Seite auswählen

Boris Yeltsin giao bản sao Hiến pháp Nga của Tổng thống cho Vladimir Putin,
ngày 31/12/1999 (ảnh Điện Kremlin)

Vài lời giới thiệu của người dịch :

Từ khi Putin hạ lệnh cho quân đội Nga tiến vào xâm lược Ukraine, hầu hết dư luận trên thế giới phản ứng dữ dội và tập trung phê phán kịch liệt tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên ở phía đối ngược lại, dù có chút lạc lõng, nhưng vẫn có những ý kiến bênh vực cho Putin, họ nói rằng nước Nga, với tư cách cường quốc kế thừa Liên Bang Xô Viết , đã bị Phương Tây làm nhục trong một thời gian dài, và giờ đây là thời khắc để “ Gấu Nga” thức dậy và đáp trả lại sự sỉ nhục đó.

 

Những lập luận như vậy có thể đứng vững không? Dưới đây là một bài báo công phu, khách quan và đầy ắp các dữ liệu lịch sử của Jean-Francois Bouthors, nhà báo và nhà văn Pháp, công bố vào đầu tháng 3/2022 trên tạp chí ESPRIT ( một tờ báo có khuynh hướng thiên tả ở Pháp). Tác giả đã chứng minh một cách không thể rõ ràng hơn rằng tâm trạng mặc cảm, cảm thấy bị sỉ nhục của nước Nga, của người Nga là có thật. Nhưng giống như việc Liên Bang Xô Viết sụp đổ hoàn toàn không có sự can dự gì của Phương Tây, trên thực tế người Phương Tây, chưa bao giờ cố tình hay vô ý muốn xỉ nhục hay chọc giận Nga. Tất cả sự nhục nhã ấy có nguyên nhân từ chính những quyết định chính trị của các đời lãnh đạo Nga và những biến động đi kèm với nó. ( Dương Thắng dịch. Nguồn https://esprit.presse.fr/…/la-vraie-nature-de-l… )

*****

Sai lầm của phương Tây không phải là đã sỉ nhục Nga, mà là đã không hiểu được mối nguy hiểm chứa đựng trong cái cảm giác cảm thấy bị sỉ nhục của nước Nga kể từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền.

…….

Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, tất cả các ý kiến đều đồng tình lên án Vladimir Putin. Nhưng ngược với trào lưu đó vẫn còn một số ý kiến đồng tình với cuộc xâm lược này. Những ý kiến này dựa trên lập luận cho rằng Phương Tây đã sỉ nhục nước Nga quá lâu, Nato liên tục khiêu khích chống lại nước Nga. Những khúc nhạc dạng này không phải chỉ bây giờ mới vang lên, nó đã xuất hiện từ khi Phương Tây tiến hành trừng phạt Nga sau khi sát nhập Crime và khuyến khích những cuộc nổi dạy và ly khai ở hai vùng Donetsk và Luhansk ( Và giờ đây tất cả đều thấy rằng những biện pháp trừng phạt đó là quá nhẹ, không tạo ra được ảnh hưởng gì ngoài việc làm sâu sắc thêm cái cảm giác bị sỉ nhục của nước Nga).

Quả thật trong nhiều thập kỷ qua, nước Nga đã phải trải qua những chấn thương nghiêm trọng về địa chính trị và địa lý quốc gia. Trong khi họ được thuyết phục về sự bình đẳng về địa chính trị với Mỹ, họ phải chứng kiến sự tan rã và chia lìa đến từ các quốc gia “anh em” ở Trung Âu. Thách thức đau đớn đầu tiên xuất hiện cùng với sự ra đời của Solidarność, Công đoàn Đoàn kết, một công đoàn tự do đầu tiên của cả khối cộng sản. Bằng cách ban hành tình trạng khẩn cấp vào tháng 12 năm 1981, Tướng Jaruzelski muốn áp chế cuộc nổi dậy hòa bình của người dân Ba Lan nhưng biện pháp này đã nhanh chóng trở nên vô hiệu. Moscou cũng đã không thể dùng vũ lực bóp chết cái khát vọng của người dân Ba Lan muốn tự quyết định vân mệnh của mình giống như họ đã từng làm ở Budapest năm 1956 và ở Praha năm 1968.

Cú sốc về sự tan rã của đế chế

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dẫn đến quyết định khởi xướng cải cách (perestroika) của Mikhail Gorbachev, trong đó thảm họa Chernobyl là một trong số đó. Sự cần thiết cải cách thực ra đã được các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô nhận thức ra từ năm 1983 khi mà Yuri Andropov yêu cầu nhà xã hội học Tatiana Zaslavskaïa tiến hành khảo sát và đệ trình lên ông các báo cáo. Perestroika đã nhanh chóng tạo ra những hiệu ứng domino. Trong khi ở Nga, báo chí “độc lập” liên tiếp công bố những hồ sơ “nhậy cảm”, thì trên đường phố hay ngay cả trên truyền hình ngôn từ trở nên cởi mở bởi được khuyến khích bởi chính sách “glasnost” ( cởi mở/ minh bạch). Các chế độ Trung Âu bắt đầu nghiêng ngả.

Một bàn tròn được tổ chức ở Ba Lan để chính phủ đối thoại với phe đối lập bất đồng chính kiến, việc này đã dẫn các cuộc bầu cử, mà chế độ bán tự do đã không ngăn được làn sóng thủy triều các phiếu bầu dành cho các ứng cử viên của Công Đoàn Đoàn Kết. Một chính phủ mới Solidarność hoàn toàn thống trị đã xuất hiện .Tiếp sau đó, Hungary đã mở ra một lỗ hổng trong Bức màn sắt, làm lung lay chế độ Đông Đức cứng rắn của Erich Honecker, khi mà người dân tìm cách ào ạt bỏ nước ra đi… rồi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989. Tiệp Khắc, sau đó là Romania , và như thế….

Mikhail Gorbachev và một phần của KGB không phải là không có phản ứng gì trong cuộc đua này: đối với nhân vật số một của Liên Xô, mối bận tâm chính yếu là phải làm suy yếu hàng ngũ các kẻ đối địch với những cải cách của ông. Nhưng sự yếu đuối thể hiện rất rõ nét ở ông đã khơi dậy những ham muốn khác và những khao khát khác. Ở các nước Cộng hòa Xô viết vùng Baltic, ở Gruzia, ở Ukraine, ở Caucasus, ở Moldova…bắt đầu xuất hiện những tiếng nói đòi hỏi quyền tự trị và thậm chí độc lập. Những quá khứ đau thương lại hiện về, đi kèm với nó là niềm khao khát tự do muốn được thoát khỏi sự giám sát của Moscow.  

Ở chính nước Nga, thông qua hình tượng của Boris Yeltsin, người ta nhận ra một khát vọng không muốn mình đơn giản chỉ là người Liên Xô mà là muốn khám phá lại một bản sắc lâu đời hơn : Bản sắc Nga. Kết quả là thỏa thuận Belovej (Hiệp ước Minsk), được ký kết vào ngày 8 tháng 12 năm 1991 giữa các tổng thống của các nước cộng hòa Nga, Ukraine và Belarus: Boris Yeltsin, Leonid Kravchuk và Stanislaw Shuchkievich. Ba người này tuyên bố giải thể Liên Xô và phế truất Mikhail Gorbachev một cách nhanh chóng.

Trong vòng mười một năm, đế chế Xô Viết đã tan rã. Nó đã tự chìm xuống. Sức mạnh của “đất nước Xô Viết vĩ đại”, mà những lời tuyên truyền về sự vinh quang của nó chưa bao giờ ngừng ca ngợi cho đến cuối những năm 1980, đã giảm xuống tới mức bằng không . Không có phát súng nào được bắn ra , ngoại trừ những phát súng mà lính Liên Xô bắn ra để chống lại những công dân Liên Xô ở các nước Cộng hòa bày tỏ khát vọng độc lập … Người phương Tây hầu như không liên quan gì đến những biến cố long trời lở đất này và nói thật là chính họ cũng đã không thể tin vào mắt mình. Bản thân họ cũng bị choáng váng bởi những hậu quả trước mắt, chẳng hạn như François Mitterrand đối với việc thống nhất nước Đức.

Đức 1918 – Liên xô 1991: những mất mát tương đương

Đối với người Nga, cú sốc là vô cùng lớn. Điều đã xảy ra với họ, Rất giống với những gì nước Đức đã trải qua sau năm 1918: Liên Xô hùng mạnh đã bị đánh bại, bị đánh bại khi mà không có ai xâm lược họ. Đó là một điều không ai có thể tưởng tượng được. Kết quả của sự sụp đổ này, dẫn đến một sự phụ thuộc chưa từng có vào nửa bên kia của thế giới, cái nửa thế giới mà kể từ đầu cuộc cách mạng Bolshevik luôn được coi là kẻ thù, sự phụ thuộc này là điều không thể chịu đựng được. Quả thực, đó là một sự sỉ nhục vô cùng lớn lao mà sự cẩu thả và ngu xuẩn của những người chủ của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đã gây ra cho họ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hungary cũng đã nếm trải nỗi nhục tương tự như thế này.. Đất nước này đã mất hơn 30% dân số – những người sống trên các lãnh thổ, được sát nhập vào các nước láng giềng theo Hiệp ước Trianon vào năm 1920. Ngay cả ngày nay, chủ nghĩa dân tộc của Viktor Orbán vẫn len lỏi trong các nhóm dân tộc thiểu số Hungary đang sinh sống ở Rumania, Slovakia, Serbia, Ukraine… Trên các vùng đất của Liên Xô cũ , người Nga có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở Ukraine, ở các nước Baltic, ở Belarus, ở Kazakhstan… Đột nhiên, các biên giới quốc gia xuất hiện, đi kèm là những tác động không thể tránh khỏi của sự chia cắt, ít nhất cũng là mang tính biểu tượng. 

Nếu như trong thời Liên Xô cũ , rất nhiều thế hệ được dạy dỗ rằng trên thế giới chỉ có hai loại người, đó là “họ” và “chúng ta”. Và “họ” là khái niệm luôn ám chỉ về một thế giới thù địch. Thế mà giờ đây nhiều người Nga “chúng ta” đột nhiên không còn cảm thấy đang ở nhà, mà là đang ở nhà “họ” (người Ukraine, người Balts, người Gruzia, v.v.). Không hề có một bước chuẩn bị nào cho người Nga để làm quen với điều này, họ ngạc nhiên và cảm khó chịu trước biểu hiện khác nhau của sự phát triển bùng phát của tình cảm dân tộc ở khắp nơi và sự khao khát giành lại độc lập. Đặc biệt là khi phương Tây tỏ ra rất quan tâm đến tương lai của các Quốc gia mới, cũng như của các nước Trung Âu. Đối với các nướcTrung Âu và các nước Baltic (bị sáp nhập theo kết quả của hiệp ước Đức-Xô) người ta đã nhanh chóng chấp nhận rằng họ có thể gia nhập Liên minh Châu Âu và nhận được sự bảo vệ của NATO. Trong tình thế đó Nga chỉ có thể cảm thấy không được yêu thương, bị ghẻ lạnh và bị coi thường.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các nước phương Tây đã không đủ nhậy cảm để cảm nhận được cũng như có biện pháp giải quyết vết thương lòng cực kỳ sâu sắc này.Nỗi cay đắng này lại được khuyếch đại bởi sự tiếp xúc giữa mẫu người Liên Xô cũ với mô hình người tiêu dùng Phương Tây hiện đại.

Một trong những phim truyền hình đầu tiên mà người Nga xem sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ là bộ phim có tựa đề “ Người giàu cũng khóc” , sản xuất năm 1979 ở Mexico, Quảng cáo xuất hiện trên màn hình truyền hình rõ ràng là chỉ nhắm vào nhóm thiểu số nhỏ, những người có đủ năng lực tài chính để thưởng thức những thứ xa xỉ, trong khi đất nước rất nghèo. Sự bất bình đẳng bùng nổ giữa những người được chuẩn bị tốt để bước vào nền kinh tế thị trường – thường là những người có liên hệ với quyền lực và mạng lưới các cơ quan an ninh – và những người hiện đang chìm đắm trong sự khốn khổ của chính mình. Rất nhanh chóng, rõ ràng là các băng đảng “mafia” đã nhanh tay giành lấy phần của họ trong miếng bánh một cách khá dễ dàng hơn vì từ lâu, một mối quan hệ chặt chẽ đã được thiết lập , giữa các nhóm tội phạm và các cơ quan an ninh.

Quân đội, bị suy sụp bởi nạn tham nhũng nên các binh sĩ thường xuyên phải tự xoay sở để làm sao tồn tại được , đa phần cũng đang ở trong tình trạng suy sụp vì lòng tự tôn dân tộc. Thất bại ở Afghanistan (1979-1989) đã chứng minh điều này. Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996), khi mà Yeltsin ngu ngốc nghĩ rằng mình có thể mang lại trật tự cho Caucasus, đã bị thất bại một cách đáng buồn. Và lần này, sự sỉ nhục vô cùng lớn: “Nước Nga vĩ đại”, bị đánh bại bởi một số ít người Chechnya, những người còn theo đạo Hồi. Cúi đầu trước “lũ lừa đen” (theo thuật ngữ khinh miệt của người Nga đối với người Trung Á) – là điều không tưởng tượng nổi!

Do đó, mặc cảm bị sỉ nhục đối với nước Nga là có thật, nhưng đó chỉ là hậu quả của sự phi lý trong chính sách của Liên Xô, chứ không phải là sự khinh thường và thậm chí không phải là một hành động có chủ ý của phương Tây. Quan điểm cho rằng Người Mỹ và Châu Âu cố tình làm nhục nước Nga là hoàn toàn không xác đáng. Nước Nga mà đại diện là Boris Yeltsin nhanh chóng được mời tham dự G7, sau đó là G8 của Tokyo vào năm 1996, theo đề xuất của Jacques Chirac: Nga đã không hề bị bỏ lại bên lề trong hành trình đi đến tương lai của thế giới. Nếu quan tâm, bạn đọc có thể đọc lại biên bản các cuộc họp thượng đỉnh này để hiểu được rằng các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải hành động thận trọng đến mức nào để không làm bẽ mặt Moscow, đồng thời cũng phải cố gắng tránh để những hỗ trợ của họ không bị nuốt chửng trong hố sâu không đáy của tham nhũng…

Đối với sự mở rộng của NATO, cần phải nhắc lại rằng Liên minh Đại Tây Dương là một liên minh phòng thủ và chưa bao giờ có bất kỳ học thuyết quân sự nào nhắm tới việc chủ động xung đột quân sự với Moscow hay xâm nhập vào lãnh thổ Nga. Hơn nữa, lực lượng đóng quân tại các quốc gia gần hoặc giáp biên giới với Nga là ít hơn nhiều so với lực lượng được Nga triển khai để xâm lược Ukraine hiện nay .

Ảo tưởng về « sự kết thúc của lịch sử »

Tuy nhiên, câu hỏi có thể được đặt ra là liệu phương Tây có mắc sai lầm khi không ồ ạt giúp Nga tái thiết chính mình hay không. Đặc biệt là trong khung cảnh khi đã có rất nhiều nỗ lực thực hiện cùng lúc theo hướng này nhằm phục vụ cho lợi ích của các nước Trung Âu. Ý tưởng về Kế hoạch Marshall mới, nhắm vào Nga, thực ra đã được khởi xướng ngay từ năm 1990 với mục đích để giúp Liên Xô chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và dân chủ. George H.W. Bush, khi đó là Tổng thống Hoa Kỳ, đã phản đối điều đó. Michel Camsupers, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã thất vọng về sự phản đối này. Nhưng chúng ta cần phải nhớ lại rằng vào tháng 4 năm 1989, quân đội Liên Xô đã thực hiện một cuộc thảm sát ở Tbilisi, vào năm 1990, giao tranh đã xảy ra ở Nam Ossetia, bởi vì Moscow đã kích động một cuộc nổi dậy ở đó để chống lại mong muốn độc lập của Gruzia, cũng như ở Moldova, Transnistria đang nổi dậy với sự đồng lõa của Điện Kremlin… Vì vậy, đã có lý do những lý do khá rõ ràng để Phương Tây chần chừ không giúp Gorbachev vào thời điểm đó. Vào tháng 1 năm 1991, sự can thiệp mạnh mẽ của quân đội tại Litva, Latvia và Estonia, theo lệnh của Bộ Nội vụ Liên Xô khiến một số người thiệt mạng, càng làm Phương Tây lún sâu thêm vào trạng thái chần chừ và hoài nghi .

Sau khi Liên Xô bị giải thể, liệu Phương Tây đã có thể chọn một cách hành động khác với những gì đã diễn ra trong vòng mấy thập kỷ qua? Một lần nữa, cần nhấn mạnh rằng sự lựa chọn không hề đơn giản. Bạn phải nhìn kỹ vào lịch sử chính trị Nga để hiểu rằng, trong đống đổ nát của chủ nghĩa cộng sản, một “Kế hoạch Marshall” dành cho Nga không phải là một điều hiển nhiên. Nếu nỗ lực lật đổ Gorbachev vào tháng 8 năm 1991 thất bại, đó là vì một số cơ quan an ninh tin rằng không thể quay lại để sống với quá khứ. Điều này không có nghĩa là những người này là những người ủng hộ mạnh mẽ cho nền dân chủ. Vấn đề là họ đã hiểu rằng một thế giới mới đang mở ra và muốn lợi dụng nó để nắm quyền kiểm soát nền kinh tế đất nước và làm giàu cho mình, chắc chắn khi đó họ đã hình dung ra một thứ chủ nghĩa tư bản độc tài theo mô hình do Đặng Tiểu Bình vẽ ra ở Bắc Kinh. Khác với vẻ bề ngoài của các hiện tượng, quá trình Liên Xô bị giải thể không dẫn đến chiến thắng cho Boris Yeltsin và cũng không phải là một thắng lợi của những người theo chủ nghĩa tự do. Choáng váng trước những hiệu ứng bề, hầu hết chúng ta bị thuyết phục bởi luận điểm về “sự kết thúc của lịch sử”, theo một cách hiểu vội vàng được trình bày trong cuốn sách của Francis Fukuyama (1992).

Chắc chắn, Yeltsin đã trả thù được Gorbachev, dẫu rằng Gorbachev chính là người đã triệu tập Yeltsin về Moscow để giúp ông ta rũ bỏ những người Cộng sản ở thủ đô. Nhưng Yeltsin nhanh chóng tin rằng Gorbachev là quá bảo thủ, đã luôn muốn ngăn cản và làm bẽ mặt ông, bởi vì cựu lãnh đạo của Đảng ở Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg) đã chứng minh cho thấy mình không dễ bị kiểm soát. Tuy nhiên, chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm vui được trả thù, tổng thống mới của nước Nga đã ngay lập tức vấp phải sự phản kháng đáng kể về thể chế. Hiến pháp chỉ trao cho ông ta quyền lực hạn chế, trong khi ông ta tin chắc rằng phải khẩn trương đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản. 

Trên trường quốc tế, Yeltsin đang ra sức tìm kiếm sự ủng hộ của người phương Tây thông qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Andrei Kozyrev của ông, và Phương Tây khi đó cũng đang tìm kiếm những cách thức mới để hợp tác với người thừa kế của Liên Xô. Đặc biệt khẩn thiết là cơ chế quản lý trong tương lai các lực lượng hạt nhân được lắp đặt trên lãnh thổ của các nước Cộng hòa đã giành được độc lập, như ở Ukraine, Belarus và các nơi khác. Nhưng những hỗn loạn đang diễn ra trong lòng nước Nga biểu thị một điều gì đó khiến họ cảm thấy nên thận trọng.

Về cấp độ kinh tế, Egor Gaïdar, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, người kiên quyết theo đuổi nền kinh tế thị trường, đã đưa ra một liệu pháp sốc, lấy cảm hứng từ Jeffrey Sachs người Mỹ. Liệu pháp sốc mà Jeffrey Sachs đề xuất đã được thực hiện ở Ba Lan và đã mang tới những thành công đầu tiên. Ý tưởng của Yeltsin và Gaidar là : “ bằng cách nào đó càng nhanh càng tốt để đạt tới điểm mà nước Nga không còn có thể quay lại được nữa”. Cả hai đều lo sợ rằng với một quốc hội (Duma) nơi đám “đầm lầy” thống trị, những người cộng sản và các đồng minh cực đoan của họ sẽ thành công, không chỉ trong việc ngóc đầu lên mà còn giành lại quyền lực. Nhưng nếu lựa chọn lý thuyết này ( của Yeltsin và Gaïdar) có thể khuyến khích người phương Tây muốn viện trợ ồ ạt để ủng hộ quá trình chuyển đổi của Nga, thì tình trạng rối loạn trên thực tế mà đất nước này đang trải qua và bất ổn chính trị liên miên lại đã là một lực hãm mạnh mẽ đối với ý định đó.

“Liệu pháp sốc” này thật khủng khiếp đối với người dân Nga, lạm phát tăng cao, việc cưỡng bức tư nhân hóa tài sản đất nước đã dẫn đến việc một thiểu số nhỏ chiếm đoạt hầu hết tài sản của đất nước. Tham nhũng bùng phát mạnh mẽ và mafia đang tìm kiếm những lĩnh vực lợi nhuận mới. Tất cả những điều này đã khiến cho phe đối lập ngày càng mạnh lên. Rất nhanh chóng, người ta nhận ra tổng thống không có đa số thực sự trong Duma và rằng cuộc cải cách hiến pháp mà ông cho là cần thiết sẽ bị chặn lại. Cuộc tranh cãi giữa tổng thống và quốc hội nhanh chóng leo thang. Nó dẫn đến một cuộc khủng hoảng đầy bạo lực giữa ha inhánh quyền lực, sau đó là cuộc xung đột liên quan tới việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp.

Ngày 21 tháng 9 năm 1993, Yeltsin quyết định giải tán quốc hội, quốc hội đã phản ứng lại bằng cách tuyên bố bãi nhiệm tổng thống và bổ nhiệm Tướng Rutskoy làm nguyên thủ quốc gia lâm thời. Ngày 3 tháng 10, lịch sử chồm lên : các nhóm vũ trang cố gắng chiếm trụ sở truyền hình, các chướng ngại vật được dựng lên trên đường phố Moscow, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi tấn công Điện Kremlin và bắt Yeltsin… ngày hôm sau Yeltsin phản ứng bằng cách ra lệnh tấn công Nghị viện bằng lực lượng đặc biệt. Xe tăng sau đó tấn công “Nhà Trắng”, nơi đặt trụ sở của Duma. Ngày 4 tháng 10, giấc mơ dân chủ của những người bất đồng chính kiến đã bị bóp chết. 

Yeltsin thắng thế, nhưng đã trả giá bằng việc tự biến mình thành một kẻ chịu ơn và sẽ hành động theo sự điều khiển của cơ quan an ninh. Trên thực tế, họ đã nhanh chóng siết chặt điện Kremlin trong vòng kiềm tỏa của mình. Ba năm sau, vào tháng 8 năm 1996, theo lời khuyên của Anatoly Sobchak, thị trưởng thành phố Saint Petersburg, Vladimir Putin, một cựu điệp viên đã trở về từ Dresden ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã gia nhập ekip của Yeltsin. Rất nhanh chóng, ông ta sẽ được thăng hạng: vào tháng 3 năm 1997, ông tham gia bộ máy văn phòng tổng thống để trở thành số hai vài tháng sau đó; năm 1998, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu FSB (Cơ quan An ninh Liên bang), đơn vị kế thừa KGB; năm 1999, ông trở thành Thủ tướng Chính phủ. Cuối cùng, vào ngày 25 tháng 12 năm 1999, Yeltsin tuyên bố từ chức Tổng thống Liên bang Nga và chỉ định Putin là người kế nhiệm. Để đổi lấy trước chức vụ tổng thống được trao từ tay Yeltsin, Putin đã đảm bảo với Yeltsin rằng ông và gia đình sẽ tránh được mọi thủ tục pháp lý và các cuộc điều tra liên quan đến cách mà Yeltsin và gia đình cùng những người thân cận, đã làm giàu cho bản thân trong quá trình nắm giữ chức vụ tổng thống Nga. Và Vladimir Putin đã giữ lời.

Những biến động chính trị liên tiếp xẩy ra trên đất nước Nga đủ sức nặng để làm nẩy sinh mối nghi ngờ về tính hiệu quả của một kế hoạch Marshall mới, một kế hoạch viện trợ rộng lớn nhằm tái thiết nước Nga, đất nước có tương lai dân chủ đang lung lay và một vị tổng thống nát rượu. Cần phải nhắc lại những tình tiết liên quan tới cuộc bầu cử đưa Boris Yeltsin, một người bệnh tật một lần nữa lại là người đứng đầu đất nước vào tháng 7 năm 1996. Chiến thắng này đã được ngụy tạo từ đầu bởi các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt của đất nước, những người lo sợ một chiến thắng của những người cộng sản. Do đó, Nga không có khả năng đưa ra một lời đảm bảo nào rằng khoản viện trợ khổng lồ mà Phương Tây dự kiến trao cho họ sẽ không nhanh chóng bị nuốt chửng trong mạch tham nhũng và độc quyền bởi chế độ mà tính phi dân chủ ngày càng gia tăng. Phương Tây thấy rằng họ phải áp đặt các điều kiện theo dõi nghiêm ngặt cho các khoản viện trợ trong kế hoạch Marshall mới đó. Và người Nga, trong một mặc cảm của kẻ yếu thế đã không thể chấp nhận những điều kiện này và “kế hoạch Marshall mới” đã khai tử từ đó..

Từ thập kỷ nhục nhã đến thập kỷ đáng sợ 

Cuối cùng, thập kỷ hậu Xô Viết đầu tiên hoàn toàn trở thành là một sự sỉ nhục đối với người Nga, những người đã nhìn thấy sự suy tàn của đất nước, vị thế của đất nước Nga của họ đang chìm xuống. Nền dân chủ non trẻ bỗng trở nên đáng ghét, bị buộc tội là nguồn gốc gây ra mọi sự thao túng, tham nhũng và hỗn loạn.. Chính trong tình trạng này, Putin đã tiếp quản nước Nga ( năm 2000). Không khó để chuyển sự tức giận này quay sang chống lại kẻ thù mà cường quốc Liên Xô đã “ chỉ mặt đặt tên “ ròng rã trong suốt bảy mươi năm: Phương Tây, tức là Mỹ và châu Âu. Mọi vết thương của một quá trình chuyển đổi bất thành đã tìm thấy lối thoát của nó ở đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, người phương Tây đã mắc sai lầm, bởi chắc chắn rằng họ đã không hiểu lời cảnh báo trước đây của Solzhenitsyn: “Thời khắc kết thúc của Liên Bang Xô Viết do Lenin tạo dựng đã điểm . Nhưng tòa nhà bằng bê tông của nó vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn . Và chúng ta không được phép, thay vì thoát ra để đi tới tự do, lại bị hủy diệt dưới đống đổ nát của nó”. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự ngạo mạn của George W. Bush, sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã làm trầm trọng thêm phức cảm đầy ám ảnh của nước Nga, đất nước chưa hề lành bệnh sau khi Liên Xô sụp đổ . Những diễn biến tiếp theo của Lịch sử lại càng không khuyến khích người Phương Tây coi Nga, dưới sự cai trị của Putin, là một quốc gia đáng kính như bất kỳ quốc gia nào khác. Thập kỷ thứ hai hậu Xô Viết thật đáng sợ.

Chúng ta cũng phải nhớ thế kỷ 21 bắt đầu như thế nào ở Nga: cuộc chiến tranh thứ hai tàn khốc ở Chechnya, với sự can thiệp ồ ạt của quân đội Nga bắt đầu từ ngày 26 tháng 8 năm 1999, với lý do để đáp trả lại hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố trên đất Nga. Alexander Litvinenko, một sĩ quan FSB đào tẩu , khẳng định rằng FSB phải chịu trách nhiệm cho những vụ giết chóc dã man này . Putin sau đó hứa sẽ “quét sạch những kẻ khủng bố, ngay cả trong nhà vệ sinh”. Litvinenko bị các đặc vụ Nga đầu độc bằng chất polonium ở Anh, vào tháng 11 năm 2006, vài tuần sau khi nhà báo Anna Politkovskaïa, người ghi lại tội ác chiến tranh của quân đội Nga ở Chechnya, bị sát hại tại cầu thang của tòa nhà của cô ấy ở Moscow.

Trước đó, vào ngày 23 tháng 10 năm 2002, vụ bắt con tin một công chúng đến tham dự một buổi biểu diễn dành cho giới trẻ, tại nhà hát Doubrovka, của một nhóm người Chechnya, đã được “ giải quyết” bằng cách sử dụng hơi độc tiêu diệt khủng bố . Kết quả: một trăm hai mươi tám người chết trong số các con tin! Năm 2004, Viktor Yushchenko, ứng cử viên tranh cử tổng thống Ukraine, thân phương Tây, bị nhiễm chất độc dioxin… Được điều trị tại Vienna, ông vẫn trình diện trước lá phiếu của đồng bào. Sau một cuộc bỏ phiếu bị ghi nhận là gian lận đáng kể, Ủy ban Bầu cử , nơi tuyên bố Viktor Yanukovych là người thắng cử, phần lớn bao gồm những nhân vật được Moscow ủng hộ. Đây là thời điểm bắt đầu cuộc Cách mạng Cam. Tòa án Tối cao đã tuyên bố vô hiệu vòng hai của cuộc bầu cử, và một vòng hai mới diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế . Nó đã mang lại chiến thắng rất rõ ràng cho Yushchenko, người mà khuôn mặt vẫn bị biến dạng bởi chất độc. Ở Nga, kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền, các vụ ám sát các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, các vụ bắt bớ và kết án nặng nề đối với những người chống đối – dù lớn hay nhỏ – bởi một hệ thống công lý theo lệnh của quyền lực đã thành công. Các phương tiện truyền thông đã được giám sát chặt chẽ để biến chúng thành công cụ tuyên truyền thực sự. Và vào năm 2015, chính Boris Nemtsov, một nhân vật tiêu biểu của phe đối lập, người đã tố cáo sự thối nát của chế độ và coi việc sáp nhập Crimea là bất hợp pháp, đã bị bắn chết ngay gần Điện Kremlin.

Tất cả những điều này đủ để hiểu rằng lỗi của phương Tây không phải đã làm bẽ mặt hoặc coi thường nước Nga, mà là đã không hiểu được mối nguy mà nước này gây ra kể từ khi Vladimir Putin nắm quyền lãnh đạo. Tuy nhiên,cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine phát động vào tháng 2 năm 2022 đã cho thấy tất cả sự bạo lực và sự khinh miệt đối với tính mạng con người mà chủ nhân của Điện Kremlin có thể gây ra. 

Jean-François Bouthors

Nguồn: La vraie nature de l’humiliation russe | Revue Esprit

Dương Thắng dịch
23-6-2024

Nguồn: https://www.facebook.com/duong.thang.10/posts/pfbid02pGfWHantbfuFGV2sgG672k7BKQLFWwfcwHaHBB1bPYa1