Seite auswählen

Nguyễn Chí Tuyến: “Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm việc tôi làm…”

 

Đoàn Bảo Châu

16-8-2024

Phiên toà hôm qua đã xử blogger Nguyễn Chí Tuyến 5 năm tù giam. Tôi có trao đổi với một trong 4 luật sư bào chữa trong vụ án và nhận thấy rằng, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam gần như bằng không. Kết tội và tống vào tù một con người, nếu không có lý do chính đáng thì là một hành động vô nhân đạo, vô pháp, khiến vợ chồng, cha con chia lìa, kinh tế lụi bại, tương lai những đứa trẻ bị ảnh hưởng. Tôi phản đối bản án này.

Ông Tuyến bị cáo buộc vi phạm Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam với tội danh “Tàng trữ thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong số 5 video clip được sử dụng làm chứng cứ, có hai clip bị cho là có nội dung liên quan đến Điều 117. Tuy nhiên, theo luật sư thì sự đánh giá này thiếu căn cứ, vì nội dung của các clip chỉ tác động đến một bộ phận người xem, không đủ sức ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của nhà nước.

Clip thứ nhất Nguyễn Chí Tuyến làm về Nguyễn Thị Phương Thảo, người đã tài trợ 115 triệu bảng Anh cho một trường đại học ở Oxford. Clip này có đề cập tới việc con em của những người có chức vụ quyền hạn, được bố trí công tác với sự ưu đãi đặc biệt. Chứng cứ rất yếu ớt, chẳng lẽ lời nhận xét cũng có thể làm bằng chứng buộc tội?

Clip thứ hai về công cuộc chống tham nhũng, với sự tham gia của 6 người. Một trong số 6 người lên sóng, họ đã nhấn mạnh, cần phải có cơ chế đa đảng để bảo đảm công tác chống tham nhũng được tốt. Khi nhận được bình luận đồng ý với ý kiến này, ông Nguyễn Chí Tuyến đã đồng ý và phân tích tại sao đây là một nhận định đúng đắn. Đây có lẽ chính là điểm mấu chốt của vụ án.

Theo luật sư thì bản án dành cho ông Nguyễn Chí Tuyến rất sơ sài. Bản chất của tội danh này là bảo vệ sự ổn định của nhà nước, nhưng trong trường hợp của Nguyễn Chí Tuyến, các bằng chứng đưa ra chỉ cho thấy ảnh hưởng ở mức rất nhỏ, không đủ để đe dọa nhà nước.

Ông Nguyễn Chí Tuyến có hai con (sinh năm 2003 và 2007) và mẹ già. Đặc biệt, trong phiên toà này, lần đầu tiên thân nhân bị cáo được phép tham dự. Vợ ông Nguyễn Chí Tuyến được tham gia mặc dù không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là một tiến bộ dù nhỏ nhưng cũng nên được công luận ghi nhận.

LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA ÔNG NGUYỄN CHÍ TUYẾN

Vào lúc 13g ngày 15/08/2024, ông Nguyễn Chí Tuyến nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm do TAND thành phố Hà Nội xét xử về tội danh bị cáo buộc theo điều 117 Bộ luật Hình sự “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” như sau:

“Kính thưa Hội đồng xét xử, đại diện VKS, các luật sư cùng toàn thể những người có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay.

Đã là một con người, sinh ra, lớn lên, ai cũng đều có cảm nhận, có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ thông tin về thực tế xã hội. Đối với những đoạn video dẫn tới việc tôi bị truy tố như thế này, chỉ là điều mà tôi thực hiện theo Điều 25 Hiến pháp, các quyền khác tại Công ước quốc tế về Dân sự – Chính trị, đó là quyền tự do tư tưởng, biểu đạt, là quyền tự do ngôn luận. Mạng YouTube chỉ là phương tiện truyền tải những quan điểm của cá nhân tôi.

Về nội dung vụ án, tôi không đồng ý với cáo buộc “Phát tán, tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.

Bởi vì những thông tin mà tôi thảo luận, trò chuyện đều xuất phát từ thực tế và có nguồn từ các thông tin chính thức, không phải do tôi tự tạo ra để quy kết là bịa đặt.

Về quan điểm đất nước cần đa Đảng, hoặc cần có Đảng đối lập, không thể quy kết đó là luận điệu chiến tranh tâm lý. Trong lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam, từ ngày 2/9/1945 Đảng Cộng sản đã từng song hành cùng với những đảng khác, đó là thời kỳ đa đảng và đó cũng là thời kỳ có nhiều thành tựu cho đất nước. Vì thế, việc đa đảng chỉ làm đất nước tốt hơn, đảng Cộng sản cũng phát triển tốt hơn, không ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Hơn nữa, quan điểm cần đa đảng hay có đảng đối lập thì không đi ngược lại Điều 4 của Hiến pháp. Điều 4 của Hiến pháp chỉ ghi rằng đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo, chứ không nói rằng đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất.

Ý kiến của tôi được phát biểu với mục đích đóng góp vào công cuộc chống tham nhũng, không ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước.

Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm quy kết: Thông qua hành vi của tôi để xác định tôi có mục đích chống Nhà nước. Tôi xin nhắc lại, đó là suy nghĩ áp đặt và suy diễn. Các nội dung trong Kết luận giám định của Sở TTTT Hà Nội nói tôi có mục đích chống Nhà nước, tôi không đồng ý với kết luận này. Họ không chỉ ra được căn cứ và phương pháp giám định nên không thuyết phục tôi.

Tôi thấy rằng, đất nước Việt Nam đang ngày càng hội nhập cả về kinh tế, chính trị, xã hội với thế giới, đang là thành viên của các tổ chức nhân quyền chính thức. Các cấp lãnh đạo luôn nói “dân biết, dân bàn…”, thế nhưng tại phiên tòa này, tôi lại bị cáo buộc có hành vi chống Nhà nước, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, và đề nghị mức án từ 5 đến 6 năm tù là mức quá nặng nề.

Điều này có đúng hay không. Điều này có đáng hay không? Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm việc tôi làm, nhưng tôi khẳng định mình không có ý đồ chống phá gì. Tôi làm vì hai chữ “tự do” cho quyền chính đáng: Quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt.

Cảm ơn HĐXX, VKS, luật sư và mọi người đã lắng nghe lời nói sau cùng của tôi.

Tôi cảm ơn người vợ của tôi đã song hành, ở bên cạnh tôi ngay trong phiên tòa ngày hôm nay.

Tôi cảm ơn các người bạn, các tổ chức trong nước và quốc tế đã quan tâm đến những việc tôi đã làm trong suốt thời gian qua”.

Youtuber Nguyễn Chí Tuyến bị tuyên 5 năm tù vì các video chống tham nhũng

 

RFA
2024.08.15

 

Youtuber Nguyễn Chí Tuyến bị tuyên 5 năm tù vì các video chống tham nhũngNhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Reuters

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 15/8 kết án nhà hoạt động kiêm Youtuber Nguyễn Chí Tuyến với mức án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì bình luận về chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, hay còn được gọi là Anh Chí, là thành viên tích cực của phong trào No-U (nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) sở hữu hai kênh Youtube chuyên bình luận về chính trị – xã hội ở Việt Nam và thế giới với hàng trăm bài nói chuyện được phát trực tiếp về nhiều chủ đề và số lượng người theo dõi tổng cộng lên đến 160 ngàn người.

Ông bị bắt vào cuối tháng 2 vừa qua với cáo buộc theo điểm b và c của khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.”

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị truy tố về hai video clip mang tên “Vụ áp phe 155 triệu bảng Anh và chuyển đổi tên” và “Chống tham nhũng: làm sao để cán bộ không thể, không dám, không cần, không muốn?” phát trên trang Youtube cá nhân Anh Chí Râu Đen năm 2021.

Trong video thứ nhất, ông đưa ra ý kiến Chủ tịch hãng hàng không VietJet tặng 155 triệu bảng cho Oxford University của Anh nhằm tạo điều kiện cho con cháu của quan chức Việt Nam sang học tập tại đây. Còn trong video thứ hai, ông cho rằng đa đảng sẽ giúp ngăn chặn được tham nhũng vốn đang là quốc nạn của Việt Nam.

Trong phiên toà kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ ngày thứ Năm, chỉ có ba luật sư Lê Đình Việt, Nguyễn Hà Luân và Phạm Lệ Quyên cùng vợ của ông Nguyễn Chí Tuyến được vào phòng xử án. Bạn bè và người thân khác chỉ được đứng ngoài cổng của trụ sở chính toà án thành phố trong phiên toà được thông báo là công khai.

Một trong ba luật sư, người không muốn nêu danh tính, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cho dù các luật sư và ông Chí Tuyến yêu cầu toà triệu tập giám định viên của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để đối chất về nội dung hai video trên nhưng các giám định viên có giấy xin phép vắng mặt.

Luật sư cho biết thân chủ của ông không nhận tội, luôn khẳng định chỉ thực thi quyền tự do biểu đạt được ghi trong Hiến pháp Việt Nam cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là quốc gia thành viên và “chấp nhận hy sinh để bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và luật nhân quyền quốc tế.”

Đánh giá về bản án, vị luật sư này nói:

Mặc dù thân chủ của tôi bị áp mức án thấp nhất trong khung hình phạt, tôi cũng như hai luật sư khác đều nhận định và đưa ra các chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Chí Tuyến hoàn toàn vô tội, và mức án áp cho ông là không phù hợp.”

Luật sư cũng cho biết ông Chí Tuyến sẽ cân nhắc việc kháng án trong hai tuần tới.

Cùng chung nhận định với các luật sư là cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng. Ông nói với RFA:

Theo tôi, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến không đáng phải bị bắt giam, chứ đừng nói là bị toà tuyên phạt những 5 năm tù giam. Đây rõ ràng là một bản án bất công cho một người lên tiếng ôn hoà cho sự tiến bộ của đất nước.

Những vụ bắt bớ, những bản án như thế này sẽ khiến người dân phải e dè, sợ hãi khi không dám ct lên tiếng nói. Không một quốc gia hay dân tộc nào có thể nào lớn được, có thể phát triển được khi người dân của nó phải sống trong sợ hãi.”

Một thành viên No-U ở Hà Nội cho rằng việc bắt giữ và kết án Nguyễn Chí Tuyến là sự trả thù vì một số chương trình phát sóng trên kênh Anh Chí Râu Đen đã chỉ trích ông Tô Lâm trong cương vị đứng đầu ngành công an. 

Trong cáo trạng có nêu ba video clip có liên quan đến Tô Lâm khi ông này là bộ trưởng công an, tuy nhiên ông Nguyễn Chí Tuyến lại không bị truy tố vì chúng.

Thành viên No-U nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Rõ ràng đây là sự trả thù của công an đối với Nguyễn Chí Tuyến. Trước khi bị bắt hơn hai năm, Nguyễn Chí Tuyến đã dừng mọi hoạt động và chỉ còn bình luận tình hình quốc tế trên kênh Youtube AC Media. Do vậy, việc bắt giữ và kết tội anh là không thoả đáng.”

Trước phiên toà, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam xoá bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ông Nguyễn Chí Tuyến. Tổ chức này nói Hà Nội sẽ vẫn sa lầy trong sự áp bức chừng nào họ còn tiếp tục giam giữ những người bất đồng chính kiến như Nguyễn Chí Tuyến, những người dám nói lên suy nghĩ của mình.”

Người đứng đầu tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), ông Phil Robertson thì cho rằng việc bắt giữ và kết án Nguyễn Chí Tuyến có động cơ chính trị do ông hành động vì lợi ích của toàn thể dân chúng và nói lên sự thật mà chế độ cộng sản lo sợ.

Thêm nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bênh vực nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến 

 

23/08/2024

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.

Bà Mary Aileen Diez-Bacalso, Giám đốc điều hành của tổ chức Forum – Asia có trụ sở tại Thái Lan cho rằng việc tuyên án này của Việt Nam đã “vi phạm trực tiếp” các nghĩa vụ quốc tế.

“Việt Nam đã là thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982 và đảm bảo quyền tự do ngôn luận theo Điều 25 của Hiến pháp. Bản án của ông Chí Tuyến hoàn toàn trái ngược với nghĩa vụ này”, trang The Online Citizen dẫn lời bà Diez-Bacalso cho biết.

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Chí Tuyến và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền được thông tin của người dân,” vị đại diện của Forum – Asia kêu gọi.

“Quyền tự do ngôn luận đang gặp khủng hoảng tại Việt Nam – mà việc bỏ tù nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến là một minh chứng”, tổ chức Article 19 viết trên trang X hôm 22/8.

Tổ chức nhân quyền Article 19 có trụ sở tại Anh kêu gọi cộng đồng toàn cầu “phải gây áp lực” buộc chính phủ Việt Nam bãi bỏ các điều luật mang tính đàn áp và kêu gọi Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền.

Qũy Nhân quyền (HRF) hôm 19/8 lên án bản án đối với ông Nguyễn Chí Tuyến và kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ông “ngay lập tức và vô điều kiện”.

“Bản án này là một ví dụ đáng báo động khác về sự xói mòn quyền tự do ngôn luận đang diễn ra trong nước”, tổ chức HRF có trụ sở tại Mỹ viết trên trang X.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các tuyên bố trên, nhưng chưa được phản hồi.

Trước đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Liên hiệp châu Âu (EU) đã chỉ trích bản án đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.

Hôm 15/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án nhà hoạt động kiêm Youtuber Nguyễn Chí Tuyến với mức án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Vào các dịp khác nhau, chính quyền Việt Nam thường bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này vi phạm nhân quyền. Hà Nội nói rằng họ tôn trọng các quyền căn bản của con người và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.