Seite auswählen

„nhân quyền Việt Nam tiếp tục tồi tệ. Tình trạng đó không chỉ do Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của “ngoại giao đổi chác”… 

Để có sự thay đổi tích cực, một trong những việc làm thiết thực ngay những ngày hôm nay của những người yêu Tự Do Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo và các Quyền Cơ Bản khác mà VN đã ký trong các Công Ước của Liên Hiệp Quốc là cần tích cực vận động Quốc Hội Hoa Kỳ duy trì quyết định xếp VN vào danh sách các nước có nền kinh tế Phi Thị Trường.“

 

Nhất Hùng

Tù Nhân Lương Tâm Ở Việt Nam

 

Ngày 01/07/2024 nhiều tỉnh, thành Việt Nam ra mắt, cái gọi là “lực lượng an ninh, trật tự cơ sở” gồm hàng trăm ngàn người làm tai mắt cho công an nắm tình hình đến tận thôn, xóm, tổ dân phố để bảo vệ an ninh cho chế độ (CS). Thành viên lực lượng này được nhận tiền, mức độ tùy địa phương, ở Sài Gòn có thể sẽ từ 6 đến 7 triệu đồng một tháng, được bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Sự việc này làm tăng thêm mối quan tâm của dư luận, những cuộc đấu đá, thanh trừng chính trị ở thượng tầng với sự thắng thế của phe Công An, cụ thể là Tô Lâm, Chủ Tịch nước, nguyên Bộ Trưởng Công An sẽ giới hạn thêm quyền Tự Do Dân Chủ, sẽ siết chặt thêm các quyền căn bản của công dân như Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo…, . Họ đã, đang và sẽ thu hẹp không gian xã hội dân sự tại Việt Nam, gia tăng đàn áp, bắt bớ những nhà đấu tranh cho những quyền công dân trong nước, những “quyền” vốn đã được Việt Nam ký kết trong các bản Công Ước của Liên Hiệp Quốc. Một chế độ “công an độc tài toàn trị” đang hình thành.

Trong phiên Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (Universal Periodic Review – UPR), chu kỳ 4 tại Hội Đồng Nhân Quyển LHQ ngày 9/5/2024, có 320 khuyến nghị đã được đặt ra với Việt Nam. Đây là số khuyến nghị cao nhất trong bốn chu kỳ UPR của Việt Nam. Còn nhóm các nước “cùng phe” với nhau, như Nga, Syria, Lybia, Iran, Iraq, Bắc Hàn, Cuba tỏ ra „đoàn kết ” và khen ngợi Việt Nam!!!. Nhắc lại, tại cuộc Kiểm Điểm Định kỳ Phổ Quát chu kỳ 3, năm 2019, các quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 291 khuyến nghị. Việt Nam chấp nhận 241 khuyến nghị, nhưng bác bỏ 50 khuyến nghị, cụ thể trong việc cải cách Bộ Luật Hình sự, trả tự do cho tù nhân lương tâm, chấp nhận nền báo chí độc lập v.v… Trong Báo cáo năm nay, ông Đỗ Hùng Việt, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao cho biết Việt Nam đã thi hành 99.2% các khuyến nghị của UPR năm 2019. Nhưng theo giới quan sát tại LHQ, nhiều khuyến nghị Việt Nam chấp nhận đã không được thi hành.

Trước các phiên tòa xét xử các nhà đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền ở Việt Nam, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí nói rằng việc vận động một cách ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là một tội và kêu gọi Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động Dân Chủ Nhân Quyền bị cầm tù chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa không phù hợp với đường lối của Đảng Cộng sản.

Còn Việt Nam lại trơ trẽn tuyên bố, họ không giam giữ tù nhân chính trị nào và chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật. Điều mà nhà cầm quyền Việt Nam từ chối thừa nhận là Điều 117 của Bộ luật Hình sự đã vi phạm rõ ràng quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền cơ bản nhất được ghi trong Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Để hiểu tổ chức Human Rights Watch không có bất kỳ mục tiêu chính trị nào trong các báo cáo về nhân quyền, cần biết thêm, HRW đã từng chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ, từng kêu gọi George Bush và Dick Cheney phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Hình sự Quốc tế và các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhân quyền của đất nước mình.

Đã có 4 nhà đấu tranh cho Dân Chủ Nhân Quyền tại VN bị xét xử bất công, bị kêu án, bị giam giữ ngược đãi tính từ đầu năm đến nay.

Ngày 26/06/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken  chính thức công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam. Phúc trình nhắc lại, dù Hiến pháp VN quy định,  mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo nhưng luật của VN lại cho phép họ kiểm soát đáng kể việc hành đạo cũng như có những điều khoản mơ hồ để hạn chế quyền tự do tôn giáo với lý do an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc. Giới chức địa phương được phép ra những quyết định võ đoán về yêu cầu đăng ký và công nhận đối với những nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ phượng mới. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Gần đây, xuất hiện “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, một sự việc chưa từng xảy ra ở VN. Thầy Thích Minh Tuệ tu tập theo Pháp “Hạnh Đầu Đà”, hành trì đầu trần, chân đất đã 6 lần, từ Nam ra Bắc và ngược lại, thu hút hàng trăm người cùng hành trì theo Thầy, hàng vạn người cung bái, đảnh lễ những nơi Thầy đi qua, hàng triệu người theo dõi trên mạng. Thầy không nắm giữ bất cứ quyền lực nào, nhưng lại lan tỏa một sức mạnh cuốn hút vô biên, mang lại sự tương phản rõ rệt so với nhiều “Thầy” đang sa đà trong giấc mộng Chùa to Tượng lớn, với “các lãnh đạo Đảng và Nhà nước” đang ngập ngụa trong tham nhũng và đấu đá trên thượng tầng. “Thế Quyền” và “Giáo Quyền”, có lẽ vì run sợ trước “hiện tượng Thích Minh Tuệ” nên họ có những phản ứng vừa vụng về vừa ngu dốt.

Giáo Hội Phật Giáo VN (Giáo Hội Quốc Doanh – GHQD) trước, rồi Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước sau đều ra thông tri, thông báo với nội dung xúc xiểm mạ lỵ và còn cho rằng Thầy không phải là người “tu hành”, nghĩa là không “đăng ký với nhà nước” “không ở trong tổ chức GHQD” thì không phải là “nhà tu”, thế Tự Do Tôn Giáo ở đâu?. Không có màn trình diễn nào chứng minh “không có tự do tôn giáo ở VN” xuất sắc như màn trình diễn này. Chưa hết, công an VN lại có màn “đỉnh cao” khác, khi chỉ một đêm, làm biến mất toàn bộ Tăng đoàn, trong đó có Thầy Thích Minh Tuệ. Rồi trước áp lực của dư luận, công an CSVN lại cho Thầy lộ diện ở Gia Lai. Chúng nghĩ là thượng sách khi quản thúc Thầy nơi “khỉ ho cò gáy”, nào dè đại chúng từ Bắc chí Nam đã đổ về nơi xa lắc xa lơ tại tỉnh Gia Lai. Các chuyến bay đến tỉnh này bị cháy vé. Nơi đường hoang làng vắng bỗng nhiên nhộn nhịp những đoàn người đủ mọi thành phần. Khách bộ hành, khách xe đò, đường ngắn, đường dài nối đuôi nhau đến Gia Lai, chỉ mong được gặp để chiêm bái và đảnh lễ Thầy. CA CSVN phát hoảng, chúng lại đem “cất”, “giấu” hay đã “thủ tiêu” Thầy. Vẫn đang là một câu hỏi lớn cho sự an nguy của Thầy Thích Minh Tuệ và “Tự Do Tôn Giáo” ở VN.

Trong bản báo cáo của Giám đốc Điều hành HRW, bà Tirana Hassan đánh giá, tình trạng Nhân Quyền, thế giới nói chung, VN nói riêng, tiếp tục tồi tệ, không chỉ đơn thuần bởi sự đàn áp, mà còn cả với việc các chính phủ lựa chọn  ngoại giao kiểu đổi chác (transactional diplomacy). Điều này đã gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi của những ai không trong tầm thỏa thuận của họ. Ngay cả các nước xưa nay vốn tôn trọng nhân quyền đôi khi cũng coi các nguyên tắc nhân quyền cơ bản như là một sự “lựa chọn”, để đổi lại các lợi ích về an ninh, thương mại, chiến lược. Thí dụ như chính quyền của tổng thống Joe Biden vì muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để đối trọng với Trung Cộng mà bỏ qua các hành vi vi phạm nhân quyền của các quốc gia này.

Cũng vậy, nhân quyền Việt Nam tiếp tục tồi tệ. Tình trạng đó không chỉ do Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của “ngoại giao đổi chác”. Chính phủ các nước phát triển, vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.

Trước tình trạng, nhà cầm quyền CSVN ngày càng đàn áp thô bạo, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn, bức hại tôn giáo ngày một tinh vi như chia rẽ và tha hóa các tôn giáo để lũng đoạn. “Hiện Tượng Thích Minh Tuệ” làm nổi rõ sự tha hóa của Phật Giáo. Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành cũng không thoát được các thủ đoạn này.

Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt” không làm cho Hà Nội giảm bớt đàn áp tự do tôn giáo mà Hoa Kỳ cần có những biện pháp chế tài cụ thể hơn. Cần áp dụng Luật Magnitsky đối với những kẻ vi phạm tự do tôn giáo, cần lập danh sách các quan chức ở địa phương cũng như một số chức sắc của các tôn giáo mà lại cấu kết chính quyền đàn áp những người đồng đạo của mình, vào danh sách đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, kể cả vợ con của họ.

Để có sự thay đổi tích cực, một trong những việc làm thiết thực ngay những ngày hôm nay của những người yêu Tự Do Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo và các Quyền Cơ Bản khác mà VN đã ký trong các Công Ước của Liên Hiệp Quốc là cần tích cực vận động Quốc Hội Hoa Kỳ duy trì quyết định xếp VN vào danh sách các nước có nền kinh tế Phi Thị Trường. Hiện nay, Mỹ vẫn coi Việt Nam nằm trong số các nước có nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam, nhất là những bất lợi trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

Ngày 08/05 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường theo yêu cầu của Việt Nam, ngày 26/7/2024, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định sau cùng.

Nhiều Đảng Phái, nhiều hội đoàn, nhiều tổ chức người Việt ở Mỹ đã ký tên, đã kêu gọi Hoa Kỳ nên giữ nguyên quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Nhất Hùng

Thế Sự Luận Đàm

 

 

“Ngoại giao đổi chác” dung túng cho Việt Nam vi phạm nhân quyền

 

Quốc tế ít chú ý đến nhân quyền Việt Nam, dù liên tục bị xếp hạng “không có tự do”