Mục lục
Lần đầu tiên, Hải cảnh Việt Nam và Phi Luật Tân thao dượt chung ở Biển Đông
Một tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đã rời vùng biển Việt Nam ngày 31/07/2024 để đến Phi Luật Tân giao lưu và tham gia huấn luyện chung. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Phi Luật Tân, hai nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, thắt chặt hợp tác bảo vệ an ninh hàng hải để đối phó với những yêu sách của Trung cộng.
Ảnh tư liệu: Một tàu hải cảnh Trung cộng đuổi một tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến gần đến giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, ngày 15/01/2014. REUTERS – Reuters Staff
Tàu CSB 8002 có trọng tải 2.400 tấn cùng đoàn công tác xuất phát từ Quân cảng Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2. Theo trang web Cảnh sát biển, « đây là lần đầu tiên Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức đi thăm, giao lưu tại Phi Luật Tân ». Hoạt động này cũng là cơ hội để hải cảnh hai nước « thúc đẩy hợp tác toàn diện, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển… để góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên vùng biển có liên quan và trong khu vực ».
Trang Cảnh sát biển nhấn mạnh điểm « đặc biệt trong chuyến thăm, giao lưu » là « tàu CSB 8002 sẽ luyện tập chung với Lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển… ». Sự kiện này là bước tiếp theo thể thiện mong muốn « giải quyết các sự cố trên biển một cách hòa bình », được Việt Nam và Phi Luật Tân nhất trí trong chuyến công du Hà Nội vào tháng 01/2024 của tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Theo AFP, Việt Nam và Phi Luật Tân đều phải đối phó với những yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông. Lần lượt trong tháng 6 và giữa tháng 7, cả hai nước nộp lên Liên Hiệp Quốc Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Biển Đông. Đây là lần đệ trình thứ ba của Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam nộp hai đệ trình. Đệ trình đầu tiênn được nộp riêngn liên quan đến khu vực bắc Biển Đông. Đệ trình thứ hai, được Việt Nam nộp chung với Malaysia, liên quan đến khu vực nam Biển Đông.
Về phía Phi Luật Tân, chính quyền Manila tiếp tục củng cố hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Cuộc diễn tập gần đây nhất diễn ra ngày 31/07 trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ở Biển Đông. Hải quân Phi Luật Tân huy động một tàu tuần tra chiến đấu xa bờ và Mỹ điều một tàu tác chiến ven biển. Trả lời báo giới ngày 01/08, tổng tư lệnh quân đội Phi Luật Tân, tướng Romeo Brawner Jr., khẳng định « hoạt động hợp tác hàng hải chung này » là « nhằm tăng cường năng lực hàng hải » để có thể « bảo vệ một cách hiệu quả những lợi ích hàng hải » của Phi Luật Tân.
RFI (02.08.2024)
Việc cải tạo đất của Việt Nam giúp cân bằng quyền lực ở Biển Đông
Những động thái chiến lược của Hà Nội mang lại hy vọng chống lại hoạt động xây đảo hung hăng của Trung cộng.
Việt Nam đã giành huy chương bạc trong cuộc thi cải tạo đất ở Biển Đông.
Kể từ đầu năm 2022, Hà Nội đã tạo ra 5,8 km2 đất mới xung quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nâng tổng diện tích đất mới mà họ đã cải tạo từ biển trong quần đảo lên khoảng 9,6 km2. Dù trông có vẻ hung hăng, nhưng việc cải tạo đất của Việt Nam xung quanh các đảo có ý nghĩa chiến lược và cơ sở đạo đức mạnh mẽ tương tự như các cuộc tấn công quân sự của Ukraine vào bên trong lãnh thổ Nga.
Chắc chắn, cả Việt Nam và Trung cộng đều không phải là nước tiên phong trong việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Kể từ cuối những năm 1980, Malaysia đã trở thành nước đầu tiên tiến hành cải tạo đất quy mô lớn xung quanh Trường Sa. Địa điểm là Đá Hoa Lau, một đảo san hô nằm cách bờ biển Sabah của Malaysia chưa đến 150 hải lý. Việc bổ sung thêm khoảng 0,3 km2 vào diện tích đất ban đầu chỉ nhỉnh hơn 0,06 km2 đã cho phép Malaysia xây dựng một sân bay nhỏ, một cơ sở nghỉ dưỡng và một số cơ sở quân sự.
Vì rạn san hô này nằm gần bờ biển Malaysia và các hoạt động mà nó hỗ trợ mang tính chất phòng thủ, nên hoạt động cải tạo đất của Malaysia đã không gây ra bất kỳ cuộc khủng hoảng quốc tế hay bất ổn khu vực nào. Rắc rối lớn nhất mà nó gây ra là một cuộc phản đối ngoại giao của Việt Nam, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền đối với rạn san hô này.
Trong hai thập niên tiếp theo, các hoạt động mở rộng các rạn san hô mà các bên yêu sách chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa – gồm Malaysia, Phi Luật Tân, Đài Loan, Việt Nam, và Trung cộng – vẫn ở quy mô nhỏ và khó có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực chung trong khu vực.
Bắt đầu từ năm 2013, khi Trung cộng biến các thực thể mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo lớn, việc cải tạo đất trong khu vực mới được nâng lên một tầm cao mới và mang một chất lượng khác. Trong vòng vài năm, Bắc Kinh đã tạo ra 18,8 km2 đất mới trong một quần đảo có tổng diện tích đất trong điều kiện tự nhiên ước tính chưa đến 2 km2.
Những nỗ lực này đã đưa ba tiền đồn của Trung cộng – Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập – từ số những đảo nhỏ nhất trở thành ba đảo lớn nhất, dù là nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa. Trong điều kiện tự nhiên, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi bị chìm khi thủy triều lên, do đó không đủ điều kiện được coi là lãnh thổ và không được hưởng quyền có vùng lãnh hải riêng theo luật biển. Còn Đá Chữ Thập chỉ nhô lên trên mặt nước khi thủy triều lên dưới dạng một số tảng đá nhỏ mà không có đất và cây cối. Bốn rạn san hô khác mà Trung cộng chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa trong điều kiện tự nhiên cũng là đá như Đá Chữ Thập hoặc những điểm chỉ lộ ra khi thủy triều xuống như Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Nhưng hiện tại chúng đã cung cấp cho Trung cộng 19 km2 mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết.
Trên những hòn đảo nhân tạo này, Trung cộng đã xây dựng các đường băng dài, cảng nước sâu, kho tên lửa lớn, mái vòm radar lớn, và nhiều cơ sở dân sự và quân sự khác với sức chứa hàng nghìn người, cùng hàng trăm tàu và hàng chục máy bay quân sự.
Trước khi xây dựng các đảo nhân tạo này, các cuộc tuần tra xâm nhập của Trung cộng vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác và việc quấy rối tàu nước ngoài ở Biển Đông chỉ tập trung ở khu vực trung tâm Biển Đông. Sau khi xây dựng đảo, Bắc Kinh đã liên tục có các hoạt động hung hăng như vậy ở khu vực phía nam Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Phi Luật Tân.
Các đảo nhân tạo đã cho phép Trung cộng kiểm soát vùng nước, vùng trời và đáy biển sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng. Ví dụ, vào năm 2023, các tàu hải cảnh Trung cộng đã tuần tra trong 338 ngày tại Bãi cạn Luconia, nằm cách bờ biển Malaysia từ 70 đến 110 hải lý; 221 ngày tại Bãi Tư Chính, khu vực cực nam của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; và 302 ngày tại Bãi Cỏ Mây, nằm cách bờ biển Phi Luật Tân khoảng 100 hải lý.
Chỉ riêng trong hai trường hợp xảy ra trong giai đoạn 2017-2020, các cuộc tuần tra và quấy rối của tàu hải cảnh và hải binh Trung cộng đã buộc Việt Nam phải hủy các dự án thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính và phải trả 1 tỷ đô la phí phá vỡ hợp đồng. Gần đây hơn, nhiều tàu tại Đá Vành Khăn gần đó đã giúp Trung cộng chặn đứng nỗ lực tiếp tế của Phi Luật Tân cho tiền đồn của họ tại Bãi Cỏ Mây, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila theo luật pháp quốc tế.
Việc Trung cộng liên tục xây dựng đảo trong 10 năm qua đã làm đảo lộn sự ổn định khu vực và tạo ra một tình huống mới về chất lượng. Nó đã biến Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, trở thành một điểm nghẽn do Trung cộng kiểm soát.
Nó cũng biến việc cải tạo đất thành “bình thường mới” và về cơ bản để lại cho các nước khác hai lựa chọn: hoặc chấp nhận sự kiểm soát của Trung cộng, hoặc đáp trả. Trong tình hình mới này, đối với các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, việc mở rộng các tiền đồn hiện có thông qua cải tạo đất để có thể sánh ngang với Trung cộng thường là cách tốt nhất, đôi khi là cách hợp pháp duy nhất, để chống lại việc Trung cộng tạo ra điểm nghẽn.
Giống như của Malaysia, Đài Loan và Phi Luật Tân ở Trường Sa, việc cải tạo đất của Việt Nam trong vài năm qua không phải là hành động vô đạo đức. Nó không gây hại cho ngư dân và thủy thủ hoạt động gần đó. Ảnh hưởng của nó đến môi trường, dù khó đánh giá, cũng chỉ tương đương với việc xây dựng một con đập trên sông.
Từ góc độ địa chính trị, Việt Nam có tiềm năng khắc phục ở một mức độ nào đó sự mất cân bằng quyền lực ở Biển Đông. Trong khi việc xây dựng đảo của Trung cộng đã làm suy yếu đáng kể các hệ thống kiềm chế đối trọng cần thiết để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, thì hoạt động cải tạo đất của Việt Nam đã mang lại hy vọng khôi phục những đối trọng này.
Alexander L. Vuving, “Vietnam’s land reclamation helps balance power in South China Sea,” Nikkei Asia, 28/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Alexander L. Vuving là giáo sư tại Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii.
Nghiencuuquocte.org (01.08.2024)
Việt Nam đưa Tàu Cảnh Sát Biển sang Phi Luật Tân ‘luyện tập chung’
Việt Nam vừa đưa tàu Cảnh Sát Biển số hiệu CSB 8002 lên đường “thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Phi Luật Tân.”
Trang mạng của Cảnh Sát Biển CSVN ngày 31 Tháng Bảy đưa tin như kể trên và nói để “góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh Sát Biển Việt Nam và Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Phi Luật Tân.”
Tàu Cảnh Sát Biển CSB 8002. (Hình: Wikipedia)
Nguồn tin trên tuyên truyền “đây cũng là dịp để lực lượng Cảnh Sát Biển hai nước thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, khả năng phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên vùng biển có liên quan và trong khu vực.”
Dịp này, trang mạng Cảnh Sát Biển CSVN nói trong chuyến “giao lưu,” tàu CSB 8002 “sẽ luyện tập chung với tàu của Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển Phi Luật Tân về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển nhằm nâng cao khả năng làm chủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong tham gia tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ trên biển cho cán bộ, chiến sĩ.”
Đây là lần đầu tiên một tàu của Cảnh Sát Biển CSVN thăm viếng và luyện tập chung với Lực Lượng Bảo Vệ Bờ Biển của Phi Luật Tân. Cả Việt Nam và Phi Luật Tân đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung cộng nên có lập trường tương tự nhau trong các cuộc đàm phán nhằm tránh gây căng thẳng đến mức xung đột võ trang. Nhưng hai bên cũng có những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Trương Sa cũng như vùng thêm lục địa mở rộng chồng lấn.
Tàu CSB 8002 dự trù đến cảng Manila ngày 5 Tháng Tám, trọng tải 2,400 tấn, vận tốc tối đa 21 hải lý/giờ và có tầm hoạt động 5,000 hải lý trong 40 ngày đêm liên tục. Tàu này là một trong tám tàu của lực lượng Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư do công ty Sông Thu của Bộ Quốc Phòng CSVN đóng mới theo thiết kế của công ty đóng tàu Hòa Lan Damen.
Chuyến “giao lưu” sắp sửa diễn ra đã được Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr., đạt thỏa thuận với đối tác Việt Nam khi ông đến Hà Nội Tháng Giêng vừa qua.
Hải Quân Phi Luật Tân và Hải Quân Việt Nam “giao lưu” tại đảo Song Tử Tây ngày 10 Tháng Bảy, 2024. (Hình: Hải Quân)
Hiện người ta chưa thấy Bắc Kinh bình luận gì khi thấy hai nước nhỏ ở hai mặt Đông Tây Biển Đông tỏ cử chỉ xích lại gần nhau hơn không những trên các bàn đàm phán mà cả trên biển. Mấy năm trước, khi các phái đoàn đại diện Hải Quân Phi Luật Tân và Hải Quân CSVN tới “giao lưu” với nhau trên các đảo mà hai bên đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh mỉa mai cái thứ “giao lưu” đó giống như người ta “đánh rắm.”
Báo chí tại Việt Nam cho hay Hải Quân Việt Nam và Phi Luật Tân đã “giao lưu” ở đảo Song Tử Tây (Việt Nam trấn giữ) lần thứ bảy vào ngày 10 Tháng Bảy mới đây. Năm ngoái, cuộc “giao lưu” lần thứ sáu đã diễn ra vào ngày 18 Tháng Mười tại đảo Song Tử Đông (Phi Luật Tân trấn giữ).
Những tháng vừa qua, tàu Hải Cảnh và Dân Quân Biển Trung cộng cản trở tàu tiếp tế của Phi Luật Tân tiếp cận chiếc hải vận hạm ủi bãi tại Bãi Cỏ Mây. Trong khi Manila chọn cách công bố trước dư luận quốc tế các hành động chèn ép, bất hợp pháp của Bắc Kinh thì Hà Nội và Bắc Kinh giấu bặt mọi tin tức tranh chấp trên biển.
Nguoi Viet (01.08.2024)
Hải quân Hoa Kỳ và Phi Luật Tân tập trận chung ở Biển Đông
Ảnh minh họa. Hình ảnh cho thấy vào ngày 11/4/2023, tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island của Mỹ đang tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ – Phi Luật Tân Balikatan ở Vịnh Subic, Phi Luật Tân. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân cho biết hôm 31/7, Hải quân Phi Luật Tân và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung trên biển ở Biển Đông. Trước đó một ngày, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ đã cam kết rằng, Hoa Kỳ sẽ tài trợ 500 triệu USD để tăng cường sức mạnh cho quân đội của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Reuters, hai nước đồng minh này đã bắt đầu các hoạt động chung trên biển vào tháng 11 năm ngoái, với mục đích tăng cường khả năng tác chiến phối hợp giữa quân đội Mỹ và Phi Luật Tân trong thời điểm mối quan hệ căng thẳng với Trung cộng ở Biển Đông ngày càng gia tăng.
Quân đội Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố, cuộc tập trận mới nhất được tổ chức trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân với sự tham gia của 2 chiến hạm, nhằm tăng cường sự liên lạc và phối hợp hành động giữa hải quân hai nước.
Tuyên bố trên dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân – ông Romeo Brawner – cho biết: “Những cuộc tập trận chung này với đồng minh của chúng tôi rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực quân sự của hải quân chúng tôi và đảm bảo rằng chúng tôi có thể hợp tác hiệu quả để bảo vệ lợi ích trên biển của mình”.
Dưới thời của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr., Hoa Kỳ và Phi Luật Tân ngày càng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hai nước cũng có một hiệp ước phòng thủ chung. Ông Marcos Jr. ngày càng sát lại gần Hoa Kỳ và có lập trường khác với người tiền nhiệm của mình. Chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm là làm sâu sắc mối quan hệ với Bắc Kinh.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
NTDVN (01.08.2024)
Mỹ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong bối cảnh Mỹ – Trung cạnh tranh gay gắt
Chính quyền ông Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy quan hệ với Papua New Guinea (PNG) và khu vực Thái Bình Dương bằng cách triển khai một tàu tuần duyên đến đảo quốc này vào tháng 8.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III bắt tay Ngoại trưởng Papua New Guinea Elias Wohengu (Trái) tại Port Moresby, Papua New Guinea, hôm 27/7/2023. (Ảnh: Chad J. McNeeley/Bộ Quốc phòng Mỹ)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra thông báo trên trong chuyến thăm của ông tới PNG hôm 27/7, đánh dấu quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên tới thăm Papua New Guinea.
Ông nói: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của chúng tôi và các mối quan hệ đối tác của chúng tôi là chìa khóa để đảm bảo cho khu vực quan trọng này được tự do và cởi mở”.
Ông Austin đưa ra tuyên bố trên sau khi ông và Thủ tướng PNG James Marape ký một thỏa thuận thực thi pháp luật hàng hải cho phép PNG tham gia vào chương trình lái tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực của các đối tác Hoa Kỳ để giải quyết nhiều mối đe dọa chung trên biển .
Động thái này diễn ra sau lễ ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) mang tính bước ngoặt giữa hai nước vào tháng 5, một thỏa thuận mà Quốc hội PNG hiện đang xem xét.
Theo đó, trong thời hạn 15 năm, thỏa thuận sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ, bao gồm sân bay và cảng hải quân, đồng thời sẽ bao gồm “hoạt động cứu trợ”, nhiệm vụ ứng phó thảm họa thiên nhiên và cứu trợ nhân đạo.
The Epoch Times chưa xem nội dung bản sao của DCA.
Chính phủ PNG coi thỏa thuận này là một phương tiện để hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng Marape nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố then chốt của thỏa thuận là tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa năng lực quốc phòng của PNG.
“Nền kinh tế của PNG cần phát triển trong thỏa thuận DCA này, cũng như tất cả các thỏa thuận phụ khác sẽ diễn ra, như việc làm, tạo công ăn việc làm, cơ hội ký kết hợp đồng, cũng như các hoạt động kinh doanh khác của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc các nhà sản xuất sẽ đến nước ta”, ông nói.
“Chúng ta phải tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Không có đối tác nào tuyệt vời hơn cho sự hợp tác này ngoài nền dân chủ và quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Về mặt hợp tác quốc phòng, đó là quan hệ đối tác mà chúng tôi lựa chọn”.
Thỏa thuận không thiết lập cho chiến tranh
Cả hai nhà lãnh đạo đều phủ nhận về việc tăng cường sự hiện diện là một phần trong nỗ lực đẩy lùi lớn hơn đối với Trung cộng, quốc gia đang nỗ lực tăng cường quan hệ song phương với khu vực.
“Chúng tôi có các thỏa thuận quốc phòng song phương cụ thể với một số quốc gia. Chúng tôi có liên kết kinh tế đặc biệt với Trung cộng. Vấn đề mắc kẹt ở đó. Nhưng Trung cộng không yêu cầu chúng tôi thiết lập quan hệ quân sự”, ông Marape nói.
“Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về Trung cộng. Về việc chúng tôi đã ký DCA với Hoa Kỳ, Đại sứ quán Trung cộng tại đây nói với chúng tôi rằng họ không có vấn đề gì với việc chúng tôi ký DCA với Hoa Kỳ. Họ biết rằng một số nguyên tắc mà chúng tôi chia sẻ với Hoa Kỳ không được các quốc gia khác chia sẻ”.
Tuy nhiên, ông cũng đề cập rằng thỏa thuận này diễn ra sau khi Tàu tuần tra USCGC Oliver Henry của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ bị từ chối cập cảng Honiara của Quần đảo Solomon để tiếp nhiên liệu và tiếp tế. PNG sau đó đã can thiệp để cung cấp một cảng tiếp tế cho con tàu.
Chính quyền Quần đảo Solomon, vừa mới ký hiệp ước phòng thủ với Trung cộng, cho biết đó là một sự hiểu lầm.
“Với tư cách là đối tác, chúng tôi đã mời một con tàu đến Port Moresby [thủ đô PNG] để tiếp nhiên liệu trước khi ra khơi. Đó là một sự sắp xếp đặc biệt. Giờ đây, nhờ có DCA, chúng tôi có mối quan hệ có tổ chức hơn”, ông Marape cho hay.
“Đây không phải là chuẩn bị cho chiến tranh; đúng hơn, đó là thiết lập sự hiện diện ở Papua New Guinea để xây dựng đất nước”.
Thủ tướng PNG cũng nhấn mạnh rằng PNG duy trì lập trường ngoại giao rằng Đài Loan là một phần của Trung cộng, như đã nêu trong chính sách “Một Trung cộng, Hai Chế độ” mà Mỹ và các đồng minh khác như Canada, Úc và Vương quốc Anh, tuân thủ.
Ông Austin cho rằng thỏa thuận này chỉ nhằm mục đích tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Ông nói thêm: “Chúng tôi có mối quan hệ lâu dài với Papua New Guinea và chúng tôi chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời cả hai bên đều thực sự tôn trọng và coi trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
“DCA được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ phối hợp trong lĩnh vực quốc phòng, các mối quan hệ quốc phòng và hợp tác quốc phòng”.
Ông Austin hiện sẽ cùng Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm nước láng giềng thân thiết của PNG là Úc để đàm phán về lĩnh vực quốc phòng.
Victoria Kelly-Clark
Theo The Epoch Times (NTDVN, 28.07.2023)
Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác trong khu vực tiếp tục bị tàu Trung cộng xâm nhập
Vị trí của các đội tàu cá Trung cộng ở vùng biển phía nam Việt Nam, tàu Shi Yan 6 khảo sát EEZ Việt Nam tuần trước và tàu Tan Suo Yi Hao ở phía đông Phi Luật Tân Marine Traffic / RFA
Theo dữ liệu AIS mà RFA và một số nhà quan sát tình hình Biển Đông ghi nhận được, cuối tháng 7, 2023, Trung cộng tiếp tục các đợt xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân và các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Hôm 26/7 ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, thông báo trên Twitter:
“Có 19 tàu của Trung cộng, thuộc các đội tàu Gui Bei Yu, Yue Lian Yu & Gui Fang Yu, tiến hành đánh bắt cá trái phép ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam hôm nay. Tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng có khả năng các con tàu này không xin phép Chính phủ Hà Nội vì khu vực này nằm trong yêu sách đường 9 đoạn khổng lồ của Trung cộng.”
Vị trí của 3 đội tàu cá Trung cộng đang hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Việt Nam, 27/7/2023 (Raymond Powell)
Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng sử dụng dữ liệu AIS để theo dõi hoạt động của lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam kiểm soát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung cộng ở thời điểm cuối tháng 7 này, ông Raymond Powell cho biết:
“Tôi không thể phát hiện ra sự tương tác hiện tại giữa các tàu cá Trung cộng này và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Trước đây, tôi đã từng thấy lực lượng giám sát nghề cá hoạt động gần các tàu cá Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng họ không tỏ ra cản trở hoạt động của các tàu cá này.”
Một quan chức Việt Nam không muốn nêu tên nói tàu Kiểm ngư Việt Nam thường tắt tín hiệu định vị AIS để giữ bí mật, nhằm dễ dàng theo dõi tàu cá Trung cộng. Tuy vậy, trước diễn biến 3 đội tàu đánh cá Gui Bei Yu, Yue Lian Yu và Gui Fang Yu đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam hiện nay, sẽ khó hiểu vì sao tàu Kiểm ngư Việt Nam lại cần tắt tín hiệu để dễ dàng theo dõi tàu cá Trung cộng ở đó. Ông Raymond Powell nêu phán đoán của mình với RFA:
“Tôi có cảm giác Việt Nam đã từ bỏ một phần ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá của Trung cộng. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta nhận được bình luận từ Chính phủ Việt Nam thì sẽ rất thú vị, bởi vì họ phải cho biết liệu họ có cho phép hoạt động đó hay không. Một lần nữa, tôi cho là Trung cộng không xin phép Hà Nội, vì Trung cộng tuyên bố vùng biển mà họ đang đánh bắt cá là của họ do nằm trong đường 9 đoạn, nên việc xin phép Việt Nam sẽ đi ngược lại yêu sách đó.”
Trong một diễn biến khác, đồng thời với hoạt động của 3 đội tàu đánh cá trong vùng EEZ của Việt Nam, tàu khảo sát của Trung cộng Shi Yan 6 đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philipines từ 7/7/2023. Con tàu này khảo sát ở đó và vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa liên tục 10 ngày, rồi xâm nhập và khảo sát trong vùng EEZ của Việt Nam trong hai ngày 17 và 18 tháng 7, rồi quay trở lại vùng EEZ của Phi Luật Tân. Hôm nay 27/7, con tàu này quay trở lại căn cứ quân sự Trung cộng xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Song song với hoạt động của Shi Yan 6, tàu khảo sát Tan Suo Yi Hao cũng tiến hành khảo sát vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của RFA về khu vực tàu Shi Yan 6 khảo sát ở vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa, một khu vực hiếm khi Trung cộng khảo sát trước đây, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nói ông cần tham khảo thêm các chuyên gia khảo sát thủy văn để hiểu về hoạt động lường và mô tả các đặc điểm vật lý của các vùng nước và các vùng đất tiếp giáp với các vùng nước đó. Về hoạt động của tàu Tau Suo Yi Hao đang khảo sát phía đông Phi Luật Tân, ở vùng biển các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, diễn ra đồng thời với hoạt động của Shi Yan 6 và các đội tàu đánh cá Trung cộng trong EEZ Việt Nam, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á ở Trung tâm CSIS, nhận xét:
“Khó có thể nói điều gì nếu chỉ căn cứ trên những hoạt động này. Tuy vậy, các tàu khảo sát của Trung cộng đã dành nhiều thời gian để tiến hành các cuộc khảo sát đáy biển ở phía đông Phi Luật Tân trong những năm gần đây. Có lẽ họ muốn hiểu rõ hơn về các điểm đi ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Đó là khu vực họ hi vọng sẽ cho lực lượng tàu ngầm hoạt động.”
RFA từng đọc được một số bản tin trên truyền thông nhà nước về việc lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ tàu cá Trung cộng đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, năm 2016 có bản tin “trong chuyến tuần tra 17 ngày, biên phòng Hải Phòng đã xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung cộng, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu cá vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam”, năm 2020, có tin Quảng Ninh bắt giữ tàu cá Trung cộng hoạt động trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không thấy có những bản tin như vậy.
RFA (27.07.2023)
Việt Nam xây dựng thêm nhiều cơ sở trên quần đảo Trường Sa
Lính hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa (minh hoạ) Reuters
Việt Nam đang tiến hành xây thêm trên những cơ sở tại hai đảo do nước này quản lý thuộc quần đảo Trường Sa.
Mạng báo Manila Times của Phi Luật Tân loan tin ngày 27/7 dẫn tài liệu có được, đó là công văn “Kế hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Tiên Nữ ở Trường Sa” do Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm – Tư lệnh Hải quân Việt Nam ký ngày 27/7.
Nội dung công văn nêu rõ Việt Nam đang xây dựng thêm cơ sở quân sự và nhà ở dân sự trên hai đảo vừa nêu. Đảo Phan Vinh thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam vào năm 1978 và Tiên Nữ vào năm 1988.
Lý do xây dựng cũng được cho biết nhằm tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ đảo, tăng cường niềm tin cho chiến sĩ, viên chức và người dân trên đảo, bảo vệ vùng dầu khí phía nam, thềm lục địa của Việt Nam. Thông qua việc mở rộng tại đảo Phan Vinh và Tiên Nữ, việc xây dựng nhóm chiến đấu, Việt Nam có thể phát triển khả năng tấn công… Công tác này mang tầm quan trọng chiến lược lâu dài bởi lẽ giúp tăng cường việc kiểm soát được tuyến đường biển và gia tăng áp lực quân sự lên đối với những nước láng giềng.
Tổng kinh phí cho công tác xây dựng các dự án mở rộng tại hai đảo Phan Vinh và Tiên Nữ như vừa nêu là 6.425 tỷ đồng; trong đó Phan Vinh là 3.745 tỷ và Tiên Nữ là 2.680 tỷ đồng.
Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Phi Luật Tân, và là một trong sáu quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có tuyến đường biển quan trọng này.
RFA (27.07.2023)