Seite auswählen

Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/ rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam RFA edited

 

Tòa án hình sự Thái Lan đã ra phán quyết vào thứ Hai, ngày 30/ rằng nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông đối mặt với bản án 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”.

Phóng viên RFA tại Bangkok theo dõi phiên tòa qua hệ thống truyền hình nội bộ hôm 30/9 cho biết, thẩm phán khẳng định yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh là “có cơ sở”. Thẩm phán tuyên bố:

Tòa án thấy rằng việc dẫn độ (Y Quynh Bdap) có thể được thực hiện…

Không có lệnh cấm nào đối với việc này.

Chính phủ có quyền thực hiện dẫn độ trong vòng 90 ngày, bất kể phán quyết của tòa án là gì.

Tuy nhiên, tòa án cho biết thêm ông Y Quynh có 30 ngày để kháng cáo bản án, nhưng nếu chính phủ Thái Lan không có động thái nào được thực hiện trong vòng 90 ngày thì ông Y Quynh phải được trả tự do.

Nhà hoạt động người Thượng mặc đồng phục tù màu nâu, tỏ ra bình tĩnh và được chuyển đến Trại tạm giam Bangkok.

Luật sư Nadthasiri Bergman, người bào chữa cho nhà hoạt động vì quyền của người Thượng, cho hay ông Y Quynh đã thề sẽ chống án.

Chúng tôi thất vọng với phán quyết. Chúng tôi đang làm việc để kháng cáo“, bà nói.

Bà Nadthasiri khẳng định rằng việc dẫn độ phải được chính phủ chấp thuận khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tôi hy vọng chính phủ, thủ tướng, sẽ ban hành lệnh hành pháp không dẫn độ ông ấy.

Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) nói quyết định này của tòa án Thái Lan là “kinh hoàng và vô lý”, và không hiểu rằng ông Y Quynh chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự tra tấn nếu bị buộc phải trở về Việt Nam.

Trong tuyên bố gửi Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn, ông Robertson cho rằng tòa án ở Bangkok đã bỏ qua bản chất của phán quyết ban đầu của tòa án Việt Nam là giả mạo và gian lận. Ông khẳng định:

Đây là một vụ án thử nghiệm cho luật chống tra tấn và cưỡng bức mất tích mới của Thái Lan, và tòa án đã thất bại thảm hại trong cuộc thử nghiệm đó.

Bây giờ chính phủ Thái Lan phải chống lại áp lực công khai của Bộ Công an Việt Nam, nơi đã cử các quan chức đến tòa án để đe dọa những người tham gia vào quá trình tố tụng, và thừa nhận rằng Thái Lan có nghĩa vụ thiêng liêng là phải duy trì sự bảo vệ người tị nạn.

Chuyên gia nhân quyền có nhiều năm quan sát tình hình nhân quyền Việt Nam cho hay, những gì sẽ xảy ra tiếp theo vẫn nằm trong tay chính phủ Thái Lan và họ nên làm điều đúng đắn bằng cách để nhà hoạt động người Thượng được tái định cư ở một quốc gia thứ ba, nơi ông có thể nhận được sự bảo vệ thực sự.

Ông Robertson nói danh tiếng của Thái Lan là một quốc gia có quan tâm đến nhân quyền hay không phụ thuộc vào quyết định đó.

Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những lời lên án mạnh mẽ, toàn diện về sự xuyên tạc công lý của tòa án Thái Lan và gây sức ép buộc Bangkok cho phép Y Quynh được tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

 

RFA (30.09.2024)

 

 

 

 

Vì sao phiên tòa ở Bangkok xét xử vụ dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam đông nghịt người?

Toà án Hình sự Bangkok hôm 30/9 đã ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn.

 

Luật sư của ông Bđăp nói với BBC Tiếng Việt rằng “đây là một phán quyết đáng thất vọng”, nhưng chỉ là một phán quyết tạm thời, và ông Bđăp sẽ kháng án trong vòng 30 ngày tới.

“Mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ, nhưng hai nước có thể sử dụng hợp tác ngoại giao mà thực chất là sử dụng Luật Dẫn độ của Thái Lan. Luật này quy định rằng nếu các điều kiện được đáp ứng, thẩm phán có thể ra lệnh tạm giữ ông Bđăp để chờ dẫn độ. Và về cơ bản đó là điều mà thẩm phán xem xét.”

“Thẩm phán đưa ra quyết định dựa trên lập luận của công tố viên, rằng ông Bđăp nên bị dẫn độ về Việt Nam do ông cũng là người đã bị kết tội ở Việt Nam. Thẩm phán ở Thái Lan kết luận rằng, như vậy, có một phán quyết hiện hành rằng cáo buộc ở Việt Nam và cáo buộc ở Thái Lan là cùng một cáo buộc và người mà Việt Nam buộc tội và người ở đây là cùng một người,” bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Bđăp, nói với BBC Tiếng Việt sau phiên tòa.

Toàn bộ buổi xét xử diễn ra chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ.

Khán phòng hôm 30/9 kín người tham dự, trong đó có các nhân viên an ninh Việt Nam, báo chí và các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, đại diện đại sứ quán một số nước và các nhà quan sát.

Đây là một buổi xét xử công khai, vào cửa tự do. Tuy nhiên, những người tham dự không được vào phòng xử án mà ngồi ở một phòng riêng, theo dõi qua màn hình ti vi.

Trường hợp ông Y Quynh Bđăp được đánh giá là một vụ án quan trọng, khi giới nhân quyền quốc tế đang theo dõi xem liệu Thái Lan dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ ưu tiên nhân quyền hay quan hệ bang giao.

Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11/6, chỉ vài ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.

Cảnh sát Thái Lan thừa nhận bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền này theo yêu cầu từ phía Việt Nam.

 

‘Khủng bố’

Nguồn hình ảnh,Người Thượng vì công lý, Một hoạt động của các thành viên Tổ chức Người Thượng vì Công lý tại Thái Lan

 

Việt Nam và Thái Lan chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, nhưng Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về nước.

Xuất hiện tại tòa ở Bangkok hôm 30/9 trong bộ quần áo cam, đeo khẩu trang, ông Y Quynh Bđăp nhìn bình tĩnh nhưng có vẻ mệt mỏi.

Ông Bđăp tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn.

Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý.

Hôm 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bđăp với bản án 10 năm tù về tội “khủng bố” theo Điều 299 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Ông bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở chính quyền tại hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.

Ông Y Quynh Bđăp luôn khẳng định rằng ông đang ở Thái Lan vào thời điểm đó và phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.

Bộ Công an Việt Nam đánh giá vụ tấn công này là “đặc biệt nghiêm trọng”, xếp vào dạng “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Bộ này cũng nói rằng “vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài”, trong đó, nhóm “Lính Đêga” thực hiện vụ khủng bố.

Theo Bộ Công an Việt Nam, nhóm “Lính Đêga” móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để “tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập ‘nhà nước riêng’ ở Tây Nguyên.”

Bộ Công an xác định Y Quynh Bđăp là “một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này”.

Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hồi tháng 6/2024 ra thông cáo cho hay họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng, “nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam”.

Mục sư A Ga, hiện đang tị nạn tại Mỹ, nói với BBC sau hôm ông Bđăp bị bắt rằng chính quyền Việt Nam “lo ngại vì ông Bđăp được đào tạo ở Thái Lan để làm công việc thu thập thông tin và báo cáo lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng chính quyền Việt Nam bắt bớ, vi phạm tự do tôn giáo.”

 

Tùy thuộc vào ‘sự dũng cảm’ của tân thủ tướng Thái Lan

Chụp lại hình ảnh,Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt sau phiên tòa hôm 30/9/2024

 

Trao đổi bên lề phiên tòa, một số đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định với BBC rằng đây là một vụ việc đang được theo dõi đặc biệt do đã có những ghi nhận một làn sóng đàn áp xuyên quốc gia mà chính phủ Thái Lan góp mặt.

Quốc tế muốn nhìn thấy đây là một vụ việc điển hình mà Thái Lan cho thấy họ tôn trọng nhân quyền.

Báo cáo gần đây của HRW mang tên “Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn”: Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan đã ghi lại một mô hình đàn áp xuyên quốc gia, trong đó chính quyền Thái Lan giúp các chính phủ láng giềng thực hiện các hành động trái pháp luật nhằm vào người tị nạn và người bất đồng chính kiến đang tìm nơi trú ẩn ở Thái Lan.

Đổi lại, chính quyền Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận “trao đổi” người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.

Vào tháng 5/2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan – Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai – đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã “biến mất”.

Một nhà báo của BBC News Tiếng Thái nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Y Quynh Bđăp có thể may mắn lần này, vì nếu ở dưới thời thủ tướng trước, ông có thể bị dẫn độ ngay về Việt Nam như chính phủ Thái Lan từng làm với nhiều trường hợp khác trước đó.

Theo nhà báo này, dưới thời tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, những trường hợp như của Y Quynh Bđăp có thể được xem xét, nhưng “vẫn phải chờ xem”.

 

Luật sư của ông Y Quynh Bđăp, bà Nadthasiri Bergman, nói rằng lập luận của nhóm bà là ông Bđăp không thể bị dẫn độ, dựa trên Điều 9 Luật Dẫn độ của Thái Lan.

Theo Điều 9, có một luật hiện hành là Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực từ tháng 2/2023, cấm các tổ chức hoặc quan chức chính phủ nước này trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác, nơi có căn cứ đáng kể để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục hoặc bị mất tích.

“Nhưng thẩm phán Thái Lan không xem xét Điều 9 mà chỉ xem xét Điều 19 Luật Dẫn độ và lập luận rằng quyết định của họ chỉ dựa trên Điều 19, và quyết định sau cùng sẽ là từ chính phủ.”

“Hiện chúng tôi đang làm việc để kháng cáo trong vòng 30.”

“Phán quyết hôm nay không phải phán quyết cuối cùng. Vì vậy chúng tôi không biết điều gì thực sự xảy ra. Chúng tôi phải chờ.”

Bà nói nhóm của bà đang cố gắng để ông Y Quynh Bđăp được định cư ở một nước thứ ba.

Bà Nadthasiri Bergman cũng nói rằng bà có đôi chút lạc quan về việc chính phủ Thái Lan sẽ quan tâm hơn đến nhân quyền.

Và bà hi vọng tân thủ tướng sẽ đủ dũng cảm để thực thi đúng luật pháp, nhưng bà “không dám chắc”.

“Chúng tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng bà thủ tướng có thể làm ngay từ bây giờ việc không dẫn độ Y Quynh Bđăp và trả tự do ngay cho ông ấy. Chúng tôi không cần vụ án phải kéo dài và phải đưa ra đến Tòa án Tối cao.

“Bà ấy không cần bất kỳ bằng chứng nào từ tòa án. Bà ấy có quyền hành pháp để bảo vệ nhân quyền.”

“Thái Lan muốn trở thành thành viên của Ủy ban Nhân quyền và đang vận động vì điều này, do đó đây là trường hợp mà họ phải giải quyết.”

“Đây sẽ là một ví dụ cho thấy họ đang tôn trọng nhân quyền. Bất kể ai đang ở đất nước này thì đều cần được tôn trọng.”

 

BBC (30.09.2024)

 

 

 

 

Báo cáo viên đặc biệt LHQ quan ngại việc công an ‘mời’ TS Nguyễn Quang A làm việc

Báo cáo viên đặc biệt LHQ lên tiếng về vụ TS Nguyễn Quang A bị an ninh mời làm việc.

 

Một báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sau khi nhà chức trách Việt Nam gửi giấy mời hai lần liên tục đến Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A để thẩm vấn về việc ông trả lời phỏng vấn và tham gia hội luận, được đăng trên mạng xã hội.

“Tôi quan ngại về các tin tức từ Việt Nam cho thấy Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ lên để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông”, bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Người bảo vệ nhân quyền, nêu nhận định trên trang X hôm 27/9.

Ông Nguyễn Quang A bị công an thành phố Hà Nội yêu cầu có mặt lần thứ nhất vào ngày 25/9 với nội dung “giấy mời” là “hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube”, và lần hai hôm 27/9 với nội dung “hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội”, theo ảnh chụp hai “giấy mời” được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh ở Mỹ đăng trên Facebook hôm 26/9.

“Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị thẩm vấn và quấy rối nhiều lần vì hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông – ông phải được phép tự do bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, bà Lawlor nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc với cán bộ phụ trách được nêu trong thư mời của Công an Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ nói thêm về thư mời và đưa ra bình luận về phát biểu trên của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhưng chưa được trả lời.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, trong đó có tham gia hội luận trực tuyến về các vấn đề chính trị, xã hội, và thời sự liên quan đến Việt Nam trên đài Tiếng nói Hòa Kỳ (VOA). Các bài tham luận được lưu trên trang web chính thức và các nền tảng mạng xã hội khác nhau, trong đó có trang YouTube của VOA Tiếng Việt.

Trả lời phỏng vấn VOA sáng ngày 28/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho biết rằng ông đã không đến trụ sở Công an Quận Long Biên, Hà Nội, như thư mời yêu cầu.

“Tôi là người được mời và tôi từ chối lời mời”, ông Quang A chia sẻ với VOA qua tin nhắn. “Tôi yêu cầu họ không đến nhà riêng của tôi để đưa bất cứ giấy tờ gì và hãy gửi cho tôi qua bưu điện, tôi cũng sẽ trả lời bằng văn bản qua bưu điện”.

“Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bạn tôi, đã bị an ninh, công an Việt Nam ‘mời’ hai lần vì các cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí”, giáo sư Larry Diamond, thuộc Viện Hoover và là nhà nghiên cứu cấp cao về Dân chủ Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (FSI), Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết trên trang X.

“Sự việc này xảy ra khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đưa thêm các tù nhân lương tâm mới vào tù để thế chỗ cho các tù nhân lương tâm vừa được thả ra, một trò cũ rích”, ông Diamond bày tỏ.

Như tin đã đưa, hôm 21/9, ngay trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm khởi hành cho chuyến làm việc lại Mỹ và tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Hà Nội đã phóng thích các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Thị Minh Hồng và Hoàng Ngọc Giao trước khi họ mãn hạn tù.

Vị giáo sư Mỹ cũng bày tỏ lòng biết ơn bà Lawlor “vì đã lên tiếng về hoàn cảnh khó khăn của Tiến sĩ Nguyễn Quang A”.

“Ông là một công dân yêu nước và ôn hòa, người chỉ mong muốn một Việt Nam tốt đẹp hơn, tôn trọng quyền của công dân”, giáo sư Diamond thuộc trường Đại học Stanford, đồng thời là cố vấn của Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (NED), cựu biên tập viên Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy), nêu nhận định.

Hồi tháng 5/2023, ông Nguyễn Quang A cũng bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia” khi ông khởi hành đi Thái Lan từ sân bay Nội Bài.

Ông Nguyễn Quang A là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) nhưng viện này đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo bị xem là đi ngược với đường lối của chính quyền. Ông cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007).

Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay thực hiện những hành vi nhằm vào người bảo vệ nhân quyền. Hà Nội thường khẳng định các “chính sách nhất quán” về việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.

Bà Mary Lawlor, giáo sư thỉnh giảng thuộc Trung tâm Đổi mới Xã hội, Trường Kinh doanh, Đại học Trinity Dublin, Ireland, được Hội đồng Nhân quyền LHQ bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình của những Người bảo vệ Nhân quyền vào ngày 1/5/2020. Bà là một chuyên gia độc lập, tham gia vào các cơ chế giám sát và tìm hiểu thực tế của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

 

VOA (28.09.2024)

 

 

 

 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức kêu gọi ủng hộ ba tù nhân chính trị đang tuyệt thực ở Trại giam Số 6

Ông Trần Huỳnh Duy Thức Fb Trần Huỳnh Duy Thức

 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa bị “cưỡng bức đặc xá” khỏi Trại giam số 6, lên tiếng kêu gọi mọi người ủng hộ ba tù nhân chính trị đang tuyệt thực tại trại giam này.

Việc tuyệt thực được gia đình tù nhân chính trị Trịnh Bá Tư cho RFA hay trong ngày 27/9. Cụ thể, ông Bá Tư cùng Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực từ ngày 28/9. 

Mục đích là yêu cầu nhà nước Việt Nam phải thả hết các tù nhân chính trị, đồng thời phản đối chế độ giam giữ khắc nghiệt của cán bộ Trại giam số 6, Thanh Chương (Nghệ An).

Trong ngày 29/9, RFA đã có cuộc phỏng vấn với cựu TNLT Trần Huỳnh Duy Thức. Đây là cuộc phỏng vấn chính thức của ông Thức với RFA kể từ sau khi ông bị “cưỡng bức đặc xá” hôm 20/9. 

Cao Nguyên: Xin chào ông, ông có biết những dự định về cuộc tuyệt thực của ba TNLT ở Trại giam số 6 hay không?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi có biết. Tại vì ở trong đó hầu hết là chúng tôi nói chuyện thật to qua cửa sổ phía sau để cho mọi người nghe. 

Nếu như tôi không ra tù vào ngày 20/09 thì hôm nay tôi đã cùng với anh em tuyệt thực rồi. Tôi sẽ dẫn dắt mọi người ở đó. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau là nên kêu gọi cái gì và nên làm vào lúc nào. Nói chung là việc đó công khai hết mà.

Cao Nguyên: Ông có lời nhắn nào tới mọi người và các tổ chức nhân quyền Quốc tế  về cuộc tuyệt thực này?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Thưa mọi người, bạn bè trong nước và quốc tế, hiện nay đang có ba con người dũng cảm ở Trại giam số 6 đang cùng nhau tuyệt thực tập thể để kêu gọi, thứ nhất là nhà nước cần phải phóng thích tù nhân chính trị để mở đường cho một cuộc dân chủ hoá, đưa đất nước bước đến một cuộc chuyển mình vĩ đại. Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp đánh thức sự quan tâm của mọi người cho vận nước.

Thứ hai, nó ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người ở trong tù hiện nay và chẳng đặng đừng thì các anh em ở đấy mới phải sử dụng tới biện pháp tuyệt thực để đòi hỏi điều kiện sống cơ bản, quyền cơ bản mà luật pháp bảo vệ. 

Mà tôi nói đây là luật pháp Việt Nam chứ chưa nói tới luật pháp quốc tế, nhưng mà kể cả luật pháp Việt Nam hiện nay cũng đang bị chà đạp một cách nghiêm trọng bởi những người đứng đầu phân trại 1, Trại giam số 6. Điều đó thực sự không phải là điều dễ dàng gì mà các anh em đó đã quyết tâm cùng nhau tuyệt thực tập thể.

Dù tôi đã ra khỏi trại giam một cách bị cưỡng bức thì các anh em vẫn làm tiếp, như vậy thì tôi biết rằng các điều kiện ở đó sau khi tôi về nó không có gì cải thiện cả.

Khi tôi bị cưỡng chế, người ta khiêng tôi ra khỏi trại giam thì tôi đã nói rất to cho các anh em nghe và các anh em đều lên tiếng phản đối rất quyết liệt. 

Tôi không biết là sau đó có gì xấu hơn cho điều kiện sống của anh em trong đó hay không, còn nếu nó được cải thiện thì tôi không nghĩ là anh em đã phải tiếp tục làm như vậy.

Cho nên, tôi rất là mong muốn mọi người hãy cùng nhau lên tiếng, đánh động lương tâm đến tất cả. Làm sao để những tiếng nói của chúng ta lên được các cấp quản lý, lãnh đạo của đất nước này và yêu cầu Trại giam số 6 phải thực hiện cho đúng luật pháp để bảo vệ quyền con người, cụ thể là cho từng người, kể cả những người đang phải thi hành án phạt tù. 

Cao Nguyên: Là người từng ở đây trước khi ra tù hôm 20/9, ông có thể chia sẻ về điều kiện giam giữ của trại giam này?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi ở Trại giam Số 6 hơn tám năm nay. Bảy năm trước đó thì cũng không tới nỗi, cũng có vấn đề này vấn đề kia nhưng mà sau khi chúng tôi đấu tranh thì họ biết lắng nghe phần nào và họ điều chỉnh.

Tôi về Trại giam số 6 là vào tháng 5/2016. Từ thời điểm đó trở đi, sau khi tôi đấu tranh thì mọi người được ra ngoài chơi với nhau vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và vào những ngày lễ công cộng của đất nước. Mọi người, từ sáng đến chiều, được vui chơi với nhau, trao đổi với nhau, đánh cờ hoặc chơi thể thao vào những ngày đó.

Việc đó đã kéo dài rất lâu. Mãi đến tháng tám năm ngoái thì phân trại 1 của Trại giam số 6 có một phó giám thị mới là ông thượng tá Thái Văn Thủy. Từ khi ông ấy về thì ông ấy bắt đầu có hàng loạt các biện pháp mà chúng tôi cho rằng là trấn áp và trả thù, trả đũa và trù dập.

Ví dụ, cá nhân tôi có những cái máy chăm sóc sức khỏe như máy đo đường huyết, huyết áp, máy đo SPO2…, và tôi đã xài từ bảy năm trước rồi. Bỗng dưng từ khi ông ấy về là ông ấy cho lệnh vào với danh nghĩa xét buồng để lấy đồ cấm, nhưng lại lấy tất cả đồ của chúng tôi ra, kể cả cái đèn để đọc sách vào ban đêm thì cũng bị lấy ra hết.

Vấn đề là họ lấy ra mà không hề lập biên bản thu giữ đồ cấm theo đúng quy định. Họ lấy ngang nhiên ra vậy thôi. Chúng tôi đã phản đối và không cho phép lấy thì họ dùng vũ lực, rất đông người vào và cứ thế họ lấy thôi. Chúng tôi yêu cầu lập biên bản thu giữ để có căn cứ làm khiếu nại nhưng mà họ cứ làm thôi và họ chả cần phải trả lời gì cả.

Trước khi ông Thái Văn Thuỷ về thì những chuyện đó chưa bao giờ xảy ra cả. Chúng tôi phản đối rất là nhiều dẫn tới chuyện trù dập, đàn áp rất nhiều thứ. Kể cả cho những người tù hình sự cầm dao vào để đe dọa chúng tôi, chặt phá những cái cây đu đủ hoặc những hoa màu mà mấy anh em trồng ở trong đó thì họ phá nát hết.

Nói chung, tôi thấy cái việc đó nó không những vô nhân tính mà nó còn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Đó là một trong rất nhiều chuyện mà tôi và các anh em ở trong đó đã phải trải qua.

Sau đó, khi mọi người phản đối quá thì ông ta đã cắt nước sôi. Trước đó, từ khi tôi về trại giam này là người ta cấp nước sôi đầy đủ ba buổi, lúc nào cũng có. 

Ông Thái Văn Thủy về là ông ấy cắt hết tất cả nước sôi và anh em phải ăn mì lạnh, mì gói mà chế nước lạnh vào, trong một thời gian dài cũng phải 4 – 5 tháng. Anh em phản đối quá thì cuối cùng cũng phải cấp lại nước sôi nhưng mà họ bán và mọi người phải trả tiền. Có người không có tiền thì làm sao mà mua. Nói chung là anh em cũng phải chia sẻ, san sẻ với nhau để mà sống.

Rồi chúng tôi lại phản đối về chuyện chất lượng ăn uống khẩu phần cấp phát. Chúng tôi yêu cầu phải kiểm soát việc cấp phát khẩu phần và cuối cùng kết quả chúng tôi nhận được đó là cái “chuồng cọp”.

Tôi cần phải nói một chút để mọi người hiểu cái “chuồng cọp” là như thế nào.

Cái buồng ngủ của chúng tôi bị khóa từ 5:30 chiều cho tới khoảng 5:30 sáng, là khoảng hơn 12 tiếng đồng hồ ở trong cái buồng nhỏ. Mà trời ở ngoài, nhất là mùa hè thì nóng khủng khiếp. Gió lào thổi vào kín trong cái phòng là khủng khiếp lắm. Chờ cho qua một đêm 12 tiếng là đã rất mệt mỏi rồi, chỉ chờ cho tới 5:30 sáng người ta mở cửa cho mình đi ra ngoài. 

Từ cái cửa buồng giam của mình cho tới ra ngoài là một khoảng sân khoảng chừng hai ba chục mét vuông. Mọi người trong buồng đều có thể đi lại trong cái khoảng sân đó để tập thể dục, thậm chí là còn có một khoản đất nhỏ để nếu người nào thích thì có thể trồng rau để ăn.

Nhưng mà từ ngày 18/4 vừa rồi, lệnh của ông Thái Văn Thủy là đóng cái cửa “chuồng cọp”. Từ buồng ngủ của chúng tôi đi ra gặp thêm một cái hàng rào song sắt (gọi là cửa “chuồng cọp” – PV). Diện tích của mỗi ô vuông bằng sắt đó chỉ có một mét vuông thôi. Cái cửa đó lâu nay không có đóng nhưng mà hôm đó ông ta đã ra lệnh đóng cái “chuồng cọp” đó lại và chúng tôi, sau hơn 12 tiếng ở trong buồng giam, không thể ra ngoài được.

Nó rất là bức bách và những chế độ để cho anh em có thể gặp nhau trao đổi riêng tư hoặc chơi cờ trong những ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ là bị hủy bỏ luôn.

Tôi yêu cầu ông ta là muốn làm gì thì phải ban hành một cái văn bản công bố cho rõ ràng, chế độ như thế nào, dựa vào căn cứ luật pháp như thế nào để mọi người căn cứ trên đó mà thực hiện.

Nếu nó không đúng căn cứ pháp luật, nếu dẫn cứ không đúng về pháp luật chúng tôi còn có thể dựa trên đó mà khiếu nại. Mặc dù mọi người yêu cầu nhưng vẫn không có văn bản nào cả.

Từ ngày 18/4 thì tôi nhận thấy rất rõ là sức khỏe của nhiều người xuống rất trầm trọng. Có những người ở trong đó đã gần 80 tuổi rồi, cũng có những người đủ thứ bệnh mà ở trong một không gian bí bách như vậy thì thực sự là kinh khủng.

Sau đó đấu tranh quá thì họ cũng mở cho một ngày ra khỏi cái “chuồng cọp” được một vài tiếng để trồng rau. Nói chung là nó cũng chả có một cái lịch cụ thể nào cả, vô lối lắm.

Tôi nghĩ rằng nếu muốn kể hết những câu chuyện vô lối, vô luật ở đó thì nếu nói như thế này tôi phải mất 10 tiếng đồng hồ cũng chưa nói hết.

Cao Nguyên: Ông có biết ở trong đó hiện giam giữ khoảng bao nhiêu tù nhân chính trị? 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Thời điểm tôi ra khỏi tù là tôi ở buồng số 1 cùng với một ông tù hình sự. Buồng số 2 là có anh Trịnh Bá Tư và  Đặng Đình Bách. Buồng số 4 là có ba người trong đó có anh Bùi Văn Thuận. 

Ở phân trại trại 1 là khoảng chín người. Lúc tôi đi họ không bổ sung ai hết thì còn lại tám người. Còn ở bên phân trại 2, tôi có nghe anh Bùi Văn Thuận nói anh ấy chuyển từ phân trại 2 qua từ tháng 4 năm nay thì tôi nghe nói là có 8 người. 

Nhưng mà, đặc biệt là cùng một cái trại giam, anh Thuận vừa chuyển từ bên trại K2 về thì họ mở cửa suốt họ không có bất kỳ một sự hạn chế nào cả. Nó kỳ lạ như vậy.

Bên đó không có cửa “chuồng cọp”, cũng không có các bức tường ngăn giữa hai khoảng sân của các buồng với nhau. Tức là ra khỏi buồng ngủ là mọi người vẫn có thể gặp nhau hàng ngày nhưng ở trại K1 của chúng tôi thì mọi người chỉ có thể gặp nhau vào thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, trước khi đóng cái “chuồng cọp” đó thôi.

Ý tôi muốn nói là việc áp dụng pháp luật rất tùy tiện và nó tùy thuộc vào con người. Ở đây không ai cho phép một chế độ giam giữ như vậy cả và nó mang tính cá nhân và trù dập con người.

Cao Nguyên: Đối với một số người ở bên ngoài, việc nhịn ăn dù chỉ hai ba ngày đã rất khó khăn rồi, huống hồ gì đối với các tù nhân chính trị phải tuyệt thực trong dài ngày. Theo kinh nghiệm của ông thì khó khăn nhất trong việc tuyệt thực của các tù nhân chính trị là gì và động lực nào giữ các ông đi đến cùng để đạt được mục đích của mình? 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi nghĩ khó khăn nhất là vượt qua những hành động lẫn không hành động có thể tác động đến tinh thần của con người. 

Sau đó phải rèn luyện được một khả năng để thu nhận năng lượng không phải qua ăn uống. Đây là một phương pháp, mà vì tôi đã trải qua nhiều rồi và tôi đã biết và đã trao đổi lại với anh em.

Tôi đã từng trải qua tuyệt thực rất là nhiều lần. Tôi biết rằng con người không chỉ nhận năng lượng qua thực phẩm, mặc dù đó là cách thức phổ biến nhất cho con người nhưng nó vẫn có những cách thức đặc biệt mà chúng ta có thể nhận năng lượng qua những người ủng hộ mình. Đủ để chúng ta duy trì ở trong một trạng thái mà chúng ta tiêu thụ năng lượng ít nhất và điều đó nó đã diễn ra rồi.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mục tiêu, lý tưởng và ý chí giúp cho những người tù chính trị chúng tôi khi tuyệt thực có được sức mạnh tinh thần rất là lớn để vượt qua được những khó khăn. 

Cơn đói ở những ngày đầu tiên là nó ghê gớm nhất, trong khoảng từ bảy đến 10 ngày. Nhưng khi chúng ta đã vượt qua được rồi thì cái trạng thái năng lượng của chúng ta tiêu thụ rất ít và ta có thể tập được. Khi đạt được trạng thái cân bằng thì với nguồn năng lượng mà chúng ta nhận được tiếp dẫn từ bên ngoài có thể giúp chúng ta duy trì được vài chục ngày. 

Một lần nữa tôi vẫn nói rằng đó là một điều mà tôi rất mang ơn những người đã ủng hộ tôi trong thời gian qua đã giúp tôi. Đặc biệt là gia đình, bạn bè, các tổ chức đã ủng hộ và đồng hành cùng tôi và đó là một nguồn năng lượng rất là lớn.

Nó không phải là một cái điều gì đó phản khoa học đâu. Nó là một điều mà khoa học chưa hiểu hết được mà những người như tôi đã trải qua rồi và hiểu được.

Cao Nguyên: Lúc tuyệt thực như vậy thì sự chăm sóc y tế của trại giam đối với mình như thế nào? Họ có kiểm tra sức khỏe mình mỗi ngày không hay là họ bỏ mặt mình?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Về nguyên tắc thì họ phải vào thăm. Họ đề nghị kiểm tra sức khỏe. Nhưng mà, kiểm tra sức khỏe của họ đơn giản chỉ là vào cân và đo huyết áp rồi họ lập một biên bản để nói là vẫn đủ điều kiện để thi hành án.

Bao nhiêu lần họ đều làm như vậy. Cho nên, bây giờ tuyệt thực, khi họ vào hỏi là các anh có cần khám sức khỏe không thì ai cũng trả lời là không. Bởi vì nó chả có tác dụng gì ngoài việc để cho họ lập một cái biên bản là đủ điều kiện để thi hành án.

Cao Nguyên: Ông thấy việc tuyệt thực dài ngày ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của những người tuyệt thực như các tù nhân chính trị?

Ông Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi nghĩ là nó phụ thuộc vào rất nhiều vào khả năng rèn luyện của từng người. Nếu mà chúng ta chưa có sự rèn luyện tốt thì tôi nghĩ là chưa có cách để nhận năng lượng đặc biệt thì tuyệt thực có thể sẽ gây cho chúng ta nhiều tác hại. 

Tuy nhiên nếu như chúng ta rèn luyện được thì nó cũng có những điểm tốt. Lúc đó là lúc để cơ thể chúng ta thanh lọc hết. Chúng ta không phải nạp vào một số chất không tốt cho mình. Đó là lúc để chúng ta đào thải những chất mà không tốt cho cơ thể.

Tôi thì đã nhiều lần tuyệt thực rồi, có lần mọi người cho là khủng khiếp, nhưng sau những lần như vậy tôi đều có thể phục hồi rất nhanh và rất tốt. Sau những lần như vậy tôi thấy kể cả thể chất lẫn tinh thần của tôi đều lên hết.

Cao Nguyên: Một lần nữa, chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

 

RFA (29.09.2024)

 

 

 

 

Ba TNLT Trại giam Số 6 đồng loạt tuyệt thực đòi nhà nước phóng thích hết tù chính trị

Các TNLT ở trại giam Số 6, gồm Bùi Văn Thuận, Trịnh Bá Tư và Đặng Đình Bách. RFA edited

 

Ba tù nhân lương tâm ở Trại giam Số 6, Thanh Chương (Nghệ An) thông báo sẽ tuyệt thực từ ngày 28/9 để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Thông tin này được ông Trịnh Bá Tư cho biết trong cuộc gọi điện thoại về gia đình hôm 27/9. ông Trịnh Bá Tư đã nói với chị dâu của mình là bà Thu Đỗ rằng từ ngày 28/9, ông Tư cùng với hai tù nhân lương tâm khác là Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách sẽ bắt đầu tuyệt thực. 

Thông điệp và mục tiêu của cuộc tuyệt thực lần này được bà Thu Đỗ thông báo trên Facebook của mình như sau: 

“Một là kêu gọi Nhà nước phóng thích tù chính trị và các nhà hoạt động xã hội, nhằm mở đường cho đất nước dân chủ hoá để thiết lập một nhà nước pháp quyền, từ đó mới có thể bảo vệ thực chất quyền con người cho từng người dân. Chỉ có như vậy đất nước mới bước vào một cuộc chuyển mình vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam cần từ bỏ quyền độc tôn với nhà nước và xã hội.

Thứ hai là phản đối chế độ giam giữ hà khắc vô nhân đạo của Thái Văn Thuỷ, Nguyễn Văn Du là những người đứng đầu phân trại 1, Trại giam Số 6, Nghệ An. Yêu cầu chấm dứt ngay “chuồng cọp” và sự hủy hoại sức khỏe, tinh thần của tù nhân chính trị.”

Cũng trong cuộc gọi điện này, ông Trịnh Bá Tư cho biết lần này mọi người sẽ chiến đấu quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.

Bà Trịnh Nhung, vợ của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, nói với RFA rằng kể từ ngày 11/4/2024, các tù nhân chính trị khu K1, bao gồm chồng bà, đã bị giam giữ trong các khu vực biệt lập, thường được gọi là “chuồng cọp”, không được phép ra ngoài để tập thể dục hoặc sinh hoạt. Điều này là trái với quy định của trại giam rằng các tù nhân được ra sân chung để sinh hoạt văn nghệ, thể thao vào mỗi chủ nhật hàng tuần.

Đặc biệt là trong mùa hè nóng bức, theo lời mà ông Thuận kể lại cho bà Nhung, các tù nhân lương tâm phải sống trong những phòng giam nhỏ hẹp với điều kiện vệ sinh rất kém. Bên trong phòng giam chỉ có một chiếc quạt, không đủ để lưu thông không khí trong thời tiết nóng bức: 

“Anh Thuận bị giam ở trong một căn phòng ba người nhưng chỉ rộng 12 mét vuông và nhà vệ sinh tắm giặt ở trong cái buồng giam đó luôn, thì cái không gian rất là bé mà ba người ở trong đó rất là tù bức, và bị nhốt trong phòng gần như suốt ngày.” 

Bà Nhung cho biết, điều kiện sinh hoạt này đã khiến ông Thuận bị giảm cân và suy yếu về sức khỏe, tinh thần căng thẳng và mệt mỏi trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè miền Trung.

Khi biết chồng mình chuẩn bị tuyệt thực trong trại giam, bà Nhung bày tỏ nỗi lo lắng cho sức khoẻ của chồng vốn đã không tốt do điều kiện sống thiếu thốn. Tuy nhiên, bà cho hành động này của ông Thuận là chính đáng và bà luôn đồng hành ủng hộ chồng:

“Thứ nhất là rất lo lắng vì ở trong đó đã thiếu thốn rồi mà các anh lại bị tuyệt thực thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất là nhiều nhưng mà cũng tin tưởng và ủng hộ cái việc đó. Bởi vì, các anh đang đòi quyền lợi chính đáng và mục tiêu để tuyệt thực là muốn đòi thả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trên khắp Việt Nam. 

Tôi nghĩ lý do đó là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Tôi cũng ủng hộ các anh đã đoàn kết với nhau để đòi những quyền lợi chính đáng của mình.” 

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa bị trại giam Số 6 “cưỡng bức đặc xá” vào ngày 19/9 vừa qua, cũng đã công khai lên tiếng ủng hộ ba người từng ở chung trại giam trước khi ông được phóng thích.

Trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, ông Thức bày tỏ rằng nếu không bị tống ra khỏi tù, ông cũng đã tham gia và dẫn dắt cuộc tuyệt thực này. Ông kêu gọi mọi người chia sẻ, lan tỏa thông điệp cuộc tuyệt thực lần này và nếu có thể, đồng hành cùng những con người can đảm vì đất nước.

Đây không phải là lần đầu tiên ba tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, Đặng Đình Bách và Bùi Văn Thuận tuyệt thực trong trại giam Số 6, Thanh Chương (Nghệ An).

Ông Trịnh Bá Tư (35 tuổi) là một nhà hoạt động vì quyền đất đai, bị tuyên án tám năm tù giam hồi năm 2020 với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” cùng với mẹ và anh trai. vào tháng 6/2022, đã bị cán bộ trại giam đánh đập và tước đoạt quyền lợi cơ bản của tù nhân. Khi đó, ông Tư đã tuyệt thực Trịnh Bá Tư tuyệt thực trong 14 ngày cho đến ngày thăm gặp người thân.

Luật gia Đặng Đình Bách (46 tuổi), người đang thụ án tù năm năm tù giam về tội trốn thuế, tuyên bố tuyệt thực từ ngày 02/02/2024 để tiếp sức bạn tù cùng phòng khi đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đòi quyền lợi của tù nhân, cũng như phản đối việc bị đối xử hà khắc bởi cán bộ Trại giam số 6.  

Ông Bùi Văn Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông đã tuyệt thực kéo dài năm ngày hồi tháng vừa qua nhằm phản đối chế độ giam giữ quá khắc nghiệt đối với tù nhân chính trị ở trại giam này. 

 

RFA (28.09.2024)

 

 

 

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) lên án Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Phiên họp 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra ngày 11/9/2024  UNTV

 

Hai tổ chức nhân quyền là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tại khoá họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/9 vừa qua, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù chính trị.

Thông cáo báo chí của hai tổ chức này dẫn lời bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, nói rằng: “hành động trả thù đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại của tù nhân chính trị, và sự đàn áp các thành viên của xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký là có thực [tại Việt Nam]. Thực tế này không phải là “những đánh giá không chính xác và vô căn cứ” như Hà Nội tuyên bố.”

Trong bài phát biểu của mình trước Liên Hiệp Quốc, bà Penelope Faulkner đã nhắc đến cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4 của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2024. Tại kỳ kiểm điểm này, 133 quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 320 khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.

Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 271 khuyến nghị (85%), trong số này 253 khuyến nghị được chấp nhận hoàn toàn và 18 khuyến nghị được chấp nhận một phần.

Bà Faulker nhận xét: “Việc chính quyền VN chấp nhận toàn bộ hoặc một phần 85% các khuyến nghị của UPR là một sự lừa phỉnh. Sự quỷ quyệt đã phơi bày và việc Hà Nội bác bỏ nhiều khuyến nghị liên quan đến các quyền dân sự và chính trị quan trọng là một vấn đề rất đáng lo ngại”.

Các khuyến nghị bị Việt Nam từ chối như: chấm dứt việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo, điều tra các mối đe dọa và trả thù những người bảo vệ nhân quyền, thiết lập một cơ chế quốc gia để giám sát các nhà tù và trại giam nhằm ngăn chặn sự tra tấn, ngược đãi và hình phạt tàn bạo đối với tù nhân, đảm bảo xét xử công bằng, chấm dứt việc ép buộc từ bỏ đức tin đối với các tín đồ của những nhóm tôn giáo chưa đăng ký, xóa bỏ mọi hạn chế pháp lý đối với quyền tự do biểu đạt, ngôn luận và truy cập Internet.

Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai tổ chức nhân quyền cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng của các tù nhân lương tâm bao gồm luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm với tội danh trốn thuế mà các tổ chức quốc tế cho là nguỵ tạo, TNLT Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình (đang thụ án 5 năm và 7 năm tù), nhà báo Trương Huy San – người vừa bị bắt giữ trong năm nay.

Tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 9/9/2024 vừa qua, đại diện của Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Châu Âu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam.

Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc – ông Volker Turk – hôm 9/9 phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ lo ngại về việc đàn áp các quyền của người dân trên thế giới bao gồm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, tự do báo chí. Ông nhắc đến tên của Việt Nam trong số các nước có các hoạt động đàn áp.

Vào ngày 10/9, Đại diện thường trú của Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva – Đại sứ Lotte Knudsen – phát biểu tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, bày tỏ “quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường”.

Trong báo cáo được trình bày trước tại kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam bị nêu tên là một trong những quốc gia có hành vi trả thù các cá nhân và tổ chức cộng tác với LHQ trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024. Theo báo cáo này, lo sợ bị trả thù, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã không thể báo cáo thường xuyên cho LHQ và hệ quả là số lượng báo cáo về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong kỳ UPR hồi tháng 5 vừa qua đã giảm sút.

Vào ngày 11/9, tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Mai Phan Dũng bác bỏ những cáo buộc của Cao ủy Nhân quyền LHQ và một số quốc gia khác về tình hình “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam.

Ông Dũng nói: “Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những nhận xét của Cao ủy và của một số quốc gia và nhóm quốc gia liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều dựa trên những thông tin chưa được xác minh, độc hại và sai sự thật”.

Theo Human Rights Watch, hiện Việt Nam còn đang giam giữ ít nhất khoảng 160 tù chính trị, tuy nhiên, Hà Nội luôn khẳng định không có tù chính trị và chỉ có những người vi phạm pháp luật.

 

RFA (28.09.2024)

 

 

 

 

Việt Nam tuyên án 8 năm tù đối với người kêu gọi từ bỏ học thuyết Marx-Lenin

Ông Hoàng Việt Khánh bị xử 8 năm tù giam hôm 24/9/2024. Photo ANTV.

 

Một tòa án ở tỉnh Lâm Đồng vừa tuyên án 8 năm tù đối với một người đàn ông bị khép vào tội “tuyên truyền chống nhà nước”, do ông ấy đăng bài trên Facebook kêu gọi chính quyền Việt Nam từ bỏ học thuyết Marx-Lenin mà đảng cộng sản cầm quyền theo đuổi hơn 90 năm qua.

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm 24/9, hội đồng xét xử tuyên phạt án tù trên đối với ông Hoàng Việt Khánh, 41 tuổi, cáo buộc ông tạo, đăng 126 bài viết và một video clip trên Facebook chỉ trích các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước về chính trị, kinh tế và xã hội, các báo mạng nhà nước đưa tin.

“Ông cũng xuyên tạc lịch sử dân tộc, phỉ báng và lăng mạ các nhà lãnh đạo, vu khống các quan chức cấp cao của Đảng, cũng như phát tán thông tin sai sự thật”, báo chí trong nước dẫn cáo trạng tường thuật.

Với tài khoản trên Facebook mang tên Hoàng Dũng, từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2023, ông Khánh bị cho là đã “tham gia các hội nhóm kín, kêu gọi từ bỏ học thuyết Marx-Lenin, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, trang ANTV của Bộ Công an đưa tin.

Tài khoản Facebook của ông Khánh, người bị bắt hồi 2/2024, thu hút hơn 45.000 người đăng ký và theo dõi, cáo trạng cho biết.

Chủ nghĩa Marx-Lenin được Liên Xô áp dụng để diễn dịch và xây dựng chủ nghĩa xã hội từ đầu những năm 1920, tiếp đến được thực thi ở các nước Đông Âu và sau đó lan sang các nước như Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Triều Tiên, và Việt Nam.

Dù học thuyết này bị một số quốc gia phương tây chỉ trích là mô hình để các nhà lãnh đạo cộng sản thể hiện tính độc tài, chuyên quyền, và toàn trị, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn theo đuổi nó từ lúc thành lập vào năm 1930 đến nay.

Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị thường bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và không dung thứ những tiếng nói chỉ trích đảng cầm quyền hay các nhà lãnh đạo của đảng.

Hồi đầu tháng này, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt ông Hoàng Tùng Thiện 6 năm tù sau khi ông lập các trang web bị xem là nhằm “tuyên truyền đa nguyên, đa đảng” và có ý định sáng lập đảng Lạc Hồng để cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng như ông Khánh, ông Thiện bị án tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, các quốc gia phương tây và cả các báo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc nhiều lần khuyến nghị chính quyền Việt Nam bãi bỏ điều luật này, cùng với các điều luật khác của Việt Nam về an ninh quốc gia, cho rằng chúng được sử dụng rộng rãi để hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ khuyến nghị này, biện hộ rằng chúng được xây dựng “hoàn toàn hợp hiến” và phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền.

 

VOA (27.09.2024)

 

 

 

 

Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập

Những người đi lễ chùa Cầu Đông ở Hà Nội hôm 26/5/2021 (minh hoạ) Nhac NGUYEN / AFP

 

Chính phủ Việt Nam đang sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để điều khiển, đe doạ và đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập trong nước. Một báo cáo mới của Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) của Mỹ được công bố vào ngày 27/9 đưa ra kết luận như vậy.

Uỷ ban độc lập lưỡng đảng Hoa kỳ trong báo cáo mới về nội dung tôn giáo do nhà nước kiểm soát và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã chỉ ra cách mà Chính phủ Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để giám sát, đe doạ và thậm chí là xoá sổ các tổ chức tôn giáo gốc và độc lập khác ra sao trong quá trình lịch sử hàng chục năm, nhất là sau chiến tranh Việt Nam 1975.

Theo báo cáo này, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã sử dụng ba tổ chức then chốt của Đảng và Chính phủ cùng nhiều điều luật bao trùm và ba chiến thuật để quản lý đời sống tôn giáo của người Việt qua sáu tổ chức tôn giáo được Chính phủ thừa nhận.

Sáu tổ chức tôn giáo được Chính phủ thừa nhận cho hoạt động ở Việt Nam bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, Hội thánh Tin lành  Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Ba tổ chức then chốt được Chính phủ sử dụng bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an.

Mặt trận Tổ quốc thực chất là thuộc Đảng Cộng sản và có nhiệm vụ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương của Đảng để xác định các trường hợp nào là dị giáo, tôn giáo nào cần phải loại bỏ. Mặt trận Tổ quốc đã góp phần vào việc loại bỏ các nhóm tôn giáo nhỏ như đạo Hà Mòn, đạo Dương Văn Mình, Bà Cô Dợ.

Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ và không có chức năng bảo vệ an ninh nhưng các lãnh đạo của cơ quan này đều có nguồn gốc từ Công an. Ban này có nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động tôn giáo, soạn thảo các luật, quy định về tôn giáo.

Bộ Công an thực thi các luật và quy định về tôn giáo. Theo báo cáo, Bộ Công an giám sát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập bằng cách bắt giữ, thẩm tra, đánh đập và đe doạ các tín đồ.

Các luật được chính quyền Việt Nam sử dụng thường để kiểm soát tôn giáo bao gồm Luật về Tôn giáo và Tín ngưỡng 2016, Luật Đất đai 2013, Bộ luật Hình sự 2015, Luật về Bảo vệ Bí mật Nhà nước 2018, Luật Xây dựng 2014.

Ba chiến thuật được chính quyền Việt Nam sử dụng bao gồm thay thế, kết nạp và thâm nhập. Bằng các chiến thuật này, Chính phủ Việt Nam xoá sổ các tổ chức tôn giáo gốc, lấy đất đai và cơ sở tôn giáo của họ, bắt người theo đạo phải bỏ đạo và tham gia vào các tổ chức tôn giáo của Nhà nước, kiểm soát các hoạt động tôn giáo rộng khắp, đàn áp tôn giáo không chỉ ở trong nước mà còn lan ra nước ngoài.

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng chiến thuật thay thế để xoá sổ những tổ chức tôn giáo cũ, lập các tổ chức tôn giáo mới và bắt những người theo đạo phải tham gia vào các tổ chức tôn giáo mới do Chính phủ kiểm soát.

Điều này đã xảy ra với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khi giáo hội này bị chính quyền thay thế bằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không tuân thủ lệnh của chính quyền bị đàn áp, bắt bớ, tù đầy, có người bị tra tấn và chết trong tù, các cơ sở, đất đai của giáo hội này bị tịch thu hoặc bị phá.

Những người theo Phật giáo Khmer Krom ở miền Nam cũng chịu chung số phận khi họ bị bắt phải theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu không muốn bị đàn áp, bắt bớ và bỏ tù.

Chiến thuật thay thế cũng được áp dụng với Cao Đài Chơn Truyền khi tổ chức tôn giáo gốc này bị thay thế bằng Chi phái Cao Đài 1997; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo cũ cũng bị thay thế bằng Giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo mới của Nhà nước. Những tín đồ của các tổ chức tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo gốc bị bắt phải tham gia giáo hội mới. Những người đến giờ vẫn tiếp tục theo giáo hội gốc phải đối mặt với tình trạng sách nhiễu và đàn áp thường xuyên.

Chiến thuật kết nạp (co-opting) được Chính phủ Việt Nam áp dụng chủ yếu với Hội thánh Tin lành miền Bắc và miền Nam vốn là hai hội thánh gốc trước kia phổ biến cho những người H’mong ở phía Bắc theo Tin Lành và người Thượng theo Tin Lành ở Tây Nguyên. Chính phủ Việt Nam đã biến các hội thánh này thành các hội thánh bị Chính phủ kiểm soát hoàn toàn với những lãnh đạo của các hội thánh tuân thủ lệnh của Chính phủ và giữ im lặng khi những người theo đạo Tin Lành bị đàn áp. Báo cáo mới đưa ra dẫn chứng là các vụ đàn áp người H’mong ở Mường Nhé 2011, hay người Thượng ở Tây Nguyên vào các năm 2002, 2004, 2008.

Chiến thuật thâm nhập được Chính phủ Việt Nam áp dụng rõ rệt nhất đối với Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, theo báo cáo. Chiến thuật này được Chính phủ áp dụng khi họ không thể kiểm soát hoàn toàn tổ chức tôn giáo do mạng lưới rộng lớn tràn ra ngoài biên giới của Việt Nam. Chính phủ thành lập tổ chức tôn giáo giả danh và thành viên của tổ chức này cũng là thành viên của tổ chức gốc. Những người này sẽ có nhiệm vụ diễn giải các bài giảng và thực hành đạo theo cách mà Đảng Cộng sản muốn.

Chính quyền Việt Nam áp dụng chiến thuật thâm nhập phổ biến đối với đạo Công giáo – tổ chức tôn giáo độc lập duy nhất được Chính phủ công nhận. Chính phủ Việt Nam đã đưa người vào các hàng ngũ linh mục, giám mục Công giáo trong nhiều năm.

Những thành viên của các tổ chức tôn giáo giả do Chính phủ lập nên đã tấn công những linh mục và giáo dân dám lên tiếng chống bất công, đòi bảo vệ tự do tông giáo.

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam sử dụng Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng 2016 thực chất là để đàn áp tự do tôn giáo khi các điều trong luật này bắt các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các hoạt động với chính quyền, cung cấp cho chính quyền danh sách của các chức sắc và bổ nhiệm chức sắc. Luật cũng cho phép Ban Tôn giáo Chính phủ được quyền bãi miễn chức vụ của các chức sắc tôn giáo trong các nhóm tôn giáo được Chính phủ thừa nhận.

Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng 2014 của Việt Nam đã khiến hàng trăm cơ sở và nhiều đất đai của các tổ chức tôn giáo bị Chính phủ lấy sử dụng vô thời hạn, bị phá vì lý do lợi ích công cộng, trong khi các cơ sở tôn giáo khi muốn xây dựng bất cứ công trình gì trên đất của mình đều phải xin phép chính quyền địa phương.

Bộ luật Hình sự 2015 với các Điều 117 (tuyên truyền chống Chính phủ), Điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) và Điều 116 (phá hoại chính sách đoàn kết) thường được sử dụng để kết án những người theo đạo thuộc các nhóm thiểu số, nhất là người Thượng và người H’mong.

Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước 2018 quy định các mức độ thông tin được coi là bí mật nhà nước từ 10, 20 đến 30 năm và Chính phủ giành quyền quyết định để kéo dài thời hạn này đến bất kỳ khi nào.

Theo báo cáo, vào tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký một quyết định xác định là Đảng Cộng sản đã đưa người vào các tổ chức tôn giáo và thông tin về những người này là bí mật Nhà nước.

Khoảng 27% dân số Việt Nam (tương đương khoảng 26,5 triệu người) là người theo đạo tính đến tháng 10/2023, theo thông tin từ báo cáo. Thống kê vào năm 2019 cho thấy người theo Công giáo chiếm khoảng 44,6% số người theo đạo ở Việt Nam, tiếp theo là Phật giáo chiếm 35%, Tin lành chiếm khoảng 7%, các nhóm còn lại chiếm khoảng 13,4%.

Báo cáo của USCIRF kết luận cách làm của Chính phủ Việt Nam đang có ảnh hưởng tiêu cực đến tự do tôn giáo của Việt Nam, làm yếu đi các tổ chức tôn giáo độc lập.

USCIRF đã nhiều năm liên tục đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2022 mới đưa Việt Nam vào danh theo dõi đặc biệt. 

Chính phủ Việt Nam phản đối việc bị xếp vào danh sách theo dõi đặc biệt và liên tục khẳng định luôn đảm bảo tự do tôn giáo, tin ngưỡng của người dân.

 

RFA (27.09.2024)