(Bản dịch của Nguyễn Bình Phương – bài thuyết giảng của một người Thiên Chúa Giáo đang theo học tại chủng viện và cũng là một Dân biểu Tiểu bang tại Texas. Đường link YouTube nằm ở cuối bài.)
~~~~~
Ông nội tôi là một người thuyết giảng Baptist, tôi đi lễ nhà thờ này từ lúc lên hai, và bây giờ tôi đang ở trong chủng viện, tu học để trở thành mục sư. Tín ngưỡng của tôi có ý nghĩa cao cả hơn mọi thứ.
Nhưng tôi có thể nói thành thực rằng đôi khi tôi ngần ngại nói với người khác rằng tôi là người Thiên Chúa Giáo. Tôn giáo chúng ta đang bị ung thư. Cho đến khi chúng ta xưng nhận tội lỗi về Chủ nghĩa Dân tộc Thiên Chúa Giáo (DTTCG) và loại bỏ nó khỏi các giáo đường, tôn giáo chúng ta có thể gây nguy hại hơn nhiều so với một xâu bia Lone Star sáu chai. Không có chút Thiên Chúa nào trong chủ nghĩa Dân tộc Thiên Chúa Giáo (DTTCG). Nó là sự tôn thờ quyền lực, quyền lực xã hội, quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị, nhân danh chúa Kitô. Và đó là sự phản bội chúa Kitô.
Chủ nghĩa DTTCG đang phát triển. Hai năm trước, những người theo DTTCG tấn công vào Điện Capitol, giết hại các nhân viên cảnh sát, và họ vác trên vai thánh giá và những tấm biển ghi rằng “Giêsu cứu rỗi”.
Năm ngoái, những người DTTCG tại Tối cao Pháp viện đã lật ngược phán quyết Roe v. Wade, cho phép các tiểu bang như tiểu bang chúng ta đặt ra ngoài vòng pháp luật việc phá thai, ngay cả trong trường hợp bị hiếp dâm hay loạn luân. Và ngay lúc này, hai tỷ phú DTTCG đang cố sức thay thế các trường công lập tại Texas bằng các trường tư thục Thiên Chúa Giáo.
Chúng ta đang đến gần một chính phủ thần quyền Thiên Chúa Giáo hơn chúng ta nghĩ. Làm sao chuyện đó xảy ra? Những người đầu tiên theo chúa Giêsu không gọi họ là con Thiên Chúa. Họ tự gọi họ là những người đi theo “Đạo”. Người thầy bị đóng đinh của họ đã dạy họ một cách khác để làm người, và họ cố tâm theo đuổi. Giáo hội thời ban sơ là một cộng đồng cách mạng xây dựng trên căn bản lòng yêu thương, những người khác thường sẵn sàng chia sẻ tất cả tài sản của họ, và từ chối dự phần trong nền kinh tế, trong quân đối, hay văn hóa. Sách Cẩm Nang Mục Vụ kể rằng những người Thiên Chúa Giáo đầu tiên bị ngược đãi vì đã “làm đảo lộn thế giới”.
Tôn giáo của san sẻ biến thành tôn giáo của lòng tham. Tôn giáo của hòa bình biến thành tôn giáo của bạo lực. Tôn giáo của tha thứ biến thành tôn giáo của phán xét. Tôn giáo hoán cải bản ngã biến thành tôn giáo khẳng định bản ngã.
Ngày nay, chủ nghĩa DTTCG bị ám ảnh bởi những bộ phận riêng tư trên thân thể con người giữa lúc địa cầu đang bốc cháy. Chỉ tám người sở hữu một khối tài sản bằng 3,6 tỷ người trong khi những người DTTCG đang bận tẩy chay búp bê Barbie. Thánh Kinh không nhắc đến phá thai hay hôn nhân đồng tính, mà nó nói rất nhiều về tha thứ người nợ, giải thoát người nghèo, và cứu chữa người đau.
Những người DTTCG ưa nói rằng đất nước này là một quốc gia Thiên Chúa Giáo. Đó không chỉ là không chính xác về lịch sử, không chỉ là hồ đồ về thần học, mà còn thật sự không đúng.
Hãy nhìn quanh ta, nếu đây thực sự là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ xóa nợ sinh viên. Nếu đây thực sự là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ bảo đảm chăm sóc y tế cho tất cả mọi người. Nếu đây thực sự là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ yêu thương tất cả những người láng giềng LGBTQ. Nếu đây thực sự là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ đoan chắc mọi đứa trẻ ở tiểu bang này và ở quốc gia này có nơi cư ngụ, được ăn no, mặc ấm, được học hành và có bảo hiểm. Nếu đây thực sự là một quốc gia Thiên Chúa Giáo, chúng ta sẽ không bao giờ làm nó thành một quốc gia Thiên Chúa Giáo bởi vì chúng ta biết rằng chiếc bàn bằng hữu có đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người, kể cả những người láng giềng Phật Giáo, Ấn Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Sikh, và cả những người vô thần.
Jesus có thể đã tạo ra một chế độ thần quyền Thiên Chúa Giáo nếu muốn. Nhưng lòng yêu thương không bao giờ cho phép làm chuyện đó. Điều gần nhất mà chúng ta có thể có được là một nền dân chủ đa văn hóa, đa chủng tộc trong đó quyền lực thực sự được chia sẻ giữa mọi người, một điều chưa hề tồn tại trong lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa DTTCG không chỉ là một mối đe dọa với thử nghiệm dân chủ của Hoa Kỳ, nó còn là một đe dọa đến chân lý Phúc âm của đấng Giêsu Kitô.
Khi có người hỏi chúa Kitô lời răn nào của Ngài là quan trọng nhất, Ngài ăn gian một chút để đưa ra hai lời. Hai lời mà Ngài bảo có liên quan với nhau. Thứ nhất là yêu kính Đức Chúa Trời, Và điều thứ hai, Ngài cho biết cũng giống vậy: Yêu quý láng giềng như chính bản thân. Nó giống nhau vì khi tôi nhận ra sự thiêng liêng trong tôi, tôi không thể không nhận ra sự thiêng liêng trong người láng giềng, bất luận họ là người Thiên Chúa Giáo hay không, bất luận họ có tín ngưỡng hay không. Trong chuyện ngụ ngôn về những người Bác Ái thiện tâm, Giêsu định nghĩa rõ ràng người láng giềng như những người khác biệt với chúng ta, về chủng tộc, về kinh tế, về chính trị, về tôn giáo.
Đức Chúa Trời thương yêu sự đa dạng, Đức Chúa Trời thương yêu muôn loài. Hãy nhìn lại địa cầu tuyệt mỹ của chúng ta, bạn có nghĩ Đức Chúa Trời đã hoàn toàn vô cớ tạo nên tất cả những con người xinh đẹp này với những truyền thống đẹp đẽ của họ?
Có rất nhiều lộ trình khác nhau để đến với thánh thần. Nhân vật huyền thoại Hồi Giáo tên Rumi nói rằng “Mọi tôn giáo đều có tình yêu thương, nhưng tình yêu thương không có tôn giáo.” Đức Chúa Trời cao cả hơn nhiều so với những nhóm loại của con người. Đức Chúa Trời không theo Giáo hội Trưởng Lão, Đức Chúa Trời không theo Thiên Chúa Giáo. Đức Chúa Trời hoàn toàn không phải là một danh từ. Đức Chúa Trời là một động từ. Đức Chúa Trời không phải là một thực thể. Đức Chúa Trời là một Bản chất. Đức Chúa Trời là tình thương yêu. Và đó là lý do tại sao Giêsu chống lại bất cứ thứ gì cản trở tình yêu thương kia giữa con người, ngay cả khi đó là tôn giáo.
Thượng tôn tín ngưỡng sẽ mâu thuẫn với Phúc âm của Giêsu Kitô. Chúa Giêsu không đến để thiết lập một quốc gia Thiên Chúa Giáo. Ngài đến để công khai thực tế sau cùng mà Ngài gọi là vương quốc của Đức Chúa Trời. Nhưng nó không giống một vương quốc nào chúng ta từng biết. Ở đó, thay vì ngồi trên ngai cao, Giêsu ngồi tại chiếc bàn. Thay vì cưỡi chiến mã, Giêsu ngự trên lưng lừa. Thay vì cầm gươm, ngài cầm thánh giá. Vương quốc của Đức Chúa Trời đảo ngược động lực của mọi vương quốc trên hoàn cầu.
Sức mạnh thực sự là sự dễ tổn thương. Địa vị thực sự nằm ở sự bình đẳng. Sự thịnh vượng thực sự nằm ở sự san sẻ, Và những người Thiên Chúa Giáo chúng ta được mời gọi để nhận ra rằng Vương quốc đó trên trần thế giống y như trên Thiên đàng. Không phải bởi quyền lực mà bởi đức tin. Giêsu mời gọi chúng ta làm hạt giống siêng năng, tin tưởng rằng bằng cách sống và chết cho tình yêu thương chúng ta sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Đó không phải là điều dễ làm.
Trong một thế giới đầy sợ hãi, Giêsu biết chúng ta sẽ đặt niềm tin vào một nơi khác không phải ở Chúa, một nơi không phải tình thương. Như một nhà giáo sĩ Do Thái đã gọi những thứ đó là như những linh vật: tiền bạc, địa vị, và thứ nguy hiểm nhất là quyền lực. Khi ác quỷ cuồng dại muốn cám dỗ Giêsu, ác quỷ dâng tặng ngài quyền lực của mọi vương quốc trên hoàn cầu, và Giêsu từ chối.
Khi một môn đồ hỏi ngài ai sẽ là người quyền lực nhất tại vương quốc của Đức Chúa Trời, Giêsu trả lời rằng, các ngươi nên biết các Lãnh Chúa của địa cầu sẽ cưỡng bức dân chúng xứ họ, nhưng chuyện giữa các ngươi sẽ khác biệt. Bất cứ ai muốn làm người lãnh đạo trong các ngươi, người đó phải là người phục vụ. Và khi họ vẫn không hiểu và họ hỏi ai sẽ là người cao cả nhất trong nước Chúa trời, Giê-su nói đó sẽ là những đứa trẻ con, những người ít quyền lực nhất nhưng đáng tin cậy nhất của bất kỳ cộng đồng nhân loại nào. Đó là vương quốc của Đức Chúa Trời.
Tôi nghĩ ca sĩ Chance the Rapper nói hay nhất về điều này: đừng tin vào các Quân vương, mà hãy tin vào Vương quốc. Giêsu biết trong ngôn từ của Dorothy Solle, chỉ có một quyền uy thích hợp và đó là chia sẻ với người khác. Quyền lực không được chia sẻ, quyền lực không được chuyển hóa thành tình thương, thuần túy chỉ là sự chế ngự và đàn áp.
Những người DTTCG tận tụy với tình yêu quyền lực hơn là quyền lực của tình yêu và nó cũng bộc lộ ra sự thiếu vắng đức tin. Bởi vì đối ngược với đức tin không phải là sự nghi ngờ. Nghi ngờ là một phần lành mạnh của đức tin. Đối ngược với đức tin là sự kiềm chế. Khi chúng ta ngừng tin vào Chúa trời, khi chúng ta ngừng tin tưởng vào tình thương, chúng ta giành quyền kiểm soát, kiểm soát những gì chúng ta đọc, kiểm soát chúng ta được cưới ai, kiểm soát chúng ta du lịch ở đâu, kiểm soát chúng ta sinh con cái lúc nào. Họ muốn kiểm soát suy nghĩ chúng ta, và cơ thể chúng ta. Ôi, những kẻ thiếu đức tin.
Những người DTTCG tin vào sự thống trị bởi vì họ tin rằng thống trị sẽ làm được việc. Nhưng Giê-su cho thấy quyền năng thực sự trên hoàn vũ không nằm ở sự thống trị, mà ở tình thương yêu. Đạo Lão dạy rằng theo thời gian, nhu sẽ thắng cương. Nước chảy đá mòn. Gió thổi bạt núi. Cỏ mọc nứt đá. Kẻ nhu mì sẽ thừa hưởng đất đai. Bạo lực có thể thắng trong ngắn hạn, nhưng tình yêu sẽ luôn đạt chiến thắng cuối cùng. Giê-su dạy rằng vương quốc của Đức Chúa Trời nằm ở quanh ta, ẩn hiện trước mắt chúng ta. Thiên đàng đang ở đây trong mỗi chúng ta. Trên đầu chúng ta. Xung quanh chúng ta.
Ông ngoại tôi là một người giảng đạo Baptist. Ông nội Talarico của tôi chưa bao giờ đến nhà thờ, nhưng ông là một người hào phóng nhất, giàu lòng trắc ẩn nhất, đạo đức nhất mà tôi từng biết. Ông là người di dân, đến từ Ý, nơi mà người ta thấy rõ nhất sự nguy hiểm của sự pha trộn giữa nhà thờ và nhà nước. Ông định cư tại vùng Texas Hill Country, mỗi buổi sáng ông đi những đoạn dài xuyên qua hoa dại và những cây sồi. Ông thường dắt tôi theo. Ông nói đó là những lúc để ông nhìn thấy G.O.D. (Great Out Doors: Ngoại Cảnh Tuyệt Vời).
Tất cả chúng ta là sự hiển thị của quyền năng sáng tạo đó. Chúng ta chính là vũ trụ tự nhận thức. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta là con cái của vũ trụ, chúng ta được thương yêu một cách vô điều kiện, một cách không phân biệt, một cách vĩnh viễn. Không thành tựu nào có thể cộng thêm vào. Không lỗi lầm nào có thể lấy đi. Số lần đi nhà thờ hay số lần vắng mặt không làm thay đổi điều đó. Đó đủ làm cho nó xứng đáng với tên gọi Tin Mừng.
Chúng ta có thể tự vệ trước con vi trùng của cực đoan tôn giáo bằng tôn giáo lành mạnh. Truyền thống tín ngưỡng tuyệt vời của thế giới có thể cho chúng ta rất nhiều trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu này. Thuyết cấm sát sanh của Ấn Độ Giáo đưa ra sự thay thế cho lý lẽ về bạo lực. Phép thiền định của Phật Giáo đưa ra giải pháp cho sự lạm dụng của sự chú ý. Lễ Sabbath của Do Thái Giáo đưa ra thay thế cho nhu cầu tư bản. Và trong một thế giới mà mọi thứ có thể mua bán kể cả đất đai, truyền thống người Mỹ Bản Địa đưa ra một thay thế cho sự xói mòn hệ sinh thái.
Rất khó khăn. Rất khó khăn để bảo vệ linh hồn bạn trong một thế giới đang muốn sát hại nó.
Đó là lý do chúng ta cần những cộng đồng tín ngưỡng như thế này. Đó là lý do chúng ta cần những câu chuyện và truyền thống và những thực hành để chữa lành linh hồn chúng ta và chuyển hóa suy nghĩ chúng ta. Trong ngôi thánh đường này, mỗi khi chúng ta đọc lời cầu nguyện, hát thánh ca, rưới nước thánh, ăn bánh thánh, uống rượu thánh, chúng ta hiệu chỉnh trái tim mình.
Bản dịch của Nguyễn Bình Phương
~~~