Seite auswählen

 

 

 Nguồn: Robert A. Pape, “Hamas Is Winning”, Foreign Affairs, 21/06/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Nghiên Cứu Quốc Tế

Chín tháng không kích và tác chiến mặt đất tại Gaza, Israel vẫn không đánh bại được Hamas, và cũng chưa tiến gần tới việc tiêu diệt hoàn toàn nhóm khủng bố này. Trái lại, xét theo những tiêu chí quan trọng, Hamas đang mạnh hơn so với thời điểm ngày 7 tháng 10.

Kể từ cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái, Israel đã xâm chiếm miền Bắc và miền Nam Gaza với khoảng 40.000 quân, buộc 80% dân số phải di dời, giết chết hơn 37.000 người, thả ít nhất 70.000 tấn bom xuống lãnh thổ này (vượt tổng trọng lượng bom ném xuống London, Dresden và Hamburg trong toàn bộ Thế chiến II), phá hủy hoặc làm hư hại hơn một nửa số tòa nhà ở Gaza, và hạn chế khả năng tiếp cận nước, thực phẩm và điện của Gaza, đẩy toàn bộ dân số đến bờ vực của nạn đói.

Mặc dù nhiều nhà quan sát đã nhấn mạnh sự vô đạo đức trong hành vi của Israel, các nhà lãnh đạo Israel vẫn luôn khẳng định rằng mục tiêu đánh bại Hamas và làm suy yếu khả năng phát động các cuộc tấn công mới chống lại thường dân Israel phải được ưu tiên hơn bất kỳ mối quan ngại nào về sinh mạng của người Palestine. Sự trừng phạt đối với người dân Gaza phải được chấp nhận là cần thiết để tiêu diệt sức mạnh của Hamas. 

Nhưng nhờ cuộc tấn công của Israel, sức mạnh của Hamas thực sự đang tăng lên. Cũng giống như Việt Cộng đã lớn mạnh hơn trong các chiến dịch “tìm và diệt” lớn tàn phá phần lớn miền Nam Việt Nam vào năm 1966 và 1967 khi Mỹ đổ quân vào nước này trong một nỗ lực vô ích cuối cùng nhằm xoay chuyển tình thế chiến tranh theo hướng có lợi cho mình, Hamas vẫn ngoan cường và đã phát triển thành một lực lượng du kích nguy hiểm ở Gaza – với việc nối lại các chiến dịch chết người ở các khu vực phía Bắc được cho là đã bị Israel san bằng chỉ vài tháng trước.

Sai lầm trung tâm trong chiến lược của Israel không phải là thất bại về chiến thuật hoặc việc áp đặt các hạn chế đối với lực lượng quân sự – giống như thất bại của chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam không liên quan nhiều đến trình độ kỹ thuật của quân đội hoặc các giới hạn chính trị và đạo đức đối với việc sử dụng quyền lực quân sự. Thay vào đó, thất bại lớn nhất là sự hiểu lầm nghiêm trọng về nguồn gốc sức mạnh của Hamas. Tự gây bất lợi lớn cho chính mình, Israel đã không nhận ra rằng sự tàn sát và tàn phá mà họ gây ra ở Gaza chỉ khiến kẻ thù của họ mạnh hơn.

Tập trung vào số kẻ thù bị chết là sai lầm

Trong nhiều tháng, các chính phủ và nhà phân tích đã tập trung vào số lượng chiến binh Hamas bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiêu diệt như thể thống kê này là thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của chiến dịch chống lại nhóm này của Israel. Chắc chắn là nhiều chiến binh Hamas đã bị giết. Israel cho biết 14.000 trong số khoảng 30.000 đến 40.000 chiến binh mà Hamas có trước chiến tranh hiện đã chết, trong khi Hamas khẳng định họ chỉ mất 6.000 đến 8.000 chiến binh. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết số người thiệt mạng thực sự của Hamas là khoảng 10.000 người.

Tuy nhiên, việc tập trung vào những con số này khiến việc đánh giá thực sự sức mạnh của Hamas trở nên khó khăn. Bất chấp tổn thất, trên thực tế, Hamas vẫn kiểm soát các vùng rộng lớn ở Gaza, bao gồm cả những khu vực tập trung dân thường. Nhóm này vẫn nhận được sự hỗ trợ to lớn từ người dân Gaza, cho phép các chiến binh chiếm đoạt nguồn cung cấp nhân đạo gần như theo ý muốn và dễ dàng quay trở lại các khu vực trước đây đã bị lực lượng Israel “dọn dẹp”. Theo đánh giá gần đây của Israel, Hamas hiện có nhiều chiến binh hơn ở các khu vực phía bắc Gaza, nơi IDF chiếm giữ vào mùa thu với cái giá là hàng trăm binh sĩ đã thiệt mạng, so với ở Rafah ở phía nam.

Hamas hiện đang tiến hành một cuộc chiến tranh du kích, bao gồm các cuộc phục kích và việc sử dụng các loại bom tự chế (thường được làm từ bom đạn chưa nổ hoặc vũ khí IDF bị thu giữ). Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây đã nói rằng các chiến dịch này có thể kéo dài ít nhất đến cuối năm 2024. Hamas vẫn có thể tấn công Israel; họ có khả năng huy động khoảng 15.000 chiến binh – gấp khoảng 10 lần số chiến binh đã thực hiện các cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10. Hơn nữa, hơn 80% mạng lưới đường hầm ngầm của nhóm này vẫn có thể sử dụng để lập kế hoạch, cất giữ vũ khí và trốn tránh sự giám sát, bắt giữ và tấn công của Israel. Hầu hết các lãnh đạo hàng đầu của Hamas ở Gaza vẫn còn nguyên vẹn. Tóm lại, cuộc tấn công nhanh chóng của Israel vào mùa thu đã nhường chỗ cho một cuộc chiến tiêu hao mệt mỏi, khiến Hamas có khả năng tấn công dân thường Israel ngay cả khi IDF tiếp tục chiến dịch ở miền nam Gaza.

Những chiến dịch chống du kích thất bại trong quá khứ thường tập trung vào việc đếm số lượng kẻ thù bị tiêu diệt. IDF hiện đang tham gia vào trò chơi đập chuột (whack-a-mole) quen thuộc vốn khiến quân đội Mỹ sa lầy ở Afghanistan trong nhiều năm. Sự chú ý mù quáng vào số lượng thương vong có xu hướng gây nhầm lẫn giữa thành công chiến thuật và chiến lược, đồng thời bỏ qua các thước đo quan trọng cho thấy liệu sức mạnh chiến lược của đối phương có đang tăng lên hay không ngay cả khi tổn thất trước mắt của Hamas đang tăng lên. Đối với một nhóm khủng bố hoặc nổi dậy, nguồn sức mạnh chính không phải là quy mô của thế hệ chiến binh hiện tại mà là tiềm năng thu hút những người ủng hộ từ cộng đồng địa phương trong tương lai.

Nguồn gốc sức mạnh

Sức mạnh của một nhóm chiến binh như Hamas không đến từ các yếu tố vật chất điển hình mà các nhà phân tích thường sử dụng để đánh giá sức mạnh của các quốc gia – bao gồm quy mô nền kinh tế, trình độ công nghệ của quân đội, mức độ hỗ trợ từ bên ngoài và sức mạnh của hệ thống giáo dục. Thay vào đó, nguồn sức mạnh quan trọng nhất của Hamas và các nhóm phi nhà nước khác thường được gọi là “khủng bố” hoặc “nổi dậy” là khả năng tuyển mộ, đặc biệt là khả năng thu hút các thế hệ chiến binh và đặc vụ mới, những người thực hiện các chiến dịch chết người của nhóm và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Và khả năng tuyển mộ đó, về cơ bản, bắt nguồn từ một yếu tố duy nhất: quy mô và cường độ ủng hộ mà một nhóm nhận được từ cộng đồng xung quanh.

Sự ủng hộ của cộng đồng cho phép một nhóm khủng bố bổ sung lực lượng, có được tài nguyên, tránh bị phát hiện và nhìn chung có nhiều khả năng tiếp cận các nguồn lực con người và vật chất cần thiết để huy động và duy trì các chiến dịch bạo lực chết người. Hầu hết những kẻ khủng bố, bao gồm cả các nhóm Hồi giáo ở Trung Đông, đều là những tình nguyện viên tự nguyện, thường là do tức giận vì mất người thân hoặc bạn bè, hoặc nói chung là phẫn nộ trước việc một nhà nước mạnh sử dụng vũ lực quân sự nặng nề. Những người này thường tìm tới những nhà tuyển mộ mà danh tính của họ hoàn toàn có thể dễ dàng bị tiết lộ cho lực lượng an ninh nếu không có sự sẵn lòng bảo vệ của các thành viên cộng đồng. Các nhóm khủng bố có xu hướng chiến đấu bằng vũ khí được chế tạo lại từ vật liệu dân sự hoặc thu giữ từ lực lượng an ninh nhà nước, thường là với thông tin tình báo và hỗ trợ từ các thành viên của cộng đồng địa phương.

Quan trọng nhất, sự ủng hộ của cộng đồng là cần thiết để nuôi dưỡng tâm thức sùng bái tử vì đạo. Mọi người ít có khả năng tình nguyện tiến hanh các nhiệm vụ có mức độ nguy hiểm cao nếu sự hy sinh của họ không được chú ý. Một cộng đồng vinh danh những chiến binh chết trận của một nhóm khủng bố sẽ giúp duy trì sự sinh tồn của nhóm đó; sự tử vì đạo hợp pháp hóa các hành động khủng bố và khuyến khích sự gia nhập của các tân binh. Những kẻ khủng bố sẽ hành động theo cách họ thấy phù hợp, nhưng chính cộng đồng xung quanh cuối cùng mới quyết định xem sự hy sinh của một cá nhân có được coi trọng hay không, hay liệu nó có được xem rộng rãi là phi lý, tội phạm và đáng bị khinh miệt hay không.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhóm khủng bố thường cố gắng hết sức để lấy lòng cộng đồng địa phương. Bằng cách gắn kết vào các tổ chức xã hội, như trường học, trường đại học, tổ chức từ thiện và các hội đoàn tôn giáo, các nhóm khủng bố trở thành một phần của kết cấu cộng đồng, có khả năng giành được nhiều tân binh và sự ủng hộ của những người không tham gia chiến đấu.

Nhiều ví dụ thể hiện rõ những động lực này. Hezbollah phát triển mạnh mẽ với sự ủng hộ ngày càng tăng của người Hồi giáo dòng Shiite trong thời gian Israel chiếm đóng miền nam Lebanon từ năm 1982 đến 1999, phát triển từ một nhóm khủng bố bí mật nhỏ thành một đảng chính trị chính thống với một cánh vũ trang khoảng 40.000 chiến binh ngày nay. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng đã thúc đẩy các chiến dịch khủng bố kéo dài của nhóm Những con hổ Tamil (Tamil Tigers) ở Sri Lanka, Con đường Tỏa sáng (Shining Path) ở Peru, Đảng Công nhân Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Taliban ở Afghanistan, và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và al Qaeda ở nhiều quốc gia khác.

Mất đi sự ủng hộ của cộng đồng có thể là thảm họa đối với các nhóm khủng bố. Sau cuộc chiếm đóng Iraq của Mỹ vào năm 2003, số lượng chiến binh trong cuộc nổi dậy của người Sunni đã tăng từ 5.000 vào mùa xuân năm 2004 lên 20.000 vào mùa thu năm 2004 và lên 30.000 vào tháng 2 năm 2007, theo ước tính của Mỹ. Mỹ càng giết nhiều người, cuộc nổi dậy càng phát triển nhanh hơn. Thật vậy, cuộc nổi dậy không sụp đổ cho đến khi Mỹ chuyển sang một cách tiếp cận mới, đưa ra các ưu đãi chính trị và kinh tế để khuyến khích các bộ lạc Sunni chống lại những kẻ khủng bố. Sự thay đổi đó cuối cùng đã làm suy yếu cuộc nổi dậy, vì việc mất đi sự ủng hộ của cộng đồng địa phương đã dẫn đến sự đào ngũ hàng loạt, thông tin tình báo hiệu quả và sự trỗi dậy của các lực lượng đối lập Sunni được gọi là Anbar Awakening. Đến năm 2009, cuộc nổi dậy hầu như đã sụp đổ vì một lý do chính: việc mất đi sự ủng hộ của cộng đồng khiến những kẻ khủng bố không thể bổ sung lực lượng của mình.

Thuyết phục nhân tâm

Những động lực này giúp giải thích cho sức mạnh bền bỉ của Hamas trong cuộc chiến với Israel. Để đánh giá sức mạnh thực sự của Hamas, các nhà phân tích nên xem xét các khía cạnh khác nhau từ sự ủng hộ của người Palestine đối với nhóm này. Những điều này bao gồm mức độ phổ biến của nhóm so với các đối thủ chính trị, mức độ mà người Palestine coi bạo lực của Hamas đối với thường dân Israel là có thể chấp nhận được và bao nhiêu người Palestine đã mất người thân trong cuộc xâm lược Gaza đang diễn ra của Israel. Những yếu tố này, hơn cả những yếu tố vật chất, là thước đo tốt nhất về sức mạnh của Hamas để họ có thể tiến hành một chiến dịch khủng bố kéo dài trong tương lai.

Các cuộc khảo sát về quan điểm của người Palestine có thể giúp đánh giá mức độ ủng hộ của cộng đồng đối với Hamas. Để giải quyết những thách thức trong việc khảo sát dân số ở Gaza kể từ ngày 7 tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát và Chính sách Palestine (PSR), một tổ chức khảo sát được thành lập năm 1993 sau hiệp định Oslo và có hợp tác với các tổ chức của Israel, đã tiến hành các cuộc phỏng vấn những người vô gia cư trong các khu trú ẩn tạm thời và đã có gần gấp đôi số lượng người đã được phỏng vấn so với thông thường do sự phân bổ dân số không chắc chắn và liên tục thay đổi trên vùng lãnh thổ.

Năm cuộc khảo sát của PSR từ tháng 6 năm 2023 đến cuộc khảo sát gần đây nhất, hoàn thành vào tháng 6 năm 2024, cho thấy một phát hiện đáng chú ý: trên hầu hết mọi thước đo, Hamas ngày nay nhận được nhiều sự ủng hộ của người Palestine hơn so với trước ngày 7 tháng 10.

Sự ủng hộ chính trị dành cho Hamas đã tăng lên, đặc biệt là so với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, mặc dù Hamas và đối thủ chính của họ, Fatah, nhận được mức ủng hộ gần như tương đương vào tháng 6 năm 2023, nhưng đến tháng 6 năm 2024, số người Palestine ủng hộ Hamas đã tăng gấp đôi (40% so với 20% của Fatah).

Việc Israel ném bom và xâm lược Gaza đã không làm giảm sự ủng hộ của người Palestine đối với các cuộc tấn công chống lại thường dân Israel bên trong Israel cũng như không hề làm suy giảm sự ủng hộ rõ rệt đối với chính cuộc tấn công ngày 7 tháng 10. Vào tháng 3 năm 2024, 73% người Palestine tin rằng Hamas đã đúng khi phát động cuộc tấn công ngày 7 tháng 10. Những con số này cực kỳ cao, không chỉ sau khi các cuộc tấn công thúc đẩy chiến dịch tàn bạo của Israel mà còn vì thực tế là con số thấp hơn, 53%, người Palestine ủng hộ các cuộc tấn công vũ trang vào dân thường Israel vào tháng 9 năm 2023.

Hamas đang tận hưởng khoảnh khắc “tập hợp quanh ngọn cờ lý tưởng”, giúp giải thích tại sao người dân Gaza không cung cấp thêm thông tin tình báo cho lực lượng Israel về nơi ở của các thủ lĩnh Hamas và các con tin Israel. Sự ủng hộ dành cho các cuộc tấn công vũ trang chống lại thường dân Israel dường như đã tăng lên, đặc biệt là trong số những người Palestine ở Bờ Tây, hiện ngang bằng với mức độ ủng hộ cao liên tục đối với các cuộc tấn công này ở Gaza, cho thấy Hamas đã đạt được nhiều lợi ích trên toàn xã hội Palestine kể từ ngày 10 tháng 7.

Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy chiến dịch quân sự của Israel đã ảnh hưởng đến người Palestine như thế nào. Tính đến tháng 3 năm 2024, sức nặng tới từ cái giá mà cuộc chiến gây ra đối với người dân Palestine là rất cao. 60% người Palestine ở Gaza cho biết có một thành viên trong gia đình thiệt mạng trong cuộc chiến hiện tại, trong khi hơn 3/4 cho biết có một thành viên trong gia đình bị giết hoặc bị thương, cả hai con số đều cao hơn đáng kể so với tháng 12 năm 2023. Hình phạt này không có tác dụng răn đe đáng kể đối với những người Palestine ở Gaza. Người Palestine, không giảm bớt sự ủng hộ của họ đối với các cuộc tấn công vũ trang chống lại thường dân Israel và sự ủng hộ của họ đối với Hamas.

Trước ngày 7 tháng 10, Hamas đã ổn định như một lực lượng chính trị và đang có dấu hiệu suy tàn. Nhóm này lo ngại rằng lý tưởng của họ – và nói rộng hơn là hoàn cảnh khó khăn của người Palestine – đang bị gạt ra ngoài lề bởi Hiệp định Abraham, những thỏa thuận nhằm tìm cách bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Trước cuộc tấn công trắng trợn vào Israel vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã tính đến một tương lai mà mình bị đẩy ra ngoài rìa, khi người Palestine ngày càng có ít lý do để ủng hộ nhóm này.

Sau ngày 7 tháng 10, sự ủng hộ của người Palestine dành cho Hamas đã tăng lên, gây bất lợi cho an ninh của Israel. Đúng vậy, Israel đã giết chết hàng nghìn chiến binh Hamas ở Gaza. Nhưng những tổn thất này đối với thế hệ chiến binh hiện tại đã được bù đắp bằng sự gia tăng ủng hộ Hamas và do đó khả năng tuyển dụng thế hệ tiếp theo của nhóm này đã trở nên tốt hơn. Trong khi chờ đợi, cho đến khi những tân binh xuất hiện, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy các chiến binh hiện tại của Hamas có thể đang háo hức hơn bao giờ hết để tiến hành một cuộc chiến tranh du kích kéo dài chống lại bất kỳ mục tiêu Israel nào mà họ có thể tấn công.

Sức mạnh của thông điệp

Hình phạt khủng khiếp mà Israel tung ra ở Gaza chắc chắn đang khiến nhiều người Palestine cảm thấy thù hận hơn nữa đối với nhà nước Do Thái. Nhưng tại sao Hamas lại được hưởng lợi từ phản ứng này? Suy cho cùng, cuộc tấn công của nhóm này vào Israel là nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến đã san bằng những vùng đất rộng lớn ở Gaza và giết chết rất nhiều người.

Câu trả lời phần lớn nằm ở chiến dịch tuyên truyền phức tạp của Hamas, trong đó nhóm này xây dựng cách giải thích có lợi về các sự kiện và thêu dệt nên những câu chuyện giúp nhóm giành được nhiều người ủng hộ hơn. Dẫn lại quan điểm của nhà phân tâm học người Mỹ Edward Bernays, tuyên truyền không hoạt động bằng cách tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi và phẫn nộ mà bằng cách chuyển hướng những cảm xúc này sang các mục tiêu cụ thể. Những nỗ lực của Hamas là một ví dụ điển hình cho chiến thuật này. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhóm này đã phổ biến một lượng lớn tài liệu, chủ yếu là trực tuyến, nhằm tập hợp người dân Palestine xung quanh sự lãnh đạo của họ và việc theo đuổi chiến thắng trước Israel.

Nhóm Phân tích Tuyên truyền Ả Rập—một nhóm gồm các nhà ngôn ngữ học Ả Rập chuyên thu thập và phân tích tuyên truyền quân sự bằng tiếng Ả Rập—tại Dự án An ninh và Đe dọa của Đại học Chicago đã kiểm tra các hình thức tuyên truyền bằng tiếng Ả Rập do Hamas và cánh quân sự của nó, Lữ đoàn Qassam, và được phát tán trên kênh Telegram chính thức của lữ đoàn sau ngày 7 tháng 10. Kênh Telegram này, có hơn 500.000 người đăng ký, đã phát hành các tin nhắn, hình ảnh, video và các nội dung tuyên truyền khác hầu như hàng ngày kể từ vụ tấn công ngày 7 tháng 10. Một báo cáo của Mohamed Elgohari, trưởng nhóm nghiên cứu này, đã phân tích hơn 500 đoạn tuyên truyền từ ngày 7 tháng 10 năm 2023 đến ngày 27 tháng 5 năm 2024. Không rõ có bao nhiêu người Palestine tiêu thụ các tài liệu trực tuyến này, nhưng Gaza và Bờ Tây có truy cập Internet hàng ngày, mặc dù không liên tục. Nội dung kỹ thuật số của Hamas tương tự như các nỗ lực tuyên truyền analog của tổ chức này ở các mạng lưới cộng đồng địa phương.

Nội dung tập trung vào ba chủ đề: người dân Palestine không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu vì Israel nhất quyết thực hiện những hành động tàn bạo không thể diễn tả được đối với tất cả người Palestine ngay cả khi họ không tham gia vào các chiến dịch quân sự; dưới sự lãnh đạo của Hamas, người Palestine có thể đánh bại Israel trên chiến trường; và những chiến binh chết trong trận chiến sẽ được vinh danh và đạt được vinh quang. Hamas đã đăng một số lượng lớn video, tuyên bố và tài liệu khác để chứng minh rằng cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 là một phản ứng cần thiết và chính đáng đối với sự chiếm đóng, hành động tàn bạo và gây hấn của Israel đối với người dân Palestine, bao gồm cả các cuộc xâm nhập thường xuyên vào nhà thờ Hồi giáo al Aqsa linh thiêng ở Jerusalem bởi lực lượng an ninh Israel và các nhà hoạt động và người định cư Israel.

Hãy xem xét một tuyên bố của Hamas ban đầu được đăng vào ngày 22 tháng 1 và được lan truyền rộng rãi ngay cả trên các phương tiện truyền thông Israel. Tuyên bố sâu rộng này giải thích sâu sắc các lý do biện minh của nhóm khi tấn công Israel, tập trung vào những gì nhóm này mô tả là những bất mãn lâu năm về hành động của chính phủ và những người định cư Israel, bao gồm cả việc Israel xâm nhập vào Nhà thờ Hồi giáo al Aqsa ở Jerusalem và những hạn chế áp đặt lên những tín đồ Palestine ở đó; việc tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây; sự đối xử được cho là khủng khiếp đối với những người Palestine bị giam giữ ở Israel; và cuộc bao vây và phong tỏa của Israel đối với Gaza cũng như việc áp đặt các chính sách giống như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Bờ Tây. Tuyên bố này chỉ là một trong hàng chục bài đăng có quan điểm tương tự.

Nhiều video, hình ảnh và áp phích nhấn mạnh sức mạnh quân sự của Hamas, thể hiện các cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu của Israel, đặc biệt là xe bọc thép và xe tăng. Những bài đăng này nhằm mục đích thể hiện sức mạnh và tính hiệu quả của Hamas, cho thấy nhóm này có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho đối thủ vượt trội về công nghệ. Trong chiến dịch tuyên truyền này, các chiến binh xuất hiện với trang bị chiến đấu và đồng phục tác chiến đầy đủ, được trang bị mũ bảo hiểm, kính bảo hộ và vũ khí tiên tiến, làm nổi bật khả năng sẵn sàng tác chiến của họ. Các biểu tượng tôn giáo, chẳng hạn như các câu kinh Koran, cũng có xuất hiện một cách dày đặc, thể hiện rằng cuộc đấu tranh của Hamas là một cuộc chiến mang yếu tố tâm linh. Tuyên truyền giúp thăng cấp những chiến binh đã ngã xuống trở thành những liệt sĩ, những người đã chết khi chiến đấu với Israel để phục vụ cho một mục đích cao cả và một lý tưởng được thánh thần bảo hộ. Việc tôn vinh sự tử đạo của họ đã truyền cảm hứng cho những tân binh tiềm năng.

Chiến dịch tuyên truyền của Hamas kể từ ngày 7 tháng 10 hoàn toàn phù hợp với kết quả tìm thấy trong cuộc khảo sát của PSR về thái độ của người Palestine. Sự phù hợp chặt chẽ giữa nội dung tuyên truyền của Hamas và sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho Hamas nói riêng và cho cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel nói chung trong các cuộc khảo sát của PSR cho thấy rằng Hamas đang kích thích sự ủng hộ đó hoặc chiến dịch tuyên truyền của Hamas phản ánh những lý do chính cho sự ủng hộ đó. Dù thế nào đi nữa, Hamas đang lợi dụng cuộc chiến để phát triển mạnh mẽ hơn thông qua mối liên kết ngày càng rộng giữa cộng đồng bản địa và nhóm chiến binh.

Thực tế khốc liệt

Sau chín tháng chiến tranh khốc liệt, đã đến lúc nhận ra một thực tế rõ ràng: không có giải pháp quân sự nào để đánh bại Hamas. Nhóm này được đại diện không phải chỉ bằng tổng số lượng chiến binh mà nhóm sở hữu ở thời điểm hiện tại. Nó còn hơn cả một ý tưởng gợi nhiều liên tưởng. Hamas là một phong trào chính trị và xã hội với cốt lõi là bạo lực và nó sẽ không sớm biến mất.

Chiến lược dựa vào tiến hành các chiến dịch quân sự mạnh mẽ hiện nay của Israel có thể tiêu diệt một số chiến binh Hamas, nhưng chiến lược này chỉ củng cố mối liên kết giữa Hamas và cộng đồng địa phương. Trong 9 tháng, Israel đã theo đuổi các chiến dịch quân sự gần như không bị cản trở ở Gaza mà không có nhiều tiến triển rõ ràng đối với bất kỳ mục tiêu nào của mình. Hamas không bị đánh bại cũng như không đứng trên bờ vực thất bại, lý tưởng của tổ chức ngày càng phổ biến hơn và sức hấp dẫn của nó mạnh mẽ hơn trước ngày 7 tháng 10. Trong trường hợp không có kế hoạch cho tương lai của Gaza và người dân Palestine vốn có thể được người Palestine chấp nhận, những kẻ khủng bố sẽ tiếp tục quay trở lại với số lượng lớn hơn.

Nhưng các nhà lãnh đạo Israel dường như không còn sẵn sàng nghĩ đến một kế hoạch chính trị khả thi như vậy so với trước ngày 7 tháng 10. Thảm kịch tiếp tục diễn ra ở Gaza vẫn chưa có hồi kết. Chiến tranh sẽ tiếp tục kéo dài, nhiều người Palestine sẽ chết và mối đe dọa đối với Israel sẽ chỉ gia tăng.

Rober A. Pape là giáo sư khoa học chính trị và giám đốc dự án Chicago về Anh ninh và Các mối đe dọa tại Đại học Chicago.