp.

Ví dụ, một ứng cử viên, Ivanka Dimitrova, nói với BBC rằng đảng này sẽ có kế hoạch chống lại những người nhập cư muốn đặt luật tôn giáo của họ lên trên luật của nước Pháp.

French gendarmes on their horses watch Muslim worshipers leaving the Great Mosque of Paris after the morning prayers on the first day of Islam's most important festival, the Feast of the Sacrifice (Eid al-Adha) on 16 June 2024

GETTY IMAGES Một nhà phân tích cho biết dư luận Pháp đã cứng rắn hơn với nhập cư trong thập kỷ qua

Không có bằng chứng nào cho thấy đây là niềm tin phổ biến trong cộng đồng người nhập cư và NR cũng chưa nói rõ “hành động” sẽ bao gồm những gì, ngoài luật hiện hành.

Leila Abboud, giám đốc văn phòng Financial Times ở Paris, cho biết: “Dư luận ở Pháp đã cứng rắn hơn với vấn đề nhập cư trong thập kỷ qua: bạn có thể cho rằng xu hướng này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 – hậu quả cuộc chiến ở Syria. Các chính trị gia đang thay đổi để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong xã hội.”

Khi nói đến EU, NR đã hứa sẽ chấm dứt việc ưu tiên tuân thủ luật pháp châu Âu, một nền tảng quan trọng của dự án Liên minh châu Âu.

Nhưng các chính sách chống NATO và chống EU đã dịu đi và mối quan hệ chặt chẽ của NR với nước Nga của Vladimir Putin đã lặng lẽ bị cắt đứt.

Rời khỏi EU đã không nằm trong chương trình nghị sự kể từ năm 2022.

4) Đảng cực hữu trên mạng xã hội

Jordan Bardella, President of the National Rally (Rassemblement National, RN), a French nationalist and right-wing populist party, leaves a Paris venue after delivering a speech to the media from around the world based on the partial results of the first round of the early French parliamentary elections, on 30 June 2024 in Paris, France

GETTY IMAGES Lãnh đạo Đảng NR, ông Jordan Bardella, đã hoạt động tích cực trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok

Đảng NR đã tổ chức các chiến dịch vận động thành công bằng những khẩu hiệu và ý tưởng đơn giản, lợi dụng nỗi lo sợ của người dân về việc mất đi bản sắc Pháp và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt rộng lớn hơn.

Họ đã sử dụng mạng xã hội rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình và khiến cử tri cảm thấy họ đáng tin cậy và quen thuộc.

Nhà khoa học chính trị Vincent LeBrou của Đại học Franche-Comté nói với chương trình Newsnight của BBC: “Ở Pháp, chúng tôi gọi Jordan Bardella là chính trị gia TikTok vì ông ấy là một chính trị gia huy động mạng xã hội và rất thoải mái với nó.”

“Mạng xã hội đóng vai trò đáng kể trong việc xây dựng hình ảnh của ông ấy. Bạn không biết chính xác ông ấy đang đề xuất điều gì, nhưng bạn sẽ thấy ông ấy có rất nhiều đề xuất.”

Charles Culioli, một ứng cử viên NPF cực tả chống lại NR, cho biết: “Rất nhiều người không phân biệt chủng tộc.

“Họ đã chán ngấy hệ thống này, họ chán ngấy các chính sách của Macron, với tất cả những điều ông ấy đã hứa hẹn với họ.”

08/07/2024

Quốc hội Pháp : Cuộc bầu cử không giống ai

 

Hoàng Quốc Dũng

Như các bạn đã biết, kết quả cuộc bầu cử các đại biểu quốc hội Châu Âu đã cho thấy đảng của tổng thống Macron mất uy tín trầm trọng và đồng thời cũng cho thấy làn sóng cực hữu dâng cao ở Pháp. Không hài lòng với kết quả này, Tổng thống Macron đã giận (dỗi), giải tán Quốc hội Pháp để cho dân bầu lại.

quochoi01

Sau kết quả bầu cử Quốc hội Liên Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiyeen bố giải tán Quốc hội Pháp ngay tối Chủ nhật 09/06/2024,

Các hoạt động của chính trường Pháp tương đối phức tạp. Để hiểu rõ, chúng ta cần phải biết qua về một số khái niệm và quy định của các sinh hoạt này.

1. Tổng thống chỉ định thủ tướng, nhưng thủ tướng phải là người nằm trong một đảng (hay liên minh các đảng) chiếm đa số ghế trong Quốc hội (trên 50% ghế, nghĩa là phải có ít nhất 289 ghế). Sau đó, thủ tướng sẽ thành lập chính phủ, tức là chỉ định các bộ trưởng để tổng thống duyệt.

2. Quốc hội được bầu 5 năm một lần. Các đại biểu quốc hội được bầu qua 2 vòng. Nếu đại biểu nào đạt trên 50% số phiếu ngay vòng đầu ở một đơn vị bầu cử thì đại biểu đó trúng cử ngay, không có vòng hai. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đã không như vậy. Do vậy, tất cả các đại biểu nào đạt được 12,5% trở lên thì sẽ là ứng viên cho vòng hai, bất kể là bao nhiêu, nghĩa là từ 2 đến 7 ứng cử viên, nhưng trường họp 3 ứng cử viên ở vòng hai là đa số, người Pháp gọi là “triangulaire”. Ở một đơn vị bẩu cử, thường có nhiều đại biểu của các đảng khác nhau chỉ để tranh một ghế. Như vậy, ở vòng hai có thể có từ 2 đến 5 ứng cử viên (đã có một lần duy nhất 5 ứng viên, năm 1973. Về mặt toán học mà nói thì có thể có đến 7).

3. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội trước thời hạn để bầu lại.

4. Trường hợp tổng thống là người của đảng này, nhưng thủ tướng lại là người của đảng khác thì gọi là chung sống (cohabitation).

5. Một cách tóm tắt nhất, cánh tả là các đảng ngồi ở bên trái ở Quốc hội. Cánh tả gồm những đảng như cộng sản, xã hội, xanh, môi trường… thiên về xã hội như giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, che chỡ người nhập cư bất hợp pháp, ủng hộ của các quốc gia Châu Phi, hỗ trợ người Palestine… Các đảng cực tả là những đảng chủ trương xóa bỏ giai cấp tư bản, cướp của người giàu, rút khỏi Liên Âu, mọi người tự do ra vào nước Pháp… Cánh hữu ngồi ở bên phải và có xu hướng ngược lại, nghĩa là phát triển kinh tế, đầu tư vào kỹ thuật cao cấp, tăng cường an ninh nội địa, hạn chế người nhập cư bất hợp pháp… Trong khi cực hữu là những đảng theo đuổi ý tưởng dân tộc hẹp hòi của người da trắng, bài ngoại, thậm chí phát xít.

Những tóm tắt vừa nêu trên về xu hướng chính trị Tả-Hữu trong sinh hoạt chính trị Pháp chỉ mang tính minh họa, nghĩa là rất đơn giản và không đầy đủ, chỉ để các bạn có một khái niệm chung thôi chứ thực tế phức tạp hơn nhiều. Thực tế thì tôi nghĩ rằng cho đến nay, lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào cũng đều mong muốn phát triển đất nước. Cánh tả thì cho rằng phải nâng cao mức sống của người nghèo, nghĩa là tăng lương, giảm giờ làm việc, được hưởng những dịch vụ miễn phí như chi phí đi lại, nghỉ hè, giải trí… (làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu). Trong khi cánh hữu thì cho rằng nếu dành ngân sách cho những nhu cầu như vậy thì sẽ làm cho nước Pháp không cạnh tranh được, người giầu bỏ đi, di dân bất hợp pháp từ Châu Phi và Trung Á sẽ tràn vào làm xáo trộn đất nước…

Muốn nói gì thì nói, nói chung nước Pháp từ xưa đến nay vẫn là một nước bao dung, hào phóng, nhân đạo. Trong mấy chục năm qua, người Pháp vẫn nghĩ đến những người yếu thế và thường dồn phiếu cho những đảng cánh tả hoặc hữu ôn hòa qua các cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội hay các chính quyền địa phương (mairie).

Vấn đề là từ hơn 30 năm qua, sau khi phe xã hội lên cầm quyền năm 1981, tất cả các đảng Tả-Hữu của Pháp đều không giải quyết được những ưu tư cơ bản về tăng trưởng kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp và dân nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên nguyên nhân không phải chỉ là vấn đề lãnh đạo, nó còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như bối cảnh quốc tế, sự ra đời của những sản phẩm tinh học cấp cao…

Ở một nước dân chủ, khi mọi sự không như ý muốn thì “trăm tội đổ đầu tằm”. Đình công, bãi công, biểu tình, đập phá khắp nơi làm cho tình hình càng trầm trọng hơn. Không như ở ta, nhiệm vụ chính của các đảng đối lập trong các nước dân chủ có họ là “chọc gậy bánh xe”. Đảng cầm quyền làm đúng cũng “chọc”, làm sai cũng “chọc” và khái niệm đúng-sai ở đây là vô cùng tương đối nên lúc nào cũng “chọc” để gây chú ý bất kể có lợi hay có hại cho quốc gia. Qua đó người Pháp cũng đã mệt mỏi và thất vọng với giới lãnh đạo nên muốn có một sự thay đổi.

Nước Pháp từ trước tới nay rất dị ứng với cực hữu, trước đây là đảng Mặt Trận Dân Tộc (Front National – FN) do ông Jean-Marie Le Pen thành lập năm 1972. Năm 2018, sau con gái của ông là bà Marine Le Pen lên thay. Bà Marine Le Pen có công lớn là đã thay đổi bộ mặt bị dư luận quỷ hóa của cha đầy tiếng xấu thành Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National – RN) cho có vẽ hiền hòa hơn. Từ năm 2018 đến nay, đảng cực hữu này đã phát triển với một vận tốc hơn hẵn các đảng phái tả-hữu khác của Pháp : trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Jean-Marie Le Pen đã vào chung kết năm 2022, bà Marine Le Pen đã hai lần vào chung kết (2017 và 2022), trong các cuộc bầu cử Quốc hội đảng cực hữu từ 1 dân biểu trên tổng số 577 ghế năm 1988, lên 7 ghế năm 2017, rồi đó tăng vọt lên 88 ghế năm 2022 và 180 ghế năm 2024 (đứng đầu tổng số ghế).

Sự đi lên của Tập Hợp Dân Tộc trùng hợp với sự phát triển của các phong trào cực hữu và các đảng phái dân túy trong Liên Hiệp Châu Âu nên Tập Hợp Dân Tộc càng có nhiều cơ hội để phát triển. Một trong những con bài của các đảng phái dân túy cả tả lẫn hữu luôn luôn coi các vấn đề phức tạp về kinh tế, ngân sách, thương mại, hay ổn định xã hội chỉ là những ảo tưởng, nếu họ được lên cầm quyền thì sẽ “Giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp bằng một giải pháp vô cùng đơn giản”. Chẳng hạn như tăng lương tối thiểu lên 1.600 €/tháng, có quyền về hưu 60 tuổi… Khẩu hiệu của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc càng giản dị hơn, “trăm tội” đổ lên đầu người nước ngoài, đuổi hết người nhập cư bất hợp pháp về nước thì xã hội Pháp sẽ được an bình…

Vòng một của cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 30/6 đã mang lại thắng lợi lớn cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Theo dự báo ước tính thì Tập Hợp Dân Tộc có thể đạt tới tối đa 295 ghế ở vòng 2, tức là vượt quá bán, vị Thủ tướng sẽ là Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, 29 tuổi. Nhưng vấn đề không đơn giản toán học như vậy.

Để dễ hình dung hơn vấn đề, các bạn cần hiểu rằng bầu cử 2 vòng cũng giống hệt trận bóng đá tứ kết có 2 hiệp, hay bóng đá có trận lượt đi và lượt về. Thắng trước đậm vẫn có thể thua sau. Đó là tất cả những gì đã xẩy ra hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua, khi có kết quả vòng hai. Đa số dân Pháp thở phào nhẹ nhõm, giống như Fernandez đá quả Penalty cuối cùng vào lưới của đội Bồ Đào Nha, đưa đội Pháp vào bán kết.

Kết quả chung cuộc, đảng Mặt trận bình dân mới (Nouveau Front Populaire – NFP) : 182 ghế, đảng Cùng nhau (Ensemble) của Macron : 163 ghế, các đảng cực hữu (Tập Hợp Dân Tộc và liên minh) chỉ về thứ 3 với 143 ghế, đảng Cộng Hòa và liên minh : 68 ghế, các đảng nhỏ cánh tả khác : 11 ghế, linh tinh khác nữa 10 ghế (xem hình)

sieges

Tại sao đảng cực hữu miền Trung Dân Tộc lại thất bại ở hiệp hai (hay trận lượt về) ? Có nhiều giải thích :

1. Lãnh đạo những đảng phái tả hữu cổ điển cảnh giác về mối nguy của cực hữu và kêu gọi trách nhiệm cộng hòa (responsabilité républicain) của dư luận Pháp.

2. Số người tham gia bầu cử vòng hai, ý thức được trách nhiệm đã đi bầu đông hơn hẳn so với các kỳ bầu cử trước đây, đạt gần 67% (cao nhất từ trước đến nay của nền Đệ ngủ Cộng hòa Pháp).

3. Dân chúng Pháp vẫn còn giữ truyền thống Cộng hòa nên chưa muốn trao quyền cho cực hữu.

4. Một điều rất quan trọng là, sau vòng 1, hầu như tất cả cách đảng cả Tả lẫn Hữu đều quyết tâm ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, kể cả với cái giá chấp nhận cực Tả và hy sinh bản thân. Cụ thể là lãnh đạo các đảng phái chính trị cả Tả lẫn Hữu đều nghiên cứu tình hình cụ thể của từng đơn vị bầu cử để hy sinh các ứng cử viên của mình, nếu ứng cử viên và đảng mình về hạng ba thi kêu gọi ủng hộ viên của mình dồn phiếu cho ứng cử viên đảng khác về hạng 1 hay hạng 2 để ứng cử viên đảng đó thắng ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Thí dụ như ở một đơn vị bầu cử X, vào vòng hai còn 3 đấu thủ, trong đó có cực hữu RN, thì 2 đảng còn lại đàm phán với nhau rút lui một ứng cử viên để dồn phiếu cho người kia thắng Tập Hợp Dân Tộc. Tương tự như vậy, họ đã đàm phán để rút lui các ứng cử viên ở cả những nơi còn 4 ứng cử viên…  Tổng cộng đã có khoảng 214 ứng cử viên của các đảng đã phải hy sinh ứng cử viên của mình để ngăn chặn ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Cũng lạ là chưa bao giờ thấy họ lại đoàn kết nhất trí như thế, kể cả phải chấp nhận cho Mặt trận bình dân mới (NFP) thắng ở một số nơi, mặc dù trong Mặt trận bình dân mới có đảng cực tả Nước Pháp bất khuất của lãnh tụ Jean-Luc Melenchon mà nhiều người rất ghét.

Các đảng đã làm vậy để chặn cực hữu. Rất nhiều cử tri cũng đã làm tương tự, tức là bầu không phải để bầu cho người của mình mà bầu cho thằng mình không thích nhưng lại chặn được thằng mình quá ghét. Chính vì vậy, tôi mới nói là một cuộc bầu cử không giống ai.

Như vậy, điều tồi tệ nhất đã không xẩy ra, sẽ không có thủ tướng cực hữu Bardella (29 tuổi), người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ dân cử nào trong xã hội (trừ trong đảng Tập Hợp Dân Tộc), nghĩa là không có kinh knghiệm cầm quyền. Như vậy không có “chung sống” Macron-Bardella. Đặc biệt lần này trên toàn nước Pháp không có mấy ông cực tả xúi giục phe mình nhẩy ra đốt phá linh tinh, tối hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua. Cực tả hay cực hữu đều rất cực.

Tóm lại, hiện tại có 3 nhóm lớn trong Quốc hội mà chẳng có nhóm nào chiếm đa số. Vậy các cuộc đàm phán lại tiếp tục để tạo một liên minh có đa số ghế. Nhưng bây giờ đàm phán rất khó khăn vì ngay trong nhóm lớn nhất, Mặt trận bình dân mới (NFP), một liên minh kết hợp lỏng lẻo giữa các đảng cánh tả chỉ để tạo sự thống nhất để tham gia bầu cử, đã cải vả rất ỏm tỏi rồi.

Hiện tại Macron, vẫn yêu cầu thủ tướng cũ Gabriel Attal tại vị để đảm bảo sự ổn định của nhà nước, trong khi chờ đợi bổ nhiệm một thủ tướng mới.

Chính trị ở xứ giẫy chết này hoàn toàn khác ở ta. Phiếu bầu của người dân có tính quyết định. Ngày hôm qua, bằng lá phiếu của mình, người dân Pháp đã lật ngược một thế cờ bất lợi cho tương lai của mình, một điều tối kỵ ở xứ Chiều Nay nơi mà chỉ có một Đảng cầm quyền. Người Pháp tranh giành quyền lực rất dữ dội và cũng đánh nhau rất dữ dội, nhưng họ thực hành một cách văn minh và hòa bình hơn nhiều.

Dân chủ muôn năm hay độc tài muôn năm ?

Hoàng Quốc Dũng

(08/07/2024)