Seite auswählen

Han Kang đoạt giải Nobel văn chương

Alex Marshall  Alexandra Alter, 10/10/2024, The New York Times

Văn Việt dịch

Nhà văn người Hàn Quốc, nổi tiếng nhất với tác phẩm “Người ăn chay” (The Vegetarian), là nhà văn đầu tiên của đất nước mình nhận được giải thưởng danh giá này.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-22.png

Han Kang ở Gwancheon, Hàn Quốc, 2016. Ảnh: Jean Chung gửi The New York Times

Han Kang [đọc theo Hán Việt là Hán Giang, đồng âm với tên con sông chảy qua Seoul – Văn Việt], tác giả Hàn Quốc nổi tiếng nhất với tiểu thuyết siêu thực, mang tính lật đổ Người ăn chay, đã được trao giải Nobel Văn chương vào thứ Năm – bà là nhà văn đầu tiên của đất nước mình nhận được giải thưởng lớn này.

Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi tổ chức giải thưởng, cho biết trong cuộc họp báo tại Stockholm rằng bà được vinh danh “vì văn xuôi mãnh liệt giàu chất thơ của bà đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời người”.

Người ăn chay, xuất bản ở Hàn Quốc năm 2007, đã thắng giải Booker Quốc tế 2016 sau khi được dịch sang tiếng Anh. Tiểu thuyết tập trung vào một người nội trợ trầm cảm gây sốc cho gia đình khi ngừng ăn thịt; sau đó, cô ngừng ăn hoàn toàn và khao khát biến thành một cái cây có thể sống bằng ánh sáng mặt trời. Porochista Khakpour, trong bài đánh giá về Người ăn chay đăng trên The New York Times, cho biết Han “xứng đáng được tôn vinh là người có tầm nhìn ở Hàn Quốc”.

Giải Nobel trao cho Han là một bất ngờ. Trước khi công bố giải, ứng cử viên được các nhà cá cược yêu thích nhất cho giải thưởng năm nay là Tàn Tuyết, nhà văn Trung Quốc tiên phong với những tiểu thuyết phá vỡ mọi khuôn khổ.

Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cho biết trong tuyên bố vào thứ Năm rằng, Han, trong tác phẩm của mình, “có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa người sống và người chết, và trong phong cách thi ca và thể nghiệm của mình, đã trở thành nhà cải cách cho văn xuôi đương đại”.

Han, 53 tuổi, sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Cha bà cũng là một tiểu thuyết gia, nhưng ít thành công hơn nhiều. Gia đình bà gặp khó khăn về tài chính và thường xuyên phải chuyển nhà. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với The Times, Han cho biết quá trình lớn lên tạm bợ như thế “là quá sức đối với một đứa trẻ, nhưng tôi vẫn ổn vì xung quanh tôi toàn là sách”.

Khi Han lên 9, gia đình chuyển đến Seoul chỉ vài tháng trước cuộc nổi dậy ở Gwangju, khi quân đội chính phủ nổ súng vào đám đông người biểu tình ủng hộ dân chủ, giết chết hàng trăm người. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Han cho biết sự kiện này đã định hình quan điểm của bà về khả năng bạo lực của con người, và bóng ma của nó đã ám ảnh trên những trang văn. Ví dụ, trong tiểu thuyết “Bản chất của người” (Human Acts) xuất bản 2014, một nhà văn quan sát một cuộc đột kích của cảnh sát vào một nhóm nhà hoạt động.

Bà học văn học tại Đại học Yonsei Hàn Quốc và những tác phẩm xuất bản đầu tiên của bà là thơ. Tiểu thuyết đầu tay, “Nai đen” (Black Deer), ra mắt năm 1998, là một câu chuyện bí ẩn về một người phụ nữ mất tích. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016, Han cho biết vào khoảng thời gian đó, bà đã phát triển ý tưởng cho truyện ngắn về một người phụ nữ trở thành cây, sau này bà phát triển thành Người ăn chay.

Mặc dù còn khá trẻ đối với người đoạt giải Nobel, Han lớn tuổi hơn nhiều so với Rudyard Kipling khi ông nhận giải thưởng năm 1907, ở tuổi 41.

Bà là tác giả của tám tiểu thuyết, cũng như một số truyện vừa, tiểu luận và truyện ngắn. Những tiểu thuyết khác của bà còn có “Trắng” (The White Book) [nhan đề trong nguyên bản tiếng Hàn chỉ một chữ Trắng – Văn Việt], cũng được đề cử giải thưởng Booker Quốc tế, và “Những bài học tiếng Hy Lạp” (Greek Lessons), được xuất bản bằng tiếng Anh năm 2023.

Trong “Những bài học tiếng Hy Lạp, một người phụ nữ mất khả năng nói và cố gắng khôi phục nó bằng cách học tiếng Hy Lạp cổ. Idra Novey, trong bài đánh giá trên tờ The Times, đã gọi cuốn tiểu thuyết này là “sự ca ngợi niềm tin không thể diễn tả được khi chia sẻ ngôn ngữ”.

Ankhi Mukherjee, giáo sư văn học tại Đại học Oxford, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, bà đã giảng dạy tác phẩm của Han “năm này qua năm khác” trong gần hai thập kỷ. “Tác phẩm của bà ấy luôn mang tính chính trị – cho dù đó là chính trị về thân thể, về giới, về những người đấu tranh chống lại nhà nước – nhưng nó không bao giờ buông bỏ trí tưởng tượng văn chương”, Mukherjee nói thêm: “Không bao giờ làm ra vẻ mộ đạo, mà rất vui tươi, hài hước và siêu thực”.

Giải Nobel là giải thưởng hàng đầu về văn học và đoạt được giải thưởng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ hay nhà viết kịch. Những người đoạt giải trước đây bao gồm Toni Morrison, Harold Pinter và, vào năm 2016, là Bob Dylan. Cùng với danh tiếng và sự gia tăng doanh số bán sách đáng kể, người đoạt giải nhận được 11 triệu kronor Thụy Điển, tương đương khoảng một triệu đô la Mỹ.

Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm đã cố gắng tăng tính đa dạng của các tác giả được xem xét trao giải, sau khi phải đối mặt với những chỉ trích về số lượng thấp các nhà văn nữ hoặc các nhà văn bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ đoạt giải.

Từ năm 2020, Viện Hàn lâm đã trao giải thưởng cho một nhà văn da màu – Abdulrazak Gurnah, người Tanzania với những tiểu thuyết mổ xẻ di sản của chủ nghĩa thực dân – cũng như hai nhà văn nữ: Louise Glück, nhà thơ người Mỹ, và Annie Ernaux, nhà văn người Pháp với các tác phẩm tự truyện.

Người đoạt giải năm ngoái là Jon Fosse, nhà văn và nhà viết kịch người Na Uy, có tiểu thuyết được kể bằng những câu văn dài, thường mang âm hưởng tôn giáo.

Alex Marshall là một phóng viên của Times chuyên về văn hóa châu Âu. Anh sống tại Luân Đôn.

Alexandra Alter viết về sách, xuất bản và thế giới văn học cho The Times.

Bài báo được cập nhật lúc 8:58 a.m. ET

Thơ Han Kang

 

Hiền Trang dịch

 Văn Việt 

Vậy là danh hiệu “nữ nhà văn châu Á đầu tiên giành giải Nobel” đã có chủ. Nếu có gì tôi tiếc nuối thì đó là, việc Han Kang được trao giải có lẽ cũng đồng nghĩa với việc các nhà văn nữ châu Á khác mà chúng ta vẫn nhắc nhiều mỗi mùa Nobel như Tàn Tuyết hay Yoko Tawada sẽ khó có cơ hội được vinh danh. Vì cũng như cuộc thi hoa hậu thôi, còn bao nhiêu hạng mục, trao cho cô da trắng rồi, da nâu rồi, da đen rồi, da vàng rồi, vẫn chưa xong, bao nhiêu vùng lãnh thổ khác cũng đang đợi công bằng mà.

Nhưng thôi, ai được chả được, quan trọng có Nobel thì hằng năm cả văn đàn đều có dịp chạy ra xem náo nhiệt. Xin dịch mấy bài thơ của Han Kang, gọi là góp vui. Tôi tra thấy bà có một tập thơ nghe tên rất hay “Tôi cất buổi tối vào ngăn kéo”. Văn chương bà cũng thơ. Thế thì thơ hẳn phải hay.

 

1.

Mark Rothko và tôi – Cái chết tháng Hai

 

Chẳng có gì để tuyên bố trước,

không có mối quan hệ nào giữa Mark Rothko và tôi.

 

Ông sinh ngày 25 tháng 9 năm 1903,

chết ngày 25 tháng 2 năm 1970.

Tôi sinh ngày 27 tháng 11 năm 1970

và tôi vẫn sống nhăn.

Chỉ là đôi khi tôi nghĩ về 9 tháng

cách ngăn giữa ngày tôi sinh và ngày ông lìa trần.

 

Chỉ vài ngày sau

cái buổi tinh mơ khi ông r//ạch cả hai cổ tay

trong căn bếp nối liền studio

thì cha mẹ tôi hợp thể

và rồi chẳng bao lâu một vụn sống

hẳn đã cư lưu bên trong tử cung ấm áp.

Trong khi đó nơi nghĩa trang New York cuối đông

cơ thể ông hẳn còn chưa rã nát.

 

Đó chẳng phải điều gì tuyệt vời,

chỉ cô đơn thôi.

Tôi hẳn đã trú chân như một hạt bụi

mà tim còn chưa đập,

không hay gì về chữ,

không hay gì về sáng,

không hay gì về lệ,

nằm bên trong một tử cung hồng.

 

Giữa chết và sống,

một tháng Hai như vách ngăn

cam chịu,

cam chịu,

đến khi lành lặn,

 

Dưới lòng đất đương tan còn giá băng hơn nữa

hẳn bàn tay ông, lúc đó, đang hư tàn.

 

 

2.

Mark Rothko và tôi 2

 

Nếu tách đôi hồn người

và xem ẩn gì trong đó, nó sẽ là thế này thôi.

Cho nên

đây là mùi máu huyết.

Bên trong lớp sơn lan muôn đời

không quét cọ, quét bằng bọt biển,

đỏ lặng lờ,

huyết hồn mùi của nó.

 

Nó dừng như vậy.

Hồi ức,

Điềm báo,

một chiếc la bàn,

và sự thật

rằng tôi chính là tôi

 

Một thứ gì đó rỉ ra,

Một thứ gì đó lan xa,

 

như sóng triều hữu hình,

nhập thành mạch tôi,

máu huyết người.

 

Giữa bóng đêm

và ánh sáng.

 

Đêm thăm thẳm

không vẳng thanh âm,

hay tia nắng,

một đêm trường tồn,

nằm cạnh tinh vân

nổ bùng từ thiên niên kỷ trước.

 

Có gì đó thấm lên

Có gì đó lan ra

Có gì đó trỗi dậy ngậm đêm máu me

trong miệng

 

như chú chim

vừa can qua đám mây

phát ra sấm sét

 

Nhập vào mao mạch tôi

huyết hồn người

 

 

3.

 

Một thứ được gọi là tim

 

Tôi nghiền ngẫm một từ bị xoá

 

Một bộ phận của cái nét mờ còn sót lại

Chỗ nơi  hay  gấp khúc,

những ô trống đã rỗng đục

từ trước khi bị xoá,

 

những chỗ ấy tôi thấy mình muốn tiến tới

luồn vai

uốn eo

gập gối

mắt cá chân khép lại,

 

dẫu trái tim đã nhạt

cũng chẳng khiến thứ gì khác nhoà theo

 

một lưỡi dao tẩy chưa kỹ

cắt lìa môi tôi.

 

Kiếm tìm một chỗ tối hơn,

lưỡi tôi rùng mình cuốn lấy