Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Kim Cương

 

Đã 70 năm trôi qua kể từ Hiệp định Genève đánh dấu việc chia cắt Việt Nam thành hai nửa, và kéo theo là một cuộc chiến Nam-Bắc đẫm máu. Những gì đã sáng tỏ và còn gì mờ khuất sau bao toan tính chính trị và sau gió bụi của thời gian?

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh Hội nghị Genève trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội

 

 

Có ai biết đâu con đường tới Điện Biên Phủ (Mường Thanh), một nơi xa xôi, hẻo lánh trên miền Thượng Du Bắc Việt, giáp biên giới Lào, được người Việt gọi là phủ Điện Biên (cũng như các phủ khác, thí dụ “phủ Vĩnh Tường” – Hồ Xuân Hương), lại quá dài, đi qua ngả Triều Tiên, Bắc Kinh, rồi Paris, lại ghé Genève, trước khi trở lại Việt Nam.

Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu từ ngày 25/6/1950, kết thúc với Thỏa hiệp ngưng bắn Panmunjom ngày 27/7/1953. Vì hòa bình ở Triều Tiên chưa được định rõ, nên một Hội nghị Quốc tế được nhóm họp tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 26/4/1954, với mục đích bàn về hòa bình và an ninh thế giới, là vấn đề Triều Tiên lúc đó. Nhưng vào thời điểm ấy thì tại Việt Nam, tình hình quân sự của Pháp đã trở nên nóng bỏng.

 

Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles ở Panmunjom, Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault đặt câu hỏi: “Nhân dân Pháp sẽ không thể hiểu tại sao một giải pháp ngưng chiến được coi như thích hợp cho Triều Tiên lại không thích hợp cho Đông Dương?”

 

Dulles trả lời:

“Điều đình khi không có sự lựa chọn nào khác thì thường đi tới thất bại. Trong trường hợp Triều Tiên thì chúng tôi có sự lựa chọn, phía cộng sản hiểu rõ lời cảnh cáo của Hoa Kỳ là chúng tôi sẽ dùng một phương tiện không mấy tốt đẹp mà chúng tôi có sẵn trong tay (khí giới nguyên tử) để giải quyết nếu họ không đồng ý và theo đuổi một lựa chọn khác.” (Khi đồng Minh nhảy vào, Chương 8)

Vậy là Mỹ đã khuyên Pháp chưa nên điều đình vì chưa ở vào thế mạnh.

 

Rồi sau “Điện Biên Phủ”, Mỹ vẫn thôi thúc Pháp “cứ tiếp tục chiến đấu”, coi đó chỉ là thất bại của một trận chiến chứ không phải là đã bại trận. Vả lại Pháp chỉ mất đi khoảng một nửa sư đoàn ở một nơi hẻo lánh. Khu vực chiến lược quan trọng là toàn bộ lãnh thổ nằm sau “Tuyến De Lattre” là vùng đồng bằng Sông Hồng thì vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng dù Mỹ can ngăn, Pháp đã đi tới quyết định bỏ cuộc, vì tình hình chính trị nội bộ Pháp quá bết bát.

Như vậy lý do Pháp thất bại không phải là quân sự mà là chính trị: vì nhân dân và lãnh đạo đảng phái Pháp đã nản lòng, thối chí.

Dư luận quốc tế cho rằng: Pháp đã thất trận ở Paris chứ không phải ở chiến trường Việt Nam. Cũng như sau này, biến cố Mậu Thân được truyền thông Mỹ coi là “Điện Biên Phủ” của Tổng thống Lyndon Johnson, cho nên Mỹ đã thất bại ở Washington chứ không phải ở chiến trường miền Nam.

Trong bối cảnh của Pháp lúc ấy, Pháp yêu cầu đưa vấn đề Đông Dương ra đàm phán tại Genève.

Chỉ một ngày sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, vấn đề Đông Dương được đem ra bàn hội nghị (ngày 8/5/1954).

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Pierre Mendès France (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Hội nghị Genève năm 1954

 

Mỹ chống đối Hiệp định

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dulles liền gửi chỉ thị (đã được Tổng Thống Mỹ duyệt) cho Thứ trưởng Ngoại giao Bedell Smith, trưởng phái đoàn Mỹ tại Genève, rằng: Khi Hội nghị bước vào giai đoạn bàn về vấn đề Đông Dương thì ông phải làm sáng tỏ mục đích giới hạn của việc Mỹ tham gia Hội nghị, khác với mục đích của Pháp và Anh.

“Việc Hoa Kỳ tham dự vào Hội nghị Genève trong giai đoạn bàn về vấn đề Đông Dương thì chỉ là để giúp cho Hội nghị đi tới những quyết định có thể giúp cho các dân tộc nơi đây được sống trong hòa bình, độc lập về lãnh thổ và chính trị…”

Kết luận về vai trò của Mỹ tại Hội nghị, ông Dulles viết:

“Nếu ông nhận thấy rằng việc tham gia vào hội nghị trong giai đoạn này có thể dẫn tới việc Hoa Kỳ phải liên lụy vào kết quả của một giải pháp trái với chính sách của Hoa Kỳ thì ông phải báo cáo ngay về Washington và đề nghị Hoa Kỳ nên rút ra khỏi hội nghị hoặc giới hạn vai trò của Hoa Kỳ như một quan sát viên.”

Lập trường cứng rắn của Hoa kỳ có tác dụng là ủng hộ lập trường của Chính phủ Quốc gia Việt Nam chống lại việc chia cắt lãnh thổ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vào năm 1953

 

Chính phủ Quốc gia Việt Nam thực thi quyền tự quyết tại Genève

Từ mùa Hè 1953, mặc dù Quốc trưởng Bảo Đại cố gắng thúc giục Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam, nhưng mãi tới ngày 4/6/1954 thì Quốc hội Pháp mới phê chuẩn “Hiệp ước Độc lập” (Treaty of Independence). Việt Nam được chính thức công nhận là “một nước hoàn toàn độc lập và là một quốc gia tự trị với đầy đủ quyền hạn theo luật quốc tế”. Và Hiệp ước Patenôtre ký ngày 8 tháng 8 năm 1884 giữa Đại Nam Hoàng đế và Chính phủ Cộng hòa Pháp Quốc được hủy bỏ.

Trên căn bản mới này, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã từ chối tham gia Hội nghị Genève cho đến khi Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault cam kết bằng văn bản rằng mục đích của Pháp chỉ là vãn hồi hòa bình tại Đông Dương và bất cứ thỏa hiệp nào với Việt Minh cũng sẽ không có vấn đề chia cắt lãnh thổ. Cam kết này được ông Bidault thông báo cho ông Bedell Smith và Ngoại trưởng Anh Anthony Eden.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Trận đánh tại sân bay Mường Thanh vào năm 1954

 

Pháp đảo ngược lập trường

Nhưng ngày 12/6/1954, Chính phủ Pháp Joseph Laniel sụp đổ và Chính phủ Pierre Mendès-France lên thay thế ngày 17/6/1954 với số phiếu 419 trên 466 (90%), phản ảnh tinh thần chống chiến tranh của Quốc hội Pháp. Mendes-France thay đổi hẳn lập trường và tuyên bố :

“Việc ngưng bắn phải thực hiện ngay tức khắc… Chúng ta đang họp hôm nay là ngày 17/6/1954. Tôi sẽ đến trước quý vị vào ngày 20/7/1954 và sẽ báo cáo với quý vị kết quả đạt được.”

Tại Washington, bầu không khí hết sức bi quan. Ngoại trưởng Dulles lưu ý ông Bedell Smith không nên dính dáng vào việc soạn thảo hiệp định như Pháp yêu cầu, vì có thể đưa tới sự ngộ nhận là Mỹ đồng ý với Pháp. Cho nên ông phải làm rõ “vai trò của Hoa kỳ ở Genève được giới hạn chỉ là vai trò một quan sát viên” (công điện ngày 24/6/1954).

Khi đại biểu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam phát biểu, Trưởng đoàn là Giáo sư Nguyễn Quốc Định, một vị giáo sư quốc tế công pháp có uy tín, hùng biện chống đối việc chia cắt đất nước, nói lên những thành quả của chính phủ Quốc gia từ Hiệp định Élysée (8/3/1949): đã thống nhất đất nước độc lập (trong Liên hiệp Pháp), tạo được một đạo quân quốc gia, được 35 quốc gia công nhận và đặt nền móng cho một hệ thống hành chính hữu hiệu.

Giáo sư Định long trọng tuyên bố:

“Về phần Quốc gia Việt Nam, phái đoàn chúng tôi trân trọng cảnh cáo hội nghị rằng nếu việc chia cắt lãnh thổ bị áp đặt vào chúng tôi thì kết quả không phải là hòa bình mà chỉ là một sự tạm ngừng trước khi có những cuộc xung đột mới… Bởi vậy việc chia cắt lãnh thổ sớm hay muộn – mà chắc là sớm – sẽ làm cho chiến tranh tái diễn.”

Mà thật vậy, sau khi Pháp bỏ cuộc thì Mỹ đã lao vào và chiến tranh tiếp diễn tàn khốc khi một nửa triệu quân nhân Mỹ vào tham chiến, trái ngược với ý muốn của lãnh đạo của cả Đệ nhất lẫn Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam.

 

Trung Quốc bí mật gây áp lực với Việt Minh

Cuối tháng 6/1954, phái đoàn Mỹ tại Genève báo cáo về Washington là Nga và Trung Quốc đều lo ngại về sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Đông Dương. Bởi vậy, Nga thì tìm cách dàn xếp một thỏa hiệp để Pháp giữ lại một cứ điểm ở miền Bắc, giống như “giải pháp Berlin” ở Đức. Còn Trung Quốc thì đồng ý sẽ làm áp lực với Việt Minh chấp nhận giải pháp hòa bình với hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là quân sự, tức là ngưng chiến, rồi tới giai đoạn thứ hai là chính trị, thực hiện tổng tuyển cử.

Ông Jean Chauvel (trưởng phái đoàn Pháp tại hội nghị) thông báo cho Hoa Kỳ:

“Thủ tướng Mendès France yêu cầu ông Chu áp lực với Hà Nội để sớm có một hiệp định. Ông Chu Ân Lai đồng ý ngay vì đã chuẩn bị trước từ lâu.”

Áp lực của ông Chu Ân Lai lên phía Việt Minh để sớm có một hiệp định thì cũng chẳng thua gì áp lực của ông Henry Kissinger lên VNCH như được đề cập trong cuốn Bức tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm (xuất bản tháng 5/2024).

 

Góc khuất của vĩ tuyến 17

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, nơi từng là ranh giới chia cắt lãnh thổ Việt Nam

 

Vào lúc ấy thì phía Anh và Mỹ đã âm thầm đi tới một thỏa hiệp về một “Kế hoạch 7 điểm” và yêu cầu Pháp gói ghém cho bằng được vào bất cứ hiệp định nào được ký kết. Trong 7 điểm đó có một điểm quan trọng:

“Giữ lại tối thiểu là một nửa nước Việt Nam ở phía Nam, và nếu có thể thì nên giữ lại một cứ điểm ở miền Đồng bằng Bắc Việt. Ranh giới chia đôi không thể nằm ở phía dưới một tuyến đi từ Đồng Hới sang phía Tây.

Ngày 14/7/1954, Thủ tướng Mendès-France ký một văn bản với Ngoại trưởng Foster Dulles để:

Xác định vai trò của Mỹ tại bàn hội nghị là “một quốc gia thân hữu”;

Công nhận 7 điểm do Mỹ-Anh đưa ra.

Vấn đề ấn định ranh giới chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến nào là một vấn đề được tranh cãi gắt gao ở Hội nghị.

Ngày 3/7/1954, ông Jean Chauvel cho Mỹ hay phía Việt Minh yêu cầu ranh giới chia đôi là vĩ tuyến 13, tức là từ khoảng Tuy Hòa (phía Nam tỉnh Quy Nhơn). Phía Liên Xô giải thích rằng sở dĩ Việt Minh đòi như vậy là vì trong thực tế thì cả ba tỉnh nằm ở phía nam Faifo đã nằm dưới quyền kiểm soát của họ rồi, đó là Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Sông Cầu (Tuy Hòa).

Về địa điểm để chia cắt, lúc đầu Pháp đòi chia ở vĩ tuyến 18 (phía Bắc Đồng Hới), sau đó đòi đưa lên vĩ tuyến 19 – phía Nam Nghệ An (xem Khi đồng Minh nhảy vào, trang 177).

Mặc dù Thủ tướng Mendès France đã quyết định phải giải quyết vấn đề Việt Nam nội trong một tháng, nhưng ông vẫn giữ vững lập trường về ranh giới và chỉ thị cho phái đoàn Pháp ở Genève:

“Hãy đừng có vì hạn chót do chính Mendès France đưa ra là ngày 20/7/1954 mà chấp nhận vĩ tuyến 13 làm ranh giới, vì hạn chót này có thể thay đổi.”

Sau cùng, theo như hồ sơ nội bộ Hoa Kỳ, “những nhượng bộ từ phía Việt Minh đã đưa tới một giải pháp về căn bản, đã gói ghém tất cả 7 yêu sách của Mỹ-Anh và còn nhượng bộ về vấn đề ranh giới.

Ông Mendès France rất tự hào rằng chính ông đã tranh đấu để kết quả về ranh giới chia đôi là vĩ tuyến 17, chứ không phải là vĩ tuyến 13 như Chính phủ VNDCCH đòi hỏi.

 

Một quan điểm khác về ranh giới

Tuy nhiên, theo Giáo sư sử học Qiang Zhai tại Auburn University (Montgomery, Alabama) trong cuốn sách China and the Vietnam War 1950-1975 (một tác phẩm nghiên cứu rất công phu với bằng chứng rõ ràng – xuất bản năm 2000) thì chính ông Chu Ân Lai đã làm áp lực với Việt Minh – với những sự kiện sau đây:

Từ đầu tháng 3/1954, ông Chu đã gởi điện văn cho ông Vi Quốc Thanh, Trưởng Ban Cố vấn Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam (cũng là thành viên phái đoàn Trung Quốc tại Genève) đòi hỏi phía Việt Minh phải “cố gắng” để có nhiều thắng lợi quân sự hậu thuẫn cho hội đàm. Ban hậu cần Trung Quốc ở Quảng Tây phụ trách tiếp viện cho Việt Minh, được lệnh cung cấp vũ khí, đạn dược không giới hạn và đích thân ông Mao sẽ theo dõi tình hình. Tên gọi “Điện Biên Phủ” có nhiều khả năng bắt nguồn từ đây: vì là cách gọi của ông Mao (lúc ấy người Việt Nam gọi là Phủ Điện Biên như đề cập trên đây).

Giữa tháng 3/1954, ông Chu điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, hối thúc phải sửa soạn tham dự Hội đàm Genève và chuẩn bị cho vấn đề ranh giới phân chia lãnh thổ khi đình chiến. Ông Chu nói trước: “Phải có một ranh giới cố định, càng về phía nam càng tốt, thí dụ như vĩ tuyến 16”. Và ông Chu mời ông Hồ Chí Minh sang họp ở Bắc Kinh cuối tháng 3, rồi sau đó cùng sang Moscow để thảo luận với lãnh đạo Liên Xô.

Gần cuối tháng 3/1954, khi ông Hồ và ông Đồng sang Bắc Kinh, ông Mao khuyến khích: Hãy cố gắng để có kết quả ở Genève vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham dự một hội nghị quốc tế, ngang hàng với Mỹ và Liên Xô. Vì Trung Quốc không có kết quả về Triều Tiên ở Genève, nên phải có kết quả về Việt Nam.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Sông Bến Hải vào đầu thập niên 1990

 

Ngày 17/6/1954, Mendes-France nhậm chức thủ tướng Pháp thì ngày 23/6/1954, Chu Ân Lai đã bí mật gặp Mendes-France tại Bern, thủ đô Thụy Sĩ. Cuộc họp rất cởi mở, ông Mendes-France tỏ ý nhất quyết chấm dứt chiến tranh và ông Chu nói sẵn sàng công nhận Chính Phủ Quốc gia Việt Nam để tiến tới một thỏa hiệp.

Ông Chu thấy ông Mendes-France (thiên tả) khả ái, có thể lả một “người bạn” nên ông đã gặp ông Phạm Văn Đồng và khuyên: không nên “quan tâm quá mức” tới vĩ tuyến 16 hay 17 và cần phải để cho Mendes-France “đỡ mất mặt”, nếu không thì ông ta sẽ bị lật đổ. Nơi đây, xin độc giả lưu ý về lý luận tương tự của Cố vấn Henry Kissinger với Tổng thống Richard Nixon về việc nhượng bộ cho quân đội Bắc Việt đóng lại miền Nam Việt Nam – theo Hiệp định Paris 1973 – chính là để cho Bắc Việt “giữ được thể diện, không bị mất mặt” (sách Bức tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm, Chương 9 – 2024).

Có nghiên cứu cho rằng việc Chu Ân Lai gây áp lực để Việt Minh chấp nhận vĩ tuyến 17 thay vì 16 là do ý đồ của Bắc Kinh chứ không phải là để cho Mendes-France đỡ “mất mặt” như ông Chu nói với Phạm Văn Đồng.

Đó là ý đồ bành trướng xuống quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc ôm ấp từ lâu. Bối cảnh là như thế này: Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, sau khi Liên Xô đề nghị chuyển giao Hoàng Sa từ Nhật Bản cho Trung Quố và bị Hội nghị bác bỏ, đại diện của Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị, Thủ tướng Trần Văn Hữu, đã long trọng tuyên bố trước 51 nước tham dự: “Chúng tôi xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Không có nước nào phản đối tuyên bố này.

Tại Genève, nếu ranh giới chia cắt là vĩ tuyến 16, thì Hoàng Sa đã thuộc về lãnh thổ của VNDCCH chứ không phải VNCH.

Nhưng vì chọn vĩ tuyến 17, cho nên Hoàng Sa đã do phía VNCH quản lý. Như vậy là thuận lợi hơn cho Trung Quốc vì Trung Quốc có thể chiếm Hoàng Sa từ VNCH chứ không phải từ VNDCCH.

Sau này, qua Hiệp định Paris 1973, Henry Kissinger đã cho Trung Quốc biết là Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam và sẽ không trở lại, cho nên Trung Quốc xúc tiến việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa như dự định từ lâu. Ngày 19/1/1974, khi trận hải chiến xảy ra, VNCH đã một mình chống trả. Nhưng ngay buổi chiều hôm ấy, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gửi công điện cho Đại sứ Graham Martin ở Sài Gòn là phải can ngăn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “đừng đụng độ với Trung Quốc về mấy hòn đảo này”.

Câu hỏi đặt ra là nếu không có áp lực của Trung Quốc đối với Việt Minh về lằn ranh chia cắt lãnh thổ thì lịch sử đã diễn ra như thế nào?

Nhìn lại diễn biến 70 năm Hiệp định Genève, ta thấy một điểm rất rõ ràng, đó là từ lúc Trung Hoa Dân Quốc thành lập (1950) cho tới nay, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam là luôn luôn nhất quán, không hề thay đổi – không phân biệt đối với phe quốc gia hay phe cộng sản:

Trung Quốc tận tình giúp VNDCCH đánh Pháp và Mỹ chỉ vì không muốn có Pháp hay Mỹ ở sát ngay bên cạnh đe dọa Trung Quốc, chứ không phải vì “tình nghĩa cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Trung Quốc không bao giờ muốn ở phía nam của mình lại có một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh, cho nên khi cần thiết thì Trung Quốc trở mặt ngay. Bằng cớ là: Trung Quốc đã áp đặt Việt Minh giải pháp chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17 – và sẵn sàng công nhận Chánh phủ Quốc gia Việt Nam. Rồi khi cuộc chiến sắp kết thúc vào tháng 4/1975 thì Trung Quốc đã sẵn sàng tung 2 sư đoàn vào Sài Gòn để ngăn chặn chiến thắng của Bắc Việt nhưng lãnh đạo VNCH đã từ chối (xem sách Bức tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm, Chương 4).

Xin để cho các thế hệ trẻ tìm hiểu cho thật sâu về lập trường và thái độ của từng phía tham dự Hội nghị và Hiệp định Genève ra sao, nhất là về vấn đề bảo toàn lãnh thổ, Hoàng Sa, Trường Sa, để soi sáng thêm nữa cho lịch sử.

 

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn Khi Đồng minh tháo chạy và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.

 

Nguyễn Tiến Hưng và Nguyễn Kim Cương

Virginia, Hoa Kỳ

 

BBC (21.07.2024)