Seite auswählen

Thế Vận Hội Paris mở màn với lễ khai mạc trên dòng sông Seine

Ngày 26/07/2024, lễ khai mạc Thế Vận Hội đã diễn ra tại thủ đô nước Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận Hội, lễ khai mạc diễn ra bên ngoài sân vận động.

Màu cờ Pháp trên cầu Austerlitz, điểm khởi hành của các đoàn vận động viên quốc tế Olympic Paris.
Màu cờ Pháp trên cầu Austerlitz, điểm khởi hành của các đoàn vận động viên quốc tế Olympic Paris. AP – Matthias Schrader

Gần 90 chiếc thuyền đưa khoảng 7.000 vận động viên quốc tế thuộc 206 đoàn thể thao quốc gia và vùng lãnh thổ diễu hành dọc bờ sông Seine, từ cầu Austerlitz ở phía đông thành phố đến tháp Eiffel ở phía Tây, nơi tổng thống quốc gia chủ nhà, ông Emmanuel Macron tuyên bố khai mạc ‘‘Thế Vận Hội lần thứ 33 của thời hiện đại’’, với sự có mặt của chủ tịch Ủy Ban Olympic quốc tế Thomas Bach và gần 100 lãnh đạo các nước.

Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn Thomas Jolly, Kinh đô Ánh sáng đã biến thành một sân khấu khổng lồ nơi hàng trăm nghìn khán giả có mặt tại chỗ cùng hàng trăm triệu khán giả truyền hình có cơ hội đắm mình trong một không khí chưa từng có. Cuộc diễn hành chậm rãi của các vận động viên trên du thuyền đưa công chúng dọc theo 6 km dòng sông Seine, với các công trình mang tính biểu tượng của Paris : nhà thờ Đức Bà với ngôi tháp nhọn vừa được khôi phục sau trận hỏa hoạn năm 2019, Viện Hàn Lâm Pháp, Bảo tàng nghệ thuật Louvre, vườn Tuleries, quảng trường Concorde, Grand-Palais… cho đến tháp Eiffel.

Kịch bản của lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris đã được giữ bí mật đến phút chót. Khoảng 3.000 nghệ sĩ tham gia vào cuộc trình diễn khổng lồ với ‘‘12 hoạt cảnh’’ (douze tableaux), diễn ra ngoài trời và trong nhà, kể về nước Pháp với rất nhiều gương mặt, một nước Pháp của vua Mặt Trời Louis XVI, nước Pháp của cuộc Cách Mạng 1789, nước Pháp của các giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái, một nước Pháp nơi ‘‘đa dạng’’ là giá trị.

Nghệ sĩ nói tiếng Pháp được nghe nhiều nhất hiện nay, cô Aya Nakamura, 29 tuổi, gốc Mali, có màn trình diễn có thể khiến nhiều người xúc động, trong màn trình diễn cùng với một nhóm vũ nữ người da màu… và đoàn nhạc công của lực lượng Vệ Binh Quốc gia trên cây cầu gỗ nối bảo tàng Louvre với Viện Hàn Lâm Pháp. Nữ nghệ sĩ Mỹ Lady Gaga bất ngờ xuất hiện trong màn trình diễn đầu tiên ‘‘Mon truc en plumes” sát mặt nước bờ sông Seine.

Cuộc trình diễn khép lại với tiếng hát vút cao trên tháp Ẹiffel của Céline Dion. Ca khúc huyền thoại ‘‘L’hymne à l’amour’’ (thường được dịch là bản Thánh ca của Tình yêu) của Edith Piaf vượt thời gian qua giọng hát của nữ danh ca người Canada, lần đầu tiên trở lại với sân khấu từ năm 2020, sau nhiều vấn đề sức khỏe trầm trọng, có thể khiến nhiều người rơi nước mắt.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Georges Grokhovsky, người gốc Ukraina, đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, có mặt tại đây, chia sẻ cảm tưởng về buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội: ‘‘Tiếng hát của Céline Dion khiến tôi xúc động. Tôi là người Ukraina, ở đây tất cả mọi người đều tay trong tay : Đây là một thông điệp tuyệt vời vì hòa bình và hòa giải’’.

Sau buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội chưa từng có trên dòng sông Seine, giám đốc điều hành của Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế Christophe Dubi, nhận xét : Mỗi kỳ Thế Vận Hội đều mang lại những đóng góp riêng của mình cho ngôi nhà chung Olympic, nhưng với lễ khai mạc đêm qua, Paris không chỉ góp vào ‘‘viên gạch’’, mà đã mang lại ‘‘cả một ngọn núi ’’ lớn cho mái nhà chung.

Khai mạc Olympic Paris 2024 : Pháp phá lệ với một « lễ hội đường phố » trên sông Seine

 

RFI

Lấy những kiến trúc cổ của Paris làm sân khấu, biến hai bờ kè sông Seine và những cây cầu của thành phố tráng lệ bậc nhất thế giới thành sân vận động với hơn 300.000 khán giả: Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Olympic, lễ khai mạc được tổ chức trên sông. 

Kim tự tháp bằng kính, cổng vào bảo tàng Louvre, đợi quan khách trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024.

 

Kim tự tháp bằng kính, cổng vào bảo tàng Louvre, đợi quan khách trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024. AP – Ludovic Marin
Quảng cáo

Một số công trình tiêu biểu nhất của Pháp trải dài trên 6km dọc theo sông Seine trong buổi lễ khai mạc Pháp là lời mở đầu chào đón gần 10.000 vận động viên đại diện cho 206 phái đoàn quốc tế và trên một tỷ khán giả toàn cầu qua truyền hình, đến với Thế Vận Hội Paris 2024.

Lời tỏ tình của Paris với các vận động viên toàn cầu

Để vinh danh sự kiện thể thao diễn ra 4 năm một lần, Paris phá lệ, không thu mình trong sân vận động vào giờ khai mạc, mà đưa thế giới thể thao đến tận giữa lòng thành phố. Khác với những lễ khai mạc trước đây, lần đầu tiên chương trình mở ra và khép lại với các vận động viên. Trên lộ trình 6 km, với cây cầu Austerlitz ở phía đông thủ đô là điểm khởi hành, 7.500 vận động viên quốc tế thả bước trên hơn 90 con tàu dọc theo sông Seine … Theo truyền thống, phái đoàn Hy Lạp mở đầu đoàn diễu hành và Pháp, trong cương vị chủ nhà, khép lại cuộc tuần hành.

Với tốc độ trung bình 8 km/giờ, trong vòng 40 phút, tất cả các phái đoàn lần lượt đi qua những công trình nổi tiếng nhất của Kinh Đô Ánh Sáng : từ nhà thờ Notre Dame de Paris, đến bảo tàng Louvre, quảng trường Concorde, điện Grand Palais, điện Invalides … Chuyến du thuyền kết thúc ở cầu Iéna, phía tây thủ đô Paris, ngay dưới chân biểu tượng của nước Pháp là tháp Eiffel.

Trong mắt nữ vận động viên điền kinh Pháp Marie José Pérec, 3 lần đoạt huy chương vàng Olympic và từng được vinh dự dẫn đầu phái đoàn Pháp tại Thế Vận Hội Atlanta năm 1996, chưa một nơi nào, chưa một buổi lễ khai mạc nào dành cho các vận động viên những ưu ái như Paris năm nay. Marie José, được mời quan sát lộ trình buổi lễ hôm nay, chia sẻ cảm nghĩ :

« Thật thú vị không kém gì lúc tôi đoạt huy chương vàng. Tất cả hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tuyệt đẹp và quá hoành tráng … Khi được vinh dự rước cờ ở Thế Vận Hội Atlanta, tôi vui sướng và tràn ngập hạnh phúc… Nhưng giờ phút ấy qua mau. Chúng tôi chỉ được rước cờ 1 vòng quanh sân vận động. Lần này, tại Paris cả thế giới hướng nhìn về các vận động viên khi họ tuần hành trên sông trong vòng 40 phút, từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna dưới chân tháp Eiffel … Đây là món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể tặng cho các nhà thể thao ».

Chủ tịch Ủy Ban Olympic Paris 2024, Tony Estanguet, nguyên là vận động viên và vô địch Thế Vận Hội ở môn chèo thuyền, chia sẻ thêm :  

« Là một vận động viên, tôi đã từng dự nhiều kỳ Thế Vận Hội, và tôi biết lễ khai mạc là một thời khắc khó quên, một thời điểm rất đặc biệt. Đây là lần đầu tiên, một con sông thay thế cho sân vận động, lần đầu tiên lễ khai mạc được tổ chức trên sông, mà đấy lại là sông Seine… Chắc hẳn các vận động viên đều muốn thời gian trôi chậm lại để được hưởng thụ lâu hơn một chút toàn cảnh và không khí lễ hội của Paris … » 

« Paris est une fête »

Một đặc điểm khác của Paris 2024 là lần đầu tiên ban tổ chức cố ý xen kẽ các màn trình diễn nghệ thuật vào giữa cuộc tuần hành của 206 phái đoàn quốc tế. Nước chủ nhà muốn kể lại với thế giới những gì đã đưa Paris đi vào lòng người, để Paris được mệnh danh là Kinh Đô Ánh Sáng, để thủ đô nước Pháp trở thành điểm hẹn và là nguồn sáng tác của biết bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ từ 5 châu, thậm chí đã có những người vĩnh viễn chọn Paris là nhà … 

Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly, người đem những ý tưởng và phối hợp dàn dựng toàn bộ chương trình khai mạc tối nay, khi được mời tham gia đã rất hào hứng :

« Lần đầu tiên lễ khai mạc diễn ra ở bên ngoài sân vận động, với phông nền là toàn cảnh của một thành phố tráng lệ như Paris. Đây là một ý tưởng rất độc đáo của ban tổ chức. Đối với tôi, về phương diện nghệ thuật, thì đây là quang cảnh đẹp nhất thế giới ! Sân khấu của chúng ta là dòng sông Seine trữ tình. Tôi thật là may mắn được sáng tạo trên một phông nền tuyệt vời như vậy. Điều thú vị ở đây là khi mà chúng ta lấy toàn cảnh sông Seine làm nền cho buổi lễ, mỗi công trình kiến trúc của thành phố đều nói lên bề dầy lịch sử của Pháp, của Paris … Bản sắc của Pháp, những gì tiêu biểu của Paris đã có sẵn ngay tại nơi này… Paris là thành phố của sự hòa đồng trong cuộc sống, một thành phố đã lớn mạnh nhờ những gì du nhập từ bên ngoài cũng đã có ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới ».

Sông Seine và kiến trúc Paris là sân khấu 

Là một tên tuổi lớn trong làng kịch nghệ sân khấu, Thomas Jolly đã tận dụng tối đa những không gian của thủ đô Paris – trên sông, trên cạn và trên bầu trời Paris để sáng tác. Cùng với các cộng tác viên trong ban tổ chức, Thomas Jolly huy động 400 vũ công, 3.000 nghệ sĩ sân khấu, cho sự kiện này. Hàng ngàn diễn viên sân khấu sẽ ẩn hiện đâu đó trên thuyền, trên 14 cây cầu nổi tiếng Paris, hay bất ngờ xuất hiện từ nóc nhà hát Opéra … Vẫn Thomas Jolly, trả lời báo chí, nói rõ hơn về ý tưởng anh gửi gắm vào chương trình khai mạc Paris 2024 : 

« Chúng ta chờ đợi một chương trình hoành tránh, diễn ra trong khoảng 3 tiếng 45 phút, đan xen những màn các vận động viên diễu hành, với những bức tranh mang tính nghệ thuật, và kèm theo đó là những nghi lễ của một buổi khai mạc Thế Vận Hội. Đây sẽ mà một ngày hội lớn để vinh danh nhân loại, vinh danh chúng ta. Hai chữ chúng ta ở đây phải hiểu theo nghĩa bản chất của mỗi chúng ta ở góc trời Paris này, ở trên đất Pháp và ở khắp mọi nơi trên toàn cầu. Lễ khai mạc Olympic là dịp để vinh danh mối liên hệ giữa Paris, giữa Pháp với thế giới và lúc mà cả thế giới đang đến với Paris và cùng nhìn về Paris ».

Trả lời báo chí quốc tế, giám đốc nghệ thuật chương trình lễ khai mạc Paris 2024 phát biểu bằng ngôn ngữ của Hemingway (nhà văn Mỹ Erneste Hemingway là tác giả cuốn Paris est une fête/A Mouveable Feast/ Hội hè miên man), thực sự nóng lóng giới thiệu với thế giới về « thành phố tình yêu » : 

« Chúng tôi đã chuẩn bị trong hơn hai năm cho sự kiện này, và tôi rất nôn nóng được chia sẻ thành quả công việc của mình với thế giới. Tôi không được phép tiết lộ về những người tham dự, nhưng chương trình đêm khai mạc sẽ rất tuyệt vời với rất nhiều nhân vật danh tiếng, gắn bó với Paris, có những gì để kể về thành phố này… Đây là hình ảnh của nước Pháp của một thành phố ngày hôm nay. Đây là nơi tất cả mọi người đều có quyền được sống, được yêu và được là chính mình … »

Dành cho khán giả sự bất ngờ, như vừa nói, ban tổ chức cố gắng giữ kín những thông tin về chương trình đêm nay. Thí dụ như đến giờ phút này, mọi người vẫn mới chỉ phỏng đoán là đài lửa Olympic Paris sẽ ngự trong khu vườn Tuileries nằm giữa quảng trường Concorde và bảo tàng Louvre. Nhưng chưa biết gương mặt nào trong làng thể thao của Pháp sẽ có vinh dự thắp sáng đài lửa Paris 2024… Chỉ biết rằng, trong ngày hôm nay, 30 nhân vật trên thế giới sẽ truyền tay nhau ngọn đuốc Olympic và trong số này sẽ có ba ngôi sao trong làng giải trí Hoa Kỳ : Snoop Dogg, Bradley Cooper và Pharrell Williams.  

Một bí mật được giữ kín khác liên quan đến danh sách các nghệ sĩ được mời biểu diễn trên sân khấu Paris đêm nay. Có nhiều khả năng, đó là các diva trong làng nhạc quốc tế như Lady Gaga, Céline Dion hay ca sĩ hai dòng máu Pháp và Mali, Aya Nakamura …   

Lịch sử và con người 

Theo thông lệ, lễ khai mạc luôn là dịp để nước chủ nhà giới thiệu với thế giới về mình qua một « bộ phim không lời ». Sử gia Patrick Boucheron, một trong những chuyên gia được mời cố vấn cho chương trình, ghi nhận Paris 2024 tránh lên giọng dạy đời như ở Bắc Kinh 2008, khi mà ban tổ chức Trung Quốc phô trương với thế giới những trang sử oai hùng, đề cao lòng yêu nước của cả một dân tộc…  

Người Pháp vốn đã bị chê là « quá tự tin », « ngạo mạn », nên ban tổ chức thiên về ý tưởng Thế Vận Hội lần này là dịp để nói với bạn bè 5 châu rằng Paris có thể trở « Kinh Đô Ánh Sáng » cũng là nhờ du nhập và học hỏi nhiều ở những nền văn hóa từ các nước bạn chung quanh… Chính tinh thần cởi mở và sự hòa đồng ấy là nhựa sống của Paris. Từ xưa đến nay, trong nhãn quan của không ít người trên thế giới, Pháp nói chung, Paris nói riêng luôn là biểu tượng của những « hứa hẹn tự do », nơi mọi người có thể chung sống hài hòa.

Một sự điên rồ 

Việc tổ chức lễ khai mạc Thế Vận Hội trong thành phố và hoàn toàn ngoài khuôn viên một sân vận động là « một sự điên rồ », một bài toán táo bạo đã đặt ra 1001 thách thức, cả về kỹ thuật và an ninh đối với nước chủ nhà. Một câu hỏi đơn giản là đêm nay trong hơn 3 giờ đồng hồ lễ hội, trời Paris có mưa hay không. Hiện cơ quan khí tượng quốc gia báo trước một đêm mưa. Ban tổ chức sẽ phải thích nghi với tình huống khi biết rằng « lễ hội Paris 2024 » thành công hay không, một phần lớn sẽ tùy thuộc vào sức gió, vào ánh sáng tự nhiên của những buổi hoàng hôn, khi trời chạng vạng ngả màu tím …

Thêm vào đó, khi mượn dòng sông Seine làm nền, làm sân chơi cho các vận động viên quốc tế, thì ban tổ chức phải chấp nhận một điều hiển nhiên : Sông Seine hiền hòa nhưng bướng bỉnh và có những luật chơi riêng.

Sylfried Cartier và Yves Dalboeuf, hai thuyền trưởng giàu kinh nghiệm lái tàu trên sông Seine, lo rằng mưa nhiều, mực nước sông dâng cao, tàu sẽ khó đi qua một số gầm cầu trên lộ trình 6 cây số của sông Seine. Dù đã thuộc nằm lòng từng khúc sông, nhưng cả hai vẫn trong tình trạng đề cao cảnh giác tối đa với con sông nổi tiếng nhất của nước Pháp. Một nỗi băn khoăn khác của cả hai viên thuyền trưởng là không dễ để phối hợp nhịp nhàng cả một độ tầu trên dưới 90 chiếc nối đuôi nhau tuần hành trên sông không. Họ đã tập dợt không biết bao nhiêu lần trước chuyến khởi hành đêm nay. Dù vậy, cả Sylfird và Yves cùng xem trọng trách chở phái đoàn Pháp là vinh hạnh lớn nhất và đáng ghi nhớ nhất trong sự nghiệp :

« Chúng tôi rất hân hạnh được chở đoàn 600 vận động viên Pháp. Tôi đã phục vụ 39 năm và trước khi về hưu được tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội là một vinh hạnh rất lớn, một khoảnh khắc đầy xúc động ».

An ninh, một bài toán đau đầu

Bảo đảm an ninh cho hơn 90 con thuyền trên sông, cho khán giả dọc theo hai bờ kè cũng là một mối đau đầu rất lớn đối với ban tổ chức. Để chuẩn bị cho sự kiện đêm nay, Pháp phải huy động đến quân đội và đã có một sự chuẩn bị kỹ càng, như giải thích của trung tá Olivier thuộc trung đoàn đóng tại Ivry Charenton :

« Chúng tôi có cách tiếp cận đa chiều các mối đe dọa, có nghĩa là xem xét mọi khả năng mối đe dọa đó có thể xuất hiện từ dưới lòng sông, trên mặt đất và trên không. Do vậy, chúng tôi sử dụng sonar để quan sát lòng sông. Chúng tôi huy động cả các rào cản trên mặt nước và trên bộ nhằm ngăn cản mọi mục tiêu xâm nhập vào các khu vực an ninh. Sau cùng, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với lực lượng Không quân, chủ yếu để phát hiện drone trong khu vực diễn ra sự kiện ».

Trong thời bình, chưa bao giờ Paris đóng cửa không phận trong 6 giờ đồng hồ liên tiếp như hôm nay để bảo đảm an ninh cho lễ khai mạc Thế Vận Hội.

Sau hơn 7 năm chuẩn bị, Ủy Ban Thế Vận Hội Paris bắt buộc phải thành công trong buổi lễ đêm nay, để « Paris là một ngày lễ hội ». Dù đã phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, có lẽ một trong những hình ảnh Olympic Paris 2024 muốn nhắn gửi lần này, đó là, với tinh thần đồng đội và tập thể, khó khăn nào cũng có thể vượt qua …   

Olympic Paris 2024 : Hình ảnh đẹp của Pháp trong mắt báo chí nước ngoài

 

Báo chí quốc tế dành nhiều lời khen tặng cho buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic đêm 26/07/2024. Pháp, Paris và ban tổ chức đã đưa ra hình ảnh của một đất nước, một thành phố « cởi mở và hòa đồng », lớn mạnh cùng với « các nền văn hóa trên thế giới, nơi mọi người có quyền được sống, được yêu và được là chính mình ». 

Truyền thông quốc tế dành nhiều lời khen tặng cho Lễ Khai Mạc Lympic Paris 2024.
Truyền thông quốc tế dành nhiều lời khen tặng cho Lễ Khai Mạc Lympic Paris 2024. AP – Robert F. Bukaty

Tờ báo Thể thao của Tây Ban Nha Marca nói đến một buổi « lễ khai mạc hoành tráng nhất trong lịch sử Olympic » dù diễn ra dưới mưa. « Paris làm mê hoặc cả thế giới dưới những cơn mưa tầm tã » tựa lớn trên tờ báo uy tín tại Madrid El País. Tại Berlin, Die Welt quả quyết « buổi lễ khai mạc lần này đi vào lịch sử ». Làng báo Anh nổi tiếng là khắt khe tỏ ra hào hứng khác thường. The Independant nói đến một « Ý tưởng điên rồ tổ chức lễ hội trên sông » nhưng nhờ thế mà « Olympic Paris mang dấu ấn đặc biệt khác hẳn với mọi mùa Thế Vận Hội khác ». Báo The Sun mượn tên dòng sông Seine để chơi chữ « Seine-Sational ». Riêng The Guardian kém hào hứng cho rằng kịch bản tối qua có phần « lòe loẹt ».

Nhìn sang châu Á, báo Hàn Quốc Korea Times ngưỡng mộ khi thấy ban tổ chức của Pháp đã « khai thác đến tận cùng những gì mà sức người có thể làm được để đưa vào một buổi lễ khai mạc ». Về phần tờ China Daily của Trung Quốc thì cho rằng « Danh bất hư truyền, lễ khai mạc Olympic Paris mang đậm dấu ấn của một thành phố lãng mạn ».

Trong bốn năm nữa đến lượt Los Angeles tổ chức Thế Vận Hội mùa hè, truyền thông Mỹ và người dân Hoa Kỳ cũng đã theo dõi rất kỹ buổi lễ khai mạc trên sông ở Paris hôm qua.

« Pháp tỏa sáng, khi đan xen dòng lịch sử, sự táo bạo về mặt nghệ thuật và Olympic Paris đã mở ra trong màu cờ của nước Pháp, xanh trắng, đỏ. Paris hóa thân thành sân khấu thể hiện sự táo bạo trong cách tư duy của người Pháp và đã đem lại hào quang cho một sự kiện tưởng chừng không còn thu hút chú ý của thế giới » : tờ Washington Post đã nhận xét như trên về chương trình gần 4 giờ đồng hồ đêm qua.

Nhưng người khen, kẻ chê như thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington ghi nhận : 

« ‘Tôi không thể thốt lên lời’. Xướng ngôn viên đài truyền hình NBC phản ứng như trên sau phần trình diễn của Céline Dion trên Tháp Eiffel. Công luận Mỹ đã xúc động trước sự kiện ca sĩ người của vùng Québec này lại cất tiếng hát dù cô đang đau ốm, bởi từ lâu nay Céline Dion đã sống tại Las Vegas. Nhưng đây không là thời khắc duy nhất trong cả chương trình lễ khai mạc khiến mọi người ngạc nhiên. Người Mỹ khám phá ra rằng dân Pháp có thể vừa chấp nhận, vừa diễu cợt về chuyện đã từng chặt đầu một bà hoàng hậu. Điều này khiến mọi sửng sốt và khó hiểu. Làng báo Mỹ đã không phải bình luận về màn nam danh ca Philippe Katerine trong vai thần Dionysos trần trụi xuất hiện trên bàn tiệc bởi đúng lúc ấy, các chương trình tivi ở Mỹ phát quảng cáo. Dù vậy hình ảnh này đã gây phẫn nộ trong hàng ngũ phe cực hữu và điều đó được thể hiện qua các mạng xã hội. Số này đã bị sốc không kém với hình ảnh nhái lại từ một bức tranh của danh họa Leonardo Da Vinci nói về bữa ăn cuối cùng của chúa Giê Su, nhưng ở đây, các nhân vật lại là những nghệ sĩ Drag Queen. Đài truyền hình cựu kỳ bảo thủ Fox News dành hẳn một trang trên internet cho chủ đề này. Nhà tỷ phú Mỹ, Elon Musk lên án thái độ ‘vô lễ’ đối với người theo đạo Thiên Chúa. Trái lại nhật báo tài chính The Wall Street Journal của tỷ phú Rupert Murdoch, thì coi lễ khai mạc đêm qua là một kỳ công, trước một mục tiêu khó hoàn thành. Phần lớn làng báo Mỹ khâm phục trước một sự thành công trong một cuộc chơi đầy mạo hiểm »

Olympic Paris 2024 xin lỗi công chúng nếu lỡ cảm thấy bị xúc phạm về tôn giáo

Người Việt

PARIS, Pháp (NV) – Các nhà tổ chức Thế Vận Hội Paris cho biết hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, rằng họ “thực sự xin lỗi” nếu khán giả cảm thấy bị xúc phạm khi thưởng thức lễ khai mạc táo bạo và kỳ quặc, nhưng phủ nhận rằng họ “cố tình miệt thị bất kỳ tổ chức tôn giáo nào,” Đài France 24 loan tin.

Một số tổ chức Cơ Đốc Giáo và giám mục người Pháp lên án “hoạt cảnh chế giễu và nhạo báng Cơ Đốc Giáo” trong cuộc diễn hành hôm Thứ Sáu do đạo diễn sân khấu Thomas Jolly thực hiện.

Những lời chỉ trích tập trung vào một cảnh có sự tham gia của các vũ công, nghệ sĩ nam giả nữ và một DJ trong các tư thế làm người ta liên tưởng tới Bữa Tiệc Ly, là lần cuối cùng mà Chúa Jesus dùng bữa với các tông đồ.

Khán giả xem ca sĩ Philippe Katerine biểu diễn vai Thần Dionysus trên màn hình lớn tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris ngày 26 Tháng Bảy, 2024 ở Paris, Pháp (Hình: Ludovic Marin – Pool/Getty Images)

“Rõ ràng là chúng tôi không bao giờ cố ý giễu cợt bất kỳ tổ chức tôn giáo nào cả,” phát ngôn viên Olympic Paris 2024 Anne Descamps nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật.

“Nếu công chúng cảm thấy bị xúc phạm, tất nhiên chúng tôi vô cùng, vô cùng tạ lỗi,” bà nói thêm.

Jolly cũng phủ nhận rằng ông không lấy cảm hứng từ Bữa Tiệc Ly trong tác phẩm khai mạc dài gần bốn giờ đồng hồ diễn ra dưới thời tiết mưa như trút nước dọc sông Seine.

Đó là hoạt cảnh nhằm kêu gọi lòng khoan dung với các khuynh hướng giới tính và tình dục khác nhau, trong đó còn có sự góp mặt của tài tử người Pháp Philippe Katerine, gần như khỏa thân khi xuất hiện và được sơn màu xanh lam trong vai Dionysus, vị thần rượu vang và khoái lạc trong thần thoại Hy Lạp.

“Ý tưởng của tôi đó là tổ chức một bữa tiệc ngoại giáo lớn liên quan tới các vị thần trên đỉnh Olympus,” Jolly nói với Đài BFM hôm Chủ Nhật.

“Người ta sẽ không bao giờ tìm thấy chi tiết chế giễu hay hạ nhục bất kỳ ai trong tác phẩm của tôi. Tôi mong muốn tổ chức một buổi lễ khai mạc giúp tất cả quây quần lại với nhau, hòa giải, nhưng cũng là một buổi lễ khẳng định các giá trị Cộng Hòa của nước Pháp về tự do, bình đẳng và tình anh em,” Jolly nói thêm.

Trong một trong những khoảnh khắc để lại nhiều ấn tượng khác của lễ khai mạc, một người phụ nữ cầm một cái đầu bị chặt đứt, máu chảy đầm đìa vì bị hành quyết, đó là nữ hoàng Pháp Marie-Antoinette, xuất hiện trên một cửa sổ tại Conciergerie, là tòa nhà nơi bà bị giam giữ sau Cách Mạng Pháp năm 1789.

Sau đó, bà bị đưa lên máy chém cùng với chồng là Quốc Vương Louis XVI.

Descamps cho biết Paris 2024 ủy quyền cho tổ chức khảo sát Harris thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy đông đảo người dân Pháp có phản hồi tích cực về lễ khai mạc.

Đài NBC cho biết lễ khai mạc Olympic Paris là lễ diễn hành Thế Vận Hội được xem nhiều nhất tính từ London 2012, còn đài truyền hình Đức ARD đưa tin đây là lễ khai mạc được xem nhiều nhất trong 20 năm qua, theo phát ngôn viên Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC Mark Adams.

Khoảng 700,000 khán giả sẽ theo dõi các sinh hoạt diễn ra xung quanh Paris vào Chủ Nhật, ngày thứ hai của Thế Vận Hội. (TTHN)

 

Paris 2024, thành phố của tình yêu và nghệ thuật

27/07/2024

Nguyễn Văn Huy

Thế Vận Hội Paris 2024 vừa được khai mạc chiều ngày Thứ sáu 26/07/2024 trong niềm vui và hoành tráng, chính thức mở màn cho hơn 2 tuần tranh tài hấp dẫn của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Đây là lễ khai mạc Thế vận hội lần đầu tiên không đóng khung trong sân vận động, mà được trải dài trên dòng sông Seine – giữa thủ đô nước Pháp – nhằm giới thiệu tới khán giả quốc tế về con người và lịch sử nước Pháp.

Lễ khai mạc, kéo dài trong 4 giờ dưới cơn mưa tầm tã, bắt đầu bằng video trình chiếu màn rước đuốc của cựu danh thủ bóng đá người Pháp Zinedine Zidane.

Ngọn đuốc được lấy từ sân vận động Stade de France, đi từ các đường hầm thoát nước và metro dưới lòng Thành phố Paris rồi lên mặt đất với các danh lam và kiến trúc lịch sử nổi tiếng dọc sông Seine của thủ đô Paris để đến Quảng trường Trocadero, nơi Tổng thống Emmanuel Macron cùng hơn 160 nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao của nhiều nước trên thế giới có mặt để chứng kiến lễ khai mạc. Nhiều khán đài được dựng lên dọc hai bên bờ sông cho 220.000 khách mời và khán giả đến tham dự.

Trên cây cầu bắc qua sông Seine, một làn khói khổng lồ với ba màu lam, trắng và đỏ, tượng trưng cho lá cờ Pháp được phun bay lên cao, như lời chào của nước chủ nhà với thế giới, cũng là phần mở màn cho cuộc diễu hành của 85 tàu thuyền lớn nhỏ, chở 7.000/10.500 lực sĩ thuộc các đoàn thể thao của 205 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Thế vận hội.

Suốt dọc 6 km hai bên bờ sông, tàu chở các đoàn lực sĩ đã lần đi qua những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp – xen kẻ những màn trình diễn văn nghệ và nhảy múa độc đáo của những nghệ sĩ quốc tế và Pháp – như cầu Austerlitz, cầu Alexandre III, Pont des Arts, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre, tháp Eiffel cùng một số địa điểm thi đấu như Esplanade des Invalides, Grand Palais… để đến điểm kết thúc là quảng trường Trocadero cạnh tháp Eiffel, nơi diễn ra các nghi thức chính của lễ khai mạc.

Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành ở phần áp cuối (nhóm V) với 10 thành viên, trong đó có 6 vận động viên gồm : Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).

(Hình cờ Đỏ bị tự kiểm duyệt)

Đoàn thể thao Pháp, chủ nhà của Olympic năm nay, xuất hiện cuối cùng.

Sau khi cờ Olympic được kéo lên tung bay dưới bóng tháp Eiffel, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach cùng Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố khai mạc Olympic Paris 2024 lần thứ 33.

Sau đó là màn rước đuốc đầy bất ngờ của nước chủ nhà với những lực sĩ Pháp và quốc tế từng đoạt huy chương vàng Olympic. Hai lực sĩ cùng châm lửa ngọn đuốc thiêng Olympic được thắp sáng trên khinh khí cầu bay lên cao thắp sáng bầu trời Paris, thay vì đài đuốc như truyền thống.

paris2

Ngọn đuốc thiêng Olympic được thắp sáng trên khinh khí cầu bay lên cao thắp sáng bầu trời Paris

Lễ khai mạc kết thúc trong sự xúc động với ca khúc “Hymn to Love” do nữ danh ca Celine Dion (người Canada) hát trên tầng 1 của Tháp Eiffel. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên của cô sau bốn năm trị bệnh, thu hút sự cổ vũ nồng nhiệt từ đám đông khán giả.

Đây là Thế vận hội đầu tiên có số lượng vận động viên nam và nữ gần bằng nhau, một bước tiến mới kể từ khi 22 vận động viên nữ đầu tiên được tham gia thi đấu tại Olympic cách đây 124 năm.

Nữ danh ca Céline Dion hát bài Hymne à l’amour kết thúc Lễ khai mạc Thế Vận Hội Pái 2024 tối ngày 26/07/2024

Paris hy vọng Thế vận hội Paris 2024 truyền tải thông điệp đến thế hệ trẻ về việc nâng cao ý thức hơn trong bảo vệ môi trường. Pháp hướng tới một thế vận hội ít ô nhiễm và bền vững. Đáng chú ý, các điểm tổ chức thi đấu thể thao của Thế vận hội năm nay chỉ là tạm thời vì Paris không muốn lặp lại sai lầm của các thành phố từng đăng cai Olympic trước đây, tập trung vào việc xây dựng các sân vận động mới nhưng không được sử dụng về sau.

Nguyễn Văn Huy

—————————–

Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu với độc giả loạt bài viết về Paris để cùng chia sẻ.

Paris trong ký ức của người Việt Nam

Paris là thành phố huyền thoại mà nhiều người Việt trong và ngoài nước từ lâu ao ước được “đến thăm một lần rồi chết”. Những người yêu văn hóa mến nghệ thuật muốn đến Paris thăm những di tích văn hóa nổi tiếng từ thời hoàng kim và những bảo tàng lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật từ thời cổ đại đến hiện nay. Phái nữ muốn giữ gìn nét đẹp trời cho đều muốn đến thiên đàng của thời trang, mỹ phẩm để chọn lựa và ngắm nhìn tận mắt những báu vật giữ gìn sắc đẹp của trần gian ; những người yêu nhau tìm đến Paris để đặt chân trên những con đường đã nẩy sinh những cuộc tình. Paris còn là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà cách mạng lớn… Loạt bài này sẽ lần lượt giới thiệu thành phố Paris dưới từng góc cạnh độc đáo để mọi người cùng tìm đến khám phá.

paris3

Paris là thành phố huyền thoại mà nhiều người Việt trong và ngoài nước từ lâu ao ước được “đến thăm một lần rồi chết”.

1. Tổng quan về nước Pháp

Nước Pháp ngày nay có lẽ không còn xa lạ gì đối với người Việt. Gần một trăm năm khống chế toàn cõi Việt Nam, người Pháp đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng và trong cách sống của người Việt. Bảy mươi năm đã trôi qua đi kể từ sau cuộc chiến giành độc lập của người Việt năm 1954, quan hệ Pháp-Việt đã bình thường trở lại. Người Pháp đã biết thua và người Việt cũng không phủ nhận di sản văn hóa do Pháp để lại. Hiện nay nguyện vọng của nhiều người Pháp đã từng biết Việt Nam là được nhìn lại đất nước này trước khi giã từ cuộc sống, họ quí mến Việt Nam như chính một phần thân thể của họ. Nhiều người, vì tuổi già sức yếu không thể đi xa, đã nhờ con cái đến thăm viếng Việt Nam khi về đem theo vài tấm hình chụp lại mảnh đất, khu phố hay căn nhà cũ để nhớ lại một thời đã sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Có thể lúc ban đầu những “thực dân” này đã đến Việt Nam với tham vọng thống trị và khai thác thuộc địa nhưng với thời gian và trước sự hiền hòa và hiếu khách của người Việt, quan hệ thống trị – bị trị trở thành quan hệ tình cảm, quyến luyến. Đó là tâm trạng của những người đã một thời gắn bó với chế độ “thực dân”.

Còn tuổi trẻ Pháp ngày nay như thế nào ? Đó là một tuổi trẻ đầy may mắn, không hề biết đến chiến tranh và cũng không va chạm với sự nghèo khó, họ sống trong tiện nghi, tự do và hạnh phúc. Từ giữa cuối thế kỷ 20 đến nay, các chính quyền và dân chúng Pháp dồn mọi nổ lực biến nước Pháp thành mảnh đất của tình yêu và quyền con người.

Pháp ngày nay là một trong bảy quốc gia giàu nhất thế giới, thường được biết dưới tên nhóm G7. Pháp đứng vào hàng thứ tư về sức mạnh nguyên tử, sau Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, và thứ 7 về sự giàu có (2.854 tỷ USD/2023). Lợi tức bình quân đầu người năm 2022 : 40.886 USD, hạng thứ 23 theo World Bank (Việt Nam : 4.164 USD, hạng 120).

Năm 2023, dân số nước Pháp là 68,4 triệu người. Chỉ số sinh sản : 1,68/phụ nữ ; tuổi thọ trung bình nam/nữ : 80/85,7 tuổi. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế : 0,9%, tỷ lệ lạm phát : 4,9%, thất nghiệp : 7,3%%.

Hệ thống giao thông của Pháp trên đất liền, trên mặt nước và trên không được xem là hoàn hảo nhất thế giới, không một nơi nào trên đất Pháp không có một trục giao thông đầy đủ tiện nghi và an toàn đi ngang qua.

Về địa lý, Pháp là một quốc gia lục địa nằm ở phía Tây Châu Âu, tương đối lớn. Diện tích tổng cộng là 549.000 km2, trong đó 543.965 km2 ở chính quốc (với 3.100 cây số bờ biển và trên 3.000 cây số biên giới đất liền) và hơn 5.000 km2 ở hải ngoại. Tại chính quốc, nếu nối liền các đường thẳng từ các điểm xa nhất vào nhau, nước Pháp có hình lục giác (hexagone) ; do đó trong cách nói thân mật người Pháp thường dùng chữ “Hexagone” để chỉ “nước Pháp”. Đồng bằng và núi non tại chính quốc được phân bố khá đồng đều, khí hậu ôn đới, bốn mùa rõ ràng, nhưng phía Bắc lạnh hơn phía Nam và phía Tây mưa mù hơn phía Đông ; phía Đông có nhiều núi non, phía Tây có nhiều đồng bằng và bờ biển. Lãnh thổ hải ngoại phần lớn là các hải đảo trên các đại dương, khí hậu nhiệt đới.

Mật độ trung bình 105,8 người trên một cây số vuông. Số người làm việc chiếm 68% tổng dân số (2022), trong đó 4,5% trong nông nghiệp, 26,5% trong kỹ nghệ và xây dựng và 69% trong các lãnh vực dịch vụ và hành chánh. Trình độ dân trí cao : 90% dân số có trình độ trung học và 50% trình độ đại học. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp (langue française), nhưng tại mỗi vùng dân chúng có quyền sử dụng tiếng địa phương như tiếng Breton, Alsacien, Basque, Catalan, Corse, Flamand, Occitan, Créole, Kanak…

Về hành chánh, nước Pháp có hai lãnh thổ : chính quốc (métropolitaine hay hexagone) và hải ngoại (outre-mer). Năm 2024, nước Pháp được chia thành 14 vùng (région) : 12 tại chính quốc (métropole) và 2 tại hải ngoại (outre-mer) ; 93 tỉnh (département) : 91 tại chính quốc và 2 tại hải ngoại ; 34 934 đơn vị hành chánh địa phương (thành phố, thị xã, quận, huyện, làng) trong đó 34 805 tại chính quốc và 129 tại hải ngoại. Ngoài ra Pháp cũng dành cho một số đơn vị hành chánh được hưởng qui chế đặc biệt, như qui chế đơn vị hành chánh duy nhất cho đảo Corse, Guyane, Martinique và Mayotte ; qui chế riêng biệt cho Thành phố Paris và Lyon ; qui chế đảo hải ngoại : Polynésie thuộc Pháp (Tahiti), Saint Barthelémy, Saint Martin, Saint Pierre et Miquelon, Wallis et Futuna ; sau cùng là qui chế “tự trị” (sui generis) dành cho vùng Alsace, Nouvelle Calédonie và hai vùng Bắc cực và Nam cực thuộc Pháp.

Về chính trị, Pháp là một quốc gia dân chủ theo chế độ cộng hòa (hiện nay là nền đệ ngủ cộng hòa), tổng thống chế, trung ương tập quyền, dân chủ nghị trường. Tổng thống, các dân biểu quốc hội trung ương và nghị viên các vùng và tỉnh, 34 934 chủ tịch cơ quan hành chánh địa phương (mairies) được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, hai vòng. Đại biểu dân cử vào Quốc hội Liên Hiệp Châu Âu được bầu theo tỷ lệ một vòng. Mỗi tỉnh có một tỉnh trưởng (préfet) do tổng thống chỉ định, chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh, quốc phòng và môi sinh. Thủ tướng, do tổng thống chỉ định, là thủ lãnh của liên minh chính trị có đa số phiếu sau cuộc bầu cử quốc hội để điều hành chính phủ. Sinh hoạt chính trị tập trung vào hai liên minh : tả phái (đảng xã hội, cộng sản, môi sinh và cực tả) và hữu phái (cộng hòa, dân chủ, cực hữu, bảo hoàng và thiên chúa giáo), ngoài ra còn có nhiều đảng phái nhỏ chỉ có tiếng nói ở địa phương như nhóm săn bắn và câu cá, các phong trào kanak tự trị ở Nouvelle Calédonie, créole ở Antilles, v.v… Chính quyền trung ương tài trợ mọi chi phí điều hành và quản trị hành chánh ở các lãnh thổ hải ngoại.

Hiện nay Pháp đã cùng 24/27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (443 triệu dân và 4,2 triệu km2) xóa bỏ lằn ranh ngăn cách giữa các quốc gia để thành lập Liên Hiệp Châu Âu từ 1990 để chuẩn bị thống nhất về mặt chính trị vào đầu thế kỷ 21. Liên Hiệp Châu Âu hiện nay có 27 thành viên : 6 năm 1958 (Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Luxemburg, Ý) , 2 en 1973 (Danmark, Ireland), 1 năm 1981 (Hy Lạp), 2 năm 1986 (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), 3 năm 1995 (Áo, Finland và Sweden), 10 năm 2004 (Cyprus, Estonia, Latvia, Lithuania, Poland, Hungary, Czech Republic, Slovakia, Slovenia, Malta), 2 năm 2007 (Bulgary và Romania), 1 năm 2013 (Croatia). Vương quốc Anh gia nhập Liên Âu năm 1973 nhưng đã làm một cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi Liên Âu năm 2016 và chính thức rút tên năm 2020.

Tuổi trẻ Pháp cũng đang biến thể để trở thành công dân Châu Âu và thế giới, và có mặt trong hầu hết các tổ chức thiện nguyện nhân đạo quốc tế.

Đồng Euro là đồng tiền lưu hành song phương với đồng Franc từ đầu năm 1999 đến cuối tháng 6/2002. Từ ngày 1/7/2002, Euro (EUR) là đồng tiền chính thức của và 19 nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (một đồng Euro bằng 1,1 USD). Sản phẩm của Pháp, đặc biệt là mỹ phẩm, áo quần thời trang, fromage và rượu ngon, rất được ưa chuộng trên các thị trường lớn quốc tế. Kỹ thuật cao cấp (hi-tech) của Pháp cũng rất đáng kể : xe lửa tốc hành (TGV-Train à grande vitesse, có thể chạy đến 500 cây số/giờ, rút ngắn khoảng cách giữa các thành phố lớn tại Tây Âu), xe điện ngầm (métro), máy bay Airbus, hỏa tiễn Ariane, dụng cụ truyền tin, v.v. được thán phục tại khắp nơi.

Pháp là một cường quốc quân sự trung bình nhưng được trang bị đủ loại vũ khí chiến lược như một đại cường quốc quân sự, nhưng vì tầm vóc nhỏ người ta có thể gọi là một đại cường quốc quân sự bonsai, bao gồm đủ loại vũ khí từ máy bay 5G đến tàu ngầm nguyên tử.

Nhưng sự giàu có của nước Pháp không chỉ tập trung vào phần vật chất và những con số, di sản văn hóa và tinh thần tích lũy từ nhiều ngàn năm đã biến nước Pháp thành nơi hành hương của những người yêu mến văn học, nghệ thuật và kiến trúc. Pháp là trung tâm văn hóa, du lịch và ẩm thực lớn nhất thế giới. Năm 2023 Pháp đã đón 98 triệu khách du lịch từ khắp nơi đến hội thảo, thăm viếng và nghỉ hè tại các thành phố di tích văn hóa, ba vùng biển (Manche, Atlantic và Mediterranean) và các vùng núi non đẹp nhất Châu Âu (Vosges, Massif Central, Jura, Alpes, Pyrenees). Nhừng con đường chế biến rượu nổi tiếng của Pháp thu hút hàng chục triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất là Myc và và quốc gia Đông Á : Alsace, Champagne, Bourgogne, Val de Loire, Côtes du Rhône, Beaujolais, Bordeaux, Languedoc-Roussillon, Corse. Miền Nam nước Pháp (Côte d’Azur) là nơi mỗi năm các thiếu nữ từ khắp Châu Âu đến khoe sắc đẹp trời cho trên những bãi biển tràn đầy nắng ấm.

Như mọi dân tộc có nền văn minh sáng chói, người Pháp đã biết tận dụng vị trí địa lý tự nhiên của mình để di chuyển, giao dịch, thám hiểm và chinh phục thế giới. Pháp có năm con sông dài (Seine : 776 km, Loire : 1.020 km, Garonne : 575 km, Rhône : 872 km và Rhin : 1.320 km, trong đó 700 km tại Pháp) và ba biển lớn (Manche, Atlantique và Méditerrannée). Vị trí này rất là hiếm có, những nền văn minh xưa lớn nhất của thế giới thường chỉ nhờ một vài con sông hay một vùng biển (vùng Mésopotamie chỉ có hai con sông Tigre và Euphrate, Ai Cập có sông Nil, Hy Lạp chỉ có một biển Egée, La Mã có biển Méditerrannée, Ấn Độ có sông Gange, Trung Hoa có sông Dương Tử và Hoàng Hà, cả Trung Âu chỉ có một dòng sông Danube) mà đã để lại cho đời sau biết bao kinh ngạc.

Thêm vào đó, nhờ chiếm giữ một vị trí trung tâm, Pháp còn là ngã tư của những giao lưu nhân chủng, tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật của Châu Âu, từ Nam lên Bắc và từ Đông sang Tây, đó là chưa kể những giao lưu văn hóa giữa Nam và Bắc bán cầu, giữa văn hóa Đông phương và Tây phương. Từ thời tiền sử đến nay không nơi nào trên đất Pháp không lưu lại vết tích một nền văn minh lâu đời hay một sinh hoạt văn hóa rực rỡ. Di sản văn hóa của Pháp chính vì thế, nếu không cho là quá đáng, là văn hóa chung của cả nhân loại.

Mỗi vùng và mỗi tỉnh, ở chính quốc hay hải ngoại, đều nổi tiếng về một di sản văn hóa, một đặc sản địa phương hay một thắng cảnh nào đó. Chính quyền và dân chúng, ngoài những sinh hoạt chuyên nghiệp thường nhật, tập trung cố gắng để thăng hoa những ưu điểm văn hóa và du lịch của địa phương mình thành một sinh hoạt liên tục trong suốt năm để tạo công ăn việc làm cho các cộng đồng sinh cư trung khu vực. Mỗi địa phương tự tổ chức những sinh hoạt dành riêng cho mùa hè và những sinh hoạt dành riêng cho mùa đông, do đó nước Pháp lúc nào cũng tấp nập du khách.

Năm 2014, nước Pháp chính quốc được chia lại thành 13 vùng, chúng ta lần lượt khám phá theo kim đồng hồ.

paris4

Năm 2014, nước Pháp chính quốc được chia lại thành 13 vùng

1. Vùng Hauts de France bao gồm hai địa danh Nord-Pas de Calais và Picardie.

Nord-Pas de Calais nổi tiếng với bãi biển Dunkerque, nơi quân đội Pháp thua trận chạy ra biển tìm đường sang Anh và những lô cốt kiên cố do Đức xây trong hai thế chiến đọc bờ biển, ngư cảng Boulogne sur Mer cung cấp đồ biển cho Paris và phụ cận, đường hầm dưới biển Manche. Thành phố Villeneuve d’Ascq nổi tiếng về nghề làm thủy tinh cao cấp và bảo tàng viện nghệ thuật tân thời.

Picardie được biết đến với những di tích gallo-romain quanh thành phố Amiens, nghĩa trang quân đội dọc sông Somme, các loại đường củ cải, vựa lúa thứ hai của Pháp, và là trung tâm sản xuất các loại kem sữa của Pháp quanh thành phố Beauvais.

2. Vùng Grand Est bao gồm ba địa danh nổi tiếng Lorraine, Alsace và Champagne-Ardenne.

Lorraine nổi tiếng với các di tích chiến tranh với Đức, nhất là tại Verdun nơi hài cốt của gần 500.000 chiến sĩ vô danh hai bên được chôn và trưng bày trong những tòa nhà bằng kiếng đồ sộ. Hai thành phố Metz và Nancy còn lưu lại di tích kiến trúc của Đức. Ngoài ra Lorraine còn lưu lại vết tích các mỏ than đá, nghề dệt cổ truyền, làm kẹo mật ong và bánh thịt heo nướng một thời đã làm vinh quang nước Pháp.

Alsace bị Đức sát nhập nhiều lần, nổi tiếng với ngôn ngữ nửa Đức nửa Pháp và nghề làm rượu nho trắng dọc sông Rhin dùng để ăn kèm với đồ biển và món choucroute thịt heo. Colmar và Montbéliard là “thánh địa” sản xuất xe hơi hiệu Peugeot của Pháp với một xa lộ miễn phí do hãng Peugeot tài trợ. Nhà thờ gothic Strasbourg nổi tiếng với các mũi nhọn bằng đá đỏ và tổ cò trên các ống khói.

Champagne-Ardenne được cả thế giới biết đến với rượu Champagne và di tích chiến tranh hồi đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Nhà thờ Reims là di tích duy nhất còn sót lại sau các cuội dội bom của quân đội đồng minh trong đệ nhị thế chiến. Thành phố Troyes là trung tâm sản xuất các loại áo quần thời trang cho cả nước Pháp và thế giới.

3. Vùng Bourgogne Franche-Comté bao gồm hai lãnh địa Franche Comté và Bourgogne.

Franche Comté là nhượng địa cũ của Tây Ban Nha, nổi tiếng với nghề sản xuất đồng hồ, súc xích thịt heo và fromage mặn cứng Comté, thắng cảnh thần tiên vào mùa thu và là nơi lạnh nhất nước Pháp. Cảnh vật nơi đây gợi lại phong cảnh thiên nhiên của thành phố Đà Lạt.

Vùng Bourgogne là lãnh địa của các quận công từ thế kỷ 9 đến 15, nổi tiếng với nghề sản xuất rượu nho Bourgogne, fromage bò, moutarde và nghề nuôi gà thịt. Các đồng lúa mì và cây moutarde từ mùa xuân đến mùa thu vẽ ra nhiều một bức tranh đầy màu sắc mang vóc dáng Van Gogh. Khu rừng Morvan được biết đến với những loài thú hoang hiếm được bảo vệ.

4. Vùng Auvergne Rhône-Alpes bao gồm hai địa danh cũ Auvergne và Rhône Alpes.

Auvergne giống miền Trung của Việt Nam, nghĩa là nghèo hơn những nơi khác nhưng là nơi sinh trưởng của những nhân vật chính trị và quân sự nổi tiếng của Pháp. Đây là nơi sản xuất các loại xúc xích ngon nhất thế giới. Trụ sở hãng võ xe Michelin đặt ở Clermont-Ferrand với hằng trăm dãy nhà bằng gạch đen đủi dành cho công nhân. Cảnh trí nơi đây rất đẹp, các đồi cỏ chạy dài trên những núi đồi bao quanh mõm núi lửa Puy de Dôme đã ngừng hoạt động từ vài trăm năm nay.

Rhône Alpes là nơi du khách đến nghỉ đông và trượt tuyết. Những ngôi nhà miền núi (châlets) đầy đủ tiện nghi và ấm cúng được dựng tại khắp các thành phố lớn như tại Chambéry, Annecy, v.v… Mùa xuân và mùa hè cây cỏ khoe màu rực rỡ trên các triền núi và thung lũng sâu thẳm dành Chi Phương những du khách thích đi bộ để khám phá. Vào thu, cảnh rừng núi Alpes rất đẹp, các màu đỏ vàng của lá rừng làm tăng sự lộng lẫy của thiên nhiên hùng vĩ. Thành phố Thonon les Bains là nơi sản xuất nước Evian, đây là nơi các nhà văn nhà thơ tìm sự thanh tịnh để sáng tác và cũng là nơi để những người có tiền đến tiêu xài trong các sòng bạc bên hồ Léman. Thành phố Lyon là nơi chuyển tiếp giữa Bắc và Nam với nhiều di tích lịch sử dọc theo sông Rhône. Thành phố Saint Etienne nổi tiếng với nghề sản xuất vũ khí cổ truyền.

Limousin được biết đến với nghề nuôi bò thịt. Thành phố Limoges nghề sản xuất đồ sành sứ đẹp nhất nước Pháp. Khung cảnh thiên nhiên rất ngoạn mục với núi đồi và sông ngòi đan xen phức tạp, thích hợp cho những cuộc du ngoạn sơn dã.

5. Vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur là nơi các tài tử giai nhân đến nghỉ ngơi và chơi du thuyền, hàng năm hàng chục triệu người đến đây nghỉ hè. Thành phố Cannes tổ chức Liên Hoan Phim hàng năm. Những bãi biển Saint Tropez, Saint Maxime dành riêng cho giới đại gia quốc tế và giới nghệ sĩ nổi tiếng đến ở, đây cũng là nơi để những mỹ nữ có thân hình kiều diễm, thích khoe ngực trần khi tăm biển. Tiểu vương quốc Monaco và Nice là hai sòng bạc lớn nhất Địa Trung Hải. Toulon là quân cảng lớn nhất nước Pháp, nơi xuất phát các loại tàu chiến hiện đại nhất. Thành phố Marseille là thương cảng lớn nhất của Pháp, có rất nhiều di tích thời La Mã. Vào dịp hè, các thành phố Nîmes thường tổ chức các trận đấu bò, thành phố Arles và Orange tổ chức ca nhạc kịch trong các khu di tích La Mã, thành phố Avignon tổ chức các buổi văn nghệ bên cạnh cây cầu cùng tên nổi tiếng. Đó là chưa kể các trại chăn nuôi ngựa và bò đấu trên những vùng sình lầy rộng lớn ở Camargue.

6. Đảo Corse, còn gọi là Đảo của Sắc Đẹp (Ile de la Beauté), được chia làm hai vùng Nam và Bắc. Thắng cảnh tại đây rất đẹp với những bãi biển nhỏ, đôi lúc chỉ dành cho hai người những giây phút không bao giờ quên. Nhưng gần đây phong trào đòi độc lập lên cao nên tình hình an ninh có phần lơ đễnh.

paris05

Những vùng sản xuất rượu nho ngon nhất nước Pháp

7. Vùng Occitanie bao gồm hai vùng Languedoc-Roussillon và Midi Pyrénées cũ.

Languedoc-Roussillon sống nhờ du khách đến tắm biển mùa hè và nổi tiếng với rượu nho hồng (rosé) để ăn kèm với thịt đỏ và cá. Thành phố Montpellier được biết đến với các trường đại học danh tiếng, thành phố Perpignan là nơi hàng hóa Tây Ban Nha tràn sang với giá rẻ. Nhưng đặc biệt hơn cả các bãi biển lõa thể dọc các bờ biển như Le Canet, Saint Cyprien, Cap d’Adge, Port Leucate và La Grande Motte, các thiếu nữ tóc vàng mắt xanh từ Bắc Âu xuống nghỉ hè rất đông.

Midi-Pyrénées nổi tiếng với thành phố Toulouse, trung tâm âm nhạc và kỹ nghệ sản xuất máy bay Airbus. Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại Lourdes hàng năm đón nhận trên 10 triệu người đến thăm viếng. Vùng này còn nổi tiếng về sản xuất fromage sữa dê. Tiểu vương quốc Andorre là nơi hàng hóa được miễn thuế, giá rẻ và tốt, hàng triệu người mỗi năm ghé vào mua hàng. Hoàng hôn trên dãy Pyrénées lúc nào cũng đẹp, những triền núi đá bên cạnh các vùng thảo nguyên mênh mông tạo ra một sức hấp dẫn kỳ lạ vào mùa đông cũng như mùa hè.

8. Vùng Nouvelle Aquitaine kết hợp hai vùng Aquitaine và Poitou-Charentes cũ.

Aquitaine nổi tiếng với thành phố Bordeaux và rượu nho cùng màu. Đây là nơi sản xuất các loại rượu nho ngon (Saint Emilion) và đắt nhất thế giới (cognac) vì các vườn nho được trồng dọc các sườn đồi chảy dài xuống sông Garonne và các sông phụ cận.

Poitou-Charentes không có gì đặc sắc ngoài các bãi biển dài và đẹp dành cho những người ham thích trượt nước (surf). Vùng này cũng nổi tiếng với một vài loại rượu nho va xúc xích trung bình. Thành phố Poitiers nổi tiếng với khu kiến trúc tân kỳ Fururoscope trưng bày những kỹ thuật của thế kỷ 21.

9. Vùng sông Loire nổi tiếng với hàng chục lâu đài nguy nga dựng lên dọc sông Loire từ thời Trung Cổ đến đầu thế kỷ 19. Những thành phố Angers và Nantes rực rỡ với các loài hoa, thành phố Le Mans nổi tiếng với các cuộc đua xe moto và xe thể thao F3 chạy 24 giờ liên tục. Thành phố hải cảng Saint Lazaire là nơi sản xuất các tàu viễn dương và du thuyền. Rượu nho vùng Loire tương đối ngon, đặc biệt là loại rượu nho trắng khai vị.

10. Vùng Centre (Trung Tâm) và Val de Loire (Thung lũng sông Loire) kết hợp ba lãnh địa cũng là ba vựa lúa mì lớn nhất nước Pháp : Berry, Orléanais và Touraine (Tours). Đây là vùng đất thừa hưởng quá khứ vương giả của các vua chúa với những lâu đài được xây dựng đó đây dọc sông Loire, trong các thành phố lớn (Orléans, Blois, Chateaudun, Vendôme) và trong những khu rừng đầy thơ mộng. Thành phố Orléans, Tours và Bourrges nổi tiếng với các kiến trúc thời Trung Cổ và Phục Hưng giữa trung tâm thành phố.

11. Vùng Bretagne là nơi xuất thân của các nhà mạo hiểm trên các biển cả, cũng là nơi nổi tiếng bởi những di tích thời đồ đá, đặc biệt là Carnac, và các nghề làm bánh crêpe mặn và ngọt, bánh bích qui bơ. Vùng này có rất nhiều bãi biển hoang dã và thơ mộng dành riêng cho những cặp tình nhân muốn tìm nơi yên lặng để tình tự, hay cho những tay ngao du dọc các các mõm đá phân chia biển Manche và Đại Tây Dương. Brest vừa là quân cảng lớn thứ hai của Pháp vừa là nơi sản xuất các loại tàu chiến, hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử. Các cuộc đua thuyền vượt đại dương hay vòng quanh thế giới đều xuất phát tại vịnh Morbihan.

12. Vùng Normandie ở phía bắc bao gồm hai khu thượng và hạ cũ.

Normandie thượng nổi tiếng với các xưởng đóng tàu đi biển trọng tải lớn và du thuyền. Cảng Le Havre là nơi xuất phát các đoàn tàu thám hiểm đi chinh phục thế giới ngày xưa, nay trở thành cảng thứ hai của Pháp sau Marseille về trọng lượng và là nơi dự trữ dầu lửa nhập cảng lớn nhất toàn nước Pháp. Nhà thờ Đức Bà Evreux là nơi hàng trăm ngàn tín đồ công giáo đến hành hương vì có Đức Mẹ hiện ra.

Normandie hạ nổi tiếng với nghề sản xuất sữa bò, nước cốt trái táo, rượu Calvados. Các bãi biển Omaha Beach, Utah Beach còn ghi lại vết tích cuộc đổ bộ vĩ đại của quân đồng minh tháng 6 năm 1944, quân cảng Cherbourg tại mũi Cotentin là nơi lưu trú hạm đội nguyên tử vùng Bắc nước Pháp. Các bãi biển Deauville, Cabourg nổi tiếng với các sòng bài và trường đua ngựa, và cũng là nơi nghỉ mát của danh nhân, tài tử và dân chúng Paris mỗi cuối tuần hay dịp hè. Nhà thờ Saint Michel, di sản văn hóa của Unesco, là kiến trúc độc đáo duy nhất xây trên một hòn đảo ở giữa biển, hơn 10 triệu người đến thăm mỗi năm.

Vừa rồi là phần giới thiệu tóm lược 12 vùng lãnh thổ tại chính quốc (métropole), nước Pháp còn có những vùng lãnh thổ hải ngoại, phần lớn lad những hải đảo nằm rãi rác trên khắp của đại dương, từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Vùng Antilles trong biển Caribean (Trung Mỹ) là nơi mà du khách đến nghỉ hè đông đảo tại hai đảo lớn thuộc Pháp (Guadeloupe, Martinique), khí hậu quanh năm ấm áp. Du khách khó thể bỏ qua hơi nồng của rượu rhum làm bằng đường mía cùng với thức ăn créole rất cay. Những bãi biển cát trắng dọc quanh đảo làm nổi bật màu xanh của biển cùng những hàng dừa ngã mình trên sóng. Ngoài khơi Thái Bình Dương, quần đảo Tahiti là thiên đường hạ giới, ai đã đến nơi đây thì sẽ khó rời đi vì sức hấp dễn lạ lùng của núi lửa Drohena và các bãi biển cát trắng xanh ngợp bóng dừa.

Nói đến những vùng đảo hải ngoại, chúng ta không thể không nhắc tới một hòn đảo khác, Île de France (Đảo Pháp Quốc), tại ngay chính quốc ở giữa phía Bắc nước Pháp.

13. Vùng Ile de France (Đảo Pháp quốc) bao gồm của tỉnh Seine et Marne, Yvelines, Essonne, Haut de Seine, Seine-Sant Denis và Paris. Đây là nơi đông dân và năng động nhất nước Pháp (31% GDP quốc gia và 5,3% PIB Liên Âu).

paris6

Vùng Île de France  

Île de France và Paris

Sở dĩ gọi là đảo vì trước kia, vào lúc khai thiên lập địa, Île de France là một mõm đất nằm giữa một vũng nước lớn. Với thời gian, hàng chục triệu năm đã qua đi, phù sa từ sông Seine và các phụ lưu (Marne, Oise và Essonne) bồi đắp các vùng đất chung quanh để khai sinh một vùng đất màu mỡ canh tác được. Sự có mặt của con người với sinh hoạt thường nhật đã biến vùng đất này thành nơi giao lưu văn hóa và kinh tế như một hòn đảo lạc lỏng giữa một biển kém văn minh.

Sinh hoạt chính của Île de France tập trung quanh sông Seine, dòng sông chính chảy qua vùng đất này từ khi được thành hình. Những nhóm dân cư bản địa đầu tiên đã biết dùng thuyền di chuyển trên sông Seine từ 4.500 năm trước công nguyên và đã thành lập nhiều làng xã dọc hai bờ sông.

Cách đây 2.300 năm, một bộ tộc Celte, người Parisii, đến đây định cư trên một hòn đảo nhỏ giữa sông Seine, Đảo Thị Trấn (Île de la Cité, sau này trở thành trung tâm của thành phố Paris), sinh sống bằng nghề nông và trao đổi nông phẩm với thuyền bè qua lại. Hòn đảo này không ngờ chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng, nó vừa là địa điểm trung gian giao thương với những nhóm Gaulois khác ở sâu trong đất liền, vừa là địa điểm lý tưởng ngăn chặn các cuộc tiến công của người Celte từ cửa biển vào (Vikings). Chính vì thế, từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, hoàng đế La Mã, Jules César, cử nhiều đoàn quân hùng hậu chiếm cho bằng được bình nguyên phía Bắc nước Pháp, trong đó có Île de France ; người Gaulois đã chống trả dữ dội nhưng đã thất bại.

Năm 52 trước công nguyên, Vercingétorix, lãnh chúa xứ Gaule vùng Auvergne, bị César đánh bại trên chiến trường Alésia. Cùng năm đó, Labienus, chỉ huy trưởng quân đội La Mã vùng Bắc xứ Gaule (Pháp), đánh bại những nhóm quân Gaulois khác tại Camulgène, cạnh Île de France ; dân Parisii phải đốt làng trên Đảo Thị Trấn bỏ chạy. Kể từ đó người La Mã thay người Parisii chiếm đóng Ile de la Cité, kiểm soát sự qua lại trên sông Seine và cải danh thành Lutecea (Lutèce). Từ năm 100 sau công nguyên trở đi, sau khi đã bình định toàn bộ xứ Gaule, người La Mã bắt đầu xây dựng dinh thự, đền đài, nhà cửa trên Ile de la Cité và mở rộng thêm khu vực tả ngạn sông Seine, mà dấu tích vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với thời gian, Lutecea trở thành trung tâm chính trị và thương mại của xứ Gaule La Mã (gallo-romain) ; những người Parisii, đã trở thành người Celte-Gaulois, trở về chốn cũ sống chung với người La Mã. Những người Gaulois khác cũng dựng lập làng xã mới dọc hữu ngạn sông Seine và canh tác nông nghiệp phục vụ dân cư Lutecea ngày càng đông thêm. Từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5, sự phồn vinh của Lutecea hấp dẫn các toán cướp từ khắp đến đánh phá.

Cũng từ cuối thế kỷ 3, La Mã không quản lý nổi một đế quốc rộng lớn kéo dài từ Đông sang Tây, do đó phải chia làm hai, Constantinople cai trị đế quốc phương Đông và Roma cai trị phương Tây. Đầu thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, đế quốc phương Tây trở nên suy yếu vì những tranh chấp nội bộ. Năm 360, thống đốc La Mã xứ Gaule, Julien, tự xưng hoàng đế, chọn Lutecea làm đế đô và đổi tên thành Paris.

Vào giữa thế kỷ thứ 5, quân La Mã bị rợ Hung, do Attila lãnh đạo, đánh bại tại khắp nơi, từ Đông sang Tây, kể cả xứ Gaule ; thành phố Paris bị bỏ trống. Năm 451, bà Genovefa (Geneviève), một nữ tu Công giáo gốc La Mã, kêu gọi dân Parisii hãy cùng bà đọc kinh cầu xin Thiên Chúa ngăn cản quân của Attila tràn vào thành phố tàn sát dân chúng ; lời cầu xin này đã được nghe và quân của Attila đã rút đi. Từ đó bà Geneviève đã được phong làm nữ thánh (Sainte Geneviève) hộ mạng của thành phố Paris.

Sau cuộc tấn công của Attila, uy quyền của La Mã tại xứ Gaule yếu hẳn. Đến đầu thế kỷ thứ 6, dưới sự lãnh đạo của Clovis, người Francs (một sắc dân mới pha trộn yếu tố Gaulois và Celte) đánh bại quân La Mã và giải phóng toàn bộ xứ Gaule. Clovis trở thành vị vua người Francs đầu tiên và thành lập triều đại Mérovingien, đặt tên nước là France. Bà Geneviève trở thành cố vấn của nhà vua và Paris trở thành thủ đô của người Francs Công giáo. Khi Clovis mất (511), con cháu dòng họ Mérovingien chia rẽ, lãnh thổ bị phân chia thành nhiều mảnh nhỏ, nhưng Paris vẫn tiếp tục là nơi lưu trú của các vị vua và hoàng triều. Năm 800, Charlemagne lên ngôi hoàng đế và cũng chọn Paris làm đế đô của nước Pháp thống nhất. Đạo Công giáo phát triển mạnh trong suốt thời Trung Cổ (Moyen Âge), từ thế kỷ 8 đến thế ký 15, nhiều thánh đường và tu viện lớn nổi tiếng được xây dựng trong thời kỳ này.

Cuộc Chiến Một Trăm Năm với Anh vừa chấm dứt (1453), vua Louis XI xây dựng lại đất nước và biến kinh đô Paris thành một trung tâm nghệ thuật, kiến trúc, trang trí và thời thượng nhất của Pháp. Các dòng vua sau tiếp tục phát triển thành phố Paris theo khuynh hướng Phục Hưng (Renaissance) của Ý cho đến giữa thế kỷ thứ 17. Năm 1661, vua Louis XIV (vua Mặt Trời) mở rộng thành phố Paris về phía Tây, cho xây dựng nhiều thêm dinh thự, lâu đài xa hoa tráng lệ nhất Châu Âu (Palais Royal, Palais Bourbon, Invalides, Place Vendôme) và dời triều đình về Versailles năm 1682, mở ra một thời đại huy hoàng được biết dưới tên Đại Thế Kỷ.

Sang thế kỷ 18, Paris trở thành kinh đô ánh sánh, văn hóa Pháp không ngừng tỏa sáng khắp nơi, đến tận thủ đô các nước Anh, Đức, Hoa Kỳ. Paris là nơi qui tụ những nhà tư tưởng và kịch tác gia danh tiếng (Diderot, Rousseau, Voltaire), những tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, tư tưởng tự do dân chủ lan rộng trong giới doanh nhân và trung lưu. Nhưng ngày 14/7/1789, dân chúng Paris và vùng phụ cận nổi lên đốt nhà giam Bastille, lật đổ nền quân chủ chuyên chế, thành lập chính quyền cách mạng và thi hành chính sách kinh hoàng (terreur). Bạo loạn xảy ra khắp nơi, các nơi thờ phượng của đạo Công giáo và dinh thự của giới quan quyền đều bị thiêu đốt hay bị đập phá. Tinh thần Cách Mạng Pháp lan rộng sang các quốc gia lân bang, nhưng Pháp là nước duy nhất thời đó dám đưa cả tất cả hoàng gia và vương tộc lên đoạn đầu đài (guillotine).

Năm 1804, Napoléon sau khi dẹp yên loạn lạc trong nước lên ngôi hoàng đế, mở ra một thời đại mới, sáng chói hơn các thời kỳ trước về chiến tích, xây dựng và văn hóa. Napoléon muốn biến Paris thành thủ đô của thế giới, ông đã cho xây dựng tại khắp nơi trong thành phố Paris những đền đài, quảng trường kỷ niệm chiến tích và chiến lợi phẩm của mình mang về từ các chiến trường nổi tiếng : Arc de Triomphe (Đài Chiến Thắng) de l’Etoile và du Carrousel, Place de la Concorde, Place de la Bastille, Place de Vendôme, Palais de la Bourse, đường Rivoli, đền La Madeleine, nghĩa trang Père Lachaise, cầu Alma, Đài Carroussel, Pont des Arts, v.v… 

Phải chờ đến thời Napoléon III, năm 1851, thành phố Paris mới được chỉnh trang đúng theo qui hoạch của một thành phố lớn. Nam tước (baron) Georges Haussman được giao nhiệm vụ mở rộng thành phố, cải thiện hệ thống đường sá, cầu cống, nước uống, công viên… và chia Paris thành 20 quận theo hình ốc soắn và còn tồn tại cho tới ngày nay.

Nhưng sự huy hoàng của Paris chỉ thực sự bắt đầu sau cuộc chiến với Đức năm 1871, các chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp tập trung cải tiến Paris thành thủ đô của kỹ thuật và nghệ thuật ; đời sống của dân chúng nhờ đó được cải thiện và có quyền nghĩ tới hưởng thụ. Thời kỳ này nổi danh với các họa sĩ tên tuổi như Renoir, Monet, Matisse, Picasso, Braque thuộc các trường phái hội họa ấn tượng và trừu tượng. Đèn điện được thắp dọc các đường phố, số lượng xe hơi tăng nhanh nhờ đường sá được trải nhựa, xe điện ngầm đầu tiên được khánh thành năm 1891. Rạp chiếu bóng đầu tiên được thành lập năm 1895 ; phòng trà ca múa nhạc Le Moulin Rouge, xây năm 1885 và khai trương năm 1890 tại Montmartre, qui tụ những mỹ nữ đẹp nhất Châu Âu và Hoa Kỳ ; cửa hiệu Galeries Lafayette khánh thành năm 1906… Đệ nhất thế chiến chấm dứt Thời Kỳ Đẹp (Belle Epoque) kéo dài trong gần 50 năm.

Những thập năm sau, từ 1920 đến 1940, Paris như sống trong cơn điên loạn, mọi người đều chán ngán chiến tranh và hưởng thụ trực tiếp cuộc sống. Paris như có nam châm thu hút thanh nhân tao khách từ khắp nơi về nhập cuộc, nhiều trường phái hội họa mới được thành lập : hình khối (cubisme), siêu thực ; kiến trúc sư Le Corbusier vẽ ra nhiều ngôi nhà với những đường nét hình học vượt khuôn mẫu cổ điển. Lối ăn mặc cũng nhẹ nhàng và quần chúng hóa hơn và đặc biệt là các vũ nữ và nghệ sĩ da đen Mỹ (Joséphine Baker, Sidney Bechet) đến Paris trình diễn trong các phòng trà nổi tiếng. Cơn điên loạn sống cuồng này chỉ chấm dứt khi nhị thế chiến bắt đầu, Paris bị quân đội Đức chiếm đóng năm 1940.

Từ 1946 trở đi, Paris tìm lại cuộc sống xưa nhưng lần này những nhà lãnh đạo Pháp quyết tâm đổi mới Paris theo kịp đà tiền hóa của kỹ thuật. Những công trình kiến trúc tân kỳ và đồ sộ được xây dựng lên để cạnh tranh với các quốc gia Tây Âu khác và đánh dấu một bước ngoặc mới trên đường tiến về tương lai. Các tòa nhà cao ốc ở Paris La Défense, các kiến trúc đồ sộ UNESCO, Maison de la Radio, Montparnasse, Centre Pompidou, Opéra de Bastille. Những kiến trúc mới ở vùng Marne la Vallée phí đông Paris có những đường nét hình học thẳng tắp nhưng không đối nghịch với những kiến trúc cổ điển đã có. Những nhà sáng tạo đã biến Paris thành thủ đô của thời trang và mỹ phẩm.

Hiện nay dân chúng và chính quyền dân cư Île de France đang xây dựng một kế hoạch khổng lồ chuyển hóa vùng đất này thành một vùng đất hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cái cũ và cái mới, để Paris tiếp tục là trung tâm văn hóa, chính trị và xã hội của nước Pháp và của cả Châu Âu trong thế kỷ tới.

* * *

Với một quá khứ huy hoàng và những con người tôn trọng sự hiểu biết, Paris vẫn là trạm dừng chân bắt buộc của những người muốn để tên tuổi sống mãi với đời sau và tiếp tục là La Mecque của những người yêu chuộng văn hóa. Các trào lưu tư tưởng, văn hóa, chính trị và xã hội của Châu Âu và thế giới chảy qua Paris, như sông Seine ngày xưa chảy qua Ile de la Cité, sẽ tiếp tục bồi đắp cánh đồng kiến thức cho các thế hệ sau trong thiên niên kỷ mới.

Tìm hiểu Paris chính vì vậy giống như xem một vở kịch hay, độc giả sẽ lần lượt khám phá và thưởng thức một quá khứ rực rỡ trong một hiện tại đầy thú vị của thành phố này qua nhiều bài viết ngắn. Khi bức màn mỗi phân đoạn vừa được kéo lên, độc giả sẽ không ngừng ồ lên vui thích.

Nguyễn Văn Huy

(27/07/2024)

Vài cảm nhận về những tranh cãi xung quanh lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Paris 2024

Lâm Bình Duy Nhiên

31-7-2024

Tối thứ sáu xem lễ khai mạc Thế Vận hội mùa hè Paris 2024 ở nhà. Xem xong, một cảm giác lạ lùng xâm chiếm tâm hồn. Một sự thú vị và cả thán phục sau một màn trình diễn đậm màu sắc, âm thanh, giai điệu, hội hoạ và lịch sử.

Dĩ nhiên, hơn bốn giờ ngồi tại nhà, mát mẻ, xem trực tiếp trên tivi vẫn có cái hay khi không bị mưa gió hành hạ như hơn 300 ngàn khán giả phải đội mưa xem trực tiếp bên hai bờ sông Seine, dài sáu cây số!

Có thể nói, chương trình mang tên Grande Seine (Seine to lớn) với ý tưởng táo bạo: lấy sông Seine, biểu tượng của thủ đô Paris, làm một sân khấu to lớn cho cuộc diễu hành của các đoàn vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia.

Các cuộc diễu hành bằng tàu lớn, tàu nhỏ trên sông là ý tưởng chưa từng có trong lịch sử các Lễ Khai mạc. Cũng trên sông Seine, là 12 hoạt cảnh, có thể được xem như những bức tranh, kết thành nội dung của chương trình. Mỗi bức tranh là sự sống động hài hoà làm nổi bật một khía cạnh liên quan đến lịch sử của Paris, của nước Pháp và của cả lịch sử Olympic!

Các hoạt cảnh theo thứ tự: Enchanté, Synchronicité, Liberté, Égalité, Fraternité, Sororité, Sportivité, Festivité, Obscurité, Solidarité, Solennité và sau cùng là Éternité như một câu chuyện kể về Paris và nước Pháp.

Ngay từ phần mở đầu, buổi lễ được xây dựng như một cuộc phiêu lưu xuyên qua Paris, phá vỡ truyền thống vốn có và mang lại những điều bất ngờ thú vị, thậm chí tranh cãi. Enchanté đưa người xem khám phá một Paris vui tươi và lộng lẫy, làm nổi bật những bản đúc liên quan đến Kinh đô Ánh sáng đồng thời phá bỏ chúng. Tấm bưu thiếp Paris này gợi lên lịch sử, văn hóa, ẩm thực và tinh thần Pháp thông qua những bức ảnh nuôi dưỡng trí tưởng tượng chung.

Ba hoạt cảnh Liberté, Égalité và Fraternité minh họa cho khẩu hiệu của nước Pháp: Tự do, bình đẳng và bác ái.

Hoạt cảnh Liberté đã gây ra một làn sóng tranh cãi chính tại nước Pháp. Cần hiểu cái bối cảnh lịch sử mà nhà đạo diễn chương trình muốn thuật lại cho người xem. Hoạt cảnh Tự do là sự pha trộn giữa cuộc biểu tình Paris của Những người khốn khổ và cuộc Cách mạng Pháp, giữa sự giải phóng con người, với sự giải phóng thể xác và tình yêu nơi một thành phố thấm đẫm sự lãng mạn, huyền bí và khát khao. Conciergerie, nơi ở của các vị vua Pháp vào thời Trung Cổ, bên bờ sông Seine, đã trở thành nhà tù trong Cách mạng Pháp. Chính nơi này đã trở thành sân khấu cho hoạt cảnh với hình ảnh hoàng hậu Marie-Antoinette cầm cái đầu của chính mình và hát bài “Ah ça ira” với sự tham gia của Gojira, ban nhạc rock Pháp. Đó là bài hát nổi tiếng trong cuộc Cách mạng Pháp.

Hình ảnh một người phụ nữ bị chặt đầu và cầm chính cái đầu của mình để hát bên một cửa sổ của cung điện khiến cho không ít người xem bất bình. Phải chăng nước Pháp từng xoá bỏ mức trừng phạt tử hình/chặt đầu nay lại muốn cổ xuý cho sự bạo lực như thế trong lễ Khai mạc Thế vận hội?

Trong phút chốc, ít ai liên tưởng đến Conciergerie, một cung điện [lộng] lẫy nhất châu Âu thời đó, tọa lạc trên đảo Ile de la Cité, giữa lòng Paris, với tòa tháp đôi sừng sững bên bờ sông Seine, đã được sử dụng như một nhà tù khét tiếng, nơi giam giữ nhiều nhân vật lịch sử quan trọng dưới thời Cách Mạng Pháp 1789, trong đó có hoàng hậu Marie-Antoinette. Bà đã bị chặt đầu và hình ảnh người phụ nữ cầm cái đầu của mình và hát trong hoạt cảnh Liberté chính là bà hoàng hậu nổi tiếng đó. Nhắc đến sự Tự do – Liberté, người Pháp phải khơi dậy, với sự tự hào, cuộc Cách mạng Pháp, và cung điện Conciergerie với sự kiện lịch bà hoàng hậu Marie-Antoinette bị xử trảm vào ngày 16/10/1793.

Những giai điệu âm nhạc và không gian muôn màu đã đưa người xem lướt qua một sự kiện lịch sử quan trọng của Paris và nước Pháp. Bạo lực được thay bằng màu sắc và giai điệu đã làm mờ nhạt đi một Thời đại Kinh hoàng – Terreur vào năm 1793. Tuỳ theo sự nhạy cảm cá nhân để cảm thấy có hay không sự cổ xuý cho bạo lực hay sự châm chọc quá đáng cho một sự kiện lịch sử nhưng rõ ràng, nhà đạo diễn cũng như các sử gia cố vấn đã chuyển tải thành công, theo ý muốn, sự kiện lịch sử cho người xem.

Nhưng hoạt cảnh gây chấn động, gây sốc cho người xem và khiến cho chính Hội đồng Giám mục Pháp phải lên tiếng chính là Festivité – Hoan lạc. Trong hoạt cảnh này, khái niệm “muốn thấy/cảm nhận những gì muốn thấy/cảm nhận” là một minh chứng rõ ràng cho cái mà người xem muốn thấy. Phải chăng đã có sự bôi bác “Tiệc Ly” (La Cène), bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su với 12 vị thánh tông đồ? Nhiều người bất bình và cả giới chính trị gia cũng nhảy vào để chỉ trích, lên án hoạt cảnh này. Họ cho rằng các tín đồ Thiên chúa giáo đã bị sỉ nhục và bôi nhọ bởi màn diễn lố bịch của các Drag Queen (nam nghệ sĩ nhưng mang phong cách nữ tính) trong hoạt cảnh Hoan lạc với bức tranh Tiệc Ly đã bị bôi nhọ.

Câu hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc là, có hay không sự nhạo báng và xúc phạm đạo Thiên chúa trong hoạt cảnh này? Ông Thomas Jolly, đạo diễn nghệ thuật của chương trình và ông Patrick Boucheron, một sử gia và là người đồng đạo diễn lễ khai mạc đã lên tiếng bác bỏ việc lấy cảm hứng từ bức họa La Cène về Chúa Giê Su của Leonardo da Vinci. Họ cũng không lấy ý tưởng từ bức tranh “Bữa tiệc Thần thánh’’ đầu thế kỷ 16 của danh họa Hà Lan Jan Harmensz van Biljart, như nhiều người khẳng định để xây dựng hoạt cảnh gây nhiều tranh cãi.

Đạo diễn lễ khai mạc Thế Vận hội Paris giải thích ý nghĩa của nam ca sĩ Philippie Katerina với cơ thể phủ màu xanh và gần như khoả thân trên bàn tiệc trong hoạt cảnh. Ông nói đó là hình ảnh của Dionysos, vị thần Hy Lạp thời cổ đại, biểu tượng của hội hè, của rượu vang và những buổi tiệc. Những nhà đạo diễn muốn tạo nên hình ảnh bình dị và vui tươi của các hội hè dân dã với Dionysos, biểu tượng của các vị thần trên đỉnh Olympia, cội nguồn của tinh thần Thế Vận Hội và tinh thần Olympic.

Thomas Jolly và bà Daphné Bürki, giám đốc về y phục của buổi lễ đã bộc bạch tâm sự rằng, ban tổ chức đã phải làm việc trong sự bí mật tuyệt đối. Họ phải thay đổi văn phòng làm việc liên tục, cứ mỗi hai tuần, trong suốt hai năm, để xây dựng nên một chương trình cho lễ Khai mạc.

Cá nhân người viết có cảm nhận rằng “các bộ óc” của ban tham mưu, đạo diễn thừa biết khả năng tranh cãi sẽ xảy ra cho hoạt cảnh thứ tám. Họ cũng thừa hiểu sẽ có sự liên tưởng giữa bức tranh nổi tiếng La Cène với sự xuất hiện của vị thần Dionysos nhưng họ vẫn chấp nhận cái giá sẽ phải trả mang tên Tự do Sáng tạo.

Cho rằng họ không tiên liệu trước mọi tranh luận là nguỵ biện. Chính Patrick Boucheron đã gọi đó là “Buổi tiệc thăng hoa – Cène subliminale”.

Trước mọi sự chỉ trích và phẫn nộ, thậm chí kêu gọi tẩy chay, Thomas Jolly đã nhấn mạnh mục tiêu tối cao của buổi lễ khai mạc, một sự kiện nghệ thuật chưa từng có, trước hết là “để sửa chữa, để hòa giải và tái khẳng định các giá trị của nền Cộng hòa Pháp”. Chương trình với các hoạt cảnh “không nhằm đả kích, hay phỉ báng bất cứ ai” hay bôi nhọ hoặc bài bác một tôn giáo nào cả.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy ban lãnh đạo chương trình nghệ thuật cho lễ Khai mạc tập hợp các cá nhân tài giỏi và trẻ trung. Chính yếu tố trẻ tuổi này đã khiến họ táo bạo hơn và quyết đoán hơn trong việc xây dựng kịch bản gây nhiều tranh cãi. Họ táo bạo trong nhận thức và họ phải có nhiều can đảm để chống chọi lại với mọi làn sóng đả kích đến từ thế giới và cả nước Pháp. Họ thừa biết nhưng vẫn âm thầm làm việc vì chính họ, chính cái thế hệ trẻ tuổi này, mới là những người nắm vận mệnh nước Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung.

Tất cả những gì họ trình diễn qua hơn bốn giờ trong lễ khai mạc là mọi sự căm ghét cay đắng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo cực đoan. Hình ảnh một nước Pháp đa văn hoá, đa sắc tộc: Trắng, Đen, Vàng và Bơ, với những di dân hàng năm vẫn chọn nước Pháp làm chốn mưu sinh là nỗi lo lắng khủng khiếp của chủ nghĩa dân túy. Khi các chính trị gia kêu gào xây tường ngăn cản di dân hay trao trả những di dân cho một quốc gia thứ ba tại châu Phi thì nước Pháp của đêm khai mạc vẫn rộng lượng đón chào mọi người để làm nên lịch sử của ngày hôm nay.

Khi vấn đề giới tính vẫn đang phải đối đầu với những suy nghĩ bảo thủ và tiêu cực thì nước Pháp lại đưa ra một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ. Nam, nữ hay lưỡng tính,… vẫn vui chơi một cách hồn nhiên trong cuộc sống ngập tràn hơi thở, quyến rũ và màu sắc. Không ít người cho đó là sự buồn nôn, tha hoá hay bệnh hoạn của nước Pháp thì chính nước này lại đang mở rộng vòng tay bao dung vì tất cả, trong xã hội Pháp nói riêng, và cả thế giới nói chung, đều có quyền bình đẳng để sống.

Câu hỏi bản sắc dân tộc, thượng đẳng hay kỳ thị chủng tộc cũng được đưa ra một cách rõ ràng, táo bạo và dứt khoát trong chương trình nghệ thuật. Khi chọn lựa một cô ca sĩ hay tên tuổi thể thao huyền thoại của nước Pháp là những người da màu, đại diện cho nước Pháp, để trình diễn một ca khúc hay châm đuốc Thế Vận hội cho Đài lửa Olympic mang hình tượng khinh khí cầu, đã thể hiện sự tự do và bác ái trong nhận thức của xã hội Pháp. Chắc chắn, những kẻ dân túy hay dân tộc cực đoan sẽ vô cùng khó chịu khi thấy da trắng thượng đẳng bị “bỏ quên” trong ngày Thế Vận hội.

Chương trình nghệ thuật sẽ gây tranh cãi, ban tổ chức thừa biết. Không có tranh luận hay tranh cãi thì đó mới là sự nhàm chán. Nước Pháp và người Pháp luôn đi đầu trong “cách mạng” từ cải cách xã hội đến tư tưởng. Những biến động, ý tưởng đột phá về chính trị-văn hoá-nghệ thuật-xã hội tại Pháp của ngày nay, rất có thể sẽ là trào lưu chung cho các thế hệ mai sau trên thế giới.

Lễ Khai mạc Thế vận hội Paris 2024 tuy/ của/ do người Pháp thực hiện, tuy nhiên, ít thấy sự ngạo mạn và trịch thượng của người Pháp khi họ nói về lịch sử và văn hoá của họ cho thế giới. Có chăng là khát vọng đổi thay và ước mơ sống trong hoà bình như khẩu hiệu của Liên minh châu Âu: In varietate concordia – Thống nhất trong đa dạng mà các nhà đạo diễn lễ khai mạc đã nhấn mạnh xuyên suốt buổi lễ.

Cái sự ngạo mạn đó, người xem có thể thấy, một cách công tâm tại Thế Vận hội Bắc Kinh 2008. Một chương trình nghệ thuật quy mô và hoành tráng mang khẩu hiệu “Cùng một thế giới, chung một ước mơ – One World, One Dream” như nhắn nhủ với nhân loại rằng Trung Hoa sẽ là một thế lực quan trọng dẫn dắt nhân loại trong tương lai.

Cả Thế Vận hội 2022 mùa đông ở Bắc Kinh cũng vẫn là màn phô trương sức mạnh và tiềm lực của “cái rốn nhân loại” với lời kêu gọi “Cùng nhau vì một tương lai chung – Together for a Shared Future”, một tương lai được bảo đảm bởi Tập Cận Bình và Trung Hoa.

Và cả Putin với Thế vận hội mùa đông 2014 tại Sochi cũng chỉ là màn phô trương sức mạnh với thế giới khi bỏ ra một khối tiền khổng lồ để đạt mục đích. Sự hoài vọng về một Liên bang Xô-viết hùng mạnh đã khiến Putin, bằng mọi giá, sử dụng thể thao để gây ảnh hưởng đến thế giới.

Nước Pháp với Thế Vận hội Paris 2024 không ngạo mạn hay trịch thượng nhưng mong mỏi chuyên chở những giá trị Tự do, Bình đẳng và Bác ái đến với nhân loại và dẫu có khơi dậy sự tranh cãi, nhưng không khiêu khích, cũng nhằm đưa ra ánh sáng những vấn đề mấu chốt của thời đại: Môi trường, tự do chính trị, tín ngưỡng, sắc tộc và giới tính.

Đó là những khát vọng của tuổi trẻ thời đại. Dù muốn hay không, dẫu có bảo thủ tuyệt đối đi chăng nữa nhưng xu hướng chung của thời đại, sẽ là những gì đêm khai mạc Thế Vận hội Paris 2024 đã trình diễn cho hơn một tỷ người xem qua truyền hình trực tiếp.

Và còn gì tuyệt vời hơn khi thông điệp về tình yêu, sau bao biến cố, sóng gió, thù hận, đau thương, sau cùng vẫn là tình yêu bất diệt dành cho nhau như giọng ca tuyệt vời của Céline Dion với L’Hymne à l’Amour: Tụng ca Tình yêu.

“…Et si un jour la vie t’arrache à moi

Si tu meures que tu sois loin de moi

Peu m’importe si tu m’aimes

Car moi je mourrai aussi…”

(Nếu một ngày cuộc đời giật anh khỏi em

Nếu anh chết đi trong xa cách

Có hề chi nếu anh yêu em

Vì em cũng sẽ chết theo anh).