Ông Lê Trọng Hùng Facebook Hùng Gàn Lê

 

Ông Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), bắt đầu tuyệt thực từ ngày 04/9 để đòi công lý trong vụ án của ông cũng như phản đối việc ông Tô Lâm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Hùng, 45 tuổi, là nhà báo độc lập, bị bắt vào ngày 27/3/2021 sau khi tuyên bố ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử cùng năm.

Trong phiên toà sơ thẩm vào cuối năm 2021, ông bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về kế hoạch tuyệt thực của chồng qua tin nhắn ngày 4/9:

Chồng tôi dự kiến tuyệt thực, chỉ uống nước lọc trong 50 ngày nhưng tôi đang thuyết phục anh giảm xuống 30 ngày vì ngày 4/10 năm nay là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của chúng tôi. Tuy nhiên, anh Hùng chưa đồng ý.”

Thông tin này được ông Hùng nói lại với vợ trong cuộc thăm gặp ngày 16/7 và cho biết thêm cuộc tuyệt thực lần này có “liên quan đến Quốc hội và ông Tô Lâm” và “có lẽ phản đối ông ấy ngồi sai chỗ,” trước khi bị cán bộ trại giam chặn không cho nói tiếp.

Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an từ năm 2016, trở thành Chủ tịch nước vào cuối tháng 5 vừa qua, và sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông lại được bầu làm người kế nhiệm vào ngày 03/8.

Trong cuộc gọi điện về nhà theo định kỳ hàng tháng vào ngày 16/8, cán bộ trại giam nhắc nhở không cho đề cập đến chuyện tuyệt thực, do vậy, ông Hùng lợi dụng lúc họ xao nhãng mới vội vàng nói ra.

Bà hy vọng sẽ có thể hỏi rõ hơn về cuộc tuyệt thực trong cuộc gọi điện của chồng về nhà sắp tới, tuy nhiên, việc tuyệt thực có thể khiến ông bị cán bộ quản giáo kỷ luật, cắt thăm nuôi và không cho gọi điện về nhà.

Bà bày tỏ sự ủng hộ việc tuyệt thực của chồng vì đây “gần như là cách duy nhất trong thời điểm này để anh bày tỏ sự kiên định với mục đích cùng con đường mình đã chọn.”

Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua số điện thoại công khai trên Internet để hỏi về vụ tuyệt thực của ông Hùng.

Năm ngoái, ông Hùng tuyệt thực 30 ngày, cũng bắt đầu từ ngày 04/9, với mục tiêu yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo. 

Ông cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến. Tuy nhiên, các yêu cầu của ông không được đáp ứng.

Ông Hùng là một cựu giáo viên của Trường Câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.

 

RFA (04.09.2024)

 

 

 

 

Vụ thí sinh Olympia bị ‘đấu tố’: yêu nước là phải yêu Đảng?

Chụp lại hình ảnh,Vụ việc của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị quy kết là “không yêu nước”, “phản động”

 

Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái đã bị công kích, bị gọi là “vô ơn” với đất nước khi chia sẻ những suy nghĩ “không tích cực” về Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phải phê phán Đảng Cộng sản là không yêu nước? 

Chu Ngọc Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.

Trên tính năng Story của Facebook cá nhân vào hôm 1/9, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như “một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”.

Trong Story được giới hạn cho 16 người xem, sau khi bày tỏ những suy nghĩ về Đảng Cộng sản, Quang Vinh viết: “… chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”

Dù Quang Vinh không có ý chê bai đất nước Việt Nam, nhưng ngay lập tức sau khi các ý kiến của nam sinh này được phát tán, nhiều hội nhóm, cá nhân trên mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt.

Nhiều người trích dẫn câu: “Vài người thường ăn hải sản, rồi lại chê bai mùi cá ao” trong bài hát Lối nhỏ của rapper Đen Vâu để chỉ trích Quang Vinh.

 

Đảng Cộng sản và tổ quốc không phải là một

 

Bên cạnh ý kiến chỉ trích, có rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với Quang Vinh: ủng hộ quyền biểu đạt ý kiến, ủng hộ tinh thần dũng cảm khi dám nói ra điều mà nhiều người không dám nói.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng Quang Vinh phê phán Đảng chứ không hề chỉ trích đất nước Việt Nam, như cáo buộc của nhiều người.

Trên Facebook cá nhân, bà Nguyễn Hoàng Ánh viết: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: ‘Đất nước Việt Nam, giang san Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó. Yêu nước không là độc quyền của riêng ai, ai cũng có quyền yêu theo cách của mình’ mà tình yêu chân chính quan trọng nhất là sự chân thành.”

Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook cá nhân vào ngày 3/9:

“Đảng cộng sản cũng chỉ là 1 tổ chức chính trị đang cầm quyền và quản lý đất nước.

Yêu đảng hay không yêu đảng là quyền tự do của mỗi công dân. Ai nhận được ân sủng từ đảng thì yêu quý và biết ơn, ai không thấy ân sủng gì hoặc ngược lại thì không yêu hoặc không biết ơn.”

Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Quang Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước. Ông Chính cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết, rằng Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (Cộng sản Việt Nam).

Sự tách bạch giữa hai phạm trù này là một vấn đề không mới và đã được tranh luận nhiều trong thời gian qua.

Nhà văn, người dẫn chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn của chương trình Paris By Night từng nói trước đông đảo khán giả:

“Tất cả mọi thời đại sẽ qua đi hết, chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn mà thôi.”

Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền Đảng gắn liền với tổ quốc, điều này qua thời gian đã hình thành một nhận thức sai rằng yêu nước là phải yêu chế độ, yêu Đảng; chỉ trích đảng là có tội với đất nước; mỗi một công dân phải biết ơn Đảng và nhà nước, biết ơn lãnh tụ.

Bài viết nhan đề Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội được đăng trên báo Biên Phòng, cơ quan của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào ngày 16/5/2023 đưa ra lập luận:

“Thực tiễn trên cho thấy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, gắn với sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới giành được thắng lợi và có điều kiện để xây dựng xã hội mới XHCN [Xã hội chủ nghĩa] có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc!”

Lập luận trên luôn bao trùm trong các diễn ngôn tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua báo chí chính thống, các kênh dư luận viên trên mạng xã hội, các phát ngôn của quan chức.

Bài viết Yêu nước đừng quên ơn Đảng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bình Thuận vào ngày 13/5/2024 lập luận:

“Chủ nghĩa yêu nước là nguồn vốn quý báu được kết tinh từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước chỉ được phát huy cao độ và đạt đến giá trị trọn vẹn khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cho nên yêu nước đừng quên ơn Đảng, nếu yêu nước mà quên ơn Đảng là một sự khiếm khuyết về luân thường đạo lý ở đời.”

 

Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là “không yêu nước”, “vô ơn với Đảng”, “hờ hững với Bác”, “cờ vàng ba que”, “cách mạng màu”.

Hồi tháng 7, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã có một làn sóng trên mạng đi lùng sục người nổi tiếng đăng tải hình ảnh không phù hợp, không bày tỏ sự tiếc thương, hoặc tiếc thương không đúng cách để lên án, tố cáo.

Không ít nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ từ nhiều năm trước cũng bị lôi lại để đả kích.

Các tổ chức giáo dục cũng không tránh khỏi bị tấn công, mà nạn nhân mới nhất là Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc “ươm mầm cách mạng màu”.

Nhận định về lực lượng dư luận viên đông đảo hiện nay trên những trang, nhóm mạng xã hội, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Hoa Kỳ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào hôm 28/8:

“Tôi nghĩ rằng đây là một chiến dịch do cơ quan tuyên giáo tung ra. Đây không phải là yêu nước (cực đoan hay không cực đoan), mà chỉ là cái loa phát ngôn cho một chế độ độc tài đang bị đe dọa bởi nội tình rối rắm vì lãnh đạo thay đổi xoành xoạch, kinh tế èo uột, bị dân chúng chỉ trích vì tham nhũng. Mục đích của họ là nhằm đánh lạc hướng dư luận để bớt chú ý vào những việc tranh đoạt quyền lực ở chóp bu của chế độ đang ngày càng trở nên một chế độ công an trị.”

Tôn trọng ‘đa nguyên’

Quyền biểu đạt ý kiến cũng là một trong những khía cạnh được bàn đến nhân vụ việc Quang Vinh đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội.

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 Việt Nam nêu:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận như vậy, nhưng Bộ luật Hình sự lại có quy định tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, một điều luật bị nhiều người coi là có thể được vận dụng tùy tiện để hạn chế quyền tự do. Thực tế cho thấy, không ít người đã lãnh án tù về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”.

Nhà văn Evelyn Beatrice Hall từng đúc kết tinh thần của triết gia Voltaire như sau:

“Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn.”

Câu này của Hall đã được nhiều người nhắc lại khi bảo vệ quyền tự do biểu đạt của Quang Vinh.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết trên Facebook vào ngày thứ Tư 4/9:

“[…] Em có quyền và được quyền tự do nói ra ý nghĩ đó trong một xã hội dân chủ mà như Cụ Hồ đã nói ‘dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra’. QV [Quang Vinh] không sai đạo đức, không phạm luật pháp khi nói ra điều mình nghĩ. Tại sao công an phải mời em lên làm việc? Tại sao cả hệ thống chính trị ở Yên Bái phải vào cuộc như truy bức em? Tại sao lại quy cho em là vô ơn bạc nghĩa với đất nước? Ai cho phép mọi người cái quyền xúc phạm tự do cá nhân của một người như vậy, lại là người còn vị thành niên?”

Trong một ý kiến khác, ông Trịnh Minh Tuấn nêu ý kiến trên Facebook cá nhân:

“Nếu quyền bày tỏ của cháu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội; không vi phạm điều cấm của luật… thì chính quyền cũng khó có thể hạn chế quyền biểu đạt. Vậy tại sao người ta đấu tố một đứa trẻ?

Bởi đứa trẻ dám bày tỏ những gì mà người ta không dám nghĩ, mà có dám nghĩ cũng không dám biểu đạt, mà muốn biểu đạt cũng chưa biết biểu đạt nó như thế nào. Vì sao? Vì không có tư duy độc lập. Không có tư duy độc lập thì làm sao có tự do để theo đuổi những suy nghĩ của bản thân. Con người mà không có tự do tư tưởng và độc lập tư duy thì không bao giờ trở thành một con người hạnh phúc viết hoa.”

 

Kêu gọi bỏ cuộc thi Olympia

Nguồn hình ảnh,UBND TỈNH YÊN BÁI Chụp lại hình ảnh,Chu Ngọc Quang Vinh (đứng) trong buổi chúc mừng của lãnh đạo tỉnh Yên Bái hôm 8/11/2023 sau khi chiến thắng cuộc thi tháng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia

 

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức từ năm 1999 cho đến nay.

Theo thời gian, cuộc thi này đã trở thành một chương trình truyền hình rất nổi tiếng, và thí sinh chiến thắng thường được coi là niềm tự hào của trường, của địa phương.

Người vô địch cuộc thi được giải thưởng là suất học bổng du học toàn phần tại Úc.

Thí sinh đạt giải cao nhất trong mỗi cuộc thi tuần, tháng, quý hay chung kết năm sẽ nhận được vòng nguyệt quế.

Vào ngày thứ Tư 4/9 đã xuất hiện các ý kiến chỉ trích nhắm đến liệu có nên bãi bỏ cuộc thi này.

Trang Facebook Nam Quốc Sơn Hà hôm thứ Tư 4/9 đặt nêu ra các lý do để bãi bỏ cuộc thi này:

“Thứ nhất, hầu hết các nhà vô địch đã không trở về quê hương để cống hiến và cũng rất nhạt nhòa trong việc thể hiện sự ứng dụng tri thức của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, bản chất của tư bản là họ không cho không, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất nước nên do chính phủ hoặc cơ quan hữu quan chứ không phải một doanh nghiệp hay một tổ chức có yếu tố nước ngoài…”

Ý thứ hai trên đây có nhiều nét tương đồng với các luận điểm được dùng để tấn công Đại học Fulbright Việt Nam hoặc các chương trình trao đổi quốc tế như YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do chính phủ Mỹ tổ chức), rằng đây là những tổ chức, những chương trình ươm mầm “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”.

Một thống kê vào năm 2019 cho thấy, trong 19 quán quân cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” thì có chỉ hai người về nước.

Vào năm 2014, khi được hỏi sẽ trở về nước để cống hiến hay tiếp tục ở nước ngoài, nhà vô địch Olympia 2010 Phan Minh Đức trả lời:

“Theo mình cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Dù bạn ở đâu, thì những thành tựu nghiên cứu của bạn đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương,” theo Zing News.

 

BBC (04.09.2024)

 

  

 

 Chuyên gia nhân quyền: Chính phủ Việt Nam sử dụng án tử hình để khủng bố người dân!

Gia đình ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải biểu tình đòi công lý cho họ Facebook Nguyễn Trường Chinh

 

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia còn áp dụng án tử hình, chuyên gia nhân quyền cho rằng chế độ độc đảng ở Hà Nội sử dụng án tử hình như là công cụ để khủng bố người dân.

Theo phúc trình Vấn đề án tử hình năm 2024 của Tổng thư ký LHQ cho kỳ họp đầu tháng 9 này, đã có 170 quốc gia không còn áp dụng án tử hình hoặc đã dừng thi hành án tử hình trong hơn 10 năm qua.

Việt Nam là một trong số các quốc gia còn lại vẫn còn áp dụng án tử hình cho 18 tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), và là quốc gia áp dụng án tử hình đối với tội danh tham nhũng và hối lộ.

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố phúc trình trên vào ngày 31/8, cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia không công khai số lượng người bị kết án tử hình và số người bị thi hành án tử hình, cho dù báo chí nhà nước vẫn có đưa thông tin riêng lẻ về các vụ án có bị cáo kết tội tử hình.

Việt Nam được cho là đã tuyên án tử hình ít nhất 34 người vì các tội liên quan đến ma túy trong năm 2023.

Tòa án Việt Nam cũng kết án tử hình đối với tội danh phi bạo lực như “tham ô tài sản” đối với bà Trương Mỹ Lan – nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của LHQ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời câu hỏi của RFA.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức có đóng góp cho báo cáo về vấn đề tử hình ở Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/9:

“Tại Việt Nam hiện nay, khi một nhà nước toàn trị cai trị bằng bạo lực và khủng bố thì án tử hình là một công cụ hữu hiệu nhất để gây khủng bố, để làm người dân sợ.

Do vậy, theo ông, việc bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam là một điều khó xảy ra khi chế độ chính trị không thay đổi.

Báo chí nhà nước đưa tin năm 2023, một toà án ở Nghệ An kết án 6 bị cáo tử hình trong vụ án ma tuý. Một vụ án khác năm 2021 ở Sơn La, 10 bị cáo lĩnh án tử hình cũng vì mua bán trái phép hơn 21kg ma túy. Đặc biệt, tháng 11 năm ngoái, cũng vì hành vi trên mà 18 người bị tuyên tử hình trong một vụ án ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Tùng, việc kết án tử hình ở Việt Nam là một vấn đề lớn, đặc biệt sai sót trong quá trình tố tụng còn nhiều, và cho dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tân (CAT) nhưng vấn nạn này vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.

Ông nói:

Thủ tục tố tụng hình sự đưa đến án tử hình còn nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn như các vụ án của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Đặng Văn Hiến, Lê Văn Mạnh, rồi vụ án Đồng Tâm cũng vậy.”

Hồi tháng 9 năm ngoái, công an tỉnh Hòa Bình thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với ông Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bất chấp việc ông và gia đình kêu oan trong suốt hơn 18 năm qua.

Vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia về thương mại quốc tế và có nhiều năm giảng dạy về lĩnh vực này tại nhiều trường Đại học ở Việt Nam, cho biết bà không ủng hộ việc áp dụng án tử hình, vì nó trái với quy luật tự nhiên. 

Bà nói với RFA:

Trong quy luật của tự nhiên thì việc quan trọng nhất đó là các loài vật không được xâm phạm đến quyền sống của nhau và đặc biệt là không được xâm phạm đến cuộc sống của đồng loại. Án tử hình là điều hoàn toàn đi ngược lại với tự nhiên.”

Theo bà, nếu vẫn chưa bỏ được án tử hình thì phải áp dụng một cách hạn chế và chặt chẽ.

Trong Chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự hiện nay có tới sáu tội danh có áp dụng án tử hình mà theo bà Ánh thì các điều luật này mơ hồ và khó hiểu. Bà nói:

Những tội danh để quy định về án tử hình rất mập mờ và khó hiểu trong trường hợp của Việt Nam ở đây và những cái mà hôm nay mà chúng ta có thể quy kết là tội tử hình nhưng ngày mai có thể được quy kết là anh hùng.”

Đề nghị xem xét hủy bỏ việc áp dụng án tử hình với các tội danh liên quan đến tư tưởng và tiền bạc, bà cho rằng án tử hình “có vẻ giải quyết được vấn đề tức tối của xã hội với một số tội nhất định nhưng về lâu dài thì nó có hại cho chính xã hội đó”.

Những tác hại của việc vẫn áp dụng hình phạt từ hình theo bà Ánh, đó là tâm lý đè nặng lên tử tù và gia đình của họ, đặc biệt trong trường hợp oan ức. Bên cạnh đó, việc giam giữ tử tù lâu dài và chi phí cho việc thi hành án tử hình cũng tốn nhiều nguồn lực của Nhà nước.

 

RFA (03.09.2024)

 

 

 

 

Công an Bắt giữ hai người với cáo buộc chống chính quyền dịp Quốc khánh

Ông Phạm Hoàng bị công an bắt giữ hôm 29/8/2024 Công an cung cấp via Thanh Niên

 

Công an Việt Nam vào ngày 29/8 vừa bắt giữ một người đàn ông có ý định giải truyền đơn dịp Quốc khánh 2/9 và cáo buộc người này tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời của ông Đào Minh Quân ở Mỹ. Đây là tổ chức bị Chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.

Báo Công an Nhân dân của Bộ Công an hôm 30/8 cho biết, vụ bắt giữ ông Phạm Hoàng (sinh năm 1958 do Công an tỉnh Nam Định phới hợp với Bộ Công an và Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Báo cũng cho biết, tại thời điểm bắt giữ, “Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, tiền… liên quan hành vi phạm tội của đối tượng.”

Điều tra của công an được báo Nhà nước trích đăng cáo buộc ông Hoàng đã liên hệ với tổ chức của ông Đào Minh Quân vào năm 2019 qua mạng xã hội Facebook. Ông Hoàng đã viết đơn xin gia nhập tổ chức này và được chấp nhận.

Điều tra của công an xác định ông Hoàng đã sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cổ súy chủ trương, đường lối của tổ chức và bác bỏ chế độ cộng sản.

Theo báo của Bộ Công an, ông Hoàng đã nhiều lần bị các giới chức mời làm việc để răn đe bỏ tổ chức của ông Quân nhưng ông Hoàng không nghe.

Cũng nhân dịp Quốc khánh 2/9, vào ngày 31/8, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hậu Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Vương Văn Hồng Nam (sinh năm 1963). Ông Nam bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.

Theo báo CAND, ông này đã biết đến tổ chức của ông Đào Minh Quân từ năm 2015 cũng qua mạng xã hội và đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội để trao đổi với các thành viên của tổ chức này. Sau đó ông Nam đã viết đơn tham gia tổ chức.

Cũng theo báo CAND, ông Nam đã bị công an mời làm việc cảnh cáo nhiều lần nhưng vẫn không bỏ tổ chức.

Hồi tháng 4 năm nay, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm và tuyên án tù đối với 10 người tại nhiều địa phương khác nhau bị cáo buộc tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.

Hồi tháng 6 vừa qua, một toà án ở Tiền Giang cũng kết án tù hai người khác với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Hai người này cũng bị cáo buộc đã tham gia tổ chức lưu vong của ông Đào Minh Quân.

 

RFA (31.08.2024)

 

 

 

 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya thảo luận về các vấn đề nhân quyền tại Hà Nội 

Chiều ngày 29/8, tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh có buổi tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya. Photo MOLISA.

 

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách về nhân quyền đang có chuyến công du đến Việt Nam, thảo luận việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo, hỗ trợ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thiệt thòi.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền Uzra Zeya hôm 30/8 có cuộc “trao đổi hiệu quả” với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, bà Zeya viết trên trang X.

Bà Allison Peters, Phó Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động (DRL), tháp tùng bà Zeya trong chuyến công du Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo trước đó.

“Đã thảo luận sôi nổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Ủy ban Tôn giáo Chính phủ về thúc đẩy tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, cam kết tham gia vào việc tăng cường bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) viết trên trang X hôm 30/8.

Báo Tin Tức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa tin rằng tại buổi làm việc ở Bộ Nội vụ, hai bên trao đổi thông tin, đối thoại về tình hình tôn giáo Việt Nam, làm rõ các vấn đề cùng quan tâm “trên tinh thần thẳng thắn cởi mở, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, tăng cường hiểu biết, vượt qua sự khác biệt”.

Ngoài ra, phái đoàn Mỹ còn có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về đối thoại lao động giữa hai nước, cũng như có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam Ngô Lê Văn về tiến độ thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hôm 29/8, phái đoàn Mỹ gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cổng thông tin của viện này dẫn lời bà Zeya phát biểu rằng “thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những trụ cột quan trọng trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Về phần mình, ông Thắng đáp lại rằng “việc tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược về những vấn đề an ninh, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là một trong những yêu cầu cấp bách của hai nước trong tình hình hiện nay”.

“Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Việt Nam bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền”, bà Zeya viết trên trang X.

Trước đó, hôm 26/8, tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Thứ trưởng Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tù nhân chính trị trong chuyến thăm Việt Nam của bà. Nhóm này nêu tên hai nhà nhà báo độc lập đang thụ án tù là Phạm Đoan Trang và Lê Hữu Minh Tuấn, và kêu gọi nhà ngoại giao Mỹ can thiệp để họ được phóng thích.

“Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Thứ trưởng Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tác giả bị cầm tù và kêu gọi chính phủ Việt Nam điều trị y tế cần thiết cho các tù nhân chính trị”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của Văn Bút Hoa Kỳ, nhưng chưa được trả lời.

 

Ý kiến của giới quan sát

Giới hoạt động nhân quyền hoan nghênh lời kêu gọi trên nhưng bày tỏ hoài nghi về khả năng sẽ có một phản ứng tích cực từ phía Việt Nam trong chuyến thăm của phái đoàn Mỹ.

“Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sang và Văn Bút Hoa Kỳ lên tiếng. Như thế này thì nhiều lần lên tiếng rồi”, blogger Nguyễn Văn Hải ở California, Mỹ, nêu ý kiến với VOA. “Không biết lần này các nhóm và những tác giả nổi bật như Phạm Đoan Trang hay nhóm của Hội nhà báo độc lập có được trả tự do trong đợt này hay không thì còn tùy thuộc vào áp lực của chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam”.

Nhà quan sát Nguyễn Văn Tri ở Sydney, Australia, đưa ra nhận xét cá nhân rằng ông không hy vọng nhiều lắm từ các phái đoàn ngoại giao Mỹ: “Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hay cả ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ mà có qua đến Việt Nam, có nói về vấn đề nhân quyền hay tù nhân lương tâm, chế độ lao tù thì cũng không có thay đổi”.

Cho rằng các chính phủ Mỹ, Liên hiệp châu Âu, hay Australia… “nhận thấy lợi thế địa chính trị của Việt Nam nên họ cũng muốn o bế chính quyền Việt Nam hơn là gây áp lực về vấn đề nhân quyền”, ông Tri phân tích.

Từ Đức, nhà báo Nguyễn Hà Hùng nhận định: “Những khuyến nghị và lời kêu gọi như thế này không những tạo ra sức ép đối với nhà cầm quyền Việt Nam mà còn an ủi những nhà văn, nhà báo, những người đang ở trong ngục tù, cũng như những người đang lên tiếng bên ngoài để đấu tranh cho tự do, dân chủ”.

“Quan trọng hơn, những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc của các quan chức nước ngoài góp phần tăng cường nhận thức về các giá trị tự do, dân chủ đối với người dân”, ông Hùng đánh giá.

 

VOA (31.08.2024)

 

  

 

 

PEN America thúc hối Mỹ tác động Hà Nội trả tự do cho các tù nhân

(Hình: Facebook)

 Các nhà vận động tự do ngôn luận của PEN America đang kêu gọi một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ tiếp sức thúc đẩy việc thả các tù nhân chính trị trong chuyến thăm Việt Nam của bà.

Theo Bộ Ngoại Giao, thứ trưởng ngoại giao về an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền Uzra Zeya sẽ đến Hà Nội trong tuần này để “thu hút các đối tác về nhân quyền, hợp tác nhân đạo và an ninh dân sự lấy con người làm trung tâm.”

“Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi bà thứ trưởng hãy thúc đẩy việc trả tự do cho các nhà văn bị cầm tù, và kêu gọi chính phủ Việt Nam cung cấp điều trị y tế cần thiết cho các tù nhân chính trị,” PEN viết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X. Đồng thời tổ chức này cũng lưu ý rằng Việt Nam là quốc gia bỏ tù nhiều nhà văn thứ ba trên toàn cầu, theo bảng xếp hạng vào năm ngoái, với 19 người.

Bộ Ngoại Giao cho biết bà Zeya, người đang đi cùng với quyền phó trợ lý bộ trưởng Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền Và Lao Động Allison Peters, sẽ tận dụng các cuộc gặp của bà với các quan chức cấp cao của Việt Nam để “nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện Hoa Kỳ-Việt Nam,” bao gồm việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, hỗ trợ cho các nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương, cũng như phối hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm buôn bán người và các tội phạm xuyên quốc gia khác.”

 

Phạm Đoan Trang và Lê Hữu Minh Tuấn được nhắc tên

PEN kêu gọi bà Zeya hãy nêu cụ thể trường hợp của các cây bút như Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn.

Nhóm có trụ sở tại New York cho biết: “Chúng tôi lo ngại về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của các tù nhân chính trị như Tuấn, người chưa được điều trị y tế đầy đủ.”

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 35 tuổi, nguyên biên tập viên Thời Báo Việt Nam, thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt năm 2020 về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Vào Tháng Một năm 2021, anh bị kết án 11 năm tù. Theo một báo cáo viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc, năm sau, anh ta được nhân viên y tế nhà tù chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng và viêm gan, và hiện không thể ăn thức ăn đặc.

Bà Phạm Đoan Trang, 46 tuổi, bị bắt năm 2020, cũng bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Vào Tháng Mười Hai năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án bà chín năm tù. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách về dân chủ và đã giúp viết các báo cáo song ngữ về nhân quyền ở Việt Nam.

 

Phản ứng của các nhà hoạt động

Cựu tù nhân chính trị Ngô Văn Dũng, còn được gọi là Facebooker Biển Mặn, đã hoàn thành bản án 5 năm tù vào năm ngoái vì tham gia các cuộc biểu tình năm 2018 phản đối dự luật về Đặc khu kinh tế, được cho là ưu ái các công ty Trung Quốc và một dự luật về Mạng An ninh, được nhiều người coi là hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Ông nói với RFA rằng các tù nhân chính trị bị giam giữ trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, phòng giam chật chội, chăm sóc y tế kém hoặc không có, và hạn chế nhận quà từ bạn bè và người thân.

“Tôi hy vọng bên ngoài chú ý hơn và kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân chính trị,” ông nói khi được hỏi ông có thông điệp gì dành cho Zeya. “Nếu họ chưa được trả tự do, chính quyền nên cải thiện việc chăm sóc y tế vì mỗi lần họ bị bệnh, tù chính trị phải nộp đơn nhiều lần để được giải quyết và một số trường hợp không được giải quyết.”

Lê Quang Hiển, tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, cơ quan đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho biết Zeya cần đến thăm những nơi mà người dân đang bị đàn áp vì tôn giáo của mình.

Ông nói: “Ở Việt Nam, chính phủ cho phép tự do tôn giáo đối với các tổ chức tôn giáo trực thuộc nhà nước nên Hoa Kỳ phải liên hệ trực tiếp với các tổ chức, địa điểm đang bị đàn áp để tìm ra sự thật”.

Nhà hoạt động nhân quyền Quyết Hồ cho biết nhiều nền dân chủ phương Tây đang sẵn sàng đặt lợi ích kinh tế lên trên nhân quyền và nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm của chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho biết ông vẫn hy vọng Hoa Kỳ sẽ đấu tranh cho quyền lợi của tù nhân chính trị và buộc Việt Nam phải điều trị cho các tù nhân có vấn đề về sức khỏe.

 

Như Hồ 

Saigon Nhỏ (31.08.2024)

 

 

   

 

APT32 tấn công một tổ chức nhân quyền 4 năm liền

 

 Một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ nhân quyền Việt Nam đã bị tin tặc tấn công trong nhiều năm liền nhằm phát tán nhiều loại phần mềm độc hại trên các máy chủ bị xâm phạm.

Công ty an ninh mạng Huntress cho biết hoạt động này là do APT32, một nhóm tin tặc liên kết với Việt Nam còn được gọi là APT-C-00, Canvas Cyclone (trước đây là Bismuth), Cobalt Kitty và OceanLotus thực hiện. Vụ tấn công này đã diễn ra trong ít nhất bốn năm.

“Vụ xâm nhập này có một số điểm trùng lặp với các kỹ thuật giống như APT32/OceanLotus sử dụng và một nhóm đối tượng mục tiêu đã biết phù hợp với các mục tiêu của APT32/OceanLotus”, các nhà nghiên cứu bảo mật Jai Minton và Craig Sweeney cho biết.

OceanLotus, hoạt động ít nhất từ ​​năm 2012, thường nhắm vào các mạng lưới công ty và chính phủ ở các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Lào và Campuchia với mục tiêu cuối cùng là do thám mạng và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Các chuỗi tấn công thường sử dụng các mồi nhử lừa đảo qua thư điện tử để  xâm nhập ban đầu nhằm cung cấp các cửa hậu có khả năng chạy mã lệnh tùy ý và thu thập thông tin nhạy cảm. 

Tuy nhiên, nhóm này cũng đã được phát hiện dàn dựng các chiến dịch “watering hole” từ đầu năm 2018 để thả mã độc trong trang web, thu thập thông tin đăng nhập của người dùng.

Bộ tấn công mới nhất do Huntress ghép lại hiện diện trên bốn máy chủ, mỗi máy chủ bị xâm phạm để thêm nhiều tác vụ theo lịch trình và khóa Windows Registry chịu trách nhiệm khởi chạy Cobalt Strike Beacons, một cửa hậu cho phép đánh cắp cookie Google Chrome cho tất cả hồ sơ người dùng trên hệ thống và các trình tải chịu trách nhiệm khởi chạy các tải trọng DLL được nhúng.

Sự phát triển này diễn ra khi người dùng Hàn Quốc đang là mục tiêu của một chiến dịch đang diễn ra, có khả năng lợi dụng các máy chủ Microsoft Exchange dễ bị tấn công và lừa đảo để cung cấp các shell ngược, cửa hậu và phần mềm độc hại VNC nhằm kiểm soát các máy bị nhiễm và đánh cắp thông tin đăng nhập được lưu trữ trong trình duyệt trang web.

Năm 2020, Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố cáo buộc chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT32 là không có cơ sở.

 

VNTB (31.08.2024)

 

Nguồn: Vietnamese Human Rights Group Targeted in Multi-Year Cyberattack by APT32