Seite auswählen

„Bất kể bên nào thắng trong kỳ bầu cử này, Hà Nội sẽ tiếp tục trông chờ vào Washington để ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông trong khi tiếp tục tìm cách định vị mình là một cường quốc khu vực theo cách riêng.”“

 

Benjamin Sacks

Nguồn hình ảnh,Getty Images, Cuộc tập trận chung của Mỹ và Phi Luật Tân tại tỉnh Ilocos Norte ven biển của Phi Luật Tân vào tháng 5/2024

 

Về Biển Đông

Biển Đông là tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bằng, xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven bờ, bao gồm Việt Nam.

Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai hay Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền liên quan đến vùng biển này.

Đây là khu vực đang chứng kiến sự leo thang căng thẳng, đặc biệt giữa Trung cộng và Phi Luật Tân.

Mối quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, dù được đánh giá ôn hòa hơn Manila-Bắc Kinh, nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn trong thời gian gần đây.

Đơn cử, cuối tháng 9/2024, lực lượng thực thi pháp luật của Trung cộng trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) “trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.

 

Bình luận về vai trò của vị tổng thống mới của Mỹ đến thế cục Biển Đông, Tiến sĩ Benjamin Sacks chuyên về địa chính trị từ Rand Corporation trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/10:

 

“Bất kể Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền, Biển Đông vẫn sẽ là một trong những mặt trận ưu tiên của chính phủ Mỹ, và họ sẽ tập trung giảm thiểu căng thẳng ở đây. Cả chính quyền hiện tại lẫn chính quyền trước đó đã tuyên bố rằng họ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân và các đồng minh và đối tác ven biển khác khỏi các hoạt động hàng hải hung hăng, bất hợp pháp của Trung cộng.”

 

“Nhưng đó là ‘một trong những’ chứ không phải sự ưu tiên duy nhất,” ông lưu ý.

 

Điều đáng bàn ở đây, theo ông Sacks, là chính quyền ông Trump và chính quyền bà Harris sẽ có cách tiếp cận tình hình ở khu vực này ra sao.

 

“Tôi nghĩ bà Harris, nếu được bầu làm tổng thống người Mỹ gốc Á đầu tiên của Mỹ (mẹ bà Harris là người Ấn Độ), sẽ tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận đa phương, đồng thời tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á và gây sức ép buộc Trung cộng phải đàm phán đa phương với họ.

 

“Còn quá sớm để nói liệu Harris sẽ theo đuổi cách tiếp cận ‘mạnh hơn’ hay ‘yếu hơn’ so với ông Biden. Trong các bài phát biểu trước công chúng, Harris đã nhắc lại cam kết của Biden trong việc thực thi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bảo vệ lợi ích của tất cả các quốc gia ở Biển Đông để đối đầu với cái gọi là “đường 10 đoạn” của Trung cộng.

“Bà cũng cam kết duy trì sự hiện diện đáng kể của Mỹ trong khu vực thông qua các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) cũng như luân phiên các lực lượng vũ trang của Mỹ ở Phi Luật Tân.”

 

Ông Sacks đánh giá chính quyền bà Harris có thể giúp tiến triển Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng vốn dây dưa không hồi kết hơn 10 năm nay.

 

“Nếu ông Trump thắng cử, một mặt, tôi nghĩ sẽ có sự tiếp tục chính sách đã có dưới chính quyền Trump đầu tiên và chính quyền Biden hiện nay: tiếp tục nỗ lực ngăn chặn một Trung cộng hung hăng tích cực tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ hiện có ở Biển Đông.

“Việc Trung cộng tuyên bố chủ quyền để kiểm soát tuyến thương mại khổng lồ, giao thông hàng hải và nguồn tài nguyên đánh bắt cá và hydrocarbon khổng lồ đều vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).”

 

Nhưng mặt khác, theo Tiến sĩ Benjamin Sacks, chính quyền Trump đầu tiên nhìn chung phản ánh mô hình “nước Mỹ trên hết” của ông.

Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa cô lập của Mỹ; một xu hướng ủng hộ các cuộc đàm phán song phương trực tiếp, có tính chất giao dịch với các đối thủ (điều mà Bắc Kinh cũng thích) hơn là ngoại giao đa phương (bao gồm ưu tiên các nỗ lực phát triển mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình); một niềm tin rằng Washington đang hỗ trợ quá mức cho các đồng minh và đối tác truyền thống và các tổ chức như NATO; cùng với các quyết định, hành động không chắc chắn và/hoặc bất ngờ.

 

“Đối với Biển Đông, tôi nghĩ chính quyền Trump thứ hai sẽ tiếp tục các hoạt động này: tìm cách răn đe Trung cộng, đồng thời đàm phán một số loại ‘thỏa thuận’ giao dịch có thể tác động đến các quốc gia Biển Đông khác (và xa hơn nữa) theo những cách không rõ ràng.

“Ông ấy có thể muốn rút lực lượng vũ trang Mỹ khỏi khu vực càng sớm càng tốt. Cách tiếp cận này sẽ phản ánh lợi ích của nhóm ủng hộ trong nước của Trump.”

 

Một chính quyền thứ hai của ông Trump có thể khiến các quan chức Phi Luật Tân vốn có niềm tin vào sự hỗ trợ an ninh lâu dài của Mỹ cảm thấy bất an, theo Tiến sĩ Sacks.

Nguồn hình ảnh,Getty Images, Lực lượng cảnh sát biển Phi Luật Tân và Việt Nam thực hiện huấn luyện chung trên Biển Đông vào tháng 8/2024

 

Đồng tình với Tiến sĩ Benjamin Sacks, Tiến sĩ Satoru Nagao nhận xét các nước đi của chính quyền ông Trump là “khó lường”. Đó chính là điều mà ông Nagao cho rằng sẽ kiềm chế các động thái táo bạo của Trung cộng.

 

Ông dẫn chứng không chỉ Trung cộng mà còn các đối thủ khác đã leo thang các hoạt động của mình trong thời gian Đảng Dân chủ nắm quyền ở Mỹ.

 

Năm 2014, khi ông Barack Obama đương nhiệm, Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Nga sáp nhập Crimea. Khi ông Biden nắm quyền, Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và Hamas khơi màn chiến sự ở Gaza bằng cách tấn công Israel. Trung cộng, trong thời gian ông Biden làm tổng thống Mỹ, cũng hung hăng hơn đối với Đài Loan và Phi Luật Tân.

 

“Nhưng dưới thời chính quyền Trump từ năm 2016-2020, Trung cộng đã ‘dịu’ lại. Có hai lý do khiến các hoạt động của Trung cộng không quá hung hãn. Thứ nhất, Trung cộng sợ sự khó lường của Trump. Thứ hai, đảng Cộng hòa có nhiều chuyên gia quân sự,” ông Nagao nói.

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, lập luận “đã không có cuộc chiến mới nào xảy dưới thời Trump” được Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ vị cựu tổng thống sử dụng.

 

Nhưng ông Nagao cũng thừa nhận sự “khó lường” của ông Trump có thể phần nào gây khó cho cả đồng minh, đối tác của Mỹ:

 

“Nếu tân tổng thống là Trump, ông sẽ tìm kiếm một chiến lược chống Trung cộng đơn giản dựa trên quân sự và kinh tế. Chính quyền của ông sẽ tìm kiếm sự hợp tác quốc phòng dựa trên ‘thỏa thuận’ song phương. Ông có thể sẽ yêu cầu các đồng minh và đối tác chi nhiều ngân sách quốc phòng hơn và chia sẻ gánh nặng an ninh.”

 

Điều này có nghĩa là ông sẽ yêu cầu Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan mua nhiều vũ khí do Mỹ sản xuất hơn.

 

“Nhưng dù sao đi nữa, ưu tiên của cả chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều như nhau. Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung cộng là ưu tiên. Điều này có nghĩa là cả hai chính quyền sẽ không bỏ rơi Phi Luật Tân, Việt Nam và đặc biệt là Đài Loan, những nơi có vị trí tốt nhất để tấn công và đe dọa các thành phố ven biển của Trung cộng,” Tiến sĩ Nagao kết luận.

 

Đối với riêng Việt Nam, nhà nghiên cứu Benjamin Sacks nhận định Hà Nội có thể sẽ tiếp tục thận trọng điều hướng giữa Trung cộng và Mỹ, cả hai nước mà Việt Nam có lịch sử phức tạp và đang tìm cách hợp tác để tăng cường phát triển kinh tế xã hội và địa chính trị của riêng mình.

 

Với những kinh nghiệm của Việt Nam trong cả chính quyền ông Trump lẫn ông Biden, Việt Nam có thể thích một chính quyền bà Harris hơn, theo quan sát của ông Sacks.

 

“Dưới thời Trump, quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ kinh tế, đã suy giảm do chính quyền của ông nhận thức rằng Hà Nội đang tìm cách phá hoại quan hệ thương mại theo hướng có lợi cho mình.

“Ngược lại, Biden đã đảo ngược nhiều chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm trực tiếp và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Bất kể bên nào thắng trong kỳ bầu cử này, Hà Nội sẽ tiếp tục trông chờ vào Washington để ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông trong khi tiếp tục tìm cách định vị mình là một cường quốc khu vực theo cách riêng.”

 

BBC (02.11.2024)

 

Trích từ : Tân tổng thống Mỹ có làm thay đổi thế cục Biển Đông? (BBC)