Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 9/9 lên tiếng chỉ trích việc chính quyền một số quốc gia đã bóp nghẹt các quyền tự do căn bản, trong đó nêu đích danh chính quyền Việt Nam “đàn áp giới hoạt động”.
Trong phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhận định rằng “chúng ta chứng kiến những nỗ lực nhằm bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do báo chí, kể cả trong bối cảnh bầu cử”.
“Những quyền tự do như vậy rất quan trọng cho các cuộc tranh luận mang tính phê phán, nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho xã hội và tìm ra giải pháp cho những vấn đề đa dạng mà chúng ta gặp phải”, ông nhấn mạnh.
Bài phát biểu của ông Turk được kênh UN Web TV tường thuật trực tiếp và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đăng toàn văn.
Ông dẫn chứng cho nỗ lực bóp nghẹt các quyền nêu trên là việc giam giữ các nhà báo ở Azerbaijan; bắt giữ, giam giữ và quấy rối các đối thủ chính trị ở Mali, Uganda và Venezuela; bắt giữ và giam giữ các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động ở Tunisia; đàn áp các đối thủ chính trị và nhà báo ở Nicaragua; và đàn áp các nhà hoạt động ở Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về phát biểu trên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhưng chưa được phản hồi.
Thông Tấn xã Việt Nam và các trang báo nhà nước của Việt Nam hôm 9/9 có bài tường thuật về bài phát biểu của ông Turk, nhưng không đề cập đến việc ông nêu đích danh Việt Nam về việc ông chỉ trích nỗ lực của Hà Nội trong việc đàn áp giới hoạt động.
Trong bài phát biểu của mình, ông Turk cũng nhắc đến Trung Quốc, nơi có những hạn chế quá mức đối với không gian dân sự, tiếp tục được áp đặt dưới danh nghĩa của an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
Người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền của LHQ cũng cảnh báo về tình trạng lan truyền thông tin sai lệch, sự thật bị che giấu và khả năng đưa ra những lựa chọn tự do và sáng suốt.
Ông Turk cũng đề cập tới những vấn đề mà thế giới đối mặt trong tương lai, như leo thang căng thẳng, sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc và tình trạng biến đổi khí hậu.
“Nhân quyền, bao gồm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, phải được đặt lên hàng đầu và trung tâm trong nỗ lực quản lý công nghệ kỹ thuật số, đồng thời giúp đảm bảo ngăn chặn bạo lực trực tuyến, thông tin sai lệch, lời nói căm thù và kích động hận thù”, ông Turk nói.