Cáo buộc sai trái về trường Fulbright: Động cơ và hệ luỵ


Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen của Đại học Fulbright Việt Nam công bố thư ngỏ hôm 30/8/2024.

Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen của Đại học Fulbright Việt Nam công bố thư ngỏ hôm 30/8/2024.

Kể từ đầu tháng Bảy, các YouTubers và Dư luận viên đưa lên mạng xã hội nhiều bình luận sai trái, vu khống cho trường Fulbright Việt Nam nhiều vấn đề, trong đó gắn liền cơ sở giáo dục này với việc đào tạo nhân sự làm “cách mạng màu.”

Ngày 14/8 Trường Fulbright đưa ra thông báo trên Facebook nói rằng các tuyên bố được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội là những “thông tin sai lệch với mục đích thao túng”.

“Cây AK47 chúng tao vẫn thủ sau lưng”

Chiến dịch “đánh phá” dường như đã được lên kế hoạch kể từ sau lễ tốt nghiệp của Trường vào đầu tháng Sáu. Sau đó được tăng dần về số lượng, cường độ và những gán ghép khi cách mạng “đường phố” ở Bangladesh diễn ra.

Trong một bình luận có chủ đích nhằm phản đối lại lời phát biểu của Thầy giáo hiệu trưởng trường Fulbright trong dịp lễ khai giảng năm học 2024, một nick có tên là Lý Cai, trích một “sưu tầm,” trong đó có lời nói với một người bạn Mỹ: “Dân tộc tao luôn cảnh giác cao độ, cây AK47 chúng tao vẫn thủ sau lưng… Mọi âm mưu diễn biến hoà bình, phá hoại Việt nam qua cách mạng màu chúng tao luôn cảnh giác và diệt trừ”.

Thậm chí có kẻ còn đe doạ “vật lạ sẽ rơi xuống đầu” nếu Thầy cô tham gia cùng sinh viên trong đoàn biểu tình để làm cách mạng màu.

Những bình luận và thông tin đó xuất hiện cùng thời gian với những kênh YouTube tấn công đại học Fulbright, trong đó có thể kể đến kênh Tuyền Văn Hoá, với hơn 2 triệu người đăng ký.

Những YouTubers này hoạt động theo mục đích, tung hứng và bổ sung cho nhau. Một trong những phương cách của họ là đưa ra những thông tin rất cũ, cắt khỏi ngữ cảnh, gán ghép và chuyển tải thông điệp tấn công phương tây. Ví dụ lần này họ trích lời nói của bà Đàm Bích Thuỷ (5 năm trước); những tranh cãi về ông Bob Kerry (9 năm trước) hoặc Nghiên cứu về Covid ( 2 năm trước) để lên tiếng tấn công trường Fulbright.

Cùng giai đoạn này, ngày 21/8 Kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam đăng một phóng sự Video với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”. Mặc dù ngôn ngữ có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng trực tiếp nhắm vào Trường Fulbright và gắn kết hoạt động của Trường với những khả năng về những cuộc “cách mạng màu” đã và đang xảy ra trên thế giới.

Chỉ 5 ngày sau đó Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải đưa ra một thông báo ca ngợi các hoạt động của Đại học Fulbright và sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau đó thì Video trên Truyền hình Quốc phòng đã bị gỡ bỏ và một số video trên các kênh YouTube khác cũng bị gỡ bỏ.

Tại sao lại là Fulbright và vào thời điểm này?

Đại học Fulbright là một trường của Việt Nam. Ý tưởng xây dựng Trường bắt nguồn từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) từ giữa những năm 1990s, đã trải qua một thời gian rất dài với sự đồng thuận và ủng hộ của hai chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ, mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016.

Những lãnh đạo cao cấp nhất như cựu thủ tướng Phan Văn Khải, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay cố Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đều công khai ủng hộ trường.

Chương trình học tập của Trường đại học Fulbright còn được đưa vào trong Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa kỳ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm ngoái, trong đó có đoạn “Hai nhà Lãnh đạo (tổng thống Biden và cựu TBT Nguyễn Phú Trọng) chúc mừng việc khởi động Chương trình Hoà bình tại Việt Nam và kỷ niệm 31 năm Chương trình Fulbright Việt Nam. Hai bên hoan nghênh hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và việc FUV ngày càng phát huy được vai trò là một trung tâm của khu vực về đào tạo chính sách công.”

Tóm lại, Trường Fulbright được coi là một ví dụ sinh động và là biểu tượng quan trọng của hợp tác về giáo dục giữa hai nước Việt-Mỹ, rộng hơn là cả quan hệ Việt Mỹ trong hiện tại và tương lai. Cho nên, tấn công vào Trường Fulbright được coi là tấn công vào mối quan hệ Việt Mỹ.

Việc chủ ý tấn công có vẻ đã âm ỉ từ lâu nhưng nó bắt đầu được kích hoạt khi có những biến động gần đây ở Bangladesh với người tạm đứng đầu chính phủ Bangladesh hiện tại là ông Muhammad Yunus, vốn là một cựu sinh viên Fulbright.

Wikipedia và sự giằng co chỉnh sửa

Một điểm rất thú vị là chúng ta thấy rõ sự giằng co giữa những điều đúng và sai, tốt đẹp và xấu xa đang diễn ra hằng ngày trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam, vốn chủ trương một nền “ngoại giao cây tre”, đi dây giữa các cường quốc.

Khi các YouTuber và Tiktoker trên mạng xã hội bắt đầu tấn công trường Fulbright thì trên trang Wikipedia liên tục có những chỉnh sửa. Nếu như chúng ta xem lại lịch sử chỉnh sửa của trang thì thấy rõ cuộc giằng co chỉnh sửa lịch sử rất nhiều. Cụ thể ngày 10/8 đã có 2 chỉnh sửa, và đỉnh điểm là đến 17/8 đã có đến 8 chỉnh sửa trong một ngày. Rất nhiều thông tin đã được thêm vào rồi lại bị lấy ra bởi các bên khác nhau, cùng thời gian với các YouTuber và Tiktoker xuất hiện tấn công Trường.

Đó chính là sự giằng co giữa hai lực lượng “tiến bộ” và “phản động”, cấp tiến và bảo thủ, trong tư duy xây dựng mối quan hệ giữa Việt nam và Hoa kỳ.

Trong khi hàng triệu người từ cả hai phía đang nỗ lực từng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng tương lai tốt đẹp thì vẫn còn hàng triệu kẻ khác cố tình khoét sâu quá khứ, kích động hận thù, chia rẽ tương lai mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Lần này đã có một sự “lỗi nhạc” trong dàn đồng ca, thể hiện sự bất nhất trong lãnh đạo của các ngành khác nhau bên quân đội, giáo dục và ngoại giao. Lịch sử cho thấy đã từng có nhiều sự việc “khen rồi chê”, “ngợi ca rồi đánh phá”, “đăng lên rồi lại hạ xuống”… bởi vì tính chất bị động, thiếu nhất quán giữa các lãnh đạo.

Người đọc không thể không liên tưởng đến việc một số nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu “không phù hợp” bị báo chí trong nước phản đối gần đây. Cũng như việc sơn cờ đỏ lên mái nhà và nhiều công trình khác… thể hiện sự bất nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Sâu xa hơn, việc tấn công và trường Fulbright có thể là một cuộc “thăm dò” từ cấp cao nhất là Ban Tuyên giáo Trung Ương về khả năng và phản ứng của các bên về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong quá trình đấu tranh giữa các phe nhóm sau sự ra đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy vậy, sự phản ứng của Bộ Ngoại giao trong vụ việc vừa qua là chiến thắng của những người vì tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

Nên kiên quyết ngăn chặn

Ngày 30/8, Hiệu trưởng trường Fulbright Việt Nam là Scott Adrew Fritzen đã đưa ra một thư ngỏ khẳng định những sự thật và nguyên tắc cơ bản của trường. Trong đó có đoạn ghi rõ: “Những cáo buộc trên không gian mạng đã gây ra những hậu quả nghiệm trọng khi cộng đồng Fulbright chúng tôi bị xúc phạm uy tín và tổn thương tin thần một cách bất công.

Trường Fulbright cũng khẳng định đã “hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe doạ có tính bạo lực.”

Có lẽ đã đến lúc cộng đồng tiến bộ phải đứng lên cùng trường Fulbright nêu rõ những sai phạm của các cá nhân trong vụ việc kể trên để cảnh tỉnh những kẻ “thiếu hiểu biết” nghe theo sự xúi dục của thế lực bảo thủ, làm điều sai trái, bất lợi cho quan hệ Việt Mỹ và tương lai đất nước.

Trước mắt, trường có thể lấy lại các video và các bình luận xuyên tạc, ác ý để làm bằng chứng tố cáo họ vi phạm Điều 331 của BLHS hoặc ít nhất cũng phải bị xử phạt theo Tiết a, Khoản 1, Điều 101 – Nghị Định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020.

Thư ngỏ từ Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Fulbright Việt Nam

30-8-2024

Hiệu trưởng trường Đại học Fulbright Scott Andrew Fritzen. Nguồn: ĐH Fulbright

Những ngày gần đây, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright) đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công ác ý trên mạng xã hội. Các cuộc tấn công này thường sử dụng ngôn ngữ xúc phạm – thậm chí có lời lẽ đe dọa đối với sinh viên, giảng viên, nhân viên, người thân và bạn bè của Fulbright – xoay quanh cáo buộc rằng: Chúng tôi tham gia vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam. Những cáo buộc này không chỉ vô căn cứ mà còn hoàn toàn phi lý. Là Hiệu trưởng của Trường, tôi cần phải làm rõ sự thật về chúng tôi là ai và những giá trị mà chúng tôi đại diện.

Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học Việt Nam. Trường được thành lập theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi không phải là chi nhánh của một trường đại học nước ngoài, và cũng không phải là công cụ của bất kỳ một chính phủ nước ngoài nào.

Là một trường đại học Việt Nam, chúng tôi chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sinh viên của chúng tôi phải học các môn bắt buộc theo chương trình giáo dục quốc gia về lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, và giáo dục quốc phòng và an ninh. Như một giảng viên của chúng tôi đã có bài viết trong Đặc san báo Tuổi Trẻ số đặc biệt chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9, tại Fulbright, chúng tôi tin vào việc “Học Việt Nam, Hiểu Việt Nam, Yêu Việt Nam”.

Chúng tôi đã, đang và tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam ở các cấp cao nhất. Bằng chứng cho điều này là rất rõ ràng và không thể chối cãi. Khuôn viên của Fulbright sẽ được xây dựng trên mảnh đất rộng 15 ha tại Khu Công nghệ cao TP.HCM do chính phủ Việt Nam cấp. Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã được nhấn mạnh trong ba Tuyên bố chung liên tiếp của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ: Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào năm 2013, Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015, và Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joseph Biden vào năm 2023.

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã tái khẳng định quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam rằng:

“Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2023. Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Chúng tôi góp phần giải quyết các ưu tiên quốc gia trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, Việt Nam có gần 200.000 học sinh và sinh viên đang theo học ở nước ngoài. Sự hiện diện của Fulbright mở rộng thêm các lựa chọn cho phụ huynh và sinh viên Việt Nam ngay trên quê hương mình. Tại Fulbright, sinh viên vừa được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng quốc tế, đồng thời được bồi dưỡng kiến thức sâu sắc và thấu hiểu bối cảnh xã hội, truyền thống và các cơ hội của Việt Nam trong tương lai.

Là một trường đại học không vì lợi nhuận nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ hai chính phủ và các nhà hảo tâm, Fulbright là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam cung cấp chương trình hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế gia đình cho phần lớn sinh viên, đảm bảo rằng hoàn cảnh kinh tế – xã hội không trở thành rào cản đối với việc học tập của các em tại Trường. Nhờ đó, chúng tôi đang có những sinh viên tài năng đến từ 55 tỉnh thành trong cả nước cùng hàng ngàn cựu học viên từ các chương trình sau đại học và đại học, những người đã đạt được nhiều thành công trong cả khu vực công và khu vực tư trên khắp cả nước.

Chúng tôi góp phần giải quyết những thách thức lớn về phát triển của Việt Nam. Đội ngũ giảng viên của chúng tôi có trình độ chuyên môn cao, với hơn 95% có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Họ thiết kế và giảng dạy chương trình học mang tính đổi mới sáng tạo và tiến hành các nghiên cứu về những thách thức phát triển của Việt Nam. Từ năm 2008, Trường Chính sách công và Quản lý của Fulbright, phối hợp với Đại học Harvard, đã tổ chức 8 Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam. Tại các chương trình này, các nhà lãnh đạo cấp cao (từ cấp Thứ trưởng trở lên) của Chính phủ Việt Nam tham gia đối thoại chính sách với những học giả và chuyên gia hàng đầu thế giới về những thách thức quan trọng nhất mà Việt Nam đang đối diện.

Chúng tôi cũng đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong tháng này, Fulbright đã đồng tổ chức Hội thảo về Trí tuệ Nhân tạo Tạo sinh đầu tiên ở Việt Nam. Một ngày sau, Fulbright và Google công bố về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo Trí tuệ Nhân tạo tại Việt Nam – một sự kiện được đưa tin rộng rãi trên các báo đài chính thống.

Có một sự thật quan trọng mà tôi muốn khẳng định lại: Chúng tôi là một trường đại học của Việt Nam, cam kết mở rộng các lựa chọn giáo dục chất lượng cao cho giới trẻ Việt Nam, tận tâm đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước, được sự hỗ trợ từ các lãnh đạo của Việt Nam, và là một biểu tượng của quá trình hòa giải bền bỉ và hiệu quả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cuối cùng, hành vi lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội nhằm mục đích gieo rắc sự mất lòng tin và chia rẽ là một thách thức lớn trong thời đại của chúng ta. Những cáo buộc trên không gian mạng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi cộng đồng Fulbright chúng tôi bị xúc phạm uy tín và tổn thương tinh thần một cách bất công. Với vai trò quan trọng của Trường Đại học Fulbright Việt Nam trong mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, những thông tin sai lệch này còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương mà các thế hệ lãnh đạo của cả hai nước đã bền bỉ xây dựng trong suốt bốn thập kỷ qua.

Tuy nhiên, chúng tôi không chấp nhận là nạn nhân thụ động của những hành vi này. Trong mấy tuần qua, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực. Chúng tôi chân thành cảm ơn các cơ quan ban ngành và những người bạn đã đứng lên bảo vệ sự thật về chúng tôi và về những gì chúng tôi làm.

Như Tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã nói hơn 70 năm trước, “Giáo dục giúp con người biết sàng lọc và cân nhắc bằng chứng, phân biệt đúng sai, thật giả, và sự thật với hư cấu”. Đây là tinh thần mà tất cả chúng ta cần có khi đối phó với sự lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng. Hãy biến trải nghiệm này thành cơ hội để nâng cao hiểu biết về truyền thông thời đại kỹ thuật số khi môi trường thông tin ngày càng phức tạp. Cùng nhau, chúng ta có thể chứng minh sức mạnh của giáo dục, tư duy phản biện và đối thoại trên tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần xây dựng một xã hội kiên định và có khả năng thích nghi tốt hơn.

Trân trọng,

Scott Andrew Fritzen

Hiệu trưởng, Trường Đại học Fulbright Việt Nam