Mục lục
HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
Hôm 14/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến.
HRW đưa ra lời kêu gọi trên chỉ một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Tuyến tại Hà Nội theo dự kiến là vào ngày 15/8.
“Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của tổ chức HRW bày tỏ ý kiến trong thông cáo. “Chính quyền Việt Nam cần ngừng bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích ôn hòa, sửa đổi các điều luật hình sự hà khắc, và chấm dứt vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản”.
“Chính quyền Việt Nam sẽ vẫn bị kẹt trong thế đàn áp nếu cứ tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến dám nói lên suy nghĩ của mình như ông Nguyễn Chí Tuyến”, bà Gossman nhận định.
“Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi giao dịch với chính quyền vi phạm nhân quyền này”, vị đại diện của HRW đưa ra lời kêu gọi.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Trong nhiều dịp khác nhau, bộ này và các quan chức Việt Nam vẫn thường nói rằng chính quyền của đất nước này tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cơ bản, những người bị bắt bớ, phải nhận án tù đều là những người vi phạm pháp luật, không phải vì họ thực thi các quyền tự do.
Công an bắt ông Nguyễn Chí Tuyến vào ngày 29/2/2024 ở Hà Nội vì ông chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội. Ông bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Theo HRW, ông Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, là một nhà vận động nhân quyền đã sử dụng YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube chính của ông, Anh Chí Râu Đen, đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký trong khi kênh YouTube AC Media của ông, có hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký.
VOA (14.08.2024)
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam còn nhiều phần chưa phản ánh đúng sự thật
Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 7/5/2024 UNTV
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc gần đây công bố Báo cáo quốc gia rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 của Việt Nam. Đối với báo cáo này, giới hoạt động nhận định chưa phản ánh đúng tình hình thực tế ở quốc gia Đông Nam Á này.
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam được Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV soạn thảo sau kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát về Việt Nam trong ngày 07/5 vừa qua. Sau đó, báo cáo được thông qua trong buổi họp với phái đoàn Việt Nam ngày 10/5. Báo cáo này sẽ được thông qua bởi Hội đồng Nhân quyền LHQ trong phiên họp sắp tới.
Thực thi Công ước chống Tra tấn
Trong phần phản hồi chất vấn quốc tế trong báo cáo, Chính phủ Việt Nam nói kể từ năm 2019, Việt Nam đã ban hành 3 luật, 11 nghị định và 68 thông tư nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn và các hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra các trung tâm giam giữ và cơ sở tạm giam, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để trừng phạt các hành vi tra tấn, và trong một số trường hợp đã đưa những kẻ thủ ác ra xét xử.
Vào năm 2014, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn hay CAT) và Việt Nam chính thức trở thành thành viên của công ước này kể từ tháng 2 năm sau.
Tuy nhiên, tình trạng nghi can bị tra tấn trong trại giam và trại tạm giam không được khống chế. Trong khoảng từ 2020 đến nay, có ít nhất 9 trường hợp nghi can bị chết trong quá trình hỏi cung với nhiều dấu hiệu bị tra tấn, theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, việc bao che cán bộ công an thực hiện hành vi tra tấn và không điều tra nghiêm túc về cáo buộc tra tấn khiến vấn nạn mang tính hệ thống này không hề giảm bớt.
Ông nói với RFA trong ngày 13/8:
“Việc Việt Nam đưa ra những luật, nghị định, thông tư chỉ mang tính hình thức thôi chứ không bảo đảm được công an hay những người chịu trách nhiệm trong quá trình thụ lý vụ án tuân thủ việc cấm tra tấn.”
Trong vụ việc gần đây nhất liên quan đến cái chết của anh Vũ Minh Đức ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, công an đã đình chỉ công tác hai điều tra viên Thái Thanh Thương và Lưu Quang Trung nhưng không khởi tố vụ án gây chết người khiến việc truy tìm nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân khó có kết quả.
Quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình
Trong báo cáo, Việt Nam nói chế độ này bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do hội họp ôn hòa, với dẫn chứng đến cuối năm 2022, cả nước có 72.000 hiệp hội và 125.000 công đoàn cơ sở với 11 triệu đoàn viên công đoàn, chiếm hơn 93% tổng số người lao động đủ điều kiện.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, các quyền tự do nói trên không được bảo đảm và bất cứ ai thực thi các quyền trên đều có thể bị cầm tù với những cáo buộc như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 hay “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.
Người đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ nói về những con số hiệp hội và công đoàn cơ sở mà phía nhà nước đưa ra:
“Tất cả những cái đó mang tính chất hình thức và các tổ chức, hiệp hội này đều do các tổ chức của nhà nước thành lập nên chứ còn những tổ chức xã hội dân sự do người dân tự nguyện thành lập thì rất là khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự về bảo vệ môi trường hay là những tổ chức xã hội dân sự mà hoạt động về vấn đề nhân quyền thì không có cơ hội được thành lập cũng như là hoạt động tại Việt Nam.”
Trong vài năm gần đây, không chỉ các tổ chức xã hội dân sự độc lập như Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị đàn áp mà các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký cũng bị trấn áp, nhiều lãnh đạo của các tổ chức này bị tống giam với những cáo buộc mơ hồ hoặc nguỵ tạo như “trốn thuế” trong trường hợp của các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi hay “chiếm đoạt tài liệu” như Ngô Thị Tố Nhiên.
Việt Nam chưa ký Công ước ILO số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), do vậy, công nhân chưa được quyền thành lập công đoàn độc lập, tất cả các tổ chức công đoàn hiện nay đều trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một tổ chức chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.
Đàn áp luật sư
Báo cáo cũng nhắc đến sự khẳng định của Việt Nam về việc luật sư được hành nghề tự do và được bảo vệ khỏi các mối đe dọa hoặc quấy rối. Số lượng luật sư tiếp tục tăng với trung bình hơn 1.000 người gia nhập đội ngũ luật sư hàng năm.
Hà Nội khẳng định ngày càng có nhiều bị cáo được luật sư đại diện trong các phiên tòa sơ thẩm trong những năm qua trong khi nhà nước có kế hoạch sửa đổi và bổ sung các quy định mới để đảm bảo hiệu quả hoạt động của luật sư tốt hơn.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có nhiều năm hành nghề luật sư ở Hà Nội, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp luật sư khốc liệt nhất trong khu vực.
Năm 2023, ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân phải chạy sang Hoa Kỳ tị nạn sau khi họ có nhiều phát biểu và đơn từ tố cáo Công an Long An vi phạm tố tụng trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ở Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ).
Gần đây, hai đại biểu quốc hội, luật sư Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 Bộ luật Hình sự. Tiếp đến là vụ bắt giữ luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người được phóng thích sau khi bị kết án 15 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” nhưng bị buộc phải tị nạn ở Đức như luật sư Nguyễn Bắc Truyển, nói:
“Trừ Myanmar ra thì có lẽ Việt Nam là một trong những nước ASEAN còn lại là có số lượng luật sư bị cầm tù nhiều nhất, rồi luật sư phải chạy ra nước ngoài hay luật sư bị tước thẻ hành nghề. Đã có nhiều luật sư phải bỏ chạy khỏi Việt Nam sang Hoa Kỳ hay là bị bỏ tù và sau đó bị trục xuất đi nước khác.
Số lượng luật sư tăng hàng nghìn mỗi năm không bảo đảm rằng khi người dân có nhu cầu họ sẽ được bảo vệ một cách khách quan và công bằng.”
Ông nhấn mạnh trong các vụ án chính trị, bị cáo chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị cho việc bào chữa chỉ vài ngày trước phiên toà. Trong nhiều vụ, cơ quan tố tụng còn ép buộc không cho người hoạt động thuê luật sư.
Tự do tôn giáo và niềm tin
Phản bác cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo từ các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, phía Việt Nam nói rằng chế độ độc đảng tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, niềm tin của mọi người, và mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Trong báo cáo, Việt Nam khẳng định duy trì chính sách nhất quán tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, và nghiêm cấm mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo, niềm tin.
Tuy nhiên, theo giới hoạt động, chính quyền các địa phương nương tay với các tổ chức tôn giáo có đăng ký và trấn áp một cách tuỳ tiện đối với các nhóm tôn giáo độc lập, và thậm chí đàn áp khốc liệt nhiều tổ chức tôn giáo như Đạo Dương Văn Mình bị chính quyền coi là “tà đạo” hay Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị cho là có tinh thần chống chế độ.
Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý và cũng là tổng thư ký của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, cho biết có sự phân biệt rõ ràng giữa các tổ chức tôn giáo “quốc doanh” và các tổ chức tôn giáo độc lập. Chính quyền thường làm ngơ trước nhiều hoạt động tai tiếng của một số tổ chức tôn giáo có đăng ký nhưng lại hà khắc đối với các nhóm tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, Cao Đài Chơn truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất…
“Tự do tôn giáo đối với những tổ chức tôn giáo trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tự do hành đạo, còn Thích Minh Tuệ tại sao không cho người ta đi hành đạo mà phải giam lỏng tại một nơi nào đó?! Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý chúng tôi tổ chức 3 ngày lễ đạo thì họ lại không cho, đó là tự do tôn giáo như thế nào?”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận xét rằng Việt Nam có những tiến bộ nhất định so với đầu thập niên 2000 nhưng mà so với những quyền cơ bản của công dân thì nó chưa đạt được bất kỳ tiêu chuẩn nào.
Theo ông, những tổ chức tôn giáo chấp hành tất cả các yêu cầu của chính quyền thì sẽ được không gian tương đối tự do còn những tổ chức tôn giáo độc lập họ không muốn sự can thiệp của nhà nước thì bị đàn áp một cách khốc liệt, những người đứng đầu bị cầm tù còn tín đồ thì bị ép bỏ đạo.
Hiện có hàng chục người hoạt động về tự do tôn giáo, chủ yếu là người Thượng ở Tây Nguyên, đang bị cầm tù về các tội danh nguỵ tạo “phá hoại chính sách đoàn kết” hay “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án tù dài hạn lên đến 16 năm tù.
Chính vì sự đàn áp tự do tôn giáo mà Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách Theo dõi đặc biệt trong khi Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi Washington đưa nhà nước độc đảng vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
RFA (13.08.2024)
Liên Hiệp Quốc công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
Phiên thảo luận Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024 tại Geneva. Photo UN Web TV.
Nhóm công tác về Kiểm điểm định kỳ phổ quát thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố bản báo cáo tổng hợp với 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Báo cáo tập hợp các khuyến nghị được nêu ra tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5 tại Geneva và yêu cầu chính quyền Việt Nam phản hồi trước khi diễn ra kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền, dự khiến diễn ra vào ngày 9/9 sắp tới, theo một thông cáo cáo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần trước.
Hàng chục quốc gia đề nghị Việt Nam xóa bỏ án tử hình, trong đó có Pháp, Thụy Sĩ, Iceland, Malta, Uruguay, Bồ Đào Nha, Canada, trong khi một số nước khác đề nghị Việt Nam nên giảm áp dụng hình phạt này.
Liên quan đến hình phạt an ninh quốc gia khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị giam cầm như Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, và Điều 331 quy định về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy sĩ, Bỉ… khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi hai điều này của bộ luật. Ngoài ra, Đức còn khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Điều 109 quy định về tội “lật đổ chính quyền”.
“Chúng tôi khuyến nghị trước hết phải xóa bỏ những điều khoản rất mơ hồ về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam… Những điều luật này của Việt Nam không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ quan điểm với VOA. Bà là người đã vận động chính phủ các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) và tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Geneva để Việt Nam xóa bỏ các điều luật 117, 331, và 109.
Liên quan đến các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, chính phủ Mỹ khuyến nghị Việt Nam nên “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện nhân quyền, và hãy điều tra các cáo buộc về việc các quan chức xâm phạm thân thể những người này, đảm bảo quyền được đối xử công bằng cho họ”.
Tương tự, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam “trả tự do cho những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ về tự do ngôn luận, lập hội hoặc nhóm họp”.
Slovakia khuyến nghị Việt Nam tăng cường môi trường hoạt động của xã hội dân sự và xem xét trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị kết án.
Trong khi đó, Cộng hòa Czech nói rằng quốc gia Đông Nam Á này nên “tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập, quyền tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài đời, và sự độc lập của truyền thông”. Các nước Italy, Phần Lan, Romani, và Hàn Quốc cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.
Chính phủ các nước Áo, Bỉ, Canada, Đức khuyến nghị Hà Nội sớm phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức.
Nước láng giềng Campuchia đề nghị Việt Nam thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong Hội đồng Nhân quyền về cơ sở tôn trọng và hiểu biết để đảm bảo mọi quyền con người.
Trong các khuyến nghị của mình, Trung Quốc đề nghị Việt Nam “tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách”.
Dự kiến tại kỳ họp 57 này, chính quyền Việt Nam sẽ trình bày quan điểm của mình đối với 320 khuyến nghị trên, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, người dẫn đầu phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 22 quan chức và 2 thông dịch viên dự kỳ UPR hồi tháng 5, cho biết rằng hầu hết các khuyến nghị “đều có nội dung tích cực và Việt Nam có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng một số vấn đề cần được xem xét thêm về tính tương thích với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi của Việt Nam.
Nhà ngoại giao Việt Nam còn nói thêm rằng “đối với những khuyến nghị chưa thực sự phù hợp và dựa trên những thông tin không chính xác” về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại, cung cấp thông tin cho các nước để họ hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.
Trong báo cáo của mình, phái đoàn Việt Nam nói họ chấp thuận 241 trong tổng số 293 khuyến nghị mà các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa ra trong Cơ chế UPR chu kỳ III hồi năm 2019. Phái đoàn cho biết rằng trong số 241 khuyến nghị đó họ đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị.
VOA (13.08.2024)
Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva khuyến nghị Việt Nam chú ý đến nhóm người yếu thế
Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Surya Deva Reuters
Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc, tiến sĩ Surya Deva, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên chú ý đến các nhóm người yếu thế, đặc biệt là các sắc dân thiểu số và người tàn tật.
Đó là hai trong nhiều khuyến nghị mà Tiến sĩ Deva đưa ra trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ về chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 11 năm ngoái và mới được Văn phòng Cao uỷ về Nhân quyền LHQ công bố gần đây. Báo cáo này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ vào tháng 9 và 10 tới.
Theo số liệu của Chính phủ, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số được công nhận với tổng số người là 14 triệu. Mặc dù Việt Nam đưa ra mục tiêu không bỏ lại ai phía sau, báo cáo nói tỷ lệ người dân tộc thiểu số sống trong cảnh nghèo đói cao hơn so với dân tộc Kinh chiếm đa số.
Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi sinh sống của hầu hết người dân tộc thiểu số, cao gấp đôi mức trung bình của cả nước. Việc tiếp cận sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở vùng sâu vùng xa và trong số các dân tộc thiểu số còn hạn chế hơn so với phụ nữ thuộc nhóm dân tộc Kinh và phụ nữ ở các vùng phát triển hơn.
Ông Deva khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ công mà các nhóm dân tộc thiểu số đang gặp phải.
Báo cáo viên đặc biệt lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam không chấp nhận khái niệm “người bản địa” mặc dù đã bỏ phiếu cho nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ khi thông qua Tuyên bố của LHQ về Quyền của người bản địa. Điều này dẫn đến việc một số nhóm không thể hưởng lợi từ các quyền quan trọng như quyền tự xác định.
Theo Tiến sĩ Deva, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc phê chuẩn Công ước của ILO về Các dân tộc và bộ lạc bản địa 1989 (Số 169).
Ông cũng nói nhận được thông tin nhiều người như luật sư, nhà báo, người bảo vệ nhân quyền cổ suý cho quyền của người dân tộc thiểu số bị cầm tù vì các tội danh như “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc,” “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hay “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Báo cáo viên đặc biệt Deva cho rằng để đảm bảo các chương trình và dự án phát triển thực sự giải quyết các ưu tiên phát triển của địa phương, đặc biệt là ở các xã có dân số chiếm tỷ lệ cao là các nhóm dân tộc thiểu số, điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận có sự tham gia từ dưới lên đối với tất cả các quy trình lập kế hoạch, phát triển, thực hiện và giám sát. Các quyền văn hóa của các cộng đồng bị ảnh hưởng nên được xem xét trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chương trình phát triển.
Chính phủ Việt Nam có nhiều chương trình, dự án trợ giúp cho người dân tộc thiểu số và địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) hoặc Chương trình 135 (xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số). Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình này chưa cao, và thậm chí mang tính hình thức, theo ông Alur Y Min, người dân tộc Jarai ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 12/8:
“Nhà nước báo cáo nói là xoá nhà tạm 134, 135 (Chương trình 134-135- PV) cho người dân nhưng thực tế thì họ cho 50 triệu thôi. Khi người dân đến ở, họ đóng một cái bảng gọi là bảng xóa nhà tạm. Mang tiếng xóa nhà tạm cho dân nhưng mà thực tế tiền dân bỏ nhiều hơn của tiền của nhà nước.
Họ có cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân nhưng mà họ làm thế để qua mặt mọi người thôi, vì thực tế đi khám họ không quan tâm đến người dân. Họ nói là chăm sóc y tế chu đáo cho người dân nhưng thực tế không phải như vậy đâu.
Ở khu vực vùng sâu vùng xa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, họ chỉ xây nhà rông làm nhà họp của lãnh đạo của cộng sản thôi. Chỗ vui chơi giải trí cho người dân thì không có.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Dân tộc với đề nghị bình luận về báo cáo và khuyến nghị của tiến sĩ Deva nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Báo cáo viên đặc biệt Deva cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến người khuyết tật. Ông khuyến nghị Chính phủ xem xét các quy định và chính sách có liên quan về khả năng tiếp cận tất cả các cơ sở của chính phủ cung cấp các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ hành chính và xem xét khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng mà người khuyết tật có thể sử dụng để tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
Ông cho rằng các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm tuyển dụng đủ số lượng giáo viên, đặc biệt là ở các vùng xa xôi và nông thôn, để trẻ em khuyết tật có thể được giáo dục. Chính quyền các cấp nên liên tục đối thoại với các tổ chức của người khuyết tật để hiểu rõ hơn về nhu cầu cụ thể của họ và đưa họ vào quá trình chuẩn bị các chương trình và chính sách phát triển.
Về người lao động di cư, ông cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể để bảo vệ quyền của họ, cung cấp hỗ trợ pháp lý cho họ. Ông cũng thúc giục các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện và tái hòa nhập cho nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích bóc lột lao động khi họ trở về Việt Nam.
Thu hồi đất và bồi thường
Sau khi từ bỏ nền kinh tế tập trung và mở cửa kinh tế nhiều thành phần, giá đất đai tăng vùn vụt. Trong quá trình phát triển, nhà nước tịch thu nhiều đất đai và ruộng vườn của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng thu hồi đất của người dân để giao cho các doanh nghiệp sân sau của các quan chức mà không bồi thường thoả đáng, tạo ra một đội quân dân oan đông đảo khắp trên cả nước.
Về việc thu hồi đất mà không bồi thường thoả đáng cho người dân, tiến sĩ Deva thúc giục các cơ quan có thẩm quyền thực hiện Luật Đất đai mới sửa đổi theo cách bồi thường đất theo giá trị thị trường.
Chính quyền cần “bảo đảm rằng việc tham vấn chủ động, tự do và có ý nghĩa với các cá nhân và cộng đồng có liên quan được tiến hành trước bất kỳ hoạt động thu hồi đất nào và nếu có bất kỳ khiếu nại nào do thu hồi đất cho mục đích phát triển, các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận các biện pháp khắc phục hiệu quả cho các khiếu nại đó,” ông nói.
Theo ông, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch, đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lấy ý kiến của dân chúng về kế hoạch này.
Đánh giá về báo cáo của tiến sĩ Deva trong phần thu hồi đất đai, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho rằng báo cáo đã đi được vào trọng tâm vấn đề khi nêu bật ra việc người dân buộc phải di dời, trái với nguyên tắc đồng ý tự nguyện trên thế giới và sự thua thiệt của họ vì chỉ nhận được giá bồi thường thấp trong khi đất sau đó được bán cho các công ty với giá cao hơn nhiều.
Ông Dũng nói với RFA trong ngày 12/8:
“Đó chính là hai điểm mấu chốt gây nên những xung đột dai dẳng giữa người dân và nhà cầm quyền suốt hàng chục năm qua, có khi dẫn đến đụng độ khốc liệt như ở Văn Giang, Đồng Tâm và gần đây là Cồn Xanh.”
Ông Dũng nhận xét rằng báo cáo đã rất xác đáng khi nói lên được rằng người dân, đặc biệt là các nhóm thiểu số hoặc dễ bị tổn thương, và các tổ chức phi chính phủ thường không thể tham gia vào các quá trình ra quyết định một cách chủ động. Không những thế, việc nhà nước ban hành các điều luật như 117 và 331 của Bộ luật Hình sự đã trói buộc người dân cũng như các tổ chức xã hội dân sự tham gia, và sẵn sàng bỏ tù cho những ai nêu ý kiến trái với ý của nhà cầm quyền.
Ông nói:
“Việc hai người dân bị phạt đến 10 triệu chỉ vì nói ‘cục đá giống sư Minh Tuệ’ đã phản ánh rõ vấn nạn trên: Chẳng những không được tham gia có ý kiến vào quá trình ra những quyết sách của đất nước, mà người dân còn bị trói buộc trong việc thể hiện tư tưởng của mình. Xã hội Việt Nam đang thật sự ngột ngạt về mặt đời sống dân sự, người dân chịu bức xúc nhưng chỉ biết cúi đầu vì sợ bị phạt tiền, phạt tù.
Ông Dũng đồng ý với báo cáo khi chỉ ra “mặc dù luật pháp yêu cầu đánh giá tác động môi trường (hoặc xã hội) trước khi phê duyệt các dự án phát triển mới, nhưng trên thực tế, đánh giá tác động toàn diện, có ý nghĩa, có sự tham gia của người dân và minh bạch thường không được thực hiện.”
Theo ông Dũng, Báo cáo viên đặc biệt Deva cũng quan tâm tới các thảm họa môi trường ở Việt Nam như thảm hoạ Formosa năm 2016 và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang bị cầm tù về các tội danh “trốn thuế” và “chiếm đoạt tài liệu.”
Chia sẻ với RFA, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho rằng trong báo cáo của mình, tiến sĩ Deva đã đưa ra những nhận xét và phê phán những bất cập của nhà nước Việt Nam trong việc thực thi quyền phát triển của người dân. Chẳng hạn, báo cáo đã đặt nghi vấn về việc chính quyền Việt Nam kỳ thị người dân tộc thiểu số khi không cấp sổ hộ khẩu cho họ, không công nhận quyền của người bản địa, nhiều người hoạt động cho quyền tự do tôn giáo của các sắc dân thiểu số bị bắt và kết án tùy tiện, nhiều nạn nhân xuất khẩu lao động bị bóc lột, nhiều nhà hoạt động môi trường bị kết án oan, dân oan bị truất hữu đất đai mà không được bồi thường thoả đáng, nhiều hội nhóm xã hội dân sự bị đàn áp…
“Quan trọng hơn thế là Báo cáo viên đặc biệt đã đưa ra những đề nghị rất cụ thể đối với nhà nước Việt Nam để cải thiện những bất cập đó, những đề nghị cải thiện quyền phát triển của người dân không chỉ giới hạn trong việc tu chỉnh luật pháp mà phải thể hiện bằng chính sách và hành động cụ thể.”
Là người theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền Việt Nam, tiến sĩ Tùng cũng chỉ ra những điểm hạn chế của báo cáo:
“Ông nhìn chính quyền Việt Nam như là một thể chế chính trị bình thường, hoặc là vô tình hoặc là cố ý ông không nhìn thấy đây là một chế độ toàn trị độc đảng, không hề có sự tham gia thực sự của người dân. Ông phớt lờ vai trò quyết định của ĐCSVN.
Có nhiều dữ kiện và con số cung cấp bởi của chính quyền cộng sản Việt Nam không xác thực nhưng ông vẫn đưa vào mặc dù ông cũng cho biết đây là do nhà nước cung cấp. Theo tôi nghĩ những con số đó cần được thanh lọc để bảo vệ được cái tính xác thực của báo cáo.”
RFA (12.08.2024)
Lê Hữu Minh Tuấn giờ ra sao?
Tôi có một kỳ vọng là một ngày tôi và chúng tôi sẽ được sống , thụ hưởng và đối xử như những con người đương thời hiện đại.
Lê Hữu Minh Tuấn.
Dân biểu Michelle Steel hôm 29 tháng 7 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng sức khỏe bị cho là ngày càng xấu đi của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn đang bị cầm tù tại Việt Nam trong một lá thư gởi cho Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper.
Trong bức thư đăng trên Facebook, bà Steel yêu cầu ông Knapper hỗ trợ việc trả tự do cho Lê Hữu Minh Tuấn để ông được trị bệnh. Trong thư gởi đại sứ Knapper, bà Steel cho biết tình trạng sức khỏe của ông Lê Hữu Minh Tuấn đã rất xấu và bày tỏ sự quan ngại rằng ông không được chữa trị phù hợp.
Cũng trong thư, bà nêu rõ Lê Hữu Minh Tuấn cần được trả tự do và chữa trị ngay lập tức vì hiện Tuấn không thể ăn được thức ăn đặc và bị sụt cân rất nhiều.
Tình hình sức khoẻ của Lê Hữu Minh Tuấn đã xấu đi dần khi ông được chuyển về trại giam Xuyên Mộc sau hai năm nằm trong trại tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu, TP. HCM. Lê Hữu Minh Tuấn nhập trại Xuyên Mộc vào tháng 4/2022 thì sức khoẻ đã suy kiệt.
Ngay khi được phép gặp thân nhân, gia đình Lê Hữu Minh Tuấn đã lên tiếng kêu cứu vì Tuấn chỉ còn xương bọc da, “tai bị điếc, mình bị ghẻ lở, thoát vị đĩa đệm, trĩ, không ngồi được…” Gia đình cho biết ông Tuấn bị mắc nhiều chứng bệnh mà không được cán bộ quản giáo cho đi khám chữa, điều trị trong khi việc gửi thuốc men và thực phẩm vào trại rất khó khăn. Tuy nhiên, để trị được tận gốc thì Tuấn cần phải có sự theo dõi và điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Bà Lê Thị Hoài Na, em gái của Tuấn cho biết anh trai bà hay bị sôi bụng nên gia đình đã gửi thêm men vi sinh giúp cho tiêu hoá được thuận lợi. Ngoài ra, Tuấn còn bị đói do không được phát bữa sáng đều đặn.
Lê Hữu Minh Tuấn cho biết đã phát bệnh vào khoảng tháng 6/2022. Trong hơn 2 năm qua, dù bị bệnh nặng nhưng không được thăm khám hay chữa trị đầy đủ. Tuấn cho biết đã hai lần làm đơn xin đi khám chữa bệnh ở bệnh viện nhưng không được đáp ứng. Lần yêu cầu thứ hai vào ngày 20/6/2023 Tuấn đã được một cán bộ y tế của trại khám và đưa ra kết luận rằng Tuấn bị rối loạn tiêu hóa và viêm da cơ địa. Trong một lá thư gởi ra từ trại giam Tuấn tố cáo trại Xuyên Mộc chỉ cấp kháng sinh cho Tuấn để “ngâm bệnh cho đến khi trở nặng hoặc có biến chứng mới cho đi bệnh viện”.
Lê Hữu Minh Tuấn giờ ra sao?
Trong lần thăm gặp mới nhất Lê Hữu Minh Tuấn đã thông báo cho gia đình biết vào tháng 5/2023 ông đã sử dụng thuốc của bệnh viện cấp trong vòng 14 ngày. Đến tháng 11/2023 Tuấn bị yếu cơ đồng thời phát sinh những vấn đề về tiêu hoá. Trong 7 tháng đầu năm 2024 Tuấn đã trải qua 4 đợt dùng kháng sinh nặng, và một đợt dùng thực phẩm chức năng B12 do người nhà gởi vào trại giam.
Ngoài ra dù tình trạng sức khoẻ kém, cần phải bồi dưỡng nhưng Tuấn lại chỉ được phép mua đồ ăn rất hạn chế tại căn tin dù căn tin của trại giam không thiếu một thứ gì. Vì vậy tình trạng sức khoẻ của Tuấn chỉ có trầm trọng hơn mà không được cải thiện.
Hiện nay Tuấn bị sụt cân nghiêm trọng, ăn uống không tiêu hoá, tiêu hoá rất kém, chất thải cũng có nhầy và bọt. Tuấn buộc phải dùng kháng sinh liên tục để có thể cầm cự lại những cơn đau. Ngoài ra hai bắp chân của ông Tuấn cũng bị tê bì, mất ngủ, choáng váng, đầu óc mơ hồ. Tuấn cho biết thêm ngay chỗ vùng ngực trái xuống 5cm, trong ngày thi thoảng bị gò lên rất đau và khó thở.
Vì tình trạng sức khoẻ đáng lo ngại như vậy, Tuấn mong được khám chuyên khoa về tiêu hóa để biết chính xác mình đang mắc bệnh gì.
Hơn hai năm qua trong trại giam Xuyên Mộc, sân tập thể dục của Tuấn là khu vực hành lang dài 5m, ngang 1m nối cửa buồng giam và cửa lớn cùng với ngay trong chỗ ngủ. Với sức khoẻ suy kiệt đến như vậy, không gian sống bức bí, đến cả ăn uống cũng còn bị o ép, nhưng Lê Hữu Minh Tuấn vẫn kỳ vọng vào một ngày sẽ được sống, thụ hưởng và đối xử như những con người.
“Hơn 4 năm trong tình trạng giam nhốt và hơn 2 năm trong tình trạng phải sử dụng gần như liên tiếp các đợt thuốc điều trị đã bào mòn thể chất và gây rối loạn về sức khoẻ lẫn tinh thần của tôi. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao tôi lại bị trừng phạt bởi những tội lỗi mà mình không hề gây ra cả về động cơ, mục đích và nhu cầu . Hay bởi hoàn cảnh bao trùm và chi phối mà ở đó cam kết bảo đảm và thực thi có trách nhiệm thực chất toàn diện, chỉ để sử dụng khi cần thay vì bản chất và ý nghĩa thật sự của những câu chữ này.
Tôi có một kỳ vọng là một ngày tôi và chúng tôi sẽ được sống , thụ hưởng và đối xử như những con người đương thời hiện đại. Ngày mà không còn bị bủa vây bởi định kiến mơ hồ, chủ quan và áp đặt. Ngày mà thực hành quyền cơ bản không còn bị coi là hành động dấn thân, ngày mà chúng tôi được chạm tới lẽ công bằng, sự khoan dung, đối thoại và tinh thần không định kiến đối với những người bất đồng chính kiến. Niềm tin này là sâu sắc bởi lẽ tôi nhận ra ngày càng có nhiều tiếng nói mạnh mẽ, thẳng thắng phê phán những điều không đứng đắn trên cơ sở lương tri và cơ sở luật pháp. Những tiếng nói mạnh mẽ xuất phát thực chất đẩy trách nhiệm đến từ phẩm giá, lương tri và tự do con người. Niềm tin này là sâu sắc. ” – Lê Hữu Minh Tuấn.
Lê Hữu Minh Tuấn đã bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế theo điều 117 Bộ luật Hình sự cùng với hai nhà báo khác của Hội Nhà Báo Việt Nam là Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ.
Thảo Vy
VNTB (10.08.2024)