Seite auswählen

Người di cư qua eo biển Manche

DAN KITWOOD/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Một chiếc thuyền cao su chở 65 người nhập cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche vào ngày 6/3/2024

BBC

Thảm kịch 39 người chết trong xe tải đông lạnh ở hạt Essex (Vương quốc Anh) vào năm 2019 dường như không khiến nhiều người Việt Nam chùn chân trong hành trình tìm miền đất hứa.

Thay đổi cách thức, nhiều người Việt Nam đang tìm mọi cách để vượt biển vào Anh trong giá lạnh.

Một phóng sự của Sky News hồi tháng 6/2024 kể lại một người đàn ông nói về hành trình từ Việt Nam sang Anh mất khoảng 7 đến 10 ngày. Ban đầu họ ở Hungary, sau đó được đón đi đến Pháp bằng xe buýt hoặc tàu hỏa. Từ Pháp họ sẽ được chuyên chở bằng “ca-nô” đến Anh.

Hồi tháng Tư, BBC News đã gặp một nhóm 10 người Việt vẫn đang mơ hồ không rõ mình sẽ đi đâu, chỉ biết mình đang nợ tiền và cần phải chạy trốn, ở một khu rừng ở thành phố Calais thuộc miền bắc nước Pháp.

Qua trò chuyện, BBC News biết được những người này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Theo lời một người đàn ông trong nhóm, họ đã vay nợ những kẻ côn đồ ở quê nhà và bây giờ cần phải chạy trốn. Ông cho biết mình nợ đến “cả tỷ đồng”.

Những kẻ này đã đưa ông và mọi người từ Việt Nam qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và cuối cùng là tới châu Âu. Ông kể rằng đôi khi nhóm cứ đi thôi chứ cũng không biết mình đang ở đâu vì chẳng gặp ai khác cả.

Việt Nam nằm trong top 10 nước có nhiều công dân vượt biển đến Anh nhất, theo thống kê tính đến cuối tháng 3/2024 của Bộ Nội vụ Anh.

Với 2.338 người vượt eo biển Manche đến Anh bằng những con thuyền nhỏ, Việt Nam xếp thứ 7, chỉ xếp sau Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea, Syria và Iraq.

Đây là số liệu tính trong 12 tháng của năm tài khóa 2023 (kết thúc vào 31/3/2024) vừa qua.

Theo Bộ Nội vụ Anh, tính từ năm 2018 đến năm 2023, đã có 3.356 người mang quốc tịch Việt Nam vượt eo biển Manche vào Anh bằng những con thuyền nhỏ.

Nếu như năm 2018 chỉ có 4 trường hợp người Việt vượt biển vào Anh bị phát hiện, thì tới năm 2023 con số đã là 1.323 người.

Tổ chức Đánh giá Di cư Cưỡng bức (Forced Migration Review – FMR) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng người nhập cư lậu vào châu Âu.

Theo thống kê của FMR, phần lớn trong số người Việt nhập cư lậu vào châu Âu là nam thanh thiếu niên đến từ một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng Keir Starmer và nội các

IAN VOGLER/POOL/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Keir Starmer và các thành viên trong nội các trong cuộc họp ngày 9/7 tại số 10 Downing

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố có kế hoạch ngăn chặn việc người nhập cư trái phép bằng thuyền nhỏ đến Anh bằng các biện pháp cứng rắn hơn để “đập tan” những nhóm tội phạm buôn người.

Đảng Lao động của ông Starmer đưa ra cam kết sử dụng các điều tra viên cùng các biện pháp và lực lượng chống khủng bố để ngăn chặn và xử lý những kẻ buôn người.

Một kế hoạch của chính phủ do Đảng Bảo thủ cầm quyền trước đây về trục xuất người nhập cư trái phép đến Rwanda đã bị Đảng Lao động bãi bỏ khi lên nắm quyền.

Kế hoạch Rwanda tiêu tốn ít nhất 220 triệu bảng Anh nhưng không có người nhập cư nào từng bị trục xuất đến quốc gia Đông Phi này.

Bao nhiêu người đã vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ

Tính đến ngày 10/7, có 14.058 người đã vượt eo biển Manche để đến Anh, cao hơn con số cùng kỳ bốn năm trước đó.

Vào năm 2023, tổng cộng có 29.437 người trái phép vào Anh bằng con đường này.

Đây là mức sụt giảm đáng kể so với tổng số của năm 2022 là 45.755 người, con số cao nhất kể từ khi thu thập số liệu vào năm 2018.

Kể từ năm 2018, gần 120.000 người đã đến Anh bằng lộ trình này.

Biểu đồ

Những người vượt biển đến Anh bằng thuyền nhỏ mang quốc tịch nào?

Tính trong 12 tháng của năm tài khóa 2023 (kết thúc vào 31/3/2024) vừa qua, Afghanistan có số lượng người vượt eo biển này đông nhất, chiếm 20%.

Xếp thứ hai là công dân mang quốc tịch Iran (12%) và Thổ Nhĩ Kỳ (11%).

Việt Nam xếp thứ 7 trong thống kê của Bộ Nội vụ Anh sau Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea, Syria và Iraq.

Khoảng 85% số người vượt biển trên những chiếc thuyền nhỏ trong 12 tháng qua là đàn ông, gần 20% từ 25 đến 39 tuổi.

Biểu đồ

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính có ít nhất 177 người đã chết tại eo biển Manche trong khoảng thời gian từ năm 2018 và tháng 7/2024.

Có 5 người, bao gồm một bé gái 7 tuổi, đã chết vào ngày 23/4.

Vào ngày 6/6, khoảng 80 người nhập cư, bao gồm ít nhất ba trẻ em, đã được cứu khi con thuyền của họ gặp sự cố.

Bốn người đã chết khi thuyền bị đắm vào ngày 12/7 trên đường vượt biển vào Anh, theo Lực lượng Tuần duyên Pháp.

Bao nhiêu người xin tị nạn tại Anh?

Hơn 84.000 người đã nộp đơn xin tị nạn tại Anh vào năm 2023.

Tính trong tổng cả năm 2022, chưa đến 100.000 người xin tị nạn. Số lượng người vượt biển bằng thuyền nhỏ chiếm khoảng 45%. Không có số liệu tương đương cho năm 2023.

Số lượng đơn xin tị nạn hàng năm, bao gồm cả người phụ thuộc, đạt mức cao nhất là khoảng 103.000 người vào năm 2002, trong bối cảnh người dân tháo chạy các cuộc xung đột tại Afghanistan, Somalia và Iraq.

Biểu đồ

Số đơn nộp tị nạn sau đó sụt giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất trong 20 năm, là 22.600 đơn vào năm 2010.

Tuy nhiên, số đơn nộp xin tị nạn tại Anh lại tăng trở lại trong suốt những năm 2010 khi người tị nạn bỏ chạy khỏi Syria.

Những người xin tị nạn ở Anh mang quốc tịch nào?

Năm 2023, số người xin tị nạn Anh nhiều nhất đến từ Afghanistan với 9.307 người.

Nhóm đông tiếp theo với khoảng 7.400 người, đến từ Iran, kế tiếp là Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh.

Năm 2022, số người xin tị nạn nhiều nhất mang quốc tịch Albania với hơn 17.300 người (bao gồm người phụ thuộc). Đa số những người này (73%) vượt biển đến Anh bằng thuyền nhỏ.

Người tị nạn Ukraine đến Anh sau cuộc xâm lược của Nga không được tính trong số liệu này.

Tính đến ngày 9/7/2024, có 260.500 thị thực được cấp cho những người tị nạn Ukraine, qua các lộ trình hợp pháp do chính phủ Anh thiết lập.

Có các thỏa thuận đặc biệt được thiết lập cho các nhóm cụ thể khác đến Vương quốc Anh, chẳng hạn như người tị nạn Afghanistan và một số công dân Hong Kong.

Bao nhiêu đơn xin tị nạn đang chờ được xử lý?

Một số người chờ vài tháng hoặc thậm chí vài năm để đơn xin tị nạn được xem xét.

Những trì hoãn trong hệ thống của Anh đã khiến hơn 128.000 đơn đang chờ được xử lý.

Biểu đồ

Thủ tướng Anh đã cam kết sẽ giải quyết số đơn đang chờ này trước cuối năm 2023, nhưng 4.500 “trường hợp phức tạp” vẫn chờ quyết định vào cuối tháng 12/2023.

Các số liệu chính thức cho thấy vào ngày 14/4/2024, có 2.377 trong số đơn nói trên vẫn đang chờ quyết định đầu tiên.

Anh đã trục xuất bao nhiêu người xin tị nạn?

Bộ Nội vụ Anh có thể trục xuất người không có quyền sống hợp pháp tại Anh hoặc từ chối cho họ nhập cảnh.

Năm 2023, có 6.014 người không được cấp quy chế tị nạn phải trở về quốc gia của mình. Số lượng công dân bị trục xuất tăng gấp đôi so với mức của năm 2022 (là 2.931 người), nhưng nguyên nhân chính là vì số lượng người Albania bị trục xuất, tăng từ con số 988 lên mức 3.369 người.

Trong cùng năm, 1.889 người vượt biển bằng thuyền nhỏ đến Anh bị trục xuất.

Trong khoảng từ năm 2018 đến năm 20233, có 2.580 người đến Anh bằng thuyền nhỏ đã bị trả về, chiếm 2% tổng số người vượt biển bằng thuyền nhỏ trong suốt thời gian đó.

Vào tháng 12/2023, Bộ Nội vụ Anh cho biết chỉ có 408 người không mang quốc tịch Albania đã vượt biển bằng thuyền nhỏ đến Anh, bị trả về quốc gia của họ, kể từ năm 2020.

Số người vượt biển bằng thuyền nhỏ đến Anh so với châu Âu

Năm 2023, có 263.048 người vượt biển đến châu Âu, trong đó Ý chiếm đến 60% với 157.314 người.

Có 57.071 vượt biển đến Tây Ban Nha và 41.561 người đến Hy Lạp.

Số người tị nạn và vượt biển vào châu Âu

Tính đến ngày 8/7/2024, chỉ có hơn 71.000 người đến châu Âu bằng đường biển kể từ đầu năm nay.

Số người vượt biển đến châu Âu đạt mức cao nhất vào năm 2025, khi hơn một triệu người vượt biên, đa số là những người chạy thoát cuộc xung đột quân sự tại Syria.

Bao nhiêu người nộp đơn xin tị nạn trên toàn châu Âu?

Năm 2023, Anh là quốc gia có số lượng người nộp đơn xin tị nạn cao thứ năm ở châu Âu.

Với 329.035 đơn xin tị nạn, Đức đón hơn 25% trong tổng số người lần đầu tiên nộp đơn xin tị nạn trong Liên minh châu Âu (EU).

Tây Ban Nha có số người nộp đơn xin tị nạn nhiều thứ hai với 160.460, tiếp theo là Pháp với 145.095 đơn và kế tiếp là Ý với 130.565 đơn.

Năm 2023, chính phủ Anh đã đưa ra quyết định đầu tiên cho 93.303 đơn xin tị nạn, bao gồm những người phụ thuộc với người đệ đơn như con cái hoặc người phụ thuộc khác và cấp quy chế tị nạn cho 2/3 số người này (tỷ lệ 67%).

Trong cùng quãng thời gian đó, Đức đưa ra quyết định đối với 217.430 đơn xin tị nạn và cấp quy chế cho 62% đơn.

Pháp, quốc gia có cùng quy mô dân số như Anh, đã ra quyết định đối với 132.695 đơn và cấp quy chế cho 31% trong số đó.