Seite auswählen

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi hội luận “Tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam: Ước mơ và thực tế,” do Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và Cộng Đồng Việt Nam Nam California đồng tổ chức, vừa diễn ra tại Viện Việt Học, Westminster, vào chiều Thứ Bảy, 3 Tháng Tám.

 

Ba diễn giả trong buổi hội luận, từ trái, ông Nguyễn Tiến Trung, ông Ngô Thanh Hải, và ông Michael Phương Minh Nguyễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tại đây, các diễn giả gồm ông Ngô Thanh Hải, cựu thượng nghị sĩ Canada, chủ tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị; ông Michael Phương Minh Nguyễn, cựu tù nhân chính trị; và ông Nguyễn Kim Bình, bình luận gia, làm buổi hội luận diễn ra sôi nổi tới giờ phút cuối, với phần hỏi đáp giữa khán giả và diễn giả, trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Đầu tiên với phần thuyết trình của cựu Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải với đề tài “Dân tộc sinh tồn và quá trình ngoại vận tại Canada.”

Ông cho hay chủ nghĩa, chủ thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn” do ông Trương Tử Anh, sinh năm 1914, người sáng lập và lãnh đạo đảng Tân Đại Việt, đề xướng. Chủ nghĩa “Dân Tộc Sinh Tồn” sống với nhiều thế hệ của người Việt yêu nước, được xem như ngọn đuốc soi đường đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc. Chủ nghĩa này ra đời trong bối cảnh của đất nước cùng một lúc bị hai đại họa là thực dân và Cộng Sản.

Năm 1964, chủ nghĩa “Dân Tộc Sinh Tồn” đã được GS Nguyễn Ngọc Huy diễn giải và trình bày, phân tích và hệ thống hóa thành học thuyết chính trị cho chế độ dân chủ pháp trị của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Mục đích thiêng liêng của mọi hành động của con người từ xưa đến nay là mưu sự sinh tồn cho mình để tồn tại, mọi sinh vật đều có khả năng biến cải. Luật tranh đấu đòi hỏi con người đều phải biến cải để thích ứng với hoàn cảnh xã hội, chính trị và sự tranh đấu này không bao giờ chấm dứt. Trong cuộc sống, con người có nhiều nhu cầu tinh thần và vật chất, và có được hạnh phúc nếu các nhu cầu đó được thỏa mãn, thường qua những hình thức tranh đấu.

Tranh đấu với thiên nhiên, với đồng loại, tranh đấu với chính mình, tóm lại dân tộc hay quốc gia là sự hợp quần của con người, gia đình và dân tộc, là điều kiện cốt yếu cho sự sinh tồn của một quốc gia.

 

Ông Charlie Chí Nguyễn (phải), thị trưởng Westminster, đặt câu hỏi với diễn giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Căn bản của chủ nghĩa “Dân Tộc Sinh Tồn” là tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người và xem quốc gia là một tổ chức đặt ra để giúp cho sự sinh tồn của con người, vì sự sinh tồn của con người bao giờ cũng phải được xem là cứu cánh sau cùng của xã hội. Do đó quyền tự do báo chí, tự do thông tin, tín ngưỡng, tôn giáo, và nhất là quyền tự do nghiệp đoàn phải được luôn luôn thực hiện.

Ông Hải nhấn mạnh: “Bản năng sinh tồn và ý thức đồng loại đã có sẵn trong con người, vì vậy chúng ta gần gũi, yêu mến nhau, giúp đỡ nhau, từ đó yêu gia đình chúng ta, yêu quê hương dân tộc của chúng ta, và sẵn sàng hy sinh cho họ. Vì vậy chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc, là chủ trương sai lầm, phản lại bản năng của con người. Tóm lại, chủ nghĩa ‘Dân Tộc Sinh Tồn’ là một lựa chọn phù hợp trong cuộc tranh đấu để loại trừ tà thuyết ‘Tam Vô,’ vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo của người Cộng Sản và chế độ Cộng Sản.”

Bản sắc của dân chủ là đối thoại, thuyết phục, xây dựng chứ không phải đả phá, áp bức, triệt hạ. Ngoại vận là vấn đề hết sức quan trọng, khi các đoàn thể đấu tranh không Cộng Sản tại hải ngoại đã có một tư thế, một sức mạnh và một ưu thế chính trị đối với các quốc gia mình đang cư ngụ, đó là lá phiếu của họ và tham gia vào dòng chính. Vì vấn đề ngoại vận rất quan trọng nên Giáo Sư Huy đã vận động các quốc gia tự do trên thế giới và rất thành công khi thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do, gồm các thượng nghị sĩ, dân biểu các nước trên thế giới.

“Việt Nam mới đây đề nghị được chấp nhận là nền kinh tế thị trường đã bị Hoa Kỳ bác bỏ. Khi ký CPTPP (Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương) với Việt Nam, Canada buộc Việt Nam phải ký bảy bản ghi nhớ với Canada, với các điều khoản về nhân quyền,… và quan trọng là điều khoản được tự do thành lập công đoàn độc lập tại Việt Nam. Liên Hội Người Việt Canada đã áp lực buộc chính phủ Canada phải đề cập đến những vấn đề đó, và đã thành công khi Cộng Sản Việt Nam (CSVN) phải ký. Nếu CSVN không thi hành thực hiện những điều đã ký kết đó, Liên Hội Người Việt Canada sẽ đứng lên áp lực với chính phủ Canada,” ông Hải cho biết.

 

Thành viên Liên Minh Dân Chủ Việt Nam hát “Trả Lại Cho Dân.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông kết luận: “Áp lực ngoại vận của cộng đồng rất quan trọng, mạnh hơn nữa nếu được cộng đồng gia nhập vào dòng chính, với các vị dân cử tại Quốc Hội nước sở tại, thì qua những chính sách ngoại giao, chúng ta sẽ có tiếng nói, áp lực lên những vị dân cử để đạt những gì chúng ta muốn, đặt để lên CSVN. Chủ nghĩa ‘Dân Tộc Sinh Tồn’ là đối lập lại với chủ nghĩa Cộng Sản của Việt Nam. Chúng ta đoàn kết với nhau để tạo áp lực, để công cuộc tranh đấu của chúng ta càng nhanh càng sớm để nhân dân Việt Nam thoát khỏi CSVN trong một ngày rất gần.”

Kế đến là phần trình bày của ông Nguyễn Tiến Trung nói về đề tài “Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và ước mơ thực tế – vấn đề nghiệp đoàn độc lập.”

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào dân chủ trong nước, ông Trung kể rằng từ sau năm 2006 đến nay, ông vẫn tiếp tục hoạt động nhờ các đoàn thể cộng đồng giúp đỡ rất nhiều để được gặp thủ tướng Canada, để có một uy tín khi trở về Việt Nam sẽ được an toàn hơn. Và khi ở tù trong nước, các đoàn nghị sĩ ở Canada cũng đã đến tận nhà gặp gỡ cha mẹ của ông để CSVN cũng thấy đó mà không tìm cách bức hại ông.

Ông Trung cho hay từ năm 2018 tới nay, đảng CSVN đàn áp rất mạnh, hầu hết các phong trào dân chủ Việt Nam đều ngưng trệ hoàn toàn. Đảng CSVN rất khôn ngoan khi chọn bắt giam những người giỏi nhất trong khối xã hội dân sự thuần túy, không đụng tới chính trị, hoặc gán ghép cho những tội trốn thuế để bắt người. Ngay cả những đảng viên cấp tiến Cộng Sản cũng bị bắt giống như bị bắt cóc không ai hay biết.

 

Buổi hội luận sôi nổi với nhiều câu hỏi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Trung tự tin nói đảng CSVN không mạnh như họ tưởng, như một khối vững chắc, trên dưới đồng lòng muôn người như một, mà họ có rất nhiều điểm rất yếu, cho dù hiện tại Phong Trào Dân Chủ bị đàn áp nặng nề như vậy, nhưng chúng ta không bao giờ thất vọng cả.

Ông nói: “Hiện nay mâu thuẫn lớn nhất trong đảng là mâu thuẫn giữa tầng lớp con em sĩ quan quân đội là con ông cháu cha, và con em sĩ quan an ninh quân đội là dân thường. Các sĩ quan quân đội con ông cháu cha phần lớn rất dốt nhưng được thăng tiến rất nhanh, nên họ rất hống hách, tiêu tiền như nước, sống rất xa hoa, vào doanh trại mỗi ngày đi một xe hạng sang khác nhau, tạo nên sự bất mãn rất lớn với con em sĩ quan là dân thường rất bất mãn và tức giận chuyện này.”

“Thứ hai là mâu thuẫn giữa sĩ quan công an quân đội làm kinh tế và sĩ quan đi chiến đấu. Sĩ quan công an và quân đội làm kinh tế họ rất giàu, có nhiều tiền họ lại tiếp tục đi mua chức quyền. Trong khi các sĩ quan quân đội chiến đấu phải đối mặt nguy hiểm, tạo ra sự bất mãn ghê gớm trong chính nội bộ hàng ngũ của đảng,” ông Trung dẫn chứng.

“Mâu thuẫn rất lớn nữa là giữa công an và quân đội. Đảng CSVN trưởng thành trong chiến tranh nên tầng lớp quân đội nắm rất nhiều quyền lực, quân đội có thể nói là nhà nước trong nhà nước, có tòa án riêng, có giám sát riêng, tách biệt hoàn toàn với nhà nước Việt Nam. Còn phía công an thì rất căm tức vì quân đội có rất nhiều đất đai, phân lô bán đất nên càng có nhiều tiền hơn bên công an. Đó là cạnh tranh giữa phe súng ngắn (công an,) và phe súng dài (quân đội). Do sự bất bình đẳng này mới có câu nói ‘Nhất hậu duệ,’ ‘Nhì quan hệ,’ ‘Ba tiền tệ,’ ‘Tư trí tuệ.’ Chính đảng Cộng Sản cũng thừa hiểu chuyện này và xã hội ai cũng biết,” ông nói thêm.

 

Cô Thủy Tiên hát “Trung Cộng Rút Khỏi Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Trung khẳng định: “Phong Trào Dân Chủ Việt Nam không có gì phải tuyệt vọng cả, bản thân đảng CSVN phải đối mặt với nhiều vấn đề, nên có một lãnh đạo đã gọi đó là ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ thực sự trở thành một nguy cơ, thách thức hàng đầu của đảng CSVN, chỉ cần một mồi lửa là tiêu. Vì thế lãnh đạo Cộng Sản luôn nói với công an, quân đội là tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Tuyệt đối không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.”

Buổi hội luận sôi nổi với nhiều câu hỏi và trả lời, hết sức quan tâm tới tình hình dân chủ trong nước.

Tiểu sử bốn diễn giả:

1. Cựu Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải được bổ nhiệm vào Thượng Viện Canada vào Tháng Chín, 2012, và về hưu vào Tháng Giêng, 2022. Ông là người Canada gốc Việt đầu tiên được phục vụ tại Thượng Viện Canada.

Ông tốt nghiệp Đại Học Paris-Sorbonne (Paris IV) chuyên ngành Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn năm 1970, có bằng cử nhân và cao học Giáo Dục, Đại Học Ottawa, thành thạo ba ngôn ngữ: Pháp, Anh và Việt. Định cư tại Canada từ năm 1975 sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông luôn ủng hộ và tranh đấu mạnh mẽ cho tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp luật. Ông từng là Thẩm Phán Tòa Án Liên Bang về Di Trú và Công Dân, và chủ tịch Hội Đồng Giám Định Bảo Hiểm Thất Nghiệp tại Canada.

Trước 1975, ông là trưởng ban báo chí và thông tin cũng như phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao tại Sài Gòn. Sau đó ông được bổ nhiệm làm tùy viên báo chí trong hai năm và làm trưởng văn phòng chính trị tại Tòa Đại Sứ VNCH tại Bangkok, Thái Lan. Là một nhà ngoại giao, ông cũng là đại diện VNCH tại Ủy Ban Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan cho Á Châu-Thái Bình Dương (ESCAP).

 

Toàn thể các diễn giả và quan khách tham dự buổi hội luận. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

2. Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 tại Thái Bình, cao học công nghệ thông tin. Cuối năm 2004, tại Pháp, ông Nguyễn Tiến Trung cùng với nhóm du học sinh bắt đầu lập hội để trao đổi tư tưởng về tự do, dân chủ, nhân quyền.

Ngày 6 Tháng Năm, 2006, ông Trung đã tập hợp một số sinh viên du học để lập nên Phong Trào Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ.

Trong thời gian ở ngoại quốc, năm 2007, ông Trung đã từng đi gặp các hội đoàn tại Mỹ, Canada, và cả bên Âu Châu để kêu gọi thanh niên Việt, trong và ngoài nước “đoàn kết vì tự do, dân chủ cho Việt Nam.” Ông từng được gặp Tổng Thống Mỹ George Bush, thủ tướng Canada, chủ tịch hội đồng Âu Châu để nói về những ước nguyện Dân Chủ của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ.

Về nước Tháng Hai, 2008, ông Trung bị bắt vào quân đội, nhưng vì không chịu đọc “Mười lời thề danh dự của quân nhân,” nên Tháng Bảy, 2009, ông bị loại khỏi quân đội vì đã không tuân theo một số quân kỷ. Ngày 7 Tháng Bảy, 2009, Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đã bắt tạm giam ông vì tội “chống chính quyền và thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.”

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, ông Nguyễn Tiến Trung đã được thả tự do vào ngày 12 Tháng Tư, 2014.

Kể từ khi được trả tự do, ông Trung vẫn tiếp tục hoạt động, tập trung vào việc truyền bá lý tưởng dân chủ cho người dân Việt Nam. Cuối năm 2023, vì bị an ninh Việt Nam đe dọa và sách nhiễu vì những hoạt động tranh đấu, ông buộc phải trốn khỏi Việt Nam và xin tị nạn chính trị ở Đức.

Hiện ông Nguyễn Tiến Trung là phó chủ tịch của Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam (VIU).

3. Cựu tù nhân chính trị Michael Phương Minh Nguyễn về Việt Nam năm 2018 nhằm vận động người dân đứng lên đòi dân chủ tại Việt Nam, bị nhà cầm quyền CSVN bắt và kết án 12 năm tù giam, được nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và chính phủ Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp.

Ông trở lại Hoa Kỳ năm 2020, sau 27 tháng rưỡi bị giam cầm. Ông đã tích cực và thường xuyên tham gia cùng nhiều tổ chức vận động nhân quyền, dân chủ và tự do cho Việt Nam. Ông được biết đến và được nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và Bộ Ngoại Giao đón tiếp vì kinh nghiệm tù nhân chính trị của ông.

4. Ông Nguyễn Kim Bình, phó chủ tịch ngoại vụ Cộng Đồng Việt Nam Nam California, thành viên Họp Mặt Dân Chủ; thành viên Mạng Lưới Nhân Quyền; nhà bình luận thời sự hằng tuần trên các đài SBTN và Vietmedia TV. [qd]