Mục lục
(Phần 1)
Trân Văn
9-7-2024
Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại đề cập đến… “đột phá” và… “kỳ tích”. Lần này, điểm… “đột phá” là Hưng Yên và nhân vật bày tỏ hy vọng, khuyến khích Hưng Yên tạo ra… “kỳ tích sông Hồng” là ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam [1].
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc – tiền nhiệm của ông Chính – thường xuyên khuyến khích các ngành, các địa phương trở thành… “đầu tàu” và việc hỗ trợ các ngành, các địa phương trở thành… “đầu tàu” vừa là chủ trương, vừa là nền tảng để hoạch định chính sách từ khi ông Phúc làm Thủ tướng cho đến lúc trở thành Chủ tịch Nhà nước thì ông Chính – nhân vật kế nhiệm – lại rất yêu… “đột phá”. Không chỉ động viên các ngành, các địa phương… “đột phá”, ông Chính còn khuyên các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam (FDI) tham gia “đột phá” nếu muốn phát triển tại Việt Nam [2]. Thậm chí ông Chính còn đề nghị những quốc gia khác nên cùng Việt Nam… “đột phá” [3]!
Hiện trạng kinh tế – xã hội Việt Nam mươi năm vừa qua cho thấy các chủ trương, chính sách trong việc tạo ra vô số… “đầu tàu” cùng kéo đoàn tàu Việt Nam vươn tới “bốn phương, tám hướng” nên không những không thể nhúc nhích mà còn… “trật khỏi đường ray” tạo ra hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng!
Đó có thể cũng là lý do Thủ tướng đương nhiệm liên tục nhấn mạnh phải có… “giải pháp đột phá, xoay chuyển tình thế” [4]. Ngoài việc khẳng định các địa phương phải có “tư duy đột phá” như Hưng Yên trong “quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024”, ông Chính còn yêu cầu cả khu vực (ví dụ như Đông Nam bộ)… “tăng tốc đột phá” [5]. Nếu chịu khó theo dõi, hẳn sẽ nhận ra… “đột phá” trở thành phần không thể thiếu trong tư duy của ông Chính. Ông muốn “đột phá” trong mọi lĩnh vực, từ “tư duy đột phá chiến lược” về thể chế [6], đến nhà ở cho công nhân [7]…
Do “đột phá” hiện là then chốt nên cần so với “đầu tàu” cả về hiệu quả lẫn triển vọng…
***
Cùng với “tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu” và “đối ngoại, hội nhập đạt những thành tựu lịch sử”, việc “phát triển hệ thống cao tốc” cũng được xem là “dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2023” nhờ “đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông” [8]. Ông Chính là người tạo ra “dấu ấn nổi bật” ấy!
Cũng trong năm 2023, Bộ Công an Việt Nam gửi cho Bộ GTVT một văn bản, đề nghị hạ cấp cao tốc Cam Lộ – La Sơn vì “cao tốc” ấy chỉ tương đương “đường cấp ba đồng bằng”, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc”.
Sau văn bản vừa đề cập, hai bộ được yêu cầu cùng khảo sát cả cao tốc Cam Lộ – La Sơn lẫn 11 tuyến cao tốc khác và… “Phát hiện bảy đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế… Trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác” [9]… Có thể vì hạ cấp “cao tốc” thành “đường cấp ba đồng bằng” làm giảm số lượng và ấn tượng về “dấu ấn nổi bật” nên chính phủ nhất trí không làm gì cả!
Khoảng bốn tháng sau, hồi trung tuần tháng 2/2024, có thêm ba người trong một gia đình bốn người cùng tử nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn [10]. Dư luận rúng động và trước sự phẫn nộ của công chúng về việc dán nhãn cao tốc cho những tuyến đường thiếu an toàn (hẹp, không có hệ thống chiếu sáng, không có làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách), thiếu tiện nghi (không có trạm nghỉ – nhà vệ sinh),… khiến nhiều người uổng mạng, Bộ GTVT điềm nhiên giải thích, đó là do… cần hoàn thành chỉ tiêu nên hệ thống công quyền nhất trí thực hiện cao tốc theo kiểu “phân kỳ”, chỉ đầu tư vào phần chính để có “cao tốc”, còn phần phụ thì… từ từ mới… tính [11]!
Trước sức ép của dư luận, tháng tư vừa qua, Bộ GTVT công bố một báo cáo, giải thích, muốn nâng cấp các “cao tốc” hiện chỉ có hai làn hoặc bốn làn nhưng thiếu dải dừng xe khẩn cấp, cùng thuộc nhóm cao tốc chưa hoàn chỉnh thì cần phải có hơn 494 ngàn tỉ đồng và đó là điều vừa… “khó khả thi”, vừa “ảnh hưởng mục tiêu hoàn thành 5.000 km cao tốc theo nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra” [12]. Nói cách khác, tuy thừa nhận hệ thống cao tốc hiện nay chưa đạt cả “hiệu quả đầu tư” lẫn “năng lực thông hành” đúng nghĩa và dẫu những yếu tố cốt lõi này cần được “nâng cao” song không thể và cũng không nên nâng bởi đảng đã có “nghị quyết” kèm “chỉ tiêu” cụ thể!
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cách nay vài tuần, ông Phạm Minh Chính khoe “từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 674 km cao tốc, nâng chiều dài cao tốc lên 2.001 km” và tuyên bố sẽ “phát động phong trào thi đua hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trước ngày 31/12/2025” [13].
Việt Nam sẽ ra sao khi liên tục… “đột phá” kiểu đó và tạo ra những… “kỳ tích” như thế?
Chú thích
[6] https://www.youtube.com/watch?v=Sjp9EL500aQ&ab_channel=ĐảngvớiDân
[7] https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-co-buoc-dot-pha-ve-nha-o-cho-nguoi-lao-dong-post1097661.vov
[11] https://dangcongsan.vn/kinh-te/hoan-thien-cao-toc-theo-quy-mo-phan-ky-658197.html
(Phần 2)
Tháng 3 vừa qua, tại cuộc gặp gỡ thường niên với các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam (FDI) ông Phạm Minh Chính cam kết hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam sẽ thực hiện… “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường”.
Cụ thể là: Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp FDI để phát triển ổn định, phát triển theo hướng xanh và xu thế của thời đại. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để doanh nghiệp FDI yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo ổn định an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh và hệ sinh thái chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp FDI.
Đồng thời sẽ: Đột phá về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách. Đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng số, logistics, hạ tầng xã hội. Đột phá về cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ: Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và chính quyền các cấp. Tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, đi đôi với phòng chống tiêu cực, lãng phí. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Trong cuộc gặp gỡ vừa kể, ông Chính đề nghị cộng đồng FDI đóng góp và thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam, với “tinh thần 3 cùng” (Cùng lắng nghe và thấu hiểu. Cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động. Cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển) [1].
Tháng sau (4/2024), khi tham dự một cuộc họp với Ủy ban về Chuyển đổi số của quốc gia, ông Chính tuyên bố: Chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Ông Chính yêu cầu: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chú trọng ba đột phá chiến lược gồm thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số [2].
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không chỉ đưa ra những tuyên bố, cam kết rổn rảng về các loại… “số” giống như ông Chính mà còn ban hành nhiều quy phạm pháp luật để hỗ trợ các tuyên bố, cam kết đó. Một trong những quy phạm pháp luật liên quan đến các loại… “số” được ban hành rất sớm là Luật Công nghệ cao (2008). Luật này xác định, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa là những lĩnh vực “ưu tiên đầu tư, phát triển” [3].
Sau đó, các văn bản quy phạm pháp luật khác như Quyết định số 130/QĐ-TTg hồi 2021, xác lập “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030”, thi nhau khoe sắc như hoa Xuân, với hàng loạt giải pháp như: Hoàn thiện thể chế. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao, nhằm đạt đến những mục tiêu như: Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao. Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ. Hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này [4]…
Cuối cùng kết quả ra sao?
***
Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi ông Chính cam kết hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam sẽ thực hiện… “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường” là hàng loạt “tin đồn” về việc Intel (Mỹ) bỏ ý tưởng gia tăng đầu tư vào Việt Nam để mở rộng việc sản xuất chip. Kế đó là LG Chemistry (Nam Hàn)… Gần đây, những “tin đồn” này đã được xác nhận là chính xác. Ngoài những Intel, LG Chemistry,… còn có AT&S (Áo), Samsung (Nam Hàn), SMC (Nhật),… hoặc ngưng đầu tư thêm vào Việt Nam, hoặc thay đổi địa điểm đầu tư, chuyển dự án từ Việt Nam sang các quốc gia khác như Ba Lan, Indonesia, Malaysia,… Sở dĩ những tập đoàn vừa kể thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam bởi các quy định dẫu đã lỗi thời nhưng vẫn còn hiệu lực khiến Việt Nam từ chối hỗ trợ một phần chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số tập đoàn thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam còn vì thị trường lao động Việt Nam không đủ khả năng cung cấp nhân lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của họ [5].
Khoan bàn về sự khôi hài của những… “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường”, hay… “tinh thần 3 cùng”, rồi… “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030”,… hãy nhìn vào vài số liệu liên quan đến riêng Intel tự nhiên sẽ thấy hậu quả của việc nhiều tập đoàn ngoại quốc thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam trầm trọng đến mức nào. Intel đầu tư vào Việt Nam từ 2006. Tổng sản lượng từ nhà máy của Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM chiếm khoảng 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu. Tính đến 2021, giá trị suất đầu tư của Intel vào Việt Nam là 1,5 tỉ Mỹ kim. Giá trị xuất cảng từ 2010 đến quý 3/2023 đạt 82 tỉ Mỹ kim, tương đương 60% tổng giá trị xuất cảng của Khu Công nghệ cao TPHCM. Ngoài chuyện tạo cơ hội làm việc cho 6.500 người, Intel đã chi 550 tỉ hỗ trợ giáo dục kỹ thuật và đào tạo nhân lực [6]. Suất đầu tư mà Intel vừa quyết định ngưng rót vào Việt Nam để đổ vào Ba Lan trị giá 3,3 tỉ Mỹ kim.
Ngay vào thời điểm này, không chỉ có sự kiện nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ cùng “good bye Vietnam”, chính quyền TP.HCM vừa quyết định minh họa thêm cho sự khôi hài của “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường”, hay… “tinh thần 3 cùng”, rồi… “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030”,… bằng việc “chấm dứt Dự án Công viên Sài Gòn Silicon”. Chủ đầu tư dự án này được cấp 52 héc ta đất được ví von là “vàng” trong Khu Công nghệ cao TP.HCM để tạo ra “Saigon Silicon City” giống như Silicon Valley ở Bắc California – Mỹ, nơi sẽ là “đô thị thông minh”, có thể cung cấp cả hạ tầng lẫn tiện ích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Chủ đầu tư “Saigon Silicon City” tổ chức động thổ năm 2016 rồi bỏ 52 héc đất ấy nuôi cỏ [7]. Nhiều người tin rằng, việc thu hồi giấy phép đầu tư “Dự án Công viên Sài Gòn Silicon” chỉ là bước khởi đầu trong việc phải xử lý hậu quả của chủ trương và các quy phạm pháp luật nhân danh các loại… “số” để… “đột phá”!
Nhìn chung, “đột phá” hay “tầm nhìn” đều… vi diệu, không dễ hiểu như lẽ ra phải thế!
Chú thích
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-cong-nghe-cao-2008-21-2008-QH12-82201.aspx
[6] https://baochinhphu.vn/intel-tiep-tuc-dau-tu-vao-viet-nam-102231108152203723.htm