Mục lục
22 hội đoàn kêu gọi Mỹ không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
10.07.2024
Người Việt
WASHINGTON, DC (NV) – Hơn 20 hội đoàn, đa số là người Mỹ gốc Việt, vừa gởi thư đến Tổng Thống Joe Biden, hôm Thứ Ba, 9 Tháng Bảy, kêu gọi không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vì nhiều lý do liên quan đến tiền tệ, lao động, đầu tư, tham nhũng, nhân quyền, và quan hệ với Trung Quốc, theo lá thư gởi đến nhật báo Người Việt trong cùng ngày.
“Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối lo ngại sâu sắc liên quan đến việc nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam yêu cầu được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường,” lá thư do đại diện 22 hội đoàn Việt Nam, một hội đoàn người Khmer, và một hội đoàn người Philippines, ký tên mở đầu như thế.
Hiện nay, có 12 quốc gia – Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan – nằm trong danh sách có nền kinh tế phi thị trường (NME) của Bộ Thương Mại Mỹ.
Theo các hội đoàn viết thư gởi Tổng Thống Joe Biden, hôm 29 Tháng Giêng, Dân Biểu Rosa L. DeLauro (Dân Chủ-Connecticut), cùng với 24 dân biểu Hạ Viện Mỹ, gửi một lá thư đến bà Gina Raimondo, bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ, kêu gọi bác bỏ yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc xem xét hoàn cảnh kinh tế thay đổi (CCR) để được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Thêm vào đó, Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) và Thượng Nghị Sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) đã khởi xướng một lá thư cùng với sáu thượng nghị sĩ khác gửi đến Bộ Trưởng Raimondo về vấn đề này.
Gần đây nhất, hôm 21 Tháng Sáu, 37 dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ, thuộc lưỡng đảng trong Ủy Ban Thép, cũng gửi thư đến Bộ Trưởng Raimondo, cho rằng việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là “quá sớm và không chính đáng.”
Theo 22 hội đoàn viết thư, những lá thư của các vị dân cử nêu rõ sáu yếu tố pháp lý theo Đạo Luật Thuế Quan mà Bộ Thương Mại phải xem xét trong bất kỳ yêu cầu CCR nào, và thực tế cho thấy Việt Nam không đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào để được công nhận là nền kinh tế thị trường, vì các lý do:
1-Thiếu khả năng hoán đổi ngoại tệ – Tỷ giá hối đoái do Ngân Hàng Nhà Nước xác định. Việt Nam đang nằm trong danh sách “cần giám sát tiền tệ” của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ.
2-Mức lương không được ấn định do tự do thương lượng giữa người lao động và ban điều hành công ty – Người lao động ở Việt Nam không thể thành lập nghiệp đoàn lao động độc lập để thương lượng về tiền lương và bảo vệ quyền của họ. Lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và các vi phạm quyền lao động khác vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
3-Việc liên doanh và đầu tư còn bị nhiều hạn chế – Chính phủ kiểm soát chặt chẽ đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong khi thúc đẩy sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của FDI.
4-Chính phủ kiểm soát các phương tiện sản xuất – Các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi và tiếp cận các nguồn lực ở mọi cấp chính quyền.
5-Chính phủ kiểm soát việc phân bổ các nguồn lực – Với quyền sở hữu hoàn toàn lãnh vực ngân hàng, chính phủ kiểm soát giá cả và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước.
6-Các yếu tố bổ sung cần được xem xét – Tham nhũng về tài chính, pháp quyền yếu kém, tham nhũng trong hệ thống tư pháp và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc.
“Chúng tôi là các hội đoàn đấu tranh trong cộng đồng, quan tâm đến các vấn đề về quyền tự do thương lượng các điều kiện lao động, tình trạng pháp quyền yếu kém, tham nhũng tràn lan và nhân quyền,” lá thư của 22 hội đoàn cho biết như thế.
Họ cho biết thêm: “Việt Nam không có nghiệp đoàn do người lao động thành lập. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (VGCL) là một tổ chức do đảng CSVN kiểm soát, không bảo vệ được quyền của người lao động. Nhiều sự việc được báo cáo về người lao động Việt Nam bị các chủ nhân nước ngoài, đặc biệt là chủ nhân Trung Quốc, ngược đãi, bao gồm hành hung, điều kiện làm việc khắc nghiệt và không an toàn, tiền lương không được trả khi các công ty đột ngột rời khỏi Việt Nam, chậm trả lương và cắt bỏ tiền thưởng. Trong những trường hợp này, VGCL không hỗ trợ người lao động Việt Nam để có được sự đối xử công bằng từ các công ty nước ngoài.”
“Hơn nữa, trong hai năm qua, Việt Nam bị nhiều vụ bê bối tài chính và tham nhũng ảnh hưởng bởi, chủ yếu mang lại lợi ích cho các quan chức cấp cao. Tình trạng tham nhũng này làm cạn kiệt nguồn lực quốc gia, cướp đi tiền tiết kiệm của người dân và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam,” đại diện 22 hội đoàn cho biết tiếp.
Họ cho biết thêm: “Vào Tháng Chín, 2023, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên cái gọi là ‘Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện.’ Tuy nhiên, ngay sau diễn biến lịch sử này, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Nhiều nhà hoạt động bị bắt và bị tuyên án tù dài hạn theo luật an ninh mơ hồ, khiến nhà cầm quyền bị các tổ chức nhân quyền lên án. Chính sách ‘lợi ích để tạo thay đổi’ của Hoa Kỳ dường như là một chiều, với một nhóm thiểu số có liên hệ với đảng CSVN tích lũy được khối tài sản khổng lồ trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, trong khi phần lớn dân số vẫn tiếp tục vật lộn với những nhu cầu cơ bản.”
Các hội đoàn ký tên vào thư gởi Tổng Thống Biden kết luận: “Với những vấn đề nghiêm trọng này, chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi tổng thống không nên cấp quy chế kinh tế thị trường cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào thời điểm này. Chính phủ Việt Nam phải đạt được những tiến bộ đáng kể về quyền lao động, diệt trừ tham nhũng, tăng cường pháp quyền, và cải thiện quyền con người trước khi được xem xét cấp quy chế kinh tế thị trường. Nếu không có những cải cách có ý nghĩa ở Việt Nam, việc cấp quy chế kinh tế thị trường sẽ không mang lại lợi ích cho cả người dân Mỹ lẫn người dân Việt Nam.”
Các hội đoàn ký tên vào thư bao gồm: Đảng Việt Tân; Hội Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam; Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa; Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ; Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dayton, Ohio; Cộng Đồng Việt Nam Tại Massachusetts; Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận; Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Hạt Los Angeles; Cộng Đồng Việt Nam San Diego; Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Hawaii; Liên Minh Dân Chủ Việt Nam; Đảng Nhân Bản Xã Hội; Captien Forum; Họp Mặt Dân Chủ; Hội Anh Em Dân Chủ; Me Boun Foundation; US Filipinos For Good Governance; Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Stockton, Quận San Joaquin, California; Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai; Hội Người Việt Cao Niên Quận San Joaquin, California; và Hội Đền Hùng Vương Hawaii; và TNT Media Live và National Viet Radio.
Ngoài Tổng Thống Joe Biden, bản sao lá thư của các hội đoàn cũng được gởi tới bà Gina Raimondo và ông Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ. (Đ.D.)
NV Joe Đỗ Vinh của Garde Grove kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường
GARDEN GROVE, California (NV) – Nghị Viên Joe Đỗ Vinh (Địa Hạt 4) của Garden Grove hôm Thứ Năm, 11 Tháng Bảy, vừa gửi thư cho Tổng Thống Joe Biden, kêu gọi ông công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, theo lá thư mà nhật báo Người Việt có được.
Vị dân cử gốc Việt này gởi thư đến Tòa Bạch Ốc hai ngày sau khi có hơn 20 hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam cũng gởi thư đến nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu làm điều ngược lại với ông Đỗ Vinh, đó là không đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường (NME).
“Là dân cử đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ và hải ngoại, chúng tôi viết thư này kêu gọi Hoa Kỳ cấp Quy Chế Kinh Tế Thị Trường cho Việt Nam,” Nghị Viên Joe Đỗ Vinh viết. “Sau những thành công mỹ mãn gần đây trong bước tiến ngoại giao của Hoa Kỳ, nâng cao quan hệ đến đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, chúng ta không nên quay ngược thời gian, trở lại với não trạng Chiến Tranh Lạnh và chính sách cô lập vì làm như thế chỉ ảnh hưởng xấu đến lợi ích chung mà không mang lại những tiến bộ thật sự hay thay đổi cụ thể.”
Ông viết thêm: “Chúng tôi yêu cầu Tòa Bạch Ốc và các bộ trong Nội Các, bao gồm Bộ Ngoại Giao và Bộ Thương Mại, chuyển đổi Việt Nam khỏi kinh tế phi thị trường như đã được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) đề nghị.”
Ông Đỗ Vinh cũng cho rằng “…phản đối quan hệ hữu nghị Mỹ-Việt đã đưa ra những lý luận ảo, đòi hỏi cải cách xã hội và chính trị dẫu gây thiệt hại cho tiến trình phát triển kinh tế – thật không thuyết phục và chẳng bổ ích!”
Ông kết luận: “Việt Nam đang đi dây với chính sách ‘ngoại giao cây tre” (bốn không) nhưng đồng thời mong muốn trở thành đối tác mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là xu hướng đáng được Hoa Kỳ khuyến khích và ủng hộ với việc cấp Quy Chế Kinh Tế Thị Trường cho Việt Nam.”
Hôm Thứ Ba, 9 Tháng Bảy, hơn 20 hội đoàn gởi thư đến Tổng Thống Joe Biden, kêu gọi không cấp Quy Chế Kinh Tế Thị Trường cho Việt Nam vì nhiều lý do liên quan đến tiền tệ, lao động, đầu tư, tham nhũng, nhân quyền, và quan hệ với Trung Quốc.
Hiện nay, theo Bộ Thương Mại Mỹ, có 12 quốc gia – Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan – nằm trong danh sách NME của Hoa Kỳ.
Ngoài Tổng Thống Joe Biden, Nghị Viên Joe Đỗ Vinh cũng gửi thư đến bà Gina Raimondo, bộ trưởng Bộ Thương Mại Mỹ, và ông Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Theo dự trù, vào ngày 26 Tháng Bảy tới đây, Bộ Thương Mại Mỹ sẽ công bố là Việt Nam có được đưa ra khỏi danh sách NME hay không. (Đ.D.)