GS Cao Huy Thuần
8 tháng 7, 2024
Giáo sư Cao Huy Thuần, một trí thức Phật giáo của người Việt, vừa qua đời vào đêm 7 Tháng Bảy, tại Pháp, hưởng thọ 87 tuổi.
Giáo sư Cao Huy Thuần sinh ra trong một gia đình trí thức tại Huế năm 1937, học Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy học tại Đại học Huế (1962-1964).
Năm 1964, ông sang Pháp du học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969). Sau đó làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Trước khi nghỉ hưu, ông là giáo sư chính trị học tại Đại học Picardie, Pháp. Bài viết dưới đây là một những lần ông dành thời gian trao đổi cùng Sài Gòn Nhỏ về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam hôm nay.
Bất kỳ ai là người có tín ngưỡng, nhìn về một nước Việt Nam ngổn ngang chuyện đáng buồn của thế hệ Phật giáo trong chế độ vô thần, cũng khắc khoải, thậm chí là hoang mang. Chùa hôm nay thật đẹp, Phật hôm nay thật nguy nga, và chúng sinh quỳ lạy cũng rộn ràng. Nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, rồi vọng đến tương lai lại cảm thấy đời sống Việt Nam như ảo ảnh, có cả điều gì đó như xa rời chân lý.
Nhắm mắt, mà thấy như trong một buổi chiều tàn phai của ánh đạo. Hồi đầu năm tôi gửi cho Thầy – giáo sư Cao Huy Thuần những câu hỏi giận dữ và chất vấn của đời thường – những câu hỏi mà có lúc tôi như hoàn toàn bối rối trước sự nông cạn của mình. Tôi hỏi, như kêu đòi làm sao để nghe được Đức Phật trả lời như ngàn năm trước? Làm sao để thấy mình đang lạc lối? Làm sao để thấy mình được thanh thản như Chu Lợi Bàn Đặc của thành Xá Vệ, chỉ quét chổi đã sạch bụi tâm hồn?
Thật bất ngờ, Thầy không trả lời trực tiếp điều tôi muốn hỏi mà đáp lại bằng một câu chuyện dẫn giải. Và rồi, tôi thấy mình như đứa trẻ được ngồi dưới gần cội Bồ đề để nghe lại lời Phật từ ngàn năm trước. Công án lại mở, và Thầy lại để xuống một trang tĩnh lặng cho thế hệ tôi khao khát bình an, hoan hỉ nhận lấy sự tĩnh lặng bình an – Tuấn Khanh giới thiệu.
Thân gửi anh,
Đây là thư của một Phật tử trả lời một Phật tử, chuyện giữa Phật tử và Phật tử là chuyện tâm tình, lòng người này nói, lòng người kia nghe, chẳng có tai nào khác. Anh và tôi đều cùng chung một tâm sự, tự lòng mình phỏng vấn lòng mình, đâu cần phỏng vấn ai.
Chẳng lẽ chúng ta phỏng vấn ngài Vạn Hạnh? Ngài sẽ trả lời:
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Ấy cũng là lòng chúng ta đấy thôi.
Còn nếu chúng ta phỏng vấn… Đức Phật, anh và tôi đều chắc chắn Ngài sẽ trả lời thế này, Phật tử nào cũng biết, nhưng tôi cũng trích một đoạn dài để cùng đọc lại và gần gũi nhau hơn:
… Rồi Tôn giả Malunkyaputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này.
Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết; Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.
[Phật trả lời:]
Này Malunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm công”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì?”
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp, hay người bậc trung”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là da đen, da sẫm hay da vàng”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau khác”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa”.
Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai”. Này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì.
Cũng vậy, này Malunkyaputta, ai nói như sau: “Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “thế giới là vô thường… (như trên), thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.
Phật giải thích thêm:
Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm thế này thế nọ, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại… Điều ấy, Ta trả lời, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời. Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là trả lời những điều Ta có trả lời.
Tôi chắc Ngài cũng sẽ nói thêm thế này, như chúng ta đã biết:
Điều gì sai, không thích thú, không ích lợi, Phật không nói. Điều gì đúng, thích thú, nhưng không ích lợi gì, Phật cũng không nói. Trái lại, điều gì đúng, có ích, Phật nói vào thời điểm thích hợp, hoàn cảnh thích hợp, dù cho điều đó thích thú hay không đối với người nghe.
Tôi có những câu trả lời anh, mà tôi biết là đúng, nhưng nó có làm cho anh và tôi (và nhiều người khác) thích thú không? Nó có ích hay không có ích? Có làm lật ngược được ván cờ hay không? Có chém được con xe, con pháo, con tốt nào bên kia không?
Nếu vô ích thì cách hữu ích nhất là tự mỗi người rút mũi tên độc ra, trả mũi tên về cho thuốc độc. Đừng than thở. Đức Phật dạy: Đừng than! Hãy làm. Cái đó, đức Phật gọi là hành động. Bao nhiêu, bao nhiêu, vô vàn người đang hành động âm thầm như thế. Âm thầm mà thích ứng với mọi hoàn cảnh. Biết thích ứng thì mọi hoàn cảnh đều tốt. Biết thích ứng và biết mình là mình, không thay đổi, và không ai thay đổi mình được. Như thế là thắp lạc quan cho mình và thắp lạc quan cho nhau. Bởi vì đêm đen nào cũng vẫn có một chút ánh sáng. Ánh sáng của niềm tin.
Trước khi viết thư này cho anh, tôi có hỏi ý kiến một vị Thầy ở trong nước. Trân trọng tình cảm của anh, tôi mạn phép gửi anh vài câu trong thư của Thầy gửi tôi:
“Anh ơi, anh yên tâm. Bồ tát âm thầm thắp đèn nhiều lắm, không phải chỉ những người lớn tuổi, mà rất nhiều người trẻ, kể cả Tăng Ni và Phật tử trẻ, họ cũng âm thầm thắp đèn và họ đang sống với cây đèn trên tay của họ đang thắp. Thầy cũng chia sẻ những bài anh viết đến với những ngọn đèn âm thầm trẻ trung ấy rất nhiều và họ đã nhận ra những châu báu từ những bài viết ấy của anh”. Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, cần sự có mặt của những Phật tử như anh rất nhiều”.
Những Phật tử như anh nữa.
Thân chúc anh mọi sự an lành, thân tâm an lạc.
Cao Huy Thuần