Seite auswählen

05.08.2024

ntv

VNC chuyển ngữ

„Như địa ngục“

Ri là đại diện cấp cao nhất của chế độ trong những năm gần đây đã bỏ trốn. (Ảnh: AP)

Kể từ cuối thập niên 1990, hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi Bắc Hàn sang miền Nam. Nhà ngoại giao Ri Il Gyu cũng chấp nhận rủi ro. Từ Cuba, anh cùng gia đình bay sang vùng dân chủ của bán đảo Hàn Quốc- mặc dù sợ bị bỏ tù, nếu việc đào tẩu của anh bị lộ ra.

Khi Ri Il Gyu, nhà ngoại giao cao cấp thứ hai của Bắc Hàn ở Cuba, cuối cùng quyết định trốn sang Hàn Quốc, ông đã một mình chuẩn bị mọi việc. Khoảng một tuần sau, ông bảo gia đình hãy sẵn sàng rời Cuba trong vòng chưa đầy 8 giờ tới. Ban đầu vợ ông bảo ông đừng có  “nói giỡn nghe khủng khiếp như vậy”. “Vì vậy, tôi đã cho cô ấy xem vé máy bay của chúng tôi và cô ấy không nói ra lời”, Ri nói. “Tôi nói với các con tôi rằng không có tương lai hay hy vọng gì ở Bắc Hàn cả”.

Rạng sáng ngày hôm sau, gia đình ông theo ông đến phi trường Havana, nơi họ sẽ đến nước thứ ba rồi đến Hàn Quốc. Đó là một trong những trường hợp trốn thoát giật gân và kịch tính nhất của một người Bắc Hàn trong thời gian gần đây.

Như Ri kể, ông và gia đình đã đợi máy bay ở sân bay Havana trong một giờ – khoảng thời gian mà ông cảm thấy „như địa ngục“. Lo lắng rằng nhân viên đại sứ quán sẽ phát hiện ra mình sắp rời khỏi đất nước, ông đã kiểm tra đồng hồ khoảng 100 lần cho đến khi cuối cùng ông và gia đình đã lên máy bay an toàn. Ri nói, nếu bị bắt, họ sẽ phải đối mặt với một tương lai tồi tệ hơn cả cái chết: bị giam trong một trại tù, nơi mà theo ông, mọi người phải ăn côn trùng để sống sót.

Thoát khỏi Cuba

Việc Ri, cựu cố vấn chính trị của đại sứ quán Triều Tiên ở Cuba, đã đào thoát sang Hàn Quốc chỉ được công bố vào tháng 7. Và các nhà quan sát cho biết, điều đó có thể đã khiến nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tức giận vì nó có thể khuyến khích các nhà ngoại giao khác làm theo – làm suy yếu sự kiểm soát của ông đối với giới tinh hoa đất nước. Ông Ri cho biết đại sứ quán Bắc Hàn tại Cuba có khoảng 20 nhà ngoại giao, là cơ quan đại diện lớn thứ ba của Bình Nhưỡng ở nước ngoài, sau các cơ quan đại diện ở Trung Quốc và Nga. Ri, 52 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của Bắc Hàn sang Hàn Quốc kể từ khi Tae Yong Ho, cựu phó đại sứ tại London, đào tẩu sang phía bên kia vào năm 2016.

Tin tức về việc ông Ri bỏ trốn xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Bắc Hàn đã thả những không khí cầu đầy rác về phía Hàn Quốc và tiếp tục các vụ thử tên lửa mang tính khiêu khích, trong khi Hàn Quốc đáp trả bằng cách nối lại các chương trình phát sóng tuyên truyền với các thông điệp và các bài hát K-pop ở khu vực biên giới.

Ri nói: “Chế độ Kim Jong Un có thể sẽ rất khó chịu nếu họ nghe thấy tôi nói điều này một cách công khai trong các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông”. “Họ có thể nghĩ đến việc thủ tiêu một người như tôi là vì lợi ích của họ. Nhưng tôi không lo lắng về điều đó quá nhiều vì chính phủ Hàn Quốc đã ưu tiên bảo vệ tôi.“

Trong chương trình bảo vệ ở Hàn Quốc

Ri đang theo chương trình bảo vệ của chính phủ 9 tháng sau khi đến Hàn Quốc. Bắc Hàn được cho là có lịch sử lâu dài về các vụ ám sát hoặc âm mưu sát hại những người đào tẩu cấp cao. Cá nhân Kim Jong Un cũng có thể nhớ tới Ri: Cựu nhà ngoại giao nói rằng vào năm 2018, ông ta thường gặp Ri cùng các quan chức khác trong quá trình chuẩn bị tiếp các đại diện hàng đầu của Cuba và đôi khi Kim đã hỏi ông những câu hỏi. Theo Ri, Kim hút thuốc liên tục trong mỗi cuộc họp và khó thở „như một bệnh nhân hen suyễn“.

Ri nói rằng từ lâu ông đã nghĩ đến việc chạy trốn khỏi Bắc Hàn; ông gọi đất nước này là “một thế giới đen tối” và “một nước cộng hòa tham nhũng”. Mức lương hàng tháng của ông ấy tương đương khoảng 460 Euro. Vì vậy, sau khi tự hỏi chính mình, ông buộc phải buôn lậu xì gà Cuba vào Trung Quốc trong hành lý ngoại giao của mình để kiếm sống. Ri cho biết các nhà ngoại giao Bắc Hàn ở các nước khác cũng tham gia buôn lậu mọi thứ từ ngà voi, sừng tê giác đến rượu whisky và xe hơi.

Cuối cùng, yếu tố quyết định dẫn đến việc ông đào tẩu là việc Bộ Ngoại giao Bắc Hàn không cho ông sang Mexico để điều trị chứng thoát vị đĩa đệm. Ông nghi ngờ rằng việc từ chối là do ông sếp của ông ở Bình Nhưỡng, sau khi ông – Ri – trước đó đã từ chối yêu cầu hối lộ của ông này.

Hàng chục ngàn người trốn chạy khỏi Triều Tiên

Cuộc trốn thoát của Ri diễn ra trước khi Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay. Vì không có đại sứ quán Seoul ở Havana vào thời điểm đó nên Ri cho biết ông không thể nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nhà ngoại giao Hàn Quốc như những người đào thoát Triều Tiên ở nơi khác. Các quan chức Hàn Quốc cuối cùng có liên quan đến vụ trốn thoát của Ri, nhưng ông và chính phủ ở Seoul không muốn cung cấp thông tin chi tiết để không gây nguy hiểm cho bất kỳ kế hoạch trốn thoát nào trong tương lai của những người Bắc Hàn khác.

Ri vẫn chưa chắc chắn mình sẽ làm gì ở Hàn Quốc, nhưng ông tin rằng những người Bắc Hàn khác đã định cư thành công ở Hàn Quốc. Tae, cựu phó đại sứ tại London, thậm chí còn được bầu vào quốc hội ở đó trước khi được bổ nhiệm chức vụ cấp thứ trưởng vào tháng 7. Ri cho biết ông đã đọc hồi ký của Tae khoảng 10 lần.

Kể từ cuối thập niên 1990, khoảng 34.000 người Triều Tiên đã định cư ở Hàn Quốc để thoát cảnh nghèo đói và áp bức chính trị. Theo chính phủ Hàn Quốc, khoảng 10 người Bắc Hàn được coi là thuộc giới tinh hoa trốn sang đây vào năm 2023 – con số cao nhất trong nhiều năm. Ri nói rằng ông không thể đảm bảo rằng việc trốn thoát của ông sẽ khiến nhiều nhà ngoại giao Triều Tiên thực hiện các bước tương tự. „Nhưng tôi nghĩ việc đào tẩu của tôi chắc chắn sẽ mang lại cho họ chút can đảm để làm điều đó“.