Seite auswählen

Trí thức là gì?

 

Lê Văn Cường

 Diễn Đàn

 

Nếu, hiện nay, “ chất xám, trí tuệ, trí thức… là những từ thời thượng” 1, người trí thức, hoặc/và giới trí thức, đã xuất hiện từ lâu. Người trí thức nảy sinh từ đâu? để đáp ứng nhu cầu gì của nhân loại? và như vậy, có vai trò nào trong xã hội?

Trong quá trình lịch sử, người và việc luôn luôn thay đổi. Không thay đổi chăng là đôi điều hiển nhiên: con người, ít nhất cho đến nay, không trường sinh; và muốn trường tồn. Từ đó nảy sinh ra nhu cầu: tìm hiểu sự sống (vũ trụ, xã hội, con người, và chính bản thân mình). Tìm hiểu để kéo dài cuộc sống. Cái bất hạnh, cũng là cái may, của con người, là cái chết. Chết về thể xác, cũng như về trí tuệ. Bất hạnh, vì biết sự hiểu biết của mình có giới hạn vì một ngày nào đó sẽ ngưng hẳn; cái may, là từ đó đã nảy sinh ra khoa học – tự nhiên và xã hội – để giúp loài người kéo dài cuộc sống, tìm cách sống một cách êm ấm, hạnh phúc vì không biết tương lai xa, sau khi chết, sẽ ra sao? Bớt đau khổ vì bệnh tật, tự do hơn, dân chủ hơn…? cũng chỉ là những hình thái tốt hơn của cuộc sống.

Từ nhu cầu tìm hiểu sự sống để kéo dài cuộc sống đã xuất hiện con người trí thức. Như vậy thử tạm định nghĩa người trí thức là người có nhu cầu tìm hiểu sự sống, và tham gia vào quá trình khai hoang mảnh đất mênh mông của sự không biết (inconnu).

Khai hoang không bắt buộc tham gia trực tiếp như một chuyên viên kỹ thuật, hay một nhà nghiên cứu; ta có thể khai hoang bằng suy nghĩ; nhưng khai hoang bắt buộc phải sắp xếp lại những khám phá, những hiểu biết, phải cọ xát ý kiến để tạo ra những suy nghĩ, những tìm kiếm mới. Và vì cuộc sống có nhiều mặt, muốn tìm hiểu sự sống cần phải có một cái nhìn tương đối tổng hợp. Do đó nẩy sinh ra giới trí thức. Giới trí thức giúp xã hội trả lời những câu hỏi: xã hội, vạn vật là như thế nào? sống như thế nào? (Ta có thể tiên đoán là giới trí thức sẽ vĩnh cửu vì những trả lời sẽ không thể nào dứt khoát).

Nếu trí thức xuất phát từ “tìm hiểu để kéo dài cuộc sống”, làm người trí thức theo đúng nghĩa của nó không phải dễ. Trước hết phải có sự chặt chẽ (rigueur) trong suy luận, trong sự tìm kiếm; hệ luận của nó là khiêm tốn  hoài nghi. Không phải vì đạo đức mà vì đó là phương pháp tiến hành. Vì vậy không thể giới hạn vai trò của người/giới trí thức vào công việc phê phán (biết bao chế độ muốn có một giới trí thức phê phán nhưng chấp nhận chế độ). Người trí thức phải độc lập, về tư tưởng, với tất cả, sẵn sàng đặt lại (nếu có lý do) tất cả, từ các lý thuyết đến chế độ xã hội.

Định nghĩa người trí thức và giới trí thức từ nhu cầu tìm hiểu nói trên sẽ không thoả mãn rất nhiều người. Một “chuyên gia kỹ thuật” 1 không lo “chuyện đời” có phải là trí thức không ? Ranh giới rất tế nhị. Nhưng xin khẳng định rằng người nói chuyện đời nhưng không dựa vào hiểu biết, khám phá của loài người không phải là người trí thức. Sự phân biệt “chuyên gia kỹ thuật” và “sĩ phu” phải chăng vì lo ngại có những chính quyền muốn khoanh trí thức trong phạm vi chuyên môn để mình độc quyền lo chuyện đời? Như vậy tại sao không khẳng định rằng người trí thức có quyền, vì đó thuộc về bản chất, vừa là chuyên gia vừa lo chuyện đời. Và, hơn nữa, vì giới trí thức có vai trò giúp xã hội tiến lên, cấm giới trí thức có vai trò giúp xã hội tiến lên, cấm giới trí thức lo chuyện đời là đi ngược lại nhu cầu phát triển xã hội. Dĩ nhiên có những trí thức chuyên gia không bàn chuyện đời; nhưng những công trình, khám phá của họ có thể giúp giới trí thức bàn chuyện đời. Và đó cũng là một cách lo chuyện đời.

Định nghĩa trí thức từ nhu cầu “tìm hiểu sự sống để sống” có thể giúp giới trí thức Việt Nam hoà giải với nhau hay không? Nếu quả thật trí thức Việt Nam đã đóng vai trò “đánh thuê” 2, đã “ca ngợi” những điều mình hoài nghi vì một lý tưởng (cộng sản / chống cộng sản), đã vất bỏ bản chất của mình, giờ đây tại sao họ không thể nhìn lại quá khứ một cách nghiêm chỉnh và từ đó lấy lại bản chất của mình, để bàn về tương lai? Chỉ một câu hỏi sau đây: “xã hội Việt Nam trong quá trình phát triển cần tự do, dân chủ tới mức độ nào?” cũng đủ để những người trí thức Việt Nam hoà giải với nhau, xây dựng giới trí thức, nếu gạt bỏ được những thành kiến và ý đồ chính trị phản trí thức. Thật ra, nếu mỗi người trí thức Việt Nam cố gắng thực hiện đúng bản chất của mình, trong suy nghĩ, trong xử sự giữa mình và các người trí thức khác, nghĩa là sẵn sàng tiếp thu, bàn cãi, đặt lại những điều mình biết, thì có lẽ hoà giải sẽ trở thành vô nghĩa. Và sự sống (trong đó có cuộc sống của nhân dân Việt Nam) sẽ có ý nghĩa.

1 Ng.V., Suy nghĩ gần xa: Trí thức, Diễn Đàn số 6, tháng 3.1992.

2 Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm, Trí thức và dân tộc, Diễn Đàn số 6, tháng 3.1992.

Giới trí thức

 

Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm

Diễn Đàn

Nhìn từ tổng thể xã hội, “tìm hiểu sự sống để kéo dài cuộc sống” – vốn là một nhu cầu thiết yếu của nhân loại như Lê Văn Cường đã nhận định –, được thể hiện trong quy trình sản xuất và tái sản xuất xã hội (production et reproduction sociales). Có lẽ thông qua qui trình này mà việc thử định nghĩa vai trò xã hội của giới trí thức sẽ được rõ thêm chăng?

Trong một xã hội được định hình và đang vận hành, việc tái sản xuất xã hội bao gồm hai khâu: tái sản xuất giản đơn (simple)  tái sản xuất mở rộng (élargie). Giản đơn vì xã hội được kéo dài trong những hình thái đã có. Mở rộng vì xã hội được tái tạo trong thể dạng mới thông qua việc hoà nhập những hình thái mà xã hội chưa có với những hình thái mà nó đã có. Do đó có thể nói rằng tái sản xuất mở rộng bao gồm trong vận hành của nó khâu sản xuất xã hội nghĩa là việc tìm kiếm và ứng dụng những hình thái chưa có (chưa có ở xã hội đó không có nghĩa chưa có ở xã hội khác).

Toàn bộ qui trình trên đòi hỏi đến tri thức. Do tính chất ngày càng phức tạp của xã hội cũng như sự phát triển ngày càng sâu rộng của khoa học, tri thức ngày càng được chuyên môn hoá. Từ đó mà phát sinh việc đào tạo những trí thức chuyên ngành gọi là chuyên gia.

Dựa vào việc phân định hai khâu như đã nói trên trong qui trình tái sản xuất xã hội, hãy tạm xem có hai bộ phận chuyên gia với hai chức năng chính: chuyên gia bảo quản  chuyên gia tái tạo. Vai trò của chuyên gia rạch ròi vì chức năng rõ ràng hữu dụng và cần thiết thấy ngay được.

Vấn đề nảy sinh cho xã hội khi những trí thức chuyên ngành đòi hỏi vượt quá vị thế và chức năng được đặt định hầu trở thành người trí thức có tính tổng hợp và có khuynh hưởng hợp thành giới trí thức. Đứng về mặt nhân sinh, đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng vì con người không phải chỉ mong “ kéo dài cuộc sống” mà còn muốn làm sao cho cuộc sống tốt hơn, phong phú hơn, đầy đủ ý nghĩa hơn.

Đòi hỏi này thúc đẩy các trí thức chuyên ngành lấy khoảng cách với công việc mà xã hội đã đặt định cho mình để nhìn trở lại, thẩm định và tìm hiểu ý nghĩa của những giá trị và mục đích của bản thân mình nói riêng và của xã hội mà mình đang sống (hoặc gắn bó) nói chung. Lấy khoảng cách là một thái độ trí thức, thẩm định lại những giá trị và mục đích là một hành động trí thức. Từ việc hoàn thành thái độ và hành động này, các chuyên gia có thêm một chức năng mới: chức năng trí thức. Nói cách khác, sự hình thành con người trí thức đòi hỏi hai điều kiện cần thiết: quyền được lấy khoảng cách và quyền thẩm định trở lại.

Do tính chất phức tạp của cuộc sống và do quá trình đào tạo bản thân được chuyên môn hoá, không một trí thức nào có khả năng tự mình thẩm định đầy đủ mọi mặt của các vấn đề. Việc tìm kiếm những ý nghĩa chỉ phong phú và kiến hiệu trong những cái nhìn tổng hợp có được thông qua trao đổi, cọ xát, đấu tranh giữa những người trí thức đến từ nhiều ngành nghề, từ nhiều chân trời nhân sinh quan, xã hội quan, vạn vật quan khác nhau, trong tinh thần, thái độ và phương pháp cố gắng trung thực với bản chất của việc trí tri. Từ đó mà dần dần hình thành giới trí thức.

Khi giới trí thức được hình thành thì hai quyền căn bản của người trí thức ( quyền được lấy khoảng cách  quyền thẩm định trở lại) vô hình trung được thể chế hoá. Trên cơ sở thể chế này, giới trí thức sẽ đạt đến một quyền căn bản khác: quyền được độc lập với những trung tâm quyền lục hiện hành của xã hội. Toàn bộ qui trình này, nhìn từ tổng thể xã hội, cuối cùng biến giới trí thức thành một trung tâm quyền lực mới của xã hội. Nói cách khác, quá trình hình thành giới trí thức là quá trình phân bố và uỷ nhiệm quyền lực của  hội. Quá trình này cuối cùng củng cố tính năng động của khâu tái sản xuất xã hội mở rộng.

Cố gắng nói rõ thêm: khởi đầu của khâu tái sản xuất xã hội mở rộng, các quyền tổng hợp, thẩm định và quyết định do giới cầm quyền ôm đồm: những chuyên gia, do việc khoanh vùng manh mún phạm vi chuyên môn, không đủ điều kiện cũng như không có vai trò thực hiện toàn diện quyền trên. Với sự hình thành của giới trí thức, quyền tổng hợp và thẩm định này được uỷ phái lại một phần. Quyền quyết định toàn bộ và tối hậu vẫn do giới cầm quyền nắm. Quan hệ này vừa “nhẹ gánh” cho giới cầm quyền vừa làm phong phú thêm việc tái sản xuất mở rộng: những công việc giao phó cho các chuyên gia, thành quả này được tổng hợp và thẩm định nhiều lần. Quan hệ giữa hai trung tâm quyền lực này thực chất là một quan hệ không phải xung khắc mà chính là quan hệ hỗ tương: thành viên của giới trí thức bao gồm những chuyên gia mà quá trình đào tạo cũng như vai trò, chức năng và kể cả quyền lợi bản thân đều được gắn liền nhiều hay ít với những trung tâm quyền lực khác của xã hội: kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ ứng dụng, văn hoá… Do đó tính độc lập không nhất thiết kéo theo tính đối kháng: mọi vận hành độc lập của mỗi cơ chế trong tổng thể của xã hội đều là độc lập tương đối.

Nói cách khác, giới trí thức không phải là một trí năng lơ lửng giữa không trung mà hình thành và vận hành trong lòng của hệ thống xã hội và gắn liền với cấu trúc xã hội. Chức năng của nó cuối cùng hoàn toàn là hữu dụng (fonctionnel), dù không thấy ngay được: nó đóng vai trò đội quân bổ sung, hỗ tương và thậm chí củng cố cho các quyền lực khác (nếu biết dùng nó phù hợp với bản chất của nó và với những giá trị nhân bản phổ biến). Sự có mặt của nó thúc đẩy việc mở rộng thêm ra qui trình tái sản xuất xã hội mở rộng. Và mở rộng qui trình này là tăng cường khả năng phát sinh những ý kiến, những sáng tạo, những hình thái mới đồng thời với khả năng hoà nhập (capacité d’intégration) của xã hội. Từ đó mà dần dần hình thành một xã hội năng động, dễ dàng thích nghi với những cải tổ. Xã hội sẽ phát triển và thay đổi tương đối hài hoà hơn, bớt đi những đột biến và những bùng nổ vì những “vùng cấm” cũng như những đối kháng vô lý đã được giải toả.

Ở Việt Nam, rõ ràng chưa có giới trí thức. Sự hình thành của nó chắc là còn lâu. Song muốn nó có mặt, phù hợp với sự phát triển của xã hội, có lẽ điều cần thiết hôm nay là người trí thức cùng nhau tìm hiểu về vai trò của mình, không tự huyễn hoặc về chức năng của mình. Đồng thời, giới cầm quyền cũng đừng mơ hồ viển vông về tính độc lập của “trung tâm quyền lực” mới này.

Nghĩ cho cùng, “tìm hiểu sự sống để kéo dài cuộc sống” là một mệnh đề có hai vế. Vế bản năng: kéo dài cuộc sống. Vế trí tuệ: tìm hiểu sự sống. Để bản năng lấn át trí tuệ thì hẳn là khó mà có được một cuộc sống đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

TRÍ THỨC HAY NÔ BỘC?

Đọc cùng lúc các cuốn giáo trình luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu (xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960-1970) và các cuốn giáo trình của một đại học được coi là hàng đầu về luật ở TP.HCM* bây giờ, chưa cần đi sâu vào nội dung, nhìn vào tâm thế người viết thôi, tôi đã có thể chỉ ra một sự khác biệt rõ rệt.
Trong khi với những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, Hiến pháp 1956, 1967, cũng như các sắc luật khác, của Việt Nam Cộng hòa, là đối tượng phê phán trong các bài giảng về pháp luật, mà ở đó, các giáo sư đại học như những vị thần linh trong ngôi đền thiêng khoa học chỉ tay phán xét công việc của người phàm (chính quyền), thì ngược lại, với “các giáo sư đại học ngày nay”** (trong các cuốn giáo trình luật mà tôi đã đề cập ở trên), các bản Hiến pháp, các sắc luật, kể cả các chủ trương, chính sách của chính quyền, lại như những cuốn thánh kinh, mà ở đó, các thạc sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học của chúng ta, chỉ có thể len lén nhìn vào, rồi có trót lỡ nhận ra điểm nào sai quấy thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng và mềm mỏng, thưa thốt lên (đấng tối cao “chính quyền”) rằng, có lẽ đó chỉ là “khiếm khuyết của lịch sử”.
Mới đây nhà báo Huy Đức, trong một bài viết trên Facebook, có kể chuyện nhà báo Võ Như Lanh từng nói thẳng vào mặt Phó ban trưởng Tuyên giáo Trung Ương Hồng Vinh trong một cuộc họp rằng: “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.
Thử hỏi có vị tổng biên tập nào bây giờ dám làm như vậy với một quan chức tuyên giáo trung ương không?
– Chắc chắn “KHÔNG”.
Tại sao vậy?
– Tại vì giáo sư Vũ Văn Mẫu là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, nhất là chính quyền.
– Tại vì nhà báo Võ Như Lanh là một trí thức, dù có là “trí thức cách mạng” nhưng ông vẫn là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, kể cả cường quyền.
Cách đây hơn chục năm giáo sư Trần Hữu Dũng có bài viết tựa đề: “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?”*** trên thời báo Kinh Tế Sài Gòn, trong đó ông trăn trở về chuyện đất nước ta đang ở thời kỳ thiếu vắng những nhà văn hóa lớn. Nhưng theo tôi, chưa cần nói đến những “nhà văn hóa lớn”, chúng ta ngày nay đang thiếu vắng cả những “trí thức” theo nghĩa căn bản nhất.
Thiếu vắng trí thức, chúng ta ngày nay lại đang quá dư thừa những kẻ mang não trạng, mang tâm thế nô bộc. Và nguy hiểm hơn, khi rất đông trong số đó lại đang khoác trên mình tấm áo “trí thức”. Và còn nguy hiểm hơn nữa khi những kẻ nô bộc khoác áo trí thức này lại đang mang trên mình “sứ mệnh” đi rao giảng, truyền bá tri thức, truyền bá các giá trị.
Bởi vì, dù có cả trăm người, ngàn người u mê, tăm tối quỳ lạy “một sợi lông” thì cùng lắm gây hại nhất thời cho trăm, ngàn cá nhân hay cùng lắm là gia đình họ, nhưng chỉ cần một giáo sư đại học thôi, cúi đầu nhận thân phận nô bộc, là đã có thể gieo rắc tai hại cho cả trăm, ngàn sinh viên, hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Trong lịch sử nhân loại, xã hội (quốc gia) nào cũng vậy, muốn phát triển bền vững, muốn tiến hóa đi lên, đều phải dựa vào các trí thức, bởi họ chính là những người giữ giềng mối xã hội, giữ bản sắc văn hóa và những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Thế mà, xã hội chúng ta bây giờ, nhìn quanh, đâu đâu cũng chỉ thấy một phường nô bộc (hoặc nô bộc khoác áo trí thức), vậy thì chúng ta sẽ đi đến đâu?
NĐK
—————–
(*) Tôi vốn định mang đi bán đồng nát (ve chai) mấy cuốn giáo trình này, nhưng sau đó tôi đã nghĩ lại, tôi sẽ giữ chúng như minh chứng cho một thời mông muội của đất nước chúng ta (vào giữa thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21).
(**) Tôi gọi những giảng viên đại học nói chung là giáo sư, bất kể học hàm – học vị thực tế của họ là gì. Khi viết cụm từ các “giáo sư đại học ngày nay” tôi quả thực rất lúng túng nhưng không biết làm cách nào hoặc có cụm từ gì khác để khu biệt lại nhóm người mang tâm thức nô bộc mà tôi nhắm đến và loại trừ ra những vị khả kính mà tôi biết (và cả chưa biết). Những người vẫn đang âm thầm, trong sứ mệnh của mình, làm tốt nhất có thể vai trò cao cả của một giáo sư đại học đích thực, vun trồng tự do – chân lý. Những người này, tôi cho rằng, theo một nghĩa nào đó, họ còn đáng kính hơn cả những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, bởi vì họ đang phải ở trong một hoàn cảnh khó khăn hơn bội phần với giáo sư Mẫu và các đồng sự của ông trước đây.
(***) Trần Hữu Dũng, “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?”, TKBKSG, 2011.

Tinh thần đại học

[Bữa trước tôi có nói về một thứ tâm thế nô bộc trong giới trí thức đại học, nay tôi xin giới thiệu một “tinh thần đại học” khác, một “tâm thế trí thức” khác đã từng hiện diện trên đất nước chúng ta].
————————
“Tinh thần đại học không phải là tinh thần của một tổ chức và cũng không phải tinh thần của kẻ truyền giáo. Chủ hướng của tinh thần đại học là phê phán và sáng tạo. Phê phán là không nhắm mắt thừa nhận những giá trị của truyền thống, đào bới lại nền tảng và đặt lại giới hạn của mỗi một giá trị hiện hữu; sáng tạo là không phải bắt chước, mô phỏng, đi theo bất cứ một mẫu mực lý tưởng nào cả; sáng tạo là tinh thần độc lập toàn diện, không lệ thuộc vào thần quyền và thế quyền, không lệ thuộc vào bất cứ một chủ thuyết nào; người trí thức đại học là kẻ phê phán truyền thống và phê phán xã hội, sáng tạo truyền thống và sáng tạo xã hội; giáo sư đại học không phải là một kẻ hành nghề trí thức và sinh viên đại học không phải là kẻ thu góp trí thức để tìm một địa vị xã hội hay một địa vị văn hóa. Sinh viên và giáo sư đại học trước tiên phải là những con người sáng tạo, những kẻ phê phán hỗ tương; sinh viên không phải nô lệ vào thẩm quyền trí thức của giáo sư và giáo sư cũng không phải nô lệ vào thẩm quyền hành chánh của tổ chức và cơ quan; mỗi một người là một cá thể độc đáo, tự chọn và tự quyết định chủ hướng tri thức của mình để nhìn thẳng vào sự thật, đi vào thực tại và thoát ly ra ngoài mọi ý niệm, mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ, mọi tín điều, mọi tổ chức; bởi vì tất cả ý niệm, chủ thuyết, tín điều, ý thức hệ và tổ chức chỉ là những chướng ngại ngăn chận lại sức sáng tạo vô biên của cá thể giải thoát, cá thể tự do, con người thoát ly ra ngoài tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức, tự mình làm chủ sinh mệnh mình, điều động đời sống mình trong ý nghĩa mà mình tự sáng tạo cho mình.”
– Trích từ: “Bản thệ của Viện Đại học Vạn Hạnh”, mục “Ý nghĩa của đại học”, Tạp chí Tư Tưởng số 2&3 năm 1967.