Seite auswählen

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến Reuters

 

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố Youtuber Nguyễn Chí Tuyến với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 22/7 ra quyết định đưa vụ án của Youtuber, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ra xét xử sơ thẩm vào ngày 15/8 tới đây sau năm tháng bắt tạm giam và điều tra.

Theo văn bản có đóng mộc đỏ giáp lai mà phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) xem được, ông Chí Tuyến bị cáo buộc theo điểm b và c của khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý” với mức án từ 5 năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Vụ án sẽ được xét xử công khai tại trụ sở của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, sinh năm 1974, là một trong những người nổi bật của phong trào biểu tình ở Hà Nội từ năm 2011 phản đối Trung Quốc liên quan đến các vụ đụng độ ở Biển Đông. Ông là thành viên sáng lập của nhóm No-U (nói không với đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông).

Bên cạnh việc tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, ủng hộ dân oan, ông còn là một Youtuber sở hữu hai kênh Anh Chí Râu Đen và AC Media với hàng trăm bài nói chuyện được phát trực tiếp về nhiều chủ đề và số lượng người theo dõi tổng cộng lên đến 160 ngàn người.

Ông bị bắt ngày 29/2 vừa qua, nhưng một tuần sau đó báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin.

Trong tin nhắn gửi RFA ngày 24/7, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động khu vực của tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) nói về phiên toà sắp tới:

Việc truy tố và xét xử nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến theo Điều 117 hà khắc của Bộ luật Hình sự là nỗ lực mới nhất của chế độ nhằm bịt ​​miệng và bỏ tù một nhà hoạt động nữa. Ông đã nhiều lần phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu, quản thúc tại gia, chặn xuất cảnh, giam giữ và thẩm vấn tùy tiện.”

Ông kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những cáo buộc bịa đặt này và trả tự do cho ông Nguyễn Chí Tuyến ngay lập tức và vô điều kiện.

Thay vì truy tố các nhà hoạt động, Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các khuyến nghị gần đây của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong việc bãi bỏ những luật hạn chế như vậy và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà hoạt động và xã hội dân sự.”

Từ khi ông bị bắt đến nay, gia đình của nhà hoạt động này chưa được thăm gặp mà chỉ được phép gửi quà vào trại tạm giam. Gia đình đã thuê luật sư Nguyễn Hà Luân bào chữa và vị luật sư này đã gặp ông trong trại tạm giam để chuẩn bị bào chữa cho phiên tòa sắp tới.

Luật sư Luân xác nhận với RFA đã nhận được thông báo tương tự, tuy nhiên chưa nhận được cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Ông Nguyễn Chí Tuyến là một trong bảy người bị bắt theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” kể từ đầu năm đến nay. Bị bắt trong cùng ngày với ông là nhà báo Nguyễn Vũ Bình, blogger của RFA.

Sau khi hai nhà hoạt động này bị bắt, nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng đòi tự do cho hai ông, trong đó có Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

 

RFA (25.07.2024)

 

 

 

 

Mỹ hoãn ra quyết định xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam đến 2/8

Trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ ở Thủ đô Washington.

 

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hoãn một quyết định khó khăn về việc có nên nâng cấp Việt Nam lên thành nền kinh tế thị trường hay không cho đến đầu tháng 8 tới, với lý do vì sự gián đoạn về công nghệ thông tin, Reuters dẫn một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm 24/7.

Quyết định nâng cấp mà Hà Nội mong đợi từ lâu được dự kiến đưa ra vào ngày 26/7. Việc nâng cấp này bị các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ, những người nuôi tôm và nuôi mật ong ở Bờ Vịnh phản đối, nhưng được các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác ủng hộ.

Nếu được công nhận quy chế kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ được giảm thuế chống bán phá giá. Hiện tại, Mỹ xem nước này là một nền kinh tế phi thị trường do chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà nước.

Một bản ghi nhớ của Bộ Thương mại đề ngày 24/7 và được Reuters xem, nói rằng “do sự gián đoạn liên tục đối với Bộ Thương mại Hoa Kỳ… các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin”, nên thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng về các vụ kiện chống bán phá giá sẽ được gia hạn “tổng cộng sáu ngày”.

Bản ghi nhớ đã được nộp trong hồ sơ vụ việc công khai của Bộ Thương mại để xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam. Người phát ngôn của Bộ Thương mại không trả lời yêu cầu cung cấp thêm thông tin về sự trì hoãn này.

Họ cho biết bước này là cần thiết trong bối cảnh công việc bị đình trệ liên quan đến bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike vào tuần trước gây ra tình trạng ngừng hoạt động công nghệ thông tin trên toàn cầu.

Thời hạn ra quyết định ngày 26/7 do Bộ Thương mại ấn định cho trường hợp Việt Nam đã trở nên khó xử sau cái chết của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước, vì sự kiện này trùng với ngày quốc tang của ông được ấn định vào 26/7.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lẽ ra sẽ dừng lại ở Việt Nam để dự tang lễ vào ngày 26/7 khi bắt đầu chuyến công du châu Á, nhưng giờ đây ông dự kiến sẽ đến viếng gia đình ông Trọng vào cuối tuần.

Các nhà phân tích cho rằng việc công bố kết quả tiêu cực của cuộc đánh giá Thương mại vào cùng ngày tang lễ của ông có thể gây tổn hại cho mối quan hệ mà Washington đã nỗ lực không kém để thúc đẩy trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng với Trung Quốc.

Những người phản đối việc nâng cấp cho Việt Nam – một trong 12 nền kinh tế bị Washington coi là phi thị trường, trong đó có Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan – cho rằng các cam kết chính sách của Hà Nội chưa tương ứng với các hành động cụ thể và nước này vận hành như một nền kinh tế kế hoạch được điều chỉnh bởi các nghị quyết của Đảng cộng sản.

Nhà phân tích Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Inouye có trụ sở tại Hawaii, cho biết đây là một quyết định “đau đớn” đối với chính quyền Biden, do họ đang cạnh tranh muốn lôi kéo Việt Nam và xoa dịu các hoạt động vận động hành lang của ngành lao động và công nghiệp trong nước trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 đang gần kề.

“Cái chết của ông Trọng có thể gây thêm áp lực lên Hoa Kỳ trong việc lôi kéo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung,” ông Vuving nhận định. “Những ngày đầu tiên của tân lãnh đạo của Việt Nam – có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hướng đi tương lai của Việt Nam”.

“Quyết định này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu mối lo ngại về bầu cử có nặng hơn mối lo ngại về cuộc cạnh tranh quyền lực lớn hay không và liệu Nhà Trắng có muốn tác động đến Bộ Thương mại hay khuyến khích bộ này đưa ra quyết định một cách khách quan hay không”.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã quảng bá Việt Nam như một điểm đến “xoay trục sang đối tác thân hữu” để chuyển chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc.

 

VOA (25.07.2024)

 

 

 

 

 FIDH, VCHR kêu gọi EU yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay cho những nhà bảo vệ quyền môi trường

Đại diện Cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) đặc trách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borell, phát biểu tại một họp báo ở Doha hôm 19/11/2023 (minh họa) AFP

 

Liên minh Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 24/7 công bố thư chung trước chuyến công tác tại quốc gia Đông Nam Á này của Đại diện Cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) đặc trách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borell.

Thư ngỏ phát đi từ Paris cho biết chuyến công tác tại Việt Nam của ông Josep Borell sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31/7. Mục đích để thảo luận với Chính phủ Hà Nội về việc củng cố mối quan hệ giữa hai phía về các vấn đề an ninh, phát triển bền vững và chính sách đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Chuyến làm việc của ông Josep Borrell được cho biết diễn ra vào khi Hà Nội sẽ được nhận khoản 15,5 tỷ USD tài trợ từ EU và các quốc gia công  nghiệp phát triển G7 theo thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi năng lượng Công bằng (JEPT). Đây là cơ chế nhằm hỗ trợ cho Việt Nam, một quốc gia lệ thuộc nặng nề vào than đá, chuyển đổi năng lượng sang các loại tái tạo giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Việt Nam cũng có cam kết giảm phát thải xuống mức bằng 0 và tham gia vào công cuộc giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.

Mặc dù đưa ra cam kết như thế với quốc tế, Việt Nam đồng thời tiến hành việc bách hại những nhà bảo vệ quyền môi trường và các tổ chức xã hội dân sự. Kể từ giữa năm 2021, Hà Nội đã cho bắt giam và kết án tù đối với ít nhất sáu nhân vật nổi bật về bảo vệ khí hậu; các tổ chức của họ bị buộc đóng cửa. Cả sáu người đều tham gia hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi khỏi than đá vào thời điểm họ bị bắt.

Trong số này còn ba người đang phải thụ án tù. Đó là luật gia Đặng Đình Bách, hiện đang phải thụ án 5 năm tù tại Trại giam Số 6 ở Nghệ An trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt; bà Hoàng Thị Minh Hồng – một thành viên Sáng hội Obama và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận CHANGE, hiện phải thụ án ba năm tù; bà Ngô Thị Tố Nhiê n- chuyên gia và nhà tư vấn về môi trường, Giám đốc Điều hành của tổ chức Sáng kiến Doanh nghiệp Xã hội Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), bị án tù 3,5 năm.

FIDH và VCHR nêu rõ rằng sẽ không thể có phát triển bền vững tại Việt Nam nếu như không có sự tham gia của xã hội dân sự; cũng như sẽ không có chuyển đổi năng lượng công bằng khi mà những thủ lĩnh về khí hậu bị bỏ tù.

FIFH và VCHR kêu gọi ông Josep Borrell trong những cuộc làm việc sắp tới với phía Việt Nam đưa ra yêu cầu trả tự do ngay cho ba nhà bảo vệ khí hậu và quyền môi trường vừa nêu và tất cả những tù nhân khác bị giam cầm chỉ vì ôn hòa đòi hỏi quyền con người; đồng thời yêu cầu Hà Nội tôn trọng các cam kết bảo vệ quyền con người như là một yếu tố thiết yếu trong mối quan hệ EU-Việt Nam, trong đó có thỏa thuận mậu dịch tự do EV-FTA.

 

RFA (25.07.2024)

 

 

 

 

Quan chức về nhân quyền chính phủ nói Việt Nam “không có tù nhân tôn giáo”

Một số tù nhân chính trị tiêu biểu ở Việt Nam HRW

 

Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc Nhà nước Việt Nam dối trá sau khi một quan chức chính phủ phụ trách lĩnh vực nhân quyền của nhà nước độc đảng khẳng định nước này không giam giữ tù nhân chính trị và tôn giáo.

Trang Báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 có bài viết dẫn cuộc phỏng vấn Thiếu tướng công an Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ liên quan một số nhà hoạt động bị cầm tù, khẳng định “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị như luận điệu của một số tổ chức, cá nhân đã nêu trong thời gian qua.”

Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao ngày 22/7 dịch lại bài viết trên qua tiếng Anh nói đến việc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Mỹ kêu gọi trả tự do cho bốn nhà hoạt động là Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Y Yich và Y Pum Bya nhân ngày Ngày quốc tế Chống tra tấn của Liên Hiệp quốc (26/6).

Phản ứng trước lời khẳng định của ông Kỷ, ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Sự phủ nhận một cách lố bịch của Chính phủ Việt Nam là một phần trong âm mưu liên tục của họ rằng bất cứ điều gì có trong luật đàn áp của họ đều tự động tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và luật nhân quyền.”

Vị chuyên gia chuyên theo dõi nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua nhấn mạnh:

Tuyên bố lố bịch này được Hà Nội sử dụng để phủ nhận các hành vi đàn áp và vi phạm nhân quyền có động cơ chính trị. Tất cả đều là một phần của Lời Nói Dối Lớn (Big Lie) của Chính phủ Việt Nam, mà họ tiếp tục lặp đi lặp lại. Nhưng việc lặp đi lặp lại những lời nói dối không khiến chúng trở thành sự thật và việc tiếp tục phủ nhận cũng không thuyết phục được ai.

Lời Nói Dối Lớn trong tiếng Anh được hiểu là khi nói dối thì phải nói dối thật lớn và kiên trì. Tiếp tục nói dối, thậm chí có nguy cơ trở nên trông thật lố bịch.

 

Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm

Theo ông Kỷ, bốn nhà hoạt động nêu trên đều được cơ quan chức năng Việt Nam xử lý đúng người, đúng tội như đối với hàng trăm nhà hoạt động khác trong nhiều thập niên qua. Họ đã lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, vi phạm các điều luật cụ thể.

Ông cũng khẳng định quá trình bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử họ đều bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật, hết sức nghiêm minh và khách quan.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã gửi nhiều văn bản chất vấn Chính phủ Việt Nam về việc bắt giữ và kết án Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, cùng hàng chục nhà hoạt động khác.

Qua đó, các chuyên gia nhân quyền khẳng định rằng việc bắt giữ những người này là tuỳ tiện và việc kết án họ là không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng nói Việt Nam giam giữ nhiều tù nhân lương tâm, là những người bị bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, xu hướng tình dục, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Theo tổ chức này, số lượng tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã tăng từ 84 năm 2016 lên 170 đầu năm 2021.

Bà Kate Schuetze- Quyền phó giám đốc nghiên cứu khu vực của Ân xá Quốc tế, trong email gửi RFA khẳng định:

Nhà nước Việt Nam từ lâu đã bỏ tù những người chỉ trích mình nhằm bịt ​​miệng xã hội dân sự. Nhiều người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động đã bị bỏ tù chỉ vì lên tiếng chống lại Chính phủ. Đó không phải là tội.”

Theo thống kê của RFA, từ năm 2021 tới nay, Việt Nam bắt giữ ít nhất 104 người thực hành các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, hội họp, tôn giáo… và kết tội 94 người theo các tội danh như “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117, “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331, “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 ….

Đó là những điều khoản trong Bộ luật Hình sự 2015 mà Cao uỷ LHQ về nhân quyền, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều quốc gia kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hoặc sửa đổi để tương thích với các điều luật nhân quyền quốc tế và các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt trong các kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2019 và 2024.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nhận định rằng, Nhà nước do Đảng Cộng sản cai trị từ lâu đã “hình sự hoá tất cả những sinh hoạt nhân quyền căn bản” và xử tù những người thực hiện các quyền cơ bản đó. Ông cho rằng:

Và như vậy chính hệ thống luật Việt Nam đã vi phạm những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế chứ không phải không có tù nhân lương tâm ở Việt Nam.”

 

Cựu tù nhân chính trị nói gì?

Ông Ngô Văn Dũng (tức Facebooker Biển Mặn), một thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt giam từ năm 2018 sau các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông bị kết án năm (05) năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh”  và mãn hạn tù hồi tháng 9 năm ngoái. Nói với RFA trong ngày 23/7, ông khẳng định mình và nhiều thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt và kết án tù vì lý do chính trị.

Phản bác luận điệu “Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ bỏ tù những kẻ vi phạm luật pháp” của chính quyền độc đảng, ông Dũng cho rằng những người như ông không có hành động nào để lật đổ chính quyền mà chỉ lên tiếng theo Điều 25 của Hiến Pháp vốn quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.”

Về tuyên bố “Việc bắt giữ, xử lý hình sự các đối tượng nhân danh tự do ngôn luận, báo chí; tự do tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị là cần thiết và đúng với quy định pháp luật,” ông Dũng nói:

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, tôi đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra cho tôi một câu nói thôi một lời nói nào tôi vi phạm pháp luật hoặc một hành động hoặc có bất kỳ một vũ khí hay hung khí nào để chứng minh tôi vi phạm pháp luật nhưng họ không đưa ra mà cuối cùng vẫn kết án tôi năm (05) năm tù về tội ‘phá rối an ninh’.”

Ông cũng khẳng định những người trong nhóm của ông như Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Lê Thị Bình, Huỳnh Trương Ca, Lê Minh Thể, Lê Đình Cương… bị cầm tù chỉ vì thực hiện các quyền được ghi trong Điều 25 của Hiến Pháp hiện hành.

 

RFA (24.07.2024)

 

 

 

 

 

Project88: Nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên bị kết án 42 tháng tù

Trang mạng chuyên về nhân quyền Việt Nam Project88 hôm qua, 23/07/2024 cho biết nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên đã bị kết án 42 tháng tù trong một phiên xử kín. Án tù đối với giám đốc ‘‘tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất’’ ở Việt Nam được tuyên vào ngày 27/06, một tháng trước chuyến công du Hà Nội của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell vào cuối tháng 7, mà trọng tâm là phát triển bền vững và khí hậu.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc tổ chức Sáng Kiến ​​về Chuyển Đổi Năng Lượng Việt Nam. © Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE)

 

Bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt hồi tháng 09/2023, một tháng sau khi một nhóm các nhà tài trợ quốc tế – gồm Hoa Kỳ và các nước Liên Âu – cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) của bà Ngô Thị Tố Nhiên tham gia vào việc triển khai dự án nói trên.

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu dự kiến sẽ làm việc tại Hà Nội trong ba ngày, từ 29 đến 31/07/2024. Project88 kêu gọi Liên Âu trong dịp này ‘‘công khai lên án’’ bản án tù đối với bà Ngô Thị Tố Nhiên, và có các biện pháp để chính quyền Việt Nam tôn trọng cam kết loại bỏ dần điện than và khuyến khích công chúng tham gia vào cơ chế ‘‘Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng’’.

Theo Project88, một năm sau thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, với trọng tâm là từ bỏ dần điện than, chính quyền Việt Nam đang có xu hướng đi ngược lại cam kết. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu than của Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than năm 2023 cao hơn 61% so với năm 2022. Project88 nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam ‘‘đang thất bại’’. Báo cáo của Project88, dự kiến công bố vào tuần tới, sẽ trình bày rõ về vấn đề này.

 

RFI (24.07.2024)

 

 

 

 

 

Dự án 88: Việt Nam phạt bà Ngô Thị Tố Nhiên 42 tháng tù trong phiên xử kín

The 88 Project hôm 24/7/2024 loan tin bà Ngô Thị Tố Nhiên bị tuyên án 42 tháng tù vào tháng 6/2024.

 

Tổ chức nhân quyền Dự án 88 vừa cho biết chính quyền Việt Nam đã tuyên án nhà hoạt động vì môi trường Ngô Thị Tố Nhiên 42 tháng tù vào cuối tháng 6.

Hai nguồn tin cho biết bà Nhiên bị một tòa án ở Hà Nội tuyên 42 tháng tù “trong phiên tòa không cho người ngoài quan sát”, diễn ra vào ngày 27/6/2024, tổ chức Dự án 88 (The 88 Project) cho biết trong một thông cáo hôm 24/7.

Ngoài ra, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ nói thêm rằng bản án đối với bà Nhiên vẫn chưa được công bố.

Theo thông báo của Dự án 88, án tù trên được tuyên đối với giám đốc của ‘‘tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất’’ ở Việt Nam, một tháng trước chuyến công du Hà Nội vào cuối tháng 7 của ông Josep Borrell, lãnh đạo ngoại giao Liên hiệp châu Âu, mà trọng tâm là phát triển bền vững và khí hậu.

“Hà Nội đã vi phạm một cách có hệ thống các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) do EU dẫn đầu bằng cách bỏ tù các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà cải cách chính phủ tham gia giám sát các hiệp định này”, ông Ben Swanton, Đồng giám đốc Dự án 88, nói trong thông báo.

Ngoài ra, ông Swanton còn kêu gọi ông Borrell nên ưu tiên đảm bảo trả tự do cho những tù nhân chính trị trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới.

VOA đã liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ xác nhận việc tuyên án tù đối với bà Nhiên và thông cáo của Dự án 88, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam bắt giam bà Nhiên vào ngày 20/9/2023 về tội “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 342 Bộ Luật Hình sự, cụ thể là cáo buộc chuyên gia năng lượng này “chiếm đoạt tài liệu” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Việc bà bị bắt diễn ra ở thời điểm được một tháng sau khi một nhóm các nhà tài trợ quốc tế – gồm Hoa Kỳ và các nước Liên hiệp châu Âu – cam kết huy động 15,5 tỉ đô la để hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), theo đó khuyến khích việc từ bỏ dần than đá và phát triển các năng lượng tái tạo.

Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) của bà Nhiên, một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp nghiên cứu và phân tích chính sách và kỹ thuật nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, từng tham gia vào việc triển khai dự án nói trên của Việt Nam thông qua các đối tác JETP, theo báo cáo hồi tháng 6/2024 của Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam.

Ngay sau khi bà bị bắt, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 25/9/2023 bày tỏ “quan ngại” về việc Việt Nam bắt giữ bà, người từng cộng tác với các cơ quan của LHQ và chính phủ Hoa Kỳ.

Vào tháng 10/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ “các thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam”, đồng thời khẳng định việc bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên “là đúng pháp luật”.

 

VOA (25.07.2024)

 

 

 

 

Những người nói xấu ông Trọng bị tăng cường trấn áp

Chính quyền Việt Nam đã tiến hành xử phạt nhiều cá nhân vì đăng tải những nội dung bị cho là “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lúc quốc tang cho ông đang được chuẩn bị. Theo báo chí trong nước, ngày 21/7, công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập hai người, gồm một người sinh năm 1989 ở huyện Lạc Thủy và người còn lại sinh năm 1997 ở huyện Lạc Sơn, vì hành vi xúc phạm ông Trọng trên mạng xã hội.

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, hai người này đã bị yêu cầu gỡ bỏ các bài viết, lập biên bản và bị phạt tiền theo quy định của pháp luật. Họ được xác định bằng các chữ cái đầu là N.Đ.L và B.V.L. Đối tượng ở huyện Lạc Sơn bị cáo buộc đã đăng bài viết và bình luận xuyên tạc, phê phán những người bày tỏ lòng tiếc thương và xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gây bức xúc trong dư luận. Người này cho biết hành động của mình là do thiếu hiểu biết và nhận thức lệch lạc.

Tại Sài Gòn, trong hai ngày 20 và 21/7, ba người khác cũng đã bị xử lý về hành vi tương tự, theo báo Pháp Luật. Ba người đàn ông này, từ 39 đến 40 tuổi, là nhân viên giao hàng, kinh doanh và thất nghiệp, cư trú ở quận 10, quận 12 và thành phố Thủ Đức. Họ bị cáo buộc đăng tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương để mời họ lên làm việc, răn đe và yêu cầu cam kết không tái phạm. Hai người trong số này bị phạt lần lượt 7,5 triệu và 5 triệu đồng.

Cơ quan chức năng cũng đã rà soát trên mạng xã hội và phát hiện một số cá nhân trong và ngoài nước có hành vi xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu, đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ cho biết sẽ tiếp tục rà soát và mời các đối tượng lên làm việc.

Công an Sài Gòn đã cảnh báo người dân tuân thủ pháp luật khi phát ngôn trên mạng xã hội về cố lãnh đạo và cảnh giác trước các thông tin không chính thống. Các đơn vị trực thuộc cũng được chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã thắt chặt các quy tắc internet để kiểm soát thông tin, đặc biệt là sau khi Luật An ninh Mạng có hiệu lực vào năm 2019. Nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã bị xử phạt hoặc bị kết án vì những đăng tải bị cho là xúc phạm hay bôi nhọ lãnh đạo. Báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) năm ngoái cho biết Việt Nam có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác.

 

Dat Viet (24.07.2024)