Nhiều tác giả

Mượn cớ cờ vàng để “phong sát” nghệ sĩ ?

Trà My, Thoibao.de, 27/08/2024

Bàn về sự khác biệt, người Việt từ ngày xưa đã có câu “bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn”. Nói theo thời hiện đại, câu này ngụ ý thừa nhận của tính đa nguyên của xã hội. Trong một xã hội dân chủ văn minh, đa số công dân đều biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.

covang1

Vấn đề phân biệt cờ vàng – cờ đỏ đã nhiều lần khiến mạng xã hội người Việt nổi sóng.

Thời gian gần đây, rộ lên chuyện các nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một vấn đề bị coi là nhạy cảm tại Việt Nam – nơi mà Đảng cộng sản và chính quyền của họ, luôn cáo buộc những người của chế độ cũ là thế lực thù địch ở nước ngoài, âm mưu chống phá nhà nước.

Đó là lý do, những sự việc liên quan đến mối quan hệ giữa quốc nội và hải ngoại luôn xộc xệch, mà lá “cờ vàng ba sọc đỏ” thường gây ra những phản ứng mạnh mẽ khác nhau, giữa người dân và chính quyền.

Việc các nghệ sĩ ở Việt Nam ra nước ngoài, hay nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhu cầu trao đổi, giao lưu nghệ thuật là chính đáng. Do đó, việc nhà nước chỉ trích, thậm chí là xử lý những nghệ sĩ từng biểu diễn ở Hoa Kỳ, với lý do có dính vấn đề “nhạy cảm” về chính trị, khiến công luận bất bình cũng là điều dễ hiểu.

Có thể kể ra như, chuyện vợ chồng nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và nữ ca sĩ Ngọc Mai bị phê phán, chỉ trích, vì xuất hiện cùng lá cờ vàng ba sọc tại Mỹ ; hay chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị đình chỉ biểu diễn trong 9 tháng, vì đeo cái gọi là huy hiệu giống “Biệt công bội tinh”, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Mới đây, vì sợ bị cấm biểu diễn hay bị cấm phát sóng trên các chương trình giải trí của các đài truyền hình, hàng loạt các danh tài trong nước từng “lỡ” xuất ngoại biểu diễn, phải chủ động “sám hối” để được nhẹ tội. Như ca sĩ Phạm Khánh Hưng, Myra Trần, Tóc Tiên… đã lên tiếng xin lỗi, kèm theo những lời giải thích đầy “bi ai”, cho biết rằng, họ cũng vì “miếng cơm, manh áo”, và hoàn toàn không liên quan đến quan điểm chính trị, hay chống phá nhà nước.

Vấn đề phân biệt cờ vàng – cờ đỏ đã nhiều lần khiến mạng xã hội người Việt nổi sóng.

Theo giới quan sát, vì nước Mỹ là nơi cưu mang các nạn nhân của sự đàn áp về nhân quyền và tự do tôn giáo lớn nhất thế giới, ở đó, các cộng đồng người tị nạn của các quốc gia nói chung, hay cộng đồng người Việt nói riêng, đều có quyền lựa chọn màu cờ, hay biểu tượng đại diện cho họ. Đây là các quyền hợp pháp.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ là di sản, là ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại, cần được tôn trọng. Hơn nữa, những người thuộc thế hệ tị nạn đầu tiên, vốn hăng say chống cộng, nay cũng đã gần đất, xa trời.

Nhà nước Việt Nam chủ trương chỉ trích, xử lý, đối với các nghệ sĩ từng biểu diễn ở Hoa Kỳ, với lý có dính đến “cờ vàng”, thực chất là hành động “truy sát” các nghệ sĩ. Đây là một chủ trương hết sức sai lầm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Công luận thấy rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài từng được Đảng gọi là “khúc ruột ngàn dặm”, họ chính là nguồn tài chính hùng hậu cho Việt Nam, với số ngoại tệ gửi về mỗi năm bình quân khoảng gần 20 tỷ USD. Trong vòng 30 năm, số ngoại tệ của người Việt ở nước ngoài gửi về, đúng bằng tổng số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong nước.

Một vấn đề nữa mà công luận nhấn mạnh, thay vì cúi đầu để sám hối trước bạo quyền, thì các nghệ sĩ, ca sĩ, cần ý thức được rằng, trong luật pháp Việt Nam không hề có bất cứ điều luật nào cấm cờ vàng ba sọc đỏ cả. Và cho tới nay, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, cũng không có ban hành một thông tư / nghị định, hay một văn bản dưới luật, cấm các nghệ sĩ biểu diễn, nếu sân khấu có sử dụng cờ vàng ba sọc đỏ. Đó là các quyền hợp pháp của các nghệ sĩ, ca sĩ.

Trà My

****************************

Nguyễn Trọng Nghĩa “lùa bò” phong sát dân, âm mưu “tạo phản” đang nhen nhóm ?

Thái Hà, Thoibao.de, 27/08/2024

Những ngày qua, dư luận viên được các ban tuyên giáo địa phương chăn dắt, đã đồng loạt lên đồng, đấu tố những nghệ sĩ trong nước từng đi trình diễn ở nước ngoài, và biểu diễn trên sân khấu có cờ vàng. Điều này đã khiến nhiều nghệ sĩ khốn đốn, khiến họ phải xin lỗi “công chúng”, mà thực chất là lực lượng “hồng vệ binh” do Ban tuyên giáo Trung ương chăn dắt.

covang2

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo Ban Tuyên giáo và dư luận viên phong sát nghệ sĩ và tấn công Đại học Fulbright nhằm tỏ thái độ thân Tàu.

Thực tế, chẳng có “công chúng” nào lại đi thù hằn với một lá cờ. Với người dân, chuyện cơm áo gạo tiền là trên hết. Và dưới thời cộng sản, người dân càng sợ dính líu đến chính trị. Vì vậy, việc một lá cờ vàng vô tình xuất hiện trong một clip ca nhạc nào đó, cũng không làm cho người dân bới móc ra để tấn công.

Tất cả các trang mạng do dư luận viên lập ra, đều nhân danh khán giả, đều nhân danh “nhân dân”. Nhưng họ chỉ là tay sai của chính quyền. Họ được chỉ đạo để tung hô chế độ, tung hô lãnh tụ v.v… để ra vẻ như người dân ủng hộ chế độ, ủng hộ Đảng. Đồng thời, những dư luận viên này đánh phá những quan điểm phản biện, đối lập với Đảng một cách rất hung hăng. Bất chấp việc những quan chức được họ tung hô, sau đó đều lộ mặt là những quan tham, tàn phá kinh tế đất nước.

Trên mạng xã hội, thành phần dư luận viên được chính quyền gọi là “quần chúng nhân dân”. Những ca – nghệ sĩ bị đấu tố, cũng là từ nhóm “nhân dân trá hình” kia, còn chính nghệ sĩ mới là nhân dân thật.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là tướng quân đội, hiện đã lên Ủy viên Bộ Chính trị, đang chỉ đạo những chiến dịch phong sát người dân, và phong sát cả Đại học Fulbright.

Fulbright Việt Nam là kết quả hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ngành Chính sách công – ngành học về quản trị nhà nước theo xu hướng kinh tế thị trường. Việc phong sát các nghệ sĩ liên quan đến cờ vàng và tấn công Đại học Fulbright, xem như là thái độ của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Hiện nay, cung đình đang kịch chiến, phe nào cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh. Ngay cả phe mạnh nhất là nhóm Hưng Yên do Tô Lâm cầm đầu, cũng chủ trương sang Bắc Kinh tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị.

Điều đáng nói là, Đảng cộng sản Việt Nam càng loạn, thì các phe phái càng muốn được Bắc Kinh chiếu cố. Điều này khiến cho Việt Nam ngày một lệ thuộc hơn vào Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng thuận tiện hơn trong việc triển khai các chính sách với Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là người được ông Trọng cất nhắc. Khả năng cao, ông Nghĩa sẽ phải rời Ban Bí thư, nếu không chứng minh được rằng, bản thân mình có ích cho Tô Lâm. Hiện nay, ông Nghĩa chỉ đạo Ban Tuyên giáo phong sát người dân và tấn công Đại học Fulbright, nhằm tỏ thái độ thân Tàu. Như vậy là, những nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo có tư tưởng cải cách trước đây, thông qua việc hợp tác giáo dục với Mỹ và phương Tây, đã bị ông Nghĩa mang ra làm công cụ, vì mục đích chính trị cá nhân.

Ông Nghĩa đã tỏ ra thân Tàu một cách cực đoan, như là một mũi tên bắn vào 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là hòa cùng thái độ được một số người cho là thân Tàu của Tổng bí thư Tô Lâm, ông Nghĩa muốn tỏ ra mình là người cùng tư tưởng, cùng chí hướng với Tô Lâm. Mục đích thứ nhì là cho Bắc Kinh thấy, Nguyễn Trọng Nghĩa cũng là một người hữu dụng với Bắc Kinh, nếu được chiếu cố.

Trong bối cảnh chưa biết sẽ được Tô Lâm sử dụng hay bị vứt bỏ, ông Nghĩa đã đi một nước cờ thăm dò, để mưu cầu cho mối quan hệ chính trị về sau.

Không biết, ông Tô Lâm có nhận ra ý đồ của Nguyễn Trọng Nghĩa hay không ? Những người đang cố lấy lòng tân Tổng bí thư, và chứng tỏ là người có ích với thiên triều, thì trước sau gì cũng phản, nếu có cơ hội. Tô Lâm từng trá hình, thể hiện là thuộc hạ tận tụy với ông Trọng, để tìm cơ hội, thì sẽ hiểu hơn ai hết những kẻ có bụng dạ như Nguyễn Trọng Nghĩa.

Thái Hà

***********************

Clip video của kênh Truyền hình Quốc phòng đã bị gỡ bỏ sau khi đăng

Hiếu Bá Linh, Thoibao.de, 27/08/2024

Ngày 21/8, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đăng một phóng sự video về Đại học Fulbright Việt Nam với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”. Nhưng vài ngày sau đó video này đã bị gỡ bỏ.

Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục

Video đã bị gỡ khỏi kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam,  Thoibao.de đã kịp thời lưu giữ clip video này.

Video này quy chụp trường Đại học Fulbright Việt Nam là mầm mống của “Cách Mạng màu”, qua những biểu hiện như lễ tốt nghiệp không diễu hành với quốc kỳ Việt Nam, thay vào đó là cờ Fearless (không sợ hãi) và một số hoạt động khác của trường.

Ai cũng biết, những đàn bò đỏ dư luận viên được các Ban Tuyên giáo địa phương chăn dắt và cho ăn. Cấp cao nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương mà hiện nay do phía Quân đội nắm giữ : Trưởng ban Tuyên giáo trung ương là Thượng tướng quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa.

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo trung ương đã mở chiến dịch lùa đàn bò dư luận viên tràn vào húc Đại học Fulbright Việt Nam – nơi con gái (Nguyễn Thanh Phượng) và con rể (Nguyễn Bảo Hoàng) của 3X là nhà tài trợ chính – tố cáo Đại học Fulbright Việt Nam là mầm mống của “cách mạng màu”. Tức là phía Quân đội đánh 3X để dằn mặt Tô Lâm (đứng đầu phía công an) chớ có nghiêng về phía Mỹ. Được biết, tháng 9 sắp tới Tô Lâm có chuyến đi Mỹ dự phiên họp của Liên Hợp Quốc ở New York và sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Biden bên lề.

Nếu đánh Đại học Fulbright Vviệt Nam không thôi thì lộ liễu quá, nên Thượng tướng quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa cũng áp dụng “nghi binh”, lùa đàn bò dư luận viên húc các nghệ sĩ hát với phong sân khấu có cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa (cũng liên quan đến gốc gác của Nguyễn Bảo Hoàng, con rể 3X).

Như vậy cuộc đấu đá giữa 2 phe (thân Trung Quốc và thân phương Tây) đã được biểu hiện qua làn sóng tấn công, quy chụp trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Hiếu Bá Linh 

***********************

Sau khi bị chỉ trích trên mạng xã hội, Đại học Fulbright được Bộ Ngoại giao ca ngợi

RFA, 27/08/2024

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/8 ca ngợi Đại học Fulbright Việt Nam là “thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, đồng thời hy vọng Đại học tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Mỹ.

covang3

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright ở Việt Nam tại Đại học Ngoại thương ở Hà Nội hôm 10/7/2012 – Brendan Smialowski / POOL / AFP

Tuyên bố chính thức này được đưa ra sau vài tuần trường đại học do Mỹ tài trợ bị mạng xã hội Việt Nam chỉ trích là nơi khuyến khích cách mạng màu ở Việt Nam, là “lò đào tạo phản động”. Những chỉ trích này đã khiến Đại học Fulbright Việt Nam phải lên tiếng phản bác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề này đã khẳng định “Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.”

Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập vào năm 2016 và có trụ sở chính tại TP HCM. Trường được cập giấy phép hoạt động vào năm 2017 và khai giảng khóa đầu tiên vào năm 2018. Trường vừa tổ chức lễ tốt nghiệp cho khóa sinh viên đầu tiên vào tháng 6 vừa qua với 128 cử nhân.

***********************

Nhắm mắt bán nhân cách cho chợ đời

Nam Việt, RFA, 24/08/2024

Làn sóng đấu tố điên cuồng của các thành phần cuồng cộng được được nuôi dưỡng trong Việt Nam, đang dẫn đến những tình huống kịch tính mới : Các ca sĩ nào xuất ngoại và hát dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, hay trong các chương trình bị coi là “nhạy cảm chính trị” với Hà Nội, đang bị các cuồng cộng viên lùng sục hình ảnh trên mạng lưới để phô bày, và tấn công là “phản quốc”, hay chỉ trích vì có ý ủng hộ bọn “phản động”.

covang4

Ca sĩ Myra, cô nhấn mạnh là những “sai lầm” đã mắc phải là do sự “thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân” và “không tìm hiểu cẩn thận”

Tuần cuối tháng 8/2024, mạng xã hội Việt Nam chứng kiến nhiều cảnh xưng tội giữa đại chúng, của các ca sĩ đã tìm show diễn ở các cộng đồng người Việt tự do, nay bị bắt bẻ, đã hết mực trình bày là mình sai, mình là kẻ nông cạn. Chẳng hạn như ca sĩ Myra, cô nhấn mạnh là những “sai lầm” đã mắc phải là do sự “thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân” và “không tìm hiểu cẩn thận” khi tham gia những chương trình ca nhạc của người Việt hải ngoại mà có treo cờ vàng. Mà dù hiện chưa có sự cấm đoán chính thức nào, cô Myra vẫn khẩn khoản “mong được tiếp tục cống hiến và tiếp tục phục vụ khán giả”.

Xã hội Việt Nam còn chưa hết ngạc nhiên với trò hô hoán ấu trĩ của lớp cuồng cộng, cùng sự sợ hãi bất thường của giới ca nghệ sĩ thời xã hội chủ nghĩa, thì lại xuất hiện thư xin lỗi toàn thể đại chúng đang hung hăng, của ca sĩ Tóc Tiên.

Ca sĩ Tóc Tiên được nhiều người Việt hải ngoại biết đến, khi đến Hoa Kỳ và trở thành cộng tác thường xuyên với Thúy Nga Paris từ năm 2009. Sau đó, cô cũng quay về Việt Nam và trình diễn. Mới đây, trong chiến dịch “phong sát” của giới cuồng cộng, Tóc Tiên cũng bị chỉ điểm những hình ảnh biểu diễn có lá cờ vàng trong đó, vốn đã hơn 10 năm. Có lẽ bị ảnh hưởng từ sự sợ hãi đang ngấm ngầm lan nhanh trong một số nghệ sĩ có cơ hội diễn ở ngoài nước, Tóc Tiên lập tức cho đăng thư xin lỗi trên trong facebook cá nhân của mình.

“Tiên vẫn còn là một người trẻ thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cẩn trọng trong việc lựa chọn sân khấu biểu diễn. Tiên xin chân thành nhận lỗi vì đã không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cần thiết, dẫn đến việc tham gia một số sự kiện không phù hợp. Đây chắc chắn là một bài học không thể quên trong cuộc đời và sự nghiệp của Tiên”, thư viết. Nhiều người nhận định rằng quả là hôm nay, Tóc Tiên đã rất kinh nghiệm với trong cuộc sống trong nước, biết phải nở nụ cười giả tạo, và biết ra vẻ thân thiện với lớp cuồng cộng đang bao vây, nên đã vội viết thư ngay khi chưa có chuyện gì xảy ra với cô.

Nhưng trong xã hội Việt Nam, tất cả những làn sóng điên cuồng diễn ra trên các trang mạng xã hội bởi các dư luận viên – mà vốn lúc này được gọi nhanh thành phần cuồng cộng – ai cũng thấy là đều xuất phát từ những chỉ đạo bí mật bên trong của ban tuyên giáo cộng sản. Những nhà chính trị thao túng cao cấp này luôn ngồi trong căn phòng của mình, theo dõi và lợi dụng các tình huống, đẩy nhanh thành sự kiện, mà mới đây là chuyện giới cuồng cộng kích động nhau cùng vẽ lên nóc nhà lá cờ đỏ.

Nếu diễn đàn mạng xã hội là một đường phố, thì người ta thấy lúc này lần lượt những nghệ sĩ quen thuộc đang quỳ mọp trên đường và xin lỗi những đám trẻ cuồng cộng về sự ngu dại của mình. Có thể thấy tất cả nghệ sĩ bị bêu tên như Việt Hương, ca sĩ Phan Đinh Tùng, Phạm Khánh Hưng… cũng đang chuẩn bị phần “nông cạn và thiếu hiểu biết” của mình. Danh sách này sẽ còn dài, trong một xã hội đang bị Ban Tuyên giáo nhào nặn, thao túng từng ngày để gây chia rẽ và hận thù.

Về phía những người không phải là giới cuồng cộng, khi nhìn thấy, có người buồn cười, có người phẫn nộ, nhưng cũng có những người nhiều kinh nghiệm hơn thì im lặng, và nhắc về Trung Quốc với những ngày tháng Cách mạng Văn hóa đẫm máu, mà trong đó những thành phần cuồng cộng được chọn làm chủ nhân ông đất nước vì sự vô học. Sự vô học hôm nay ở Việt Nam cũng trở thành có giá, vì được tin cậy và giao nhận vai trò canh gác cánh cửa chuồng của giới chủ.

Chẳng có gì để nói về những thành phần cuồng cộng, với những ngôn luận cực đoan và ngu xuẩn, chúng chỉ giúp che đậy cho sự sợ hãi của chính quyền Hà Nội về sự tồn tại nghiễm nhiên và bất biến của lá cờ vàng 3 sọc đỏ, của một chế độ bị cưỡng chiếm. Vàng bạc họ đã chiếm, con người họ đã giam cầm, và đất nước hôm nay trở thành một guồng máy lao động không ngừng nghỉ để tạo ra của cải cho bọn quan chức Cộng sản tham nhũng. Vì bởi sự bất lương của bộ mặt chính quyền Hà Nội ngày nào còn tồn tại, thì ngày đó lá cờ vàng của một quốc gia tự do vẫn còn là một đối trọng để người ta nhìn thấy sự thật.

Nhưng điều đáng nói ở đây, việc chọn lựa của giới nghệ sĩ trong nước, đi ra các cộng đồng người Việt tự do, kiếm sống bằng đồng đô la và hít thở Không khí tự do bên ngoài, không có ai ép uổng. Họ được quyền từ chối nếu thấy mình không muốn tham gia.

Sự “nông cạn và thiếu hiểu biết” mà họ quyền mọp xuống để thổ lộ với giới cuồng cộng, cần được giải thích rõ bằng việc họ đến và biểu diễn ở các cộng đồng này, đã luôn được căn dặn cần có thái độ sống như một người tự do, và không được nói những điều như là một người đã bị Cộng sản nhồi sọ. Được biết hầu hết các bầu show tổ chức biểu diễn ở Mỹ đều phải bảo đảm điều này với tất cả những ca sĩ từ Việt Nam tới, để tránh cho trường hợp show diễn của họ bị biểu tình và hủy bỏ.

Do đó, không có chuyện “nông cạn và thiếu hiểu biết” bất ngờ như các thư xin lỗi nồng nàn, mà phải bàn đến lòng tự trọng và danh dự của một nghệ sĩ, đã bị hy sinh như thế nào trong một bối cảnh đáng thương hơn là đáng giận. Thậm chí là quá thương hại vì họ phủ nhận thật nhanh sự đóng góp nuôi dưỡng của cộng đồng có cờ vàng, cho đời nghệ sĩ của họ không ít. Nuốt nghẹn sự thật vào trong và suýt xoa xin lỗi giả tạo, nếu còn chút nhân tính, thật không dễ !

Chuyện đời hiện thực vẫn còn ghi rõ. Cô Nhíp (tên thật là Cao Thị Nhíp), người được chụp tấm ảnh có nụ cười rạng rỡ khi đưa xe tăng của quân Bắc Việt, ngày 29/4/1975, trên đường cưỡng chiếm chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở cửa ngõ Sài Gòn, từ hướng Tây Bắc. Nhưng sau vài năm “giải phóng”, cô Nhíp im lặng bỏ sang Mỹ, giờ là một công dân Mỹ gốc Việt. Nghe nói là cô có nhà ở Garden Grove, miền Nam Califfornia. Cũng có người đi chợ nhận ra cô. Người thì im lặng, người chào đón như một con người mới của cô Nhíp ở vùng đất của người Việt không cộng sản.

Ai rồi cũng có một thời. Với những thành phần cuồng cộng ở Việt Nam hay những ca sĩ đang sướt mướt xin lỗi trên các trang mạng cũng vậy.

Cô Nhíp không còn muốn nhắc về thời tự hào, cười, đầu đội mũ tai bèo, ngồi trên xe tăng của mình. Có người hỏi, nghe kể là cô quay đi “Tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”. Dĩ nhiên, không có cách nói khác, thời tuổi trẻ đó, chắc chắn cô cũng là một thành phần cuồng cộng. Nhưng rồi thời “nông cạn và thiếu hiểu biết” cũng qua đi, cô Nhíp hôm nay đã khác.

Mọi người, ai cũng có một thời “nông cạn và thiếu hiểu biết” của mình. Rồi mọi thứ sẽ đi qua, và từng người đều có cơ may lớn lên bằng nhận thức của chính mình. Nhưng với các ca sĩ, nghệ sĩ đang sụt sùi xin lỗi hôm nay, họ cũng nên có một lời thề cho đời mình – dẫu âm thầm cũng được – rằng thề là sẽ có một lần sống như một con người đúng nghĩa với sự có mặt trên cõi đời này, cải táng nhân cách một lúc nào đó thật tử tế, sau lần đã vùi dập, bán rẻ hôm nay.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 26/08/2024

************************

Đấu tố ca sĩ hát dưới cờ vàng – đợt thanh lọc xã hội chủ nghĩa toàn diện

RFA, 26/08/2024

Một loạt các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng phải lên tiếng xin lỗi khi bị dư luận viên tấn công vì đã từng biểu diễn ở hải ngoại trong các sự kiện có cờ Việt Nam Cộng Hòa.

covang5

Một buổi diễu hành kỷ niệm ngày 30/4/1975 do người Việt thực hiện mang theo lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa tại Washington DC hôm 30/4/2005. AFP

Myra Trần, hồi cuối tháng 7, bị Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) cắt sóng trong chương trình “Anh trai say hi” và thay thế bằng một ca sĩ trẻ khác. Nguyên do là vì nữ ca sĩ đã hát tại đám tang của ông Lý Tống – một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa – hồi năm 2019. Đến ngày 15/8, nữ ca sĩ này phải đăng tâm thư xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Cô giãi bày rằng vì sự thiếu hiểu biết nên đã tham gia vào một số sự kiện không phù hợp trong quá khứ ; Đồng thời khẳng định “không có tư tưởng chống phá gây hại đến an ninh quốc gia”. Cô xem đây là bài học lớn và cam kết sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai.

Tiếp sau đó, một loạt các nghệ sĩ khác như Phạm Khánh Hưng, Phan Đình Tùng, Tóc Tiên, Việt Hương… cũng bị các trang Facebook thân chính phủ đào lại những hình ảnh, video clip họ đã biểu diễn ở Mỹ mà có hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.

Việt Hương, diễn viên chính trong bộ phim điện ảnh “Ma Da”, hiện được trình chiếu tại các cụm rạp khắp Việt nam cũng phải xin lỗi vì đã xuất hiện trên sân khấu cạnh một biểu ngữ in cờ vàng và cờ Mỹ. Việt Hương nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với những sự việc đã diễn ra trong quá khứ và cũng “xin chủ động làm việc với cơ quan có thẩm quyền để nhận trách nhiệm và thực thi quyết định của các cơ quan”.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, người từng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc quy mô ở Mỹ ủng hộ nhân quyền Việt Nam, khẳng định rằng lá cờ vàng với ba sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ở nước Mỹ. Do đó, việc các chương trình có treo lá cờ này là hoàn toàn bình thường :

“Họ đâu cần phải xin lỗi cái chuyện gì, không hiểu họ xin lỗi vì cái gì. Ở đây là những người Việt Nam tị nạn, có những buổi trình diễn cho các hội đoàn thì họ có lá cờ vàng là chuyện bình thường thôi.”

Ca sĩ Nguyên Khang, hiện đang sinh sống tại tiểu bang California, chia sẻ với RFA rằng Đảng và nhà nước luôn khuyến khích Việt Kiều về nước cống hiến, xây dựng đất nước,hoà hợp hoà giải. Tuy nhiên :

“Liệu việc cho phong sát những người nghệ sĩ từng sống hoặc đang sống ở Mỹ quyết định về Việt Nam sinh sống và hoạt động văn nghệ có cần thiết hay không ?

Nếu nói về việc họ đứng trình diễn ở một sân khấu hải ngoại mà có treo lá cờ vàng ba sọc đỏ là một cái tội thì tôi tin chắc có đến 2/3 ca nghệ sĩ đều đã từng đứng dưới lá cờ này, vì đó là lá cờ đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại.

Còn về việc các đồng nghiệp của tôi phải lên tiếng xin lỗi vì đã từng đứng dưới lá vàng thì tôi thấy tiếc cho họ, nhưng tôi không phải là họ nên không có ý kiến gì. Tôi tin là họ phải có lý do để chọn lựa, và có trách nhiệm với quyết định của mình.”

Nghệ sĩ cần có kiến thức chính trị ?

Dường như việc các nghệ sĩ xin lỗi công khai không làm làn sóng chỉ trích giảm đi. Ngày 24/8, báo Công an Nhân dân đăng bài viết với tiêu đề “Đằng sau một lời xin lỗi” tiếp tục tấn công ca sĩ Myra Trần. Bài viết cho rằng không thể lấy lý do trẻ dại thiếu hiểu biết để biện minh cho hành động của mình. Bài viết cho rằng kể cả có sơ suất, chưa kịp tìm hiểu đi nữa, khi nhận thấy hiện trường sự kiện có xuất hiện những hình ảnh như cờ, quân phục khác lạ – ý nói các biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa – thì một người có ý thức sẽ biết từ chối ngay lập tức.

Mạng báo Đại Đoàn Kết cũng đăng tải một bài về sự kiện này cho rằng “thay vì xin lỗi thống thiết, các nghệ sĩ muốn làm người nổi tiếng thì trước tiên phải học tập, trau dồi, biết việc gì được làm biết việc gì không, biết phân biệt đâu là màu cờ Tổ quốc”. 

Khi quan sát diễn biến của sự kiện này, một nhà báo độc lập, hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng nếu yêu cầu nghệ sĩ sang các cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại phải trau dồi kiến thức như báo chí Nhà nước vừa nêu thì toàn bộ giới kinh doanh Việt Nam cũng hoàn toàn dốt nát như vậy khi xe VinFast vẫn phải quảng cáo bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ ; gạo và nước mắm của trong nước xuất khẩu sang các siêu thị người Việt hải ngoại cũng đều xếp trong kệ nằm trong tòa nhà có cắm cờ vàng ba sọc đỏ.

“Tát nước theo mưa là một thủ thuật thông dụng nhưng đôi khi, tát lố thì nước sẽ đẫm ướt chính bộ mặt của mình.”

Cũng theo nhà báo giấu tên, xã hội lúc này có vẻ như mọi thứ đang như vào một đợt thanh lọc xã hội chủ nghĩa toàn diện rôm rả trên bề mặt, nhưng thực chất mọi thứ càng rầm rộ thì lại càng thiệt hại cho bộ mặt của Nhà nước Việt Nam :

“Bởi, nó không được kiểm soát bằng luật pháp mà bị kiểm soát bằng những làn sóng hung hãn ngôn từ, và đời sống thì bị thao túng bằng tư duy cực đoan, duy sát chí chính trị. Một xã hội hỗn loạn phiên bản Trung Cộng như vậy, mà không có sự kiểm soát đúng mực từ phía nhà cầm quyền, thì dễ bị đánh giá thấp bởi các đối tác và các quốc gia văn minh đang có mối ngoại giao với Việt Nam.”

50 năm chưa thể hòa giải

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng đây là sự việc đáng buồn khi đã gần 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc mà các nghệ sĩ trong nước vẫn bị tấn công, đấu tố bởi những chuyện vô lý như vậy :

“Năm tới là 50 năm rồi mà tới giờ này mình vẫn còn thấy chuyện đấu tố nhau trên online. Thật là đi ngược thời gian. 50 năm rồi mà vẫn đấu tố những cái chuyện vô lý như thế này thì rất là buồn cho người Việt Nam ở trong nước, họ vẫn còn phải bị đối xử như vậy.”

Nhà báo giấu tên nhận định sự kiện này khiến người ta có thể hình dung rằng có bàn tay của ban Tuyên giáo muốn đi đến một chuyện là nhuộm đỏ toàn Việt Nam cho cột mốc 50 năm cưỡng chiếm miền Nam 30/04/1975. 

Theo nhà báo, những nạn nhân đầu tiên là những văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ trong nước có mối quan hệ với các cộng đồng người Việt tự do sẽ đối mặt với sự cảnh cáo trong làn sóng cực đoan lúc này. Còn riêng với văn nghệ hải ngoại xin phép về diễn Việt Nam thì sẽ không có những nhân vật mới, và đơn xin sẽ bị xét nét khó khăn hơn dù hầu như người nào ở hải ngoại về Việt Nam để biểu diễn rồi thì cũng rất “kỹ càng” trong việc đi diễn ở Mỹ, để tránh bị công an bắt bẻ :

“Theo một công an viên giấu tên cho biết, sẽ khó có ca sĩ người Việt ở bên ngoài nào nữa về trình diễn ở Việt Nam sắp tới, nếu không có cam kết cắt đứt với cộng đồng ngoài Việt Nam mà họ đang sinh sống.”

Nguồn : RFA, 26/08/2024

Xem thêm:

Các nghệ sĩ Việt Nam tự xin lỗi vì biểu diễn trên sân khấu ‘không phù hợp’ ở hải ngoại