Mục lục
Truyền thông nhà nước: Quân đội Trung cộng tuần tra một số khu vực Biển Đông
Tàu hải cảnh Trung cộngtrên biển Đông.
Quân đội Trung cộng đã tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại một số khu vực Biển Đông từ thứ Hai đến thứ Ba, truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin, trong một đợt mở rộng các cuộc thao dượt và diễn tập quân sự hiếm hoi trong khu vực vào cuối tuần.
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng(PLA) đã tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu nhằm cải thiện năng lực chiến đấu và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông, theo các tin tức của truyền thông nhà nước.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông mặc dù có các tuyên bố chồng lấn trên tuyến đường thủy bận rộn này của Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân và Việt Nam.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết rằng các tuyên bố của Trung cộng không tuân theo luật pháp quốc tế và Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
Vào thứ Bảy tuần trước, lực lượng không quân và hải quân Trung cộng đã tiến hành các cuộc tập trận gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp sau khi Úc và Phi Luật Tân tuyên bố quân đội của họ sẽ tổ chức các hoạt động hàng hải chung với Nhật Bản, New Zealand và Hoa Kỳ tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân.
Bãi cạn, cách đảo chính là Luzon của Phi Luật Tân khoảng 200 km về phía tây và nằm trong EEZ của Phi Luật Tân, từ lâu đã được cả Bắc Kinh và Manila tuyên bố chủ quyền.
Trong các cuộc đàm phán gần đây với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung cộng Vương Nghị tại New York, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nêu ra “những hành động nguy hiểm và gây mất ổn định” của Trung cộng ở Biển Đông.
Trước đó, ông Blinken đã cáo buộc Bắc Kinh cấp tập triển khai ở Biển Đông lực lượng hải cảnh và các tàu đánh cá, vốn bị nghi ngờ là lực lượng dân quân biển.
VOA (01.10.2024)
Trung cộng tấn công tàu cá Quảng Ngãi, 10 ngư dân bị thương
Một tàu cá ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị tàu Trung cộng tấn công khiến các ngư dân bị thương.
Xác nhận với báo Người Lao Động hôm 30 Tháng Chín, ông Phùng Bá Vương, chủ tịch xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết: “Hiện tại đang không thể liên lạc được với thuyền trưởng và các ngư dân.”
Ngư dân trên một tàu cá ở Quảng Ngãi bị tàu Trung cộng xịt vòi rồng làm gãy tay hồi Tháng Tám, 2023. (Hình: Người Lao Động)
Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 1 giờ trưa 29 Tháng Chín, Đồn Biên Phòng Bình Hải thuộc Bộ Đội Biên Phòng Quảng Ngãi nhận được tin báo từ Đài Canh Cộng Đồng Xã Bình Châu về việc tàu cá QNg 95739 TS ở thôn Châu Thuận Biển của xã do ông Nguyễn Thanh Biên, 40 tuổi, làm thuyền trưởng, đang câu thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung cộng tấn công.
Nhận được tin báo, Đồn Biên Phòng Bình Hải tiến hành xác minh, tuy nhiên chưa có thông tin cụ thể thiệt hại về người và phương tiện.
Đến khoảng gần 5 giờ chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Nam, người phụ trách Đài Canh Cộng Đồng Xã Bình Châu, loan báo qua thiết bị Icom đã liên lạc được với thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên, và ông này cho hay hiện trên tàu có ba ngư dân bị gãy tay, gãy chân, bảy ngư dân bị thương (chưa rõ họ tên từng người bị thương).
Tàu cũng đã liên lạc được với Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm, Cứu Nạn Hàng Hải Khu Vực 2 và các lực lượng hữu trách để được hỗ trợ cứu nạn.
Tin cho biết, tàu cá QNg 95739 TS xuất bến tại Trạm Kiểm Soát Biên Phòng Sa Kỳ vào hôm 13 Tháng Chín, hành nghề câu ở quần đảo Hoàng Sa, trên tàu có 10 ngư dân.
Để xoa dịu công luận, Bộ Đội Biên Phòng Quảng Ngãi cho biết: “Hiện sự việc đang được tiếp tục xác minh nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân Quảng Ngãi khi hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Tàu cá QNg-90918 TS ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, từng bị tàu “lạ” uy hiếp cướp tài sản. (Hình: Nguyễn Ngọc/Thanh Niên)
Việc tàu cá của ngư dân các tỉnh thành, nhất là ở Quảng Ngãi bị tàu “lạ” tấn công khi đang hành nghề ngay trong hải phận Việt Nam không còn là chuyện hiếm.
Trước đó, theo báo Tiền Phong hồi Tháng Năm, 2022, trong lúc hành nghề câu mực trên vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá QNg-90918 TS do ông Ngô Thanh Vinh, 50 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, làm thuyền trưởng, cùng 43 ngư dân, bị một tàu sắt mang số hiệu 3915 nghi của Trung cộng sử dụng vũ khí khống chế, cướp năm điện thoại và hơn một tấn mực.
Nguoi Viet (30.09.2024)
Thủy thủ đoàn tàu cá Việt Nam bị thương trong vụ tấn công ở Biển Đông
Trong bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Milius (DDG 69) tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông, Thứ Sáu ngày 24 tháng 3 năm 2023. (Chuyên gia Truyền thông Đại chúng Hạng 1 Greg Johnson / Hải quân Hoa Kỳ qua AP)
Một tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung cộng và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 thành viên thủy thủ đoàn đã bị thương, theo truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin hôm thứ Hai 30.9.
Tàu cá Việt Nam này đã liên lạc qua radio vào Chủ Nhật 29.9 để báo cáo về vụ tấn công, cho biết ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy người khác bị thương, báo Tiền Phong dẫn lời một quan chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Không rõ tàu của nước nào đã tấn công tàu Việt Nam, và các quan chức xã nói với hãng thông tấn AP rằng họ không có gì để bổ sung vào bản tin của tờ báo.
Biên phòng Việt Nam đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào.
Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông Việt Nam khoảng 400 km (250 dặm) và cách tỉnh Hải Nam của Trung cộng khoảng 400 km về phía đông nam.
Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Bài báo cho biết vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ chính xác là ở đâu.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, một vùng biển chiến lược quan trọng, là lãnh thổ của mình. Việc này gây ra tranh chấp với Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc theo đuổi các yêu sách của mình, khiến Trung cộng phải đối đầu trực tiếp với Phi Luật Tân và Việt Nam.
Mỹ không có yêu sách nào ở Biển Đông, nhưng đã triển khai các lực lượng của Hải quân và Không quân để tuần tra tuyến đường thủy này, nơi có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm.
Trung cộng đã đe dọa sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” vào năm ngoái sau khi Hải quân Mỹ điều một tàu khu trục đi quanh quần đảo Hoàng Sa trong một “hoạt động tự do hàng hải” thách thức cái mà họ gọi là “các yêu sách hàng hải quá mức”.
Quần đảo Hoàng Sa đã nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Trung cộng kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam trong một cuộc xung đột hải quân ngắn ngủi.
Năm ngoái, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng dường như đang xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo như thiết kế vào thời điểm đó, nó có vẻ đủ lớn để chứa máy bay cánh quạt và máy bay không người lái nhưng không phải máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.
Trung cộng cũng đã có một bến cảng nhỏ và các tòa nhà trên đảo trong nhiều năm, cùng với một bãi đáp trực thăng và một dãy radar.
Trung cộng đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng trên các đảo của mình, ngoại trừ việc nói rằng nó nhằm mục đích thúc đẩy an toàn hàng hải toàn cầu.
Trung cộng đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang quân sự hóa tuyến đường thủy này, một tuyến đường toàn cầu và an ninh quan trọng cũng được cho là nằm trên các mỏ khí đốt và dầu mỏ khổng lồ dưới biển.
Hau Dinh and David Rising
Nguồn: https://apnews.com/article/vietnam-south-china-sea-boat-attack-paracel-4178b8a4c5f430834b77dbf4c
Cù Tuấn dịch
Nguồn: https://www.facebook.com/cutuan4/posts/pfbid02XDATmuBH4xp3aYwmzTe8heRLR6G14fCkcBpHZ55yNV51vHG3W
Biển Đông : Trung cộng “bao vây hoàn toàn” bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dường như hoàn toàn bị Trung cộng “bao vây”, theo các hiệp hội ngư dân Phi Luật Tân, trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post. Về phía Việt Nam, báo chí trong nước hôm nay, 30/09/2024, đưa tin 1 tàu cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị “một tàu nước ngoài”, tấn công khi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
(Ảnh minh họa) – Một tàu hải cảnh Trung cộng diễn tập gần tàu tuần duyên Phi Luật Tân BRP Teresa Magbanua gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Ảnh ngày 08/02/2024. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong vòng 4 tháng (01/05-16/09) của Trung cộng tại Biển Đông đã kết thúc từ 2 tuần qua, nhưng theo ghi nhận của chủ tịch của hiệp hội đánh cá New Masinloc của Phi Luật Tân, Leonardo Cuaresma, trả lời South China Morning Post hôm nay, cho biết “kể từ ngày 15/06, bãi cạn Scarborough đã bị canh giữ nghiêm ngặt và không ai có thể tiếp cận”. Một nhóm ngư dân từ Subic của Phi Luật Tân đã đến đánh bắt cá gần bãi cạn nhưng “đã bị ngăn chặn và đe dọa bằng vũ khí”.
Leonido Moralde, ngư dân Phi Luật Tân, trả lời báo Inquirer, cho biết thêm : “Chúng tôi không thể đến gần, nhưng từ xa, chúng tôi có thể nhìn thấy các tàu ở đó. Chúng tôi thấy một chiếc tàu màu xám, ban đầu chúng tôi nghĩ là của Phi Luật Tân, nhưng khi thấy lá cờ đỏ, chúng tôi mới nhận ra đó là của Trung cộng”.
Về phía Việt Nam, báo chí trong nước cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi (QNg 95739TS), đã báo cáo bị một tàu nước ngoài tấn công vào hôm qua, khiến 10 ngư dân bị thương. Chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể.
RFI (30.09.2024)
Vì sao Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông khó thành hiện thực
Tàu hải cảnh Trung cộng đi qua tàu của tuần duyên Phi Luật Tân khi tàu của Phi Luật Tân thực hiện chuyến tiếp tế đến Bãi Sabina ở Biển Đông hôm 26/8/2024 Jam Sta Rosa / AFP
Trung cộng kêu gọi hoàn tất COC
Ngày 15/9, người phát ngôn Hải cảnh (CCG) Trung cộng Lưu Đức Quân cho biết Bắc Kinh hối thúc Manila ngừng thổi phồng tình hình và hợp tác với Trung cộng để đảm báo sự nghiêm túc và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (1).
Phát biểu của ông Lưu Đức Quân được đưa ra ngay sau khi tàu tuần duyên Phi Luật Tân MRRV-9701 rút khỏi Bãi cạn Sa Bin vào chiều 14/9 sau 5 tháng được triển khai tại đây.
Cũng trong ngày 15/9, Trần Tương Miễu (Chen Xiangmiao), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hải quân thế giới tại Viện Nghiên cứu quốc gia Nam Hải, cho rằng tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 22 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ở thành phố Tây An (Trung cộng), các bên đã nhất trí tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển…, đồng thời nhất trí đẩy nhanh tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) một cách linh hoạt, sáng tạo, phấn đấu sớm đạt được COC (2).
Nhưng sự thực có phải như Trung cộng nói không?
COC là gì?
Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC là chốt chặn trong việc ổn định kịch bản Biển Đông đầy biến động và khéo léo xử lý các tranh chấp dai dẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên DOC đã bộc lộ nhiều bất cập, và cả ASEAN và Trung cộng đều tuyên bố là mong muốn COC sớm được ký kết.
Trong nỗ lực tìm kiếm sự yên bình trong khu vực, việc hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông là một khát vọng chung về sự hòa hợp giữa Trung cộng và các đối tác ASEAN.
Bộ quy tắc ứng xử (COC) là một thỏa thuận then chốt được xây dựng tỉ mỉ giữa Trung cộng và mười quốc gia ASEAN, vạch ra các chuẩn mực quản lý hoạt động trên Biển Đông. Kể từ khi các cuộc thảo luận về COC được khôi phục vào tháng 9 năm 2013, một loạt các nỗ lực cần cù đã được tiến hành để thúc đẩy quá trình kết tinh dứt khoát của văn bản quan trọng này. Khung COC, bắt đầu vào tháng 5 năm 2017, đã được tăng cường hơn nữa với việc công bố Văn bản đàm phán Dự thảo duy nhất của COC ở Biển Đông vào tháng 8 năm 2018. Sau đó, để tượng trưng cho cam kết hợp tác, Trung cộng và ASEAN đã nhất trí vào tháng 7 năm 2023 sẽ bắt đầu một hành trình chung kéo dài ba năm, với nhiệm vụ kết thúc các cuộc đàm phán COC vào khoảng mùa thu năm 2026.
Indonesia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, đã đi đầu trong sáng kiến quan trọng nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, đạt được sự nhất trí từ tất cả các nước thành viên ASEAN và Trung cộng. Động thái mang tính đột phá này đã được Rolliansyah Soemirat, Giám đốc Hợp tác Chính trị và An ninh ASEAN, công bố trong một cuộc họp báo tại Jakarta vào ngày 9 tháng 1 năm 2024 (3).
Để đẩy nhanh các cuộc đàm phán COC, sáng kiến của Indonesia đưa ra một bộ hướng dẫn toàn diện, đánh dấu một thời điểm lịch sử khi lần đầu tiên có các hướng dẫn thực tế cho COC. Các hướng dẫn này không chỉ nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đàm phán mà còn cung cấp tài liệu thực chất đảm bảo hiệu quả và tính thực tế của COC.
Trong thời gian giữ chức Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán COC, đạt được lần đọc thứ hai hoặc các cuộc thảo luận trong vòng thứ hai. Sự phát triển tích cực này được coi là động lực quan trọng hướng tới việc đẩy nhanh thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử.
Indonesia cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung cộng vào tháng 3, tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận đang diễn ra. Là một phần trong cam kết của mình đối với tiến trình COC, Indonesia có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối năm 2024, đóng góp hơn nữa vào việc đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao quan trọng này.
Lý do nào khiến COC vẫn xa vời?
Tuy nhiên, hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết bản dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc đã được hoàn tất nhưng vẫn cần phải đàm phán. Ông nói rằng: “Những vấn đề này không dễ giải quyết và thực sự, việc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề về kết quả cuối cùng sẽ như thế nào và do đó, vì câu trả lời cuối cùng rất khó khăn nên việc đàm phán về bộ quy tắc cũng sẽ mất khá nhiều thời gian”. (4)
Nhiều nhà quan sát cũng có những ý kiến tương tự. Một số nhà phân tích cho biết kể từ năm 2017, họ đã nhiều lần nghe nói rằng một bộ quy tắc ứng xử sắp ra đời, nhưng nó chưa bao giờ đến từ những bên yêu sách thực sự bất đồng quan điểm với Trung cộng.
Lý do đầu tiên, mọi người đều biết tham vọng của Trung cộng đối với việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông chưa bao giời phai nhạt. Mới đây, khi đề cập đến tình hình Biển Đông bên lề Diễn đàn Hương Sơn diễn ra ngày 12-14/9, Trung tướng Hà Lôi tuyên bố ông “hy vọng Biển Đông sẽ vẫn là một vùng biển hòa bình”, nhưng đồng thời khẳng định quân đội Trung cộng sẵn sàng “đập tan mọi hành động thù nghịch” nhắm vào “lãnh thổ, chủ quyền, lợi ích trên biển”. (5)
Với giọng điệu hù dọa, Trung tướng Hà Lôi trực tiếp cảnh cáo Mỹ: “Nếu như ở hậu trường, Mỹ sử dụng những quân cờ, đẩy một số quốc gia lên tuyến đầu hay tự họ bước lên tuyến đầu thì Quân đội Trung cộng “sẽ không ngần ngại” đáp trả đích đáng, “quyết tâm của Trung cộng mạnh mẽ, không có gì lay chuyển được”, nhất là giờ đây Bắc Kinh “đã có những khả năng vững chắc, những phương tiện hiệu quả” để bảo vệ chủ quyền trên bộ và trên biển. Theo lời quan chức này, căng thẳng trong vùng biển này có thể được giải quyết hay không là tùy thuộc vào thái độ của Mỹ.
Nhiều người tham dự Diễn đàn Hương Sơn ghi nhận lời lẽ của Trung tướng Hà Lôi nhằm đáp trả việc Mỹ đã cảnh cáo Trung cộng về những tham vọng của nước này ở Biển Đông. Thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ Michael Chase là một trong số 500 đại biểu tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh.
Lý do thứ hai, tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân trên Biển Đông từ đầu năm 2023 tới nay vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm, mà còn tiềm ẩn nhiều xung đột quân sự trực diện.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. cho biết tình trạng pháp lý của tranh chấp đã được làm rõ qua chiến thắng của Phi Luật Tân trước Trung cộng trong phán quyết trọng tài năm 2016 tại The Hague, Hà Lan, tuyên bố vô hiệu các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều đáng nói là Trung cộng đã không chấp nhận phán quyết này.
“Thật không may là mặc dù luật pháp quốc tế đã nêu rõ ràng, các hành động khiêu khích, đơn phương và bất hợp pháp vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi”, Marcos cho biết (6). Căng thẳng giữa hai bên vẫn tiếp tục gia tăng thì sao có thể tin tưởng để đàm phán về COC được. Một điểm đáng chú ý khác là trong khi ASEAN từ lâu đã khẳng định rằng một bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý, thì Trung cộng chưa bao giờ chấp nhận lập trường quan trọng này.
Lý do thứ ba, “ASEAN vẫn khá chia rẽ vì những bên không yêu sách không thực sự đầu tư vào việc giải quyết hoặc thậm chí quản lý vấn đề này và sẽ không mạo hiểm làm Trung cộng bất bình thay mặt cho các thành viên khác của mình. Điều này thực sự khiến các bên yêu sách — đặc biệt là Phi Luật Tân và Việt Nam — thường phải đơn độc giữ vững lập trường trong các cuộc đàm phán với Trung cộng”, Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. (7)
Luigi Joble, giảng viên tại Đại học De La Salle, Phi Luật Tân, cho biết thách thức như vậy — sự thiếu thống nhất giữa các lập trường khác nhau của các quốc gia thành viên — “thật không may, đã trở thành vấn đề dai dẳng trong các cuộc đàm phán của ASEAN với Trung cộng về vấn đề này, bao gồm cả Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông kéo dài hàng thập kỷ”. (8)
Joble nói thêm rằng các rào cản đối với việc hoàn tất bộ quy tắc ứng xử đã gặp phải trong suốt các cuộc đàm phán của ASEAN. Điều này đã thúc đẩy một số quốc gia có yêu sách kiểm soát các thực thể đang tranh chấp, mặc dù vi phạm luật pháp quốc tế đã được thiết lập, hy vọng rằng những diễn biến như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử.
Campuchia – Quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Trung cộng, luôn tìm cách làm hài lòng Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Campuchia cũng như Lào, đều cảm thấy không có lợi ích gì ở Biển Đông so với các lợi ích mà Trung cộng mang lại cho họ.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người đã phản đối áp lực phải đứng về một bên trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trong khu vực, gần đây cũng cho biết: “Chúng tôi không có vấn đề gì với Trung cộng” (9). Malaysia dưới thời của Anwar đang lựa chọn lợi ích kinh tế nên muốn kết thân với Trung cộng, cho nên họ đã luôn giữ chính sách “ngoại giao im lặng” trong vấn đề Biển Đông.
Tóm lại, tiến trình của COC đã liên tục bị trì hoãn, mặc dù năm ngoái, cả ASEAN và Trung cộng đều hứa hẹn trong 3 năm sẽ ký kết, nhưng chuyện thất hẹn này không phải chỉ đến một lần. Với sự căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng trên Biển Đông vẫn liên tục xảy ra, khó ai có thể tin là COC sẽ có thể kết thúc năm 2026 được.
Hà Lệ Chi
______________
Tham khảo:
- https://www.shine.cn/news/nation/2409155096/
- https://m.nanhai.org.cn/review_c/795.html?fbclid=IwY2xjawFZHo1leHRuA2FlbQIxMAABHdnymZL97M420sA8fiUwSvr_Qt7qfYW4W9xu8dBNeAm_rsKL_Y-XeBJJNA_aem_TZGTvHs_-znWOiVyYKruMg
- https://politicstoday.org/indonesia-south-china-sea-code-of-conduct/
- https://apnews.com/article/asean-australia-singapore-china-sea-code-conduct-435007827e2195611d8a3c41f8d1ae4f
- https://www.france24.com/en/live-news/20240912-china-will-crush-foreign-encroachment-in-south-china-sea-military-official
- https://www.reuters.com/world/asia-pacific/Phi Luật Tân-will-push-back-against-china-if-maritime-interests-ignored-marcos-2024-03-04/
- https://www.voanews.com/a/asean-aims-to-conclude-south-china-sea-code-of-conduct-by-2026/7653984.html
- https://www.voanews.com/a/asean-aims-to-conclude-south-china-sea-code-of-conduct-by-2026/7653984.html
- https://www.nst.com.my/news/nation/2024/05/1052511/anwar-malaysia-has-no-issues-china-unaffected-us-pressure
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
RFA (28.09.2024)
Biển Đông: Mỹ và 4 đồng minh ”hoạt động hàng hải chung”, Trung cộng tuần tra gần Scarborough
Trong khi ”hoạt động hàng hải chung” của Phi Luật Tân, Mỹ, Nhật, Úc và New Zealand đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ở Biển Đông, hải quân và không quân của Trung cộng hôm nay 28/09/2024 đã thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Phi Luật Tân.
Chiến dịch tuần tiễu hỗn hợp là hoạt động hợp tác hàng hải đa phương thứ tư từng được tổ chức cho tới thời điểm hiện tại. Các chiến hạm tham gia gồm có BRP Antonio Luna (FF-151), BRP Emilio Jacinto (PS-35), USS Howard (DDG-83), HMAS Sydney (DDG-42), JS Sazanami (DD-113) và HMNZS Aotearoa (A-11). Lực lượng không quân hải quân, gồm có ba trực thăng và một phi cơ tuần tiễu hàng hải P-8A Poseidon thuộc Không Quân Hoàng Gia Úc, cũng tham gia đợt tập trận. Các hoạt động gồm có các cuộc tập trận liên quan tới năng lực cảnh giác hàng hải, tiếp tế trên biển và tường trình liên lạc, được tổ chức gần vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ngoài khơi Luzon.
Các chiến hạm Nhật, New Zealand, Úc, Mỹ cùng tuần tiễu Biển Đông với lực lượng Hải Quân Phi Luật Tân ngày 28 Tháng Chín, 2024 (Hình: Royal Australian Navy)
Theo AFP, Hoa Kỳ ra thông cáo giải thích rằng các cuộc thao dợt hàng hải được thực hiện với các đồng minh thể hiện « cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế vì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Về phía Úc, bộ Quốc Phòng xác nhận rằng tàu khu trục HMAS Sydney và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc tham gia cuộc tập trận nhằm « thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Trong khi đó, theo AFP, các lực lượng hải quân và không quân của Trung cộng hôm nay 28/09/2024 đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough, khu vực mà Trung cộng và Phi Luật Tân tranh chấp chủ quyền và những tháng gần đây đã xảy ra nhiều đụng độ giữa lực lượng tuần duyên, hải cảnh của hai nước. Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung cộng ra thông cáo nhấn mạnh: « Một số quốc gia bên ngoài khu vực đang gây rắc rối ở Biển Đông, tạo ra sự bất ổn trong khu vực », đồng thời tái khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh đối với đảo Hoàng Nham (tên Trung cộng gọi bãi cạn Scarborough) và vùng biển xung quanh ».
Các cuộc tuần tra của hải quân và không quân Trung cộng ở Biển Đông diễn ra vài giờ sau khi ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bàn về cách tránh xung đột trong khu vực này. Theo bộ Ngoại Giao Trung cộng, ông Vương Nghị nói với người đồng cấp Blinken : “Hoa Kỳ không nên luôn gây rắc rối ở Biển Đông và không nên phá hoại nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của các nước trong khu vực”. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết ông đã đề cập đến “những hành động nguy hiểm và gây mất ổn định” của Bắc Kinh ở Biển Đông và thảo luận về việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước.
RFI (28.09.2024)