Seite auswählen

***

“Trong cuộc bầu cử này, tôi không quan tâm tới quan điểm chính sách của bà [Harris] về bất kỳ vấn đề nào khác ngoài Dân chủ, Hiến pháp và Pháp quyền của Hoa Kỳ. Tôi tin rằng tất cả người Mỹ nên [hành xử] như vậy.” – Cựu thẩm phán bảo thủ Judge Michael J. Luttig, trong thư công nhận ứng cử viên Dân chủ Harris

 

“Chúng tôi tán thành bà Kamala Harris và ủng hộ việc bà được bầu làm Tổng thống vì chúng tôi tin rằng việc đưa cựu Tổng thống Trump trở lại chức vụ sẽ đe dọa nền dân chủ Mỹ và làm suy yếu nền pháp quyền ở đất nước chúng ta.” – Nhóm luật sư bảo thủ từng làm việc cho các chính phủ Cộng hoà Reagan và Bush trong thư yểm trợ ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris

***

Chỉ còn trên hai tháng nữa là cuộc bầu cử quan trọng chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ diễn ra. Đó là một cuộc bầu cử không chỉ giữa đảng Dân Chủ và một đảng Cộng Hòa đã bị tha hóa một lòng trung thành với cựu Tổng thống kiêm tội phạm Donald Trump, mà là một cuộc bầu cử đã được mệnh danh là một-mất-một-còn giữa dân chủ và độc tài.

Ngay cả nhiều đảng viên gạo cội của đảng Cộng hòa cũng nhận ra mối nguy hiểm đó khi nhiều vị đã, bất chấp những khác biệt chính sách và quan điểm chính trị với đảng đối lập, đã lần lượt lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Dân chủ Kamala Harris. Như hai tuyên bố dẫn ở đầu bài.

Quả thật chưa bao giờ người ta, không chỉ riêng tại Mỹ, quan tâm tới kỳ bầu cử này như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy những người trong gia đình tôi lại để ý tới chuyện chính trị như lần này, cũng như lần bầu cử tổng thống trên ba năm trước đã đánh bại ông Trump, tưởng là đã xong mà hóa ra chưa. Tôi còn lưu trữ mấy tấm hình có thể gọi là lịch sử của gia đình tôi mà các con, em và cháu tôi gửi qua phôn, chụp họ đã đi bỏ phiếu mặc dù đang giữa mùa đại dịch, hoặc đứng bên thùng phiếu sửa soạn bỏ phiếu vô thùng, như một báo cáo đã thực thi quyền công dân của một đất nước dân chủ.

 

bầu cử _ Trùng Dương

Người thân trong gia đình tôi tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020 mặc dù giữa mùa đại dịch. Họ đang chờ để đi bỏ phiếu ngày 5 tháng 11 tới, hy vọng một kết quả tương tự như trong băng-rôn treo tại Tháp Eiffel của Pháp năm 2020. (Ảnh Trùng Dương)

Quan tâm cũng đúng thôi, đặc biệt của những người không chấp nhận ông Trump, như đa số thành viên trong gia đình tôi, những người di dân tới đây đã cả nửa thế kỷ muốn thấy đây vẫn là mảnh đất lành chim đậu, của tự do dân chủ và cơ hội tiến thân, vật chất cũng như tinh thần.

Nếu có điều gì tích cực mà ông Trump đã mang lại cho nước Mỹ thì phải nói đó là ông đã đánh thức nơi dân Mỹ, ngay cả những người chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện chính trị bầu cử này kia như trong gia đình tôi, đó là ý thức chính trị về tầm quan trọng của lá phiếu cử tri của mình–quyền căn bản của người dân trong một chế độ dân chủ. Họ không chấp nhận những xáo trộn ông Trump đã mang lại trong bốn năm cầm quyền và cả từ đó tới nay, do sự thiếu hiểu biết, tham vọng cá nhân, tính bất nhất song tự tôn tự đại, coi mình là một thứ “thiên tài” và chỉ có mình mới giải quyết được mọi chuyện, bất chấp những ý kiến của giới chuyên môn, kể cả khoa học gia, đặc biệt trong thời gian xẩy ra đại dịch COVID.

Chưa kể, theo nhiều nhà tâm lý và phân tâm học, ông còn để lộ các triệu chứng của một người mắc bệnh tâm thần. Thậm chí có hơn 70,000 chuyên gia về sức khỏe tinh thần, thúc đẩy bởi “bổn phận phải báo động” đã ký vào một bản kiến nghị, cho rằng “Donald Trump biểu hiện một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng khiến ông ta không có khả năng tâm lý để thực thi thành thạo các nhiệm vụ của Tổng thống Hoa Kỳ.” Và một cuốn sách của 27 chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng lập luận rằng ông Trump, hoặc do nhân cách hay các vấn đề sức khỏe tâm thần, không phù hợp để đóng vai trò một tổng thống.

Thử tưởng tượng một người như vậy cầm cân nảy mực của một quốc gia hùng mạnh nhất toàn cầu, với một quân đội trang bị tới tận răng hiện diện hầu như khắp nơi, và kho vũ khí hạt nhân có thể phá nát trái đất nhiều lần hơn?

Bị thất cử khi tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai, ông Trump không nhận mình thua cuộc, cho là cuộc bầu cử 2020 có gian lận nên ông mới thua, mặc dù trên 60 đơn kiện của ông đã bị các tòa án bác vì vô bằng cớ. Ông tiếp tục quậy phá, dẫn đến ngày 6 tháng Một, 2021 khi ông thúc giục những người ủng hộ ông, trong đó có các nhóm da trắng thượng đẳng, lâu nay vẫn hoạt động trong bóng tối, đã lợi dụng cơ hội phất cao ngọn cờ của quân phiến loạn Confederate của thời Nội Chiến Hoa Kỳ giữa thế kỷ 19 kéo tới tấn công Điện Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, nhằm ngăn cản Quốc Hội thi hành phần sự hiến định, đó là công nhận việc ông Joe Biden của đảng Dân chủ đã thắng cử tổng thống.

Mà nào chỉ mình ông bị buộc tội mà cả những người đã bầy mưu vấn kế cho ông, trong đó có một số luật sư tên tuổi đã bị rút bằng vì đã dại dột liên minh với ông ta. Như tựa cuốn sách của tác giả bảo thủ Rick Wilson, Everything Trump touches dies (Ông Trump sờ vào cái gì thì cái đó lăn ra chết).

trump touch Trùng Dương
amazon.com

Chưa kể các cơ quan truyền thông, như Fox News, One America News Network, vv., loan tin thất thiệt là ông Trump thua vì bị bịp, do ông ta và phe đảng mớm, để câu khách mặc dù biết rõ là sai sự thực. Các cơ quan truyền thông này cũng đã từng hoặc phải dàn xếp ngoài tòa tốn kém gần một tỉ Mỹ kim, hoặc hiện còn đang chờ ra tòa.

Phải chi ông Trump lẳng lặng lui về tư dinh ở Florida an hưởng tuổi già và cái gia tài gầy dựng được với nhiều bất chính lâu nay thì có lẽ đã không ra nông nỗi. Như việc bây giờ ông phải đối đầu với bao vụ kiện tụng hình cũng như dân sự, và đã bị kết án ít ra trong một vụ hình, trong đó ông dùng tiền để bịt miệng một cô đào phim khiêu dâm mà ông có liên hệ tình dục nhưng lại khai gian trong sổ sách là thương vụ, để không gây ảnh hưởng bất lợi cho ông trong kỳ tranh cử năm 2016. Bên cạnh những kết buộc hình sự ở cấp liên bang và ở hai tiểu bang New York và Georgia, tất cả những vụ làm ăn khuất tất lâu nay của ông cũng đã đều được, qua các vụ kiện dân sự, phơi bầy ra cho bàn dân thiên hạ thấy, và trở thành hồ sơ công cộng lưu tại tòa cho lịch sử lưu truyền muôn đời sau. Thử hỏi có cái dại nào hơn cái dại này?

Vì các vụ kiện này mà ông Trump lại một lần nữa quyết định ra tranh cử chức tổng thống Mỹ, hy vọng đắc cử thì ông, với tư cách Tổng thống, sẽ có thể xóa hết các vụ án mà ông đang phải đương đầu, hoặc trì hoãn vô hạn định các vụ ở cấp tiểu bang cũng như các vụ án dân sự khác nằm ngoài thẩm quyền liên bang. Ngoài hứa hẹn trả thù những người mà ông coi là kẻ thù, ông Trump còn hứa ông sẽ là “nhà độc tài một ngày,” nhưng ai cũng biết ông vốn mến chuộng các nhà độc tài trong quá khứ cũng như hiện tại, đã từng khao khát có được quyền hành tuyệt đối của họ, nên cái “một ngày” ấy phải hiểu sẽ là mãi mãi vì những gì ông có thể sẽ để lại cho nước Mỹ nếu ông thắng cử. Ông chẳng đã từng nói là nếu ông có bắn chết ai ở giữa đường phố thì cũng sẽ không bị mất lá phiếu nào, kia mà.

Theo dõi ông qua những buổi vận động tranh cử trực tuyến, hầu như ai (trừ những người đã bị “giáo phái Trump” mê hoặc, hoặc như nhiều người trong cộng dồng Việt chúng ta không có cơ hội và điều kiện để tìm hiểu sâu hơn ngoài những loại tin phần lớn thiếu kiểm chứng, nhiều phần sai lạc hoặc cả cố tình xuyên tạc, trên các diễn đàn xã hội), cũng nhận thấy ông Trump không bình thường. Ông ta nói năng lung tung, đầu đuôi xuôi ngược, lẫn lộn người này với người kia, và đặc biệt hay lập đi lập lại, phát biểu không được tròn câu tròn ý, và thường diễn tả quá lố, dối trá trâng tráo.

Dù vậy, không phải là ông Trump không có lúc biết là mình nói dối: Ông đã chẳng từng nói với một phát ngôn viên của ông khi còn tại chức, rằng, “Cô nói gì không quan trọng, Stephanie. Hãy cứ lặp lại nhiều lần rồi mọi người sẽ tin cô.”

Không cần phải là tâm lý gia hay chuyên gia phân tâm học cũng thấy đó là những chỉ dấu  của một người già trí nhớ bắt đầu suy thoái đáng kể, nhưng nặng tinh thần vị kỷ, thích được vuốt ve tâng bốc. Do dấy, đằng sau ông là các nhóm hay tổ chức bảo thủ cực đoan kỳ vọng ở việc ông tái đắc cử để thực hiện những mưu đồ của riêng họ.

Đã từ nhiều năm tháng qua họ chuẩn bị cho một chính phủ do ông “lãnh đạo” một khi ông lên làm tổng thống trở lại. Mục tiêu chính của họ là thu hồi lại nước Mỹ cho thành phần Da trắng tự coi mình là thượng đẳng trên mọi chủng tộc khác, và cho giới Thiên Chúa Giáo cực đoan muốn đưa đạo này lên hàng quốc giáo của Hoa Kỳ. Song song với việc đàn áp giới phụ nữ qua việc ngăn cấm họ không được quyền phá thai, cả khi mang thai do bị hãm hiếp và sẩy thai cũng không được điều trị, và có âm mưu cấm cả dùng thuốc ngừa thai hoặc thai nghén qua phương pháp ống nghiệm, những thế lực bảo thủ cực đoan này muốn đưa nước Mỹ trở về quá khứ. Và đưa nữ giới trở về đời sống chỉ biết phục tòng trong qua khứ. Đáng kể nhất là nỗ lực của cơ quan Heritage Foundation, một tổ chức bảo thủ, nơi ra đời của Project 2025, với sự đóng góp của nhiều nhân vật trong hệ thống chính phủ thời ông Trump. Người viết sẽ trở lại với Dự án 2025 này trong một phần sau.

Không phải là tình cờ mà gần đây nhờ chính phủ của ông Trump mà ta có ba vị thẩm phán Tối cao Pháp viện bảo thủ được ông Trump tiến cử vào cơ quan quyền lực nhất này, tạo nên một đại đa số, gồm sáu thẩm phán bảo thủ và ba tự do. Trong vòng có khoảng đôi năm, một số phán quyết của các vị thẩm phán bảo thủ đã thay đổi hẳn cục diện chính trị và xã hội Mỹ.

Điển hình là phán quyết gỡ bỏ án lệ Roe v. Wade đã thành luật từ hơn nửa thế kỷ qua cho phép phụ nữ phá thai, có nghĩa là tự quyết định lấy tương lai đời mình và gia đình mình cùng với các quyền liên quan tới sức khỏe. Hoặc phán quyết bãi bỏ luật Affirmative Action ở các đại học, là một chính sách nhằm mang lại lợi ích cho những người thuộc nhóm thiểu số, những người thường bị phân biệt đối xử vì mầu da, nhằm mục đích tạo nên một xã hội bình đẳng hơn thông qua một ưu đãi trong giáo dục ở cấp đại học, mà nhiều con em của di dân Việt chúng ta cũng đã từng được hưởng. Từ ngữ DEI, tắt của đa đạng (diversity), bình đẳng (equity) và bao gồm (inclusive) trở thành một từ có nghĩa tiêu cực, không còn là phản ảnh của một xã hội hài hòa mở rộng vòng tay cho những người di dân như chúng ta hoặc những sắc dân lâu nay thiếu điều kiện kinh tế, để mọi người cùng có được cơ hội học hành, làm việc, ngõ hầu tiến thân trong xã hội gọi là hợp chủng này.

Dự án 2025 là gì?

Dự án 2025 (tên chính thức là Dự án Chuyển tiếp Tổng thống, Presidential Transition Project) là tập hợp các đề bạt chính sách nhằm tái tổ chức lại nhánh hành pháp của chính phủ liên bang Mỹ ở quy mô chưa từng có trong trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
 
Được thành lập vào năm 2022, dự án này được công bố vào cuối năm 2023, hiện đang rao trên Internet chương trình tuyển dụng hàng chục ngàn người có khuynh hướng bảo thủ đến Washington, DC, để sẽ thay thế các công chức chuyên ngành liên bang, mà nhóm Cộng hòa cực hữu hỗ trợ ông Trump mô tả là “nhà nước ngầm” (Deep State). Đây thực ra là hệ thống công chức liên bang có chuyên môn, phi chính trị, gồm các nhân viên giúp cho guồng máy hành chánh chạy dưới quyền tổng thống của bất cứ đảng nào. Nhưng các tác giả của Dự án 2025 muốn thay thế họ để thực hiện các mục tiêu của dự án, và người mà họ đặt kỳ vọng vào là ông Trump được đắc cử trong kỳ bầu cử tới. Kế hoạch này sẽ thay đổi bộ mặt của nhánh hành pháp liên bang theo một mô hình khá nguy hiểm: đó là giao cho tổng thống quyền lực tuyệt đối, phá vỡ hệ thống phân quyền của nền dân chủ.
 
Bước đầu của âm mưu này thực ra đã được tòa Tối cao Pháp viện bảo thủ thực hiện qua phán quyết hồi đầu hè trao cho Tổng thống một số quyền miễn bị truy tố (immunity) về các hành vi có thể bị coi là phạm pháp khi tại chức. Mục đích không ngoài ý đồ bao che cho cựu Tổng thống Trump.
 

Dự án 2025 đề ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chính phủ liên bang, đặc biệt trong chính sách kinh tế và xã hội, và vai trò của chính phủ và các cơ quan liên bang. Trong những thay đổi đó có cả việc cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), tháo dỡ cơ quan điều tra FBI và Bộ An ninh Nội địa, hủy bỏ các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu để giúp gia tăng sản xuất nhiên liệu như dầu hỏa, cùng loại bỏ các Bộ Giáo dục và Thương mại ra khỏi nội các chính phủ. Hãng thông tấn Associated Press có một bài tóm tắt song rành mạch những chương trình của Dự án 2025 đối nội cũng như đối ngoại, tại đường dẫn này.

Bao gồm trong Dự án 2025 cũng gồm cả việc lập tức dùng Đạo luật nổi dậy năm 1807 để tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội vào dẹp các vụ biểu tình chống đối chính phủ, cùng chỉ đạo Bộ Tư pháp truy lùng các đối thủ của ông Trump. Chính ông Trump cũng đã từng tuyên bố với những người ủng hộ ông là ông là người sẽ giúp họ phục hận. Theo luật hiện hành, quân đội không được phép can thiệp vào việc nội bộ, và Bộ Tư pháp hoàn toàn độc lập đối với cơ quan hành chánh, nghĩa là không nhận chỉ thị của tổng thống.

Dự án 2025 gồm một bộ cẩm nang tựa là “Mandate for Leadership: The Conservative Promise” (Nhiệm vụ lãnh đạo: Lời hứa bảo thủ), dầy trên 900 trang, liệt kê các chính sách sẽ thi hành, cùng các tài liệu liên hệ. Ngoài ra, các tác giả dự án còn tổ chức các khóa học trực tuyến tại cái gọi là Học viện Quản trị Tổng thống (Presidential Administration Academy), và cung cấp tài liệu hướng dẫn để khai triển các kế hoạch cho thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chính phủ Joe Biden (nếu thua) và (có thể) Trump. Song song, Dự án 2025 cũng đã tổ chức những ki-ốt tuyển dụng tại các hội chợ kiếm việc (job fair) ở các trường đại học, phát và nhận đơn xin việc với cơ quan chính phủ tương lai này.
 

Dự án 2025 có vẻ quyết tâm thực hiện những điều mà phe bảo thủ cực đoan muốn làm ở cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump, nhưng không thành vì bị cản trở bởi các thế lực đề kháng mà họ cho là thù nghịch nằm trong lòng chính phủ liên bang. Các thế lực này gồm những người muốn duy trì một hệ thống thư lại với các chuyên viên phi chính trị, cái hệ thống mà ông Trump và phe đảng gọi là “nhà nước ngầm” (Deep State), để thay thế vào đó là một hệ thống, nói theo ngôn ngữ Việt cộng là “hồng hơn chuyên,” và tuyệt đối trung thành với nhà nước mới.

Còn nhớ vào năm thứ hai của nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, vào tháng Chín năm 2018, nhật báo The New York Times phổ biến một bài bình luật ký tên Người Vô Danh, tựa là “Tôi là một phần của cuộc đề kháng bên trong chính quyền Trump.” Bài xã luận chỉ trích đương nhiệm Tổng thống Trump, và nói rằng nhiều thành viên hiện tại của chính quyền, trong đó có tác giả, đã cố tình, vì lợi ích quốc gia, làm suy yếu các đề án và mệnh lệnh bất nhất của ông Trump. Bài viết cũng tiết lộ là một số thành viên nội các trong những ngày đầu của chính quyền ông Trump đã từng thảo luận về việc sử dụng Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ, như một cách để loại bỏ tổng thống không có khả năng khỏi chức vị quyền lực.

Tác giả bài bình luận được mô tả là một quan chức cấp cao trong chính phủ Trump. Cuối năm 2019, tác giả Người Vô Danh xuất bản một cuốn sách, tựa là “A Warning” (Lời báo động), khai triển từ bài tiểu luận trên. Cuốn sách trở thành một trong những sách bán chạy nhất dạo ấy. Khoảng một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, Miles Taylor, người đã viết bài bình luận trên lúc đang giữ chức chánh văn phòng của bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa thời chính phủ Trump, đã chính thức tiết lộ mình là tác giả.

Đầu thu năm 2023, Taylor, một đảng viên Cộng hòa tuổi chưa tới 40 và là chuyên viên về an ninh điện toán, đã cho xuất bản cuốn “Blowback: A Warning to Save Democracy from the Next Trump” (Phản ứng ngược: Cảnh báo để bảo vệ dân chủ trong một chính phủ Trump nhiệm kỳ hai ), nhằm ngăn cản những gì sẽ xẩy ra cho nền dân chủ Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử cuối năm nay. Cuốn sách phản ảnh những điều mà Project 2025 đang theo đuổi nhằm thực thi cái gọi là chủ nghĩa Trump. Tác giả Taylor cũng đồng thời kêu gọi các đảng viên đảng Cộng hòa nên đặt quốc gia lên trên đảng phái để bảo vệ nền dân chủ Mỹ tránh rơi vào nạn độc tài.

Với Dự án 2025, giới bảo thủ lần này bầy ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ nghiêm ngặt hơn để loại bỏ các thành phần “thù nghịch” như Taylor và những đảng viên Cộng hòa không chấp nhận chủ nghĩa Trump. Họ muốn tạo nên một hệ thống nhà nước với những công bộc tuyệt đối trung thành với lãnh đạo, như trong các chế độ độc tài. Tóm lại, Dự án 2025 nhằm sa thải hệ thống nhân viên liên bang chính ngạch, và thay thế bằng số 20,000 nhân viên trung thành mà cơ quan Heritage đang tuyển dụng cho chính quyền của ông Trump một khi ông đắc cử.

Phản ứng đối với Dự án 2025

Phản ứng đối với Dự án 2025 tất nhiên là sôi nổi. Nhiều người coi đó một dự án dẫn tới độc tài, một nỗ lực của ông Trump để trở thành một nhà độc tài, và một con đường dẫn Hoa Kỳ đến chế độ chuyên chế. Một số chuyên gia luật chỉ trích là dự án vi phạm luật hiến pháp hiện hành và sẽ làm suy yếu pháp quyền và nguyên tắc phân chia quyền lực. Ngay cả một số nhân vật bảo thủ và đảng viên Cộng hòa chính thống cũng quyết liệt chỉ trích dự án này, cho là nó đi ngược với truyền thống dân chủ Hoa Kỳ, và với giá trị đã có từ lâu đời của đảng Cộng hòa, đó là tôn trọng truyền thống, lịch sử, luật pháp và trật tự, tự do cá nhân, sự thật và một chính phủ giới hạn.
 

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AP, Russell Vought, nguyên giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget, OMB) thời Trump và là một thành viên của Dự án 2025, tuyên bố rằng mục tiêu loại bỏ nhân viên hành chánh liên bang của dự án sẽ là “một quả trùy phá hủy đối với cơ cấu nhà nước hành chánh.” Trong một cuộc phỏng vấn, Kevin Roberts, chủ tịch viện Heritage, cái nôi của Dự án 2025, cho biết: “Mọi người sẽ mất việc làm. […] Các tòa hành chánh sẽ bị đóng cửa. Hy vọng rằng chúng có thể được tái sử dụng cho ngành công nghiệp tư nhân.”

Donald B. Ayer, phụ tá tổng chưởng lý (attorney general) dưới thời Tổng thống Cộng hòa George H. W. Bush (Cha), nhận định: “Dự án 2025 có vẻ chứa đựng đầy đủ các ý tưởng cho phép Donald Trump hoạt động như một nhà độc tài, bằng cách loại bỏ hoàn toàn nhiều hạn chế được xây dựng trong hệ thống hành chánh của chúng ta. Ông Trump quả thực muốn phá hủy bất kỳ khái niệm nào về pháp quyền ở đất nước này… Các báo cáo về Dự án 2025 của Donald Trump cho thấy ông hiện đang chuẩn bị làm một loạt những điều hoàn toàn trái ngược với các giá trị căn bản mà chúng ta luôn tôn trọng. Nếu Trump đắc cử và thực hiện một số ý tưởng mà ông có vẻ đang xem xét, không ai ở đất nước này sẽ an toàn.”
 
Michael Bromwich, người từng là tổng thanh tra Bộ Tư pháp từ năm 1994 đến năm 1999 dưới thời Tổng thống Dân chủ Bill Clinton, nhận xét: “Các kế hoạch đang được khai triển bởi các thành viên của giáo phái (cult) Trump để biến DOJ và FBI thành công cụ trả thù của ông sẽ khiến bất cứ ai quan tâm đến pháp quyền cũng phải rùng mình. Trump và các phương tiện truyền thông cánh hữu đã gieo vào mảnh đất màu mỡ thứ hạt giống rằng Bộ Tư pháp hiện tại đã bị chính trị hóa, và sự dối trá này đã phát triển mạnh mẽ. Những nỗ lực của họ nhằm làm suy yếu [các cơ quan bảo vệ pháp quyền] DOJ và FBI là một trong những chiến dịch phá hoại ghê gớm nhất mà họ đã tiến hành.”
 
Gần đây, nhận thấy Dự án 2025 này đang có ảnh hưởng tiêu cực trên việc tranh cử của mình, ông Trump đã nói là không hề hay biết gì về dự án đó. Nhưng nhiều bằng chứng, kể cả một cuộc phỏng vấn có thu hình, cho thấy lời tuyên bố đó cũng chỉ là một trong hàng chục ngàn lời nói dối đã trở nên quá quen thuộc của ông Trump mà thôi.
 
Cộng hòa chống Trump kết hợp với đảng Dân chủ bảo vệ nền dân chủ
 
Không phải tới gần đây với sự ra đời của Dự án 2025 khiến nhiều nhân vật tên tuổi của đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối cái mà nhiều người gọi là giáo phái (cult) Trump. Phong trào “Không bao giờ Trump” ra đời từ khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào giữa năm 2015, và rồi đắc cử cuối năm 2016. Tên gọi chung cho các nhóm bột phát này là “phong trào Không bao giờ Trump” (Never Trump movement), bắt đầu như những nỗ lực riêng lẻ của các nhóm đảng viên Cộng hòa và những người bảo thủ tên tuổi khác để ngăn chặn ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là Donald Trump được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016. Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, các nhóm này lại tập trung nỗ lực của họ vào việc đánh bại Trump vào năm 2020. Họ trở nên có tổ chức và hậu thuẫn tài chính hơn.
 

Một trong những nhóm Không bao giờ Trump nổi bật và gây được một ngân quỹ đáng kể là Project Lincoln. Lincoln là tên của Tổng thống Cộng hòa Abraham Lincoln, người cổ võ cho việc duy trì hệ thống liên bang vào giữa thế kỷ 19, khi 13 tiểu bang ở Miền Nam đòi ly khai vì muốn bảo tồn quyền của tiểu bang, trong đó có quyền duy trì chế độ nô lệ. Dự án Lincoln là một ủy ban hành động chính trị (PAC) được thành lập vào tháng 12 năm 2019 do những người bảo thủ ôn hòa và là đảng viên Cộng hòa phản đối Tổng thống Trump và chủ nghĩa Trump.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tổ chức này hoạt động nhằm ngăn chặn việc tái đắc cử của ông Trump, đồng thời đánh bại các ứng cử viên đương nhiệm của đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump tái tranh cử vào các chức vụ Quốc hội liên bang và cả ở tiểu bang. Vào tháng 4 năm 2020, ủy ban đã công khai ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Kể từ năm 2023, ủy ban này tập trung vào việc ngăn chặn việc ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đồng thời yểm trợ đương kim TT Biden. Gần đây, sau khi ông Biden tuyên bố sẽ không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai mặc dù ông rất yêu vai trò Tổng thống “nhưng tôi yêu đất nước này hơn,” ông nói, và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã chính thức được đảng Dân chủ đề cử là ứng cử viên Tổng thống, Dự án Lincoln dồn lực lượng vào việc yểm trợ bà Harris.

Ngoài Dự án Lincoln, người ta còn thấy nhóm Republican Accountability Project, tắt là RAP (Đảng viên Cộng hòa Đòi Trách nhiệm, còn gọi là Dự án Trách nhiệm và Cử tri Cộng hòa Chống Trump). Tổ chức này được thành lập vài tháng trước kỳ bầu cử 2020, nhằm vận động bảo vệ các nguyên tắc truyền thống của đảng Cộng hòa, trong đó thượng tôn luật pháp và sự thật là nền tảng mà ông Trump đang phá nát, gây chia rẽ. Dự án đã sản xuất một chiến dịch quảng cáo trị giá 10 triệu Mỹ kim tập trung vào hàng trăm lời chứng thực của đảng viên Cộng hòa, các nhà bảo thủ ôn hòa, cử tri độc lập nhưng nghiêng về cánh hữu, và các cử tri đã từng bỏ phiếu cho ông Trump giờ lên tiếng giải thích lý do tại sao họ sẽ không bỏ phiếu cho Donald Trump nữa trong kỳ bầu cử tới.
 
Sau vụ tòa nhà Quốc Hội bị tấn công với sự xúi giục và cả che chở của ông Trump, RAP sản xuất nhiều quảng cáo chính trị nhằm tấn công các đảng viên Cộng hòa cực đoan trong vụ tấn công Điện Capitol. Tổ chức này đã tài trợ các chiến dịch quảng cáo để chỉ trích các đảng viên Cộng hòa cực đoan theo ủng hộ ông Trump, đặc biệt là những người bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021.
 

Từ khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử khi biết sẽ phải đối diện với các cáo buộc hình phạm của công tố liên bang cũng như của tiểu bang New York và Georgia, với hy vọng đắc cử hầu giải quyết tất cả, RAP càng gia tăng hoạt động với sự tài trợ của một số tỉ phú.

Tự mệnh danh là “những người Cộng hòa và bảo thủ bênh vực những ai ủng hộ dân chủ, buộc những người muốn lật ngược cuộc bầu cử phải chịu trách nhiệm, và đấu tranh chống thông tin sai lệch,” RAP dự trù bỏ ra 50 triệu Mỹ kim cho một chiến dịch quảng cáo chống Trump trong những ngày tháng dẫn tới ngày bầu cử 5 tháng 11 sắp tới. RAP cho biết sẽ liên tiếp giới thiệu hàng ngàn cử tri Cộng hòa đã từng bỏ phiếu cho ông Trump ở hai kỳ bầu cử trước, và đích thân những người này lên tiếng cho biết tại sao họ sẽ không bỏ phiếu cho ông kỳ bầu cử năm nay.

The Bulwark, tạm dịch là Bức Tường Thành, cũng là một trong những nhóm Cộng hòa chống Trump. Thực ra đây là một trang mạng tin tức và quan điểm bảo thủ có khuynh hướng chống Trump được Sarah Longwell, một chiến lược gia đảng Cộng hòa và là một trong những sáng lập viên của RAP, ra mắt vào năm 2019, với sự yểm trợ của một số các cây bút bảo thủ tên tuổi khác. Chủ trương trung thực và thiện chí, cùng đâu lưng chiến đấu và đặt đất nước lên trên đảng phái, nhóm Bulwark đồng thời chủ trương xây dựng nên một nơi cho các đảng viên Cộng hòa bị “vô gia cư” sinh hoạt—vì đảng Cộng hòa đã bị ông Trump và bè phái MAGA cưỡng chiếm khiến họ trở thành dân không nhà.
 
Có thể nói nhóm Bulwart là những người quyết “trấn thủ lưu đồn,” không bỏ đảng, song đã quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên đảng. Họ còn khuyến khích đồng sự nào muốn bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống Harris của đảng đối lập và vẫn giữ tư cách đảng viên Cộng hòa. Phần lớn còn trẻ và năng động, họ cũng không khoanh tay chờ thời, mà vận động cho một nước Mỹ trở lại bình thường, và chính trường Mỹ sẽ là trở lại là nơi người dân có thể thảo luận, kể cả tranh cãi trong ôn hòa, về các quan điểm khác nhau.
 
Các nhóm trên là vài trong số những nhóm bảo thủ hoặc đảng viên Cộng hòa không chấp nhận ông Trump và chủ nghĩa Trump, một hiện tượng có thể nói là hiếm trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Ngoài ra, có nhiều nhân vật tên tuổi trong đảng Cộng hòa cũng công khai lên tiếng không chấp nhận ông Trump. Một trong các nhân vật này nổi bật nhất phải kể tới cựu Phó Tổng thống Mike Pence, người đã bị nhóm tấn công tòa Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021 đi tìm để treo cổ. Ông Pence đã khẳng định không hỗ trợ “xếp” cũ của mình trong kỳ bầu cử tới, một việc chưa hề xẩy ra.
 
Vào giữa tháng Tám vừa qua, một số đảng viên Cộng hòa đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan công quyền liên bang và tiểu bang cũng đã không ngần ngại lên diễn đàn, mà lại là một diễn đàn của phe đối lập là đảng Dân chủ, để công khai bầy tỏ lập trường chống ông Trump. Từ diễn đàn trước Hội nghị của đảng Dân chủ này, họ đã kêu gọi các bạn cùng đảng hãy đặt quyền lợi của đất nước lên trên đảng phái.
 
“Tôi là đảng viên đảng Cộng hòa. Nhưng tối nay tôi đứng đây với tư cách là một người Mỹ–một người Mỹ quan tâm đến tương lai của đất nước này hơn là tương lai của Donald Trump,” nguyên Phó Thống đốc tiểu bang Georgia Geoff Duncan phát biểu trước những tràng vỗ tay như sóng dậy giữa một hội trường đông nghẹt các đại biểu Dân chủ đa chủng và cả rừng biểu ngữ cờ quạt. “Hãy để tôi nói rõ với những người bạn trong đảng Cộng hòa của tôi đang theo dõi tại nhà: Nếu bạn bỏ phiếu cho Harris vào năm 2024, bạn không phải là đảng viên Dân chủ đâu, mà bạn là một người yêu nước.”
 
“Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ ai phải đem mạng sống của mình ra đặc cọc. Chúng tôi chỉ xin bạn, bạn cũng biết đấy, là có thể một lần, chỉ một lần này thôi, rằng nếu cần thiết, hãy giữ danh hiệu đảng Cộng hòa, nhưng xin hãy bỏ phiếu [cho ứng cử viên Harris] để bảo vệ nền dân chủ này,” cựu dân biểu chiến binh đảng Cộng hòa Adam Kinzinger nói như khẩn khoản các bạn đồng đảng của mình mà ông tin là đang theo dõi Hội nghị Dân chủ tại tư gia. “Việc liên minh này không thoải mái gì song là việc duy nhất có thể bảo vệ niềm tin vào hệ thống bầu cử của chúng ta.”
 
Khi tôi đang soạn bài này thì nhận được tin cựu thẩm phán bảo thủ đáng kính và là một chuyên gia về Hiến pháp, Michael J. Luttig, đã công khai lên tiếng yểm trợ ứng cử viên Tổng thống Harris trong một lá thư dài năm trang gửi tới CNN. Cựu thẩm phán Luttig là người đã điều trần trước Ủy ban điều tra vụ Quốc hội bị tấn công ngày 6 tháng Giêng, 2021, cho là vụ tấn công này không khác một cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ dân chủ lâu đời tại Mỹ.

Trùng Dương 3

Cựu thẩm phán Michael J. Luttig tại buổi điều trần của Ủy ban điều tra vụ tấn công Quốc hội ngày 6 tháng Một, 2021. (Ảnh từ pbs.org)
“Khi bỏ phiếu cho Phó Tổng thống Harris, tôi hiểu là quan điểm chính sách của bà ấy rất khác với quan điểm của tôi,” ông Luttig tuyên bố. “Nhưng trong cuộc bầu cử này, tôi không quan tâm tới quan điểm chính sách của bà ấy về bất kỳ vấn đề nào khác ngoài Dân chủ, Hiến pháp và Pháp quyền của Hoa Kỳ. Tôi tin rằng tất cả người Mỹ nên [hành xử] như vậy.”
 
Cùng chia sẻ suy nghĩ của vị cựu thẩm phán là một số đảng viên Cộng hòa khác, trong đó có một số luật sư đã từng làm việc dưới thời TT Reagan và hai Tổng thống Bush Cha và Bush Con.
 
“Chúng tôi tán thành bà Kamala Harris và ủng hộ việc bà được bầu làm Tổng thống vì chúng tôi tin rằng việc đưa cựu Tổng thống Trump trở lại chức vụ sẽ đe dọa nền dân chủ Mỹ và làm suy yếu nền pháp quyền ở đất nước chúng ta,” các luật sư viết trong một bức thư được ưu tiên gửi tới phổ biến trên trang mạng của đài Fox News, vốn là cơ quan yểm trợ ông Trump, trước cả các cơ sở truyền thông dòng chính.
 
“Nỗ lực của ông Trump nhằm ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa sau khi thua cuộc bầu cử đã chứng tỏ rõ ràng rằng ông ấy sẵn sàng đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên luật pháp và các giá trị của nền dân chủ lập hiến của chúng ta,” các luật sư của các chính phủ Reagan và Bush nói thêm. “Chúng tôi không thể làm theo những cựu quan chức đảng Cộng hòa khác, những người đã lên án Trump bằng những phán xét khốc liệt nhưng vẫn không sẵn sàng bỏ phiếu cho Harris. Chúng tôi tin rằng cuộc bầu cử này đưa ra một sự lựa chọn nhị phân và Trump hoàn toàn không đủ điều kiện.”
 
Và họ kết luận rằng ứng cử viên của đảng Cộng hòa, tức Donald Trump, “đã phạm tội sai trái nghiêm trọng đối với Hiến pháp, nền dân chủ và pháp quyền của chúng ta, đồng thời vẫn là người không phù hợp, nguy hiểm và xa rời thực tế.”
 
Các vị ký tên trong tuyên ngôn kết thúc lá thư bằng lời “kêu gọi tất cả những người Cộng hòa yêu nước, những người từng là thành viên đảng Cộng hòa, những công dân bảo thủ và trung hữu cũng như những cử tri độc lập hãy đặt tình yêu đất nước lên trên đảng phái và hệ tư tưởng, đồng thời cùng chúng tôi ủng hộ Kamala Harris.”
 
Đối với một số đảng viên Cộng hòa đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống Harris của đảng đối lập, hành động khác thường này chính là giúp bảo vệ nền dân chủ, nhưng cũng có nghĩa là giúp tạo cơ hội trở lại đời sống bình thường—một thứ homecoming, trở về mái nhà xưa, của một đảng bảo thủ chính thống vốn tôn trọng tự do, truyền thống và kỷ luật, và luật pháp và công bằng, là những giá trị Donald Trump đã dẵm đạp lên bấy lâu.
 
Trùng Dương
[TD2024-09]

 

 

Đảng Viên Cộng Hòa Kêu Gọi Bạn Đồng Đảng Đặt Lòng Ái Quốc Trên Đảng Phái, Bảo Vệ Dân Chủ

 

27/08/2024

Trùng Dương

Việt Báo

iStock-2042930556

Hình: Drazen Zigic istockphoto.

 

Lần lượt, kẻ trước người sau vào những thời điểm khác nhau trong bốn ngày Hội nghị của đảng Dân Chủ từ 19 tới 22 tháng 8 vừa qua tại thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, một số đảng viên gạo cội Cộng hòa không-chấp-nhận-Donald-Trump lên diễn đàn bầy tỏ sự ủng hộ dành cho ứng cử viên Tổng thống Kamala Harris trong kỳ bầu cử ngày 5 tháng 11 tới.

Họ là một số trong những người đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ của ông Trump gần bốn năm trước, là cựu dân biểu, cựu thống đốc hoặc phó thống đốc tiểu bang, ngay cả có người còn đang tại chức. Họ là những người đã ý thức sâu xa về tầm quan trọng lịch sử của kỳ bầu cử tới, một cuộc bầu cử một-mất-một-còn của nền dân chủ kỳ cựu nhất thế giới. Và họ đã đặt lòng ái quốc lên trên sự trung thành với đảng phái, và đã không ngần ngại dùng diễn đàn của Hội nghị Dân chủ mở ra không chỉ khắp nước mà còn khắp thế giới, kêu gọi các đồng đảng còn quan tâm khác hãy nghĩ tới quyền lợi của quốc gia thay vì đảng phái và cá nhân.

[Khác với lời kêu gọi “yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội thì đó mới là lòng yêu nước chân chính và đích thực,” nghe như vang vọng lại từ… thế kỷ trước mà thực ra là từ một trang Web trong nước gần đây, của đảng Cộng sản Việt Nam.]

Là những đảng viên Cộng hòa kỳ cựu mà lại xuất hiện trong một hội nghị của đảng Dân chủ đối lập không phải là việc dễ dàng cho họ, nếu không nói là… siêu thực, như nhận xét của một bài báo trên tạp chí The Atlantic, một nguyệt san kỳ cựu và bảo thủ nhưng chống Trump.

“Hãy giải quyết phần khó khăn nhất: Tôi là đảng viên đảng Cộng hòa. Nhưng tối nay tôi đứng đây với tư cách là một người Mỹ–một người Mỹ quan tâm đến tương lai của đất nước này hơn là tương lai của Donald Trump,” nguyên Phó Thống đốc tiểu bang Georgia Geoff Duncan phát biểu trước những tràng vỗ tay như sóng dậy giữa một hội trường đông nghẹt các đại biểu Dân chủ và cả rừng biểu ngữ cờ quạt. “Hãy để tôi nói rõ với những người bạn trong đảng Cộng hòa của tôi đang theo dõi tại nhà: Nếu bạn bỏ phiếu cho Harris vào năm 2024, bạn không phải là đảng viên Dân chủ. Bạn là một người yêu nước.” [Nhấn mạnh của người viết]

Ông Duncan là phó thống đốc Georgia trong cuộc bầu cử năm 2020 khi ông Trump và các đồng minh của ông bị cáo buộc cố gắng lật ngược cuộc bầu cử  sau khi ông Joe Biden thắng ở Georgia với gần 12.000 phiếu bầu của cử tri tiểu bang này. Cùng với Thống đốc Cộng hòa Brian Kemp và các viên chức khác của tiểu bang Georgia, ông Duncan cũng từ chối tiếp tay với ông Trump và đồng bọn sử dụng quyền lực để lật ngược kết quả bầu cử. Bị đe dọa bởi tay sai bạo lực của phe nhóm ông Trump, các viên chức này đã phải bố trí lực lương bảo vệ có vũ trang bên ngoài tư gia của họ. Ông Trump và 18 người khác cuối cùng đã bị truy tố về tội RICO (The Racketeer Influenced and Corrupt Organizations). Vụ việc hiện đang chờ toà Georgia xét xử.

“Donald Trump đã nhắm mục tiêu vào chúng tôi,” ông Duncan nói. “Bạn không cần phải đồng ý với mọi quan điểm chính sách của Kamala Harris. Tôi cũng không [đồng ý], nhưng bạn phải công nhận tư cách công tố viên của bà ấy, đó là biết thế nào là đúng và sai, thiện và ác. Bà [Harris] là một người vững vàng và sẽ mang lại khả năng lãnh đạo cho Tòa Bạch Ốc, điều mà Donald Trump không bao giờ có thể làm được.”

“Đảng Kỳ cựu Vĩ đại [đảng Cộng hòa vốn được mệnh danh là Grand Old Party] đã bị những kẻ cực đoan bắt cóc và biến thành một giáo phái,” Thị trưởng thành phố Mesa, Arizona, John Giles phát biểu tại Hội nghị Dân chủ. Ông Giles đã không dấu là mình cũng cảm thấy không mấy thoải mái khi góp mặt tại đại hội của đảng đối lập, song ông cũng cho biết người hùng của ông là cố nghị sĩ John McCain thuộc tiểu bang Arizona, và là ứng cử viên tổng thống năm 2008 của Đảng Cộng hòa nhưng đã bị ông Barrack Obama đánh bại. Ông McCain cũng là người công khai chống ông Trump vì đã nhận ra khuynh hướng độc tài nơi ông ta khi ông này tuyên bố báo chí là “kẻ thù của nhân dân Mỹ.”

Ông Giles đến từ Mesa, một thành phố có khoảng 500.000 dân, cho biết ông đến Chicago dự Hội nghị Dân chủ vì “Đảng Cộng hòa của John McCain đã không còn nữa.” Ông kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa của mình hãy “lật trang” và “đặt đất nước lên hàng đầu.” [Nhấn mạnh của người viết]

Lời kêu gọi của ông Giles diễn ra sau các bài phát biểu của Stephanie Grisham, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump từ năm 2019 đến năm 2020. “Đằng sau cánh cửa đóng, ông Trump chế nhạo những người ủng hộ mình, gọi họ là ‘cư dân ở tầng hầm’,” bà Grisham nói với hội nghị, nhớ lại việc cựu tổng thống nổi cơn thịnh nộ khi máy quay phim không theo dõi ông trong một chuyến thăm bệnh viện.

“Ông ta không có sự đồng cảm, không có đạo đức và không trung thành với sự thật,” bà Grisham nói thêm. “Ông ta thường nói với tôi: ‘Cô nói gì không quan trọng, Stephanie. Hãy cứ lặp lại nhiều lần rồi mọi người sẽ tin cô.’”

Bài diễn văn tiêu biểu, chân thành, tha thiết và chi tiết nhất trong số những phát biểu phần lớn ngắn gọn của những đảng viên Cộng hòa tại Hội nghị Dân chủ, theo người viết bài này, là của ông Adam Kinzinger, một trong hai dân biểu Cộng hòa đã góp mặt trong Ủy ban điều tra vụ tấn công bạo lực chết người ngày 6 tháng 1, 2021 vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn cản việc chuẩn nhận theo luật định kết quả bầu cử Tổng thống với sự đắc cử của ông Joe Biden. Ông Kinzinger cũng là một trong 10 dân biểu Hạ viện đã bỏ phiếu buộc tội ông Trump phải trách nhiệm về vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội ngày 6 tháng 1, 2021.

“[T]ôi tự hào được đứng cùng chiến hào với các bạn […] để bảo vệ sự thật, dân chủ và văn minh,” vị cựu dân biểu trung niên nguyên là phi công trong quân lực Hoa kỳ phát biểu. “Tôi chỉ là một đứa trẻ khi bị lôi cuốn vào yểm trợ [Tổng thống] Ronald Reagan do tầm nhìn của ông ấy về một nước Mỹ hùng mạnh, một thành phố tỏa sáng trên một ngọn đồi. Tôi đã là đảng viên đảng Cộng hòa phục vụ trong Quốc hội 12 năm và tôi vẫn giữ lấy danh hiệu của đảng này. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ góp mặt ở [Hội nghị Dân chủ] này, và chắc các bạn cũng không bao giờ nghĩ sẽ gặp tôi ở đây, phải không?”

“Nhưng tôi đã học được điều gì đó về Đảng Dân chủ. Và tôi muốn cho những người bạn đảng Cộng hòa của tôi biết bí mật này,” ông Kinzinger tiếp. “[Đó là] Đảng Dân chủ cũng yêu nước như chúng ta vậy.”

Điều này nghe có vẻ như thể đảng viên Dân chủ không biết yêu nước Mỹ và ái quốc là độc quyền của Cộng hòa. Thú thật là gần đây tôi mới biết tới định kiến này khi đọc các bài bình luận về các cuộc vận động tranh cử và xuyên qua Hội nghị Dân chủ tưng bừng rộn rã–một hội nghị chính trị lần đầu tôi bỏ nhiều thì giờ theo dõi.

Từ lâu rồi tôi ghi danh bầu cử là “vô đảng phái,” nghĩa là không thuộc đảng nào sau vài năm tình cờ trở thành đảng viên Cộng hòa. Số là khi tôi đi dự buổi tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ vào giữa thập niên 1980, lúc bước ra khỏi tòa tay còn cầm lá cờ Mỹ bằng giấy nhỏ bằng bàn tay, có vài phụ nữ da trắng chào đón tôi rất ân cần ở ngoài hành lang tòa, bên một bàn dài phủ khăn mầu đỏ, trên bầy mấy đĩa bánh ngọt và nước uống, và một xấp giấy. Một bà tới bên tôi chúc mừng, rồi chìa một mẫu ghi danh gia nhập đảng Cộng hòa. Không một ý niệm về chính trị Mỹ, tôi trở thành đảng viên Cộng hòa từ đấy. Từ khi trở thành cử tri không đảng phái (nonpartisan), cứ mỗi kỳ bầu cử sơ bộ, nếu muốn bầu cho một cử tri Dân chủ, tôi đều phải nạp đơn trên giấy có ký tên xin lá phiếu của đảng Dân chủ. Ở California, tiểu bang tôi ghi danh đi bầu, chỉ có đảng Dân chủ cho phép cử tri vô đảng phái đi bầu sơ bộ; trong khi đảng Cộng hòa đòi phải là đảng viên mới được phép bầu trong kỳ sơ bộ; do đấy tôi có khuynh hướng bầu cho các ứng cử viên Dân chủ, nhưng vẫn từ chối chính thức gia nhập đảng này vì muốn duy trì sự độc lập của mình. Vì không thuộc đảng nào nên tôi cũng ít để ý tới đặc tính của mỗi đảng, mà chỉ quan tâm tới tư cách, thành tích, chính sách và khả năng của các cử tri bất kể đảng phái, hoặc nghiên cứu cả hai phe bênh và chống về các vấn đề làm mình quan tâm ở các đề luật (propositions) trên phiếu bầu.

Thế nên tôi hơi ngạc nhiên khi đọc biết là đảng Dân chủ đã thành công khi giật lấy được nhãn hiệu ái quốc (patriotism) và tự do (freedom–sống đời sống của mình mà không bị ai bảo phải sống ra sao, lấy ai, có mấy con, không được phép quyết định làm gì với thân thể mình) lâu nay thuộc độc quyền của đảng Cộng hòa—À ra thế! Với tôi, từ ngày được trở thành công dân Mỹ, tôi mặc nhiên, và cả hồn nhiên (khác với vài người bạn dồng lứa vẫn không coi đất nước này là của mình), yêu thương đất nước này, cảm động nhìn lá cờ Hoa kỳ bay trong gió lộng vào những dịp lễ mừng Độc lập hay ngày Tưởng Niệm Chiến sĩ Trận vong. Có dịp đi thăm Normandy, khác với ông Trump, tôi xin cho bằng được đi viếng nghĩa trang của tử sĩ Mỹ (cũng như của tử sĩ Đức, để thấy người văn minh đối với tử sĩ của địch tử tế nhân đạo như thế nào, so với lối Việt Cộng đối xử với tử sĩ của quân Cộng hòa). Tôi còn nhớ lần tới Hong Kong nghiên cứu cho luận án cao học về các vùng kinh tế đặc biệt của Trung Cộng hồi nước này còn đang thăm dò xem kinh tế thị trường có thích hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa của họ, tôi ghé ghi danh tại Tòa Đại sứ Mỹ (theo yêu cầu của chương trình Fulbright bảo trợ nghiên cứu của tôi), và được một nhân viên USAID đề nghị cho họ địa chỉ chỗ tôi cư trú. Thấy tôi nhìn như thắc mắc, nhân viên nọ mỉm cười giải thích là để lỡ có gì thì biết mà tới đón bà… di tản. Hong Kong cách biên giới Hoa Lục có đôi ba chục cây số, hồi ấy còn thuộc Anh Quốc, mãi tồi 1997 mới trả về cho Trung Hoa. Tôi nghĩ tới những ngày cuối cùng ở Sài Gòn không có được cái cơ hội này mà tự dưng muốn ứa nước mắt, cảm thấy mình được che chở, bảo bọc. Và tôi hân hoan sống với những đặc quyền của một công dân một nước dân chủ, với cảm giác biết ơn sâu xa và ý thức sâu sắc là phải bảo vệ những thứ mình có được ấy bằng mọi giá và với khả năng có thể.

“Họ [đảng viên Dân chủ] yêu đất nước này nhiều như chúng ta vậy,” ông Kinzinger nói trước một hội trường rộng thênh thang chứa tới mấy chục ngàn người, ngợp những cờ quạt, biểu ngữ, tham dự viên đa chủng, trẻ già sát vai, đầy năng lực, kích thích và kỳ vọng, khác với Hội nghị Cộng hòa nghiêm túc, tăm tối vì bi quan yếm thế, mà tôi có dịp nhìn thấy ở vài khúc phim. “Và họ [đảng viên Dân chủ] cũng háo hức bảo vệ các giá trị của Mỹ trong và ngoài nước như những người bảo thủ chúng ta từng làm.”

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi phát hiện ra điều đó vì tôi cũng đã thấy được điều gì đó về đảng của mình. Một cái gì đó tôi không thể bỏ qua,” viên cựu dân biểu Cộng hòa thuộc tiểu bang Illinois tiếp, giọng chân thành và cũng đượm xót xa trước biến đổi gần đây của đảng mình. “Đảng Cộng hòa không còn bảo thủ nữa. Nó đã thay đổi mục tiêu của lòng trung thành của nó. Từ những nguyên tắc đã cho nó mục đích, nó đã chuyển sự trung thành ấy sang cho một người đàn ông mà mục đích duy nhất của ông ta là chính ông ta.”

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây: những nguyên tắc  bảo thủ gồm có: tự do, truyền thống và kỷ kuật, luật pháp và công bằng, là bốn cột trụ bấy lâu của phe bảo thủ tại Mỹ.

“Donald Trump là kẻ yếu đuối giả vờ mạnh mẽ,” người cựu chiến binh dằn giọng. “Ông ta thực ra là là một gã đàn ông nhỏ nhoi song giả vờ lên mặt ta đây. Ông ta là một kẻ vô đức tin nhưng lại giả vờ là người công chính. Ông ta là một tên thủ phạm nhưng lại đội lốt nạn nhân. Hãy nghe tôi, ông ta đóng kịch ra trò đấy nhưng lại không có tí thực lực nào.

“Là một người bảo thủ và là một cựu chiến binh, tôi tin rằng sức mạnh thực sự nằm ở việc bảo vệ những người cô thế. Đó là bảo vệ gia đình bạn. Đó là việc đứng lên bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ của chúng ta. Đó, đó chính là tâm hồn của một người bảo thủ. Đấy vốn là linh hồn của đảng Cộng hòa, nhưng Donald Trump đã bóp nghẹt linh hồn của đảng Cộng hòa.

“Nhược điểm căn bản của ông ta đã lan tràn khắp đảng của tôi như một căn bệnh, làm hao mòn sức lực của chúng tôi, làm xương sống chúng tôi mềm đi, khiến chúng tôi phát sốt và quên lãng các giá trị của mình.

“Nền dân chủ của chúng ta đã bị xói mòn bởi các sự kiện ngày 6 tháng 1, khi sự lừa dối và ô nhục của Donald Trump đã dẫn đến một cuộc bao vây Điện Capitol Hoa Kỳ. Ngày hôm đó, tôi chứng kiến ​​một nỗi đau buồn sâu sắc: sự xúc phạm truyền thống thiêng liêng của chúng ta về việc chuyển giao quyền lực trong ôn hòa đã bị làm hoen ố bởi một người quá nhạy cảm, quá tự phụ và quá yếu đuối để chấp nhận thất bại.

“Làm sao một đảng có thể tuyên bố là yêu nước nếu đảng đó thần tượng một người đã cố gắng lật đổ một cuộc bầu cử tự do và công bằng? Làm sao một đảng có thể tuyên bố đứng lên vì tự do nếu đảng đó nhìn thấy cuộc đấu tranh vì tự do ở Ukraine, một cuộc tấn công của chế độ chuyên chế chống lại nền dân chủ, một thách thức đối với mọi thứ mà quốc gia chúng ta tuyên dương song đảng đó bãi bỏ? [Đảng Cộng hòa thường được nhìn như có một chính sách đối ngoại mạnh mẽ chống các thế lực độc tài, so với đảng Dân chủ.] Nó lập lờ. Nó đề cử một người đàn ông bị ám ảnh một cách kỳ lạ với [Tổng thống Nga độc tài] Putin. Và gã đồng tranh cử của ông ta [JD Vance], người đã từng tuyên bố, ‘Tôi không quan tâm chuyện gì xảy ra ở Ukraine.’ Và hắn ta muốn trở thành phó tổng thống đấy, quý vị ạ.

“Làm sao một đảng có thể tuyên bố là bảo thủ khi nó làm hoen ố món quà mà tổ tiên chúng ta đã đấu tranh để giành được? Những người như ông tôi, người đã phục vụ trong Thế chiến thứ hai, người đã tin vào một mục tiêu lớn hơn chính mình và đã liều mạng vì nó đằng sau chiến tuyến trên đất kẻ thù. Để bảo vệ nền dân chủ Mỹ, thế hệ của ông đã tìm thấy lòng can đảm để đối mặt với quân thù.

“Điều chúng ta cần làm là lấy hết can đảm để đứng lên chống lại một kẻ yếu đuối. Có vài người đã đặt câu hỏi tại sao tôi lại giữ vững lập trường của mình. Câu trả lời thực sự rất đơn giản thưa quý vị: Chúng ta phải đặt đất nước lên hàng đầu. [Nhấn mạnh của người viết]

“Và tối nay, với tư cách là một đảng viên Cộng hòa đang phát biểu trước các bạn, tôi xin đặt đất nước của chúng ta lên hàng đầu. Bởi vì đó mà tôi cảm thấy mình thuộc về nơi này. Tôi biết Kamala Harris chia sẻ lòng trung thành của tôi với nền pháp quyền, Hiến pháp và nền dân chủ. Và bà ấy sẽ tận tâm duy trì cả ba điều đó để phục vụ đất nước chúng ta. Bất kỳ chính sách nào chúng ta không đồng tình đều không là gì so với những vấn đề cơ bản về nguyên tắc, lễ phép và lòng trung thành với đất nước này.”

Và ông Kinzinger đã dùng cơ hội tại diễn dàn mở rộng chưa từng có của Hội nghị Dân chủ nhắn gửi tới các bạn đồng đảng:

“Xin gửi tới những người bạn đảng Cộng hòa của tôi: Nếu các bạn vẫn cam kết trung thành với những nguyên tắc đó, tôi nghi rằng các bạn cũng thuộc về nơi này. Bởi vì dân chủ không biết tới đảng phái. Đó là một lý tưởng sống động xác định chúng ta là một quốc gia. Đó là nền tảng ngăn cách chúng ta với chế độ chuyên chế, và khi nền tảng đó bị rạn nứt, tất cả chúng ta phải đoàn kết cùng nhau củng cố nó.

“Nếu bạn cho rằng những nguyên tắc đó đáng được bảo vệ, tôi khuyên bạn: Hãy đưa ra lựa chọn đúng đắn. Hãy bỏ phiếu cho những giá trị nền tảng của chúng ta và bỏ phiếu cho Kamala Harris.

“Xin Thượng Đế ban phước lành cho các bạn.” 


Trùng Dương 

[TD2024-08]

 

Vì Sao Có Nhiều Giới Nhà Giầu Lại Ủng Hộ Bà Kamala Harris?

 

30/08/2024

Mai Loan

Việt Báo

Kamala

 

Bầu cử dưới một chế độ tự do dân chủ như tại Hoa Kỳ là đặc quyền của mọi công dân để bày tỏ sự lựa chọn của mình. Nhưng chuyện nhiều người dân đã bỏ phiếu lựa chọn những chính khách có những chính sách mị dân nhưng giả dối mà không nhận thức rằng đó là những điều hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của mình là điều có thật. Bởi lẽ những cử tri đó thiếu hiểu biết nên mới dễ bị các chính khách chiêu dụ và cũng có thể đã bỏ phiếu theo cảm tính yêu ghét rất chủ quan hơn là theo suy nghĩ khách quan, không dựa trên những nhận xét thực tế và sáng suốt.

Đó là trường hợp của đại đa số cử tri thuộc thành phần bình dân và ít học (chưa bước vào đại học theo định nghĩa tại Hoa Kỳ), nhất là thành phần da trắng, thích bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên phe Cộng Hòa với chiêu bài muốn loại bỏ đạo luật bảo hiểm y tế với giá phải chăng ACA, với tên gọi bình dân hơn là Obamacare, bởi vì họ không ưa gì cái ông tổng thống da đen. Nhưng đa số những người dân đó đều gần như không biết rằng họ đã và đang hưởng lợi rất nhiều từ đạo luật này bởi vì nó giúp cho họ có được bảo hiểm y tế với giá rẻ và dễ dàng hơn nhiều so với trước khi có đạo luật Obamacare được ra đời.

Giá như không có sự xuất hiện vào giờ chót của nghị sĩ John McCain để bỏ phiếu chống việc dẹp bỏ Obamacare, thì số phận của hàng chục triệu cư dân da trắng bình dân và có lợi tức kém chắc chắn sẽ còn khốn khổ hơn nhiều sau này, và không chừng điều đó lại có thể giúp họ được ‘sáng mắt’ phần nào. Các nhà dân cử phe Cộng Hòa thường gọi khối cử tri này bằng từ ngữ ‘useful idiots” (thành phần ngu ngốc cần thiết) vì họ đã ngu ngốc bỏ phiếu ngược lại với quyền lợi của mình, nhưng rất cần thiết để các chính khách ma đầu tiếp tục dụ dỗ và ru ngủ với các chiêu bài mị dân nhưng thực chất là rất độc hại.

Cũng còn có thêm một thành phần cử tri nữa cũng kém hiểu biết và còn đáng trách hơn nữa là vì có thái độ vong ân bội nghĩa, nói bình dân hơn là ‘ăn cháo đái bát’, và buồn thay nó lại xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Đó là những người thích được quyền lợi và bổng lộc từ nhiều chương trình trợ giúp dân sinh như Welfare, Food Stamps (tem phiếu thực phẩm), Medicaid hoặc MediCal (bảo hiểm y tế miễn phí), Housing Section 8 (trợ giúp tiền thuê nhà), SSI (phụ giúp tài chánh cho người nghèo và cao niên) để cho họ có thể sống thoải mái và không lo sợ chi tiêu tốn kém về nhà cửa, sinh sống và y tế vì đã có chính phủ lo.

Nhưng tất cả những chương trình chi tiêu công cộng này đều do đảng Dân Chủ tranh đấu, ủng hộ và thực thi vì chủ trương lo cho dân nghèo, trái ngược với phe Cộng Hòa chủ trương mọi người phải tự lực cánh sinh. Nhưng mỗi lần mở miệng ra thì những người Việt hưởng lợi này lại nhanh chóng chỉ trích các chính khách phe Dân Chủ và ca ngợi phe Cộng Hòa vì cho rằng “Cộng Hòa chống Cộng, Dân Chủ phản chiến”.

Khách quan mà nói, phe Dân Chủ cũng chẳng phải giàu có hoặc hào phóng gì để bỏ tiền túi ra mà lo cho dân; các chương trình chi tiêu đều lấy từ ngân quỹ nhà nước gồm tiền thuế thu vào của mọi người dân trên cả nước đóng góp vào, nhưng được chia ra để giúp đỡ cho những người dân kém may mắn. Còn phe Cộng Hòa thì ích kỷ hơn, không muốn dùng tiền thuế này để lo cho dân nghèo, và muốn giảm bớt thuế để cho giới nhà giầu bớt đóng thuế quá cao.

Vì thế nên đa số những người có hiểu biết sâu rộng, và nếu không quá ích kỷ và hẹp hòi, đều đồng ý cho một chính sách phân chia và giúp đỡ cho mọi người trong xã hội có được một cuộc sống tương đối ấm êm, bớt cảnh cách biệt giầu nghèo quá lớn và dễ sinh ra nhiều mặt tiêu cực khác.

Tuy nhiên cũng có nhiều người rất giầu có nhưng cũng ủng hộ mạnh mẽ cho các chính khách và chương trình của đảng Dân Chủ, xuyên qua việc nhiều tay tỷ phú, triệu phú đã không ngần ngại ủng hộ tài chính dồi dào cho các ứng viên phe Dân Chủ từ trước tới nay, dù rằng những chính sách này không hề đem lại lợi lộc gì cho họ, nếu không muốn nói là còn khiến họ phải đóng thuế nhiều hơn so với thời của các chính quyền phe Cộng Hòa.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn khá đặc biệt như vậy?

Thật ra thì bà Kamala Harris và đảng Dân Chủ không phải là những chính khách theo đường lối xã hội chủ nghĩa hoặc là chống lại tư bản chủ nghĩa. Chủ trương của đảng Dân Chủ vẫn luôn là ủng hộ cho thể chế thị trường tự do và mọi người dân trong nước có khả năng và cơ hội kiếm lời. Tuy nhiên không ai phủ nhận việc bà Harris cũng như nhiều chính khách đảng Dân Chủ vẫn thích các chính sách có phần ảnh hưởng tiêu cực hơn đến các doanh nghiệp và những chủ-nhân-ông mà họ gọi là ‘wealthy’ (đại gia). 

Vì thế nên phe Dân Chủ chủ trương là họ muốn tăng mức thuế của các doanh nghiệp lên 28% thay vì chỉ có 21% như hiện nay sau khi đạo luật cắt thuế được thông qua bởi phe Cộng Hòa và chính quyền Trump vào cuối năm 2017. Họ cũng muốn rằng đạo luật này cũng sẽ chấm dứt hiệu lực trong năm 2025 như dự trù lúc ban đầu, thay vì có thể được gia hạn nếu như Trump và phe Cộng Hòa giành được chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay.

Đạo luật cắt thuế năm 2017 (mà Trump thường khoe khoang là thành tích hay nhất của ông ta) có những điều khoản có lợi cho giới nhà giầu nhiều hơn, chẳng hạn cho phép họ được khấu trừ nhiều tiền về tài sản nhà cửa khi đóng thuế, cũng như được hưởng thuế suất cá nhân thấp hơn.

Ngoài việc muốn nâng thuế lợi tức doanh nghiệp trở về mức bình thường như trước đây, phe Dân Chủ còn muốn tăng thêm mức thuế lợi tức, thuế trên cổ tức (capital gains tax) là tiền lời do đầu tư chứng khoán), và thuế trên nhiều món lời khác với những người có tài sản và lợi tức khổng lồ hàng triệu Mỹ kim. Nhưng giống như TT Biden đã nhiều lần lập lại, những gia đình có lợi tức dưới $400,000 mỗi năm sẽ không hề bị ảnh hưởng chút nào và mức đóng thuế sẽ vẫn như cũ theo chủ trương của phe Dân Chủ. Tuyệt đại đa số người Việt tại Hoa Kỳ, và chắc chắn là tất cả những người đang hưởng phúc lợi welfare, food stamps, Medicaid, Housing, SSI v.v., đều không có lợi tức hàng năm lên đến $400,000 như vậy nhưng lại hay thích chỉ trích rằng chính quyền Biden và phe Dân Chủ sẽ tăng thuế, mà không ý thức rằng họ đã vô tình để lộ ra sự thiếu hiểu biết đến ngu ngốc như vậy.  

Ngoài ra, đảng Dân Chủ cũng chủ trương đẩy mạnh các chính sách bảo vệ môi sinh, trợ giúp giới lao động, thiết lập các quy định về mậu dịch và kinh doanh phần nhiều là những quy định (regulations) sẽ khiến cho giới chủ-nhân-ông các doanh nghiệp phải chi tiêu nhiều hơn (và do đó sẽ kiếm lời ít hơn).

Thế nhưng điều oái oăm là có rất nhiều những nhà giầu có như các tỷ phú, triệu phú ủng hộ bà Harris và phe Dân Chủ.

Dựa theo một bản báo cáo mới nhất của tạp chí Forbes chuyên phụ trách về các chủ đề liên quan đến giới siêu giầu có, danh sách những tay tỷ phú ủng hộ quỹ vận động tranh cử cho bà Harris gồm có những tên tuổi như Jonathan Gray, chủ tịch công ty quản lý tài chánh Blackstone, Marc Lasry của công ty đầu tư Avenue Capital Management và ông hoàng về đầu tư ‘hedge fund’ là George Soros. Ngoài ra còn có những tỷ phú thấp hơn chút ít như Barry Diller của ngành truyền thông và Bob Clark của ngành xây cất.

 

Những tên tuổi của các đại gia khác sẵn sàng ủng hộ tài chánh dồi dào cho bà Harris phải kể thêm là Peter Orszag, tổng giám đốc Ngân hàng Lazard, Roger Altman, chủ nhân ngân hàng đầu tư Evercore ISI, và Robert Rubin, cựu chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs và cũng từng là Tổng trưởng Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ dưới thời TT Bill Clinton.

Có thể nói là bà Kamala Harris không hề là một người bạn thân để những nhà đại tài phiệt này mời gọi đến cùng trò chuyện trong những bữa tiệc vui chơi.

Bản báo cáo của tạp chí Forbes viết thêm: “Lúc còn làm Bộ trưởng Tư pháp của tiểu bang California, bà Harris đã tranh đấu để đòi các đại ngân hàng phải chi ra thêm $20 tỷ Mỹ kim để đền bù cho những người dân từng vay nợ địa ốc để mua nhà trong vụ làm ăn bê bối của các ngân hàng trong dịch vụ cho vay nợ xấu và dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính.” Ngoài ra trong thời gian 4 năm làm nghị sĩ liên bang cho California trước khi trở thành Phó Tổng thống, bà Harris cũng là người đồng bảo trợ cho đạo luật có tên là ‘Accountability for Wall Street Executives Act’ (Trách Nhiệm Các Lãnh Đạo của Wall Street) nhằm cho phép các công tố viên của tiểu bang có quyền tống đạt các trát đòi xem hồ sơ ngân hàng để điều tra các vụ gian lận tài chính.

Nhưng dĩ nhiên cũng có nhiều nhà tỷ phú làm giầu trên thị trường trao đổi chứng khoán ở Wall Street đã lên tiếng ủng hộ cho Donald Trump như Joe Ricketts, cựu chủ tịch ngân hàng TD Ameritrade, John Paulson chuyên đầu tư về chứng khoán và Stephen Schwarzman, chủ tịch công ty Blackstone.

Tuy nhiên sự ủng hộ dành cho bà Harris không chỉ giới hạn trong giới chủ nhân giầu có tại Wall Street. Bởi vì có rất nhiều nhà giầu có khác của các đại công ty, những siêu sao trong ngành giải trí ở Hollywood, và các tay tỷ phú chủ nhân các công ty về kỹ thuật cao đã không ngần ngại đứng về phía ủng hộ cho bà Harris và phe Dân Chủ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có vấn đề gần như ngược đời như vậy, khi có nhiều người giầu có cỡ tỷ phú, triệu phú lại sẵn sàng ủng hộ một ứng cử viên tổng thống mà các chính sách được đem ra áp dụng sẽ chỉ khiến họ phải tốn kém nhiều tiền và kiếm lời được ít hơn so với một vị tổng thống và chính quyền theo phe Cộng Hòa?

Theo nhận định của ông Gene Marks, trong một bài phân tích trên diễn đàn truyền thông The Hill, câu trả lời cũng không có gì là khó khăn khi chúng ta chịu khó phân tích kỹ hơn. Phần lớn những nhà đại tài phiệt sẵn lòng ủng hộ bà Harris và phe Dân Chủ là vì một trong 3 lý do như sau.

Thứ nhất là vì một sự ổn định biết trước. Bà Harris có thể ủng hộ cho những chính sách có thể hơi thiệt thòi cho giới doanh nhân, nhưng đó là điều họ có thể thấy trước. Trong suốt dòng lịch sử, đã có nhiều doanh nhân làm ăn dưới thời những lãnh tụ chính trị có những chủ trương đi ngược lại quyền lợi của họ, vì thế nên điều này cũng không có gì là mới lạ, hoặc là chưa từng xảy ra bao giờ. Hầu hết những đại công ty hoặc những tay đại gia giầu có đều có nhiều nguồn lợi tài chính để có thể vượt qua những giai đoạn và chính quyền không thuận lợi bằng nhiều phương thức: hoặc là họ sẽ thay đổi các thứ tự ưu tiên hoặc đơn giản hơn là tìm cách mua chuộc các lãnh tụ và chính trị gia đó dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như xuyên các tay vận động hành lang tìm cách bảo vệ quyền lợi cho họ.

Với bà Harris là một lãnh tụ, chắc chắn là sẽ không có những điều bất thường xảy ra. Trong khi đối thủ của bà là Donald Trump thì hoàn toàn trái ngược bởi vì đây là một con người không ai biết được, có thể cho nổ tung một vấn đề, hoặc đổi ý một cách bất thường mà không ai tiên đoán được. Hơn nữa, ai cũng biết Trump là một người có tính thù vặt, luôn để tâm những ai hoặc điều nào làm ông ta phật lòng hay quê xệ và sau đó sẽ không quên tìm cách trả thù cho đỡ tức hoặc hả giận. Trump đôi khi cũng đổi tính bất thường. Và đó là điều mà những tay đại gia, hoặc các doanh nghiệp đều không thích hoặc lo ngại. Họ cũng giống như bao người khác, bao giờ cũng thích một môi trường ổn định và không có những chuyện nổ ra theo kiểu bốc đồng hay bộp chộp.

Người ta có thể chê bà Harris có nhiều khiếm khuyết nào đó, nhưng rõ ràng là họ biết là bà sẽ đem lại những gì như mọi người tiên đoán. Như vậy nó sẽ giúp cho mọi người có thể dễ dàng để lên kế hoạch đầu tư, dự tính hoặc điều hành công việc kinh doanh.

Một lý do khác khiến nhiều giới giầu có ủng hộ bà Harris là vì những chính sách điều hành của bà phù hợp với những quyền lợi kinh tế của họ. Chủ trương của đảng Dân Chủ là ủng hộ các chính sách bảo vệ môi sinh, đầu tư thêm trong lãnh vực giáo dục và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội, áp dụng nhiều luật lệ bảo vệ giới công nhân và đầu tư nhiều vào một số kỹ nghệ như ngành sản xuất Chip, xây cất và địa ốc. Nếu như các doanh nghiệp của họ hoạt động hoặc đầu tư vào các ngành đó, dĩ nhiên là các doanh nhân chủ công ty sẽ ủng hộ cho bà Harris vì biết là mình cũng sẽ có cơ hội kiếm lời.

Dưới mắt nhìn của một vị tổng giám đốc điều hành một đại công ty, hoặc là một doanh gia giầu có, họ có thể không ưa một chính khách ra tranh cử tổng thống hoặc là lo ngại về những ảnh hưởng của các chính sách do vị lãnh tụ này đem ra áp dụng trên nhiều khía cạnh như mức nợ công, lạm phát, hoặc là thâm thủng ngân sách v.v. Nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ và công ty của họ trước hết. Lý do đơn giản là vì ai cũng thích nghĩ đến quyền lợi của mình vì khi công ty của mình thành công thì các nhân viên và các công ty nhà thầu khác cùng hợp tác cũng đều có cơ hội thành công chung luôn.

Sau cùng, cũng có nhiều nhà quá giầu có trong xã hội nên lúc nào họ cũng sung túc cho dù là dưới chính quyền của phe Dân Chủ hay Cộng Hòa và tổng thống phe nào ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Họ có thể nói rằng cho dù chính quyền này có tăng thuế thêm, hoặc là bắt đóng phạt nhiều hơn, thì họ và công ty cũng còn nhiều tỷ bạc và cơ hội kiếm lời khác. Những chuyện đó coi như không tác động gì đến đời sống cá nhân của họ chút nào.

Họ có thể là những người ủng hộ mạnh mẽ cho những phụ nữ trong vấn đề phá thai, hoặc là ủng hộ cho những người thuộc khối đồng tính, hoặc họ là những người đồng tình với bà Harris trong chính sách giải quyết vụ xung đột tại Trung Đông hợp với quan điểm riêng của họ, hoặc họ cũng có thể đồng ý với quan điểm là người giầu phải đóng thuế nhiều hơn những người khác. Họ đặt sự ưa thích và ưu tiên cá nhân lên trên quyền lợi kinh tế của mình bởi vì họ có khả năng làm được điều đó.

Ngoài ra còn có nhiều lý do khác khiến cho một người rất giầu có, một nhà đầu tư thành công trên thị trường Wall Street hoặc là một tổng giám đốc một đại công ty sẵn sàng ủng hộ bà Kamala Harris và phe Dân Chủ. Bởi vì có thể là họ đã biết lo xa rồi, họ đã biết đầu tư khắp nơi với hy vọng là cho dù phe nào lên nắm quyền thì họ vẫn có thể tiếp tục làm ăn và kiếm lời. Họ cũng có thể là những người thuộc khối Never Trumpers. Hoặc đơn giản hơn họ cũng có thể là những người có thiện cảm với bà Kamala Harris.

Nói tóm lại, mọi người đều có mọi lý do để bỏ phiếu ủng hộ cho người mình thích, ngay cả như khi những lý do đó có vẻ như đi ngược lại đáng kể với những quyền lợi riêng ty hoặc nghề nghiệp của họ. 

 

Mai Loan

Houston, Texas, 30/08/2024

4/9/2024

Nhóm Cộng hòa chống Trump chi 11,5 triệu USD mua quảng cáo

 

VNExpress

Nhóm các cử tri Cộng hòa phản đối cựu tổng thống Trump đã chi 11,5 triệu USD để mua quảng cáo chống lại ông tại các bang chiến trường.

Nhóm cử tri Cộng hòa chống Trump đang nhắm tới các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Arizona và chi tiền quảng cáo tại các bang này lần lượt là 4,5 triệu USD, 3 triệu USD, 2,2 triệu USD và 1,5 triệu USD. Nhóm cũng nhắm tới cử tri tại một khu vực bầu cử ở Nebraska, vốn là bang nghiêng về đảng Cộng hòa, và đã chi 375.000 USD mua quảng cáo tại đây.

Nhóm này đưa ra đoạn quảng cáo dài 30 giây, có sự góp mặt của những cử tri từng bỏ phiếu cho cựu tổng thống Donald Trump nhưng giờ đây tuyên bố sẽ ủng hộ bà Kamala Harris trong cuộc đua tháng 11.

“Chúng tôi giúp lan tỏa tiếng nói của những người Cộng hòa bất mãn và xây dựng nền tảng cho phép nhiều cử tri Cộng hòa khác không chấp nhận Donald Trump cùng phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông ấy. Thậm chí chúng ta còn có thể bỏ phiếu cho phe Dân chủ, dù có thể còn những khác biệt về chính sách”, Sarah Longwell, lãnh đạo nhóm cử tri Cộng hòa chống Trump, nói.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại cuộc mít tinh ở Wilkes-Barre, bang Pennsylvania ngày 17/8. Ảnh: AP

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại cuộc mít tinh ở Wilkes-Barre, bang Pennsylvania ngày 17/8. Ảnh: AP

Phó tổng thống Harris, đại diện đảng Dân chủ, cũng đang hướng tới mục tiêu vượt qua ranh giới đảng phái. Tuần trước, hơn 200 cựu nhân viên từng làm việc cho 4 ứng viên tổng thống Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ bà Harris. Những người này nói rằng họ bất đồng với bà Harris về vấn đề chính sách, nhưng ông Trump cũng không thể đảm bảo vấn đề này.

Bà Harris tháng trước công bố chiến dịch “Cử tri Cộng hòa ủng hộ Harris”, trong đó có nhiều cựu quan chức và nghị sĩ đảng này hậu thuẫn bà. Phó tổng thống Mỹ cũng tuyên bố nếu đắc cử, bà sẽ bổ nhiệm một quan chức Cộng hòa trong nội các, để đảm bảo cam kết trở thành “tổng thống của tất cả người Mỹ”.

Bà Harris, 59 tuổi, và ông Trump, 78 tuổi, sẽ đại diện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử tháng 11. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy bà Harris đang giành ưu thế hơn so với đối thủ, cả ở các bang chiến trường và trên toàn quốc. Hai người sẽ tranh luận trực tiếp vào ngày 10/9.

Con trai John McCain ủng hộ Harris, chỉ trích Trump vụ nghĩa trang quốc gia

WASHINGTON, DC (NV) – Vụ phụ tá cựu Tổng Thống Donald Trump xô xát với nhân viên Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington (ANC) là giọt nước làm tràn ly đối với ông Jimmy McCain, con trai cố Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), theo NBC News hôm Thứ Ba, 3 Tháng Chín.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm Thứ Ba, ông McCain cho hay sau khi xảy sự việc ở ANC tuần trước, ông ghi danh là người Dân Chủ và quyết định bỏ phiếu cho Phó Tổng Thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Ông Jimmy McCain chạm tay vào quan tài cha của ông đặt tại Quốc Hội ở Washington, DC, hôm 31 Tháng Tám, 2018. (Hình minh họa: Kevin Lamarque-Pool/Getty Images)

Ông McCain, 36 tuổi, cho biết ông đổi đảng để tôn vinh cha của ông và đặt “đất nước lên trên hết.”

“Tôi quan tâm tới gia đình. Tôi quan tâm tới quyền bình đẳng cho mọi người ở đất nước này. Tôi quan tâm tới tất cả điều này,” ông McCain nói. “Dù từng là người độc lập, tôi quyết định đã tới lúc thay đổi và làm những gì tôi tin là đúng.”

Ông McCain nói ANC là nơi “thiêng liêng” và cho hay ba thế hệ gia đình ông an nghỉ ở đó. Ông gọi vụ xô xát của phụ tá ông Trump ở ANC là “vi phạm.”

Thứ Hai tuần trước, cựu Tổng Thống Trump thăm ANC cùng với gia đình những quân nhân thiệt mạng trong vụ phi trường Kabul bị đánh bom năm 2021 khi Mỹ đang rút quân khỏi Afghanistan.

Lục Quân cho hay phụ tá của ông Trump “bất ngờ xô sang một bên” nhân viên ANC để vượt lên trước chụp hình và quay phim ở khu vực cấm chụp hình và quay phim. Đội ngũ của ông Trump bác bỏ lời giải thích của Lục Quân.

“ANC là nơi để tỏ lòng kính trọng với người hy sinh cho đất nước này,” ông McCain nói. “Ai lợi dụng nơi đó cho mục đích chính trị là không tôn trọng những người ở đó.”

Cựu Tổng Thống Donald Trump thăm Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington ở Arlington, Virginia, hôm 26 Tháng Tám. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ông McCain cũng cho hay ông không bao giờ tha thứ cựu Tổng Thống Trump vì gọi cha của ông là “kẻ đần độn” và vì tuyên bố ông John McCain không phải “anh hùng chiến tranh” do từng bị phía địch bắt giữ.

“Ông (John McCain) không phải anh hùng chiến tranh,” ông Trump tuyên bố hồi năm 2015. “Ông là anh hùng chiến tranh vì ông bị bắt giữ. Tôi thích những người không bị bắt.”

Sau đó, ông Trump nói: “Ông là anh hùng chiến tranh vì ông bị bắt giữ. OK, tôi tin – có lẽ ông là anh hùng chiến tranh.”

Ông John McCain từng bị tra tấn suốt thời bị bắt làm tù binh năm năm rưỡi ở Việt Nam.

Phản ứng với phát ngôn của ông McCain trên CNN, phát ngôn viên ban tranh cử cựu Tổng Thống Trump cho hay “từ trước tới nay, chưa có ai ủng hộ” quân đội Mỹ “nhiều hơn” ông Trump. Ông Trump chưa bao giờ đi lính.

“Ông Trump tái thiết quân đội sau tám năm xuống cấp dưới thời Obama/Biden, tăng lương quân nhân nhiều nhất trong 10 năm, và là nhà lãnh đạo đầu tiên kể từ ông Ronald Reagan không khơi mào chiến tranh và gây nguy hiểm cho binh lính của chúng ta,” bà Karoline Leavitt, phát ngôn viên ban tranh cử của ông Trump, cho biết.

Mấy năm qua, cựu Tổng Thống Trump liên tục chê bai ông John McCain, thậm chí sau khi ông qua đời năm 2018.

Ông Jimmy McCain vừa trở về nước sau khi đóng quân tại căn cứ quân sự Mỹ ở Jordan nơi ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ không kích bằng “drone” (máy bay điều khiển từ xa) hồi Tháng Giêng.

Hôm Thứ Ba, trên mạng xã hội X, con gái ông John McCain, bà Meghan McCain, cho hay bà vẫn là người Cộng Hòa, nhưng sẽ không bỏ phiếu cho cựu Tổng Thống Trump, mà cũng không bỏ phiếu cho Phó Tổng Thống Harris vào Tháng Mười Một năm nay. (Th.Long) [qd]

 

Dick Cheney: Trump ‘không bao giờ được tin tưởng giao quyền một lần nữa’

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Chín, tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ, Phó Tổng Thống Kamala Harris, chứ không bỏ phiếu cho ứng cử viên cùng đảng Cộng Hòa với ông, cựu Tổng Thống Donald Trump, theo CNN.

Ông Cheney cảnh báo ông Trump “không bao giờ được tin tưởng giao quyền một lần nữa.”

Cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney phát biểu tại chương trình ở Orlando, Florida, ngày 12 Tháng Mười Một, 2015. (Hình minh họa: Tom Benitez – Pool/Getty Images)

“Trong lịch sử 248 năm của đất nước chúng ta, chưa có người nào đe dọa nền cộng hòa của chúng ta nhiều hơn ông Donald Trump,” ông Cheney ra tuyên bố cho hay. “Ông muốn cướp cuộc bầu cử vừa qua bằng cách dùng lời dối trá và bạo lực để tiếp tục nắm quyền sau khi bị cử tri loại bỏ. Ông không bao giờ được tin tưởng giao quyền một lần nữa.”

“Là công dân, chúng ta mỗi người đều có bổn phận đặt đất nước lên trên đảng phái để bảo vệ Hiến Pháp của chúng ta. Đó là lý do tôi sẽ bỏ phiếu cho Phó Tổng Thống Kamala Harris,” ông Cheney kết luận.

Trước đó cũng hôm Thứ Sáu, trong cuộc phỏng vấn tại Texas Tribune Festival ở Austin, Texas, con gái ông Cheney, cựu Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming), loan báo trước rằng ông sẽ bỏ phiếu cho Phó Tổng Thống Harris. Hôm Thứ Tư, bản thân bà Cheney cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Harris, nêu lý do là “mối nguy hiểm do ông Donald Trump gây ra.”

Cựu Phó Tổng Thống Cheney tuyên bố ủng hộ bà Harris là sự kiện lớn. Ông Cheney làm phó tổng thống thời Tổng Thống George W. Bush và từng là dân biểu kỳ cựu nắm nhiều chức vụ lãnh đạo trong Nhóm Cộng Hòa Hạ Viện.

Ông Cheney từng kịch liệt chỉ trích đảng Cộng Hòa của ông cũng như cựu Tổng Thống Trump sau vụ bạo loạn Quốc Hội 6 Tháng Giêng, 2021. Trong mẫu quảng cáo vận động tranh cử cho con gái ông năm 2022, ông Cheney gọi ông Trump là “mối đe dọa cho nền cộng hòa của chúng ta” và “kẻ hèn nhát.” (Th.Long) [qd]