Đại hội đảng Dân Chủ DNC vừa kết thúc sau bốn ngày tổ chức tại Chicago. Nếu những người Dân Chủ hay cử tri độc lập vẫn còn hoài nghi sự tiến cử Phó Tổng Thống Kamala Harris vào cương vị ứng viên tổng thống một cách bất ngờ vào phút chót trong cuộc bầu cử tới, thì qua kỳ đại hội này đã có thể mang đến cho họ một sự lạc quan và hy vọng hơn.
DNC đã cho thấy phía đảng Dân Chủ một lòng đoàn kết và hậu thuẫn bà Kamala Harris. Hầu hết những cấp lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm cao nhất trong đảng đều tham dự và phát biểu, điều mà đại hội đảng Cộng Hòa hồi tháng trước đã không có được. Không những vậy, ban tổ chức DNC còn mời được cả những đảng viên kỳ cựu phía đảng Cộng Hòa tham gia phát biểu, trong đó có những nhân vật từng phục vụ thân cận trong nội các cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống phía đảng Cộng Hòa năm nay.
Với chủ đề “Vì dân, vì tương lai chúng ta” cho cả đại hội, các diễn giả tại DNC lần lượt trình bày các vấn đề liên quan đến quyền tự do, dân quyền của người dân, dân chủ và công lý cho xã hội, cùng các chính sách an sinh xã hội, sự phát triển và thịnh vượng cho tương lai nước Mỹ. Và tất nhiên, nêu bật quá trình phục vụ cùng khả năng lẫn phẩm cách một lãnh đạo Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi ủng hộ và kêu gọi bầu cho liên danh Kamala Harris và Tim Walz.
Cổ súy và thực hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, phía đảng Dân Chủ đã không hoặc rất ít chỉ trích nhắm vào những người Cộng Hòa. Tuy nhiên họ tấn công trực diện vào cựu Tổng Thống Donald Trump, thay cho sự ôn hòa, né tránh trước kia. Không nhắm vào các vấn đề cá nhân mà các diễn giả phía Dân Chủ hầu như đã đồng loạt phô bày trọn vẹn chân dung một Donald Trump qua các dữ liệu và thực tế về các chính sách lẫn tư cách lãnh đạo của ông ta, xem Donald Trump là một cản trở cho tiến trình dân chủ và phát triển của nước Mỹ. Sự cô lập của Hoa Kỳ về kinh tế và đối ngoại trong các chính sách của ông được các diễn giả phân tích là ngăn cản sự phát triển của nước Mỹ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như gây thêm khó khăn cho người dân trước tình trạng lạm phát gia tăng toàn cầu do dịch bệnh và chiến tranh trong vài năm qua.
Các diễn giả cũng lên án Dự Án 2025 của tổ chức Heritage Foundation qua cương lĩnh dành cho nhiệm kỳ tổng thống tới của ứng viên đảng Cộng Hòa. Cương lĩnh này đề nghị dùng quân đội trấn áp người dân, kiểm duyệt báo chí và xóa bỏ Bộ Giáo Dục cùng nhiều cơ quan chính phủ khác, cắt giảm ngân sách về an ninh nội địa và dân sinh, tư nhân hóa hệ thống y tế, giáo dục Hoa Kỳ… Cương lĩnh này cực đoan và vấp phải sự chỉ trích của người dân Mỹ đến độ Donald Trump và ban tranh cử của ông phủ nhận sự can dự. Hầu hết các thành viên soạn thảo cương lĩnh này đã hay được dự đoán sẽ phục vụ nội các của Donald Trump một khi ông đắc cử. Thống Đốc Tim Walz trong diễn từ chấp nhận sự tiến cử vào cương vị ứng viên phó tổng thống bảo rằng, không có cương lĩnh nào được soạn thảo công phu để rồi không sử dụng.
Trong phát biểu của mình, cựu Trung Tá Không Quân đồng thời là cựu dân biểu liên bang thuộc đảng Cộng Hòa là Adam Kinzinger đã bày tỏ sự cảm nhận của mình về DNC đến những người Cộng Hòa đồng đảng của mình theo sau: “Tôi muốn nói với những người Cộng Hòa của tôi rằng, những người Dân Chủ cũng ái quốc như chúng ta, họ yêu đất nước này cũng nhiều như chúng ta. Và họ tha thiết bảo vệ những giá trị Mỹ trong và ngoài nước như những người bảo thủ chúng ta đã từng…”. Ông sử dụng chữ “đã từng” khi thất vọng trước một đảng Cộng Hòa với những giá trị truyền thống mà ông từng theo đuổi và nay chỉ còn phục vụ cho Trump.
Trong đêm cuối cùng của đại hội DNC, Phó Tổng Thống Kamala Harris đã có diễn từ chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ và đưa ra các kế hoạch hành động một khi đắc cử. Những thước phim đi cùng đã cho cử tri thấy rõ ràng hơn một chân dung và hành trình phục vụ trong lãnh vực công quyền lâu dài của bà, từ vai trò đứng đầu ngành tư pháp của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ cho đến nhà lập pháp liên bang, hành pháp quốc gia, bà Haris dường như đã có được sự chuẩn bị, thử thách và sẵn sàng cho vai trò lãnh đạo quốc gia và thế giới.
Theo lời cựu Đệ Nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng Thống Kamala Harris và Thống Đốc Tim Walz có thể phạm lỗi lầm, nhưng họ xứng đáng là những người lãnh đạo quốc gia và phục vụ người dân từ quá trình và tinh thần quốc gia của họ.
Có ít nhất là sáu nghiệp đoàn nhân công lớn cùng các nghiệp đoàn giáo chức liên bang, tiểu bang tại Mỹ với hàng chục triệu thành viên đã tham gia phát biểu tại DNC hay ra tuyên cáo ủng hộ bà Kamala Harris.
Các số liệu theo dõi về số lượng người xem truyền hình từ Nielsen cho biết đã có khoảng hơn 20 triệu người xem đại hội DNC hàng đêm trên các hệ thống truyền hình chính tại Mỹ, trong đó đêm đại hội cuối cùng là trên 26 triệu khán giả.
Những người Dân Chủ chia sẻ sự xúc động lẫn tự hào khi theo dõi đại hội DNC sống động và trẻ trung, chan chứa những giá trị và thông điệp tự do, nhân bản và bác ái, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn đến người tham dự và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình và mạng xã hội. Những tiếng hò reo “USA, USA, USA” vang dội trong suốt bốn ngày đại hội cho thấy tinh thần và sự phấn khích, củng cố tinh thần và niềm tin của những người phía đảng Dân Chủ, dù những tư tưởng cấp tiến này khó có thể được những người ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump chấp nhận. Nhưng điều quan trọng mà phía đảng Dân Chủ kỳ vọng là họ có thể thuyết phục được giới trẻ cùng những cử tri độc lập hay các cử tri Cộng Hòa không chấp nhận Donald Trump bỏ phiếu cho liên danh.
Nhìn ở quan điểm chính trị nào thì đại hội DNC năm nay có lẽ cũng xứng đáng để những nhà hoạt động dân chủ và dân quyền tại các quốc gia thiếu dân chủ khác, và ngay tại Việt Nam có thể xem và học hỏi ít nhiều về tinh thần quốc gia cùng những nguyên tắc và giá trị dân chủ và tự do của các đảng phái chính trị lớn tại Mỹ.
Nếu cả hai bên Cộng Hòa và Dân Chủ đều xem đây là một “trận chiến” thì chỉ còn hơn hai tháng nữa, nước Mỹ và thế giới sẽ biết được kết quả của trận chiến cam go giữa những người ủng hộ Donald Trump từ phía đảng Cộng Hòa và những người ủng hộ những nguyên tắc và nền tảng quốc gia ở phía đảng Dân Chủ.
Người dân Mỹ đã đến lúc có thể phá vỡ những định kiến và rào cản từ ngày lập quốc cho đến nay hay chưa, khi chọn lựa một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì đại hội đảng Dân Chủ năm nay đã mang cho những người Dân Chủ niềm hy vọng đó.
Nhã Duy
Từ “Hãy làm gì đó” đến “Công việc người Da Đen” – Michelle Obama phát biểu nảy lửa
(CaliToday) – “Có ai đó sẽ nói với ông ta rằng công việc mà ông đang vận động có thể chỉ là một trong những ‘công việc của người Da Đen’?”
Cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, một trong những nhân vật kín tiếng nhưng vẫn được yêu thích nhất trong Dân chủ, vào tối thứ Hai tại Đại hội Đảng Dân chủ có bài phát biểu chỉ trích cựu Tổng thống Donald J. Trump mạnh mẽ nhất.
Làm phấn khích các đoàn đại biểu Dân chủ ở Chicago, Michelle Obama tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Kamala Harris – Tim Walz bằng bài phát biểu nảy lửa. Cựu Đệ nhất Phu nhân bày tỏ sự ủng hộ và ca ngợi dành cho Harris, nhưng tập trung phần lớn bài phát biểu dài gần 20 phút vào cựu Tổng thống, chế giễu những ý kiến trước đây, lý lịch và hành vi của ông, mặc dù rất hiếm khi nhắc đến tên ông Trump.
Bà Michelle cho rằng, trong số hai ứng cử viên chính tranh cử năm nay, “chỉ có Kamala Harris thực sự hiểu được công sức vô hình và cam kết không lay chuyển đã luôn làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.”
“Thật không may, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta biết người ta sẽ làm mọi cách có thể để bóp méo sự thật về bà ấy,” Michelle nói, trước khi chia sẻ những gì hai vợ chồng bà phải hứng chịu. “Trong nhiều năm, Donald Trump đã làm mọi cách để khiến mọi người sợ chúng tôi,” Michelle Obama nói. “Quan điểm hẹp hòi về thế giới khiến ông ta cảm thấy bị đe dọa bởi sự tồn tại của hai người da đen thành đạt, có trình độ học vấn cao và làm việc siêng năng.”
Bà tập trung vào than phiền của Trump về việc di dân lấy mất “công việc của người Da Đen” bằng cách chỉ ra, nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ từng là nhiệm kỳ của một người Da đen và có thể sẽ sớm lặp lại. Michelle cho rằng, những người Mỹ như bà Harris hiểu rằng “hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ được miễn xá thất bại,” ám chỉ đến những rắc rối trong kinh doanh của ông Trump. Cựu Đệ nhất Phu nhân lưu ý, hầu hết người Mỹ không trưởng thành với “hành động khẳng định của sự giàu có qua nhiều thế hệ.” (Ông Trump sinh ra trong một gia đình giàu có ở Queens.)
Phát biểu bằng giọng rõ ràng, và nhìn thẳng vào ống kính truyền hình, bà Obama gởi thông điệp đến đồng bào Mỹ rành mạch, không màu mè. Bà bắt đầu bằng bài phát biểu trong bối cảnh vươn tới hy vọng từ tuyệt vọng.
Michelle dành những lời tri ân cho người mẹ quá cố, bà Marian Robinson vừa mới qua đời vào tháng 5. Cựu Đệ nhất Phu nhân cho biết, bà trước đó không chắc mình có đủ ổn định lên sân khấu vào tối thứ Ba hay không. Khi ông Obama nhậm chức vào năm 2009, mẹ bà Michelle đã rời Chicago và chuyển đến Toà Bạch Ốc để giúp nuôi dạy Sasha và Malia Obama.
“Lần cuối cùng tôi trở lại thành phố quê nhà để tưởng nhớ mẹ tôi, người phụ nữ đã chỉ cho tôi thấy ý nghĩa của sự siêng năng, khiêm nhường và tử tế, người phụ nữ đã nâng cao la bàn đạo đức của tôi và chỉ cho tôi sức mạnh tiếng nói của chính mình,” Michelle nói.
Cựu Đệ nhất Phu nhân vẫn là một trong những nhân vật công chúng nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, đứng hàng thứ năm trong danh sách những người nổi tiếng do YouGov – công ty nghiên cứu thị trường thăm dò, trong khi ông Barack Obama xếp thứ sáu. Và bà rất được ưa chuộng, đến nỗi tên bà luôn đứng đầu danh sách mong muốn của cử tri Dân chủ khi được hỏi muốn thấy ai tranh cử tổng thống. Văn phòng cựu Đệ nhất Phu nhân thường xuyên bác bỏ những lời đồn về việc bà ra ứng cử, với tin đồn gần nhất vào tháng 3.
Trong khi ông Obama được xem là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất của Dân chủ, thì bà Michelle cũng có tài lôi kéo theo phong cách rất riêng. Rất ít nhà phát biểu nào tại đại hội có thể tham gia vào trao đổi qua lại với hàng ngàn người tại Trung tâm United như bà đã làm. “Vì vậy, nếu họ nói láo về bà ấy — và họ sẽ như vậy — chúng ta phải làm gì đó,” Michelle nói về khả năng gần như chắc chắn Cộng hòa sẽ nhắm vào Harris, bóp méo, nói xấu hay dựng chuyện. “Khi kết quả thăm dò xấu, chúng ta hãy nhấc điện thoại, hãy gõ cửa từng nhà. Hãy làm gì đó.” Khi Michelle vừa kết thúc câu nói, đám đông hô lớn đáp lại “hãy làm gì đó!”
Cũng tại Đại hội Đảng Dân chủ cách đây 8 năm tại Philadelphia, Michelle Obama đã đưa ra câu nói bất hủ: “Khi họ hạ cấp, chúng ta ngẩng cao đầu.” Tuyên bố này được nhắc lại bài phát biểu vào năm 2020. “Trong 4 năm qua, nhiều người đã hỏi tôi, ‘Khi người khác hạ cấp, liệu ngẩng cao đầu có còn thực sự có hiệu quả?’ Câu trả lời của tôi: Ngẩng cao đầu là điều duy nhất có hiệu quả, vì khi chúng ta hạ cấp, khi chúng ta sử dụng những chiến thuật tương tự làm mất phẩm giá và vô nhân tính với những người khác, chúng ta sẽ chìm trong phần ồn ào xấu xí đang nhấn chìm mọi thứ khác. Chúng ta tự làm mất phẩm giá. Chúng ta làm mất phẩm giá tất cả mọi điều chính đáng mà chúng ta đang đấu tranh.”
Vào tối thứ Ba, cựu Đệ nhất Phu nhân cũng nhắc đến tuyên bố này. “Hạ cấp không bao giờ là câu trả lời,” Michelle nói. “Nhỏ mọn là nhỏ nhen, không lành mạnh, và thành thật mà nói, không xứng với tư cách tổng thống.”
Cựu Đệ nhất Phu nhân cảnh báo, cuộc đua phía trước vẫn còn rất sít sao, và kêu gọi đảng của bà tiếp tục làm việc trong những ngày tới. Michelle Obama cho biết, bà không chỉ yêu cầu cử tri, mà kêu gọi họ hãy đi bỏ phiếu cho Harris vào tháng 11. “Vì vậy, chúng ta không thể để bất cứ ai ngồi im và chờ được gọi tên… đừng than phiền nếu không có ai trong chiến dịch liên lạc yêu cầu sự ủng hộ của quý vị … đơn giản là không có thời gian cho sự ngu ngốc đó.” bà Obama nói.
Vài phút sau, cựu Tổng thống Barack Obama bước lên sân khấu, tự gọi ông là “người duy nhất ngu ngốc đủ để phát biểu sau Michelle Obama.
Hương Giang
Harris kêu gọi cử tri ‘chọn con đường mới’ cho tương lai đất nước
CHICAGO, Illinois (NV) – Phó Tổng Thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, kêu gọi cử tri Hoa Kỳ “chọn con đường mới” cho tương lai đất nước vào Tháng Mười Một này, trong bài diễn văn chấp nhận sự đề cử của đảng và kết thúc đại hội kéo dài bốn ngày tại United Center, Chicago, Illinois, hôm Thứ Năm, 22 Tháng Tám.
Bà Harris sẽ tranh cử với cựu Tổng Thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa vào ngày Thứ Ba, 5 Tháng Mười Một.
Mở đầu, bà Harris nói: “Tôi không ngờ tôi đang ở vào vị trí ngày hôm nay, nhưng tôi không lạ lẫm gì đối với tình hình chính trị của đất nước.”
Sau khi nói một chút về gia đình và thân thế, bà Harris tuyên bố: “Tôi chấp nhận sự đề cử của quý vị, đại diện đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử sắp tới.”
Phát biểu của bà Harris chấm dứt tám tuần lễ đầy sóng gió trong chính trường Mỹ và đánh dấu một chuyển biến rất quan trọng cho đảng Dân Chủ, khi chỉ còn 75 ngày nữa là tới này tranh cử.
Các lãnh đạo đảng Dân Chủ ban đầu vô cùng lo ngại cho cuộc tái tranh cử của Tổng Thống Joe Biden, sau khi ông “làm hỏng” cuộc tranh luận với ông Donald Trump, được trực tiếp truyền hình toàn quốc, vào ngày 27 Tháng Sáu.
Tuy nhiên, mọi người vui mừng trở lại sau khi Tổng Thống Biden tuyên bố rút lui và đề cử Phó Tổng Thống Kamala Harris thay thế ông, tạo ra khí thế và hy vọng cho đảng.
“Với cuộc bầu cử này, đất nước chúng ta có một cơ hội tuyệt đẹp vượt qua các ‘trận chiến’ quá khứ đầy cay đắng, chỉ trích cay độc, và chia rẽ,” bà nói. “Chúng ta đang có một cơ hội ‘chọn con đường mới’ cho đất nước, không phải trong vai trò bất cứ một đảng phái hoặc nhóm nào, mà là trong vai trò người Mỹ.”
Bà Harris là nữ ứng cử viên tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Nếu thắng cử, bà sẽ là nữ tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Sự đề cử của bà cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Mỹ trong xã hội Hoa Kỳ, mới chỉ được đi bầu lần đầu tiên kể từ năm 1920, sau khi đất nước này ra đời 144 năm.
Bà Harris cũng đề cập đến một vấn đề trọng tâm trong vai trò phó tổng thống và bây giờ là trong vai trò ứng cử viên tổng thống: Đó là quyền sinh sản của phụ nữ bị đe dọa.
“Tối hôm nay, tại nước Mỹ, có quá nhiều phụ nữ không thể tự quyết định vấn đề này cho chính mình,” nữ phó tổng thống nói. “Và chúng ta phải rất rõ ràng là vì sao có chuyện này xảy ra: Đó là do cựu Tổng Thống Trump chọn đề cử người vào Tối Cao Pháp Viện để họ lấy mất quyền này của phụ nữ.”
Bà thêm: “Chúng ta phải tự hỏi, một cách chính xác, có phải họ không tin phụ nữ? Thế nhưng, chúng ta tin tưởng phụ nữ.”
Bà cũng hứa sẽ tạo cơ hội cho thành phần người Mỹ lao động trung lưu.
“Tôi xuất thân từ thành phần lao động trung lưu,” bà Harris nói, mô tả mẹ của bà đã phải vất vả tiết kiệm như thế nào để có thể vượt qua khó khăn tài chính.
Bà nói, mẹ bà dạy bà và em gái, Maya, và tạo cơ hội cho họ mà những người khác không có.
Tuy vậy, bà nói bà sẽ tạo một “cơ hội kinh tế” cho tất cả mọi người.
“Mọi người đều có cơ hội tranh đua và có cơ hội thành công,” bà nói.
Bà cũng hứa sẽ giảm thuế cho tầng lớp lao động trung lưu.
“Chúng ta sẽ không đi ngược lại. Chúng ta hướng tới một tương lai tươi sáng cho tầng lớp lao động trung lưu, và xây dựng tầng lớp này vững chắc là mục tiêu của tôi trong vai trò tổng thống,” bà Kamala Harris tuyên bố.
Bà cũng không quên đưa ra cảnh cáo về ông Trump, đối thủ của bà, khi nói rằng ông sẵn sàng vi phạm luật pháp, cho thấy ông sẽ gây hỗn loạn đất nước nếu đắc cử lần thứ nhì.
Phó Tổng Thống Kamala Harris, từng là công tố viên ở San Francisco và tiểu bang California, nêu ra trường hợp ông Trump bị tòa án New York truy tố 34 tội hình sự, cũng như tội dân sự trong vụ kiện liên quan nhà văn E. Jean Carroll.
“Thử tưởng tượng, nếu ông Trump làm tổng thống, ông sẽ tận dụng quyền hành to lớn của mình để không cải thiện cuộc sống của quý vị, không gia tăng an ninh quốc gia, mà chỉ tập trung vào việc phục vụ chính cá nhân ông,” bà Harris đưa ra cảnh cáo.
Bà cho biết thêm, bà sẵn sàng chấp nhận kết quả bầu cử và tham gia vào việc chuyển giao quyền hành một cách êm thắm, ngụ ý cựu Tổng Thống Trump từng cản trở việc này khi thua Tổng Thống Joe Biden vào năm 2020.
Tiếng vỗ tay lớn nhất trong hội trường United Center vang lên khi bà Harris tuyên bố bà sẽ là tổng thống của mọi người và tôn trọng luật pháp, ngược với cựu Tổng Thống Trump.
“Tôi xin hứa, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ, tôn trọng Hiến Pháp Hoa Kỳ, cũng như những nguyên tắc căn bản, những quy định, và chuyển giao quyền hành một cách êm thắm,” Phó Tổng Thống Kamala Harris kết thúc bài diễn văn dài khoảng 30 phút.
Hôm Thứ Tư, đại hội cũng đề cử Thống Đốc Tim Walz của Minnesota làm ứng cử viên phó tổng thống cho bà Harris.
Trong bốn ngày đại hội, nhiều nhân vật nổi tiếng cũng đến phát biểu, kêu gọi mọi người bầu cho bà Harris. Những người này bao gồm vợ chồng cựu Tổng Thống Barack Obama, vợ chồng cựu Tổng Thống Bill Clinton, cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi… (Đ.D.)
Kamala Harris phát biểu nhận đề cử lịch sử, đưa ra tầm nhìn và công thức hạ Trump
(CaliToday) – Phó Tổng thống Kamala Harris vào tối thứ 5 làm nên lịch sử, chính thức trở thành người phụ nữ gốc Phi và Nam Á đầu tiên được đề cử làm ứng cử viên của một chính đảng tranh cử tổng thống, đem lại hy vọng lớn cho Dân chủ đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump, và tiếp tục làm chủ Toà Bạch Ốc thêm 4 năm nữa.
“Nước Mỹ, con đường dẫn tôi đến đây trong những tuần gần đây chắc chắn là điều không ngờ tới. Nhưng tôi không xa lạ gì với những hành trình không tưởng,” Harris bắt đầu bài phát biểu vào tối thứ Năm. “Mẹ tôi, Shyamala Harris, cũng có một hành trình như vậy. Tôi nhớ bà ấy mỗi ngày — đặc biệt bây giờ. Và tôi biết bà ấy đang nhìn xuống và mỉm cười vào đêm nay.”
“Trong toàn bộ nghề nghiệp của mình, tôi chỉ có một thân chủ: Đó là nhân dân. Và vì vậy, thay mặt cho nhân dân, thay mặt cho mọi người Mỹ bất kể đảng phái, chủng tộc, giới tính hay ngôn ngữ mà bà của quý vị nói; thay mặt cho mẹ tôi, và tất cả những ai đã từng bắt đầu hành trình không mấy suôn sẻ; thay mặt cho những người Mỹ mà tôi lớn lên cùng, những người làm việc siêng năng, theo đuổi ước mơ và quan tâm đến nhau; thay mặt cho tất cả những người mà câu chuyện của họ chỉ có thể được viết ở quốc gia vĩ đại nhất trên hành tinh này. Tôi chấp nhận đề cử của quý vị trở thành tổng thống Hoa Kỳ,” Harris nói, đám đông vỡ òa trong tiếng reo hò.
Sau khi nói về những kinh nghiệm chính trị trước đây của mình và các cuộc bầu cử khó khăn đã đưa bà vào vị trí hiện tại. “Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc vì tương lai luôn xứng đáng đấu tranh,” Harris nói. “Và đó là cuộc chiến mà chúng ta đang tham gia ngay bây giờ. Một cuộc chiến vì tương lai của nước Mỹ.”
Bài phát biểu của Kamala Harris tại Đại hội Đảng Dân chủ phục vụ 2 mục đích: giới thiệu ứng cử viên Tổng thống Dân chủ với đồng bào Mỹ, và tiết lộ hồ sơ bà dự tính sẽ “truy tố” đối thủ Donald Trump.
Harris đã chọn những mục tiêu quen thuộc, gồm những tấn công của Trump vào nền dân chủ, cách giải quyết thuế, và hồ sơ chống phá thai của đối thủ. Nhưng đối với mỗi mục tiêu, bà có một chiến thuật mới.
Dân chủ và giới chuyên viên trong nhiều năm cảnh báo về mối đe dọa Trump gây ra cho nền dân chủ, nhưng Harris gắn nó với chỉ trích về tính cách của của cựu Tổng thống, rằng trên căn bản, ông chỉ vì “chính mình,” chứ không phải vì người dân Mỹ nào cả.
Harris vào tối thứ 5 đặt tên cho kế hoạch đánh thuế 10% đối với tất cả hàng nhập cảng của đối thủ thành “thuế Trump.”
Cuối cùng, ứng cử viên Dân chủ kêu gọi cử tri nên tin rằng, Trump sẽ đứng về phía các đồng minh đang thúc đẩy chính sách chống phá thai toàn diện — thay vì tin vào những gì ông ta nói về vấn đề này trên đường mòn vận động tranh cử. “
“Tôi hứa sẽ trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ. Quý vị luôn có thể tin tưởng tôi sẽ đặt quốc gia lên trên đảng phái và bản thân, để giữ gìn các nguyên tắc căn bản của nước Mỹ, từ thượng tôn luật pháp, đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đến việc chuyển giao quyền lực một cách ôn hoà,” Harris nói.
1) Harris cảnh báo Trump “không nghiêm túc,” và nhiệm kỳ thứ Hai của ông ta “không có hành lang bảo vệ”
Harris chỉ trích Trump là “người đàn ông không nghiêm túc,” nhưng nếu đưa ông ta trở lại Toà Bạch Ốc thì hậu quả “vô cùng nghiêm trọng,” vì nỗ lực đánh cắp bầu cử năm 2020, “ông ta tìm cách vứt lá phiếu của quý vị,” và bản án hình sự “vì một loạt tội hoàn toàn khác, ông ta bị kết tội gian lận.”
Nhưng Harris cho rằng, lần tới có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều vì phán quyết của Tối cao Pháp viện về miễn tố tổng thống đối với những hành động chính thức. “Hãy cân nhắc đến quyền lực mà ông sẽ có, đặc biệt là sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vừa ra phán quyết ông ta được miễn truy tố hình sự,” Phó Tổng thống nói. “Hãy tưởng tượng, Donald Trump không có thành lan can, và ông ta sẽ sử dụng quyền lực to lớn nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ như thế nào, không phải để cải thiện cuộc sống của người dân, không phải để củng cố an ninh quốc gia của chúng ta, mà là để phục vụ thân chủ duy nhất ông ta có — đó chính là bản thân ông.”
Đây là một sự thừa nhận quan trọng rằng, vấn đề dân chủ lớn hơn nhiều so với việc chỉ nhắc lại Trump là một tội phạm bị kết án đại hình, hoặc ngày 6 tháng 1 là ngày tồi tệ. Harris xem việc Trump bị kết tội là một phần nhỏ trong lập luận lớn hơn rằng, con người ông ta trên căn bản sai trái, không phù hợp với nhiệm kỳ tổng thống, và chỉ nghĩ cho bản thân chứ không phải cho người dân Mỹ bình thường.
Harris thậm chí còn thẳng thắn hơn khi nói về chính sách đối ngoại, cho rằng “Trump sẽ không bắt những kẻ độc tài phải chịu trách nhiệm, vì ông ta muốn trở thành một kẻ độc tài.”
2) Harris gọi đề nghị đánh thuế nhập cảng là “Thuế Trump.”
Về chính sách kinh tế, Harris tiếp tục xem Trump là người đấu tranh “cho bản thân và những người bạn tỷ phú của ông ta,” thay vì cho tầng lớp trung lưu. “Ông ta sẽ giảm thuế cho họ thêm một đợt nữa, khiến nợ quốc gia tăng thêm $5 ngàn tỉ Mỹ kim,” Harris nói. Nhưng Phó Tổng thống cũng tập trung vào một chính sách của Trump vốn chưa nhận được chú ý đầy đủ.
Một trong những chính sách chính của Trump trong kỳ bầu cử năm nay là áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nước ngoài nhập cảng vào Hoa Kỳ. Đề nghị này bị chỉ trích nhiều vì sẽ khiến giá cả tăng cao, và người tiêu dùng Mỹ sẽ lãnh đủ. Tuy nhiên, Dân chủ thực sự chưa tấn công Trump về vấn đề này, có lẽ một phần từ “thuế quan” nghe nhàm chán và khiến mọi người không chú ý.
Vì vậy, Harris đã chọn một từ khác. “Ông ấy có ý định ban hành thuế bán hàng quốc gia — hãy gọi là thuế Trump — sẽ làm tăng giá đối với các gia đình trung lưu gần $4.000 Mỹ kim một năm”, Ứng cử viên Dân chủ nói. Ngược lại, bà cho biết sẽ ủng hộ việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu “sẽ mang lại lợi ích cho hơn 100 triệu người Mỹ.”
Thông thường, Cộng hòa tuyên bố đối thủ của họ đang đưa ra mức tăng thuế nghe có vẻ đáng sợ, và Dân chủ đang phải vật lộn để tự bảo vệ mình. Nhưng việc tấn công vào “thuế Trump,” có vẻ khôn ngoan và có khả năng hiệu quả để thực hiện sau đề nghị thuế quan của Trump. Mong đợi sẽ nghe nhiều hơn về điều này khi chiến dịch tiếp tục.
3) “Nói một cách đơn giản, họ mất trí!” – Harris nói về Cộng hòa và phá thai
Harris đổ lỗi cho Trump vì Tối cao Pháp viện đã đảo ngược phán quyết Roe v. Wade. Trump bổ nhiệm 3 Thẩm phán, tạo ra cán cân đa số bảo thủ.
“Donald Trump đích thân chọn các thành viên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ để tước đi quyền tự do sinh sản, và giờ ông ta lại khoe khoang về điều đó,” bà nói. “Tôi đã làm điều đó. Tôi lấy làm hãnh diện đã làm điều đó,” Harris nhắc lại lời Trump trên Fox News.
Harris cho biết người Mỹ đã chia sẻ những câu chuyện về việc sảy thai trong bãi đậu xe, bị nhiễm trùng huyết và mất khả năng sinh con một lần nữa. “Đây là những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta vì Donald Trump”, bà nói, cảnh báo “ông ta vẫn chưa xong”.
Bà cho biết ông ta sẽ hạn chế quyền truy cập biện pháp tránh thai, cấm phá thai bằng thuốc, ban hành lệnh cấm phá thai trên toàn quốc và buộc các tiểu bang phải báo cáo về tình trạng sảy thai và phá thai của phụ nữ.
“Nói một cách đơn giản, họ mất trí,” bà nói.
4. Harris thề sẽ khôi phục dự luật nhập cư mà Trump phản đối
Chuyển sang vấn đề nhập cư, Harris cáo buộc Trump phá hoại dự luật nhập cư lưỡng đảng được thương lượng tại Thượng viện, nhưng cuối cùng thất bại sau khi Trump lên tiếng phản đối. Dự luật này được xem là luật biên giới gắt gao nhất từ trước đến nay, sẽ cung cấp hàng tỷ Mỹ kim dùng tăng cường an ninh biên giới và cải tổ hệ thống tị nạn của quốc gia.
“Nhưng Donald Trump tin rằng một thỏa thuận biên giới sẽ gây thiệt hại chiến dịch của ông ta. Vì vậy, ông ta đã ra lệnh cho các đồng minh của mình tại Quốc hội hủy bỏ thỏa thuận,” Phó Tổng thống nói. “Tôi từ chối chơi trò chính trị với an ninh của chúng ta.”
Bà kêu gọi, “đem lại dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng mà ông ta đã hủy bỏ, tôi sẽ ký thành luật.”
“Tôi biết chúng ta có thể sống đúng với di sản đáng hãnh diện với tư cách là một quốc gia của những người nhập cư, và cải tổ hệ thống nhập cư vốn bị đổ vỡ của chúng ta. Chúng ta có thể tạo ra một con đường xứng đáng trở thành công dân — và bảo vệ biên giới.”
Harris gọi tình hình ở Gaza “thảm khốc”
Ứng cử viên Dân chủ cho biết, bà và ông Biden đang “làm việc suốt ngày đêm” để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và bắt giữ con tin giữa Israel và Hamas.
“Tôi sẽ luôn bảo vệ quyền tự vệ của Israel”, bà nói. “Tôi sẽ luôn bảo đảm Israel có khả năng tự vệ.”
Nhưng Harris cho rằng, những gì đã xảy ra ở Gaza trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng “thảm khốc”.
“Quá nhiều sinh mạng vô tội đã mất”, bà nói. “Những người tuyệt vọng, đói khát, chạy trốn để được an toàn, hết lần này đến lần khác. Mức độ đau khổ thật đau lòng.”
Harris kết thúc bài phát biểu đề cử của mình, kêu gọi người Mỹ “viết chương tiếp theo tuyệt vời trong câu chuyện phi thường nhất từng được kể.”
“Bây giờ đến lượt chúng ta làm những gì mà các thế hệ trước đã làm,” Harris nói. “Được dẫn dắt bởi sự lạc quan và đức tin, đấu tranh cho quốc gia chúng ta yêu quý, đấu tranh cho những lý tưởng mà chúng ta trân trọng, và duy trì trách nhiệm tuyệt vời đi kèm với đặc quyền lớn nhất trên hành tinh — đặc quyền và niềm hãnh diện vì điều đó.”
Hương Giang
Tim Walz phát biểu chấp nhận đề cử cho thấy có thể gây nguy hiểm cho Cộng hoà
CaliToday
August 22, 2024
(CaliToday) – Thống đốc Minnesota Tim Walz vào tối thứ Tư giới thiệu bản thân trước đám đông khán giả đông đảo nhất từ trước đến nay khi khép lại ngày thứ ba đại hội đảng Dân chủ, giải thích về tầm nhìn của ông về “tự do,” và chỉ trích Cộng hòa trong bài phát biểu chấp nhận đề cử phó tổng thống.
“Cám ơn, Cám ơn!
Cám ơn, Phó Tổng thống Kamala Harris. Cám ơn đã đặt niềm tin vào tôi, và mời tôi tham gia vào chiến dịch đáng kinh ngạc này. Và một cám ơn dành cho Tổng thống Joe Biden với 4 năm lãnh đạo mạnh mẽ và lịch sử. Và đây là hân hạnh cả cuộc đời tôi khi chấp đề cử Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Tất cả chúng ta có mặt ở đây đêm nay vì một lý do đơn giản, và tuyệt đẹp – chúng ta yêu quốc gia này! Vì vậy, cảm ơn tất cả các bạn ở Chicago, và tất cả những người đang theo dõi tại nhà vào tối nay. Cảm ơn vì sự đam mê, cảm ơn lòng quyết tâm, và hơn hết là cảm ơn vì đã mang lại niềm vui cho cuộc chiến này. Tôi trưởng thành ở Butte, Nebraska, một thành phố nhỏ với chỉ 400 dân số. Tôi có 24 đứa trẻ trong lớp trung học tôi dạy, và không có đứa nào vào trường Yale.
Nhưng tôi sẽ nói cho mọi người biết điều này, lớn lên ở một thành phố nhỏ như thế, người ta học cách quan tâm lẫn nhau. Gia đình ở cuối đường có thể không nghĩ như quý vị, họ có thể không cầu nguyện như quý vị, họ có thể không yêu thương như quý vị, nhưng họ là hàng xóm của quý vị. Và quý vị trông chừng họ, và họ trông chừng quý vị. Mọi người đều thuộc về nhau, và mọi người đều có trách nhiệm đóng góp. Đối với tôi, đó là phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Lục quân. Tôi nhập ngũ hai ngày sau sinh nhật lần thứ 17, và tôi hãnh diện mặc quân phục của quốc gia chúng ta trong 24 năm.
Bố tôi, một cựu chiến binh Lục quân thời Chiến tranh Đại Hàn, qua đời vì ung thư phổi vài năm sau đó. Ông để lại một núi nợ y tế. Cảm ơn Chúa vì những quyền lợi An sinh Xã hội dành cho người sống sót. Và cảm ơn Chúa vì Đạo luật GI đã cho phép bố tôi và tôi đi học đại học, cũng như hàng triệu người Mỹ khác.
Cuối cùng, cũng giống như những người khác trong gia đình, tôi yêu nghề dạy học. 3 trong 4 chúng tôi kết hôn với giáo viên. Tôi cuối cùng dạy khoa học xã hội, và làm huấn luyện viên bóng bầu dục tại trường Trung học Mankato West. Tiến lên Scarlets! Chúng tôi 44 lần đem bóng về khung thành, chúng tôi chạy qua tiếng còi trong mọi trận đấu, và chúng tôi thậm chí đã giành được chức vô địch tiểu bang. Đừng bao giờ đóng kỷ yếu, mọi người à.
Chính học trò là những người đầu tiên truyền cảm hứng cho tôi tranh cử vào Quốc hội. Các em nhìn thấy ở tôi những gì tôi hy vọng truyền đạt cho chúng, một cam kết vì lợi ích chung, một niềm tin rằng 1 người có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho những người hàng xóm của họ.
Vậy là tôi tranh cử, một giáo viên trung học ngoài 40 tuổi với những đứa trẻ nhỏ, không có kinh nghiệm chính trị, và không có tiền, tranh cử trong một khu vực đỏ rực. Nhưng mọi người biết gì không? Đừng bao giờ đánh giá thấp một giáo viên trường công. Không bao giờ!
Tôi đại diện cho những người hàng xóm của mình tại Quốc hội trong 12 năm, và tôi học được rất nhiều điều. Tôi học cách làm việc với cả hai bên về các vấn đề như phát triển kinh tế nông thôn, và chăm sóc cựu chiến binh. Và tôi học được cách nhượng bộ mà không nhượng bộ giá trị bản thân.
Sau đó, tôi trở về làm Thống đốc, và chúng tôi bắt tay ngay vào công việc tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người hàng xóm. Chúng tôi cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Chúng tôi thông qua chế độ nghỉ phép gia đình và nghỉ bệnh được hưởng lương. Chúng tôi đầu tư vào việc chống tội phạm và nhà ở giá rẻ. Chúng tôi đã cắt giảm chi phí thuốc kê toa, và giúp mọi người thoát khỏi nợ y tế gần như nhấn chìm gia đình tôi. Và chúng tôi bảo đảm mọi đứa trẻ trong tiểu bang của chúng tôi đều được ăn sáng và ăn trưa mỗi ngày. Vì vậy, trong khi các tiểu bang khác đang cấm sách trong trường học thì chúng tôi đã xóa bỏ nạn đói khỏi trường.
Chúng tôi cũng bảo vệ quyền tự do sinh sản, vì ở Minnesota, chúng tôi tôn trọng những người hàng xóm của mình, và những lựa chọn cá nhân của họ. Và ngay cả khi chúng tôi không đưa ra những lựa chọn tương tự cho chính mình, chúng tôi vẫn có một Nguyên tắc vàng: Nên lo chuyện của mình!
Điều đó bao gồm cả phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và khả năng sinh sản. Chuyện này rất riêng tư của Gwen và tôi. Nếu bạn chưa từng trải qua địa ngục của vô sinh, tôi bảo đảm quý vị có biết ai đó đã từng trải qua như vậy. Tôi nhớ mình đã cầu nguyện mỗi đêm để nhận được cuộc gọi báo tin vui. Tôi cảm thấy nhói đau khi điện thoại reo, và đau đớn khi được báo các phương pháp điều trị không hiệu quả. Gwen và tôi đã mất nhiều năm. Nhưng chúng tôi nhận được các phương pháp điều trị vô sinh, và khi con gái chúng tôi cuối cùng cũng chào đời, chúng tôi đặt tên cho con là Hope – Hy vọng.
Hope, Gus và Gwen – các con và em là cả thế giới của tôi, và tôi yêu con và em! Tôi sẽ cho quý vị biết chúng tôi đã bắt đầu gia đình này như thế nào, vì đó là một phần quan trọng trong cuộc bầu cử này: Sự tự do. Khi Cộng hòa sử dụng từ đó, họ có ý là chính phủ nên được tự do xâm phạm phòng khám của bác sĩ. Các tập đoàn được tự do gây ô nhiễm không khí và nước. Và các ngân hàng được tự do lợi dụng khách hàng.
Nhưng khi chúng tôi, những người Dân chủ, nói về tự do, chúng tôi muốn nói đến tự do tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, và cho những người mà quý vị yêu thương. Tự do đưa ra quyết định chăm sóc sức khỏe của riêng mình. Và, vâng, con cái quý vị tự do đến trường mà không lo sẽ bị bắn chết trong hành lang. Này, tôi biết về súng. Tôi là một cựu chiến binh. Tôi là một người đi săn. Tôi bắn giỏi hơn hầu hết những người Cộng hòa trong Quốc hội, và tôi có cúp để chứng minh điều đó. Nhưng tôi cũng là một người bố. Tôi tin vào Tu chính án thứ hai, nhưng tôi cũng tin rằng trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là giữ an toàn cho con cái mình.
Đó chính là tất cả những gì chúng tôi đang nói đến: trách nhiệm của chúng ta đối với con cái, với nhau, và với tương lai mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng, trong đó mọi người đều được tự do xây dựng cuộc sống họ mong muốn. Nhưng không phải ai cũng có cùng ý thức trách nhiệm đó. Một số người không hiểu cần những gì có để trở thành một người hàng xóm tốt.
Hãy lấy Donald Trump và JD Vance làm ví dụ. Dự án 2025 của họ sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với những người chỉ đang tìm cách sống cuộc sống của mình. Họ dành nhiều thời gian giả vờ như họ không biết gì về điều đó.
Nhưng hãy xem, tôi huấn luyện bóng bầu dục trung học đủ lâu để biết, và hãy tin tôi về điều này, khi ai đó dành thời gian soạn thảo một sổ tay chiến thuật, họ sẽ sử dụng nó. Chúng ta biết họ sẽ làm gì nếu họ quay lại Toà Bạch Ốc, họ sẽ bắt đầu tăng chi phí cho các gia đình trung lưu, họ sẽ bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, họ sẽ cắt giảm An sinh Xã hội và Medicare và họ sẽ cấm phá thai trên khắp nước Mỹ, có hoặc không có Quốc hội.
Vấn đề ở chỗ: Đó là một chương trình nghị sự mà không ai yêu cầu. Đó là một chương trình nghị sự không phục vụ cho bất cứ ai ngoài những người giàu nhất và cực đoan nhất trong số chúng ta. Và đó là một chương trình nghị sự không làm gì cho những người hàng xóm đang gặp khó khăn của chúng ta.
Có kỳ cục không? Chắc chắn là có. Nhưng cũng sai, và nguy hiểm nữa. Không chỉ tôi nói vậy, mà chính những người của Trump cũng vậy. Họ đã ở bên ông ta trong bốn năm. Họ cảnh báo chúng tôi, 4 năm tới sẽ tệ hơn rất nhiều.
Khi tôi còn dạy học, chúng tôi bầu ra một chủ tịch hội học sinh. Và mọi người biết không? Những thiếu niên đó có thể dạy Donald Trump rất nhiều điều về bản chất của một nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo không dành cả ngày để xúc phạm người khác, và đổ lỗi cho người khác; các nhà lãnh đạo làm công việc của mình. Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng tôi đã sẵn sàng lật sang trang mới với những người này. Hãy cùng tôi nói: “Chúng ta sẽ không quay lại!”
Chúng ta có thứ gì đó tốt đẹp hơn để cung cấp cho người dân Mỹ. Bắt đầu với ứng cử viên của chúng ta, Kamala Harris.
Ngay từ những ngày đầu tiên làm công tố, biện lý quận, Tổng Biện lý, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, rồi trở thành Phó Tổng thống, bà đã đấu tranh vì người dân Mỹ. Bà chống lại những kẻ săn mồi và lừa đảo. Bà xoá các băng đảng xuyên quốc gia. Và bà đã đứng lên chống lại các lợi ích của tập đoàn hùng mạnh. Bà không bao giờ ngần ngại vượt qua rào cản nếu điều đó có nghĩa là cải thiện cuộc sống của bạn. Và bà luôn làm điều đó bằng năng lượng, bằng đam mê và bằng niềm vui.
Quý vị à, chúng ta có cơ hội đưa Kamala Harris trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nợ người dân Mỹ một lời giải thích chính xác về những gì bà ấy sẽ làm trong tư cách là tổng thống trước khi chúng ta yêu cầu họ bỏ phiếu. Vậy nên, đây là phần này, hãy cắt nó ra, lưu lại và gửi cho những người họ hàng chưa quyết định của quý vị để họ biết. Nếu quý vị là một gia đình trung lưu hoặc một gia đình đang tìm cách vươn lên tầng lớp trung lưu, Kamala Harris sẽ cắt giảm thuế cho quý vị. Nếu bạn đang bị ép giá thuốc kê toa, Kamala Harris sẽ đấu tranh với các ông trùm dược phẩm. Nếu ai đó đang hy vọng mua nhà, Kamala Harris sẽ giúp mua được nhà với giá phải chăng hơn.
Và bất kể quý vị là ai, Kamala Harris sẽ đứng lên và đấu tranh cho quyền tự do của quý vị được sống cuộc đời như mong muốn.
Bởi vì đó là điều chúng ta muốn cho chính mình. Và đó là điều chúng ta muốn cho những người hàng xóm của mình. Mọi người biết đó, quý vị có thể không biết nhưng tôi chưa có nhiều bài phát biểu lớn như thế này. Nhưng tôi đã có rất nhiều bài phát biểu ngắn khơi dậy nhiệt huyết.
Vậy để tôi kết thúc với điều này, đồng đội à. Đây là hiệp thứ tư. Chúng ta đang thiếu một mục tiêu trên sân. Nhưng chúng ta đang phản công, và chúng ta có bóng. Chúng ta đang chạy xuống sân. Và, trời ơi, chúng ta có đội đúng. Kamala Harris rất mạnh mẽ. Kamala Harris có kinh nghiệm. Và Kamala Harris đã sẵn sàng.
Nhiệm vụ của chúng ta, đối với tất cả mọi người đang xem, là vào chiến hào và thực hiện việc ngăn chặn và giải quyết. Từng inch một, từng yard một, từng cuộc gọi điện thoại một, từng lần gõ cửa một, từng lần đóng góp 5 đô la một.
Chúng ta chỉ còn 76 ngày nữa. Điều này không sao. Chúng ta sẽ ngủ một lần khi chết. Và chúng ta sẽ để lại tất cả trên sân. Đó là cách chúng ta tiếp tục tiến về phía trước. Đó là cách chúng ta sẽ sang trang về Donald Trump. Đó là cách chúng ta sẽ xây dựng một quốc gia nơi người lao động được đặt lên hàng đầu, chăm sóc sức khỏe và nhà ở là quyền con người, và chính phủ sẽ tránh xa khỏi phòng ngủ của quý vị.
Đó là cách chúng ta biến nước Mỹ thành nơi không có trẻ em nào bị bỏ đói. Nơi không có cộng đồng nào bị bỏ rơi lại phía sau. Nơi không ai bị nói rằng họ không thuộc về nơi đó như thế nào.
Đó là cách chúng ta sẽ đấu tranh. Và như vị Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ luôn nói, “Khi chúng ta đấu tranh, chúng ta sẽ chiến thắng!” Khi chúng ta đấu tranh, chúng ta chiến thắng! Khi chúng ta chiến đấu, chúng ta chiến thắng!
Cám ơn, Chúa phù hộ đồng bào Mỹ!”
Hương Giang
Newsweek: Món hàng không ai mua
Bản dịch của Vũ Linh (Diễn Đàn Trái Chiều)
Không một ai chịu mua những gì Joe Biden, Kamala Harris và đảng Dân Chủ đang rao bán hiện nay.
Đầu tuần rồi, trong đêm khai mạc cuộc nhóm họp ma quỷ tại Chicago mà đám Dân Chủ gọi là đại hội toàn quốc, ông tổng tư lệnh sắp về vườn công khai phủ nhận việc ông đã tức giận với tất cả những người đã cho rằng ông cần phải rút lui sau thảm họa tranh luận tháng Sáu. Đã không có một người nào thực sự tin chuyện này. Trong suốt nhiều tuần sau cuộc tranh luận, trong khi đám truyền thông và giai cấp ưu tú của đảng DC, bu quanh như đám cá tra, Tòa Bạch Ốc đã có thái độ trụ chân một cách thách thức và khẳng định sẽ không đi đâu hết. Biden cuối cùng chịu thua nhưng không ai tin cụ không tức giận đám DC đã đẩy cụ vào phía sau và ép cụ phải đọc bài điếu văn chính trị cho chính cụ -một bài than vãn cay đắng- trên truyền hình quốc gia. Không ai tin cụ đâu, Joe Biden.
Trong đêm thứ nhì của hội nghị ma quỷ thượng đỉnh, cử tri DC nghe rao rảng từ chính miệng tay cộng sản chính gốc Bernie Sanders. Sanders, là người đã đi hưởng tuần trăng mật tại Liên Xô trong cao điểm của Chiến Tranh Lạnh trong khi treo cờ Búa Liềm cộng sản trong văn phòng thị trưởng của ông khi đó, là một tay chuyên gia thao túng đảng DC ngày nay. Trong lời rao rảng, có lúc Sanders đã nói “Tôi muốn tất cả mọi người nhớ lại chuyện của ba năm rưỡi trước”. Có thật là đảng DC muốn so sánh thành quả thực sự của Donald Trump với Biden không? Trước khi COVID-19 phá hoại năm cuối của Trump, Nga không đánh Ukraine, Hamas không giết dân Do Thái, kinh tế không bước vào suy trầm, lạm phát không ở mức cao nhất từ bốn chục năm qua, hàng triệu di dân lậu không tràn ngập xứ Mỹ, Mỹ là xứ xuất cảng năng lượng. Không ai tin ông đâu, ông cộng sản ơi.
Sau đó, ngày Thứ Ba, những người tham dự đại hội được nghe từ hai người khổng lồ tối cao đang thực sự kiểm soát đảng cực đoan DC ngày nay: Barack và Michelle Obama. Barack và Michelle cố hun đúc cái hồ hởi giả tạo dành cho bà Harris, bằng cách nhắc nhở lại những ngày vàng son năm 2008 của phép lạ “Hy Vọng” và “Yes, We Can!”. Không một người có ý thức chút đỉnh có thể đồng ý với so sánh Barack Obama với Harris. Bỏ qua chính sách cực tả và màu da đậm giống nhau, thiên tài hùng biện Obama không có gì giống bà u mê Cali, chuyên cười hô hố, được ủng hộ ít hơn bệnh dương liễu, chỉ được bổ nhiệm làm ứng cử viên TT của đảng DC sau khi bác Joe bị đảo chánh không đổ máu, vì đảng DC không còn giải pháp nào khác.
Trong bài diễn của ông, Obama đã nhắc lại việc chọn ‘ông bạn’ Biden đứng cùng liên danh năm 2008 đã là một quyết định hay nhất. Thật ra, họ nghĩ chúng ta ngu tới mức nào? Obama, cho dù không có can đảm công khai nhìn nhận, đã cùng với Nancy Pelosi, là thủ phạm chính trong vụ đảo chánh tháng Bảy. Đúng vậy, Biden đã không thèm ở lại đại hội nghe Obama; cụ đã bay đi Cali nghỉ khỏe. Bà Harris cũng đã bỏ đi Milwaukee đêm Obama đọc diễn văn, cố tránh chọc giận Biden thêm. Như phóng viên Tòa Bạch Ốc của Fox News Jacqui Heinrich đã báo cáo, hai ông bà Obama vẫn chưa lấy lại được cảm tình của Tòa Bạch Ốc của Biden sau vu đảo chánh. Mà họ cũng không nên được như vậy. Không ai mua cái bài hát kumbaya lố bịch của đảng DC. (Ghi chú của DĐTC: kumbaya là loại bài hát của dân Phi châu dành để cầu mong phép lạ của thần thánh; đây là cách tác giả Josh Hammer mỉa mai việc các lãnh đạo DC ca tụng Biden sau khi đuổi cụ đi chỗ khác chơi).
Cuối cùng, một phần lớn của cuộc họp của đám ma quỷ tại ‘Thành Phố Gió Mạnh’ (Ghi chú của DĐTC: Windy City là biệt danh của Chicago) đã được dành cho việc tung hô gia tài của Biden, được gọi là “yêu nước”, “người tốt” đã đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi đảng, bằng cách khiêm nhường rút lui khỏi cuộc tranh cử TT. Toàn bộ câu chuyện là nói láo. Biden không hề “vị kỷ” hay “cao thượng” khi rút lui, ông ta bị đảo chánh một cách thô bạo nhất bởi chính các đồng chí của ông. Đảng DC, không giống đảng CH, tin tưởng họ có quyền làm bất cứ chuyện gì để chiếm được thắng lợi. Không có gì tự nguyện hay vị kỷ gì trong chuyện này, chỉ là chuyện một đảng phải làm bất cứ chuyện gì họ nghĩ cần thiết để tối đa hóa hy vọng chiến thắng chống một đối thủ mà họ ngụy tạo là một đe dọa độc đáo cho thể chế dân chủ của chúng ta.
Về chuyện Biden là một “người tốt”, đây cũng là nói láo. Đúng vậy, đây là nói láo lớn nhất, thường được lập lại liên tục trong cuộc đời của tôi. Biden không phải là người tốt. Chỉ cần hỏi bà Mary Ellen Bork khi xưa Joe Biden đã hợp tác với Ted Kennedy, tay đã giết Mary Jo Kopechne, để đánh chồng của bà, người được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện Robert Bork như thế nào, đến độ cái tên ‘bork’ đã đi vào tự điển tiếng Mỹ, mang nghĩa “đánh tàn bạo”. Chúng ta cũng có thể hỏi thẩm phán Clarence Thomas Biden có là người tốt không khi cụ đã là người phổ biến những nói láo thô bỉ nhất của bà Anita Hill. Thêm nữa, có ông bố Mỹ nào có thể nhìn vào Hunter Biden để nói Joe là một ông bố tốt không?
(Ghi chú thêm của DĐTC:
– Năm 1987, TT Reagan bổ nhiệm quan tòa Robert Bork vào Tối Cao Pháp Viện. Ra trước thượng viện để được phê chuẩn, ông Bork bị các nghị sĩ DC, cầm đầu bởi nghị sĩ Joe Biden, khi đó là chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, đánh tàn bạo, lôi ra hay phịa ra những chuyện cá nhân bẩn thỉu nhất đã bôi bác, với sự phụ họa đồng loạt của truyền thông khi đó. Cuối cùng, ông Bork bực mình, rút tên ra, không nhận đề cử; sau đó thẩm phán da đen Clarence Thomas được đề cử thay thế.
– Thẩm phán Clarence Thomas cũng bị Joe Biden đánh tàn bạo luôn, lôi ra được một bà da đen Anita Hill trước đó làm thư ký cho ông tòa Thomas, ra tố cáo ông Thomas đã sách nhiễu tình dục bà, nhưng cuối cùng, ông Thomas vẫn được phê chuẩn theo đúng làn ranh đảng phái trong thượng viện khi đó)
– Năm 1969, Mary Jo Kopechne là thư ký của thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Đi ‘ăn chả ăn nem vụng trộm’ với Kennedy. Sau bữa tiệc, Kennedy lái xe chở cô đi, vì say, lao xuống con rạch, xe chìm nghỉm. Kennedy lội ra, không thèm cứu cô Kopechne, về nhà, tới sáng mới báo cảnh sát sau khi cô Kopechne đã chết chìm trong xe cả đêm trước.