BBC: Thí sinh Olympia ‘không nhìn Đảng một cách tích cực’ liền bị công kích là ‘vô ơn’ với đất nước
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 Anh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái), đã bị nhiều cá nhân và hội nhóm trên mạng xã hội công kích sau khi chia sẻ ý kiến về Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công an, cơ quan quản lý giáo dục và trường học nơi Quang Vinh đang theo học cũng đã vào cuộc.
Hiện trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về phát ngôn của Chu Ngọc Quang Vinh. Tựu trung có hai hướng trái ngược nhau:
- Phê bình, chỉ trích, chửi học sinh này là “phản động”, “vô ơn” với đất nước, với Đảng Cộng sản;
- Bảo vệ quyền phát biểu ý kiến của Quang Vinh, thậm chí khen ngợi học sinh này đã có hành động dũng cảm, dám nói ra ý kiến của mình.
Bài viết chỉ cho 16 người xem
Mọi chuyện bắt đầu từ tối 1/9 với bài viết được đăng tải trên một tài khoản mạng xã hội có tên là “Chu Vinh”.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái hôm 2/9 cho biết Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã xác nhận tài khoản này là của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh đang học lớp 12 Anh của trường.
Trên tính năng Story của Facebook cá nhân, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như “một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”.
Theo bài viết, lý do mà Vinh ôn luyện Olympia là để “sống ở nước ngoài” nên dù muốn hay không muốn thì nam sinh này phải học lịch sử “theo góc nhìn của Đảng”.
Trong bài viết, Quang Vinh cho biết muốn rời Việt Nam và có thể sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa.
Cuối bài viết, Vinh gửi lời chúc nhân dịp Quốc khánh 2/9: “Chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”
Theo báo Yên Bái, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã báo cáo với các cơ quan chức năng vào hôm 2/9 như sau:
“Vào khoảng 22h ngày 01/9/2024, học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, lớp 12 Anh, trú tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã đăng tải trên Story của trang Facebook cá nhân nội dung bày tỏ quan điểm cá nhân về Đảng để chế độ hạn chế chỉ cho 16 bạn xem (trong đó có 01 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái). Đến khoảng 23h cùng ngày, học sinh Vinh đã nhận thức thấy việc làm sai của mình và gỡ nội dung đăng tải xuống. Đến khoảng 5h sáng ngày 2/9/2024, học sinh Vinh đã viết bài xin lỗi và đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Đến khoảng 10h, học sinh Vinh cũng đã khóa trang Facebook cá nhân.”
Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.
Vào tháng 11/2023, bà Phùng Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 11 của Vinh, từng nhận xét nam sinh này thông minh và hiếu học.
Bài viết của nam sinh Yên Bái nhanh chóng bị chụp màn hình (dù bạn này chỉ để cho 16 người xem) và trở thành chủ đề bàn tán, chỉ trích của nhiều cá nhân, hội nhóm Việt Nam trên mạng xã hội.
Đơn vị Tác Chiến Điện Tử Comrade Commissar (gần 330.000 người theo dõi) và Tifosi (gần 300.000 người theo dõi), hai trang Facebook chuyên đả phá những hành động mà theo họ là trái với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đăng bài chỉ trích Quang Vinh.
Nhóm Bí Mật Showbiz Group có khoảng 1,1 triệu thành viên cũng xuất hiện bài đăng chỉ trích nam sinh này.
Cách đây không lâu, những nghệ sĩ như B Ray, Phan Đinh Tùng, Phạm Khánh Hưng, Việt Hương và Myra Trần cũng trở thành đối tượng bị công kích trong nhóm Bí Mật Showbiz Group về “chuyện cờ vàng” và “phản động”.
Những người chỉ trích cho rằng nam sinh này đã “vô ơn” với đất nước, với lịch sử quê hương, “có tài mà không có đức”,…
Báo chí do nhà nước quản lý cũng vào cuộc lên án Quang Vinh. Báo Giáo dục và Thời đại cho rằng phát ngôn của Chu Ngọc Quang Vinh là “chưa phù hợp”; báo Pháp luật Việt Nam dùng từ “vô ơn”; báo Tiền Phong gọi hành động này là “thiếu chuẩn mực”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự công kích, chỉ trích, đã có nhiều tiếng nói bảo vệ Quang Vinh và phê phán sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Tài khoản Facebook Thái Kế Toại, với hơn 7.000 người theo dõi, bình luận:
“Tôi nghĩ đó là hiện tượng trưởng thành của ý thức con người. Điều quan trọng là em đã dám nói lên sự trưởng thành ý thức của mình.
“Sự trưởng thành của ý thức con người về mặt triết học là không nhỏ. Rất nhiều tác phẩm triết học, văn học, điện ảnh đã tìm cách giải đáp và diễn đạt nó.”
Sau đó, trang Facebook này lấy bộ phim Thu Cúc đi kiện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu để làm ví dụ, cho rằng vị đạo diễn đã “trình bày sự trưởng thành ý thức pháp luật về quyền sống và quyền được bảo vệ ở một người đàn bà thân phận nhỏ bé trong xã hội Trung Quốc”.
Đây được cho là trang Facebook cá nhân của nhà văn, Đại tá công an về hưu Thái Kế Toại – cựu Trưởng phòng An ninh văn hóa Cục A25 của Bộ Công an.
Facebook Linh Hoang Vu (khoảng 31.000 người theo dõi) bày tỏ quan điểm:
“Mình thấy đây thuần túy là một quan điểm cá nhân của một người trẻ đang lớn và nên tôn trọng điều đó. Vài năm nữa, có thể bạn ấy sẽ thấy quan điểm đó là ấu trĩ, bồng bột. Hoặc cũng có thể, sẽ vững tin vào quan điểm đó, cũng chẳng sao cả.
Cuộc sống nên có sự đa nguyên chứ xã hội có phải là trại lính đâu mà bắt người ta phải yêu hay ghét những thứ y hệt nhau (điều mà trong trại lính cũng không có).
Mình thấy sợ hãi cái màn đấu tố lên đồng này với một bạn trẻ 18 tuổi.”
Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước, cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết của Vinh.
Theo tài khoản Facebook này, Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (Cộng sản Việt Nam).
Facebook Dương Quốc Chính còn cho rằng việc Chu Ngọc Quang Vinh bày tỏ nguyện vọng chán ghét Đảng, muốn được đi ra nước ngoài sống là đang thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc – quyền không ai được xâm phạm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Quang Vinh không đáng bị chỉ trích, đấu tố.
Bên cạnh đó, tài khoản này cho rằng Vinh chỉ giới hạn bài viết cho 16 người xem nên nếu có gì gây ảnh hưởng thì cũng chỉ tác động trong phạm vi đó. Và bài viết của Vinh khi đó cũng chỉ như cuộc nói chuyện riêng với bạn bè chứ không phải công khai chỉ trích Đảng.
“Về lòng biết ơn, thực ra chả liên quan gì đến vụ này. Bởi vì bố mẹ nó nuôi nó ăn học, thầy cô nó dạy dỗ nó, chứ đảng và nhà nước không trực tiếp nuôi dạy nó thành người,” tài khoản Facebook Dương Quốc Chính viết.
Bình luận về sự việc của Chu Ngọc Quang Vinh, Facebook Kim Van Chinh (khoảng 31.000 người theo dõi) viết:
“Em Vinh có những suy nghĩ kiểu người lớn trước tuổi , dấu hiệu của một người tài có hoài bão lớn nếu được định hướng chăm sóc tốt sẽ trở thành tài năng lãnh đạo tương lai.
“Ứng xử của các cơ quan quản lý theo tôi là không khéo và chưa đúng chuẩn. Trong một xã hội mà dân được công nhận bởi Hiến pháp có quyền tự do ngôn luận, việc một học sinh phát biểu những quan điểm cá nhân nếu là sai trái, khiếm khuyết (không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội) là quyền của các công dân.”
Công an vào cuộc
Tài khoản Chu Vinh đã xóa bài viết gây tranh cãi cũng như đăng lời xin lỗi công khai và bày tỏ mong muốn được tha thứ:
“Mình, Chu Ngọc Quang Vinh, muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới những người bị phát ngôn bừa bãi và nông cạn của mình làm ảnh hưởng và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân về những phát ngôn này.
Khi phát ngôn những câu như vậy, thực sự là bản thân mình không hề ý thức được hậu quả và việc phát ngôn đó làm nhiều người thất vọng và phẫn nộ đến vậy.”
“Là một người trẻ lớn lên ở Việt Nam, mình là người rất thích đọc lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc và mong muốn tìm hiểu về cội nguồn của bản thân. Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu, mình đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ quốc.
Những phát ngôn nông cạn của mình, chỉ xuất phát từ những quan sát và những trải nghiệm ít ỏi của bản thân.”
Vinh cũng khẳng định bản thân không bao giờ có ý định liên hệ, hợp tác với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của Việt Nam.
Tuy vậy, theo báo Pháp luật Việt Nam, nhiều người chưa hài lòng với động thái xin lỗi của Vinh và yêu cầu nam sinh phải có hành động cụ thể hơn nữa để “chứng minh sự hối lỗi”.
Sau khi bài đăng của Chu Ngọc Quang Vinh bị lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã báo cáo sự việc này tới Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái.
Sở đã làm việc với Công an tỉnh Yên Bái để xác minh sự việc cũng như yêu cầu Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành “định hướng phát ngôn, giáo dục tư tưởng chính trị cho cả giáo viên lẫn học sinh”.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà trường phối hợp với gia đình, địa phương để “theo dõi, nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh Vinh”.
Sở này cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với phía công an để nắm tình hình và xử lý, giải quyết vụ việc.
Theo báo Công an Nhân dân, Công an tỉnh Yên Bái xác định bài viết của Vinh có tính chất “nhạy cảm” vào dịp 2/9. Do đó, cơ quan này đã mời nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh cùng mẹ và giáo viên chủ nhiệm đến trụ sở Công an phường Yên Thịnh để làm việc.
Hình ảnh Vinh làm việc tại cơ quan chức năng được đăng tải trên nhiều trang báo chính thống của Việt Nam vào tối 2/9 và sáng 3/9.
Bình luận về việc Công an tỉnh Yên Bái mời nam sinh này đến trụ sở để làm việc, tài khoản Facebook Ls Nguyễn Duy Bình (khoảng 16.000 người theo dõi) viết vào sáng nay 3/9 như sau:
“Xét về mặt pháp lý thì em chưa có gì gọi là vị phạm pháp luật nên CA [công an] mời làm việc cũng chưa ổn. Trường hợp này thấy em phát ngôn có phần chưa ổn thì nhà trường hoặc đoàn thể có thể mời lên góp ý hoặc khuyên dạy chứ không phải CA.”
Hiện các từ khóa liên quan đến nam sinh này vẫn đang thịnh hành trên Google và Facebook ở Việt Nam. Những bài đăng công kích Chu Ngọc Quang Vinh trên mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là “chống phá nhà nước”, “chống Đảng”.
BBC: Vụ thí sinh Olympia bị ‘đấu tố’: yêu nước là phải yêu Đảng?
Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái đã bị công kích, bị gọi là “vô ơn” với đất nước khi chia sẻ những suy nghĩ “không tích cực” về Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phải phê phán Đảng Cộng sản là không yêu nước?
Chu Ngọc Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.
Trên tính năng Story của Facebook cá nhân vào hôm 1/9, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như “một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”.
Trong Story được giới hạn cho 16 người xem, sau khi bày tỏ những suy nghĩ về Đảng Cộng sản, Quang Vinh viết: “… chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”
Dù Quang Vinh không có ý chê bai đất nước Việt Nam, nhưng ngay lập tức sau khi các ý kiến của nam sinh này được phát tán, nhiều hội nhóm, cá nhân trên mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt.
Nhiều người trích dẫn câu: “Vài người thường ăn hải sản, rồi lại chê bai mùi cá ao” trong bài hát Lối nhỏ của rapper Đen Vâu để chỉ trích Quang Vinh.
Đảng Cộng sản và tổ quốc không phải là một
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, có rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với Quang Vinh: ủng hộ quyền biểu đạt ý kiến, ủng hộ tinh thần dũng cảm khi dám nói ra điều mà nhiều người không dám nói.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng Quang Vinh phê phán Đảng chứ không hề chỉ trích đất nước Việt Nam, như cáo buộc của nhiều người.
Trên Facebook cá nhân, bà Nguyễn Hoàng Ánh viết: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: ‘Đất nước Việt Nam, giang san Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó. Yêu nước không là độc quyền của riêng ai, ai cũng có quyền yêu theo cách của mình’ mà tình yêu chân chính quan trọng nhất là sự chân thành.”
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook cá nhân vào ngày 3/9:
“Đảng cộng sản cũng chỉ là 1 tổ chức chính trị đang cầm quyền và quản lý đất nước.
Yêu đảng hay không yêu đảng là quyền tự do của mỗi công dân. Ai nhận được ân sủng từ đảng thì yêu quý và biết ơn, ai không thấy ân sủng gì hoặc ngược lại thì không yêu hoặc không biết ơn.”
Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Quang Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước. Ông Chính cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết, rằng Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (Cộng sản Việt Nam).
Một người dùng Facebook khác chỉ ra thủ thuật ngụy biện “đánh tráo khái niệm”.
“Thế nào là đánh tráo khái niệm? Một tổ chức, dù quang vinh, dù vĩ đại thế nào thì cũng không thể đồng nhất với tổ quốc, dân tộc và đất nước. Ngay câu đầu tiên của Hiến pháp đã minh định: Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân đã xây dựng nên Việt Nam này,” người này viết.
Sự tách bạch giữa một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng này đang dẫn dắt toàn dân đi theo, và bên kia là đất nước, tổ quốc, dân tộc là vấn đề không mới và đã được tranh luận nhiều trong thời gian qua.
Nhà văn, người dẫn chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn của chương trình Paris By Night từng nói trước đông đảo khán giả:
“Tất cả mọi thời đại sẽ qua đi hết, chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn mà thôi.”
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền Đảng gắn liền với tổ quốc, điều này qua thời gian đã hình thành một nhận thức sai rằng yêu nước là phải yêu chế độ, yêu Đảng; chỉ trích đảng là có tội với đất nước; mỗi một công dân phải biết ơn Đảng và nhà nước, biết ơn lãnh tụ.
Bài viết nhan đề Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội được đăng trên báo Biên Phòng, cơ quan của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào ngày 16/5/2023 đưa ra lập luận:
“Thực tiễn trên cho thấy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, gắn với sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới giành được thắng lợi và có điều kiện để xây dựng xã hội mới XHCN [Xã hội chủ nghĩa] có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc!”
Lập luận trên luôn bao trùm trong các diễn ngôn tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua báo chí chính thống, các kênh dư luận viên trên mạng xã hội, các phát ngôn của quan chức.
Bài viết Yêu nước đừng quên ơn Đảng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bình Thuận vào ngày 13/5/2024 lập luận:
“Chủ nghĩa yêu nước là nguồn vốn quý báu được kết tinh từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước chỉ được phát huy cao độ và đạt đến giá trị trọn vẹn khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cho nên yêu nước đừng quên ơn Đảng, nếu yêu nước mà quên ơn Đảng là một sự khiếm khuyết về luân thường đạo lý ở đời.”
Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là “không yêu nước”, “vô ơn với Đảng”, “hờ hững với Bác”, “cờ vàng ba que”, “cách mạng màu”.
Hồi tháng 7, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã có một làn sóng trên mạng đi lùng sục người nổi tiếng đăng tải hình ảnh không phù hợp, không bày tỏ sự tiếc thương, hoặc tiếc thương không đúng cách để lên án, tố cáo.
Không ít nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ từ nhiều năm trước cũng bị lôi lại để đả kích.
Các tổ chức giáo dục cũng không tránh khỏi bị tấn công, mà nạn nhân mới nhất là Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc “ươm mầm cách mạng màu”.
Nhận định về lực lượng dư luận viên đông đảo hiện nay trên những trang, nhóm mạng xã hội, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Hoa Kỳ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào hôm 28/8:
“Tôi nghĩ rằng đây là một chiến dịch do cơ quan tuyên giáo tung ra. Đây không phải là yêu nước (cực đoan hay không cực đoan), mà chỉ là cái loa phát ngôn cho một chế độ độc tài đang bị đe dọa bởi nội tình rối rắm vì lãnh đạo thay đổi xoành xoạch, kinh tế èo uột, bị dân chúng chỉ trích vì tham nhũng. Mục đích của họ là nhằm đánh lạc hướng dư luận để bớt chú ý vào những việc tranh đoạt quyền lực ở chóp bu của chế độ đang ngày càng trở nên một chế độ công an trị.”
Tôn trọng ‘đa nguyên’
Quyền biểu đạt ý kiến cũng là một trong những khía cạnh được bàn đến nhân vụ việc Quang Vinh đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 Việt Nam nêu:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận như vậy, nhưng Bộ luật Hình sự lại có quy định tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, một điều luật bị nhiều người coi là có thể được vận dụng tùy tiện để hạn chế quyền tự do. Thực tế cho thấy, không ít người đã lãnh án tù về tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”.
Nhà văn Evelyn Beatrice Hall từng đúc kết tinh thần của triết gia Voltaire như sau:
“Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn.”
Câu này của Hall đã được nhiều người nhắc lại khi bảo vệ quyền tự do biểu đạt của Quang Vinh.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết trên Facebook vào ngày thứ Tư 4/9:
“[…] Em có quyền và được quyền tự do nói ra ý nghĩ đó trong một xã hội dân chủ mà như Cụ Hồ đã nói ‘dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra’. QV [Quang Vinh] không sai đạo đức, không phạm luật pháp khi nói ra điều mình nghĩ. Tại sao công an phải mời em lên làm việc? Tại sao cả hệ thống chính trị ở Yên Bái phải vào cuộc như truy bức em? Tại sao lại quy cho em là vô ơn bạc nghĩa với đất nước? Ai cho phép mọi người cái quyền xúc phạm tự do cá nhân của một người như vậy, lại là người còn vị thành niên?”
Trong một ý kiến khác, ông Trịnh Minh Tuấn nêu ý kiến trên Facebook cá nhân:
“Nếu quyền bày tỏ của cháu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội; không vi phạm điều cấm của luật… thì chính quyền cũng khó có thể hạn chế quyền biểu đạt. Vậy tại sao người ta đấu tố một đứa trẻ?
Bởi đứa trẻ dám bày tỏ những gì mà người ta không dám nghĩ, mà có dám nghĩ cũng không dám biểu đạt, mà muốn biểu đạt cũng chưa biết biểu đạt nó như thế nào. Vì sao? Vì không có tư duy độc lập. Không có tư duy độc lập thì làm sao có tự do để theo đuổi những suy nghĩ của bản thân. Con người mà không có tự do tư tưởng và độc lập tư duy thì không bao giờ trở thành một con người hạnh phúc viết hoa.”
Kêu gọi bỏ cuộc thi Olympia
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức từ năm 1999 cho đến nay.
Theo thời gian, cuộc thi này đã trở thành một chương trình truyền hình rất nổi tiếng, và thí sinh chiến thắng thường được coi là niềm tự hào của trường, của địa phương.
Người vô địch cuộc thi được giải thưởng là suất học bổng du học toàn phần tại Úc.
Thí sinh đạt giải cao nhất trong mỗi cuộc thi tuần, tháng, quý hay chung kết năm sẽ nhận được vòng nguyệt quế.
Vào ngày thứ Tư 4/9 đã xuất hiện các ý kiến chỉ trích nhắm đến liệu có nên bãi bỏ cuộc thi này.
Trang Facebook Nam Quốc Sơn Hà hôm thứ Tư 4/9 đặt nêu ra các lý do để bãi bỏ cuộc thi này:
“Thứ nhất, hầu hết các nhà vô địch đã không trở về quê hương để cống hiến và cũng rất nhạt nhòa trong việc thể hiện sự ứng dụng tri thức của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, bản chất của tư bản là họ không cho không, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất nước nên do chính phủ hoặc cơ quan hữu quan chứ không phải một doanh nghiệp hay một tổ chức có yếu tố nước ngoài…”
Ý thứ hai trên đây có nhiều nét tương đồng với các luận điểm được dùng để tấn công Đại học Fulbright Việt Nam hoặc các chương trình trao đổi quốc tế như YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do chính phủ Mỹ tổ chức), rằng đây là những tổ chức, những chương trình ươm mầm “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”.
Một thống kê vào năm 2019 cho thấy, trong 19 quán quân cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” thì có chỉ hai người về nước.
Vào năm 2014, khi được hỏi sẽ trở về nước để cống hiến hay tiếp tục ở nước ngoài, nhà vô địch Olympia 2010 Phan Minh Đức trả lời:
“Theo mình cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Dù bạn ở đâu, thì những thành tựu nghiên cứu của bạn đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương,” theo Zing News.
Kim Văn Chính: Mạng và đời thật
3-9-2024
Em Chu Ngọc Quang Vinh ở Yên Bái – người từng giành ngôi vô địch, mang về vòng nguyệt quế cuộc thi tháng 1, quý I, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 có dòng trạng thái gây tranh luận.
Nam sinh này viết: “Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.
(Theo 1 nguồn tin – xem trong ảnh – các nội dung em Vinh viết khi dẫn lại trên báo họ cũng đã cắt xén bớt vài chỗ nhạy cảm)
Cộng đồng mạng tranh luận rất sôi nổi, rất nhiều người lên án em là vô ơn, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân v.v… Và em phải viết lời xin lỗi và sau đó khoá tài khoản.
Sự việc không dừng ở đó. Theo Baomoi: “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh này về sự việc nam sinh Đường lên đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì phát ngôn trên mạng“.
Theo sở này: “Liên quan đến phát ngôn gây phẫn nộ trên mạng xã hội vì vô ơn với đất nước của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia, ngày 2/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã có công văn báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái về sự việc này.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, ngay sau khi tiếp nhận phát ngôn của nam sinh V chưa phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái nắm tình hình, xác minh sự việc, đồng thời chỉ đạo Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc và cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Q.V để nắm thêm tình hình.
“Sở cũng đã tổ chức buổi làm việc với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, yêu cầu nhà trường kịp thời định hướng phát ngôn cho giáo viên, học sinh của nhà trường đảm bảo đúng quy định. Phân công lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh Vinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng chủ động phối hợp với lực lượng Công an và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu xử lý sự việc đảm bảo đúng quy định và sớm ổn định tình hình”, nội dung công văn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái”.
Theo các báo: “Công an Yên Bái đã làm việc với nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh – người từng giành ngôi vô địch, mang về vòng nguyệt quế cuộc thi tháng 1, quý I, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước”.
BÌNH LUẬN:
1.Em Vinh có những suy nghĩ kiểu người lớn trước tuổi, dấu hiệu của một người tài có hoài bão lớn nếu được định hướng chăm sóc tốt sẽ trở thành tài năng lãnh đạo tương lai.
2. Sự việc đã trở thành to chuyện, gây tiếng vang rộng không chỉ trong nước mà còn rộng ra tầm quốc tế. Nó nói lên thực trạng xã hội ta các em học sinh có được tự do nói lên suy nghĩ thật của mình và được xã hội thảo luận một cách văn minh hay không.
3. Ứng xử của các cơ quan quản lý theo tôi là không khéo và chưa đúng chuẩn. Trong một xã hội mà dân được công nhận bởi Hiến pháp có quyền tự do ngôn luận, việc một học sinh phát biểu những quan điểm cá nhân nếu là sai trái, khiếm khuyết (không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội) là quyền của các công dân. Quan điểm sai trái sẽ bị phản bác bởi các quan điểm đúng đắn và người có quan điểm sai trái sẽ nhận thức lại khi tranh luận.
Em Vinh đã trải qua tranh luận và nhận ra sai của mình. Đáng lý ra như vậy là xong, là đủ. Sở Giáo dục vào cuộc? Công an vào cuộc gọi em lên làm việc? Làm vậy như lửa đổ thêm dầu?
Voltaire (thực ra là Hall) đã nói: “Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn“. Đó là tinh thần của một xã hội văn minh.
_______
Một số hình ảnh liên quan:
Dương Quốc Chính: Đảng phải ơn dân hay dân phải ơn đảng?
3-9-2024
Nhân ngày 2/9 mà xảy ra hai sự kiện rất đáng buồn cho cái xã hội này. Bắt nguồn từ hai người, hai thế hệ ông cháu. Chuyện cháu bé Yên Bái, từng giải nhất quý Olympia và ông Bin, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Xét về trí tuệ, hai người này tuy cách nhau tới ba thế hệ này, có tư tưởng cơ bản là giống nhau và đều trình bày trên FB và đều phải là người có hiểu biết và trí tuệ chứ không phải vô tri. Hình như cả hai viết trong cùng một ngày, ít nhất là cùng một dịp, đã khiến một thành phần không nhỏ trong xã hội lên đồng, đấu tố. Nó thể hiện nhận thức chính trị và pháp luật quá kém, quá u mê.
Bối cảnh diễn ra câu chuyện thứ nhất mà nhiều người không biết, không quan tâm, có lẽ do không chịu tìm hiểu, đó là cháu Quang Vinh đăng câu chuyện kia lên bảng tin Facebook (không phải status) và hạn chế số người xem là bạn bè, với chỉ 16 người, trong đó có một bạn học trường Nguyễn Huệ. Từ đó mình đoán là 15 bạn kia cùng học trường chuyên Nguyễn Tất Thành (bạn học cháu này) và bạn “nội gián” là bạn trường Nguyễn Huệ?
Phát ngôn trong một nhóm rất nhỏ như vậy thực ra không khác gì anh em che’m gió quán bia, chửi chế độ, chửi sếp, chê vợ, khen bồ, che’m gió gái gú, cờ bạc, nhiều khi là bịa chuyện cho vui. Về nhà và đến cơ quan lại ngoan như cho’ cún. Chả hề gì.
Ai cũng có những phút giây như vậy, kiểu như một vị lãnh đạo từng che’m trong “nhóm kín” là “rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó sợ gì”. Nhóm đó chắc cũng gần 16 cán bộ cỡ Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị cả, ở trên đất Mỹ thì phải, trước cả ống kính máy quay của các hãng truyền thông quốc tế (nên bị ghi âm). Hay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói (truyền khẩu): “Thà liếm giày Tây còn hơn ăn c*t Tàu”. Tất nhiên không chính thức.
Hơn nữa, vụ việc kia diễn ra từ lúc 22h đến 23h đêm, cháu bé đã gỡ bức ảnh trên bảng tin Facebook, không phải status (nhiều người chả bao giờ xem bảng tin kiểu trôi ảnh này, mình không bao giờ đăng kiểu này luôn). Đến 5h sáng thì cháu Quang Vinh đã có lời xin lỗi trên Facebook và 10h sáng thì khóa Facebook. Tức là phạm vi ảnh hưởng của bản tin Facebook này là cực kỳ thấp.
Như vậy chứng tỏ trong 16 bạn (mà cháu kia tin tưởng) kia có ít nhất một “nội gián” đã chụp màn hình làm hại bạn. Nếu suy xét cho kỹ, thì chính thằng đó mới mắc tội tuyên truyền, phát tán thông tin “độc hại” ra đám đông, đến các chuồng bò để đấu tố, nên giờ có hàng vạn người biết, cả báo chí, công an vào cuộc. Cháu bé kia chả tội tình gì, vì nó có chê đảng trước mặt đảng đâu, nó nói chuyện riêng với 16 đứa bạn (chắc cùng lứa thôi).
Việc này y chang việc phát tán clip xxx, cho dù để phản đối lối sống “đồi trụy” của một bộ phận giới trẻ. Rồi đám đông ào ào lên án (vụ HTL 16 phút đó). Nhưng có ai chịu hiểu là nó trụy lạc trong phòng ngủ nhà nó, mà chúng nó chưa kết hôn, thì thằng nào chửi mới là thằng ng u.
Về tổng thể, đám đông đang húc thằng bé này là rất vô tri, nếu có tư tưởng “yêu nước” thì nên đi húc thằng nào phát tán nội dung kia, để anh em đọc được. Chứ nó không phát tán thì ai biết?
Về nội dung, đại đa số đám đông đấu tố cho rằng, cháu bé kia vô ơn với đảng, đất nước, quê hương. Tư duy đó rất ngớ ngẩn, hiểu hoàn toàn sai bản chất nội dung thằng bé viết.
Nó có ý chê trách “đảng là thế lực xấu, lừa dối dân”, nó không chối bỏ quê hương, không chê trách quê hương, đất nước, mà đối tượng chê trách cụ thể của nó là đảng mà thôi.
Vậy tại sao báo chí lẫn đàn bo` lại đấu tố nó là vô ơn, chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân? Ai mà chả mưu cầu hạnh phúc cá nhân, nhất là với một thằng bé, nó học hành phấn đấu vì mục đích cá nhân là đáng quý hơn nhiều bạn bè học vì bố mẹ bắt học. Động cơ hành động của 99,99% chúng ta đều là vì mưu cầu hạnh phúc cá nhân cả.
Nhân ngày 2/9, cũng cần nhắc lại một câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa vào tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Như vậy, cháu bé kia bày tỏ nguyện vọng là chán ghét đảng, nó muốn được đi ra nước ngoài sống. Vậy là nó đang thực thi cái quyền mà không ai có thể xâm phạm được như trên. Vậy sao đấu tố nó? Nó làm vậy đâu có phạm pháp gì. Nó ra nước ngoài gửi kiều hối về xây dựng quê hương thì chả tốt, chả yêu nước, yêu quê hương và cả một phần rửa mặt cho đảng (nên đảng mới tuyên truyền kêu gọi kiều hối).
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cũng không làm được gì nó hết, anh em bo` đỏ đừng có hí hửng để dọa lẫn nhau. Vì nó viết vậy không có gì sai luật cả. Chỉ có điều là cháu bé còn bốc đồng, nên cách viết mang cảm tính quá. Ví dụ như bảo đảng là thế lực xấu, lừa dân, thì nên cụ thể vào một tình huống cá biệt, không nên che’m phong long như vậy! Vì thực tế đảng cũng có lúc xấu và lừa dân, nhưng không phải lúc nào cũng xấu và lừa dân cả!
Về lòng biết ơn, thực ra chả liên quan gì đến vụ này. Bởi vì bố mẹ nó nuôi nó ăn học, thầy cô nó dạy dỗ nó, chứ đảng và nhà nước không trực tiếp nuôi dạy nó thành người. Chuyện này mình đã viết nhiều stt. Nay nhắc lại một phần. Đảng và nhà nước bản chất do dân nuôi, bằng tiền thuế của dân, chứ đảng và nhà nước không nuôi dạy dân. Đảng chỉ lãnh đạo thôi. Nhưng đảng cũng phải lấy dân làm gốc, chứ không có dân làm đ*o có đảng? Đảng là đầy tớ của nhân dân mà? Vậy ai phải ơn ai?
Còn tư tưởng cho là nhờ có đảng chúng ta mới có cuộc sống hôm nay, cái này hơi đúng, nhưng hiểu đúng nó rất khác. Nếu không có đảng, biết đâu ta lại giàu như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật bản, Đức… tuy bị đế quốc đô hộ một thời gian nhưng sau đã rũ bùn đứng dậy, ngồi chung mâm với mẫu quốc? Nên không có chuyện ơn huệ ở đây. Vì nhỡ không có đảng chúng ta lại ấm no, hạnh phúc hơn? Không có gì là chắc chắn cả, nên đừng có bàn chuyện ơn huệ nếu… thì…
Về mặt logic, bối cảnh hay nội dung, thì cháu bé cũng chả làm gì sai, hoặc cái sai nhỏ, nếu có cũng chỉ ảnh hưởng tới 16 bạn, không đáng kể, nên coi như không sai. Giống như bạn chỉ mặt mấy thằng chửi đm chúng mày, thế là mắc tội hấp diêm sao?! Thêm nữa là cháu này còn vị thành niên, không thể xử lý được với cái gọi là tội bé tý kia.
Còn về thái độ, nói chung đám đông đấu tố là rất vô học rồi. Với một đứa trẻ, dưới 18 tuổi, nó bộc lộ quan điểm rất ôn hòa và không ảnh hưởng tới ai, thì nếu có xung đột quan điểm thì cũng cần phải ôn hòa nhã nhặn. Chứ không thể vì nó có triệu chứng “phản động” thì đào tận gốc, trốc tận rễ ba đời nhà nó như đám bo` đang hô hào. Chuyện này thì đúng là nhờ có đảng, mới có đám đông này.
Cháu Quang Vinh ạ, có lẽ cháu đang hoang mang và cô đơn với đám đông quanh cháu, nhưng còn có nhiều người khác nữa vẫn ở bên cạnh cháu. Cháu có thể lựa chọn yêu nước bằng cách riêng của mình như lời bác Hồ dạy nhé.
Bài dài quá, nên chuyện về ông Bin mình sẽ viết ở bài khác.
Võ Xuân Sơn: Biết ơn
3-8-2024
Sinh ra và lớn lên trong chế độ XHCN, đi học trong những ngôi trường XHCN, tôi được dạy phải biết ơn nhiều người, nhiều thứ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng giáo dục lớn nhất của tôi lại là từ gia đình. Ba mẹ tôi dạy, là tôi cần phải biết ơn cha mẹ, thầy cô, và những người đã thực tâm giúp đỡ mình trong cuộc sống. Lớn lên, được ra nước ngoài học tập, phần nào xâm nhập vào cuộc sống ở các nước, kể cả Đông Âu và Tây Âu, Mỹ… Tôi lại nhìn thấy một khía cạnh khác về sự biết ơn.
Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào người dân, thì về phương diện quốc gia, trên bình diện một đất nước, người phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu ra họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước…
Có cái ông nào đó nói, nghe hơi mắc cười nhưng lại có vẻ rất đúng, rằng tất cả ánh sáng trong đời ông ta là do ông ta tự trả tiền điện mà có. Như vậy, nhà đèn đúng ra phải biết ơn ông ta vì ông ta đã trả tiền cho họ, để họ được bán điện cho ổng. Nhưng mắc cười là có nhiều người lại bảo, rằng ổng phải biết ơn nhà đèn vì nhà đèn đã cung cấp điện cho ổng.
Thực ra, nếu công bằng, thì nhà đèn này cung cấp điện không hợp lý, người dân sẽ chọn nhà đèn khác. Người dân sẽ quyết định trả tiền cho và nhận cung cấp điện từ nhà đèn nào mà họ chọn. Nhưng lại có nhà đèn chiếm độc quyền, không cho ai khác được phép cung cấp điện, và đòi người trả tiền mua điện phải biết ơn họ. Trong khi họ độc quyền định giá, độc quyền báo lỗ, độc quyền đưa ra các kiểu tính giá bậc thang không giống ai.
Ngoài ánh sáng do điện mang lại, thì ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn chiếu sáng mà dù không phải trả đồng nào, chúng ta cũng phải biết mang ơn Ông Trời. À, nhưng phải nói rõ một chút, là mang ơn Ông Trời, người đã ban phát cho chúng ta thứ ánh sáng mang lại sự sống. Chứ không phải mang ơn kẻ che cả bầu trời lại, chỉ để hé ra một cái khe, rồi bắt chúng ta mang ơn vì họ đã để một cái khe cho ánh sáng mặt trời xuyên qua đó.
Trước khi đấu tố ai đó, thì cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn.
Nguyên Tống: Tự nhiên đòi ơn với huệ
3-9-2024
Cháu trai này đã có vài phát ngôn suy nghĩ thật của mình và bị quy chụp là vô ơn rồi bị công an “mời lên làm việc”. (Xem hình chụp báo).
Cá nhân mình thì thấy cháu không có một từ nào vô ơn với bất cứ người nào đã “làm ơn” với cháu cả. Cháu không vô ơn cha mẹ là người đã nuôi dưỡng cháu, chi trả từng đồng tiền học phí, tiền đồng phục, tiền ăn ở đi lại, thậm chí là tiền mua cái khăn quàng đỏ hay cái huy hiệu đoàn để cháu đeo. Chứ không ai cho cháu 1 xu nào để cháu phải biết ơn. Vậy thì vô ơn chỗ nào?
Có người lại bảo, phải biết ơn tổ quốc. Cũng lại thế nào ấy. Cháu sinh ra ở đâu thì đó là quê hương, là tổ quốc của cháu, cháu không được quyền lựa chọn nơi sinh, nhưng được quyền lựa chọn nơi sống. Và cũng chưa biết ai phải ơn ai cả. Biết đâu Tổ quốc phải biết ơn những người có đóng góp xương máu và trí tuệ để bảo vệ và xây dựng mình ý chứ?!
Nói vui vậy thôi chứ thực ra thì điều đó không liên quan đến ơn huệ, và tổ quốc cũng không phải là một thực thể để nhận sự biết ơn. Tổ quốc có giàu đẹp hay không là do những người lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối cho dân tộc xây dựng nó lên qua từng thời kỳ.
Thời kỳ nào đất lành thì chim đậu, chỉ khi đất trở nên độc, dữ thì chim mới đành rời đi thôi. Chứ con người hay con vật cũng chẳng ai muốn phải tha hương cả, đừng nói chuyện biết ơn hay vô ơn ở đây. Nói vậy thì hàng triệu người nằng nặc mất tiền để đi xuất khẩu lao động kia cũng đều vô ơn cả?! Sao không ở lại lao động mà xây dựng tổ quốc?!
Có một số người cho rằng, phải ơn đảng, ơn chính phủ?! Thì cũng là việc của họ thôi. Cũng chẳng ngạc nhiên khi một số người xuất phát từ bần cố nông, hai bàn tay trắng, cũng chẳng có tri thức hay tài năng gì đặc biệt, chỉ nhờ uốn ba tấc lưỡi, chạy chọt quan lộ hay trúng một mảnh đất trong ngõ quy hoạch ra mặt đường vài chục tỷ, hay mua được miếng đất lúc chưa sốt, sau bán lại được mớ tiền, sống dư dả… thì họ cũng cần biết ơn thật. Nhưng có lẽ là biết ơn tổ tiên nhà họ ăn ở có phúc sao đó nên họ gặp may mắn thôi. Chứ mình cũng thấy chẳng ai giúp họ việc ấy mà biết ơn?!
Còn với những người học rộng hiểu nhiều như cậu bé đoạt giải nhất tháng “Lên đỉnh Olympia” kia thôi chẳng hạn, họ thấy rằng với sự hiểu biết, tài năng và đóng góp của những người như họ, hay những thế hệ trước, thì lẽ ra đất nước này phải bằng được Thái-lan hay Malaysia bên cạnh (chưa nói đến Singapore, Hàn, Nhật hay Âu, Mỹ…) thì bảo họ biết ơn đảng chính phủ sao được?
Hay những người cha ông họ cũng tử tế đàng hoàng mà nay bị đẩy vào bần cùng, oan khuất? Hay những bần cố nông mà không may mắn, có miếng ruộng trúng quy hoạch được đền bù và vẫn bần cùng thì họ có biết ơn nổi không? Họ không chửi cho là may ấy chứ?!
Nói chung, biết ơn, như đã nói, nó là vấn đề cảm xúc, không ai bắt ai được cả. Và chính vì nó thuộc phạm trù cảm xúc, đạo đức con người nên luật pháp cũng không thể quy định được là khi nào thì phải biết ơn, và nếu vô ơn thì bị phạt tù hay thế nào cả! Nó chỉ được, và phải được điều chỉnh bằng thái độ của xã hội chứ không phải bằng luật pháp.
Từ đó lại thấy việc công an (đại diện cho luật pháp) lại “mời lên” làm việc thì quả là vô pháp quá: Đó là việc của cha mẹ, của gia đình dòng họ, hay cùng lắm là nhà trường dạy dỗ đạo đức cho cậu bé chứ?! Cậu có phạm pháp gì mà Công an “mời lên làm việc”. Kể cả khi cho là cậu nói sai sự thật hay bôi xấu thì bảo cha mẹ hay thầy cô hay mạng xã hội hỏi cậu xem “lừa gạt dân” chỗ nào? “Không hoàn toàn là sự thật” chỗ nào?
Nếu đảng làm thật mà nhận thức của cậu bé chưa đúng, cho là đảng lừa gạt thì cũng giải thích cho cậu (và nhiều người dân khác) được rõ thôi. Còn nếu cậu bé nói đúng thì đảng rút kinh nghiệm để làm sao cho những người tài đừng rời bỏ đất nước nữa. Chứ đừng quy chụp, đánh lái sang chuyện ơn huệ nữa.
Tóm lại, trên thế giới này, đảng hay chính phủ nào cũng phải làm tốt việc điều hành đất nước nếu muốn được nhận lương và duy trì sự lãnh đạo. Không muốn hoặc không làm được thì nghỉ cho khoẻ thôi. Chứ chẳng ai nhờ vả gì mà phải biết ơn cả. Nên lẽ ra để chuyện dừng lại ở đó chứ không nên việc bé xé ra to, lẽ ra chẳng ai biết thì nay thành ra không chỉ trong nước, mà cả thế giới biết chuyện “bắt nạt trẻ con” luôn. Tự nhiên đòi ơn với chả huệ, lợi bất cập hại.
Thái Hạo: Đó là câu chuyện của ngành giáo dục, không phải ngành công an
3-9-2024
Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ. Vì sao?
Thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận.
Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục cũng như trong quản trị xã hội.
Nếu một học sinh nói ra suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá… của mình, và là nói đúng, thì điều đó đang giúp cho nhà giáo dục củng cố/ khẳng định được rằng cách thức của mình là đúng; nhưng điều em học sinh kia nói ra là sai, là méo mó, là nông cạn…, thì nhà giáo dục phải tự coi lại để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình đang không ổn ở đâu. Và phải tìm cách điều chỉnh. Đây chính là “bí quyết” để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa.
Hãy hình dung, nếu học sinh không nói thật suy nghĩ của các em, cái gì cũng vâng dạ, cũng đồng ý, cũng “ok”, nhưng trong bụng thì chúng mù mờ hoặc nghĩ khác, thì đó không những là một tai họa tiềm tàng, mà còn là một thiệt hại hiện tiền. Nhà giáo dục không thể biết được mình đang đúng hay đã sai, và cứ thế cắm cúi giảng bài, trong khi học sinh không thu nhận được gì hoặc âm thầm phản kháng.
Một chương trình giáo dục hay một chính sách xã hội được ban ra, giả sử nó đúng, nhưng lại khiến học sinh và người dân phản ứng, thì ít nhất chủ thể phải tự coi lại, xem khâu “truyền đạt” của mình đang có vấn đề ở chỗ nào. Nếu mọi người không hiểu, không tin, không đồng ý nhưng lại đồng loạt gật đầu, thì hậu quả sẽ thế nào? Chắc ai cũng hình dung được.
Cho nên, việc nói ra cái suy nghĩ thật của mình, giả sử suy nghĩ ấy là ấu trĩ đi chăng nữa, nó cũng vẫn là một món quà cho nhà quản lý, nhà giáo dục.
Câu chuyện về một phát ngôn của em học sinh lớp 12 đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội, là câu chuyện của ngành giáo dục, chứ không phải ngành công an.
Bạn sinh một đứa con ra, nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng, nhưng nó vẫn có thể không yêu bạn hoặc không hợp với bạn. Điều đó rất phổ biến và không ngạc nhiên, dù đáng buồn và có thể khiến bạn đau lòng. Nhưng bạn không thể vì thế mà mời công an vào để “làm việc” với nó.
Bạn chỉ có thể làm điều đó (mời công an) khi nó có những hành vi phạm pháp, ví dụ như bạo lực đối với cha mẹ. Còn sự yêu ghét, lòng tin tưởng hay những cảm xúc cá nhân, đó là tình cảm tự nhiên của con người.
Không ai đi mời công an khi có một người không thích hoặc không tin mình cả. Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.
Bao dung và tôn trọng, đó là những phẩm chất của một xã hội văn minh. Chính nó mới nâng đỡ học sinh và con người nói chung, để họ yêu quý, tin tưởng, đền đáp…, bằng chính tình cảm chân thật của họ. Mọi sự cưỡng bách, nhất là cưỡng bách tình cảm và suy nghĩ của con người, đều sẽ để lại những di chứng và di hại lâu dài, không những cho cá nhân mà còn cho xã hội.
Tôi nghĩ, lúc này, đây chính là một cơ hội quý để ngành giáo dục và cộng đồng thể hiện sự văn minh ấy của mình, thay vì chứng tỏ điều ngược lại.
Lê Ngọc Luân: Thấy gì từ em Chu Ngọc Quang Vinh?
4-9-2024
Điều đầu tiên, tôi quan sát hình thái khi em đứng trên bục vinh quang, tay cầm cúp, đầu đội vòng nguyệt quế với đôi mắt và khuôn mặt cương nghị không cảm xúc dù vừa đạt được thành tích cao, ở độ tuổi học sinh chưa tròn 18, là hiếm thấy.
Vì sao, ở tâm thế của một người chưa đủ tuổi trưởng thành (xét về góc độ luật pháp) khi có thành tích học tập như vậy thường sẽ vui mừng, hồ hởi, nhưng Quang Vinh thì ngược lại. Đây là điểm cần những con người mang danh có hiểu biết hoặc lớn tuổi phải chậm, thật chậm để nhìn lại thật sâu sắc về khía cạnh nhân sinh quan giữa cuộc đời mà con người vốn dĩ đầy hỗn loạn, lao nhao.
Em phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận của mình đúng hay sai, tôi không lạm bàn. Vì sao? Vì để đánh giá lời nói đúng hay sai cần đặt bối cảnh, hoàn cảnh dựa trên vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức và trải nghiệm riêng v.v… của em ấy, và chúng ta không biết và lý giải chính xác 100% thời điểm em ấy viết dựa vào chứng lý gì. Có thể 50% cho rằng em ấy nói đúng và 50% cho rằng sai, tất cả cần phải có cái nhìn khách quan, tôn trọng, vì như vậy mới là dân chủ, văn minh.
Tôi tin những người lãnh đạo cao nhất của đất nước có tâm, có tấm lòng, họ sẽ không trách mắng em mà sẽ đặt câu hỏi, “tại sao một học sinh đạt thành tích cao có lời phát biểu như vậy nhỉ? Nguyên nhân do đâu và vì đâu rồi từ đó tìm hiểu cái nào đúng, cái nào sai, chưa phù hợp, nhằm chia sẻ, giúp em có cái nhìn, đánh giá khách quan và thu phục nhân tài cống hiến cho đất nước (nếu em ấy có tài năng thực thụ)…”.
Đấy chính là sự thẳng thắn, khẳng khái, cương trực và sòng phẳng của những nhà lãnh đạo có trí thức và tấm lòng bậc cao. Sự lắng nghe, chia sẻ bằng tấm lòng bao dung, rộng lượng có giá trị vô cùng lớn, nếu điều nào chưa phù hợp em sẽ tiếp nhận thay đổi, điều nào nói đúng theo cách nhìn nhận suy nghĩ của em thì phải nghiêm túc, xem xét cẩn trọng để thay đổi. Như vậy, không chỉ cá nhân em “khẩu phục mà tâm cũng phục” và người dân sẽ càng “phục” hơn bởi cách hành xử chuẩn chỉnh, và đất nước thật may mắn khi có những người lãnh đạo như vậy.
Ai đó chửi em “vô ơn”, thật lạ kỳ? Như thế nào là vô ơn? Sự vô ơn hay biết ơn là cảm xúc cá nhân của mỗi con người tuỳ thuộc vào trí tâm riêng biệt. Ngay cả các anh công an mời em ấy lên thực hiện công việc nhà nước giao phó cũng chưa một lời phát xét, cho rằng em “vô ơn”. Tôi tin các anh ấy gặp thì cũng chia sẻ, tâm sự trên tinh thần xem em ấy là “người em” hoặc như “người cha trao đổi với con mình”. Vậy những con người khác nhân danh điều gì để phán xét, phỉ pháng một tâm hồn học sinh như em?
Trong bao nhiêu con người chửi em ấy là vô ơn hãy tự vấn lương tâm rằng “mình đã sống biết ơn chưa?” Biết ơn những người công nhân lam lũ, cơ cực âm thầm dọn vệ sinh đường phố sạch đẹp để từ đó biết nhặt rác, vứt rác đúng chỗ, góp phần chia sẻ sự mệt nhọc cho người khác v.v… hay chỉ trề môi, dè bỉu, chê bai và mặc kệ, vì cho rằng “tôi đóng thuế” nên họ phải có nghĩa vụ thực hiện công việc đó?
Rồi có bao nhiêu con người đủ dũng khí lên tiếng trước bất công ngang trái hay chỉ biết “im lặng” vì lợi ích cho cá nhân và của hệ nhóm riêng? Rồi đến khi gặp bất công lại gào thét “công lý, công bằng ở đâu?”
Tôi viết những dòng chữ này gửi đến Quang Vinh – người em học sinh cần được tôn trọng, bao dung và rộng lượng. Đừng làm hoen ố tâm hồn và hình ảnh của em bằng lòng dạ hẹp hòi và trí thức hạn hẹp riêng mình.
Đất nước, Tổ quốc này không riêng gì của Vinh mà của tất cả chúng ta. Và hãy nhớ Vinh là con người có cùng dòng máu đỏ, nước mắt mặn như chúng ta đó.
P/S: Đã là người Việt Nam – hãy đừng hổ thẹn với lương tâm, trí tuệ chính mình là đủ!
Thái Hạo: Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc
5-9-2024
Người Việt vẫn hay tự nói về mình, rằng hiền lành, nhưng sự thể không chỉ có thế. Tôi quan sát thấy, cái “hiền lành” ấy rất gần với sự cảm tính, và gần hơn với sự bạc nhược.
Mặt khác, cái “hiền lành” ấy sẽ lập tức trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn ngay, nếu chỉ cần nó rơi vào một tình huống có tính phép thử. Vụ đấu tố em nam sinh ở Yên Bái là một ví dụ. Trăm năm trước, người Pháp khi qua xứ ta đã đúc kết rằng, trong mỗi người An Nam đều có một ông quan. Tôi hiểu cái gọi là “ông quan” ấy chính là ẩn dụ cho tính chuyên chế hà khắc trong mỗi người Việt. Cái tính này từ đâu mà ra?
Cũng cách nay ngót một trăm năm, nhà cách mạng khai sáng Phan Châu Trinh đã nói: “Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy”.
Nghĩa là theo cách nói của cụ Phan, người mình, một mặt mang nô lệ tính, nhưng mặt khác, luôn chực chờ để biến thành một kẻ chuyên chế, độc đoán. Đối với người trên, người mạnh, người giàu thì nó khúm núm sợ sệt, nhưng với kẻ yếu hơn thì luôn trong tâm thế áp đặt, chuyên quyền. Cứ xem cái cách cha đối với con, chồng đối với vợ, thầy đối với trò, quan đối với dân, thì rõ.
Cho nên, muốn thay đổi cái tính này thì phải bắt đầu từ gia đình, tập tôn trọng con cái. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng. Chúng ta có thừa sự chiều chuộng vô lối nhưng thiếu hẳn lòng tôn trọng. Nếu chưa hiểu “tôn trọng” ở đây nghĩa là gì thì trước mắt cứ mang Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đọc, để biết.
“Làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn một dân tộc mới là khó”. Sau vài lần “được” chứng kiến, thì đến nay, những việc như đang xảy ra với em học sinh kia, tôi không còn ngạc nhiên nữa. Nó tất yếu phải như vậy, một khi văn hóa chưa thay đổi. Văn hóa chưa thay đổi nghĩa là tính người chưa thay đổi. Mà nói theo cách của chí sĩ Phan Châu Trinh thì tất cả đều do dốt mà ra cả. Khi đã dốt thì một mặt con người hèn nhược, mặt khác là đầy tính bạo lực.
Cụ Phan dẫn lời nhà triết học chính trị Montesquieu: “Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức“.
Cha mẹ, thầy cô cho đến người làm công việc quản lý xã hội phải học để hiểu giá trị của tự do. Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc. Nhà triết học John Stuart Mill nói rằng, nếu toàn thể nhân loại chung nhau một ý kiến và chỉ duy nhất một người có ý kiến khác, thì nhân loại ấy cũng không được biện minh nhiều hơn kẻ đơn độc kia trong việc thể hiện quyền tự do quan điểm và tự do ngôn luận. Các cộng đồng văn minh bảo vệ quyền tự do cá nhân còn vì nó có quan hệ trọng yếu đối với lợi ích chung của toàn xã hội. Một ý kiến đúng sẽ giúp xã hội sữa chữa những sai lầm, một ý kiến sai sẽ làm cho ý kiến đúng được khẳng định và trở nên sống động.
Mà nhân loại này chưa bao giờ thôi sai lầm. Cái đúng của hôm nay có thể thành sai ở ngày mai; có những cái đúng mà toàn nhân loại đinh ninh tin tưởng không suy xét, nó đứng vững một nghìn năm, nhưng bỗng sụp đổ một ngày khi có một ý kiến khác. Biết thế để ta không độc quyền chân lý. Nếu không có ý kiến khác và sự va chạm giữa chúng với nhau, chân lý (nếu có) cũng sẽ là chân lý chết – tức trở thành giáo điều.
Nếu không hiểu bản chất và giá trị cao cả của tự do, người ta sẽ chỉ hô khẩu hiệu và rồi sẽ hiện nguyên hình là những kẻ chuyên chế mỗi khi gặp tình huống có tính phép thử. Tôi đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi thấy không ít người ngày ngày “phản biện” trên mạng nhưng bỗng một hôm họ lộ nguyên vẹn “não trạng Annam”. Không ít nhà văn, nhà báo, những người lắm chữ nhiều fan, như trong sự vụ này, đã chứng minh điều ấy.
Than trách hờn dỗi không giải quyết được việc gì, chỉ có không ngừng chia sẻ tri thức và tự mình thực hành mỗi ngày (đầu tiên là trong gia đình, với con cái mình, cho đến lên tiếng trước cái sai, biết bảo vệ cái đúng trong xã hội…), may ra sau vài thế hệ nữa mới mong người Việt gột rửa được ít nhiều chăng?
Bài học từ Yên Bái
4-9-2024
Anh em có nhớ Yên Bái đã từng có mấy sự kiện đình đám không?
Đầu tiên là khởi nghĩa Yên Báy (thời ấy nó viết vậy!). Không thành công cũng thành nhân. Mấy chục đồng chí đảng viên Quốc Dân Đảng bị chém đầu, trong đó có đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các đồng chí Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu… họ đều trẻ măng. Sau được đặt tên phố ở cả hai chế độ Nam, Bắc.
May họ chết sớm, chứ không thì đến năm ’46 cũng bị đảng ta ám sát, bắt bớ, như vụ Ôn Như Hầu, vì tranh chấp quyền lực (gọi là phản động hay phản cách mạng, Việt gian). Thực ra là họ yêu nước theo cách khác mà thôi. Yên Bái là chiến khu của Quốc Dân Đảng đó, Cách mạng Tháng 8 không cướp chính quyền ở đây đâu. Mãi sau mới cướp được từ Quốc Dân Đảng. Bài học thì thôi không cần nhắc, sách giáo khoa nói rồi.
Vụ thứ hai, là tiếng súng của đồng chí chi cục trưởng kiểm lâm Yên Bái bắn chết bí thư và chủ tịch HĐND tỉnh! Vụ này cũng gây chấn động dư luận. Anh kiểm lâm xách súng vào tận phòng bí thư để hạ sếp như phim Mỹ. Bài học rút ra cho các bí thư, chủ tịch, là làm ăn phải uy tín với anh em, chạy ghế này kia nhận tiền là phải làm, không lèm nhèm. Các sếp cũng phải lưu ý anh em có súng. Để họ tâm tư manh động là rất phiền.
Vụ thứ ba là cơn bão trong tách trà vừa rồi. “Hung thủ” là trẻ trâu, nhưng bài học rút ra là cực kỳ lớn cho toàn bộ hệ thống chính trị. Đó là “đ*o tin được bố con thằng nào cả”.
Nhiều khi các sếp, cán bộ công chức, chỗ anh em thân tín thì la cà massage mát gần, karaoke tay vịn, có mấy đệ với đối tác thôi. Mà nó ghi âm, quay phim, chụp ảnh là tan sự nghiệp. Đầy sếp dính rồi, như vụ anh gì bí thư Cô Tô, dính tội hấp diêm cán bộ gái (có lẽ ống điếu cơ quan). Nó không quay chụp, thì tố vào mắt. Nhưng tội ấy còn nhẹ.
Bây giờ nhiều khi anh em chém gió quán bia hay nhắn tin nhóm kín Zalo, lỡ mồm chửi sếp, chém phản động… thằng nào trong nhóm nó chụp màn hình rồi tố cáo là xong phim, tiêu tán sự nghiệp. Giống cháu kia, chém với 16 đứa trẻ trâu, còn dính thằng “sao đỏ”. Chắc nó chụp gửi vào chuồng bò, admin nó đang khát content là lên đường luôn.
Không loại trừ khả năng cu kia thù cu này từ trước, nên nó rình báo thù. Hai thằng này coi như không nhìn mặt nhau nữa đâu. Chuồng bò nó đang phong anh hùng cho thằng nội gián chụp màn hình đó!
Đấy mới là một thằng bé con, chưa có danh phận gì ghê gớm ngoài cái danh hão Olympia tháng. Không biết chúng nó có phải tình địch không mà chơi nhau vậy?!
Vậy thì các sếp bí thư, chủ tịch còn vãi đái hơn nữa, cả nước luôn. Nhìn thằng bé mà vận vào mình luôn! Mình nhớ anh Chung con ngày xưa dính án thì cũng có đoạn ghi âm cuộc gọi Viber với một đồng chí công an đồng phạm.
Sau vụ này thì làn sóng nghi kỵ sẽ lan khắp cả nước, các anh em mần tình với bạn gái cũng lưu ý, ú ớ chửi chế độ nó ghi âm lại là xong đời!
Ngày xưa anh Lê mà ghi âm lời anh Ba trong đoạn hội thoại “Anh Lê, anh có yêu nước không?”, rồi báo mật thám Pháp, là giờ đã không có bò đỏ!
Một chuyện nhỏ mà hệ lụy xã hội nó khổng lồ như vậy đó.
Nhà bất đồng: Nam sinh lên án Đảng ‘trưởng thành về nhận thức
5-9-2024
Nam sinh đang hứng chịu búa rìu dư luận ở Việt Nam vì lên án sự ‘dối trá’ của chính quyền ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong nói với VOA và bày tỏ lo ngại cho tương lai của nam sinh này ở trong nước.
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 ở một trường chuyên của tỉnh Yên Bái, đã làm dậy sóng dư luận trên truyền thông và mạng xã hội mấy ngày qua khi em có bài viết thể hiện quan điểm trên Facebook trong đó mô tả Đảng Cộng sản cầm quyền là ‘thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân’.
Nhà chức trách vào cuộc
Trong bài đăng vào ngày 1/9 tức là ngay trước thềm lễ Quốc khánh Việt Nam, nam sinh Vinh bày tỏ rằng sau khi được tiếp cận văn hóa phương Tây ‘cao trào nhất’, dần dần em nhận ra rằng ‘những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân’ và rằng em học lịch sử ‘không phải theo ý muốn của bản thân’.
Do đó, mục tiêu của em là ‘tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài’. Chu Ngọc Quang Vinh đang tham gia chương trình ‘Đường lên đỉnh Olympia’, cuộc thi kiến thức danh giá trên sóng truyền hình dành cho học sinh trung học cả nước với phần thưởng chung cuộc là học bổng đại học ở nước ngoài.
Vinh đã thắng trong các cuộc thi tuần và thi tháng ở vòng loại nhưng để giành được học bổng em sẽ phải thắng trong các cuộc thi quý và chung kết năm trước các đối thủ sừng sỏ khác. Trong 23 mùa giải của chương trình, đại đa số các quán quân đều đã đi du học và chọn ở lại nước ngoài sau khi học xong.
Bài viết của Vinh đã bị cộng đồng mạng trong nước phản ứng dữ dội, từ những lời chỉ trích nhẹ nhàng như ‘nông nổi’, bồng bột tuổi trẻ’, ‘thiếu chín chắn’ cho tới những lời lẽ mạt sát, chửi bới nặng nề khi như ‘vô ơn’, phản bội đất nước’, ‘vọng ngoại’…
Trước phản ứng của dư luận, Vinh đã gỡ bài khỏi trang cá nhân và viết bài xin lỗi. Em nói rằng mình ‘đã sai’, ‘hối hận’ và ‘mong nhận được sự tha thứ’. Em cho rằng bản thân ‘không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc’ và sở dĩ em có nhận định như vậy là vì ‘đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ Quốc’.
Trước đó, em Vinh và gia đình đã bị nhà chức trách mời lên ‘làm việc’, truyền thông trong nước cho biết. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Công an, Sở Giáo dục tỉnh cùng nhà trường nơi em học cũng đã vào cuộc để chấn chỉnh và gửi cán bộ đến gia đình để ‘nắm tình hình và diễn biến tư tưởng của học sinh Vinh’, tờ Công thương cho hay.
Một trong những biện pháp trước mắt mà chính quyền đưa ra là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh chia sẻ các thông tin tích cực về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh…, cũng theo báo Công thương.
‘Phản tỉnh’
Chu Ngọc Quang Vinh ‘không hề bồng bột, nông nổi’ như những lời chỉ trích mà trái lại em ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Cologne, Đức, nói với VOA.
Bản thân ông Trung cũng lớn lên trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nặng tính tuyên truyền ở Việt Nam trước khi đi du học ở Pháp. Sau khi về nước, ông gia nhập quân ngũ. Thời gian này ông thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, nhất quyết không chịu đọc ‘Mười lời tuyên thệ của quân nhân’. Ông bị loại khỏi quân ngũ và sau đó bị khởi tố, bị bắt và bị Tòa kết án 7 năm tù cộng với 3 năm quản chế về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
“Bạn ấy được dạy khác, nhưng khi bạn ấy tiếp nhận thông tin bạn ấy đã có sự phản tỉnh, lật ngược lại vấn đề,” ông Trung giải thích về nhận định của mình.
Liên hệ với kinh nghiệm bản thân, ông Trung cho rằng nam sinh Vinh, vốn cách ông một thế hệ, đã có sự chuyển biến sớm hơn ông nhờ vào sự phổ biến của Internet, mạng xã hội so với thế hệ của ông.
“Thật sự tôi cũng bị nhồi sọ và cũng tin theo những gì họ tuyên truyền. Tôi dở hơn bạn ấy ở chỗ phải đến khi tôi ra nước ngoài, khi tôi qua Pháp du học thì mới thấy những gì Đảng cộng sản họ dạy tôi trong trường học là sai trái, là lường gạt,” ông nói.
Theo quan sát của nhà bất đồng này thì nhiều thanh niên, sinh viên ở trong nước ‘cũng nhận thức được như em Vinh’ nhưng ‘không ai dám nói ra vì ai cũng sợ hết, cha mẹ họ cũng sợ’.
Về ý kiến nói rằng nam sinh Vinh ‘phản bội đất nước’, ông Trung lập luận: “Bạn ấy chỉ lên án Đảng Cộng sản lừa dối dân và tuyên truyền sai sự thật, nhồi nhét vào đầu sinh viên, học sinh Việt Nam những điều không đúng sự thật thì bạn ấy đang lên án đảng cầm quyền chứ không hề đụng chạm gì đến đất nước.”
Ông cũng bày tỏ cảm thông cho nguyện vọng của em Vinh được sống và làm việc ở nước ngoài và cho rằng ‘đó là điều rất bình thường’ đối với giới trẻ Việt Nam.
“Bạn bè của tôi, trước em Vinh một thế hệ, rất nhiều người mong muốn đi du học và ở lại cống hiến,” ông nói và chỉ ra trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu đi du học ở Pháp, đoạt giải Fields danh giá và hiện đang giảng dạy Toán học ở Mỹ.
Lý do ông chỉ ra là hệ thống giáo dục trong nước ‘không có tự do học thuật, chịu sự kiểm duyệt của Đảng’ và ‘chế độ không trọng dụng nhân tài mà sử dụng người theo nguyên tắc hậu duệ, quan hệ và tiền tệ’.
“Những người có trí tuệ đương nhiên phải tìm đến nơi nào đó trọng dụng họ, nơi họ phát huy được tài năng nhất và đóng góp được cho nhân loại,” ông cho biết.
Trước những lời lên án em Vinh ‘vọng ngoại’, ‘mơ mộng viễn vông về phương Tây’, ông Trung cho rằng ‘những cái gì tốt đẹp của phương Tây chúng ta đều cần phải học hỏi’ và dẫn ra trường hợp của ông Hồ Chí Minh cũng trích dẫn những giá trị tư tưởng của phương Tây trong bản Tuyên ngôn độc lập mà ông đọc vào ngày 2/9 năm 1945.
Tương lai bất định?
Nhà bất đồng chính kiến này cho rằng những biện pháp tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng của chính quyền sẽ ‘không có tác dụng’ trước tình trạng giới trẻ không còn mặn mà gì với Đảng, Đoàn thanh niên hay tư tưởng Mác-Lênin.
“Chủ nghĩa Mác-Lê xa rời thực tế, còn nếu nói đạo đức cách mạng thì nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, làm gì cũng thấy tồi tệ. Đảng nói gì cũng tốt nhưng thực tế toàn là tham nhũng và tệ hại,” ông trình bày. “Điều này càng làm cho người dân chán ngán chế độ và không tin vào những lời tuyên truyền.”
Ông chỉ ra việc chính quyền phải dùng đến cách tăng cường đàn áp để cho rằng biện pháp tuyên truyền ‘đã thất bại’ nên chính phải ‘khiến người dân khiếp sợ không dám phản đối’.
Khi được hỏi về sức ép tâm lý mà Chu Ngọc Quang Vinh phải đối mặt từ phía chính quyền, công an, nhà trường và xã hội, ông Trung cho là ‘khủng khiếp’ đối với một nam sinh mới 18 tuổi.
“Có lẽ cậu bé rất sốc và lo sợ,” ông nhận định. “Không biết sau này cậu ấy có đủ sức để học hay thi tiếp lên đại học hay không.”
Các làm của chính quyền, theo lời ông, là ‘dùng số đông để đàn áp’ theo kiểu ‘cả vú lấp miệng em’. Ông Trung kể lại việc ông đã từng bị mời lên công an phường làm việc trong thời gian quản chế và một mình ông phải đối mặt với ‘mười mấy người từ công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh’.
Về tương lai của em Vinh ở Việt Nam sau sự cố này, ông Trung nói: “Cậu bé khó lòng học tiếp ở Việt Nam vì đi đâu cũng sẽ bị mọi người dòm ngó, chỉ trích và gièm pha.”
Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng Vinh đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép và dẫn ra trường hợp Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, một cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia khác vốn cũng bị chính quyền bỏ tù vì lên án Đảng, để làm ‘tấm gương cho em Vinh’.
“Dũng rất can trường, mạnh mẽ và đã vượt qua được. Hy vọng Vinh cũng làm được như Dũng.”
Kinh hoàng một vụ đấu tố!
Hiếu Chân/Người Việt
Vụ đấu tố cậu học sinh trung học ở Yên Bái khiến những người có lương tri không khỏi bàng hoàng!
Theo thông tin trên báo chí và mạng xã hội, em Chu Ngọc Quang Vinh, 18 tuổi, học sinh lớp Mười Hai trường phổ thông trung học chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, vừa bị công an tỉnh này triệu tập làm việc vì viết bài “chỉ trích đảng [Cộng Sản Việt Nam]” đăng trên mạng xã hội Facebook.
Vinh là một học sinh xuất sắc, là học sinh đầu tiên của tỉnh Yên Bái giành giải nhất cuộc thi quý 1 của chương trình “Đường Lên Đỉnh Olympia” phát sóng trên kênh VTV3 của đài truyền hình Việt Nam năm ngoái. Đây là chương trình thi kiến thức của học sinh trung học cả nước do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD-ĐT) và VTV phối hợp tổ chức; thí sinh được giải nhất nhì ba hàng năm được Đại Học Kỹ Thuật Swinburne của Úc cấp học bổng du học. Trong 23 năm qua, các “nhân tài” của cuộc thi đã chọn con đường du học Úc và 99% không trở về mà ở lại định cư, làm việc ở xứ người.
“Đảng là thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”
Lúc 22 giờ đêm ngày 1 Tháng Chín, em Vinh viết trên trang Facebook cá nhân “Chu Vinh” một tâm sự ngắn và chỉ chia sẻ cho 16 bạn học. Bài của Vinh như sau:
“Tôi và Đảng
-Cuối cấp hai là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài…
-Rồi tôi ôn Olympia để ‘sống ở nước ngoài’ và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách thuần hơn.
-Và đến lúc giấc mộng O của tôi cũng phải chấm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi.
-Và bây giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa dù tôi đã từng cố để ít nhất là ‘kệ’ Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo [nguyên trạng], nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.
-Anyways mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”
Bài chỉ có vậy, tôi đã chép lại nguyên văn, đúng chữ in hoa và dấu chấm câu để bạn đọc tham khảo vì nó đã bị xóa khỏi mạng Facebook, thay bằng bài xin lỗi sau khi tác giả bị khủng bố dữ dội cả trên mạng lẫn ngoài đời thực. Chung quy, bài viết “Tôi và Đảng” của Vinh chỉ tồn tại trên mạng vài tiếng đồng hồ và chỉ phổ biến trong một số bạn bè rất hạn hẹp của Vinh.
Nói thật là có tội?
Thế nhưng diễn biến trong hai ngày qua cho thấy chế độ Cộng Sản Việt Nam đã giãy nảy như đỉa phải vôi trước một sự việc nhỏ bé và đơn giản như vậy.
Một học sinh trong nhóm chia sẻ của Vinh đã chụp ảnh lại bài viết, dùng làm bằng chứng tố cáo em Vinh với nhà trường và sở giáo dục.
Ngay trong ngày 2 Tháng Chín, Sở GD-ĐT Tỉnh Yên Bái đã có công văn về học sinh này và bài viết của em mà sở cho là chưa phù hợp. Trong công văn, sở yêu cầu trường Nguyễn Tất Thành “tăng cường thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng cho giáo viên và học sinh, đẩy mạnh chia sẻ các thông tin, bài viết tích cực về tình yêu quê hương đất nước, về lãnh tụ, về ngày quốc khánh 2 Tháng Chín…”
Ngoài ra, “Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái đã báo cáo Tỉnh Ủy và Ủ Ban Nhân Dân tỉnh này về sự việc nam sinh Đường Lên Đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì phát ngôn trên mạng.” Đáng sợ hơn nữa, Sở GD-ĐT Yên Bái cũng phối hợp với Công An tỉnh để “nắm tình hình, xác minh sự việc; chỉ đạo trường chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc, đồng thời cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Vinh để nắm thêm tình hình.”
Các hình ảnh và bài viết trên báo trong nước cho thấy Công An Tỉnh Yên Bái đã trực tiếp thẩm vấn em Chu Ngọc Quang Vinh vào chiều 2 Tháng Chín, cùng làm việc với công an có mẹ và cô giáo chủ nhiệm lớp em.
Vẫn chưa rõ Công An Tỉnh Yên Bái làm việc với em Vinh về nội dung gì vì xem ra bài viết thượng dẫn của em không vi phạm pháp luật. Đây chỉ là cảm nghĩ thông thường của một cá nhân, chia sẻ với vài bạn bè cùng trang lứa, chẳng có gì nghiêm trọng cả. Điều hiếm hoi là ở chỗ, trong một xã hội tôn thờ sự giả dối, lối sống hai mặt, cậu Vinh đã nói thật tâm trạng của mình – là việc mà những người “khôn ngoan” đều tránh né.
Bên ngoài cánh cửa cơ quan công quyền, báo chí do nhà nước kiểm soát và mạng xã hội – chủ yếu là lực lượng dư luận viên do Ban Tuyên Giáo đảng CSVN chỉ huy – đã rầm rộ đăng bài tấn công cậu học sinh. Bài tường thuật của đài BBC (Anh) ghi nhận: “Đơn vị Tác Chiến Điện Tử Comrade Commissar (gần 330,000 người theo dõi) và Tifosi (gần 300,000 người theo dõi) – hai trang Facebook chuyên đả phá những hành động mà theo họ là trái với quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam – đã đăng bài chỉ trích Quang Vinh. Nhóm Bí Mật Showbiz Group có khoảng 1.1 triệu thành viên cũng xuất hiện bài đăng chỉ trích nam sinh này.” Đòn đánh hội đồng của đám dư luận viên tập trung lên án cậu học sinh “vô ơn bạc nghĩa,” “ăn cháo đái bát,” đe dọa tước giải thưởng “Đường Lên Đỉnh Olympia” của cậu, thậm chí yêu cầu nhà cầm quyền cấm cậu xuất cảnh, dập tắt ước mơ ra nước ngoài sinh sống của cậu!
Quả là một cuộc “đấu tố” tàn bạo với một thiếu niên chỉ vì dám bộc lộ thật suy nghĩ và sự thật ấy làm kinh động cả một guồng máy cai trị. Những “phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật,” hoặc nghĩ về “đảng [CSVN] như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài…” không phải là cảm xúc đột ngột hoặc nông cạn của cậu học sinh tên Vinh mà là tâm trạng chung của người dân Việt Nam mọi thành phần, mọi lứa tuổi, sinh sống ở mọi miền đất nước, chỉ trừ đám quan chức đảng viên ăn trên ngồi trốc trong guồng máy cai trị. “Tội” của Vinh là đã thẳng thắn nói ra thay vì đóng kịch giả dối, “mũ ni che tai” để sống qua ngày.
Dạy dỗ để học sinh nói thật suy nghĩ và cảm xúc của mình là mục tiêu của mọi nền giáo dục chân chính; tại sao trường Nguyễn Tất Thành và Sở GD-ĐT Yên Bái lại làm điều ngược lại? Tại sao nhà trường lại “phối hợp với công an” để đe dọa và trừng phạt học sinh chỉ vì học sinh đó phát ngôn chân thật, thực hiện quyền con người mà thế giới văn minh đều công nhận? Cho dù học sinh có suy nghĩ “lệch lạc” thì trách nhiệm uốn nắn phải là của nhà trường, của các nhà giáo chứ không thể dựa vào còng số 8 của công an. Cái sai ở đây không phải là phát ngôn của cậu học trò tên Vinh mà là lối hành xử vô văn hoá của ngành giáo dục, nhà cầm quyền và truyền thông xứ độc tài Việt Nam.
Ai vô ơn?
Lập luận chính của những kẻ tấn công cậu học sinh Quang Vinh, trên báo chí và trên mạng xã hội, là cậu này “thể hiện sự vô ơn với đảng và nhà nước.” Trần Thị Sánh, một bút nô đã ở tuổi thất thập từng bị chửi như tát nước vào mặt vì viết bài ca tụng Vladimir Putin, tổng thống Nga, khi tên tội phạm chiến tranh này đến Hà Nội tháng trước, nhân vụ cậu học trò tên Vinh cũng lao vào đánh hôi, lên án “một bộ phận giới trẻ hiện nay hiểu biết và sống rất lệch lạc, vô ơn với đất nước và Tổ quốc.”
Theo đám văn nô và dư luận viên này, người dân Việt Nam, nhất là những người có ăn có học, phải luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn đảng [CSVN], biết ơn chính phủ cộng sản vì “nhờ có đảng và chính phủ, nước ta mới được như ngày hôm nay” (???). Nói ngược lại như cậu Vinh thì dứt khoát phải bị trừng phạt!
Thật là một não trạng quái dị. Nói đến lòng biết ơn thì lẽ ra họ phải nói ngược lại: đảng CSVN, nhà nước cộng sản phải biết ơn người dân Việt Nam đã cúi đầu làm trâu ngựa cho chúng đè đầu cưỡi cổ, cần mẫn làm lụng đóng thuế để chúng tiêu xài vương giả và nhẫn nại cam chịu như bầy cừu trước quyền lực vô biên của chúng dù lúc nào cũng cũng ra rả: mọi quyền lực thuộc về nhân dân! Kẻ vô ơn với đất nước và tổ quốc này không ai khác hơn là đảng CSVN và bè đảng của chúng trong guồng máy chính quyền.
Gần 40 năm trước, tại đại hội lần thứ tư Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội năm 1989, nữ văn sĩ Dương Thu Hương đã lên án gay gắt thái độ vô ơn, ăn cháo đái bát của đảng CSVN đối với đất nước và dân tộc, lúc nào cũng buộc nhân dân phải “ơn đảng, ơn chính phủ” sau khi đã lợi dụng núi xương sông máu của người dân để giành lấy quyền lực tuyệt đối. Từ đó bà Hương bị tù đày, lên bờ xuống ruộng, phải tị nạn ở Pháp mấy chục năm nay.
Từ vụ đấu tố em học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, Tiến Sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy có một kết luận đanh thép: “Sau khi đã cướp hết chính quyền, giật lấy tự do và tước hết những quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do đi lại, quyền hội họp, quyền lập hội, họ [đảng CSVN] tiếp tục bắt người dân đóng thuế để nuôi chính bọn họ và họ kéo đất nước đi xuống vũng lầy của thế giới vì sự tham lam và thiếu hiểu biết, xong rồi họ bắt người ta phải nhớ ơn họ – những tội đồ của dân tộc.” Quả thật xác đáng. [qd]
Nỗi đau Quang Vinh gợi lại nỗi ám ảnh đấu tố trong lịch sử
Người Việt
Câu chuyện của em Chu Ngọc Quang Vinh, cậu học trò 17 tuổi, cựu thí sinh Olympia, bỗng chốc trở thành “tâm điểm” của một cuộc “đấu tố” trên mạng xã hội, đã khiến dư luận dậy sóng và làm dấy lên những nỗi niềm trăn trở về một bóng ma quá khứ tưởng chừng đã ngủ yên: văn hóa đấu tố.
Vụ việc không chỉ là một tấn bi kịch cá nhân của một cậu học trò, mà còn là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về những di chứng độc hại của chế độ độc tài, về sự tồn tại dai dẳng của một tư tưởng “truy bức tập thể” đã từng gây ra biết bao đau thương cho dân tộc Việt Nam.
Quang Vinh, một cậu học trò xuất sắc, từng được vinh danh trên sóng truyền hình quốc gia với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, bỗng chốc bị “lột trần” và “xét xử” công khai chỉ vì một story riêng tư trên Facebook. Trong story đó, em đã chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của bản thân về đảng Cộng Sản. Ban đầu, từ góc nhìn của một học sinh tiếp xúc với văn hóa phương Tây, em đã có những hoài nghi về những gì được dạy ở trường về đảng. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự ghi nhận từ chính quyền thông qua các danh hiệu, bằng khen, em đã có cái nhìn “thuần hơn” và chấp nhận thực tại, chọn cách “kệ đảng” để tập trung vào cuộc sống cá nhân, hòa nhập với môi trường do đảng lãnh đạo.
Những dòng tâm sự non nớt, chân thành của một cậu bé 17 tuổi, lẽ ra chỉ nên là câu chuyện riêng tư trong nhóm bạn bè 16 người xem story, đã bị một kẻ em coi là bạn bè “bán đứng” lòng tin đem ra làm công cụ “đấu tố”, hãm hại. Kênh Youtube Tuyền Văn Hóa – một kênh thông tin mang màu sắc “bò đỏ” – đăng tải video với tiêu đề giật gân, bóp méo nội dung story của Quang Vinh, quy chụp em là “phản động,”“vô ơn,”“có ý đồ chống phá Đảng.”
Đáng buồn hơn, kẻ đã “phản bội” lòng tin, phát tán story riêng tư của Quang Vinh lại còn được một bộ phận cư dân mạng tung hô như “anh hùng,”“người yêu nước,”“tổ quốc ghi công.” Tiếp theo đó, hàng loạt tờ báo chính thống như Pháp Luật Việt Nam, Công Thương, Lao Động, Tiền Phong, Hoa Học Trò… đồng loạt đăng tải bài viết với giọng điệu lên án gay gắt, quy kết Quang Vinh “phản bội Tổ quốc,”“phỉ báng chế độ,”“gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ,”…
Quang Vinh, từ một cậu học trò được ngưỡng mộ, bỗng chốc trở thành “tội đồ” trong mắt một bộ phận dư luận hung hăng. Em bị sỉ nhục, đe dọa, bị “khủng bố” tinh thần trên mạng xã hội đến mức phải khóa tài khoản Facebook, lánh mặt dư luận. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả gia đình em cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Cha mẹ Quang Vinh bị Công An Yên Bái triệu tập, làm việc, chịu sức ép từ chính quyền và bị yêu cầu phải “giáo dục” lại con cái.
Điều này cho thấy sự việc đã bị đẩy lên quá mức, vượt xa khỏi phạm vi một cuộc tranh luận trên mạng xã hội, mà trở thành một sự can thiệp thô bạo của chính quyền vào đời tư của một công dân, vào quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của một đứa trẻ 17 tuổi. Phải chăng, việc một cậu học trò chia sẻ suy nghĩ cá nhân, dù có phần “ngây ngô,”“chưa chín chắn,” trong một nhóm bạn bè riêng tư, lại là một “tội lỗi” nghiêm trọng đến mức phải huy động cả bộ máy công quyền để “xử lý,”“trấn áp”?
Sự việc này khiến người ta không khỏi lo ngại về tình trạng kiểm soát tư tưởng, đàn áp quyền tự do ngôn luận vẫn còn rất mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam. Chính quyền, thay vì bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, lại sử dụng bộ máy công quyền để can thiệp, gây sức ép, thậm chí “trấn áp” những tiếng nói “khác biệt,”“trái chiều.”
Vụ việc Quang Vinh đã phơi bày một góc tối của xã hội Việt Nam, nơi mà “văn hóa đấu tố” – một di chứng độc hại của chế độ độc tài – vẫn còn lẩn khuất và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn, vụ việc này còn cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, khi hành vi “phản bội” lòng tin, xâm phạm quyền riêng tư lại được cổ súy, tung hô như một hành động “yêu nước”, “bảo vệ chế độ.”
“Đấu tố” không phải là việc phê bình, góp ý, mà là một hình thức “truy bức tập thể” có tổ chức, nhằm hạ bệ, thanh trừng những cá nhân hoặc nhóm người bị coi là “kẻ thù,”“phản động,”“chống đối chế độ.” Nó khác với việc báo cáo – hành động nhằm ngăn chặn những hành vi gây hại cho cá nhân hoặc cộng đồng, như báo cáo bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em – đấu tố là một hành vi “ném đá giấu tay,” nhằm mục đích triệt hạ người khác, bất chấp việc hành vi của người bị đấu tố không hề gây hại cho ai. Nó thường dựa trên những cáo buộc thiếu căn cứ, bịa đặt, bóp méo sự thật, khiến nạn nhân không chỉ bị “xử lý” bởi chính quyền, mà còn phải hứng chịu sự sỉ nhục, miệt thị, tấn công từ cộng đồng.
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận những trang sử đen tối nhuốm máu “đấu tố.” Trong chiến dịch Cải cách ruộng đất (1953-1956), dưới chiêu bài “địa chủ cường hào gian ác,” hàng loạt cuộc đấu tố được dàn dựng ở các địa phương. Nông dân được huy động, xúi giục “vạch mặt chỉ tên” địa chủ, kể cả những người chỉ sở hữu một mảnh ruộng nhỏ, hay những người trí thức, có học thức bị quy chụp là “có gốc gác địa chủ.” Những người bị đấu tố bị lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, bị tra tấn, cướp đoạt tài sản, thậm chí bị xử tử công khai mà không qua xét xử. Ước tính, có đến hàng chục nghìn người đã bị sát hại oan uổng trong chiến dịch này, gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân và làm đảo lộn nghiêm trọng xã hội nông thôn miền Bắc.
Phong trào “Cách mạng Văn hóa” (1966-1976) cũng là một giai đoạn đen tối khác của lịch sử Việt Nam, khi “đấu tố” được sử dụng như một công cụ để “thanh lọc tư tưởng,”“xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.” Học sinh, sinh viên được khuyến khích “đấu tố” thầy cô, con cái “đấu tố” cha mẹ, cấp dưới “đấu tố” cấp trên. Những người bị đấu tố thường là trí thức, văn nghệ sĩ, những người có quan điểm khác biệt với đường lối của đảng. Họ bị gán cho những cái mác như “phản động,”“tay sai,”“thù địch,” bị phê đấu – một hình thức đấu tố tàn bạo du nhập từ Trung Quốc – bị hạ nhục, mất việc làm, bị giam cầm, thậm chí bị giết hại.
Dù đã trải qua nhiều thập kỷ, những vết thương lòng do “văn hóa đấu tố” gây ra vẫn chưa lành hẳn. Nỗi sợ hãi, sự ngờ vực, thói quen “im lặng là vàng” vẫn còn in hằn trong tâm trí nhiều người.
Vụ việc Quang Vinh là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta rằng bóng ma “đấu tố” vẫn chưa hoàn toàn tan biến. “Đấu tố” là một hành động hèn hạ, phi đạo đức, đi ngược lại các giá trị của một xã hội văn minh, nhân văn. Một xã hội văn minh là một xã hội đề cao sự đối thoại, tranh luận dựa trên lý lẽ, bằng chứng, chứ không phải bằng cách “đấu tố,” hạ bệ, triệt hạ người khác chỉ vì họ có những quan điểm trái chiều, thậm chí là đối lập với chính quyền. Xã hội đó phải là nơi mà mỗi cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình mà không phải lo sợ bị trả thù, trù dập. Việc cổ súy, bình thường hóa hành vi “đấu tố,” biến những kẻ “phản bội,” xâm phạm quyền riêng tư thành “anh hùng,” chính là tiếp tay cho sự hủy hoại lòng tin, đạo đức xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
“Văn hóa đấu tố” là một sản phẩm tất yếu của chế độ độc tài, nó hủy hoại lòng tin, bóp nghẹt sự sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Để xã hội Việt Nam thực sự bước vào kỷ nguyên của tự do, dân chủ và tiến bộ, chúng ta cần phải loại bỏ hoàn toàn tư tưởng độc hại này, dũng cảm lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền con người cho mọi công dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đảng CSVN dường như đang rất sợ hãi trước viễn cảnh một xã hội tự do, dân chủ, nơi người dân được tiếp cận thông tin đa chiều, có quyền tự do bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Bởi lẽ, khi người dân càng hiểu biết, càng có tiếng nói, thì những sai lầm, khuyết điểm, những vấn nạn của chế độ độc tài sẽ càng bị phơi bày, dẫn đến nguy cơ bùng nổ các phong trào phản kháng, đòi hỏi sự thay đổi.
Chính vì vậy, “văn hóa đấu tố” – với bản chất là công cụ để kiểm soát tư tưởng, đàn áp những tiếng nói bất đồng – đang được đảng CSVN “níu kéo” như một “phao cứu sinh” để duy trì quyền lực.
Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi. Số phận và tương lai của đất nước Việt Nam, cuối cùng, phải do chính người dân Việt Nam tự quyết định, chứ không phải phó mặc cho bất cứ một đảng phái, chế độ độc tài nào. Và nó cũng bắt đầu bằng sự dũng cảm từ các thế hệ trẻ tri thức như em Quang Vinh.