Mục lục
Blogger của RFA Nguyễn Vũ Bình bị kết án 7 năm tù
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình (phải) Fb Nghiem Vietanh
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 10/9 đã kết án 7 năm tù giam đối với nhà báo độc lập, blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) Nguyễn Vũ Bình về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Phiên toà sơ thẩm diễn ra vào buổi sáng thứ Ba tại trụ sở của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội. Có ba luật sư bào chữa cho ông Bình gồm hai ông Lê Đình Việt và Lê Văn Luân, và bà Nguyễn Thị Trang. Chị ruột và con gái của ông Bình được vào phòng xử án để quan sát phiên toà.
Một luật sư muốn ẩn danh vì lý do an ninh, nói với RFA trên đường rời toà án:
“Thân chủ của tôi thừa nhận hành vi thực hiện, nhưng không thừa nhận có tội mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo Hiến pháp Việt Nam hiện hành và Công ước về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Ông cũng không đồng ý với cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát.”
Vị luật sư này cũng cho biết trong phiên toà, các luật sư được tự do trình bày bào chữa của mình trong khi ông Bình khá bình thản.
Luật sư nói ông Nguyễn Vũ Bình không kháng án cho dù không thừa nhận phạm tội, có lẽ là do “không tin vào tính công bằng của nền tư pháp Việt Nam và sẽ vô ích vì kháng án sẽ không thay đổi được gì như trong nhiều vụ án tương tự khác.”
Luật sư không đồng tình với tính thuyết phục của bản án, và mức án nặng nề là do toà án vận dụng tình tiết “tái phạm.”
Năm 2003, ông Nguyễn Vũ Bình bị kết tội “gián điệp” với mức án 7 năm tù chỉ vì đã báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Phòng, chị ruột của ông Bình trong tin nhắn gửi RFA trong trưa thứ Ba cho rằng “bản án quá nặng nề.”
Bị cáo buộc bình luận chính trị trên kênh Youtube của nước ngoài
Ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, bị bắt vào ngày 29/2 vừa qua vì bị cáo buộc tham gia chương trình bình luận về chính trị, kinh tế, xã hội cùng với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài và phát trên kênh Youtube “TNT Media Live” trong ba tháng đầu năm 2022.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Bình bị truy tố theo điểm b “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” của khoản 1 Điều 117 vì tham gia bình luận trong bốn video clip đăng tải trong tháng 1 và tháng 3/2022 chứa nội dung “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”
Ông Bình được cho là đã xác nhận nội dung trong các video clip là tin tức chính trị, kinh tế, xã hội được thu thập từ nhiều nguồn như mạng Internet, báo chí, mạng xã hội sau đó tổng hợp, phân tích, bình luận.
Theo đó, ông Nguyễn Vũ Bình biết kênh Youtube “TNT Media Live” do người nước ngoài lập nhưng không nhớ ai là người tạo lập, quản trị, sử dụng; không biết ai là người đăng tải các video clip lên kênh Youtube nêu trên.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử không có thông tin, dữ liệu và không có biện pháp kỹ thuật cần thiết để xác định thông tin của kênh Youtube này.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng việc bắt giữ và kết án ông Bình nằm trong chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến của ông Tô Lâm trong quá trình chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản cầm quyền. Từ Đức, ông nói với RFA sau khi có bản án:
“Chúng tôi đã chỉ lựa chọn những tin tức ở trong nước để đưa tin và bình luận theo quan điểm cá nhân, đó là quyền con người, quyền công dân được ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013.
Đây là bản án bất công và phi lý, nó mang tính chất đàn áp người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.”
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Vũ Bình bị cầm tù. Năm 2000, sau khi bỏ việc ở Tạp chí Cộng sản, ông tham gia viết bài về dân chủ, nhân quyền và có đơn xin thành lập đảng đối lập.
Hai năm sau, ông bị bắt giam vì gửi tài liệu do ông soạn thảo và tập hợp bị cho là “có nội dung xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam” cho nước ngoài. Năm kế tiếp, ông bị kết án bảy năm tù giam về tội danh “gián điệp.”
Vì các hoạt động chính trị ôn hoà, ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trao giải thưởng danh giá Hellmann/Hammett dành cho các nạn nhân của đàn áp chính trị, vào năm 2002 và 2007.
RFA (10.09.2024)
Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk phát biểu khai mạc phiên họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền hôm 9/9/2024.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 9/9 lên tiếng chỉ trích việc chính quyền một số quốc gia đã bóp nghẹt các quyền tự do căn bản, trong đó nêu đích danh chính quyền Việt Nam “đàn áp giới hoạt động”.
Trong phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ, ông Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhận định rằng “chúng ta chứng kiến những nỗ lực nhằm bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tự do báo chí, kể cả trong bối cảnh bầu cử”.
“Những quyền tự do như vậy rất quan trọng cho các cuộc tranh luận mang tính phê phán, nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho xã hội và tìm ra giải pháp cho những vấn đề đa dạng mà chúng ta gặp phải”, ông nhấn mạnh.
Bài phát biểu của ông Turk được kênh UN Web TV tường thuật trực tiếp và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đăng toàn văn.
Ông dẫn chứng cho nỗ lực bóp nghẹt các quyền nêu trên là việc giam giữ các nhà báo ở Azerbaijan; bắt giữ, giam giữ và quấy rối các đối thủ chính trị ở Mali, Uganda và Venezuela; bắt giữ và giam giữ các đối thủ chính trị và các nhà hoạt động ở Tunisia; đàn áp các đối thủ chính trị và nhà báo ở Nicaragua; và đàn áp các nhà hoạt động ở Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về phát biểu trên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhưng chưa được phản hồi.
Thông Tấn xã Việt Nam và các trang báo nhà nước của Việt Nam hôm 9/9 có bài tường thuật về bài phát biểu của ông Turk, nhưng không đề cập đến việc ông nêu đích danh Việt Nam về việc ông chỉ trích nỗ lực của Hà Nội trong việc đàn áp giới hoạt động.
Trong bài phát biểu của mình, ông Turk cũng nhắc đến Trung Quốc, nơi có những hạn chế quá mức đối với không gian dân sự, tiếp tục được áp đặt dưới danh nghĩa của an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
Người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền của LHQ cũng cảnh báo về tình trạng lan truyền thông tin sai lệch, sự thật bị che giấu và khả năng đưa ra những lựa chọn tự do và sáng suốt.
Ông Turk cũng đề cập tới những vấn đề mà thế giới đối mặt trong tương lai, như leo thang căng thẳng, sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc và tình trạng biến đổi khí hậu.
“Nhân quyền, bao gồm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, phải được đặt lên hàng đầu và trung tâm trong nỗ lực quản lý công nghệ kỹ thuật số, đồng thời giúp đảm bảo ngăn chặn bạo lực trực tuyến, thông tin sai lệch, lời nói căm thù và kích động hận thù”, ông Turk nói.
VOA (10.09.2024)
Khủng bố tinh thần người làm thiện nguyện
„Với việc vu khống, khủng bố tinh thần người làm thiện nguyện như hiện nay thì dần dần sẽ không còn người tốt nào dám độc lập làm từ thiện bằng cái tâm bất vụ lợi.“
Dân Trần
Sau 50 cầm quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đảng cộng sản vẫn không thể giúp người dân có đủ cơm ăn áo mặc và trẻ có tập sách đến trường. Thế nhưng khi có ai đó làm từ thiện thì nhà cầm quyền lại điều tra, theo dõi, đề phòng thế lực thù địch. Với cộng sản, mọi hoạt động mà họ không kiểm soát được thì đều là bất hợp pháp và phải bị tiêu diệt.
Còn nhớ mùa lũ năm 2020, các ca sĩ, diễn viên kêu gọi từ thiện xong thì phải mang tiền giao nộp cho Mặt trận Tổ quốc. Nếu không nộp lại thì bị ép phải sao kê, “phong sát”, trù dập. Điều nghịch lý ở đây là người dân không tin tưởng vào chính quyền nên mới gửi tiền cho tư nhân làm từ thiện, cứu trợ lũ lụt; nhưng tư nhân nhận được tiền của dân xong thì phải giao lại cho Mặt trận Tổ quốc xử lý. Nếu không, nhẹ thì bị dư luận viên, báo chí nhà nước trù dập, nặng thì công an tới yêu cầu sao kê, kiểm toán, đe doạ phạt tù…
Mới đây nhất là trường hợp anh Trần Quyết Thắng, người sáng lập và điều hành dự án “Rebike For Kids”. Anh này vốn là chủ khách sạn ở Hà Tĩnh, nhưng năm 2020, chứng kiến nhiều trẻ em nghèo phải đi bộ tới trường, anh đã dừng kinh doanh và phát triển dự án thu gom xe đạp cũ từ các bãi phế liệu, rồi tái chế thành xe mới để tặng cho học sinh nghèo.
Bên trong xưởng tái chế xe đạp
Sau 4 năm, dự án Rebike For Kids này đã hồi sinh được 4000 chiếc xe đạp để trao đến trẻ em nghèo trên khắp cả nước. Đã có nhiều tờ báo khen ngợi dự án này và tuyên dương anh Thắng là tấm gương sáng cho thanh niên. (1)
Vậy nhưng, trong mắt quan chức tỉnh Hà Tĩnh, anh Trần Quyết Thắng lại là một đối tượng “phản động”. Họ cho truyền thông địa phương viết bài chụp mũ anh này làm thiện nguyện núp bóng xã hội dân sự nhằm chống phá nhà nước. (2)
Học sinh nhận xe tái chế của Rebike For Kids
Bài viết vu khống anh Thắng và dự án Rebike For Kids trên báo Hà Tĩnh năm 2021 này đã khiến cả gia đình anh này phải khổ sở trong một thời gian dai. Không chịu được nỗi oan này, cha anh Thắng đã ra đi mãi mãi do suy sụp tinh thần. Anh Thắng cũng đã viết thư kiến nghị lên sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh để yêu cầu xử lý nghiêm tờ báo này và cải chính, xin lỗi công khai, nhưng tới nay mọi chuyện vẫn vậy (3). Và nhà cầm quyền vẫn tìm mọi cách phá hoại dự án thiện nguyện của anh.
Kể về hậu quả của việc vu khống này, anh Thăng viết trên facebook: “Bài báo ấy là nguyên nhân gián tiếp khiến gia đình tôi rơi vào bi kịch. Tôi đã từng khiếu nại, từng đấu tranh với những lời lẽ bịa đặt, vu khống trong bài báo đó, nhưng mọi nỗ lực của tôi đều không mang lại kết quả. Nhiều lần tôi cũng đã lên tiếng trên trang cá nhân về việc này.
Bài báo đó không chỉ gây khó khăn trong công việc của tôi, gián tiếp dẫn đến sự ra đi của cha tôi, mà còn kéo dài đến tận bây giờ, không buông tha. Tôi từng nghĩ, mình cố gắng làm việc, chứng minh bằng những việc làm của mình, rồi mọi người sẽ thấu hiểu và bài báo sẽ bị chôn vùi.
Nhưng không, suốt hơn 3 năm qua, mỗi khi tôi bắt đầu một dự án mới hoặc chương trình trao tặng xe mới, những kẻ độc ác, nặc danh lại đào bới bài báo đó để tấn công, gây tổn thương cho tôi, gia đình tôi và những người cùng làm việc với tôi”. (4)
Trong diễn biến mới nhất, ngày 5/9/2024, khi mang 10 chiếc xe đạp tái chế tới tặng học sinh trường Tiểu học Sơn Bình (xã Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh), thì Rebike For Kids đã bị ngăn cản, buộc phải đem xe về chứ không thể phát cho trẻ em nghèo (5). Mặc dù không nói rõ là ai cản trở việc thiện nguyện này, nhưng có lẽ không khó để đoán những kẻ giấu mặt đó là ai.
Với việc vu khống, khủng bố tinh thần người làm thiện nguyện như hiện nay thì dần dần sẽ không còn người tốt nào dám độc lập làm từ thiện bằng cái tâm bất vụ lợi. Trong tương lai có lẽ chỉ còn những kẻ lợi dụng từ thiện để làm vì danh vì lợi, sẵn sàng hợp tác với cường quyền. Khi điều đó xảy ra, thì từ thiện sẽ không còn mang cái nghĩa tốt đẹp vốn có nữa rồi, và xã hội Việt Nam sẽ không bao giờ hết người nghèo, vì phải còn người nghèo thì mới có lý do cho kẻ xấu tư lợi khi làm từ thiện.
Dân Trần
_____________________
Tham khảo:
(1) https://vtv.vn/video/thanh-pho-am-ap-tinh-nguoi-04-8-2024-688779.htm
(3) https://www.facebook.com/100000176827961/posts/4611180245564491/
(4) https://www.facebook.com/share/p/wj6UzLWZj5Q7H2ZU/?
(5) https://www.facebook.com/share/p/wAjYGU4SqYykPeTC/?
VNTB (10.09.2024)
Cựu thành viên CHTV Phan Vân Bách bị xử sơ thẩm vào ngày 16/9
Ông Phan Vân Bách cầm tấm biển phản đối tăng giá xăng. Facebook/Phan Vân Bách
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm vào ngày 16/9 tới đây để xét xử ông Phan Vân Bách, cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV, về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Bách, một người tham gia nhiều hoạt động dân sự ở Hà Nội từ đầu thập niên trước, bị bắt vào ngày 29/12 năm ngoái vì có nhiều bài viết cùng video clip đăng tải trên mạng xã hội bị cho là có nội dung chống chế độ.
Thông tin về phiên toà sơ thẩm được vợ ông là bà Nguyễn Thị Yêu, chia sẻ cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) sau khi nhận tin từ luật sư Lê Văn Luân, người được gia đình thuê để bảo vệ cho ông Bách trong phiên toà sơ thẩm.
Bà nói với RFA trong ngày 09/9:
“Sáng ngày 16/9 là họ xử anh Bách mà người ta không thông báo gì cho gia đình. Tôi chỉ được biết qua luật sư thôi.”
Phóng viên liên lạc với luật sư Lê Văn Luân và được ông xác nhận lịch xét xử ông Bách vào ngày thứ hai tuần sau.
Như RFA đã đưa tin, ngày 19/7, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố ông Bách điểm a, b, và c của khoản 1, Điều 117 “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý.
Cáo trạng nói ông Bách đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên mình đăng tải 12 bài viết cùng sáu video clip trong các năm 2018-2022 có nội dung bị cho là “xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, nói xấu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; phát tán các hình ảnh cắt ghép bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo nhà nước, kích động quần chúng…”
Trong buổi thăm gặp chồng ở Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội vào đầu tháng 6, bà Yêu không nhận ra chồng mình vì ông gày và tiều tuỵ do bị bệnh đường ruột và ghẻ, chỉ còn hơn 40 kg so với 65 kg ở thời điểm trước khi bị bắt.
Ông bị tiêu chảy ngay khi bị đưa vào trại tạm giam, và có xin đi khám chữa bệnh nhưng phía trại giam chỉ cấp một ít thuốc. Sau khi sử dụng thuốc của trại giam, ông bị táo bón. Ông còn bị ghẻ lở khắp người do điều kiện vệ sinh không tốt trong buồng giam chật hẹp.
Sức khoẻ và bệnh tật của ông Bách không được cải thiện khi luật sư Luân gặp ông lần thứ nhất vào ngày 12/8. Từ đó đến nay không có tin tức gì về ông, vì gia đình chưa được gặp lại còn luật sư tuần tới mới vào làm việc buổi thứ hai để bàn về bào chữa cho phiên toà sắp tới.
Bà Yêu bày tỏ sự lo lắng và bất lực của mình khi chồng bị xử trong lúc sức khoẻ vô cùng yếu:
“Anh ấy bị như thế thì nói thật là tôi cũng rất là lo cho anh ấy nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Tôi còn không biết có được vào (phiên toà) không.”
Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, tham gia các hoạt động xã hội dân sự từ đầu thập niên trước, như phong trào biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông từ năm 2011, phong trào cây xanh năm 2015 và biểu tình chống Formosa gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.
Từ năm 2017 đến cuối năm 2018, ông tham gia kênh YouTube CHTV, một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi ông Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Từ năm 2017 đến cuối năm 2018, ông tham gia kênh YouTube CHTV, một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi ông Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện kênh này không còn hoạt động.
Ba thành viên của nhóm là các ông Vũ Quang Thuận, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), và Lê Trọng Hùng hiện đang phải thụ án từ năm (05) năm đến tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Vài năm trở lại đây ông chỉ tập trung làm kinh tế, có tham gia môi giới xuất khẩu lao động.
RFA (09.09.2024)
HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo-blogger Nguyễn Vũ Bình
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 9/9 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger-nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông, một ngày trước khi phiên tòa xử ông dự kiến diễn ra.
Ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, bị bắt vào ngày 29/2 năm nay với cáo buộc tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù giam.
“Ông Nguyễn Vũ Bình đã vận động không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam trong hơn hai thập niên qua”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo ngày 9/9, và khẳng định “Hành vi bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa của ông không phải là tội hình sự và vụ án nhằm vào ông cần bị hủy bỏ.”
Theo HRW, vụ án xử ông Nguyễn Vũ Bình là vụ thứ tám kể từ khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổ chức nhân quyền đặc biệt lưu ý đến những vi phạm nhân quyền trong thời gian ông Tô Lâm lãnh đạo Bộ Công an, từ tháng 4/2016 đến tháng 5/2024. Tổ chức này nói trong thời gian đó công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 269 người vì họ đã thực hành ôn hòa các quyền dân sự và chính trị của mình.
Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, Việt Nam đã kết án và xử phạt ít nhất 7 nhà vận động nhân quyền, trong đó có ông Nguyễn Chí Tuyến, người bị bắt giam cùng thời gian với ông Nguyễn Vũ Bình, ông Trần Minh Lợi, Lê Phú Tuân, Phan Đình Sang, Trần Văn Khanh, Phan Ngọc Dung và Bùi Văn Khang với các bản án tù kéo dài vì phê phán chính quyền, vẫn theo HRW.
Tới tối 9/9 (giờ Hà Nội), Việt Nam chưa lên tiếng về lời kêu gọi “trả tự do” cho ông Nguyễn Vũ Bình của HRW, nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đây từng cho rằng tổ chức nhân quyền này “thiếu khách quan”, đồng thời nói rằng Hà Nội không bắt giam người bất đồng chính kiến mà chỉ kết án những ai vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Vũ Bình trước đây từng làm việc gần 10 năm cho Tạp chí Cộng sản, là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào tháng 9/2000, ông xin thôi việc và làm đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ.
Sau đó, ông cùng với 16 người khác viết một thư ngỏ gửi chính quyền kêu gọi cải cách chính trị và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ông cũng muốn thành lập một liên minh chống tham nhũng và trở thành thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Dân chủ cho Việt Nam.
Công an đã bắt giữ ông Bình vào tháng 9/2002, với lý do ông nói xấu nhà nước Việt Nam trong thư điều trần gửi Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng 7 cùng năm về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và sau khi ông đăng trên mạng bài viết “Về vấn đề biên giới Việt-Trung”, trong đó ông phê phán bản hiệp ước đường biên giới có nhiều vấn đề và chỉ trích chính phủ đã làm mất hàng trăm kilomet vuông đất đai của Việt Nam.
Vào tháng 12/2003, ông bị một tòa án xử 7 năm tù giam, 3 năm quản chế về tội “gián điệp” theo Điều 80 Bộ luật Hình sự.
Tháng 6/2007, ông được phóng thích trước thời hạn. Sau đó, từ năm 2015 đến năm 2024, ông trở thành blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) và đã có hơn 300 bài được đăng.
Những chủ đề ông viết liên qua đến nhiều lĩnh vực, bao gồm vấn đề tham nhũng, quyền lợi đất đai, kinh tế, giáo dục, môi trường, quan hệ Việt – Trung và Trung – Mỹ, công an bạo hành, xét xử không công bằng, quyền biểu tình ôn hòa… Nhưng chủ yếu các bài viết của ông nhằm “vận động cho một nền dân chủ và pháp quyền thực sự ở Việt Nam”, thông cáo của HRW nói.
Ông Nguyễn Vũ Bình từng được trao giải thưởng Hellman-Hammett hai lần, vào năm 2002 và 2007, một giải thưởng hàng năm dành cho những văn sĩ dũng cảm đương đầu với sự đàn áp chính trị.
Ông cũng là hội viên danh dự các tổ chức Văn bút Hoa Kỳ, Văn bút Canada, Văn bút Thụy Sĩ và Văn bút Sydney.
VOA (09.09.2024)
Việt Nam phạt người đàn ông 7 năm tù vì ‘tuyên truyền phản động’
Một tòa án ở tỉnh An Giang vừa tuyên phạt ông Trần Văn Khanh 7 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Họ xác định rằng ông dùng Facebook để “kêu gọi lật đổ chế độ”.
Ông Trần Văn Khanh, 62 tuổi, bị Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang kết án tù hôm 4/9 về hành vi mà nhà chức trách tại đất nước độc đảng gọi là “kích động, gây chia rẽ, chống phá nhà nước, xúc phạm đảng”.
Báo Công an tỉnh An Giang dẫn cáo trạng đưa tin rằng từ năm 2021 đến tháng 8/2023, ông Khanh sử dụng tài khoản Facebook “Trần Khanh” để bình luận, chia sẻ, phát tán các bài viết, tài liệu, hình ảnh, video clip “có nội dung tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm Đảng [Cộng sản]”.
Ngoài ra, trang này còn cho rằng ông đã “kêu gọi, kích động” quần chúng “nổi dậy lật đổ chế độ; kích động, gây chia rẽ, mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc”.
Ông Khanh, bị bắt hồi cuối tháng 1/2024, là trường hợp người dùng Facebook mới nhất bị án tù do các bài đăng của mình tại quốc gia không dung thứ cho các bình luận chỉ trích chính quyền và quan chức nhà nước.
Những trường hợp bị kết án gần đây với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự bao gồm các ông Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội bị tuyên 5 năm tù hồi tháng 8, ông Phạm Văn Chờ ở Hưng Yên 7 năm tù hồi tháng 7.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án Việt Nam thường sử dụng Điều 117 để xử lý những người chỉ trích ôn hòa nhằm vào đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo và chính phủ. Họ cho rằng điều luật này “mơ hồ” và đã đề nghị Việt Nam hủy bỏ nó.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ đề nghị trên, cho rằng đó là “những luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam”.
Dat Viet (08.09.2024)
Toà Việt Nam kết án tù luật sư phản đối an oán với tử tù Hồ Duy Hải
Luật sư Bùi Văn Khang và bà Phan Ngọc Dung tại toà Công An Nhân Dân
Hai người kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải vừa bị Toà án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên án tù vào ngày 4/9 vừa qua với cáo buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Một trong hai người bị kết án là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nam Định.
Tử tù Hồ Duy Hải là người đã kêu oan vụ án giết người suốt từ năm 2008 tới nay. Đây là vụ án nổi tiếng ở Việt Nam và đã được nhiều luật sư và cả đại biểu Quốc hội lên tiếng can thiệp vì những chứng cứ điều tra không thuyết phục.
Báo Công An Nhân Dân hôm 4/9 cho biết hai người gồm bà Phan Ngọc Dung và luật sư Bùi Văn Khang của Đoàn Luật sư Nam Định từ tháng 10/2021 đã tổ chức các hội luận, toạ đàm trực tuyến trên kênh YouTube có tên “Tiếng Nói Lòng Dân” để giải đáp các câu hỏi và tư vấn pháp luật cho những người tham gia buổi tọa đàm.
Báo Công An Nhân Dân trích cáo trạng cho biết: “từ tháng 10/2021 cho đến ngày 21/1/2024, Dung và Khang lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để tổ chức nhiều chương trình hội luận, tọa đàm trực tuyến, phát tán 1.200 video clip trên kênh YouTube “Tiếng Nói Lòng Dân” và Facebook “Diệu Nhàn” của Dung có nội dung xuyên tạc, vu khống, xâm phạm danh dự, nhân phẩm cơ quan, tổ chức là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và cá nhân là lãnh đạo TAND Tối cao, lãnh đạo Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.”
Ông Khang (75 tuổi) bị toà tuyên án hai năm tù theo Điều 331 Bộ Luật hình sự. Bà Phan Ngọc Dung (69 tuổi) bị toà tuyên ba năm tù với cùng tội danh.
Đây là điều luật đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ và thương được chính quyền Việt Nam sử dụng để bịt miệng những tiếng nói đối lập. Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay, ít nhất có tám người bị bắt giữ và tám người bị kết án vì Điều 331.
RFA (07.09.2024)
Chấm dứt vai trò trợ cụ đàn áp tôn giáo của tổ chức “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”
Vai trò trợ cụ của GHPGVN phải là yếu tố chỉ định CPC
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Trong chuyến công tác ở Việt Nam ngày 29 và 20 tháng 8 vừa qua, Bà Uzra Zeya, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ về An Ninh Dân Sự, Dân Chủ và Nhân Quyền, đã họp với Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Nội dung buổi họp tuy không được tiết lộ nhưng chắc chắn xoay quanh tình trạng đàn áp tôn giáo ngày thêm nghiêm trọng ở Việt Nam làm cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khó chống chế để không đưa Việt Nam trở lại danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) sau 2 năm liền trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL).
Một trong các khuyến nghị mà BPSOS gửi đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước đó, liên quan đến chỉ định CPC, là vai trò trợ cụ đàn áp tôn giáo của một số tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo bị nhà nước điều khiển và sử dụng.
Thứ Trưởng Hoa Kỳ Uzra Zeya tại Việt Nam (nguồn: BNG Hoa Kỳ)
GHPGVN là tổ chức nguỵ tôn giáo
Tổ chức nguỵ tôn giáo là các tổ chức do nhà nước dựng lên để thay thế những giáo hội bị loại ra khỏi vòng luật pháp. Mục đích của nó không là hoằng dương đạo pháp mà là giúp nhà nước khống chế và kiểm soát tôn giáo.
Năm 1981, nhà nước loại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra ngoài vòng pháp luật và dựng lên tổ chức mà giờ đây mang tên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhưng tên tiếng Anh lại là Vietnam Buddhist Sangha (Tăng Già Phật Giáo Việt Nam). Tổ chức này tham gia Mặt Trận Tổ Quốc và có nhiều thành viên cốt cán tham chính hoặc là đảng viên cộng sản thâm niên. Phần lớn các cơ sở tôn giáo và tài sản của GHPGVNTN bị nhà nước bàn giao cho tổ chức nguỵ tôn giáo mới thành lập này. Giáo Hội Phật Giáo Khmer Krom, theo phái Tiểu Thừa, bị nó sáp nhập.
Tổ chức GHPGVN là một tổ chức nguỵ tôn giáo.
Lại cũng có những tổ chức tôn giáo không do nhà nước dựng lên nhưng cam tâm trở thành trợ cụ đàn áp tôn giáo, như Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc.
GHPGVN là trợ cụ đàn áp tôn giáo
Thay vì chăm lo hoằng dương đạo pháp, chăm lo phật sự, giáo hội Phật Giáo do nhà nước dựng lên bắt mọi tu sĩ Phật Giáo, mọi phật tử phải tuân phục mình và trừng phạt, trả thù những ai đối kháng.
Bản chất nguỵ tôn giáo này thể hiện lộ liễu qua vụ tố giác Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ trước đây dẫn đến nhiều người tù tội, lột áo nhà tu của các sư Khmer Krom đầu năm nay để mở đường cho công an bắt bớ, rồi gần hơn là xúc xiểm Ông Thích Minh Tuệ và yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn những người theo tu hạnh đầu đà, và mới đây nhất là công kích chùa Minh Đạo sau khi vị sư trú trì tuyên bố rời bỏ GHPGVN.
Báo cáo năm 2024 của USCIRF chỉ ra vai trò trợ cụ này của tổ chức GHPGVN: “Chính phủ duy trì các tổ chức thay thế do nhà nước kiểm soát—như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Chi Phái Cao Đài 1997, Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam—và gây sức ép buộc các nhóm độc lập tham gia các tổ chức này.” Xem: www.uscirf.gov/sites/default/files/2024-05/USCIRF%202024%20Annual%20Report.pdf (trang 50)
Vai trò đánh lừa quốc tế
Ban Tôn Giáo Chính Phủ còn dùng các tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo như vậy để đánh lừa quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, rằng ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Tháng 10 năm ngoái, Ông Vũ Chiến Thắng hướng dẫn một đoàn hùng hậu của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đến Hoa Kỳ để vận động tháo gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách SWL.
Trong đoàn có 2 nhân vật đặc biệt: Ông Thích Đức Thiện, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư Ký Hội Đồng Trị Sự GHPGVN và là người ký thông cáo bài bác Ông Thích Minh Tuệ, và Mục Sư Y Tuân Mlo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam là người lên án các tín đồ Tin lành người Thượng bản địa sinh hoạt độc lập với hội thánh của ông ta.
Tóm lại, 2 chứng nhân trong đoàn của Ông Vũ Chiến Thắng lại là thủ phạm vi phạm quyền tự do tôn giáo hơn ai hết.
Người dân nên làm gì
Một tổ chức mang đặc tính mafia không bao giờ tự thay đổi, tự sửa sai, tự thanh tẩy. Chính người dân, kể cả nạn nhân từng bị lường gạt, những người hiểu luật, những người có tiếng nói ảnh hưởng quần chúng phải:
Phanh phui tất cả những hành vi bê tha, bất chính, phạm luật trong toàn hệ thống GHPGVN. Chẳng hạn, hãy lập danh sách các chức sắc thu tiền cúng dường qua tài khoản ngân hàng cá nhân, các chức sắc mua bằng danh dự hoặc dùng bằng giả, các chức sắc lường gạt chúng sinh để chiếm đoạt tài sản, các chức sắc vi phạm quyền tự do tôn giáo của người khác, các chức sắc xúc xiểm các tôn giáo khác, các chức sắc chỉ điểm cho công an bắt bớ, bách hại người khác…
Đòi hỏi chính quyền vào cuộc điều tra hình sự cho từng tội phạm, không chừa một ai từ người đứng đầu cho đến thuộc hạ.
Về phần BPSOS, chúng tôi vận động quốc tế quan tâm đến vai trò trợ cụ đàn áp tôn giáo của tổ chức GHPGVN khi cân nhắc đưa Việt Nam vào danh sách CPC, và chế tài những thành viên cốt cán của GHPGVN đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của người khác. Chúng tôi bắt đầu lập hồ sơ về tổ chức nguỵ tôn giáo này và một số thành viên cốt cán của nó.
Ai có thông tin, xin gửi đến: DeAn-PhatGiao@vncrp.org. Nguồn tin sẽ được bảo mật.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Mchsongmedia.org (07.09.2024)
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kêu gọi Lãnh đạo Việt Nam đổi mới chính trị
Cựu thứ trưởng BNG Nguyễn Đình Bin kêu gọi cải cách chính trị courtesy of baoquocte.vn/RFA edit
Cựu Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Việt Nam – Nguyễn Đình Bin vừa gửi một bức tâm thư đến các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước “Góp ý với đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới chính trị” vào đúng ngày Quốc khánh 2/9 . Nội dung tâm thư còn kêu gọi lãnh đạo đảng cần thực hiện một cuộc đổi mới chính trị toàn diện, trong đó đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lenin.
Khủng hoảng chính trị
Theo nội dung bức thư được đăng tải đầu tiên trên trang Facebook cùng tên, ông Nguyễn Đình Bin nhận định “thể chế chính trị nước nhà đã thực sự khủng hoảng trầm trọng”, với những biểu hiện rõ ràng như: “Càng ra sức đốt lò, ra sức chống tham nhũng, tiêu cực, thì tham nhũng, tiêu cực, cũng như các quốc nạn khác, càng lây lan, càng phát triển, càng hoành hành trầm trọng; Càng nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thì Đảng, Nhà nước càng hư hỏng nghiêm trọng.”
Là một người ủng hộ những nội dung trong tâm thư của ông Nguyễn Đình Bin, nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng đánh giá, nếu như năm 1986, lãnh đạo Đảng buộc phải thực hiện “Đổi mới” vì khủng hoảng kinh tế, người dân đói ăn, thiếu mặc thì hiện nay, đất nước đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị:
“Lần này là thay đổi về thể chế chính trị thì không phải chỉ về kinh tế như là lần trước. Cho nên là hy vọng với cái tình thế này thì những người sáng suốt trong lãnh đạo là phải có một cái quyết tâm để thay đổi, để cứu huy cho đất nước và cũng là cứu nguy cho đất nước và cũng là cứu nguy cho đảng thôi.”
Theo tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, cho dù người dân Việt Nam hiện nay không còn đói ăn như những năm 1980, nhưng người dân, đặc biệt là giới trẻ không nhìn thấy được tương lai trên chính đất nước mình:
“Cái điểm chung, điểm giống nhau là trước năm 1986, người dân cũng không thấy tương lai. Đến thời điểm bây giờ thì những người trẻ họ cũng không thấy tương lai trong cái đất nước của mình.
Họ không thấy đất nước nó sẽ phát triển như thế nào, cái tương lai của họ sẽ ra sao. Thế cho nên là nhiều người hiện nay đã chọn con đường vượt biên, chính thức và bán chính thức.”.
Trước đó, vào ngày 4/8/2024, ông Nguyễn Đình Bin cũng gửi một tâm thư đến đích danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Phải mạnh dạn từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lênin
Vị cựu Thứ trưởng Ngoại giao khẳng định tình hình hiện nay là rất cấp thiết và đã đến lúc tân Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm cùng với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cần đổi mới tư duy chính trị nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự, với ba quyền phân lập, đa nguyên chính trị, xã hội dân sự, và dân chủ thực sự…
Theo ông Bin, Đổi mới chính trị giúp Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh và đưa đất nước phát triển, hòa nhập với thế giới, và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Ông Nguyễn Đình Bin cũng đề nghị Đảng phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, mà ông cho là đã hoàn toàn lỗi thời, là nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng kinh tế – chính trị hiện tại.
Đó cũng là ý kiến của nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng. Nhà văn này cho rằng, chính cái thể chế đã sinh ra nạn tham nhũng lan tràn trong hàng chục năm qua:
“Khủng hoảng của đất nước hiện giờ mà nó thể hiện rõ nhất qua sự thất bại trong cái công cuộc chống tham nhũng dai dẳng trong suốt bao nhiêu năm bởi nỗ lực của ông cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng mà không có kết quả.
Cái nạn tham nhũng chính là con đẻ của cái thể chế này sinh ra đó. Tiêu diệt được cái người này rồi lại mọc đến người khác. Từ các quan chức cấp thấp cho đến quan chức cấp cao đều dính hết.”
Ông Nguyễn Đình Bin còn cho rằng việc Đảng vẫn kiên trì với mô hình quản lý đất nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin đã cản trở Dân tộc Việt Nam thực hiện hòa giải, hòa hợp, đoàn kết thành một khối thống nhất.
Do đó, ông cũng đề nghị Trung ương Đảng ra Tuyên bố đặc biệt về hòa giải và hòa hợp Dân tộc theo tinh thần khép lại quá khứ đau thương, tất cả vì tương lai tươi sáng của đất nước, của Dân tộc.
Kỳ vọng cải cách
Những kiến nghị trên đã được ông Nguyễn Đình Bin nêu ra với cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2020, nhưng không được thực hiện. Hiện giờ, với sự thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, liệu họ có lắng nghe, tiếp thu và thực hiện theo những đề xuất trong tâm thư này?
Nhà văn Hoàng Thuỵ Hưng cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi phải có sự cải cách thể chế một cách rõ ràng. Tuy nhiên, thực hiện điều này không hề dễ dàng. Bởi Việt Nam đang bị kẹt giữ nhiều thế lực; giữ lực lượng bảo thủ và cấp tiến trong nội bộ Đảng; giữa tranh chấp Mỹ – Trung cùng với các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới:
“Tất nhiên cũng có dấu hiệu gần đây cho thấy ông Tô Lâm cũng có những cái ý tưởng mới. Cho nên là cũng có một số người có hy vọng, nhưng tôi nghĩ rằng cũng phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để rõ ràng những cái ý tưởng của ông ấy và ông thực hiện như thế nào.”
Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng, ông Tô Lâm gần đây đã bổ nhiệm nhân sự hầu hết là người xuất thân từ ngành công an. Họ không có kinh nghiệm điều hành đất nước về kinh tế cũng như đối ngoại. Do đó:
“Ông Tô Lâm sắp tới chỉ là cố gắng duy trì một cái xã hội đang đi vào khủng hoảng. Họ cố gắng duy trì không để xảy ra nổi loạn chứ ông không có một cái giải pháp nào để giải quyết cái vấn đề.”Từ khi ngồi vào chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi đầu tháng 8/2024, ông Tô Lâm đã vài lần nhắc đi nhắc lại rằng, Việt Nam sẽ “tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ kiên định hệ quan điểm chỉ đạo là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định các với nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
RFA (06.09.2024)