Mục lục
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Trump – Harris, hai phương pháp chuẩn bị cho cuộc tranh luận tay đôi
RFI
Trước cuộc tranh luận tay đôi ngày 10/09/2024 hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris ráo riết chuẩn bị. Sự kiện này được coi là mang tính quyết định để thuyết phục những cử tri còn do dự. Chưa đầy hai tháng trước ngày bầu cử, các thăm dò gần đây nhất cho thấy, trên toàn quốc, cựu tổng thống Hoa Kỳ đại diện cho đảng Cộng Hòa dẫn đầu cuộc đua, cho dù khoảng cách với đối thủ của bên đảng Dân Chủ rất « hẹp » : ông Trump chỉ hơn bà Harris có 1 điểm.
Ảnh minh họa : Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump (T) và ứng viên đảng Dân Chủ bà Kamala Harris trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2024. REUTERS – Reuters Photographer
Theo cuộc thăm dò do báo New York Times và trường đại học Siena College thực hiện trong giai đoạn từ 03-06/09/2024, cựu tổng thống Trump vẫn có cơ may trở lại Nhà Trắng. Ở cấp toàn quốc, 48 % những người được hỏi cho biết có ý định ủng hộ ông Trump, 47 % sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris. Tuy nhiên tại ba bang bản lề « swing State » (Wisconsin, Michigan và Pennsylvania), phó tổng thống Kamala Harris hơn điểm ông Trump. Tại 4 bang khác, (Nevada, North Carolina, Georgia và Arizona) hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa ngang điểm nhau. Một thăm dò thứ nhì, được thực hiện trong cùng thời gian, cho thấy lợi thế của bà Harris không nhiều. Do vậy, Donald Trump cũng như Kamala Harris đã chuẩn bị kỹ từ nhiều tuần qua cho cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, diễn ra vào tối Thứ Ba 10/09/2024.
Mỗi bên có một phương pháp và chiến thuật khác nhau, như giải thích của thông tín viên RFI Loubna Anaki từ New York :
Đây sẽ là một trong những khoảnh khắc mang tính quyết định nhất cho cả cuộc vận động tranh cử tổng thống. Mỗi bên có cách riêng chuẩn bị cho sự kiện này. Về phía Donald Trump, ông tổ chức các buổi làm việc như một cuộc họp mang tính chính trị. Những người thân cận của ứng viên đảng Cộng Hòa tuyệt nhiên không coi đây là những buổi họp để chuẩn bị cho cuộc tranh luận sắp tới. Cựu tổng thống Mỹ tập hợp các cố vấn xung quanh ông, trả lời những câu hỏi họ nêu lên. Đội ngũ cố vấn nhắc lại những gì ông đã đạt được trong thời gian ở Nhà Trắng. Họ mong rằng trong cuộc tranh luận Donald Trump chỉ tập trung vào các câu hỏi mang tính chính trị và sẽ không có những phát biểu mang tính xem thường nữ giới hay kỳ thị chủng tộc, hoặc những câu trả lời dài dòng không có đầu có đuôi. Họ muốn tránh tuyệt đối hình ảnh một ứng cử viên quá hung hăng và ăn nói bạt mạng.
Về phần Kamala Harris, bà chuẩn bị cho sự kiện này một cách cần mẫn hơn. Ban cố vấn thuê khách sạn, dựng hẳn một phòng thu tương tự như nơi sẽ diễn ra cuộc tranh luận sắp tới. Một trong những cố vấn của bà Harris thậm chí đóng vai ông Trump. Phó tổng thống Kamala Harris đã không phải tranh luận về chính sách, không phải bảo vệ thành tích hay các chính sách kể từ cuộc bầu cử sơ bộ khi bà ra ứng cử vào chức vụ phó tổng thống Hoa Kỳ, cách nay 4 năm. Nhóm cộng sự hy vọng bà có thể trình bày chương trình tranh cử và ghi điểm so với Donald Trump trong một cuộc đua mà kết quả hiện vẫn còn rất sít sao.
Ông Trump vs bà Harris: Ai là kèo trên trong cuộc tranh luận tổng thống ngày 10/9?
Jeremy Howell
BBC World Service
Cuộc tranh luận tổng thống Mỹ lần hai trong năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tới đây và sẽ là lần đầu tiên ông Donald Trump và bà Kamala Harris đối đầu trực tiếp.
Các cuộc tranh luận tổng thống trên truyền hình thường thu hút lượng lớn người xem và có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định bỏ phiếu của cử tri Mỹ.
Bà Kamala Harris được cho là một người tranh luận lão luyện, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump trong các cuộc tranh luận tổng thống năm 2016 và 2020 đã thể hiện rằng ông là một đối thủ đáng gờm.
Tranh luận tổng thống: thời gian và luật chơi
Cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania vào ngày 10/9/2024. Bắt đầu lúc 9 giờ tối, theo múi giờ miền Đông của Mỹ (sáng ngày 11/9 theo giờ Việt Nam).
Đây là cuộc tranh luận tổng thống thứ hai trong năm 2024.
Cuộc đầu tiên được tổ chức vào tháng 6 giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, trước khi vị tổng thống đương nhiệm quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cuộc tranh luận sẽ được phát sóng trên đài ABC và phát trực tiếp trên các kênh ABC News Live, Disney+ và Hulu.
Chương trình sẽ có giới hạn thời gian nghiêm ngặt. Mỗi ứng cử viên có tối đa hai phút để trả lời mỗi câu hỏi của người điều phối và sẽ có hai phút để phản biện.
Mirco của họ sẽ bị tắt tiếng khi người kia đang nói và sẽ không có khán giả tại trường quay.
Bà Harris từng muốn bật micro trong suốt cuộc tranh luận, nhưng mới đây đã đồng ý với quy tắc tắt tiếng khi bên kia phát biểu.
Quy tắc này được đưa ra bốn năm trước sau khi cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden bị gián đoạn vì tranh cãi.
Hai người dẫn chương trình tin tức David Muir và Linsey Davis của kênh ABC sẽ điều phối chương trình này.
Bà Kamala Harris có thế mạnh gì?
Bà Kamala Harris đã tham gia các cuộc tranh luận bầu cử kể từ năm 2003, khi bà giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành công tố viên quận của San Francisco.
Phó tổng thống 59 tuổi cũng từng tranh luận thành công để được bầu làm tổng chưởng lý California và thượng nghị sĩ đại diện bang California.
Năm 2019, bà Harris đã tranh luận với ông Biden để cạnh tranh vị trí ứng viên của Đảng Dân chủ, bà đối đầu với ông Mike Pence trong cuộc tranh luận phó tổng thống năm 2020.
Phó tổng thống đã chứng minh rằng bà có thể kiểm soát sân khấu. Trong cuộc tranh luận năm 2020 với ông Pence, bà đã chỉ trích ông vì đã ngắt lời bà, bà nói rằng: “Thưa Phó Tổng thống, tôi đang phát biểu.”
Điều này có thể mang lại lợi thế cho bà khi phản bác lại những quan điểm mà ông Donald Trump đưa ra trong cuộc tranh luận sắp tới.
Tuy nhiên, bà Harris đã thất bại trong nỗ lực trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2020 và đã rút lui trước cuộc họp kín của đảng ở Iowa, và bị chỉ trích không có những quan điểm chính sách nhất quán.
Trong cuộc tranh luận vào ngày 10/9, bà Harris có thể sẽ phải trả lời một số câu hỏi khó về chính sách của bà do người dẫn chương trình đặt ra.
Mặt khác, bà Harris cũng bị cho là hay nói vòng vo khi phát biểu trước công chúng.
Ví dụ, trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài CNN, bà đã nói: “Đây là vấn đề cấp bách mà chúng ta nên áp dụng các phương pháp bao gồm việc tự đặt ra thời hạn.”
Trong các cuộc tranh luận tổng thống, thời gian phát biểu bị hạn chế nghiêm ngặt và các thông điệp tranh cử phải được truyền đạt rõ ràng đến cử tri.
Ông Trump có kỹ năng tranh luận gì?
Cuộc tranh luận vào ngày 10/9 với ông Trump sẽ là thách thức lớn nhất mà bà Harris phải đối mặt kể từ khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Ông Trump đã có hai đợt tham gia tranh luận tổng thống, lần lượt vào năm 2016 và 2020, và đã chứng tỏ mình là một đối thủ rất hiếu chiến và phi truyền thống.
Trong các cuộc tranh luận năm 2016 với bà Hillary Clinton, ông đã đi đi lại lại trên sân khấu và đứng ngay sau bà Clinton khi bà đang phát biểu, điều mà nữ chính trị gia cho biết là “khiến bà sởn gai ốc”.
Năm 2020, trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, ông Trump liên tục ngắt lời ông Joe Biden, khiến ông Biden phải quát lên: “Ông có im đi không?”
Những chiến thuật này đã làm các đối thủ của ông Trump phân tâm và khiến ông trở thành tâm điểm chú ý.
Tuy nhiên, ông Trump thường xuyên lạc đề trong các cuộc tranh luận và đưa ra những tuyên bố mà qua kiểm chứng cho thấy là không đúng sự thật.
Ai đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò?
Trước khi quyết định rút lui vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã tụt lại phía sau ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, cả trên toàn quốc và ở một số tiểu bang chiến trường.
RealClearPolitics, một tổ chức phân tích chính trị, đã tổng hợp điểm trung bình các cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc và cho biết bà Harris đã được lòng cử tri hơn ông Trump từ khi được chọn làm ứng cử viên Đảng Dân chủ.
Theo đó, bà Harris đang dẫn trước ông Trump 1,9 điểm trên toàn quốc, tính đến ngày 3/9/2024.
Tuy nhiên, bà Hillary Clinton từng dẫn trước 5 điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc vào cùng thời điểm năm 2016 nhưng cuối cùng đã thua ông Trump.
Các cuộc khảo sát trong các bang được coi là quan trọng hơn các cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc. Lí do là vì kết quả bầu cử ở từng bang sẽ xác định số phiếu đại cử tri đoàn mà một ứng cử viên nhận được và đại cử tri đoàn quyết định ai trở thành tổng thống.
Có một số ít bang chiến trường như Arizona, Georgia, Michigan, Bắc Carolina và Pennsylvania đóng vai trò quan trọng đối với các ứng cử viên để giành chiến thắng. Trong tất cả các bang này, cuộc đua đang rất sít sao.
Vào đầu tháng Chín, RealClearPolitics cho biết bà Harris đã vượt qua ông Trump trong các cuộc khảo sát ở Michigan và Georgia và đang hòa với ông ở Pennsylvania, nhưng vẫn tụt lại ở Arizona và Bắc Carolina.
Các nhà phân tích chính trị có nhận định chung là cuộc đua quá sít sao nên khó có thể dự đoán kết quả cuộc bầu cử.
Một ứng cử viên cần 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc tổng thống.
Các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ giành được 226 phiếu đại cử tri, Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ giành được 219 phiếu và 93 phiếu còn lại có thể nghiêng về bất cứ bên nào.
Thứ ba, 10/9/2024
Những yếu tố có thể định đoạt cuộc tranh luận Trump – Harris
VNExpress
Khả năng kiềm chế của Trump, cách Harris tạo dấu ấn hay ngôn ngữ cơ thể được cho là những yếu tố có thể quyết định ai thắng thế trong màn tranh luận.
Donald Trump và Kamala Harris sẽ tranh luận lần đầu tiên vào 21h ngày 10/9 (8h ngày 11/9 giờ Hà Nội) tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Philladelphia. Cuộc đối đầu sẽ kéo dài 90 phút, diễn ra 75 ngày sau khi Tổng thống Joe Biden thể hiện kém trong cuộc tranh luận khiến ông phải kết thúc cuộc đua Nhà Trắng. Phó tổng thống Harris, ứng viên mới đại diện đảng Dân chủ, hiện có động lực tranh cử rất tốt, song cựu tổng thống Trump cũng đang ấp ủ nhiều kế hoạch nhằm chấm dứt “tuần trăng mật” của bà.
Bà Harris liệu có thể ghi điểm?
Trong cuộc tranh luận hôm 27/6, ông Biden không thể tung ra những đòn tấn công sắc bén nhằm vào đối thủ. Ông thậm chí phải chật vật chỉ để đưa ra những lập luận mạch lạc. Phe Dân chủ thất vọng khi ông không thể tận dụng những điểm yếu chính trị rõ ràng của Trump, như vấn đề phá thai, bạo loạn Đồi Capitol, những vấn đề đạo đức hay rắc rối pháp lý, để nhấn chìm đối thủ.
Bà Harris, người từng là công tố viên và tổng chưởng lý, được kỳ vọng sẽ làm tốt hơn nhiều. Các cuộc thăm dò cho thấy Phó tổng thống đảng Dân chủ đang cạnh tranh sít sao hoặc vượt qua cựu tổng thống đảng Cộng hòa ở một số bang chiến trường.
Nhưng ngay cả với những lợi thế như vậy, việc ghi điểm trước Trump trên sân khấu tranh luận cũng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Ông được đánh giá là người tranh luận giàu kinh nghiệm nhất lịch sử tổng thống hiện đại. Từng là một ngôi sao truyền hình thực tế, Trump biết cách khiến sự chú ý tập trung vào mình. Và rõ ràng là ông thích tranh đấu, giới chuyên gia nhận định.
Harris gần đây ngụ ý rằng bà đang mong đợi một cuộc đối đầu quyết liệt. “Donald Trump, nếu ông có điều gì muốn nói, hãy nói thẳng vào mặt tôi”, Phó tổng thống Mỹ tuyên bố trước đám đông khán giả reo hò tại sự kiện vận động chính trị ở Atlanta hồi tháng trước.
Trump có kiềm chế được không?
Trump không được biết đến với tính kỷ luật hay khả năng tuân theo kịch bản. Các màn tranh luận của ông thường được thúc đẩy nhiều hơn bởi bản năng hơn là những phân tích thấu đáo.
Do đó, không quá nhiều người tin rằng cựu tổng thống sẽ đưa ra một màn công kích rõ ràng, ngắn gọn và súc tích. Tuy nhiên, để giành thắng lợi trong tranh luận, ông cần nhiều hơn là cách tiếp cận “bộc phát” thường thấy của mình.
Trump đã đặt ra những câu hỏi về chủng tộc, về hồ sơ làm việc của Harris. Ông thường xuyên nhắc nhở cử tri rằng bà đã phục vụ trong chính quyền Tổng thống Biden gần 4 năm và chắc chắn sẽ tiếp tục những chính sách cũ mà người tiền nhiệm theo đuổi nếu thắng cử.
Nhiều đảng viên Cộng hòa tin rằng công kích vào mối liên hệ giữa Harris với Biden là cách làm hiệu quả nhất. Họ muốn ông gợi lại câu hỏi của ứng viên Ronald Reagan trong cuộc tranh luận năm 1980: “Các bạn có khá giả hơn thời 4 năm trước không?”, khi đối đầu với tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter. Ông Reagan cuối cùng đã chiến thắng cuộc bầu cử.
Vấn đề đặt ra là liệu Trump có thể truyền tải thông điệp đó mà không khiến nó bị lu mờ bởi những tuyên bố quá gay gắt, gây tranh cãi hay không.
Ngôn ngữ cơ thể và tuổi tác
Trong cuộc tranh luận giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu sẽ là vấn đề đặc biệt gây chú ý. Trong mùa bầu cử năm 2016, ông Trump liên tục đứng phía sau lưng bà Hillary Clinton khi bà đang hướng về phía khán giả. Clinton đã mô tả bà “sởn gai ốc” khi ông Trump “rình rập”.
Điều này sẽ không thể lặp lại trong sự kiện ngày 10/9, vì Harris và Trump, những người chưa từng gặp mặt trực tiếp, sẽ được yêu cầu đứng yên tại bục phát biểu của họ. Đảng Cộng hòa hy vọng ông Trump có thể tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào khác như chỉ tay, hét lên hay công kích Harris theo cách có thể gây khó chịu cho các cử tri nữ hay những cử tri dao động khác.
Phó tổng thống Harris cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chủng tộc và giới tính của bà, khi cử tri cân nhắc liệu có nên bầu bà làm nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia hay không. Một số cử tri vẫn nói họ không thoải mái với ý tưởng này. Do đó, Harris cũng cần thận trọng trong ngôn ngữ cơ thể, vì nếu tỏ ra tức giận, Phó tổng thống có nguy cơ bị gán với những định kiến phân biệt chủng tộc về phụ nữ da màu.
Ngoài vấn đề giới tính, khác biệt về tuổi tác giữa hai ứng viên cũng có thể tác động mạnh mẽ tới cuộc tranh luận. Harris, 59 tuổi, trẻ rất nhiều so với Trump, 78 tuổi. Tuổi tác từng là lợi thế của Trump khi ông đối mặt với Tổng thống Biden, 81 tuổi, nhưng tình hình hiện đã đảo ngược. Nếu đắc cử, Trump sẽ là tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từng được bầu.
Chính sách
Có khác biệt đáng kể giữa Trump và Harris về các vấn đề quan trọng mà hàng triệu cử tri quan tâm. Đảng Cộng hòa hy vọng ông Trump sẽ đưa nhập cư trở thành vấn đề quyết định của cuộc tranh luận. Họ đã lên án mạnh mẽ cách chính quyền Biden xử lý vấn đề nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Mỹ – Mexico trong suốt 4 năm qua.
Trước đây, vấn đề này chủ yếu thu hút phe Cộng hòa, nhưng nhập cư bất hợp pháp và những lo ngại liên quan đến ma túy, tội phạm, an ninh quốc gia, hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với gần như tất cả nhóm cử tri.
Bà Harris nhiều khả năng sẽ nhắc nhở cử tri rằng ông Trump đã tác động để dự luật nhập cư không được thông qua hồi đầu năm. Dự luật bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống tị nạn của quốc gia và cơ chế đóng cửa biên giới đối với hầu hết người di cư khi số lượng người vượt biên đặc biệt cao. Phe Cộng hòa tại Thượng viện hồi tháng 2 chặn dự luận sau áp lực từ ông Trump, người chỉ trích nó “thiếu hiệu quả”.
Nhưng nhìn chung, bà Harris vẫn có thể phải ở thế thủ khi vấn đề được nêu ra. Dưới thời Tổng thống Biden, số người vượt biên bất hợp pháp qua đường biên giới dài hơn 3.000 km ngăn cách Mỹ với Mexico đã tăng kỷ lục, với mức đỉnh điểm hồi tháng 12/2023 là 300.000 người, tức 10.000 người mỗi ngày.
Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn tập trung vào vấn đề phá thai. Trump đã bổ nhiệm ba thẩm phán Tòa án Tối cao, những người sau đó đã lật ngược phán quyết Roe v. Wade bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Cựu tổng thống nhiều lần nói rằng ông tự hào vì điều này. Nhưng khi nhận thấy rằng quan điểm như vậy không được nhiều phụ nữ ưa chuộng, ông đã cố gắng điều chỉnh lập trường.
Dù vậy, Phó tổng thống Harris chắc chắn sẽ không để câu chuyện trôi qua dễ dàng. Là phụ nữ, bà có khả năng truyền đạt vấn đề này hiệu quả hơn so với Tổng thống Biden. Về phía cựu tổng thống Trump, với tình hình hiện tại, ông không thể để mất thêm nhiều cử tri nữ hơn nữa.