Seite auswählen

Ý nghĩa của từ “Vu Lan Bồn”

 

Dịp lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng, được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Có nhiều người thắc mắc rằng ý nghĩa của từ Vu Lan Bồn là gì? Mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu ý nghĩa của từ Vu Lan bồn nhé.

Vu Lan Bồn là gì?

Vu Lan bồn tiếng Phạn là “Ullambana”. Trong đó, Ullam dịch là “treo ngược” (đảo huyền), được ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana” tạm dịch là “cứu giúp”. 

Âm Hán Việt của cụm tiếng Phạn trên là giải đảo huyền. Thực tế, từ giải đảo huyền được các người sư lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự “giải thoát khỏi địa ngục cho những kẻ khổ sở tột cùng”. 

Ở Việt Nam, Vu Lan bồn được hiểu là cứu giúp cho những chúng sinh bị trói buộc trong nỗi khổ. Như vậy chúng ta có thể hiểu từ “Vu Lan bồn” có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Vu Lan bồn cũng được viết tắt là Vu Lan.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan bồn

Lễ Vu Lan bồn có nguồn gốc từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy pháp báo hiếu cha mẹ ở đời này cũng như tổ tiên ông bà cha mẹ của nhiều đời trước cho vị đại đệ tử của đức Phật là Đại hiếu Mục Kiền Liên.

Theo Kinh Vu Lan bồn, ngày xưa, khi ngài Mục Kiền Liên tu hành chứng quả A La Hán, đầy đủ lục thông và tưởng nhớ mẹ mình. Ngài đã dùng huệ nhãn tìm kiếm mẹ khắp nơi trong lục đạo rồi thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang bị đọa trong cõi ngạ quỷ, phải chịu đói khát khổ sở vô cùng.

Ngài liền dùng thần thông xuống cõi ngạ quỷ để dâng cơm cho mẹ của mình. Thế nhưng do tham sân che phủ, ác nghiệp nặng nề, nên khi bà Thanh Đề bốc cơm đưa vào miệng thì lập tức bà thấy cơm biến thành hòn than nóng không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lúc đó cũng không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về thưa hỏi đức Phật. 

Đức Phật chỉ dạy: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào thì một mình ông cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ oai lực của chư tăng khắp mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ cùng tập trung tụng kinh chú nguyện mới mong giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ”. 

Tuân theo lời đức Phật chỉ dạy, tôn giả Mục Kiền Liên cung thỉnh mười phương tăng, và sắm sửa lễ cúng vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Nhờ vào đó mà mẹ của Ngài được giải thoát cảnh khổ, về sau được sinh lên cõi trời. Nhân đây, đức Phật cũng dạy rằng: Tất cả chúng sinh, mọi người ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hiện đời cũng như tổ tiên nhiều kiếp thì hãy thực hành theo pháp Vu Lan. 

Lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. 

Nghi thức lễ Vu Lan Bồn

Nghi thức lễ Vu Lan bồn dựa theo “Vu Lan bồn kinh” được sáng tạo từ thời Lương Hoàng đế Tiêu Diễn. Đến đời Tống ý nghĩa cúng dường dần được thay thế bằng hình thức siêu độ vong linh cho người đã khuất qua nghi thức tụng kinh cúng thí thực.

Khi truyền bá vào Việt Nam, lễ Vu Lan bồn còn được gọi là Vu Lan báo hiếu. Thời gian diễn ra lễ Vu lan vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày lễ xá tội vong nhân. Tuy nhiên vào dịp này, mọi người không chỉ thực hành nghi thức Vu Lan trong ngày rằm tháng 7, mà còn thực hành trong tháng bảy âm lịch.

vu lan bồn

Vi vậy, tháng này cũng được coi là tháng báo hiếu. Trong thời gian này, các Phật tử đến chùa đọc kinh, niệm Phật cầu cho vong linh người thân quá cố được siêu thoát. 

Nói đến Vu Lan là nói về hai đấng sinh thành cha mẹ đã có công sinh dưỡng. Những người đã tận tụy hi sinh cả cuộc đời mình, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm sương để lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ và nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. 

Ngày Lễ Vu Lan để mỗi người con nhớ đến công ơn, sự hy sinh vô bờ bến và tình yêu thương bao la của cha mẹ. Công ơn đó lớn tựa như trời cao biển rộng, khó có thể đáp đền. Chính vì vậy, ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 

Một lòng thờ mẹ kính cha 

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con 

Khi tham dự lễ Vu Lan tại chùa, mỗi người sẽ được cài một bông hoa hồng lên ngực áo. Người còn cha mẹ sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng đỏ. Trong trường hợp chỉ còn cha hoặc mẹ, người dự lễ sẽ được cài bông hoa màu hồng nhạt. Hoa hồng trắng cài trên ngực áo dành cho những người đã mất cả cha và mẹ.

Mỗi bông hồng cài áo như một lời nhắc nhở mỗi người con phải biết tôn kính và quý trọng, yêu thương cha mẹ của mình kể cả khi cha mẹ còn hiện hữu trên đời cũng như khi cha mẹ đã không còn ở bên ta nữa.

Kết luận

Vu Lan bồn hay Vu Lan còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng nghìn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của người dân Việt Nam. 

Phật Sự Tản Viên tổng hợp

NHỮNG GIẢI THÍCH KHÁC NHAU VỀ
NGHĨA CỦA TỪ VU LAN BỒN[1]

Giáo sư Seishi Karashima* – Nguyên Hiệp dịch

 

Thư Viện Hoa Sen

1. Vu lan bồn (盂蘭盆), Vu lan bồn kinh (盂蘭盆經), và Vu lan kinh (盂蘭經)

Vu lan bồn (盂蘭盆) là tên của một lễ hội Phật giáo được tổ chức rộng rãi ở Đông Á. Lễ hội này được cử hành vào cuối kỳ an cư mùa mưa của cộng đồng Phật giáo, tức là vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Những vong linh được tin sẽ quay trở về nhà vào ngày này; và để tỏ lòng thành kính đối với họ, người ta đặt bày phẩm vật dâng cúng lên bàn thờ, đốt hương  thỉnh mời chư Tăng tụng đọc kinh chú, v.v. Tên của lễ hội này được dựa vào kinh Vu lan bồn (盂蘭盆經, T. 16, no. 685), được cho là do Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa, khoảng 265?-311 TL) dịch. Báo ân phụng bồn kinh (報恩奉盆經, T. 16, no. 686), không biết người dịch, rõ ràng là phỏng theo kinh Vu lan bồn.[2] Tuy nhiên, việc quy cho Trúc Pháp Hộ là dịch giả của kinh Vu lan bồn gây nên nghi ngờ khi bản kinh này được xếp loại như là một bản dịch không có tác giả trong một danh mục cổ, đó là Xuất Tam tạng ký tập (出三藏記集), mà nó được biên soạn vào thời Lương Thiên Lam (502-519 TL).[3] Lịch đại Tam bảo ký (歴代三寶記, 597 TL) là tác phẩm đầu tiên quy bản kinh này cho Trúc Pháp Hộ.[4] Yutaka Iwamoto nghi ngờ việc quy ghép dịch giả này và cả tính chân thực của nó như một bản dịch từ một bản kinh Ấn Độ, bởi vì những cụm từ “xa lạ” chẳng hạn như đạo nhãn (道眼), hiếu thuận (孝順), văn như thị (聞如是) xuất hiện ở trong đó.[5] Tuy nhiên, chính những cụm từ cổ này, mà sự thực chúng được tìm thấy trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva),[6] chứng minh rằng bản kinh này được dịch (hoặc biên soạn) vào thế kỷ III hoặc IV TL. Việc sử dụng ngô/吾 như là đại từ danh xưng ngôi thứ nhất, được tìm thấy trong bản kinh này, cũng hợp với việc ưu tiên sử dụng từ ngô thay cho ngã/我 của Trúc Pháp Hộ.[7]

Từ thế kỷ VI về sau, những đề cập khác nhau về bản kinh  lễ hội này bắt đầu xuất hiện. Những trích dẫn từ bản kinh được sử dụng đầu tiên ở trong Kinh luật dị tướng (經律異相), một tuyển tập những bài viết về Phật giáo, mà nó được những Tăng sĩ như Bảo Xước (寶唱), Tăng Mân (僧旻) cùng những người khác sáng tác vào năm 516 TL.[8] Chính lễ hội này cũng được đề cập trong Nhan thị gia huấn (顏氏家訓), do một học giả thời Bắc Ngụy tên là Nhan Chi Thôi (顏之推 531-591) viết.[9] Một phần của bản văn này cũng được trích trong luận giải của Đỗ Công Chiêm (杜公瞻, 600-?) về tác phẩm Kinh sơ tuế thời ký (荊楚歲時記, 561) của Tông Lẫm (宗懍).[10] Theo Phật Tổ thông kỷ (佛祖統紀, được biên soạn giữa 1258-1269), Lương Vũ Đế (梁武帝) đã thăm viếng chùa Đồng Thái (同泰寺) – ngôi chùa do ông ra lệnh xây dựng, và tổ chức trai lễ Vu lan bồn (盂蘭盆齋) ở đó vào năm 538 TL.[11] Điều này minh chứng sự phổ biến của bản kinh  lễ hội Vu lan ở cả hai bên bờ sông Trường Giang từ thế kỷ VI trở về sau.

Dựa trên những danh mục kinh cổ hơn và Kinh luật di tướng, bản kinh cho thấy nguyên thủy  tiêu đề  Vu lan kinh (盂蘭經).[12] Tiêu đề Vu lan bồn kinh (盂蘭盆經) chỉ xuất hiện trong những danh mục[13] và những bản kinh[14] tương đối trễ.

2. Bản dịch kinh Vu lan bồn (盂蘭盆經)

Bản kinh này do Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ (竺法護/Dharmarakṣa) người Nguyệt Thị (月氏) dịch sang Hán ngữ vào đời Tây Tấn. Bản dịch Việt ngữ như sau:

Tôi nghe như vậy.[15] Một thời, Đức Phật cư trú tại vườn của ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍada), ở rừng cây Kỳ-đà (Jetavana), nước Xá-vệ (Śrāvastī).

Bấy giờ Đại Mục-kiền-liên (大目乾連/Mahāmaudgalyāyana) vừa chứng đắc được lục thông, và ngài muốn cứu độ cha mẹ để đền đáp thâm ân trong việc nuôi dưỡng mình. Lúc ấy, khi dùng thiên nhãn[16]quán sát thế giới/gian (世間), ngài thấy rằng người mẹ quá cố của mình sinh vào thế giới ngạ quỷ. Nhận thấy vì không có thức ăn và nước uống, bà không còn gì ngoài da bọc xương, Mục-liên (目連/Maudgalyāyana) rất đau buồn và đi đến () trao cho () bà bát cơm của mình. Sau khi nhận lấy bát cơm, mẹ của ngài dùng tay phải bóc cơm lên, trong khi dùng tay trái che đậy nó. Tuy nhiên, trước khi cơm được đưa vào miệng, cơm ấy hóa thành than lửa và do đó bà không thể ăn nó. Mục-liên đau buồn than khóc và quay về gặp Đức Phật, bạch với Ngài những gì đã xảy ra.

Đức Phật nói: “Vì tội lỗi của mẹ ông có gốc rễ sâu dày, nên (một mình) ông không thể cứu được bà. Mặc dù ông có lòng hiếu thảo, và tiếng (than khóc) của ông lay động trời đất, (nhưng ngay cả) thiên thần, địa thần, Dạ-ma (邪魔/Māra[17]), những vị ngoại đạo[18] hay Tứ Đại thiên vương cũng không thể làm gì cứu được bà ấy. Ông cần nên cầu đến oai thần của của Tăng chúng trong mười phương, khi ấy bà sẽ được cứu thoát. Bây giờ ta sẽ nói với ông cách để cứu bà, ngõ hầu bà có thể thoát khỏi tất cả những khó khăn, và những buồn phiền đau khổ (憂苦) của bà có thể được trừ diệt.”

Thế rồi Đức Phật nói với Mục-liên: “Khi Tăng chúng mười phương tham dự lễ Tự tứ (自恣/Pravāraṇā) vào ngày 15 tháng Bảy, người ta – vì lợi ích của tổ tiên trong bảy đời và cha mẹ hiện tại của họ, những người đang chịu khổ đau – nên sửa soạn cơm, thức ăn một trăm vị, năm loại quả, những chiếc chậu (盆器) dùng để múc và rót nước, hương, dầu, đèn, nến, nệm và giường; đặt những thức ăn ngon nhất thế gian vào trong những chiếc bát (), và dâng những thứ này cho mười phương Tăng. Vào ngày đó, tất cả những vị Thánh – những người hành thiền trong núi rừng; những người đã chứng được Tứ đạo quả; những người kinh hành dưới các cội cây; những vị Thanh văn và những bậc Duyên giác đầy đủ lục thông, tự tại giáo hóa; hoặc những vị Đại nhân (大人 mahāsattva) là Bồ-tát Thập địa nhưng hiện thân làm Tỳ-kheo – tất cả nhất tâm thọ nhận cơm bát-hòa-la (鉢和羅飯) ở nơi đại chúng. Những người này giữ giới thanh tịnh và giữ con đường của Thánh chúng một cách trọn vẹn; phẩm đức của họ thì rộng lớn. Nếu người nào cúng dường cho những vị Tăng tham dự lễ Tự tứ này, cha mẹ hiện thời  tổ tiên bảy đời của họ, cũng như sáu loại bà con quyến thuộc (六種親屬), sẽ có thể giải thoát khỏi khổ đau trong ba đường, được giải thoát ngay tức thời và sẽ tự nhiên có được thức ăn đồ mặc. Nếu cha mẹ của người ấy còn sống, họ sẽ hưởng được phước lạc trong một trăm năm. Nếu họ đã qua đời, (họ cũng như) tổ tiên bảy đời sẽ sinh về cõi trời. Họ được sinh theo ý họ muốn và đi vào ánh sáng của thiên hoa và thọ nhận phước lạc vô lượng.”

Lúc đó, Đức Phật bảo thập phương chúng Tăng trước hết nên chú nguyện (呪願/dakṣiṇā) cho cha mẹ bảy đời vì lợi ích của gia đình thí chủ, thực hành thiền định và sau đó thọ nhận thực phẩm. Sau khi nhận những chiếc bát (), họ trước hết nên đặt chúng phía trước tháp Phật. Khi chúng Tăng chú nguyện xong, mỗi người trong họ sau đó có thể thọ nhận thức ăn.

Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Mục-liên và chúng Đại Bồ-tát tất cả đều vô cùng hoan hỷ và tiếng khóc than của Mục-liên hoàn toàn chấm dứt. Vào chính ngày hôm đó, mẹ của Mục-liên được giải thoát khỏi kiếp khổ làm ngạ quỷ.

Khi ấy Mục-liên lại bạch với Phật: “Cha mẹ của con nhận được công đức của Tam bảo nhờ vào sức mạnh  oai thần của chúng Tăng. Trong tương lai, tất cả những đệ tử Phật, (những người muốn) thực hành hiếu hạnh, có thể dâng bát Vu lan (應奉盂蘭盆)[19] (cho chúng Tăng) để cứu cha mẹ  tổ tiên bảy đời của họ không?

Đức Phật trả lời: “Lành thay! Ông đã đưa ra một câu hỏi rất hay. Ông hỏi ta về điều ta định nói với ông. Thiện nam tử, nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, vua, thái tử, công chúa, đại thần, tể tướng, tam công, quan chức các cấp, và dân chúng (thứ dân) mong muốn thực hành hiếu từ (孝慈),[20] tất cả họ, vì lợi ích của cha mẹ hiện tiền-những người đã sinh ra họ[21] (所生現在父母), cũng như vì lợi ích của tổ tiên bảy đời của họ, vào ngày 15 tháng Bảy, (tức là vào) ngày Đức Phật hoan hỷ, ngay Tự tứ (自恣/Pravāraṇā) của Tăng chúng, nên đặt thức ăn đồ uống trăm vị vào trong những chiếc bát Vu lan (以百味飮食安盂蘭盆中) và rồi dâng chúng cho chư Tăng, những người tham dự Tự tứ, mong muốn rằng cha mẹ hiện tiền của họ sẽ sống một trăm năm không đau bệnh, không khổ đau phiền muộn nào, tổ tiên bay đời của họ sẽ thoát khỏi khổ đau của ngạ quỷ, được sinh về cõi người  cõi trời và hưởng được phước lạc không cùng tận.”

Đức Phật nói:[22] “Những thiện nam thiện nữ  đệ tử của Phật, nếu (muốn) thực hành hiếu, họ nên thường nghĩ nhớ đến cha mẹ hiện tiền  tổ tiên bảy đời của họ.[23] Mỗi năm, vào ngày 15 tháng Bảy, vì lòng hiếu thuận,[24] họ nên[25] nghĩ về cha mẹ của họ, người đã sinh ra họ (所生父母), và tổ tiên bảy đời của họ. Vì lợi ích của những người này, (họ nên) sắm sửa những chiếc bát Vu lan và dâng chúng cho Phật và Tăng chúng (作盂蘭盆施佛及僧), và như vậy báo đáp được ân thương yêu của cha mẹ họ, những người nuôi dưỡng họ. Tất cả những đệ tử Phật nên phụng hành theo lời dạy () này.”

Lúc bấy giờ, khi nghe những gì Đức Phật thuyết giảng, Tỳ-kheo Mục-liên và bốn hàng (四輩) đệ tử[26] hoan hỷ phụng hành.

3. Lễ Tự tứ và việc dâng cúng của người tại gia

Những gì Đức Phật dạy trong bản kinh này là rằng, những người muốn thực hành hiếu và cứu cha mẹ  tổ tiên bảy đời của họ thoát khỏi cảnh khổ, thì vào ngày lễ Tự tứ (自恣/Pravāraṇā), tức là vào ngày 15 tháng Bảy, nên dâng cúng thức ăn được đặt trong những chiếc bát cho Tăng chúng trong mười phương, những người đang tham dự lễ Tự tứ. Thực phẩm ấy được gọi là Bát-hòa-la phạn (鉢和羅飯). Ngoài ra, vì thức ăn này được đặt trong những chiếc bát Vu lan (以百味飮食安盂蘭盆中), nên chính thức ăn đó cũng được gọi là “Vu lan bồn” (盂蘭盆).

Pravāraṇā (Pāli: Pavāraṇā), Hán dịch là Tự tứ (自恣) và Tùy tức (隨意), là một buổi lễ được chư Tăng tổ chức vào cuối ba tháng an cư mùa mưa. Trong Phật giáo Theravāda và ở Nepal, nó từng và vẫn được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Bảy hoặc tháng Tám, tức là tháng Āśvina (tháng Chín đến tháng Mười) hoặc tháng Kārttika (tháng Mười-tháng Mười một) – gần đầu tháng Caitra (tháng Ba-Tư) ở Ấn Độ và những quốc gia Nam Á. Ở Đông Á, lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch, nơi năm mới bắt đầu vào tháng Giêng hoặc tháng Hai. Vào ngày này, mỗi vị Tăng đến trước chúng Tăng sám hối tội lỗi mà vị ấy có thể phạm trong kỳ an cư mùa mưa và mong được xá tội.[27] Những thủ tục của ngày Tự tứ được mổ tả trong các tạng Luật (Vinaya) khác nhau.[28]

Luật tạng Pāli nói rằng, vào ngày Tự tứ, người dân địa phương đến trú xứ của chư Tăng  cúng dường cho đến gần hết đêm.[29]

Bản dịch Tạng ngữ và Hán ngữ[30] Pravāraṇāvastu (Tự tứ pháp) của Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin) cũng nói như sau, về những người tại gia thăm viếng cộng đồng Tăng lữ với những phẩm vật cúng dường vào ngày đó:

Ngoài ra, vào chính ngày 15, tức là ngày Tự tứ (Pravāraṇā), vua, hoàng hậu, thái tử, đại thần, quan lại, thị dân và dân làng cùng đi đến chùa (ārāma). Bấy giờ nhà vua cúng dường rất nhiều y phục và đồ ăn thức uống khác (āmiṣa-lābha, 諸飲食) cho Tăng chúng; hoàng hậu, thái tử, đại thần, quan lại, thị dân và dân làng cũng làm như vậy, cúng dường nhiều y phục và đồ ăn thức uống cho Tăng chúng. Vị Tỳ-kheo phụ trách thuyết pháp cũng thuyết giảng suốt đêm.[31]

Luật tạng của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) cũng nói:

Nếu những Tỳ-kheo, những người trải qua kỳ an cư mùa mưa ở trong một ngôi làng, nghe rằng ở thành phố nọ có cúng dường vật phẩm và thuyết pháp suốt đêm vào ngày Tự tự, và tất cả họ muốn đến (thành phố đó), họ nên thực hiện lễ Tự tứ vào ngày 14 và sau đó đến đó.[32]

Lại nữa, nhà chiêm bái nổi tiếng Trung Quốc  Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713 TL), người đã đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ VII và tu học ở đó 25 năm, sau đó quay trở về Trung Quốc và dịch nhiều kinh-luật, đã mô tả chi tiết lễ Tự tứ mà ông đã chứng kiến ở trong Nam hải ký ky nội pháp truyện (南海寄歸内法傳).[33] Ở chương XV, Về ngày Tự tứ, ông miêu tả như sau:[34]

Vào ngày kỳ an cứ kết thúc và hết năm, nên tùy ý[35] chỉ ra những lỗi lầm của người khác, như mình muốn, theo ba điểm (đó là những gì mình thấy, nghe và nghi). Rồi theo sự nhận tội  sám hối. Trước đó Pravāraṇā được dịch là tự tứ (自恣),[36] tức theo nghĩa của nó là “tùy ý”.

Vào đêm mười bốn, hội chúng mời một vị giáo thọ an tọa trên một chỗ ngồi cao và tụng một bản kinh, khi ấy những cư sĩ tại gia cũng như chư Tăng tụ hội lại với nhau giống như mây (quần tụ lại). Họ liên tục đốt đèn và dâng cúng hương hoa. Vào buổi sáng tiếp theo, tất cả họ đi quanh làng và thành phố và phụng cúng tất cả điện thờ (kaitya) với tâm thành kính.

Họ mang những chiếc xe ngựa có tầng, những bức tượng trong những chiếc kiệu; trống và âm nhạc vang vọng cả bầu trời, cờ phướn và dù lộng được kéo lên cao theo thứ bậc cân đối; điều này được gọi là sāmagrī, mà nó được dịch là “hòa hợp” hay “tụ hội cùng nhau”. Tất cả những ngày Upasatha lớn là những ngày giống như ngày này. Điều này là những gì ở Trung Quốc chúng ta gọi là “Lễ diễu hành quanh phố”. Vào đầu buổi sáng (9-11h), họ trở lại tu viện. Vào buổi trưa họ tiếp tục lễ Upavasatha lớn, và vào buổi chiều tất cả tập họp lại, mỗi người nắm một búi cây cói tươi. Cầm bằng tay hay lấy chân dẫm lên trên nó tùy theo họ muốn, đầu tiên là những vị Tỳ-kheo, kế tiếp là Tỳ-kheo-ni, sau đó là ba lớp thành viên thấp hơn. Nếu sợ rằng thời gian kéo quá dài do đông người, Tăng đoàn sẽ chỉ dẫn cho nhiều thành viên đi cùng nhau và nhận lễ Pravāraa. Mỗi khi ai đó bị chỉ ra phạm tội, người ấy sẽ sám hối theo luật.

Vào lúc này, người cư sĩ tại gia hoặc phát quà, hoặc chính Tăng đoàn sẽ phát, và tất cả các loại quà được mang ra trước hội chúng. Bấy giờ năm vị cao đức nên hỏi những những vị Thượng tọa/Sthavira (其五徳應問上坐云): “Những thứ này có thể cúng dường cho thành viên của Tăng đoàn và họ có thể sở hữu chúng hay không?” Những vị Thượng tọa (là những người đứng đầu hội chúng) trả lời: “Vâng, họ có thể”. Sau đó tất cả y áo, dao, kim, dùi v.v… được nhận và được phát đồng đều. Như vậy là lời dạy (của Đức Phật). Lý do tại sao họ tặng kim và dùi vào ngày này là vì rằng họ muốn người nhận có được hiểu biết  trí tuệ sắc bén. Khi lễ Tự tứ ấy kết thúc, tất cả theo đường của họ mà về. Nếu họ thực hiện đầy đủ thời gian cư ngụ vào mùa hè thì không cần phải trải qua một đêm ở đó. Điều này được giải thích đầy đủ nơi khác, và tôi sẽ không nói chi tiết ở đây.

Như vậy, rõ ràng là ở Ấn Độ, dân chúng đã cúng dường vào ngày lễ Tự tứ, như được nói trong kinh Vu lan bồn.

Trong Phật giáo Theravāda, lễ Tự tứ vẫn được tổ chức vào ngày này. Nó được gọi là Wan Ok Phansa trong tiếng Thái và Boun Awk Phansa trong tiếng Lào. Nó cũng được đề cập đến như là Mahāpavāraṇā. Ngày này rơi vào ngày trăng tròn tháng trăng thứ 11 (tháng 10). Vào lúc bình minh hay buổi sáng, người tại gia đến chùa cúng dường thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác cho chư Tăng để cầu phước; và chư Tăng đáp lại việc cúng dường ấy bằng việc thuyết pháp cho họ. Vào buổi tối, hoặc có những buổi rước đèn được tổ chức quanh các ngôi chùa hoặc dân chúng thả những “chiếc thuyền” nhỏ được làm bằng thân hoặc lá chuối, trang trí bằng đèn nến và hoa, thả xuống sông hay suối.[37]

4. Hiếu, cứu độ cha mẹ  tổ tiên quá vãng

Kinh Vu lan bồn thường bị xem là một ngụy tác. Một trong những lý do cho việc quy ghép này là vì hiếu thuận (孝順) được đề cao trong bản kinh này. Quan điểm rằng hiếu là tư tưởng đặc trưng của truyền thống Trung Quốc  xa lạ với Phật giáo thường được tìm thấy trong những cuốn sách và bài viết về Phật giáo. Tuy nhiên điều này không đúng.[38] Ví dụ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Siṅgālovāda-sutta) thuộc Trường bộ (Dīghanikāya), mà nó có những bản tương ứng bằng tiếng Sanskrit và Hán ngữ của những tông phái khác nhau,[39] miêu tả bổn phận của người cư sĩ đối với cha mẹ của mình như sau:

Bằng năm cách một người con nên chăm sóc cha mẹ của mình như phương Đông: (Người con nên nghĩ): “Đã từng được cha mẹ nuôi nấng, bây giờ ta phải nuối nấng cha mẹ; ta phải thực hiện những bổn phận của mình đối với họ; ta phải giữ gìn dòng dõi gia đình; ta phải quản lý tài sản thừa kế (một cách đúng đắn); ta phải dâng cúng cho cha mẹ khi họ qua đời (petāna kālakatāna dakkhia anuppadassāmi). (DN III 189.5-9).

Lại nữa, chúng ta thấy một số bản chữ khắc bằng tiếng Kharoṣṭhī từ Ấn Độ và Pakistan nói rằng người ta xây chùa và tạc tượng cúng dường cho Tăng đoàn  cha mẹ quá vãng của họ.[40] Ví dụ, một bản khắc chữ Kharoṣṭhī nơi bệ một bức tượng Bồ-tát được cho là từ Landi Kotal (một thành phố nhỏ nằm trên đỉnh Khyber Pass) ở Pakistan đã viết như sau:

Một sự cúng dường cho các Tăng đoàn (trong bốn phương). Đây là một sự dâng cúng (pūjā) vì cha mẹ quá cố (của chúng tôi)! Đây là một sự dâng cúng (pūjā) vì đạo sư Saghārāma quá vãng![41]

Cứu độ cha mẹ quá vãng ở nơi thế giới preta (quỷ đói) đôi khi được xem là xa lạ đối với Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, Takashi Irisawa (1990: 154) và Akira Fujimoto (2003) đã chỉ ra rằng, có những câu chuyện trong văn học Pāli và Sanskrit đã mô tả việc những đệ tử Phật cứu độ các preta.

Trong Petavatthu, chúng ta thấy có một câu chuyện giống với kinh Vu lan bồn, đó là Sāriputtattherassa mātupetīvatthu (Chuyện người mẹ Petī của Trưởng lão Xá-lợi-phất; Pv, no. 14), ở đó Xá-lợi-phất (Sāriputta, Śāriputra) đã cứu mẹ của mình, người tái sinh làm một nữ quỷ (petī), bị khổ sở vì đói khát và ăn máu mủ của người lẫn thú vật. Bà kêu cầu con bà là Xá-lợi-phất hãy cứu bà: “Con ơi, hãy bố thí cho mẹ, và khi con bố thí cho mẹ (uddisāhi me) – chắc chắn rằng khi ấy mẹ sẽ không còn phải ăn máu mủ nữa”.[42] Sau khi nghe mẹ nói, Xá-lợi-phất “dựng bốn túp lều và dâng những túp lều đó cùng với thức ăn đồ uống cho Tăng đoàn trong bốn phương và sau đó hồi hướng việc bố thí đó cho mẹ của mình (mātu dakkhiāya ādisi). Ngay khi ông hồi hướng việc làm này, kết quả liền có mặt. Thức ăn, đồ uống và y phục là kết quả của sự bố thí này (dakkhiāya). Ngay sau đó, người mẹ trở nên sạch sẽ, được khoác áo quần mới sạch, mang những thứ xinh đẹp hơn đồ của xứ Kāsi (Ca-thi)…”.[43]

Ngoài ra, Irisawa (1990: 154) cũng cho biết rằng có những câu chuyện ở trong Avadānaśataka (nos. 41-45 = T. 4, no. 200, 222b-224c) có những mô-típ giống như kinh Vu lan bồn. Đặc biệt câu chuyện số 45 (Avś I 256f.) rất giống với bản kinh này. Câu chuyện kể rằng Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) đã gặp năm trăm preta trên đường đến Rājagṛha. Những vị này đã giải thích cho ngài cách họ trở thành những preta và yêu cầu ngài truyền đạt cho bà con của họ ở Rājagṛha về quả bảo những việc làm xấu ác của họ. Họ cũng yêu cầu ngài đề nghị bà con của họ “tùy hỷ cúng dường” (chandakabhikaa)[44] thực phẩm cho Tăng đoàn với Đức Phật là người đứng đầu, và vì họ mà hồi hướng phước đức có được từ những việc bố thí này (asmāka nāmnā dakiādeśanā kārayitvā),[45] để họ có thể giải thoát khỏi cảnh giới preta.[46] Sau khi đồng ý làm như vậy, Mục-kiền-liên viếng thăm bà con của các preta này và bảo họ chuẩn bị “tùy hỷ cúng dường” và thỉnh mời Tăng đoàn với Đức Phật là người đứng đầu đến vào ngày hôm sau. Sau khi đã làm như vậy, ngài bảo với cả các preta và thân quyến của họ rằng họ sẽ gặp nhau vào ngày hôm sau.

Vào sáng hôm sau, khi thực phẩm được chuẩn bị và đúng giờ đã định, các preta không xuất hiện. Mục-kiền-liên cố dùng thần lực tìm kiếm họ nhưng không có kết quả; ngài không nhìn thấy họ bất kỳ nơi đâu trong toàn thế giới. Lo lắng, ngài đến gặp Phật và bạch với Phật rằng ngài không thể nhìn thấy những người bố thí (dānapati). Đức Phật trả lời rằng họ đã bị ngọn gió nghiệp (karmavāyu) thổi bay đi và rằng có vô số thế giới mà nó vượt qua khả năng nhìn thấy của các Thanh văn  Bích Chi Phật. Sau đó, nhờ vào năng lực thần thông của Phật, các preta nhìn thấy cảnh Đức Phật  chư Tăng đang thọ thực. Các preta cũng nhớ lại việc những người thân của họ vì họ mà cúng dường cho Đức Phật  chư Tăng. Sau đó, Đức Phật hồi hướng phước đức bố thí (dakiām ādiśati) như sau: “Nguyện hồi hướng phước đức bố thí này đến các preta! Nguyện họ sẽ thoát khỏi thế giới preta đáng sợ!” Nhờ tin vào Đức Phật, những preta đã sinh vào cõi trời Tam thập tam (Trāyastriṃśat) sau khi mạng chung.

Như vậy, hiếu và cứu độ cha mẹ  tổ tiên quá vãng, như được miêu tả trong kinh Vu lan bồn, mà nó thường được xem là xa lạ với Phật giáo Ấn Độ, sự thực được chứng thực rõ nguồn văn học của nó.

5. Những giải thích thức trước đây về Vu lan bồn (盂蘭盆)

5.1. Giải thích của Huyền Ứng (玄應)

Nghĩa của Vu lan bồn đã được thảo luận rộng rãi hơn một thế kỷ, và một số lượng lớn các bài viết và sách vở nhằm giải quyết từ ngữ khó hiểu này đã được xuất bản. Tôi sẽ không liệt kê những nghiên cứu đó và thay vì vậy xin giới thiệu cho độc giả quan tâm những tác giả sau để đọc thêm: Ashikaga 1951, Teiser 1988: 21-25, và Irisawa 1990: 159-166.[47] Tất cả những bối rối quanh nghĩa của từ này xuất phát từ giải thích sai lầm của Huyền Ứng trong Nhất thiết kinh âm nghĩa (一切經音義), mà nó được xuất bản vào năm 650 TL. Giải thích của ông về từ này như sau:

Vu lan bồn (盂蘭盆). Từ này bị sai. Hình thức đúng là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), có nghĩa là “treo ngược”. Theo phong tục Ấn độ, vào ngày Tự tứ (Pravāraā) của Tăng đoàn, (những người tại gia) chuẩn bị nhiều thí phẩm và cúng dường cho Tăng đoàn để tổ tiên quá vãng của họ được cứu thoát khỏi sự đau đớn cùng cực của việc bị treo ngược. Do đó, một quyển sách thế tục ở đó (tức ở Ấn Độ) nói: “Nếu một thân quyến quá vãng đã phạm những tội ác, và vị ấy không có con cháu, và không có ai phụng cúng chư thần linh để thỉnh cầu họ cứu giúp người ấy, thì người ấy sẽ chịu khổ đau cùng cực của việc bị treo ngược ở trong quỷ giới.” Mặc dù các Phật tử không theo những tập tục thế gian như vậy và không thực hiện nghi lễ này, họ dạy (dân chúng) gieo trồng phước đức sâu vào cánh đồng Tam bảo. Về truyền thống, người ta nói rằng Vu lan bồn[48] là một cái chậu chứa đựng thức ăn. Giải thích này sai.[49]

 5.2. Những giải thích hiện đại

Thời hiện đại, những học giả Phật giáo đã có hơn 130 năm nghiên cứu về hình thức Sanskrit của từ Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏) cũng như Vu lan bồn (盂蘭盆), bắt đầu với Bunyiu Nanjio (南條文雄), người tái dựng lại từ Ô-lam-bà-noa như là Ullambana (Skt. Avalambana: treo ngược?) trong danh mục kinh điển Phật giáo nổi tiếng của ông.[50] Việc tái dựng này đến từ tiếng Pāli Ullumpana (cứu, giúp) của những học giả Nhật Bản khác. Cũng có những học giả khẳng định rằng Vu lan bồn có thể là urvan (linh hồn) trong tiếng Sogdia (tiếng Ba Tư cổ), ulavān ( <artavān māh; tên của tháng đầu tiên trong năm của Iran), hay hufrawardān ([lễ cúng] những người quá vãng) trong tiếng Iran.

5.3. Giải thích của Huyền Ứng là không đáng tin cậy

Có hai sự nhầm lẫn cơ bản mà chúng đã gây nên sự tranh luận như vậy tập trung quanh từ nguyên Vu lan bồn. Thứ nhất là những học giả quá tin vào Nhất thiết kinh âm nghĩa của Huyền Ứng. Là phụ tá của Huyền Trang, Huyền Ứng tham gia vào việc phiên dịch kinh Phật tiếng Sanskrit sang Hán ngữ và biên soạn Nhất thiết kinh âm nghĩa, bao gồm 25 quyển, theo lệnh của triều đình. Ở nơi tác phẩm chú giải thuật ngữ đồ sộ này, ông bình luận về 450 bản kinh Hán ngữ bằng việc giải thích những từ, cụm từ và phiên âm Hán ngữ khó. Hẳn nhiên là ông có một hiểu biết rất vững về tiếng Sanskrit. Tuy nhiên, vấn đề là, ông hầu như chỉ biết mỗi tiếng Sanskrit mà không biết những ngôn ngữ Trung Ấn khác, đặc biệt tiếng Gāndhārī, mà nó có thời được sử dụng rộng rãi trong nhiều bản kinh Phật nhưng sau đó không được sử dụng lâu trước thời của ông. Do đó, những nhận xét của ông về những bản dịch cổ hơn thường bỏ qua điểm này, như tôi đã chỉ ra ở nơi khác.[51] Ví dụ, những nhận xét xủa ông về mã não/馬腦 = 瑪瑙 là như sau:

Mã não/馬腦: Tiếng Sanskrit là Mô-tát-la-yết-bà/謨薩羅掲婆 (musalagarbha). Mô-tát-la/謨薩羅 (musala) có nghĩa là “cái chày” trong Hán ngữ; yết-bà/掲婆 (garbha) có nghĩa là “kho chứa” trong Hán ngữ. Nó cũng có nghĩa là “mầm phôi”, đề cập đến tính rắn chắc của nó (tức của mã não). Trong quá khứ, nó cũng được gọi là ma-sa-la-cà-lệ/摩娑羅伽隸 (masāragalla), hay mục-tát-la-cà-la-bà/目薩羅伽羅婆 (musāragalva). Nó được dịch là mã não/ . Tôi cho rằng nó được gọi như vậy bởi vì màu sắc của loại đá quý này đôi khi giống với màu sắc của óc/não con ngựa. Tuy nhiên, nơi các từ điển, từ thạch/ được thêm vào những chữ này và do đó chúng được viết là 碼碯 để cho biết rằng đó là một loại đá.[52]

Như vậy, Huyền Ứng giải thích mã não/馬腦 là một sự dịch nghĩa từ Sanskrit musalagarbha (= musāragarbha, masāragarbha, musāragalva; thạch anh tím?),[53]  nhận xét rằng nó được gọi như vậy bởi vì màu sắc của nó giống với óc/não của một con ngựa! Sự giải thích kỳ lạ này thậm chí vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.[54] Tuy nhiên, trong thực tế, mã não/馬腦 (đá mã não) là một sự phiên dịch từ Sanskrit aśmagarbha (ngọc lục bảo), và hình thức khác của nó aśvagarbha, được tìm thấy trong những bản kinh cổ hơn.[55] Một dịch giả Trung Quốc cổ đại có thể dịch từ này như là bao gồm aśva (ngựa) và garbha (bào thai; cái bên trong của thứ gì đó; một khoảng trống bên trong; phôi thai) và như vậy đã dịch nó là mã não/馬 腦, có nghĩa đen là “não của một con ngựa”. Vị ấy có thể đã dịch garbha là não/腦 bởi vì hình thù của não thì giống như một phôi thai trong bào thai.

Huyền Ứng cũng giải thích sát/刹, cấu trúc hình đĩa nhiều tầng bên trên một ngôi tháp, là một sự phiên âm từ Sanskrit ketra (cánh đồng) và thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng về từ này. Tuy nhiên, như tôi đã chỉ ra nơi khác, chữ sát/刹 là một sự phiên âm từ Sanskrit chattra (cái dù/lọng, một cấu trúc hình đĩa ở trên một ngôi tháp).[56]

Như vậy, kiến thức của Huyền Ứng về những ngôn ngữ Ấn Độ  hoàn toàn đáng nghi ngờ. Giải thích của ông về Vu lan bồn/盂蘭盆 cũng là một trong nhiều giải thích kỳ dị của ông. Như vậy, những thuyết hiện đại được nói ở trên liên quan đến thuật ngữ này mà chúng căn cứ từ việc tái dựng mơ hồ của ông, do vậy không có cơ sở.

5.4. Cần đọc chính bản kinh

Nhầm lẫn thứ hai, mà nó đã gây ra rất nhiều lẫn lộn xung quanh nghĩa Vu lan bồn, là rằng hầu hết các học giả đã nghiên cứu từ Vu lan bồn ở bên ngoài ngữ cảnh ban đầu của nó. Nếu nó có nghĩa là “treo ngược, “cứu vớt”, “linh hồn”, tên gọi một tháng hay một lễ hội, vậy thì cụm từ “dĩ bách vị ẩm thực an Vu lan bồn trung/以百味飮食安盂蘭盆中” (đặt thức ăn đồ uống một trăm vị vào trong Vu lan bồn) có thể giải thích thế nào? Như chúng ta sẽ thấy ở sau, Vu lan bồn rõ ràng có nghĩa là một cái chậu ở nơi ngữ cảnh ban đầu của nó.

6. Nghĩa của Vu lan/盂蘭 và Vu lan bồn/盂蘭盆

Như chúng ta đã thấy ở trên, bản kinh này có tiêu đề  Vu lan kinh/盂蘭經, trong khi tên gọi Vu lan bồn kinh/盂蘭盆經 xuất hiện lần đầu không sớm hơn năm 695 TL ở trong Đại Chu san định chúng kinh mục lục/大周刊定衆經目録.[57] Sự thật này cho thấy rằng chúng ta không nên giải thích cụm từ này như là một từ duy nhất mà như một từ ghép bao gồm Vu lan/盂蘭 và bồn/盆.

Như được đề cập ở trước, từ Vu lan bồn/盂蘭盆 xuất hiện ba lần trong bản kinh, đó là:

 (1) Ưng phụng Vu lan bồn/應奉盂蘭盆: (Những người mong muốn thực hành hiếu hạnh) nên dâng những chiếc bát Vu lan (cho Tăng chúng).

(2)  bách vị ẩm thực an Vu lan bồn trung/以百味飮食安盂蘭盆中: (Những người mong muốn thực hành hiếu hạnh nên) đặt thức ăn đồ uống trăm vị vào những chiếc bát Vu lan.

(3) Tác Vu lan bồn thí Phật cập Tăng/作盂蘭盆施佛及僧: (Những người mong muốn thực hành hiếu hạnh nên) chuẩn bị những chiếc bát Vu lan và dâng chúng cho Đức Phật  Tăng chúng.

Từ đoạn hai, rõ ràng rằng Vu lan bồn/盂蘭盆 là một loại chậu đựng thức ăn. Do đó, bồn/盆 ở trong từ ghép này đơn giản có nghĩa là “bát” như ở nơi cách dùng Hán ngữ thông thường. Từ đoạn một và hai, rõ ràng rằng một chiếc bát có thức ăn bên trong, được dâng cho Đức Phật  Tăng đoàn vào dịp Tự tứ (Pravāraṇā), được gọi là một “chiếc bát Vu lan” (盂蘭盆).

Hầu như chắc chắn rằng Vu lan/盂蘭 là một sự phiên âm.[58] Vì, ngoại trừ Vu lan/盂蘭, không hề có trường hợp chữ bồn/盂 được sử dụng như một sự phiên âm trong toàn bộ kinh điển Phật giáo, do đó khó để đoán định hình thức gốc của nó. Tuy nhiên, có một chữ, mà nó giống như chữ vu/盂, thuộc về phân loại ngư/魚 trong Hán ngữ cổ đại và vần ngu/虞 trong Hán ngữ trung đại, đó là cù/瞿 (cũng được phát âm là cụ). Trúc Pháp Hộ và những dịch giả đầu tiên khác đã sử dụng chữ cù/瞿 này để dịch từ Sanskrit go  ko; chẳng hạn Cù-đàm-di 瞿曇彌 (Pā. Gotamī, Skt. Gautamī; T. 9, no. 263; 286 TL), Cù-đàm-ma/瞿曇摩 (Pā. Gotama, Skt. Gautama; T. 1, no. 1, 107b15 v.v…; 412-413 TL), Cù-xá-lợi/瞿舍利 (BHS. Gośālī; ib. 107b15), Cù-di/瞿夷 (Skt = Pā. Gopikā; ib. 63c3), Cù-ba-lê/瞿波梨 (BHS. Kokālika; ib. 126a16).[59]

Do đó, từ chữ Vu lan/盂蘭, ta có thể giả định olān(ā), olā(ā), orān(ā), orā(ā) như là hình thức gốc của nó. Đáng tiếc, không hề có hình thức Ấn Độ như vậy mà nó tạo nên nghĩa trong ngữ cảnh này. Như chúng ta đã thấy ở trên, Vu lan/盂蘭 là một thuộc ngữ của bồn/盆, một cái chậu. Nó có thể là một tính từ như “tuyệt vời, vĩ đại, bằng gỗ, bằng sắt” v.v, hay một danh từ mà nó chỉ cho một nơi chốn hay một dịp lễ (chẳng hạn như tên một lễ hội). Cũng có thể rằng nó có nghĩa là thứ ở bên trong một chiếc bát, chẳng hạn như “bát (nước), bát (cà-ri), bát (cơm)” v.v, và phần ở bên trong này phải là một thứ cúng dường cho Tăng đoàn vào ngày Tự tứ. Sự lựa chọn cuối (tức là cơm), theo tôi, hợp lý hơn những khả năng khác.

Như vậy, câu hỏi tiếp theo ở đây là: thứ gì đã và vẫn được dâng cúng trong những chiếc bát như vậy vào dịp lễ Tự tứ  Ấn Độ, ở những quốc gia Phật giáo Theravāda và Đông Á? Thứ phổ biến nhất và có khả năng nhất là cơm, mà nó được gọi là odana trong tiếng Sanskrit và Pāli. Odana là thực phẩm được cúng dường khi các Tỳ-kheo được mời thọ trai. Ví dụ, ở trong kinh Prātimoka (Pāli: Pātimokkha), bản kinh có niên đại sớm nhất, odana có nghĩa là “cơm nấu”, được đề cập cùng với sūpa (súp) và vyañjana (đồ gia vị), là những thứ được dâng cúng cho chư Tăng.[60] Odana như thí phẩm xuất hiện mọi nơi trong văn học Pāli và Sanskrit.[61] Odana là cơm nấu khô,[62] mặc dù đôi khi nó được định nghĩa là “cháo đặc”.

Nơi ngôn ngữ Trung Ấn, bao gồm Pāli and Gāndhārī, -d- thỉnh thoảng được đổi thành -l-,[63] chẳng hạn từ Sanskrit ādīpayati được đổi thành từ Pāli ālimpeti; từ Sanskrit kumuda được đổi thành tiếng Gāndhārī là kumula. Cũng có khá nhiều sự phiên âm Hán ngữ cổ mà chúng cho thấy sự phát triển này nơi những ngôn ngữ cơ sở, chẳng hạn như câu-văn-la/拘文羅/ (Gā. kumula đổi thành Skt. kumuda) trong bản dịch Hán ngữ kinh Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā của Chi-lâu-ca-sấm (179 TL)[64]. Sau đây là những trường hợp từ việc chuyển dịch Hán ngữ kinh Trường A-hàm (Dīrghāgama, T. 1, no. 1; 413 C.E.): cà-cà-la/伽伽羅 (13a13, 34b8), cà-câu-la/伽拘羅 (128a1) < BHS Kakuda, Skt. Kakudha; na-la/那羅 (34c27) < Pā. Nādikā; già-lam/ 伽 藍; phù/浮 (115b26) < kadamba; ba-na-lô/波那攎 (80a11) < Pā. Panādo, Skt. Praṇādaḥ; bố-trá-bà-lâu/布吒婆樓 < Pā. Poṭṭhapādo).[65]

Trong những bản dịch Hán ngữ sơ kỳ, âm cuối của một từ nói chung không được phiên âm, chẳng hạn A-hàm/阿含 < Skt. Āgama; A-nan/阿難 < Skt. Ānanda; Nê-hoàn/泥洹 < Skt. Nirvāṇa; An-ban/安般 < Skt. Ānāpāna,v.v.

Do đó, chắc chắn rằng Vu lan/盂蘭 là một sự phiên âm từ chữ olana thuộc một ngôn ngữ Trung Ấn có gốc từ tiếng Sanskrit là odana, và Vu lan bồn/盂蘭盆 có thể có nghĩa là “một chiếc bát đựng cơm”, tức là “một bát cơm”.[66] Odana ở trong từ ghép này chắc hẳn được phiên âm để xác định rằng đây không phải là bát cơm bình thường mà bát cơm đặc biệt được sử dụng cho buổi lễ. Do đó, tiêu đề nguyên thủy của bản kinh này, Vu lan kinh, có thể có nghĩa là “Odana sutra”, hay “Kinh nói về cơm”, trong khi Vu lan bồn kinh có thể là “Kinh nói về bát cơm”.

7. Vu lan bồn kinh/盂蘭盆經 không phải là ngụy tác

Mặc dù kinh này thường được xem là ngụy tác, nhưng nội dung và tư tưởng trong đó có gốc rễ vững chắc ở nơi Ấn Độ như chúng ta đã thấy ở trên. Ngoài ra, từ ngữ và cách dùng từ Hán ngữ thì cổ xưa, được so sánh với những bản dịch cốt yếu của Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva 401-413 TL), trong khi chúng rất giống với những bản dịch của Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa, khoảng 265?-311 TL). Thêm nữa, sự phiên âm bát-hòa-la/鉢和羅 của từ Sanskrit pravāra(ṇā), mà nó chỉ xuất hiện trong kinh này và phỏng tác của nó là Báo ân phụng bồn kinh/報恩奉盆經 (T. 16, no. 686, 780a20), cho thấy rõ rằng kinh này không phải là ngụy tác mà là một bản dịch chân thực, bởi vì chỉ những ai biết được hình thức nguyên thủy Ấn Độ của nó mới có thể phiên âm nó một cách chính xác như vậy sang Hán ngữ.[67]

Tóm lại, tôi cho rằng kinh này không phải là ngụy tác, mà là một bản dịch từ một bản văn Ấn Độ được dịch bởi Trúc Pháp Hộ hoặc người nào đó trước thời Cưu-ma-la-thập.

 

* Làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Phật học Nâng cao, Đại học Soka, Nhật Bản (創価大学国際仏教学高等研究所; The International Research Institute for Advanced Buddhology, Soka University).

Nguồn: 創価大学・国際仏教学高等研究所・年報 (Annual Report of The International Research Institute for Advanced Buddhology at Soka University for the Academic Year 2012), vol. XVI, March 2013, pp.289-305.

Giáo sư Seishi Karashima* – Nguyên Hiệp dịch

 

 


[1] Tiêu đề của bài viết là “The Meaning of Yulanpen 盂蘭盆 – ‘Rice Bowl’ on Pravāraṇā Day” (Nghĩa của Vu lan bồn – “Bát cơm” Ngày Tự tứ). Tiêu đề bản dịch tiếng Việt này do người dịch đặt.

[2] Những bản dịch Anh ngữ của những bản kinh này được thấy trong Teiser 1988: 49f.

[3] T. 55, 28c2. 盂蘭經一卷.

[4] T. 49, 64a28. 盂蘭經一卷.

[5] Iwamoto 1979: 9f

[6] Từ đạo nhãn/道眼 xuất hiện gần 100 lần trong những bản dịch Hán ngữ sơ kỳ từ thời Đông Hán. Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) cũng sử dụng từ này nơi bản dịch kinh Pháp hoa của ông. Tham chiếu Krsh (1998) 92. Từ hiếu thuận/孝順 được tìm thấy hơn 200 lần trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva). Ngoài ra, hầu hết những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập bắt đầu với văn như thị/聞如是 thay vì ngã văn như thị/我聞如是. Như vậy, những nghi ngờ của Iwamoto về bản kinh này là không có căn cứ.

[7] Xem Seishi Karashima, A Study of the Language of Early Chinese Buddhist Translations: A Comparison between the Translations by Lokakema and Zhi Qian.

[8] T. 53, no. 2121, 73c21-74a5.

[9] 《顏氏家訓・終制篇》 “有時齋供,及七月半盂蘭盆,望於汝.”

[10] Một bản dịch Anh ngữ được tìm thấy trong Teiser 1988: 56f.

[11] T.49, no. 2035, 351a26.

[12] Xuất Tam tạng ký tập/出三藏記集 (502-519 C.E.), T. 55, 28c2. 盂蘭經一卷; Lịch đại Tam bảo ký/歴代三寶記 (597 C.E.), T. 49, 64a28. do.; Đại Đường nội điển lục/大唐內典錄 (664 C.E.), T. 55, no. 2149, 235a17. do. (=242c15); Cổ kim thích kinh đồ ký/古今譯經圖記 (664 + C.E.), T. 55, no. 2151, 354a13f. do.; Kinh luật dị tướng/ 經律異相 T. 53, no. 2121, 74a5. Xuất Vu lan kinh/出盂蘭經 (Từ Vu lan kinh).

[13] Đại Chu san định chúng kinh mục lục/大周刊定衆經目録 (695 C.E.), T. 55, no. 2153, 431c5. 盂蘭盆經一卷 (= 469b24); Khai Nguyên thích giáo lục/開元釋教録 (730 C.E.), T. 55, no. 2154, 494c2. Vu lan bồn kinh nhất quyển diệc vân vu lan kinh/盂蘭盆經一卷亦云盂蘭經 (= 685a23, 707b15); Trinh Nguyên tân định thích giáo mục lục/貞元新定釋教目録 (800 C.E.), T. 55, no. 2157, 791c31. Vu lan bồn kinh nhất quyển diệc trực vân vu lan kinh/盂蘭盆經一卷亦直云盂蘭經 (= 928a15).

[14] Ví dụ, Phật thuyết Vu lan bồn kinh sớ/佛説盂蘭盆經疏 của Tông Mật/宗密 (780-841 C.E.), T. 39, no. 1792.

[15] Văn như thị/聞如是: Nhiều dịch giả trước thời Cưu-ma-la-thập, bao gồm Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa), sử dụng cụm từ này.

[16] Đạo nhãn/道眼: Cụm từ này xuất hiện thường xuyên trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập, bao gồm những bản dịch của Trúc Pháp Hộ. Tham chiếu, Krsh (1998) 92.

[17] Tà ma/邪魔: Một sự chuyển dịch Māra~ pāpīyas~. Chi Khiêm (khoảng 220-257 TL) thường dịch Māra~ pāpīyas~ là tà/邪, tệ tà/弊邪. Tham chiếu Krsh (2010) 37f., mục tệ ma/弊魔; ib. 757. Trúc Pháp Hộ sử dụng từ tệ ma/邪魔 trong một bản dịch khác của ông: T. 15, no. 598, 154a20.

[18] Đạo sĩ/道士: Từ này thường được sử dụng để dịch các từ brāhmaa, śramaa, tāpasa, v.v., trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập. Trúc Pháp Hộ cũng sử dụng từ này nhiều lần, chẳng hạn T. 14, no. 425, 30b24. 如號名聞梵志、 道士大祠祀施.

[19] Ưng phụng vu lan bồn/應奉盂蘭盆: Kinh tạng Koryǒ (Hàn Quốc) và Ấn bản Taishō đã thay bằng Ưng phụng thử vu lan bồn/應奉此盂蘭盆, trong khi những ấn bản khác là Ứng phụng vu lan bồn/應奉盂蘭盆. Thêm thử/此 là không cần thiết.

[20] Hiếu từ/孝慈, trong đó từ/慈 có nghĩa “kính trọng”, một cụm từ rất cổ (tham chiếu: Seishi Karashima, A Study of the Language of Early Chinese Buddhist Translations: A Comparison between the Translations by Lokakema and Zhi Qian, § 2.5.2.) Việc sử dụng này cũng cho thấy rằng bản kinh này được dịch (hoặc sáng tác) trước thời Cưu-ma-la-thập.

[21] Sở sanh hiện tại phụ mẫu/所生現在父母 cũng là một cụm từ cổ. Tham chiếu: Krsh (1998) 437, mục 所生母.

[22] Cáo/告 ở đây có nghĩa là “nói” mà không xác định rõ người mà Đức Phật đang nói. Tuy nhiên, từ ngữ cảnh, rõ ràng Đức Phật đang nói với Mục-liên và những đệ tử khác. Việc sử dụng cáo/告 này thường được tìm thấy trong những bản dịch kinh Phật khác, chẳng hạn T. 8, no. 225 (Đại minh độ kinh/大明度經 của Chi Khiêm/支 謙), 488b1f. 善業問: “謗誹斷經者,凡用幾事.” 佛告: “斯士、女無戒。爲邪所中故. 不樂深經. 以斯 二事斷明度矣. …… 是爲四事.” 善業白佛言: “不覩深歸少有信者.”

[23] Nãi chí/乃至 : Tạng Koryǒ và ấn bản Taishō viết Nãi chí cộng thực/乃至供養, trong khi những ấn bản khác là Nãi chí/乃至. Cộng thực/供養 dư thừa.

[24] Hiếu thuận từ/孝順慈 : Một vài ấn bản sử dụng hiếu từ/孝慈. Cả 孝順慈 và 孝慈 có nghĩa là “Hiếu kính cha mẹ của mình”. Xem ghi chú 19.

[25] Đương/當 (←常): 當, 常 cũng 嘗 thay đổi lẫn nhau thông qua hình thức được đơn giản hóa phổ biến của chúng là 尚.

[26] Tứ bối đệ tử/四輩弟子: Cụm từ này, mà nó xuất hiện trong bản dịch của Trúc Pháp Hộ, là cách dùng trước thời Cưu-ma-la-thập. Tham chiếu: Krsh (1998) 425f., các mục 四輩, 四輩弟子. Cũng tham chiếu: Krsh (2001) 422, mục 四輩弟子. Cưu-ma-la-thập thì sử dụng tứ chúng/四衆 hay bộ chúng/四 部衆. Tham chiếu: Krsh (2001) 253, mục 四部衆.

[27] Tham chiếu Upasak 1975: 147f.; Chung 1998; Kieffer-Pülz 2006.

[28] Vin I 157-178; T. 22, no. 1421 (Luật tạng của Mahīśāsaka), 130c-133c; T. 22, no.1425 (Luật tạng của Mahāsāṃghika), 451a-452a; T. 22, no.1428 (Luật tạng của Dharmaguptaka), 835c-843b; T. 23, no. 1435 (Luật tạng của Sarvāstivādin), 165a-173a; Pravāraāvastu của Mūlasarvāstivādin, trong đó những đoạn Sanskrit, bản dịch Tạng ngữ và bản dịch Hán ngữ của Nghĩa Tịnh (T. 24, no. 1446) đã được san định nơi Chung 1998.

[29] Vin I 168.26f. Tena kho pana samayena aññatarasmi āvāse tadahu pavāraāya manussehi dāna dentehi yebhuyyena ratti khepitā hoti.

[30] Không có đoạn Sanskrit nào của phần này được tìm thấy.

[31] Chung 1998: 196f. ’di ltar yang dgag dbye bco lnga pa de nyid la rgyal po dang | btsun mo dang | gzhon nu dang | blon po dang | khrom gyi ru ba dang | grong mi dang | yul mi dag dang thabs cig tu kun dga’ ra bar lhags la | der rgyal pos kyang dge ’dun la gos dang zang zing gi rnyed pa mang du phul | btsun mo dang | gzhon nu dang | blon po dang | khrom gyi ru ba dang | grong mi dang | yul mi dag gis kyang dge ’dun la gos dang zang zing gi rnyed pa mang du phul la sgrogs par byed pa’i dge slong gis kyang bsgrags pas nam ring zhig zad par gyur pa la (= Tib[P], no. 1030, 214b3f.; Tib[D], no. 1, ka 228a1f.). Một bản dịch Đức ngữ được tìm thấy ở ib. 241. T. 24, no. 1446, 1046b23f. 爲隨意事。若於住處,或有王來,并諸眷屬。或有大臣、官屬、城 内外人亦皆來集,將諸飮食及衣物等,奉施苾芻僧伽,令其呪願。苾芻竟夜呪願,極大辛苦。

[32] T. 22, no.1425, 451b16f. 若比丘聚落中安居,聞城中自恣日種種供養,竟夜説法,衆欲往者,應十四日 自恣已,得去。

[33] Takakusu 1896: 86-88.

[34] T. 54, no. 2125, 217b19-c10: 十五隨意成規。凡夏罷歳終之時,此日應名隨意,即是隨他於三事之中,任意擧發,説罪除愆之義。舊云自恣者,是義翻也。必須於十四日夜,請一經師,昇高座,誦佛經。于時俗士雲奔,法徒霧集,燃燈續明,香花供養。明朝總出,旋繞村城,各並虔心,禮諸制底。棚車輿像,鼓樂張天,幡蓋縈羅,飄揚蔽日,名爲三摩近離,譯爲和集。凡大齋日,悉皆如是,即是神州行城法也。禺中始還入寺;日午方爲大齋。過午咸集,各取鮮茅可一把許。手執足蹈,作隨意事。先乃苾芻,後方尼衆,次下三衆。若其衆大,恐延時者,應差多人,分受隨意。被他擧罪,則准法説除。當此時也,或俗人行施,或衆僧自爲,所有施物將至衆前。其五徳應問上坐云: “此物得與衆僧爲隨意物不? ” 上坐答云: “得。 ” 所有衣服、刀子、針錐之流,受已均分。斯其教也。此日所以奉刀針者,意求聰明利智也。隨意既訖,任各東西。即是坐夏已周,無勞更經一宿。廣如餘處。此不詳言。

[35] Tùy ý/隨意.

[36]Tự tứ/自恣.

[37] Một lễ hội tương tự cũng có thể được thấy ở những nơi khác nhau ở Nhật Bản vào lúc kết thúc Vu lan bồn, tức là vào ngày 15 hoặc 16 tháng Tám. Sau khi thực hiện lễ tưởng niệm vong hồn người quá cố, người ta thả những chiếc đèn lồng bằng giấy và những đồ cúng tế khác xuống một con sông hay biển, mà nó được gọi là Tōrō Nagashi (灯籠流し) hay Shōryō Nagashi (精霊流し).

[38] Một số học giả Phật giáo đã chỉ ra rằng hiếu là quan trọng trong Phật giáo Ấn Độ từ rất sơm. Tham khảo: Schopen 1984 = 1997: 56-71; Guang Xing 2005.

[39] Chẳng hạn T. 1, no. 1, Thiện Sinh kinh/善生經 (Dharmaguptakas); những đoạn Sanskrit khác nhau từ Trung Á thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin); T. 1, no. 26, Thiện Sinh kinh/善生經 của cùng tông phái này; T. 1, no.16, Thi-ca-la-việt lục phương lễ kinh/尸迦羅越六方禮經 của một chi phái không được biết, được cho là do An Thế Cao dịch; T. 1, no.17, Thiện Sinh tử kinh/善生子經 của một chi phái không được biết đến, do Shi Fadu dịch; hai đoạn của một tờ từ Afghanistan, mà nó có lẽ thuộc về Đại chúng-Thuyết xuất thế bộ (Mahāsāṃghika-Lokottaravādin). Tham khảo: Hartmann/Wille 2006: 3.

[40] Tham khảo: Schopen 1984: 115f. = 1997: 62f.; Irisawa 1989: 4f.; IBInsc I 961f. (Gandhāra I), 1006f. (Taxila 1).

[41] Saghana danamukhe madapidara[n]a adhvadi<da>na kalagadana puyae bhava(tu) uajayasa sagharamasa adhvadida[sa] puya[e] bhavatu (= *saṃghānāṃ dānamukhe mātāpitṝṇāṃ adhvātītānāṃ kālagatānāṃ pūjāyai bhavatu! upādhyāyasya saṃghārāmasya adhvātītasya pūjāyai bhavatu!). Xem Seishi Karashima, Two Inscriptions in Brāhmi and Kharoṣṭ. Cũng tham chiếu: IBInsc I 961f. (Gandhāra I).

[42] Pv-a(tr) 85; Pv 14-6.

[43] Pv-a(tr) 87; Pv 14-8-10.

[44] Tham khảo BHSD, mục chandaka (1).

[45] Tham khảo BHSD, mục dakṣiṇādeśanā

[46] Avś I 257.8f. teṣām asmākīnāṃ karmaplotiṃ nivedya chandakabhikṣaṇaṃ kṛtvā buddhapramukhaṃ bhikṣusaṃghaṃ bhojayitvā asmākaṃ nāmnā dakṣiṇādeśanāṃ kārayitvā câsmākaṃ pretayoner mokṣaḥ syād. Tham chiếu: Avś(tr) 175f.

[47] Ashikaga, Ensho, 1951, “Notes on Urabon (“Yü Lan P’ên, Ullambana”)”, in: Journal of the American Oriental Society, New Haven, 71.1: 71-75. Irisawa, Takashi, 1989 “Ekō no Genryū” 廻向の源流 [The Origin of Merit Transference], in: Seinan Ajia Kenkyū 西南アジア研究 30: 1-20. Teiser, Stephen F. 1988 The Ghost Festival in Medieval China Princeton: Princeton University Press.

[48] Bản viết tay là 盂瓫, mà nó có lẽ là một lỗi ghi chép chỉ cho 盂蘭盆. Nơi trích dẫn của Huệ Lâm, nó được viết là 盂蘭盆.

[49]盂蘭盆:此言訛也。正言烏藍婆拏,此譯云倒懸。案西國法,至於衆僧自恣之日,盛設供具,奉施佛僧,以救先亡倒懸之苦。以彼外書云: “先亡有罪,家復絶嗣,无人祭神請救,則於鬼處受倒懸之苦。 ” 佛雖順俗,亦設祭儀,乃敎於三寳田中深起功德。舊云盂瓫 (read 盂蘭盆)是貯食之器,此言誤也。 (Trung Hoa Đại tạng kinh/中華大藏經, vol. 56, no. 1163, 1014c19f.). Sự giải nghĩa này được trích nơi Nhất thiết kinh âm nghĩa/一切經音義 của Huệ Lâm/慧琳) như sau: 盂蘭盆:此言訛也。正言烏藍婆拏。此譯云倒懸。案西 國法,至於眾僧自恣之日,云先亡有罪,家復絶嗣,亦無人饗祭,則於鬼趣之中受倒懸之苦。佛令於 三寶田中,倶具奉施佛僧,祐資彼先亡,以救先亡(←云)倒懸飢餓之苦。舊云盂蘭盆是貯食之器者,此 言誤也。 (T. 54, no. 2128, 535b13f.).

[50] Nanjio 1883: 78, no. 303.

[51] Karashima 2007: 451f. = 2008: 150f.

[52]馬腦:梵言謨薩羅掲婆。謨薩羅,此譯云杵;掲婆,此言藏。或言胎者,取其堅實也。舊云摩娑羅伽隸,或言目薩羅伽羅婆。譯云馬腦。案此寶或色如馬腦,因以為名。但諸字書旁皆安石作碼碯二 (read 字)。謂石之類也。 (Trung Hoa Đại tạng kinh/中華大藏經, vol. 56, no. 1163, 905c11f.).

[53] Tham khảo: Karashima 2007: 451, n. 31 = 2008: 161, n. 32.

[54] Chẳng hạn, Phật Quang Đại từ điển/佛光大詞典, tr.5839, 6738.

[55] Tham khảo: Krsh (2001) 170.

[56] Karashima 2007: 447f. = 2008: 146f.

[57] Tham khảo khi chú số 12.

[58] Mặc dù Irisawa (1990: 164) khẳng định rằng Vu lan/盂蘭 có thể liên quan đến từ Hán ngữ can lam/干藍, có nghĩa là một ngôi nhà sàn, thường được thấy nơi những dân tộc thiểu số ở vùng Tây nam Trung Quốc. Thuyết này phần nào khó chấp nhận.

[59] Tham khảo: Karashima 1994: 58f.; 1996: 37f.

[60] Pātim 84.13, 96.14, 96.18; PrMoSū(Sa.v.Si.) 236.10, 247.2, 249.10, 250.1; PrMoSū(Mā-L) 29.27, 33.1, 33.4.

[61] Tham khảo CPD, mục odana; DP, mục odana; SWTF, mục odana; Geiger 1960: § 34

[62] Tham khảo: Vism 70.18. odana-piṇḍa (một cục cơm nấu); Harivaṃśa 60.16. prakāśaudanaparvata (một núi cơm nấu chín).

[63] Tham khảo: Pischel § 244, Brough 1962: § 43b, 229, 255~256; von Hinüber 2001: § 200.

[64] Tham khảo: Krsh 2010: 281f.

[65] Tham khảo: Karashima 1994: 19, 64, n. 38.

[66] Trong Abhisamācārikā Dharmā, chúng ta thấy từ odana-mānikā (một chậu cơm); tham khảo: Abhis II 370, n. 4.

[67] Có một sự phiên âm cổ khác của chính từ Sanskrit này, đó là bát-hòa-lan/鉢和蘭 (= Skt. pravāraṇ(ā)), mà nó cũng được tìm thấy trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập: đó là Tân tuế kinh/新歳經 của Đàm Vô Sấm/曇無蘭 (khoảng 381?-394 TL?), T. 1, no. 62, 859, 860c12, 13, 24, 28 v.v…; Xuất diệu kinh/出曜經 của Trúc Phật Niệm/竺佛念 (khoảng vào triều Đông Tấn [317-420 TL]), T. 4, no. 212, 775b17; Tự thệ tam muội kinh/自誓三昧經 được quy do An Thế Cao安世高 (khoảng 148-168 TL) nhưng có lẽ là một bản dịch được thực hiện vào thế kỷ III-IV, T. 15, no. 622, 346a3, 5; Như Lai độc chứng tự thệ tam muội kinh/如來獨證自誓三昧 經 của Trúc Pháp Hộ (khoảng 265?-311 TL), T. 15, no. 623, 348a20.