Seite auswählen

Bài 1: Các chiến công lẫy lừng của nguyên Bộ Trưởng Công An Tô Lâm

VNTB – Tân Chủ tịch nước Tô Lâm là ai? ( bài 1)

 

Quang Nguyên 

 

(VNTB) – Thành tích của Bộ Trưởng Tô Lâm hơn hẳn các bộ trưởng công an tiền nhiệm. 

 

Ngày 22 tháng 5. 2024,  Quốc Hội Việt Nam đã “nhất trí” bầu Đại Tướng Tô Lâm, nguyên Bộ Trưởng Công An, làm Chủ Tịch Nước. Đây có lẽ là lúc thích hợp nhìn lại thành tích thời ông tân chủ tịch nước nắm công cụ đàn áp, thanh gươm của đảng cộng sản Việt Nam.

Được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bật đèn xanh, thành tích của Bộ Trưởng Tô Lâm hơn hẳn các bộ trưởng công an tiền nhiệm. 

Cơ cấu tổ chức của Bộ Công An

Từ ngày được thành lập, lực lượng công an đã là một nỗi sợ hãi cho người dân Việt (1). Dưới thời Tô Lâm, bộ này càng phình to hơn,  về quân số hơn bội phần công chức, có lẽ đông hơn quân đội, về  khí tài phục vụ đàn áp nhân dân và bảo vệ đảng có lẽ  hiện đại,  tối tân và nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó còn lực lương dân phòng có thể lên đến vài triệu người luôn đi cặp kè, chung sức với công an trong mọi tình huống.(2) 

BCA được tổ chức dưới sự chỉ huy tập trung và cơ cấu phân cấp, bảo đảm mức độ phối hợp cao trong hoạt động của cảnh sát trên toàn các xã, huyện, thị xã, tỉnh trên nhiều khu vực địa lý. Từ biên giới đến hải đảo, từ cao nguyên đến đồng bằng, không đâu vắng bóng công an sắc phục và công an chìm.

Trong nhiều trường hợp, cảnh sát địa phương có thể phối hợp với cảnh sát tỉnh hoặc cảnh sát quốc gia, đặc biệt là trong các cuộc đột kích quy mô lớn.

Bộ Công an thực hiện nhiều vụ vi phạm nhân quyền

Theo Báo cáo Quốc gia về Thực Hành Nhân Quyền năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ những báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh [Việt Nam] đã có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền.

Theo HRW, Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền, “trong nhiều thập niên qua, lực lượng cảnh sát Việt Nam, hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Công an, đã đánh đập, tra tấn và ngược đãi vô số người bị giam giữ mà gần như không bị trừng phạt.”

 Năm 2018, một liên minh các tổ chức nhân quyền đã đệ trình một báo cáo chung lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc, ghi lại việc sử dụng rộng rãi hình thức tra tấn ở Việt Nam, việc miễn tội có hệ thống cho những kẻ lạm dụng, và việc Chính phủ Việt Nam thiếu hành động cụ thể để giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi tra tấn một cách hiệu quả. Báo cáo đặc biệt tập trung vào các vụ lạm dụng xảy ra tại các đồn cảnh sát, trại tạm giam và nhà tù hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Công an.

Trong Báo cáo Quốc gia về Thực Hành Nhân Quyền năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vai trò toàn năng của BCA Việt Nam trong việc đàn áp các quyền tự do và trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền cũng như sự thiếu trách nhiệm của cơ quan này. 

Để tránh sự chỉ trích của quốc tế, lực lượng cảnh sát thường sử dụng đặc vụ mặc thường phục để hành hung những người bất đồng chính kiến, đe dọa các nhà lãnh đạo tôn giáo, và giải tán các cuộc biểu tình.

Tổ chức HRW cho rằng  “mặc dù không thể xác định được mối liên quan chính xác giữa bọn côn đồ và chính phủ, nhưng trong một quốc gia cảnh sát được kiểm soát chặt chẽ, có rất ít hoặc không nghi ngờ gì rằng chúng liên kết và phục vụ theo lệnh của các cơ quan an ninh nhà nước.”

Ngày 11/12/2009, Bộ Công an ký Quyết định số 4058/QD-BCA thành lập Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) trực thuộc Bộ Công an. Đây là lực lượng cảnh sát bán quân sự, thực hiện các biện pháp vũ trang để “bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Trong Bộ Công an, cảnh sát cơ động, còn được gọi là cảnh sát chống bạo động, là lực lượng có xu hướng vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ( Pháp lệnh 08/2013/UBTVQH13 ) cho phép lực lượng cảnh sát cơ động có hành động hạn chế quyền con người, quyền công dân. 

Cảnh sát cơ động thường xuyên được chính quyền huy động để cưỡng chế thu hồi đất. Những hoạt động như vậy thường liên quan đến việc đàn áp người biểu tình bằng bạo lực. Những ví dụ bao gồm cuộc tấn công làng Đồng Tâm ở Hà Nội năm 2020, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2014, tại huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng năm 2012, đàn áp Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo ở Phú Yên năm 2012, chống lại Giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng năm 2010. Mới đây nhất, ngày 20 tháng 2 năm 2023, cảnh sát cơ động đã tấn công dã man những người biểu tình ôn hòa phản đối việc tùy tiện trưng thu đất nông nghiệp của họ.(3)

Ngày 14 tháng 6 năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm này. Chính thức trao cho cảnh sát cơ động thẩm quyền hạn chế nhân quyền và dân quyền trong những trường hợp mà cảnh sát cơ động cho là những trường hợp đặc biệt. Luật cũng quy định việc “chống đối hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động” là bất hợp pháp(4). Luật mới này khiến cảnh sát cơ động trở thành một công cụ hữu hiệu hơn nữa của chế độ để đàn áp nhân quyền và dân quyền một cách thô bạo.

Hưởng ứng tích cực với luật này, đến cuối năm 2022, 15 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thành lập các tiểu đoàn hoặc trung đoàn cảnh sát cơ động (CSCĐ) dự bị để trấn áp biểu tình. Lực lượng CSCĐ nay đã tăng lên hàng sư đoàn (5).

Bắt cóc những người bất đồng chính kiến ngoài lãnh thổ Việt Nam

Dưới thời Tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã thực hiện hành vi bắt cóc ngoài lãnh thổ chưa từng có, bị một số nước châu Âu, Liên Hiệp quốc và Hoa Kỳ lên án nặng nề.

Tháng 7/2017, Mật vụ Việt Nam ngang nhiên bắt cóc cựu đảng viên Trịnh Xuân Thanh ở ngay thủ đô nước Đức chỉ vài giờ trước cuộc phỏng vấn tị nạn theo lịch trình của ông với Văn phòng Liên Bang về Di Cư và Tị Nạn Đức (BAMF), đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, khiến chính phủ Đức gọi vụ việc là một “vi phạm trắng trợn và chưa từng có tiền lệ đối với luật pháp Đức và quốc tế.”

Chưa đầy 18 tháng sau, ngày 26/1/2019, Bộ Công An tra tay bắt cóc Trương Duy Nhất, blogger vạch trần tham nhũng cấp cao trong chính quyền, tố cáo đất đai, tại Bangkok, Thái Lan, với sự giúp đỡ của cảnh sát Thái Lan. Vào thời điểm đó, ông Nhất là một cộng tác viên thường xuyên cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) do Hoa Kỳ tài trợ.

Tháng 4 năm 2023, Công an  Việt Nam đã bắt cóc ông Thái Văn Đường, tị nạn chính trị tại Thái Lan từ năm 2019 và đã được Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok cấp quy chế tị nạn.

Gần đây nhất Ngày 14/3/2024 Công an Việt Nam đến khu tị nạn người Thượng ở Thái Lan để truy lùng một số người.  Những công an này nêu đích danh người họ đang truy lùng là ông Y Quynh Buon Dap (6).  

Đàn áp dân Đồng Tâm

Đầu năm 2020, một vụ án giết người kinh hoàng đã gây chấn động cả nước. Trong đêm khuya, 9 tháng 1, khoảng ba nghìn sĩ quan, binh lính thuộc lực lượng cảnh sát cơ động và lực lượng đặc nhiệm đột kích làng Đồng Tâm ở ngoại ô thành phố Hà Nội, giết chết ông Lê Đình Kình, và bắt giữ 29 dân làng. 

Bộ Công an sau đó đã tiến hành săn lùng trên toàn quốc, bắt giữ tất cả những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo lên tiếng ủng hộ dân làng Đồng Tâm như gia đình bà Cấn Thị Thêu cùng các con Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương… 

Những người nông dân Đồng Tâm đã bị toà tuyên các bản án nặng nề với hai án tử hình, một án chung thân cho các con, cháu của ông Lê Đình Kình.

Đàn áp quyền hội họp và hiệp hội ôn hòa

Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các cuộc biểu tình ôn hòa. Vào tháng 11, 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ ủng hộ việc thông qua Luật Biểu tình, tuy nhiên, Quốc Hội Việt Nam đã nhiều lần trì hoãn việc thông qua luật này do sự phản đối của BCA. Gần đây nhất, dưới áp lực của bộ này, Quốc hội đã loại Luật Biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự năm 2020 và 2021 vì sợ “thế lực thù địch”(7). Đến nay, năm 2024, quốc hội vẫn phớt lờ dự luật biểu tình.

Chỉ vài tuần sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, Tướng Tô Lâm đã ra lệnh đàn áp tàn bạo trên toàn quốc những người biểu tình ôn hòa sau khi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan  cho đổ chất thải độc hại ra biển làm ô nhiễm khoảng 200 km đường ven biển và gây ra thảm họa sinh thái nghiêm trọng nhất trong lịch sử đương đại của Việt Nam(8).

“Khi các cuộc biểu tình và yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tiếp tục diễn ra trong năm 2017, chính quyền đáp trả bằng các mối đe dọa, quấy rối, hăm dọa và bạo lực thể xác đối với những người liên quan đến việc tổ chức và gửi đơn khiếu nại. Những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động tham gia tổ chức biểu tình đang ngày càng trở thành mục tiêu.”(9) 

Đến đầu năm 2022, tổng cộng 14 người biểu tình và ủng hộ đã bị kết án tổng cộng 133 năm tù, chưa kể thời gian quản chế sau khi ngồi tù. 

Vào tháng 6 năm 2018, Bộ Công an đã triển khai hàng nghìn cảnh sát cơ động để giải tán bằng bạo lực các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối dự thảo luật an ninh mạng và đặc khu kinh tế (SEZ). Các cuộc biểu tình rầm rộ đã được báo cáo tại ít nhất 9 tỉnh và thành phố trên khắp Việt Nam.

Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, công an cho biết đã bắt giữ 310 người biểu tình trong ngày đầu biểu tình.  Việc công an sử dụng các hình thức tra tấn và đánh đập đã được báo cáo lại, với ít nhất hai nạn nhân là công dân Mỹ là nạn nhân. Các vụ bắt giữ trên toàn quốc khiến khoảng 73 cá nhân bị tình nghi tổ chức biểu tình hoặc bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình bị kết án từ 5 tháng quản chế đến 8 năm tù giam.

 

(*) Loạt bài viết này sử dụng một số tài liệu của BPSOS đã được cho phép.

__________________

Tham khảo:

1. https://vietnamnet.vn/sao-lai-so-cong-an-336996.html..

2. https://www.youtube.com/watch?v=y7WPFanFXxI.

3. Lâm Đồng: Cảnh sát cơ động trấn áp người dân trong lễ khởi công Dự án hồ chứa Ta Hoét (Lam Dong: Mobile police suppress people during the groundbreaking ceremony of Ta Hoet Reservoir Project, RFA, February 21, 2023,

4. https://vietnamlawmagazine.vn/law-on-mobile-police-49020.htm

5. https://antv.gov.vn/chinh-tri-xa-hoi-E3223AB43/hon-16-000-tan-binh-buoc-vao-khoa-huan-luyen-tai-bo-tu-lenh-canh-sat-co-dong-77D495228.html

6. https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-an-viet-nam-truy-lung-nguoi-thuong-ty-nan-tai-thai-lan/

7. (Again postponing the Law on Demonstrations for fear of “enemy forces”!), Radio Free Asia, May 12, 2020, available at: https://www.hrw.org/news/2018/06/15/vietnam-investigate-police-response-mass-protests#

8. Overview of Formosa Industrial Pollution: We Chose Fish, Legal Initiatives for Vietnam

9.“Crackdown on Formosa Spill Activists Continues,” Amnesty International, June 1, 2017.

Bài 2:  Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức – Tô Lâm lừng danh thế giới

 

VNTB – Tô Lâm là ai? (Bài 2)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Thành tích to lớn nhất của công an Việt Nam khiến bang giao Việt – Đức rạn nứt và nhiều nước trên thế giới trở nên e dè với Việt Nam là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.

 

Thành tích to lớn nhất của công an Việt Nam khiến bang giao Việt – Đức rạn nứt và nhiều nước trên thế giới trở nên e dè với Việt Nam là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.

Có nhiều dấu hiệu chỉ ra Bộ Trưởng Công An, Tướng Tô Lâm có liên quan trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Bộ Công an nhận lệnh trực tiếp của Tổng Bí Thư bắt Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, (1). Giám đốc Kinh tế Bộ Công An được phái đến Berlin để đích thân chỉ đạo vụ bắt cóc(2). Vụ bắt cóc có sự tham gia của các đặc vụ Việt Nam ở nhiều quốc gia, điều này gần như không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của toàn bộ Bộ Công An – BCA (3) và cho đến nay, chính phủ Slovakia đang tích cực điều tra các báo cáo đáng tin cậy cho rằng Tướng Tô Lâm đích thân nhúng tay vào việc đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Liên Hiệp châu Âu bằng cách đưa nạn nhân bị bắt cóc lên chuyến bay thuê bao của phái đoàn từ Bratislava đến Mátxcơva.(4) 

Ông Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Dầu khí Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một công ty năng lượng nhà nước), tiền thân là Tổng công ty Xây dựng Dầu khí Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Ủy viên UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc Hội Việt Nam. Ông bị buộc tội gây ra tổn thất lớn tại công ty nhà nước mặc dù các ủy ban của chính phủ Việt Nam được giao nhiệm vụ điều tra thua lỗ không thể buộc tội Thanh gây ra thiệt hại.

Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam khi ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Thanh đang bị Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nhắm vào.(5)


An toàn ở Berlin 

Khi đã nghĩ là được an toàn tại Đức, tháng 9/2016, Trịnh Xuân Thanh hợp tác với blogger Việt Nam Bùi Thanh Hiếu, được biết đến trên mạng với tên Người Buôn Gió, đăng bài giới thiệu 15 phần về cấp độ tham nhũng cao liên quan tới Nguyễn Phú Trọng và đồng bọn.(6) 

Với tựa đề Con Chiên Hiến Tế (so sánh Trịnh Xuân Thanh như là con chiên hiến tế cho Trọng), các bài viết tiết lộ nhiều chi tiết nội bộ về cáo buộc tham nhũng ở cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản.(7)  Trịnh Xuân Thanh tiết lộ rằng Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN đã nhận hối lộ; Trọng còn lấy cớ chống tham nhũng để diệt trừ hàng ngũ đối thủ chính trị.

Phản ứng trước thông tin nội bộ BCA ra lệnh bắt ông ta về tội tham nhũng, ngày 11/9/2016, Thanh viết thư cho Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng, Trưởng  Ban Kiểm Tra Trung Ương ĐCSVN, bày tỏ sẵn sàng quay trở lại Việt Nam và phải được đối mặt với ủy ban kiểm tra trung ương với điều kiện phiên tòa phải mở công khai, được truyền thông quốc tế đưa tin và có sự tham dự của các nhà ngoại giao, đại biểu nước ngoài và đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Trong trường hợp cuộc họp như vậy không được triệu tập, Thanh viết, ông sẽ xem xét đưa vấn đề ra tòa án quốc tế với lý do vi phạm nhân quyền. “Tôi sẽ trở lại Việt Nam khi các phiên tòa bỏ túi không còn được tổ chức ở đó nữa,” ông khẳng định.

Trịnh Xuân Thanh cũng đưa ra bằng chứng cho thấy điều tra của Chính phủ Việt Nam kết luận rằng ông không chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 125 triệu USD trong thời gian làm Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng Dầu khí Nhà nước như bị tố cáo.

Lệnh và tiến trình bắt cóc 

Ngày 16 tháng 9 năm 2016, BBCA ra lệnh bắt Trịnh Xuân Thanh. Tháng 12 năm 2016, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh bắt Thanh bằng mọi giá. (8)

Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức ngày 7-8 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu người đồng cấp Đức dẫn độ Thanh nhưng không nhận được phản hồi thuận lợi.(9) Ngày 23 tháng 7 năm 2017, Thanh bị bắt cóc tại Công viên Tiergarten ở Berlin cùng với một nữ nhân viên văn phòng ngoại thương của Việt Nam, bị những người có vũ trang, được cho là thuộc cơ quan mật vụ Việt Nam, nhét vào sau một chiếc ô tô.(10) (11) 

Theo các nhà điều tra Đức, hai người bị những kẻ bắt cóc đưa đến Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Ngày hôm sau, họ bị đưa đến Praha, Cộng hòa Séc rồi đến Bratislava, Slovakia. Được biết, tên của Thanh đã được bổ sung vào đoàn của Tướng Tô Lâm đang thăm Slovakia.(12) Thanh sau đó bị đưa lên máy bay của chính phủ Slovakia chở Tướng Tô Lâm cùng phái đoàn sang Mátxcơva.

“Theo truyền thông và cơ quan chức năng Đức, những người bắt đầu điều tra vụ việc Việt Nam có thể vi phạm luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ của Đức, thì sau đó, Trịnh Xuân Thanh được xe tải chở sang Slovakia trước khi được bí mật chuyển sang xe của đoàn xe công vụ của Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm khi đó đang thăm chính thức Slovakia, trên đường ra sân bay Bratislava.” (13) 

Không có tin tức gì về tung tích của Trịnh Xuân Thanh cho đến ngày 31/7/2017, BCA thông báo ông ta đã tự nguyện về Việt Nam và ra đầu thú.

Luật sư của Trịnh XUân Thanh ở Đức bác bỏ tin tức, nói rằng “Ông ấy sẽ không bao giờ làm điều đó. Ông ta sợ phải quay lại và hậu quả sẽ ra sao.”  Ngày 22/1/2018, Thanh bị tuyên phạt hai án chung thân về tội tham ô và vi phạm pháp luật quy định trong khi giữ chức vụ người đứng đầu Tổng công ty Xây dựng Dầu khí Việt Nam, gây thiệt hại 5 triệu đô la Mỹ cho doanh nghiệp nhà nước. Trịnh Xuân Thanh kiên quyết phủ nhận cáo buộc phạm tội, viện dẫn một cuộc điều tra nội bộ trước đó về những cáo buộc tương tự đã khiến ông được miễn trừ mọi hành vi sai trái.

Phản ứng của chính phủ Đức, Slovakia và Cộng hoà Séc.

Ngày 2 tháng 8 năm 2017, Chính phủ Đức trục xuất Đại tá Nguyễn Đức Thoa, tùy viên tình báo Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, người còn bị báo chí phương Tây miêu tả là “tùy viên báo chí” và cũng là “trùm gián điệp”.(14,15,16)

Ngày 22/8/2017, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Đức đình chỉ công nhân Việt Nam bị tình nghi tiết lộ cuộc phỏng vấn tị nạn theo lịch trình của Thanh cho những kẻ bắt cóc ông ta. Ngày 24 tháng 8 năm 2017, Chính phủ Séc giao nộp cho Đức Nguyễn Hải Long, một công dân Séc gốc Việt bị truy nã vì liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. 

Tại phiên tòa, ông Long thừa nhận đã nhận chỉ đạo trực tiếp của Thiếu tướng Đường Minh Hưng, người thành lập trung tâm chỉ huy tại khách sạn Sylter Hof ở Berlin gần nơi Thanh sẽ bị bắt cóc, đích thân chỉ đạo vụ bắt cóc. Khi ở khách sạn, Thiếu tướng Hưng đã gọi hơn trăm cuộc điện thoại và liên lạc qua SMS với những người khác có liên quan đến vụ án. 

Một nhân viên khách sạn trình báo với Công tố viên Liên bang Đức cho rằng Thiếu tướng Hưng đặt phòng khách sạn bằng thẻ tín dụng cá nhân. Sau khi về Việt Nam, Thiếu tướng Hưng phát hiện khách sạn đã tính sai số tiền vào thẻ tín dụng của mình nên đã gửi email đến khách sạn và cho số điện thoại của cấp dưới, Thượng tá Lê Thanh Hải, Cán bộ An ninh và Liên lạc Interpol tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin.

Sau khi vụ bắt cóc thành công, Thiếu tướng Hưng đã tổ chức tiệc ăn mừng cho tất cả những người tham gia vụ bắt cóc.(16) 

Bị truy tố về tội gián điệp và tước đoạt tự do của người khác, Nguyễn Hải Long đã có một lời khai mà sau đó đã được Công tố viên Liên bang Đức phụ trách vụ này xác nhận tại phiên tòa tại Tòa án tối cao Berlin năm 2018. 

Tại phiên tòa này Thượng tá Lê Thanh Hải và Nguyễn Hải Long bị cáo buộc đã chở Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đến Brno, Cộng hòa Séc trên một chiếc xe tải do Long thuê; từ đó Thanh được chở đến Bratislava, Slovakia, nơi Thanh bị bí mật chuyển đến nơi tập trung của đoàn xe chính thức của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Tướng Tô Lâm, đang thăm chính thức Slovakia, hướng tới sân bay Bratislava. Thượng tá Lê Thanh Hải bị tòa án Đức triệu tập nhưng từ chối trình diện, cho rằng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Đại tá Nguyễn Đức Thoa cũng bị nêu tên tại phiên tòa này với tư cách là đồng phạm trong vụ án, hoạt động bắt cóc nhưng Thoa đã bị Đức trục xuất ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra.

Ngày 22 tháng 9 năm 2017, Đức trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai và tạm thời đình chỉ quan hệ chiến lược giữa hai nước sau vụ bắt cóc. Ngày 4 tháng 10 năm 2017, Tổng Công tố Liên bang Đức phát lệnh bắt giữ Thiếu tướng Đường Minh Hưng.(17)

Tháng 7 năm 2018, tòa án Đức tuyên phạt Nguyễn Hải Long 3 năm 10 tháng tù vì tiếp tay cho vụ bắt cóc Thanh.

Tháng 8 năm 2018, Chính phủ Slovakia đã mở cuộc điều tra riêng sau khi một số sĩ quan cảnh sát xác nhận rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa lậu từ Bratislava đến Moscow qua đường Slovakia. Ngày 7 tháng 2 năm 2020, Chính phủ Slovakia trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam để phản đối việc Việt Nam lạm dụng quyền lợi tiếp đãi của Slovakia thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh theo kiểu Chiến tranh Lạnh.(18)

Vào ngày 20 tháng 2 năm 2021, Tổng công tố Slovakia đã mở lại cuộc điều tra về sự liên quan của cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák trong việc tạo điều kiện cho việc chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia đến Moscow, sử dụng chuyên cơ chính phủ cho đoàn của Tướng Tô Lâm thuê.(19)

Tháng 2/2021, đài truyền hình nhà nước RTV của Slovakia đưa tin, theo điều tra, ngày 7/7/2020, Bộ Công an đã tổ chức lễ vinh danh và trao huân chương cho 12 sĩ quan Bộ Công an vì đã thực hiện thành công vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.(20,21)

Đại tá Nguyễn Đức Thoa và Thượng tá Lê Thanh Hải, lúc đó đều đã nghỉ hưu, lần lượt được tặng thưởng huân chương hạng nhất và huân chương hạng ba. (22) Sau này, người đăng ảnh buổi lễ tiết lộ vụ bắt cóc có tên mã là VT17.

Tại cuộc họp báo ngày 2/3/2021, khi được phóng viên hỏi về buổi lễ nói trên, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, khẳng định và biện minh về sự việc: “Việc các cơ quan tổ chức họp, rút kinh nghiệm từ người dân, biểu dương những người có thành tích khi tham gia giải quyết vụ án này [vụ ánTrịnh Xuân Thanh] là điều hết sức bình thường.”

Ngày 1 tháng 6 năm 2022, chính phủ Séc dẫn độ người thứ hai liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Lê Anh Tú, một công dân Việt Nam sống tại Cộng hòa Séc. Anh ta lái chiếc xe buýt nhỏ bắt cóc Thanh vào ngày 23/7/2017 rồi tị nạn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Sau đó, anh cùng 8 người khác lái xe chở Trịnh Xuân Thanh từ Brno về Cộng hoà Séc tới Bratislava. Từ thủ đô Slovakia, Thanh bị cho là đã đánh thuốc mê và ở trên máy bay của chính phủ Slovakia tới Moscow vài ngày sau đó.(23) Để trốn tránh sự bắt giữ của Liên minh Châu Âu, Tú về Việt Nam và bị bắt khi trở lại Séc bốn năm tám tháng sau đó. Vào ngày 25 tháng 8 năm 2022, Tú bị buộc tội làm “dịch vụ bí mật hoạt động hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt tự do [của người khác].”(24) 

Thông tin mới có được từ vụ truy tố Lê Anh Tú ở Đức đã dẫn tới việc chính phủ Slovakia mở lại cuộc điều tra về việc sử dụng một trong các máy bay của mình để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Theo các công tố viên Đức, “[i]để bí mật đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen [các nước trong liên hiệp châu Âu], những kẻ bắt cóc đã tổ chức một cuộc họp các bộ trưởng ở Bratislava rồi đưa người bị bắt cóc vào phái đoàn Việt Nam. Mục đích là để tránh bị kiểm tra nghiêm ngặt ở sân bay khi đưa người bị bắt cóc ra khỏi khu vực Schengen.”(25)

Ngày 31/01/2023, tòa án Đức tuyên phạt Lê Anh Tú 5 năm tù. Cơ quan công tố đưa ra bằng chứng Tú có liên hệ trực tiếp với cầm đầu vụ bắt cóc ở Berlinf khi đó là Trung tướng Đường Minh Hưng. Trong lời khai tại tòa, Lê Anh Tú tố cáo Tô Lâm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – Tú tham gia vào một đoàn xe chở

Trịnh Xuân Thanh từ Brno đến khách sạn Borik ở Bratislava, nơi Tô Lâm đang đợi họ. Theo lời kể của một phóng viên tham dự phiên tòa, “Khách sạn Borik thuộc sở hữu của Chính phủ Slovakia. Tại đây, phái đoàn của Tô Lâm đã gặp Bộ Nội vụ Slovakia để nói chuyện… Tô Lâm mượn máy bay của Slovakia để rời khỏi khu vực Schengen và bay tới Moscow.” (25)

Vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn ở Đức, đã làm rung chuyển mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước bị ảnh hưởng: Đức, Cộng hòa Séc,và Slovakia. Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam, điều tra một nhân viên Việt Nam của Văn phòng Liên bang về Người di cư và Người tị nạn (BAMF), và thành công trong việc yêu cầu việc Cộng hòa Séc dẫn độ một nghi phạm người Việt Nam sang Berlin để điều tra về tội gián điệp và đồng lõa với việc giam giữ trái pháp luật. 

Chính phủ Slovakia trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam và tiếp tục điều tra sự liên quan của cựu Bộ trưởng Nội vụ. 

 

_____________

Tham khảo 

(1) https://www.theguardian.com/world/2017/aug/06/germany-accuses-vietnam-of-abducting-businessman-from-berlin

(2) https://www.rfi.fr/en/contenu/20180424-german-court-tries-vietnam-man-over-cold-war-style-abduction-1  

(3) https://vietnamnet.vn/tuong-to-an-xo-khen-thuong-sau-vu-an-trinh-xuan-thanh-la-het-suc-binh-thuong-716695.html

(4) https://vietnamthoibao.org/vntb-cac-to-bao-lon-cua-slovakia-va-sec-dua-tin-to-lam-bi-truy-to/

(5) https://www.theguardian.com/world/2017/aug/06/germany-accuses-vietnam-of-abducting-businessman-from-berlin
(6) https://www.pen-deutschland.de/en/themen/writers-in-exile/ehemalige-stipendiaten/bui-thanh-hieu/

(7) Bản tiếng Việt có thể xem tại:

 http://bon-phuong.blogspot.com/2016/09/trinh-xuan-thanh-con-de-te-than-nguoi.html

(8) https://congan.com.vn/tin-chinh/chinh-tri-thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-
phai-bat-bang-duoc-trinh-xuan-thanh_30399.html

(9) https://www.voanews.com/a/germany-vietnam-kidnapping-/3970479.html

(10) https://www.voanews.com/a/germany-vietnam-kidnapping-/3970479.html

(11)https://www.theguardian.com/world/2017/aug/06/germany-accuses-vietnam-of-abducting-businessman-from-
berlin

(12) https://www.rfa.org/english/news/vietnam/slovakia-05012018160504.html/

(13) https://kafkadesk.org/2020/02/07/slovakia-expels-vietnamese-diplomat-over-kidnapping-scandal

(14) https://www.bbc.com/news/world-europe-40806193
(15) https://www.theguardian.com/world/2017/aug/06/germany-accuses-vietnam-of-abducting-businessman-from-
berlin
(16) https://newsbeezer.com/vietnameng/around-the-news-vietnam-honored-12-security-officers-for-the-kidnapping-in-germany/

(17) 85 https://taz.de/Entfuehrter-Vietnamese-Trinh-Xuan-Thanh/!5507272/

(18) https://dennikn.sk/minuta/2265533/?ref=mpm
(19) https://spectator.sme.sk/c/22889233/police-detained-former-interior-minister-kalinak.html

(20,21) https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh Xuan-Thanh/!5750514/
  https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh-Xuan-Thanh/!5750514/

(22) https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh-Xuan-Thanh/!5750514/

(23) https://www.rfa.org/english/news/vietnam/second-trial-trinh-xuan-thanh-case-11072022002450.html

(24) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnamese-man-charged-over-2017-berlin-kidnapping-alleged-spying-2022-08-25/

(25) https://www.euractiv.com/section/politics/news/slovakia-reopens-kidnapping-case-following-new-trial-in-germany/

Bài 3:  Bắt cóc Trương Duy Nhất trên đất Thái

 

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 3)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Tô Lâm không thể khẳng định không biết Bộ Công An có liên quan đến vụ bắt cóc Trương Duy Nhất trên đất Thái

 

Phối hợp thực hiện vụ bắt cóc Trương Duy Nhất với Cảnh sát Thái Lan trên đất Thái  phải được lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Công An phê duyệt. Theo nhân chứng ở Thái Lan, công an Thái giao người bị bắt cóc cho công an Việt Nam(1); điều này sau đó đã được xác nhận bởi các thành viên trong gia đình và một nhân chứng (2). Hơn nữa, khi được đưa về Việt Nam Trương Duy Nhất bị giam tại trại tạm giam T16 do Bộ Công An điều hành và, trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế(3), Tướng Tô Lâm không thể khẳng định không biết Bộ Công An có liên quan đến vụ bắt cóc.

Sau khi rời khỏi vị trí phóng viên tại một cơ quan truyền thông nhà nước, ông Trương Duy  Nhất trở thành người viết tự do, blogger, và bắt đầu chỉ trích chính phủ Việt Nam không loại được bỏ tận gốc rễ các quan chức cấp cao [tham nhũng](4). Ông bị bắt ngày 26 tháng 5 năm 2013 và sau đó bị kết án hai năm tù theo Điều 258 Bộ luật Hình sự 1999 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước.”(5). Sau khi ông Nhất bị tuyên án năm 2014, Nhóm Công Tác của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện, Working Group on Arbitrary Detention, (WGAD) đã viết thư cho chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ tùy tiện ông Nhất và việc xét xử ông này thiếu thủ tục tố tụng hợp pháp(6). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ ông này và việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận.

Vào đầu năm 2019, Trương Duy Nhất, lúc đó là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự do, cảm nhận sắp bị bắt khi chính phủ tăng cường trấn áp những người chỉ trích chính phủ trên mạng.

Theo WGAD, đối với luật an ninh mạng mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 (7), “cuối năm 2018, ông Nhất đã viết một số bài báo phê phán chính phủ”. Theo nguồn tin đáng tin cậy, vào tháng 12/2018, ông bị giám sát ngặt nghèo và nhận được thông tin có khả năng bị bắt lại. Ông Nhất lo ngại luật an ninh mạng mới sắp được ban hành vào tháng 1/2019 sẽ được dùng để chống lại các blogger, nhà báo nổi tiếng nhằm trấn áp người  chỉ trích chính quyền.

Ngày 8/1/2019, ông viết bài chỉ trích chính phủ san ủi nhà dân ở Vườn Rau Lộc Hưng mà không cung cấp giấy tờ pháp lý cho chủ đất. Nguồn tin cho biết, khoảng ngày 16/1/2019, công an tăng cường giám sát ông Nhất và nhà của ông này. Đồng thời có tin đồn ông sẽ đăng tải những tài liệu khác có hại cho đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lo sợ bị bắt, khoảng ngày 17/1/2019, ông Nhất vượt biên. Ông đến Thái Lan khoảng ngày 19 tháng 1 năm 2019. Ông đi không có giấy tờ hợp pháp vì trước đó đã bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.(8)

Ngay sau khi ông Nhất bị bắt cóc, các nhân chứng đã cung cấp cho BPSOS (*) thông tin, video, hình ảnh cảnh sát Thái Lan theo dõi, bắt giữ Nhất. Những nhân chứng này bao gồm ông NVC và người vợ không chính thức của ông, cả hai đều là người tị nạn được UNHCR công nhận quy chế. Hai người này đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và áp giải trong suốt hai ngày khi truy tìm Nhất cho đến lúc bắt được ông ta. Cảnh sát nhầm tưởng cặp vợ chồng này đã giúp đỡ Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan.(9).

Người chứng kiến ​​thứ ba là một sĩ quan cảnh sát Thái Lan, bất đắc dĩ tham gia bắt giữ theo lệnh cấp trên. Lo sợ bị trừng phạt hoặc bị cấp trên dùng làm vật tế thần nếu vụ bắt cóc bị phanh phui, viên cảnh sát này đã thu thập bằng chứng để sử dụng trong trường hợp cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế(10). Theo ông NVC, một trong ba nhân chứng, cảnh sát Thái Lan, cùng với một người nói tiếng Việt lưu loát nhưng biết rất ít tiếng Thái, bắt đầu theo dõi hành tung của Trương Duy Nhất từ ngày 25/1/2019(10)

Cảnh sát đã xác định được khách sạn nơi ông Nhất ở và bắt đầu theo dõi ông ta bằng quay video để nhận dạng (11). Vào lúc 5 giờ 40 chiều ngày 26 tháng 1, bốn sĩ quan cảnh sát Thái Lan, thuộc Đội tuần tra, Đội đặc nhiệm của Cục Cảnh sát Thủ đô và Cục Đặc vụ, đã bắt Nhất tại một tiệm kem ở Future Park Rangsit Mall ở Bangkok (12). Biết Nhất vừa nộp đơn xin được bảo vệ theo quy chế người tị nạn với UNHCR ngày hôm trước, cảnh sát nói với Nhất rằng họ sẽ đưa ông đến văn phòng UNHCR  sau bữa tối (13). Khoảng 18h40, công an đưa Nhất đến một nhà hàng. Camera giám sát của nhà hàng đã ghi lại cảnh xe cảnh sát đến (14) và Nhất đang đi bộ từ bãi đậu xe đến nhà hàng, có 4 cảnh sát Thái Lan đi cùng (15).

Ngay sau đó, các sĩ quan cảnh sát Thái Lan nhận được điện thoại từ cấp trên yêu cầu giao Nhất cho công an Việt Nam. Các sĩ quan Thái Lan phản đối, nói rằng nhiệm vụ của họ đã hoàn thành và các đặc vụ Việt Nam nên đến nhà hàng để bắt Nhất (16). Bị cấp trên phản đối, các sĩ quan cảnh sát Thái Lan nói với Nhất rằng họ sẽ đưa anh ta đến UNHCR (16). Nhất yêu cầu thay một bộ trang phục phù hợp hơn. Ông ta được phép mặc một chiếc áo sơ mi và một chiếc quần mang theo trong ba lô. Sau đó, họ đưa ông đến một khu vực tương đối ít xe cộ qua lại, cách nhà hàng khoảng nửa km và giao ông cho người trên một chiếc xe tải màu trắng. Theo viên cảnh sát Thái Lan tìm cách bảo vệ khỏi bị trả thù, vụ bắt cóc diễn ra rất nhanh (16).

“Trên xe có 7 người, trong đó có một người Thái ngồi ở ghế lái, một phụ nữ đeo khẩu trang và 5 công an Việt Nam. Ba người Việt Nam đeo khẩu trang và găng tay đen bước ra từ xe tải. Một người trong số họ dùng tay phải bóp cổ họng Nhất để ngăn tiếng kêu và tay trái xiết gáy  Nhất. Người đàn ông thứ hai khóa một cánh tay của Nhất bằng cách uốn cong khuỷu tay. Người thứ ba nhấc một chân của Nhất lên đồng thời lấy chiếc ba lô đựng đồ dùng cá nhân của ông Nhất.

Họ kéo ông ra khỏi xe và đẩy vào xe tải, nơi hai người Việt còn lại áp đảo Nhất. Vụ bắt cóc diễn ra nhanh chóng và hoàn toàn bất ngờ. Nhất vùng vẫy vô ích, làm rơi chiếc điện thoại Samsung. Người phụ nữ đeo mặt nạ, có thể được đào tạo về y tế, đã tiêm cho Nhất một thứ có vẻ như là thuốc gây mê. Chiếc xe tăng tốc. Hoạt động này cho thấy cảnh sát Việt Nam đã được huấn luyện bài bản về bắt cóc và lên kế hoạch tỉ mỉ.”

Báo cáo của nhân chứng bao gồm hình ảnh chiếc xe tải, biển số xe và hồ sơ đăng ký, cho thấy xe này là tài sản của cảnh sát Thái Lan.(16)

 Vào ngày 13 tháng 2 năm 2019, vẫn không nhận được tin tức về chồng, vợ ông Nhất đã khiếu nại chính phủ Việt Nam để biết thông tin về tung tích của chống mình (17).

Trong phiên tòa xét xử ngày 14 tháng 8 năm 2019, Nhất khai rằng ông đã bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ vào ngày 26 tháng 1, một ngày sau khi ông đăng ký với UNHCR để bảo vệ người tị nạn và giao cho cảnh sát Việt Nam tại Thái Lan, sau đó họ đưa ông qua biên giới sang Lào, rồi từ đó quay trở lại Việt Nam (18). Lời khai này xác nhận lời kể của ba nhân chứng ở Thái Lan.

Hai ngày sau khi bị bắt cóc ở Thái Lan, người ta thấy ông Nhất tại trại tạm giam T16 ở Hà Nội, nơi trực thuộc BCA (19). Ngày 9 tháng 3 năm 2020, ông Nhất bị kết án 10 năm tù với tội danh không rõ ràng là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”(20). Ban đầu ông ta bị buộc tội chiếm đoạt tài sản trái phép, nhưng tội danh này sau đó đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng để kết tội ông (21). Ngày 17 tháng 8 năm 2020, tòa phúc thẩm nhân dân giữ nguyên bản án đó (22).

Ngày 18 tháng 9 năm 2020, WGAD đưa ra quan điểm về việc bắt giữ Trương Duy Nhất: “Ông Nhất bị đặc vụ Thái và Việt Nam bắt giữ vì đưa tin về tham nhũng bởi sự bất lực của Chính phủ Việt Nam. Phản ứng của Việt Nam với sự hỗ trợ của Thái Lan là không cần thiết, không tương xứng và trái pháp luật.”(23)

WGAD cho biết “Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm về hành động bắt giữ ông Nhất, cũng như liên đới chịu trách nhiệm với Chính phủ Thái Lan về vụ bắt, giam giữ và chuyển ông Nhất về Việt Nam,”(24). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong thông cáo báo chí, bày tỏ sự quan ngại và thất vọng sâu sắc “trước sự kết án blogger và cộng tác viên của Đài Châu Á Tự do (RFA) Trương Duy Nhất, và bản án 10 năm tù của ông ta” với những cáo buộc mơ hồ. Thông cáo báo chí kêu gọi thả ngay lập tức Nhất và tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Như vậy, BCA không chỉ liên quan đến việc ông ta mất tích mà còn liên quan đến việc ông bị giam giữ tùy tiện sau đó.

Đối với cặp vợ chồng tị nạn bị cảnh sát Thái bắt giữ để tìm ông Nhất, và làm chứng việc cảnh sát Thái và Việt Nam bắt ông Nhất nêu trên, BPSOS đã đưa họ đến một nơi an toàn và làm việc với UNHCR để nhanh chóng tái cho họ định cư. Vào tháng 7 năm 2019, họ đến định cư tại Thụy Điển.

Công an Việt Nam không chỉ xâm nhập Thái Lan và yêu cầu cảnh sát Thái góp sức bắt cóc Trương Duy Nhất, họ đã bắt cóc ông Đường Văn Thái, nhà báo tự do, và tìm cách bắt cóc ông Y Quynh Buon Dap thuộc tổ chức Người Thượng Vì Công Lý. Chúng tôi sẽ viết về 2 trường hợp này sau khi có thông tin đầy đủ. (24)

_______________

Tham khảo:

(*) Bài viết này đăng tải một số  tin tức của BPSOS liên quan đến vụ bắt cóc Trương Duy Nhất và đã dược tổ chức này cho phép.

(1) https://www.reuters.com/article/us-asean-summit-rights/unholy-alliance-se-asian-authorities-accused-of-trading-exiled-activists-idUSKCN1TM1EI

 (2): https://www.rfa.org/english/news/vietnam/blogger-hanoi-03202019175732.html

 (3): https://www.rfa.org/english/news/vietnam/blogger-hanoi-03202019175732.html

 (4):https://www.hrw.org/news/2014/03/03/vietnam-relentless-prosecutions-squelch-dissent#

 (5) https://cpj.org/reports/2014/12/2014/ 111 AL VNM 5/2020, August 12, 2014. Available at:

https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=18726

(6)https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=18726

(7) https://cpj.org/reports/2019/09/10-most-censored-eritrea-north-korea-turkmenistan-journalist/#6 

(8)https://www.ohchr.org/Documents/Issues/Detention/Opinions/Session88/A_HRC_WGAD_2020_42_Advance_Edited_Version.pdf

(9 Tài liệu không được phép phổ biến SENSITIVE – NOT FOR PUBLIC DISSEMINATION.

(10) https://www.reuters.com/article/us-asean-summit-rights/unholy-alliance-se-asian-authorities-accused-of-trading-exiled-activists-idUSKCN1TM1EI

(11) Video showing Trương Duy Nhất in the hotel, January 25, 2019, available at: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/08/25-01-2019.-LINE_MOVIE-.mp4

(12)  https://www.amnesty.org/en/latest/news/2019/02/thailand-investigate-reports-of-abducted-vietnamese-journalist/

(13) https://www.amnesty.org/en/latest/news/2019/03/vietnamese-thai-authorities-come-clean-about-journalist-disappearance/

(14 )Video showing police car taking Trương Duy Nhất to a restaurant, January 26, 2019, available at:

https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/08/Xe-dua-Nhat-den-quan-an.mov

(15) Video showing Trương Duy Nhất walking from parking lot towards restaurant, January 26, 2019, available at: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/08/TDN-den-quan-an-1.mov

(16): https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/03/Appendix-2-Eyewitness-account-re-abduction-of-Truong-Duy-Nhat-1.pdf

17) https://www.rfa.org/english/news/vietnam/blogger-missing-wife-02132019160632.html 

(18) https://www.usagm.gov/news-and-information/threats-to-press/truong-duy-nhat/ 

(19)) https://www.rfa.org/english/news/vietnam/blogger-hanoi-03202019175732.html 

(20)https://cpj.org/2020/03/vietnamese-blogger-who-was-abducted-in-thailand-se/ 

(21)https://cpj.org/2020/03/vietnamese-blogger-who-was-abducted-in-thailand-se/

(22) https://cpj.org/2020/08/vietnamese-blogger-truong-duy-nhats-10-year-jail-sentence-upheld-on-appeal/ 

(23)https://www.ohchr.org/Documents/Issues/Detention/Opinions/Session88/A_HRC_WGAD_2020_42_Advance_Edited_Version.pdf

(24) https://vietnamthoibao.org/vntb-y-quynh-bdap-va-nhom-nguoi-thuong-vi-cong-ly-yeu-cau-viet-nam-ngung-ngay-hanh-vi-vu-khong-va-phi-bang/

 https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-an-viet-nam-truy-lung-nguoi-thuong-ty-nan-tai-thai-lan/

Bài 4:  Tô Lâm có vô can vụ công an giết cụ Lê Đình Kình?

 

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 4)

Quang Nguyên 

 

(VNTB) – Vụ tấn công vào làng Đồng Tâm là một vết nhơ không thể rửa sạch của ngành công an nói riêng, và đảng, chính quyền Việt Nam nói chung.

 

Vụ công an Việt Nam tấn công vào làng Đồng Tâm, giết cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, 57 tuổi đảng và sau đó ruồng bố, bắt giữ nhiều người là một vết nhơ lớn, không thể rửa sạch của ngành công an nói riêng, và đảng, chính quyền Việt Nam nói chung.

Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã để cho cấp dưới tham gia tấn công, dùng nhục hình tra tấn trong lúc điều tra dân làng Đồng Tâm và tùy tiện bắt giữ người đã bị đặt câu hỏi về tính chính đáng của cuộc tấn công được cho là thực hiện theo kế hoạch tuyệt mật số 419a của Bộ Công An (BCA)(1). 

Ba cảnh sát thiệt mạng trong cuộc tấn công đều là thành viên của BCA. Sau cuộc tấn công Đồng Tâm, ngày 14/1/2020, Bộ công an đã tổ chức lễ tưởng niệm những người thiệt mạng, do Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang chủ trì (2). Hơn thế nữa, Tướng Tô Lâm không thể khẳng định không biết gì về vụ việc sau khi có thông tin từ Đặc phái viên LHQ.

Năm 1980, chính phủ Việt Nam đã thu hồi 47,36 ha đất nông nghiệp của người dân làng Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội, để xây dựng sân bay quân sự. 47,6 ha đất nông nghiệp này là một phần của cánh đồng Sênh, một khu đất rộng 59 ha mà dân làng Đồng Tâm đã trồng trọt qua bao nhiêu đời. Dân làng ủng hộ việc sử dụng đất vì mục đích quốc phòng, tuy nhiên, sân bay dự định chưa bao giờ được xây dựng. 

Năm 2014, Bộ Quốc phòng quyết định giao khu đất này cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), công ty viễn thông thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, để xây dựng nhà máy. 

Qua các văn bản, hồ sơ từ trước, người dân Đồng Tâm phát hiện việc thu đất nông nghiệp của dân trái thỏa thuận ban đầu với bộ quốc phòng và muốn lấy lại đất của mình (3) Ngày 16 tháng 4 năm 2017, giả vờ dở trò đo đạc để phân định ranh giới giữa “đất quân sự” và “đất nông nghiệp”, công an đã bắt giữ bốn đại diện của thôn Đồng Tâm, trong đó có cụ Lê Đình Kình, một trong những chủ sở hữu đất. Công an đánh đập dã man và làm gãy chân cụ (4) Lo sợ bị tấn công vào làng, dân làng đã bắt giữ  38 người gồm 28 cảnh sát cơ động, Phó trưởng công an huyện Mỹ Đức, đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra công an huyện Mỹ Đức và một số người khác có liên quan(5)

 Sau một tuần đàm phán với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, dân làng đã thả các con tin để đổi lấy lời hứa không bị trừng phạt, không truy tố tội bắt giữ con tin của ông Nguyễn Đức Chung. Ông Chung cũng viết giấy lời hứa giải quyết thỏa đáng khiếu nại về đất đai của dân làng trong vòng 45 ngày(6) 

Nhưng Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên là thiếu tướng công an, đã nuốt lời. Khuya 9 tháng 1 năm 2020, Công an đột ngột tấn công vào làng, giết ông Lê Đình Kình (7) và bắt giữ 29 người trong làng, trong đó có 19 nam và 10 nữ. (8)

Theo báo cáo, có ba sĩ quan cảnh sát đã chết trong cuộc tấn công; công an cho rằng một số người dân trong làng đã đổ xăng thiêu chết 3 công an này. Ngày 14/1, Bộ Công an tổ chức họp báo, Đại tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nay là bộ trưởng, xác nhận công an vào thôn Đồng Tâm nhưng không có lệnh bắt ai.(10)

Bạo lực do lực lượng công an thực hiện đã được tóm tắt trong một thông cáo từ Nhiều Thủ Tục Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc, UN Special Procedures, gửi chính phủ Việt Nam:

“Ông trưởng thôn 85 tuổi Lê Đình Kình đã bị giết khi công an xông vào nhà ông khi ông và gia đình đang ngủ. Ông Lê Đình Kình bị giữ ở nhà trong khi gia đình ông bị bắt đi và bị đánh đập. Khi gia đình trở lại thì phát hiện ông đã bị giết.”(11)

Sau cuộc tấn công chết người, gia đình ông Kình và dân làng khác đã bị xét xử trong những phiên tòa dối trá, dẫn đến hai bản án tử hình và án tù từ 15 tháng đến 16 năm. Đường vào làng đều bị phong tỏa không cho người dân đến dự đám tang ông Kình. Một người dân quay phim đám tang đã bị cảnh sát đe dọa hành hung. 

Theo ghi chép của Điều Tra Viên Bộ Công An Trần Việt Dũng, Thượng tá Đặng Việt Quảng kể lại việc ông ta bắn ông Kình:

“… 01 đối tượng nam giới cao tuổi tóc bạc tay phải cầm 01 quả lựu đạn dơ lên hướng về phía phòng khách quay lưng về phía tôi, đối tượng đứng ngay trước cửa phòng 2 và phía ngoài phòng khách các đồng chí công an vẫn đang làm nhiệm vụ thì đối tượng này hô lên “tao cho nổ chúng mày chết” tôi thấy thế nên ngay lập tức nổ súng về phía đối tượng 02 lần và đối tượng dựa người vào trong phòng đồng thời tôi rút ra ngoài

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nghi ngờ lời cáo buộc này của Thượng tướng Quảng vì ông Kình khi đó đã 84 tuổi lại bị gãy chân.”

Trong khi đó những người dân làng bị công an bắt giam trở thành đối tượng cho chiến dịch bôi nhọ của chính phủ. Vợ ông Lê Đình Kình xuất hiện trong một video trên Facebook cho biết bà đã liên tục bị công an tát ở đồn Công an Miếu môn Hà Nội và chứng kiến cảnh con cháu mình bị tra tấn ở đó.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh yêu cầu bị cáo giơ tay nếu chưa bị đánh đập trong lúc hỏi cung. Chỉ có 10 người giơ tay trong khi 19 người còn lại ngồi im, nghĩa là 9 người còn lại đã bị tra tấn.

Luật sư Lê Văn Luân, thành viên tổ bào chữa cho biết, vụ tấn công của công an được thực hiện theo Phương án số 419a/KHPV01-PV02-MP do Công an TP. Hà Nội soạn thảo và được Bộ Công an phê duyệt173. Yêu cầu của nhóm luật sư bào chữa về việc công bố bản kế hoạch đó làm tang vật đã bị tòa án từ chối. 

Một thành viên nhóm luật sư bào chữa sau đó giải thích với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, rằng khi đọc hồ sơ vụ án này, nhóm của ông đã tìm thấy việc đề cập đến Kế hoạch số 419a/KHPV01-PV02-MP để giải thích cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm là theo lệnh cấp trên.

Tại phiên điều trần kháng cáo vào tháng 3 năm 2021, nhóm luật sư bào chữa nêu lên lo ngại rằng họ đã bị từ chối tiếp cận các bằng chứng cấp nhà nước cần thiết để bảo vệ thân chủ của mình. 

Dựa theo Báo cáo nhân quyền năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Thẩm phán bác bỏ tuyên bố của các luật sư bào chữa rằng tòa án không cấp cho các luật sư quyền tiếp xúc với thân chủ trước và trong phiên tòa phúc thẩm, đồng thời ngăn cản luật sư bào chữa tiếp cận bằng chứng của nhà nước, do đó cản trở nỗ lực bào chữa của các luật sư.”

Ngày 14/9/2020, TAND nhân dân tuyên án tử hình hai con trai và một cháu trai của ông Lê Đình Kình  chung thân, ông Hiểu, người lớn tuổi thứ hai trong làng 16 năm tù, và 25 người khác từ 15 tháng tù treo đến 16 năm tù.

Ngày 11-1- 2021, Bộ trưởng Công An Tô Lâm đã đến thăm, chia buồn và động viên gia đình 3 cán bộ, chiến sỹ Công an “hi sinh trong vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm”. Tô Lâm khi đó đã phát biểu rằng “những chiến sỹ Công an, giữa thời bình vẫn chịu nhiều hy sinh… vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.” 3 sĩ quan công an đã được Tô Lâm ra quyết định thăng hàm trong cùng ngày đồng thời cung cấp nhiều đãi ngộ cho thân nhân của những người này.

Hơn một năm sau, khi nói về “chiến công đàn áp dân lành ” tại xã Đồng Tâm, Tô Lâm cho vụ Đồng Tâm là một trong 10 “thành tích nổi bật” mà lực lượng công an đạt được trong năm 2020 sau khi giải quyết được điểm nóng phức tạp về ANTT từ nhiều năm qua.

Vinh quang, thành tích thuộc về Tô Lâm và 3.000 quân tham gia trấn tấn công Đồng Tâm.  Còn gia đình những nạn nhân thực sự của lực lượng công an dưới trướng Tô Lâm đã không còn gì nữa để mất bởi vì họ đã chẳng còn gì nữa.

Bài 5: Công an trấn áp người dân sau vụ xử Đồng Tâm

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 5)

 

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Tướng Tô Lâm, giữ chức vụ cao nhất trong Bộ Công an khi cấp dưới tham gia thực hiện cuộc tấn công, tra tấn dân Đồng Tâm trong quá trình điều tra…

 

Sau phiên tòa xử rất nặng những người bị bắt trong vụ công an tấn công xã Đồng Tâm , Bộ Công an đã quyết liệt dẹp tan mọi nguồn hỗ trợ cho người dân Đồng Tâm.

Bộ Công an đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Thúy Hạnh khi người dân cả nước chuyển tiền phúng điếu ông Kình và hỗ trợ dân Đồng Tâm vào tài khoản này của bà. Ngày 20 tháng 1 năm 2020, hai vợ chồng bà bị người của Bộ Công an bắt giữ, thẩm vấn vì những hoạt động liên quan đến những người bảo vệ nhân quyền và với ông Lê Đình Kình trong vài giờ đồng hồ.

Nhiều người tham gia  tài trợ cho gia đình ông Kình đã bị công an thẩm vấn và đe dọa, ép buộc phải thú nhận là thành viên của một tổ chức chính trị đối lập. 

Bộ Công an sau đó đã phát động chiến dịch quét sạch, nhằm dập tắt mọi nghi vấn về cuộc tấn công bạo lực, giết người phi pháp, bức cung nhục hình, phiên tòa trá hình và những bản án khắc nghiệt.  Nhà xuất bản Tự do đã bị Bộ Công an nhắm đến; trang web của nhà xuất bản này bị gỡ xuống, một số nhân viên nhà xuất bản  đã bị bắt, bị tra tấn vì đã tham gia phát hành Báo cáo Đồng Tâm.

Ít nhất bảy nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tham gia chia sẻ thông tin về vụ tấn công xã Đồng Tâm cho công chúng, Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền quốc tế và/hoặc các cơ quan ủy quyền của Liên Hợp Quốc, đã bị Bộ Công an hoặc các đơn vị trực thuộc của bộ này tại địa phương bắt giữ và sau đó đều bị kết án tù nặng.

1. Trịnh Bá Phương bị công an bắt ngày 24 tháng 6 năm 2020 và bị buộc tội vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, đồ vật nhằm chống Nhà nước.”Công an Thành phố Hà Nội khám xét nhà ông, tịch thu toàn bộ tài liệu, giấy tờ các hồ sơ liên quan đến xã Đồng Tâm. 

Ông Trịnh Bá Phương thường xuyên chuyển thông tin về vụ tập kích Đồng Tâm cho các quan chức các cơ quan đại diện ngoại giao, trong đó có Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trước khi bị bắt, truyền thông nhà nước đã vu khống ông tội kích động người dân Đồng Tâm. Ngày 15 tháng 12 năm 2021, tòa án Hà Nội kết án ông 10 năm tù và 5 năm quản chế.

2. Ông Trịnh Bá Tư bị công an tỉnh Hoà Bình bắt giữ gần như cùng lúc với anh trai ông là Trịnh Bá Phương(10) Công an khám xét nhà ông và tịch thu một ổ USB cùng các tài liệu liên quan đến cuộc tấn công của công an ở xã Đồng Tâm. Sau đó ông bị buộc tội theo điều 117.  Ngày 5 tháng 5 năm 2021, ông bị kết án tám năm tù và ba năm quản chế.

3. Bà Cấn Thị Thêu, mẹ của hai ông Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, bị công an bắt vào ngày hôm sau, 25 tháng 6 năm 2020, theo điều 117. Bà là dân oan nổi tiếng, đã tham gia chống cưỡng chế đất kể từ khi vườn trại của gia đình bà bị chính quyền tịch thu năm 2007.  Năm 2014, hai vợ chồng bà bị kết án lần lượt là 15 tháng và 18 tháng tù theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “chống người thi hành công vụ”.

Tháng 6 năm 2016, bà Cấn Thị Thêu lại bị bắt vì dẫn đầu cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ nạn nhân bị thu hồi đất, sau đó bị kết án 20 tháng tù vì tội “chống đối người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999. Bà là bắt đầu lên tiếng ủng hộ dân Đồng Tâm từ tháng 4 năm 2017. Ngày 5 tháng 5 năm 2021, bà bị kết án lần thứ ba, tám năm tù và ba năm quản chế.

4. Bà Nguyễn Thị Tâm, hàng xóm của bà Cấn Thị Thêu, đã đăng bài bình luận về quyền đất đai, vấn đề nhân quyền trên Facebook và YouTube từ năm 2016.

Bà bắt đầu tham gia tập trung vào tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm năm 2017. Bà bị Công an Thành phố Hà Nội bắt ngày 24/6/2020 tại nhà riêng ở Dương Nội, Hà Đông (ngoại thành Hà Nội), cùng ngày Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt và tương tự bị buộc tội theo Điều 117. Vào ngày 15 tháng 12 năm 2021, bà bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.

5. Bà Phạm Đoan Trang, một người bảo vệ nhân quyền và nhà báo nổi tiếng, bị công an Hà Nội bắt giữ tại  Thành phố Hồ Chí Minh vào gần nửa đêm ngày 6 tháng 10 năm 2020, cùng ngày Việt Nam tổ chức đối thoại hàng năm với Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền. Bà bị cáo buộc  “làm, tàng trữ, hoặc phát tán thông tin, tài liệu, đồ vật chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Trước đó đúng một tháng, bà cùng một số người khác công bố báo cáo tiếp theo về vụ công an tấn công Đồng Tâm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng hàng chục thành viên Quốc hội Hoa Kỳ đã lên án vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang. Ngày 14 tháng 12 năm 2021, Tòa án Nhân dân Hà Nội kết án bà 9 năm tù. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án bản án và mức án tù nặng dành cho bà.

6. Lê Văn Dũng hay Dũng Vova, một phóng viên độc lập, bị công an Hà Nội bắt ngày 30 tháng 6 năm 2021. Ông bị buộc tội theo điều 117 Bộ luật hình sự.  Sau khi Dũng Vova bị bắt, trang web chính thức của Bộ Công an cáo buộc ông hợp tác với các phần tử chống chính phủ khác trong và ngoài nước, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn cách đăng tin cập nhật về Đồng Tâm và gửi báo cáo cho cộng đồng quốc tế để can thiệp. Ngày 23 tháng 3 năm 2022, ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và năm năm quản chế.

7. Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị công an bắt ngày 7/4/2021 và bị buộc tội theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Bà Hạnh đã thành lập “quỹ 50K ” trợ cấp 50.000 đồng cho mỗi gia đình tù nhân lương tâm. Sau khi công an tấn công vào Đồng Tâm, bà đã quyên góp được 500 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình người dân xã Đồng Tâm có thân nhân bị chết, bị thương hoặc bị bắt.  Ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản của bà và  thông báo cho bà biết họ làm theo yêu cầu của bộ công an. 

Nhiều người khác dùng Facebook tham gia bàn luận về cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm cũng đã bị bắt giữ.

Vào ngày 10 tháng 11 năm 2020, bốn đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc thuộc  nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện; Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Thúc Đẩy và Bảo Vệ Quyền Tự Do Quan Điểm và Biểu Đạt; Báo Cáo Viên Đặc Biệt về Tình Hình của Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền, và Nhóm Làm Việc về Phân Biệt Đối Xử với Phụ Nữ và Thiếu Nữ đã viết thư cho chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại về vụ tấn công vào Đồng Tâm và việc bắt giữ những người lên tiếng phản đối hành vi tàn bạo của cảnh sát, bộ công an.

Trong đó có đề cập đến những  hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như giết người phi pháp, bắt giữ và giam giữ tùy tiện và tra tấn của Bộ Công an và Công an Hà Nội, đồng thời nêu rõ tên và chức vụ của những người tham gia trong vụ thám sát Đồng Tâm. 

Thượng tá Đặng Việt Quảng, cán bộ Phòng Hình sự Công anHà Nội, bắn chết ông Lê Đình Kình, già làng tại chỗ trong cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 9 tháng 1 năm 2020

Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an, giám sát cuộc diễn tập hai đơn vị cảnh sát tấn công vào Đông Tâm sáu tuần trước đó. Mục đích của buổi diễn tập là “đối phó với đám đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn chính trị…” để “xử lý tình huống liên quan đến chống khủng bố, bắt cóc con tin, rà phá bom mìn, chữa cháy.”

Tướng Tô Lâm, giữ chức vụ cao nhất trong Bộ Công an khi cấp dưới tham gia thực hiện cuộc tấn công, tra tấn dân Đồng Tâm trong quá trình điều tra, và bắt giữ tùy tiện những người nghi ngờ tính chính đáng của cuộc tấn công… được cho là làm theo một kế hoạch tuyệt mật đã được Bộ Công An phê duyệt, Kế hoạch số 419A.

Bài 6: Công an đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa đòi công lý môi trường

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 6)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Vì quyền lợi kinh tế của đảng và nhà nước, chính phủ Việt Nam đã quyết liệt trấn áp các cuộc biểu tình và người đòi công lý môi trường chống lại Formosa. 

 

Ngày 6-4-2016 trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ngư dân phát hiện thủy sản chết hàng loạt trên diện rộng, bắt đầu từ duyên hải Hà Tĩnh, lan xuống dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Vụ ô nhiễm môi trường này gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.

Công ty thép Formosa, trong lúc vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, xả nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn ra biển. Đó là vụ hủy diệt môi trường trầm trọng nhất Việt Nam tính đến bây giờ. Vì quyền lợi kinh tế của đảng và nhà nước, chính phủ Việt Nam đã quyết liệt trấn áp các cuộc biểu tình và người đòi công lý môi trường chống lại Formosa. Trong khi đó các vụ thưa kiện Formosa ngay tại Đài Loan của những người bị hại đến nay còn tiếp diễn.

Nhiều giáo xứ Công giáo nằm trong số các cộng đồng ngư dân bị ảnh hưởng do thảm họa sinh thái do việc thải chất thải độc hại, nên nhiều lãnh đạo giáo dân và các linh mục dẫn đầu các cuộc biểu tình vì công lý chống lại Formosa. Những sự kiện xung quanh thảm họa sinh thái và hậu quả của nó được nhà báo Phạm Đoan Trang ghi lại.(1).

Công an đã đàn áp dã man những người biểu tình (2) ở miền Trung Việt Nam trong thời gian từ tháng 5 năm 2016 đến tháng 1 năm 2017 và bắt giữ những giáo dân bị tình nghi tổ chức biểu tình. Trong tổng số 14 người biểu tình và những người ủng hộ, hầu hết là người Công giáo đến từ hoặc có cảm tình với các giáo xứ bị ảnh hưởng, 220 người đã bị kết án tổng cộng 133 năm tù, chưa kể quản chế sau khi ra tù. Dưới đây là một số trường hợp điển hình.

  • Ông Hoàng Đức Bình, sinh năm 1983, là blogger và Phó Chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt Độc Lập. Vào thời điểm bị bắt ngày 15 tháng 5 năm 2017, ông đang viết blog về thảm họa sinh thái Formosa. Sau khi bị bắt, ông được cho là đã bị chính quyền huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ép ký vào bản thú tội. ông bị buộc tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258. ông Bình đã bị kết án bảy năm tù giam, bảy năm quản thúc tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  • Ông Lê Đình Lượng, sinh năm 1965, là cựu quân nhân, nhà hoạt động xã hội Công giáo ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông phản đối vụ tràn chất độc Formosa vào tháng 4 năm 2016, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng trăm nghìn người. Ông bị bắt vào ngày 24 tháng 7 năm 2017 về tội vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự 1999, cấm “các hoạt động nhằm lật đổ nhà nước.” Ông đã bị xét xử và kết án về tội danh này trước tòa án nhân dân Nghệ An và bị kết án 20 năm tù.
  • Ông Nguyễn Nam Phong, sinh năm 1980, là thành viên Giáo xứ Văn Thái, tỉnh Nghệ An và là cộng sự thân cận của Linh mục Nguyễn Đình Thục, cũng là đối tượng của chính quyền và Hội Cờ Đỏ địa phương. Ông Phong đã tích cực giúp đỡ cộng đồng địa phương trong thảm họa sinh thái Formosa. Ngày 28 tháng 11 năm 2017, ông bị bắt và xét xử theo điều 257 Bộ luật Hình sự 1999 (về tội “chống người thi hành công vụ”). Ông Nguyễn Nam Phong bị TAND huyện Diễn Châu kết án 2 năm tù giam. Ông mãn hạn tù vào năm 2019.
  • Ông Nguyễn Văn Hoá, sinh năm 1995, là một blogger huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông bị bắt vào ngày 11 tháng 1 năm 2017 trên đường tới tòa vì liên quan đến thảm họa sinh thái Formosa. Sau đó, công an Hà Tĩnh thông báo cho gia định ông  rằng ông đang bị tạm giam theo điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, điều khoản thường được áp dụng để chống lại các nhà hoạt động ôn hòa. Ngày 27 tháng 11 năm 2017, ông đã bị xét xử và kết án trước Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, về tội “tuyên truyền” chống nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông bị kết án bảy năm tù và ba năm quản thúc. Do ông Hoán không chịu thừa nhận hành vi phạm tội nên công an đã dùng nhục hình tra tấn để buộc ông phải nhận tội.
  • Bà Trần Thị Xuân, sinh năm 1976, là một nhà hoạt động Công giáo và là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Bà bị bắt tại nhà riêng ở tỉnh Hà Tĩnh ngày 17 tháng 10 năm 2017 để điều tra theo điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “nhằm mục đích lật đổ” nhà nước. Bà đã tham gia vào các cuộc biểu tình liên quan đến vụ tràn chất độc Formosa và làm việc với giới trẻ trong giáo xứ. Theo các phương tiện truyền thông chính thức, bà bị cáo buộc đã đăng các bài viết và hình ảnh chỉ trích chính phủ trên internet. Bà bị xét xử trước Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 12 tháng 4 năm 2018 và bị kết án 9 năm tù.
  • Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm, sinh năm 1979, là một blogger Công giáo nổi tiếng. Bà bị công an bắt giữ ngày 10 tháng 10 năm 2016 và bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước vì chỉ trích cách chính quyền xử lý một tình trạng khẩn cấp lớn về môi trường. Bà bị kết án mười năm tù. Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Quỳnh đã được trả tự do vào ngày 18 tháng 10, 2018 và ngay lập tức bị trục xuất sang Mỹ.
  • Bác sĩ y khoa Hồ Văn Hải còn gọi là Hồ Hải, sinh năm 1964, là nhà hoạt động trực tuyến. Ông dùng blog của mình để ủng hộ tính minh bạch và trách nhiệm giải trình liên quan đến thảm họa sinh thái Formosa khiến hàng triệu con cá chết và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng trăm nghìn người dân sống trong khu vực. Bác sĩ Hải bị công an bắt giữ tại phòng khám của ông ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 11 năm 2016 và bị buộc tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông bị kết án bốn năm tù, hai năm quản thúc. Đầu năm 2021, ông đi định cư tại Hoa Kỳ.

Những người khác bị bỏ tù một phần vì ủng hộ công khai cho các nạn nhân của Kế hoạch Thép Formosa bao gồm: Lưu Văn Vịnh (15 năm), Đào Quang Thực (14 năm), Nguyễn Trung Trực (12 năm), Nguyễn Viết Dũng (6 năm), Trần Hoàng Phúc (6 năm), Nguyễn Văn Oai (5 năm) và Trần Thị Nga (7 năm).

Bộ Công an và các tổ chức cảnh sát địa phương sau đó đã tiến hành một chiến dịch hăm dọa và bắt giữ sâu rộng ở nhiều tỉnh và thành phố, và bịt miệng những người chỉ trích nổi tiếng nhất việc chính phủ đàn áp các nhà hoạt động môi trường.(3)

Đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế, Bộ Công an đã chuyển đổi chiến thuật, sử dụng “côn đồ”, những kẻ được xác định là cảnh sát mặc thường phục và đám đông có tổ chức để khủng bố toàn bộ giáo xứ nhằm đáp ứng nhu cầu công lý môi trường của họ. “Phần lớn trong số nửa triệu ngư dân người Công giáo ở Giáo phận Vinh bị ảnh hưởng nặng nề. Hệ thống tư pháp Việt Nam đã bác bỏ ngay lập tức mọi khiếu nại của ngư dân đối với Nhà máy thép Formosa. Không còn cách nào khác, họ xuống đường biểu tình để lên tiếng. Chính phủ đã nhắm vào những cá nhân được coi là người tổ chức biểu tình để quấy rối, giam giữ và/hoặc bỏ tù. Đồng thời, toàn bộ cộng đồng đã trở thành nạn nhân bị Hội Cờ Đỏ khủng bố.”(4) 

“Cha Đặng Hữu Nam, đã giúp đỡ 506 ngư dân có cuộc sống bị ảnh hưởng do thảm hoạ môi trường nộp đơn khiếu nại hình sự yêu cầu bồi thường, đã bị cảnh sát an ninh và công an chìm theo dõi, dọa giết, bắt giữ và đánh đập. ”(5)

Do “côn đồ” không thể trấn áp phong trào đòi công lý môi trường của những người Công giáo bị ảnh hưởng nên năm 2017, Hội Cờ Đỏ đã đồng loạt ra mắt ở nhiều tỉnh để nhắm vào các linh mục Công giáo và giáo dân ủng hộ việc bồi thường công bằng cho các nạn nhân của thảm họa sinh thái do nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh gây ra vào tháng 4 năm 2016. Thành viên Hội Cờ Đỏ, có lúc lên tới hàng trăm người, đã hành hung và tấn công các linh mục và giáo dân trên mạng xã hội mà hoàn toàn không bị trừng phạt. Yêu cầu điều tra thủ phạm của các nạn nhân hoặc các linh mục giáo xứ không được giải quyết.(6) 

Sự thông đồng giữa Hội Cờ Đỏ và công an được thể hiện rõ trong vụ việc tại giáo xứ Kẻ Gai, tỉnh Nghệ An:

“Không giống như bọn côn đồ mặc thường phục, các nhóm Cờ Đỏ có tổ chức và không cần che đậy, và được gọi là một nhóm tự phát. Đội Cờ Đỏ kết hợp chặt chẽ với—và đôi khi theo chỉ đạo của—chính quyền địa phương. Hơn nữa, chính phủ tỏ ra không truy tố hoặc kỷ luật những người liên quan đến các vụ tấn công. Chẳng hạn, khi linh mục Nguyễn Đức Nhân của giáo xứ Kẻ Gai yêu cầu chính quyền tỉnh điều tra các thành viên của nhóm Cờ Đỏ tấn công các cá nhân liên quan đến tranh chấp đất đai, công an lại triệu tập giáo dân – nạn nhân để thẩm vấn.”(7)

Những người làm đơn tố cáo Hội Cờ Đỏ đã bị công an đe dọa, bắt rút tên ra khỏi đơn khiếu nại. Ông Nguyễn Văn Ân do không chịu rút tên đã bị công an bắt giữ. Cuối cùng ông và gia đình phải trốn sang Thái Lan và sau đó đã được Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) công nhận là người tị nạn.

Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc biệt đề cập đến việc  ‘các hiệp hội cờ đỏ’ tấn công các cộng đồng Công giáo, và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền cổ vũ và kích động phân biệt đối xử tôn giáo, bạo lực và ngôn từ kích động thù địch.”

Xuyên suốt những đàn áp trắng trợn và tàn nhẫn của công an trong vụ nhà máy thép Formosa xả thải làm ô nhiễm môi trường và thiệt hại rất lớn cho ngư dân miền bắc trung phần Việt Nam, những lãnh đạo bộ công an như Bộ Trưởng Tô Lâm và  Trung tướng Phạm Quốc Cương phải chịu trách nhiệm. Trung tướng Phạm Quốc Cương được truyền thông nhà nước ca ngợi là người chỉ huy cảnh sát cơ động trấn áp các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Formosa.

Tướng Tô Lâm, nay là chủ tịch nước, không thể không biết gì về cuộc đàn áp tàn bạo của Bộ Công an đối với những người biểu tình ôn hòa ở nhiều tỉnh, bạo lực của đám đông Cờ Đỏ, việc bắt giữ những người ủng hộ công lý môi trường và việc sử dụng bạo lực và tra tấn của các nhân viên Bộ Công an trong nhiệm kỳ của ông, đặc biệt là sau đó nhiều thông tin liên lạc chính thức từ những giới chức  Liên Hiệp Quốc, các báo cáo của USCIRF và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như sự lên án của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Bài sau: Công An đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chủ quyền quốc gia

_________________

Tham Khảo:

(1)https://www.thevietnamese.org/2017/11/timeline-the-formosa-environmental-disaster/

(2)https://www.amnesty.org/download/Documents/ASA4157282017ENGLISH.pd f 

(3)https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/5104/2016/en/

(4) https://dvov.org/wp-content/uploads/2018/03/BPSOS-Report-on-Red-Flag-Associations-03-27-18.pdf.

(5)https://www.amnesty.org/download/Documents/ASA4151042016ENGLISH.pdf

(6)https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2019USCIRFAnnualReport.pdf

   https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41801662

   https://www.youtube.com/watch?v=Czos3cttNBI

(7)https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2019USCIRFAnnualReport.pdf

Bài 7: Đàn áp người biểu tình phản đối dự luật đặc khu 

VNTB – Tô Lâm  là ai? ( bài 7)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Tám thành viên của Nhóm Hiến pháp đã bị kết án từ 2,5 đến 8 năm tù vì kêu gọi và tổ chức biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu 

 

Tháng 6/2018, Quốc hội Việt Nam thảo luận Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế, quy định cho nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất đến 99 năm. Cùng thời điểm, Quốc hội dự kiến thông qua Luật An ninh mạng chồng chéo với Luật Hành chính, Luật Hình sự và Luật An toàn thông tin. Hai dự thảo luật khiến người Việt trong, ngoài nước lo lắng cho chủ quyền, an ninh quốc gia và sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Dư luận trong nước rất bất lợi cho đảng và nhà nước. Những lời kêu gọi tổng biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu Kinh tế lan ra cả nước. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 6, Nhà nước Việt Nam vội vã quyết định lùi dự Thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp. 

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ Tịch hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam cho biết, “họ làm như vậy chẳng qua là họ cố gắng dập tắt cuộc biểu tình”  đang nổ ra từ Bắc chí Nam.

Ngày 9/6, các cuộc biểu tình bùng nổ khắp cả nước, với hàng chục nghìn công nhân bắt đầu biểu tình tại khu công nghiệp Tân Tạo và lan ra Hà Nội, TP.HCM, TP. Nha Trang, TP Đà Nẵng, thị xã Phan Rí Cửa (tỉnh Bình Thuận) và các địa phương khác vào ngày hôm sau. Ngoại trừ một số ít người biểu tình ở tỉnh Bình Thuận đối đầu dữ dội với công an và bị đánh đổ máu, các cuộc biểu tình ở nơi khác hầu hết diễn ra ôn hoà dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của công an.

Vào ngày 10 tháng 6 năm 2018, chính phủ đã triển khai số lượng lớn công an, dân quân và côn đồ để dập tắt các cuộc biểu tình phần lớn là ôn hòa. Tệ hơn nữa là cảnh sát và dân quân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng hơi cay, dùi cui và các vũ khí khác đàn áp mạnh mẽ và bắt giữ những người biểu tình. Đặc biệt công an cho sử dụng thiết bị khuếch tán Âm thanh Tầm xa (Long Range Acoustic DeviceLRAD)  gây đau đầu và tai, thậm chí có thể… thủng màng nhĩ”.

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam, riêng công an TP.HCM đã  bắt 310 người chỉ trong ngày đầu tiên của cuộc biểu tình và bị giam giữ tại Công viên Tao Đàn và những nơi khác. Trong số này, bảy người bị giữ để điều tra theo cáo buộc hình sự, 175 người bị phạt tiền, và những người còn lại được cho về nhà mà không phải chịu hình phạt nào.

Sau khi được thả, nhiều người bị bắt cho biết họ đã bị đánh đập, bị tịch thu điện thoại di động và các đồ đạc khác. Một vài người bị thương nặng ở đầu và thân thể. 

Dự đoán sẽ có thêm biểu tình vào ngày 17/6, chính quyền TP. HCM đặt thành phố trong tình trạng khẩn cấp; công an và đội phản ứng nhanh đã dựng rào chắn trên những con đường chính và tuần tra các địa điểm dự đoán có thể có người tụ tập, giải tán người đi đến các địa điểm đó và bắt giữ những người khả nghi. Công an đã bắt ít nhất 150 người tụ tập trong những nhóm nhỏ ở trung tâm thành phố.

Công an tịch thu điện thoại di động và máy ảnh của những người bị bắt đồng thời ép họ nhận tội gây rối trật tự và an toàn công cộng. Người không chịu mở điện thoại cho công an kiểm tra bị tra tấn. Công an đã tách những người bị bắt sau đó đưa đến đồn công an các quận rồi đánh đập nạn nhân rất dã man. 

Trong những tháng tiếp theo, công an tiếp tục bắt giữ những cá nhân bị tình nghi là chủ chốt đằng sau các cuộc biểu tình. Một đợt bắt giữ khác diễn ra trong đợt 2 tháng 9, khi có những lời kêu gọi biểu tình tiếp theo. Tám thành viên của Nhóm Hiến pháp, đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức các cuộc biểu tình và kêu gọi các cuộc biểu tình tiếp theo, đã bị kết án từ 2,5 đến 8 năm tù. Những cuộc đàn áp người biểu tình kéo dài lai rai đến sáu tháng sau với ít nhất 75 người đã bị bắt giữ. Khoảng 65 người biểu tình và những người ủng hộ, giúp đỡ người biểu tình đã bị kết án tù từ 5 tháng quản chế đến 4,5 năm tù.

Có một vài công dân Mỹ bị bắt, tra tấn trong các đợt càn quét này của công an. Nguyen William Anh, Will Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ trú ngụ tại Houston, Texas, đã bị cảnh sát kéo lê,  đánh đập trên đường phố và bị bắt giam trong cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu và bị trục xuất về Mỹ sau đó. 

Ngày 16 tháng 6 năm 2018, ông Đặng Minh Ty, hay còn gọi là Tee Đặng, 47 tuổi, quốc tịch Mỹ trú tại San Jose, California, bị công an bắt giữ khi đang chụp hình một điểm du lịch. Ông bị đưa đến công an Phường 6, Quận 3. Vì không chịu cung cấp mật khẩu điện thoại di động nên ông đã bị bóp cổ, vặn cánh tay phải. Công an bẻ ngón tay của ông Ty xém gãy, đấm đá, tát vào mặt ông.

Khi ông Ty yêu cầu tôn trọng quyền công dân Mỹ, thị bị chuyển giao lại cho sáu sĩ quan của Công an TP. HCM. Lúc này ông không bị tra tấn thể xác nhưng bị đe doạ, ta trân tinh thần. Họ chia thành ba đội, hai người, thay phiên nhau thẩm vấn ông Ty cho đến 8 giờ tối. Họ giở thủ đoạn vừa đánh, vừa xoa, người hăm dọa, người dụ ông thú nhận âm mưu kích động công dân Việt Nam phản đối luật an ninh mạng của chính phủ và dự luật về đặc khu kinh tế của người Mỹ, đồng thời ép ông thừa nhận có cộng tác với Will Nguyễn. 

Cơ quan điều tra muốn ông Ty khai nhận mang tiền từ Mỹ về để trả cho người dân tham gia biểu tình. Ông Ty khai không biết William Nguyễn là ai, tố cáo việc bị tra tấn trước đó, yêu cầu được khám chữa bệnh, đòi được báo tin cho Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng như được gặp luật sư. Nhân viên điều tra hăm doạ sẽ tra tấn ông nếu ông không hợp tác. Sau buổi thẩm vấn, ông Ty bị nhốt cả đêm trong phòng thẩm vấn, ông không ngủ được vì những vết thương trên người.

Đến 8 giờ sáng ngày 17/6, các điều tra viên lại tiếp tục công việc. Đến 2 giờ chiều, họ yêu cầu ông Ty viết bản tự thú rằng ông bị té xe và bị thương do chạy trốn công an. Ông không đồng ý và cũng từ chối đọc lời thú tội để cho công an quay phim lại. Công an sau đó tự viết đơn vu khống rằng ông bị bắt giữ do không khai báo tạm trú tạm vắng và không có bằng lái xe máy. Ông Ty được công an thả ra lúc 8 giờ 30 tối sau khi bố vợ ông nộp phạt hành chính cho ông.

Sau khi được thả, Ông Ty đã trình báo việc mình bị giam giữ và tra tấn với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM.

Trở lại Hoa Kỳ, ông đã nộp đơn khiếu nại lên chính phủ Việt Nam, yêu cầu điều tra. Chính phủ Việt Nam dù nhận được đơn khiếu nại của ông nhưng chưa cho biết có điều tra hay không. 

Tại một cuộc họp ở tòa thị chính do Dân biểu Zoe Lofgren chủ trì ở San Jose vào ngày 18 tháng 2 năm 2020, ông Đặng Minh Ty đã chuyển đơn khiếu nại cho chính quyền Hoa Kỳ. Ông đã gặp ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink tại San Jose để báo cáo tình hình nhân quyền ở Việt Nam và nhờ Toà Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội đốc thúc Việt Nam sớm tiến hành điều tra vụ an ninh Việt Nam bắt giam và tra tấn ông hồi giữa tháng 6 năm 2018.

Ông Đại Sứ hứa khi trở lại Hà Nội làm việc sẽ nêu ra vấn đề công dân Hoa Kỳ bị bắt và tra tấn, vi phạm trầm trọng luật chống tra tấn của quốc tế. Ông sẽ đốc thúc phía Việt Nam điều tra và phải có câu trả lời sớm nhất. Cho tới nay, sau 6 năm, Hà Nội vẫn phớt lờ không đưa ra câu trả lời nào về vụ ngược đãi công dân Hoa Kỳ này.

Bài 8: Chính phủ Việt Nam đàn áp giáo dân người Thượng và người Mông(*)

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Từ ngày 06 tháng 3 năm 2024, Việt Nam công khai gọi hai tổ chức tôn giáo là các tổ chức khủng bố

 Việt Nam từ trước đến nay vẫn nổi tiếng thế giới với những thành tích đàn áp tự do tôn giáo, nhưng từ ngày 06 tháng 3 năm 2024, Việt Nam công khai đặt hai tổ chức tôn giáo vào hàng khủng bố đồng thời gia tăng đàn áp hai tổ chức này này cùng các tổ chức tôn giáo khác.

Bộ Công an, do ông Tô Lâm làm bộ trưởng, công bố 2 tổ chức khủng bố có trụ sở ở nước ngoài là Nhóm Hỗ Trợ Người Thượng, Montagnard Support Group, Inc., viết tắt là MSGI và thứ hai là nhóm Người Thượng vì Công Lý, Montagnard Stand for Justice – MSFJ”. Trang vietnamnews viết, “Tổ chức Hỗ trợ Người Thượng đã được vận hành bạo lực; thu hút, tuyển dụng thành viên ở Việt Nam để huấn luyện các phương thức hoạt động như kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang; tài trợ tiền bạc, vũ khí, phương tiện, chỉ đạo tấn công khủng bố, giết hại quan chức và người dân địa phương, phá hoại Nhà nước và tài sản của nhân dân Việt Nam nhằm đòi ly khai, tự chủ và thành lập Nhà nước Đêga ở Tây Nguyên. Tổ chức “Người Thượng vì công lý”được thành lập vào tháng 7 năm 2019 tại Thái Lan và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4 năm 2023. ” (1)

Vào giữa năm 2023, đảng Cộng sản Việt Nam bí mật ban hành chỉ thị 24 nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài và hạn chế hơn nữa không gian dân sự của công dân Việt Nam. Tháng 11, Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định 1334/QD-TTg 2 “Thúc đẩy khai thác nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước” (2) Mục đích thực sự của quyết định 1334 là thâm nhập vào cộng đồng người Việt hải ngoại, tăng cường giám sát những người bảo vệ nhân quyền lưu vong và trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Đồng thời, từ giữa năm 2023, Bộ Công An Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch trấn áp các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và không được công nhận, bịt miệng những người trong và ngoài nước chỉ trích Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.

Bài viết này tập trung vào những tổ chức tôn giáo của người dân tộc thiểu số Việt Nam đã công an dưới trướng Tô Lâm tấn công dữ dội gồm Tổ chức Người Thượng vì công lý, MSFJ, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (ECCCH), Liên minh Nhân Quyền người (H)Mông (HHRC) và Tổ chức Người (H)Mông vì Công Lý (HSFJ). Những tổ chức này do những người tị nạn người Thượng và người Mông ở Thái Lan thành lập để bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho các tín hữu trong cộng đồng Kitô giáo của họ ở Việt Nam.

1/ ĐCSVN cưỡng bức tín đồ cải đạo và/hoặc từ bỏ đức tin Kitô giáo.

Chính phủ Việt Nam phủ nhận một cách có hệ thống quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người khác được quốc tế công nhận đối với những người Thượng không gia nhập vào các hội thánh tin lành đã ‘đăng ký với nhà nước’, thực hành các buổi lễ, cầu nguyện, và học Kinh Thánh tại nhà của các tín đồ trong hội thánh, và vì thế bị chính quyền buộc gia nhập và chịu sự chi phối của Hội Thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam đã được chính phủ phê chuẩn.

Hội thánh Tin lành tư gia tại Việt Nam là một dạng tổ chức tôn giáo. Các tín đồ tụ họp thờ phượng Chúa trong các nhóm nhỏ tại gia đình thay vì tại các nhà thờ truyền thống. Các hội thánh này có quy mô từ vài người đến vài chục người nhằm tạo sự gần gũi, kết nối chặt chẽ các tín đồ với nhau. Các buổi tụ họp thường linh hoạt về thời gian và địa điểm, phù hợp với lịch trình của các tín đồ, tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ cộng đồng, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Tại Việt Nam, việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức tôn giáo thường phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý và gặp nhiều khó khăn. Các hội thánh Tin Lành tại gia thường hoạt động không chính thức, giúp các tín đồ tránh được một số hạn chế và kiểm soát của chính quyền.

Những tín đồ này muốn được tự do thờ phượng và thực hành tín ngưỡng của mình hơn mà không bị giới hạn bởi các quy định chính thức hay ngẫu hứng của nhà thờ truyền thống hoặc của chính quyền. Các tín đồ có thể thoải mái chia sẻ và cầu nguyện mà không cảm thấy bị áp lực hoặc bị theo dõi. Họ tin rằng việc tụ họp tại nhà giống với các cộng đồng tín đồ trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, khi các tín đồ thường tụ họp tại nhà để thờ phượng và học Kinh Thánh.

Vì có tính linh hoạt và tự do, các Hội Thánh tại gia gặp phải sự kiểm soát và can thiệp, đàn áp gắt gao từ chính quyền, đặc biệt bị coi là hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, có khi bị nâng lên thành những nhóm ‘phản động’.

Chính quyền đã lợi dụng triệt để vụ xả súng ngày 11/6/2023 ở tỉnh Đăk Lăk khiến 9 người chết để đe dọa, cáo buộc khủng bố đối với những người Thượng theo đạo Thiên chúa vẫn hoạt động trong các giáo hội tại gia hoặc các giáo phái độc lập không đăng ký. 

Vào tháng 1 năm 2024, Nhà truyền giáo Nay Y Blang thuộc Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên chưa đăng ký đã bị kết án 4,5 năm tù vì chống lại lệnh của chính quyền Phú Yên bắt  giải tán hội thánh tại gia của ông. 

Ngày 28 tháng 3 năm 2024, một thành viên trong hội thánh, Y Krec Bya, bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản thúc – trước đó ông đã từng bị án 8 năm tù. 

Ngày 8 tháng 3 năm 2024, một nhà truyền giáo khác cùng hội thánh, Y Bum Bya, được phát hiện treo cổ chết tại một nghĩa trang gần nhà sau khi đến làm việc tại đồn công an. Trước đó không lâu ông Y Bum Bya đã bị đe dọa trong một buổi thẩm vấn tại đồn công an địa phương rằng ông sẽ bị đánh đến chết. Ông cũng từng bị đấu tố và sỉ nhục trước dân làng vì không bỏ hội thánh tại gia.

2/ Những người báo cáo vi phạm nhân quyền chịu nguy cơ bị truy tố theo luật chống khủng bố của Việt Nam 

Người dân Việt Nam thường không báo cáo trực tiếp những vi phạm nhân quyền cho Liên Hợp Quốc mà thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức nhân quyền quốc tế. Người dân gửi thông tin và bằng chứng về các vi phạm nhân quyền trực tiếp đến các báo cáo viên đặc biệt hoặc các chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc. Họ thường có các kênh liên lạc trực tuyến hoặc qua email để nhận thông tin từ các cá nhân và tổ chức. 

Những người có can đảm báo cáo các vi phạm của chính quyền giúp cho người dân có thể lên tiếng trong việc bảo vệ quyền con người và giúp đưa các vi phạm nhân quyền ra quốc tế. Các chính quyền độc tài chuyên chế rất e ngại những người báo cáo vi phạm nhân quyền và tìm đủ mọi cách bịt miệng họ. 

Đến giữa tháng 6 năm 2023, Bộ Công an Việt Nam bắt đầu đặt nền tảng cho việc sử dụng biện pháp chống khủng bố để ngăn chặn luồng báo cáo vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng đến các Cơ quan Công ước và Thủ tục Đặc biệt của LHQ cũng như các cơ quan nhân quyền của các chính phủ phương Tây.

Tại hội nghị cấp cao của những người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố do LHQ tổ chức tại New York từ ngày 19 đến 22/6, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục Trưởng Cục An Ninh Nội địa, Bộ Công an, cho biết, “Nguy cơ khủng bố từ bên ngoài có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam là các tổ chức phản động, phần tử cực đoan của Việt Nam lưu vong ở một số nước đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lập căn cứ, chi nhánh, đào tạo một số người ở Việt Nam và gửi thành viên vào Việt Nam để chỉ đạo thực hiện hành vi khủng bố ở trong nước.”

Sáu tháng sau, Bộ Công An chính thức tuyên bố những người tham gia các khóa đào tạo về báo cáo nhân quyền có thể bị truy tố theo luật chống khủng bố của Việt Nam. “ … bất kỳ ai tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ, tham gia các khóa đào tạo dưới sự chỉ đạo của ‘Người Thượng vì Công lý – MSFJ’… đều phạm tội ‘khủng bố’ hoặc ‘hỗ trợ khủng bố’ và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.” 

3/ Đàn áp người Thượng và người Mông ở Thái Lan và Hoa Kỳ.

Bộ Công An Việt Nam, kể từ giữa tháng 6 năm 2023, đã tăng cường chiến dịch bịt miệng người Thượng và người  Mông ủng hộ quyền tự do tôn giáo đang tỵ nạn ở Thái Lan, trong đó có cả những nhà đấu tranh trẻ tuổi cho quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (FoRB), những người đã thành lập MSFJ và HHRC. 

Vào tháng 1 năm 2024, Bộ Công an tuyên bố MSFJ là tổ chức khủng bố và tòa án Việt Nam đã kết án vắng mặt người sáng lập MSFJ.10 năm tù. Tương tự, Bộ Công An đã quy kết nhiều thành viên của HHRC là thế lực thù địch, phản động, chống chính phủ. “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”(ECCCH), gồm các nhà thờ tại gia của người Thượng cũng bị nhắm mục tiêu. 

Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng, nhiều thành viên ECCV đã trốn sang Thái Lan. Vào cuối năm 2023, Bộ Công An ra lệnh bắt giữ Mục sư A Ga, người sáng lập ECCCH, một người từng tỵ nạn ở Thái Lan và hiện là cư dân Bắc Carolina, Hoa Kỳ. 

Cả hai tổ chức nói trên đã nộp hơn một trăm báo cáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng như cho các Cơ quan Hiệp Ước và Thủ Tục Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc. Các thành viên của các tổ chức này đã phát biểu tại nhiều diễn đàn quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Hội nghị Tự do Tôn giáo, Tín Ngưỡng và Niềm Tin Đông Nam Á (SEAFORB) hàng năm và Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Khoảng 30 nhà hoạt động trẻ, không mệt mỏi của hai tổ chức này đang gặp nguy hiểm vì công an Việt Nam đã cử người sang Thái Lan để thu thập thông tin về nơi ở, và hoạt động của họ.

Ngày 20/6/2023, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã làm việc với Cục trưởng Cục Trại Giam, Bộ Tư Pháp Thái Lan để thực hiện hiệu quả ‘Thỏa thuận chuyển giao người bị kết án và hợp tác thi hành án hình sự’ được Việt Nam và Thái Lan ký kết năm 2010. Việc cảnh sát Thái Lan bắt giữ những người Thượng và Mông trong những tháng tiếp theo dường như không phải ngẫu nhiên. 

Các nguồn tin độc lập tại Việt Nam cho biết bộ công an đưa người đến Thái Lan vào giữa tháng 3 năm 2024, mang theo danh sách người Thượng và người Mông tỵ nạn ở Thái Lan. Những người có nguy cơ cao nhất có tên trong bảng 1 là Y Quynh Bdap,  Y Pher Hdrue, Y Aron Eban, H’Tlun Bdap, Y Minsin Knul, Y Thanh Eban, Mục sư Y Jon Ayul,  Lu A Da, Ly A Cha cùng nhiều người khác.

Bảng thứ hai bao gồm các cá nhân chưa bị Bộ Công An nêu tên rõ ràng, nhưng gặp rủi ro cao do có liên kết với các tổ chức là mục tiêu tiêu diệt của công an như  Y Khương Eban, Ksor Sun, Y Yohan Bdap, Y Zuel Nie B’rit , Y Um Bkrong, Giang A Quay, Ma Seo Binh…

Với sự giúp đỡ của một tổ chức Công giáo, một số người đã tạm thời chuyển đến những địa điểm bí mật để đảm bảo an toàn vì họ và/hoặc thành viên gia đình ở Việt Nam đã bị Bộ Công An trực tiếp nhắm đến.

Trong số những người nằm đầu bảng bị truy lùng là ông Y Quynh Bdap. Ông Bdap từng cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố; quyết định truy nã đặc biệt. Người đứng đầu đầu tổ chức “Người Thượng vì công lý – MSFJ” đã bị cảnh sát Thái Lan lừa bắt, đang chờ hầu tòa án Thái Lan và có nguy cơ bị dẫn độ về. Ông Y Quynh Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt ngay buổi tối sau khi ông được Phủ Tỵ Nạn LHQ chấp nhận cho đi nước thứ 3 tỵ nạn. Chúng tôi đang theo dõi việc này và sẽ có bài viết về ông Y Quynh khi có đầy đủ chi tiết được phép công bố.(3)

_________________

Tham khảo:

(*) Bài viết này sử dụng một số tài liệu, đã được cho phép, trích từ các báo cáo gửi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và của tổ chức BPSOS.

(1) https://vietnamnews.vn/politics-laws/1651481/ministry-of-public-security-announces-two-foreign-based-terrorist-organisations.html

(2) https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/11/1334-ttg.signed.pdf.

 (3) https://vietnamthoibao.org/vntb-y-quynh-bdap-va-nhom-nguoi-thuong-vi-cong-ly-yeu-cau-viet-nam-ngung-ngay-hanh-vi-vu-khong-va-phi-bang/

Bài sau: Bộ trưởng Tô Lâm tăng cường chiến dịch xóa bỏ các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký