Seite auswählen

Tôi đã về nhà

Nguyễn Thúy Hạnh

7-10-2024

 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ các tù nhân lương tâm, đã bị bắt giam và phóng thích hôm 7-10-2024, sau 3 năm rưỡi mất tự do. Nguồn ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh

 

Bạn bè thân yêu của tôi!

Tôi đã về nhà trong vòng tay thân ái của bè bạn, người thân. Thật cảm động không lời nào tả xiết.

Thời gian qua, những lúc tăm tối nhất ở trại giam hoặc trong bệnh viện khi đối mặt với căn bệnh tinh thần quái ác, tôi lại nghĩ đến anh chị em, bè bạn, cô bác ở ngoài đang dành hết tình cảm cho tôi, tin tưởng tôi. Và thế là tôi đã đứng dậy bước tiếp. Tình cảm quý giá ấy tôi nguyện mãi để trong tim, coi đó như động lực để tôi tiếp tục sống, và sống có ý nghĩa.

Qua những dòng ngắn ngủi này, bằng tất cả sự chân thành từ trọn vẹn con tim, tôi xin đa tạ tất cả anh chị em, bạn bè đã dành tình cảm, động viên an ủi tôi, đồng hành cùng tôi và gia đình trong chặng đường mấy năm tù đày, bệnh tật vừa qua. Những dòng chữ sơ sài, đơn điệu này không thể truyền tải hết tình cảm thiết tha và sự biết ơn chan chứa trong tâm hồn tôi lúc này cũng như suốt mấy mùa đông qua.

“Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Có đi tù mới hiểu hết ý nghĩa câu nói ấy. Tôi đã về nhà, nhưng còn hàng trăm anh chị em, bạn bè của chúng ta vẫn đang mòn mỏi trong nhà tù. Mong mọi người tiếp tục đồng hành và giúp đỡ các tù nhân lương tâm cùng gia đình của họ để vượt qua chặng đường khắc nghiệt chông gai. Xin đừng bỏ rơi họ, đừng bỏ rơi một người nào.

Cả nhà yêu quý! Căn bệnh ung thư của tôi vẫn chưa chữa chạy được dứt điểm, và tù đày khiến căn bệnh trầm cảm của tôi càng trầm trọng thêm. Ngay từ ngày mai tôi phải đến viện K Tân Triều tiếp tục chữa bệnh, và chạy đi chạy lại giữa hai bệnh viện, K và Tâm thần Hà Nội cách xa nhau. Nên tôi chưa thể gặp gỡ bạn bè để hàn huyên, cúi mong mọi người thông cảm.

Một lần nữa tôi xin cám ơn các bạn bè yêu quý. Xin được ôm thật chặt, thật chặt từng người bạn thân yêu của tôi!

Đón Nguyễn Thúy Hạnh về nhà: Kịch tính như phim

Huỳnh Ngọc Chênh

7-10-2024

Sau 3 năm 6 tháng trong chốn ngục tù khổ ải, cùng với hai căn bệnh hiểm ác, hôm nay ngày 7/10/2024, Nguyễn Thuý Hạnh đã được trở về với gia đình.

Ngày 3/10 tui lái xe từ Đà Nẵng, trưa ngày 4 đến huyện Thường Tín Hà Nội. Tui thuê khách sạn ở gần trại tạm giam số 2 để mật phục chờ đón nàng.

Sáng ngày 5, tui cùng em trai Hạnh vào trại tạm giam thăm Hạnh thì được trả lời, thứ bảy chỉ dành cho tù nhân chưa có án. Tui hỏi, thứ hai ngày 7 Hạnh được mãn hạn tù thì đón Hạnh như thế nào, cán bộ tại đây nói không biết chuyện đó. Tui ra hỏi bộ phận tiếp khách thì được trả lời, 9 giờ sáng ngày 7 đến cổng trại tạm giam đón về mà không cần thủ tục gì cả.

Sáng hôm nay, ngày 7/10, tui và tất cả người thân trong gia đình Hạnh chuẩn bị đến cổng trại tạm giam chờ đón Hạnh, thì bất ngờ vào lúc 7h tui nhận cuộc điện thoại từ số lạ:

– Em đây, Hạnh đây. Anh đang ở đâu?

Tui mừng quá trả lời:

– Anh chuẩn bị trả khách sạn để đến cổng trại tạm giam đón em.

– Ôi, thôi anh khỏi, nói mọi người về đi, em đang trên xe khách từ trại giam ở Thanh Hoá để tự đi về. Xe đưa về đến tận nhà, anh khỏi đón. Điện thoại em mượn của cán bộ trại giam nên không nói được nhiều, bye anh.

Quá sức bất nhân, ngờ đâu ngay sáng thứ bảy, lúc tui và em trai Hạnh đang đứng trong trại tạm giam hỏi han về thủ tục đón Hạnh thì từ trong trại tạm giam một chiếc xe bít bùng chạy ra cổng ngang qua trước mặt chúng tui, trong đó chở một tù nhân duy nhất là Nguyễn Thuý Hạnh, về tận trại giam Thanh Hoá. Họ cố tình đưa Hạnh đi xa hai ngày trước khi trả tự do.

Có lẽ họ e sợ mọi người biết trước nơi Hạnh ra tù sẽ đến chào đón đông đúc. Thật ra gia đình cũng biết trước điều này, sợ họ gây phiền hà lại bí mật chở Hạnh bỏ đâu đó giữa đường (như trường hợp Trương Duy Nhất trước đây) nên hoàn toàn giấu kín bạn bè. Nào ngờ, họ cẩn thận quá mức, đã đưa Hạnh đi từ trước hai ngày. Quá sợ hãi, sợ hãi cả một người tù đã mãn hạn.

Nhân đây, tui cùng gia đình xin lỗi tất cả bạn bè, trong hai tháng qua không trả lời mọi tin nhắn hỏi thăm về Hạnh.

***

9g Hạnh điện về báo đã đến Hà Nội, đang lên xe trung chuyển về nhà. Cả nhà hồi hộp chờ mãi đến chừ là 11g vẫn chưa thấy Hạnh đến nơi. Quá sức kịch tính …

Nhưng dù thế nào thì sau 4 tiếng đồng hồ phập phồng trên xe đò, ngay bây giờ Hạnh cũng đã đến nơi, đang trong vòng tay yêu thương của cả gia đình và bạn bè, và sự bao vây giám sát của mấy cháu an ninh địa phương.

 

“Tội” của Hạnh là yêu thương những hoàn cảnh cơ cực, nhất là những gia đình tù nhân lương tâm nên lập quỹ 50 K quyên tiền cứu giúp những hoàn cảnh ấy.

Nguyễn Thuý Hạnh đã bị xử kín với bản án 3 năm rưỡi tù giam, nay đã mãn hạn tù.

Kế hoạch trước mắt của Hạnh là tiếp tục chữa trị bệnh ung thư, là căn bệnh phát sinh ra vì chế độ ăn uống vô cùng mất vệ sinh trong trại tạm giam, và bệnh trầm cảm đang ngày trở nên nặng hơn vì chế độ khắc nghiệt của nhà tù. Căn bệnh quái ác này đã làm cho Hạnh mấy lần tự tử, nhưng bất thành.

Trong thời gian Hạnh bị đi tù đã có rất nhiều bạn bè, cũng như các cơ quan truyền thông lên tiếng bênh vực, động viên và chia sẻ với Hạnh, cũng như với gia đình.

Hạnh cũng được bạn bè, các tổ chức trong và ngoài nước, các dân biểu, nghị sĩ Mỹ, Canada, EU lên tiếng bênh vực và yêu cầu trả tự do. Nhiều người đã viết kiến nghị và ký đơn kiến nghị gởi lên nhà nước, yêu cầu trả tự do cho Hạnh để chữa bệnh. Cũng vì việc làm này mà những bạn dũng cảm đó ở trong nước đã bị an ninh mời lên làm việc hoặc bị gây phiền nhiễu.

Trong thời gian Hạnh chữa trị bệnh ung thư, nhiều bạn bè cũng đã gởi nhiều quà, thuốc, sữa và các thức ăn bổ dưỡng đến giúp Hạnh.

Qua đây, Nguyễn Thuý Hạnh cùng gia đình gởi đến tất cả các bạn lòng biết ơn sâu sắc từ tận đáy lòng.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh ra tù, tập trung điều trị ung thư

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen) đoàn tụ với người thân và bạn bè sáng nay 7/10

Huỳnh Ngọc Chênh Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen) đoàn tụ với người thân và bạn bè sáng nay 7/10

BBC

Ngày 7/10, nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và gây quỹ từ thiện Nguyễn Thúy Hạnh đã mãn hạn tù. Gia đình bà Hạnh nói thời gian tới, bà sẽ tập trung điều trị bệnh ung thư.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 7/10 rằng vợ ông đã bị xét xử kín vào ngày 31/7/2024 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa này, bà Hạnh bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù giam. Án tù của bà mãn hạn vào ngày 7/10 (cộng cả thời gian giam giữ trước khi kết án).

“Tôi mừng và vui lắm, tôi và Hạnh đã cùng nhau làm cuốn sách Truyện chim, tôi cố gắng in sách để tặng Hạnh ngày trở về,” ông Chênh nói với BBC.

Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh và bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Ông Chênh chia sẻ ông cuốn sách "Truyện chim" là tác phẩm của hai vợ chồng ông, ông in để tặng vợ ngày về

Huỳnh Ngọc Chênh Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh và bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Ông Chênh chia sẻ ông cuốn sách Truyện chim là tác phẩm của hai vợ chồng ông, ông in để tặng vợ trong ngày về.

Vào ngày 7/4/2021, bà Hạnh bị khởi tố, bắt tạm giam ngay trong tuần lễ mà Việt Nam có nội các mới, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính – một cựu trung tướng công an.

Theo gia đình bà Hạnh, việc tạm giam bà Hạnh đã bị quá hạn nhiều lần nhưng Cơ quan An ninh điều tra vẫn không đưa ra kết luận điều tra.

Tháng 4/2022, bà Hạnh bị đưa đi Viện pháp y tâm thần Trung ương để điều trị bắt buộc, sau khi được giám định mắc chứng rối loạn trầm cảm cấp tính.

Tới tháng 1/2023, bà bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 và bị đưa về trại tạm giam vào tháng 3/2023. Thời điểm đó, gia đình bà và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), đã lên tiếng về điều kiện giam giữ tồi tệ.

Ân xá Quốc tế ra thông cáo:

“Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá tải và không đáp ứng được mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị là đích ngắm vì việc làm nhân đạo hỗ trợ những người đi tù oan là một điều oái ăm. Bà lẽ ra nên được tôn vinh và ủng hộ cho việc này – chứ không phải bị trừng phạt.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen, tay cầm hoa) được người thân, bạn bè đón trở về sau khi mãn hạn tù

Huỳnh Ngọc Chênh Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen, ôm hoa) được người thân, bạn bè đón trở về sau khi mãn hạn tù

Trong bài viết vào ngày 7/10 trên Facebook cá nhân, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng vợ ông mắc bệnh là “vì chế độ ăn uống vô cùng mất vệ sinh” trong trại tạm giam. Đồng thời, bệnh trầm cảm của bà Hạnh ngày càng trở nặng vì “chế độ khắc nghiệt của nhà tù”.

Ông Chênh tiết lộ chính căn bệnh này mà vợ ông đã “mấy lần tự tử nhưng bất thành” nên thời gian tới đây, bà Hạnh sẽ tập trung điều trị bệnh.

Một điều đáng chú ý là bà Hạnh bị giam ở Trại tạm giam số 2 (Hà Nội) nhưng trước khi được thả vài ngày, bà được chở sang một trại giam ở Thanh Hóa. Vì lẽ này mà nhiều người thân của bà Hạnh sáng nay đến Trại tạm giam số 2 đã không đón được bà.

“Có lẽ họ e sợ mọi người biết trước nơi Hạnh ra tù sẽ đến chào đón đông đúc. Thật ra gia đình cũng biết trước điều này, sợ họ gây phiền hà lại bí mật chở Hạnh bỏ đâu đó giữa đường nên hoàn toàn giấu kín bạn bè. Nào ngờ họ cẩn thận quá mức đã đưa Hạnh đi từ trước hai ngày. Quá sợ hãi, sợ hãi cả một người tù đã mãn hạn,” ông Chênh viết trên Facebook.

Trong buổi sáng 7/10, đón bà Nguyễn Thúy Hạnh mãn hạn tù còn có bà Bùi Thiện Căn – mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, và bà Thu Đỗ – vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương.

Bà Thu Đỗ nói với BBC rằng bà nhận được tin vào ngày hôm qua và cùng những người thân quen sắp xếp để đón bà Hạnh về sau khi bị giam hơn ba năm rưỡi.

“Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi khi cô Hạnh được trở về nhà. Dù cô đang bệnh nhưng sáng nay trông thần sắc cô rất vui vẻ, lạc quan. Tôi cùng mọi người có mặt cũng là để thăm hỏi, động viên và chia sẻ với cô cùng gia đình.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen) nói chuyện cùng mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang - bà Bùi Thị Thiện Căn (áo tím)

Huỳnh Ngọc Chênh Bà Nguyễn Thúy Hạnh (áo đen) nói chuyện cùng mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang – bà Bùi Thị Thiện Căn (áo tím).

Bà Nguyễn Thúy Hạnh sinh năm 1963, là một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Bà là người sáng lập và điều hành Quỹ 50K – với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội. Sau đó, quỹ này tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Quỹ 50K của bà Hạnh được nhận Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2019.

Năm 2016, bà Hạnh từng ra ứng cử với tư cách ứng viên độc lập cho ghế đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Vào tháng 1/2020, bà Hạnh còn gây chú ý khi dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình – người được cho là có uy tín và sức ảnh hưởng đối với người dân Đồng Tâm và thiệt mạng trong vụ bố ráp của chính quyền rạng sáng ngày 9/1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tài khoản ngân hàng bà Hạnh sau đó bị Vietcombank phong tỏa số tiền hơn 500 triệu đồng phúng điếu dành cho ông Kình.

Bộ Công an sau đã đó ra thông cáo rằng tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh bị phong tỏa để điều tra và ngăn chặn hành vi mà phía công an gọi là “tài trợ khủng bố”, dù trong vụ án Đồng Tâm, những người liên quan bị khởi tố các tội danh gồm “giết người”, “chống người thi hành công vụ” chứ không phải tội “khủng bố”.

Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhưng lại không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng của quốc tế về nhân quyền.

Báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) xuất bản vào tháng 1/2024 và báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc ra mắt ba tháng sau đó đã đánh giá tiêu cực về bức tranh nhân quyền Việt Nam năm 2023.

“Ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo vẫn bị giam giữ vì thực thi một cách ôn hòa các quyền cơ bản của họ về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ. Nhiều người đã bị giam giữ và kết án tù dài hạn theo những quy định mơ hồ của Bộ luật Hình sự,” báo cáo của Liên Hợp Quốc viết.

Tôi sẽ về nơi ấy

 

 

Nguyễn Thúy Hạnh

13-10-2024

Cả nhà yêu quý!

Tôi viết những dòng cảm xúc này vào một đêm đen trong những phút lặng tạm thời giữa những cơn stress kinh hoàng liên tiếp ập đến, nằm co ro trong manh chiếu lệch trên sàn xi măng, giữa bốn bức tường lạnh lẽo của nhà tù. Nên cảm xúc của tôi có phần tiêu cực. Mong mọi người đọc với sự cảm thông.

“Con cò cõng nắng sang sông

Rủ mây với gió trên đồng tìm tôi…”.

Tìm tôi? Vâng, tìm tôi nhé, tôi ở đây, với nắng gió và bờ bãi sông Hồng, con sông thắm đỏ phù sa bồi đắp và tưới tiêu cho cả vùng châu thổ trù phú. Con sông gắn với buổi cạn năm của đời tôi.

Định mệnh đã gọi tên tôi bằng căn bệnh ung thư quái ác. Tôi bình thản đón nhận, không suy sụp, sợ hãi, không tuyệt vọng, không than thân trách phận. Sinh- lão- bệnh- tử là quy luật của muôn đời, người ta ai rồi cũng phải trải qua. Tôi ra đi ở tuổi này còn may mắn hơn nhiều người ra đi tuổi 20, 30, 40. Cha mẹ già đều đã khuất núi, còn các con tôi thì đã trưởng thành. Và tôi đã chọn chỗ cho mình, bờ bãi và sóng nước sông Hồng trước cửa nhà tôi.

Khi bệnh nặng, tôi không muốn mọi người đến thăm nên sẽ không thông báo với ai. Bởi tôi tham lam muốn đọng lại trong tâm trí mọi người một Nguyễn Thuý Hạnh tươi cười rạng rỡ, chứ không phải một tôi héo hon tiều tuỵ trên giường bệnh. Càng không muốn mọi người thấy một tôi cứng đờ xám xịt trong cái quan tài. Nên cũng sẽ không có tang lễ nào cả. Những người ruột thịt sẽ lặng lẽ mang tro bụi của tôi rắc trên sông Hồng cùng với những cánh hoa hồng trắng và đỏ. Tôi sẽ không lãng phí một mét đất nào của người sống để làm mộ cho mình.

Khi nào không thấy tôi xuất hiện trên Facebook, mọi người hãy hiểu rằng tôi đã về với bờ bãi sóng nước sông Hồng.

Sông Hồng đoạn chảy qua nhà tôi thì chia thành hai nhánh, ôm trọn bãi bồi rộng mênh mông và bốn mùa xanh mướt rau, hoa, cây trái, gọi là Bãi Giữa. Cũng ở đoạn đó, sông Hồng vặn mình tách một phần da thịt, tạo nên con sông Đuống chảy xuôi về kinh bắc.

Nhánh sông phía nhà tôi hầu như cạn. Tôi thường đạp xe len lỏi qua những luống rau, bụi cây, những túp lều tạm của người trồng rau trông coi hoa màu, men theo rặng xoan, để ra dòng chính của con sông mé bên kia bãi giữa.

Lội xuống mép nước, tôi lắng nghe tiếng ca nô đều đều từ đằng xa vọng lại, như nhịp đập con tim sông Hồng, và lặng nhìn những chiếc xà lan chậm rãi, khoan nhặt ra vào cửa sông Đuống.

Những trưa, tôi đạp xe theo triền đê, qua thung lũng hoa, ra bãi đá ven sông, ngồi ngắm những cặp đôi chụp ảnh cưới, tâm hồn thấy vui lây.

Những đêm vật vã với chứng mất ngủ, tôi lên sân thượng than thở cùng sông Hồng, đợi sáng.

Chiều chiều tôi đứng trên sân thượng nhìn ra sông và Bãi Giữa, lòng dạt dào cảm xúc.

Khi vui:

Xôn xao con sóng đỏ

Vỗ dào dạt chân đê

Cánh buồm nâu hớn hở

Thênh thang chở nắng về

***

Gửi về anh dòng sông hạ mến thương

Nước thượng nguồn về dâng lên ngập bãi

Những con thuyền chở đầy khoang miết mải

Gió mênh mang dào dạt gọi sóng về.

Khi buồn:

Sông chảy về đâu sóng về đâu

Có hay nước cạn dưới chân cầu

Có nghe da diết hồi chuông thảm

Và chiếc xe tang trắng một mầu

***

Sang ngang lỡ một nhịp cầu

Ta về với ngọn cỏ lau thầm thì

Cái sầu là cái sầu chi

Giữ thì không đặng cho đi không đành

***

Run rẩy cành khô sóng u hoài

Quầng mây buông mỏi chút sương phai

Thoảng nghe trong gió chiều đông lạnh

Khúc buồn năm cạn tháng Mười Hai.

Khi nhớ nhung tha thiết:

“Gọi đò chẳng thấy đò đâu

Đợi người tím cả sông sâu những chiều”.

***

“Nếu anh về nhớ ghé lại sông xưa

Cầu đã xây đâu còn ai qua bến

Những con đò nằm im nghe sóng đếm

Mái chèo buông lặng lẽ đợi chờ anh”.

Khi hanh hao hoài vọng:

“Miên man con sóng hồng

Tiễn thu về xa tắp

Giấc mơ nào chìm khuất

Kỷ niệm vào rêu phong”

***

“Dòng sông tháng Mười chảy về miền xa tắp

Cánh đồng quê xao xác ánh trăng ngà

Những luống cày khoác lưng nhau vào ải

Lỗi mùa rồi cải bật khóc thành hoa”.

Khi trống vắng, chênh vênh:

“Ngày mai tôi trở lại bến phà

Bán mớ bòng bong ở chợ xa

Mơ đến một ngày người ấy lại

Vương cái tơ lòng đón tôi qua”.

***

“Nhạt nắng bên cồn nhạt gió phiêu

Hỏi sông đong nước được bao nhiêu

Mà sao bờ bãi chơ vơ thế

Mà sóng buồn tênh vỗ nhạt chiều”.

Khi mơ mộng ngất ngây:

“Gió ru con sóng xô bờ

Tôi ru tôi trắng sững sờ hoạ mi”.

***

“Tìm tôi con nắng vỡ đôi

Tiễn tôi cái gió bời bời heo may”.

***

“Dừng lại lát thôi cánh nhạn bay

Cho ta gửi với chút mơ này

Về nơi nao ấy không ngày tháng

Phiêu lãng hồn ta với gió mây”.

Tôi luôn mong muốn, khát khao được sống có ý nghĩa, sống có ích không chỉ cho cá nhân mình, cho nồi cơm nhà mình. Suốt quãng đời lao động sung sức nhất tôi đã luôn nhận phần thiệt về mình, bỏ cả tiền túi, từ chối nhận lương, bỏ cả việc nhà để cháy hết mình, để xả thân hết mình cho việc công. Bởi công việc của tôi liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài đang bên bờ vực phá sản ở Việt Nam, và đời sống của những người nông dân nghèo miền núi. Thành công rực rỡ hôm nay của doanh nghiệp cũng như của người nông dân nơi ấy, có phần đóng góp không nhỏ của tôi, cũng đồng thời với căn bệnh stress và trầm cảm mà tôi phải mang đến tận bây giờ, do suốt quãng thời gian dài làm việc quá căng thẳng, áp lực, phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt.

Nhưng ông Trời đã bù đắp cho tôi. Tôi kinh doanh tay ngang rất “a ma tơ”, mà lại luôn thành công vượt cả mong đợi. Bởi vậy tôi không phải túng thiếu về tiền bạc.

Cả đời tôi không đố kỵ, không thù ghét ai, càng không biết trả thù. Trái tim tôi lạ lắm, cứ dào dạt thương quý tất cả mọi người, sẵn sàng giúp đỡ cả những người đã làm hại tôi. Bạn tôi bảo đó cũng là một chứng bệnh của tim, và rằng như thế là người không sâu sắc, không có chính kiến. Tôi đồng ý, nhưng không sửa được.

Tôi sống lập dị, cho đi bao nhiêu cũng không tiếc, còn với bản thân thì lại dè sẻn. Nhưng đổi lại, tôi thấy hạnh phúc khi mang được niềm vui đến cho ai đó.

Khiếm khuyết lớn nhất của tôi là cả tin, cả nể, và dễ mủi lòng. Vì thế tôi không ít lần bị lợi dụng, bị lừa gạt. Có người còn chiếm dụng của tôi số tiền trị giá bằng vài căn nhà Hà Nội thời đó, và cho đến nay vẫn không trả cho tôi một đồng nào. Tôi không muốn họ phải vào tù nên vẫn nương tay cho đến bây giờ.

Khiếm khuyết nữa của tôi là không khôn khéo, nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy, nói năng cẩu thả, nên nhiều khi tự làm mất cả lòng tốt của mình.

Từ khi trở thành người bất đồng chính kiến tôi phải chịu mọi sự trừng phạt từ nhà cầm quyền: Vu khống, bôi nhọ, đàn áp, đánh đập, khủng bố, giam lỏng, và tù đày. Nhưng tôi không hối tiếc, tôi tự hào về những gì tôi và các bạn tôi đã làm.

So sánh giữa “được” và “mất” thì đời tôi cái “được” vẫn nhiều hơn. Và điều mãn nguyện nhất của tôi là được mọi người quý mến và tin cậy. Tôi biết ơn mọi người, biết ơn cuộc đời nhiều lắm!

***

“Từ sương khói mênh mang

Khúc nhạc đời dìu dặt

Nghe như trong lòng đất

Hạt cựa mình xốn xang”.

Còn một phần ngàn của tia hi vọng là còn tương lai, mà tôi thì còn nhiều tia hi vọng lắm. Tôi tin rằng tôi sẽ khỏi bệnh. Nhưng nếu phải ra đi thì tôi sẽ về nơi ấy. Và từ nơi ấy tôi sẽ hồi sinh, lại vẫn làm Nguyễn Thuý Hạnh, luôn tươi cười rạng rỡ.

Trại giam số 2, đêm 27/8/2024