Bản đồ vùng thềm lục địa mở rộng do các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia đệ trình. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song vẽ minh họa dựa trên Google Map và hồ sơ đệ trình của các nước nêu trên. (Ảnh minh họa)  Song Phan/ Google Map

 

Ngày 17/7/2024, Việt Nam đã đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc yêu sách của mình về thềm lục địa mở rộng đối với khu vực giữa Biển Đông. Yêu sách này được đưa ra căn cứ vào Khoản 8, Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), quy định về giới hạn của thềm lục địa mở rộng, vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã có đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng vào năm 2009. Tại sao Việt Nam cần đệ trình một hồ sơ mới ở thời điểm này? 

 

Tiếp nối hồ sơ 2009 

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì hòa bình quốc tế và pháp quyền, Đức, cả ba đệ trình đều đề cập đến các phần khác nhau của thềm lục địa hợp pháp mà Việt Nam tuyên bố bằng cách áp dụng các biện pháp pháp lý khác nhau theo UNCLOS. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng cần lưu ý trang bìa hồ sơ của Việt Nam cũng ghi thời gian là năm 2009. Điều đó có nghĩa là Việt Nam coi hồ sơ 2024 là sự kéo dài hồ sơ 2009. Có thể nói, hồ sơ năm 2024 là để nói rõ hơn hồ sơ đã gửi trước đó. 

Tháng 5/ 2009, Việt Nam nộp hai hồ sơ. Một là hồ sơ riêng, một là hồ sơ chung với Malaysia. Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng trước hết, cần lưu ý rằng trong hai hồ sơ nộp tháng 5/2009 thì hồ sơ riêng của Việt Nam liên quan đến một phần thềm lục địa mở rộng của khu vực phía Bắc biển Đông (kí hiệu là VNM-N), còn hồ sơ nộp chung với Malaysia liên quan khu vực phía Nam, cụ thể là khu vực kí hiệu là “Defined Area” (“khu vực minh định”). Trong bản đồ, khu vực này có hình đa giác cong, được định vị với kí hiệu CDEQF. 

 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song chỉ ra là hồ sơ tháng 7 năm 2024 của Việt Nam liên quan đến khu vực Giữa biển Đông (được kí hiệu là VNM-C). Tuy nhiên các ranh giới của khu vực Giữa biển Đông này cũng đã được xác định trong hồ sơ nộp chung với Malaysia. Đặc biệt, ranh giới phía Bắc của khu vực này đã được điều chỉnh chút ít so hồ sơ trước. Cụ thể là dù vẫn được xác định bằng 78 điểm nhưng toạ độ các điểm lần này có sai khác toạ độ trước đây khoảng vài 1/10 000 của độ (khó thể nhận ra sự khác biệt với các bản đồ thông dụng). Như vậy, vẫn còn một phần của khu vực phía Bắc biển Đông, nằm gần quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam chưa nộp hồ sơ. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, điều đó có thể là do có nhiều rắc rối trong tranh chấp với Trung cộng cho vùng chồng lấn.

 

Tại sao Việt Nam đệ trình vào thời điểm tháng 7 năm 2024? 

Đệ trình của Việt Nam được gửi cho Liên Hiệp quốc trong bối cảnh cách đây hơn một tháng, vào ngày vào ngày 14/6, Philippines đã đệ trình Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với “thềm lục địa mở rộng”. 

Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, Việt Nam cần phải hoàn thành hồ sơ năm 2009, do bởi còn lại khu vực Giữa và phần cực Bắc của khu vực phía Bắc của biển Đông cần phải bổ sung. Trong đó, phần cực Bắc của khu vực phía Bắc có khả năng gặp rắc rối nhiều với Trung cộng. Do đó, có thể nhân việc hồ sơ Malaysia nộp lại năm 2019 và hồ sơ Philippines vừa mới nộp 6/2024 đều có vấn đề nên Việt Nam đã nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho khu vực Giữa biển Đông để khẳng định quyền lợi hợp pháp của mình với Malaysia, Philippines và cũng có thể với Trung cộng nữa. Cùng góc nhìn với ông Phan Văn Song, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng cho rằng đệ trình của Philippines hồi tháng 6/2024 là nguyên nhân chính thúc đẩy Việt Nam nộp thêm hồ sơ mới. Ông nói tiếp: 

“Theo tôi suy đoán, có lẽ phía Việt Nam muốn đáp lại đệ trình của Philippines ngày 15-16 tháng 6, 2024. Việt Nam phải bảo vệ lợi ích của mình. Đó là lý do Việt Nam phải gửi hồ sơ mới. Và cùng với hồ sơ đệ trình mới thì Việt Nam cũng gửi công hàm lên UN phản đối đệ trình của Philippines, trong đó cho rằng đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam.”

 

Hiệu lực “đảo” của Hoàng Sa, Trường Sa?

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, điều thứ nhất cần lưu ý là Việt Nam tuyên bố thềm lục địa mở rộng của mình tính từ đất liền, chứ không phải từ bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông mà Việt Nam có yêu sách chủ quyền. Cách làm này phù hợp với Công hàm của Việt Nam gửi CLCS ngày 30 tháng 3 năm 2020 và Phán quyết về Biển Đông năm 2016. 

 

Thực vậy, các đệ trình của Việt Nam, bao gồm cả đệ trình năm 2024, thể hiện một hàm ý rõ ràng là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thực thể nào có hiệu lực của đảo, theo quy định của UNCLOS. 

 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song nhận xét rằng các hồ sơ của Việt Nam năm 2009 (trước khi có phán quyết PCA 2016) và 2024 (sau khi có phán quyết) đều chỉ sử dụng hiệu lực của đất liền để tính thềm lục địa mở rộng, không sử dụng chủ quyền đối với các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng lưu ý rằng trong các hồ sơ/ công hàm kèm theo thường có câu dự phòng về việc sẽ nộp thêm hồ sơ đối với các vùng biển khác theo quy định. Từ sau khi có phán quyết của toà Trọng tài PCA 2016, qua các phát biểu phản đối Trung cộng về các vụ việc quanh Hoàng Sa, có vẻ đúng là Việt Nam không coi Hoàng Sa và Trường Sa có hiệu lực của đảo. Và từ đó, có thể đoán rằng trong hồ sơ lần này, Việt Nam cũng có quan điểm như vậy.

 

Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc cho biết họ sẽ xem xét đệ trình của Việt Nam trong chương trình nghị sự của phiên họp thứ 63 của Ủy ban, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2025.

 

RFA (23.07.2024)