Seite auswählen

HoangChau:

Để nhớ về 4 vị Niên Trưởng năm 2021 : 2 Thầy KQ cố Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, cố Đại Tá Nguyễn Văn Bá (L9-1967),

2 NT cố Trung Tá PĐT Phạm Văn Cần và cố Trung Tá PĐT Nguyễn Quế Sơn đã bay xa về Miền Viễn flying back home năm 2021.

 

Và thành thật cám ơn bài viết tương đối gần chính xác của anh Thanh Giang.

____________________________________________________________________________________________________

 

THÀNH GIANG

(Trích đoạn trong bài PHƯỢNG LONG VỠ TỔ – Của tác giả THÀNH GIANG)

CUỘC DI TẢN BẰNG CARIBOU: 

20 phút trước khi chúng tôi ra ngoài phi đạo tìm phi cơ đi di tản, lúc 9 giờ 50, ngày 29-4-1975, chúng tôi đã nghe một loạt súng nổ ngoài bến đậu phi cơ, tin tức nhanh chóng loan truyền, Thiếu tá Lê-Hồng-Đức, phi công của phi-đoàn Thần-Long 427 C-7A Caribou ở Đà-Nẵng đã di tản về Sài-gòn. Ông đã dùng một chiếc phi cơ C-7A của một phi-đoàn Caribou ở Tân-Sơn-Nhất, định đi di tản, phòng vệ của Sư-đoàn 5 KQ và kỹ thuật đã bắt giữ, họ đã bắn mấy phát đạn chỉ thiên vào đuôi phi cơ bị lủng mấy lỗ. Họ còn bắn vào phi cơ rồi bỏ chạy, một viên đạn làm trúng đùi của một anh lính kỹ-thuật, anh này được dìu ra khỏi phi cơ để băng bó.

Có người thắc mắc, tại sao lại có mặt Trung-tá Nguyễn-Quế-Sơn, cựu phi-đoàn-phó Phi-đoàn 435, C130A trong nhóm hành khách của thiếu-tá Đức C-7A? Là một phi công, cựu phi-đoàn-phó PĐ 435, ông đã lái được nhiều loại phi cơ: C-47, C123K và C130A. Tại sao ông không lái phi cơ C130 thuộc phi-đoàn của ông đi di tản có phải dễ dàng hơn không? Ông lại qua đi nhờ phi cơ C-7A? Còn mấy ông sếp C-7A không lái phi cơ Caribou của mình, lại qua đi nhờ phi cơ C130A, thế mới lạ đời chứ!

Trung-tá Sơn và Thiếu-tá Đức đã xuống nước nhỏ năn nỉ, giải thích, dỗ ngọt, khuyên nhủ họ, ông cho biết: KQ sẽ không giữ được phi trường Tân-Sơn- Nhất. Họ nên đi theo phi cơ di tản về Sư-đoàn 4 KQ ở Cần thơ, khuyên nhủ mãi. Phòng vệ và kỹ thuật đã buông tha cho họ đi di tản. Được phòng vệ cho đi vẫn chưa êm xuôi. Khi di chuyển phi cơ ra phi đạo, họ đã bị một chiếc xe Quân-cảnh và phòng vệ KQ, đã chận đầu phi cơ, bắn mấy phát đạn chỉ thiên, yêu cầu dừng phi cơ lại, mở cửa cho họ lên tàu. Trên phi cơ đã đông nghẹt người di tản, lại phải cho mấy ông Quân cảnh, phòng vệ lên tàu cùng đi theo, phi-hành-đoàn đành phải hốt hết luôn, đầy cả người ngồi xấp lớp dưới sàn phi cơ với trọng tải quá nặng, khiến cho viên phi công quan sát Thọ rất lo lắng, không rời phi cơ được nữa, lỡ có chết chung với nhau cũng vui đấy mà! Nếu số trời đã định như vậy.

Bất đắc dĩ, không có phi công phụ C-7A, Trung-tá Sơn C-130A đã phải làm phi công phụ trên phi-cơ C-7A, một ông phi-công phụ chưa bao giờ học qua Caribou và cũng là lần đầu tiên ông được ngồi trên ghế phi công trong phòng lái C-7A. Trung-tá Nguyễn-Quế-Sơn đang theo học khóa tham mưu cao cấp, ông đã không còn trách nhiệm gì với phi-đoàn 435, C130A nữa. Ông đành phải sang đi nhờ phi cơ C-7A của thiếu-tá Đức và bất đắc dĩ ông phải “bị” làm phi công phụ trên chuyến bay Caribou. Ông Sơn luôn cảm tạ và ghi ơn thiếu tá Đức, người đã cứu ông trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến-tranh VN, giúp cho ông thoát ra khỏi miền Nam VN, tránh bị một cuộc trả thù tàn nhẫn của bên thắng cuộc.

 

Nguyễn-Thành-Trung đã ném bom phá hủy trên phi-đạo, lại thêm CSBV tiếp tục pháo kích làm hỏng các đường bay. Thiếu-tá Đức đã có quá nhiều kinh nghiệm của VC đã phá hủy phi đạo ở Đà-nẳng vào tháng 3 trước đó. Ông di chuyển phi cơ ra đến Taxiway, ông đã quyết định cất cánh ngay trên Taxiway, con đường chỉ giành cho phi cơ di chuyển, đường di chuyển phi cơ Taxiway sẽ an toàn hơn phi-đạo đã bị VC phá hỏng. Chơi độc, ông đã cất cánh ngược chiều với mấy chiếc phi cơ khác, rất nguy hiểm, có thể phi cơ của họ sẽ đụng vào nhau trên không. Nhiều ông phi công vận tải phải la làng, kêu trời không thấu, các ông phi công có tức tối, dù giận dữ, các ông có chửi thề thì cũng tự mình nghe mình chửi.

Thiếu-tá Đức bay theo kiểu cao-bồi, không có nón bay helmet, không cần liên lạc với đài kiểm soát đang vắng mặt nhân viên không lưu, hay giờ này, không cần liên lạc với các phi cơ nào khác, ông cất cánh ngược chiều thiên hạ từ hướng tây sang đông rất nguy hiểm, trong khi tất cả các phi cơ khác đều phải ra phi đạo, cất cánh một chiều ngược lại từ đông sang tây.

Thiếu-tá Đức giữ chặt thắng phi cơ trên Taxiway, đẩy hai động-cơ chạy với công xuất tối đa, phi cơ chồm chồm tới, ông xuống cánh tăng nâng, flaps 1/4, giúp cho việc nâng phi cơ bay lên không nhanh chóng hơn. Nhả thắng, phi cơ chạy nhanh về phía trước và đã cất cánh thật ngắn không quá 300 thước, phi cơ lướt trên đầu mấy chiếc phi cơ đang di chuyển ra phi-đạo, ông nào ông nấy xanh mặt, khi thấy một chiếc phi cơ cất cánh trên đầu mình, họ đã lo sợ phi cơ của thiếu-tá Đức sẽ đâm vào phi cơ của họ, chết thê thảm.

HÌNH ẢNH: lối cất cánh chiến thuật đặc biệt Tactical Departure của vận tải cơ C-7A Caribou. Lúc cất cánh phi cơ đạt hơn 100 feet, phi công có thể quẹo gắt phi cơ tránh né bị pháo kích, hoặc bay lượn lấy cao độ bằng những vòng bay cực nhỏ bên trong không phận tiền đồn an toàn, tránh bị cộng quân bắn hạ. Đó là lý do trong suốt cuộc chiến VN rất hiếm “chim sắt núi rừng Caribou” bị bắn rơi ở tiền đồn.

Đã quen với lối cất cánh chiến-thuật sân ngắn, rất an toàn, nhưng những người chưa từng đi phi cơ Caribou như Trung tá Sơn không khỏi đứng tim, khi nhìn thấy một đoàn phi cơ đang chắn ngang trước mặt, khi mình cần phải cất cánh bay xuyên qua họ. Hay những ông phi công đang di chuyển phi cơ dưới đất, kinh hoàng nhìn thấy một chiếc phi cơ đang chạy cất cánh thẳng về hướng phi cơ của mình.

Đừng Lo lắng quý chiến hữu phi-công! Dĩ nhiên, Thiếu tá Đức rất bình tĩnh, ông đã ước tính và biết chắc chắn, phi cơ của ông sẽ bay lên khỏi những chiếc phi cơ trước mặt ông, với khoảng cách cất cánh ngắn không quá 300 mét và sẽ bay lên cao trong chiều dài 300 thước còn lại, hơn 600 mét đã đủ an toàn cho ông bay qua khỏi những chiếc phi cơ của các bạn, phi cơ của ông sẽ không thể nào đụng vào phi cơ của bạn được đâu! Một cuộc cất cánh táo bạo, nhanh chóng nhưng trong sự an toàn mà các phi công C-7A nào cũng đã trải qua những giây phút kinh hoàng, cất cánh ở những bãi đáp ngắn nhất với những chướng ngại vật núi non trùng điệp của các tiền đồn. Đó là sự khác biệt, rất độc đáo của những con “Đại bàng Sơn-lâm” C-7A, chính những tay thợ săn chim sắt Caribou rất nhanh nhẹn và thiện xạ của CSBV cũng đã không dễ dàng gì bắn hạ được họ, đó là những điều ít ai biết về loại “chim núi Caribou” này. Thiếu-tá Đức áp dụng lối bay chiến-thuật riêng của phi-cơ C-7A Caribou, gọi là cất cánh chiến thuật Tactical Departure, vô bánh đáp xong vài giây khi phi cơ đạt được hơn 100 feet là ông bay lượn ngay phi cơ về bên phải lúc chiếc vận tải cơ lướt qua trạm Kiểm-soát Không-lưu ở phi đạo, ông quẹo rất gắt vào bên trong không phận an toàn của căn cứ Tân-Sơn-Nhất, phi cơ lướt qua hãng Hàng-không Air Việt-nam, rồi bay vào trung tâm thành phố Sài-gòn, bay lượn mấy vòng lấy cao độ bay lên.

Ông cố tìm và nhìn xuống căn nhà của mình, buồn bã với cõi lòng tan nát, chào giã biệt mái ấm gia-đình và vợ con lần cuối, người phi công vừa bay phi cơ, nước mắt ràn rụa, lưng tròng, tiếc nuối cho một gia đình đang êm ấm, đã bị tan vỡ vì chiến tranh. Ông lấy hướng bay về Cần-thơ, Sư-đoàn 4 KQ, Vùng IV CT. Cuối cùng ông đã quyết định, lấy hướng bay thẳng sang Utapao, Thái-lan, đi di tản.

Người phi công VNCH nào cũng đều biết CSBV đã mang phòng không và đặt sẵn các loại hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7B. Họ đang phục kích ở hai đầu phi đạo Tân-Sơn-Nhất, chúng đã cố ý nhằm bắn hạ các loại vận tải cơ chiến đấu AC119G hay AC119K, khi họ cất cánh, với 2 loại phi cơ trang bị vũ khí sát thương hàng loạt này, rất nguy hiểm cho lực lượng Bộ đội của họ.

 

NHỮNG CHIẾC VẬN TẢI CƠ C-7A CÒN TỐT, ĐÃ ĐỂ LẠI Ở TÂN-SƠN-NHẤT.

Phi đoàn 431 của chúng tôi có rất nhiều phi cơ khả dụng, còn tốt, có thể bay được là 9 chiếc, các phi hành-đoàn chỉ lấy đi di tản được có 4 chiếc, một chiếc cất cánh một máy, lủi vào hàng rào phi trường, chỉ còn lại 3 chiếc đi di tản, rất tiếc, có quá nhiều trưởng phi cơ đã có đủ khả năng bay C-7A, nhưng 3 hay 4 ông Trưởng-phi-cơ đã bay chung một chiếc phi cơ, quá uổng phí. Nếu Ban tham mưu phi-đoàn 431 bình tĩnh, sắp xếp nhân sự, chỉ một phi-đoàn 431 C-7A có thể chở rất nhiều gia đình nhân-viên phi-đoàn và phi-đạo cùng đi di tản. Tiếc quá! Có rất nhiều chiếc phi cơ còn tốt của phi-đoàn 431, chúng tôi đã bay hằng ngày đã còn để lại Việt-nam như trong các hình chụp của VC lúc họ cưỡng chiếm bến đậu phi-cơ của Phi-đoàn 431, sáng ngày 30-4-1975 là các chiếc phi cơ: PG764, PP154, PC722, PT725, PA750 và chiếc phi cơ riêng của ông tướng Vùng II CT là chiếc PB170 và 8 chiếc phi cơ hư hỏng đã bị nằm ụ: PD402, PE441, PF591, PM762, PO397, PQ596, PR174 và PS439. Có 4 chiếc C-7A Caribou của VNAF đã nằm ở Bãi Nghĩa Địa Phi-Cơ Hoa-kỳ ở Arizona là các chiếc: PH739 do thiếu tá Nghĩa PĐP của phi-đoàn 431, đã lái sang Utapao, PI 178 của thiếu-tá Thảo TPHQ, PĐ431 lái, còn chiếc PK 384 của đại úy Út, Sĩ Quan An Phi đã lái, không biết hiện giờ nó ở đâu? tại bãi nghĩa địa phi cơ ở Arizona này cũng có 1 chiếc YK của PĐ 427 và 1 chiếc khác của phi-đoàn 429 không nhớ số tàu.

HÌNH ẢNH: CSBV tiến chiếm phi đạo của phi đoàn 431 vào sáng ngày 30-4-1975. Hai chiếc phi cơ C-7A Caribou: PG764 và PP154 vẫn còn nằm trên bến đậu phi cơ.

(Trích đoạn trong bài chính “PHƯỢNG-LONG VỠ TỔ” của tác giả TG).

Thành Giang,

7/17/21

PS:                            1975 Chiếc C-47 MJ bị hư 1 máy, tôi (LHD) lủi nó vô ụ để C-7A di chuyển ra taxiway trước khi VC vào